Vay nóng Tima

Truyện:Say mộng giang sơn - Hồi 0003

Say mộng giang sơn
Trọn bộ 1220 hồi
Hồi 0003: A Sửu và Nữu Nữu
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-1220)

Siêu sale Shopee

Mùa đông năm đó mẹ của Nữu Nữu mắc bệnh. Những lần bị bệnh trước đó bà thường gắng gượng vượt qua, nhưng lần này thì không thể, bệnh tình của bà cực kỳ nghiêm trọng. Bà càng ngày càng tiều tụy, đến nỗi không thể nhấc nổi thân đi ăn xin.

Có một hôm, ánh nắng chiếu lên thân xác ốm o gầy gò của bà đang nằm trong ngôi miếu đổ nát, ánh dương quang vẫn rực rỡ như thường lệ, và cũng như thế sắc mặt bà xám ngắt như cũ.

Nữu Nữu nằm sấp trên người mẹ bất lực khóc, A Sửu ở bên kia nước mắt lưng tròng nhưng nó cố nén không để nước mắt rơi xuống. Từ sau khi ở thôn nhà khóc suốt một buổi chiều, khóc đến nỗi mắt sưng vù, cổ họng đau rát, nó gần như không còn khóc nữa, nước mắt dường như đã bị khô cạn.

Mẹ của Nữu Nữu một tay nắm lấy bàn tay gầy nhỏ bé của con, tay kia kéo A Sửu, ánh mắt bà ẩn chứa bao cảm xúc: bi thương, cam chịu, thê lương, nhung nhớ, quyến luyến và thống khổ, ai trông thấy cũng phải tan nát cõi lòng.

- A Sửu, Nữu Nữu... bác xin nhờ cháu...

Bà biết rõ A Sửu còn nhỏ, cũng rõ tánh khí quật cường một mực nhất định không chịu đi ăn xin của nó, ngay cả nuôi sống bản thân nó còn lo không xong, nhưng bà không còn ai khác để phó thác, những tên ăn mày khác ở trong miếu đều lẩn tránh, nhìn bà chuẩn bị chết với ánh mắt thờ ơ lạnh nhạt, bà tìm không thấy một tí cảm thông hay thương xót nào trong ánh mắt của những tâm hồn chai cứng kia.

- Nữu Nữu con...

Bà bùi ngùi thở dài, bàn tay gầy yếu vô lực đặt trên đầu con nhẹ nhàng vuốt, rồi bà đột ngột ra đi, mắt không kịp nhắm lại, một giọt lệ từ khóe mắt khẽ khàng trượt xuống bên má.

- Mẹ ơi! Mẹ ơi...

Nữu Nữu ôm xác mẹ khóc rống lên.

A Sửu mắt vằn đỏ, đầu óc mụ đi. Nó cắn răng cố không rơi nước mắt, tay nhẹ nhàng vuốt mắt mẹ Nữu Nữu rồi đứng dậy đi ra ngoài.

Nữu Nữu phục trên thân thể mẹ khóc ròng, khóc đến độ không còn sức để khóc thành tiếng, lúc này, A Sửu quay trở lại.

Hình ảnh A Sửu giống như con chó nhỏ bị vùi dập trong vũng bùn, cả người dơ dáy bẩn thỉu vô cùng. Nó uể oải lết về ngôi miêu đổ nát, ngồi xuống bên cạnh Nữu Nữu thở dốc. Sau đó nó lấy ra hơn nửa cái chiếu trúc, đẩy mẹ Nữu Nữu lên chiếu bó chặt lại rồi kéo ra ngoài miếu.

Trên bãi cỏ cạnh bờ sông, có một cái hố do A Sửu cố gắng dùng gậy, dùng tay đào bới.

Người đã chết dù gì cũng phải được chôn cất cho an lành.

Những người thân yêu nhất của nó, cha mẹ, chị đều bị hỏa táng trong biển lửa, thi thể họ chỉ còn là một đống tro tàn. Khi đó nó cũng giống như Nữu Nữu hiện giờ, tràn ngập trong kinh hoàng, không biết làm gì hơn chỉ biết khóc, khi tinh thần tỉnh táo được một chút liền bỏ trốn ra khỏi thôn. Bây giờ nó ít ra còn có khả năng chôn cất mẹ Nữu Nữu cho đàng hoàng, không để cho bà thành cái xác trôi sông.

A Sửu đẩy mẹ Nữu Nữu xuống hố, vùi đất với hai bàn tay rướm máu vì cào bới, sau đó cắm một miếng gỗ nhỏ trước mộ phần làm bia, làm xong nó nằm vật ra, không còn tí sức lực nào để nhấc tay nhấc chân.

Từ đó trở đi, A Sửu và Nữu Nữu sống nương tựa vào nhau như hai anh em.

Cô bé không còn gọi nó là A Sửu mà gọi là anh, còn nó vẫn gọi cô bé là Nữu Nữu.

A Sửu vẫn như cũ đi ăn trộm, vẫn thường bị đánh đập cho nên hai đứa luôn bị đói.

Nữu Nữu được mẹ chăm sóc từ nhỏ nên không rành việc đi ăn xin, thường thường khi cô bé có thể xin được gì thì lại bị đám ăn mày ở địa bàn đó lấy mất, còn không thì xin cũng không đủ để mà ăn. Có một lần cô bé bị chó dữ của một gia đình cắn bị thương nằm liệt mấy ngày liền, A Sửu lại ăn trộm không được gì, cô bé nằm chờ chết vì đói.

A Sửu giống như một con sói tuyệt vọng ngồi bên cạnh Nữu Nữu đang hấp hối, sâu lắng nhìn cô bé. Nữu Nữu không biết anh đang suy nghĩ gì, thật ra cô bé từ trước đến giờ cũng không hiểu anh, cô bé chỉ biết anh thương mình, từ lúc mẹ qua đời anh là người thân duy nhất trên nhân thế.

A Sửu vẫn nhìn cô bé như thế, nhìn hồi lâu liền đứng dậy lấy dây thừng bện bằng rạ bó chặt cái bụng lép kẹp vì đói rồi uể oải bước ra ngoài.

Những tên ăn mày khác ở trong miếu lòng đầy căm phẫn, bọn chúng nói mẹ Nữu Nữu nuôi phải một đứa vô ơn, lúc khó khăn thì bỏ mặc Nữu Nữu tự sanh tự diệt, thế nhưng bọn chúng có chia xẻ cho cô bé một tí thức ăn nào mà bọn chúng xin được đâu.

Nữu Nữu không tin lời bọn chúng, cô bé không tin người đã từng trèo lên cây cao thật cao lấy trứng chim, xuống sông bắt cá bột, dùng cành cây đánh bắt chuồn chuồn cho mình ăn, lại sẽ bỏ rơi mình. Cô bé tin tưởng anh sẽ trở về, có lẽ... anh đang đào phần mộ cho mình giống như anh đã làm để chôn cất mẹ lúc trước.

Cô bé nghĩ, chẳng bao lâu nữa sẽ được nhìn thấy mẹ, trong lòng liền cảm thấy vui sướng thanh thản, nhưng khi nghĩ đến sẽ phải xa anh liền cảm thấy không thoải mái, muộn phiền. Cô bé không biết thế giới của người chết sẽ như thế nào. Theo bản năng, cô bé cảm thấy lưu luyến cuộc sống, đối với cái chết tràn ngập sợ hãi.

Nữu Nữu đợi thật lâu, suy nghĩ thật nhiều, cho đến khi không còn chút hơi sức nào, khi tiếng xỉ vả đầy căm phẫn của những tên ăn mày trong miếu ngừng lại, cô bé thấy anh trở về, dáng đi thật uể oải nhưng hai tay của anh không bị trầy xướt rướm máu, người cũng không lấm bùn đất, tay bưng một cái bình sứt mẻ, trong cái bình đựng nửa bát cháo nóng.

A Sửu đút cho Nữu Nữu ăn từng miếng từng miếng một.

Mạng của hai đứa giống như cỏ dại trên bờ ruộng, cho dù có nhiều người qua lại chà đạp đi nữa, nó vẫn kiên cường sống sót.

Nữu Nữu sống lại.

o0o

Mùa đông năm đó, những chỗ gần đống lửa đều bị đám ăn mày kia chiếm cứ, chỗ của hai đứa ở xa đống lửa nhất, đỉnh đầu chính là lỗ hổng trên nóc miếu, bông tuyết lất phất bay xuống. Hai đứa trên người đắp rơm rạ, ôm nhau thật chặt, dùng hơi ấm thân thể để chống lại cơn giá buốt.

Đông qua xuân tới, A Sửu từ một người cảm thấy khó khăn, ngượng ngùng lắp ba lắp bắp khi đi ăn xin biến thành một tên ăn mày nhỏ rất lanh lợi, rất cừ.

Cái tính khí quật cường ngày xưa thà rằng đi ăn trộm bị bắt bị đánh đập, hiện giờ trở thành một tên ăn mày, có lẽ cái tính khí đó vẫn như trước, có một chút quật cường, một chút kiêu ngạo, một chút kiên định, nhưng vì Nữu Nữu, A Sửu cất giấu tất cả thật sâu tận đáy lòng.

Đang giữa mùa xuân mưa như mắc cửi, giăng mắc một màn võng giữa đất trời.

A Sửu và Nữu Nữu chân trần chạy vui đùa tung tăng trong mưa như đôi cá trong nước.

Giày của hai đứa đã hư nát hết chỗ nói, mẹ Nữu Nữu đã thành một nắm đất vàng, không thể bện giày rơm cho hai đứa nữa.

A Sửu và Nữu Nữu chạy đến dưới một lùm chuối ba tiêu, tán lá chuối dài rộng tạo thành cái ô, tuy nhiên mưa vẫn theo lá cây chảy xuống thành dòng tưới thẳng vào mặt, hai đứa cảm thấy khoan khoái dễ chịu hơn nhiều.

A Sửu lấy từ trong ngực ra một cái bánh bao không nhân giống như lấy ra một bảo bối, có lẽ nó đã bị nước mưa ngấm mềm nát, A Sửu khổ ra mặt. Nữu Nữu khôn khéo vội an ủi anh:

- Anh, không sao đâu, hôm nay ăn dâu chua nhiều quá răng muốn rụng mất, bánh bao không nhân cứng ngắc cắn cũng chẳng mẻ miếng nào.

Cô bé vừa nói vừa ráng nhìn anh nở nụ cười, lộ ra một hàm răng nhỏ xinh đẹp như răng mèo.

A Sửu xoa xoa đầu cô bé, tóc cô bé rối tung như cái tổ chim.

Hai đứa mỗi đứa một nửa cái bánh bao mềm nát, lấy lá chuối non làm chén hứng nước mưa, uống một ngụm nước mưa, cắn một miếng bánh bao lấp đầy cái bụng đói.

Mưa vẫn rơi, mưa như tơ giăng mắc...

o0o

Giữa mùa hè xảy ra một chuyện, vì chuyện này A Sửu và Nữu Nữu quyết định rời khỏi ngôi miếu hoang đổ nát, hai đứa trở thành tứ cố vô thân không nơi trú ngụ.

Vào một đêm hè ánh trăng tròn vằng vặc.

Một loạt tiếng la khóc làm A Sửu bừng tỉnh, nó phát hiện một tên ăn mày đứng tuổi ở chung trong miếu có biệt hiệu Tiểu Lang đang nhào vào người Nữu Nữu, ra sức xé quần áo vốn đã rách bươm của cô bé, miệng hôn loạn xạ khắp người cô bé.

Nữu Nữu còn nhỏ nên không biết tên Tiểu Lang muốn làm gì với mình, có lẽ do trực giác của con gái, cô bé biết mình đang gặp phải một chuyện hết sức đáng sợ, vì vậy cô bé khóc rống lên.

Mấy tên ăn mày khác ở trong miếu hoang cũng bị đánh thức, bọn chúng nhìn chuyện đang xảy ra cho hai đứa với ánh mắt kỳ lạ đầy ám muội, cả đám không một ai lên tiếng ngăn cản, chỉ chực nhìn xem sự việc xảy ra, ánh mắt bọn chúng hau háu, trông rất lạ lẫm, rất đáng sợ.

A Sửu sau khi tỉnh giấc thấy chuyện xảy ra trước mắt, bỗng chốc nó biến thành một con người khác, một con người đã tiềm ẩn rất sâu trong nó, do cừu hận và sỉ nhục giày vò, hun đúc, đó chính là một con dã thú hung dữ giờ phút này bị kích thích bộc phát ra.

Hai con mắt A Sửu đỏ sọc, trán nổi gân xanh, nó phẫn nộ gào rú, phóng lên người tên Tiểu Lang, dùng cả người làm vũ khí cào cấu, cắn xé tên kia.

A Sửu giờ phút này hóa thân thành một con sói thực sự, chớ không phải một con sói nhỏ với biệt hiệu Tiểu Lang.

Tên Tiểu Lang khỏe như vâm chỉ cần hất tay, thân thể yếu ớt của A Sửu sẽ bị ném bay dập vào tường như cục thịt. Nhưng không biết sức lực từ đâu ra, A Sửu liều chết bám dính cứng lấy tên kia, điên cuồng cào cấu cắn xé. Đầu tiên nó cắn đứt nửa cái lỗ tai tên Tiểu Lang, ngay sau đó cắn lên vai tên nọ dứt ra một miếng thịt.

Tên Tiểu Lang đau quá đấm thùm thụp vào người A Sửu. A Sửu phun một búng máu vào mặt tên Tiểu Lang, cậu nhóc có chăng chỉ còn hàm răng sắc bén làm vũ khí. Gã ăn mày kia nhìn thấy ánh mắt tàn khốc như con sói hoang của A Sửu, gã đột nhiên ý thức được thằng nhóc thường ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn đã nổi cơn điên, mạng gã chắc tiêu mất, gã lập tức bỏ chạy, vừa chạy vừa rống lên.

Mặt, mũi, miệng A Sửu đầy máu, mắt sưng vù, cậu bé lết tới bên cạnh Nữu Nữu đang khóc thút thít ôm chặt lấy cô bé.

Từ lỗ hổng trên nóc miếu hoang, ánh trăng sáng tỏ chiếu lên người A Sửu, mặt mày cậu bé đầy máu tươi, ánh mắt dữ tợn liếc qua mặt mấy tên ăn mày còn lại trong miếu, như con sói bị thương bảo vệ chủ quyền của mình nó gằn từng tiếng:

- Ai muốn ăn hiếp con bé, trước hết bước qua xác tao!

Mấy tên ăn mày quay người lại ngủ tiếp, coi như hoàn toàn chưa có chuyện gì xảy ra, trong miếu hoang đổ nát chỉ còn tiếng khóc của Nữu Nữu. A Sửu ôm chặt cô bé, ánh trăng mờ ảo chiếu lên trên người hai đứa, một lúc sau, A Sửu đột nhiên lặng lẽ chảy nước mắt giàn dụa, đây là lần đầu tiên Nữu Nữu thấy anh khóc.

Trong lòng Nữu Nữu bấn loạn sợ hãi, cô bé nghĩ anh chắc đau lắm. Cô bé hiểu chuyện nên ngừng khóc, ghé sát lại gần thổi nhè nhẹ lên cặp mắt sưng vù, bàn tay nhỏ bé gầy khẳng kheo xoa xoa chỗ máu ứ trên má của anh. Cô bé thầm ước anh ngừng khóc, trông thấy anh rơi lệ lòng cô bé quặn thắt, nỗi đau này lấn át cơn sợ hãi.

Nhưng anh càng lúc càng khóc nhiều hơn vì vậy Nữu Nữu cũng khóc theo anh.

A Sửu ôm chặt cô bé nghẹn ngào thốt:

- Nữu Nữu, anh thật sự lo sợ, sợ rằng mình sẽ biến thành một tên ăn mày! Sợ rằng... sẽ có một ngày anh cũng giống như bọn chúng, biết thành một cái xác không hồn, Nữu Nữu, anh thật sự đã trở thành một tên ăn mày!

Nữu Nữu không hiểu anh đang nói gì, anh thường xuyên nói chuyện rất khó hiểu, nhưng cô bé biết anh rất thương mình, từ khi mẹ mất anh chính là người thân duy nhất trên thế gian, có hiểu anh nói gì hay không không quan trọng, quan trọng là anh thương yêu mình, như vậy đủ rồi.

Cô bé ngước khuôn mặt nhỏ nhắn lên nhìn vào đôi mắt đẫm lệ của anh, đôi mắt của anh sao bi thương quá, giống hệt như ánh mắt của mẹ trước khi mất, cam chịu, thê lương, đau khổ, làm người tan nát lòng.

Nữu Nữu rất sợ sẽ mất anh giống như đã mất đi người mẹ hiền, cô bé ôm anh thật chặt, nói:

- Anh muốn làm cái gì thì làm cái đó. Mặc kệ anh làm cái gì, Nữu Nữu sẽ luôn ở bên cạnh anh, cho dù anh là tên ăn trộm hay thằng ăn mày, chỉ cần được ở cùng với anh, tất cả mọi thứ không quan trọng!

A Sửu và Nữu Nữu suốt đêm đó rời khỏi ngôi miếu hoang đổ nát, hai đứa lo sợ tên Tiểu Lang sẽ trở lại, chỉ dựa vào lòng can đảm hai đứa không thể bảo vệ bản thân. Hai đứa sẽ đi ăn xin như trước, bởi vì đây là phương pháp duy nhất để sinh sống, nhưng A Sửu cũng quyết tâm sẽ làm chuyện gì đó, nó phải sống, giống như một người bình thường tiếp tục tồn tại.

Hai đứa bỏ đi, một câu truyện truyền kỳ bắt đầu.

Từ trước đến nay truyện truyền kỳ là do những kỳ tích, kỳ công tạo thành.

Kỳ tích là gì?

Kỳ tích có thể là do người phi phàm làm chuyện phi phàm, cũng có thể là do nhiều điều ngẫu nhiên kết hợp với nhau tạo thành một sự trùng hợp kỳ diệu.

Kỳ tích của A Sửu và Nữu Nữu vừa có sự trùng hợp, cũng có người phi phàm, và những sự việc phi phàm!

Chú thích của tác giả:

Thời kỳ Đường Tống ở Quảng Châu có tuyết rơi.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-1220)


<