← Hồi 304 | Hồi 306 → |
Dù là như thế, Trần Khác nói như vậy vẫn khiến cho quan lại kinh hãi, đây là thế giới quan đã đến hồi sụp đổ.
"Thượng thư" là một quyển sách ghi chép lại văn hiến bốn đời hoàng thất Ngu, Hạ, Thương, Chu, tư liệu ban sơ nhất về tam đại đều xuất xứ từ "Thượng thư". Các đại thần "lời tất xưng tam đại, sự tất phụng Nghiêu Thuấn" (vua Nghiêu và vua Thuấn, sau dùng chỉ thánh nhân) đã thành suy nghĩ bình thường trong tâm lý của bọn họ, bây giờ Trần Khác lại nói "Thượng thư" là sách giả, nói xem các quan lại sao có thể tiếp nhận.
Nếu lúc trước không chứng minh "Kim đằng" là giả thì chỉ e các đại thần đã sớm tấn công nhau rồi, nhưng giờ đây tất cả mọi người đều trầm mặc, nhất định đợi hắn nói ra lý do...
- Ái khanh, quả nhân có nghe lầm hay không vậy?
Triệu Trinh cười nói:
- Ngươi nói "Thượng thư" cũng là do hậu nhân làm giả ư?
- Vâng.
Trần Khác gật đầu, nghiêm mặt nói:
- "Thượng thư" mà bậc chí thánh tiên sư làm đã bị Tần Thủy Hoàng thiêu rụi, sau này bản may mắn còn tồn tại cũng đã bị thất truyền.
Hắn liền đưa ra lý do của mình, nói ra từng chút một...
Thực ra hôm nay Trần Khác dám nói ra nhiều lời làm người ta kinh hãi, đều là do đứng trên vai người khổng lồ hậu thế đã khảo chứng qua "Kim đằng", làm rõ "Thượng thư" thật - giả. Tương tự, trong Ngũ kinh của Nho gia thì "Thượng thư" là không trọn vẹn nhất, vì vậy có nhiều vấn đề nhất. Nó đã bị triều Tần đốt trụi, sau đó thất truyền trong chiến hỏa cuối thời Tần. Năm Tây Hán đầu tiên, Phục Sinh từng nhậm chức Bác sĩ ở thời Tần truyền ra một bản "Thượng thư" bị thiếu, đầu tiên là lưu truyền trong dân gian, sau đó do Triều Thác thời Văn Đế cho ghi chép mang về triều đình. Bởi vì quyển sách này là Triều Thác dùng chữ Lệ Thư thông hành đương thời để viết, cho nên mới có cái tên kim văn "Thượng thư" (kim văn là cách gọi khác của thể chữ Lệ).
Không lâu sau, vì Lỗ Cung Vương Lưu Dư xây dựng thêm cung điện nên đã cưỡng chế phá bỏ nhà cũ của Khổng Tử, phát hiện ra trong tường có một bộ thẻ tre, cháu Tôn An Quốc – đời sau của Khổng Tử đã phát hiện đó là "Thượng thư" viết bằng chữ cổ, cho nên mới gọi là cổ văn "Thượng thư". Kể từ đó, hai bản "Thượng thư" này cái nào là thực cũng bắt đầu được tranh luận.
Ở Tây Hán, người tin vào kim văn "Thượng thư" chiếm ưu thế tuyệt đối nhưng đến thời Đông Hán thì tình thế lại đảo ngược hoàn toàn, trải qua khởi xướng của Trịnh Huyền và các đại sư Kinh học, kim văn "Thượng thư" đã hoàn toàn mất dạng. Đến cuối Hán đầu Ngụy, "Thượng thư chú" phái cổ văn của Trịnh Huyền không chỉ đứng về phía quan học mà còn trở nên phổ biến, kim văn "Thượng thư" của Phục Sinh bởi vì thất thế mà lưu truyền ngày càng ít đi, sau khi loạn Vĩnh Gia Tây Tấn thì hoàn toàn thất truyền.
Không lâu sau lại xuất hiện một bộ cổ văn "Thượng thư" giả rêu rao là bản thật của Tôn An Quốc. Bộ sách giả này không chỉ có được địa vị ngang hàng với "Thượng thư" của Trịnh Chú trong một thời gian ngắn, hơn nữa còn ngày càng lấn thế, dần dần bộ cổ văn "Thượng thư" từ thời Đông Hán này cũng thất truyền.
Nói cách khác, rốt cuộc cổ văn "Thượng thư" hay kim văn "Thượng thư" là thật thì đến thời kì Tam Quốc cũng đã bị thất truyền...
Bộ phận sách giả thành công là vào thời Đông Tấn, một sử quan tên là Mai Trách dâng lên, sau khi nó xuất hiện liền nhanh chóng được giới giáo dục tin tưởng, các đại học giả đương thời cũng thông qua nó."Kinh điển thích văn" của Lục Đức Minh triều Trần lấy nó làm đối tượng chú âm, "Ngũ kinh chính nghĩa" của Khổng Dĩnh Đạt đời Đường cũng lấy nó làm chú bản tiêu chuẩn. Bởi vậy hơn năm trăm năm từ đầu thời Đường cho đến cuối thời Bắc Tống nó vẫn được công nhận là Tiền Tần "Thượng thư" thực bản, không có người hoài nghi.
Thế nhưng từ Nam Tống nó bắt đầu lộ ra chân tướng, trước hết là Ngô Vực và Chu Hi phát hiện ra điều không ổn, nhưng không tìm được căn cứ xác thực. Sau đó quả nhiên Ngô Trừng thời Nguyên đã phân ra kim văn của Phục Sinh từ cổ văn giả, Mai Trạc đời Minh tìm ra chứng cớ tương đương, chứng minh cổ văn "Thượng thư" là giả.
Nhưng khi khảo sát nghiêm mật, quyết định nghi án còn phải chờ đợi những người giải nghĩa các từ cổ trong sách vào thời Thanh. Diêm Nhược Cừ, Huệ Đống (*) tìm ra chứng cớ xác thực, phân tích tỉ mỉ rõ ràng khiến sách giả thương tích đầy mình, chân tướng đã bị lộ. Sau đó, Đinh Yến (*) còn tìm được tội nhân giả tạo "Thượng thư" là Vương Túc, công án thiên cổ đã được định luận như thế.
(*) Học giả thời Thanh.
Trong thời đại trước đó của Trần Khác, tại Thanh Hoa giản (*) trọng kiến thiên nhật (lại thấy ánh mặt trời), chứng minh cổ văn "Thượng thư" đích thực là giả, cho nên đã dẫn đến một trận chấn động. Trần Khác khi đó cũng nổi hứng đi xem "Thượng thư cổ văn sơ chứng" của Diêm Nhược Cừ và "Cổ văn Thượng thư khảo" của Huệ Đống, tuy trí nhớ của đời trước không bằng đời này nhưng cuối cùng cũng còn chút ấn tượng.
(*) Thanh Hoa giản: tháng 7/2008 đại học Thanh Hoa đã thu được một trúc giản Chiến quốc thời kỳ cuối, gọi tắt là Thanh Hoa giản, chữ trên trúc giản chủ yếu là của nước Sở.
Kếp quả là ở đời này, khi hắn đọc "Thượng thư" thì luôn có cảm giác khó chịu... Đã bị chứng minh là sách giả, còn phải xem là chân lý để ghi nhớ, trong lòng thích mới là lạ. Vì thế hắn vừa đọc vừa đối chứng với quan điểm của Diêm và Huệ, thật ra cũng được một phen hứng thú, những lỗ hổng của "Thượng thư" hắn đều rõ như lòng bàn tay.
Hơn nữa sau khi biên "Tự điển", hắn đã luyện được một vốn huấn hỗ học (giải nghĩa từ trong sách cổ), vừa hay người Tống lại kém về mặt này... Triều Tống cho rằng giải thích từ ngữ trong sách cổ là bắt chước người khác, bọn họ chú ý đến chính là ngộ tính. Trong biện luận, huấn hỗ học có căn cứ chính xác cho nên không thể không phục, cũng không thể cãi cọ.
Thật ra ý nghĩ vốn dĩ của Trần Khác chỉ là đoạt diễn mà thôi... Đầu tiên là hắn muốn quấy rối kinh diên của Long Xương Kỳ, không ngờ lại đoạt diễn thành công quá mức, kết quả là kinh diên tháng sau trở thành buổi chuyên đề của riêng hắn, Triệu Trinh đã tuyên bố để hắn giảng "Thượng thư ngụy kinh khảo" suốt tháng tám.
Lúc đó Trần Khác cũng hết chỗ để nói, tháng tám hắn còn kết hôn nữa mà...
Triệu Tông Tích lại hưng phấn nói năng linh tinh, biểu thị vào ngày ngươi kết hôn ta sẽ để chỗ trống cho Hoàng thượng:
- Hunh đệ các ngươi nhất định không chịu thua kém, bây giờ chúng ta chẳng phải đã trải qua vấn đề của Long lão nhi rồi sao, bản thân là cây đại kì rồi!
Thực ra Trần Khác mượn chuyện của Long Xương Kỳ, xem "Thượng thư" là sách giả là muốn dựng lên đại kì của chính mình. Dựa vào cái gì mà Vương An Thạch, Nhị Trình, Chu Đôn Di rõ ràng không có được thứ gì, còn dám công khai thành lập tông phái. Ta đây cũng học tập gian khổ mười mấy năm, còn có bộ óc vượt qua ngàn năm, sở hữu trí tuệ tinh hoa bất tận của thế giới từ Ả Rập, sao lại không dám nương theo trào lưu?
Cho dù là không thể thống nhất giang hồ thì ít nhất cũng có thể lừa được một đám tín đồ rồi, không phải như thế càng làm cho thế giới thay đổi một cách sâu sắc hay sao?
Thật tâm là Trần Khác muốn làm cho tốt chuyện này, ngày dài đêm thâu hắn mất ăn mất ngủ vì công việc, ba huynh muội Tô Gia đã toàn lực giúp đỡ hắn... Bọn họ từ nhỏ đã lớn lên cùng nhau, đương nhiên là hắn không xa lạ gì với họ, ba bộ não lỗi lạc cùng nhau giúp đỡ hắn, dùng khảo chứng tỉ mỉ xác thực chứng minh văn cổ Thượng thư giả không thể cãi được đến trước mặt mọi người. Khi hắn mang bằng chứng tác giả của "Thượng thư" là Vương túc thì các nho học, công khanh học giả uyên thâm ngoại trừ ngóng tai nghe như học sinh nhỏ thì còn có thể làm gì được nữa?
Tuy nhiên Trần Khác cũng biết đạo lý chín quá sẽ hóa nẫu, đối với phần kim văn "Thượng thư" được trích ra từ "Thượng thư", hắn chỉ biểu thị chắc chắn là có vấn đề, nhưng bộ phận nào là thật, bộ phận nào là giả thì lại không đưa ra nhận định ....
Trong vương phủ quận Nhữ Nam.
Gần đây Triệu Tông Thực không được thoải mái, cũng khó mà trách được, y cực khổ mời Long đại sư đến, lại hao tổn tâm sức dựng đài, thực ra là trông mong bắt chước Lưu Doanh mời "Thương sơn tứ hạo" (*) xuống núi, để Long đại sư được một phen biểu diễn đẹp, khiến Hoàng thượng và chư tướng công hiểu được lòng thiên hạ đều ở cạnh mình.
(*) Thương sơn tứ hạo: bốn vị Bác sĩ thời Tần, gồm Đông Viên Công Đường Bỉnh, Hạ Hoàng Công Thôi Quảng, Khởi Lý Quý Ngô Thực, Lục Lý tiên sinh Chu Thuật.
Ai ngờ làm đến cuối cùng lại khiến cho Trần Khác kia đoạt diễn hoàn toàn, tất cả mọi người đều nghe hắn giảng về "Thượng thư ngụy kinh khảo", hơn nữa lại giảng suốt một tháng! Đến chính mình còm phải nghe một cách ngoan ngoãn.
Bản lĩnh của y có tốt hơn nữa cũng không chịu nổi phần tra tấn này, đơn giản mượn cớ phải phụng dưỡng phụ thân làm lý do xin nghỉ, từ đó bế quan không ra ngoài. Nhưng y cũng không nói bừa, lão Vương gia Triệu Doãn Nhượng đã nằm trên giường nửa năm, thái y nói lão sợ là không đợi được đến mùa xuân này nữa...
Điều này làm cho Triệu Tông Thực đã quen việc gì cũng có cha làm chủ cảm thấy sợ hãi...
- Đệ đệ,
Triệu Tông Ý ở bên cạnh y nói:
- Vũ Lăng tiên sinh ngày kia sẽ rời kinh rồi, đệ xem ngày mai có cần mở tiệc chiêu đãi ông ta hay không?
- Huynh thay đệ mời đi.
Triệu Tông Thực không vui nói:
- Đệ không nên đi.
- Như vậy khó tránh khiến người ta phát run.
Triệu Tông Ý hạ giọng nói:
- Hay là tiễn ông ta đi, không nể mặt tăng cũng phải nể mặt phật, cuối cùng vẫn phải nể mặt Văn tướng công.
Nghe xong những lời này, Triệu Tông Thực mới chậm rãi gật đầu nói:
- Được rồi.
- Còn nữa, Hàn tướng công cho người chuyển lời.
Triệu Tông Ý nói:
- Bước trọng điểm tiếp theo của triều đình là trị thủy, đệ và Tông Hữu phải chú ý nhiều hơn đến phương diện này để tránh Hoàng thượng đột nhiên hỏi tới.
- Ừ.
Triệu Tông Thực gật đầu, nhìn ra cảnh thu hiu quạnh ngoài cửa sổ, lẩm bẩm:
- Ngày tháng sống như tiểu thiếp này khi nào mới kết thúc?
- Nhanh thôi...
Triệu Tông Ý nhẹ giọng an ủi:
- Phụ thân nói, sẽ không mang theo nỗi ân hận mà nhắm mắt.
- Hả?
Hai mắt Triệu Tông Thực sáng lên, chợt ý thức được mình có mặt không ổn, y sa sầm mặt nói:
- Ý của phụ thân là gì?
- Đợi đến ngày đó đệ sẽ biết.
Triệu Tông Ý thở dài không muốn nói thêm gì nữa... Phủ Vương An Thạch đối diện với phủ Tư Mã Quang ở thành bắc. Lúc trước, Vương An Thạch viết thư nhờ Tư Mã Quang tìm giúp một tòa nhà, chỉ có một yêu cầu là "láng giềng gần nhau".
Người nhà không hiểu cho lắm, thành Biện Kinh lớn như vậy sao phải làm hàng xóm của Tư Mã Quang? Vương An Thạch thản nhiên nói:
- Lựa chọn hàng xóm nhất định phải là Tư Mã thập nhị, người này dù ăn ở hay làm mọi chuyện đều có pháp, muốn để mọi người thấy mà học theo.
Tư Mã Quang đứng thứ mười hai cho nên bằng hữu gọi là Tư Mã thập nhị. Xưa có mẹ của Mạnh Tử ba lần dời nhà, nay có Vương thị chọn hàng xóm mà ở, đều là do những bậc trí giả mà nên.
Phủ thượng là một viện tử tam tiến (*), tiền sảnh là sảnh đón khách và phòng khách, nhị tiến là nơi Vương An Lễ, Vương An Thượng, Vương Bàng và Vương Bang đọc sách và ăn ngủ, hậu viện là chỗ ở của vợ chồng Vương An Thạch cùng con gái út.
(*) Tam tiến: nhà thời xưa dựa vào số lượng của "đại sảnh" theo chiều dọc (chiều sâu) của khu nhà mà tính, tam tiến bao gồm môn sảnh, chính sảnh và hậu sảnh. Nhà của Vương An Thạch thì chia ra làm tiền sảnh, nhị tiến là nơi ở của con trai, hậu viện là nơi ở của cha mẹ.
Lúc này, Vương An Thạch đang ở nha phủ, bốn thúc cháu thì đang ở phòng riêng đọc sách.
Đông sương phòng là thư phòng kiêm cả phòng ngủ của Vương Bàng, lúc này y không ngồi trước bàn mà nằm lên giường, ngẩn cả người nhìn lên trần nhà.
Đang như đi vào cõi tiên thì Vương Bàng cảm thấy trán mình đau xót, ôi một tiếng y ngồi dậy, trông thấy tiểu muội của mình dựa vào bên cửa sổ, trong tay cầm một quả táo đỏ, cười khanh khách với y.
- Không nhẹ không nặng, rất đau đấy.
Vương Bàng mò được quả táo lăn trên giường, tức giận nói:
- Không tin, muội cứ thử xem.
- Nam nhi tốt không đấu với nữ nhi.
Tiểu muội cười đưa quả táo đến trước mặt y nói:
- Trên cây táo ở hậu viện quả mọc đỏ cả cây, khó khăn lắm muội mới hái được nó.
- Để trên bàn đi.
Bình thường tình cảm của Vương Bàng và tiểu muội rất tốt, nhưng hôm nay y làm biếng không muốn ngồi dậy.
- Ai nói cho huynh chứ.
Vương Hoàn bĩu môi nói:
- Muội cho nhị ca mà.
- Đừng.
Vương Bàng nhanh chóng đứng dậy, mỉm cười để muội vào phòng nói:
- Để Vương Bang biết chắc chắn sẽ nghiêm mặt nói: "con gái mà leo lên leo xuống còn ra thể thống gì nữa?".
Y học giọng điệu của Vương Bang giống như đúc, chọc cho Vương Hoàn ôm bụng cười.
Vương Bàng lấy ra chiếc khăn trắng lau quả táo một cách cẩn thận, rồi đưa cho Vương Hoàn nói:
- Về sau chuyện này cứ kêu ca ca làm cho, muội leo coi chừng bị ngã.
- Nhưng hai người ca ca một người đọc sách còn một người thì ngẩn ra.
Vương Hoàn cắn nhẹ vào quả táo, ngọt đến mức cô híp mắt cười nói:
- Muội nào dám làm phiền?
Nói xong cô cười hì hì nói:
- Huynh, sao ngẩn ra thế?
- Không phải ngẩn người, mà ta chỉ hơi mệt thôi, cần nghỉ ngơi một chút.
Vương Bàng vội ho một tiếng nói:
- Chuẩn bị đi đọc sách thôi.
- Muội thấy huynh tâm thần bất ổn, sợ là đọc sách không vào.
Vương Hoàn lắc đầu nói.
- Nha đầu kia.
Vương Bàng cười khổ nói:
- Làm sao mà tâm thần ta lại bất ổn hả?
- Hôm đó phụ thân trở về từ kinh diên, kể chuyện "Kim đằng" và "Thượng thư ngụy kinh khảo".
Vương Hoàn cười nói:
- Muội phát hiện bắt đầu từ hôm đó huynh không ổn rồi.
- ...
Theo bản năng Vương Bàng muốn phủ nhận, nhưng nhìn muội muội cười chăm chú, chung quy cũng phải đầu hàng nói:
- Muội nói đi, vì sao huynh không ổn?
- Bình thường mà nói, huynh chỉ tự biết gây họa, nhưng không chịu vác mặt đi xin lỗi nên mới như vậy.
Vương Hoàn cười đánh giá huynh trưởng:
- Muội đoán chuyện "Kim đằng" kia cũng là do ca ca gây ra.
- Nói bừa, huynh đâu có bản lĩnh đó.
Vương Bàng lắc đầu nói.
- Bản lĩnh của huynh lớn mà.
Vương Hoàn cười hì hì nói:
- "Tiểu thánh nhân" cũng không phải là gọi chơi.
Vương Bàng rất thông minh, chưa đầy hai mươi tuổi đã viết rất nhiều sách, ai ai cũng biết, đương thời xưng y là "tiểu thánh nhân".
Còn đại thánh nhân thì đương nhiên là Vương An Thạch – cha của y rồi. Người đảng Tân Học đều biết đại thánh nhân là một người nắm đại sự, một lòng quang minh, sở dĩ có thể nổi tiếng trở thành một thế lực không thể bỏ qua, đều là dựa vào mưu lược của đứa con trai đứng sau lưng.
Cuộc đời này của Vương Bàng không tin quỷ thần tiên hiền gì hết, mà chỉ tin có một người là phụ thân của mình. Vương An Thạch trong mắt y chính là thánh hiền sống, là người cứu thế mà thượng thiên giáng xuống giúp Đại Tống. Với y, thánh hiền, người cứu thế mãi mãi quang vinh, không thể dính dáng đến bất kì cái gì đen tối. Nhưng một mực quang minh thì làm được gì? Nhiều nhất chỉ là một Long Xương Kỳ mà thôi.
Chỉ có quyền lực lớn mạnh mới có thể triển khai tài năng kinh thiên vĩ địa của phụ thân, nhưng quyền lực sẽ không tự đến, phải có mưu kế tỉ mỉ, phải tranh thủ từng bước một.
Đối với địa vị của chính mình, y muốn dẹp hết những chướng ngại của phụ thân, đưa phụ thân lên đến đỉnh cao quyền lực của hộ pháp Đại tướng quân!
Sở dĩ Vương An Thạch chịu làm Tam ti độ chi phán quan, đó là kết quả của âm mưu bí mật giữa y và Chương Đôn. Nếu như ý trời đã định Hoàng thượng không có con, những kẻ biết nghĩ không thể không dàn hàng, hơn nữa sẽ dàn càng sớm càng tốt ... Triều Đại Tống có thể không đứng thành hàng, trừ nhóm các tướng công đang ở trên đỉnh núi ra thì cũng chỉ còn đám thần tử "vô dục tắc cương" (*) không có chỗ dựa mà thôi.
(*) Vô dục tắc cương: con người chỉ khi có dục vọng thoát li thế tục thì mới đạt đến cảnh giới oai phong lẫm liệt.
Vương Bàng đối với việc Chương Đôn lựa chọn Triệu Tông Tích không có dị nghị gì, tính cách của hai người na ná, đều tự đánh giá mình cao, không chịu làm từng bước, hành vi hiển nhiên cũng tương tự. Tại sương gian nọ, người muốn đầu nhập Triệu Tông Thực có thể xếp hàng dài từ cửa Tuyên Đức đến cửa Nam Huân, có rất nhiều người, thậm chí là người quen cũ đến mấy chục năm, bọn họ lúc này mới đến xếp hàng, sợ ngay cả cơm thừa rượu cặn cũng không kịp ăn.
Cho nên thà rằng mạo hiểm một chút gây áp lực lên Triệu Tông Tích, dù rằng không có hi vọng gì vào tiểu tử này nhưng đi sứ nước Liêu, thanh tra kinh doanh y đã làm rất tốt, tuyệt đối thể hiện được thực lực. Y không phải là ruột thịt của Hoàng thượng, dựa vào cái gì mà không nên chọn Triệu Tông Thực? Tin rằng với sự trợ giúp từ người của đảng Tân Học, còn không hiết là hươu chết sẽ về tay ai đâu.
Bởi vậy, Vương Bàng thấy phụ thân mình vừa mới tiến kinh, Triệu Tông Tích đang đau khổ mong viện binh liền lân la làm quen, ai ngờ vị tiểu Vương gia đó chưa từng lộ diện, chuyện gì cũng nhờ kẻ họ Trần chuyển lời.
Suy nghĩ và hiện thực khác xa nhau khiến cho trong lòng Vương Bàng giận giữ, không khỏi càng coi thường Triệu Tông Tích. Theo y thấy, Lưu Huyền Đức đến mời ba lần, mới có ba phần tiền vốn của thiên hạ. Tài năng của phụ thân y thì Khổng Minh không thể sánh bằng, vả lại ông ấy đã chủ động đến kinh thành, vậy mà Triệu Tông Tích lại ngạo mạn như thế, nào có biểu hiện làm đại sự?
Có lẽ theo Vương thiếu gia, làm tôn tử của hai cha con y mới có thể thành đại sự...
Vốn là Vương Bàng định thờ ơ lạnh nhạt, nhưng Long Xương Kỳ uy hiếp địa vị của Vương An Thạch khiến y không thể không ra tay trước. Mới đầu y cho rằng mình đem nhược điểm của Long Xương Kỳ nói cho Trần Khác, nhất định Triệu Tông Tích sẽ khẩn trương bố trí. Ai ngờ đợi trái đợi phải, căn bản là người ta không có động tĩnh, Vương Bàng liền tự hiểu, hóa ra sự tình bị hỏng là tại tên Trần Trạng nguyên đó.
Nghĩ lại khi cùng y giảng chuyện này, vẻ mặt của tên kia như quả mướp đắng, Vương Bàng chắc chắn đó là một cái gối thêu hoa đố kị người tài. Tuy hắn làm văn hay nhưng trong bụng lại không có gì từng trải, hắn lại không muốn bị phụ thân đoạt đi vị trí tâm phúc đứng đầu của Triệu Tông Tích nên mới cố ý dấu diếm không báo!
Cũng may y chưa bao giờ tin vào người khác, cùng lúc nói với Trần Khác thì y cũng bắt tay vào chuẩn bị, âm thầm phát động người trong đảng Tân Học đứng lên công kích Long Xương Kỳ. Trong lòng y hết sức nhẫn nhịn, muốn lâm nguy cứu chủ khiến cho Triệu Tông Tích cảm nhận được ai mới là người nên dựa vào, sau đó sẽ đá tên họ Trần đi thật xa.
Song khi phụ thân kể chuyện phát sinh ở kinh diên cho y nghe, Vương Bàng lập tức ý thức được suýt nữa mình đã làm hỏng đại sự, mà thủ đoạn của vị Trần học sĩ y xem như gối thêu hoa kia lại cao siêu hơn mình nhiều lắm.
Điều này khiến cho Vương Bàng cảm thấy thất bại vì trước giờ luôn cho rằng thiên hạ cha thứ nhất, chính mình là thứ hai. Nguy hiểm hơn, trải qua hành động biến khéo thành vụng này, quan hệ giữa Vương gia và Triệu Tông Tích cùng Trần Khác tất nhiên sẽ xuất hiện rạn nứt, nhất định phải sửa chữa đúng lúc, nếu không gà bay trứng vỡ.
Nhưng Vương Bàng chưa bao giờ nhận sai với người khác, vừa mới nghĩ là sẽ đi xin lỗi Trần Khác thì đầu y đã lớn như đấu, kết quả là ở nhà vài ngày cũng không bước ra khỏi cửa... Cha con Vương gia nói chuyện chưa bao giờ giấu diếm người nhà, cho nên Vương Hoàn nghe được tin tức từ bàn cơm đã đoán ra được tâm sự hiện giờ của huynh trưởng.
- Hèn chi phụ thân nói, muội nếu là nam tử.
Vương Bàng bội phục, cười nói:
- Khẳng định là một phen thành nghiệp lớn.
- Nữ nhi không được sao?
Vương Hoàn nghe không phục nói:
- Từ trước đến nay cũng có nhiều nữ nhi bản lĩnh mà.
- Được, được, được, muội lợi hại.
Vương Bàng cười khổ nói:
- Xin hỏi muội muội bản lĩnh, có gì chỉ giáo ca ca...
- Muội đâu có cách gì hay.
Vương Hoàn mân mê bím tóc mượt mà, nói:
- Chỉ có điều nam tử hán đại trượng phu như huynh mà không chịu xuống nước, tiểu nữ như muội không e dè nhiều đến vậy.
- Muội muốn làm gì?
Vương Bàng trừng to mắt nói.
- Đi xin lỗi thay cho huynh.
- Đừng có làm càn, một cô nương mà chạy đến nhà nam nhân thì còn ra thể thống gì?
Vương Bàng lắc đầu nói.
- Muội có trực tiếp tìm hắn đâu?
Vương Hoàn lắc đầu cười nói:
- Muội biết phu nhân của hắn...
- Muội nói là...
- Không ngờ Tô Tiểu Muội lại là vị hôn thê của hắn.
Trong đôi mắt đẹp của Vương Hoàn lộ ra sự phức tạp, khi ở Giang Ninh hai vị tài nữ từng gặp nhau một lần, hai người còn có chút luyến tiếc nữa.
- Đúng vậy...
Sắc mặt của Vương Bàng có chút khó coi nói:
- Lão Tô đáng hận còn nói nàng ấy chưa có hôn phu, làm hại phụ thân bị bêu xấu.
- Như thế thì có gì khó nói đâu.
Vương Hoàn có chút tiếc nuối nói:
- Cô gái đó giống như được trời tạo nên vậy, không thể cưới về làm chị dâu, thật là đáng tiếc quá.
- Đại trượng phu sợ gì không lấy được vợ.
Vương Bàng hừ một tiếng:
- Nhất định ta phải cưới một người còn hơn Tô Tiểu Muội.
Chung quy y cũng chỉ là thiếu niên mười sáu tuổi, câu nói này đã để lộ nguyên nhân y ghét Trần Khác... Tới hôn lễ ngày mười sáu tháng tám còn khoảng ba ngày, tân lang vẫn chưa giác ngộ mà đi cùng với hai đại cữu ca và quan viên đồng hương đến hội quán Tứ Xuyên ở phố Mã Hành... Lúc này hội quán vẫn chưa lưu hành giống như thời Minh - Thanh, Trần Khác đề nghị tập đoàn tài chính Thanh Thần dựng lên để người đọc sách và thương nhân ở Tứ Xuyên dừng chân khi đến kinh.
Hiện nay, tập đoàn Thanh Thần có tiền có thế, đương nhiên hội quán Tứ Xuyên cũng lớn mạnh, nó gồm chín tòa sào viện tam lộ, hơn sáu mươi phòng, còn có một vườn hoa lớn. Ngoại trừ chỗ ở, trong quán còn xây dựng Văn Xương Các cung phụng Văn Xương đế quân của Ti Văn Vận, còn có Hương Hiền Từ cung phụng tiên hiền của Tứ Xuyên, để cho đồng hương tháng giêng hằng năm đến bái lễ.
Không cần phải nói, đây đều là chủ ý của Trần Khác, hắn vận dụng tất cả kinh nghiệm của đời sau mà dựng thành, hội quán lập ra là vì tăng cường lực tập kết của người Thục.
Nhưng hôm nay hắn lấy tư cách là khách nhân đến thăm Vũ Lăng tiên sinh đang ở đây.
Danh thiếp được đưa đến, các học sinh của Long Xương Kỳ mới biết tên đi cùng nhị Tô là Trần Trọng Phương, kẻ khiến lão sư thất bại phải quay về. Tuy rằng ngày xưa họ xem hắn là niềm kiêu hãnh, nhưng bây giờ cũng khó tránh trừng mắt nhìn nhau.
Trong lòng Trần Khác thầm than một tiếng, cuộc đọ sức kinh diên tại Nhĩ Anh Các cố nhiên làm cho mình vang danh thiên hạ, nhưng nội chiến giữa người Thục với nhau cũng khiến cho xã đảng lắc đầu... Vì nguyên nhân lịch sử, người Tứ Xuyên ở bên ngoài từ trước đến nay luôn đồng khí tương sinh, đoàn kết đánh thiên hạ, song Trần Khác lại khiến cho lão tiền bối cũng là người Mi Châu mất mặt, sự kiêu ngạo của người Thục cũng bị chà đạp tại giảng đường cao nhất cả nước... Nếu sau đó không dàn xếp ổn thỏa, khó tránh sẽ để lại ấn tượng không tốt cho đồng hương.
Đây chính là vấn đề lớn, bởi vì Trần Khác biết lịch sử. Mười mấy năm sau là thời điểm chiến tranh chính sự ác liệt nhất, triều đình lấy địa vực phân chia trận doanh. Áo tướng công cầm đầu người phương nam, Tư Mã Ngưu cầm đầu phương Bắc và Đại Tô cầm đầu người Tứ Xuyên, tranh đấu rất khủng khiếp.
Chỉ có điều với năng lực chính trị tệ hại của Tô Thức, dảng Thục luôn bị bóp nghẹt. Nhưng bây giờ hắn đã xuất hiện, đại cữu tự nhiên lui về tuyến hai, tương lai lãnh tụ đảng Thục đương nhiên là do Trần Khác đảm nhiệm, không thể nhường ai khác.
Được rồi, bây giờ nói chuyện này còn quá sớm, có điều Trần Khác không để cho Long lão đầu trở về như vậy, bằng không bọn đồ đệ của lão sẽ bêu xấu mình trước mặt đồng hương.
Cho nên thái độ của Trần Khác hôm nay là kính cẩn, tính tình dịu hòa, mặc cho đệ tử của Long lão đầu trừng mắt nhìn nhau thì hắn vẫn mỉm cười như cũ.
Giơ tay không đánh người tươi cười, huống chi là Trần học sĩ vang danh thiên hạ, có ai dám đẩy hắn ra ngoài cửa chứ?
Vì thế các đệ tử đã mời hắn vào khách đường, sau đó bẩm báo lão sư.
Tinh thần của Long Xương Kỳ luôn vững vàng, nhưng lần này bị đả kích không nhỏ, sau khi trở về từ kinh diên thì ngã bệnh, đang có chuyển biến tốt lên lại muốn hồi hương, không muốn ở kinh thành thêm ngày nào nữa.
Lúc này, lão tiên sinh đang được các đệ tử hầu uống thuốc, nghe nói Trần Khác đến chơi thì không khỏi sững người.
- Không thì để hắn đi đi.
Đệ tử nhẹ giọng hỏi.
- Hoang đường.
Long Xương Kỳ lấy lại tinh thần nói:
- Người ta dám đến, chúng ta không dám gặp? Sống đến ngần tuổi này mà vô dụng như vậy à?
Nói xong người ông ta run lẩy bẩy, ông ta đứng lên:
- Thay quần áo...
Cùng với âm thanh lộc cộc của chiếc gậy chống, Long Xương Kỳ tóc bạc trắng xóa xuất hiện trước mắt mọi người, vẻn vẹn có nửa tháng mà tinh thần của lão tiên sinh không còn hoạt bát bằng trước đó.
- Xã đảng vãn sinh xin bái kiếm Long Lăng tiên sinh.
Trần Khác và chúng đồng hương nhanh chóng đứng dậy hành lễ với trưởng bối.
- Không dám.
Long Xương Kỳ cũng tương đối có cá tính, lại đáp lễ nói:
- Thảo dân bái kiến học sĩ đại nhân.
Ông ta cố ý nói với một mình Trần Khác, nói cho nhị Tô rằng ta đây không chấp các ngươi.
- Lão tiên sinh trách chết vãn sinh rồi.
Nhưng Trần Khác ở trong quan trường cũng đã nhiểu ngày rồi, sớm tôi luyện được ít bản lĩnh, hắn cung kính nói:
- Trước mặt trưởng bối, chúng tôi đều là học sau, không ai được gọi là đại nhân cả.
- Trường Giang sóng sau đè sóng trước, sự dời người mới thay người cũ.
Long Xương Kỳ giơ tay mời Trần Khác ngồi xuống chính vị nói:
- Lão hủ là tướng bại, ai dám nói dũng khí trước mặt đại nhân?
- Ôi.
Trần Khác kiên quyết không ngồi chính vị, chỉ ngồi vào ghế tựa ở phía đông, than vãn:
- Lời này của lão tiên sinh như khoét sâu vào tim vãn bối vậy.
Thấy hắn không ngồi, Long Xương Kỳ liền tự ngồi xuống thản nhiên nói:
- Chẳng lẽ không đúng sự thực sao?
- Học vấn và tu dưỡng của lão tiên sinh so với vãn bối uyên thâm hơn rất nhiều, chỉ có điều "Trúc thư kỷ niên" đã thất truyền trong dân gian, chỉ giữ trong hoàng cung.
Trần Khác nghiêm nghị nói:
- Cả đời lão không cầm quyền đương nhiên là vô duyên nhìn thấy, vãn sinh đang tu soạn tại Tụ Hiền điện, gặp cơ duyên thấy được quyển sách này nên mới có được.
Hắn lại nghiêm mặt nói tiếp:
- Có câu, xích có sở đoản, phi đao có sở trường, nhưng không thể nói tấc dài hơn thước được.
Vì sao Trần Khác phải mang theo nhiều đồng hương đến như vậy, chính là vì nói ra lời này trước mặt bọn họ, khiến cho lão tiên sinh thuận ý.
Long Xương Kỳ sống đã chín mươi tuổi, sao lại không hiểu ý hắn? Tuy không thay đổi sắc mặt, giọng điệu lại hoà hoãn hơn rất nhiều:
- Học sĩ không cần an ủi ta, lần này vào kinh mới biết được lão phu quả là ếch ngồi đáy giếng.
- Lão tiên sinh đừng vội phủ định mình thế.
Trần Khác thở dài nói:
- Thật ra người đọc sách của triều Đại Tống ta đều là ếch ngồi đáy giếng, không hề biết trăm họ Tiền Tần, chứ đừng nói gì đến thượng cổ Tam Hoàng (vua Nghêu, Thuấn và Vũ), cũng không biết ngoài núi còn có núi, ngoài biển còn có đất, thiên hạ còn có nhiều nên văn minh không hề thua kém chúng ta.
- Hả?
Người vì không biết mà tự cao tự đại, người triều Tống cũng có tật xấu này, luôn nghĩ rằng bên ngoài Hoa Hạ đều là di địch, mà di địch thì có học vấn gì? Đơn giản chỉ là tiếng thú vật, Long Xương Kỳ cũng không ngoại lệ. Nhưng đối với lời nói "không biết trăm họ Tiền Tần, chứ đứng nói đến thượng cổ Tam Hoàng" của Trần Khác thì ông ta rất tán đồng, cho nên không có phản bác gì.
- Lão tiên sinh không tin, có thể nấn ná lại kinh thành thêm mấy ngày nữa.
Trần Khác cười nói:
- Vãn sinh mời học giả hải ngoại tới, mua được sách báo, đã chuyển đến Đại Tống rồi, phỏng chừng dăm bữa nửa tháng sẽ đến kinh, rốt cục bọn họ có lường trước hay không đến lúc đó sẽ biết ngay.
Long Xương Kỳ có chút động lòng. Người Trung Quốc xem những thứ tiên tiến là đáng để học tập nhất, thậm chí có thể dễ dàng vứt bỏ truyền thống của mình, điểm này triều Tống cũng không ngoại lệ. Nhưng cũng chỉ là thoáng động lòng, ông ta lại lắc đầu nói:
- Lão hủ ngày kia sẽ rời kinh, e rằng không xem được rồi.
- Bây giờ không thể đi.
Trần Khác quả quyết nói:
- Vãn sinh biết chút y thuật, thấy lão tiên sinh tuổi tác đã cao, từ đất Thục ngàn dặm xa xôi mà đến, nguyên khí tổn hao không ít. Trước kia luôn có một luồng hư hỏa nên sắc mặt còn hồng hào, âm thanh sang sảng, còn lúc này thì tinh thần suy nhược đến cực điểm.
Dừng lại một chút, hắn khẩn thiết nói:
- Lúc này, điều quan trọng nhất là lão tiên sinh cần tu dưỡng, tôi sẽ cho phương thuốc, lão dùng qua mùa đông đến xuân là có thể hồi phục như trước. Nếu cứ miễn cưỡng đi trong mùa đông, trên đường lại xóc nảy e rằng chịu không nổi.
← Hồi 304 | Hồi 306 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác