Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Nhất phẩm giang sơn - Hồi 237

Nhất phẩm giang sơn
Trọn bộ 355 hồi
Hồi 237: Tuyên chiến
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-355)

Trước mắt, Trần Khác không có đáp án. Hắn đồng ý tiếp tục qua lại với bọn họ, cho đến khi .... không còn cách gì có thể qua lại nữa mới thôi.

- Phương Trọng huynh, Phương Trọng huynh.

Vài tiếng gọi, mới có thể gọi Trần Khác định thần lại, hắn cười xin lỗi với mọi người, nói:

-Thật ngại quá, vừa nãy mới xuất thần đi dạo một vòng. 

- Trọng Phương không phải là người phàm tục.

Chương Đôn cũng vô cùng yêu thích Trần Khác, y chính là thích một nam tử hán dám nghĩ dám làm, hào khí ngất trời như vậy, cười nói:
- Tử Thuần huynh vừa nói huynh ấy là từ Tướng Quốc Tự đến. Huynh ấy nói kẻ thuyết giảng nơi đó là mọt sách, kẻ nghe giảng là tên khờ, nghe lâu, làm cho người bình thường cũng biến thành đầu gỗ. 

- Ồ, tên cháu trai lớn tuổi của ngươi không phải ở đó nghe giảng sao?

Trần Khác cười nói:
- Ngươi không lo y cũng biến thành đầu gỗ? 

Chương Đôn là cùng cháu trai y – Chương Hành cùng đến dự thi. Nhưng người làm thúc thúc như y lại nhỏ hơn cháu mình hơn mười tuổi. Mặc dù, điều này trong gia đình là vô cùng bình thường, nhưng bước ra khỏi cửa thì lại là trò cười. Cho nên hai người dứt khoát chia ra, một người ở Đại Tướng Quốc Tự nghe nhị Trình giảng "dịch kinh", một người ở đây cùng đám người Trần Khác.

- Mặc kệ nó.

Chương Đôn chán ngấy tên cháu trai lớn tuổi đó, bĩu môi nói:
- Huống hồ nó vốn là con mọt sách. 

- Ầy.

Trần Khác thở dài nói:
- Một người bình thường, tại sao lại muốn đi chịu nhị Trình đầu độc chứ? 

- Sao, Phương Trọng huynh cũng nghe qua bọn họ thuyết giảng?

Vương Thiều nghe thấy, hỏi. 

- Đương nhiên, vả lại nghe liên tục bảy ngày.

- Vậy ngươi đủ lợi hại rồi. Ta nghe ba ngày thì chịu không nổi.

Vương Thiều khen ngợi. 

- Cái gì chứ, ta cũng là gồng mình lên nghe đấy chứ.

Trần Khác cười khổ nói:
- Danh tiếng của Nhị Trình và Hoành Cừ tiên sinh không nhỏ, nên muốn nghe thử xem có gì? 

- Ngươi nghe ra được những gì?

Vương Thiều truy vấn. 

- Nói thế nào đây.

Trần Khác nghĩ một chút, cười nói:
- Cách này của nhị Trình, dùng để tu thân dưỡng tính, tự mình rèn luyện, quả thật không tệ. Nhưng bọn họ muốn 'Vi sinh dân lập mệnh, vi vạn thế khai thái bình!' thì là mơ mộng hão huyền giữa ban ngày. 
- Sao lại nói thế?
Vương Thiều cười hỏi. 

Nhị Trình ở hậu thế rất nổi danh, nhưng bây giờ vẫn không tính là gì cả. Trần Khác cho dù mắng bọn họ đến thành kẻ mất trí, ngu ngốc, cũng không sao cả. Hắn cười nói:

- Hai người này là phái đạo học, cũng gọi là lý học. Sư phụ của bọn họ cũng là sư tổ khai sáng ra lý học, gọi là Chu Đôn Thực. 
Chu Đôn Thực chính là Chu Đôn Di, sau này vì để tránh tên húy của Anh Tông, mới đổi thành Chu Đôn Di mà mọi người quen thuộc. Bây giờ, Nhân Tông vẫn còn sống, không cần phải tránh tên húy của Triệu Tông Thực, đương nhiên không cần phải sửa tên. 

Mọi người lắc đầu, bọn họ không nghe nói đến vị Đôn Thực huynh này là thần thánh phương nào.

- Vị Đôn Thực huynh này làm một chức quan nhỏ ở phủ Hợp Châu. Các ngươi không biết cũng không lấy gì làm lạ.

Trần Khác giải thích:
- Lý học mà nhị Trình hiện tại đang truyền bá, chính là do vị lão huynh này nghĩ ra, còn được xưng là học thuyết thuần nho! Nhưng nói đến thì thật nực cười, căn cơ của lý luận này lại đến từ "Vô cực đồ" của Trần Đoàn lão tổ. Nguồn gốc của việc chủ chương nghiên cứu đến sự cảm ứng giữa người và trời, cách vật trí tri (nghiên cứu quy luật nguyên lí của sự vật để tổng kết thành tri thức lí tính), tồn tại thiên lý, diệt đi dục vọng của con người.. vv.. đều là của đạo gia. Cũng không biết là ‘thuần nho’ ở điểm nào? 

- Nhưng, rất nhiều chủ trương của bọn họ, có vẻ cũng không tệ.

Vương Thiều lại không đồng ý cách nhìn nhận này:
- Ta nhớ bọn họ nói: "đọc sách để hiểu rõ nguồn căn, và để ứng dụng, không phải mang theo trong lòng để hành câu, làm văn. Kẻ làm như thế chính là đại họa của người học chữ". Ta cảm thấy lời này khiến mọi người tỉnh ngộ. 

- Bọn họ còn nói: "Cái học của con người vô cùng to lớn, phải biết trước sau, cội nguồn, kết thúc. ‘Trí tri tại cách vật’ là cái gọi là khởi nguồn, căn cơ; ‘trị quốc gia thiên hạ’ là cái gọi là kết luận, điểm cuối cùng.

Lúc này, Vương Thiều chậm rãi nói, cùng với hình tượng của kẻ giết người vận đồ trắng, quả thật tưởng như là hai người khác biệt:
- Đây là nói, vì khát vọng thực hiện trị quốc bình thiên hạ, phải bắt đầu từ cách vật trí tri, mới có thể tu thân đúng đắn, gánh vác trọng trách trị quốc bình thiên hạ!
Nói dứt, có chút hưng phấn:
- Ta cảm thấy bọn họ nói đúng, ít nhất đúng hơn so với tất cả những kẻ khác! 

- Vậy huynh sao chỉ nghe có ba ngày?

Trần Khác cười hỏi. 

- Ha hả...

Vương Thiều nghe thấy, cười khan nói:
- Bộ dạng thật già nua, hai kẻ nhỏ tuổi như thế, lại ở đó giảng giải đạo lý to lớn ‘tồn tại thiên lý, diệt đi dục vọng của con người’. Khổng Phu Tử có nói ‘Thực sắc tính dã’ (ăn uống, sắc dục là bản tính). Ta còn trẻ, không muốn ngay cả chút dục vọng của con người cũng không còn nữa. 

- Ha ha ha...

Lời này làm cho cả đám người cười lớn. 

- Đừng có đi nghe lý học nữa, cái lý luận đó sai từ gốc rồi.

Đợi cười dứt, Trần Khác nghiêm mặt với Vương Thiều nói:
- Cũng không phải là cái sai của bọn họ, thậm chí không phải là cái sai của những người học Hán nho, mà vốn là bản thân nho học có vấn đề. 

- Lời này cũng quá ngông cuồng rồi.

Vương Thiều ngại ngùng nói gì đó, Chương Đôn lại mở miệng nói:
- Tam Lang, chẳng lẽ học vấn chúng ta học mười mấy năm lại sai? 

- Cũng không phải là sai hoàn toàn, chỉ là có chỗ thiếu sót. Nếu không, nếu nho học thật sự hoàn mĩ, tại sao những triều đại lấy nho học để trị quốc đó đều không thoát khỏi vận mệnh diệt vong?

Trần Khác thầm nghĩ, xem bộ gần đây lão tử mở nhiều hội văn rồi, lại thích mấy cái lý luận siêu hình rồi. Liền nghiêm mặt nói:
- Nho học mà chúng ta học mười năm không sai, nhưng bất cứ lúc nào cũng không thể mất đi phán đoán của bản thân. 

Dừng một lát, Trần Khác nói tiếp:

- Cái học của thánh nhân, nói đến là cách vật trí tri, chúng ta không ngại trước tiên xem xét lại bản thân cái học của thánh nhân, giống như tìm bệnh căn vậy, tìm thấy được nơi có vấn đề, mới có thể làm cho cái học vấn này tỏa sáng một lần nữa. 

Trong thời đại mà Trần Khác đang sống này, là thời kỳ mấu chốt trong quá trình phát triển của nền Nho học. Nói có liên quan đến sự tồn vong hưng suy của Nho học cũng không quá.

Học thuyết do Khổng Mạnh sáng lập, được kế thừa và thay thế bởi hệ tư tưởng Hán nho này, sau Lưỡng Hán, thì bắt đầu xuống dốc. Giai đoạn này, tư tưởng của phật giáo và đạo giáo bắt đầu có sự phát triển và trở nên thịnh hành, mà Nho giáo lại không có sự xuất hiện của vị học giả hay học thuyết nào để có thể vãn cứu lại nguy cơ trước mặt của Nho học.

Bước ngoặt xuất hiện ở triều đại này, triều đình dùng Nho học để quyết định và quản lý chế độ giáo dục. Thi cử chỉ nhận nho sinh, điều này làm cho lượng nho sinh trở nên nhiều vô cùng, cuối cùng, nền nho học được phục hưng. Nhưng cũng đồng thời bài xích học tử của phật giáo, các nho sinh cũng bị những chỗ thiếu sót trong lý luận của bản thân nền nho học vây khốn, đề ra yêu cầu ‘tu kì bản’ (tu tâm, vì mọi thứ xuất phát từ tâm). Từ đó, xây dựng, đổi mới hệ thống nho học là xu thế tất yếu.

Bởi thế, bắt đầu từ khoảng thời gian những năm Khánh Lịch, các nhà nho học đều chủ yếu xoay quanh chủ đề phục hưng Nho học, ra sức thoát khỏi những hạn chế của gia pháp, sư pháp chiếu theo kinh sách thời Hán – Đường; chú trọng vào phương thức nghiên cứu cắt nghĩa, khảo chứng; mạnh dạn đặt ra sự ngờ vực đối với cái cũ, dám đưa ra những chủ trương mới lạ, kỳ dị, hình thành nên một thời đại của trào lưu tư tưởng nghi hoặc kinh sách, cổ thư.

Trên cơ sở này, nhiều học phái đều như đang đâm chồi nảy lộc, nhưng đại đa số các học thuyết đều vẫn đang ở giai đoạn đầu, muốn khai tông lập phái, còn phải đợi thêm vài năm, thậm chí mười mấy năm nữa.

Ít nhất, cho đến trước mắt, cái tư tưởng này vẫn còn là một mớ hỗn độn, không có bất cứ học thuyết nào là rõ ràng, thành thục. Nhưng sẽ nhanh chóng nghênh đón giai đoạn liên tục mở rộng, chiếm lấy vị trí đứng đầu của các học thuyết, trường phái trong truyền thuyết.

Sống tại thời khắc quan trọng này, Trần Khác có một loại cảm giác... hi vọng ở thời kỳ mấu chốt này, có thể làm chút gì đó cho dân tộc mình. Dẫu sao, giai đoạn cuối của trào lưu lý học, đã hại quốc dân thảm vô cùng.

Hắn đương nhiên có nghĩ đến, trực tiếp xử lý Chu Đôn Di, nhị Trình, không cho bọn họ bỏ độc ngàn năm, gieo hại Hoa Hạ. Nhưng tư tưởng lý học của bọn họ đã được mọi người biết đến, vả lại, lúc bọn họ còn sống, lý học cũng không phải là nền học thuyết nổi tiếng, cho đến khi Chu Hi của Nam Tống mới mang nó truyền bá sâu rộng, phát dương quang đại.

Càng huống hồ, Trần Khác biết mình nặng bao nhiêu cân, bao nhiêu lượng, làm sao dám thay cả một dân tộc lựa chọn con đường tương lai chứ? Lỡ như đi sai đường, thì tính với ai đây?

Cái hắn muốn làm là cũng chiếm được một tông phái, để biểu đạt cái nhìn của mình về nho học, xem thử có thể thu hút được bao nhiêu người, thay đổi được chút gì không.

Hắn biết như vậy rất mệt, nhưng trong giai đoạn trăm ngàn thứ bị loại bỏ để trở nên hưng thịnh, có thể làm chút việc cho dân tộc mình thì nghĩa bất dung từ.

- Vậy ngươi nói sai từ gốc là sai ở đâu?

Mọi người cùng nhìn về phía Trần Khác, chờ đợi hắn có thể tiếp tục thốt ra những lời kinh thế hãi tục. 

- Nho học là sự ngưng tụ giữa căn cơ của nền văn minh, cùng với dân tộc Hoa Hạ chúng ta, ràng buộc không thể tách rời. Điểm này không gì có thể nghi ngờ.

Chỉ nghe Trần Khác trầm giọng nói:
- Nhưng có một chỗ thiếu sót vô cùng lớn vây khốn bản thân nó, cũng cản trở sự phát triển của dân tộc chúng ta. Đó chính là chủ trương nhập thế, yêu cầu chúng ta trị quốc bình thiên hạ! 

- Nhưng trị quốc thì phải giải quyết vấn đề cụ thể sản sinh trong nước chứ? Vấn đề ở mọi mặt như: quân sự, chính trị, nông nghiệp, thủy lợi.. vv...đều sẽ xuất hiện, vả lại còn biến đổi theo từng thời đại, rất nhiều vấn đề đều sẽ xuất hiện các khó khăn mới... Ví dụ như vấn đề tam nhũng của Đại Tống, trước đây, các triều đại không gặp phải. Lấy suy nghĩ của người bình thường để phân tích, nhất định là sẽ phân tích cụ thể để cụ thể hóa vấn đề, nhằm đưa ra cách thức giải quyết hợp lý.

- Nhưng dưới sự thống trị của nho học, cách thức giải quyết vấn đề không phải là phân tích cụ thể để cụ thể hóa vấn đề. Mà là tìm các chú giải trong các pho sách của cổ nhân để tìm ra đáp án.

Vẻ mặt Trần Khác tỏ ra xót xa, nói:
- Chuyện gì cũng phải nghe theo lời cổ nhân nói, xem cổ nhân lão tổ tông giải quyết vấn đề thế nào, sau đó chúng ta cứ chiếu theo mà làm. Nhưng cổ nhân có gặp phải vấn đề tam nhũng không? Gặp phải cường địch như nước Liêu không? Gặp phải việc Hoàng Hà thường xuyên vỡ đê không? Không có, hoàn toàn không gặp phải. Vậy chúng ta làm sao có thể yêu cầu họ đưa ra cách giải quyết vấn đề chứ? 

- Chỗ tiến bộ của lý học so với nho học trước đó chính là ngoài việc phải hỏi cổ nhân còn phải hỏi chính mình!

Lại dừng trong chốc lát, Trần Khác lớn tiếng trào phúng nói:
- Nhưng người học nho ngoài lời của thánh nhân, cái gì cũng không hiểu, lại rỗng tuếch nói cái gì cách vật trí tri. Để bọn họ nghĩ cả đời, bọn họ cũng không tìm được đáp án! 

- Vậy Trọng Phương huynh nói.

Vương Thiều thần sắc trở nên trịnh trọng, nói:
- Chúng ta thế nào mới có thể làm được...trị quốc bình thiên hạ chứ?
Lúc y nói lời này, vài người khác cũng nín thở ngưng thần, nghe cao kiến của y. 

- Không có con đường nào khác, chỉ có cách vật trí tri.

Trần Khác nhấp một ngụm trà nói. 

- Hầy...

Mọi người đồng loạt thất vọng nói:
- Cái này không phải cũng giống với nhị Trình sao? 

- Cách vật trí tri của ta không giống.

Trần Khác bình thản cười nói:
- Sụ truy tìm nguồn gốc sự vật của ta là xây dựng dựa vào nền tảng nghiên cứu trên cơ sở tri thức, thực tiễn. Cách thức giải quyết vấn đề mới không phải là ngươi cả ngày ngồi đó tự hỏi trong lòng thì có thể nghĩ ra. Mà phải nắm chắc, đầy đủ các kiến thức chuyên môn, đồng thời thâm nhập để hiểu sâu vấn đề. Sau đó, thông qua sự thăm dò thực tiễn một cách nhẫn nại mới có thể tìm ra cách cách giải quyết đúng đắn. 
Nói dứt, nhẹ nhõm thở một hơi dài, nói:
- Cái gì trị quốc, không phải là giải quyết một loạt các vấn đề sao? 

Đạo lý mà Trần Khác nói ở hậu thế quả thật không là gì cả. Nhưng ở triều Tống lại là người đầu tiên thoát ra khỏi sự cầm cố của tiền nhân, nói với mọi người Lão Phu Tử sai. Cũng bày ra phương án giải quyết vấn đề một cách thiết thực, khả thi trước mặt thế nhân, chứ không phải là loại đạo lý to lớn hàm hồ vô dụng của các nhà nho.

Trần Khác nói xong mới phát hiện, không biết lúc nào, trong ngoài căn phòng sạch sẽ đã chật nức người.

Mọi người nghe những lời này của hắn, đều cảm thấy chưa bao giờ nghe đến, nhưng lại không cảm thấy hoang đường... Đó là một loại cảm giác khác biệt so với những gì các trường phái học thuyết khác nói.

Học thuyết của các nhà học giả khác, bất luận là giải thích có rõ ràng đi chăng nữa, cũng làm cho người ta một loại cảm giác hàm hồ, huyền diệu, chứ không phải cảm giác thế này. Học thuyết của Trần Khác lại làm cho người ta rõ ràng, thông suốt, hình như vốn phải nên có loại cảm giác này.

Thế nhưng cũng giống với học thuyết của các học giả khác. Lý luận này của hắn vẫn còn đơn giản, sơ sài, còn nhiều chỗ hở, muốn làm hoàn thiện nó, phải cần một khoảng thời gian.

Nhưng không hề nghi ngờ gì, trong những trào lưu nổi bật của nền nho học ở tương lai, Trần Khác đã có một vị trí.

- Ta sao có loại cảm giác được thông suốt, khai sáng thế này?

Tô Thức sau khi nghe xong, kéo Trần Khác sang một bên nói:
- Miệng của ngươi cũng kín quá, trước đây sao không nghe ngươi nói qua? 

- Đương nhiên là lấy sự nghiệp thi cử của ngươi làm trọng, loại tư tưởng khác lạ này của ta.

Trần Khác cười khổ nói:
- Vẫn phải đợi sau khi thi xong mới nói tiếp. 

- Cũng đúng.

Tô Thức nghiêm mặt nói:
- Học thuyết truy tìm nguồn gốc của sự vật trước đây đều hướng nội, học thuyết truy tìm nguồn gốc của sự vật của ngươi lại hướng ngoại. Muốn người ta tiếp nhận, không phải là dễ. 

- Ừ, chắc chắn không dễ.

Trần Khác gật đầu nói:
- Chúng ta về sau từ từ nói tiếp. 
Nói rồi, lại không chịu trách nhiệm, vỗ vai Tô Thức nói:
- Tương lai, để phát dương quang đại học thuyết này, phải dựa vào ngươi rồi. 

- Sao lại thành việc của ta rồi.

Tô Thức nhiệt tình yêu thích triết học như nhiệt tình yêu thích sao trời vậy, nên không cảm thấy khổ sở, chỉ là trên miệng không thể vui vẻ được như thế. 

- Ai bảo ngươi là anh vợ của ta chứ?

Trần Khác ha ha cười lớn nói:
- Ta qua đó một chuyến. 

Liền đi đến bên Vương Thiều nói:

- Sao nào, có thể ở lại không? 

Trước tiên, Vương Thiều nhìn hắn một hồi, sau đó chậm rãi nói:

- Tuy không biết học thuyết của ngươi có đứng vững không, nhưng...
Nói xong, nhe răng, lộ ra nụ cười sáng lạn, nói:
- Quả thật rất hợp với ta, ta ủng hộ ngươi đến cùng. 
Không kể đến tình cảm và lương tâm, nếu như muốn Trần Khác sắp xếp thứ hạng thân thiết với những người trong Gia Hựu học xã thì không thể nghi ngờ gì, Chương Đôn và Lã Huệ Khanh là hai người được xếp đầu tiên, Tô Thức miễn cưỡng có thể được xếp thứ hai. Còn thần tượng Tô Tiên của hắn ở kiếp trước, ít nhất trước mắt chỉ có thể đứng thứ ba mà thôi. Thứ tự của Đặng Oản, Giáp Đản thì cao hơn so với đám người Lâm Hy, Tưởng Chi Kì. 

Đương nhiên, nếu nói đến tài hoa và học vấn thì nhìn khắp thiên hạ, ai dám nói Tô đại cửu tử (anh vợ) không phải là thiên hạ đệ nhất tài tử, Trần muội phu đảm bảo sẽ cười lạnh ba tiếng để đáp lại!

Nhưng đồng thời hắn cũng cho rằng loại tài tử như Tô Thức thì nên được đưa vào chốn sơn thủy, lúc đó mới có thể tận tình biểu đạt được hết tâm tình, bồi dưỡng văn thơ, vì nhân dân Đại Tống cống hiến loại thức ăn tinh thần tốt nhất. Nhưng Tô đại cửu tử dưới áp lực của người cha biến thái, không thể không tham gia khoa cử. Lão Tô muốn con trai có thể trở nên nổi bật, làm cho Tô gia hãnh diện. Điều này cũng không có gì đáng trách, nhưng nếu thi đậu tiến sĩ thì không chỉ hưởng thụ vinh quang, mà còn phải vào quan trường đấu đá, tranh giành, gánh vác trọng trách vì nước vì dân!

Bất hạnh là hai huynh đệ Tô gia đều đã bị lão Tô hại rồi. Nói đến lão Tô, Trần Khác liền cảm khái vô cùng. Lão trượng nhân là một nhà đại nho thì không sai vào đâu được, văn chương cũng viết đến mức đã vượt xa cổ nhân, hùng tráng hào hùng. Nhưng học vấn của lão Tô lại là học thuyết của Mạnh Tử thời Tiền Tần, là một loại học thuyết tung hoành một thời. Học vấn mà ông ta khổ công nghiên cứu nếu đặt vào trong giai đoạn thời kì tiền Tần hoặc thời kì chiến loạn thì vô cùng hiệu quả. Nhưng bây giờ là triều Tống, đã cách thời kì tiền Tần hơn một ngàn năm, thiên hạ thái bình, là một triều đại hoàn toàn vận chuyển theo một quy luật khác!

Cái này giống như với việc học được một thân bản lãnh giết rồng, sau đó mới phát hiện ra trên đời này không hề có rồng, để ông ta đi giết hổ, nhưng lại không đối phó được hổ...

Theo cách nhìn của Trần Khác, đây chính là nguyên nhân làm cho Tô Tuân hiện tại vẫn danh chấn kinh sư, nhưng không có quan lớn nào dám đề cử ông ta gia nhập quan trường... Lão Tô quả thật là nhân tài, nhưng lại không hợp thời, nếu dùng thì không thể giải quyết được vấn đề, mà chắc chắn còn làm người ta khó chịu thêm. Vì vậy, con trai được cứng rắn dạy dỗ ra bởi một nhân vật giống như Đôn-ki-hô-tê (nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha của một nhà văn Tây Ban Nha), sao có thể không có vấn đề chứ?

Bao gồm cả Tô Triệt, văn chương của cả hai huynh đệ đều là loại ngôn từ không làm cho người ta phải giật mình chết người thì không thôi. Quả thật là tài hoa đến nỗi làm cho người ta phải đập bàn mà kêu tuyệt. Nhưng nếu thật tâm mà nhìn nhận hiệu quả và lợi ích ẩn sâu trong đó, thì cũng không khó để có thể nhận ra.

Nhưng Trần Khác lại không vì thế mà cười nhạo bọn họ. Bởi vì hắn cũng chỉ như những người bình thường khác mà thôi, đều có những nhu cầu thường ngày, ai mà không mong muốn cố gắng phấn đấu, đạt được thành tựu, để có thể hưởng hết mọi vinh quang và phú quý của thế gian này? Nếu cả bản thân mình cũng không thể ngoại lệ thì sao lại có tư cách để yêu cầu nhị Tô có thể thoát tục được chứ?

Hắn đánh giá thấp hai người này chính là ở năng lực. Rốt cục thì bọn họ cũng chỉ tự học thành tài, học hiểu được văn chương của người xưa, nhưng không học được cách làm của người thời nay. Từ vận mệnh đến tài năng đều không thể so sánh được với những con cháu thế gia thiên tài như Lã Huệ Khanh, Chương Đôn. Thậm chí còn không bằng cả Tăng Bố, Vương Thiều.

* Đính chính: Tằng Bố, Tằng Củng đổi thành Tăng Bố, Tăng Củng (Tăng gia)

Gia Hữu đổi thành Gia Hựu 

Đương nhiên, điều này không nói lên được nhị Tô kém cỏi. Mà là do Lã, Chương, Tăng, Vương quả thật quá xuất sắc...

Cho nên trong lịch sử, người ta chỉ trong mười năm ngắn ngủi đã trở nên thành danh. Nào là hô mưa gọi gió, nào là chủ tể của suốt ba mươi năm sau này, nào là lập được kì công, mà Tô Thức thì cả đời vẫn chỉ là một nhân vật thất bại.

Thế nhưng nếu như không có sự trắc trở cả một đời thì Tô Thức làm sao có thể trở thành thần tượng thiên cổ của Tô Đông Pha?

Nhưng Trần Khác sẽ không vì thành tựu một cái văn hào mà mở to mắt nhìn anh vợ khổ sở cả đời. Cho nên hắn muốn dẫn dắt, mở đường cho Tô Thức, hy vọng Tô Thức có thể phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, dùng hết mọi tinh lực để kiến lập một nền nho học mới cho Đại Tống, quét hết mớ học thuyết của Châu Đôn Thực, nhị Trình, Trương Tái vào đống rác!

Cho nên bắt đầu từ hôm nay, Gia Hựu học xã bắt đầu cạnh tranh với đạo học của Đại Tướng Quốc Tự, quan điểm của song phương đối chọi gay gắt. Chủ tọa thuyết giảng đều là những người hùng biện tài giỏi, coi như là kì phùng địch thủ, khó phân thắng bại.

Vả lại, Gia Hựu học xã và đạo học của Tướng Quốc Tự, tuy rằng đứng trên thế không cùng lập trường mà tranh đấu nhưng trên phương diện văn học thì lại chung một chiến tuyến, đều giương cờ phản đối thái học thể mà Thái Học Văn Hội đề xướng. Thái Học Văn Hội cũng không cam chịu yếu thế, mỗi lần khai đàn đều mở miệng nói về đạo lí to lớn một cách rỗng tuếch, thổi phồng thái học thể là thiên hạ vô song. Mà bởi vì thể văn đó lại phải dùng để ứng cử, cho nên người ủng hộ cũng là nhiều nhất.

Sự đối chọi của ba học thuyết làm cho mọi người cảm thấy hứng thú vô cùng. Mỗi lần bắt đầu thuyết giảng, đều có thể thu hút vô số học trò, quan viên, thậm chí các danh kĩ cũng đến nghe, làm thành một màn tập hợp hoa lệ, sáng chói nhất giữa trời đông.

Cứ náo nhiệt như vậy cho đến tết âm lịch của năm Gia Hựu thứ hai....

Cửa Thuận Thiên, cầu Ngân Lương, Âu Dương Tu phủ đệ.

Trên cổng phủ giăng đèn kết hoa, trên mặt tuyết trước cổng phủ đầy mảnh pháo, tràn ngập không khí năm mới.

Hôm nay là mùng ba tháng giêng. Ngày mùng một, triều thần phải tiến cung chúc mừng, hoàng thượng sẽ ban yến tiệc. Mùng hai là ngày các đồng liêu trong quan trường đi chúc tết nhau. Mùng ba là ngày bằng hữu, bạn bè chúc tết.

Trưởng tử của Âu Dương Tu là Âu Dương Phát, cả người mặc một bộ áo bào bông Đông Dương mới tinh, đứng trước cửa phủ nghênh đón bằng hữu. Lão Âu Dương chạy chọt khắp kinh thành, trong số những người thân quen, ngoài thê tử ra thì chính là đám đệ tử Tăng Củng, Trần Khác. Còn có đám bạn già lâu năm Mai Nghê Thần, Thái Tương, Hàn Duy. Cùng với đám bạn mới gần đây kết giao ở văn đàn mà ông ta vô cùng tán thưởng.

Tăng Củng mang theo một đám huynh đệ đến. Trên tay mấy người Tăng Bố cầm theo lễ vật, Tăng Củng chắp tay chào Âu Dương Phát, cùng nhau cười nói:

- Chúc mừng năm mới! 

- Chúc mừng, chúc mừng!

Âu Dương Phát cười nói:
- Chư vị huynh đệ nhanh vào trong, gia phu sớm đã càu nhàu, sao hôm nay mấy tên tiểu tử lại đến trễ thế? 

- Ầy, hổ thẹn rồi. Hôm qua Gia Hựu học xã mở tiệc rượu năm mới tại Nhất Phẩm Lầu, cũng kéo ta đến.

Tăng Củng cười khổ nói:
- Cuối cùng lại không chú ý nên quá chén, say đến tận bây giờ! 

- Ồ, không phải sư huynh trước giờ không uống quá ba chén sao?

Âu Dương Phát cảm thấy kì lạ nói:
- Cũng có lúc sẽ phá lệ sao? 

- Ta đâu có phá lệ, là do bọn họ cho ta uống rượu quá mạnh...

Tăng Củng cười khổ nói:
- Sau khi uống qua loại rượu đó, cảm thấy những thứ rượu trước đây uống đều chỉ là nước... 

- Rượu gì mà mạnh như thế?

- Không biết.

Tăng Củng lắc đầu, Tăng Bố lại nói:
- Là một vị đồng hương của Trọng Phương huynh, chính là nhà buôn rượu của loại Hoàng Kiều tửu, vừa ủ ra một loại rượu mới, vẫn chưa đặt tên. Nói là hôm nay đem đến để Âu Dương bá bá nếm thử, có lẽ là để minh chủ của văn đàn đặt cho nó một cái tên đây. 

- Vậy một lát nhất định phải nếm thử.

Âu Dương Phát cười, đưa huynh đệ Tăng gia vào trong, lại đón tiếp khách mới đến, nói:
- Mai thúc thúc, chúc mừng năm mới. Thúc hôm nay có lộc ăn rồi, vị ca ca ở Trần gia của con đưa ra một loại rượu ngon vừa mới ủ ra. 

Mai thúc thúc chính là Mai Nghiêu Thần, là vị quan bán đấu giá ở Phiền lầu ngày đó. Đây chính là một vị đại tài tử lâu đời, có tiếng là rất tâm đầu ý hợp với Âu Dương Tu, tựa như Bá Nha -Tử Kì. Ông ta nghe thấy, cười ha ha nói:

- Vậy thì quá tốt, hôm nay phải uống thả cửa một phen. 

Mai Nghiêu Thần mới vào không lâu thì Hàn Duy và Thái Tương cũng dắt tay nhau đến. Hai người vào không lâu thì đám huynh đệ Trần Khác đến, quả nhiên đã mang theo hai mươi vò mĩ tửu.

- Tam ca, chúc mừng năm mới!

Đứa con trai nhỏ Âu Dương Biện của Âu Dương Tu cố ý ra đón. Không còn cách nào, ai bảo mặt mũi của Trần Khác lớn chứ. Đương nhiên phần mặt mũi này cũng là do dùng một xe lễ vật mừng năm mới để lấy được chỗ "Lai hòa thượng". Trần Khác bế bổng Âu Dương Biện lên, xoay vài vòng, cười lớn nói:
- Xoay một vòng, xua đuổi một chút!
Kết giao vài năm, hắn và Âu Dương gia đã như người thân. 

Đợi khi thả tiểu hòa thượng xuống thì các huynh đệ khác cũng đi vào rồi, Trần Khác nói nhỏ với Âu Dương Phát:

- Đợi một lát, lúc nhạc phụ và hai vị anh vợ tương lai đến, nhờ ngươi độ lượng một chút. 
Lời nhắc nhở này là tất yếu. Con trai của minh chủ văn đàn cho dù không khiêu ngạo khinh người, nhưng cũng không thể đối với ai cũng tươi cười đón tiếp. Với tính cách của cha vợ, lỡ như xảy ra chuyện thì làm thế nào? 

Sự lo lắng của hắn không phải là dư thừa. Một lát sau thì thấy vẻ mặt bảo thủ của Tô Lão Tuyền, dắt theo hai con trai, mang theo một phần lễ vật nhỏ đến trước cửa Âu phủ.

Nếu đã là nhạc phụ của Trần Khác, Âu Dương Phát nhanh chóng bước lên tiếp đón, hành lễ nói:

- Tô thế thúc cùng nhị vị thế huynh, mời vào trong. 

- Ừ.

Tô Tuân chỉ gật đầu, ừ một tiếng, rồi nghênh ngang đi vào, chỉ để lại hai người huynh đệ đang lúng túng, không ngừng hướng về phía Âu Dương Phát xin lỗi... Một năm nay, chí lớn của phụ thân khó thành, tính tình càng trở nên căm ghét thế tục. 

- Không có gì, không có gì.

Âu Dương Phát ôn hòa cười, trong lòng lại thầm nghĩ, chẳng trách Trần Tam ca lại nhắc nhở ta, cái tên này thật biết chịu đựng. Sau đó không khỏi đồng tình với Trần Khác... lại gặp phải người cha vợ thế này. 

Nhưng ấn tượng của y đối với hai con trai của Tô Tuân lại rất tốt, ôm quyền cười nói:

- Tử Chiêm, Tử Do huynh, quả thật đã nghe đại danh từ lâu! 

Lúc này, Tô Thức đã là tài tử có tiếng tại kinh thành, nhưng danh tiếng của y cũng chỉ là trên phố, do các danh kĩ lưu truyền. Thấy ngay cả con trai của Âu Dương Tu cũng nghe nói đến mình, trước tiên y tự mừng thầm, rồi lại cảm thấy lo lắng, sợ sẽ để lại ấn tượng không tốt cho minh chủ văn đàn.

Nhưng cuối cùng y vẫn là một Tô Thức có lực hấp dẫn, hòa đồng vô cùng, rất nhanh đã hòa mình với mấy người con trai của Âu Dương Tu.

Gần đến trưa, Âu Dương Phát cảm thấy khách đã đến đủ rồi, liền phân phó đóng cửa... Hôm nay, Âu Dương Tu mở tiệc đãi khách, đương nhiên không hy vọng có người đến quấy rầy.

Lúc này, y nhìn thấy một người mặt mũi ngăm đen, đội mũ bông đỉnh tròn, mặc một chiếc áo lụa màu nâu... Đến gần xem, ồ, không phải là áo vải bóng nhẫy. Người đàn ông ăn bận lôi thôi này, tay cầm một quyển sách, vừa xem vừa đi ngang qua cửa nhà mình.

- Phía trong là ngõ cụt.

Âu Dương công tử tốt bụng nhắc nhở. 

Người đó nghe thấy âm thanh này mới ngỡ ngàng ngẩng đầu, đầu tiên nhìn phía trước, quả nhiên là bức tường, sau đó mới xoay đầu nhìn y, khép sách lại nói:

- Xin hỏi tiểu huynh đệ, đây có phải là phủ của Âu Dương học sĩ không? 

- Vâng.

Âu Dương Phát vừa cho người đóng cửa, vừa cười nói:
- Hôm nay trong nhà có yến tiệc, cha ta không gặp người lạ, xin bằng hữu hôm khác hãy đến. 
Cử chỉ của thư sinh mang phong thái phóng khoáng, việc thế này y cũng gặp nhiều rồi. Chắc chắn là muốn đưa ra ý tưởng lập dị gì đó để gây chú ý với phụ thân, mong muốn thành danh mà thôi. 

- Ồ, ta chính là do Âu Dương học sĩ mời đến dùng cơm.

Người đó nói xong liền đưa tay vào trong ngực áo tìm, lấy ra một tấm thiệp mời nhăn nhúm. 

Âu Dương Phát nhất thời trợn tròn mắt, đó quả thật là thiệp mời trong nhà gửi đi, không phải ai đó đánh mất rồi để tên này nhặt được chứ? Y hoài nghi nhận lấy, mở ra xem, tên khách ghi là - Vương An Thạch!

Vừa nhìn thấy cái tên này, Âu Dương Phát nhất thời hiểu rõ. Bởi vì trước đây tuy chưa từng gặp mặt, nhưng đại danh của Vương An Thạch đã như sấm rền bên tai y. Trong truyền thuyết, vị tiên sinh này chẳng những có phẩm hạnh tựa thánh hiền, còn có đặc điểm nổi bật nhất là lối sinh hoạt vô cùng lôi thôi lếch thếch.

Nghe nói, y có thể không thay đồ, giặt quần áo, không rửa mặt, súc miệng, tắm rửa trong thời gian dài. Trên áo bào của y nơi đâu cũng là các vết bẩn dầu mỡ, mồ hôi. Khuôn mặt không còn nhìn rõ nguyên trạng nữa, đến gần còn có thể ngửi thấy mùi nồng đặc của cơ thể...

Cũng may là Vương An Thạch lúc này đã có chức quan, cùng với danh tiếng lớn rồi. Nếu đổi lại là người thường, chắc chắn không cách nào bảo người khác chấp nhận được vẻ lôi thôi lếch thếch thế này.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-355)


<