← Hồi 10 | Hồi 12 → |
Nhưng y không hề để lộ thần sắc tuyệt vọng.
Tay phải y đặt lên khối gỗ, thấy khoái thuyền đến gần, chợt ấn mạnh xuống, tá lực xuất kình theo thế "Lý ngư dược long môn", lăng không lao lên.
Linh hoạt như cá, toàn thân đầy những hạt nước, vút lên cao hơn một trượng.
Y lăng không gầm vang, hàn quang bức nhân, chúi đầu tấn công xuống.
Ai ngờ được rằng lại xảy ra quái sự thế này, chỉ bằng một miếng gỗ nổi lên mà lại lao lên không được, tá lực xảo diệu đến độ khiế người ta kinh hãi.
Thế công xuống như lôi đình vạn quân.
Đông Môn Sửu không kịp kinh hãi, trường mâu còn giơ trên lưng chừng không, hàn quang đã chém xéo xuống.
Ánh máu văng ra, người bị chẻ làm đôi.
Tủm một tiếng, thây người đổ xuống sông, máu nhuộm đỏ một khoảng nước.
Thân thuyền trầm xuống, Liễu Nhị Ngốc ổn định đáp xuống đầu thuyền, chính là vị trí ban nãy Đông Môn Sửu đứng.
Mấy hán tử chèo thuyền đồng thời giật nảy mình, nhao nhao nhảy xuống nước đào mệnh.
Đương nhiên họ đều tinh thông thủy tính, chỉ thấy nước bắn tung lên, tứ phía gợn sóng.
Thẩm Tiểu Điệp tung mình, đáp xuống khoái thuyền.
"Hay, hay cho xuất thủy thần long". Lần đầu tiên nàng tán thưởng Liễu Nhị Ngốc.
"Hiện tại làm sao?" Liễu Nhị Ngốc hỏi.
"Không sao hết". Thẩm Tiểu Điệp hưng phấn: "Hiện tại tiểu nữ đi tìm chèo thuyền".
"Vẫn còn hai chiếc khoái thuyền nữa mà.." Liễu Nhị Ngốc bảo.
"Yên tâm, không dám đến nữa đâu". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Hoa tiểu hầu gia sợ mất mật rồi, còn về Bạch Phượng Tử..."
"Cô ta sao rồi?"
"Cô ta có cách nghĩ riêng".
"Cách nghĩ gì?"
"Giữ được núi xanh, thiếu gì củi đốt". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Thị vốn biết nhìn gió lái thuyền, tuyệt không chịu thua trắng".
"Cô nương nói là lần tới cô ta sẽ trả đũa?"
"Công tử đương nhiên hiểu rõ, thị quyết không chịu ngã lòng". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Từ rày phải cần thận hơn".
Liễu Nhị Ngốc gật đầu tỏ vẻ đồng ý.
Hai con thuyền khác quả nhiên khuất bóng trong sương mù, có lẽ Hoa tiểu hầu gia và Bạch Phượng Tử cũng chỉ là hai con vịt cạn.
Liễu Nhị Ngốc cầm một cái mái chèo, cùng Thẩm Tiểu Điệp một tả một hữu, nhận chuẩn phương vị, khua nước tiến về bờ bắc.
Trận đấu kinh hiểm trên không coi như kết thúc.
Bờ gần lắm rồi, cat hai người đều ướt sũng, nhìn nhau dưới ánh sao rồi lắc đầu cười khổ.
"Làm thế nào đây?" Thẩm Tiểu Điệp hỏi.
"Dễ lắm". Liễu Nhị Ngốc đáp: "Tại hạ sẽ nghĩ cách".
Y tìm một gian nhà tranh bỏ hoang trên bờ, dọn sạch bếp lửa rồi đốt lên.
"Cô nương vào trước, tại hạ ở bên ngoài che gió".
Thẩm Tiểu Điệp nhìn y, toan nói lại thôi, mặt chợt đỏ lên, cúi đầu đi vào trong nhà.
May mà đã quá nửa đêm, không thể tìm nơi khác nghỉ chân, đành phải đốt lửa rồi lim dim chìm vào giấc ngủ.
Sáng sớm, dương quang xán lạn, lại một ngày tươi đẹp trong trẻo buông xuống.
Gặp ngày đẹp thế này, tâm tình người ta thường thoáng đãng hẳn, Liễu Nhị Ngốc cũng vậy, y ra khỏi căn nhà tranh, đón từng trận gió từ sông thổi lên, chợt máy động tinh thần.
Thẩm Tiểu Điệp còn ngủ, y không muốn gọi nàng dậy.
Thậm chí y còn lo lắng, giờ đã qua sông, có phải đến lúc chia tay rồi chăng?
Chợt y đảo mắt phát hiện một chéo áo trong bãi bên trái.
Y rúng động, tung mình nhảy lên, là một trung niên hán tử mặc đồ chẽn, xem ra tuyệt khí đã lâu.
Y sững người, lại đảo mắt nhìn, càng thêm kinh hãi.
Hóa ra trong bãi cỏ ngổn ngang năm thi thể.
Năm kẻ này tuổi tác bất đồng, đều nằm ngửa trong bãi cỏ, ai nấy hình dáng khác lạ, có kẻ dùng đao, có kẻ dùng kiếm.
Trong đó còn cả một cây hồng anh thương, một đôi phán quan bút.
Theo y phục của họ, hiển nhiên là nhân vật hữu danh trên giang hồ.
Bộ vị năm người này năm vừa hay khớp thành một vòng tròn, đường kính chừng hơn một trượng, quanh đó dấu cỏ nát nhừ, tựa hồ là dấu vết giẫm đạp.
Liễu Nhị Ngốc quan sát kỹ một chốc, phát hiện mỗi người chỉ có một vết thương ở yết hầu, hơn nữa đều là vết ngang, kiểu như người ta cắt tiết gà.
Thậm chí vết thương của mỗi người đều có độ sâu tương tự, dài cũng tương đương.
Liễu Nhị Ngốc nhận ra không phải vết đao mà là kiếm, một kiếm năm mạng, kiếm quang quay một vòng, năm người liền gục gã.
Đương kim võ lâm, ai có loại kiếm pháp thần kỳ đến thế?
Y trầm ngâm hồi lâu, lẩm bẩm: "Hay, hay lắm, hay cho Tuyết hoa phi thiên xuất, tuyệt diệu..."
Hiển nhiên y nhận ra chiêu kiếm, hơn nữa còn khen nức nở.
Nhưng y từng nói rằng tạo nghệ kiếm thuật tinh thâm nhất đương đại chỉ có Tứ Không tiên sinh xứng danh tôn sư, ngoài ra không có ai.
Nhưng Tứ Không tiên sinh đã qua đời năm năm rồi.
Nhát kiếm này là kiệt tác của ai?
Một kiếm năm mạng người, thật sự kinh nhân.
Theo y đoán, năm kẻ hiển nhiên không tử tế gì, nếu chúng lén vào được căn nhà, kết quả sẽ ra sao?
Chỉ trách đêm qua y vất vả, ngủ quá sâu nên không cảnh giác, bất giác mồ hôi lạnh tuôn ướt lưng.
May mà có người không ngủ.
Y nhìn kỹ năm thi thể, không nhận ra nhâ vật ở lộ nào, đại khái đoán rằng có liên quan đến Bạch Phượng Tử.
Y ngạc nhiên một lúc rồi quay lại ngôi nhà tranh.
Thẩm Tiểu Điệp vẫn ngủ trong góc, co người vào đống cỏ khô, đang say giấc nồng.
Ánh sáng len qua kẽ mái tranh rải lên mình nàng, toàn thân nàng yêu kiều, cánh tay khoanh lại thành vòng tròn.
Gương mặt hồng hào vùi vào cánh tay, tròng mắt mông lung, làn mi dài rủ xuống.
Liễu Nhị Ngốc nhìn đến sững sờ.
Thẩm Tiểu Điệp chợt lay động, lật người lại, lẩm bẩm như trong mộng: "Mấy giờ rồi?"
Liễu Nhị Ngốc bật cười: "Mặt trời đến mông rồi".
Thẩm Tiểu Điệp khẽ rung người, ngáp dài rồi ngồi dậy, háy mắt nhìn y.
"Công tử học được lối nói đó từ lúc nào?"
"Xin lỗi". Liễu Nhị Ngốc ngẩn người, mặt đỏ lên: "Không hiểu sao tại hạ thuận miệng nói ra, nhưng..."
"Nhưng thế nào?"
"Nói thật mà, cô nương nhìn mặt trời kìa..."
"Công tử..." Thẩm Tiểu Điệp cong môi, khẽ hờn: "Công tử còn định nói nữa?"
Mặt trời quả thật đã chiếu vào mông.
Bất quá, còn tả nữa thì lời lẽ sẽ càng tệ.
"Được được, không nói không nói". Liễu Nhị Ngốc cười cùng: "Đêm qua vất vả, ngủ thêm chút nữa đi".
"Vất vả? Công tử nói gì cơ?"
"Tại hạ nhất thời sơ ý, nửa đêm ngủ say quá". Liễu Nhị Ngốc nói: "May mà cô nương cẩn thận, bằng không..."
"Được rồi". Thẩm Tiểu Điệp hỏi: "Công tử thăm dò tiểu nữ đúng không?"
"Tại hạ..."
"Công tử sao không nói là Tuyết hoa phi thiên xuất quá hao tinh lực". Thẩm Tiểu Điệp cười: "Có nên hầm cách thủy gà mái cho tiểu nữ bồi bổ chăng?"
Nàng thừa nhận, vậy nhát kiếm đó là kiệt tác của nàng?
Nhưng nàng học chiêu kiếm đó từ đâu?
Lẽ nào nàng có dây dưa gì với Tứ Không?
Nhưng hiển nhiên nàng không phải nhập môn đệ tử của Tứ Không tiên sinh, y hiểu rõ điều đó.
"Vậy chiêu Tuyết hoa phi thiên xuất này..."
"Đừng nói lạc đề". Thẩm Tiểu Điệp ngắt lời: "Tiểu nữ không nói đến Tuyết hoa phi thiên xuất mà nói đến gà mái," hiển nhiên nàng không muốn nhắc đến chiêu kiếm pháp đó.
"Đúng đúng, gà mài, gà mái..."
"Tiếc là hiện tại không có gà mái," Thẩm Tiểu Điệp nói: "Ngay cả cháo loãng cũng không có..."
"Cô nương đói ư?"
"Lẽ nào công tử không đói?"
Hóa ra từ trưa hôm qua, hai người chưa ăn uống gì, lúc tối định ăn một bữa thỏa thuê thì cá cháy nướng lại bị Du Hầu Nhi cướp mất, rồi ôm bụng đói chiến đấu đến nửa đêm.
Người là sắt, cơm là thép, đương nhiên phải đói.
"Được được, cô nương cứ nằm đi". Liễu Nhị Ngốc nói: "Tại hạ sẽ đi, lần này đi..."
"Công tử đi đâu".
"Trong đê có mấy nơi bốc khói, chắc có người ở". Liễu Nhị Ngốc nói: "Tại hạ đi kiếm thức ăn..."
Thượng du Trường Giang là vùng cao nguyên núi non, mỗi lúc xuân qua hè đến, tuyết đọng tan ra, thường thường tạo thành lũ, vì thế hai bờ ở hạ du đều có đắp đê, người dân đều sống sau quai đê.
Đê cao tới vài trượng, nên người ở bờ sông khó lòng thấy được cảnh vật phía trong.
"Công tử đi mua? Tưởng tiểu nữ đói đến mức không đi nổi nữa sao?" Thẩm Tiểu Điệp phí cười, từ từ dứng dậy, chỉnh lại y phục: "Theo tiểu nữ biết, cách mười dặm về hướng tây có thị tập, nhịn một chút rồi đến đó chúng ta sẽ ăn no".
"Thật hả?" Liễu Nhị Ngốc mừng thầm.
Y vui vì nàng không đề cập đến việc chia tay.
Thị tập ở chỗ ba nhánh sông giao nhau, nước đổ vào dòng chính.
Nước là dấu hiệu của văn minh, khởi nguồn của thương nghiệp, nơi nào dòng chảy hợp lại tất nhiên người sẽ đông đúc, thương nghiệp phát đạt.
Phàm những nơi như thế, tất nhiên ẩn tàng rất nhiều tội ác.
Liễu Nhị Ngốc và Thẩm Tiểu Điệp đến thị tập rồi, thứ chú ý đầu tiên là tửu lâu, hoặc một nơi nào tương tự quán cơm.
May mà tửu lâu và quán trà khá dễ tìm, đều ở nơi náo nhiệt, hơn nữa còn có chiêu bài rất dễ nhìn.
Ở ngã tư có "Thất hiền cư", bề ngoài không đến nỗi xập xệ lắm.
Năm xưa Trúc Lâm thất hiền đều quân tử uống rượu, quán lấy tên là Thất Hiền, xem ra bán rượu ngon.
Có rượu ngon tất có thức nhắm khá.
Liễu Nhị Ngốc và Thẩm Tiểu Điệp cùng vào, tìm chỗ ngồi thanh nhã cạnh cửa sổ, thấy rõ cảnh vật ngoài phố.
Khi người ta đói quá, không cần sơn trân hải vị, cứ ăn được là ngon.
Vì thế Liễu Nhị Ngốc gọi hai con ngỗng béo.
"Ngỗng chết biến thế nào? Khách quan". Hỏa kế cười hì hì, dáng vẻ khá hoạt bát khom người hỏi.
"Hấp cách thủy, cho thêm ít rau thơm". Liễu Nhị Ngốc nhớ lời Thẩm Tiểu Điệp, dặn dò thêm.
"Toàn món phải đun nấu lâu". Hỏa kế có phần lúng túng: "Chưa biết chừng phải đợi mấy thời thần".
"Không được, món nào nhanh nhanh được ăn ấy".
"Khách quan, muốn nhanh thì phải đổi món". Hỏa kế nói: "Dù món gì, bản điếm cũng có".
"Những món ngỗng nào?"
"Nhiều lắm". Hỏa kế co ngón tay lên tính: "Ngỗng thái miếng, ngỗng chao dầu, ngỗng quay, ngỗng ướp hạt tiêu, ngỗng phù dung, ngỗng om..."
"Được rồi". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Đừng đọc nữa".
"Khách quan muốn gọi..."
"Càng đọc càng đói, lấy ngỗng phù dung đi". Thẩm Tiểu Điệp dặn: "Thêm cả cá chua ngọt". Nàng biết Liễu Nhị Ngốc thích ăn cá.
Hai người gọi thêm hai món xào, một bát canh viên thịt, tuy không phải yến tiệc gì nhưng đều là món ăn rất ngon lành. Hỏa kế gật đầu rồi khom người lui đi.
Trước khi ăn cơm phải uống, Liễu Nhị Ngốc gọi Trúc diệp thanh.
Rượu tới độ ngà ngà, cơm dẻo quánh, món ngỗng phù dung mềm mại dễ ăn, cá chua ngọt thơm lừng, Liễu Nhị Ngốc liên mồn khen ngợi.
Dùng cơm xong lại gọi hai chén trà xanh.
Đang lúc đợi hỏa kế tính tiền, chợt từ phía đầu đường vang lên tiếng huyên náo, bánh xe nghiến rào rạo, tuấn mã hí vang.
Liễu Nhị Ngốc đẩy cửa sổ nhìn ra, một chiếc xe ngựa trần thiết hào hoa lao tới như bay, bụi tung mù mịt, người đi đường nhao nhao tránh ra.
Cưỡi ngựa lao đi trên đường, người nào mà khí phái lớn như vậy?
Xe đến dưới lầu liền dừng lại, chỉ thấy một thanh y đại hán nhảy xuống. Cộp cộp cộp, câu thang vang lên tiếng bước.
Hiển nhiên, hán tử này lên lầu.
"Chưởng cự... chưởng cự..." Đại hán đứng ở đầu cầu thang lớn tiếng: "Mau, mau lên, chuẩn bị mười món ngon, tám mâm bánh, phải thơm ngon đặc biệt..."
"Vâng, vâng, vâng". Chưởng cự béo mậy bước tới, liên tục cúi người: "Đại gia, khách nhân đâu?"
"Khách nhân?" Thanh y đại hán nhướng mày: "Khách gì?"
"Tiểu nhân nói... nói là..." Chưởng cự rụt rụt rè rè: "Lẽ nào đại gia... đại gia không mời khách?"
"Việc đó không liên quan đến ngươi". Thanh y đại hán tức giận: "Lắm lời". Hắn vung tay, chát một tiếng nảy lửa.
Cái tát không nhẹ, gương mặt mập ú của chưởng cự xuất hiện năm ngón tay.
"Vâng, vâng, vâng". Chưởng cự ôm mặt, lắp bắp: "Tiểu nhân đáng đánh, đúng là tểu nhân đáng đánh, nhưng..."
"Nhưng cái gì?"
"Nhưng xin đại nhân dặn dò, lúc nào thì khai tiệc?" Chưởng cự hạ giọng: "Tiểu nhân sẽ chuẩn bị chu đáo".
"Khai tiệc cái gì". Thanh y đại hán hừ mũi: "Trước lúc hoàng hôn phải mang đến Ngọc Lộ hồ Đồng Tước biệt quán".
"Vâng, vâng, vâng". Chưởng cự cúi rạp người.
Thanh y đại hán đảo mắt, quay đầu đi, nhưng cơn giận chưa hết, giậm lộp cộp lên cầu thang.
Nào ngờ mới ra đến đầu đường, vừa thò tay cầm càng xe, chợt có tiếng rít khẽ, không hiểu vật gì lăng không vút tới, đánh trúng tay hắn, máu liền tuôn như suối.
Hắn cúi đầu nhìn xuống, hóa ra là một cái xương cá, bàn tay chảy máu là bàn tay vừa đánh người.
Là ai? Ai dám động thổ trên đầu thái tuế?
Thanh y đại hán nổi giận, ngẩng đầu ngoạc mồm mắng: "Tên chó đẻ nào..."
Chưa mắng xong, từ cửa sổ trên lầu lại có vật lao xuống.
Chữ "đẻ" vừa buột ra, thời gian cực kỳ tấu xảo, vật đó vừa hay đánh trúng ngay khi miệng hắn há.
Đầy miệng hắn béo nhờn, vừa chua vừa ngọt, thoáng có vị tanh, hóa ra là một cái đầu cá lớn.
"Chua ngọt đấy, mùi vị không tệ chứ?" Một cái đầu thò ra, chính là Thẩm Tiểu Điệp.
Hán tử trứng mắt nhưng không thể mở miệng, gương mặt đỏ lựng lên.
Hắn chật vật một lúc mới móc được cái đầu cá ra, miệng chảy đầy máu.
Chợt rèm xe khẽ động, một lục y thiếu nữ lướt ra.
Thiếu nữ mặc áp xnah đậm, mày ngài tô nhẹ, trang điểm mười phần thanh nhã, mái tóc chải chuốt cẩn thận, vừa thành thục vừa đầy sức hút.
"Ngươi là ai?" nàng ta ngẩng đầu nhìn Thẩm Tiểu Điệp chăm chăm: "Mà dám xuất thủ đả thương người ta?"
"Người qua đường, thấy chuyện bất bình". Nàng thản nhiên: "Tiểu cô nương là ai?"
"Phong Thái Linh". Thiếu nữ ngạo nghễ: "Phong nhị tiểu thư".
"À".
"Ngươi đánh chó cũng phải nhìn chủ nhân".
"Xin lỗi, tôi không biết hắn là chó". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Cũng không nhận ra vị chủ nhân chó".
Câu hỏi hung hăng còn lời đáp càng hay.
"Được lắm, xem ngươi mồm miệng chưa kìa, dám chỉ chó mắng mèo hả". Phong nhị tiểu thư nhướng mày: "Nói, ngươi cút xuống đây hay là để bổn tiểu thư lên đó?"
"Đều không cần".
"Không cần?"
"Tiểu thư về Đồng Tước biệt quán của tiểu thư, tôi đi đường của tôi". Thẩm Tiểu Điệp đáp: "Tiểu thư đừng lên, tôi cũng không xuống, thế là bình an".
"Ngươi muốn thế là xong?"
"Tốt nhất là xong". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Theo tôi đoán, hôm nay Đồng Tước biệt quán có khách quý, nhị tiểu thư nếu xảy ra chuyện gì, há chẳng cụt hứng ư?"
"Ngươi biết có khách đến biệt quán?"
"Mấy khách nhân không ra gì".
"À".
"Trong toán khách đó tất có Hoa Tam Biến".
"Không sai, Tô Châu phủ Hoa tiểu hầu gia". Phong nhị tiểu thư tỏ vẻ vênh vang: "Lẽ nào ngươi biết tiểu hầu gia?"
"Không quen, người ta là hầu gia, tôn vinh hiển quý, bọn tôi không dám với, cũng không thích loại bằng hữu đó". Thẩm Tiểu Điệp bĩu môi: "Bất quá đêm qua có gặp gỡ".
"Đêm qua?"
"Đúng, đêm qua". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Phiền tiểu thư báo tin là Liễu Nhị Ngốc và Thẩm Tiểu Điệp đang ở Thất Hiền cư, nếu hắn có gan thì chúng tôi sẵn sàng hầu giá".
Đối phương coi việc quen Hoa hầu gia là vinh dự thì nàng không coi Hoa tiểu hầu gia ra gì.
Lời ẩn chứa gai, gai rất sắc nữa kia.
"Liễu Nhị Ngốc?" Phong nhị tiểu thư hơi biến sắc: "Ngươi... ngươi là... Liễu Nhị Ngốc ở đâu?"
Từ sau khi nghe kể về nát kiếm trên Bạch Ngọc lâu, trong lòng nàng ta đã biết đến Liễu Nhị Ngốc.
Liễu Nhị Ngốc chưa từng lộ diện, từ từ đứng lên xuất hiện cạnh cửa sổ: "Tại hạ là Liễu Nhị Ngốc".
Y không bột phát anh tư nhưng có phong thái danh sĩ.
Khí chất thư hương đặc thù này thì không kẻ thô tục nào trên giang hồ có được.
Phong nhị tiểu thư nhìn y, nhìn chằm chằm.
"Các hạ là Liễu Nhị Ngốc?" Đôi mắt ướt rượt của nàng ta chợt đượm nét cười: "Tên ta là Phong Thái Linh".
"Tiểu thư đã nói qua rồi". Liễu Nhị Ngốc đáp: "Phong nhị tiểu thư".
"Nói thêm một lần cũng hiềm nhiều à?"
"Không nhiều". Y nói: "Tên hay lắm".
"Đa tạ".
Liễu Nhị Ngốc cười cười.
"Nếu ta nhiệt tình mời, mời các hạ đến tệ xá làm khách". Phong nhị tiểu thư chợt hỏi: "Các hạ chịu đến chăng?"
"Mời mỗ?"
"Đúng, mời các hạ". Phong nhị tiểu thư nói: "Tội tự xuống bếp, có cần thử tay nghề chăng?"
"Vậy được". Thẩm Tiểu Điệp vội tiếp lời: "Nhất định phải ăn chứ, chúng tôi nhất định sẽ đến".
"Các vị?"
"Thế nào, tiểu thư không mời tôi?"
"Ta không nói chuyện với ngươi". Phong nhị tiểu thư sầm mặt.
"Nhỏ nhen". Thẩm Tiểu Điệp cười: "Nếu tiểu thư chịu mời, không hiểu sẽ lợi ích đến đâu nữa".
"Lợi ích gì?"
"Hay cho câu một lời không nói hết, bản lĩnh lớn nhất của tôi là làm mối". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Tôi có thể giúp tiểu thư bắt mối quan hệ, bằng ba tấc lưỡi đi làm nguyệt lão".
"Ngươi nói nhăng gì đó?"
"Tôi chỉ nhắc tiểu thư". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Liễu Nhị Ngốc là trượng phu cả ngàn người mới có, lỡ cơ hội rồi tiểu thư sẽ hối tiếc".
"Ngươi..."
"Tôi thế nào? Đừng lầm lẫn". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Tôi tuy đi cùng Liễu Nhị Ngốc nhưng không quan hệ gì".
"Không liên quan?"
"Chúng tôi là sư huynh muội đồng môn". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Theo quy củ bổn môn, đồng môn không kết hôn".
"Ai đẳ ra quy củ đó?"
"Tổ sư gia".
Liễu Nhị Ngốc cười thầm, không khỏi khâm phục cơ trí và khẩu tài của nàng, quả thật có bản lĩnh nói khoác.
Phong nhị tiểu thư liếc y, chợt đỏ mặt, xem ra đã động lòng.
Nhưng việc này không tiện nói ra, cũng không thể lập tức gật đầu.
Thẩm Tiểu Điệp không chỉ giỏi ăn nói, lại biết lái chủ đề, tập trung vào điểm mạnh của đối phương.
"Tôi chỉ có tật xấu nhất là ham ăn, nghe nói có món ngon là rỏ dãi, đúng rồi, tiểu thư nói là tự xuống bếp, chuẩn bị nấu món ngon hả?"
"Đến lúc sẽ nói".
"Có nấu hồng thiêu sư tử đầu không?"
"Thế có gì đâu? Chỉ là món bình thường".
"Tiếc là tiểu thư không mời tôi". Thẩm Tiểu Điệp chép miệng: "Bằng không cũng muốn thử tay nghề của Phong nhị tiểu thư".
"Ngươi biết ăn nói lắm". Phong nhị tiểu thư cười.
"Thế nào? Bị tôi lay động rồi sao?"
"Được rồi, không nể mặt tăng cũng nể mặt phật". Phong nhị tiểu thư nói: "Ta mời thêm một khách vậy".
"Mặt phật?" Thẩm Tiểu Điệp hỏi: "Ai là phật?"
"À, đúng rồi, Liễu phật gia". Thẩm Tiểu Điệp nhìn Liễu Nhị Ngốc, cười khanh khách: "Phật gia, khởi giá thôi".
"Cô..." Y không hiểu nàng giở trò gì.
Y nghĩ nát óc cũng không lần ra, vì sao Thẩm Tiểu Điệp lại đùa như thế, lẽ nào nàng thật sự muốn đến Đồng Tước biệt quán?
Đến làm gì? Lẽ nào định gây chuyện?
"Đúng". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Hoa tiểu hầu gia đang làm khách tại Đồng Tước biệt quán, Liễu Nhị Ngốc có chút xích mích với hầu gia, vạn..."
"Sợ gặp mặt hả?"
"Họ không sợ". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Chỉ không biết chủ nhân có đảm đương được không?"
"Thế là thế nào?"
"Hoa tiểu hầu gia và Liễu Nhị Ngốc như hai con gà chọi, vạn nhất gặp mặt mà một lời không hợp là giao chiến liền, chưa biết chừng sẽ đổ máu".
"Ngươi nói nặng lời quá". Phong nhị tiểu thư cười cười, tỏ vẻ không quan tâm.
"Tiểu thư cười gì?"
"Vì ta không tin, Đồng Tước biệt quán xưa nay sáng sáng đàn ca sáo nhị, tối tối sênh cao. Chưa từng xảy ra giao đấu, càng không đổ máu bao giờ". Phong nhị tiểu thư nói: "Việc đó sẽ không xảy ra..."
"Vì sao?"
"Cha ta quyết không để xảy ra".
"À".
"Không ai được động võ trong biệt quán".
"Tiểu thư nói hay lắm, câu đó nên sửa một chữ". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Không ai dám động võ trong biệt quán".
"Ngươi nói thế cũng được".
"Theo tôi biết, lệnh tôn Phong lão gia tử phong đao quy ẩn từ mười năm trước, kiến tạo tòa Đồng Tước biệt quán này để an hưởng tuổi giả". Thẩm Tiểu Điệp hỏi: "Lẽ nào hiện giờ lão gia tử muốn quay lại giang hồ?"
"Sao ngươi biết cha ta đã phong đao quy ẩn?"
"Giang hồ đồn đại việc này đã lâu".
"Mười năm trước cha ta đang lúc tráng niên nhất, sao lại định quy ẩn". Phong nhị tiểu thư bảo: "Chẳng qua là một câu nói đùa thôi".
"Hóa ra là thế". Thẩm Tiểu Điệp mỉm cười.
Một nhân vật giang hồ nôi danh đã tuyên bố phong đao quy ẩn, sao lại là nói đùa?
Đó không phải chuyện cười mà là mười phần hoạt kê.
Liễu Nhị Ngốc cũng lần ra đôi chút manh mối, chủ nhân Đồng Tước biệt quán phong đao quy ẩn năm xưa chỉ là do tình thế, giờ mọi thứ đã thay đổi.
Còn về cái tên Đồng Tước biệt quán càng hàm chứ ý nghĩa ăn chơi.
Cuối đời Hán, Tào Mạnh Đức kiến tạo một tòa Đồng Tước đài ở Lạc Thủy, nuôi nhiều ca kỹ để vui vẻ tuổi già.
Cổ kim đến giờ, đời nào đều dấy phong vân, có bao anh hùng hào kiệt? Vị chủ nhân Đồng Tước biệt quán lại mô phỏng họ Tào.
Lẽ nào người này cũng học đòi phong thái của A Man?
Liễu Nhị Ngốc vốn không định đến Đồng Tước biệt quán, giờ liền nảy lòng hiếu kỳ.
Y muốn xem vị Phong lão gia tử này thật ra là nhận vật thế nào?
"Thế nào? Liễu Nhị Ngốc". Phong nhị tiểu thư hỏi: "Đừng làm cao nữa, rốt cuộc cón hận lời mời của ta chăng?"
"Hôm khác đi". Y nói.
Tuy y động tâm muốn đến Đồng Tước biệt quán nhưng không thích cách này.
"Hôm khác? Muốn chọn ngày lành tháng tốt chăng?"
"Không phải thế".
"Hay sợ gặp Hoa tiểu hầu gia?"
"Mỗ..."
"Các hạ không muốn gặp cũng được". Phong nhị tiểu thư bảo: "Hoa tiểu hầu gia là khách của cha, các hạ là khách của ta, Đồng Tước biệt quán rất lớn, ta có riêng mấy tòa biệt viện".
"Vậy hay quá". Thẩm Tiểu Điệp nói: "Chúng tôi đến đó làm khách".
"Nhưng..."
"Tiểu thư bảo là Liễu Nhị Ngốc, đúng không? Y đồng ý lâu rồi". Thẩm Tiểu Điệp cười khanh khách, "chỉ là da mặt mỏng quá, nên thẹn..."
Liễu Nhị Ngốc nhíu mày, quả thật bị nàng làm cho đỏ mặt.
Thẩm Tiểu Điệp không thèm để ý, kéo góc áo y rồi tính tiền, chưởng cự liên tục cung kính không chịu thu tiền.
Thẩm Tiểu Điệp để lại một nén bạc vụn, kéo Liễu Nhị Ngốc song song xuống lầu.
Nàng quyết tâm muốn làm khách của Phong nhị tiểu thư.
Ngọc Lộ hồ xanh biếc sóng vờn, bên bờ liễu rủ xanh rờn.
Hành lanh uốn khúc thông đến một hòn đảo nhỏ giữa hồ, ngói xanh tường đỏ, lâu các ẩn ẩn, gió lùa qua kéo theo mùi hương thơm nức.
Đó là Đồng Tước biệt quán.
Hoàng hôn buông xuống, đèn đuốc sáng trưng, chính giữa đại sảnh Đồng Tước biệt quán bày một chiếc ghế bọc da hổ.
Một người mặc áo bào xanh mặt mũi hồng hào, chừng ngoài năm mươi, mái tóc rủ xuống vai, hùng dũng ngồi tựa vào thành ghế.
Lão là Nhất trụ kình thiên đao Phong Bát Bách.
Giang hồ đồn rằng thanh đao của lão luyện đến cảnh giới xuất thần nhập hóa, lưỡi đao có cả quỷ vật, tinh linh.
Đao vung một nhát, trăm người đứt đầu mà đao không dính máu.
Tuy lời đồn này khoa trương nhưng đao không dính máu là thật, vì lúc lão giết người không hề dùng lưỡi đao, chỉ cần đao phòng quét tới là đánh bại mọi địch thủ. Lão xuất đạo sớm, dương uy cả dải Giang Hoài, trận chiến trên bãi Bạch Hổ chỉ trong thời gian không đầy bữa com đã giết chết hai mươi tám người.
Hai mươi tám người này là Hoài Nam nhị thập bát tú.
Nhất chiến thành danh, thành bá chủ hạng nhất một dải Giang Hoài.
Sau đó tài phú đổ về, ruộng nương thênh thang, gia súc đầy đàn, vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng.
Tài phú từ đâu tới? Đương nhiên tới một cách bất minh bất bạch.
Kỳ quái là lúc lão đang nổi danh như mặt trời chính ngọ thì đột nhiên tuyên bố phong đao quy ẩn, kết thúc hơn mười năm sinh nhai trên giang hồ.
Lão không thất bại, sao lại thoái chí?
Lẽ nào kiếm đủ rồi nên muốn hưởng phúc nhân gian?
Người giang hồ lấy làm lạ, đoán định đủ đường, cũng có người loáng thoáng nhận ra.
Vì trong năm đó Tứ Không tiên sinh đột nhiên xuất hiện ở Giang Hoài.
Người ta đoán ra nguyên nhân Phong Bát Bách tự nhiên quy ẩn, nhưng không có chứng cứ.
Tứ Không tiên sinh luốn trừ ác giúp thiện, càng không thích những kẻ kiêu cuồng.
Phong Bát Bách từ khi phong đao quy ẩn chi hậu, quả nhiên không rời nhà nửa bước, đóng cửa từ khách, đổi kiểu thành để tóc dài.
Nguyên nhân là gì? Lẽ nào dáng vẻ đó dễ coi?
Ít nhất cũng không đủ khí phái trang nghiêm.
Dù gì thì giấy không gói được lửa, sau cùng cũng có người phát hiện, hóa ra lão mất một tai.
Nhưng người phát hiện không dám nói bừa, vì thế không nhiều người biết.
Hiển nhiên giờ đây mối lo của lão đã tan, nên lúc xuất hiện rồi, ánh mắt lão hiện lên nét ngạo nghễ như mười năm trước.
Hoa tiểu hầu gia ngồi trên cẩm đôn ở mé trái, phía dưới là một trung niên văn sĩ mặc áo dài.
Bạch Phượng Tử đương nhiên có mặt, nàng ta không ngồi.
Nàng ta đứng cạnh chiếc ghế bọc da hổ, trên mặt còn hiện nụ cười ngọt ngào.
"Cha nuôi," nàng ta nói, "lão nhân gia nên sớm xuất sơn".
Chả trách nàng ta không ngồi, hóa ra có quan hệ này, một tiếng cha nuôi rất nũng nịu, thánh thót.
Nịnh nọt người ta, chính là dáng vẻ thế này.
← Hồi 10 | Hồi 12 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác