Vay nóng Tima

Truyện:Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm - Hồi 05

Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm
Trọn bộ 30 hồi
Hồi 05: Thương xót muôn trùng, Võ Đang sơn tá túc - Mối tình câm chợt chớm giữa tim ai...
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-30)

Siêu sale Lazada

Ngày đợi ngày, trong lòng Nguyên Huân nôn nao chờ đợi, chàng không dám hỏi mà Hân lục hiệp cũng không đá động gì đến. Chàng phải cố dằn lòng để lấy lại sự bình thường trong những ngày ấy. Chỉ trong giờ tập luyện công phu là còn thanh tâm được, ngoài ra, chàng đứng ngồi không yên, ngóng mong và chờ đợi.

Hiểu rõ tâm lý này, Vân Hạc và Bảo Thư thường ghé thăm chàng, luôn luôn tìm cách làm Nguyên Huân khuây khỏa. Trong lúc đàm đạo, có lúc Vân Hạc nhắc đến Ngoại tổ của mình. Nguyên Huân đắn đo rồi hỏi:

- Vân Hạc ca ca! Ngoại tổ của ca ca hiện là một bậc Vương gia phú quý, hiển vinh không thua gì Hoàng đế. Sao ca ca và tỷ tỷ không về thăm người?

- Dường như gia gia và má má không muốn ta dính vào đường công danh, nhất là má má. Tính tình má má ưa thanh tịnh, giản dị, không thích hào nhoáng bề ngoài. Khi ta còn nhỏ, ta, Bảo Thư và má má có về thăm Ngoại tổ một lần, nhưng chỉ ở lại vài ngày là má má đòi về Võ Đang sơn, Ngoại tổ ta giữ thế nào cũng không nghe. Ngoại tổ và má má tính tình khác nhau nên không hợp được. Lần ấy má má cứ buồn nản, gia gia ta phải nói mãi mới khuây lãng đôi chút. Ta cũng chẳng biết tại sao gia gia và Ngoại tổ ta không hợp nhau, chẳng thấy khi nào ông nhắc đến Ngoại tổ ta cả. Có lần, lúc còn bé, ta bị gia gia đánh đòn vì sự tò mò, lần ấy, gia gia suốt hai ngày không bước chân ra khỏi phòng. Má má cấm ta từ nay không được đá động gì đến việc đó nữa. Ta hỏi lý do thì má má ta buồn lắm và không trả lời. Ta vẫn nghe Ngoại tổ ta có một mình má má là con, nên cha con dù có xung khắc thì cũng không như thế được!

Nguyên Huân nhìn thấy vẻ phiền muộn trên gương mặt của Vân Hạc, không dám hỏi tiếp. Một lúc lâu, Vân Hạc nói:

- Vương phủ của Ngoại tổ sát ngay Hoàng cung, lộng lẫy lắm. Khách phần lớn ghé thăm Ngoại tổ thường là những nhân vật giang hồ, còn các bậc đồng liêu thì khi được triệu mời, mới tới diện kiến.

- Thế Ngoại tổ mẫu của ca ca còn không?

- Ta chỉ nghe má má nói là Ngoại tổ mẫu mất khi má má ta mới vừa năm tuổi!

- Ngoại tổ của ca ca sau có lập Vương phi không?

- Nghe đâu mãi sau này, khi ấy ta khoảng mười hai, mười ba tuổi, Ngoại tổ mới lập Vương phi. Nghe nói bà ấy trẻ lắm, thua má má ta đến mười tuổi, xinh đẹp lắm!

- Thế ca ca đã gặp bà chưa?

- Ta chưa gặp! Đó là lần má má dẫn anh em ta về triều, ta không thấy bà ta đâu cả. Bà ta hình như không muốn ra ngoài. Nhưng thôi, đừng hỏi đến việc này, gia gia biết được, ta và hiền đệ thế nào cũng bị trách phạt đấy!

Bảo Thư nói:

- Huân đệ này! Ta còn một người anh, con của Ngũ sư bá, ta cũng không biết mặt. Thái sư phụ và mọi người yêu kính vị ca ca ấy lắm. Cả má má ta cũng rất kính mến. Má má nói vị ca ca ấy hơn má má bẩy tuổi, võ nghệ, công lực trùm đời!

- Thế bây giờ vị ca ca ấy đâu?

- Khi ta chưa ra đời, vị ca ca ấy đã cùng một người đàn bà ẩn tích ẩn danh, không còn thấy tăm hơi trên giang hồ nữa!

Vân Hạc chen vào:

- Nghe má má ta nói vị ca ca ấy rất được Thái sư phụ ta yêu mến!

- Sau này có nghe Nhị sư bá nhắc đến vị này không?

- Chắc có đấy! Nhưng làm sao bọn ta nghe được!

Việc chờ đợi nào cũng có lúc chấm dứt. Một buổi chiều, Bảo Thư chạy lại thư phòng của Nguyên Huân:

- Huân đệ! Có khách rồi đấy!

- Ai vậy?

Nguyên Huân hồi hộp hỏi.

- Ta cũng chưa biết rõ, chỉ thấy hai vị khách, một vị là đạo trưởng tuổi chừng trên bẩy mươi, một vị khác là kiếm khách, không phải là người Trung thổ, đeo hai thanh kiếm ở sườn, một dài một ngắn!

- Bây giờ họ đâu rồi?

- Nhị bá phụ có vẻ mừng rỡ lắm, ra tận đại sảnh đón tiếp. Đã từ lâu Bá phụ không hề bước chân ra khỏi hoa môn. Phá lệ đấy! Hiện giờ khách đang ở khách sảnh, chớ lấp ló mà bị phạt. Không một ai được quẩn quanh bên khách sảnh nếu không được mời gọi. Đó là một trong những môn quy. Vi phạm là chết đấy!

Một khắc trôi qua lâu như một đời, bỗng có bước chân chạy, đồng tử hầu trà chạy vội tới vòng tay nói:

- Trần huynh! Chưởng môn nhân gọi!

Chưa kịp hỏi một điều gì, thư đồng đã vội vã chạy về phục mệnh. Nguyên Huân hít một hơi dài chân khí, nhắm mắt định thần, lấy lại bình tĩnh, bước về phía đại sảnh. Chàng thấy ở đấy có bốn người, Nhị và Lục hiệp, hai người khách lạ một người mặc y phục theo lối đạo sĩ, tuổi khoảng bảy mươi, tay cầm phất trần, sau lưng một thanh trường kiếm nhô lên, đôi mắt long lanh thần khí. Người kia trạc tuổi trên sáu mươi, trán hói, tóc búi cao, y phục mặc theo lối Nhật Bản mà chàng đã thấy trong tranh vẽ, mắt sáng quắc như có điện quang. Cả hai, trên khuôn mặt còn hằn nét đau đớn.

Khi Nguyên Huân bước vào, cả hai người đều đứng lên, ánh mắt chiếu cả vào Nguyên Huân tràn đầy trìu mến. Chàng vội vàng bước đến trước mặt Dư lão chưởng môn quỳ xuống:

- Hài tử xin ra mắt nhị vị lão nhân gia và nhị vị quí khách!

Dư chưởng môn dịu dàng:

- Huân nhi hãy đứng dậy, ta sẽ nói cho con rõ!

Chàng nghe lệnh bình thân. Hai người khách bước tới gần chàng rồi dừng lại, im lặng. Trong khóe mắt của vị đạo trưởng, long lanh những cảm xúc đang cố che giấu.

- Huân nhi! Con nghe đây! Trước mặt con, đây là hai người thân thiết nhất của cha con mà bấy lâu con mong đợi: Thiên Hư đạo trưởng, Nhị bá phụ và Điền Hoành Thứ Lang, Tứ thúc phụ của con đấy. Con hãy mau quỳ lạy ra mắt đi con!

Nỗi mừng rỡ và xúc động khiến Nguyên Huân không sao cầm được nước mắt. Bao nhiêu thương đau, đắng cay, phút chốc như vỡ bờ tràn tuôn theo dòng lệ. Chàng quỳ xuống ôm lấy chân hai người huynh đệ thân yêu của cha mình, nghẹn ngào:

- Ôi Bá phụ! Ôi Thúc phụ! Ôi Gia gia!

Nguyên Huân chỉ kêu được mấy lời, rồi cổ họng như nghẹn lại không nói thêm gì được. Có đôi bàn tay dịu dàng nâng chàng dậy. Chàng thấy giọt lệ như sương đọng trong khóe mắt hai người. Thiên Hư đạo trưởng đặt tay lên vai chàng. Điền Thứ Lang cầm lấy tay chàng. Thiên Hư đạo trưởng nói:

- Con đấy ư! Đứa con còn sót lại của Tam đệ ta, hai mươi năm chia lìa vẫn mong có ngày gặp lại. Thế là tám anh em ta ngày xưa chỉ còn lại hai ta. Đại ca giờ nơi nào chẳng biết, Lục đệ ta thân già bệnh tật, Ngủ, Thất, Bát đệ giờ đã an giấc ngàn thu. Ôi con! Con giống phụ thân con lắm. Đó cũng là điều an ủi cho anh em chúng ta. Thôi con đừng xúc động như thế nữa!

Nói xong, ông ấn Nguyên Huân ngồi xuống chiếc ghế đôn sứ kế cạnh. Thiên Hư quay lại nhìn Tứ đệ mình, bốn mắt chạm nhau như có tiếng nói, cùng bước lại trước mặt Dư chưởng môn, Hân lục hiệp, rồi bất thần sụp lạy:

- Nhị vị ân nhân, xin cho anh em lão đạo được lạy một lạy. Thâm tạ tấm lòng của nhị vị!

Dư lão chưởng môn, Hân lục hiệp, nhanh như chớp lách mình lánh qua hai bên, khom mình đỡ hai người đứng dậy, vội vàng nói:

- Đạo hữu, Tứ hiệp, sao lại khách khí như vậy, sao lại thế? Đó chẳng phải là bổn phận của ta đối với bằng hữu giang hồ hay sao? Nhị vị làm thế ta buồn lắm đấy, như thế là các vị không hiểu được lòng ta!

Thiên Hư và Điền tứ gia vâng lời đứng dậy, bước đến bàn thờ có Chân dung của tổ sư Trương chân nhân, quỳ gối hành đại lễ. Sau khi an tọa trở lại, Thiên Hư dịu dàng hỏi:

- Huân nhi, ta đã được Dư chưởng môn nhân kể hết đầu đuôi tự sự. Anh em ta gồm tám người, kết nghĩa huynh đệ đã gần 40 năm, tình hơn ruột thịt, công việc và con cái, thân thuộc của bất cứ ai trong chúng ta, chúng ta đều chung nhau gánh vác. Ta và Tứ đệ còn sống ngày nào quyết chẳng để con một mình gánh vác, con hãy cứ yên lòng!

Điền Hoành Thứ Lang đến lúc này mới mở lời. Ông nói tiếng Trung Nguyên lưu loát như một người Hán tộc:

- Huân nhi, con còn giữa được tín vật của cha con không?

Nguyên Huân tháo ở cổ mảnh ngọc chàng luôn đeo bên mình bằng một sợi dây bạc, hai tay nâng bảo vật kính cẩn dâng lên:

- Lục thúc trao cho con trước khi con lên đường, con giữ gìn nó hơn cả sinh mệnh, kính trình Tứ thúc xem qua!

Điền Hoành cầm túi gấm, mở và lấy ra mảnh ngọc xanh biếc tám cạnh, chạm trổ tám thanh gươm và mặt Trăng tròn ở giữa, ông giữ nó trong hai bàn tay chắp lại, gương mặt tái xanh vì xúc động, nói một mình:

- Hơn 20 năm xa cách, thấy được tín vật này, như nhìn thấy Tam ca của ta!

Dư chưởng môn quay hỏi Thiên Hư như cố ý xua tan không khí sầu thảm:

- Lão đệ, từ lúc gặp lại nhau, ta chưa kịp hỏi thăm. Lão đệ suốt mười mấy năm nay làm gì? Ở đâu?

- Đạo huynh, độ ấy đệ có việc phải sang Nhật, vì Điền tứ đệ và Phong ngũ đệ nhắn người mời sang, đệ có rủ luôn lão đại ca của tiểu đệ đi cùng cho vui, nhưng ông nói có việc phải sang Tây vực. Từ đó đệ chẳng còn được tin tức của ông nữa!

Hân lục hiệp nói:

- Điền huynh, tiểu đệ có được chứng kiến kiếm pháp của quý quốc trong một lần có việc sang Cao Ly, đến bây giờ vẫn thầm phục. Trong một trận đọ kiếm, đúng ra thì phải gọi là trận phục kích của một nhóm mười hai kiếm sĩ của Cao Ly. Bị tấn công bất thình lình, thế mà chỉ trong nháy mắt, một vị kiếm sĩ Nhật đã dùng kiếm hạ sát mười hai cao thủ kia. Đường kiếm nhanh đến nỗi tiểu đệ không kịp nhận ra chiêu thức nữa. Vì vậy, bao nhiêu năm vẫn mong có dịp đế hiểu biết thêm về kiếm đạo, Điền huynh có thể nói cho biết qua được không?

Điền Hoành Thứ Lang mỉm cười:

- Thưa nhị vị lão nhân huynh, ở xứ sở chúng tôi, các Sa mu-rai đều xử dụng kiếm cả và đều xuất thân từ dòng dõi của các tướng quân đời đời nối nghiệp. Thời Mạc phủ, các tướng quân cát cứ mỗi người một phương, đem quân đánh lẫn nhau như thời Thập nhị sứ quân của Đại Việt, cũng như thời Tam quốc của quý quốc vậy, vì thế võ học trở nên một nghề cần thiết chuyên dùng kiếm, đó là Kiếm đạo. Nói cho cùng thì kiếm pháp ở cái giai đoạn khởi đầu có khác nhau, nhưng khi luyện tập lên đến mức thượng thừa, thì dẫu là kiếm đạo của Nhật, của Việt, của Trung Nguyên cũng hợp về một mối cả, chủ yếu là tâm. Tâm càng lắng, cùng kiếm hợp làm một, thì thân ảnh tất nhiên biến theo kiếm, việc này Hân lục hiệpthừa biết, nguyên lý là: nhanh, chuẩn và đúng lúc.

Dư lão chưởng môn nói:

- Võ thuật của quý quốc đánh giá cao thấp bằng đẳng cấp, việc đó thật là tiện lợi. Điền huynh là người đi lại nhiều, có bạn hữu bốn biển, Điền huynh có ý niệm gì về các loại võ thuật trong thiên hạ?

- Thưa Lão chưởng môn, theo ngu ý của tại hạ, kiếm pháp võ thuật trong thiên hạ đều phát tích từ một mối, sau thêm bớt, trước tác, mà tạo thành từng phái, mang từng tên khác nhau và cũng do công phu mà trở thành cao thấp, lợi hại khác nhau mà thôi!

Thiên Hư đạo trưởng chen vào:

- Tiểu đệ ở Nhật một thời gian dài cùng Tứ và Ngũ đệ, có thời gian nghiên cứu võ công của xứ này, một điều đặc biệt là nghề luyện kiếm tiến đến mức kỳ tuyệt và những thanh kiếm ấy nặng hơn kiếm của Trung thổ, cán kiếm dài, sử dụng bằng hai tay, luôn luôn một võ sĩ đạo có bên mình hai thanh trường, đoản, nhưng ít khi dùng đến đoản kiếm trong chiến đấu. Thế kiếm đi thật mạnh, thật trầm hùng, chém, bổ, chứ ít khi xử dụng đến mũi kiếm, đệ cho đó là một loại quân tử kiếm, và đó cũng khiến cho kiếm đạo Nhật mất đi cái biến hóa một cách độc hại, tuy nhiên khi địch thủ mà trúng kiếm thì không bao giờ thoát chết được!

Dư chưởng môn cười nói:

- Việc nhận xét của lão đệ thì ta không thể có ý kiến gì được, Vì một thời gian dài mười mấy năm, lão đệ nghiên cứu nền võ học của Nhật chắc chắn là đến độ tinh vi, việc này thế nào cũng phải cho lão hủ này được sáng mắt ra!

Hân lục hiệp nói:

- Trong võ học, tư chất, căn cốt, và công phu tôi luyện là điều quan trọng nhất, vậy thì bất cứ nền võ học của một dân tộc nào cũng không thoát khỏi những điều tiên quyết ấy, không có lòng kiên trì khổ luyện thì không thể đạt được cho dẫu là được danh sư truyền thụ. Huân hiền điệt hội đủ cả những điều cần thiết ấy. Có nghĩa là nhập tâm. Khi lâm chiến mà còn nhớ với quên thì làm sao ứng biến cho kịp, khi còn dùng tới trí để nhớ tất phải phân tâm, tâm mà loạn là hỏng hết!

Thiên Hư chắp tay thưa:

- Nhị vị, lần này lão hủ về đây quấy rầy nhị vị một phen, tiểu đệ phải truyền Vân Hà Tỏa Kiếm lại cho Huân nhi, nên xin một chỗ nhỏ tá túc!

Dư Nhị hiệp nói:

- Lão đạo, sao lại nói thế, ta với lão là đồng đạo đã đành, còn là chỗ thân tình quen biết, cùng làm một điều không thể không làm được, điều này, từ khi được tin lão đệ nhắn về, ta đã cho sửa soạn nơi ăn ở cho nhị vị từ lâu rồi!

Nguyên Huân ngồi lắng nghe câu chuyện của các bậc tiền bối cho đến giờ cơm, chàng mới xin phép đứng lên. Tối hôm ấy, Võ Đang sơn tiếp đãi Bát đại nhị gia hết sức ân cần. Hân lục hiệp đem tình hình võ lâm Trung Nguyên thuật lại:

- Hơn một năm gần đây, Trung Nguyên võ lâm có nhiều biến động. Đại hội Kình Dương đáng lẽ mở vào tháng Tám trước đây bị hoãn lại vì lý do nào đó. Tại hạ cũng có nhận được thư của Viên Nhẫn đại sư nói về Kình Dương đại hội của người họ Dương, nhưng đến nay chưa thấy phát thiếp mời quần hào võ lâm, chẳng rõ nội dung đại hội ấy thế nào, nhằm chủ đích gì. Gần đây, bọn giáo chúng của Tiêu Dao tiên giáo, chắc huynh đài còn nhớ, lại hoạt động mạnh, chúng đi lại giang hồ làm nhiều điều bại hoại lắm, chúng như chiếc ung nhọt khuấy động võ lâm. Sát nghiệp lại bắt đầu!

Dư Nhị hiệp nói:

- Mới đây, vụ thảm sát toàn phái Thần Kiếm của Đông Phương Bạch và các cao thủ của Cái bang bị giết hại, phái Điểm Thương cũng bị giết chết mấy người, việc này Lục đệ có biết thêm gì nữa không?

- Tiểu đệ đã cho người dò la, chỉ biết là bọn sát thủ đều đeo mặt nạ, chém giết hết sức tàn bạo mà không nói năng tuyên bố gì, rồi rút đi phân tán không để lại dấu vết!

Thiên Hư nói:

- Trên đường từ Trường Bạch về đây, bần đạo có nghe xì xào đến việc này, tất cả việc gây ra do cùng một bọn người, việc đó không phải là không đáng lưu tâm, Dư nhị lão huynh còn nhớ năm xưa không? Triệu quận chúa đã gây tác hại biết bao cho võ lâm Trung thổ, chỉ có mục đích là loại trừ các môn phái, cao thủ của thiên hạ giang hồ, nhằm ngăn chặn việc quật khởi của Hán tộc đối với Nguyên triều, bánh xe năm cũ không chừng đang đi vào vết xưa. Việc này chẳng nhỏ!

Gương mặt Hân Lợi Hanh thoáng đượm nét buồn, như nhớ lại quá khứ xa xăm đã từng chịu đựng nhiều đau khổ, nhớ đến những điều thân yêu, nỗi đau đớn, xót xa và cả niềm căm giận.

Dư lão chưởng môn nói:

- Điều này ta cũng đã nghĩ đến, nhưng ta đặt giả thuyết họ Dương ở Chung Sơn không có liên quan gì đến trường hợp như vừa nói. Chắc chắn họ Dương không nhúng tay vào các vụ này, bởi vì đó là một điều bạo tàn không chủ đích. Nhưng nếu họ Dương chỉ là công cụ của một thế lực khác thì đã không phao ngôn trên giang hồ về Đại hội Kình Dương và hành động sẽ giấu nhẹm tung tích, vậy việc này do một thế lực khác chủ động, ném đá giấu tay, hướng mũi tên sang một hướng khác và ngồi im thủ lợi, điều này chẳng nên vội vàng để có thể đưa đến một kết luận sai lầm được, từ đấy làm mất hòa khí trong võ lâm, gây nên một trường sát kiếp.

Hân Lợi Hanh nói:

- Vậy thì ai đã làm chuyện này? Tiểu đệ nghĩ, mọi việc triều trung bây giờ ở trong tay họ Dương, y lấy hiệu lệnh Hoàng đế để khuynh đảo thiên hạ, gây ra căm phẫn khắp chốn, tạo nên những cuộc chinh chiến, xâm lược. Họ Chu trên ngai vàng chỉ là hư vị, nhưng những oán ghét của trăm họ thì nhận lãnh cả. Họ Chu vốn là kẻ cường đạo, xưa kia núp dưới bóng Thiền môn, nhưng chắc chắn y không phải là kẻ nhu nhược. Bởi vì nếu không, y đã chẳng thể lợi dụng Minh giáo để thâu tóm giang sơn vào tay mình, chẳng nhẽ y lại không biết gì đến hành động của Dương Tiêu đã gây nên những điều không lấy gì làm tốt đẹp cho y như vậy hay sao? Vậy thì rõ ràng họ Chu đã bị Minh Vương kềm chế. Võ công của người này tuyệt cao, chân tay hào kiệt còn nhiều, nội cái việc hào khách giang hồ lui tới và bạn đồng liêu ít ai dám giao du, y có gọi mới đến diện kiến. Việc này phải tìm hiểu cho thấu đáo.

Thiên Hư đạo trưởng nói:

- Việc tìm hiểu nội tình chốn triều trung không phải là việc người ngoài có thể làm được và nhất là khi đó lại là một mưu đồ!

Hiểu ý, Hân Lợi Hanh đáp:

- Tiện nội có thể làm việc ấy được, nhưng tính tình tiện nội đôn hậu, ngay thẳng. Vả lại, dùng con mà dò xét cha mẹ, điều này thực chẳng nên!

Dư chưởng môn chen vào:

- Thôi được rồi, việc này ta sẽ tính sau, chúng ta hãy đợi xem tin tức ra sao đã!

Kể từ đó, Nguyên Huân được nhị vị bá phụ và thúc phụ truyền thụ võ công, tâm pháp, sở học, sau khi đã đắc truyền cho 72 chiêu thức trong Vân Hà Tỏa Kiếm mà bấy lâu nay hai ông đã dụng công điểm xuyết thêm.

Điền Hoành Thứ Lang cũng mang những tuyệt chiêu truyền hết cho Nguyên Huân, cả những kinh nghiệm mà các vị đã thu thập được trong hằng mấy chục năm bôn tẩu giang hồ. Nguyên Huân cũng đã thấu đáo những điều ảo diệu trong Đạo giáo, những biến dịch, những vận hành, những kỳ môn, những tương khắc, tương sinh. Tất cả những học thuật của Đạo gia chàng cũng được hai vị hết lòng truyền dạy.

Trong suốt từng tháng, từng ngày trôi qua, Nguyên Huân luyện tập, học hỏi không giây phút xao lãng, bất kể nắng mưa, khuya sớm, giá rét và tuyết phủ. Thoáng chốc đã sáu tháng, chàng đạt được một bước tiến bộ lớn mà suốt mười ba năm cộng lại chẳng bằng. Sở dĩ có sự tiến bộ như thế, bởi có những điều kiện cộng lại, ngoài tư chất trí tuệ, ngoài căn cốt, ngoài sự kiên trì không mệt mỏi, ngoài sự quyết tâm và mối thù nung nấu, ngoài sự tận tình của người truyền dạy, chàng còn có đủ kinh nghiệm và nội lực làm căn bản. Vân Hà Tỏa Kiếm chàng đã đạt được sự thuần thục, khi múa lên, chỉ thấy chàng và kiếm ảnh tụ lại như một đám mây bao quanh, tuy nhiên, vẫn chưa thích tụ được cái sức tích ẩn dung chứa trong lòng dòng sông mây cuồn cuộn. Vì không có Sát Na Vô Lượng thần công, chàng chưa thể đạt đến độ thân, kiếm hợp nhất, chưa đạt đến cái khoảng cách nhỏ nhất của thời gian.

Một hôm Thiên Hư đạo trưởng nói với Nguyên Huân:

- Ngày ta và gia gia con cùng nghiên cứu võ học, gia gia ngươi có cho ta xem nguyên bản của Sát Na Vô Lượng tâm pháp, đến nay ta chỉ nhớ được lõm bõm đoạn mở đầu, vì văn tự trong Tâm pháp cực kỳ trúc trắc, huyền ảo, lại nữa, phép tọa công kỳ bí và nghịch đảo, do đó ta chỉ vì tò mò mà đọc, không chủ ý để nhớ. Nay ta và Tứ sư thúc con đã dốc túi truyền cho con bản lĩnh của ta, con ráng ngày đêm luyện tập cho thành. Ta và sư thúc con không ở đây lâu được. Để đền đáp công ơn của Võ Đang, ta cùng Tứ đệ ta cũng đã truyền thụ võ công cho Vân Hạc và Bảo Thư. Nay ta và sư thúc con còn nhiều việc phải làm, rồi thế nào ta cũng còn gặp lại.

Từ khi tiễn chân nhị vị Thúc, Bá lên đường đến nay, chàng đem hết tâm lực khổ luyện. Một hôm Nguyên Huân đến xin được thưa chuyện cùng Dư, Hân nhị vị:

- Hài nhi vô cùng đội ơn nhị vị lão nhân gia đã thương yêu mà đem lòng đùm bọc, nuôi nấng dạy dỗ, đến nay thoắt đã gần ba năm. Con không dám tự nghĩ là đã đủ bản lãnh vào đời. Tuy nhiên vì nghĩa vụ hai vai còn nặng, tâm trí con không lúc nào nguôi ngoai được, nay con xin phép nhị vị lão nhân gia cho con được lên đường!

Dư chưởng môn trìu mến nói:

- Ta cũng biết võ công con rất tăng tiến trong khoảng thời gian gần đây, việc đi lại giang hồ ta không còn lo âu nhiều nữa, tuy nhiên bản lãnh, công lực con hiện có chưa đủ để đương đầu với cừu nhân được, vì ta đoán biết nếu cừu nhân của con là y, thì ngay cả ta, cũng chưa phải là đối thủ của y. Vậy chớ nóng lòng khi chưa tìm được và luyện được bí kíp của Tổ phụ con, con phải kiên nhẫn chờ đợi, đừng vì bất cứ lẽ gì mà uổng tấm thân hữu dụng cho Tổ Quốc con mai sau, và cho những người đã vì con đặt rất nhiều kỳ vọng!

Hân lục hiệp nói thêm:

- Ta cũng cảm thông được sự nôn nóng ra đi của con, chỉ hiềm một nỗi ta còn lo âu là kinh nghiệm giang hồ của con chưa là bao mà lòng người thì âm hiểm xảo quyệt, bởi vậy phải thận trọng trong tất cả mọi lúc, nhưng cũng không vì thế mà nghi ngờ quá đáng có thể làm lỡ việc lớn. Ta chỉ có bấy nhiêu lời dặn dò!

Dư chưởng môn nhắm mắt, một lúc sau nói:

- Lần này con ra đi hung, cát trùng trùng, gian truân vất vả còn nhiều, tai biến còn lắm, nhưng rồi hung thành cát, mọi điều rồi cũng tốt lành, về sau ngươi sẽ biết, bấy nhiêu là đủ Thiên cơ không thể nói được. Ngày mai, cuối giờ Mão hãy lên đường, theo hướng Đông bắc mà tiến, đạp chân vào quẻ Độn mà đi, tất sẽ hạnh thông!

Chiều hôm ấy, Vân Hạc và Bảo Thư nghe tin Nguyên Huân lên đường vào sáng sớm mai, cả hai đều có ý buồn và lưu luyến. Bảo Thư bùi ngùi nói:

- Huân đệ, thời gian qua nhanh quá, mới ngày nào hiền đệ đến Võ Đang, ta tường như mới là hôm qua, hôm kia. Việc Huân đệ ra đi, anh em ta có lưu luyến cũng chẳng được, mong Huân đệ bảo trọng. Hiền đệ nhớ là còn nợ ta đấy nhé!

Nguyên Huân mỉm cười hỏi:

- Tiểu đệ thiếu nợ gì thế?

- Ngươi nói ngươi dạy ta tiếng Đại Việt, nay bỏ dở dang chả nợ là gì!

Vân Hạc chen vào:

- Thư muội! Giả dụ Huân đệ chưa lên đường thì Thư muội cũng không có thì giờ mà học, thì giờ còn để sửa soạn về nhà chồng nữa chứ!

Bảo Thư đỏ mặt gắt:

- Việc gì đến huynh trưởng mà huynh trưởng chế diễu tiểu muội hoài vậy?

Nguyên Huân nói:

- Tiểu đệ không ở lại cùng chung vui với tỷ tỷ được, thật đáng tiếc lắm, còn Hạc huynh, việc của đại ca đến bao giờ vậy?

- Còn lâu lắm, ta chưa vội vả gì!

Bảo Thư thu xếp hành trang cho Nguyên Huân và đưa tặng cho chàng tiền bạc để sử dụng cho cuộc hành trình.

Nguyên Huân từ chối nói:

- Đa tạ tỷ tỷ, tiểu đệ mấy năm nay có xử dụng gì đến số tiền vàng mang theo đâu, nên còn dư giả lắm?

Chiều hôm ấy, Nguyên Huân đến từ biệt Hân phu nhân và Thanh Phong sư ca, Minh Nguyệt không có nhà, vì đã vâng lời Hân lục hiệp đi Thiểm Tây từ tháng trước. Hân phu nhân yêu quý chàng như con, bà buồn rầu bảo chàng:

- Điệt nhi, ta là đàn bà không thể biết việc của con được, ta chỉ cầu mong Trời Phật ban cho con được nhiều điều may mắn!

Nguyên Huân chắp tay thưa:

- Hài nhi xin tạ ơn tấm lòng của Bá mẫu thương yêu, dạy dỗ, săn sóc bấy lâu nay, tấm lòng trời bể ấy hài nhi chẳng bao giờ quên được!

Phu nhân bắt ép chàng nhận lấy một số tiền, chàng không thể từ chối được. Bà bảo:

- Cứ giữ lấy đi con,để cho ta được yên lòng, biết thế nào là đủ, thiếu được!

Hân lục hiệp bảo:

- Nguyên Huân, Nhị sư ca ta đã nhập thất từ tối nay và có dặn ta ngươi khỏi phải lạy chào, hãy nhớ lời người dặn dò, cả ta nữa, mai ngươi cứ lên đường đừng chấp nê làm gì tiểu tiết!

Nguyên Huân quỳ lạy nói:

- Lần này ra đi, không biết ngày nào con trở lại, con cầu xin nhị vị lão nhân gia bình an và khang kiện!

Tối hôm đó chàng thao thức đến khuya không tài nào ngủ được Vân Hạc sang chơi mấy lần giục chàng đi ngủ lấy sức cho ngày mai. Suốt đêm, qua giờ Tý, mảnh trăng hạ tuần lạnh lẽo, Nguyên Huân thơ thẩn một mình với bao nhiêu lo lắng, nghĩa vụ đang đợi chàng phía trước, chàng không lo sợ hiểm nguy, không nề hà vất vả, nhưng sự lo lắng là cái lo lắng của một người đứng trước một nhiệm vụ nặng nề. Thoắt chốc, chàng đã rời quê hương trên ba năm, ba năm trời chàng đã kiên tâm khổ luyện miệt mài, không một phút lơ là để nghĩ đến những chuyện khác, và giờ đây, lần đầu tiên trong suốt ba năm mài miệt, chàng mới có thì giờ để lòng mình chùng lại.

Nguyên Huân nhớ về Tổ Quốc chàng đang quằn quại, rên xiết dưới ách thống trị bạo tàn, nhưng vẫn không thiếu những bậc anh hùng bất khuất vì dân vì nước xả thân cho đại cuộc sức dẫu yếu trước kẻ thù xâm lược nhưng lòng kiêu dũng có thừa. Chàng xót xa vô vàn khi chính mình vẫn chưa đóng góp được gì cho quê hương đất nước để cởi bỏ ách ngoại xâm cho muôn dân đang sống trong tối tăm, hờn oán. Và giờ đây, có phải chàng đang phiêu linh ở chốn này như một người ngoại cuộc?! Dẫu biết rằng trọng trách mình cũng gian nan và thiêng liêng không kém, nhưng trong lòng chàng vẫn ray rứt khôn nguôi. Chàng nhớ về vùng trời hiu hắt của nơi mình từ giã, nơi ngọn Liên Sơn soi bóng dưới đáy hồ Vân Mộng, giờ này, nơi ấy Đoàn Lục thúc, Dư Tứ và Uyển Thanh đang ngày đêm mỏi mòn ngóng đợi.

Chàng nhớ đến Uyển Thanh bằng cả tâm hồn chàng. Nguyên Huân và;nàng đã lớn lên trên vùng đất Châu Mộc ấy bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của thuở thiếu thời, bao nhiêu những án cần, những săn sóc. Chàng yêu thương Uyển Thanh như một người em gái, khi lớn lên, chàng vẫn giữ tấm lòng trong sáng ấy. Suốt mười hai năm trời bên nhau, cả hai chưa ai làm một điều gì làm buồn lòng nhau, đến khi Đoàn Lục thúc thực hiện lời giao ước năm xưa giữa chàng và Uyển Thanh, chàng đã cố lắng nghe lòng mình, nhưng vẫn chỉ thấy ở trong chàng một niềm yêu thương của một người anh đối với cô em gái, nhưng chàng không thể nói tình yêu rồi sẽ đến sau.

Chàng cảm động khi nghĩ đến mối tình của Uyển Thanh đối với chàng, Nguyên Huân tự hứa với lòng mình suốt đời sẽ ân cần trân trọng tấm lòng thương yêu mà Uyển Thanh đã dành cho chàng. Đôi mắt đầy lệ, nàng đã cố giấu che ngày tiễn biệt, những rụt rè, e lệ, dặn dò, những lo lắng trên khuôn mặt nàng tái xanh phút chia ly. Nguyên Huân tự giận mình sao không đền đáp lại được tình yêu ấy. Chàng không biết nỗi nhớ thương giữa những người yêu nhau ray rứt ra sao, mà trong lòng chàng chỉ có một nỗi êm đềm dịu dàng về một cô bạn, về một người em gái. Chàng ao ước được đáp lại tình yêu của Uyển Thanh bằng trái tim nồng nàn của những người yêu nhau.

Giờ đây, dẫu thế nào đi nữa, hai người đã lạy nhau thệ ước từ giây phút đó đã gắn chặt vào nhau, đã là tình chồng vợ, tuy chưa thành thân, nhưng trong tâm hồn Uyển Thanh, chàng đã là chồng của nàng. Nguyên Huân biết nàng đang sống trong âu lo và nhớ nhung khắc khoải.

Đang nghĩ ngợi triền miên, chàng thoáng nghe tiếng chéo áo phần phật trong gió. Lúc này nội công Nguyên Huân đã thâm diệu, chàng có thể nghe được tiếng lá rụng ngoài sân. Đúng, không thể nhầm lẫn được, có người đang xử dụng khinh công tiến lên núi và không phải chỉ có một người. Nguyên Huân quyết định phải báo ngay cho Vân Hạc, cho Thanh Phong để trình cho Hân Bá phụ, chàng vừa quay đầu chạy về phía đông, nơi tư thất riêng của gia đình Hân lục hiệp thì sau lưng có tiếng gọi. Nguyên Huân quay lại, Han Lục hiệp và Thanh Phong đang từ dưới bóng cây tiến ra.

- Huân nhi!

- Bá phụ, có đông người lên núi!

- Ta đã nghe thấy rồi.

- Có nên báo cho lão nhân gia không?

- Không nên quấy rầy người, giờ này người đang bế quan nhập thất, Thanh Phong, ngươi đánh thức các sư đệ, đến canh chừng hoa viên cho Sư phụ. Huân nhi, ngươi canh chừng ở đây để ta đánh thức Bảo Thư và Vân Hạc bảo vệ cho mẹ chúng!

Một thoáng sau, chàng thấy một toán khoảng năm, sáu người dùng khinh công nhảy lên một tàn cây rậm. Nguyên Huân đoán chắc chắn họ là những kẻ có tà tâm nên lén lút xâm nhập môn phái, đó là một điều đại kỵ. Bọn này chắc chia làm nhiều hướng, năm tên xâm nhập chính diện, khinh công chẳng phải tầm thường, vì ít nhất, Võ Đang sơn là một đại phái, bọn chúng phải có bản lãnh thế nào mới dám dẫn thân tới. Nguyên Huân lần theo bóng tối, nép mình trở về thư phòng, thanh Bạch Hạc nằm trong tay, chàng mỉm cười tự tin bước ra chờ đợi. Chàng biết rằng bọn chúng lén lút, có nghĩa là còn úy kỵ. Bọn núp trên tàn cây vẫn ẩn mình bất động, chắc chúng đang chờ đợi một điều gì.

Từ ngày Tống Viễn Kiều, Dư Đại Nham mất đi và Trương Tòng Khuê vắng nhà, thực lực Võ Đang sơn có phần suy giảm. Ngoài hai vị Dư, Hân, chỉ còn Thanh Phong, Minh Nguyệt là cao thủ hạng nhất, giờ có thêm được Vân Hạc, Bảo Thư, phần đệ tử còn lại chỉ là hạng nhì, hạng ba, như vậy cái gai trước mắt chúng cần phải nhổ một cách lén lút, đó là hai vị lão nhân gia. Nhưng với công lực hiện nay của nhị vị Dư, Hân, việc lén hạ độc thủ chẳng phải là điều dễ dàng. Chàng thoáng thấy một bóng mờ như vệt khói, vừa lúc đó đã thấy Hân lục hiệp đến cạnh chàng, nói nhỏ:

- Huân nhi, vào hoa viên yểm trợ cho Thanh Phong, mũi dùi chính của chúng nhằm vào người Chưởng môn đấy!

Nguyên Huân vâng lời, lẩn dưới bóng cây dùng Hoán Ảnh thân pháp lướt đi nhanh như một vệt khói. Chàng thấy Thanh Phong đang cùng với các sư đệ núp dưới các bóng cây chung quanh căn nhà nơi Dư chướng môn đang dưỡng khí. Chàng đến cạnh Thanh Phong hỏi khẽ:

- Tiểu đệ đây Phong ca, có động tĩnh gì không?

- Không thấy gì cả!

- Chờ một chút, thế nào chúng cũng đến!

Cùng lúc ấy, một bóng đen từ trên cây cao phóng mình sang mái ngói, tuyệt nhanh và nhẹ như tơ. Bóng này nằm úp xuống mái ngói lắng nghe động tĩnh. Mọi người của Võ Đang đều im lặng chờ hiệu lệnh của Thanh Phong. Nguyên Huân nói:

- Chờ xem chúng làm gì!

Một lát sau, hai tên nữa từ tàn cây phóng mình xuống đứng núp vào gần cánh cửa sổ khép kín. Có ánh lửa lóe lên soi rõ hai bóng người bịt mặt. Thanh Phong kêu khẽ:

- Nguy rồi, chúng dùng Tích Lịch hỏa lôi!

Chàng chưa kịp ra tay, đã nghe "bùng" một tiếng, cả hai bóng người cùng bắn tung lên và tiếp theo là tiếng nổ như sấm sét. Tích Lịch hỏa lôi đã phát nổ giữa thinh không, hai tên bịt mặt tan xác. Thanh Phong hô lớn:

- Bật hồng lên. Sư phụ, có chúng đệ tử ở đây!

Chưa dứt lời, một bóng người nhanh như chớp từ cửa sổ vỡ tung nhảy ra, chàng nhận ra Dư lão chưởng môn:

- Chúng bay là bọn nào? Hãy ló mặt ra mau!

Tiếng quát của Dư chưởng môn nội lực cực kỳ sung mãn. Từ mái ngói, một chiếc pháo thăng thiên bay lên trời đỏ rực, một bóng người nhảy xuống và cùng như một lúc trên hai mươi tên từ bơn phía ùa đến đứng sau lưng gã bịt mặt có thân hình cao lớn. Gã cất tiếng cười, tiếng cười của gã vang dội vào vách núi và vọng trở lại.

- Ha! Ha! Ha! Dư Liên Châu! Ngươi sống dai thật, đêm nay là đêm cuối cùng của ngươi đấy. Và cả Võ Đang sơn cũng bị xóa từ đêm nay!

Dư chưởng môn bình tĩnh hỏi:

- Các hạ là ai? Muốn gì ở ta?

- Ta là ai ngươi không cần biết, ta cần cái đầu trên cổ ngươi vậy thôi!

Thanh Phong quát:

- Câm mồm lại, không được vô lễ!

- Ái chà, ngươi dám quát nạt ta đấy ư? Số hai, giết nó cho ta!

Tiếng quát chưa dứt, một bóng đen nhảy ra, thanh đao loang loáng dưới ánh đuốc như những dãi lụa, lưỡi đao rít lên như gió nhắm đầu Thanh Phong chém tới theo thế Thái Sơn Áp Đỉnh. Thanh kiếm của Thanh Phong đã ra khỏi vỏ từ lúc nào khẽ rung lên một cái, đầu mũi kiếm bắn lên những ánh tinh quang tạo thành những vòng tròn đánh vào một lúc sáu huyệt đạo trên người của tên được gọi là số hai cũng bịt mặt, chỉ chừa có đôi mắt hung ác.

Tên số hai không dám xử dụng hết chiêu, thu đao về biến thế, lui lại một bước, một chân đạp lên ở bộ vị quẻ Quan, chân kia ở quẻ Độn, vừa giữ gìn thủ thế, vừa quay người tránh mũi kiếm của Thanh Phong, vừa sẵn sàng tấn công. Mũi kiếm của Thanh Phong biến thành những vòng tròn chụp vào các huyệt đạo trọng yếu trên thân thể y: Đan điền, nhtj căn, yết hầu, kiên tĩnh, nhân trung, thái dương, tề mi. Gã số hai huy động bảo đao, mỗi lúc một nhanh, rít lên như xé lụa: Cuồng Phong Khoái Đao.

Tên chỉ huy nhìn qua cục diện, thấy tên số hai đang lui dần, y quát lớn:

- Vô Cực kiếm quả là danh hư bất truyền, để đấy cho ta!

Trong tay y xuất hiện hai vòng Nguyệt khuyết. Nguyên Huân khẽ động vai phải, Bạch Hạc đã nằm trong tay tỏa ánh sáng xanh biếc.

- Có ta đây!

Thân và kiếm như một dải mây vút lên cao, đám mây tỏa rộng, kiếm phong thổi tung ra bốn phía, xoáy như cơn lốc, Vân Hà Tỏa Kiếm xuất chiêu. Nguyên Huân vừa nhập cuộc. Thân hình vừa chạm đất, kiếm trong tay Nguyên Huân đã đánh ra tám thế liên hoàn, phong tỏa toàn bộ tử huyệt trên thượng bàn của địch thủ. Tên chỉ huy thối lui năm bước mới tránh khỏi cái chết thảm khốc, nhưng trên vai trái y đã trúng một mũi kiếm rạch toang lớp áo ngoài, y kinh hoàng vũ lộng hai thanh Nguyệt khuyết tạo thành một lớp tường sắt che chở, bao bọc toàn thân.

Kiếm chiêu của Nguyên Huân xuất kích liên tục, khiến địch thủ không còn một chút tiên cơ nào để phản kích, y giở hết toàn bộ sở học mới nhất thời giữ được mạng sống. Bọn trợ thủ ào ào vây bọc Thanh Phong và Nguyên Huân, Tám đệ tử Võ Đang múa gươm lâm chiến, bọn người bịt mặt hơn hẳn về số lượng, võ công bọn chúng cũng không phải tầm thường. Ba tên, một tên lùn xử dụng kiếm, một tên sử dụng đao, một tên khác nữa sử dụng một loại vũ khí rất quái dị, đồng loạt tấn công Nguyên Huân, giải tỏa áp lực cho tên chỉ huy, nhờ vậy tên này mới có cơ hội thoát khỏi tử địa, cả bốn tên vây bọc Nguyên Huân vào giữa. Nguyên Huân mở rộng đường kiếm, thân pháp như ảo ảnh, mũi kiếm như nở bừng trăm nghìn đóa mai, cùng một lúc chàng phối hợp Thiểm Điện, Vân Hà Tỏa Kiếm, Vô Cực kiếm pháp đánh ra bơn hướng. Lần đầu tiên trong đời, Nguyên Huân tham dự một trận chiến thực sự.

Lúc đầu, khi cả bốn cao thủ vây bọc, chàng còn chút e dè, do đó lui về thế thủ, nhưng càng đánh càng thuần thục, càng tự tin, dần dần chàng chiếm lại được thế thượng phong. Gã lùn xử dụng kiếm cực kỳ lợi hại, y chuyên tấn công vào hư bàn, chiêu số quái dị, mũi kiếm biến hóa kỳ ảo. Tên xử dụng đao chuyên đánh từ cao xuống, đường đao cực kỳ trầm hùng, hai tên đánh vào hai bên sườn tả hữu của Nguyên Huân. Tên xử dụng binh khí kỳ dị tấn công phía sau, vũ khí của y là một loại vũ khí chuyên dùng để khóa binh khí của kẻ địch, do đó, Nguyên Huân phải tấn công y bằng những đường kiếm chém phạt, lúc hư, lúc thật của Vô Cực kiếm, làm cho y không thể lừa thế khóa kiếm của chàng được. Tên chỉ huy đã lấy lại được quân bình, hai thanh Nguyệt khuyết có dịp sử dụng những chiêu số càng lúc càng biến ảo.

Lúc đầu, vì coi thường địch thủ, nên y nhất thời suýt vong mạng. Thanh Nguyệt khuyết bên trái, chiêu số âm nhu kỳ ảo thanh bên phải trái lại, chiêu thức dương cương, nhanh, mạnh, hết sức lợi hại. Âm Dương Khuyết cuộn lẫn nhau tạo thành như có bốn người tấn công vào bốn bộ vị khác nhau trên người chàng. Âm dương sinh tứ tượng. Nhận ra cách biến hóa chiêu số của địch thủ, Nguyên Huân sử dụng chiêu bốn mươi hai, bốn ba, bốn bốn, bốn lăm trong Vân Hà Tỏa Kiếm. Âm Dương Chủ Vũ, Dương Nghi Chú Văn, Thiếu Dương Hoa Tiết, Tái Xung Tỵ Bác khóa chặt không cho Âm Dương Khuyết tung hoành biến sang bát quái. Thế thứ năm mươi chín, Nhật Nguyệt Tùy Quan, lách qua khuyết ảnh của địch, nhằm huyệt Nhũ Căn đâm đến, y phải lách mình, dùng bộ pháp Thiết Bản Kiều mới tránh khỏi. Thuận kiếm, chàng xử dụng hai thế tuyệt kiếm trong Vân Hà Tỏa Kiếm: Vân Hà Nhị Sát và Linh Quan Phá Vọng đánh tới. Toàn bộ thân thể của y hãm vào tử địa bởi trùng trùng kiếm ảnh. Kinh hoàng, tên chỉ huy lăn mình trên đất, đường kiếm của Nguyên Huân chém phăng vạt áo và mớ tóc của y, may là nhờ có ba tên kia đồng loạt giở tuyệt học ra còn mạng.

Nguyên Huân nổi hào khí, chàng chuyển thanh Bạch Hạc từ tay phải sang tay trái, nhanh đến nỗi không ai trong ba địch thủ nhìn thấy. Chàng xuất thế Hoành Sơn Phi Vũ trong Thiểm Điện kiếm, lưỡi kiếm như điện quang chém xả một đường vào lão lùn đang tấn công chàng bên tay trái, chém đứt na cánh tay cầm kiếm của y. Tên cầm đao kinh hoàng tung người nhảy về phía sau tránh thế Vô Cực Hòa Căn của Nguyên Huân trong Vô Cực kiếm. Gã lùn, tay trái dùng chỉ điểm nhanh vào huyệt Thủ Tam Lý của tay phải và liên tiếp bốn huyệt khác để chặn dòng máu đang vọt ra, cắn răng nhịn đau, không nói một lời lủi nhanh mất dạng.

Trong lúc ấy, Thanh Phong cũng bị bốn tên vây bọc; kiếm pháp, chướng thức, nội lực của ông đã từng được Trương tổ sư đích thân truyền thụ, bởi vậy ông đã được một bản lãnh tuyệt vời không hề thua sút bất cứ ai trong các vị thúc, bá của ông. Kiếm pháp cực kỳ ảo diệu của Vô Cực kiếm, ông đã luyện đến mức kiếm, thân hòa làm một, chỉ nghe thấy kiếm phong phát ra những tiếng vi vu, vi vu và những vòng tròn kiếm ảnh như vòng bánh xe xoay tít, địch thủ của ông không còn biết làm thế nào để khởi thế tấn công mà còn luôn lâm vào tử địa. Giữa lúc ấy tên cầm đao bị Nguyên Huân bức bách, phải tung người nhảy lui về phía sau, vô tình rớt ngay vào vòng kiếm ảnh của Thanh Phong. Cái chết thảm thiết của y làm đồng bọn kinh hoàng.

Dư lão chưởng môn đứng ngoài quan sát trận đấu từ đầu, ông yên tâm, vì thực ra địch thủ tuy có đông người, nhưng võ công cũng không cao cường lắm. Bản lãnh, công phu của họ như tên số hai và tên chỉ huy chỉ ngang hàng với Tạ Chí Dương, Liễu Thọ Cường, Tăng Duy Hạ, Tăng Thế Phương, Quách Miêu Nghị chứ không thể sánh bằng Minh Nguyệt và Thanh Phong được, ông biết rằng họa kiếp võ lâm đã bắt đầu ông không thể bình tâm được nữa. Ngày mai, ông sẽ bảo với Hân đệ là ông sẽ dốc túi truyền toàn bộ võ công của môn phái cho các đệ tử và phải đưa Võ Đang phái vào giai đoạn khổ luyện.

Liếc nhìn qua trận đấu giữa các môn đệ và bọn người lạ mặt, ông không còn e ngại, nhưng ông hết sức ngạc nhiên, chẳng lẽ kẻ chủ chết trong cái âm mưu gây họa này lại coi rẻ Võ Đang đến như thế? Chắc hẳn phía sau lưng nó đang ẩn giấu một điều gì? Hoặc giả phái bọn này đến chỉ để thăm dò thực lực, bởi vì suốt gần ba mươi năm nay, sự tương tranh trong võ lâm Trung Nguyên lắng dịu, các hảo thủ không có dịp dương danh, bởi thế địch thủ thật khó lường được sự phát huy thành quả của môn đồ các đại phái cũ, hoặc là suy tàn, hoặc là tinh diệu hơn.

Để nắm vững tình hình ấy kẻ chủ mưu có lẽ chỉ có ý định đo lường thực lực của từng môn phái, nếu diệt được thì diệt đi như trường hợp của Thần Kiếm phái của Đông Phương Bạch và các môn phái nhỏ khác. Có lẽ chính bọn này, kẻ đã nhúng tay vào các cuộc thảm sát mới xảy ra gần đây, đã không đánh giá đúng mức bản lãnh và thực lực của Võ Đang phái nên mới có những lời lẽ ngông cuồng gần như là miệt thị; điều này phù hợp với những suy nghĩ của Viên Nhẫn đại sư Phương trượng chùa Thiếu Lâm. Và Kình Dương đại hội biết đâu chẳng nằm trong ý đồ tiên khởi ấy, để tiến đến những dự tính sau này của họ?

Ý nghĩ miên man, nhưng ông vẫn chú tâm quan sát trận đánh trước mặt. Lần đầu tiên trong đời, Nguyên Huân tham chiến và tỏ ra thấu triệt được tinh hoa của kiếm thuật. Chàng đã sử dụng hoàn hảo một lúc bốn loại kiếm pháp khác nhau của những dân tộc khác nhau một cách nhuần nhuyễn và tài hoa, rõ ràng rằng chính ông cũng chưa từng nghĩ đến sự kết hợp ấy, bởi vì đó là một điều cực kỳ khó khăn. Nguyên Huân có một căn cốt tuyệt hảo, nhưng đại tuệ chàng còn lớn lao biết bao. Ông đã từng quan tâm rất nhiều đến các loại kiếm thuật mỗi loại có một cơ sở khác nhau, sự khác biệt ấy chính là nét đặc thù của kiếm pháp từng môn phái. Sự biến chiêu thần tốc từ Vân Hà Tỏa Kiếm của Đại Việt sang kiếm pháp của Nhật, đến Thiểm Điện kiếm của Đại Lý rồi đến Vô Cực kiếm của Võ Đang, thuận như dòng nước chảy, đó là điều làm cho ông vô cùng ngạc nhiên và mừng rỡ.

Sự kết hợp tuyệt vời kia, trong khoảnh khắc, đã loại ra khỏi vòng chiến hai đấu thủ, còn đấu thủ thứ ba thì đã nát thân trong kiếm ảnh vô cực của Thanh Phong. Ông cảm thấy đau lòng trước cuộc thảm sát, vì đó là những dấu hiệu mở đầu cho những trận thư hùng sau này và cũng chính từ đó, sẽ mang đến sát nghiệp trầm kha cho võ lâm Trung Nguyên.

Trong lúc ấy, gã thủ lĩnh kinh hoàng hô tám kiếm sĩ đồng bọn vây bọc Nguyên Huân vào giữa, còn y đứng ngoài cổ vũ sách động. Khí thế đang lên, Nguyên Huân chợt như đến quê hương chàng đang đắm chìm trong tang thương vì sự bạo tàn của những kẻ như những tên đang vây quanh chàng. Nghĩ đến thảm cảnh mà người dân Đại Việt đã phải chịu đựng, lòng Nguyên Huân bừng sôi nổi hờn căm, uất khí bốc lên, nhưng chỉ thoáng, lòng căm giận chợt mất tan như bọt nước, và sát khí đang nổi lên cũng chìm đi. Tâm chàng chợt yên lặng như mặt nước hồ thu, như khoảng trời hiu quạnh. Trên vùng trời Mộc Châu những chiều nắng muộn, trên đỉnh Liên Sơn vàng vọt chiều hôm. Tâm chàng hợp cùng thân, ý; thanh kiếm Bạch Hạc đang từ tay trái chĩa lên trời cao, xéo về hướng Tây bắc, mảnh trăng vàng võ hạ huyền tỏa ánh sáng mờ lạnh lẽo, bàn tay phải như ngọn lửa trước ngực, thoắt một cái, nhanh đến vô cùng, chỉ thấy một vệt lãnh quang lóe lên, thanh kiếm từ tay trái đã nằm gọn trong bàn tay phải, lóe sáng. Cả đấu trường kinh hoàng và táng đởm, và chính Nguyên Huân cũng ngẩn ngơ khi chàng bị tám cao thủ bao vây cũng chính là lúc Hân lục hiệp và Hân Bảo Thư vừa bước đến hoa viên, thấy Nguyên Huân đang bị vây kín, Bảo Thư dợm nhảy vào vòng chiến, chưa kịp đặt chân qua bước thứ tư thì tên cao thủ thứ tám đã bị Nguyên Huân đốn ngã. Tất cả mọi người hết nhiên im lặng, cái im lặng phủ lên cây cỏ vạn vật đang có mặt tại nơi này.

Dư chưởng môn cất tiếng:

- Các vị khách không mời, đêm nay các vị đã đến Võ Đang và gây nên cảnh máu đổ thịt rơi này, bần đạo đau lòng khôn xiết, vạn bất đắc dĩ chúng tôi mới phải ra tay chứ trong lòng không muốn điều tàn độc. Các vị là ai chúng tôi không tiết được dẫu các vị có nói cũng chẳng nói thật, có hỏi cũng chẳng khai. Các vị trở về đi. Thưa với người sai khiến các vị, Võ Đang chúng tôi không hèn nhát và cũng không muốn hơn thua cùng thiên hạ võ lâm. Sát nghiệp nên ngừng lại là tốt nhất, bằng không võ lâm lại một phen máu chảy, nào có ích chi. Thôi các vị hãy đi đi nếu các vị thấy rằng không thể ở lại!

Tên chỉ huy ra dấu, đám thuộc hạ lục đục kéo đi không quên mang theo xác chết của đồng bọn. Võ Đang sơn cũng trả một giá không nhỏ, một chết hai bị thương.

Trời gần sáng, Nguyên Huân chuẩn bị lên đường, nghe lời dặn hôm trước, Nguyên Huân một mình xuống núi âm thầm, lòng ngổn ngang trăm điều lo nghĩ, buồn vui lẫn lộn. Ra khỏi cửa quan, chàng thẫn thờ xuống núi. Có tiếng gọi khẽ. Chàng nhận ra trong ánh sáng mong manh Bảo Thư vô Vân Hạc đứng dưới một gốc cây chờ chàng, Nguyên Huân cảm động vội vã bước tới. Vân Hạc ôm lấy vai chàng, Bảo Thư giữ cánh tay chàng, nàng tự nhiên như chị em ruột thịt không tị hiềm thụ thụ bất thân.

Vân Hạc nói trong lúc vừa đi:

- Bảo Thư nói với ta là thế nào Huân đệ cũng dời lại ngày lên đường. Ta thì nói là chắc chắn Huân đệ vẫn không đổi ý. Bảo Thư, muội thấy ta nói có đúng không?

Bảo Thư im lặng không nói, một lúc sau nàng bảo:

- Huân đệ, nếu huynh trưởng và ta không đón ở đây, Huân đệ chẳng thèm chào chúng ta một tiếng?

Nguyên Huân cười buồn nói:

- Huynh, Tỷ tha thứ cho! Tiểu đệ cố tránh không phải vì vô tình, vì càng bịn rịn càng đau lòng thêm, sớm muộn gì tiểu đệ cũng phải ra đi, rồi sẽ có ngày gặp lại!

Bảo Thư cất giọng buồn buồn:

- Nhưng biết đến bao giờ Huân đệ mới trở về đây?

- Vâng! Biết đến bao giờ!

Vân Hạc lên tiếng:

- Huân đệ đừng nói thế! Rồi cũng có lúc Huân đệ phải trở về chứ!

- Vâng, nhất định là như thế, nếu tiểu đệ còn có ngày ấy!

Bảo Thư nói như sắp khóc:

- Đừng nói vậy, đừng nói thế chứ Huân đệ. Em sẽ phải trở về cùng ta, cùng với mọi người thương yêu em, em không biết điều đó sao Huân đệ!

- Làm sao tiểu đệ không biết cho được, nhưng mà...

Bảo Thư hiểu điều Huân đệ của nàng vừa bỏ lửng câu nói kia. Lòng nàng bỗng quặn đau, cố cầm không cho nước mắt ứa ra. Nàng đã cố gắng bao nhiêu ngày tháng để che giấu lòng mình "Không, ta không thể, ta không thể như thế, ta lớn tuổi hơn chàng". Nàng cố nén tiếng thở dài:

- Nguyên Huân! Võ công hiền đệ ghê gớm như thế, kiếm pháp cực kỳ biến ảo và cao diệu, nếu hiền đệ thận trọng, có ngày hiền đệ sẽ trở về!

Nói xong nàng lại muốn khóc, một tình cảm ôn nhu đã phát sinh trong lòng nàng từ một năm trời nay, lúc đầu nàng cho đó chỉ là tình chị em thân thiết. Càng lúc nàng càng sợ hãi với cảm giác nẩy sinh trong lòng mình, cảm giác ấy dịu làng như mật ngọt, rộn ràng như sóng vỗ và buồn man mác thư nắng chiều vàng. Thao thức những đêm khuya, nhiều khi nàng tự trách khi khám phá ra nàng nghĩ đến chàng nhiều lơn nàng tưởng. Nàng cố gắng xua đuổi, cố gắng ném đi thững cảm giác ân cần, mà sợ rằng sẽ không giấu mãi được rong lòng. Nàng sợ hãi, nàng vừa e thẹn, vừa tự trách mình, nhưng làm thế nào được, càng xua đuổi đi, càng đè nén xuống, tình cảm ấy mỗi lúc một nẩy sinh.

Những đêm trăng bát ngát, một mình thơ thẩn, nàng thấy lòng cô quạnh và mang một mơ ước mơ hồ có chàng cận kề, nàng đã phải vội vàng lắc đầu xua tan hình ảnh ấy. Không, không thể được, không thể được, và nàng thấy mình bất chính. "Huân ơi! Huân!". Con người tràn đầy đau khổ ấy, con người tứ cố vô thân, mang mối thâm thù khôn tả, con người tài hoa, kiên trì và kiêu dũng ấy, đã dạy nàng tiếng nói đầu tiên của dân tộc chàng, cái tiếng nói như chim hót ấy ngấm vào linh hồn nàng dịu ngọt mà thoắt đó, giờ đây như gai nhọn. Nàng đã học rời rạc từng chữ Nôm, để rồi từng đêm lần mò sắp xếp lại: Em yêu anh, Nguyên Huân ơi, nhưng nàng không thể nói, không thể tỏ bày và vĩnh viễn không bao giờ nói cả. Cha nàng, mẹ nàng và mọi người sẽ nghe ra sao khi biết điều này? Không! Vĩnh viễn Nguyên Huân chỉ là đứa em nàng thương yêu, ôi vĩnh viễn, ôi vĩnh viễn nín câm, ôi một trời vô vọng, tối tăm và đau thương.

Nàng có cảm giác không bao giờ còn gặp lại, vĩnh viễn chia lìa, chim trời đáy nước, chưa kể đến ranh giới của hai giống nòi khác biệt, làm sao, ôi biết làm sao được, lần chia ly này là lần cuối cùng còn thấy nhau.

Bảo Thư nhớ đến ngày nàng cắn răng nhận lời về làm và người nàng chưa hề biết mặt, do cha mẹ nàng định đặt. Nàng có còn chi nữa mà lựa chọn, mối tình của nàng đối với Nguyên Huân chỉ một mình nàng biết, chỉ một mình nàng hay, âm thầm một đời rồi ngày tháng sẽ qua đi, trăm năm rồi cũng qua đi. Nàng tự nghĩ:

Đời như lá thoắt xanh rồi thoắt úa.

Ta như rêu mọc giữa lối đi này.

Qua gió nổi một đời ta nghiệt ngã.

Mà mai đây còn sót chút hương bay.

Những bài thơ nàng viết kín trong tâm khảm, chỉ có riêng mình nàng và đất trời lắng nghe, trái tim nàng giờ đây quặn thắt, ôi, có phải lần cuối cùng thấy nhau. Bảo Thư không thể dằn được, bật khóc. "Ơi, giọt nước mắt thần thánh này cả đời của riêng anh?"

Vân Hạc nhìn em gái ngạc nhiên rồi chợt hiểu, bỗng dưng thương em xót xa. Nhưng không thể nào được, chàng biết ngay điều ấy, Vân Hạc nói:

- Bảo Thư, ngày nhỏ em vẫn mong má má có đứa em trai, bây giờ có đây mà lại ra đi, nhưng rồi chú em mình sẽ trở về!

Lời vụng về của Vân Hạc càng làm nàng đau lòng thêm. Nhưng nàng không thể ủy mị, hèn yếu được, không nên gieo vào lòng Nguyên Huân của nàng nỗi buồn khi chia tay. Nguyên Huân còn bao nhiêu là gánh nặng, không thể để cho chàng phân chia tâm trí. Nàng gượng cười làm bộ tức bực:

- Em tức là đã nói với huynh trưng. Biết Huân đệ vô tình với anh em mình như thế, em đâu đã thua huynh trưởng!

Vân Hạc hiểu lòng em, chàng nói:

- Ta thắng Thư muội vì ta là đàn ông, đàn ông chúng tôi sợ nhất là bịn rịn, ta hiểu lòng Huân đệ quyến luyến nơi này lắm nên không muốn đau lòng thêm khi giã từ, mới âm thầm đi một mình, em có thấy lúc nãy y thẫn thờ, ngơ ngác không?

Nguyên Huân đứng lại, cầm tay Bảo Thư ân cần và dịu dàng nói:

- Thư tỷ đệ đâu có phải là hạng người vô tình đến thế được. Trong đời đệ, còn có ai để được yêu thương, ngoài Uyển Thanh như em gái, ngoài tỷ tỷ như chị hiền và anh Vân Hạc như huynh trưởng, đệ chỉ còn có bấy nhiêu là ruột thịt, đến khi na đời, đệ cũng chẳng bao giờ quên được những năm tháng ở nơi đây, có trời kia hiểu thấu, xin hiền tỷ bớt giận!

Bảo Thư ngượng ngùng quay đi, khẽ rút tay ra khỏi tay chàng, dù nàng muốn bàn tay kia mãi mãi giữ lấy tay nàng với tất cả nỗi dịu dàng êm ái. Nó như một cơn gió mát và cũng như một nhát dao đâm vào trái tim nàng. Chàng xem nàng như một người chị, chỉ có thế thôi sao Nguyên Huân? Thôi, đã vậy còn biết làm sao được, từ nay nàng cố quên đi những gì trong trái tim khép chặt và, Nguyên Huân vĩnh viễn chỉ là cậu em thân yêu ruột thịt, liệu nàng có giữ lòng mình như thế được chăng? Bảo Thư lau nước mắt bằng tay áo gượng cười:

- Chị tin rồi, Huân đệ, ngu tỷ tin Huân đệ rồi!

Nàng còn biết nói gì được nữa...


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-30)


<