Vay nóng Tinvay

Truyện:Kim Bút thần hiệp - Hồi 01

Kim Bút thần hiệp
Trọn bộ 16 hồi
Hồi 01: Thiên Long Kim Bút
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-16)

Siêu sale Shopee

Vầng kim ô đã ngả về tây, từng đàn chim lần lượt kéo nhau vào rừng.

Trên một bãi cỏ rộng ven rừng, một văn sĩ trung niên đang cúi xuống xem xét một tử thi.

Tử thi ấy tuy bị trúng rất nhiều phi tiêu, nhưng không phải là một người bằng xương bằng thịt.

Lúc này, chỉ thấy văn sĩ trung niên từ từ đứng thẳng nguời lên, lắc đầu buông tiếng thở dài, đoạn đưa mắt nhìn về phía trời tây, đối mặt với nắng chiều rực rỡ thờ thẫn đứng thừ ra.

Bảy tám năm về trước, một cuộc chiến đẫm máu đã xảy ra tại vùng Tân Dã thuộc Do Nam. Kết quả là Thiên Cương thất sát cùng Hải Nội tứ độc tất cả đều vong mạng.

Thiên Yêm Tẩu ở Ngũ Đài đứt một cánh tay. Thủy Hỏa song cơ ở Dương Châu kinh hồn bỏ chạy mới khỏi táng thân.

Sau cuộc chiến kinh thiên động địa giữa hai phái chính tà ấy, bọn hắc đạo trong một thời gian dài không còn dám làm mưa làm gió trên chốn giang hồ nữa.

Và vị truyền nhân của Thiên Long, người đã lãnh đạo phe chánh phái tiêu diệt quần ma, Kim Bút đại hiệp Lệnh Hồ Huyền trong một sớm một chiều đã vang danh thiên hạ. Vô hình trung trở thành người lãnh tụ võ lâm được hai giới hắc bạch công nhận.

Kim Bút đại hiệp Lệnh Hồ Huyền chính là người văn sĩ trung niên hiện đang đứng trên bãi cỏ.

Tuy nhiên, Kim Bút đại hiệp Lệnh Hồ Huyền lúc này không phải đang ngắm mặt trời lặn, và cũng không phải đang hồi tưởng lại dĩ vãng huy hoàng kia, mà nguyên nhân đã khiến cõi lòng ông trĩu nặng cũng chẳng phải do hình nộm dưới chân, mặc dù mỗi ngọn tiêu đều không trúng vị bộ đã định.

Bởi ông hiểu rất rõ về tư chất của đệ tử các cấp, ngay như ba nguời đệ tử đồng bút còn không hy vọng, sá chi là mấy vị đệ tử thiết bút vừa rồi.

Trời tối dần, Kim Bút đại hiệp nhếch môi cười chua chát, lại lắc đầu và buông tiếng thở dài, đoạn quay người rời khỏi bãi cỏ, theo một con suối nhỏ đủng đỉnh bước về phía trang viện.

Ngay khi Kim Bút đại hiệp khuất dạng sau cổng trang viện, bỗng có hai bóng người từ trong rừng phóng ra, im lìm phi thân đến cạnh hình nộm.

Sau một hồi kỹ lưỡng xem xét, một người áo đen thấp giọng:

- Mã huynh thấy thế nào?

Người áo đen kia lắc đầu, giọng ồ ề đáp:

- Ta thấy đầu lĩnh chúng ta nên tạm dẹp bỏ ý định kia là hơn, người ta chỉ vì có đệ tử không ra gì nên mới buồn rầu như vậy, đầu lĩnh lại ngỡ người ta...

Rồi thì cũng như lúc xuất hiện, hai người áo đen nhìn quanh thật nhanh, sau đó biến mất trở vào rừng *****

Lúc Kim Bút đại hiệp đang đi đến tiền sảnh, bỗng nghe bên trong đang có tiếng cười nói râm ran, Kim Bút đại hiệp bất giác chau chặt đôi mày rậm.

Những người đang chờ trong sảnh để cùng ông ăn tối chính là Kim Bút tứ hữu mà mọi người trong giới võ lâm ai cũng đều biết đến, đó là Hoa Sơn Bạch Y Hiệp Nhiếp Văn Vệ, Kim Lăng công tử Hồ Dật Bình, Thuận Thiên Vô Thường Tố Đạt Tam và Lưu Tinh Cản Nguyệt Lang Tinh Kỳ!

Bốn người này đều là bạn thân đã kết giao lúc hành đạo trên chốn giang hồ của Kim Bút đại hiệp. Kim Bút đại hiệp luôn xem bốn người bạn sinh tử chi giao này như là thủ túc, mặc dù họ chưa từng tham dự vào cuộc chiến Tân Dã khi xưa. Tuy nhiên, sự việc đã xảy ra khi sáng khiến Lệnh Hồ Huyền đã không bằng lòng đối với bốn người này.

Kim Bút đại hiệp nhận thấy bốn người bạn thân này có lẽ đã vì quá kính trọng ông, cho nên việc gì cũng đều quyết định theo ánh mắt của ông, hoàn toàn không như Thiên Long lục tào đối với ân sư ông là Thiên Long lão nhân khi xưa, luôn giữ gìn sự trung thực giữa bằng hữu với nhau.

Ông tin rằng sáng nay nếu Tứ hữu đổi lại là Lục tào thì chàng thiếu niên Do Nhân Kiệt chắc chắn đã được thu nhận rồi.

Kim Bút đại hiệp chợt dừng bước, lão gia nhân đi sau liền ngạc nhiên hỏi:

- Lão gia...

Kim Bút đại hiệp quay lại ngắt lời:

- Hãy vào nói với Nhiếp gia và mọi người không cần chờ nữa, bảo là hiện ta đang có việc cần, không phân thân được, lát nữa hãy cho ta tô mì, nhân tiện bảo Trịnh sư gia đến thư phòng gặp ta!

Vào trong thư phòng nơi góc viện, Kim Bút đại hiệp đăm chiêu nhìn vào ngọn lửa bập bùng cháy trước mặt, lại đăm chiêu vào suy tư.

Trong gian thư phòng này đâu đâu cũng có để lại bút tích của ân sư Thiên Long lão nhân, qua đó đã khiến Kim Bút đại hiệp lại nhớ đến Thiên Long lục tào.

Trong cuộc chiến tại Tân Dã khi xưa, phe tà phái đông hơn trăm người, phe chính phái ngoài ông ra chỉ có Thiên Long lục tào gồm Thi, Kỳ, Tửu, Trà, Địch và Kiếm sáu người, kết quả Thiên Long lục tào đã thiệt mất bốn người, chỉ còn lại Tửu Tẩu Từ Thích Chi và Kiếm Tẩu Tiêu Chấn Võng!

Sau đó, mặc dù ông đã thu xếp ổn thỏa cho bốn gia đình của Thi, Kỳ, Trà, Địch, xây nhà nuôi dưỡng Tửu Tẩu và Kiếm Tẩu, song dù đối với người sống cũng như kẻ chết, ông vẫn luôn cảm thấy ray rứt trong lòng.

Bởi Lục tào đã theo ân sư gần sáu mươi năm dài đều bình an vô sự, vậy mà sau khi ân sư từ trần, tuy thanh danh Kim Bút đại hiệp của ông ngày một vang lừng, song trong số họ sáu người, bốn người đã vĩnh viễn xa rời nhân thế.

Sau cuộc chiến Tân Dã vì khơi quật nhân tài để kế nghiệp cho dòng Thiên Long và phòng bị bọn ma đầu đã cao bay xa chạy, hằng năm vào ngày hôm nay mồng năm tháng tám, và cũng là ngày kỷ niệm cuộc chiến Tân Dã, Kim Bút đại hiệp đều tiếp kiến hai hoặc ba thiếu niên đã trải qua cuộc sơ thí nghiêm ngặt, cùng với sự có mặt của Kim Bút tứ hữu tuyển chọn lần cuối cùng, để quyết định có thu nhập vào làm đệ tử hay không.

Hôm nay có ba thiếu niên được tiếp kiến, hai người một họ Vưu và một họ Thân, đều do phái Hành Sơn đề cử. Hai người này tuy khí chất cũng khá, song hiềm vì căn cơ quá kém, khó hy vọng đạt được thành tựu lớn, nên khi vừa lên đến đã bị Tứ hữu nhất trí phủ quyết.

Còn người thứ ba là Do Nhân Kiệt, vừa trông thấy diện mạo của chàng thiếu niên này, Kim Bút đại hiệp lập tức hết sức kinh ngạc, ông có cảm giác khi xưa ân sư lần đầu tiên gặp ông, nhất định cũng kinh ngạc như vậy!

Chẳng những vậy, Kim Bút đại hiệp lúc bấy giờ còn khẳng định là chàng thiếu niên Do Nhân Kiệt sau khi đầu nhập Thiên Long môn, nếu được ông tận tâm đào tạo, thành tựu sau này nhất định còn cao hơn chính bản thân ông.

Do đó, ngay lúc ấy Kim Bút đại hiệp trong lòng đã nảy sinh một cảm giác kỳ lạ, hiện tuổi ông chưa đầy năm mươi, đang trong thời kỳ sung mãn đối với một người trong giới võ lâm, phải chăng thật sự cần thiết cấp tốc đào tạo một người kế nghiệp hầu trong tương lai làm rạng rỡ cho ông.

Ngay khi ý nghĩ ấy vừa nảy sinh, chính bản thân Kim Bút đại hiệp cũng không khỏi kinh ngạc.

Thế là đôi mày của Kim Bút đại hiệp đã tự nhiên chau lại, thật ra đó chẳng qua chỉ là do tự trách, với một người vang danh hiệp nghĩa như ông, tại sao lại có ý nghĩ hẹp hòi vị kỷ như vậy?

Thế nhưng, nhóm Tứ hữu hiển nhiên đã hiểu lầm tâm ý của ông, nên liền khoát tay, thế là cuộc thi đã kết thúc một cách qua loa trước thời gian đã định.

Đến khi Kim Bút đại hiệp quay về thực tại thì chàng thiếu niên họ Do đã ra đến ngoài cổng trang rồi!

Khi nãy ở trên bãi cỏ, Kim Bút đại hiệp đã thẫn thờ nghĩ ngợi chính là vì việc này.

Suốt ngày lòng ông đã không ngớt tự hỏi, ngay khi phác giác chàng thiếu niên họ Do rời khỏi, ông đuổi theo phải chăng vẫn còn kịp? Thế nhưng, tại sao ông đã không làm như vậy?

Bỗng, bóng người thấp thoáng, một lão nhân áo dài bước vào, người này chính là Trịnh sư gia, vừa vào đến thư phòng, Trịnh sư gia liền vòng tay thi lẽ nói:

- Lão gia cho gọi chẳng hay có điều chi dặn bảo?

Kim Bút đại hiệp ngẩng lên:

- Bốn nhà Phùng Lập Lý Do dạo này đều yên khỏe cả chứ?

Trịnh sư gia cung kính đáp:

- Nhờ hồng phúc của lão gia, tất cả đều yên khỏe cả! Hồi tháng rồi Trương Tam có đi ngang qua Trung Nghĩa Trang, họ đều nhắn lời thăm hỏi và mong lão gia hãy giữ gìn sức khỏe!

Kim Bút đại hiệp gật đầu:

- Còn hai lão nhân gia Từ Tiêu thì sao?

Trịnh sư gia mỉm cười:

- Từ lão nghe đâu suốt ngày vẫn say sưa, ai khuyên cũng không được, còn Tiêu lão thì đang lo rèn một thanh kiếm tốt cho lão gia?

Kim Bút đại hiệp ngạc nhiên:

- Rèn kiếm cho Lệnh Hồ mỗ ư? Bổn nhân đâu có dùng kiếm!

Trịnh sư gia mỉm cười:

- Tiêu lão bảo là cũng biết điều ấy, nhưng vẫn cho là trong Thiên Long phủ mà không có một thanh kiếm tốt thì thật là thiếu sót. Tiêu lão còn bảo là nếu lão gia không chịu mang theo bên mình thì cứ treo trong thư phòng để trang trí cũng tốt thôi!

Kim Bút đại hiệp phì cười:

- Đó cũng là tấm lòng của ông ấy, thôi thì cứ để mặc ông ấy vậy!

Trịnh sư gia tiếp lời:

- Lão gia còn dặn bảo gì nữa không?

Kim Bút đại hiệp ngẫm nghĩ một hồi, đoạn nói:

- Từ nay cứ cách mười hôm nửa tháng, hãy bảo Trương Tam đến Trung Nghĩa Trang một lần, xem thiếu thứ gì thì cứ cho người đến lấy. Còn về phần Từ lão, sư gia hãy đích thân đến đó, ông ấy đã nghiện rượu quá nặng, bảo ông cai bỏ ngay tức khắc đương nhiên là không thể được, nhưng uống ít đi một chút hẳn là có thể. Nếu cần thiết, sư gia cứ dọa cho ông ấy một phen, bảo đó là của lệnh Lệnh Hồ mỗ, nếu ông ấy mà không chịu giảm bớt sẽ lập tức đưa ông vào ở trong phủ, đến lúc ấy thì ngay cả một giọt cũng chẳng được uống.

Trịnh sư gia khom mình:

- Lão nô xin vâng mạng!

Sau khi Trịnh sư gia lui ra, lão gia nhân Trần Đại mang vào tô mì. Kim Bút đại hiệp ăn xong, đứng lên đi loanh quanh trong phòng, mặc dù cõi lòng đã có phần nhẹ nhõm bởi sự sắp xếp vừa rồi, song hình bóng của chàng thiếu niên họ Do vẫn không tài nào xua tan được.

Sau cùng, Kim Bút đại hiệp khẽ buông tiếng thở dài, thầm nhủ:

- Việc đã qua rồi, còn nghĩ đến làm gì nữa? Tương lai còn dài, chả lẽ không còn gặp được một người như Do Nhân Kiệt nữa hay sao?

*****

Ra khỏi Thiên Long phủ, Do Nhân Kiệt chán chường vô hạn. Chàng không oán trách ai cả, Kim Bút đại hiệp là Thái Sơn bắc đẩu trong giới võ lâm, Kim Bút tứ hữu cũng là những hào kiệt xuất sắc...

(mất một khúc, tập 1 trang 16) xuống bàn, trố to mắt và chỏi tay lên bàn lớn tiếng nói:

- Tiểu tử ngươi không cho họ biết ngươi chính là...

Do Nhân Kiệt cười khẩy:

- Cho họ biết kẻ này chính là tôn nhi của Địch Tẩu trong Lục tào chứ gì? Vậy, nếu nói ra thì Do Nhân Kiệt này nhất định sẽ được thu nhập vì nễ tình gia tổ, không đáng làm đồ đệ thì cũng có thể làm công vặt, nhưng thật đáng tiếc, Do Nhân Kiệt này chưa đến nỗi hèn hạ như vậy!

Lão nhân lắc đầu nguây nguẩy:

- Không đúng! Không đúng!

Do Nhân Kiệt nghiêng mặt:

- Gì mà không đúng?

Lão nhân lẩm bẩm:

- Theo lão phu thấy nhất định là phải có vấn đề!

Do Nhân Kiệt thắc mắc:

- Vấn đề gì?

Lão nhân ngẩng lên:

- Cái khác không nói đến, chỉ so với mấy tên tiểu tử họ Công Dã, họ Dương, họ Dư, họ Mã... chẳng lẽ ngươi không hơn sao?

Do Nhân Kiệt nhếch môi cười chua chát:

- Những lời ấy Kiệt nhi đã nghe đến hàng trăm lần rồi, xin đa tạ sự khen ngợi của gia gia, chỉ tiếc là truyền nhân Thiên Long họ Lệnh Hồ chứ không phải là Tửu Tẩu đại nhân, một trong Lục tào!

Tửu Tẩu đứng phắt dậy:

- Tiểu tử ngươi hãy tạm ở đây, để tửu quỷ này đến đó hỏi tội bọn hồ đồ ấy mới được!

Do Nhân Kiệt lách người khom mình:

- Xin mời ngồi xuống cho!

Tửu Tẩu ngạc nhiên:

- Tại sao ngươi lại ngăn cản lão phu?

Do Nhân Kiệt ngẩng lên:

- Ý của Từ gia gia là muốn chứng tỏ rằng Tửu Tẩu còn sống, thể diện to hơn Địch Tẩu đã chết phải không?

Tửu Tẩu thoáng ngẩn người:

- Ai đã nói như vậy?

Do Nhân Kiệt điềm tĩnh tiếp lời:

- Vậy chứ lão nhân gia dựa vào đâu mà can thiệp vào việc đã định của kẻ khác?

Lão nhân gia đã hỏi Kiệt nhi hay chưa? Cho dù đối phương đồng ý chấp nhận, nhưng Kiệt nhi có bằng lòng hay không?

Tửu Tẩu lắc đầu:

- Thật chẳng còn cách nào hơn đối với tiểu tử ngươi!

Do Nhân Kiệt cười cười:

- Đó chính là do nuông chiều quá đã sinh ra thói kiêu ngạo mà lão nhân gia cùng Tiêu gia gia đã lo lắng bấy lâu nay!

Tửu Tẩu bỗng nói:

- À, phải rồi! Chúng ta hãy sang thăm Tiêu gia gia, thế nào?

Do Nhân Kiệt hớn hở:

- Sang thăm Tiêu gia gia, đương nhiên là Kiệt nhi không phản đối rồi!

Tửu Tẩu quay lại, chộp lấy ấm rượu trên bàn, ngửa cổ uống một ngụm to, đoạn kẹp ấm rượu vào nách, khoát tay nói:

- Đi nào!

Thế là hai người liền theo con đường nhỏ dọc theo một hồ nước đi về phía một gò đất cao phía đối diện, trên ấy có một hàng liễu rũ, trong những cành liễu phất phơ, loáng thoáng có góc nhà hiện ra.

Hai người vừa đi đến trước hàng liễu, từ sau nhà đã vang lên một giọng già nua nói:

- Thích Chi đó phải không?

Tửu Tẩu vừa đi vừa nói:

- Ngoài tửu quỷ này ra, lão già hèn mạt ngươi còn có thân bằng quyến thuộc nào nửa hả?

- Người đi cùng là ai vậy?

- Tiểu Kiệt!

- À, Tiểu Kiệt hả? Thế nào rồi? Có được thu nhận không?

- Ngươi đoán thử xem?

- Cần gì phải đoán nữa? Đương nhiên là đã được thu nhận rồi! Một người như Kiệt nhi, phóng mắt trong đệ tử các phái hiện nay, làm sao có được người thứ hai kia chứ?

Tửu Tẩu buông tiếng ho khàn:

- Ta cũng nghĩ như vậy!

Tiếng nói sau nhà như có vẻ sửng sốt:

- Chả lẽ...

Tửu Tẩu chậm rãi tiếp lời:

- Rất tiếc là nhận xét của truyền nhân Thiên Long thì lại khác hẳn!

- Láo!

Sau tiếng quát giận dữ ấy, một lão nhân cao to từ sau nhà bước vội ra.

Người này là Kiếm Tẩu, một trong số Lục tào tuổi cũng đã xấy xỉ bảy mươi, mũi cao trán rộng, tuy đôi mày đã bạc trắng, song đôi mắt vẫn sáng quắc như hai luồng điện lạnh.

Kiếm Tẩu lưng quấn một mảnh vải yếm cũ, hai tay dính đầy đất bẩn, dường như đang trộn đất xây đắp gì đó.

Vị Kiếm Tẩu này có vẻ còn nóng tính hơn Tửu Tẩu, ông chùi tay vào vải yếm, trừng mắt nhìn Tửu Tẩu nóng nảy giục:

- Hãy nói rõ nghe xem!

Tửu Tẩu lại ngửa cổ nốc một hớp rượu, đoạn chậm rãi nói:

- Còn gì để nói nữa? Những gì cần nói đã nói hết cả rồi, không thu nhận là không thu nhận, rất đơn giản và rõ ràng!

Kiếm Tẩu quay sang Do Nhân Kiệt nói:

- Kiệt nhi hãy nói đi!

Do Nhân Kiệt cười chua chát:

- Kiệt nhi cũng chẳng hiểu vì sao để mà nói, hôm qua tham dự sơ thí gồm có mười tám người, kết quả đã chọn lấy ba người, hai đệ tử Hành Sơn và Kiệt nhi. Chẳng ngờ hôm nay vào phủ diện thí, Kim Bút tứ hữu chớ hề hỏi lấy một câu, đã khoát tay ra hiệu bảo Kiệt nhi lui ra...

Kiếm Tẩu trố mắt:

- Còn hai đệ tử Hành Sơn có được thu nhận không?

Do Nhân Kiệt lắc đầu:

- Cũng không!

Kiếm Tẩu lại hỏi:

- Ngươi bảo Kim Bút tứ hữu không hề hỏi lấy một câu ư?

Do Nhân Kiệt gật đầu:

- Vâng!

Kiếm Tẩu lại hỏi tiếp:

- Bản thân Lệnh Hồ Huyền có tỏ ý gì không?

Do Nhân Kiệt thoáng ngẫm nghĩ:

- Kiệt nhi nhớ là... Kim Bút đại hiệp hình như... rất chú ý đến Kiệt nhi, nhưng ông ấy dường như có tâm sự gì đó, không hề nói lấy một lời.

Kiếm Tẩu gãi tai:

- Vậy chẳng phải quái sự ư?

Lão lại ngẩng lên hỏi:

- Lúc sơ thí ngươi đã báo xuất thân thế nào?

- Kiệt nhi đã báo là người của Do gia trang ở Trường Cát, từng theo học quyền cước hai năm với một vị tổ sư họ Thái trong gia trang.

Tửu Tẩu thắc mắc xen lời:

- Trường Cát ở đâu có Do gia trang thế nhỉ?

Do Nhân Kiệt thoáng cúi thấp đầu:

- Kiệt nhi vốn định sau khi nghe được thu nhận mới nói ra thân thế thật sự của mình, và đã từng theo học với hai vị gia gia ba năm... Kiệt nhi không ngờ... cánh cửa của Thiên Long phủ... lại khó bước vào đến vậy...

Tửu Tẩu gật đầu:

- Một con người thành công hay thất bại là việc nhỏ, khí tiết mới là quan trọng.

Tiểu tử ngươi có cốt khí như vậy, hai lão già này quả đã không thương yêu ngươi một cách vô ích.

Kiếm Tẩu thở dài:

- Kiệt nhi, lịch sử trong giới võ lâm cũng chẳng có mấy nhân vật như Thiên Long lục tào bọn ta, ngươi đã theo học với bọn ta ba năm, nếu tiếp tục thêm ba bốn năm nữa, nhất định thành tựu cũng không đến nỗi nào.

Do Nhân Kiệt ngẩng lên nghiêm chỉnh nói:

- Hai vị gia gia đã cộng sự với gia tổ hằng mấy mươi năm, vào sinh ra tử, tình thân như thủ túc, bất luận thế nào, Kiệt nhi cũng không dám phê bình về võ học của hai vị gia gia, nhưng hai vị gia gia đều biết, sở dĩ khi trước Kiệt nhi đã yêu cầu hai vị gia gia truyền thụ võ công, mục đích chính là muốn một ngày nào đó được bước chân vào Thiên Long phủ, giờ đây sự thế đã trái với ước nguyện, Kiệt nhi tuổi hãy còn trẻ, vẫn có thể thay đổi chí hướng, còn về vấn đề võ công, xin hai vị gia gia lượng thứ cho, Kiệt nhi không muốn đề cập đến nữa!

Tửu Tẩu và Kiếm Tẩu cùng lặng thinh nhìn nhau. Lát sau, Kiếm Tẩu bỗng nói:

- Kiệt nhi, lão phu hỏi ngươi một điều, ngươi muốn đầu nhập Thiên Long môn là vì muốn được truyền võ học Thiên Long hay là vì ngưỡng mộ phẩm cách của sư đồ Thiên Long?

Do Nhân Kiệt trầm ngâm:

- Theo Kiệt nhi thì cả hai chẳng có gì là khác nhau!

Kiếm Tẩu thắc mắc:

- Vậy nghĩa là sao?

Do Nhân Kiệt nghiêm giọng:

- Võ học Thiên Long nếu không có hạng người như sư đồ Thiên Long dùng để trừ gian diệt bạo thì cũng chỉ vô ích. Ngược lại nếu sư đồ Thiên Long mà không có được võ học tuyệt thế ấy thì họ dù có ý chí ngất trời cũng chẳng làm gì được. Kiệt nhi có thiển kiến như vậy, xin hai vị gia gia góp ý cho.

Kiếm Tẩu quay sang Tửu Tẩu nói:

- Nếu bảo tên tiểu tử này đi đến Thiên Thủy một chuyến, Tửu quỷ ngươi thấy có chút hy vọng nào không?

Tửu Tẩu chau mày:

- Thử một phen thì cũng được, nhưng... nếu vạn nhất không gặp, đường xá xa xôi thế kia... liệu hắn có chịu đựng được không?

Do Nhân Kiệt mắt liền rực lên, vội tiếp lời:

- Được, Kiệt nhi chịu đựng được, hai vị gia gia khỏi phải nhọc tâm nhưng chuyến đi Thiên Thủy là với dụng ý gì, xin hai vị gia gia hãy nói rõ trước đã!

Kiếm Tẩu đưa mắt nhìn Tửu Tẩu, đoạn hất đầu nói:

- Hãy vào trong nhà nói chuyện đi!

*****

Ba tháng sau, vào một buổi sáng tuyết rơi nhiều.

Trong một thôn nhỏ gần sông Trang Lãng thuộc quận Thiên Thủy nằm tại phía bắc huyện Thông Vị, bỗng từ trong mưa tuyết xuất hiện một thiếu niên tuổi trạc mười sáu, mười bảy.

Thôn nhỏ ấy chỉ có hơn mười hộ dân cư, bởi thời tiết quá lạnh nên nhà nào cũng cửa đóng then cài, không một tiếng gà gáy hay chó sủa, cảnh tượng hết sức tiêu điều vắng vẻ.

Chàng thiếu niên đi đến một chỗ tránh gió, lúc lắc cổ cho bớt mỏi, đưa hai tay ra, hà một hơi rồi xua mạnh vào nhau, sau đó từ trong lòng lấy ra một mảnh giấy nhỏ nhàu nhèo.

Chàng thiếu niên vuốt lại mảnh giấy cho thẳng ra, xem tới xem lui thật kỹ, đoạn gật đầu nói:

- Đúng là nơi đây rồi!

Đó là một ngôi nhà lá ba gian được xây bằng gạch vụn, trên ngưỡng cửa có một đôi liễn đã phai mờ, song vẫn còn đọc được là:

"Một hai mẫu ruộng xấu, nắng mưa rèm khói sáng dậy sớm!

Ba bốn gian nhà nát, giấy vàng đèn xanh đêm ngủ muộn!"

Chàng thiếu niên bất giác cười thầm, lòng nhủ:

- "Đêm ngủ muộn" thì tạm còn tin được, nhưng "sáng dậy sớm" thì chưa chắc!

Đoạn chàng sửa lại y phục, bước lên thềm đất, kéo tấm chắn ra, vừa định đưa tay gõ cửa, bất giác ngẩn người, thì ra trên nắm cửa có buộc một sợi dây thừng bám đầy bụi và mạng nhện.

Chàng thiếu niên cánh tay phải chửng lại trên không, hồi lâu cũng không buông xuống được.

- Quả nhiên Tửu gia gia đã chẳng may đoán đúng!

Do Nhân Kiệt buông tiếng thở dài, chầm chậm quay người. Ngay khi ấy, bỗng nghe có tiếng trẻ khóc theo gió vọng đến.

Do Nhân Kiệt liền phấn chấn tinh thần, ngẩng lên nhìn về hướng phát ra tiếng trẻ khóc, thì ra đó là một ngôi nhà lá nằm trong góc phía đông bắc.

Chàng liền vội đi đến, đứng ngoài cửa sổ cất tiếng hỏi:

- Có người trong nhà không?

Một giọng phụ nữ đáp:

- Ai đó?

- Thưa, xin hỏi đại tẩu, ở quanh đây có một vị Liễu lão phu tử không vậy?

Người phụ nữ trong nhà như không hiểu nói:

- Liễu lão phu tử ư?

Song như chợt nhớ ra, nói tiếp:

- À, công tử hỏi lão già họ Liễu ở nhà phía tây phải không?

Do Nhân Kiệt vội nói:

- Vâng, thưa đại tẩu!

- Muốn gặp được lão già ấy thật là rắc rối, có lẽ phải đến sang năm cũng vào lúc này công tử hẵng trở lại đây, họa may có thể gặp được.

Do Nhân Kiệt cười chua chát, cao giọng nói:

- Vâng, xin lỗi đã làm phiền đại tẩu!

Gió tuyết mỗi lúc càng to, bầu trời u ám. Do Nhân Kiệt kéo sát cổ áo, quay người đi khỏi thôn.

Mấy ngàn dặm xa xôi, bao nhiêu hy vọng giờ đây đã trở thành ảo ảnh!

Phen này vì muốn thành toàn chí nguyện của chàng, hai vị gia gia đã tiết lộ với chàng một bí mật mà trong giới võ lâm rất ít người được biết.

Thì ra một vị kỳ nhân võ lâm khi xưa là Bát Chỉ Ông thật ra đã thu hai vị môn đồ.

Một là Thiên Long lão nhân danh chấn giang hồ gần ba mươi năm và đã tạ thế mười mấy năm trước, còn người kia là Tiêu Dao thư sinh mà Do Nhân Kiệt hiện đang tìm kiếm.

Theo lời hai vị gia gia, Thiên Long lão nhân và Tiêu Dao thư sinh khi xưa đã cùng lúc bái sư học võ, về sau thành tựu cũng suýt soát với nhau. Hai sư huynh đệ này duy có điều khác nhau là một người thì lòng dạ hào phóng, một người lại thích sống đạm bạc do đó mấy mươi năm sau, một người đã trở thành đại hiệp lừng danh. Còn một người lại ẩn dật chốn biên thùy, cơ hồ ngay cả danh tánh cũng đã bị người đời lãng quên.

Hai vị gia gia cam đoan với chàng rằng: Tiêu Dao thư sinh Liễu Tử Phong không phải là một người lạnh lùng không thông tình lý, chỉ cần ông còn sống trên đời và tìm gặp, chàng sẽ chẳng khó trở thành một Kim Bút đại hiệp khác trong tương lai.

Và chàng cũng tin rằng, nhất định chàng sẽ không phụ kỳ vọng của hai vị gia gia.

Thế nhưng, định mệnh trớ trêu, trời đã không chiều lòng người!

Mùa đông đã qua đi, hiện giờ Do Nhân Kiệt đã có mặt tại cố đô Trường An.

Hiện tại, Do Nhân Kiệt cảm thấy nhu cầu bức thiết nhất là được tắm rửa bằng nước nóng và thay một bộ quần áo sạch sẽ.

Kể ra thì hai điều ấy rất là nhỏ nhặt, song tình trạng lúc này lại khác, mấy lạng bạc chàng mang theo đã tiêu dùng hết sạch trong bốn năm tháng qua.

Do Nhân Kiệt nhận thấy việc tắm rửa và thay quần áo hãy còn là thứ yếu, điều thiết yếu thật sự trong lúc này là phải tìm ngay việc làm để giải quyết một ngày ba bữa ăn.

Lúc chàng ở quê nhà vẫn thường nghe người ta bảo là đất Trường An đầy rẫy hoàng kim, như thể là chỉ cần đến được Trường An thì sẽ tức khắc trở thành cự phú không bằng.

Giờ đây chàng đang thơ thẩn đi trên phố xá Trường An, mắt nhìn người đi đường tấp nập, bụng đói cồn cào... Hoàng Kim ở đâu?

Do Nhân Kiệt thả bước đi tới, chẳng rõ đã đi bao nhiêu đường lớn, bao nhiêu hẻm nhỏ. Bỗng chàng chững bước và ngẩng lên nhìn, đập vào mắt trước tiên là ba chữ vàng "Trạng Nguyên Lầu" to tướng. Tiếng cười nói, mời rượu thơm và tiếng hát du dương từ trên lầu vọng xuống.

"... Một chiếc thuyền bé nhỏ, sao chứa vạn nỗi sầu..."

Tiếng hát vừa dứt, tiếng vỗ tay vang lên rầm rộ...

- Hay lắm! Tiểu cô nương hãy hát tiếp nữa đi!

- Ồ, không, mọi người hãy yên lặng để nghe lời phê bình của Vương công tử nào!

- Giọng ca... khạc khạc... thật là tuyệt!

- Vương công tử bảo là giọng ca thật là tuyệt.

- Quả đúng là rất tuyệt, hãy thưởng thật nhiều đi!

- Nhưng mà.. khạc khạc... lão già đàn tỳ bà kém quá!

- Quả đúng là kém quá!

- Trần Cửu, hãy thưởng cho vài lạng...

Do Nhân Kiệt thầm gật đầu nhủ:

- Vương công tử nào đó quả cũng khá sành về âm nhạc, tiếng đàn tỳ bà hòa đệm quả đúng là không được cao minh!

Do Nhân Kiệt bỗng nảy ra một ý, bèn bước nhanh lên lầu, vừa đi về phía hai ông cháu đang định rời khỏi, vừa rút ngọn địch trên lưng xuống, cao giọng nói:

- Hồng muội khoan đã, hãy hát thêm một bài nữa, để tiểu huynh đệm địch cho...

Thiếu nữ áo đỏ kinh ngạc quay người lại, hai mắt trố to bối rối.

Do Nhân Kiệt nháy mắt, tủm tỉm cười nói tiếp:

- Không sau đâu, hát bài gì cũng được!

Lão nhân áo xanh lưng gù không hổ là người già dặn giang hồ, liền thúc nhẹ thiếu nữ và nói:

- Phải rồi đó, đại ca ngươi đã đến, hãy vì các vị công tử đây hát thêm một bài Tây Hồ ngâm nữa đi!

Thiếu nữ áo đỏ thấp giọng nói:

- Trung Lữ, Phố thiên nhạc...

Do Nhân Kiệt gật đầu, đưa địch lên môi thổi một đoạn nhạc dạo trước, tiếng địch du dương lảnh lót như lưu thủy hành vân, lúc trầm lúc bổng rất đúng tiết tấu.

Tiếng địch vừa cất lên, cả tửu lầu im phăng phắc, đoạn nhạc dạo vừa dứt, lập tức tiếng vỗ tay hoan hô vang lên cùng khắp.

Tiếng địch lại cất lên, thiếu nữ áo đỏ lòng đầy kinh ngạc lẫn xúc động, bắt đầu cất tiếng hát...

Khúc hát vừa dứt, tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô rầm rộ hồi lâu không ngớt, kết quả một bài hát đã được trọng thưởng đến mười lạng bạc.

Ra khỏi Trạng Nguyên Lầu, lão nhân lưng gù run giọng nói:

- Lão đệ bất tất khách sáo, muốn lấy bao nhiêu tùy thích, thường khi ông cháu chúng tôi mỗi bài hát tối đa cũng chỉ được hai ba mươi đồng thôi!

Do Nhân Kiệt vội nói:

- Lão trượng nói gì lạ vậy, giọng ca của vị cô nương này vốn là rất hay, tại hạ là Do Nhân Kiệt chẳng qua... chẳng qua chỉ là nhất thời hứng khởi thôi...

Lão nhân trao ra năm lạng bạc và nói:

- Hẳn lão đệ cũng không phải là người chung nghề với ông cháu chúng tôi, hãy nhận lấy để làm lộ phí.

Do Nhân Kiệt không khách sáo nữa, nhận lấy và cười nói:

- Tại hạ phải đi tắm rửa thay quần áo, lát nữa sẽ gặp lại!

Thiếu nữ áo đỏ nghiêng mặt giọng dàu dàu nói:

- Lát nữa gặp lại ở đâu?

Do Nhân Kiệt vội cười giả lả nói:

- À, xin lỗi, tại hạ đã quên thỉnh giáo...

Thiếu nữ áo đỏ tình tứ liếc nhìn chàng và nói:

- Tiểu muộn là Kim Tố Liên chứ không phải Tiểu Hồng, trú tại khách điếm Đại An ở phường Tam Nguyên, nếu không chê là khó nhớ, rất mong sẽ được gặp lại nhau!

Đến lúc hoàng hôn, Do Nhân Kiệt đã với một bộ y phục mới tìm đến khách điếm Đại An.

Kim Tố Liên nghe tiếng liền hớn hở ra đón, đỏ mặt cười nói:

- Tiểu muội những tưởng Do đại ca...

Đoạn chìa tay ra nói tiếp:

- Quần áo thay ra đâu? Đưa đây cho tiểu muội mang đi giặt!

Do Nhân Kiệt vội nói:

- Tại hạ tự giặt lấy được rồi!

Kim Tố Liên giận dỗi:

- Sợ lấy tiền công hả?

Do Nhân Kiệt đỏ mặt ấp úng:

- Không phải, ý tại hạ là... áo quần đã mặc lâu ngày... bẩn quá...

- À, ra vậy! Áo quần cần giặt chiếc nào là không bẩn kia chứ?

Do Nhân Kiệt không nói lại nàng, đành trao ra gói quần áo bẩn.

Kim Tố Liên mượn của khách điếm một chiếc thau gỗ, ra ngoài giếng phía hậu viện, vừa giặt vừa ngước lên hỏi:

- Do đại ca đã học thổi địch của ai vậy?

Do Nhân Kiệt mỉm cười:

- Thế nào?

Kim Tố Liên thành thật khen:

- Thổi hay lắm!

Do Nhân Kiệt vừa thấy kiêu hãnh, vừa nực cười thầm nhủ:

- "Địch Tẩu Do Nhã Duy tài thổi địch thiên hạ vô song mà chẳng hay sao được?"

Nhưng chàng không tiện nói thật, chỉ buột miệng cười nói:

- Chỉ do ham thích nên tự học hỏi mà thôi!

Kim Tố Liên bĩu môi:

- Hứ, nói dối, tiểu muội không tin đâu!

Do Nhân Kiệt đánh trống lãng:

- Lệnh tổ đâu rồi?

Kim Tố Liên bật cười:

- Uống rượu say đã ngủ từ lâu rồi!

Do Nhân Kiệt gật gù:

- Già cả rồi, hưởng thụ như vậy cũng phải thôi!

Kim Tố Liên bỗng buông tiếng thở dài:

- Lẽ ra gia tổ cũng đàn khá lắm, nhưng mấy năm qua bởi rượu chè quá độ nên hai tay đã run, ảnh hưởng rất nhiều đến việc hát xướng mưu sinh. Đôi khi tiểu muội cũng muốn khuyên lơn vài câu, nhưng lại không đành lòng nên thôi.

Bỗng nhiên bên ngoài có tiếng vọng vào hỏi:

- Có Kim lão đầu trong đó không?

Do Nhân Kiệt vội nói:

- Có người đang tìm lệnh tổ, mau ra xem thử!

Kim Tố Liên nhíu mày:

- Quái lạ thật!

Do Nhân Kiệt ngạc nhiên:

- Việc gì mà quái lạ?

- Hai ông cháu ở đây không hề có thân thích, trước nay rất ít ai tìm đến, hơn nữa tiếng nói của người này cũng rất là xa lạ...

- Dù thế nào thì cũng nên ra ngoài xem thử, đâu có hề gì?

Kim Tố Liên gật đầu, vừa mới đứng lên thì một đại hán mặt rỗ đã nghênh ngang sải bước đi vào cùng với vị chưởng quần trong khách điếm.

Khi đến gần, vị thái chưởng quần vội tiến tới trước một bước, giới thiệu:

- Vị này là Mã tứ gia!

Đoạn đưa mắt nhìn Kim Tố Liên hỏi:

- Lệnh tổ đâu?

Kim Tố Liên chơm chớp mắt:

- Đã ngủ rồi! Có việc gì vậy?

Thái chưởng quần xoa hai tay vào nhau, khẽ đằng hắng một tiếng, tựa hồ khó mở lời.

Đại hán mặt rổ lạnh lùng nói:

- Gặp Kim lão đầu hay không thì cũng vậy thôi!

Thái chưởng quầy vội cười giả lả nói:

- Vâng, thưa Tứ gia!

Đại hán mặt rổ hất hàm:

- Hãy cho họ biết rõ về luật lệ ở đây!

Thái chưởng quầy vâng dạ lia lịa, đoạn quay sang Do Nhân Kiệt và Kim Tố Liên, nháy mắt ra hiệu rồi hắng giọng nói:

- Khắp phường Tam Nguyên này xưa nay sở dĩ được bình yên vô sự có thể nói hoàn toàn là nhờ vào vị Mã tứ gia đây, khi nãy Tứ gia có nói, hôm nay ở Trạng Nguyên lầu các vị đã...

Do Nhân Kiệt xuất thân từ võ lâm thế gia, từng nghe nói rất nhiều về những luật lệ trên chốn giang hồ, khi thấy đại hán mặt rổ vừa vào đến là chàng đã hiểu được phần nào rồi, lúc này không chờ Thái chưởng quần dứt lời, chàng đã thò tay vào lòng lấy ra hai xâu tiền, hay tay cung kính trao ra và nói:

- Của ít lòng nhiều, xin Tứ gia vui lòng nhận cho!

Đại hán mặt rổ vừa đưa tay ra đón lấy vừa cười khẩy nói:

- Tiểu tử ngươi cũng khá biết điều đấy!

Bỗng mặt sa sầm, vung tay ném hai xâu tiền vào miệng giếng "rào", xâu tiền vung vãi đầy mặt đất.

Do Nhân Kiệt sững sờ, đứng thừ ra tại chỗ. Kim Tố Liên có lẽ chưa từng gặp qua tình trạng này, nàng trố to mắt run rẩy, sợ hãi đến mặt mày tái ngắt.

Thái chưởng quầy vội khom mình xá dài, nói:

- Xin Tứ gia hãy nguôi giận, bọn trẻ này còn quá dại khờ, để tiểu nhân chỉ bảo chúng cho!

Đoạn quay sang nghiêm mặt trầm giọng nói:

- Luật lệ của Mã tứ gia là trước hết phải nội lễ bái sơn, sau đó kiếm được nhiều hay ít là tùy các ngươi. Bằng không cứ mỗi lần thu nhập trên một lạng thì phải nộp ba phần, nếu các người không quyết định được thì hãy bảo Kim lão đầu ra đây!

Do Nhân Kiệt lặng thinh, lại từ trong lòng lấy ra ba lạng bạc còn lại, hai tay dâng lên và khom mình nói:

- Từ nay hãy còn nhờ vả đến Tứ gia rất nhiều, tục ngữ có câu: "kẻ không biết thì vô tội", xin Tứ gia rộng lòng lượng thứ cho!

Đại hán mặt rổ buông tiếng cười khẩy, chẳng chút khách sáo chộp lấy ba lạng bạc quay người ung dung bỏ đi.

Thái chưởng quầy bước vội theo nói:

- Tứ gia thong thả mà đi nhé!

Do Nhân Kiệt quay sang nói với Kim Tố Liên:

- Liên muội hãy bỏ đấy, mình đi kiếm chút gì ăn đã...

Kim Tố Liên đưa tay lau nước mắt lắc đầu nói:

- Tiểu muội chưa đói...

Do Nhân Kiệt cũng chẳng ép, gật đầu nói:

- Vậy thì Liên muội phơi xong áo quần rồi hãy đi nghỉ sớm, nhưng nhớ là đừng để cho gia gia biết việc vừa rồi nhé!

Do Nhân Kiệt đến trước quầy khẽ hỏi thái chưởng quầy:

- Mã tứ gia khi nãy...

Thái chưởng quầy lắc đầu thở dài thậm thượt:

- Tiểu ca là người thông minh, hẳn đã nhận thấy rõ Thái mỗ là do bởi bất đắc dĩ, thật ra thì nghề của các vị hãy còn đở khổ, chứ như chúng tôi có sản nghiệp ở đây, không thể nào khiêng đi đâu được, một năm mười hai tháng... ôi, việc dông dài lắm, không nhắc đến là hơn!

Do Nhân Kiệt thoáng ngạc nhiên:

- Hả, thì ra các vị cũng nằm trong sự cai quản của y sao?

Thái chưởng quầy cười đau khổ:

- Đâu chỉ chúng tôi thôi đâu!

Do Nhân Kiệt thắc mắc:

- Những kẻ sinh sống bằng nghề hát xướng như chúng tôi trôi giạt khắp nơi, không có thân bằng quyến thuộc thì chẳng nói gì, còn như các vị là người địa phương, không chấp hành luật lệ của y thì y làm gì được nào? Chả lẽ gã mặt rổ ấy dám công khai giết người phóng hỏa hay sao?

Thái chưởng quầy lắc đầu:

- Nghề nghiệp khác thì chúng tôi không rõ, Thái mỗ chỉ biết là kể từ khi bắt đầu mở khách điếm, bất luận thế nào cũng không chống lại được y.

- Vì sao vậy?

Thái chưởng quầy cười ảo não:

- Xin đưa ra một ví dụ đơn giản nhất, chẳng hạn như vào lúc nửa đêm, khách đang ngủ ngon giấc thì một toán nha dịch đại nhân bỗng kéo đến gõ cửa vào, bảo là có một yêu phạm đã bỏ trốn, rất có thể đang ẩn nấp tại đây, phải lục soát hết tất cả các phòng, lý do hết sức đàng hoàng đúng phép, không tuân theo cũng chẳng thể được.

Thẳng thắn mà nói, đó chẳng qua là do cung phụng thiếu chu đáo mà thôi! Thử hỏi, cứ như tình trạng ấy không cần nhiều, mỗi tháng chỉ cần hai lần là khách điếm này còn ai dám đến nghỉ trọ nữa?

Do Nhân Kiệt thắc mắc:

- Đó là thủ đoạn buộc hối lộ của bọn sai nha, dính dáng gì đến bọn lưu manh côn đồ kia chứ?

Thái chưởng quầy nhún vai:

- Hai bên đều có lợi mà! Khi địa phương hữu sự, bọn sai nha không quen biết nhiều, đừng mong phá án một cách thuận lợi. Ngược lại, các vị gia gia này cần nhờ cậy vào lực lượng của quan phủ, bắt buộc phải ngoan ngoãn tuân theo. Bằng không, đâu có ai muốn làm kẻ mù lòa mãi, hạng người như Mã tứ gia đâu thể ung dung ngoài vòng pháp luật.

Do Nhân Kiệt chú mắt nói:

- Bọn hung đồ này ngoài việc a tòng với bọi sai nha, cùng lợi dụng lẫn nhau, còn tài cán gì nữa không?

Thái chưởng quầy cười chua chát:

- Còn nữa là tay cứng chân khỏe, cần tiền không sợ chết!

- Còn gì nữa không?

Thái chưởng quầy khẽ thở dài:

- Vậy cũng đã quá đủ rồi! Tuy nhiên, Mã tứ gia thật ra đạo hành cũng hãy còn non kém, nếu là Mã đại cục chủ của Long Uy tiêu cục ở thành đông thì...

Do Nhân Kiệt kinh ngạc:

- Sao? Một vị tiêu cục chủ đường đường chính chính mà cũng như vậy ư?

Thái chưởng quầy cười khẩy:

- Tất cả mọi người trong thành Trường An ai cũng đều biết vị đại cục chủ Long Uy này là một đại thiện nhân, rất hào phóng khẳng khái, nhưng sau lưng y như thế nào, không che giấu được những người từng sống lâu năm tại Trường An này đâu!

Do Nhân Kiệt nhướng mày:

- Những người từng sống lâu năm tại trường An đâu phải chỉ một mình chưởng quần, chưởng quầy biết thì người khác cũng biết, vậy thì khách hàng nào còn dám tìm đến Long Uy tiêu cục nữa?

Thái chưởng quầy vừa định đáp lời, bỗng bóng người thấp thoáng, một hán tử áo xanh đầu đội nón vỏ dưa bước vào.

Thái chưởng quầy thần sắc chợt căng thẳng, vội bước nhanh ra đón, cười giả lả nói:

- Nhị gia mạnh khỏe!

Dưới ánh đèn, chỉ thấy hán tử ấy dường như không nghe, đôi mắt tam giác láo liên, mặt mũi đúng là một tên côn đồ.

Thái chưởng quầy đến gần, cúi gập người khúm núm, điệu bộ hết sức cung kính.

Do Nhân Kiệt thầm cười khẩy tự nhủ:

- "Hay nhỉ! Vừa đi khỏi một "Tứ gia" giờ lại đến một "Nhị gia", tiếp theo hẳn là "Tam gia" và "Ngũ gia" chứ gì? Hừ, thật không ngờ trong thành Trường An lại có nhiều "đại gia" đến thế!"

Hán tử ấy nhìn quanh một hồi, nghiêng đầu gật một cái, Thái chưởng quầy liền đưa một bên tai đến gần.

Chẳng rõ hán tử ấy đã nói những gì, chỉ thấy Thái chưởng quầy gật đầu lia lịa và nói:

- Vâng, vâng... đương nhiên, đương nhiên... đâu có, đâu có... đó là luật lệ xưa nay mà... đương nhiên, đương nhiên... vâng, vâng...

Do Nhân Kiệt thầm nhủ:

- "Quả nhiên lại là "luật lệ" nữa!"

Hán tử ấy nói xong, nghênh ngang khoát tay, quay người ra khỏi khách điếm.

Thái chưởng quầy cung kính tiễn hán tử ấy ra đến tận cửa, sau đó tươi cười đi trở vào, nhìn Do Nhân Kiệt gật đầu cười nói:

- Xin chúc mừng tiểu ca!

Do Nhân Kiệt ngạc nhiên:

- Chúc mừng việc gì vậy?

Thái chưởng quầy mỉm cười:

- Tiểu ca còn nhớ vị Vương công tử hôm nay đã thưởng cho các vị mười lạng bạc ở Trạng Nguyên Lầu không?

Do Nhân Kiệt chớp mắt:

- Vậy thì sao?

Thái chưởng quầy giơ ngón cái lên:

- Quản nhị gia vừa rồi có thể nói là một người thân tín nhất của Vương công tử đấy!

Do Nhân Kiệt trố mắt:

- Vậy thì có liên quan gì đến ông cháu chúng tôi?

Thái chưởng quầy cười cười:

- Tiểu ca hãy đoán thử xem!

Do Nhân Kiệt lắc đầu:

- Tại hạ không thể đoán được!

Thái chưởng quầy nói:

- Nếu không đoán được thì đành phải nói cho tiểu ca biết vậy. Ngày kia là ngày đúng tuổi ba mươi của Vương công tử, họ bao ba ông cháu đến ca hát nữa đấy!

- À, mừng tuổi ba mươi ư?

Thái chưởng quầy hạ thấp giọng:

- Tiểu ca bận tâm làm gì đến mừng tuổi mấy mươi? Những kẻ giàu có dù là ngáp một cái cũng có lý do đặc biệt để nói, đến hôm ấy các vị cứ lo kiếm ra tiền là được rồi!

Do Nhân Kiệt bỗng ngẩng lên hỏi:

- Bất luận bao nhiêu thì bên Mã tứ gia cũng là ba phần phải không?

Thái chưởng quầy gật đầu:

- Lẽ đương nhiên! Đến Vương phủ một chuyến còn hơn là các vị vất vả hằng nửa năm, còn được năm phần cũng là khả quan lắm rồi!

Do Nhân Kiệt ngạc nhiên:

- Còn hai phần thì nộp cho ai?

Thái chưởng quầy trố mắt:

- Quản nhị gia vừa rồi chứ ai? Cái vị nhị gia này nếu không kiếm chác chút ít thì việc ăn uống hằng ngày ở đâu mà có chứ?

Do Nhân Kiệt chú mắt:

- Vương công tử tìm chúng tôi phen này là do Quản nhị gia ấy đề nghị hay sao?

Thái chưởng quầy thở dài:

- Không thể nói vậy được, những kẻ bôn ba trên chốn giang hồ... Ôi... nói chung là... ngày mai tiểu ca hãy hỏi lệnh tổ là sẽ hiểu ngay.

Do Nhân Kiệt gật đầu, mím môi lặng thinh.

Thái chưởng quầy tiến gần một bước, thấp giọng nói:

- Còn điều này nữa, tiểu ca cần phải nhớ cho kỹ, hôm ấy tuyệt đối không nên đắc tội với Vương công tử đấy!

Do Nhân Kiệt ngạc nhiên ngẩng lên:

- Ý của chưởng quần là...

Thái chưởng quầy hạ giọng thật thấp:

- Còn nhớ vị tiêu cục chủ Long Uy mà chúng ta vừa đề cập đến không? Vương công tử chính là nội đệ của Mã đại cục chủ!

Do Nhân Kiệt thoáng đảo mắt, gật đầu nói:

- Đa tạ sự quan tâm của chưởng quầy, tại hạ đã nhớ rồi!

Thái chưởng quầy ra chiều yên tâm, nhoẽn cười nói:

- Tiểu ta đã ăn gì chưa?

Do Nhân Kiệt lắc đầu:

- Tại hạ chưa thấy đói!

Đoạn ngẩng lên nói tiếp:

- À, phải rồi! Chưởng quầy bảo Mã đại cục chủ bề ngoài là một đại thiện nhân, nhưng thực chất lại là một tên ác ôn, vậy thì Long Uy tiêu cục của y mở ra chỉ để làm cảnh thôi chứ gì?

Thái chưởng quầy lắc đầu:

- Thôi bỏ qua đi, tục ngữ có câu "bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra", hiểu biết quá rõ cũng chẳng ích gì cho tiểu ca, đừng bàn đến những chuyện vớ vẫn ấy là hơn!

Do Nhân Kiệt ngẫm nghĩ chốc lát, lại hỏi:

- Vị Mã tứ gia kia ở tại đâu vậy?

Thái chưởng quầy ngạc nhiên:

- Tiểu ca hỏi để làm gì?

Do Nhân Kiệt chau mày:

- Nếu không biết chỗ ở của vị Mã tứ gia, khi được trọng thưởng ở Vương phủ thì biết đâu mà nộp ba phân?

- Hừ, tiểu ca sợ y không tìm đến hay sao?

Do Nhân Kiệt lắc đầu:

- Không phải vậy, lễ vật là phải nộp đến tận tay, chứ mỗi lần đều chờ Mã tứ gia tìm đến, đôi bên đều không được vui vẻ...

Thái chưởng quầy gật đầu:

- Cũng có lý, phía sau đây có một quán trà hiệu là Tam Nguyên, đó là tình nhân của Mã tứ gia, chỉ cần vào hỏi là gặp ngay.

- Đa tạ!

Hôm sau, Kim lão đầu đã gọi Do Nhân Kiệt vào trong phòng, lấy ra ba lạng bạc, cảm kích run giọng nói:

- Kim Liên còn quá khờ dại...

Do Nhân Kiệt trừng mắt với Kim Tố Liên, quay sang Kim lão tươi cười nói:

- Tiền nhỏ không đi, tiền lớn chẳng đến, hai hôm nữa là ngày thọ ba mươi của Vương công tử, tối qua có phái người đến tìm chúng ta đấy!

Kim lão mừng rỡ:

- Thật ư? Vậy thì hai người hãy mau luyện tập lại mấy bài hát chúc thọ đi!

Do Nhân Kiệt quay sang Kim Tố Liên gật đầu nói:

- Hãy đến phòng sau huynh mà luyện tập!

Sau khi vào trong phòng, Do Nhân Kiệt liền trách móc:

- Tại sao Liên muội không giữ chữ tín hả?

Kim Tố Liên mặt ửng đỏ, nhếch môi cười nói:

- Tiểu muội đã hứa với đại ca bao giờ?

Do Nhân Kiệt ngớ người cứng họng, thật ra thì chàng cũng biết đàn bà con gái khó thể nào giữ được bí mật, bèn chau mày nói:

- Thôi, việc đã qua đừng nhắc đến nữa, từ nay nếu còn gặp những việc như vậy, mong là Liên muội đừng cho lão nhân gia hay biết là hơn.

Kim Tố Liên lừ mắt:

- Việc sau này, sau này hẵng tính có được không?

Do Nhân Kiệt cầm lấy tập ca từ lên, vừa lật vừa hỏi:

- Để chúc thọ là bài nào?

Kim Tố Liên giật lấy tập ca từ:

- Chỉ cần nói ra điệu nhạc, tin chắc là đại ca đều thổi được, cần gì phải luyện tập nữa? Chúng ta nói chuyện với nhau là hơn!

Do Nhân Kiệt ngạc nhiên ngẩng lên:

- Liên muội muốn nói về những chuyện gì?

Kim Tố Liên hai tay chắp sau lưng:

- Đại ca hãy kể điển tích về âm nhạc cho tiểu muội nghe đi!

Do Nhân Kiệt mỉm cười:

- Lệnh tổ chưa từng kể cho Liên muội nghe sao?

- Lão nhân gia bảo là đàn bà con gái chường mặt ra ngoài đời đã là không nên rồi, lại còn hỏi này hỏi nọ thì càng không nên! Nên lúc ông còn đàn được, cố gắng hát để dành dụm lấy vài lạng bạc, mua sắm ít sản nghiệp hầu để dưỡng già.

Do Nhân Kiệt mỉm cười tiếp lời:

- Sau đó sẽ tìm cho Liên muội một đối tượng thích hợp chứ gì?

Kim Tố Liên trừng mắt:

- Đại ca nói nữa xem!

Do Nhân Kiệt vội đằng hắng một tiếng, cười giả lả nói:

- Điển tích Liên muội đã nói vừa rồi... muốn nghe về khía cạnh nào?

Kim Tố Liên liền đổi giận làm vui nói:

- Trước hết đại ca hãy cho biết, từ xưa đến nay có người nào nhờ hát hay đã lưu danh trên sử sách không?

Do Nhân Kiệt cười nói:

- Có nhiều lắm!

- Hãy nói về những người nổi danh nhất đi!

- Nổi danh nhất có ba người, đó là Hàn Tố Nga, Trầm Cố Chi và Thạch Long Phù, tất cả đều là trong giới bình dân, còn về giới đế vương thì có Đường Huyền Tông, rồi đến Đường Trang Tông. Đời Nam Đường có Lý Hậu Chủ, Tống Huy Tông và Kim Chương Tông!

Kim Tố Liên thích thú:

- Cả hoàng đế mà cũng biết hát xướng ư? Muốn hát hay, có bí quyết đặc biệt gì không?

Do Nhân Kiệt trầm ngâm:

- Đại khái là phải có giọng hát trong, hơi dài, tiếng hát rõ ràng, nhưng chủ yếu là nhờ ở thiên phú, chẳng hạn như Liên muội...

Kim Tố Liên bịt tai cười:

- Tiểu muội không nghe nữa đâu!

Do Nhân Kiệt đứng lên cười nói:

- Vậy thì khi nào rảnh rổi hẵng nói tiếp, ngu huynh bận đi mua một ít đồ vật!

*****

Ba hôm sau, vào lúc giờ Mùi, quán trà Tam Nguyên nằm sau phường Tam Nguyên, bỗng có một lão nhân áo xanh đi vào.

Quán trà Tam Nguyên rất rộng rãi, bên trong có đến hằng trăm bộ bàn ghế, thường khi sau giờ Ngọ là khách đã chiếm đến bảy phần chỗ ngồi. Trong số khách trà, ngoài những người uống trà còn có kẻ ưa ca hát, đánh cờ, tán gẫu, bàn chuyện làm ăn, đọc sách và ngủ gục trên bàn...

Ngoài ra còn có một số người buôn bán nhờ vào quán trà như bán hạt dưa, đậu phộng, bánh bao, trái cây...

Nói chung, mỗi ngày sau giờ Ngọ là quán trà ngập đầy mọi thứ tiếng, hết sức phức tạp ồn ào.

Tuy nhiên, bất kỳ quán trà nào thông thường đều có một hiện tượng như nhau, cho dù quán trà đó đông hay ít khách, những người đến uống trà hầu hết đều là khách quen.

Khi lão nhân áo xanh vừa lên đến lầu, mặc dù lão nhân ấy không có gì là đặc biệt, và dáng đi cũng hết sức ung dung.

Gã phổ ky ấy rất hiểu tầm quan trọng về việc lấy lòng một người khách mới, bèn vội bước chân đến, kéo ghế cúi gập người nói:

- Xin mời lão gia ngồi!

Lão nhân áo xanh khẽ buông tiếng đằng hắng, chậm rãi ngồi xuống ghế.

Gã phổ ky niềm nở cười nói:

- Lão gia dùng loại trà nào?

Lão nhân áo xanh nhướng mắt:

- Mã tứ gia biết rồi!

Gã phổ ky ngớ người, ấp úng nói:

- Có thể xin lão... lão gia...

Lão nhân áo xanh buông tiếng hừ mũi:

- Ngươi mà còn lải nhải, bảo tứ gia cho ngươi nghỉ việc ngay đấy!

Gã phổ ky ngơ ngẩn lùi ra sau ba bước, đoạn quay người lùi nhanh vào trong.

Lát sau, Mã tứ gia cùng hai tráng hán từ nhà trong đi ra, quắt mắt nhìn quanh, trầm giọng hỏi:

- Người ấy ngồi đâu?

Gã phổ ky rụt rè đưa tay chỉ:

- Đằng kia, chỗ gần thang lầu ấy.

Mã tứ gia khẽ buông tiếng cười khẩy, theo hướng chỉ của gã phổ ky, sải bước đi về phía chỗ ngồi của lão nhân áo xanh.

Đến gần, Mã tứ gia hai chân đứng trấn, ánh mắt sắc lạnh, chắp tay sau lưng lạnh lùng nói:

- Kẻ nào muốn gặp Mã lão tứ này?

Lão nhân áo xanh từ từ mở mắt ra, chằm chặp nhìn Mã tứ gia từ đầu đến chân thờ ơ hỏi:

- Mã tứ gia chính là các hạ ư?

Mã tứ gia đanh mặt:

- Đúng vậy! Dám xin cao nhân cho biết danh tánh để tiện bề thọ giáo!

Lão nhân áo xanh chậm rãi nói:

- Thị Phi Khách hồi ba mươi năm trước ở vùng Kim Long chính là lão phu, nhưng nay đã già nên đổi lại là Thị Phi Tẩu hoặc Thị Phi Ông!

Mã tứ gia cười khẩy:

- Vì lễ độ lẽ ra nên nói một tiếng hân hạnh, nhưng thật đáng tiếc, danh hiệu của tôn giá lạ lẫm quá!

Lão nhân áo xanh khép hờ mắt:

- Cũng chẳng trách các hạ được, lúc ấy các hạ hãy còn bé!

Mã tứ gia giận tái mặt, song vẫn cố nén nói:

- Dám hỏi các hạ, giữa chúng ta thật ra có hiềm khích gì?

Lão nhân áo xanh giọng buông thỏng:

- Chẳng hiềm khích gì cả!

Mã tứ gia trố mắt hỏi tiếp:

- Vậy thì tôn giá muốn gì?

Lão nhân áo xanh vẫn chậm rãi nói:

- Lúc lão phu tự giới thiệu là đã nói rất rõ ràng rồi!

Mã tứ gia mặt đanh lạnh:

- Xin thứ cho Cố mỗ ngu muội!

Lão nhân áo xanh nhấn mạnh từng tiếng:

- Lão phu sở dĩ được bằng hữu gọi là Thị Phi Khách chính vì lúc còn trẻ lão phu chẳng những rất hay gây sự mà lại luôn cho mình là phải, nói cách khác có nghĩa là không phân biệt phải trái. Do đó, tất cả mọi người đều biết hễ lão phu đi đến đâu là nơi đó nhất định phải có chuyện thị phi.

Đoạn ngẩng lên, hất hàm hỏi:

- Như vậy đủ hiểu rồi chứ?

Mã tứ gia tức giận:

- Lão tử chẳng tin là dế mà leo cây được. Mẹ kiếp, có thủ đoạn gì hãy cứ giở ra đi!

Lão nhân áo xanh gật đầu:

- Đành phải vậy thôi!

Đoạn cúi người toan đứng lên, Mã tứ gia một mặt vì chưa biết rõ về lai lịch của đối phương, hai nữa ngặt vì mình là chủ, mặc dù tức giận đến hai mắt tối sầm, thất khiếu phả khói, song vẫn chưa có ý định xuất thủ trước. Thế nhưng, hai gã tráng hán đứng sau lưng y thì đã không còn nhẫn nhịn được nữa, thảy đều lộ vẻ hung hãn sẵn sàng động thủ.

Những khách trà thấy có người lại dám trêu đến Mã tứ gia, thảy đều phấn khởi và hồi hộp, bèn lục tục rời khỏi chỗ ngồi, lui ra bốn phía, ánh mắt đều tập trung vào lão nhân áo xanh.

Mã tứ gia thấy vậy bất giác chau mày, bỗng khoát tay nói:

- Hãy khoan!

Lão nhân áo xanh ngẩng lên:

- Lão đệ còn gì dặn bảo nữa?

Mã tứ gia hắng giọng:

- Cổ nhân có câu, "Tứ hải giai huynh đệ", tôn giá hôm nay đến đây nếu chỉ vì thiếu tiền rượu lộ phí có thể thẳng thắn nói chuyện với nhau, đâu cần tổn thương đến hòa khí, chỉ cần Cố mỗ có khả năng, nhất định sẽ làm vừa lòng tôn giá, còn như tôn giá có ý đồ khác, thì cũng xin tôn giá cho biết rõ!

Lão nhân áo xanh gật đầu:

- Lão đệ cũng khá thông minh đấy!

Mã tứ gia chú mắt hỏi:

- Tôn giá thiếu bao nhiêu?

Lão nhân áo xanh ngước nhìn lên trần nhà:

- Quán trà này của lão đệ mỗi ngày thu nhập được bao nhiêu?

Mã tứ gia bình thản cười:

- Hơn một lạng bạc!

Lão nhân áo xanh gật đầu, lẩm nhẩm:

- Mỗi ngày một lạng, mỗi tháng ba mươi lạng, một năm là ba trăm sáu mươi lạng... ư... thế này vậy, lão phu tính gọn năm phân được rồi!

Mã tứ gia biến sắc mặt, song vẫn bình tĩnh nói:

- Tính gọn năm phân là sao? Xin tôn giá nói rõ hơn được chăng?

Lão nhân áo xanh đanh mặt ngẩng lên nói:

- Lão đệ đã biết rõ rồi sao còn hỏi?

Mã tứ gia đảo tròn mắt, bỗng cười giả lả nói:

- Ý của Cố mỗ là lão hiệp hành tung vô định, vác cái bao nải này rất là bất tiện, hay để Cố mổ nêu ra một con số, nếu lão hiệp không hài lòng, lúc ấy chúng ta hẵng tính được chăng?

Lão nhân áo xanh ngước mắt:

- Nói ra thử cũng không hề gì!

Mã tứ gia quay người lại quát:

- Đi bảo bọn A Đỗ khiêng rương bạc số bảy ra đây!

- Thưa Vâng!

Hai gã tráng hán đồng thanh đáp, đoạn bước nhanh vào trong.

Lát sau, hai gã tráng hán ấy cùng hai hán tử khác khiêng ra một chiếc rương gỗ to lớn, đi thẳng đến trước mặt lão nhân áo xanh đặt xuống.

Mã tứ gia gật đầu nói:

- Mở ra!

Bốn gã đại hán tranh nhau mở nắp rương, nắp rương vừa mở lên, bốn gã đại hán cùng lúc thò tay vào, chớp nhoáng móc ra một vật lấp lóa, nhưng không phải bạc mà là bốn ngọn trủy thủ sắc bén.

Chỉ thấy bốn gã đại hán lẹ làng tản ra, chiếm lấy bốn vị trí thuận lợi, bao vây lão nhân áo xanh vào giữa.

Mã tứ gia cười lạnh lùng nói:

- Đây gọi là rượu mời không uống, lại uống rượu phạt, hắc hắc!

Lão nhân áo xanh khẽ "à" một tiếng, quét mắt lần lượt nhìn bốn gã đại hán, chẳng chút ngạc nhiên và sợ hãi, chầm chậm quay sang Mã tứ gia, gật đầu nói:

- Lão đệ đừng hối hận đấy nhé!

Mã tứ gia giành được ưu thế, cười đắc ý nói:

- Mã lão tứ này tuy chỉ là hạng tầm thường trong thành Trường An, nhưng đâu phải chưa từng gặp những nhân vật danh tiếng, một lão già hèn mạt như ngươi, đã không có lai lịch lại chẳng có thực tài, chỉ bằng mấy lời khoác lác mà đã muốn Cố mổ hai tay dâng tiền cho ư? Hắc hắc, mẹ kiếp rõ là mơ tưởng.

Lão nhân áo xanh thản nhiên:

- Lão đệ thật ra định như thế nào?

Mã tứ gia cười nham hiểm:

- Bắt hổ dễ nhưng tha hổ khó, đành rằng lão tiểu tử ngươi chẳng có gì cả nhưng nếu buông tha như thế này cũng rất là rắc rối...

- À, lão đệ dám giết người ư?

Mã tứ gia cười ha hả:

- Nói nghe tuyệt thật. Mã tứ gia không dám giết người! Ha ha ha ha!

Lão nhân áo xanh lại hỏi:

- Ở ngay quán trà này ư?

Mã tứ gia mắt rực sáng:

- Có gì là không thể được? Giết chết lão tiểu tử ngươi rồi nhét đao vào trong tay, cứ bảo là ngươi đã cầm hung khí, ban ngày dám xông vào dân cư toan ăn cướp...

Lão nhân áo xanh ngắt lời:

- Lão đệ tin là quan phủ sẽ nghe theo ư?

Mã tứ gia quét mắt nhìn quanh, lớn tiếng hỏi:

- Lời nói của Mã lão tử này hẳn là mọi người đều đã nghe rõ, việc hôm nay nếu kinh động đến quan phủ, chư vị có chịu đứng ra làm chứng không?

Tất cả khách đều là người địa phương, tất hiểu uy thế của Mã tứ gia, thử hỏi ai mà dám nói tiếng không?

Mã tứ gia thấy mọi người đều gật đầu, có ý bằng lòng nghe theo mình, bèn đắc ý cười to nói:

- Lão tiểu tử đã nhìn thấy chưa?

Lão nhân áo xanh thản nhiên gật đầu:

- Rồi, xin mời!

Mã tứ gia khoát tay lớn tiến quát:

- Lấy mạng lão cho ta!

Bốn gã đại hán đều là bọn hung đồ, chẳng từ mọi hành vi gian ác, cậy vào mấy ngón quyền cước ăn ở tại quán trà Tam Nguyên, là cánh tay mặt tay trái của Mã tứ gia, việc giết người đối với họ đây không phải lần đầu, vừa nghe lệnh lập tức cùng lao bổ tới, từ bốn phía vung trủy thủ đâm vào lão nhân áo xanh!

Chỉ thấy ánh bạc lấp lóa, ghế ngã người nhào, tiếp theo là tiếng rú thảm khốc vang lên.

Ghế ngã người nhào, đó là lão nhân áo xanh, thế nhưng tiếng rú thảm khốc thì lại không phải do lão nhân áo xanh phát ra.

Tất cả chỉ xảy ra trong khoảng khắc, động tác nhanh như tia chớp, tất cả mọi người hiện diện kể cả tứ gia, chẳng một ai trông thấy rõ quá trình đã xảy ra.

Ngay khi bốn ngọn trủy thủ từ bốn phía đâm tới, lão nhân áo xanh đã đè ngã chiếc ghế tre đang ngồi, bốn ngọn trủy thủ đã đâm vào khoảng trống, gã đại hán bên trái phía trước lao tới quá mạnh, đã hứng lấy ngọn trủy thủ của gã đại hán phía sau, gã đại hán bên phải phía trước trượt chân, không kịp chững bước, ngọn trủy thủ trong tay đã cắm ngập vào nách gã đại hán bên trái phía sau.

Đến khi Mã tứ gia định thần lại thì lão nhân áo xanh đã chầm chậm đứng lên, ung dung phủi tay áo nói:

- Kế nhét đao giá họa đã hết linh nghiệm rồi, bước thứ nhì lão đệ định thế nào?

Vị Mã tứ gia này tên thật là Cố Đại Vinh, ngoại hiệu là Mã Bì Thái Tuế, tuy chỉ là một nhân vật hạng ba trong giới hắc đạo ở Tây Kinh, nhưng kinh nghiệm lịch duyệt cũng tương đối khá. Y thấy lão nhân áo xanh chỉ dùng miệng chứ không dùng tay chân, tưởng đâu đối phương lúc còn trẻ cũng giống như mình, cho dù biết vài miếng nhưng cũng chỉ có hạn thôi. Nào ngờ khi xảy cuộc xung đột mới biết đối phương lai lịch chẳng phải tầm thường, nội thế Thiên Cân Trụy vừa rồi, dù y có luyện thêm chín mười năm nữa cũng chưa chắc đã bằng được đối phương một phần nhỏ.

Lão nhân áo xanh thấy Cố Đại Vinh mặt mày thất sắc, mồ hôi lạnh đầm đìa, bất giác mím môi cười hỏi:

- Lão đệ nếu không có ý kiến gì khác, vậy thì hãy nghe theo lão phu!

Đoạn quay người sang một vị khách gần nhất hỏi:

- Quán trà này đã mở được bao lâu rồi?

Vị khách ấy lúng túng đáp:

- Dường như đã hơn ba năm...

Lão nhân áo xanh gật đầu:

- Cứ kể như ba năm tròn được rồi!

Đoạn quay người lại cười nói:

- Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày, ba năm tổng cộng là một ngàn không trăm chín mươi lăm ngày, bỏ cái lẻ, chỉ tính chẵn một ngàn ngày, tức là một ngàn lạng bạc, năm phần là năm trăm lạng, lão đệ không phản đối chứ?

Mã Bì Thái Tuế xưng bá một thời tại phường Tam Nguyên, giờ đây lại trở thành kẻ câm, chỉ biết không ngừng lau mồ hôi trán, chẳng còn biết làm gì khác hơn nữa.

Lão nhân áo xanh gật đầu, khẽ hắng giọng rồi nói:

- Lão đệ đã không phản đối, vậy thì năm trăm lạng bạc của lão phu, xin hãy mang đến khách điếm Thái Bình ở thành nam vào lúc chiều mai, thế nào? Thôi, xin lỗi đã làm phiền, hẹn khi khác gặp lại!

*****

Đêm hôm ấy, Kim Tố Liên tìm đến phòng trách hỏi:

- Hai hôm nay đại ca đã bận việc gì mà ngày nào cũng đi suốt cả buổi chiều, ghét không muốn gần gũi với hai ông cháu này phải không?

Do Nhân Kiệt cười cười:

- Theo Liên muội thì sao?

Kim Tố Liên phụng phịu:

- Không biết, đại ca nhất định phải nói ra, hai buổi chiều đại ca đi đâu?

Do Nhân Kiệt khẽ hắng giọng rồi nói:

- Hôm qua thì đến rừng bia xem hết cả buổi chiều, hôm nay thì đến tiệm sách xem hết cả buổi chiều sách cũ, định mua lấy vài quyển bài ca thích hợp...

Kim Tố Liên liền đổi giận làm vui nói:

- Có mua được không?

Do Nhân Kiệt lắc đầu:

- Giá tiền đắt quá!

Kim Tố Liên xịu mặt:

- Đã không mua thì sao không chịu về sớm? Ngày mai là ngày mừng thọ của Vương phủ rồi, vậy mà đại ca như chớ hề quan tâm đến.

Do Nhân Kiệt mỉm cười:

- Còn cả một buổi tối, vậy mà sợ chưa đủ ư?

Đoạn chìa tay ra nói tiếp:

- Chuẩn bị hát những bài nào, đâu đưa xem thử?

- Tiểu muội không có mang tập nhạc theo, gia gia bảo tiểu muội hát một bài Nhật Nguyệt viên, một bài Triết Quế Linh và hai bài song điệu Điện Tiền Hoan... Đại ca có thổi được Điện Tiền Hoan không?

Do Nhân Kiệt lắc đầu:

- Sắp xếp như vậy ngu huynh thấy không được ổn thỏa!

Kim Tố Liên trố mắt:

- Tại sao vậy?

- Việc hát xướng là phải phù hợp với dân tình và phong thổ của từng địa phương, qua sự sắp xếp trên, chứng tỏ hai ông cháu không phải đã mưu sinh bằng nghề này từ xưa đến nay, ngu huynh đoán đúng chăng?

Kim Tố Liên mắt đỏ hoe gật đầu:

- Vâng, Do đại ca đã nói đúng, Kim lão không phải nội tổ ruột của Tố Liên...

Do Nhân Kiệt kinh ngạc:

- Vậy là sao?

Kim Tố Liên như thấy lỡ lời, vội khỏa lấp:

- Vậy theo đại ca thì ở Trường An này, loại bài hát nào mới là thích hợp?

Do Nhân Kiệt chú mắt nhìn Kim Tố Liên, biết nàng có niềm uẩn khúc, có hỏi cũng chẳng ra lẽ, đành gật đầu nói:

- Ở Trường An phải hát những bài như Đại Giang Đông Khứ, Dương Qua Tam Điệp, Thiên Tỉnh Sa hoặc Hắc Thiên Nỗ!

Kim Tố Liên vỡ lẽ:

- Tiểu muội biết rồi, ở đây là phải hát những điệu Chính Cung hùng tráng hoặc điệu Trung Lữ vui tươi...

Do Nhân Kiệt vỗ tay cười to:

- Đúng vậy!

Kim Tố Liên vừa mừng vừa thẹn, mặt đỏ bừng vội đứng lên nói:

- Đại ca hãy ở đây đợi một lát, tiểu muội đến chỗ gia gia lấy tập ca khúc, xem Chính Cung và Trung Lữ có bài nào tiểu muội hát được.

Trông theo bóng dáng Kim Tố Liên tung tăng bỏ đi, Do Nhân Kiệt bất giác thừ ra, chàng thật không thể nào ngờ được hai người lại không phải là ông cháu ruột. Bởi chàng suy luận, hai ông cháu kết nghĩa này hẳn đều có một thân thế ly kỳ, tiếc là Kim Tố Liên đã không chịu tiết lộ.

Chàng không biết là năm trăm lạng bạc ngày mai có thể đến tay một cách thuận lợi hay không, nếu như hai ông cháu này lưu lại giang hồ chỉ vì sinh kế thì năm trăm lạng bạc ấy thật giúp ích rất nhiều cho họ.

Đó sẽ là một kết cuộc hoàn mỹ, rồi mai đây chân trời góc bể, chàng hãy còn con đường dài phía trước đang chờ đợi.

*****

Hôm sau, lời đồn đại loan truyền khắp trong thành Trường An, có người bảo vị lão nhân áo xanh đã xuất hiện tại quán trà Tam Nguyên hôm qua, tác phong bỡn cợt cuộc đời rất giống Tiêu Dao thư sinh Liễu Tử Phong khi xưa. Có người lại nói lão nhân áo xanh ấy rất có thể là do một trong số Kim Bút tứ hữu đã giả dạng, bởi Tứ hữu đã không ra thăm dò tình hình trên chốn giang hồ trong mấy năm qua rồi!

Cũng có người thêu dệt rằng, lão nhân áo xanh ấy chẳng phải Tiêu Dao thư sinh Liễu Tử Phong, mà cũng không phải một trong Tứ hữu, mà chính là Ngũ Đài Thiết Yếm Tẩu Đoan Mộc Cang! Điều này có chứng cứ hay không? Có, chứng cứ chính là chiếc áo bào xanh có hai ống tay áo khá dài, mục đích hiển nhiên là để che giấu cánh tay trái đã bị cụt của lão!

Còn như bảo lão nhân áo xanh là Tiêu Dao thư sinh Liễu Tử Phong hoặc là một trong Tứ hữu, thử hỏi với thân phân của Tiêu Dao thư sinh và Kim Bút tứ hữu muốn nhắm vào người nào trong thành Trường An chẳng được, tại sao lại tìm đến một nhân vật hạng ba như Mã Bì Thái Tuế?

Nhưng còn đối với một kẻ gian ác như Thiên Yếm Tẩu thì lại khác! Ai cũng đều biết là trong cuộc chiến tại Tân Dã khi xưa, lão ma ấy đã bị cụt mất cánh tay trái, với tính nết của lão ma ấy, việc phục khởi chỉ là vấn đề sớm muộn mà thôi.

Hiện nay, thấm thoát tám năm đã trôi qua, xét ra cũng đã đến lúc lão ma ấy tái xuất sơn rồi.

Và lão ma ấy nếu muốn hành động, trước hết là phải lưu tâm đến động tĩnh về phía Kim Bút đại hiệp Lệnh Hồ Huyền.

Do đó, suy cho cùng chỉ tóm lại một điều là... lão ma ấy âm thầm đến Trường An, trước hết tìm một tiểu nhân vật để khơi dậy chút sóng gió nhỏ với dụng ý thăm dò phản ứng của phía Kim Bút đại hiệp, chỉ vậy thôi!

Trong lúc mọi người đua nhau bàn tán, tội nghiệp nhất vẫn là đương sự Mã Bì Thái Tuế, tuy lão nhân áo xanh đã hạn định là chiều hôm nay, song mới sáng sớm y đã lo đủ năm trăm lạng bạc đựng trong rương đưa đến khách điếm Thái Bình ở thành nam.

Bọn phổ ky của khách điếm Thái Bình rất lấy làm lạ, họ bảo hôm qua có một lão già áo xanh đã đến đây căn dặn là ngày hôm nay sẽ có người mang đến năm trăm lạng bạc, bảo khách điếm hãy nhận giữa giùm, họ tưởng đâu lão già ấy là kẻ điên khùng, thật không ngờ đó lại là sự thật.

Thế là lời đồn lập tức lan ra, mọi người lại nhốn nháo lên, trước cửa khách điếm Thái Bình đông nghịt người, đường xá tắt nghẽn, thảy đều trông chờ lão nhân áo xanh đến lấy bạc để được chứng kiến diện mạo của ông.

Cùng trong lúc ấy, tại Vương phủ ở thành bắc, trong gian đại sảnh lộng lẫy và rộng thênh, khi Kim Tố Liên vừa hát xong, một người khách mặt đầy tà khí bỗng đứng lên, vung tay lớn tiếng nói:

- Chư vị, để Tạ lão ngũ này hát một bài giúp vui nhé!

Lập tức nhiều người vỗ tay reo:

- Hay lắm, hát đi Tạ lão ngũ!

Thế là chẳng cần tiếng địch đệm theo, Tạ lão ngũ cất cao giọng hát:

"Mày liễu má đào, dung nhan diễm tuyệt, Tiếng hát tiêu sầu, điệu múa tam muội, Dáng đi dịu dàng, nụ cười ngọt mật!

Công hầu khanh tướng mê hồn lạc phách, Vạn lạng hoàng kim, một đêm hoan lạc..."

Lập tức, tiếng hò reo, tiếng vỗ tay vang lên như sấm rền.

Kim Tố Liên hai mắt đỏ hoe, giận dỗi nói:

- Đại ca, chúng ta về đi!

Do Nhân Kiệt vội đưa tay nắm giữ nàng lại, vừa định nói gì thì bỗng một a hoàn áo xanh từ sau đại sảnh đi ra, đến trước Vương công tử khom mình thi lễ nói:

- Nương nương bảo tiểu tỳ ra mời vị cô nương vừa hát khi nãy vào trong một lát.

Vương công tử quay sang Kim Tố Liên cười nói:

- Tiểu cô nương, thế nào?

Do Nhân Kiệt liền đẩy Kim Tố Liên và nói:

- Được phu nhân chiếu cố thật là quá quý, muội muội vào đi, ngu huynh ở ngoài đợi.

Hôm nay gia nhân của Vương gia có đến khách điếm, bảo là chỉ cần hai người thôi, cho nên Kim lão đã không có mặt. Trước lúc đi, Kim lão dặn khi đến Vương phủ, Kim Tố Liên mọi sự đều phải nghe theo Do Nhân Kiệt, không được trái lời. Do đó, Kim Tố Liên tuy không muốn, song cũng đành lẳng lặng theo a hoàn áo xanh đi vào trong.

Vương công tử quay sang một gia đinh khoát tay nói:

- Vương Phúc, hãy dẫn vị tiểu huynh đệ này sang nhà bếp, ăn uống thưởng trước cho mười lạng bạc.

Do Nhân Kiệt cảm tạ và nhận lấy bạc thưởng, theo sau gia nhân kia đi ra ngoài đại sảnh.

Ra đến bên ngoài, Do Nhân Kiệt cười nói:

- Mười lạng bạc không phải là nhỏ, xin hỏi huynh đài, tại hạ có thể về khách điếm trao số bạc này cho gia gia tại hạ không?

Gia nhân ấy gật đầu:

- Đương nhiên là được!

Do Nhân Kiệt ra khỏi Vương phủ, lập tức nghe lòng nhẹ nhõm như trút được gánh nặng.

Chàng giắt túi địch vào bên lưng, hít mạnh một luồng không khí trong lành, định đi về phía thành nam, bỗng nghe sau lưng vang lên một tiếng đằng hắng và nói:

- Tiểu ca định ra về đó ư?

Do Nhân Kiệt liền ngoảnh lại nhìn, thì ra là quản nhị gia. Sau một thoáng ngạc nhiên, chàng lập tức hiểu ra. Vội lấy ra hai lạng bạc đi tới thấp giọng nói:

- Chút ít lòng thành xin nhị gia vui lòng nhận lấy, lần sau vẫn xin nhị gia giúp đỡ giùm cho.

Quản nhị gia đón lấy bạc, nở nụ cười hài lòng.

Do Nhân Kiệt đảo tròn mắt, ngẩng lên nói tiếp:

- Vị Tạ ngũ gia khi nãy thật là vui tính, chẳng rõ vị ngũ gia ấy làm việc ở đâu vậy?

- À, y lo việc văn thư ở Long Uy tiêu cục, một tên vô tích sự!

Do Nhân Kiệt cười giả lả:

- Nếu nhị gia có rảnh, xin mời đi uống tách trà được chăng?

Quản nhị gia như chợt nhớ đến thân phận của mình, liền nghiêm mặt nói:

- Không, bổn nhân còn có chút việc.

Đoạn khẽ buông tiếng đằng hắng, quay người bỏ đi.

Do Nhân Kiệt nhổ toẹt một ngụm nước miếng xuống đất, đoạn cất bước đi về phía thành nam. Chàng đi đến một góc tường cách khách điếm Thái Bình không ngờ trông thấy trước cửa khách điếm đông khịt người.

Đông người làm sao mà lấy năm trăm lạng bạc đây?

Do Nhân Kiệt gãi tai, một ý nghĩ chợt nảy sinh, mục đích của những người tụ tập trước khách điếm đương nhiên là chàng hiểu rất rõ. Thế là chàng đi thẳng tới, đảo mắt tìm kiếm, lát sau chàng đã tìm được một hán tử trẻ tuổi cằm nhọn mắt phù.

Theo phương pháp xem tướng mà hai vị gia gia đã dạy cho chàng, chàng biết người này có tính tình vui giận bất thường, không có định kiến, ai bảo sao nghe vậy, và hay xen vào những chuyện thị phi.

Do Nhân Kiệt luồn lách qua đám đông, thấp giọng hỏi hán tử ấy:

- Ở đây đã xảy ra việc gì vậy?

- Một việc rất lớn lao.

- Việc gì mà lớn lao vậy?

- Dông dài lắm, nói chung là đang đợi một người hết sức ghê gớm trên chốn giang hồ ai ai cũng biết, người đó chính là...

- Không phải là một lão nhân áo xanh chứ?

Hán tử ấy ngớ người, hai mắt trố to, miệng há hốc nhìn đối phương chòng chọc, cảm thấy như bị bỡn cợt, mặt đỏ bừng tức giận nói:

- Tiểu tử, ngươi...

Do Nhân Kiệt cười thầm, liền nghiêm chỉnh giải thích:

- Đại ca có lẽ đã hiểu lầm rồi, sở dĩ tiểu đệ nói như vậy là vì tiểu đệ vừa mới từ đông thành đến đây, đã trông thấy một lão nhân áo xanh đang đại náo Long Uy tiêu tục, người của tiêu cục ai nấy đều bị đánh đến vỡ đầu đổ máu. Vì vậy tiểu đệ mới định thỉnh giáo hôm nay trong thành thật ra có bao nhiêu lão nhân áo xanh mà thôi...

Hán tử ấy cơ hồ không chờ cho Do Nhân Kiệt dứt lời, đã vội vàng vung tay reo to:

- Hãy đến Long Uy tiêu cục mau...

- Việc gì vậy?

- Mau lên, lão già ấy lại xuất hiện ở Long Uy tiêu cục, nghe đâu người trong tiêu cục thảy đều bị đánh đến hộc máu, không chết cũng bị thương, hết sức là thảm thiết.

Đi mau kẻo trễ lỡ mất một tuồng hát hay đấy!

Thế là trong tiếng hò la ầm ĩ, mọi người đổ xô nhau chạy về phía đông thành.

Thoáng chốc đã không còn một người nào cả.

Do Nhân Kiệt mỉm cười, lách người vào con hẻm nhỏ nằm cạnh khách điếm, lấy ra một cái gói nhỏ, ung dung thay áo, dịch dung khuôn mặt, sau đó chấp hai tay sau lưng đủng đỉnh đi vào khách điếm.

Vừa trông thấy chàng, gã phổ ky trong khách điếm liền biến sắc mặt. Không chờ chàng lên tiếng đã tự động lấy rương bạc ra, cung kính nói:

- Bạc của lão trượng đã được mang đến, đều ở trong đây cả.

Do Nhân Kiệt hất hàm:

- Hãy cho lão phu một phòng và mang vào trong ấy!

Vào trong một gian thượng phòng ở hậu viện, Do Nhân Kiệt chờ cho gã phổ ky mang trà vào lui ra, liền đứng lên cài cửa lại, rửa sạch dược cao trên mặt, cởi áo bào ra, bỏ bạc vào gói lại, để một miếng bạc vụn trên bàn trả tiền phòng. Sau đó tung mình lên xà nhà, mở ô cửa trời trên mái nhẹ nhàng ra bên ngoài.

Do Nhân Kiệt trở lại Vương phủ vừa lúc gặp gã gia nhân Vương Phúc tại cổng chính, Vương Phúc trông thấy chàng liền kinh ngạc nói:

- Ủa, hai người không gặp nhau ở giữa đường sao?

Do Nhân Kiệt ngạc nhiên:

- Gặp ai kia?

- Lệnh muội chứ còn ai nữa? Nương nương lại thưởng thêm cho lệnh muội mười lạng bạc nữa, đã đi về rồi.

Do Nhân Kiệt vội nói:

- Vậy nhất định là do tại hạ đã không lưu ý, thôi tại hạ cũng không cần vào nữa, phiền huynh đài hãy cảm tạ công tử và phu nhân giùm cho.

Từ biệt Vương Phúc, Do Nhân Kiệt vội vã trở về khách điếm Đại An.

Vừa vào đến cửa, một gã phổ ky đã đón lấy chàng cười nói:

- Tiểu ca sao trở về trước một mình vậy?

Do Nhân Kiệt ngẩn người, trong lòng liền nảy sinh cảm giác chẳng lành, gượng cười nói:

- Xá muội đang mua ít đồ ở phía sau, gia tổ đâu?

Gã phổ ky cười nói:

- Lệnh tổ ư? Lão nhân gia ấy đã uống say khướt vừa mới về đến, hiện có lẽ đã lên giường rồi. Lệnh tổ thật là có phước!

Do Nhân Kiệt cười cười, không nói gì thêm nữa, đi thẳng ra hậu viện.

Gã phổ ky ấy nói quả không sai, Kim lão đã lên giường. Do Nhân Kiệt vừa đi đến cửa phòng thì đã ngửi thấy mùi rượu nặc nồng và tiếng ngáy khò khò.

Do Nhân Kiệt thờ thẫn đứng tại đó, lòng nhanh chóng toan tính bước tiếp theo nên làm gì đây?

Giữa đường không gặp Kim Tố Liên, chàng đã đại khái đoán ra việc trục trặc được phát sinh tại đâu. Sau cùng chàng quyết định, Trường An không phải là chốn có thể cư trú lâu dài, cuộc sống bán lời ca giọng hát của hai ông cháu này đến đây cũng nên kết thúc là vừa.

Kế hoạch đã định, chàng không còn do dự nữa, đến nhà cho thuê xe gần đó, thuê lấy một cỗ xe ngựa, trước hết bồng Kim lão lên xe, sau đó vào khách điếm thanh toán tiền phòng và tiền ăn, bảo là đi sang Lạc Dương làm ăn. Vì không để cho Thái chưởng quầy nghi hoặc, chàng lấy ra năm lạng bạc bảo là hôm nay đã nhận được mười lạng bạc tại Vương phủ, nhờ trao lại cho quản nhị gia hai lạng và Mã tứ gia ba lạng.

Đâu đó xong xuôi, Do Nhân Kiệt trèo lên xe ngựa, bảo đánh xe lập tức lên đường.

Rẽ qua một góc đường, Do Nhân Kiệt bỗng thò đầu ra nói:

- Quay đầu lại, đi ra cửa tây thành.

Gã đánh xe ngạc nhiên ngoảnh lại nói:

- Tiểu ca chẳng đã bảo là...

Do Nhân Kiệt sầm mặt:

- Đi đâu cũng vậy, chỉ cần không thiếu tiền xe và tiền rượu của huynh đài là được rồi.

Trên đường đến cửa tây thành, Do Nhân Kiệt dùng thủ pháp xoa bóp làm cho Kim lão tỉnh lại. Sau đó chàng lược thuật lại với Kim lão mọi việc vừa qua, và lão nhân áo xanh chính là chàng, hiện năm trăm lạng bạc đã đến tay, giờ đây Kim Tố Liên đang bị bắt giữ trong Vương phủ, chàng đang chuẩn bị đến đó để giải cứu. Khi nào cứu được Kim Tố Liên, hai ông cháu sẽ có thể mang theo năm trăm lạng bạc đến Hán Trung an gia lập nghiệp, không cần sinh sống bằng nghề hát xướng nữa.

Kim lão sửng sốt trố to hai mắt đỏ hoe nói:

- Thì ra lão đệ...

Do Nhân Kiệt mỉm cười xua tay ngắt lời:

- Thời gian không có nhiều, hãy nói về việc chính là hơn. Còn về lai lịch của vãn sinh, dẫu có nói ra vị tất lão nhân gia đã biết.

Kim lão bướng bỉnh:

- Sao? Lão hán đã bao năm bôn tẩu khắp mọi nơi, việc trên chốn giang hồ sao lại không rõ được?

Do Nhân Kiệt thiết thú:

- Thôi được! Nếu lão nhân gia rõ thì xin hãy nói trước xem!

Kim lão quả quyết:

- Lão hán dám đánh cuộc lão đệ là một nhân vật võ lâm hành hiệp trên chốn giang hồ, nếu không phải là đệ tử trong tám đại danh môn, thì cũng là cao túc của một vị dị nhân nào đó.

Do Nhân Kiệt mỉm cười:

- Còn gì nữa?

Kim lão nghiêm chỉnh:

- Nếo lão đoán không lầm, võ công của lão đệ nhất định là khá kinh người.

Do Nhân Kiệt cười cười:

- Có thể một ngày nào đó sẽ là như vậy, còn hiện tại thì chưa. Thôi, số bạc đây, xin lão nhân gia hãy nhận lấy trước. Đã sắp đến cửa thành rồi.

Kim lão giờ đây mới nhớ đến cháu gái mình, liền hớt hải hỏi:

- Tố Liên... không việc gì chứ?

Do Nhân Kiệt đưa tay vén rèm xe và nói:

- Lão nhân gia cứ yên tâm. Vì muốn trút đi cơn bực tức trong lòng, có lẽ vãn bối sẽ đi lâu một chút. Nếu đến tối chưa thấy vãn sinh quay về, lão nhân gia hãy tìm một khách điếm gần đây nghỉ ngơi trước. Muộn lắm là canh một, cam đoan hai ông cháu sẽ bình an đoàn tụ.

Lúc này xe ngựa đã ra đến ngoài thành, Do Nhân Kiệt lớn tiếng nói:

- Xa phu, dừng lại!

Sau khi xe dừng hẳn, Do Nhân Kiệt tung mình xuống đất, quay sang gã đánh xe nói:

- Đã quên mất mang theo lễ vật cho thân hữu, phải trở vào thành lo liệu. Huynh đài hãy cùng gia gia tại hạ tạm chờ ở đây. Nếu trở về muộn, huynh đài hãy cho xe vào nghỉ ngơi. Hai xâu tiền này biếu cho huynh đài mua rượu uống, nhưng khi uống đừng cho gia gia tại hạ trông thấy, rồi sẽ còn trọng thưởng nữa.

Gã đánh xe đón lấy hai xâu tiền, hớn hở nói:

- Được, được! Tiểu ca cứ yên tâm.

Do Nhân Kiệt trở vào thành, thấy trời hãy còn sớm, biết là khách trong Vương phủ hãy chưa ra về hết, nhất là bọn người của Long Uy tiêu cục, tối đến có lẽ hãy còn một cuộc vui nữa, thời gian vẫn còn hết sức ung dung.

Thế là chàng đi vào một tiệm may quần áo mua một chiếc áo bào hai lớp rất sang trọng, nhìn gã chủ tiệm đang him híp mắt cười nói:

- Chiếc áo này...

Gã chủ tiệm lắc đầu ngắt lời:

- Ở đây không bán quần áo.

Do Nhân Kiệt gật đầu:

- Tại hạ biết!

Đoạn buông tiếng thở dài, nói tiếp:

- Công tử chúng tôi thật là ngang bướng, ôi!

Gã chủ tiệm thắc mắc:

- Ngang bướng sao?

Do Nhân Kiệt lại buông tiếng thở dài:

- Ngày mai phải đi xa mà hôm nay mới nhớ là không có một chiếc áo vừa người, cứ tưởng là có tiền bạc là mọi việc đều giải quyết xong. Đây nè, năm lạng bạc đúng, không thiếu một ly, nhưng... Ôi thôi! Thật tức chết đi được!

Gã chủ tiệm hai mắt đang tim híp, dần mở to:

- Năm lạng bạc ư?

Do Nhân Kiệt nhún vai cười áo não:

- Ai bảo là không phải? Công tử còn bảo là nếu có may sẵn vừa người, dù phải trả thêm ba xâu tiền nữa cũng không hề gì. Cứ như là bọn làm công chúng tôi có phép biến hóa không bằng.

Gã chủ tiệm lướt mắt nhìn chiếc áo bào hai lớp, trầm ngâm nói:

- Muốn có áo may sẵn cũng chẳng khó, còn như có vừa hay không thì chưa dám chắc.

Do Nhân Kiệt đưa chiếc áo của mình lên nói:

- Hãy xem, đây chính là chiếc áo cũ của công tử chúng tôi.

Gã chủ tiệm gật đầu:

- Vậy thì tiểu ca hãy thử xem!

Sau cùng, Do Nhân Kiệt đã tốn hết sáu lạng bạc, chẳng những mua được chiếc áo bào hai lớp, mà còn có thêm một chiếc nón da và một đôi giày bông mới.

Giờ đây, Do Nhân Kiệt đã lại đến trước cửa Vương phủ lần thứ ba.

Lần này, chàng gặp lại gã gia nhân Vương Phúc, có điều khác nhau là chàng biết đối phương nhưng mà đối phương lại không nhận ra chàng.

Vương Phúc bỗng trông thấy một công tử quý phái đến cửa, vội tươi cười khom lưng nói:

- Tướng công đây...

Do Nhân Kiệt hất hàm ngắt lời:

- Tạ ngũ gia ở Long Uy tiêu cục có trong ấy không?

Vương Phúc vội đáp:

- Có! Có!

- Hãy mời y ra đây nói chuyện!

Vương Phúc cười giả lả nói:

- Dám hỏi tướng công quý tánh?

- Cứ bảo từ Thượng Thư phủ phường Đại Bài đến là được rồi.

Vương Phúc biến sắc, vâng dạ lia lịa và thoái lui ra sau, suýt nữa đã vấp phải ngạch cửa ngã nhào.

Lát sau, Tạ lão ngũ mặt đầy tà khí và mùi rượu nồng nặc từ trong vừa đi vừa nhìn dáo dác ra đến.

Do Nhân Kiệt hai tay chắp sau lưng, đủng đỉnh bước tới nghiêm mặt nói:

- Có phải Tạ ngũ gia đó không?

Tạ lão ngũ vội ôm quyền thi lễ nói:

- Vâng, vâng! Không dám, không dám! Chẳng hay Trầm công tử có điều chi dạy bảo?

Đầu óc của y cũng khá linh hoạt, mặc dù đôi bên chưa từng gặp mặt nhau, song vừa nghe nói là từ Thượng Thư phủ ở phường Đại Bài đến đã đoán ngay đó chính là "Trầm công tử".

Do Nhân Kiệt nghiêm nghị nói:

- Gia nghiêm có một món...

Khẽ buông tiếng tằng hắng, ngẩng lên nói tiếp:

- Có thể mượn tạm một gian sương phòng ở hậu viện nói chuyện được chăng?

Tạ lão ngũ lập tức tim đập rộn rạo, bắt mối được một món hàng bảo tiêu của Thượng Thư phủ nhất định không phải là nhỏ, phen này thì tha hồ mà nhận tiền huê hồng.

Bèn vội cúi gập người nói:

- Được, được!

Do Nhân Kiệt lại hắng giọng nói:

- Kẻ này sở dĩ tìm đến đây tiếp xúc với ngũ gia là vì muốn tránh tai mắt kẻ khác, do đó chúng ta...

Tạ lão ngũ vội tiếp lời:

- Việc này Tạ mỗ có thể lo liệu được, Vương công tử đây chính là đệ phụ (em vợ) của tệ chủ nhân. Tạ mỗ ra vào nơi đây có thể nói là thường xuyên như cơm bữa. Hiện trong ấy đông người lắm, chúng ta hãy theo ngõ bên hông mà vào, bảo đảm sẽ không một ai hay biết.

Do Nhân Kiệt gật đầu:

- Vậy thì bổn công tử yên tâm rồi.

Hai người vào trong phủ, đi thẳng vào hậu viện. Quả nhiên không hề gây cho một người nào chú ý.


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-16)


<