Vay nóng Tima

Truyện:Kiền khôn võ hiệp - Hồi 3

Kiền khôn võ hiệp
Trọn bộ 9 hồi
Hồi 3: Chương 3
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-9)

Siêu sale Shopee

Đổng thất nương nhăm nhăm cầm kiếm nhìn tới vật kia, thì hóa ra là một cái đầu người vừa mới cắt ra, vết máu vẫn còn đầm đìa đỏ chót.

Đổng thất nương lấy làm lạ, liền quay lại nhìn Hoàng Cúc Anh, thì thấy Cúc Anh cũng đã nhăm nhăm tay cầm thanh kiếm chạy đến chỗ mình mà hỏi dồn lên rằng:

- Lại giống ma quỷ gì đấy, đại nương sao không trừ tiệt nó đi một thể?

Đổng thất nương cũng hầm hầm nét mặt bảo Cúc Anh rằng:

- Cái này thì lạ thực...! Không biết đứa nào giết người được đâu, mà lại ném đầu vào đây, dáng chừng nó định vu vạ cho ta đây hẳn...?

Nàng vừa nói dứt lời, thì chợt đâu cái bóng đèn hơi phụt một tí, rồi đánh thoáng một cái thấy có một người con gái hiện ngay ra trước mặt. Đổng thất nương vội giơ thanh kiếm lên toan chém người kia, thì người kia đứng lùi lại mấy bước để tránh ngọn kiếm, rồi cười ha hả mà nói lên rằng:

- Nguyệt Nga đây mà, Đổng muội không trông rõ hay sao?

Lúc đó Cúc Anh đứng ở bên cạnh, quay nhìn người con gái kia, thì thấy mặc toàn đồ trắng, dáng người trắng trẻo xinh đẹp mới chừng vào trạc 18, 19 tuổi mà so với Đổng thất nương thì lại có vẻ nghiêm trang hơn nhiều. Cúc Anh thấy thế nhân hỏi Đổng thất nương rằng:

- Cô này với đại nương là thế nào, xin đại nương nói cho tôi biết.

Đổng thất nương bây giờ mới nắm lấy tay người con gái kia, cười tủm tỉm mà rằng:

- Cô này là Thu Nguyệt Nga, tức là người chị gái kết nghĩa của tôi đấy. Nhưng không biết hôm nay chị ta đi đâu về mà làm những việc bất ngờ, khiến cho tôi cũng phải kinh hồn như vậy.

Nói đoạn liền bảo Thu Nguyệt Nga cùng ngồi xuống đó nói chuyện và giới thiệu tên họ Hoàng Cúc Anh cho Thu Nguyệt Nga biết.

Thu Nguyệt Nga ung dung ngồi xuống nghe dứt câu chuyện của Hoàng Cúc Anh, rồi thở dài bảo Đổng thất nương và Hoàng Cúc Anh rằng:

- Tôi đây ăn cay nuốt đắng trong ba, bốn năm trời, tới nay đại thù mới trả được xong, họa chăng từ đây trở đi thì tôi có lẽ sẽ được yên tâm đôi chút...

Đổng thất nương nghe nói vội hỏi Thu Nguyệt Nga rằng:

- Vậy cái đầu người đây có phải là cái đầu thằng Liễu Như Bằng, một đứa quan tham tàn ác đó không?

Thu Nguyệt Nga gật đầu mà rằng:

- Chính phải nó đấy... Hôm nay tôi giết được nó thì chắc là cô cũng nên mừng cho tôi mới phải...

Đổng thất nương gật đầu ra vẻ tươi cười hỏi Thu Nguyệt Nga rằng:

- Nhưng chị làm cách gì mà giết được nó, sao chị không nói rõ cho tôi biết.

Thu Nguyệt Nga cười mà đáp:

- Tôi giết được nó phen này cũng là ngẫu nhiên, vì trong bao nhiêu lần tôi đã hết lòng tìm kiếm không được, nay ai ngờ tôi định đi sang Quảng Tây thì lại gặp hắn cùng đi phó nhiệm, cho nên tôi đón đường mà giết được ngay.

Thất nương lại hỏi:

- Vậy sao chị biết chúng tôi ở đây mà tìm đến? Hay chị cũng tưởng chúng tôi là bọn lạ lùng cho nên định dọa chúng tôi.

Thu Nguyệt Nga lắc đầu mà đáp:

- Nguyên tôi giết xong Liễu Như Bằng thì định quay về lập tức. Nhưng khi đi qua đây, chợt nghe thấy tiếng người nói chuyện giống hệt tiếng cô, tôi bèn lại gần nhìn xem thì quả nhiên là cô ở đây thật. Bởi thế nên trước khi vào đây, tôi thử ném cái đầu người vào, để xem cô có tinh ý biết được hay không...

Nói tới đó thì Đổng thất nương cười ầm lên mà rằng:

- Chị thử như thế, giá tôi là một đứa yếu bóng vía, thì không khéo cũng chết mất rồi...

Nói tới đó thì Thu Nguyệt Nga cùng Hoàng Cúc Anh đều vỗ tay cười ầm cả lên một lúc.

Kế đây, Hoàng Cúc Anh nhân bảo Đổng thất nương rằng:

- Thu đại nương đây đã là một bậc tài giỏi như thế, thì tôi dám chắc lịch sử của đại nương cũng không phải là vừa. Vậy xin Đổng tiểu thư nói qua cho tôi được biết, để sau này khi tôi nhớ tới, thì tôi còn biết đường tìm hỏi được ra.

Đổng thất nương cười cười gật gật mà rằng:

- Cô nói phải, giá cô không hỏi thì tôi cũng định đem các chuyện mà kể cho cô nghe...

Nói tới đó liền đem thân thế của Thu Nguyệt Nga thuật lại cho Hoàng Cúc Anh biết:

- Thu Nguyệt Nga nguyên người ở miền Bát Sơn, thuộc phủ Thanh Châu về hạt Sơn Đông. Ông bố Nguyệt Nga tên là Thu Tử Văn, vốn là một nhà giàu có nhất trong thành. Duy ông ta tính tình ngay thẳng, rất hay thương cứu những kẻ bần hàn mà đối với những đám quan lại, hào cường thì lại thường hay ác cảm.

Viên tri huyện ở Bát Sơn tên là Liễu Như Bằng, thì lại là một viên quan tham tàn có tiếng, hễ đi đến đâu là chỉ làm hại nhân gian, không được một điều gì để cho người ta ái mộ. Từ khi Như Bằng về trọng nhậm tại Bát Sơn, cái tiếng tàn ác, gian tham cũng đã đến tai Tử Vân. Duy Tử Vân cũng chưa có dịp gì ổn tiện, cho nên chưa trị được ngay.

Bỗng một hôm kia, ở làng Thu Tử Vân, có xảy ra một việc gia tài kiện tụng. Rồi dân làng khuôn xếp không xong, phải đón Liêu Như Bằng về đến tận nơi để gọi lân bang ra xử. Thu Tử Vân hôm ấy cũng có dự để nghe. Khi Tử Vân nghe thấy Liễu Như Bằng xử việc không được công minh, thì trong bụng lấy làm bất phục, liền cự ngay trước mặt Như Bằng, không hề kiêng nể. Liễu Như Bằng lúc đó tuy giận dữ, song cũng không có cách gì mà trị nổi Tử Vân, bèn đem lòng ngấm ngầm thù oán, định tìm cơ hội làm cho hạnh hại mới thôi.

Sau đó ít lâu, ở hạt Bát Sơn bỗng xảy ra một vụ mất cướp rất to, nhà khổ chủ có mấy người đều bị thương chết cả, còn về phần bọn cướp thì có một tên gọi là Phàn Khuê bị bọn tuần canh bắt được. Liễu Như Bằng vớ được cơ hội đó, bèn hạ thủ đoạn rất độc, ngầm bảo Phàn Khuê tiêu xưng các tội đổ cho Thu Tử Vân là tay thủ phạm và hứa sẽ giảm tội cho Phàn Khuê lấy làm vui mừng, vâng lời lập tức.

Sáng hôm sau Liễu Như Bằng bắt Phàn Khuê đăng đường tra xét, Phàn Khuê cũng giả vờ chối cãi mấy câu, để cho đánh tấn một hồi rồi mới làm mặt thú nhận tội tình và khai rõ ra rằng:

- Đầu đuôi việc cướp này, tuy chính tay tôi thân hành đến đánh, song thực ra thì thủ xướng là tại Thu Tử Vân. Thu Tử Vân đứng ra sai bảo chúng tôi, còn tang vật thì Tử Vân chia lấy một nửa mà chúng tôi năm bảy anh em cũng chỉ chia nhau một nửa mà thôi...

Liễu Như Bằng lấy cung xong rồi, lập tức ngầm sai mấy người tâm phúc đem một ít tang vật đến giấu trước ở nhà Thu Tử Vân, rồi mới làm bộ hống hách đích thân dẫn nha dịch đến nơi khám xét, khi khám xét thấy các tang vật hẳn hoi. Liễu Như Bằng bèn sai trói ngay Tử Vân giải về huyện nha, khép vào tử tội và lập tức cho đem trảm quyết.

Thu Nguyệt Nga hồi đó mới mười mấy tuổi đầu, song đối với việc đời cũng đã hơi khôn biết. Nàng nghĩ đến tình cảnh phụ thân nàng bị thác oan và lại thương người em trai còn bé bồ côi bồ cút một mình, thì trong lòng lấy làm đau đớn, thấm thía vô hạn.

Sau nhân dò xét biết rằng việc đó là cốt mưu mô bởi Liễu Như Bằng, nên nàng lại càng lấy làm căm tức, lập tâm báo thù kỳ được mới thôi. Rồi được ít lâu nàng tìm đến một vị cao sư tên là Tôn Dục Trinh, xin vào nhập môn luyện tập các môn võ nghệ, để sau này tìm dịp báo thù.

Tôn Dục Trinh lại là ông cậu của Đổng thất nương, xưa rày Đổng thất nương cũng thường hay lui tới học tập ở đó, bởi thế Thu Nguyệt Nga được gặp Đổng thất nương ở nhà Tôn Dục Trinh, đôi bên trò chuyện với nhau rất là tương đắc. Thu Nguyệt Nga lớn hơn Đổng thất nương hai tuổi, hơn nữa tài nghệ so với Thất nương cũng có phần sắc sảo hơn nhiều. Thất nương thấy vậy, trong lòng càng kính phục Thu Nguyệt Nga nên cùng nhau kết nghĩa chị em và tôn Thu Nguyệt Nga đứng vào hàng chị. Từ đó hai người tuy rằng xa cách nhưng trong bầu tâm sự vẫn thường tưởng nhớ đến nhau và ngày được gặp ở đây hai người cũng đều lấy làm vui mừng vô hạn.

Hôm ấy, sau khi Hoàng Cúc Anh được nghe rõ đầu đuôi câu chuyện của Thu Nguyệt Nga, thì ra vẻ hớn hở vui mừng, vội nói với Nguyệt Nga cùng Thất nương rằng:

- Chúng tôi sinh sau đẻ muộn, tài trí hãy còn hèn kém, mà công việc ở đời thì còn nhiều nỗi khó khăn. Hôm nay cũng là trời xui khiến vậy, cho tôi được gặp hai vị đại nương ở đây, mà lại được trông thấy những cách hành động gớm ghê như thế, thực là hạnh phúc cho tôi vô hạn. Vậy bắt đầu từ hôm nay tôi xin nhận hai vị đại nương làm chức sư phụ, để tôi theo đòi học tập, chẳng hay hai vị đại nương có ưng thuận cho không?

Nguyệt Nga nghe nói mỉm cười mà đáp lại rằng:

- Sao cô lại nói như thế! Chúng tôi với cô chẳng qua cũng chỉ hơn kém nhau độ dăm ba tuổi, nếu nhận làm thầy trò thì coi sao cho tiện. Vậy nếu cô có lòng yêu, thì chúng tôi đây cứ nhận cô làm em, cũng được lắm rồi.

Thất nương cũng lấy làm phải, bèn cười bảo Hoàng Cúc Anh rằng:

- Chúng ta cũng là nước bèo gặp gỡ, chị em bốn bể một nhà, dù gọi nhau là thế nào mặc ý, nhưng ta chỉ nên đem lòng thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thế là xứng đáng lắm rồi. Vậy hôm nay công việc của chị Nguyệt Nga đã được kết liễu thì ta nên đi sang cả Sơn Đông một thể cho vui, chẳng hay ý chị định nghĩ ra sao?

Thu Nguyệt Nga nghĩ ngợi một lát rồi gật đầu đáp rằng:

- Tôi nay cũng không có việc gì cần gấp, vả chăng lại có Hoàng Cúc Anh là cô em mới được quen biết ở đây, thì tôi cũng xin vui lòng cùng đi một thể...

Bấy giờ gà đã gáy rồi, trông ra phía đông đã thấy ánh trời hơi sáng, Đổng thất nương bèn bảo Hoàng Cúc Anh đánh thức Hoàng Cửu Anh và Hoàng Phúc dậy. Đoạn rồi gọi nhà hàng dọn cơm nước lên mấy người cùng ăn thật sớm để sửa soạn ra đi. Khi cơm nước xong thì trời vừa sáng rõ, Đổng thất nương liền tính trả tiền hàng, rồi mới cùng nhau lên đường về Sơn Đông.

Ròng rã đi mấy hôm trời, chỉ còn cách hơn bốn dặm thì về đến huyện Bình An, Đổng thất nương hỏi mọi người rằng:

- Hôm nay đã gần về đến nhà, nếu ta còn trọ ở đâu thì lại thêm phiền vô ích, vậy dù trời có tối, thì ta cũng cố ráng đi cho về tới nhà rồi ta sẽ nghỉ. Chẳng hay chị em định thế nào?

Thu Nguyệt Nga lấy làm phải, mỉm cười bảo Đổng thất nương rằng:

- Cứ kể đường đất từng ấy, giá thả sức cho chúng ta đi, thì có lẽ tới nhà đã lâu lắm rồi. Nhưng cũng vì chúng ta còn đợi bác Hoàng Phúc, bác ấy già nua chậm chạp, nếu bắt đi mau thì tất là không thể nào đi được... Vậy ta cứ nên ung dung, muốn bao giờ đến nhà thì đến, ta đừng vội vã làm chi.

Mấy người đứng nói chuyện với nhau, thì mặt trời đã gác non tây, phía đằng đông đã thấy một mảnh gương nga lờ mờ tiếp sáng. Hoàng Cúc Anh nhân nói với hai người rằng:

- Hôm nay cũng may trời lại sáng trăng, vậy chúng ta có đi đêm về nhà cũng không lấy gì làm ngại...

Đổng thất nương cười to lên mà rằng:

- Bọn chúng ta thì còn lấy gì làm ngại, nhưng có điều ta thương hại cho ông Hoàng Phúc mà thôi...

Thất nương vừa nói tới đó thì Hoàng Phúc cũng ra vẻ tươi cười mà nói lên rằng:

- Tôi đã hy sinh cái mạng già của tôi để theo các cô. Vậy các cô cứ đi cho vừa phải, đừng nhanh quá mà cũng đừng chậm quá thì thế nào tôi cũng theo kịp các cô.

Nói đoạn năm người lại cắm đầu cắm cổ vừa đi vừa nói chuyện với nhau, ai nấy đều vui mừng mà quên nhọc mệt. Được một lúc lâu lâu bấy giờ vào khoảng hết trống canh một, năm người đi tới một khu rừng kia, thì bỗng dưng trời mây kéo đen sì, làm cho bóng nguyệt tối sầm ngay lại. Hoàng Phúc thấy vậy nhân bảo mọi người rằng:

- Quãng này giờ tối đêm khuya mà lại giữa nơi rừng cây rậm rạp, vậy chúng ta nên trông cho cẩn thận mà đi, kẻo lỡ xảy ra việc gì thì khôn.

Đổng thất nương nghe nói, cười khanh khách lên mà rằng:

- Ông già sợ chết hay sao? Ông nên biết quanh đây là lãnh thổ của chúng tôi, dẫu có những tay mật lớn gan liền cũng không khi nào dám xâm phạm đến chúng tôi mà sợ...

Thất nương vừa nói tới đó thì chợt đâu nghe thấy phía trước có tiếng người nói to lên rằng:

- Các người đừng nói khoác nữa, đêm hôm tối tăm thế này, các người không cẩn thận thì không khéo lại làm mồi cho con hùm con báo cũng nên.

Mọi người nghe thấy thế, thì đều lấy làm quái lạ, vội vàng đứng dừng cả lại, mỗi người trông ra một ngả để xem. Hoàng Phúc thì lúc đó sợ hãi choáng hồn, run lên đây đẩy, song cũng phải gượng làm mặt vững không dám nói ra.

Mọi người ngẩn ngơ trông nghe một lúc, tịnh không thấy một bóng người nào và cũng không thấy tiếng tăm chi nữa, bèn lại cùng nhau cất bước ra đi, không ngờ vừa đi được mấy bước thì phía sau bỗng lại có tiếng người nói lên, rất đúng với mấy câu như trước mà lại rõ ràng hơn nhiều.

Thu Nguyệt Nga thấy vậy liền đứng dừng lại nói to lên rằng:

- Là ai? Có phải quen biết mà định đùa bỡn thì xin ra đây... nhược bằng có muốn thi tài thí võ thì cũng cho biết, đừng làm ấp úng thế chi!

Nói đoạn lại cùng nhau ngơ ngẩn nhìn khắp chung quanh, thì lại thấy bốn bề im phắc không hề có một vật gì.

Năm người đương ngơ ngơ ngác ngác nghe ngóng nghi hoặc với nhau, thì sịch lại phía trước có tiếng nói lên rằng:

- Các người còn ngơ ngẩn làm gì ở đó? Các người không đi mau mau để ta chờ mãi thế này, ta sốt ruột chịu làm sao được!

Thất nương lúc đó nổi giận đùng đùng, quát to lên rằng:

- Có phải anh nào là tay hảo hán thì cứ ra đây thử tài một chuyến... can chi mà phải lẩn lẩn lút lút, làm bộ trêu ngươi như thế?

Nàng chưa nói dứt lời, thì chợt đâu phía trước mặt nàng có một cái bóng đen đen vụt hiện ngay ra rồi lại vụt biến đi mất. Thất nương trông thấy, tức bực lộn hồn, muốn theo để bắt, nhưng chỉ trong nháy mắt đã lại không trông thấy đâu nữa, làm cho nàng lại càng gia tâm cố ý đứng lại để rình.

Về phần Hoàng Phúc, trông thấy quái trạng như thế, thì sợ hãi cuống cả người lên, ngờ là quỷ sứ hay là hồn oan chi đó, chàng bèn vội vã quỳ ngay xuống đất, chấp tay vái lạy giữa trời mà lẩm bẩm khấn rằng:

- Trăm lạy linh hồn, chúng tôi với linh hồn xưa nay không có việc gì thù oán, vậy xin linh hồn chớ nên trêu quở chúng tôi làm chi. Hay hoặc linh hồn có điều gì oan uổng ở đâu, thì cũng xin nói rõ cho chúng tôi được biết, chúng tôi sẽ xin hết lòng bày giãi ra cho...

Chàng khấn tới đó, thì thấy cái bóng đen kia lại càng bay lên bay xuống, bay ngược bay xuôi, ngoăn ngoắt như là con chim én đưa thoi ở trên mặt nước, Hoàng Phúc lại càng run sợ, lại xuýt xoa mà khấn lên rằng:

- Có phải là hồn thái thái nhà ta, bị chết một cách oan uổng và nhủ lòng thương đến cô Cúc Anh cùng cậu Cửu Anh mà phảng phất đến đây chứng dám; thì hãy xin thư thả yên tâm phù hộ cho các cô các cậu được bình yên mạnh khỏe, rồi thế nào cũng xin báo thù cho thái thái được xong... Lão nô đây còn sống một ngày nào, là trong lòng còn săn sóc nhắc nhỏm ngày ấy, dám xin vong hồn thái thái chứng quả lòng cho...

Mọi người nghe thấy Hoàng Phúc khấn khứa như vậy, thì đều cười rũ cả ra không sao nhịn được. Thu Nguyệt Nga nhân quay lại bảo Hoàng Phúc rằng:

- Này ông già ơi, ông đừng làm trò cho chúng tôi buồn cười nữa. Oan hồn với linh hồn nào mà ông khấn khứa như thế! Đó chẳng qua là một nhà võ sĩ có thuật phi hành giỏi, họ định đem bản lĩnh ra khoe với chúng tôi, để cho chúng tôi kinh sợ đó thôi. Nhưng chỉ tiếc một nỗi họ đã tỏ tài như thế mà họ lại không giáp mặt rõ ra và không để rõ họ tên cho chứng tôi biết, thì thực là đáng giận vô cùng...

Nói tới đó, Nguyệt Nga lại quay ra chỗ trông không mà nói to lên rằng:

- Nào tay hảo hán nào đây? Người đã có cái thủ đoạn kinh thiên động địa như thế, vậy sao không đến hẳn ngay đây để cho chúng tôi được tiếp; chúng tôi lấy làm bái phục vô cùng... can chi mà người phải làm trò trẻ con như thế, để thêm tức bực cho nhau rất là bất nhã...

Nguyệt Nga vừa nói dứt lời, thì bỗng nghe thấy có tiếng cười ha hả và có tiếng hỏi to tiếp lên rằng:

- Được lắm? Tôi đây cũng chẳng hẹp gì, nhưng hiện giờ không thể nào mà gặp được. Vậy buổi chiều ngày mai, xin mời các người cứ đến Lục Thảo đường tìm tôi, tôi quyết không khi nào tránh mặt... Tôi đây tên gọi là Kim Si Điêu, các người cứ đến đó mà hỏi, khắc là có người trỏ lối đến ngay... Thôi, tôi có việc vội phải đi, cúi xin y ước.

Nói dứt lời thì thấy trên không có tiếng đến vù một cái, rồi im phắc hẳn đi, không thấy cái bóng đen trước nữa. Hoàng Phúc lúc đó mới như người mơ ngủ mới tỉnh dậy lắc đầu lè lưỡi, đứng ngẩn người ra hàng nửa giờ đồng hồ, không sao nói ra thành tiếng.

Đổng thất nương thấy Nguyệt Nga nói như vậy, nhân cẳn nhẳn với Nguyệt Nga rằng:

- Tôi khéo biết, chị lại lôi thôi gây chuyện ra rồi! Chị hẹn với người ta như thế, có phải đến chiều mai đi thì cũng dở mà không đi thì cũng dở hay không? Tôi với chị đến đây tìm họ nếu họ giở cuộc thử tài mà mình ngang bằng được họ thì không phải nói làm gì, nhưng nếu lỡ ra mà bị thua họ, thì chị tưởng phỏng mặt mũi nào nữa; tôi coi bản lĩnh người ấy, có lẽ chúng mình khó lòng mà đánh thắng được, vậy mà chị vội gây sự ra như thế, tưởng có khó nghĩ hay không?

Thu Nguyệt Nga nghe nói, cau ngay nét mặt lại:

- Cô nói lạ! Cô sợ người ta, chứ cô tưởng tôi cũng sợ người ta hay sao? Chiều mai để tôi đi một mình đến đó, xem rằng người ấy ba đầu sáu tay, hay là thế nào mà cô làm rối lên như vậy...

Nói đoạn người liền kéo nhau rảo bước trông chừng về Đổng gia trang. Khi về tới nơi thì trời vừa rạng sáng, Đổng thất nương liền mời mọi người vào cả trong nhà và sai người đánh thức chồng là Đổng Thiên Bảo dậy để cùng tiếp chuyện.

Đổng Thiên Bảo thấy trong bọn đó duy có Thu Nguyệt Nga là người quen biết đã lâu, còn thì toàn người lạ mặt tất cả. Chàng nhân hỏi lại Đổng thất nương xem mấy người đó là ai? Thất nương bèn đem tên họ bọn Hoàng Cúc Anh thuật lại cho Thiên Bảo nghe một lượt và lại nói tiếp lên rằng:

- Hiện nay Cúc Anh đã nhận chúng tôi làm chị và muốn đến đây để rèn tập một ít võ nghệ, cho nên chúng tôi cũng vui lòng mời đến đây.

Thiên Bảo nghe nói, tỏ ý vui mừng hớn hở, rồi bỗng quay sang bảo Thu Nguyệt Nga rằng:

- Tôi nghe thấy công việc của chị vừa mới làm xong... Vậy hôm nay nhân tiện chị đến chơi đây, tôi xin tạm có mấy lời mừng chị...

Thu Nguyệt Nga nghe tới đó thì ra vẻ ngạc nhiên hỏi lại Đổng Thiên Bảo rằng:

- Việc đó tôi làm xong rồi thực, nhưng bác ở nhà này, làm sao mà bác biết ngay được thế? Thực là câu chuyện quái lạ vô cùng, bác phải nói rõ cho tôi nghe mới được.

Đổng Thiên Bảo nghe nói chỉ ngặt nghẽo cười mà không nói rõ ra sao, Thu Nguyệt Nga thấy vậy, ra dáng bồn chồn nóng nảy, đập chân đập tay thở dài mà rằng:

- Từ tối hôm qua đến nay, thực là tôi có lắm điều khó chịu! Trong khi đi đường, cô đã cẩu rẩu cự tôi, tôi phải cắn răng nhịn vậy cho xong. Ai ngờ về tới đây lại nghe câu chuyện lạ lùng như thế, thiệt là có thể làm cho tôi chết người đi được. Vậy bác có định nói hay không, thì bảo hẳn cho tôi được rõ.

Đổng Thiên Bảo thấy Nguyệt Nga phát gắt lên, chàng nghĩ chừng giấu mãi không tiện, bèn cười mà đáp rằng:

- Chị làm gì mà phải nóng tính thế, để tôi nói rõ chị nghe. Nguyên lúc gần sáng tôi đương nằm ngủ thì thấy anh chàng Hoa Chúc Tam chạy đến đánh thức tôi dậy và nói câu chuyện ấy cho tôi nghe. Đoạn rồi anh ta hẹn tôi vào khoảng chiều nay thì đến nhà anh ta đánh chén. Tôi định từ chối không đi, nhưng thấy nói là có Thất nương nhà tôi về đây, thì thế nào tôi cũng phải đến đây một phen mới được.

Chàng chưa nói dứt lời, thì Thất nương vội hỏi ngắt lên rằng:

- Hoa Chúc Tam là anh nào thế? Anh ta là người ở đâu, mà sao xưa nay tôi chưa thấy nói đến bao giờ?

Đổng Thiên Bảo cười mà đáp rằng:

- Anh ta ở Lục Thảo đường chứ còn ở đâu nữa! Anh ta là một người...

Thiên Bảo chưa kịp nói nốt, thì Thu Nguyệt Nga lại cướp lời mà hỏi luôn rằng:

- Có phải Hoa Chúc Tam chính là anh chàng Kim Si Điêu đó không?

Thiên Bảo gật gật đáp rằng:

- Phải, chính anh ta đấy... Trong bấy lâu nay anh ta đối với tôi rất là thân mật, thỉnh thoảng lại tìm nhau trò chuyện luôn luôn. Nhưng có điều...

Chàng vừa nói tới đó, thì Thu Nguyệt Nga bỗng giơ tay đập xuống bàn đến thình một cái, làm cho các vật để ở trên bàn đều nhảy cả lên.

Thiên Bảo lấy làm ngạc nhiên không hiểu ý tứ ra sao, vội nhìn vào mặt Thu Nguyệt Nga hỏi dồn ngay rằng:

- Làm sao? Chị có việc gì mà làm kinh người lên thế?

Thu Nguyệt Nga hất hàm một cái mà đáp rằng:

- Làm sao, bác cứ hỏi cô Thất nương đây thì bác sẽ biết, chính chúng tôi đương định tìm hắn ta để xem mặt mũi hắn ta thế nào. Không ngờ hắn lại hẹn bác đến chơi đánh chén, thế thì càng may cho chúng tôi vô hạn...

Đổng Thiên Bảo lại càng không hiểu, vội quay lại để hỏi Thất nương. Thất nương nhân đem câu chuyện đi đường lúc đêm thuật lại cho Đổng Thiên Bảo nghe một lượt. Đổng Thiên Bảo nghe rõ đầu đuôi, liền cười phá lên mà rằng:

- Tưởng là gì, chẳng ra người ta đùa thế, mà chị làm coi gớm cả người... Để chiều hôm nay đến đó, tôi sẽ hỏi xem, có đích là hắn trêu đùa như thế hay không...

Chàng ta vừa nói như vậy, vừa sai gọi đầy tớ đi làm cơm lên thết đãi mọi người chè chén. Mọi người vì đi đêm nhọc mệt, bèn cùng nhau nghỉ ngơi mãi đến chiều hôm mới dậy.

Chiều hôm ấy hai vợ chồng Đổng Thiên Bảo cùng Thu Nguyệt Nga đều ăn mặc gọn gàng, rồi cùng nhau đi đến Lục Thảo đường. Lục Thảo đường cách Đổng gia trang cũng chỉ ngót một trăm dặm đường, nên ba người dùng thuật phi hành chốc lát, thì đã tới nơi ngay.

Đổng Thiên Bảo đối với Hoa Chúc Tam tuy tình giao kết rất thân, song cũng chưa đến Lục Thảo đường lần nào cho nên chàng cũng lưu tâm xem xét để coi phong cảnh ở đó xem sao.

Thoạt gần tới nơi thì xa xa đã trông thấy một khu vườn rộng, xung quanh trồng toàn dương liễu rậm rạp, um tùm, tiếng chim chóc bay hót ở trên, nghe râm rả. Qua khỏi rặng liễu thì thấy có một khoảng vườn trồng toàn một thứ cỏ thơm, cao bằng đầu gối và ở giữa bỏ trống một chỗ đi không. Phía trong cảnh vườn ấy, có một cái ao rất rộng, liền với một cái sân to, rồi mới đến một lđp nhà chừng mấy mươi gian, thăm thẳm, hun hút ở trong.

Ba người dùng thuật phi hành, cùng đi vào vườn chỗ phía bờ ao, thì thấy có một đứa tiểu đồng đương ngồi nghịch nước ở đó, Đổng Thiên Bảo nhân chạy đến sẽ vỗ vào vai đứa tiểu đồng một cái thì thấy đứa tiểu đồng giật mình, quay lại nhìn Đổng Thiên Bảo hồi lâu, rồi bỗng hỏi lên rằng:

- Thưa tiên sinh, có phải tiên sinh họ Đổng hay không?

Đổng Thiên Bảo cười, gật mà đáp rằng:

- Phải, chính...

Chàng ta vừa nói tới đó, thì tên tiểu đồng không nghe nữa, vội vàng quay cổ cắm đầu chạy thẳng vào trong.

Chỉ trong chốc lát, đã thấy tên tiểu đồng hồng hộc chạy ra, chắp tay lễ phép, nói với Đổng Thiên Bảo rằng:

- Thưa ngài, ông chú tôi nói xin mời các ngài vào chơi...

Thiên Bảo nghe nói, liền cùng Đổng thất nương và Thu Nguyệt Nga lững thững đi vào. Ba người đi được mấy bước, thì đã thấy Hoa Chúc Tam ở trong đi ra, vái chào ba người và đón vào trong nhà, mời ngồi nói chuyện.

Thu Nguyệt Nga vừa mới đặt mình xuống ngồi, chưa kịp hàn ôn câu gì, đã vội hỏi phắt lên rằng:

- Thưa ông, tôi hỏi thế này khí không phải, có phải chính ông là Hoa Chúc Tam mà biệt biệu ông là Kim Si Điêu đó không?

Hoa Chúc Tam cúi đầu đáp rằng:

- Thưa cô, chính là tôi đó...

Thu Nguyệt Nga cười nhạt mà rằng:

- Đêm hôm qua chúng tôi đi đường nhọc mệt, vả nhân có mấy người già yếu cùng đi, nên ông giở trò quỷ quái ra trêu, chúng tôi cũng đành phải cắn răng chịu vậy, không dám chống cự lại ông. Duy ông có hẹn với chúng tôi là hôm nay đến đây ông sẽ cho gặp, vậy chúng tôi đã y ước tới đây, ông định thử thách thế nào, thì xin ông cho chúng tôi được biết.

Hoa Chúc Tam nghe nói, ra dáng tươi cười vui vẻ mà đáp lại rằng:

- Xin cô nương đừng chấp chuyện đó làm chi. Tôi cùng các vị cô nương, chẳng qua cũng như người trong một nhà, cho nên tôi mới dám nói đùa như thế... Hôm nay tôi cốt mời cô nương sang đây, là để tạ tội hôm qua, và nhân tiện được dịp bái yết cô nương một thể, chứ có đâu tôi dám thử thách làm chi. Dám xin cô nương nguôi lòng mà thứ tội đi cho.

Đổng Thiên Bảo nghe Chúc Tam nói như vậy, liền nói lên rằng:

- Đó, chị xem, quả nhiên tôi nói có sai đâu! Người anh em tôi nói câu đó chẳng qua là chỉ muốn mời chị quá bộ sang chơi, chứ khi nào lại dám đem lòng thử thách với ai! Chỉ cũng nên xét rõ tấm lòng ấy cho mới được...

Nguyệt Nga tuy nghe nói như vậy song hồi tâm nhđị đến câu chuyên tối hôm qua, thì trong lòng vẫn còn tức tối chưa nguôi, nàng nhân hầm hầm ra dáng giận dữ mà nói lên rằng:

- Tôi xin ông đừng nói những giọng van vỉ như thế! Tôi tuy ươn hèn yếu đuối, nhưng ông đã thách tôi đến đây thì dù thế nào tôi cũng xin lĩnh giáo một phen mới được.

Đổng Thiên Bảo thấy Nguyệt Nga ra dáng hăng hái quả quyết, liệu chừng khó lòng can nổi, bèn nghĩ ngay ra một kế, nói phắt lên rằng:

- Hôm nay tôi vì Hoa huynh ước hẹn mà đến đây chơi, cũng không ngờ lại gặp câu chuyện rắc rối lôi thôi như thế! Vậy nếu Nguyệt tế không muốn tha thứ cho Hoa huynh này mà bắt phải đấu thử hôm nay thì tôi có một câu này, hai người tất phải nghe tôi, thì tôi mới để yên cho thử, bằng không tôi sẽ phá đám ngay giờ...

Thu Nguyệt Nga ra vẻ cáu kỉnh mà rằng:

- Bác định nói gì, cứ nói tôi xem, phải thì tôi ưng thuận mà không phải thì bác cũng không thể bắt ép được tôi.

Thiên Bảo cười rằng:

- Bà chị nghĩ thế thì lầm quá, nếu phải là câu trái lý, thì phỏng có khi nào mà tôi lại dám nói đến tai bà chị...

Hoa Chúc Tam nghe vậy, vội đỡ lời lên rằng:

- Đổng huynh định có ý kiến gì, hãy xin cứ nói xem sao, hà tất phải cãi vã làm gì như thế.

Đổng Thiên Bảo lúc đó mới ung dung trông vào Hoa Chúc Tam và Thu Nguyệt Nga mà bảo rằng:

- Cứ xem như việc hôm nay, thì bà chị Thu Nguyệt Nga tôi, cũng không phải là thù hằn Hoa huynh mà muốn sinh sự làm chi. Duy trò đời, con gà tức nhau tiếng gáy, hôm qua cũng vì Hoa huynh trêu đùa như thế nên bà chị tôi mới quả quyết đến đây, cốt để thử tài với Hoa huynh một chuyến để xem tài lực của nhau nhân thể, chứ ngoài ra nào ai có định hại ai. Vậy hôm nay nếu đôi bên có định thử tài cho biết thì trước khi ra đấu với nhau, tôi xin có một chương trình nhất định, đôi bên tất phải nghe tôi mới được...

Chàng vừa nói tới đó, thì Đổng thất nương vội đỡ lời rằng:

- Chàng định nói gì thì cứ nói ngay lên, can chi còn phải ấp úng dài dòng như thế! Bây giờ định ra chương trình thế nào, thử nói ngay lên xem người ta có ưng thuận được hay không cái đã.

Đổng Thiên Bảo cười rằng:

- Cái chương trình của tôi, cũng không lấy gì làm khó, duy đôi bên tất phải thẳng tâm mà nghe lời tôi mới được. Bây giờ trước khi hai bên sắp ra đấu tài với nhau thì mỗi người đều phải làm một cành hoa giấy cắm lên trên đầu để làm dấu hiệu. Rồi sau đó khi ra đối thủ, hễ ai dùng kiếm dùng dao mà chém đứt được cái hoa giấy đó, hoặc là đánh cho rơi bật ra ngoài thì tức khắc phải dừng tay lại, chứ không được đánh nữa. Nhược bằng ai không nghe thế, lại đem một mối tư tâm, rấp toan cố ý hại nhau, thì vợ chồng tôi đứng đây giám cuộc, tất chúng tôi phải xông vào cứu giúp người kia mà đánh người này lập tức. Câu chuyện tôi nói, đầu đuôi có thế, đôi bên theo được hay không thi xin nói trước cho tôi đã...

Đổng thất nương cùng Hoa Chúc Tam nghe nói đều vỗ tay khen phải và xin nhất luật theo lời. Duy Thu Nguyệt Nga thì cứ ngồi lặng ngắt không hề nói câu gì nữa. Hoa Chúc Tam mặc cho Nguyệt Nga suy nghĩ, chàng bèn sai ngay người nhà lấy ra hai cành hoa giấy, một cành cắm lên đầu mình, còn một cành thì đưa nhờ Thiên Bảo để trao hộ cho Thu Nguyệt Nga. Thu Nguyệt Nga thấy vậy cũng không thể chối từ được, bất đắc dĩ cũng phải nhận lấy cành hoa giấy của Thiên Bảo trao cho, cắm lên đầu mình tử tế, rồi mới đứng dậy đi ra ngoài sân, thách Hoa Chúc Tam ra đấu.

Chúc Tam thấy Nguyệt Nga ra ý nhiệt thành như vậy, thì cũng xin phép vợ chồng Thiên Bảo và mời hai người cùng ra chứng kiến rồi mới cùng vác song đao lá liễu đi ra để đối địch cùng Thu Nguyệt Nga.

Thế gian bao họa tày trời.

Chẳng qua vì chút bụng người nhỏ nhen

Nếu chẳng ai cũng tự nhiên,

Thì đâu xảy chuyện ưu phiền xưa nay


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-9)


<