← Hồi 28 | Hồi 30 → |
Trong suốt buổi tiệc, Hốt Tất Liệt và Âu Dương Phong đàm luận tương đắc lắm, sáng hôm sau lại dẫn hai người đến gặp Tây Độc, đây là kẻ tâm phúc của Hốt Tất Liệt, là một đương triều thừa tướng Gia Luật Sở Tài, người này có danh trong lịch sử khai quốc Mông Cổ, vốn là vương tộc, sau Kim bang tiêu diệt Kim quốc tổ tiên của Gia Luật Sở Tài đem theo người trong tộc trốn sang Mông Cổ, khi Thành Cát Tư Hãn Đông chinh Tây phạt, Gia Luật Sở Tài mới đầu quân dưới trướng, hầu hết trong vác trận đánh lúc bấy giờ, đều nhờ vào tứ kiệt, (Mộc Hoa Lê, Bác Nhĩ Truật, Bác Nhĩ Hốt, Xích Lão An) nhưng tất cả qui hoạch về hành chánh, đều phải trông cậy Gia Luật Sở Tài, mãi khi Thành Cát Tư Hãn bệnh chết tại Tây Hạ, Gia Luật Sở Tài vẫn theo phò hết các vua nối tiếp Oa Khoát Đài (Thái Tôn), Qúi Do (Định Tôn) có thể nói là bậc nguyên lão ba triều vua!
Nhưng hoàng thái đối với các vị lão thần cự phách này đề phòng nghiêm mật, bề ngoài tôn kính ông ta làm thừa tướng đương triều, nhưng thực ra không có một quyền hành gì, Gia Luật Sở Tài vô cùng căm giận, bèn quay sang kết nạp với Hốt Tất Liệt, còn một người khác dòng Hán tộc, tên gọi Lưu Đạo An, người xứ long Tây Thiên Thủy, vì thi cử bị đánh hỏng hoài, bèn lang thang ra quan ngoại, và làm ký thất (cũng như bí thư) tư cho Hốt Tất Liệt. Tuy là vương tử của Mông Cổ nhưng Hốt Tất Liệt lại thích Hán học, ngày thường thích ăn mặc theo lối người Hán, học chữ Hán, vô tình Lưu Đạo An trở thành cố vấn tư nhân của Hốt Tất Liệt, khác nào như cá gặp nước! Nay Hốt Tất Liệt dẫn diện kiến cho ba người quen nhau xong, bèn thuật rõ câu chuyện cảy ra thích khách đêm qua cho hai người nghe, Gia Luật Sở Tài chợt nói rằng:
- Nay Hoàng thái hậu ngang nhiên phái thích khách đến hành thích điện hạ nay tình cảnh của điện hạ nguy như trứng sắp rơi xuống đá, nếu không sớm lo kế định liệu trước, sợ nước đến chân khó mà nhảy kịp!
Lưu Đạo An lắc đầu nói:
- Xưa kia Đường Thái Tôn Lý Thế Dân công cáo át cả bố, quan phong đến "Thiên sách thượng tướng", sau bị hai em Kiến Thành và Nguyên Kiết ghen tỵ, phục binh tại Huyền Võ môn, chờ khi Lý Thế Dân lên triều sẽ giết hại, Lý Thế Dân đã dám ngang nhiên chém chết, dùng ngay thủ đoạn "tiên hạ thủ vi cường" giết luôn hai em là Kiến Thành và Nguyên Kiết, sử gia hậu thế tuy nói Lý Thế Dân tàn nhẫn, nhưng với tình hình của Lý Thế Dân hồi đó, không thể nào Lý Thế Dân không làm như vậy; nay tình cảnh của điện hạ nào có khác gì với Đường Thế Tôn hoàng đế khi xưa là mấy đâu, e có phần hơn là khác, từ nay trở đi, sinh tử họa phúc, đều trông hết vào trí óc anh minh của điện hạ mà quyết định!
Cứ thế, ý kiến kẻ chiến người hòa, Hốt Tất Liệt nói ngay rằng:
- Nhị vị tuy nói hữu lý, nhưng tiểu vương nào có chút thực quyền gì để gây loạn phản chánh, còn xin nhị vị chỉ giáo!
Gia Luật Sở Tài trầm ngâm một lúc mới nói:
- Lão Thần có một phương pháp, tuy điện hạ nay không có thực quyền trong tay, nhưng binh tướng của Tư Hãn quốc vương, đối với sự chuyên quyền của Hoàng thái hậu, chẳng có một ai phục lệnh, chỉ cần lão thần nay tạm rời kinh sư trong vòng một tháng, cứ thế này... thế này... mà thi hành, rồi điện hạ nhân cơ khởi sự, tiến áp thẳng vào cung cấm, thế nào Hoàng thái hậu cũng phải giao ngay quyền binh lại cho điện hạ!
Hốt Tất Liệt nghe xong cả mừng rằng:
- Có lý! Có lý! Vậy chúng ta cứ y kế thi hành!
Thì ra Thành Cát Tư Hãn trước khi qua đời biết tình hình của mấy người con mình không ai giống ai, Ngột Xích hung hăng, Sát Hợp Đài cường bạo, Oa Khoát Đài đại lượng, Đà Lôi ngay thẳng nhưng lại ngu, anh em bề ngoài hợp, bề trong ly tán, e ngại sau này nhìn nhắm mắt, mấy anh em sau này sẽ gây cuộc nội tranh, vậy thì sự nghiệp gây nên đại đế quốc của mình sẽ tan tành theo mấy gió! Bởi vậy Thành Cát Tư Hãn mới chia cương thổ ra làm bốn đề thành Tứ đại Hãn quốc là: Oa Khoát Đài hãn quốc, Sát Hợp Đài hãn quốc, Khiêm Sát vương quốc, Ý Nhi hãn quốc, chia phong cho bốn con, ra lệnh cho con cháu kế vị mà giữ, cho nên Thành Cát Tư Hãn lúc băng giá, đế quốc Mông Cổ tuy có cuộc "ngầm tranh ám đoạt" nhưng không hề gây nên nội loạn, sau khi Nãi Mã Châu chuyên quyền, đại tướng của Tứ Hãn quốc vương tuy bất mãn nhưng họ đều là ngoại phiên nằm ngoài không làm sao can thiệp được chánh trị của trung ương mà thôi, kế sách của Gia Luật Sở Tài chính là nhắm ngay bản thân của Tứ Hãn quốc. Sau khi ông ta rời khỏi vương phủ Hốt Tất Liệt không đầy một tháng, trong kinh thành bỗng nổi lên những lời đồn đãi, nói vương công của Tứ Hãn quốc đối với chính sách lạm quyền quá đáng của Nãi Mã Châu hoàng hậu không phục tý nào, mọi người đều suy tôn vương tử Húc Liệt Ngột của Ý Nhi hãn quốc, thống lãnh mười vạn hùng binh, đang rầm rộ tiến về Hòa Lâm để vấn tội Hoàng thái hậu, tiếng đồn cừ thế truyền lan, chẳng bao lâu, kinh thành đều hoang mang và cho rằng đại loạn sắp đến nơi, Nãi Mã Châu hoàng hậu trong cung đình nghe được tin này cả kinh.
Dù Hoàng thái hậu có tinh anh tài giỏi đến đâu, cũng chỉ là một người đàn bà, nghe nói Tứ Đại Hãn quốc cử binh dấy loạn, hoảng người hết vía! Cuống cuồng như kiến phải lửa, lúc này Thái hậu mới nghĩ Hốt Tất Liệt! Bởi Hốt Tất Liệt là con trưởng của Đà Lôi, Tứ Đại hãn quốc rất kính nể, bởi Đà Lôi đã chết thế cho Thế Tôn hoàng đế, ai cũng phục là người trung tâm nghĩ khí, kính nể vô cùng, đến cả Hốt Tất Liệt cũng được mọi người kính mến, Nãi Mã Châu hoàng hậu lập tức triệu ngay Hốt Tất Liệt vào cung, câu nói thứ nhất đã vào thẳng ngay đề rằng:
- Tứ Hãn quốc đang động binh áp kinh làm loạn, ngươi có biết tin này không?
Hốt Tất Liệt thấy Hoàng thái hậu bị trúng kế mình, cười thầm trong bụng, nhưng bề ngoài vẫn vờ vẫn rằng:
- Tâu Thái hậu! Thần nhi cũng được nghe nói về vụ này, nhưng dù họ có làm loạn cũng chẳng đáng lo ngại, Thái hậu chỉ cần ban cho thần nhi mtộ lữ quân sứ chắc họ không dám ngang nhiên tiến phạm kinh thành.
Nãi Mã Châu hoàng hậu thấy Hốt Tất Liệt đòi nắm binh quyền, lòng dạ không yên hỏi:
- Ngươi tính đem binh chống với họ sao? Hiện trong kho phủ trống rỗng chỉ sợ...
Hốt Tất Liệt nói ngay:
- Nếu không có binh lực, đại quân của Tứ Hãn quốc kéo đến làm sao mà chống cự, nếu Thái hậu buồn sầu lo lắng, thần nhi xin cáo lui vậy!
Nói xong đứng dậy làm lễ cáo biệt, Nãi Mã Châu hoàng hậu cả kinh rằng:
- Hãy khoan đã, vậy ta phát cho con một vạn binh mã để đàn áp với chúng!
Hốt Tất Liệt mừng thầm, nhưng bề ngoài vẫn thối thác là một vạn binh mã không đủ, vì tinh binh của Tứ Hãn quốc cả mấy chục vạn là ít, nay nếu cầm một vạn ra đối chọi với họ, khác nào châu chấu đá voi! Cuối cùng Nãi Mã Châu hoàng hậu đành đồng ý phát ba chục ngàn binh mã! Hốt Tất Liệt nhận được lệnh phù của Hoàng thái hậu xong, trong đêm đó xảy ra cuộc binh biến ngay!
Nãi Mã Châu hoàng hậu làm sao mà ngờ được lòng dạ và dụng ý của Hốt Tất Liệt, đêm đó Hoàng thái hậu còn mải miết lo đại tiệc đãi ba nhà thánh tăng ở miền Tây Vực đến, khi đến canh ba, ngoài cung đột nhiên tiếng người hét ngựa hí vang khắp một vòm trời, ánh đuốc sáng trưng, binh mã tieên vào cung như nước vỡ bờ đê, bao vây hẳng cung đình chặt chẻ, các tướng sĩ la oang oang lên:
- Xin Thái hậu nên thoái vị! Và hạ ngay chiếu nhường ngôi.
Tiếng la trấn hết cung đình, Nãi Mã Châu hoàng hậu cả kinh, vội hỏi tả hữu xảy ra chuyện gì? Tiểu thái giám chạy như bay về phi báo:
- Muôn tâu Thái hậu! nay Hốt Tất Liệt điện hạ và Húc Liệt Ngột vương tử cùng hợp binh đến bao vậy hoàng cung, và đòi Thái hậu thân hành ra diện kiến.
Thì ra diệu kế của Gia Luật Sở Tài: trước tiên là bỏ ra một số tiền lớn lao, mua chuộc hết những tên vô dụng du thủ du thực trong toàn kinh thành, phao tin nhảm là Tứ đại Hãn quốc cử binh làm loạn, thiên hạ dều cho tin này là thực, một bầu không khí khẩn trương bao phủ toàn khắp kinh thành, Hốt Tất Liệt nhân dịp bắt ép Hoàng thái hậu gia ít binh quyền, mặt khác Gia Luật Sở Tài khởi trình suốt đêm ngày đi Ý Nhi Hãn quốc (đất đai của Ý Nhi Hãn quốc bao quát miền Trung Á Tế Á và một phần đất Ba Tư) dặp Húc Liệt vương tử, khuyên vương tử này nên hợp tác với Hốt Tất Liệt, để áp bức Thái hậu giao ngay đại quyền, Húc Liệt Ngột là con trưởng của Ngột Kích, thường lại thân với Hốt Tất Liệt, nên nhận lời hợp tác ngay, Gia Luật Sở Tài bèn căn dặn đem ngay một ngàn khinh trang kỵ binh, lập tức đến ngay Hòa Lâm, số một ngàn tuy ít ỏi nhưng trên phuơng diện tinh thần đã cổ võ Hốt Tất Liệt không phải là nhỏ, quả nhiên đoàn khinh kỵ binh đến kinh thành không ai hay biết, hợp chung với Hốt Tất Liệt tấn công thình lình vào bao vây luôn hoàng cung!
Nãi Mã Châu đến lúc nà mới ngã ngữa ra là mình bị trúng kế của Hốt Tất Liệt, nghiến răng mím miệng tức giận vô ngần, nhưng đến nước này cũng chẳng biết làm sao hơn, nay thành quách hoàng cung xây cất cao ráo, vô tình thành một thành lũy kiên cố, lại có mấy ngàn ngự lâm quân lo canh phòng kẻ địch trong chớp nhoáng cũng chưa làm sao tiến đánh vào được, Hoàng thái hậu lập tức dẫn theo ba vị thánh tăng, lên ngay trên điệp lầu, để tưong kiến với Hốt Tất Liệt.
Khi Thái hậu lên đến điệp thành, nhìn xuống dưới chỉ thấy Hốt Tất Liệt mình mang áo giáp, cưỡi trên lưng tuấn mã cao lớn, chỉ huy binh mã vây hãm chân thành, khí thế oai phong lẫm liệt; bên cạnh có một thiếu niên kim khôi kim giáp, chính là Ý Nhi Hãn quốc vương tử Húc Liệt Ngột. Nãi Mã Châu giận lớn tiếng rằng:
- Hốt Tất Liệt! Ngươi là cháu của tiên hoàng, mẹ con ta đối xử với ngươi tệ bạc gì, tại sao lại đi cấu kết với ngoại phiên cử binh là phản là sao?
Hốt Tất Liệt không nói gì, thình lình từ trên yên ngựa nhảy xuống đất, cởi ngay mũ sắt trên đầu, quì bịch ngay xuống đất, cộc ngay trán xuống đất ba cái, các tướng sĩ thấy vậy đều ngạc nhiên, chợt Hốt Tất Liệt đứng phắt ngay dậy, lớn tiếng trả lời rằng:
- Muôn tâu Thái hậu! Thần nhi nay cam tội phạm thượng, ba lạy cộc đầu này kể như chuộc tội, nhưng kỳ này thần nhi tạo phản chẳng qua là do Thái hậu mà nên, vậy Thái hậu nên phản tỉnh nghĩ lại, chớ nên đổ hết lỗi lầm cho thần nhi.
Đây là lối gian hùng của Hốt Tất Liệt, thoạt tiên là hạ mình nhận lỗi, sau đó là trút hết nguyên do lên người Nãi Mã Châu hoàng hậu, Hoàng thái hậu vừa kinh vừa giận rằng:
- Ta ép ngươi nghịch phản? Sao ăn nói hàm hồ vậy? Ngươi có bị chứng điên không?
Hốt Tất Liệt nhảy ngay lên lưng ngựa, nghiêm nghị rằng:
- Tiên hoàng đế đã có di chúc, sau khi Hoàng đế băng hà, phải lập thần nhi đây làm Đại Hãn, để đền lại đức tiên phụ đã chết thay nhưng Hoàng thái hậu đã ngang nhiên nuốt lời, liên tiếp lập nhị tử, dù vậy thần nhi cũng cam tâm chịu, nhẫn nhịn hết ngày này qua năm khác, nhưng nào Thái hậu vẫn chưa vừa lòng, ngang nhiên cho người đến hành thích, quyết dồn thần nhi vào tử địa mới nghe, thử nghĩ xem, ai ở vào hoàng cảnh của thần nhi mà không chống đối? Lại còn...
Thì ra ba thánh tăng đứng cạnh Thái hậu, đều là hạng cao thủ của pháp vương ở Tây Tạng phái đến, một tên Gia Mã Châu; một gọi Tùng Tán Bố; một nữa là Ha Âm Bố La, bản lãnh cùng mình, tinh thông kỵ xạ; Nãi Mã Châu hoàng hậu vốn giao hảo với Pháp vương Tây Tạng, lại nữa vương tộc của Mông Cổ xưa nay lại theo Lạt Ma giáo, đồng thời cũng muốn mượn thế lực Lạt Ma giáo để chinh phục các đại thần trong triều đình; Gia Mã Châu thấy Hốt Tất Liệt đứng dưới chân thành các xa có mười mấy trượng, thường ra khoảng cách ấy, cung tên không thể nào trúng đích, nhưng vì Gia Mã Châu vốn tinh thông về mọi điểm, sức mạnh hơn người thường, dù cách xa mười mấy trượng nhưng cũng có thể bắn trúng Hốt Tất Liệt, và hắn đã nghĩ ngay "đánh giặc phải bắt tướng giặc!", bèn không ngần ngại gì lấy ngay cung tên của một ngự lâm quân đứng cạnh, nhắm ngay tim bắn tới.
Vì quá thình lình, các quân sĩ đều thất thanh kêu "ồ" lên, nhưng ngay trong cơn kinh hoàng tột độ ấy Tây Độc Âu Dương Phong đã bung ngay người ra phía trước Hốt Tất Liệt, đưa ngay tay trái ra chụp mũi tên của địch! Cất tiếng cười lên sằng sặc, thình lình lão phóng ngược mũi tên lên đầu thành, chỉ nghe hai tiếng rú kinh người vang lên, thì ra mũi tên đã găm luôn hai tên lính ngự lâm quân một lúc! Mấy vạn binh mã dưới thành hoàng cung thấy ngọn tuyệt kỹ vậy thì đều reo lên vui mừng!
Nói về bản lãnh bắn tên, ngày xưa thường gọi "Bách bộ xuyên dương", nghĩa là nội trong một trăm bước có thể dùng tên bắn rớt từng lá dương liễu một,, nhưng lối phóng tên của Âu Dương Phong, nào phải lối "Bách bộ xuyên dương", có thể sánh bì được, mà là một mũi tên xuyên thủng ngực hai người, quả là một bản lãnh ít thấy trên đời; Hốt Tất Liệt không ngờ đối phương lại có người ra tay đánh ngầm như vậy, ngang nhiên nổi giận, lên tiếng nói với Tây Độc:
- Âu Dương tiên sinh, xin phiền ngài lên ngay hoàng thành bắt ngay tên đã bắn tên ngầm xuống cho tiểu vương!
Âu Dương Phong có ý khoe tài trước mắt mọi người, không chờ Hốt Tất Liệt hết lời, hai chân lão nhún một cái, toàn thân đã vọt bổng lên trên không, lẫn trong tiếng reo vang của đoàn quân họ Hốt và sự kinh hãi của nhóm ngự lâm quân, Âu Dương Phong đã hạ chân như một chiếc diều trên đầu thành hoàng cung, mấy tên lính ngự lâm quân vội xách ngay trường mâu chạy tới đâm vùi, Tây Độc chỉ vung tay, những cây trường mâu chưa đụng tới mình lão đã gãy làm mấy khúc, cả mấy tên ngự lâm quân ấy cũng bị bay vọt ngay xuống thành chết nát thây!
Mọi người cả kinh, Tây Độc đả tiến ngay về phía Gia Mã Châu, tên này ỷ võ công đầy mình, tuy hoảng về lối phóng tên kinh người của lãi râu xồm này, nhưng hắn cũng vung ngay cây gậy thép lên quất mạnh sang hông Tây Độc!
Nào hay lối ra tay này của hắn, không khác nào như con thiêu thân vồ ánh lửa để tự tìm chết, khi gậy thép quất ra, bỗng cảm thấy bị đối phương nắm chặt, cũng không sao thấy rõ thủ pháp của đối phương đánh bằng cách gì, mất hồn mất vía, vội rút ngay thế về, chợt cảm thấy một sức nóng rát từ nơi gậy thép tỏa ra lòng bàn tay, không khác nào như nắm phải lửa giật thót người kinh hãi!
Gia Mã Châu vội vã buông tay, nhảy ngay về sau, Âu Dương Phong cười nhạt, rồi thình lình giơ tay ra, túm ngay ngực áo Gia Mã Châu, tên Lạt ma tăng cảm thấy đau nhói người, hắn cất tiếng la ôi ối, Âu Dương Phong giở bổng người hắn rời khỏi mặt đất, Tùng Tán Bố và Ha Âm Bố La bất giác cả kinh, vội vã nhảy lại cứu giải!
Âu Dương Phong cất tiếng cười ha hả, giơ ngay Gia Mã Châu khỏi đầu làm binh khí để tiến đánh Tùng, Ha hai người, không những ép chúng lui bước hấp tấp mà cả các ngự lâm quân khác cũng không dám vào trận, chợt lão quăng ngay Gia Mã Châu khỏi đầu hai người, rồi thình lình ngồi thụp người xuống điểm huyệt luôn hai gã Lạt ma tăng, hai phiên tăng lập tức mềm người ngã lăn ra thành, không làm sao nhúc nhích!
Thì ra lối điểm huyệt của Tây Độc lại dùng bằng chân là là lối tân kỳ mà Âu Dương Phong đã nghiền ngẫm ra trong "Cửu Âm giả kinh" mà Quách Tỉnh đã chép cho lão xưa kia! Nào ngờ trong cái "giả" ấy mà lão vẫn ngang nhiên luyện được lối đánh một cách tuyệt diệu, kể ra Âu Dương Phong cũng đáng tự hào lắm! Lão đá ngã xong hai phiên tăng, đột nhiên vọt người tung lên, khéo sao ngay bên cạnh lão lại có sẵn một cột cờ, trên một lá cờ "hạnh hoàng long kỳ" đang bay phấp phới, trong lúc tung mình vọt lên ấy, Tây Độc đưa tay tước luôn lá cời, tung ra cuốn ngay thân Gia Mã Châu, nhưng lá cờ vừa rộng vừa dài, sau khi cuốn Gia Mã Châu vẫn còn dư hơn một trượng, lão lại quăng thêm đoạn cờ dư ấy cuốn luôn Tùng, Ha hai người, một lá cờ cuốn gói luôn ba phiên tăng, Âu Dương Phong vận lực vác ngay lên như cuộn bông vải, tung mình vọt vèo ngay xuống chân tường, sau lối biểu diễn tài tình này, mấy ngàn tên ngự lâm quân đờ người ra như trúng gió độc, tên nào cũng quên mất trách nhiệm của mình là bắn tên, đa số đều ngỡ rằng Âu Dương Phong là tướng tinh nhà trời hạ phàm!
Âu Dương Phong vác luôn ba phiên tăng gói trong lá cờ bay vèo lại trước mặt Hốt Tất Liệt nói:
- Điện hạ! Trong số ba tên phiên tăng này, có một người đã dùng tên bắn điện hạ, vậy điện hạ hãy quyết định xử tội!
Hốt Tất Liệt không ngần ngại nói ngay:
- Đây là công lao của Âu Dương tiên sinh, vạy lão tiên sinh cứ việc tùy ý mà định đoạt số mạng chúng!
Âu Dương Phong tuân lệnh, lão lập tức dùng "Cáp Ma công" ngầm vận ngay vào lá cờ, nói ra cũng lạ, lá cờ lập tức cứng hẳn như sắt thép, cuốn chặt thêm, cả ba "thánh tăng" ấy kêu la ôi ối trong lá cờ, cả ba người bị ép vãi nước thối ra! Đám ngự lâm quân trên hoàng thành trố mắt ngẩn người ra nhìn xem Âu Dương Phong còn làm trò gì nữa.
Tây Độc vốn nổi tiếng tàn ác hung bạo, chợt lão cầm ngay một góc cờ, đi vòng quanh, thoạt đầu còn chậm, rồi càng nhanh, rồi chạy tung như bay! Lối ác này quả chưa ai từng thấy dùng qua bao giờ, mãi đến lúc trong lá cờ hết tiếng rên la lão mới ngưng lại, hai tay rũ tung ngay lá cờ, ba cỗ xác chết bung ngay ra, "thất khổng" (hai lỗ tai, hai lỗ mắt, hai lỗ mũi và một lỗ miệng) bị ứa máu, toàn thân đều co nhỏ hẳn lại! Tất cả đám binh sĩ Mông Cổ, lần đầu tiên thấy lối giết người ghê gớm và quái dị như vậy, ai nấy đều kinh hãi đến tuyệt độ.
Hốt Tất Liệt lên tiếng khen xong, vung roi lên nói:
- Thưa Thái hâu! Nay xin chớ trách thần nhi vô lễ, suốt mấy năm gần đây, Thái hậu lộng quyền trào chính, loại trừ trung lương, trọng dụng gian thần nịnh tặc khiến cho hoàng thành bao phủ cả một bầu không khí hỗn độn, nếu cứ để tình trạng này kéo dài mãi, bao nhiêu công lao của Thái Tổ hoàng đế, thế nào cũng bị tiêu tan hết về tay Thái hậu! Cho nên thần nhi chuyến này cũng phải dùng kế mọn, đem binh mã tới vây hoàng cung, xin mẫu hậu hãy trao trả quyền binh, còn nếu Thái hậu không thuận, thần nhi phải vào hoàng cung. Xin mẫu hậu suy nghĩ cho chín chắn, kẻo mất hòa khí!
Nãi Mã Châu hoàng hậu nghe rõ ràng những lời nói của Hốt Tất Liệt, bỗng trong lòng nổi cơn bi phẫn, ôm mặt khóc hu hu. Cái khóc của Hoàng thái hậu khiến cho mấy vạn binh mã Mông Cổ đâm ngơ ngác ngẩn người, không biết xử trí ra sao!
Hốt Tất Liệt thấy mẫu hậu khóc như vậy trong bụng cũng hơi bất nhẫn, Lưu Đạo An vội bước lại gần Hốt Tất Liệt khẽ tiếng nói:
- Thưa điện hạ! Nếu muốn thành đại sự chớ nên câu nệ tiểu tiết, và mặc cho Thái hậu khóc, hãy lập tức phá ngay hoàng cung cho được việc!
Hốt Tất Liệt như chợt tỉnh rằng:
- Có lý! Hỡi anh em binh sĩ! Hãy bắn tên lên!
Hốt Tất Liệt quả có những nét oai hùng của tổ phụ Thành Cát Tư Hãn, hơn nữa lại có một lòng dạ sắt đá! Bao nhiêu quân sĩ nghe Hốt Tất Liệt ra lệnh, cung tên thi nhau bắn như mưa lên hoàng thành; một loạt ngự lâm quân trúng tên ngã như lá rụng xuống chân thành, còn lại ôm đầu chạy rối loạn hàng ngũ phòng ngự trên thành!
Công tâm mà nói, mấy ngàn tên ngự lâm quân này nếu đoàn kết chặt chẽ mà chống cự thế nào cũng cầm cự được nửa ngày là ít, nhưng ác nỗi vừa rồi họ bị khiếp đảm về lối giết người của Âu Dương Phong! Nay mất hết nhuệ khí kháng cự chỉ trong chớp mắt, quân sĩ của Hốt Tất Liệt đã phá khỏi cửa thành hoàng cung. Nãi Mã châu hoàng hậu lúc này không giao quyền binh không được, đành phái ngay nội thị truyền chiếu cho Hốt Tất Liệt, vô điều kiện đầu hàng; cuốc binh biến của Hốt Tất Liệt đã đạt tới kết quả mỹ mãn, qua ngày hôm sau, Hốt Tất Liệt thân hành lâm trào, thay đổi và thiên chuyển hết các đại thần cựu trào của Thái hậu, tự mình lên nhiếp chính, do đó Mông Ca biến thành vua bù nhìn, ba tháng sau bị bịnh chết, sử gia hậu thế đã ghi cho Hốt Tất Liệt đầu độc Mông Ca chết, nhưng không bằng chứng cụ thể! Thành ra vụ án vẫn coi như một nhi án mà thôi!
← Hồi 28 | Hồi 30 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác