Vay nóng Tinvay

Truyện:Dương Gia Tướng truyền kỳ - Hồi 14

Dương Gia Tướng truyền kỳ
Trọn bộ 51 hồi
Hồi 14: Khao Tướng Sĩ Triệu Phổ Từ Quan Yến Quân Thần Tống Kỳ Làm Thơ
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-51)

Siêu sale Lazada

Thám mã báo vào trong quân Dương Nghiệp, Nghiệp liền cùng bàn với chư tướng rằng: "Nay quân Liêu lại ra, hãy khoan đánh. Đợi ta báo tiệp với triều đình, chờ lương hưởng đầy đủ, thì bình định Yên, U, sau đó ban sư. Bọn Đình Hàn nghe theo. Nghiệp lập tức sai Đoàn Luyện Sứ Thái Nhạc về tâu Thái Tôn. Thái Tôn nghe tin liên tiếp thắng quân Liêu và đại quân đang thẳng tiến Yên, U, trong lòng mừng rỡ, vì thế hỏi thăm tin tức đất Liêu thế nào. Nhạc tâu: "Liêu tướng không chịu được nhục này, nay lại dẫn binh trở lại để đánh. Dương chủ tướng nay đóng quân ở ải Ngõa Kiều, gần đây do lương thực không đủ, chưa dám tiến quân, nên sai thần về chầu tâu rõ". Thái Tôn cùng quần thần thương nghị, muốn thân chinh đại Liêu. Khu mật sứ Trương Tề Hiền dâng sớ tâu rằng;

Thánh nhân cử sự, hễ động là phải vẹn toàn, bách chiến bách thắng. Nếu cẩn thận như vậy thì nhung địch không đủ để đánh, Yên, Kế không đủ để lấy. Từ xưa, những khó khăn nơi biên giới, không phải đều do Nhung địch gây ra, mà đa số là do các quan nơi biên ải làm loạn mà gây ra. Nếu các quan nơi biên giới có thể vỗ yên mọi người, đắp lũy cao hào sâu, tích trữ lực lượng, tạo được sự yên vui, khiến bản thân an nhàn mà quân địch cũng quy thuận, thường nghe nói chọn quân không bằng chọn tướng, giao việc không bằng giao người. Nếu được như thế thì nơi biên cương được an ổn mà nhân dân Hà Bắc cũng được nghỉ ngơi vậy. Thần lại nghe: Người giữ bốn phương phải lấy thiên hạ làm trung tâm, chứ đâu chỉ tranh vài thước đất nhỏ, thừa thế của nhung địch mà thôi. Tự cổ, thánh nhân đều trước lo gốc, sau mới lo ngọn, yên bên trong để nuôi bên ngoài. Từ xưa đều biết ngũ đế tam vương, không ai là không lo cho gốc rễ trước cả Đạo Nghiên, Thuấn không có gì khác, đều rộng ơn ban đến dân trong thiên hạ vậy. Người ban ơn phải làm sao? Là ở trong an mà được lợi vậy. Dân mà an lợi thì Nhung Địch sẽ sửa áo mà đến".

Sớ dâng lên, Thái Tôn hỏi bọn cận thần là Triệu Phổ, Điền Tích, Vương Vũ Xưng. Triệu Phổ tâu: "Lời trần của Tề Hiền, làm việc gấp trước mắt".

Xin bệ hạ chiêu hoàn quân của Dương Nghiệp, sắc tướng soái nghiêm chỉnh chuẩn bị việc biên ải, thì Yên, U không trở thành mối lo của Trung Quốc vậy. Thái Tôn nghe theo, ngày hôm đó xuống chiếu, sai sứ triệu quân đi phạt Liêu về, chuyện không có gì đáng nói.

Nay nói về Dương Nghiệp trong ải, được thánh chỉ đến nơi, cùng chư tướng bàn rằng: "Triều đình nay đã có lệnh ban sư, thì các tướng hãy chia trước, sau mà đi về, để phòng quân bắc truy tập". Diên Đức nói: "Cái khó được nhất, đó là cơ hội. Đại nhân thắng liên tiếp giặc Liêu, chỉ thêm mươi ngày lộ trình, là có thể thắng đến lật đổ U Kế, lấy đất này mà về, trên báo hậu ân tri ngộ của triều đình, không phải là tốt sao?" Nghiệp nói: "Ta cũng có chí như thế, ngặt nổi lệnh vua đã ban xuống, nếu không lui quân, lại mang tội kháng chỉ dù lập được chút công, cũng không bù đắp được vậy". Diên Đức không dám nói nữa. Hôm sau, lệnh bọn Lưu Đình Hàn cố thủ Toại thành, tự mình thì dẫn quân rời khỏi Ngõa Kiều quan, theo đường Biện Kinh mà về. Tịnh Hiên đọc đến đây có thơ vịnh:

Công tại thùy thành chiếu tức hành,

Khâm sai cơ hội cảnh nan bằng

Trần gia cốc khẩu trung cần niệm,

Thiên cổ lệnh nhân hận bất bình.

(Công sắp nên rồi chiếu xuống ngay,

Than ôi cơ hội khó như vầy.

Họ Trần vẫn giữ lòng trung nghĩa,

Ngàn thuở xui ai oán hận thay).

Dương Nghiệp về tới kinh đô, triều kiến Thái Tôn. Thái Tôn vỗ về, ban khen rất hậu và ra lệnh thiết yến khao thưởng tướng sĩ chinh Liêu, quân thần tận vui mà tan.

Hôm sau, Triệu Phổ xin từ chức thừa tướng. Vua nói: "Trẫm cùng với khanh là tri ngộ lúc áo vải, triều đình nhờ khanh phò trợ, sao lại từ chức mà đi?" Phổ nói: "Thần nay đã già, không thể lo được nhiều việc, xin bệ hạ xót thương thân già khô héo của thần, chuẩn cho từ bỏ chính sự, thì sống chết thần cũng khắc cốt ghi tâm". Thái Tôn thấy đã quyết ý như vậy, bèn chuẩn lời thỉnh cầu, bãi Phổ làm Võ thắng quân tiết độ sứ. Phổ lạy thụ mệnh, ngay hôm đó lạy từ mà đi. Vua ban tiệc ở điện Trường Xuân để tiễn. Rượu ngà say, vua đứng giữa tiệc nói với Phổ rằng: "Chuyến này chỉ là để toại chí của khanh, nếu gặp có chuyện gấp cần thương nghị, ngày khanh nghe được mệnh, phải lập tức theo sứ mà về nhé, đừng phụ lòng trẫm vậy". Phổ rời tiệc lĩnh mệnh. Vua có ý rất quyến luyến, thân làm thơ để tặng:

Trung cần vương thất triển hoằng mô,

Chính sự triều đường lại binh phù.

Giải chức tạm thù khanh sở chí,

Hưu giáo nhất niệm viễn hoàng đô.

(Trung cần đế nghiệp mở cơ đồ,

Giúp rập triều đình một lòng lo.

Bãi chức để đền mơ ước cũ,

Xin cho nhớ mãi chốn vương đô).

Phổ cầm bài thơ khóc than: "Bệ hạ ban thơ cho thần, thần xin luôn luôn mang bên mình, chết sẽ cùng mang theo thần xuống suối vàng". Thái Tôn nghe lời này, cũng rất xúc động. Vua tôi chia tay. Triệu Phổ đến trung thư sảnh từ biệt liêu thuộc là bọn Tống Kỳ và kể lại ân điển của vua, vô cùng cảm kích. Kỳ nói: "Chúa công đối với ngài rất là yêu mến, và có tình quyến luyến, chuyến này tất không lâu sẽ triệu về vậy". Phổ lấy ra ngự thi khóc mà nói rằng: "Những năm còn lại của thân này, không có gì báo đáp được ơn trên nữa, chỉ đành nguyện kiếp sau làm thân khuyển mã mà báo đáp vậy". Kỳ an ủi một hồi, tiễn ra ngoài. Phổ theo đường mà đến Võ Thắng. Chuyện không có gì đáng nói.

Ngày nọ, Thái Tôn thiết triều, quần thần triều kiến. Vua nói với tể tướng rằng: "Phổ có công với nước, ngày trước cùng trẫm đi dạo xin bái biệt, không muốn cực nhọc làm việc nữa, nên chọn nơi đất tốt mà về ở, do đó an thơ để bày tỏ lòng trẫm. Phổ cảm kích mà khóc, khiến trẫm cũng vì thế mà rơi lệ". Tống Kỳ tâu: "Hôm qua, Phổ tới trung thư sảnh nói với thần về ân điển của bệ hạ, và nói nguyện kiếp sau sẽ làm thân khuyển mã để báo đền. Hôm nay, lại nghe bệ hạ nói lại, có thể nói cả hai đều vẹn toàn vậy". Vua gật đầu, rồi phong Tống Kỳ, Lý Phảng làm Tri bình chương sự, Lý Mộc, Lữ Mông Chánh, Lý Chí làm Tham tri chính sự. Trương Tề Hiền, Vương Cái làm Đồng kiểm sứ khu mật viện sự, Khấu Chuẩn làm Khu Mật trực học sĩ. Bọn Kỳ lạy thụ mệnh mà lui.

Năm đó, đổi niên hiệu thành Ung Hy nguyên niên. Mùa đông tháng 10, Thái Tôn nhớ đến Hoa sơn ẩn sĩ Trần Đoàn. Đoàn là người Chiến Nguyên - Bác Châu, cử nhân đời Đường Trường Hưng thi tiến sĩ không đỗ, liền bỏ ý làm quan, lấy việc dạo chơi sông nước làm vui, luyện phép hô hấp, tịch cốc mỗi ngày chỉ uống vài ly mà thôi. Trải qua hơn 20 năm, ẩn ở Hoa sơn Vân Đài quán. Mỗi lần ngủ, hơn trăm ngày không dậy nên người ta có câu tục ngữ: "Ngủ nhiều 3000 năm, ngủ ít 800 năm". Trước kia, khi cưỡi lừa qua cầu Thiên Tân, nghe nói Thái Tổ khắc phục Biện Kinh, liền cười lớn đến nỗi té xuống lừa mà nói rằng: "Thiên hạ từ nay được thái bình vậy!" Nay Thái Tôn sai sứ triệu đến kinh thành, Trần Đoàn được chiếu, theo sứ vào triều kiến, Thái Tôn tiếp đón rất nồng hậu, nói với các quan tể tướng rằng: "Đoàn chỉ lo thân mình, không lo việc đời, thật là kẻ sĩ nơi phương ngoại vậy". Liền sai trung sứ đưa Trần Đoàn đến trung thư sảnh, bọn Tống Kỳ tiếp đón ân cần, ngồi ung dung mà hỏi rằng: "Tiên sinh học được đạo Huyền mộc tu dưỡng, có thể dạy cho người khác được không?" Đoàn cười nói: "Tiểu đạo là người sơn dã, vô dụng với đời, cũng không biết việc luyện đơn của thần tiên, lí hô hấp dưỡng sinh, nên không có thuật gì có thể truyền. Giả như là có thể bay lên trời giữa ban ngày, thì đối với đời lại có ích gì? Nay chúa thượng dung nhan tú dị, có nghi biểu của người trời, hiểu sâu kim cổ, giỏi việc trị loạn, thật là hữu đạo nhân thánh chi chúa vậy. Vậy nên phải vua tôi hiệp tâm đồng đức, lập nên thời kỳ thịnh trị hưng hóa, siêng năng tu luyện cũng không ngoài cách ấy". Kỳ khâm phục lời đó hết mực. Ngày thứ đúng lời của Trần Đoàn tâu rõ với vua Thái Tôn hạ chiếu phong làm Hy Di tiên sinh, đích thân viết bốn chữ "Hoa sơn thạch thất" để tặng, rồi tiễn về Hoa sơn. Đoàn sụp lạy thụ mệnh, ngay hôm đó từ biệt vua mà ra, tự về Hoa sơn. Chuyện không có gì đáng nói.

Đây nói đến Thái Tôn do biên cảnh yên bình, nên cùng thần dân hưởng sự thịnh trị của thái bình, do đó hạ chiếu ban cho bá tánh ở kinh sư được uống rượu ba ngày. Chiếu viết rằng:

Nay nhà vua ban ân cho phép tụ hội uống rượu, cùng vui với mọi người, để biểu việc thăng bình chi thịnh vậy, khế ức thiệu chi khoan tâm. Các triều trước đến nay, việc này đã lâu vì gặp khi nhiều việc, nên không làm theo lệ cũ. Nay bốn biển yên bình, trăm dân khang thái, việc tế trời vào mùa Đông đã xong. Khánh trạch quân hành, nên thích hợp cho mọi người nghỉ ngơi để cùng vui, có thể tụ hội uống rượu ba ngày.

Chiếu chỉ hạ xuống, sĩ dân ở kinh sư ai cũng vui mừng. Tới ngày đó, Thái Tôn đích thân cùng ngồi quần thần lên lầu Đan Phượng, cùng xem sự vui vẻ của sĩ dân. Từ trước lầu đến Chu Tước Môn, bày âm nhạc, làm sơn xa, sân khấu qua lại. Từ Ngự uyển tới các huyện ở Khai Phong cũng như các quán, dàn nhạc bày ở trên đường. Âm nhạc cùng tấu, người xem đầy thành, phú quý không gì so được. Đời sau có thơ kể rằng:

Phong hỏa yên tiêu trấn tiết an,

Quân thần tác lạc dạ thâm lan.

U Liêu vị hạ Trung Nguyên hoạn,

Vong khước đương niên bảo trị nan.

Lúc ấy là năm thứ hai niên hiệu Ung Hy tháng 2 mùa xuân vậy.

Ngày thứ, Thái Tôn đãi tiệc quần thần ở hậu uyển, triệu tể tướng cận thần vào ban rượu thưởng hoa, nói rằng: "Khí xuân ấm áp, phẩm vật sinh sôi, bốn phương vô sự trẫm lấy cái vui của thiên hạ làm vui, nên mới đãi yến quần thần, ngắm hoa làm thơ phú". Lời ngọc vừa ban, có một người tâu rằng: "Tiểu thần bất tài, nguyện thừa mệnh làm thơ" thì ra đó là bình chương sự Tống Kỳ, nói rồi trải giấy hoa tiên, cầm bút làm một bài thơ thất ngôn bát cú mà dâng lên. Thơ rằng.

Thánh chúa phi long tục mỹ thuần

Càn khôn tổng thị nhất ban xuân

Tứ phương phong trạch bị hưu giáo,

Vạn quốc hoài lai mộ chí nhân.

Hạo hạo Thuấn ân bang tận đái,

Nguy nguy Thang Huệ sĩ giai thân.

Vi thần hữu quý vô năng bổ,

Cổ vũ thăng bình mục hoa tân.

(Thánh chúa lên ngôi phong tục thuần,

Đất trời gom lại một mùa xuân.

Bốn phương mưa móc thôi ly loạn,

Muôn cõi theo về với bậc nhân.

Rạng rỡ ơn trời như một chốn,

Vời cao khắp chốn mọi tôi thần.

Tôi thần thẹn chẳng công gì giúp,

Ca ngợi thanh bình phúc vạn phần).

Thái Tôn xem thơ này vui mừng, lệnh lấy chén ngọc ban rượu.

Lý Phảng cũng dâng một bài thơ:

Đãi ban thượng thánh nghĩ lưu sơ,

Dung thú chiêu nhiên đắc ý phu.

Bào noãn tứ phương hàm đệ định,

Cung thủ bách tính tự vô Ngu.

Ngưỡng phong tham cống lai man mạch,

Bị trạch khu ca phất đạo đồ.

Tế ngộ thái bình hà dĩ báo,

Phụng Lân vi thụy hữu trân phù.

(Ân ban động tới cõi muôn dân,

Ngôi rồng đã rõ có thánh nhân.

Vận thánh đến càng thêm rộng mở,

Điềm lành dồn dập biết bao lần.

Thấm nhuần bờ cõi mong vòi vọi,

Nơi đâu cũng đến chịu tôi thần.

Đời thịnh dâng thêm lời tán tụng,

Mãi mãi vẫn còn ngọc với xuân).

Tham tri chính sự Lữ Mông Chính cũng dâng một bài thơ:

Ân phu hỷ động vạn phương dân,

Ngự cập long phi tế thánh nhân.

Thánh trị cập tướng hưu vận khải,

Gia tường nhật toại hảo âm tần.

Quân chiếm hữu vực giai hoài đức,

Nhất thị vô bang bất tê thần.

Thịnh thế nguyện canh nho quán tụng,

Đức âm vinh đối ngọc trì xuân.

(Được ân thánh chúa dâng bài vịnh,

Rõ ràng phô diễn vừa ý thay.

Bốn phương ấm áp yên bờ cõi,

Đầu cầu Ngu Thuấn trị yên bầy

Kìa bọn man di còn sợ khiếp,

Non sông vững đá suốt đời này.

Gặp thuở thái bình sao báo đáp,

Điềm lành đang tiến hiện nơi đây).

Vua xem xong ba bài thơ, nói rằng: "Thơ của Tống Bình Chương, từ ngữ khoan hòa, là thái bình khí tượng vậy. Thơ Lý Phảng thanh lệ khả ái, thơ Lữ Mông Chính phẩm cách thanh cao, trung cần độ lượng, đều có thể làm theo phép. Nhưng trẫm thấy Tống Bình Chương có khí phách tuyệt luân, khác hẳn với hai người còn lại". Do đó lệnh trung quan, đem thơ của ba người khắc ở đình thưởng hoa, để ghi lại sự thịnh vượng khi quân thần cùng vui vẻ với nhau. Trung quan phụng mệnh mà làm.

Thái Tôn lại bảo: "Nước nhà giờ tuy tạm yên, nhưng việc võ cũng không thể bỏ bê. Liêu Kế chưa bình định, trẫm đều ngày đêm lo lắng. Nay các văn võ và chư vương trên tiệc, mỗi người hãy thi cưỡi ngựa, bắn tên, để so võ nghệ". Tống Kỳ nói: "Bệ hạ thật là biết lo xa, đó là phúc của xã tắc vậy. Vua liền lệnh quân hiệu dựng bia bắn tên ở khoảng đất trống nơi hậu viên, lấy trăm bước làm giới hạn. Quan võ chia làm hai đội, chư vương mặc áo đỏ, tướng soái mặc áo xanh. Chiếu chỉ đã hạ, ai nấy mang cung cứng tên dài, lên yên kềm ngựa chờ lệnh. Vua truyền lệnh nói: "Nếu có người bắn trúng hồng tâm thì thưởng cho tuấn mã cẩm bào, người nào bắn không trúng, thì giáng ra phiên trấn điều dụng".

Lời chưa nói dứt, trong đội áo đỏ một người tế ngựa cầm cung mà ra, mọi người nhìn xem, thì ra là Tần vương Đình Mĩ, vỗ ngựa, giương cung, đặt tên, ngắm kĩ hồng tâm bắn một mũi, trúng ngay vào giữa, người xem ai cũng khen thầm. Đình Mĩ bắn trúng hồng tâm, liền nhảy xuống ngựa, tới trước Thái Tôn thỉnh mệnh.

Thái Tôn mừng nói: "Cháu ta có tài xuyên dương, thật có thể ngự võ" liền thưởng áo, ngựa. Đình Mĩ tạ ơn lui ra. Chợt trong ban áo xanh có một tướng chạy ra nói: "Tiểu tướng xin thử bắn một mũi" Nhìn xem là ai, thì ra là đại tướng Tào Bân. Bân phi ngựa giương cung, đặt tên lên dây, bắn một phát trúng ngay hồng tâm, người xem đều reo hò khen ngợi. Tào Bân cũng xuống ngựa, lạy phục trước ngự tiền. Thái Tôn vỗ về khen ngợi, ban cho áo ngựa mà lui. Ngày đó vua tôi vui vẻ mà về.

Bọn Tần vương tra khỏi hậu uyển, đi qua trước cửa phủ Sở vương Nguyên Tá. Nguyên Tá - con trưởng của vua, lúc nhỏ rất thông minh, tướng mạo lại giống vua, nên vua rất yêu. Sau mắc bệnh cuồng, gần đây vẫn chưa khỏi bệnh, nghe tiếng nhạc truyền vào trong nhà, Vương hỏi tả hữu rằng: "Là ai ban đêm qua trước cửa phủ, mà âm nhạc la ầm ĩ vọng vào vậy?". Tả hữu nói: "Hôm nay thánh thượng đãi yến chư vương và quần thần ở hậu uyển, mọi người thi bắn làm vui. Vừa rồi Tần vương bắn thắng, được thưởng ngựa, áo bào mà về, chính là tiếng âm nhạc vừa truyền vào khi họ đi qua cửa phủ". Nguyên Tá nổi giận: "Người khác đều được đãi yến và thưởng, chỉ có ta không có mặt, có phải bỏ rơi ta không". Nên tức giận uống rượu, đến đêm khuya phóng hỏa đốt cung thất. Trong thành hoảng sợ, quan quân nhất thời không dập tắt được. Đáng tiếc cột khắc kèo chạm, tú các quỳnh lâu đều hóa thành tro. Ngày thứ, Thái Tôn biết việc này, hạ chiếu phế Nguyên Tá làm thứ dân, đày đến an trí ở Quân Châu. Chỉ lệnh đã xuống, Nguyên Tá hối hận không kịp, đành đem người nhà đi đến Quân Châu, chuyện không có gì đáng nói.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-51)


<