← Hồi 33 | Hồi 35 → |
Vương phi thuật chi tiết trận đánh Thảo trường. Gia Huyễn Ông hỏi Dã Tượng:
– Khâu Bắc bá! Cứ như bá thuật, thì liệu hai cục đá Bá ném trúng Mông Ca có khiến y bị thương nặng không?
– Tôi không dám quả quyết.
Địa Lô thuật:
– Lúc đội Thiết đột rút về qua đây, tôi thấy một kị mã mặc áo giáp có phản chiếu nằm rạp trên mình ngựa, tôi đoán là Mông Ca, nên cho Lôi tiễn nã xuống đầu y. Ngựa của y bị thương, quật y ngã xuống đất. Thiết đột xúm vào cưu y đem đi. Chắc chắn y bị thương nặng.
Giữa lúc đó quân hầu báo:
– Đại Đởm đại tướng quân, cùng 72 đại đởm vừa về tới thành.
Vũ Uy vương cùng Vương Kiên rời trướng ra ngoài đón. Vừa thấy Nguyễn Thiên Sanh, Vương Kiên xá dài:
– Toàn thể dân Ích châu đội ơn Đại tướng quân.
Vương Kiên mời hầu vào trướng, hỏi han tin tức. Nguyễn Thiên Sanh thuật lại việc hầu cùng 72 đại đởm bắt kị binh Mông cổ, giết chết, lấy y phục, thẻ bài rồi đột nhập trại của chúng. Đêm đem thuốc độc bỏ vào nước uống ngựa của vạn phu phụ trách công thành Điếu ngư ra sao. Lại bện bùi nhùi đặt giữa các xe chở thuốc nổ. Rồi giờ Mão cùng châm lửa, khiến các xe vừa tới gần thành thì phát nổ.
Cuối cùng hầu thuật lại việc hoàng hậu Hốt Đô Hải, cùng Thái tử Ngọc Mộc Hốt Nhi thình lình tới thăm. Hoàng hậu điều tra, nghi ngờ Thanh Liên, bốn tướng A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh, Kim Đại Hoa và Đại Hành, rồi sai người bắt ba ca nhi Ngọc Hạ, Ngọc Tiên, Ngọc Trị. Đại Đởm nhanh tay cứu ba nàng. Hiện ba nàng đang ở dưới thuyền của Đại Đởm.
Hầu ngừng lại, rồi nói rất chậm:
– Mông Ca chết rồi. Y chết vào giờ Tý hôm qua. Y chết vì vết thương hai tảng đá Dã Tượng ném trúng đầu và lưng y. Hoàng hậu Hốt Đô Hải sai khâm liệm, ban chỉ cho Mục Tương Ca đem một vạn phu hộ tống tử quan về Hoa lâm chôn.
Tất cả tướng sĩ Tống, Việt đều reo hò mừng rỡ. Vương Kiên sai sứ truyền tin đó đến tất cả các châu, quận Ích châu. Lại sai Phi mã chuyển tấu chương về triều Tống.
Ngay sau tiệc Vũ Uy vương, Vương Kiên họp tướng sĩ bàn định những việc phải làm.
Gia Huyễn Ông nghị:
– Mông Ca chết. Tướng sĩ đều ngang với nhau, không ai chịu ai. Đạo quân Hợp châu của chúng đang khốn khổ vì thiếu lương. Phải hai ngày nữa lương mới tới. Ta nhân dịp này thừa thắng đánh một trận, ắt chúng phải rút chạy khỏi Ích châu. Ta xuất binh ra đánh Phù phong, chiếm Trường an, rồi kéo về Đồng quan; thì Lạc dương nằm trong tay ta.
Vương Kiên than:
– Nhưng tôi chỉ là Tổng trấn Ích châu thôi. Tôi không có quyền đem quân ra Phù phong!
Dã Tượng đề nghị:
– Vương gia, Vương Tổng trấn! Mông Ca đem 40 vạn binh vào Trung nguyên. Y chia cho mặt trận phía Đông 10 vạn; đem vào Đông xuyên 10 vạn, Tây xuyên 10 vạn. Y dùng 10 vạn đánh Hợp châu. Từ hôm công thành Điếu ngư tổn thất hơn vạn. Hôm qua đánh chúng ta, tổn thất một vạn nữa. Trao cho Xích Nhân Thiết Mộc Nhi 4 vạn đánh Bồ lăng, bị phá tan. Nay y còn 4 vạn, phải chia ra trấn đóng các nơi. Tại Hợp châu chỉ còn hai vạn, người ngựa đều mệt. Ta thừa thắng đánh một trận thì đuổi chúng khỏi Ích châu được..
Vũ Uy vương gật đầu đồng ý:
– Khâu Bắc bá nghị thực cao minh. Vương Tiết độ sứ! Ý kiến người thế nào?
– Thưa vương gia, dĩ nhiên là tôi kính cẩn tuân chỉ vương gia. Xin vương gia điều động cho.
Các tướng tề tựu đông đủ. Vương Kiên bưng ấn kiếm trao cho Vũ Uy vương:
– Xin để vương gia điều binh.
Giữa lúc đó có thư của Đại Hành:
“ Khải vương gia,
Vì quân hết lương. Mà lương cần tới ba ngày nữa mới tới. Xích Nhân Thiết Mộc Nhi lệnh cho một vạn kị binh lên đường đón đoàn, lấy lương. Mỗi kị binh mang lương thực cho mười người ăn trong năm ngày. Thành ra đám quân tại Hợp châu dã có lương ăn chờ đoàn tải đưa tới.
Mông Ca chết, thành ra Mật Lý Hỏa Giả chỉ huy chiến trường Ba trung; Xích Nhân Thiết Mộc Nhi, Mục Tương Ca chỉ huy chiến trường Hợp châu, không ai chịu ai. Cả ba tranh luận dữ dội. Mật Lý Hỏa Giả muốn tiếp tục đánh chiếm phần còn lại của Ích châu. Xích Nhân Thiết Mộc Nhi, Mục Tương Ca muốn rút binh về Hàm dương nghỉ dưỡng sức”.
Vũ Uy vương ban lệnh:
– Mông Ca chết, giặc bị phá tại Bồ lăng, tại Điếu ngư. Ta thừa thắng, đánh như sét nổ, khôi phục lại Ích châu. Như vậy tổn thất không nhỏ. Ta phải tìm cách cho chúng sợ mà rút binh thì hơn. Vùng Nam Thành đô từ Độ khẩu tới Thành đô hiện do các hàng tướng Mông cổ trấn đóng. Đô đốc Giang an, đem hai hiệu binh Cẩm dương, Phổ khách chiêu hàng các thành từ Độ khẩu tới Thành đô. Nếu thấy chúng rút quân thì thủng thẳng theo sau tiếp thu thành trì. Không nên đánh.
– Các thành Mi sơn, Đông sơn, Thanh thần tới Thành đô ta mới khôi phục. Gia Huyễn Ông làm chánh tướng, Phùng sư phó làm phó tướng, đem các hiệu binh Dương bình quan, Thành đô, Kiếm các đánh từ Thành đô đến Phù phong. Đây là vùng đồng lầy, tôi tăng viện cho đạo này toàn bộ 50 toán võ sĩ Hán, với hiệu Thiệu Hưng. Thêm Vệ Ngưu binh, Vệ Ngạc ngư của hiệu Văn Bắc. Nếu thấy chúng rút quân thì thủng thẳng theo sau tiếp thu thành trì. Không nên đánh.
– Tại Hợp châu Tổng trấn Vương Kiên thống lĩnh các hiệu binh Điếu ngư, Chiêu thông, trực diện đánh vào các đạo quân của Mông ca. Tôi tăng viện cho hiệu Văn Bắc. Tôi với vương phi theo đạo này. Đạo binh của Vương Tiết độ sứ sẽ gặp đạo binh của Gia Huyễn Ông tại Võ đô, tiến ra chiếm Hán trung. Tuy nhiên cũng như hai đạo binh trên, nếu thấy chúng rút quân thì thủng thẳng theo sau tiếp thu thành trì. Không nên đánh.
Vũ Uy vương triệu tập cuộc họp mật của các tướng Đại Việt trên một con thuyền.
Vừa lúc đó có thư của Sơn Đức, Sơn Cao gửi từ Lâm an do chim ưng mang tới. Vũ Uy vương mở ra đọc:
“ Kính trình sư tỷ.
Rời Hợp châu, Văn Thiên Tường, Tạ Phương Đắc cùng hai đệ phải mất ba ngày mới tới Lâm an. Văn Thiên Tường tấu trình chư sự ở Ích châu. Thì ngay lập tức Thừa tướng Giả Tự Đạo reo mừng:
– Chúng ta đàm luận với Hốt Tất Liệt trong hai tháng về điều kiện ngừng chiến. Y nằng nặc đòi:
Về đất đai thì nơi nào Tống kiểm soát vẫn thuộc Tống. Nơi nào Mông cổ kiểm soát vẫn thuộc về Mông cổ.Như vậy ta bị mất 10 châu, 144 thành.
Cả hai bên đều ngưng chiến kể từ ngày thứ 20, sau khi hai bên ký kết.
Mỗi năm, Tống phải nộp cho Mông cổ: năm vạn lượng bạc, hai vạn lượng vàng. Mười nghìn tấm lụa. Bốn trăm nghìn hộc gạo trắng.
Trong khi ta đòi:
Mông cổ phải rút tất cả quân đội, quan cai trị về phía Bắc sông Trường giang.
Vàng, bạc, lụa, gạo giảm một nửa.
Thế mà phiên họp hôm qua, bỗng nhiên chúng đổi thái độ, thì ra do Mông Ca mới bại trận mất Mi sơn, Đông sơn, Thanh thần, Thành đô.
Triều đình vui mừng nhận các điều kiện. Thầy Tạ Phương Đắc bác bỏ. Thầy trình bầy rằng Ích châu sẽ thắng Mông Ca, đuổi y khỏi đất Thục. Xin triều đình chuẩn cho Vương Kiên, Tạ Phương Đắc, thừa thắng tiến quân ra Phù phong, Trường an, rồi Lâm đồng. Sau đó đánh lên Yên kinh. Trong khi quân triều từ Tương dương, Phàn thành chiếm lại Kinh châu.
Thừa tướng Giả Tự Đạo nạt Tạ Phương Đắc là ngu xuẩn. Trung nguyên không thể chống lại Mông cổ. Bây giờ giữ được Giang Nam là may rồi.
Tạ Phương Đắc thống mạ Giả Tự Đạo là hèn nhát, là chuyên quyền. Vệ sĩ của Giả rút vũ khí định hại Tạ Phương Đắc. Hai anh em đệ rút kiếm đả bại 5 vệ sĩ của Giả Tự Đạo, rồi bảo vệ thầy rời phòng họp. Hôm sau thì có chiếu chỉ thuyên chuyển thầy Tạ Phương Đắc ra coi Hưng quốc quân. Trong 10 ngày nữa Mông cổ với Thừa tướng Giả Tự Đạo sẽ ký hòa ước. Hai anh em đệ vẫn theo cạnh thầy Tạ Phương Đắc”.
Dã Tượng than:
– Chúng ta đem hết tinh lực 2 hiệu binh, cùng lương thảo giúp Tống. Nay vừa đạt chiến thắng thì bọn gian thần tại triều đã đâm sau lưng ta. Đây là dịp may nghìn năm mới có một để Tống dành lại vùng đất đã mất, mà bọn chủ hòa hèn nhát cúi đầu lệ thuộc rợ Thát đát.
Địa Lô trầm tĩnh hơn:
– Chúng ta không cần Tống mạnh cho lắm. Từ ngàn xưa, bất cứ triều đại nào của Trung nguyên, hễ họ mạnh một chút, thì lập tức chĩa mũi dùi xuống Đại Việt mình đòi thế này, muốn thế kia. Mình không tuân thì họ dọa đem quân sang đánh. Vừa rồi Tống như ngọn đèn trước gió. Ta không cứu Ích châu thì Tương dương, Phàn thành mất. Hai thành này mất thì Lâm an không còn nữa. Khi Tống bị diệt thì Mông cổ sẽ đánh ta. Bây giờ Tống tồn tại, ta không cần giúp họ nữa.
Vương phi Ý Ninh than:
– Hỡi ơi! Mông Ca chết! Thời cơ đã đến với chúng ta rồi. Tại sao ra không chủ động trong việc này. Một là thúc Tống khởi binh khắp nơi tấn công Mông cổ như sét đánh, dành thế chủ động. Điều này e khó thành công vì triều Tống không chấp thuận. Hai là khích cho Mông cổ có nội chiến.
Địa Lô phát biểu:
– Với tình thế hiện tại, ta dùng hết khả năng của Thất liên, Đông hoa, thì gây cho Mông cổ có nội chiến không khó. Vai trò của 11 người này bây giờ cực kỳ quan trọng. Mông Ca chết, Hốt Tất Liệt, A Lý Bất Ca chưa biết. Ta dùng chim ưng, mang tin cho các tiên mau hơn.Ta ban chỉ cho các tiên ra tay trước.
Vũ Uy vương quyết định:
– Ta có bốn khu vực phải ra tay ngay. Tại đây chỉ có Thanh Liên. Ngặt vì Thanh Liên chân chất quá. Cần ban chỉ cho Đại Hành. Đại Hành tế nhị thuyết phục nàng, để nàng nắm lấy quyền, hơn là để cho hoàng hậu tóm gọn.
Vương phi Ý Ninh bàn:
– Mông Ca chết, Mục Tương Ca, Xích Nhân Thiết Mộc Nhi bị bại trận. Lệnh phù, binh phù, Ngọc tỷ do Thanh Liên nắm. Quan trọng nhất là trong 5 tướng chỉ huy Cấm quân thì bốn là người của Thanh Liên. Mình phải cho Đại Hành cố vấn Thanh Liên nắm quyền. Nếu có thể Thanh Liên ra lệnh rút quân khỏi Tứ xuyên. Ta sai binh đi sau tiếp quản, tránh phải giao tranh. Như vậy không có đổ máu.
Vũ Uy vương ban chỉ cho Địa Lô:
– Đại Hành có tài, nhưng thiếu uyển chuyển. Chú muốn cháu giả làm một Cấm quân của Đại Hành, hay thái giám của Thanh Liên, rồi cố vấn cho Thanh Liên, khuyên nàng lạm quyền, như các bà thái hậu chuyên quyền thì hay biết mấy.
Địa Lô trầm tư:
– Việc này cực khó, cực nguy hiểm. Nhưng thần xin tuân chỉ.
Vương phi ban chỉ cho Địa Lô:
– Lô có ba nhiệm vụ cực kỳ khó khăn phải thi hành. Tuy khó nhưng chú thím sẽ cùng thi hành với Lô. Ba nhiệm vụ như sau:
– Một là: tại Hoa lâm thì lực lượng quần thoa của ta đông, chỉ sợ các nàng hành động thiếu nhịp nhàng. Cháu phải dùng Huyền Liên thúc A Lý Bất Ca lên ngôi Đại Hãn. Tử Liên thúc Cáp Thiết Sáp Nhi, Lan Liên thúc Ngọc Mộc Hốt Nhi hỗ trợ A Lý Bất Ca. Thúy Nga thúc A Lan Đáp Nhi; Thanh Nga thúc Ngột A Đa hai người này dùng triều đình Mông cổ, thân vương lôi kéo các Hãn, các chư hầu theo A Lý Bất Ca. Thúy Trang thúc Hoài Đô triệu tập hội đồng quý tộc làm lễ tấn phong A Lý Bất Ca cho mau. Rồi chính A Lan Đáp Nhi điều quân đánh Hốt Tất Liệt trước.
– Cháu hiểu.
Vương thêm:
– Chủ chốt ở Hoa lâm là Thanh Nga, Thúy Nga. Hai cô nàng phải thuyết phục cho Ngột A Đa, A Lan Đáp Nhi rằng trước đây hai người tuân chỉ Mông Ca dùng Câu khảo cục áp chế Hốt Tất Liệt. Hai người giết, bỏ tù không biết bao nhiêu chân tay của y. Nếu y lên ngôi Đại Hãn thì chắc chắn y sẽ băm vằm hai người ra cho hả giận. Mà y không ra tay thì thủ hạ của y cũng ra tay. Trong ngôi vị Tể tướng, phó Tể tướng, hai người cần nhanh chóng ban lệnh cho các chư hầu, nhất là các tướng thống lĩnh quân, các hành tỉnh tại Trung nguyên theo về A Lý Bất Ca.
Địa Lô hỏi:
– Thím nói ba nhiệm vụ. Vậy còn hai nhiệm vụ!?!?!?
– Hai là: mặt trận phía Đông thì cháu viết thư cho Bạch Liên thúc Hốt Tất Liệt, Hồng Nga thúc A Truật, nắm lấy binh quyền các đạo quân, tranh ngôi với A Lý Bất Ca. Hai nàng phải khích chồng đem quân về Hoa lâm càng mau, càng tốt.
– Cháu hiểu.
– Ba là, mặt trận phía Đông Bắc thì từ trước đến nay Hồng Liên thường dự vào các cuộc họp quân cơ của chồng. Nay ta ban chỉ cho nàng thúc Tháp Sát Nhi. Nếu thấy Hốt Tất Liệt mạnh thì theo A Lý Bất Ca. Còn như thấy A lý Bất Ca mạnh thì theo Hốt Tất Liệt. Như vậy lực lượng A Lý Bất Ca với Hốt Tất Liệt mới thăng bằng, nội chiến mới thảm khốc.
– Cháu hiểu.
– Ta cũng cần báo cho Lý Đảm ở Sơn đông, Như Lan ở Cao ly. Cao Mang ở Hồi cương, thầy Tạ Quốc Ninh ở Đại lý. Các nơi này nhân Mông cổ có nội chiến, cùng khởi binh đánh chiếm lại lãnh thổ. Việc này chú thím sẽ làm.
Địa Lô cung kính:
– Cháu sẽ hết sức cùng Đại Hành hoàn thành lệnh của chú thím.
Vương phi nói nhỏ:
– Hôm trước thím nhận được tin từ Thăng long báo: bọn Tuyên phủ ty ở Yên kinh không ngớt gửi sứ sang đòi mình phải cống đủ thứ. Cái quái gở là chúng đòi cống nho sĩ, thợ thủ công, thầy thuốc và mỹ nữ. Triều đình không hiểu rõ nguyên do. Chú thím cũng không hiểu. Phải khó nhọc lắm thím mới liên lạc được với Bạch Liên, Hồng Nga. Hai người này cho biết vì Bạch Liên, Hồng Nga đẹp quá, lại nhu thuận, ca múa hay. Nên bọn chúng xui Hốt Tất Liệt đòi cống mỹ nữ. Hy vọng Hốt Tất Liệt sẽ ban cho chúng mỗi tên một nàng.
Địa Lô cười:
– Chúng muốn mỹ nữ thì mình sẽ cho. Nước mình không thiếu giai nhân. Đem đi vài nghìn cô, như kho thóc lấy đi một đấu. Như biển Đông mất một bốc muối. Ta không tiếc gì mà gả cho chúng làm vợ. Chúng không thể hiểu được rằng con gái Việt yêu nước hơn yêu chồng. Nhưng mình phải cẩn thận, chỉ tuyển những thiếu nữ còn đủ cha mẹ, anh chị em, ta hậu đãi gia đình họ tại quê nhà, thì họ mới hết sức.
Vũ Uy vương nghiêm nét mặt:
– Hậu đãi thì không chắc bằng giảng cho các nàng hiểu thấu đáo chủ đạo của tộc Việt, cái tự hào là con bà Triệu, cháu vua Trưng.
Vương xoa tay vào nhau:
– Ta xin triều đình huấn luyện họ như dã huấn luyện Thất tiên, Đông hoa.
Ý Ninh cười:
– Linh Từ quốc mẫu đã cho phủ Vũ Uy 10 giai nhân, mà từ nhan sắc, ca múa, dĩ chí thuật bắt nai đều không thua 5 con bé Đông Hoa với Tô lịch thất tiên. Con bé lớn nhất là Ngọc Minh đã lấy chồng là Lý Minh nhạc quan phủ Vũ Uy. Thím đã gả 5 người cho Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc, A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh, Kim Đại Hòa. Còn lại 4 con bé Ngọc Kỳ, Ngọc Quốc, Ngọc Trí, Ngọc Cách. Vậy cháu đem theo, nói với Thanh Liên dối bọn Mông cổ là do gia đình mua của nhà nghèo, mang sang làm cung nữ cho phi, như trước kia phi đã làm với ba con bé Ngọc Ha, Ngọc Tiên, Ngọc Trị, rồi tìm cách đem cho Bạch Liên, Hồng Nga, để gả cho bọn tướng soái ở Tuyên phủ ty, hầu mua chuộc chúng.
Vương trầm tư:
– Thời Thành Cát Tư Hãn thì lãnh địa Mông cổ rộng vô cùng. Đến đời Oa Khoát Đài thì Kim trướng của con Truật Xích không tuân phục chính quốc Mông cổ nữa. Bây giờ chúng ta đã cắt Mông cổ thành hai thế lực. Thế lực lều trại chính quốc Mông cổ của A Lý Bất Ca và thế lực định cư Trung nguyên của Hốt Tất Liệt. Hai thế lực này sẽ giằng co với nhau kinh khủng lắm. Hiện phía Đông Bắc, vương quốc Bắc Liêu của Tháp Sát Nhi một nửa thuộc lều trại, đó là lãnh thổ cũ của tộc Thát đát và một nửa thuộc định cư, lãnh thổ của Kim-Liêu. Ta cần thúc ép Hồng Liên khuyên chồng biên thùy một cõi thành một nước mới, không theo A Lý Bất Ca, cũng chẳng theo Hốt Tất Liệt. Thế là Mông cổ bị cắt thành bốn nước: Kim trướng, Trung nguyên, Bắc Liêu và chính quốc Mông cổ.
Vương phi chau mày nghĩ một lúc rồi nói:
– Ta có thể tiến thêm một bước, tạo thành nước thứ năm.
Vương hỏi:
– Em nói?
– Hồi Thúy Trang mới kết hôn với Hoài Đô. Hoài Đô tiết lộ rằng y là một Hãn, thừa hưởng lãnh thổ của cha ở Tây Nam Mông cổ. Đây là lãnh địa Nãi man cũ. Hãn địa Nãi man cũ của y rất lớn. Dân chúng đông đúc văn hóa cao, có chữ viết, đất đai trù phú, nửa định cư, nửa lều trại, nên canh tác, chăn nuôi đều thành công. Binh lực của y tới 30 vạn hùng binh. Gần Hãn địa Nãi man của y có 15 bộ tộc nhỏ giầu có, trước thuộc Nãi man, sau bị Thành Cát Tư Hãn tách ra, nhập vào Mông cổ. Hoài Đô muốn lôi kéo vùng này nhập trở lại Hãn địa của y, mà y chưa thực hiện được. Nếu 15 Hãn địa theo về y, thì dân Hãn địa của y không thua gì chính quốc Mông cổ. Y có thể ruổi ngựa ngang hàng với Đại hãn Mông Ca, Đại hãn Kim trướng, Đại vương Hốt Tất Liệt. Trước đây Mông Ca ra lệnh trưng binh. Y mang 4 vạn Kị binh theo Mông cổ, chinh chiến, lập được nhiều công, nên Mông ca gả con gái cho y. Y trở thành phò mã. Nhờ thế lực của cha để lại, nhờ là phò mã, y trở thành người Thống lĩnh hội đồng Quý tộc. Y có ý dòm ngó ngôi Đại hãn. Bây giờ ta cần dùng Tuyên phi Thanh Liêm, cần dùng Huyền Liên (vợ A Lý Bất Ca), thêm Thúy Nga thúc A Lan Đáp Nhi, Thanh Nga thúc Ngột A Đa sao cho Mông cổ chịu để 15 tiểu Hãn này trả về Nãi man của Hoài Đô. Hoài Đô sẽ không ngần ngại gì lập một nước không thần phục Mông cổ nữa. Thế là Mông cổ bị cắt làm 5 nước: Kim trướng, Trung nguyên, Nãi man, Bắc Liêu, và chính quốc Mông cổ.
Vương quyết định:
– Việc lập hai nước Bắc Liêu, Nãi man cần Địa Lô, Đại Hành theo giúp các Tây thi làm. Ta làm thực mau.
Ghi chú:
Quả nhiên sau này Hốt Tất Liệt lập ra triều Nguyên, tổ chức Mông cổ thành một nước định cư theo kiểu Đường, Tống, bỏ lối sống lều trại. Không những các hãn tại chính quốc Mông cổ nổi lên chống Nguyên, mà các vùng Kim trướng, Bắc liêu, Nãi man cùng chống Nguyên. Khi Hốt Tất Liệt dồn quân nghiêng nước sang đánh Đại Việt lần thứ nhì, đang giao chiến ác liệt. Thoát Hoan, A Lý Hải Nha xin tiếp viện, Vũ Uy vương âm thầm khích Hoài Đô thống lĩnh toàn bộ vùng lều trại, cùng Kim trướng đánh chiếm chính quốc Mông cổ, khiến Hốt Tất Liệt bị sa lầy, không thể quân viện cho Thoát Hoan. Đó là truyện sau.
Tại hành doanh Mông cổ Hợp châu. Nhờ thẻ bài của Đại Hành mà Địa Lô đem bốn nàng Ngọc Kỳ, Ngọc Quốc, Ngọc Trí, Ngọc Cách lọt vào trại Mông cổ. Bốn nàng xưng là tỳ nữ do cha mẹ phi gửi từ Đại Việt sang cho phi. Địa Lô được Đại Hành cho giả làm một Thái giám theo hầu Thanh Liên. Địa Lô yết kiến Thanh Liên, mật tấu:
« – Chị có biết bây giờ địa vị của chị rất quan trọng không?
Thanh Liên chua chát:
– Mông Ca chết rồi, chị trắng tay thì còn gì đâu mà quan trọng?
– Trắng tay thế nào? Ngọc tỷ, lệnh phù, binh phù do chị giữ mà. Bên cạnh chị có 4 đại tướng quân chỉ huy Cấm vệ, trong đó có thằng em Đại Hành kính yêu chị như mẹ. Chị ban lệnh gì nó tuân theo răm rắp. Nếu xẩy ra đụng chạm cá nhân giữa chị với hoàng hậu, phi tần nào thì ai địch lại chị? Tỷ như hoàng hậu hô Cấm quân bắt chị thì bọn chúng không tuân. Ngược lại chị có thể dùng bọn chúng bắt, giết bất cứ kẻ nào cản trở chị. Kể cả hoàng hậu. Đại Hành từng dùng lăng không truyền ngữ cố vấn chị giết tên Đặng Văn làm cho bọn cận thần vỡ mật kinh hồn. Hoàng hậu sợ chị như sợ cọp.
– Chị biết. Bây giờ em muốn chị lạm quyền của Mông Ca phải không?
– Không phải lạm quyền, mà nắm quyền. Chị là con vua Trưng mà. Chị làm vua cũng được chứ đừng nói nắm quyền. Chị sợ gì bọn chúng?
Thanh Liên tỉnh ngộ gật đầu. Địa Lô tiếp:
– Từ trước đến nay chị chưa từng xen vào việc triều đình Mông cổ. Thành ra đối với quý tộc, họ coi chị như một món đồ chơi. Bây giờ chị cần phải huy động cái tinh thần con vua Trưng. Như thế, người ta mới biết chị hết lòng với Mông cổ.
– Em bảo chị nên làm gì?
– Chị là một trong ba người nhận di chiếu của Mông Ca. Hơn nữa ngoài hoàng hậu ra, chị là có nhiều uy tín nhất trong khi Mông Ca còn tại thế. Chị cần lợi dụng cái thế Lan Liên là chánh phi của Ngọc Mộc Hốt Nhi, kéo y ủng hộ những ý kiến của chị. Trong buổi họp sắp tới, thân vương, tướng sĩ chỉ đi họp với vũ khí cá nhân. Bên ngoài là bọn Cấm vệ của chị. Chị phải làm như thế… như thế… Bất cứ thân vương tướng sĩ nào chống lại chị, chị hô Cấm vệ bắt xử tử, hỏi gì mà không xong?
– Như vậy người ta sẽ kết tội chị là gà mái gáy.
– Đó là ý kiến bọn hủ nho. Còn chị, chị là con vua Trưng. Nếu chị là hoàng hậu, thì chị phải nắm quyền như Thái hậu Nãi Mã Chân kia. Tại sao chị không lợi dụng dịp này, thử làm vua cho tỏ mặt con gái Đại Việt. Vua Trưng đuổi Tô Định rồi lên ngôi vua. Chị là con vua Trưng thì tại sao chị không làm vua Mông cổ được?!?!?!
Thanh Liên là một tuyệt thế giai nhân, chỉ biết ca hát với làm đẹp. Nhưng trong thời gian ở Văn sơn, nàng được huấn luyện chủ đạo của tộc Việt. Nghe Địa Lô nhắc. Hùng tâm cuồn cuộn phát tiết. Nàng gật đầu:
– Chị sẽ làm được truyện này. Chị yên tâm vì cạnh chị có bốn tướng chỉ huy Cấm vệ trung thành. Nhất là em, với Đại Hành, hai đứa em mà chị yêu như con.
– Bây giờ chị công khai đem ba cô vợ Việt về cho bọn A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh, Kim Đại Hòa; để ba nàng bắt hồn chúng. Em luôn đi cạnh chị, dùng lăng không truyền ngữ để chị làm Đại Hãn.
Thanh Liên gõ tay lên đầu Địa Lô:
– Chị làm Đại Hãn bù nhìn. Em mới là Đại Hãn, vì em dùng lăng không truyền ngữ sai chị.
– Em đâu dám, chúng ta hành sự cho Đại Việt mà. Chị bảo chị yêu chúng em như con mà. Chị ơi! Chị lấy lệnh phù trao cho Đại Hành. Đại Hành trao cho tên Mật thư sự, bảo y đem chị Hoàng Liên đến đây.
– Ừ nhỉ! Chị làm Đại Hãn trong vụ này thì hay quá.
Nàng lấy lệnh phù trao cho Đại Hành. Không đầy hai khắc Đại Hành dẫn Hoàng Liên tới. Tử đóng kịch:
– Tâu tuyên phi! Thứ phi của Thái sư Ngột Lương Hợp Thai bái kiến Tuyên phi.
Hoàng Liên đã được Đại Hành dặn trước. Nàng quỳ gối:
– Tiện thiếp bái kiến Tuyên phi.
– Bình thân.
Một cung nga đỡ Hoàng Liên ngồi trên ghế. Thanh Liên hỏi:
– Hoàng vương phi. Ta đã biết rõ hết uẩn khúc của phi. Phi là thứ phi của Thái sư. Bây giờ phi có muốn đoàn tụ với người không?
– Thái sư tuyển tiểu tỳ làm thứ phi, mà không chu toàn được cho tiểu tỳ. Vậy tiểu tỳ xin được theo hầu Tuyên phi.
– Được! Từ nay, ta giữ phi ở đây làm bạn với ta.
Các tướng soái từ cấp Vạn phu tại mặt trận phía Tây họp tại hành doanh Hợp châu. Ngồi trên ghế chủ soái là hoàng hậu Hốt Đô Hải, bên trái hậu là thái tử Ngọc Một Hốt Nhi, bên phải là Tuyên phi Thanh Liên.
Hoàng hậu buồn buồn nói:
– Xin báo với các vị thân vương, tướng sĩ. Đêm qua Đại Hãn đã băng hà. Người để lại di chiếu. Hiện diện có tôi, thái tử, Tuyên phi và 5 tướng chỉ huy Cấm vệ là Ô Mã Nhi, Đi Mi Trinh, Đại Hành, Kim Đại Hòa, A Mít Lỗ Tề.
Hậu đưa mắt cho Tuyên phi Thanh Liên. Thành Liên lau nước mắt, rồi nói:
– Tôi được Đại Hãn sủng ái, cho theo hầu hạ trong cuộc chiến diệt Tống. Đại Hãn thường nhắc nhở di chiếu của đức Thái tổ rằng:
Mông cổ hiện trải rộng từ Đông sang Tây. Từ Nam chí Bắc. Con cháu dù cai trị đất nào, nước nào thì cũng phải giữ nguyên luật pháp, phong tục, tổ chức cai trị, quân đội. Bất cứ ai làm khác đi, thì anh em phải diệt kẻ đó. Nếu không giữ nguyên, sẽ lâm vào mỗi vùng một khác, rồi chia thành nhiều nước. Một nước Mông cổ thì to lớn. Nhiều nước thì bé đi. To lớn thì trường tồn. Nhỏ bé thì sẽ bị đánh chiếm.
Di chúc này các vị đều biết.
Phi nói lớn:
– Đại Hãn than: Trong ba anh em của người thì Hốt Tất Liệt có tài năng nhất. Nhưng Hốt Tất Liệt không được lòng các thân vương, các quý tộc. Hốt Tất Liệt cô đơn tại Hoa lâm. Người sai Hốt Tất Liệt đem quân diệt Tống. Hốt Tất Liệt xóa bỏ hết tổ chức chính trị, quân đội, dùng Hán pháp, tổ chức vùng đất Trung nguyên thành một nước như Hán, Đường, Tống. Dĩ nhiên Hốt Tất Liệt được người Hán theo. Y dự quay mặt lên Bắc, mưu biến Mông cổ thành một tiểu quốc, để người Hán cai trị. Cho nên trong lúc hấp hối, người để lại di chúc như sau. Tôi để thái tử truyền đạt.
Thái tử Ngọc Mộc Hốt Nhi tiếp lời phi:
– Phụ hoàng di chiếu như sau:
Một đời Thái tổ Thành Cát Tư Hãn xông pha trận mạc, lập thành nước Mông cổ. Phụ thân Đà Lôi từng chinh chiến khắp Đông Tây. Vì vậy khi ta lên ngôi, phải theo gương các người mà xông pha trận mạc. Chẳng may ta trúng phục binh, bị thương nặng. Bây giờ ta biết mình không còn sống được nữa. Ta để di chiếu lại: Người kế vị ta là A Lý Bất Ca, mà ta đã trao quyền, khi thân chinh. Hai con ta Cáp Thiết Sáp Nhi, Ngọc Mộc Hốt Nhi, còn quá trẻ không thể thay ta được. Ta biết, Hốt Tất Liệt vốn gian manh, từng muốn khuynh đảo, chiếm ngôi Đại Hãn. Y muốn dùng Hán pháp thay thế những gì đức Thái tổ, Thái tông đã kiến tạo. Bây giờ ta chết, y cầm quân nghiêng nước ắt sẽ tranh ngôi với A Lý Bất Ca. Y thành công thì chỉ cần 50 năm người Mông cổ sẽ thành người Hán. Nước Mông cổ sẽ không còn nữa, mà là chư hầu của Hán. Vậy hoàng hậu với hài nhi phải đem di chiếu của ta công bố, để cho A Lý Bất Ca có chính nghĩa. Tạm thời ngọc tỷ, binh phù, lệnh phù, cây cung di vật của Thái tổ do Tuyên phi Thanh Liên giữ. Tuyên phi sẽ trao tận tay cho A Lý Bất Ca.
Ghi chú
Quả nhiên, sau khi Hốt Tất Liệt thắng A Lý Bất Ca, thành lập triều Nguyên, biến Mông cổ thành thuộc quốc. Không đầy 50 năm sau, Mông cổ bị đồng hóa. Nay là vùng Nội mông.
Tuyên phi hỏi:
– Công đức của Thái tổ vĩ đại vô cùng. Sinh thời Đại Hãn đãi các vị không bạc. Không biết các vị có tuân di chiếu của Đại Hãn không?
Các tướng cùng dơ tay tỏ ý trung thành.
Một tướng tên Cap Nhĩ Thiết phản đối:
– Không! Tôi không tuân di chiếu đó.
Không thấy hoàng hậu, thái tử nói gì, Thanh Liên nghĩ:
– Ta là con vua Trưng! Ta không hèn. Ta phải chủ động.
Phi hỏi:
– Lý do nào tướng quân phản đối?
Cáp Nhĩ Thiết nói lớn:
– Đại Hãn Mông Ca được kế vị, do là con trưởng của Tiên đế. Nay Đại Hãn băng hà thì Đại vương Hốt Tất Liệt là con thứ nhì phải được nối tiếp chính thống. Có đâu A Lý Bất Ca là con thứ ba được ngồi vào ngôi bảo tộ? Lại nữa, hiện quân nghiêng nước do Đại vương Hốt Tất Liệt thống lĩnh. Bách quan, thì trăm người có đến 99 đều tuân phục người.
Y chỉ vào hoàng hậu, tuyên phi:
– Khẩu thiệt vô bằng. Di chiếu của Đại Hãn do hoàng hậu, tuyên phi, thái tử thuật lại không có giá trị. Ba người này bịa ra di chúc miệng. Vậy chúng ta phải phế bỏ ba người này, chỉnh bị đội ngũ, chờ Đại vương Hốt Tất Liệt lên ngôi, rồi diệt Tống.
Thanh Liên quát:
– Người dám bảo hoàng hậu, thái tử với ta bịa ra di chiếu ư?
– Bịa hay không thì các vị cứ suy ra sẽ biết. Hoàng hậu là người Nga La Tư. Thái tử là lai giống. Tuyên phi là người Man Việt. Như vậy thì ai tin rằng ba người trung thành với Mông cổ?
Nhục mạ cá nhân, Thanh Liên có thể chịu được, bây giờ trước quần thần, phi bị một viên tướng nhục mạ Đại Việt là Man Việt. Thanh Liên nổi giận, quát:
– Người không được vô lễ. Võ sĩ đâu?
Đi Mi Trinh cùng 10 Cấm vệ bước vào.
– Cáp Nhĩ Thiết buông lời đại bất kính với hoàng hậu, với thái tử. Phải tội xử trảm. Hãy đem ra viên môn chặt đầu.
Cáp Nhĩ Thiết rút đao ra:
– Ai có gan thì bắt ta.
Đi Mi Trinh vung đao xả xuống đầu Cáp Nhĩ Thiết. Choảng một tiếng, đao của Cáp Nhĩ Thiết bị văng lên không. Tiếp theo đầu y bay khỏi cổ.
Tuyên phi Thanh Liên lạnh lùng nói lớn:
– Như vậy kể từ lúc này, Đại Hãn của Mông cổ là A Lý Bất Ca. Chúng ta chờ đại hội Quý tộc thông qua nữa là xong.
Tuyên phi ban chỉ:
– Đại Hãn mới băng hà! Quân tại Bồ lăng, Trường thảo bị tan rã. Đại vương Xích Nhân Thiết Mộc Nhi, Mục Tương Ca bại trận. Tại Hợp châu, ta chỉ còn hai vạn người, lương thực tuyệt. Vậy đại vương Xích Nhân Thiết Mộc Nhi cho rút quân khỏi Ích châu, về đóng tại Hàm dương, chờ A Lý Bất Ca lên ngôi Đại Hãn, sẽ quyết định đánh Tống như thế nào. Tất cả các đạo quân tại Tứ xuyên này đặt dưới quyền đại vương Mật Lý Hỏa Giả rút về Trường an nghỉ dưỡng sức.
Các tướng Mông cổ sau một thời gian chinh chiến gian nan, lúc thắng lúc bại. Bây giờ Mông Ca chết. Người người đều nản. Nay Tuyên phi ban chỉ rút quân, là điều mà họ không dám ước mơ.
Trở về soái lều, Địa Lô bàn với Đại Hành:
– Chú năm, dù ba tướng A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh, Kim Đại Hòa là người của ta, nhưng mình vẫn phải cẩn thận. Chú lấy lệnh phù của chị, dùng Thị vệ của chú canh phòng quanh soái trại. Ngay trong trướng của chị Thanh Liên, thì có chị Hoàng Liên hộ tống. Kiếm thuật của chị ấy không dễ ai phạm gía chị Thanh Liên được. Ngay ngày mai chúng ta cùng bọn A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh, Kim Đại Hòa hộ tống tử quan của Đại hãn, hộ giá Thái hậu lên đường về Hoa lâm. Em sẽ viết biểu khải với Vũ Uy vương chư sự ở đây.
Tại Hoa lâm, vào một buổi sáng sớm Huyền Liên thấy chim ưng bay lượn trên cao, biết có thư từ Đại Việt sang. Nàng thổi còi gọi xuống, lấy thư ra đọc. Đó là thư của Thanh Liên, có kiềm thự Ngọc tỷ của Mông Ca:
« Em ơi! Chị báo cho em một tin kinh khủng. Đêm qua Đại Hãn băng rồi. Người để di chiếu lại cho A Lý Bất Ca thay người. Trong khi ngựa trạm chưa mang thư của hoàng hậu báo cho A Lý Bất Ca. Em phải họp: Tử Liên, Lan Liên, Thúy Trang, Thúy Nga, Thanh Nga lại, báo cho biết hung tin. Thúy Trang thúc Hoài Đô họp đại hội Quý tộc tôn A Lý Bất Ca lên làm Đại Hãn. Còn Tử Liên thúc Cáp Thiết Sáp Nhi. Thúy Nga thúc A Lan Đáp Nhi, Thanh Nga thúc Ngột A Đa. Tất cả phải vận động Quý tộc theo A Lý Bất Ca. Sau đó ban chỉ đi khắp các mặt trận, báo cho các tướng biết. Mọi việc phải nhanh chóng, bằng như chậm trễ e Hốt Tất Liệt nắm hết binh tướng thì nguy.”
Đọc thư xong, Huyền Liên sai Thị vệ đi mời Tử Liên, Lan Liên, Thúy Trang, Thúy Nga, Thanh Nga đến dinh họp. Mọi người tề tựu, nàng nói:
– Báo cho các em biết, Đại Hãn băng tại Hợp châu. Hoàng hậu, thái tử Ngọc Mộc Hốt Nhi, tuyên phi đang mang tử quan về. Hiện nay triều đình chưa biết. Vì vậy chị họp các em ở đây để lo thân mình trước.
Thúy Trang kinh hoảng:
– Không biết Đại Hãn có để di chiếu lại không? Ai sẽ kế vị người?
– Thư của chị Thanh Liên nói rằng người để di chiếu cho A Lý Bất Ca kế vị. Hội đồng thân vương, tướng lĩnh họp tại Hợp châu thề trung thành với di chiếu.
Thúy Nga cương quyết:
– Dù sao thì chị em chúng mình cũng phải chủ động trong vụ này. Bằng không thì mất mạng hết. Ngay hồi Đại Hãn còn tại thế mà Hốt Tất Liệt nghe lời mưu sĩ, muốn khuynh đảo Đại Hãn. Huống hồ bây giờ Đại Hãn băng, đúng lý thì y là con thứ của tiên đế, y phải được kế vị. Thế mà Đại Hãn lại để di chiếu cho A Lý Bất Ca là con thứ ba. Tất nhiên Hốt Tất Liệt sẽ không tuân di chúc, mà kéo quân về đây tranh ngôi. Chúng ta phải thúc chồng giúp A Lý Bất Ca nắm lấy quyền. Chậm trễ e Hốt Tất Liệt chiếm tiên cơ thu hết binh tướng thì nguy vô cùng. Người mà Hốt Tất Liệt phải trừ đầu tiên là A Lý Bất Ca. Sau đó đến Ngọc Mộc Hốt Nhi, Cáp Thiết Sáp Nhi.
Thúy Trang tiếp:
– Y cũng sẽ trừ A Lan Đáp Nhi, Ngột A Đa, Lưu Thái Bình về tội cầm đầu Câu khảo cục, thu binh quyền y tại Trung nguyên. Dù y có không thù thì chân tay của y cũng tìm cách trả thù.
Thanh Nga bình tĩnh hơn:
– Bây giờ Thúy Trang thúc Hoài Đô chuẩn bị tổ chức đại hội Quý tộc, tôn A Lý Bất Ca lên làm Đại Hãn. Thúy Nga, Thanh Nga thúc A Lan Đáp Nhi, Ngột A Đa gửi chiếu lệnh tới tất cả các Thân vương, tướng lĩnh chỉ tuân chỉ A Lý Bất Ca mà thôi.
Huyền Liên cầm thư đến tẩm phòng của A Lý Bất Ca, đánh thức chồng dậy. Như thường lệ mỗi khi Huyền Liên đánh thức dậy, A Lý Bất Ca ôm lấy hai đùi nàng. Hôm nay y kéo nàng ngã xuống dường rồi hỏi:
– Nàng cho ta ngủ thêm một lát nữa được không?
– Đại sự đến rồi! Đại vương không còn một khắc để ngủ đâu!
A Lý Bất Ca ngồi dậy:
– Cái gì đã xẩy ra?
– Đại Hãn băng rồi!
A Lý Bất Ca kinh hoảng:
– Tin ở đâu vậy?
– Tin do Tuyên phi chuyển về. Hiện tử quan của Đại Hãn do hoàng hậu, tuyên phi, thái tử hộ tống, đang trên đường về Hoa lâm.
A Lý Bất Ca gọi một thái giám:
– Người sang dinh của tể tướng A Lan Đáp Nhi, phó tể tướng Ngột A Đa nói rằng có chỉ dụ của ta, phải báo động, đem bốn vạn kị binh phong tỏa bốn cửa thành Hoa lâm, rồi thiết triều ngay.
Viên thái giám vừa cất bước đi thì A Lý Bất Ca biết Thúy Nga, Thanh Nga võ công cao cường, y gọi giật lại:
– Người nói với A Lan Đáp Nhi, Ngột A Đa rằng buổi thiết triều có thể nguy hiểm, vậy hai người nên mang phu nhân theo. Các phu nhân cần đeo vũ khí phòng thân.
Các quan chức triều đình Mông cổ gồm đủ mọi loại người: gốc Thảo nguyên, gốc Tây vực (châu Âu, Trung Đông), Tây hạ, Trung hoa, Cao ly, Tây tạng, Đại lý, Hồi cương. Mỗi khi thiết triều có từ 2 trăm đến 3 trăm người.
Hôm nay họ nghe tiếng tù và rúc, thúc dự buổi thiết triều khẩn cấp, thì biết rằng có biến cố quan trọng lắm.
Liếc mắt họ thấy có sự hiện diện người thứ phi xinh đẹp của A Lý Bất Ca, các chánh phi của tể tướng A Lan Đáp Nhi, Ngột A đa. Hai chánh phi của hai hoàng tử Cáp Thiết Sáp Nhi, Ngọc Mộc Hốt Nhi.
Nghi lễ tất.
Tể tướng A Lan Đáp nhi nói lớn:
– Đại vương A Lý Bất Ca triệu hồi chúng ta thiết triều khẩn cấp vì đại sự xẩy ra: trong trận đánh tại Hợp châu, Đại Hãn bị trúng phải hai viên đá, bị trọng thương. Sau ba ngày điều trị, người băng hà. Người để lại di chúc cho hoàng đệ A Lý Bất Ca thay người làm Đại Hãn.
Một thân vương, cháu của Sát Hợp Đài hỏi:
– Di chúc của người là di chúc viết hay di chúc miệng?
– Di chúc miệng. Vì Đại Hãn bị thương nặng không ngồi dậy được.
– Rắc rối đấy. Chúng ta đều tin lời hoàng hậu, tuyên phi, thái tử. Nhưng Hốt Tất Liệt sẽ không ngại ngùng gì mà không bác bỏ di chúc, rồi cãi rằng khẩu thiệt vô bằng. Mưu sĩ của ông ta sẽ xúi ông đem quân làm loạn.
Hoài Đô phát biểu:
– Chúng ta đợi tử quan* của Đại Hãn về, làm lễ phát tang, triệu tập đại hội quý tộc rồi tôn A Lý Đáp Ca lên ngôi Đại Hãn. Ngay bây giờ tể tướng phát binh phù đi khắp các chư hầu, thân vương, các tướng lĩnh: giữ vững quân lữ. Đợi chỉ dụ của triều đình. Cần đem đại quân đi đón tử quan của Đại Hãn.
Ghi chú,
* Tử quan, quan tài của vua chúa. Hồi xưa quan tài của vua chúa làm bằng gổ Tử, nên gọi là Tử quan. Sau này dù quan tài của vua chúa bằng gỗ gì hay bằng đồng, bằng thiếc cũng gọi là Tử quan.
A Lan Đáp Nhi trao binh phù cho hoàng tử Cáp Thiết Sáp Nhi:
– Hoàng tử mang một Vạn phu kị binh, đi đón tử quan của Đại Hãn. Tôi tăng viện cho hoàng tử Tham tri chính sự Ngột A Đa. Nếu Hốt Tất Liệt đem quân cướp tử quan thì giết không tha.
Cáp Thiết Sáp Nhi, cùng Ngột A Đa dẫn một vạn kị binh đi đón tử quan của Đại Hãn Mông Ca. Y đem theo cả thái tử phi Tử Liên, cùng vợ của Ngọc Mộc Hốt Nhi là Lan Liên. Ngột A Đa cũng mang Thanh Nga theo. Ba nàng mặc võ phục, lưng đeo kiếm. Viên vạn phu trưởng tên Tô Gô Ta, tuổi đã lớn.
Đoàn người ngựa đi được 2 ngày, thì viên bách phu đi đầu quay ngựa lại cáo với Cáp Thiết Sáp Nhi:
– Thưa hoàng tử phía trước có một đạo kị binh đi ngược chiều với chúng ta.
Ngột A Đa ban lệnh:
– Dàn thành trận thế chờ đợi.
Nói rồi A Đa cùng Thanh Nga vọt ngựa lên phía trước: rõ ràng là kị binh Mông cổ, nhưng không đông lắm. Khoảng một khắc đội kị binh ấy tới. Thì ra Cấm quân hộ tống linh xa Đại Hãn. Viên tướng dẫn đầu chính là Đi Mi Trinh.
Ngột A Đa cầm tù và thổi một hồi dài, đó là tín hiệu hai đạo kị binh gặp nhau. Ngột A Đa, Thanh Nga, cùng với Cáp Thiết Sáp Nhi, Tử Liên, Lan Liên dừng ngựa hai bên đường chờ đợi. Đoàn hộ tống linh xa chia làm 5 đoạn. Đoạn đầu do Đi Mi Trinh chỉ huy gồm có bách phu Cấm quân của y. Phía sau là bách phu của Kim Đại Hòa, có xe chở tử quan. Bách phu thứ ba của Ô Mã Nhi có xe của hoàng hậu. Bách phu thứ tư của Đại Hành có xe của Tuyên phi Thanh Liên với Hoàng Liên. Cuối cùng là bách phu của A Mít Lỗ Tề.
Đi Mi Trinh là cậu ruột của Cáp Thiết Sáp Nhi, y vẫy Tử Liên, Lan Liên cùng hành lễ với ông cậu:
– Triều đình sai chúng cháu đi cung nghinh tử quan của phụ hoàng.
Ngột A Đa, Cáp Thiết Sáp Nhi tới xe của hoàng hậu vấn an, rồi theo phò cạnh xe chở tử quan. Đoàn người ngựa tiếp tục lên đường. Tới một khu đồng bằng, Tuyên phi Thanh Liên ra hiệu ngừng lại. Ngột A Đa cho dàn vạn phu thành trận, bảo vệ linh xa. Công đứng bên linh xa với tất cả thành kính. Mông Ca là người trọng dụng công, tin tưởng công, cất nhắc công lên tới phó Tể tướng. Bây giờ âm dương cách trở, lòng công đau như dao cắt.
Tử Liên, Lan Liên, Thanh Nga xúm lại quanh Thanh Liên, Hoàng Liên vấn an, truyện trò. Ba người kinh ngạc khi thấy Địa Lô hiện diện trong y phục thái giám hầu Tuyên phi Thanh Liên. Nhưng không dám hỏi han gì cả.
Không có Ngột A Đa bên cạnh, Thanh Nga trêu Địa Lô:
– Thế nào, Nam thiên đệ nhất mỹ nam tử! Công chúa Như Lan có được khỏe mạnh không? Người chuẩn bị lưỡi mà trả lời vương phi A Lan Đáp Nhi về vụ tại sao để mất Vương Chân Phương đấy nhé!
Địa Lô thấy cô em này bây giờ đã hăm ba, hăm tư tuổi, làm đại phu nhân mấy năm rồi mà tính tình vẫn như xưa. Tử trêu lại:
– Có một con voi khổng lồ, ngày nào cũng ra quán Thiên thư tìm lại bóng dáng người vợ. Thế nhưng người xưa bây giờ đang là đại phu nhân, quên tiệt con voi rồi.
Tử nói với Ngọc Hồng:
– Em hát lại bài hát của công chúa Thúy Hồng khi qua quán Thiên thư đã hát đi.
Nói rồi Tử lấy cây nhị trên lưng kéo, Ngọc Hồng đánh trống mảnh, cất tiếng ca theo điệu Quan họ. Ngọc Hồng dứt thì Địa Lô chuyển sang điệu hát Xẩm:
Xưa kia nói nói, thề thề!
Bây giờ bẻ khóa trao chìa cho ai?
Bây giờ nàng đã nghe ai,
Gặp anh ghé nón, chạm vai chẳng chào?
Bây giờ nàng ở phương nào,
Anh về chốn cũ, biết bao đau lòng.
Địa Lô dứt, thì Thanh Nga bật lên tiếng khóc:
– Anh ơi! Em không hề phụ anh. Tuy vạn dặm cách trở, nhưng có bao giờ em quên anh đâu!
Ngọc Hồng tội nghiệp cho Thanh Nga. Nàng nói nhỏ:
– Khi Thiên trường ngũ ưng về nước thì ông nội Thủ Độ mắng rằng: các anh ấy tồng ngồng cả rồi mà không chịu lấy vợ. Ông dùng quyền trưởng tộc Đông a bắt các anh ý lấy vợ ngay. Đức vua, hoàng hậu tổ chức lễ cưới cho cả năm anh.
– Thế cô dâu là??!!??!!
– Cô câu Dã Tượng là chị Thúy Hồng. Cô dâu Yết Kiêu là chị Vương Chân Phương. Cô dâu Cao Mang là chị Kha Li Đa. Cô dâu Đại Hành là chị Võ Cẩm Nhãn. Cô dâu Địa Lô là em.
Nhìn nét mặt Thanh Nga tái xanh, Ngọc Hồng đã nghe, đã hiểu về mối tình của Thanh Nga với Dã Tượng, nàng nhanh trí, thở dài:
– Chị hạnh phúc thật. Chị lấy chồng đã 6-7 năm, mà anh Dã Tượng vẫn thương thương, nhớ nhớ chị. Anh Dã Tượng lấy vợ đẹp, võ công cao, mà nào có quên được chị? Anh ấy vẫn cứ ngày đêm tơ tưởng đến chị. Khi qua quán văn Thiên thư, anh ấy vào quán uống nước mà cứ thở dài thườn thượt.
Nghe Ngọc Hồng nói mặt Thanh Nga tươi lên ngay:
– Thì ra anh ấy vẫn không quên mình.
Giữa lúc đó có tiếng quân reo, tiếng ngựa hý, rồi kị mã hàng hàng lớp lớp phi tới.
Ngột A Đa ra lệnh cho 5 tướng chỉ huy Cấm quân:
– Dàn ra bảo vệ tử quan, hoàng hậu, tuyên phi và hai hoàng tử.
Chính công ra lệnh dàn vạn phu của mình thành trận thế, rồi công với Thanh Nga tay để lên đốc kiếm, đứng trước hàng quân.
Đạo binh mới tới do bốn tướng chỉ huy, mà công từng biết rất rõ. Đó là Lý Hằng, Lý Quán, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu. Viên vạn phu trưởng của bọn này tên Mã Tô Ben. Y chính là con của Tô Gô Ta. Hai cha con gặp nhau, trao đổi truyện.
Công hỏi:
– Bốn vị tướng quân đi đâu đây?
Lý Hằng hành lễ:
– Thưa ngài Tham tri chính sựï, tiểu tướng tuân chỉ Đại vương Hốt Tất Liệt đi đón linh xa của Đại Hãn.
Ngột A Đa biết rõ vụ này ra sao rồi. Công tảng lờ:
– Thế thì hay quá. Chúng tôi cũng được chỉ dụ của Đại Hãn đi đón linh xa. Tướng quân về thưa với Đại vương rằng không dám phiền Đại vương. Triều đình đã lo liệu vụ này rồi.
Lưu Hắc Mã hỏi:
– Đại Hãn băng hà thì Đại vương Hốt Tất Liệt sẽ kế vị. Người là chủ tang lễ. Vậy phiền Tham tri chinh sự cùng hộ tống tử quan về Yên kinh với chúng tôi.
Hoàng hậu Hốt Đô Đài từ sau bước ra:
– Chúng ta là thần tử Mông cổ. Đại Hãn băng thì đưa linh xa về Hoa lâm an táng. Có đâu đem về Yên kinh. Bốn vị hãy theo hộ tống tử quan cùng chúng tôi.
Bốn tướng đưa binh phù ra:
– Chúng tôi chỉ biết tuân chỉ của Đại vương Hốt Tất Liệt mà thôi!
Ô Mã Nhi tâu với hoàng hậu:
– Nương nương! Từ hôm Đại Hãn băng đến nay thần có nhiều thắc mắc. Hôm nay mới dám tâu với nương nương. Hiện thần dân khắp thiên hạ đều hướng về Đại vương Hốt Tất Liệt cả. Nay Đại vương sai tướng nghênh đón linh xa, là đúng với luật lệ. Khi tiên vương băng, thì Đại Hãn là con cả đương nhiên kế vị. Nay Đại Hãn băng, Đại vương Hốt Tất Liệt là con thứ phải được kế vị, chứ có đâu A Lý Bất Ca là con út mà lên thay?
Đại Hành biết Ô Mã Nhi là người thân tín của Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt sai y đem một đội Cấm quân người Hán, toàn là cao thủ võ lâm theo hộ vệ Mông Ca. Nhưng thực ra để chờ thời cơ sẽ trở mặt; thì bây giờ y trở mặt cũng không có gì lạ. Có điều võ công y cao thâm không biết đâu mà lường.
Xe của Tuyên phi Thanh Liên đã tới. Phía sau phi là bốn giai nhân Ngọc Kỳ, Ngọc Quốc, Ngọc Trí, Ngọc Cách với Hoàng Liên.
Phi ngọt ngào nói với Ô Mã Nhi:
– Này tướng quân. Chính tướng quân từng nghe kim khẩu của Đại Hãn di chúc cho A Lý Bất Ca lên thay, thì không thể thay đổi. Có thể nói, tướng quân là một trong những người nhận di chúc của Đại Hãn mà!
Lưu Hắc Mã biết mình đuối lý, y hướng viên vạn phu trưởng phất tay, ra lệnh bao vây đoàn hộ tống. Viên vạn phu trưởng trì nghi nhìn cha. Tô Gô Ta lắc đầu. Hai bên đều không muốn dàn quân đánh nhau.
Thanh Liên đưa cây cung của Thành Cát Tư Hãn mà hồi sinh tiền ông thường dùng. Sau truyền lại cho con là Oa Khoát Đài. Phàm tướng sĩ Mông cổ thấy cây cung này như thấy ông. Thanh Liên biết Tô Gô Ta với Mã Tô Ben là cha con. Phi hướng hai vạn phu trưởng:
– Thấy cung này như thấy đức Thái tổ. Hai người đều là tướng của Mông cổ. Quân của hai người đều là những người gốc Mông cổ. Tuyệt đối không thể để người nhà giết nhau.
Lý Hằng biết rằng mình không đoạt được linh xa thì cũng phải đoạt được ngọc tỷ, lệnh phù, binh phù. Y hỏi hoàng hậu:
– Nương nương! Ngọc tỷ, lệnh phù, binh phù, cung lệnh của Đại Hãn do ai giữ?
Ô Mã Nhi chỉ Thanh Liên:
– Do Tuyên phi giữ tất cả.
Lý Hằng không coi Thanh Liên ra gì, y hỏi:
– Ngọc tỷ, lệnh phù, binh phù, cung lệnh là quốc uy! Phi không thể, không nên giữ. Xin phi trao cho tôi!
Chợt y thấy phía sau phi có bốn giai nhân tuổi khoảng 16-17 đẹp tuyệt thế, đó là bốn nàng Ngọc Kỳ, Ngọc Quốc, Ngọc Trí, Ngọc Cách; khiến y bủn rủn cả chân tay. Y tưởng đâu bốn nàng là mỹ nữ của Mông Ca. Y than thầm:
– Mẹ cha nó! Bà phi này đã đẹp, mà bốn con nhỏ này còn đẹp hơn. Đại hãn chết rồi, thì ta phải xin với Đại vương Hốt Tất Liệt gả cho ta một trong bốn con này, rồi có tan xương nát thịt cũng cam tâm.
Nhưng Thanh Liên mắng y:
– Người lấy tư cách gì mà đòi Ngọc tỷ với lệnh phù, binh phù? Người đã biết rằng từ khi Đông chinh, ta luôn theo hầu cạnh Đại Hãn. Đại Hãn trao cho ta giữ Ngọc tỷ với lệnh phù, binh phù. Khi Đại Hãn băng, ta là một trong ba người nhận di chúc, thì ta phải trao lệnh phù, binh phù, Ngọc tỷ cho người kế vị Đại Hãn. Mi không được vô lễ.
Lý Hằng biết rằng hôm nay không dụng võ e không xong. Y tính toán: bên y có 4 người, thêm Ô Mã Nhi là 5. Còn bên địch có Ngột A Đa, Đi Mi Trinh, A Mít Lỗ Tề, Kim Đại Hòa, Đại Hành như vậy lực lượng ngang nhau. Song Ô Mã Nhi, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu là những đại cao thủ thừa sức đàn áp Đi Mi Trinh, A Mít Lỗ Tề. Y chỉ ngại có Kim Đại Hòa, Đại Hành với Ngột A Đa mà thôi. Suy nghĩ kỹ, y nói:
– Tuyên phi! Nếu phi không trao lệnh phù, binh phù, Ngọc tỷ ra thì tiểu tướng phải vô phép với phi!
Thanh Liên quát:
– Người định dùng võ với ta ư? Người có bản lĩnh gì thì cứ đem ra!
Thấp thoáng một cái, Lý Hằng xẹt tới chụp cái hộp trên xe Thanh Liên. Nhưng tay y chưa chạm vào hộp thì một mũi kiếm chĩa vào cùi chỏ phải. Nếu y tiếp tục thì cùi chỏ bị tiện đứt. Y kinh hoàng nhìn: một thiếu phu sắc nước hương trời đứng cạnh Tuyên phi đã xuất thủ. Y nhận ra nàng, nàng là thứ phi của Ngột Lương Hợp Thai. Trong trận đánh ở điện Quang minh mấy năm trước, nàng từng đả bại đệ nhất kiếm khách Trần Hy Hà của Tây hạ. Dường như nàng bị mù. Y nhảy lùi lại, rút kiếm đưa đến véo một tiếng vào cổ nàng. Nàng không thu kiếm về đỡ, mà đưa kiếm vào ngực y. Chiêu số thần tốc vô cùng. Nàng ra tay sau, mà tới trước. Y hét lên một tiếng, lộn liền hai vòng ra sau, mong thoát khỏi kiếm của nàng. Nhưng khi chân y vừa chạm đất thì nàng cũng di chuyển theo. Thủy chung mũi kiếm vẫn chỉ vào ngực y. Thiếu phụ nói lạnh như băng:
– Người vô phép với Tuyên phi. Nếu bây giờ ta nhả kình lực thì mũi kiếm sẽ xuyên thủng ngực người.
– Tôi xin khuất phục.
Lý Quán đã nhận ra Hoàng Liên:
– Phải chăng người là người thứ phi của Thái sư Ngột Lương Hợp Thai, đã đả bại chánh phi Trần Hy Hà trong điện Quang minh ở Yên kinh?
– Đúng vậy.
Biết rằng Hoàng Liên mù, lại đang mải nói, Lý Hằng sẽ trầm người, rồi xê dịch tới chụp chiếc hộp trước mặt Thanh Liên. Nhưng y cảm thấy ngộp thở rồi một kình lực úp lên đầu y. Kinh hãi y thu tay lại vung ra sau đỡ. Binh một tiếng, người y bật lùi lại ba bước. Y nhìn lại, kẻ đánh y là Đại Hành.
Y quát:
– Phi mã đại tướng quân! Người không nên can thiệp vào truyện này.
Y nói với A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh, Kim Đại Hòa:
– Ba vị tướng quân. Ba vị là người hộ vệ Đại Hãn. Bây giờ Đại Hãn băng rồi, ba vị hãy theo phò đại vương Hốt Tất Liệt thì cái tước hầu, các chức đại tướng quân chỉ có thăng chứ không mất. Ba vị hãy khoanh tay đứng ngoài thì hơn.
Ô Mã Nhi, Lý Hằng, Lý Quán, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu dàn hàng ngang trước xe của Thanh Liên. Còn Hoàng Liên, Ngột A Đa, Đi Mi Trinh, A Mít Lỗ Tề, Kim Đại Hòa, Đại Hành dàn hàng ngang đối diện với bọn Lý Hằng.
Thanh Liên nói với 10 tướng:
– Mười vị tướng quân! Tôi thâm cảm lòng trung của 10 vị. Tôi không muốn những tinh hoa của Mông cổ chém giết nhau. Nếu 10 vị đấu với nhau, e có ít nhất 4-5 người chết. Tôi không đang tâm nhìn cảnh này.
Phi thở dài:
– Thôi thì Đại vương Hốt Tất Liệt muốn lấy lệnh phù, binh phù, Ngọc tỷ tôi xin trao cho đại vương. Các vị không cần tổn hao nguyên khí.
Tất cả mọi người, hai phe đều kinh ngạc về thái độ của Thanh Liên thay đổi quá nhanh. Phi nói với Lý Hằng:
– Trấn viễn đại tướng quân! Bây giờ tôi để hộp đựng lệnh phù, binh phù, Ngọc tỷ trước tử quan Đại Hãn, các vị tới trước linh xa làm lễ, rồi mang đi.
Nàng ra lệnh cho Địa Lô:
– Người hãy đốt hương liệu đi.
Vì vận chuyển đường xa đã 4 ngày, thi hài Mông Ca bắt đầu phân hủy, xì hơi ra ngoài tử quan, hôi thối kinh khủng. Vì vậy 4 góc xe, đều có bốn lư hương đốt hương liệu. Địa Lô tuân chỉ, đem hương liệu đổ đầy bốn lư hương rồi đốt. Khói bốc lên đầy đặc quanh xe.
Thanh Liên bưng hộp vàng và cung lệnh tới trước tử quan. Hoàng Liên lạnh lùng cầm kiếm theo bên cạnh. Phi vái ba vái rồi để chiếc hộp, cây cung ngay trước bài vị, rồi lui lại sau:
– Đấy các vị làm lễ rồi mang di vật đi.
Bọn Lý Hằng xếp hàng trước linh xa, cùng lễ tám lễ. Lễ dứt, Lý Hằng trịnh trọng tiếp cái hộp. Nhưng y cảm thấy trời đất quay cuồng, chân tay vô lực, y ngã xuống. Kinh hoảng y quay lại thì Lý Quán, Ô Mã Nhi, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu cũng ôm đầu quay cuồng rồi ngã lổng chổng. Tất cả vẫn tỉnh táo, nhưng chân tay vô lực.
Ô Mã Nhi thét lên:
– Chúng ta bị trúng độc rồi.
Tuyên phi Thanh Liên ban chỉ:
– Trói 5 tên này lại.
Cấm quân trói 5 người lại.
Ô Mã Nhi than:
– Hỡi ơi! Ta đường đường là đệ nhất dũng sĩ Mông cổ, chỉ huy Cấm quân hầu Đại Hãn. Chỉ vì sơ xuất, bị trúng mưu đàn bà!
Lý Quán nói với Thanh Liên:
– Tuyên phi! Nam nhi đại trượng phu hành sự phải quang minh chính đại. Phi dùng hương liệu độc bắt bọn ta. Đây là hành vi của đàn bà, trẻ con. Ta không phục.
Phi cười tươi như hoa:
– Uổng cho tướng quân là một đại tướng cạnh Đại vương Hốt Tất Liệt mà đần quá. Tướng quân còn nhớ chứ, sơ học binh pháp ai cũng phải biết: phàm việc binh thì dùng trí hơn là dùng lực. Ta dùng trí, không đánh một chiêu võ mà bắt bốn tướng như bắt ba ba trong rọ; thì tướng quân còn kêu ca gì?
Phi lắc đầu:
– Còn tướng quân bảo: nam nhi đại trượng phu, hành sự phải quang minh chính đại. Đó là lối nói của bọn hủ nho Trung nguyên. Chúng ta là người Mông cổ chúng ta không cần biết đến lối nói sáo ngữ đó. Còn tướng quân bảo ta là nam nhi đại trượng phu cũng sai nốt. Ta là đàn bà mà!
Phi gọi Tô Gô Ta với Mã Tô Ben lại ban chỉ:
– Hai cha con tướng quân hợp hai Vạn phu lại, cùng hộ tống tử quan về Hoa lâm.
Phi chỉ vào bọn Lý Hằng ban chỉ cho Đi Mi Trinh:
– Đem bốn tên này tới góc núi kia chặt hai chân, hai tay, khoét hai mắt rồi thả về với Hốt Tất Liệt.
Trong bốn tên thì Lý Quán có tài miệng lưỡi. Y nói với Ngột A Đa:
– Tham tri chính sự. Chúng tôi vô phép với Tuyên thái phi chẳng qua cũng vì tuân chỉ của Đại vương Hốt Tất Liệt. Xin ngài nói giúp một câu cứu tính mệnh cho anh em chúng tôi.
Ngột A Đa đưa mắt cho vợ, ngụ ý: em giúp chúng một phen. Thanh Nga đến trước xe Thanh Liên, nàng dùng mắt ra hiệu cho Thanh Liên rồi nói:
– Tuyên thái phi! Bốn người này tuy vô phép với Thái phi, nhưng chặt hai chân, hai tay, khoét mắt thì e nặng quá. Xin Thái phi giảm cho một bậc.
Thanh Liên còn lạ gì tính hay đùa của Thanh Nga. Phi cười nhạt:
– Bọn này to gan, lớn mật mới dám làm càn. Phu nhân thử mổ bụng chúng lấy gan cho ta xem, gan chúng to nhỏ thế nào?
Thanh Nga thấy Thanh Liên hiểu ý mình, nàng rút kiếm quay một vòng rồi chĩa vào ngực trái Ô Mã Nhi:
– Người này là tướng chỉ huy Cấm quân, mà lại phản phúc, e có hai quả tim. Tôi thử mổ bụng xem tim y trước.
Nói rồi nàng sẽ đưa đẩy mũi kiếm vào vào ngực y. Ô Mã Nhi bở vía:
– Đừng! Đừng! Phu nhân đừng thử! Phu nhân mà thử thì nhất định tiểu tướng sẽ chết. Tiểu tướng chỉ có một quả tim thôi.
Ngột A Đa thấy vợ đùa cợt quá đáng. Công nói với Thanh Liên:
– Xin Tuyên thái phi mở lượng hải hà, tha cho 5 tướng một phen. Dù nói cách nào họ cũng là những tướng tài, giết đi thực uổng.
Thanh Liên nhớ lại truyện cũ: hồi Tô lịch thất tiên phạm tội bị xử voi dầy tại Văn sơn. Cả bẩy người được Thúy Nga, Thanh Nga xin Tuyên minh thái hoàng thái hậu giảm án, nên mới sống được đến nay. Vì vậy nàng chỉ mặt bốn tướng:
– Nể lời nói của Tham tri chính sự Ngột A Đa, ta tạm tha cho 5 người. Chờ A Lý Bất Ca lên ngôi Đại Hãn sẽ xử các người sau.
Trời về chiều, Ngột A Đa ra lệnh cho cả đoàn nghỉ qua đêm. Đại Hành xin Tuyên phi cho tất cả nhóm người Việt họp trong một căn lều, để hàn huyên.
Tử Liên chỉ Thanh Liên:
– Hôm nay chị ra oai, làm em cũng sợ đến té dái, vãi phân ra. Đúng là số mệnh, chị em ta bẩy đứa sống với nhau ở Tô lịch, rồi chúng ta trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm với nhau. Có ai ngờ chị thành mẹ chồng của hai đứa này. Em đề nghị: chị nắm lấy quyền lên làm hoàng thái hậu đi. Bọn em cam kết khuyên chồng trung thành với chị.
Thanh Liên cười chua chát:
– Tất cả những gì chị nói, chị làm là do cậu em Khổng Minh non Địa Lô dùng lăng không truyền ngữ sai chị đấy chứ. Chị chỉ là Thiên lôi thôi. Còn cậu em Địa Lô là ông trời.
Địa Lô cãi:
– Dù nói cách nào, thì bây giờ chị cũng là Quốc mẫu Mông cổ. Bọn em là thần tử của chị. Quốc mẫu uy quyền nhất gầm trời. Còn em ư? Em chỉ là một tên tướng nhỏ của Đại Việt. Chị muốn chặt đầu lúc nào mà chả được.
Tử Liên cũng đồng ý với Địa Lô:
– Bây giờ chị là Tuyên thái phi của Thiên quốc Mông cổ, em là dâu của chị đấy.
Thanh Liên cốc sẽ vào đầu Địa Lô:
– Chị không có can đảm chặt đầu đứa em tài hoa của Đại Việt. Em phải cẩn thận, những đứa con gái Việt ở đây đều có địa vị lớn. Hồi trước Thúy Nga đã dùng quyền vương phi gả Vương Chân Phương cho em. Biết đâu Thanh Nga là phu nhân phó tể tướng sẽ kiếm cớ sai Cấm quân nọc em ra đánh vài chục roi.
Đại Hành trêu:
– Chú mày đẹp trai, tài hoa quá nên mang lụy, để ta xui Thanh Nga sai Cấm quân thiến chú mày đi là yên truyện.
Ngọc Hồng nghe Đại Hành nói, nàng thét lên:
– Cái anh này chỉ nói dại thôi! Xí bùm bum cái miệng anh đi.
– Xí bùm bum là cái gì vậy?
Địa Lô giảng giải:
– Giải quái đó!
Thanh Nga gọi ba nàng Ngọc Hạ, Ngọc Tiên, Ngọc Trị, đứng trước mặt ngắm nghía một lúc rồi cười:
– Nghe nói phủ Vũ Uy được Linh từ quốc mẫu ban cho mười con bé tên Ngọc. Ba đứa này đẹp thực. Không biết bẩy đứa kia có đẹp bằng ba đứa này không?
Địa Lô cười:
– Mấy cô tiên này, mỗi người một vẻ, đều đẹp như nhau. Tài ca hát không thua Đông hoa ngũ tiên đâu.
Rồi Tử gọi:
– Ba cô này là hoa có chủ. Còn bốn cô nữa đang phất phơ giữa chợ cũng đẹp như nhau. Nào bốn cô đâu?
Bốn nàng Ngọc Kỳ, Ngọc Quốc, Ngọc Trí, Ngọc Cách cùng bước ra hành lễ.
Thanh Liên hỏi ba nàng Ngọc Hạ, Ngọc Tiên, Ngọc Trị:
– Từ hôm ba em làm vợ các tướng, tình trạng ra sao? Có hạnh phúc không? Ba tướng có dễ sai bảo không?
Ngọc Tiên ngượng ngập:
– Thưa chị, ba người là những tướng hét ra lửa, mửa ra khói, là lúc chỉ huy Cấm quân thôi. Còn lúc trở về với chúng em thì ngoan như con nai tơ, hiền như con thỏ. Cho ăn gì cũng ăn, không chê, không đòi hỏi món này món kia.
Nàng bẽn lẽn:
– Trong phòng the thì chồng em làm nũng, ngày nào cũng đòi ăn. Aên hoài mà không bao giờ mệt. Có ngày ăn đến 4 bữa, làm em mệt đến đi không nổi!
Địa Lô cười:
– Tục ngữ người Việt có câu: đêm bẩy, ngày ba, vào ra không kể mà!
Nàng tiếp:
– Chồng em là người Tây vực. Anh ấy theo đạo Hồi, không dám uống rượu, không ăn thịt lợn. Chúng em nói với nhau bằng tay. Đôi khi bằng tiếng Hoa, nên cuộc sống hay gặp những cái ngộ nghĩnh. Lợi dụng anh ấy say mê em. Em dậy anh ấy tiếng Việt. Em còn dậy anh ấy hát Quan họ nữa. Bây giờ anh ấy nói tiếng Việt kha khá rồi.
Nàng nhăn mặt lắc lắc đầu. Thanh Liên hỏi:
– Tại sao lại nhăn mặt? Lắc đầu?
– Anh ấy hôi lắm. Hôi như con dê vậy.
Mọi người bật cười. Thanh Liên ban chỉ:
– Ở đây có một lương y tài hoa. Em chỉ cần đến trước ông thầy chắp tay xá ba lễ, thầy cho một phương thuốc tẩy thì chồng em sẽ thơm tho ngay chứ khó gì!
Mọi người nhìn Địa Lô. Địa Lô xua tay:
– Hùng uy tướng quân A Mít Lỗ Tề giầu lắm. Ngọc Tiên phải tạ một lễ thực hậu thì anh mới tẩy cho chồng em hết hôi, rồi còn cho thuốc tắm thơm nữa.
Ngọc Tiên tưởng thực, nàng chắp tay xá ba xá:
– Em xin tạ thầy một trăm lượng vàng!
– Được rồi. Chiều nay anh sẽ viết hai đơn thuốc. Một đơn thuốc tẩy hôi, một đơn thuốc tắm thơm. Em bằng lòng chưa? Cười một tiếng đi nào.
Thanh Liên hỏi Ngọc Trị:
– Còn em?
Ngọc Trị nhăn nhó:
– Chồng em là người Nga La Tư, da trắng, nhưng người đầy lông lá như vượn. Anh ấy dậy em học tiếng Nga. Em dậy anh ấy tiếng Việt. Em bắt nạt anh ấy đến mấy, anh ấy cũng vui, chiều em. Anh ấy tham ăn lắm, thích ăn món ăn Việt. Món mà anh ấy thích nhất là giả cầy với chả cá. Anh ấy nói, sau này về già anh ấy theo em sang Đại Việt sống, chứ nước Nga la tư lạnh lắm, quanh năm tuyết phủ.
Thanh Liên hỏi Ngọc Hạ:
– Còn chồng em?
Ngọc Hạ cười tít mắt lại:
– Chồng em đâu phải Mông cổ! Anh ấy mang tên Cao ly, nhưng thực sự là người Việt. Chúng em nói tiếng Việt với nhau. Chúng em ăn cơm Việt không à! Anh ấy cũng nói: sau này có dịp sẽ về Đại Việt thăm lăng tẩm của 8 vị vua triều Lý.
Nhớ lại hồi ở Yên kinh, vương phi Ý Ninh hỏi mình đã gửi gì về báo hiếu bó mẹ chưa, Thanh Nga muốn bắt chước vương phi. Nàng hỏi ba cô Ngọc:
– Từ ngày lấy chồng đến giờ các em đã gửi gì về báo hiếu song thân chưa? Các em có nhớ song thân không? Hay là hạnh phúc rồi quên béng cha mẹ tại quê nhà, ngày ngày mỏi mắt nhớ con.
Ba nàng Ngọc nhìn nhau, mắt đỏ lên như muốn khóc. Ngọc Hạ than:
– Khi gả chồng cho chúng em triều đình đã ban cho bố mẹ chúng em mười nén vàng, lại ban cho 15 mẫu ruộng. Biết rằng song thân không đến nỗi nghèo túng, nhưng chị ơi mỗi khi ăn những miếng ngon, vật lạ, chúng em xót xa trong lòng vì không thể dâng cho song thân. Đúng như chị nói, ngày ngày chúng em nhìn về phương nam, tưởng cha, nhớ mẹ, thương anh chị em. Đấy là nhớ người, còn chúng em nhớ Thăng long với hồ Thủy quân (Hoàn kiếm ), nhớ hồ Tây, nhớ chùa Trấn quốc. Lắm lúc nhớ bánh tôm, nhớ bún riêu, bún ốc, múi mít, nhớ trái khế, nhớ bánh dầy, nhớ bánh giò! Nhớ nhất là nước mắm, mắm tôm!
Ngọc Trị nói với Địa Lô:
– Chồng chúng em cho chúng em không biết bao nhiêu vàng, ngọc. Ông thầy, mấy hôm nữa ông thầy về Đại Việt, ông thầy có thể mang về cho cha mẹ chúng em được không?
– Ba em là người hiếu thảo. Anh sẵn sàng giúp các em báo hiếu. Đạo hiếu là đạo của trời đất mà.
Ba nàng cùng quỳ gối lạy ba lậy. Địa Lô xua tay:
– Giúp các em một chút có đáng gì mà các em phải trọng lễ.
Ngọc Trị nói:
– Ông thầy nói: hiếu là đạo của trời đất. Thầy giúp chúng em báo hiếu thì chúng em phải hành đại lễ chứ!
Thanh Liên nói như ra lệnh cho tất cả các nàng:
– Các em dù ở hoàn cảnh nào cũng phải thúc chồng theo A Lý Bất Ca. Trong cuộc tranh ngôi này nếu Hốt Tất Liệt thắng thì chúng ta chết hết. Còn như A Lý Bất Ca thắng thì chúng ta phải cứu chị Bạch Liên với Hồng Nga, để không bị giết.
Thanh Nga xua tay:
– Nếu Hốt Tất Liệt thắng thì chị Bạch Liên, Hồng Nga phải cứu chúng ta. Hoặc chúng ta trốn về Đại Việt sống. Khi chúng ta lên đường, vương phi Ý Ninh chẳng từng nói rằng chúng ta sang Mông cổ không phải để tìm hạnh phúc, mà vì quốc sự. Nay việc quốc sự đã hoàn thành thì ta về quê sống với cha mẹ. Sống với cây đa đầu làng, sống với cá bống mít, sống với cá rô, sống với chả rươi, sống với giả cầy, sống với na, sống với khế.
Ngột A Đa xua tay:
– Phong tục của Mông cổ khác với Tống, với Đại Việt. Khi Đại Hãn băng, thì trừ chánh cung hoàng hậu ra, các phi tần đều chia cho các con, cháu hoặc các tướng, các thân vương của Đại Hãn. Nếu như Hốt Tất Liệt thắng thì tất nhiên A Lý Bất Ca với bọn này bị giết hết. Bấy giờ y sẽ chia chị Thanh Liên, Huyền Liên, Tử Liên, Lan Liên, Thúy Nga, Thanh Nga dĩ chí mấy cô Ngọc cho bọn tướng sĩ của y. Đừng hy vọng về Đại Việt.
Nghe Ngột A Đa nói, Thanh Liên đưa mắt nhìn tử quan của Mông Ca:
– Mông Ca là người tình của ta. Nhan sắc của ta, ta chỉ dành cho Mông Ca mà thôi. Về Hoa lâm, ta sẽ lên dàn hỏa. Ta đã quyết rồi. Không ai có thể làm cho ta thay đổi ý được.
Hoàng Liên hỏi Thanh Liên:
– Thanh! Bây giờ là lúc uy quyền của em mênh mông. Vậy em giúp chị một phen.
– Ý chị muốn sao?
– Em cho chị trở về Đại Việt. Hôm được em cứu khỏi nhà tù, Địa Lô đã sai chim ưng báo cho chồng chị biết. Chồng chị đã khẩn cầu Vũ Uy vương cho rời Đại lý về Đại Việt. Bây giờ chị muốn về Đại Việt sống với chồng.
– Em sẽ làm theo ý chị.
Sáng hôm sau, khi vừa thức giấc, thì Đại Hành tâu với Thanh Liên:
– Em xin chịu tội với chị. Đêm qua bọn Ô Mã Nhi dùng răng cắn dây cởi trói cho nhau, giết 4 cấm vệ coi tù, trộm ngựa trốn đi mất rồi.
Thanh Liên thương hại cậu em tận tụy. Phi an ủi:
– Thôi, mình có đem chúng về Hoa Lâm thì cũng chẳng ích gì. Để chúng cáo với Hốt Tất Liệt, cho y sớm tự lên ngôi Đại Hãn, rồi đem quân làm loạn thì Tống mới yên, Đại Việt mới yên. Chị không bắt tội em đâu! Em đã hết lòng trung với chị rồi.
Ngột A Đa ra lệnh cho đoàn người lên đường. Chiều hôm ấy qua Trường thành đi vào lãnh thổ Mông cổ. Hai hôm sau khi còn cách Hoa lâm 150 dặm thì A Lý Bất Ca, cùng triều đình đã kéo ra đón. Tử quan được đưa vào một căn lều bằng da lạc đà, đương thời Mông Ca dùng làm nơi thiết triều. Tất cả triều thần cùng phi tần phủ phục quanh tử quan chịu tang.
A Lan Đáp Nhi nói lớn:
– Các vị Hãn, các vị Thân vương, các vị qúy tộc. Trước khi băng, Đại Hãn có ban chỉ cho hoàng hậu, cho tuyên phi, cho hoàng tử Ngọc Mộc Hốt Nhi rằng hoàng đệ là A Lý Bất Ca sẽ kế vị người. Vậy ở đây có hoàng hậu Hốt Đô Đài, có Tuyên phi Tô Kim Huệ, có hai hoàng tử Ngọc Mộc Hốt Nhi, Cáp Thiết Sáp Nhi. Có ai phản đối hoàng đệ A Lý Bất Ca lên ngôi Đại Hãn không?
Bốn người trả lời: không.
A Lan Đáp Nhi lại hỏi:
– Các vị con cháu của tiên vương Truật Xích, có ai phản đối không?
Mười bốn người trả lời không.
A Lan Đáp Nhi lại hỏi:
– Các vị con cháu của tiên vương Oa Khoát Đài, có ai phản đối không?
21 người trả lời:không.
– Các vị con cháu của tiên vương A Tốc Đới có ai phản đối không?
19 người tra lời: không.
– Các vị con cháu của tiên vương Sát Hợp Đài, có ai phản đối không?
23 người trả lời: không.
– Các vị con cháu của tiên vương A Lỗ Hốt, có ai phản đối không?
28 người trả lời: không.
Tuyên phi Thanh Liên ôm hộp đựng lệnh phù, binh phù, Ngọc tỷ và cây cung lệnh ra đứng trước quốc huy là con chim ưng bằng vàng cao đến hơn trượng. Phi gọi:
– Hoàng đệ A Lý Bất Ca.
A Lý Bất Ca đến trước Tuyên phi. Phi nói:
– Hoàng đệ quỳ xuống.
A Lý Bất Ca quỳ gối trước Thanh Liên.
Thanh Liên nói lớn:
– Tôi nhận chỉ dụ từ Đại Hãn Mông Ca, truyền ngôi cho hoàng đệ A Lý Bất Ca. Vậy hoàng đệ hãy nhận lệnh phù, binh phù, Ngọc tỷ, và cây cung của đức Thái tổ Thành Cát Tư Hãn tượng trưng uy quyền.
A Lý Bất Ca quỳ gối, hai tay đưa ra nhận cây cung và cái hộp đựng lệnh phù, binh phù, Ngọc tỷ. Tuyên phi hô:
– Đứng dậy. Bây giờ người là Đại Hãn rồi.
A Lan Đáp Nhi nói lớn:
– Tôi đã xét hội điển sự lệ, chúng ta tôn Đại hãn Mông Ca thụy hiệu là Tuyên Túc hoàng đế, miếu hiệu là Hiến Tông.
A Lý Bất Ca tiến lên, ngồi vào một chiếc ghế, hai bên là hai con chim ưng bằng vàng cao tới hơn trượng. Các Thân vương, qúy tộc theo thứ tự lậy mừng.
← Hồi 33 | Hồi 35 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác