Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 20

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 20: Thiên Long Bát Bộ
5.00
(3 lượt)


Hồi (1-61)

Vương quay sang nói với Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc:

– Đúng như hai anh nói: chúng ta cùng là con Rồng, cháu Tiên. Tôi đề nghị hai anh cứ âm thầm theo dõi bọn Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu, báo cho chúng tôi tất cả tin tức. Chúng ta cùng đối phó với chúng.

Vương phi cùng Vũ, Trần trao đổi với nhau mấy ký hiệu để thông báo tin tức.

Từ lúc gặp hai người, vương phi Ý Ninh quan sát rất kỹ: từ lời nói, đến cử chỉ. Phi thấy tuổi hai người ngang với Dã Tượng, Yết Kiêu, tư thái đường đường chính chính. Tuy nhiên mắt hai người không rời Hoàng Liên. Phi hiểu ngay: hai người này sinh trưởng ở Mông cổ, nơi mà khí hậu lạnh xé da, cắt thịt. Phụ nữ thô cằn. Trong khi đó Hoàng Liên là một người đẹp trăm năm không dễ gì có. Nàng lại hát hay, nói năng ngọt ngào. Phi nghĩ thầm:

– Hai người này cũng như bọn Hoài Đô, A Truật. Nếu như mình kiếm cho họ hai kiều nữ thì mình biến họ thành người của Đại Việt.

Từ biệt anh em Trần Mạnh Quốc, Vũ Cao San, Vũ Uy vương dẫn Tạ hầu, Hoàng Liên về chỗ đóng binh.

Hoàng Liên khóc thảm thiết, nàng hỏi vương phi Ý Ninh:

– Vương phi! Kẻ tội lỗi này trước đây vì không được giáo huấn, đi vào đường tà, phản nước, bội chồng, bị kết án voi dầy, sau được Tuyên minh Thái hoàng Thái hậu ân xá. Lại được Tuệ Trung Bồ tát cùng phi thương tình dùng Vô ngã tướng Thiền công đẩy ác trược, ma nghiệp, ma trướng khỏi người. Rồi Quận chúa Thúy Hồng dùng Mật công truyền huệ của vương phi cho, thân thể thần đầy Phật tính. Thế mà khi bị Quỷ Vô Thường bắt hồn, bị thẩm vấn trước tòa Diêm vương; thần không còn chút huệ nào cả, thần trí trở lại như cũ. Đến độ thần dùng ngôn từ điêu ngoa, ma trướng, ma nghiệp nhập khẩu trả lời trước tòa. Phải đợi tới khi gặp lại trượng phu thì Phật tính mới tái xuất hiện. Xin vương phi thương xót giải cho.

– Đó không phải lỗi của phu nhân. Khi phu nhân được lĩnh Thiền công, Mật công, Tuệ Trung Bồ tát chẳng nhắn nhủ lời cuối rằng:

“Khi con người sinh ra, thì đã có không biết bao nhiêu thiện duyên, nghiệp quả từ những kiếp trước tiềm ẩn trong người. Bởi vậy duyên, nghiệp tùy hoàn cảnh sẽ xuất hiện. Nay các con được Thiền công đẩy một phần ma nghiệp, quỷ tính khỏi cơ thể; rồi được Mật công đem những đức hạnh từ người khác truyền cho. Nhưng các con ơi! Các con đừng nghĩ là từ nay các con trở thành người vĩnh hằng thiện duyên đâu. Khi các con quá mệt mỏi, khi các con quá phẫn uất, khi các con quá kinh sợ thì Thiền công, Mật công không kiềm chế được ma nghiệp, quỷ trướng, chúng sẽ hiện ra trong tâm các con. Các con nhớ lấy! “ 

– Xin phi giảng kỹ hơn.

– Trong thần trí phu nhân vốn tiềm ẩn ma chướng rất mạnh. Xung quanh phu nhân lúc nào cũng có ít ra ba hay bốn trong Thiên long bát bộ, mà trong đó Dạ Xoa, A Tu La, Ma Hầu La Già rất mạnh. Đành rằng Thiền công đẩy cả chúng khỏi người phu nhân, rồi huệ của tôi vào thay thế. Nhưng huệ mang Phật tính đó phải chờ ít nhất một năm mới hoàn toàn trấn áp chúng. Phu nhân bị bắt, rồi bị đưa ra tòa Diêm vương thì Phật tính không còn, ma nghiệp mới có dịp bùng lên.

Hoàng Liên ngơ ngác:

– Thiên long bát bộ là gì?

Vương phi giảng:

– Trong kinh Phật thường nói tới Thiên chúng, Long chúng, tất cả là tám bộ, tám chúng. Thiên long bát bộ là tiếng tắt để gọi tám bộ chúng sinh. Họ không phải là loài người. Họ hiện đến chầu Phật, nghe Phật thuyết kinh Đại thừa. Dự nghe Phật thuyết kinh, có hai hạng: loại người (nhân) và hạng chẳng phải người (phi nhân). Hạng người có bốn bộ: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Hạng chẳng phải người có tám bộ, tức là Thiên long bát bộ.

Hoàng Liên thở phào:

– Vương phi là đệ tử của Vô Huyền Bồ tát có khác. Vương phi còn trẻ mà Phật học đã uyên thâm như vậy. Thưa vương phi, Thiên long bát bộ gồm tám bộ, là những bộ nào?

– Phu nhân nghe cho rõ nhé. Tám bộ gồm:

Một là Thiên: gồm Chư thiên vương, Thiên nhân, Thiên ở các cảnh trời trong cõi Dục giới, Sắc giới và trong cõi Vô sắc giới.

Hai là Vương: các vị Long vương và Long chúng.

Ba là Dạ Xoa: tuy ở trong loài ác quỷ, nhưng có lòng mộ ngôi Tam bảo.

Bốn là Càn Thát Bà: tức thần âm nhạc, ca rất hay. Vì phu nhân là danh kỹ đệ nhất Đại Việt nên bộ này thường trực trong người phu nhân.

Năm là A Tu La: chư thần ở theo núi và ở đáy biển. Thần này dễ nổi giận, hay gây sự, hay rắc rối.

Sáu là Ca Lâu La: thần chim cánh vàng, chim đại bàng.

Bẩy là Khẩn Na La: nửa giống người, nửa giống thần, có tài trổi nhạc pháp. Bộ này cũng thường trực trong tâm phu nhân.

Tám là Ma Hầu La Già: thần rắn lớn.

Phu nhân là đại danh ca, là đại nhạc gia, nên trong người phu nhân hai long bộ là Càn Thát Bà, Khẩn Na La lúc nào cũng mạnh, họ dễ lôi kéo các bộ Dạ Xoa, A Tu La, Ca Lâu La, Ma Hầu Ma Già cùng bùng lên. Nếu như phu nhân có chút ít Thiền công thì sẽ trấn áp được chúng.

Hoàng Liên rùng mình:

– Phải chi thần có chút Thiền công trong người thì đâu đến nỗi. Vương phi đã cho thần Phật huệ, hay phi nhận thần làm đệ tử thì thực là…

Phi liếc mắt nhìn vương hỏi ý kiến. Vương đáp nhỏ nhẹ:

– Em còn nhỏ tuổi hơn Tạ phu nhân mà nhận phu nhân làm đệ tử thì e có điều không ổn. Anh đề nghị thế này: chúng ta sẽ dùng chim ưng mang thư về Thần quang tự xin Vô Huyền bồ tát nhận Tạ phu nhân làm đệ tử. Em tuy nhỏ tuổi hơn, nhưng nhập môn trước thì là sư tỷ. Sư tỷ thay sư phụ truyền võ công cho sư muội thì hợp đạo lý.

Phi viết thư, truyền La An sai chim ưng mang đi liền.

Vương phi Ý Ninh nắm tay Hoàng Liên:

– Phu nhân bị hỏng hai mắt, trên đường đi sứ mà mang phu nhân theo, rất bất tiện. Đúng ra tôi sai người đem phu nhân về nước. Nhưng thôi, bây giờ chúng tôi mang phu nhân theo, dọc đường tôi sẽ truyền Thiền công Vô ngã tướng cho phu nhân. Đợi khi có lệnh của sư phụ, tôi sẽ truyền võ công chính thức sau.

Suốt đêm, vương phi Ý Ninh giảng yếu chỉ kinh Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh cho Hoàng Liên, rồi dậy nàng 5 thức Thiền công vô ngã tướng. Đúng là có duyên một phần, mà do Hoàng Liên bị mù một phần, nên nàng luyện rất dễ dàng.

Như chương trình, đoàn người của Lưu Thái Bình, Vũ Uy vương, lên đường tới Lạc dương hội ngộ với nhóm của A Lan Đáp Nhi, rồi đi Hoa lâm.

Không phải chờ đợi lâu, năm ngày sau, chim ưng mang thư của Vô Huyền bồ tát tới. Ngài nhận Hoàng Liên làm đệ tử. Vũ Uy vương phi tổ chức một lễ bái sư giản dị cho Hoàng Liên. Nàng quỳ gối hướng về Đại Việt lạy sư phụ tám lậy, rồi lạy phi bốn lậy:

– Sư tỷ.

Phi đỡ Hoàng Liên dậy:

– Sư muội! Kể từ hôm nay sư tỷ sẽ truyền thụ võ công bản môn cho sư muội.

Phi chỉ vào 10 đầu bếp theo sứ đoàn:

– Đây là mười đệ tử ngoại đồ của bản môn, sư phụ ban chỉ mười em giả làm đầu bếp theo sứ đoàn. Năm em trai có tên Sơn, là Sơn Cương, Sơn Trí, Sơn Minh, Sơn Đức, Sơn Cao. Năm em gái có tên Hải là Hải Hòa, Hải Trang, Hải Hiền, Hải Mẫn, Hải Diệu. Sư muội đã gặp các em trong thời gian ở Chiêu dương.

Vô Huyền bồ tát từng là Hoàng đế Lý Chiêu Hoàng, rồi là Hoàng hậu của Thái thượng hoàng. Uy danh ngài cao nhất Đại Việt. Ngài được kính trọng hơn cả Thái thượng hoàng, càng bỏ xa Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ. Bây giờ Hoàng Liên bị mù, tưởng đâu cuộc đời giống như bị rơi xuống vực thẳm, nay không ngờ được ngài nhận làm đệ tử, vinh dự biết là chừng nào.

Từ hôm đó cứ tối tối vương phi Ý Ninh lại dạy võ công cho Hoàng Liên. Vì bị mù nên nàng luyện rất chuyên cần. Dọc đường liên tiếp phi nhận được ký hiệu của Vũ Cao San và Trần Mạnh Quốc cho biết bà Trần Hy Hà vẫn âm thầm theo dõi, chờ dịp là ra tay giết bọn Lưu Thái Bình.

Phải mất hơn tháng, phái đoàn mới vượt qua Thành đô, Dương bình quan, Kiếm các, mà không gặp biến cố gì. Trong thời gian đó, Hoàng Liên ngồi một mình trong chiếc xe song mã, gần như trọn ngày, nàng luyện Thiền công. Chỉ cần 15 ngày, vương phi Ý Ninh đã truyền hết 36 thức Vô ngã tướng cho nàng. Phi bắt đầu truyền kiếm pháp Long biên.

Khi phái đoàn vừa ra khỏi hang Tý ngọ, đang trên đường tới Phù phong, sắp qua một khúc quẹo sẽ tới một thung lũng thì vương phi phát hiện tín hiệu của Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc cho biết bọn Trần Hy Hà đang phục kích phía trước. Phi ra lệnh cho La An và đội kỵ mã Long biên đề phòng.

Thình lình chim ưng đâm bổ xuống rồi kêu lên ba tiếng.

La An khải với vương:

– Phía trước có phục binh.

Vương vọt ngựa lên nói với Lưu Thái Bình:

– Khâm sứ! Thung lũng phía trước có người mai phục. Không rõ quân của ai?

Lưu Thái Bình hỏi hướng dẫn sứ Đinh Minh:

– Quân trong vùng này thống thuộc tướng nào?

– Thưa con của Mật Lý Hỏa Giả.

Lưu cho cả đoàn ngừng lại ra lệnh cho Đinh Minh:

– Tiên sinh với Ưng phi tướng quân Kim Đại Hòa lên quan sát xem sao.

Hai người vọt đi liền, trong khoảnh khắc họ khuất vào phía ngọn đồi. Chim ưng đang bay tuần phòng réo lên báo động.

La An khải:

– Dường như Đinh, Kim gặp sự cố.

Lưu Thái Bình ra lệnh cho Đinh Quang:

– Tiên sinh với Hùng Uy tướng quân A Mít Lỗ Tề lên xem hai người ra sao rồi?

Cũng như Kim Đại Hòa, Đinh Minh, hai người phi ngựa lên, qua khúc quẹo lại mất tích. Lưu Thái Bình bàn với Vũ Uy vương:

– Chúng ta đều là con nhà võ, dù có biến cố gì, chúng ta há sợ sao. Xin vương gia yên tâm.

Y lệnh cho Hổ uy tướng quân Đi Mi Trinh:

– Tướng quân cùng A Lạt Đa dẫn cả Bách phu tiến lên, theo tôi.

Vũ Uy vương ra lệnh cho La An và đội kỵ mã Long biên:

– Tuyệt đối không được động thủ, trừ trường hợp tự vệ.

Bách phu Mông cổ dàn hàng ba gõ móng đi trước. La An dẫn đội Kỵ mã Long biên dàn hàng hai đi sau khoảng hơn 2 dặm (500 m ngày nay). Vũ Uy vương, vương phi, Tạ hầu, Hoàng Hoa đi giữa đội hình. Quả nhiên vừa qua khúc quẹo của ngọn đồi thì phía trước hiện ra một bãi chiến trường: khoảng 50 người Hán trang phục theo vùng Tứ xuyên, cùng xử dụng đoản đao. Họ đang quan sát một người to béo đấu với A Mít Lỗ Tề, một người cao nghệu đấu với Kim Đại Hòa. Hai người này đeo mặt nạ da người, không biết tuổi tác. Cạnh đó xác của anh em Đinh Quang, Đinh Minh nằm cong queo bên đường.

Thấy phía Mông cổ có viện binh, đám người Hán tỏ ra coi thường. Một lão gìa và một nho sinh dáng người thanh nhã cùng đứng lược trận, có lẽ là người chỉ huy; lão phất tay một cái, đám người Hán dàn ra thành một trận hình chữ U chờ đợi. Lưu Thái Bình quát lớn:

– Ngừng tay.

Hai cặp đang giao đấu ngừng lại.

Lưu Thái Bình hỏi:

– Các người là ai? Tại sao lại đón đường giết bồi sứ của Đại hãn?

Lão già bước ra hỏi:

– Phải chăng người là Tham tri chính sự Mông cổ, hiện là phó Câu khảo cục?

– Đúng vậy.

Cả bọn reo lên:

– Đây rồi.

Lưu Thái Bình chỉ cây cờ có 9 đuôi nheo quát:

– Các người reo đây rồi! Cái gì là đây rồi? Các nguời có thấy kỳ hiệu của ta không? Các người là ai? Phải chăng các người là gian tế Tống?

Lão già vẫy tay cho đồng bọn im lặng, rồi nói:

– Người hỏi chúng ta là ai à? Để ta cho người biết, bằng không khi người chết rồi, hồn xuống Âm phủ, Diêm Vương hỏi tại sao bị giết, thì người không biết đường mà trả lời. Này! Người nghe cho rõ nhé: chúng ta tuân chỉ Đại vương Hốt Tất Liệt chặt đầu người. Chúng ta chờ người ở đây từ lâu rồi.

Lưu Thái Bình kinh hoảng:

– Như thế này thì rõ ràng là Hốt Tất Liệt đã công khai tạo phản rồi!

Lão già cười tỏ vẻ khinh bỉ:

– Thế nào là tạo phản? Phàm trong trời đất này, người nào có tài, có đức, quy tụ được nhân tâm thì làm chúa thiên hạ. Chúa ta có tài nghiêng trời lệch đất, lại được sĩ dân thiên hạ theo phò tá, mà thành đại nghiệp tại Hoa hạ. Tại sao người phải cúi đầu tuân phục Mông Ca nhỉ?

Y hô lên:

– Chúng ta bắt bọn này giải về cho Đại vương.

Lập tức cả bọn dàn ra bao vây phía trước, phía trái bọn Lưu Thái Bình; để hở phía phải và phía sau.

Lầu thông binh pháp của Thành Cát Tư Hãn khi bị bao vây, Lưu Thái Bình ra lệnh cho Bách phu trưởng A Lạt Đa dàn quân thành một trận vuông vức. Y cùng bộ ba Đi Mi Trinh, A Mít Lỗ Tề, Kim Đại Hòa mỗi người trấn một góc.

Nhưng A Lạt Đa cầm tù và rúc lên, thay vì Bách phu hộ tống dàn trận bảo vệ chúa tướng, thì chúng tách làm đôi, một nửa bao vây phía sau, một nửa bao vây phía phải. Thế là Lưu Thái Bình cùng ba tướng Đi Mi Trinh, A Mít Lỗ Tề, Kim Đại Hòa bị vây bốn phía.

A Lạt Đa mở gông cho Mạnh Giáp và Lưu Văn Tuấn. Hai người xuống xe chắp tay xá lão già:

– Đa tạ Liêm đại tướng quân.

Lưu Thái Bình kinh hãi quát:

– A Lạt Đa! Mi làm gì vậy?

Lão già chỉ huy đám võ lâm Quan trung cười ha hả:

– Tên Lưu Thái Bình kia! Mi bị mắc mưu của chúng ta rồi! Bách phu trưởng A Lạt Đa được lệnh Đại vương theo hộ vệ mi, nhưng cũng để đợi dịp khống chế mi. Bây giờ hoặc là mi chịu trói, hai là mi sẽ bị bằm nát ra như tương.

Kim Đại Hòa than:

– Phản rồi! Phản rồi! Bọn mi dám bắt Khâm sứ của Đại hãn ư?

Lão già lột râu, xoa lớp hóa trang, mặt lão trở thành một trung niên hán tử. Lưu Thái Bình bật lên tiếng kêu:

– Phải chăng mi là Liêm Hy Hiến, người cầm đầu nhóm Hán pháp theo Hốt Tất Liệt?

– Đúng thế. Ta là Liêm Hy Hiến đây.

Trong khi hai bên đấu khẩu thì Vũ Uy vương, vương phi để Tạ Quốc Ninh với Hoàng Hoa ở lại với đội kỵ mã Long biên. Hai vị từ từ đã tới phía sau trận.

Liêm Hy Hiến nhìn lên lá cờ của vương có chữ:

Đại Việt khâm sứ, Vũ Uy vương. 

Y chột dạ lên tiếng:

– Chúng ta là quan binh Mông cổ, đang có truyện giải quyết với nhau. Người ngoại cuộc không nên can dự vào.

Vương phi Ý Ninh định trả lời, nhưng vương đưa mắt ra hiệu im lặng.

Liêm Hy Hiến hất hàm ra lệnh cho hai người đấu với A Mít Lỗ Tề, Kim Đại Hòa. Hai người này lột mặt nạ ra. Lưu Thái Bình cười nhạt:

– Thì ra Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu đấy!

– Chính thị! Chúng ta chờ mi ở đây từ hơn tháng nay rồi.

Kim Đại Hòa bất khuất, y nói với Liêm Hy Hiến:

– Liêm tướng quân! Chúng ta đều là những võ tướng, theo Mông cổ. Dù Đại hãn, dù Đại vương Hốt Tất Liệt, thì cũng là Mông cổ. Việc Đại vương với Đại hãn tranh quyền không liên quan gì tới chúng ta. Tại sao chúng ta lại phải chém giết nhau?

– Đúng như tướng quân nói. Chúng tôi được lệnh lấy đầu tên Lưu Thái Bình về nộp cho đại vương. Vậy tướng quân không nên can thiệp vào!

– Nhưng Lưu đại nhân là Tham tri chính sự. Chúng tôi được Đại hãn ban chỉ theo hộ vệ Lưu tham tri. Chúng tôi quyết không để ai hại người. Sự thể ra thế này, tôi xin tướng quân một cơ hội. Ở đây anh em chúng tôi có ba người theo hộ tống Lưu tướng quân. Vậy các vị có thể cử ra ba người đấu với chúng tôi. Nếu như chúng tôi bại hai thì mặc tướng quân muốn băm vằm, mổ xẻ thế nào chúng tôi quyết không ân hận. Còn như chúng tôi thắng hai trận, thì xin tướng quân mở vòng vây để cho Lưu tham tri với chúng tôi rời khỏi đây.

Liêm Hy Hiến cười nhạt:

– Ta quyết định thế này: nếu như bên người thắng hai trận ta đồng ý cho gã Lưu với ba người rời khỏi nơi đây. Còn như bên người bại thì ta chỉ lấy cái đầu củ chuối của tên Lưu Thái Bình kia mà thôi. Còn ba tướng quân phải đầu hàng đại vương Hốt Tất Liệt.

Lưu Thái Bình cười nhạt:

– Thế thì dễ quá. Được, trận đầu xin Ưng phi tướng quân Kim Đại Hòa ra tay tiễu trừ phỉ tặc cho.

Kim Đại Hòa dạ một tiếng rồi bước ra chờ đợi. Liêm Hy Hiến đưa mắt cho Lưu Hắc Mã. Lưu Hắc Mã nói với Kim Đại Hòa:

– Kim huynh! Kim huynh là người Cao ly! Tôi là người Hán. Chúng ta đều làm tướng cho Mông cổ. Thế mà hoàn cảnh đưa đến, chúng ta phải đấu với nhau, đó chẳng qua là sự bất đắc dĩ. Xin mời!

Nói rồi Lưu Hắc Mã phát một chiêu chưởng rất hùng hậu. Kim Đại Hòa không đỡ, mà phát một chỉ đánh vào giữa chưởng của Lưu. Vương phi Ý Ninh kêu lên tiếng ủa kinh ngạc. Vì chỉ đó rõ ràng là Lĩnh Nam chỉ, võ công trấn môn của phái Tản viên Đại Việt. Phi cũng nhận ra chưởng của Lưu Hắc Mã là võ công Thiếu Lâm Trung quốc.

Lưu Hắc Mã thu chưởng về, lùi lại một bước rồi tung ra chiêu Kim cương chưởng. Kim trả lại một chưởng, đó là chiêu Ác ngưu nan độ, trong Phục ngưu thần chưởng của phái Tản viên. Hai chưởng chạm nhau phát ra tiếng bùng lớn.

Vương phi Ý Ninh là đệ tử của phái Mê linh, chỉ sở trường về kiếm. Phi hỏi vương:

– Anh dự đoán xem ai sẽ thắng?

– Khó biết lắm. Công lực hai người ngang nhau.

– Tại sao Kim lại sử dụng võ công Tản viên?

– Kim là người Cao ly. Kiến Hải vương, Kiến Bình vương sang Cao ly mở trường dạy văn, võ, nên võ công Đại Việt truyền ra rất rộng. Có lẽ Kim Đại Hòa là một trong đồ tử đồ tôn của hai vương.

Đấu được hơn ba mươi chiêu, thình lình Lưu Hắc Mã phát ra một chiêu rất quái dị. Kim vung tay đỡ, bộp một tiếng, Lưu lùi lại cười ha hả:

– Người trúng độc chưởng của ta rồi! Mau đầu hàng, ta sẽ cho thuốc giải.

Kim ngửa bàn tay nhìn: bàn tay có máu đen ri rỉ chảy ra. Kim quát lên:

– Đồ hèn hạ!

Nói rồi Kim phát một chưởng với tất cả bình sinh công lực. Lưu nghiến răng đỡ, binh một tiếng, hai người lảo đảo lui về sau ba bước. Vương phi kêu lên:

– Hải triều lãng lãng. 

Hải triều lãng lãng là một chiêu võ trấn môn của phái Mê linh, do vua An Dương sáng chế khi khám phá ra bị công chúa Mỵ Châu phản bội. Chiêu này có năm lớp. Lớp đầu mạnh hai thành thì lớp thứ nhì mạnh bốn thành, lớp thứ ba mạnh tám thành, lớp thứ tư mạnh 16 thành. Sang lớp thứ năm mạnh 32 thành.

Kim đã phát lớp thứ nhì, lại một tiếng bùng. Kim vẫn đứng nguyên còn Lưu thì bật lui hai bước. Kim không nhân nhượng phát lớp thứ ba. Lưu nghiến răng đỡ, bụi bay mịt mờ, người y bật lui đến bốn bước. Kim phát lớp thứ tư, mọi người kêu thét lên, vì nếu chiêu đó trúng Lưu thì y sẽ vỡ làm trăm mảnh. Cao Bằng Tiêu đứng cạnh, y phát một chiêu cứu bạn. Aàm một tiếng cả Cao Bằng Tiêu, Lưu Hắc Mã bay bổng về sau nằm quằn quại, miệng ri rỉ ứa máu ra.

Kim định phát lớp thứ năm, nhưng độc chất đã ngấm, chưởng không ra, cánh tay Kim tê liệt. Trong khi đó Liêm Hy Hiến phát một chiêu cực kỳ hung dữ định kết liễu tính mệnh Kim.

Đứng lược trận, thấy Kim dùng võ công Đại Việt, Vũ Uy vương biết y có liên hệ với Kiến Bình vương ở Cao ly. Không thể để Kim bị hại. Vương hú lên một tiếng dài liên miên bất tuyệt rồi phát chiêu Đông hải lưu phong, một chiêu trấn môn của phái Đông A, đỡ chưởng của Liêm. Aàm một tiếng, Liêm bật lui về sau ba bước miệng ri rỉ chảy máu. Biết vương mới phát có năm thành công lực, muôn ngàn lần mình không phải là đối thủ của vương; Liêm Hy Hiến khạc một tiếng, nhổ ra một búng máu. Vốn kinh nghiệm chiến đấu. Y hỏi:

– Ngưới là ai mà xen vào việc của chúng ta?

Vương phi Ý Ninh cười rất tươi:

– Xin lỗi Liêm Tham tri. Kim tướng quân chỉ có một mình, mà quý vị đến ba người đánh một, nên trượng phu tôi phải can thiệp.

Liêm Hy Hiến nhìn vương phi, bất giác y than thầm:

– Cha mẹ ơi! Tại sao lại có người đàn bà đẹp thế kia?

Lưu Thái Bình chỉ Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu:

– Bên mi bị bại rồi, vì ba người đánh một.

Liêm Hy Hiến chỉ Kim Đại Hòa:

– Lưu, Cao tuy bị đánh ngã, nhưng chỉ bị ngoại thương thôi. Còn gã Kim này trúng độc sắp chết rồi. Chính y mới là người lạc bại. Thôi được, trận này coi như hòa. Bây giờ đấu trận thứ nhì.

Từ đầu đến cuối, gã nho sinh thanh nhã lơ đễnh quan sát trận đấu. Phia y có bốn người là Liêm Hy Hiến, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu với y. Bây giờ ba người mới bị đánh bại, thân bị nội thương không thể xuất trận. Y đành phải ra tay. Y rút rút kiếm vòng một vòng, ánh sáng lóe lên, tay trái bắt kiếm quyết:

– Trận thứ nhì do ta lĩnh giáo. Lưu Tham tri xin cử người ra chịu chết đi thôi.

Thấy nho sinh nói năng kiêu kỳ, nhưng lại khách khí với mình, Lưu Thái Bình ra lệnh:

– Hùng uy tướng quân A Mít Lỗ Tề! Người hãy xuất thủ trận này.

A Mít Lỗ Tề cũng rút kiếm đến véo một cái, y ra một chiêu rất thô kệch, nhưng hung hiểm vô cùng. Nho sinh tung người lên trao tránh chiêu kiếm hiểm ác. Lỗ Tề vọt mình theo chặt chân đối thủ. Nho sinh điểm mũi kiếm vào kiếm Lỗ Tề, người y lại bay lên cao, rơi xuống cách Lỗ Tề đến hai trượng.

Qua ba chiêu, cả hai đối thủ đều biết rõ bản lĩnh của nhau. Hai người lăn xả vào giao đấu. Đứng ngoài quan sát, Vũ Uy vương hỏi vương phi:

– Em là đệ tử phái Mê linh, nổi danh kiếm thuật. Em thấy thế nào?

– A Mít Lỗ Tề xử dụng võ công vùng Tây vực, thuộc loại kiếm khí, tuy dũng mãnh nhưng rất hao công lực. Trong khi gã nho sinh xử dụng kiếm pháp Thiên sơn thuộc loại kiếm chiêu. Nếu Lỗ Tề đánh thực gấp thì y thắng. Còn như ra ngoài trăm chiêu thì y bại.

A Mít Lỗ Tề cũng biết thế. Y tấn công ráo riết, mỗi chiêu đánh ra rít lên vo vo. Trong khi nho sinh cố tình tránh né. Được hơn năm chục chiêu, nho sinh bắt đầu trả đòn. Sang chiêu thứ 70 trở đi, A Mít Lỗ Tề đã thấm mệt, chiêu thức chậm dần. Nho sinh quát lên một tiếng, xỉa ra một chiêu, kiếm của Lỗ Tề bay vọt lên cao. Nho sinh dí kiếm vào ngực y:

– Chúng ta đều là tướng Mông cổ. Người đầu hàng đi thôi, bằng không ta nhả kình lực.

Lòng A Mít Lỗ Tề lạnh như băng. Y thở dài:

– Ta thà chết chứ không hàng.

Nho sinh điểm huyệt y.

Lưu Thái Bình quay lại nhìn Đi Mi Trinh, thì y đã bị Cao Bằng Tiêu, Lưu Hắc Mã đánh ngã từ bao giờ. Liêm Hy Hiến cười nhạt:

– Lưu Thái Bình! Người hãy đầu hàng, rồi theo chúng ta đi gặp đại vương Hốt Tất Liệt.

Y ra lệnh cho Bách phu Mông cổ:

– Dương cung!

Cả trăm Lôi kỵ Mông cổ dương cung hướng Lưu Thái Bình. Lưu quát một tiếng, người vọt lên cao. Ở trên cao, đá gió một cái thân y bay khỏi vòng vây Lôi kỵ, hai chân đáp xuống lưng một chiến mã. Từ lưng chiến mã y tung mình lên cao, rồi thấp thoáng một cái, y đã lùi vào trận thế của đội kỵ mã Long biên.

Nguyên trong khi Vũ Uy vương, vương phi quan sát trận đấu của bọn Lưu Thái Bình với bọn Liêm Hy Hiến, thì La An đã đàn đội kỵ mã Long biên thành trận Bát tỏa trong Vạn kiếp tông bí truyền thư.

Liêm Hy Hiến, nho sinh, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu thấy đội kỵ mã Đại Việt dàn trận không có hàng lối nào cả thì coi thường; cả bọn cùng rút vũ khí đuổi theo Lưu Thái Bình. Bọn chúng vừa lọt vào trận, La An phất cờ, trận thế biến từ Càn vị sang Thủy lôi truân. Bốn người bị bao vây vào giữa, chặt như thành đồng vách sắt. Vạn thằng tung ra, cả bốn người đều bị ngã. Là những người kinh nghiệm chiến đấu có thừa, nhưng không khỏi kinh hoảng. Cả bốn uốn cong người lại vọt lên cao tỏa ra bốn phía.

La An hô:

– Buông tên!

Mười sáu mũi tên xé gió bay ra, mỗi người bị bốn mũi hướng bốn vị trí đầu, ngực, lưng, mông. Cả bốn hét lên lên những tiếng tuyệt vọng, tay dùng vũ khí gạt tên. Những tiếng lịch bịch liên tiếp phát ra. Mỗi người chỉ gạt được có hai mũi tên, bị hai mũi trúng người. Họ ngẩn người ra vì đó là tên tre, đầu không nhọn. Biết địch thủ chỉ cảnh cáo, không có ý sát hại. Vì nếu vừa rồi họ dùng tên thật thì cả bốn đã chết rồi.

Chân bốn người vừa chạm đất, thì bị vây bởi năm thiếu nữ, năm thiếu niên cầm kiếm. Thiếu nữ đứng từ Khảm vị di chuyển sang Sơn phong cổ. Thiếu niên đứng từ Cấn vị di chuyển sang Sơn lôi di. Kiếm lấp loáng phát ra. Mười người tung dây ra. Cả bốn người, mỗi người bị hai dây thòng lọng chụp vào hai chân, vai-tay. Họ rơi xuống đất như quả mít rụng.

Kỵ mã Long biên dí đao vào cổ họ rồi trói lại.

Trong những ngày đi cùng sứ đoàn Đại Việt, viên Bách phu trưởng A Lạt Đa từng biết rằng đội kỵ mã Long biên đều là những cao thủ, công lực thâm hậu. Họ lại được học tới 18 trận trong Vạn kiếp tông bí truyền thư. Các trận pháp này biến ảo khôn lường. Nên khi thấy bọn Liêm Hy Hiến bị lọt vào trong trận, trận biến hóa kỳ diệu rồi bị bắt. Y cho Lôi kỵ dàn ra đối diện, không can thiệp.

Đám võ lâm Tứ xuyên cũng dàn ra, hò hét, nhưng chưa biết phản ứng ra sao.

Tuy bị bắt nhưng Liêm Hy Hiến vẫn quật cường. Y nói với Vũ Uy vương:

– Vương gia! Phải chăng vương gia là con trai trưởng của An Nam quốc vương, đang lên đường sang Mông cổ làm con tin. Vương gia chưa bái kiến đại vương Hốt Tất Liệt, mà đã gây hấn với chúng tôi thế này đây?

Vương phi Ý Ninh hỏi lại:

– Liêm tham tri! Cái tên An Nam quốc vương là do triều đình Mông cổ nặn ra. Còn quốc danh của chúng tôi là Đại Việt. Vua chúng tôi là Đại Việt hoàng đế chứ không phải An Nam. Xin Liêm tham tri nhắc lại: Đại Việt hoàng đế.

Liêm Hy Hiến giận cành hông, nhưng biết rằng mình ở hoàn cảnh ba ba trong rọ. Y đành nhắc lại:

– Đại Việt hoàng đế!

Vũ Uy vương nói với Liêm Hy Hiến:

– Liêm tướng quân! Dường như tướng quân lĩnh chức Binh bộ tham tri dưới trướng của Đại vương Hốt Tất Liệt thì phải. Liêm tướng quân không phải là Binh bộ tham tri của Đại hãn Mông cổ. Có đúng thế không?

– Đúng thế.

– Chúng tôi đang trên đường sang Hoa lâm, yết kiến Đại hãn, giữa đường gặp Khâm sứ Lưu Thái Bình. Khâm sứ rủ chúng tôi cùng đi, người tình nguyện dẫn đường. Vừa tới đây thì Lưu khâm sứ bị các vị vây đánh. Chúng tôi khoanh tay đứng ngoài. Không ngờ các vị lao vào trận của chúng tôi, nên anh em phải tự vệ. Chứ chúng tôi không theo bên nào cả.

Gã nho sinh đe dọa:

– Nếu người không thả chúng ta ra, người của chúng ta đông gấp bội sẽ băm vằm các người như băm chả ngay.

Vương phi Ý Ninh cười nhạt:

– Này tiên sinh! Nghe giọng nói của tiên sinh thì dường như tiên sinh là người Hán. Tôi thấy kiếm thuật của tiên sinh là kiếm thuật phái Thiên sơn, một phái lừng danh Tây hạ. Thế mà tiên sinh lại không tự biết thân phận. Hiện tiên sinh đang như cá nằm trên thớt mà tiên sinh còn hách dịch như thế sao? Được, tiên sinh cứ ra lệnh cho người của tiên sinh vào trận đi.

Vương phi chỉ vào mười thiếu niên nam nữ:

– Đây là mười thiếu niên theo sứ đoàn phụ trách Hỏa đầu quân. Họ cũng học được dăm ba chiêu phòng thân. Vì bị các vị tấn công nên họ phải dàn trận tự vệ. Nếu tiên sinh phá được trận thì tôi xin để tiên sinh đi.

Vương phi hướng mười thiếu niên:

– Đông bộ cửu khúc. 

Mười thiếu niên dàn trận bao quanh nho sinh. Một người vung kiếm, dây trói nho sinh bị cắt. Vương phi ném kiếm của nho sinh cho y. Tay phải y cầm kiếm, tay trái y bắt kiếm quyết, rồi thình lình y xả vào thiếu nữ đứng ở Trấn vị. Lập tức trận biến hóa sang Thiên thủy tụng. Y đánh vào quãng không. Bốn mũi kiếm dí vào cổ, ngực, lưng. Y vẫn quật cường:

– Các người dùng tà thuật chứ không phải kiếm trận.

Vương phi cười rất tươi:

– Được! Biến. Nam bộ thất đoạn.

Trận thế đổi rất nhanh. Nho sinh xả kiếm vào thiếu nữ ở vị thế Ly. Trận thế biến sang Thuần càn, các chiêu đều thực, kiếm khí sát thủ cực kỳ dũng mãnh, rồi lại từ Thuần càn sang Lôi thiên đại tráng. Trận thế bao gồm thế Chấn và thế Càn. Kiếm chiêu âm dương phức tạp vô cùng. Nho sinh lại bị bốn thanh kiếm khống chế. Lòng y nguội như tro tàn, nhưng y vẫn bướng:

– Nếu như đám võ sĩ của tôi với bách phu Mông cổ ra tay thì chưa chắc các người đã thắng.

Tạ hầu chỉ Bách phu Mông cổ và đám võ sĩ Tứ xuyên:

– Hình như những người kia là thuộc hạ của tiên sinh thì phải. Họ tới hơn 150 người. Còn chúng tôi chỉ có 31 kỵ mã, thêm Vũ Uy vương, vương phi, vợ chồng tôi, và 10 nam nữ phụ trách đầu bếp. Nhưng khai chiến, chưa chắc bên các vị đã thắng.

Tạ Quốc Ninh móc trong bọc ra bốn viên Lạc hồn tán, rồi hầu khẽ vỗ tay lên đầu bốn người. Thuốc nhập vào da, cả bốn người cùng tê liệt. Vương phi Ý Ninh rút kiếm ra, ánh kiếm lóe lên, dây trói cả bốn người đứt hết. Nhưng cả bốn đứng như bốn cây chuối.

Phi nói bằng giọng ngọt ngào:

– Liêm tham tri! Nếu như người của các vị tấn công, thì chúng tôi sẽ dùng quý vị làm mộc hứng tên đấy. Có thức thời mới là người tuấn kiệt. Người định sao đây?

Nho sinh lên tiếng:

– Được rồi! Các người thả chúng ta ra. Chúng ta sẽ rút lui, tha cho tên Lưu Thái Bình đi.

Hoàng Liên ngồi trong cỗ xe ngựa, nghe tiếng nho sinh nói, khắp người nàng co giật, chân tay run rẩy. Nàng bước khỏi xe chỉ vào mặt nho sinh:

– Trần Hy Hà! Tuy mắt ta mù, nhưng tai ta không điếc! Ta đã nhận ra tiếng nói của mi.

Nàng nói với vương phi Ý Ninh:

– Sư tỷ! Mụ này là Trần Hy Hà. Chính mụ đã cắt gân, đâm thủng mắt muội.

Vương phi Ý Ninh giật chiếc mũ trên đầu nho sinh, mặt nạ rơi ra, quả nhiên là Trần Hy Hà. Hoàng Liên rút kiếm, ánh thép lóe lên, kiếm chỉ vào mặt Hy Hà:

– Hy Hà! Ác giả ác báo, hại nhân, nhân hại. Hôm nay ta cũng cắt gân chân, gân tay mi, rồi chọc thủng mắt mi. Mi còn muốn nói gì nữa không?

Hy Hà vẫn không sợ hãi. Bà nói với Hoàng Liên:

– Hy Hà này là một kiếm thuật danh gia, một đời ngồi trên mình ngựa, chưa một lần bại trận. Thế mà hôm nay bị hại vào tay kẻ tàn tật. Thực đáng tiếc. Thôi mi giết ta đi.

Vương phi nói với Hoàng Liên:

– Sư muội! Võ đạo Đại Việt không cho chúng ta hại kẻ sa cơ. Vả Công chúa Hy Hà với em lâm vào cảnh chồng chung, mà ra tay ác độc. Hiện nay Thiền công của em đã đạt đến bẩy thành. Kiếm pháp em học được năm thành. Em hãy tha cho Công chúa, đợi một vài năm sau, em sẽ tìm Công chúa, đường đường chinh chính dùng võ công trả thù cũng chưa muộn.

Vừa lúc đó chim ưng từ xa mang thư lại. La An trình cho Vũ Uy vương:

– Thư của Đại Hành.

Vương mở ra đọc:

“ Hốt Tất Liệt nghe lời Diêu Khu với Bạch Liên, hôm qua đã lên dường về Hoa lâm gặp Đại hãn Mông Ca để giải oan. Vương mang theo chánh phi, các thứ phi, các con, cùng tài sản. Vương ra lệnh cho tướng sĩ các mặt trận án binh bất động, chờ lệnh”. 

Lát sau lại có thư của Thúy Trang:

“ Đại vương Hốt Tất Liệt cùng thê nhi đã lên đường về Hoa lâm. Ngột Lương Hợp Thai được trao quyền thống lĩnh binh mã vùng Tây tạng, Đại lý, Nam Tứ xuyên. Hoài Đô cũng được lệnh triệu hồi về Hoa lâm. Em phải theo Hoài Đô”. 

Đọc xong hai bản tin, Vũ Uy vương trao cho vương phi. Cả hai mừng đến phát run: Đại kế đã thành công. Vương cất thư vào túi rồi nói với Liêm Hy Hiến, Trần Hy Hà:

– Các vị đều là những người tài trí bậc nhất Hoa hạ. Các vị theo phò đại vương Hốt Tất Liệt, các vị khuyên đại vương dùng Hán pháp để cai trị Trung nguyên. Các vị đã thành công một phần. Tiếc rằng trong khi say quyền hành, một số các vị đã lạm quyền đẩy đại vương đi quá giới hạn một thân vương, đã tách Trung nguyên khỏi Mông cổ, lập thành một nước. Nước không hai vua, đất không hai mặt trời, cho nên Đại hãn Mông Ca phải ra tay. Chính vì vậy Đại hãn thành lập Câu khảo cục điều tra 142 tội trạng.

Liêm Hy Hiến gật đầu:

– Vương gia quả là người trí tuệ. Vương gia đã hiểu rõ nội tình Mông cổ.

Vũ Uy vương tiếp:

– Trong lúc đại vương đang chuẩn bị về Hoa lâm để giải oan, thì quý vị lạm quyền, đón đường giết Câu khảo cục, gây ra sự đã rồi, bắt buộc đại vương phải cất quân làm phản, nên mới có cuộc phục kích ở đây. Tội này, dù Đại hãn, dù đại vương biết, không ai tha thứ cho các vị. Họa diệt tộc của quý vị e khó tránh.

Vương phi nói bằng giọng hết sức ngọt ngào:

– Liêm tham tri! Người Việt tôi có câu: hãy là con dao, đừng là cái thớt. Hoàn cảnh Tham tri bây giờ không là dao, chẳng là thớt mà là vật nằm giữa dao với thớt mất rồi. Cái vụ đón đường mưu giết Khâm sứ là phạm tội phản nghịch. Đại vương Hốt Tất Liệt phải giết Tham tri để minh oan rằng người không phản Đại hãn. Còn Câu khảo cục không thể tha thứ cho Tham tri, vì Tham tri đã giết mất hai mệnh quan Đinh Quang, Đinh Minh của triều đình.

Thấy âm mưu của mình bị khám phá, mặt Trần Hy Hà, Liêm Hy Hiến tái xanh.

Vương phi Ý Ninh tiếp:

– Báo tin cho các vị biết, mưu giết Khâm sứ Câu khảo cục của các vị, khiến đại vương Hốt Tất Liệt phải phản Đại hãn Mông Ca trở thành một tuồng hư ảo rồi. Vì hôm qua, đại vương Hốt Tất Liệt đã đem thê nhi lên đường về Hoa lâm gặp Đại hãn, để nối lại tình nghiã huynh đệ ruột thịt.

Liêm Hy Hiến nhìn Trần Hy Hà rồi run run hỏi:

– Lẽ nào!?!?!?

Vương phi nói với Hy Hà:

– Vương phi ơi! Tôi báo tin mừng cho vương phi. Thái sư với quý tử A Truật đã được Đại hãn phong cho thống lĩnh toàn bộ quân lực Mông cổ vùng Tây tạng, Đại lý, Nam Tứ xuyên. Còn phò mã Hoài Đô được triệu hồi về Hoa Lâm. Hoài Đô lên đường cùng vợ cách đây ba ngày rồi. Nhưng…

– Nhưng gì, thưa vương phi?

– Cái tội vương phi cùng Liêm Hy Hiến, Cao Bằng Tiêu, Lưu Hắc Mã giả chỉ dụ của đại vương Hốt Tất Liệt, phục binh định giết Khâm sứ, đã giết Đinh Quang, Đinh Minh: tôi e Lưu Khâm sứ có bỏ qua, thì Đại hãn cũng không tha cho phi cái tội này.

Phi nói với Lưu Thái Bình:

– Chúng tôi đề nghị Lưu Khâm sứ không nên truy xét tội trạng Liêm Tham tri. Còn Liêm tham tri hãy cùng thuộc hạ trở về quân lữ của mình.

Vương nói với Trần Hy Hà:

– Vương phi trở về Côn minh với Thái sư đi. Nghĩa muội của tôi là Hồng Nga hiện là dâu thảo của phi. Chúng ta là người nhà cả.

Hy Hà chắp tay vái Lưu Thái Bình:

– Lưu Tham tri! Chúng tôi hành sự có đôi phần hồ đồ. Bây giờ giữa Đại hãn Mông Ca với đại vương Hốt Tất Liệt đã giải hòa, xin Khâm sứ bỏ qua những gì đã xẩy ra.

Là người mưu trí bậc nhất triều Mông cổ, Lưu Thái Bình nghĩ rất nhanh:

“ Bọn chủ trương Hán pháp đã bị đánh bại. Hốt Tất Liệt trở về Hoa lâm giải oan. Dù Đại hãn nghĩ tình anh em tha cho y, thì cũng không cho y giữ binh quyền nữa. Nếu bây giờ ta kết tội bọn này, thấy cái chết khó thoát, e chúng làm liều. Người của chúng đông, trong khi ta chỉ có bốn người. Ta phải dùng kế hoãn binh. Chi bằng ta dùng lời ngọt ngào an ủi chúng, cho chúng trở về nhiệm sở. Hốt Tất Liệt đi rồi, Câu khảo cục là cơ quan tối cao, được toàn quyền tiền trảm hậu tấu. Ta sẽ phát lệnh tru di tam tộc chúng sau”. 

Nghĩ vậy y nói với Tạ Quốc Ninh:

– Xin hầu ban thuốc giải cho bốn người này.

Tạ Quốc Ninh móc trong túi ra bốn viên thuốc, bỏ vào miệng bốn người:

– Đây là thuốc giải. Cần nửa khắc sẽ có kết quả.

Thuốc ngấm, chân tay bốn người cử động như thường. Lưu Hắc Mã móc trong bọc ra một ống nhỏ, y lấy hai viên thuốc trao cho Kim Đại Hòa:

– Đây là thuốc giải, viên đỏ bôi vào vết thương. Viên trắng thì nuốt vào. Nội trong một giờ thì khỏi.

La An cầm tù và thổi lên một hồi, cửa trận Bát tỏa mở rộng. Liêm Hy Hiến dẫn thủ hạ ra khỏi trận.

Lưu Thái Bình chỉ còn có ba tướng theo hộ vệ. Y nói với Vũ Uy vương:

– Đa tạ vương gia, vương phi cứu trợ. Bằng không thì chúng tôi đã mất mạng rồi. Bọn Hy Hiến, Hy Hà tuy đã đi, nhưng lòng người khó dò. Từ đây đến Trường an không xa. Hiện bản doanh Câu khảo cục đang đóng tại đó. Xin mời vương gia, vương phi quá bộ tới Trường an, chúng tôi sẽ cử người dẫn sứ đoàn đi Hoa lâm.

Đoàn người lên đường đi Phù phong. Trước đây viên Bình chương chính sự (Tổng đốc) Hành tỉnh Phù phong là người chân tay của Hốt Tất Liệt, bị Lưu Thái Bình điều tra về tội tham nhũng, lạm quyền, kết án tử hình. Lưu cử một người thân thuộc tên Chu Quang Huy thay thế. Khi còn cách Phù phong 100 dặm, Lưu sai A Mít Lỗ Tề phi ngựa đi trước báo tin.

Vương phi Ý Ninh vẫn thắc mắc về võ công Kim Đại Hòa. Phi cho ngựa đi cạnh ngựa y, ghì cho y cùng mình lùi lại sau đoàn rồi hỏi:

– Kim tướng quân à! Tôi thấy Kim tướng quân xử dụng võ công Đại Việt. Không biết sư thừa của tướng quân là ai?

Kim Đại Hòa nhìn trước nhìn sau, không có ai, y nói nhỏ bằng tiếng Việt:

– Vương phi ơi! Tôi họ Lý chứ không phải họ Kim. Tôi là người Việt. Phụ thân tôi là Bình hải công Lý Quang Bật, phó Đô đốc của hạm đội Bạch đằng, theo Kiến bình vương Lý Long Tường sang kiều ngụ ở Cao ly. Tên thực của tôi là Lý Long Hòa.

Vương phi Ý Ninh giật bắn người lên:

– Thế cơ duyên nào tướng quân thành Ưng phi tướng quân của Mông cổ?

– Mấy năm trước Mông cổ sang đánh Cao ly. Họ bị tổn thất khá nhiều. Vì vậy họ tuyển người Cao ly thay thế. Kiến bình vương đề nghị phụ thân tôi cho một số đệ tử ứng tuyển giả theo Mông cổ để có dịp thì âm thầm giúp Đại Việt, Cao ly. Trong cuộc thí võ tôi cùng bốn người nữa được tuyển làm Thập phu trưởng. Tướng chỉ huy đạo binh đánh Cao ly thấy võ công tôi cao, ông ta chuyển tôi về Hoa lâm sung vào đội võ sĩ hộ tống Đại hãn, cấp bậc Thiên phu trưởng. Lúc A Lan Đáp Nhi được Đại hãn ủy cho thành lập Câu khảo cục, tôi được chỉ định đi theo.

– Trong Câu khảo cục có Ngột A Đa cũng là người Việt, tướng quân có biết không?

– Tôi biết Ngột A Đa là người Việt. Gần đây người mới được triều đình Đại Việt gả cho một quận chúa sắc nước hương trời, diễn ca tuyệt vời. Vì sợ lộ tông tích, nên tôi không dám nhận là người Việt. Nay biết rõ vương gia, vương phi là sứ đoàn, tôi phải cho nhị vị biết. Nếu như nhị vị cần sai bảo gì, tôi xin tuân chỉ.

Sợ bị gian tế, phi hỏi:

– Tướng quân có biết đại sư Huệ Đăng và Quận chúa Như Lan không?

– Sư Huệ Đăng là bản sư của tôi. Còn Quận chúa Như Lan là sư muội của tôi. Vương phi đã gặp sư phụ của tôi rồi à?

Vương phi Ý Ninh tóm lược chuyến về Đại Việt của sư Huệ Đăng và Như Lan cho Đại Hòa nghe.

Chiều hôm đó đoàn người tới Phù phong. Chu Quang Huy dàn một Thiên phu Lôi kỵ trước thành, rồi cùng văn võ quan ra đón. Lưu Thái Bình hài lòng. Quang Hy sai làm tiệc linh đình đãi Lưu Thái Bình và sứ đoàn. Chu xin Lưu Thái Bình nghỉ tại Phù phong mươi ngày, để y được dịp cung phụng tạ ơn.

Đêm đó Vũ Uy vương soạn tấu chương thuật mọi chi tiết, sai chim ưng đem về Thăng long.  

Lưu Thái Bình phát lệnh đi khắp nơi bắt bọn Liêm Hy Hiến, Trần Hy Hà.

Năm ngày sau, một Thiên phu trưởng Mông cổ giải Liêm Hy Hiến, Cao Bằng Tiêu, Lưu Hắc Mã, A Lạt Đa cùng 51 võ sĩ người Hán tới. Y trình:

– Thưa Khâm sứ đại nhân, khi được lệnh truy nã của đại nhân, Bình chương hành tỉnh của chúng tôi cho quân đón đường truy bắt bọn này. Tên Liêm Hy Hiến bị bắt ở Kiếm các, hai tên Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu bị bắt ở Dương bình quan. Còn tên A Ngột Đa bị chính tên phó của y bắt nộp. Mụ Trần Hy Hà thì trốn vào Thành đô rồi đi Độ khẩu với Thái sư Ngột Lương Hợp Thai.

Lưu Thái Bình sai thiết lập tòa xử tội bọn Liêm Hy Hiến. Hình binh đem dụng cụ tra khảo ra: câu liêm lột gân, dao lóc da, bàn kẹp ngón chân ngón tay, lò sưởi với kìm sẽ nung đỏ kẹp thịt.

Lưu cười nhạt:

– Các người chỉ là những viên tướng cạnh Hốt Tất Liệt, mà cả gan dám đón đường giết Khâm sứ của Đại hãn. Hơn nữa Khâm sứ là một Tham tri chính sự. Các người đã biết tội chưa?

Liêm Hy Hiến tự biết mình có van xin, năn nỉ cũng vô ích. Y nghĩ thầm: mình cứ đổ hết tội trạng lên đầu Hốt Tất Liệt là xong. Nghĩ vậy y cười nhạt:

– Chúng tôi là tướng dưới quyền của Đại vương Hốt Tất Liệt. Đại vương ra lệnh cho chúng tôi, thì chúng tôi phải tuân. Sự thể đã như thế này, người giết chúng tôi đi.

Lưu Thái Bình là người thâm trầm. Y hỏi nhẹ:

– Giết các người thì dễ quá rồi. Ta hỏi các người: thế còn cha mẹ, vợ con, gia bộc của người ít ra cả trăm mạng, các người tính sao đây?

Liêm Hy Hiến thất sắc:

– Thưa Khâm sứ, người xưa nói: Quân tử không trả thù đến gia thuộc của nhau. Chúng tôi phạm tội thì Khâm sứ muốn băm vằm mổ xẻ thế nào chúng tôi không ân hận. Xin Khâm sứ chẳng nên hại gia đình tôi.

– Cũng dễ thôi, bây giờ ta trao mi với Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu cho ba người khác nhau thẩm vấn. Nếu ba người khai giống nhau thì thôi. Còn như có một điểm dấu diếm, ta sẽ sai Hình binh tra khảo cho đến khi nào ba bản cung khai giống nhau mới thôi. Bấy giờ ta sẽ tru diệt vợ con, gia thuộc người.

Không mất nhiều thời gian. Hai ngày sau, bản cung từ của ba người được Hình binh trình lên. Cả ba đều khai rằng: tất cả do nhóm dùng Hán pháp cạnh Hốt Tất Liệt chủ trương. Thấy chúa tướng nghe lời mưu sĩ Diêu Khu và thứ phi Bạch Liên như sau:

“ Giữa Đại hãn Mông Ca với Đại vương là anh em ruột thịt. Người là Đại hãn, người là thân vương, nhưng hai vẫn là một. Quân đội Mông cổ dù ở Tây vực, dù ở Thảo nguyên, dù ở Trung nguyên, đều là quân đội của cả hai anh em. Đại hãn nghe lời dèm pha của cận thần mà nghi ngờ Đại vương. Đó là do xa mặt cách lòng mới ra nông nỗi. 
Nếu như nay Đại vương cất quân làm phản, thì đương nhiên Đại hãn phải trưng binh các nơi chinh phạt. Binh lực Mông cổ sẽ chia hai. Huynh đệ tương tàn là điều đau lòng, khó biết phần thắng về ai. Binh tướng của Đại vương là binh tướng Trung nguyên, là binh tướng Hán pháp, họ coi trọng chữ trung cuả Đại vương gánh vác trên vai. Thế mà Đại vương phản anh thì họ coi như không có chính nghĩa. Than ôi! Em phản anh! Mang quân phản loạn đi đánh quân chính nghĩa thì sao thắng nổi? 
Tâm địa của Đại vương sáng như trăng rằm, tại sao Đại vương không về Hoa lâm, mặt đối mặt với Đại hãn. Anh em cùng uống rượu ăn thịt, giải trình chư sự, như vậy cho trọn tình chúa tôi, cho ấm tình huynh đệ. 
Diêu Khu còn nhắc nhở: nếu như Đại vương trở về một mình thì Đại hãn còn có điều nghi ngờ. Vậy để chứng tỏ mình ngay thẳng, Đại vương nên mang vương phi, các thứ phi, cùng các thế tử, quận chúa cùng về, thì Đại hãn sẽ hết nghi ngờ ngay. 
Hốt tất Liệt còn đang trù trừ thì bọn tướng sĩ chủ trương Hán pháp kinh hoàng. Chúng họp nhau, rồi đi đến quyết định táo bạo: cử 5 toán đi khắp nơi đón đường giết hết Khâm sứ Câu khảo cục, tuyên bố rằng tuân chỉ Hốt Tất Liệt. Bấy giờ dù muốn, dù không Hốt Tất Liệt cũng phải cử quân làm phản. 
Toán do Liêm Hy Hiến, Trần Hy Hà, Cao Bằng Tiêu, Lưu Hắc Mã là một. Toán này gặp bọn Lưu Thái Bình đang trên đường về Trường an. Bọn Liêm ra tay, tưởng đâu giết được Lưu thì bị sứ đoàn Đại Việt can thiệp. Bọn Liêm đại bại. Rồi được tin Hốt Tất Liệt lên đường về Hoa lâm đã hai ngày. Tuy được sứ đoàn tha mạng, nhưng cả toán trở về nhiệm sở thì bị chính đồng bọn bắt nộp cho Lưu Thái Bình để phủi tay, chối tội rằng bọn Liêm tự ý hành động, chứ bọn chúng không biết gì”. 

Nhân lúc Lưu Thái Bình vào trong thay áo, Lưu Hắc Mã nói với Vũ Uy vương, vương phi:

– Tiểu tướng sa cơ thất thế. Hai vị là khách, vốn có ơn với Lưu khâm sứ. Xin hai vị đỡ cho một lời, nguyện không bao giờ quên ơn.

Vương gật đầu.

Lưu Thái Bình trở ra, y chỉ vào bọn Liêm Hy Hiến nói với Vũ Uy vương:

– Tội trạng bọn này thực không thể khoan nhượng. Rõ ràng Hốt Tất Liệt đang chuẩn bị lên đường về Hoa lâm, mà chúng dám tập hợp gian đảng mưu giết Khâm sứ, rồi nói láo là lệnh của vương. May nhờ vương gia, vương phi ra tay cứu viện, bằng không thì chúng tôi đã chết rồi. Đây là tội phản nghịch, phải giết cả ba họ. Không biết ý vương gia thế nào?

Vũ Uy vương thở dài:

– Những người quanh Đại vương Hốt Tất Liệt chủ trương Hán pháp đều là tinh hoa của Hoa hạ, tài trí phi thường. Họ sống trong văn hóa Hán từ đời cha đến đời con, coi Hán pháp là khuôn vàng, thước ngọc, không gì bằng. Vì vậy họ mới khuyên Đại vương Hốt Tất Liệt bỏ di chúc của Thành Cát Tư Hãn; bỏ luật pháp Mông cổ, bỏ cái gốc khiến Mông cổ chiến thắng khắp gầm trời. Họ đâu biết rằng đó là cái mà tục ngữ Hán nói: bán bò tậu ễnh ương. Khi họ làm liều, họ tưởng đâu mình là con dao, Đại hãn là cái thớt, cần ra tay gấp. Bây giờ họ đang là cái vật nằm giữa con dao và cái thớt. Khâm sứ là đặc mệnh toàn quyền của Đại hãn, Khâm sứ có quyền xử lăng trì họ, tru di tam tộc họ. Nhưng như vậy thì Khâm sứ chỉ trừng trị họ về việc làm vô pháp, vô thiên mà thôi. Sao bằng Khâm sứ giải họ về Hoa lâm để Đại hãn phát lạc, tỏ cho triều đình Mông cổ biết rằng Khâm sứ không thù hằn họ.

Vương phi tiếp:

– Phong tục, tiếng nói Mông cổ khác xa với Trung nguyên. Xưa Tần Thủy Hoàng gồm thâu thất quốc, bắt dân chúng bẩy nước nói cùng thứ tiếng, mặc cùng loại y phục, mà thất nhân tâm. Khi Lưu Bang vào Hàm dương, tuyên bố bỏ hết luật pháp khắt khe của Tần, ban hành Ước pháp tam chương, mà thu phục được nhân tâm. Bây giờ Mông cổ chinh phục hằng trăm nước dưới gầm trời này, chỉ cần lãnh chúa các nơi quy phục là đủ, không cần đem phong tục tiếng nói Thảo nguyên bắt họ phải theo. Nếu như Đại hãn muốn chinh phục Tống thì nên ân xá cho Liêm, Lưu, Cao. Họ sẽ đem tài trí ra khuông phò Mông cổ thì bình định Trung nguyên không khó.

Lưu Thái Bình vốn là người Hán như bọn Liêm Hy Hiến, cùng bỏ cái tự cao là dân thuộc dòng giống Hán, phản Hán theo Mông như họ. Nghe lời vương phi Ý Ninh, ông ta đổi hẳn thái độ:

– Liêm, Lưu, Cao! Các người có nghe vương gia, vương phi nói không? Trong nhất thời các người lầm lẫn, nên hành sự có chỗ hồ đồ. Bây giờ bản sứ tha cho các người. Các người hãy trở về nắm lấy bản bộ quân mã, chờ chỉ dụ của Đại hãn.

Lưu truyền tha ba người, cấp ngựa, lương thực cho trở về.

Năm ngày sau chim ưng từ Đại Việt mang lệnh tới sứ đoàn. Lệnh do Hưng Đạo ký. Tổng cộng có ba điểm chính:

Sứ đoàn thi hành Quốc kế đã thành công. Thượng hoàng, triều đình họp liên tiếp hai ngày, ban hành phần kế tiếp của Quốc kế. Dưới đây là những chỉ dụ.  
Thứ nhất, Trước hết là thăng thưởng. Những công lao của sứ đoàn, Đông hoa ngũ phụng, Linh văn thất liên ( Tô lịch thất tiên) đã lập được: không dùng một mũi tên, không tốn một giọt máu mà giải được cái ách đe dọa của Đại Việt. Vì vậy triều đình phong cho: 
– Vũ Uy vương được thăng tước Đại vương. Vương phi thăng Trưởng công chúa. Phụ thân phi đã quá cố được truy phong từ tước hầu lên tước Công. Phu nhân trước đã phong tước Nhị phẩm phu nhân, nay được thăng lên nhất phẩm phu nhân. Ban cho 50 mẫu ruộng nhất đẳng điền, canh tác không phải nộp thuế. 
– Tây Viễn vương được cải phong là Trung Thành vương, lĩnh Thái tử Thái bảo, Vũ lâm đại học sĩ, Trấn viễn thượng tướng quân. 
– Tá lĩnh La An được thăng hàm Đô thống. Các kỵ mã Long biên đều thăng hai trật, mỗi người được cấp năm mẫu ruộng nhất đẳng điền, trao cho cha mẹ canh tác, không phải nộp thuế. 
– 10 đệ tử Mê linh ẩn danh làm đầu bếp, 15 mã phu đều được phong hàm Vệ úy. Ban cho mỗi người năm mẫu ruộng nhất đẳng điền làm bổng, trao cho cha mẹ tại quê nhà canh tác, không phải nộp thuế. 
– Cả năm Quận chúa Đông hoa được thăng lên Công chúa. Cha được phong hàm tước Nam. Mẹ thăng hàm Tứ phẩm phu nhân. Trước đã ban cho 15 mẫu ruộng nhất đẳng điền, nay thêm 10 mẫu nữa thành 25 mẫu, canh tác không phải nộp thuế. 
– Cả Linh văn thất liên được thăng tước Quận chúa. Cha được phong hàm Tam tư, mẹ phong hàm ngũ phẩm phu nhân, được ban cho 15 mẫu ruộng nhất đẳng điền canh tác không phải nộp thuế.  
Thứ nhì, Hốt Tất Liệt rời Trung nguyên, nhưng đó chẳng qua là y tạm lùi một bước rồi tiến ba nước. Cái triều đình của y với Tuyên phủ ty gồm 16 bộ, mỗi bộ đều có Thượng thư, Tham tri, Lang trung vẫn còn cai trị Trung nguyên chặt chẽ. Tại Yên kinh có Yên kinh hành Trung thư tỉnh, hơn vạn Cấm quân, hơn nghìn Thị vệ, Cấm vệ. Trong cung đến mấy trăm Thái giám, Cung nữ. Tại các châu, tỉnh, người của y tuy bị Câu khảo cục thay một phần, nhưng thủ hạ trung thành của y vẫn còn nguyên. 
Sứ đoàn phải khích Câu khảo cục rằng:A Lan Đáp Nhi là Thừa tướng trung thư tỉnh; Lưu Thái Bình, Ngột A Đa là Tham tri chính sự lại kiêm thống lĩnh Câu khảo cục, thì coi như nắm toàn quyền, phải phá hệ thống quan lại của Hốt Tất Liệt. 
 Thứ ba: sứ đoàn lần lữa không đi Hoa lâm vội, mà theo Câu khảo cục. Dùng Thúy Nga, Thanh Nga thúc dục An Lan Đáp Nhi, Ngột A Đa bên trong. Dùng Lưu Thái bình thúc bên ngoài xúi họ trả thù vụ chân tay Hốt Tất Liệt định ra tay giết Câu khảo cục. Nhân đó mà giết tuyệt bộ hạ thân tín của Hốt Tất Liệt. Nói cho bộ ba trong Câu khảo cục biết rằng: Câu khảo cục được thành lập với chủ đích điều tra Hốt Tất Liệt, giải trừ binh quyền của y tại Trung nguyên. Bây giờ y đã mất hết quyền hành thì trước sau Mông Ca sẽ giải tán Câu khảo cục. Vậy Câu khảo cục phải ra tay thực nhanh.  
Thứ tư, nhân Hốt Tất Liệt về Hoa lâm, chân tay bị Câu khảo cục truy giết. Cái triều đình do Hốt Tất Liệ thiết lập tại Yên kinh đang điều khiển hệ thống quan lại, binh lực Mông cổ tại Trung nguyên không người cầm đầu. Sứ đoàn phải nhân đó xin Mông Ca cử người thay thế Hốt Tất Liệt. Như vậy Trung nguyên sẽ rối loạn.  
Thứ năm: Đại Việt sẽ nhân đó tìm cách phân tán suy yếu binh lực Mông cổ: 
 – Văn bác thượng tướng quân, Văn sơn Nam Nguyễn Địa Lô được thăng lên Văn sơn Tử, cùng các bẩy Quận chúa Ngưu tướng, dâu của Kiến bình vương, đang giúp Cao ly huấn luyện Ngưu binh. Quân Mông cổ bị đánh bại khắp nơi. Cao ly đang từng bước chiếm lại vùng đất bị Mông cổ chiếm. Phải giúp Cao ly vượt eo biển sang kết thân với hào kiệt vùng Sơn Đông là sứ quân Lý Đảm, đang biên thùy một cõi, chống Mông cổ, chống cả Tống. Thuyết phục họ hai điều. Một là mở rộng bờ cõi về phía Bắc, tái chiếm vùng đất của Trung nguyên nay thuộc Mông cổ. Hai là hòa với Tống. 
 – Thái tử Hồi quốc đang khởi binh đánh Mông cổ. Hiện Quận chúa Bạch Hoa đã nói giỏi tiếng Mông cổ, biết điều khiển chim ưng; nhiệm vụ của Chiêu võ thượng tướng quân, Chiêu dương Nam Cao Mang, cạnh Quận chúa Bạch Hoa không cần thiết. Chiêu dương Nam được thăng lên Chiêu dương Tử. Chiêu dương Tử khẩn trở về Đại Việt, đem một đội võ sĩ giúp các Đạo sư Hồi phò tá cho Thái tử. 
 – Cần vương Đại lý khởi binh khắp nơi. Thái tử thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ, Đồng tri Khu mật viện, Quy đức Thượng tướng quân, Vũ sơn hầu Tạ Quốc Ninh, được thăng Vũ sơn Công. Vũ sơn Công khẩn trở về Đại lý giúp anh hùng cần vương. Ban cho Quận chúa Lê Thị Phương Dung (Hoàng Hoa) được theo chồng về Đại lý. 
 – Đô thống Đại Hành được thăng Trấn viễn thượng tướng quân, tước Côi sơn Nam, vẫn ở lại Hoa lâm, phối hợp Linh văn lục tiên. 
– Vũ Uy vương, vương phi lĩnh nhiệm vụ rất nặng: Một là giúp triều đình Tống chống Mông cổ tại mặt trận Tây Trung nguyên. Hai hiệu binh Thiệu hưng, Văn Bắc được đặt dưới quyền vương, sẵn sàng tiếp viện Tống. Hai là giúp anh hùng, võ lâm Trung nguyên trong vùng Mông cổ chiếm, khởi binh. Bằng mọi giá tìm cách liên lạc, kết hợp với sứ quân Lý Đảm hiện thống lĩnh lực lượng chống Mông cổ ở Sơn Đông, khích Lý Đảm một mặt khởi binh đánh lên Bắc, một mặt hòa với Tống”.  

Thời gian ở Phù phong, vương phi Ý Ninh dồn hết tâm huyết luyện võ công cho Hoàng Liên. Sau một tháng Lưu Thái Bình dẫn sứ đoàn lên đường đi Trường an. Lấy lý do Hoàng Liên bị mù, vương phi Ý Ninh nói với Lưu Thái Bình:

– Sư muội của tôi bị hỏng hai con mắt. Thầy Tạ Quốc Ninh phải đưa nàng về Đại Việt. Vì vậy thầy sẽ không đi Hoa lâm với Khâm sứ. Xin Khâm sứ cấp thẻ bài cho thầy cô, để có thể đi ngang qua vùng Mông cổ trấn đóng.

Lưu Thái Bình cấp thẻ bài cho hai người.

Vương phi Ý Ninh tổ chức tiệc tiễn hành Tạ Quốc Ninh, Hoàng Liên lên đường. Sinh mẫu Vũ Uy vương xuất thân là một danh kỹ, bà đã đem hết tâm huyết truyền nghệ cho con, cho nên nhạc khí nào của Đại Việt, vương cũng sử dụng thành thạo. Vũ sơn công Tạ Quốc Ninh xuất thân từ phái Sài sơn rất giỏi âm luật. Vũ Uy vương kéo nhị, Tạ Quốc Ninh đánh trống mảnh, Hoàng Liên đánh đàn bầu. Họ quên đi những ưu tư về quốc sự trong chốc lát, để thả hồn vào âm thanh.

Lưu Thái Bình dẫn đoàn người rời Phù phong đi Trường an. Đường Phù phong, Trường an không xa, tuy nhiên phải mất ba ngày mới tới nơi. Nghe tin Vũ Uy vương, vương phi tới, A Lan Đáp Nhi, Ngột A Đa nhớ ơn cứu mạng, nhớ ơn hai vị tác thành cho cuộc hôn nhân với Thúy Nga. Vương thân dẫn Ngột A Đa, Thúy Nga, Thanh Nga ra ngoài thành năm dặm đón theo lễ vương tước Mông cổ.

Lễ nghi tất.

Không thấy Trung thành vương (Tây viễn vương) đâu, Vũ Uy vương đưa mắt hỏi Ngột A Đa. Ngột A Đa đáp bằng tiếng Việt:

– Phụ vương đã lên đường trở về Hoa lâm từ hơn nửa tháng nay rồi.

Nhìn hai cô em Thúy Nga, Thanh Nga, sắc diện tươi hồng, ánh mắt lung linh, thần thái tinh anh. Vương phi nghĩ thầm:

– Đúng là gái mới lấy chồng, tươi như hoa nở ban mai.

Phi hỏi:

– Thế nào? Hai em tuổi còn nhỏ, lại không đủ tiếng Hoa, tiếng Mông cổ, có làm nhị vị bực mình không?

A Lan Đáp Nhi vui vẻ:

– Đa tạ Hoàng đế Đại Việt. Đa tạ vương gia, vương phi dã gả Thúy Nga, Thanh Nga cho anh em chúng tôi. Nói về nhan sắc thì hai nàng quả thực là những giai nhân khó kiếm trong gầm trời này. Người ta nói Tây Thi đẹp, đẹp như thế nào tôi không thể tưởng tượng ra được, tôi nghĩ Tây thi chỉ đẹp bằng Thanh Nga, Thúy Nga là cùng.

A Lan Đáp Nhi cười sảng khoái:

– Sử chép Tây Thi có nhan sắc khuynh quốc, ca múa tuyệt vời. Nhưng Thúy Nga, Thanh Nga vừa có nhan sắc, ca múa như Tây Thi, vừa thông minh tuyệt đỉnh. Khi hai nàng về đây, tôi đã tìm những thầy giỏi nhất dạy ngôn ngữ, học thuật Mông cổ, Trung nguyên cho hai nàng. Chỉ hơn năm hai nàng đã nói tiếng Mông cổ, hiểu lịch sử Mông cổ như những danh sĩ của chúng tôi. Về văn chương, học thuật Hoa hạ hai nàng thông Bách gia chư tử, Cưu lưu tam giáo, nói tiếng Hoa vùng Trường an, Hàng châu, Tô châu như người địa phương.

Vương phi chắp tay:

– Hai em thông minh, nhưng cũng nhờ nhị vị khuyến khích mà thành công.

Trong khi Lưu Thái Bình gặp lại A Lan Đáp Nhi cùng toàn thể Câu khảo cục, để tường trình sự việc thì Vũ Uy vương, vương phi gặp riêng Thanh Nga, Thúy Nga. Vương ban lời khen, và chuyển chỉ dụ của triều đình phong tặng hai nàng. Trước đây:

Thanh Nga được phong Thạc hòa, Trang mẫn quận chúa. Nay cải phong Thạc hòa, Trang mẫn, Linh hòa Công chúa. Cha được thăng lên tước Nam, mẹ được phong Tứ phẩm phu nhân.

Thúy Nga được phong Linh anh, Chí nhu quận chúa. Nay cải phong Linh anh, Chí nhu, Hồng hạnh Công chúa. Cha được thăng lên tước Nam, mẹ được phong Tứ phẩm phu nhân.

Trước cả hai được ban cho 15 mẫu ruộng nhất đẳng điền, nay thêm 10 mẫu nữa là 25, canh tác không phải nộp thuế.

Hai nàng quỳ gối hướng Đại Việt tạ ơn triều đình. Vương ban chỉ cho hai nàng:

– Từ sau cuộc chiến niên hiệu Nguyên phong thứ bẩy đến giờ, trên từ Thượng hoàng dĩ chí thứ dân đều nơm nớp lo cái họa Mông cổ. Nay thì cái họa đó tạm yên. Tuy vậy di chúc của Thành Cát Tư Hãn vẫn còn đó. Trước sau gì thì Mông Ca cũng cử tướng khác thay Hốt Tất Liệt đánh Tống. Cũng có thể Mông Ca thân chinh. Triều đình đã quyết giúp Tống, giúp Cao ly, giúp Hồi quốc chống Mông cổ, lại giúp các anh hùng Đại lý, Tây tạng, Trung nguyên trong vùng cai trị của Mông cổ khởi binh. Hiện chúng ta cần liên lạc, giúp đỡ sứ quân Lý Đảm ở Sơn Đông, để ông ta xưng đế hiệu, khởi binh tiến lên Bắc giải phóng vùng đất bị Mông cổ chiếm. Vấn đề này, nhiệm vụ hai em rất nặng. Các em gần bên chồng, lại dự bàn chính sự, các em có biết nhiều về sứ quân Lý Đảm không?

Mắt Thanh Nga sáng rực lên:

– Trong Câu khảo cục, thì Lưu Thái Bình trực tiếp coi vùng Đông xuyên, Tây xuyên, Hán trung, Tứ xuyên, Lạc dương. Phu quân của em trực tiếp coi vùng Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây. Sứ quân Lý Đảm thuộc Sơn Đông. Vì vậy em biết rất chi tiết về ông này.

Vương phi vuốt tóc Thanh Nga như khi mới gặp nàng ở bến Bắc Ngạn:

– Đại Việt quá xa với Sơn Đông, thành ra Tế tác không thu được nhiều tin tức. Khu mật viện Đại Việt biết rất ít về Lý Đảm. Trong khi lệnh của Hưng Đạo vương cho chúng ta, sao phải kết hợp lực lượng này với Cao ly, Tống cùng Đại Việt chống Mông cổ. May quá, nay Thạc hòa, Trang mẫn, Linh thanh Công chúa Thanh Nga có thể cho anh chị biết về Lý Đảm.

Thanh Nga nhắm mắt lại tập trung tinh thần rồi tóm lược sự kiện:

“ Cuối đời Kim, một anh hùng vùng Sơn Đông, Trung nguyên tên Lý Toàn, xuất lĩnh hào kiệt nổi lên, đánh Kim. Sau khi chiếm được vùng Sơn Đông, quân Lý Toàn tiến xuống miền Nam, bắt tay được với quân Tống. Toàn muốn thần phục Tống, cùng đánh Mông cổ. Nhưng Tể tướng Nam Tống coi Toàn như giặc cướp, ngăn cản không cho triều đình thu nhận. Lý Toàn đầu Mông cổ, được Mông cổ phong cho hàm Đô đốc hành tỉnh Sở châu (1227) thuộc Sơn Đông, cai trị như một tiểu quốc. Có chí lớn, không chịu thu hẹp thân phận trong vùng Sơn Đông, Lý Toàn nhân danh Đô đốc hành tỉnh Mông cổ tiến quân đánh Tống, chiếm được mười thành. Khi đánh Dương châu, Toàn bị trúng tên chết (1231). Từ khi khởi binh, Toàn cũng như tướng sĩ tổ chức lãnh thổ như một triều đình riêng, chỉ chịu tiến cống Mông cổ mà thôi. Họ tôn con của Toàn là Lý Đảm lên kế vị. Lý Đảm có võ công cao, có tài cầm quân, nhưng thiếu một người tài trí làm quân sư, tổ chức cai trị. Giữa lúc đó Lý Đảm gặp một danh sĩ tên Vương Văn Thống đến nương nhờ. Vương có tài phò tá đế nghiệp như Trương Lương, như Gia Cát Lượng, được các danh sĩ tặng cho mỹ danh Tiểu Trương Lương. Đảm trọng dụng ông ta. Nhân con gái ông có nhan sắc nghiêng thành, Đảm cưới làm vợ. Hốt Tất Liệt vì coi Toàn như một tướng thuộc quyền, nghe tin Toàn chết, y cử người thay thế, nhưng bọn sứ giả tới nơi, bị Đảm đuổi về. Giữa lúc đó Hốt Tất Liệt mải lo tiến binh đánh vào phía Tây Tống, nên bề ngoài y lờ đi mặc Đảm làm gì thì làm. Nhưng bề trong Hốt Tất Liệt cử chân tay thân tín trấn nhậm các vùng quanh lãnh thổ của Đảm, bao vây Đảm.

Khi Bạch Liên được Hốt Tất Liệt phong làm thứ phi, y tiết lộ cho nàng biết: trước áp lực của Mông Ca, muốn giải trừ quyền hành của y tại Trung nguyên, Mông Ca sai Thân vương lĩnh Thừa tướng trung thư tỉnh A Lan Đáp Nhi thành lập Câu khảo cục điều tra 142 tội của y và bộ hạ. Câu khảo cục giết cách chức hầu hết bộ hạ của y. Nay y phải về Hoa lâm giải độc. Trước khi về y ủy nhiệm cho Tả thừa tướng hành Trung thư tỉnh A Lý Hải Nha nắm vững triều đình của y tại Yên kinh, lại bổ nhiệm một số chân tay thân tín, phòng nếu Mông Ca hại y, thì bộ hạ y tại Trung nguyên nổi lên làm áp lực. Bạch Liên sao chép danh sách chân tay đó gửi cho Vũ Uy vương.  
Nhận được, một mặt vương gửi cho Khu mật viện Đại Việt. Khu mật viện Đại Việt sao gửi cho Tây Viễn vương. Vương trao cho Thanh Nga, Thúy Nga. Hai người âm thầm báo cho chồng là Ngột A Đa, A Lan Đáp Nhi, để hai ông chồng biết rõ âm mưu của Hốt Tất Liệt. Hai người tấu về triều xin chỉ dụ Mông Ca. 
Một mặt vương gửi cho Thanh Liên để Thanh Liên tố cáo âm mưu này với Mông Ca. Thanh Hoa lại gửi cho Huyền Liên, Huyền Liên trao cho chồng là hoàng đệ A Lý Bất Ca vốn đang ganh ghét Hốt Tất Liệt.   
Mông Ca nhận được tin từ Thanh Liên, từ A Lý Bất Ca, từ Câu khảo cục. Lập tức Đại hãn sai sứ ban chỉ khẩn cấp cho Câu khảo cục hành sự: giết hoặc sa thải toàn bộ bọn chân tay mật của Hốt Tất Liệt. 
Ngột A Đa kéo cờ Khâm sứ tới Sơn Đông, bắt giết, cách chức trước sau hơn 27 người của Hốt Tất Liệt. Thừa cơ 27 Đô đốc, Hành tỉnh Mông Cổ bị giết, bị sa thải, Lý Đảm mạo nhận mình là người của Mông Ca, tiến quân cử người trấn nhậm các vùng này. Vì vậy lãnh thổ của Lý Đảm lớn như một đại quốc. 
Trước việc làm của Lý Đảm, Hốt Tất Liệt không ngồi im. Y sai sứ, nhân danh Mông Ca, bắt Đảm đem con trai trưởng về Yên kinh làm con tin”. 

Vũ Uy vương thở phào một cái, tỏ ý vừa lòng:

– Khi tới Yên kinh, chúng ta cần phải biết Lý Đảm đã gửi con tới làm con tin cho Hốt Tất Liệt chưa? Nếu chưa thì ta cần cho y biết cái vụ con tin là do triều đình của Hốt Tất Liệt lạm quyền, Đảm không cần gửi con tới nữa. Còn như Đảm gửi rồi, thì Thúy Nga khuyên A Lan Đáp Nhi cho con tin về. Nhân Hốt Tất Liệt về Hoa lâm. Quân Mông cổ tại Trung nguyên như rắn mất đầu, chúng ta khuyên Lý Đảm xưng đế tiến quân về phía Bắc mở rộng lảnh thổ chống Mông Cổ. Có như vậy khi Mông Ca cử người thay thế Hốt Tất Liệt, thì Lý Đảm đã hùng mạnh.

Vương phi nhấn mạnh:

– Chúng ta đã có Thất liên, lại thêm bốn em Hồng Nga, Thúy Trang, Thanh Nga, Thúy Nga bên cạnh những đầu lĩnh Mông cổ. Vì vậy các em cần lắng nghe, cần theo dõi tình hình, báo về triều đình.

Trong khi trao đổi câu truyện, vương phi nhận thấy mới hơn một năm mà hai cô em đã thay đổi hoàn toàn: cử chỉ đường bệ, nói năng cẩn trọng, nhất là kiến thức rộng mênh mông. Trong khi trao đổi câu chuyện với chồng, hai nàng có thể phát biểu ý kiến ngang hàng, chứ không rụt rè như bất cứ thê thiếp, mỹ nhân nào.

Từ ngày Thanh Nga, Thúy Nga được Tây Viễn vương đưa về Trường an theo chiếu chỉ của Đại Việt hoàng đế thành hôn với A Lan Đáp Nhi, Ngột A Đa, lễ cưới tổ chức rất linh đình. Tước của Ngột A Đa tới Công. Cạnh Ngột A Đa đã có mấy mỹ nhân Tây vực, Tống. Nhưng y chưa từng kết hôn chính thức, nên Đại hãn Mông Ca ban chỉ cho Thanh Nga làm Nguyên phối phu nhân. Các mỹ nhân kia vẫn là thứ thiếp ở mãi Hoa lâm. Cạnh Ngột A Đa chỉ có mình Thanh Nga.

Còn A Lan Đáp Nhi tước tới vương, triều đình Mông Cổ cưới cho một công chúa thuộc dòng Tây liêu tên Linh Linh, ngay lập tức nàng được phong là Nguyên phi. Tiếp theo A Lan nạp thêm năm sáu mỹ nữ Tây vực, Tống, Liêu, nhưng không được triều đình Mông cổ công nhận. Linh Linh đã hoăng gần một năm. Các mỹ nữ khác người thì 40 tuổi, có người trên 50 tuổi. Người nhỏ tuổi nhất cũng 37, trong khi Thúy Nga mới 19 tuổi. Vì Thúy Nga do triều đình Đại Việt gả, tước Quân chúa, sắc đẹp cả sáu mỹ nữ đều không thể sánh. Hơn nữa nàng có tài ca múa, âm nhạc, nấu ăn, nên A Lan Đáp Nhi xin triều đình Mông cổ phong cho nàng tước Nguyên phi thay Linh Linh

Một đặc điểm mà không mỹ nhân nào có là từ khi hai nàng theo sứ đoàn, từng luyện võ, dù bản lĩnh không cao, nhưng so với các Thiên phu trưởng thì công lực hai nàng không thua. Cả hai thường theo chồng trong các cuộc thanh sát, duyệt quân, vì vậy các mỹ nữ không ai dám tỏ ý ghen ghét.

A Lan Đáp Nhi gửi biểu về Hoa lâm tường trình vụ Hốt Tất Liệt lạm quyền, gồm bẩy điều, trong đó có việc thiết lập một triều đình tại Yên kinh, bắt Đại Việt cử trưởng tử sang làm con tin. Con tin là Vũ Uy vương, vương phi là hai người có võ công, lại có tài đại tướng. Sứ đoàn hiện đang ở Trường an chờ chỉ dụ.

Thúy Nga, Thanh Nga bây giờ là vương phi của Thân vương Thừa tướng trung thư tỉnh, là phu nhân tước Công Tham tri chính sự, hai người truyền mở tiệc khoản đãi sứ đoàn Việt.

Hơn tháng sau có chim ưng của Đại Hành gửi từ Hoa lâm tới:

“ Hốt Tất Liệt mang toàn bộ thê tử về Hoa lâm. Các thân vương, quý tộc đều lãnh đạm với y, chỉ vì y bỏ hết luật pháp, phong tục vùng Thảo nguyên, mà dùng Hán pháp. Y xin được yết kiến riêng Đại hãn. Đại hãn đặt ra hơn trăm câu hỏi, y đều trả lời rất rành mạch. Cuối cùng y quỳ gối khóc: 
Chúng mình là anh em cùng một cha mẹ. Đại ca là Đại hãn, em là Thân vương. Khi đại ca sai em vào Trung nguyên đánh Tống đã có người can em rằng: tước của em là Đại vương. Nay em đem quân vào Trung nguyên đánh Tống. Nếu bại thì các tước Đại vương sẽ mất. Nếu thắng thì cũng chỉ là Đại vương mà thôi. Aáy là không kể những kẻ ác miệng dèm siểm, e tính mệnh khó toàn. Tuy nhiên em tự tin vào đức minh mẫn của đại ca, tự tin vào lòng trung thành của mình mà nhất quyết lên đường. Trong mấy năm vào Trung nguyên, em bình định được Hoa Bắc. Giữa lúc em đang đánh Hoa Nam. Phía Bắc vây Tương dương, Phàn thành. Phía Tây bình Quan trung. Phía Nam chiếm Đại lý. Em đang chuẩn bị ba mũi chiếm Hoa Nam, diệt dứt Tống thì đại ca nghe lời gian thần, lập Câu khảo cục điều tra. Vì vậy em đành buông hết, để về đây anh em sống bên nhau. 
Mông Ca ra lệnh giải tán Câu khảo cục, định ban chỉ cho Hốt Tất Liệt trở lại Trung nguyên. Nhưng trong hậu cung thứ phi Thanh Liên đã tâu với Mông Ca: 
– Hiện binh lực của Đại vương Hốt Tất Liệt mạnh muốn hơn của ngài. Vương lập thành một nước với triều đình quan chức nhiều hơn của ngài. Nếu như vương trung thành với ngài mà sao biết bao nhiêu châu báu, vàng bạc mà Thị thần Tắc Chi Chiên thu được ở Trung nguyên, Đại lý, Tây tạng, Đại Việt, đúng ra y phải nộp về quốc khố. Thế mà y nộp cho vương. Điều này chứng tỏ vương không hề trung thành với ngài 
Bây giờ nếu ngài cho vương vào Trung nguyên lại, thì dù vương không phản, nhưng bọn chân tay vương chủ trương Hán pháp sẽ vỗ tay ăn mừng: Mông Ca bỏ luật pháp Mông Cổ, chọn Hán pháp. Từ đó lực lượng của vương sẽ bùng lên, rồi chúng nó xúi vương tách khỏi chính quốc thì sao? Tục ngữ nói: thả hổ thì dễ, bắt hổ thì khó. Vương là một con hổ lớn nhất gầm trời này đó. Vậy ngài dùng lời nhỏ nhẹ an ủi vương, nhưng không cho trở lại Trung nguyên là hơn cả. 
Mông Ca nghe lời Thanh Liên. Hốt Tất Liệt hiện chỉ là một đại vương không quyền, lơ láo”. 

Quả nhiên hơn tháng sau có sứ thần của Mông Ca đến, Mông Ca ban chỉ cho A Lan Đáp Nhi, Lưu Thái Binh, Ngột A Đa phải khẩn lên đường về Yên kinh nắm quyền cai trị, vì Hốt Tất Liệt rời Trung nguyên, mà toàn bộ hệ thống quan lại vẫn còn đó. Sứ thần cũng tuyên chỉ cho Vũ Uy vương, vương phi theo đoàn của A Lan Đáp Nhi cùng về triều kiến Đại hãn.

HẾT QUYỂN II

Crypto.com Exchange

Hồi (1-61)


<