Vay nóng Homecredit

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 09

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 09: Tượng Quận Dương Uy Nhiêu Tướng Lược, Bồ Lăng Tuẫn Tiết, Tận Thần Trung
5.00
(2 lượt)


Hồi (1-61)

Siêu sale Lazada

Câu đối tại đền thờ ba tướng kỵ binh
Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống, Đào Tam Lang
thời vua Trưng.
(Tượng quận dương oai, tài tướng giỏi,
Bồ lăng tuẫn tiết, tỏ thần trung)

Ăn điểm tâm xong, mọi người lên xe. Thấy chim ưng bay lượn trên trời, Dã Tượng chạy vòng ra sau khu nhà ngủ, gọi nó xuống, lấy thư ra đọc. Đó là lệnh của Khu mật viện:

« Tìm cách bắt hoặc giết ba đứa họ Trịnh, rồi cho xe chạy ngược biên giới Tống ». 

A Tam nói với Dã Tượng bằng tiếng Việt:

– Nghe ông khách thuê xe 5 nói, công tử làm quan lớn với Mông cổ phải không?

– Nho nhỏ thôi.

– Nhỏ gì! Vạn phu trưởng là tướng quân rồi còn gì? Thế mà tôi không biết.

– Quân Mông cổ người nào cũng giỏi về thuật kị mã. Vậy công tử đánh xe ngựa chắc giỏi lắm nhỉ!

– Nếu anh mệt, anh chỉ đường để tôi đánh xe cho anh một đoạn.

A Tam mừng quá trao cương ngựa cho Dã Tượng.

Vừa lên xe, Dã Tượng nói với 5 nữ khách bằng tiếng Việt:

– Xin các chị ngồi cho chắc nghe. Xe chạy mau đấy.

Xe vọt như tên bắn. A Tam khen:

– Công tử là Vạn phu trưởng của Mông cổ có khác, nghệ thuật trị mã của công tử bỏ xa bọn tôi.

Thúy Hồng bàn bằng tiếng Việt:

– Bây giờ anh bảo A Tam đánh xe cho mình đi thẳng Độ khẩu, không ghé Côn minh, thì tên Trịnh Ngọc biết đâu mà tìm chúng ta?

Hồng Hoa phản đối:

– Chị em chúng tôi 7 người từng sống chết có nhau. Nếu anh đã ra tay tế độ thì xin cứu nốt hai đứa Tử, Lan trên xe kia một thể.

– Vậy thì được.

Chàng gò cương cho ngựa đi chậm lại. Khoảng hơn khắc thì chiếc xe 5 đã đuổi kịp. Tám ngựa hai xe, cùng gõ móng phi nước kiệu. Chợt A Tam chỉ về phía trước:

– Xin công tử trao cương xe cho tôi. Phía trước có đoàn kị mã đang chạy ngược chiều với chúng ta. Không biết họ là Mông cổ hay Đại lý.

Đoàn kị mã 10 người dần dần tới gần. A Tam than:

– Không phải Mông cổ. Tôi biết họ là ai rồi. Đám này thuộc võ lâm giang hồ có tên Hoa sơn ngũ hiệp. Họ gồm năm nam, năm nữ. Năm cặp vợ chồng thường hành hiệp trên con đường này. Họ là người Tống, mặc áo theo ngũ hành. Cặp thứ nhất mặc áo vàng chồng tên Hoàng Hiệp, vợ tên Hoàng Nương; cặp thứ nhì mặc áo trắng, chồng tên Bạch Hiệp, vợ tên Bạch Nương.

Dã Tượng đã được Tuyên minh thái hoàng thái hậu giảng cho về kinh Dịch. Chàng đoán:

– Cặp thứ ba mặc áo đen, chồng là Huyền Hiệp, vợ là Huyền Nương. Cặp thứ tư mặc áo xanh, chồng tên Thanh Hiệp, vợ tên Thanh Nương. Cặp thứ năm mặc áo đỏ, chồng tên Hồng Hiệp, vợ tên Hồng Nương.

A Tam kinh ngạc:

– Ủa công tử đã biết họ rồi ư?

– Không! Tôi đoán ra mà thôi. Cũng như bẩy cô gái bên xe 5, cũng có tên theo thứ tự Hoàng, Bạch, Huyền, Thanh, Hồng, Tử, Lan.

Mười kị mã dàn ngang, chặn mất đường đi. Họ không phải kị binh, y phục của họ có năm mầu khác nhau. A Tam giải thích:

– Võ lâm Tống đấy. Những người này rất ghét Mông cổ. Võ công họ cao thâm vô cùng. Công tử phải dấu thân phận, nếu họ biết công tử là Vạn phu trưởng thì họ tàn sát không tha thứ!

Viên chỉ huy là một lão già, râu dài rất đẹp. Ông ta mặc áo vàng hỏi bằng tiếng Hán:

– Xe chở những ai? Đi đâu?

A Tam đáp:

– Thưa Hoàng Hiệp, chúng tôi thuộc hãng Phi mã, xe số 3 đi Độ khẩu, xe số 5 đi Côn minh.

– Ai là chủ thuê xe số 3.

Thúy Hồng chỉ vào Dã Tượng trả lời bằng tiếng Hán, âm Lâm An:

– Vợ chồng chúng tôi thuê xe này.

Nàng chỉ xe số 5:

– Hai xe cùng hãng, đi cùng chiều. Xe số 5 có hai con ngựa ốm, nên xe số 3 chở dùm 5 người.

Hoàng Hiệp chỉ vào Tô lịch thất tiên:

– Hai phu xe nghe đây: chúng tôi là võ lâm Trung nguyên. Vì quốc sự, chúng tôi phải cứu bẩy vị cô nương này. Hai người vui lòng đánh xe theo chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả thù lao nếu thời gian đi quá lâu. Còn các người không phục tùng thì chúng tôi phải dùng sức.

Tên Trịnh Ngọc đem hổ phù ra oai:

– Đại lý là thuộc quốc của Mông cổ. Tôi là Bách phu trưởng thuộc quyền của Thái sư Ngột Lương Hợp Thai chở cống phẩm dâng cho đại vương Hốt Tất Liệt. Đây là hổ phù chứng minh. Các người không được xen vào truyện này.

Một phụ nữ mặc áo hồng còn rất trẻ, Dã Tượng biết nàng tên Hồng Nương. Nàng dùng roi ngựa quật vào đầu Trịnh Ngọc một cái, kình lực rít lên vo vo, mặt y chảy máu đầm đìa trông thực thảm thiết:

– Bách phu trưởng đã là cái thá gì? Đi theo ta, bằng không ta chặt đầu.

Vợ tên Trịnh Ngọc quát:

– Chồng ta là Bách phu trưởng của Mông cổ. Còn mi chỉ là dân, mi không được hỗn.

– Ta cứ hỗn đấy, mi làm gì ta nào?

Hồng Nương nói rồi vung chưởng hướng tên Ngọc tát cái nữa. Mụ béo ị lách mình như con cá trạch, mụ vung tay tấn công Hồng Nương. Kình lực phát ra khá mạnh. Hồng Nương chuyển tay đỡ. Binh một tiếng cả hai đều bật lui.

Mụ béo ị hô:

– Khoan!

Hồng Nương nhảy lùi lại.

Mụ béo ị quát lên:

– Bên ta chỉ có một người. Còn bên người tới một chục. Như vậy là quá bất công, các người cậy số đông áp chế chúng ta, như thế mà các người cũng xưng là võ lâm ư?

Hoàng Hiệp cười:

– Được! Nếu mi thắng được Hồng Nương, chúng ta sẽ rời đây, để mi đi Côn minh. Mi xưng tên đi.

– Ta là Mỹ Liên, người Đại Việt.

Nói rồi mụ phát chưởng tấn công Hồng Nương.

Dã Tượng nhận ra võ công của Hồng Nương là võ công Hoa sơn, Trung nguyên. Còn võ công của vợ tên Ngọc là võ công Mê linh thuộc Đại Việt.

Hồng Nương cười nhạt, nàng hít hơi, phát một chưởng khá mạnh, gió lộng ào ào. Mụ Mỹ Liên trả lại bằng một chiêu Thiết kình phi chưởng. Đám võ lâm Trung nguyên thản nhiên đứng nhìn hai người đấu với nhau. Hoàng Hiệp quan sát trận đấu:

– Con mụ béo này công lực không làm bao, nhưng chiêu số của nó khắc chế chiêu số của Hồng Nương. Không biết Hồng Nương có thắng được thị không?

Hoàng Hiệp chỉ Dã Tượng hỏi A Tam:

– Gã này là ai?

– Họ là cặp vợ chồng mới cưới, buôn gia súc, thuê bao xe chúng tôi đi Độ khẩu. Họ không liên quan gì đến vợï chồng tên Bách phu Mông cổ.

Bách một tiếng Hồng Nương bị trúng một chưởng, mặt nàng đỏ gay.

Trước khi đi Vũ Uy vương đã dặn Dã Tượng: chỉ khi nào nguy đến tính mệnh mới được xử dụng võ công. Vì vậy chàng ngồi im.

Đấu được mươi hiệp nữa, Hồng Nương cứ bị trúng đòn của mụ Mỹ Liên. Thúy Hồng nói sẽ:

– Không hiểu sao đám võ lâm Trung nguyên này lại đánh cướp bẩy chị Hoa. Em nghĩ thà để Tô lịch thất tiên bị đám võ lâm bắt còn hơn để họ tiếp tục bị bọn Mông cổ cầm tù.

– Được! Anh sẽ có cách.

Vừa lúc đó mụ Mỹ Liên ra chiêu Kình ngư quá hải, chiêu này tay phải đánh thẳng về trước, rồi bật lên trên, để hở hạ bàn. Dã Tượng hô lớn:!

– Lạc diệp thu phân. 

Đây là chiêu cước của phái Hoa sơn đá thẳng về trước. Hồng Nương đang thấy nguy cơ bị bại, có người nhắc một chiêu của phái mình thì không kịp suy nghĩ tung về trước một cước. Mụ Mỹ Liên bị trúng một cước bay bổng lên cao, rồi ngã lộn đi hai vòng. Tuy đau đớn nhưng mụ cố bật dậy, Dã Tượng hô:

– Phi hoa, phi yến .

Hồng Nương bay tới phóng hai cước nữa, mụ Mỹ Liên bay bổng ra xa, không ngồi dậy được nữa. Hồng Nương điểm huyệt, rồi túm áo ném mụ lên xe.

Mụ Mỹ Liên ngoác mồm ra chửi:

– Tổ bà tụi bay. Con mụ Hồng Nương đâu có thắng được ta? Mụ thắng ta vì nhờ cái thằng trâu thui kia mách nước. Ta không phục.

Mụ chửi Dã Tượng bằng tiếng Việt:

– Thằng oắt con kia! Mi với chúng ta là người Việt. Ta là Bách phu trưởng, còn mi là Vạn phu trưởng. Mi với chúng ta cùng là quan chức Mông cổ. Giữa mi với chúng ta không thù không oán, tại sao mi giúp bọn Hoa sơn mà hại ta?

Tuy xuất thân chăn trâu, nhưng nhờ thuở bé sống trong chùa nên Dã Tượng luôn nói năng cẩn trọng:

– Xin lỗi phu nhân. Tôi không phải Vạn phu trưởng. Tôi là người của Sứ đoàn Đại Việt. Hôm nay, đúng ra tôi đang định bắt trói phu nhân với chồng con phu nhân để cứu Tô lịch thất tiên, thì Hoa sơn ngũ hiệp xuất hiện. Vô tình Ngũ hiệp trợ giúp chúng tôi, vì vậy tôi chỉ nhắc Ngũ Nương vài câu mà thôi.

Mụ Mỹ Liên với Dã Tượng đối đáp bằng tiếng Việt, nên Hoa sơn ngũ hiệp không hiểu gì.

Lão già Hoàng Hiệp đến trước xe Dã Tượng cung tay:

– Không biết vị thiếu gia đại danh là gì? Thuộc môn phái nào mà lại biết cả võ công Hoa sơn, Đại Việt. Hoàng Hiệp này xin có lời đa tạ.

Thúy Hồng đáp thay Dã Tượng:

– Lão tiền bối! Chồng tôi họ Trần, tên Quốc Kinh, tôi họ Lý tên Thúy Hồng. Chúng tôi là người Việt, chồng tôi biết rất ít tiếng Hán, mong lão tiền bối miễn chấp. Chồng tôi có học qua võ công Hoa sơn, nên thuận miệng giúp Ngũ Nương mà thôi.

Hoàng Hiệp chắp tay vái:

– Chúng tôi được lệnh bề trên mời bẩy vị tiên tử này về Bồ lăng mà thôi. Còn Trần công tử với tiểu cô nương có thể đi được rồi.

Hoàng Hoa hỏi Ngũ hiệp:

– Ngũ vị đại hiệp. Chúng tôi bị áp tải từ Khâu Bắc, Văn Sơn đến đây. Đường xá xa xôi, sao các vị biết chúng tôi bị nạn, mà đón đường ra tay tế độ?

– Bẩy vị Tiên tử! Người bề trên của chúng tôi có địa vị cực lớn. Người muốn làm thân với Đại Việt, nên sai chúng tôi cứu bẩy vị, làm lễ tương kiến với các danh nhân Đại Việt.

Thúy Hồng hỏi:

– Thưa lão tiền bối Bồ lăng có gần Hợp châu không?

Nghe Thúy Hồng hỏi, Hoàng Hiệp hơi bỡ ngỡ một chút rồi trả lời:

– Gần! Gần lắm.

– Chúng tôi định đi Độ khẩu, rồi lấy thuyền xuôi Hợp châu. Chúng tôi là người Việt, không thông thuộc đường lối. Xin lão tiền bối chỉ cho chúng tôi đường nào đi thuận tiện nhất. Hoặc nếu có thể cho chúng tôi đi theo được chăng?

Hoàng Nương mau mắn:

– Được chứ! Nhưng chúng tôi đi đường tắt, chứ đường thủy Kim sa giang tại Độ khẩu bị Mông cổ phong tỏa không đi được.

– May quá! Không gặp ngũ vị đây mà chúng tôi đến Độ khẩu gặp Mông cổ, ắt bị chúng bắt.

Hoàng Hoa vẫn lo lắng, nàng hỏi lại Hoàng Nương một lần nữa:

– Phu nhân, tại sao các vị biết bẩy chị em chúng tôi bị nạn mà ra tay tế độ?

– Chuyện này về tới Bồ lăng, chúng tôi sẽ trình bầy với các vị cô nương sau. Xin cô nương yên tâm, chúng tôi là những người thuộc danh môn chính phái Trung nguyên. Chúng tôi với Đại Việt cùng sát cánh chống Mông cổ. Chúng tôi quyết không có hành vi khinh bạc với các vị cô nương đâu. Thôi chúng ta lên đường.

Ngũ Hiệp phóng tay điểm huyệt tên Trịnh Ngọc, Trịnh Long, rồi quẳng chúng lên xe 5. Hai tài công dường như quen với việc bị khống chế này; thản nhiên đánh xe rẽ vào rừng. Họ bỏ không theo đường về Côn minh nữa.

Đám người Hoa sơn chia làm hai toán, năm người đi trước, năm người đi sau hai chiếc xe. Dọc đường đám Tô lịch giữ im lặng, vì thực sự họ chưa biết nhóm Hoa sơn ngũ hiệp có tử tế với họ hay không. Nhưng bẩy người cùng yên tâm: dù sao võ lâm Tống cũng tử tế hơn bọn Mông cổ. Còn Dã Tượng cứ lầm lỳ đọc sách. Tới chiều, thì đến một thị trấn nằm bên bờ sông. Thúy Hồng hỏi Huyền Nương:

– Không biết thị trấn này tên gì? Sông là sông gì?

– Đây là Giang an. Sông này là sông Trường giang. Chúng ta đi đường tắt. Nếu chúng ta đến Độ khẩu, rồi xuôi Kim sa giang thì phải một ngày một đêm mới tới đây. Vì đi đường tắt nên chúng ta tới đây mau hơn.

Hoàng Nương ra lệnh cho Tô lịch thất tiên với Dã Tượng xuống xe. Vợ chồng Hồng Hiệp giải huyệt cho vợ chồng tên Ngọc và thằng con tên Long:

– Bọn bay là người Việt, đất Việt là đất anh hùng mà bọn bay bỏ tổ tiên, bỏ đất nước đi theo Thát đát. Đúng ra thì ta cho bọn bay mỗi đứa một kiếm, rồi quẳng xác xuống sông. Nhưng chúng ta là người hiệp nghĩa, chúng ta mở cho bọn mi một sinh lộ. Vậy bọn mi phải trở về đất Việt làm ngoan dân. Nếu bọn mi còn theo Mông cổ thì lần sau bắt gặp chúng sẽ không tha.

Hoàng Hiệp vẫy tay nói với A Tam và A Ngũ:

– Thôi! Hai anh về thôi.

A Tam, A Ngũ chở bọn Trịnh Ngọc, đánh xe quay về.

Thúy Hồng là người rất tinh tế, nàng thấy rõ ràng Tô lịch thất tiên được giải thoát, thời gian về cố quốc không bao lâu, mà dường như các nàng thản nhiên.

Có mấy người từ bến sông đón Hoa sơn ngũ hiệp. Họ hỏi:

– Thành công rồi à?

Hồng Nương vui vẻ:

– Dĩ nhiên.

Nàng nói với Tô lịch thất tiên:

– Mời bẩy vị tiên tử xuống thuyền. Chúng ta đi Bồ lăng bằng đường thủy, đỡ mệt hơn đi bằng xe ngựa. Tới Bồ lăng, người trên của chúng tôi sẽ nói rõ lý do tại sao chúng tôi cứu bẩy vị.

Nàng nói với Dã Tượng:

– Trần công tử. Mời công tử và phu nhân xuống thuyền. Chúng tôi đưa nhị vị tới Bồ lăng. Rồi nhị vị từ Bồ lăng sẽ dùng ngựa đi Hợp châu.

Con thuyền khá lớn. Hoàng Nương ra lệnh cho thuyền trưởng:

– Sư đệ dành một khoang lớn cho bẩy vị tiên tử. Dành một phòng lịch sự cho Trần thiếu hiệp và phu nhân.

Dã Tượng than thầm:

– Lại phải làm chồng hờ Thúy Hồng nữa rồi.

Chợt nghĩ ra một kế, Dã Tượng nói với Hoàng Nương:

– Phu nhân! Cô vợ của tôi vốn là nòi ca hát. Nàng thấy bẩy vị tiên nga này có tay tiên âm nhạc, nên muốn ở chung để học thêm. Xin phu nhân giúp cho.

– Được!

Dã Tượng thoát khỏi làm chồng hờ Thúy Hồng thì mừng chi siết kể. Tuy Dã Tượng với Tô lịch thất tiên ở riêng, nhưng khi ăn uống lại cùng ở khoang chính của thuyền. Nhờ ở một mình suốt ngày, Dã Tượng không luyện Vô ngã tướng Thiền công thì đọc sách. Chàng đã đọc được Lục Thao, Tam Lược, Tôn Ngô binh pháp, ngay cả Tứ thư, Ngũ kinh.

Thúy Hồng kinh ngạc vô cùng, vì hôm khởi hành từ Thăng long, Dã Tượng chỉ đọc được những bản văn thông thường như quyền phổ, nội công tâm pháp. Còn thơ văn, ngay đến mấy câu thơ trong quẻ xâm chàng cũng không hiểu nổi. Về đàm thoại thì chàng chỉ nói được những tiếng thông thường. Thế mà sau một thời gian ngắn, chàng đã đọc được những bộ sách triết lý quân chính. Chàng đã đủ ngôn từ thảo luận chính sự với Hoa sơn ngũ hiệp.

Thuyền đi hai ngày hai đêm thì tới địa phận Bồ lăng. Bồ lăng là ngã ba sông Trường giang với Ô giang. Thuyền vừa tới nơi, thì Hoàng Hiệp được tin báo:

– Tổng trấn Tứ xuyên là Vương Kiên vừa tới hôm qua. Người đang chờ Hoa sơn ngũ hiệp.

Hoàng Nương vui vẻ:

– Thế thì may quá, chúng tôi không phải đi Hợp châu.

Nàng nói với Tô Lịch thất tiên bằng lời lẽ khách khí:

– Bẩy vị tiên tử. Chính Vương Tiết độ sứ đã nhờ chúng tôi cứu bẩy vị. Vậy xin bẩy vị thay y phục, trang điểm rồi vào dinh gặp người.

Nghe đến tên Vương Kiên, Tô lịch thất tiên như cất được gánh nặng trên vai. Bởi từ hôm bị Mông cổ cầm tù, bẩy nàng từng nghe nói đây là một nho gia, một người đọc sách cầm quân. Vương từng thắng Mông cổ nhiều trận, hơn nữa ngăn không cho Mông cổ từ Đông xuyên, Tây xuyên tiến ra Kinh châu. Hoàng Hoa nói với các em:

– Chúng ta thoát nạn rồi.

Nàng hô cả bẩy chị em cùng quỳ gối:

– Chúng tôi bị rợ Thát đát bắt gần một năm nay. Khổ nhục, muốn chết không xong, muốn sống không nổi. Nay được Ngũ hiệp giải cứu, xin nhận một lạy này, tỏ lòng tri ơn.

Thúy Hường để ý thái độ, nét mặt bẩy người dường như gượng gạo, chứ không thực tình .

Ngũ hiệp cùng vung tay, kình lực không cho Thất tiên qùy:

– Chúng tôi vì tình Tống Việt liên binh mà ra tay. Xin bẩy vị không nên nhẹ thể.

Mục đích chuyến đi của Dã Tượng là đại diện cho Vũ Uy vương đến Hợp châu gặp Vương Kiên để phối hợp Tống-Việt chống Mông cổ. Không ngờ bây giờ Vương Kiên lại đến đây. Chàng cố uốn giọng Lâm an nói với Hoàng Hiệp:

– Thưa tiền bối, ở mãi Đại Việt, mà chúng tôi cũng đã nghe danh Vương Tiết độ sứ. Người trấn vùng Thục, Đông xuyên, Tây xuyên, đánh Mông cổ nhiều trận long trời lở đất. Xin Hoàng Hiệp nói với Vương Tiết độ sứ cho chúng tôi được diện kiến để tỏ lòng hâm mộ được không?

– Tôi sẽ thưa với Vương Tiết độ sứ. Tôi nghĩ là Vương Tiết độ sứ gặp thiếu niên anh hùng như Trần công tử ắt người sẽ vui lòng lắm. Vậy mời Trần công tử với phu nhân vào dinh cùng với chúng tôi.

Cả đoàn người đi bằng năm xe tứ mã vào dinh tổng trấn. Xe vừa ngừng lại thì ba võ sĩ chạy ra đón:

– Kính chào Hoa sơn ngũ hiệp. Tiết độ sứ đang chờ Ngũ hiệp.

Nghe tiếng nói, Dã Tượng nhận ra đó là ba anh em họ An có mỹ danh là Kim sơn tam kiệt; mà chàng đã gặp hôm theo Vũ Uy vương đi hội kiến với A Lan Đáp Nhi. Anh em họ An vừa thấy Dã Tượng, cả ba reo lên:

– Trần huynh đệ!

– Quốc Kinh huynh đệ!

– Ôi! Dã Tượng! Ngọn gió nào thổi huynh đệ tới đây vậy. Vương Tiết độ sứ nhắc đến huynh đệ luôn.

Dã Tượng cũng vui mừng ra mặt:

– Kim Sơn tam kiệt! Thực may mắn cho chúng mình quá. Đúng là có duyên.

Hoa Sơn ngũ hiệp trố mắt ra nhìn cảnh Dã Tượng cùng Kim Sơn tam kiệt vui mừng gặp lại nhau. Hoàng Nương hỏi Kim sơn đệ tam:

– Tam hiệp! Thế này là thế nào?

– Chúng tôi quen biết nhau từ lâu. Trần huynh đệ là một con voi đồng quê của Đại Việt. Người có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh. Trong một lần chúng tôi bị Mông cổ vây hãm, Trần huynh đệ xung vào vòng vậy, dùng tay không vật ngã ngựa, cứu chúng tôi.

Hoàng Nương nói với Dã Tượng:

– Trần thiếu hiệp! Người còn trẻ mà kín miệng thực! Suốt thời gian đi cùng chúng tôi, chúng tôi không biết rõ chân tướng thiếu hiệp.

Dã Tượng chắp tay vái Hoa sơn ngũ hiệp:

– Xin Ngũ hiệp xá tội. Quốc Kinh này mang trọng trách Tống Việt trên mình, nên phải kín miệng, chứ thực sự cũng muốn kết bạn với những người hiệp nghĩa xả thân cứu nước như Ngũ hiệp.

Vương Kiên vừa trông thấy Dã Tượng, ông reo lên:

– Ôi! Trần Đô thống! Trận gió nào đưa Đô thống tới đây vậy? Xin mời Đô thống, xin mời Hoa sơn ngũ hiệp! Xin mời Tô lịch thất tiên.

Phân ngôi chủ khách xong, Hoàng Hiệp cung tay nói với Dã Tượng, Tô lịch tất tiên:

– Khi đánh đuổi bọn Mông cổ cứu Thất tiên, chúng tôi đã thưa rằng: người trên sai chúng tôi cứu Thất tiên. Người trên của chúng tôi hiện ở Bồ lăng. Khi tới Bồ lăng, người trên của chúng tôi sẽ nói rõ tại sao lại sai chúng tôi cứu các vị. Người trên đó chính là Vương Tiết độ sứ đây.

Nghe Hoàng Hiệp nói, cả bẩy người cùng xụp xuống đất, nước mắt đầm đìa:

– Chị em chúng tôi muôn vàn cảm tạ đại ân, đại nghĩa của Vương đại nhân. Ơn này xin ghi lòng tạc dạ.

Phu nhân Vương Kiên là Minh Anh nữ hiệp vội phất tay đỡ bẩy tiên:

– Chúng ta vì sự nghiệp Tống-Việt mà giúp nhau. Xin Thất tiên đừng đa lễ.

Vương Kiên mỉm cười nhìn Dã Tượng:

– Trần đô thống là người tinh, minh, mẫn, cán ắt biết rõ chủ ý việc chúng tôi giải cứu bẩy vị tiên tử này rồi.

Dã Tượng nhìn Thất tiên:

– Vương Tiết độ sứ là đấng nhã lượng, cao trí, nên đã xây một cây cầu nối giòng sông phân đôi Tống, Việt. Thầy Tạ Quốc Ninh của tôi được tin này, ắt người sẽ mừng đến trẻ lại mười tuổi.

Hoàng Hoa ngơ ngác hỏi:

– Vương tổng trấn, Trần đô thống, các vị lý luận cao xa quá, chị em chúng tôi không hiểu!

Thúy Hồng là người thông minh tuyệt đỉnh, nàng đưa mắt cho Dã Tượng:

– Em xin giải thích cho chị Hoàng thay anh!

– Được!

– Thưa bẩy chị. Chị Hoàng Hoa là phu nhân của thầy Tạ Quốc Ninh, thầy là Phó quản Khu mật viện Đại Việt. Chị Bạch Hoa là vương phi của Nhân Huệ vương, vương là người Tổng trấn Bắc Thăng long. Chị Huyền Hoa là phu nhân Khai sơn hầu Chu Mạnh Nhu, hầu là Quản Khu mật viện Đại Việt. Chị Thanh Hoa là phu nhân của Tham tri bộ Lễ Chu Bác Lãm. Chị Hồng Hoa là phu nhân của Vũ kị thượng tướng quân Lý Tùng Bách; Lý tướng quân là người thống lĩnh Kị binh Đại Việt. Hai chị Tử Hoa, Lan Hoa là phu nhân của hai đại tôn sư võ học phái Sài sơn là Lê Kim Sơn, Lê Ngân Sơn. Từ hôm chị Hoàng mất tích, thầy Tạ thương nhớ muốn mòn con tim, muốn mờ con mắt. Nhân Huệ vương nhớ chị Bạch ngày đêm ôm quần áo của chị để tìm lấy hơi. Khai sơn hầu Chu Mạnh Nhu thì ăn không biết mùi vị, ngủ thì chập chờn giấc quế vì nhớ chị Huyền Hoa. Tham tri bộ Lễ Chu Bác Lãm thì chiều chiều ra bờ sông Hồng khóc thương chị Thanh Hoa. Vũ kị thượng tướng quân Lý Tùng Bách thì nhớ chị Hồng hồn phách phiêu phưởng. Hai vị tôn sư phái Sài Sơn tung đệ tử đi khắp nơi tìm hai chị.

Nàng ngừng lại đưa mắt nhìn Thất tiên, thấy cả bẩy cùng sụt xùi khóc. Nàng tiếp:

– Nhờ hệ thống Tế tác tinh vi, Vương tổng trấn biết việc Mông cổ khống chế các chị. Người nhờ Hoa sơn ngũ hiệp cứu Thất tiên, rồi người sẽ đưa Thất tiên về Đại Việt. Thế là trên từ Hoàng đế cho đến bách quan, văn nhân, danh sĩ đều biết ơn Vương tổng trấn, biết ơn Tống. Tình anh em Tống Việt mấy trăm năm nay vốn hòa thuận, nay thêm thắt chặt.

Vương Kiên thêm:

– Nhất là gần đây chúng tôi bị Mông cổ vây ở Đại lý nhờ Vũ Uy vương, vương phi, Tạ hầu, Trần đô thống giải cứu cho, bằng không đã mất mạng rồi.

Vương Kiên sai bầy tiệc rượu khoản đãi. Sau tiệc, ông sai lấy một du thuyền, trang trí thực đẹp làm nơi tạm trú cho phái đoàn Đại Việt.

Có chim ưng mang thư tới, Dã Tượng mở thư ra, rồi tập hợp cả 8 nàng lại:

– Vũ Uy vương báo cho chúng ta biết có sự thay đổi lớn ở quê nhà.

“Kể từ tháng 3, Nguyên Phong hoàng đế thoái vị nhường ngôi cho Thái tử Hoảng, lui về làm Thái thượng hoàng. Thái tử lên ngôi xưng là Nhân Hoàng, lấy niên hiệu là Thiệu Long; tôn Thái thượng hoàng làm Hiển Nghiêu, Thánh Thọ Thái thượng hoàng đế. Bầy tôi tôn hiệu là:  
Kiến thiên, thể đạo,

Đại minh, quang hiếu hoàng đế.

Phong con gái An Sinh vương Liễu làm Hoàng hậu, Phong em là Chiêu minh vương Trần Quang Khải làm Thái úy. 
Thiệu Long hoàng đế ( sau này khi băng miếu hiệu là Thánh Tông) ban chiếu đại xá thiên hạ, thăng tất cả văn quan, võ tướng lên một bậc. Dã Tượng được thăng từ Đô Thống lên Tả thiên ngưu vệ thượng tướng quân. Yết Kiêu được thăng lên Hữu thiên ngưu vệ thượng tướng quân. Long thành ngũ phượng đều được thăng từ Vệ úy lên Tá lĩnh. 
Thượng hoàng lui về Cố trạch an dưỡng tuổi già”.  

Ghi chú

Khi vua Thái tông lên ngôi, cắt đất phong cho hoàng tộc, mỗi người một vùng. Sợ rằng tông tộc phân tán đi khắp nơi, thâm tình sẽ phai lạt, nên nhà vua phân chia vùng đất linh gần tháp Phổ Minh ra thành từng khu nhỏ, chia cho các vương hầu mỗi người một khu, cất dinh thự làm nơi cư ngụ chính thức tại quê hương. Đất này nay gọi là Cố trạch. Hằng năm tất cả tông tộc nhà Trần phải về Cố trạch giỗ tổ, cùng xum họp.  
 Vùng Cố trạch xưa bao gồm toàn huyện Mỹ lộc, Vũ-bản và thành phố Nam định ngày nay. Hiện (2001) vùng Cố trạch chỉ còn lại một khu nhỏ nơi có đền thờ Hưng Đạo vương, cùng đền thờ các vua Trần và công thần ở phía Bắc thành phố Nam định. 
Độc giả muốn thăm khu di tích lịch sử này, rất dễ dàng. Trước hết tới thành phố Nam định, tìm chợ Rồng. Từ chợ Rồng đi về phía Bắc khoảng gần cây số, rồi lên dốc Lò trâu, rẽ phải hơn năm trăm mét gặp sông Vỵ hoàng. Xưa sông Vỵ hoàng là thắng cảnh của Nam định. Từ hồi đầu thế kỷ thứ 20, sông bị lấp dần, dựng nhà, chợ. Di tích nay chỉ còn những cái ao. Hồi trước 1907, thi sĩ Trần Tế Xương từng than: 
Sông kia rầy đã nên đồng,

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Đêm đêm tiếng ếch bên tai,
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò.

Cổng vào khu Cố trạch (hình chụp 2001) 
 Đi tiếp khoảng hơn nghìn thước, rẽ trái, thì sẽ thấy khu Cố trạch uy nghi hiện ra. Khu Cố trạch có tường xây phía ngoài. Ngay trước cổng vào có bãi đậu xe, với cây đa không biết trồng từ bao giờ, có lẽ trên trăm năm. Qua cổng vào trong là cái hồ, bờ kè đá. Sau hồ chia làm hai khu vực liền nhau: khu phải thờ đức thánh Trần và chư tướng. Khu trái thờ tổ tiên nhà Trần. 
Từ cổng đi tiếp khoảng 7 trăm mét là tháp và chùa Phổ minh. 
Theo báo chí trong nước loan tin ngày 13-12-2006. 
Viện Khảo cổ học Việt Nam chủ trì, Bảo tàng Nam định phối hợp khai quật khu di tích lịch sử tại thôn Tức mặc, thành phố Nam định. Cuộc khai quật khởi từ tháng 11 năm 2006, cho đến nay (10-01-2007) vẫn còn tiếp tục. Khu này bao gồm cánh đồng giữa đền thờ Hưng Đạo vương, các công thần triều Trần và Liệt tổ họ Trần. Mục tiêu là tìm di tích Hành cung Thiên trường. Cuộc khai quật đã tìm ra di tích Trùng hoa, một trong hai cung điện lớn nhất của Hành cung. 
Cuộc khai quật trên diện tích lên tới hơn 2.000m2, với khoảng 30 hố khai quật. Di vật xuất hiện dày đặc, số lượng đã tới hàng chục vạn. 
Trong ba 3 hố khai quật phía tây đền Trần đều phát hiện dấu vết của các di tích kiến trúc điển hình như hệ thống cống thoát nước bằng đất nung, móng trụ cột, gạch lát nền, gạch chữ nhật có khắc chữ Hán “Vĩnh ninh trường”, các vật liệu trang trí như đá tảng, sỏi đá nhẵn, ngói mũi sen, lá đề chạm rồng phượng…  
Đã phát hiện khoảng gần 10 ô vuông nhỏ xếp gạch ngói, theo phỏng đoán bước đầu thì có thể là dấu vết của vườn hoa cây cảnh. Ngoài vật liệu xây dựng, còn lại hầu hết là đồ gia dụng bằng sành và gốm men… Đặc biệt có một số bát men ngọc và men trắng vẽ hoa văn hoa sen và hoa mẫu đơn rất tinh tế. Tất cả đều điển hình cho phong cách thời Trần.  
  Chiều hôm đó, Vương Kiên cùng mấy tham tướng, dẫn Dã Tượng, Thúy Hường xuống một chiến thuyền, sai người canh phòng thực cẩn mật.

Dã Tượng trình cho Vương Kiên bức thư của Vũ Uy vương, ủy cho chàng được làm đặc mệnh toàn quyền trong việc thảo luận với Tống, thiết kế liên hợp chống Mông cổ.

Mở đầu Vương Kiên nói những lời chân thành:

– Tống đang gặp nạn Mông cổ. Chúng tôi hy vọng các nước Tây tạng, Đại lý, Đại Việt là hàng rào bảo vệ phía Nam cho Trung nguyên. Tuyệt không bao giờ ngờ tới việc Đại lý buông kiếm, đầu hàng quá sớm. Mông cổ không đánh một chiêu võ, không bắn một mũi tên mà được một vùng đất tài nguyên phong phú, được trên 20 vạn nhân mã. Đại Việt đất hẹp, khảng khái, can trường chống lại bọn hùm sói Mông cổ. Hơn nữa phá mười vạn Lôi kị như đánh bầy thỏ. Bây giờ Đại Việt lại cử tướng quân sang thảo luận hợp tác phòng vệ. Chúng tôi xin vạn vạn lần tri ơn Đại Việt hoàng đế.

Dã Tượng mở lời trước:

– Chúng ta có nhiều vụ phải bàn. Thứ nhất, về việc các cao thủ Trung nguyên bị khống chế.

Chàng tường trình sự việc chi tiết nguyên do tại sao các cao thủ Trung nguyên đang hỗ trợ Mông cổ lại can đảm phản chúng, trong khi gia đình bị khống chế. Bây giờ các cao thủ muốn trở về quê hương chống ngoại xâm.

Mặt Vương Kiên hiện ra vẻ hân hoan vô cùng tận:

– Lôi kị Mông cổ mạnh như vũ bão, dữ hơn quỷ sứ. Khi chúng lao vào trận Tống, thì trận bị phá. Sở dĩ tôi cầm cự được với chúng là nhờ các cao thủ. Họ xử dụng võ công giết các Thập phu, Bách phu, Thiên phu trưởng của chúng, làm cho trận tuyến của chúng loạn. Quân mình mới phá được. Bây giờ với mấy trăm cao thủ võ lâm tới đây trợ chiến thì tôi có thể giữ vững mặt Bắc Tứ xuyên được. Nhưng còn gia đình họ, nếu đưa về đây, thì họ vừa chiến đấu, vừa lo cho gia đình e khả năng bị giảm. Vậy tôi sẽ đem an trí gia đình họ tại các châu, động thuộc Quảng Tây, là nơi khí hậu ấm áp, lại xa các chiến trường thì tốt hơn. Không biết Trần tướng quân có cao kiến gì khác không?

– Vương Tiết độ sứ thực là người ngồi trong màn mà quyết thắng ngoài ngàn dặm. Tôi nghĩ tất cả các châu Ung, Liêm, Dung, Nghi, Bạch đều là nơi bờ xôi giếáng mật, khí hậu ôn hòa; Tiết độ sứ có thể an trí những người này được.

– Tôi sẽ tâu về triều việc này. Mặt khác tôi sẽ gửi người tới đồng liêu trấn thủ Quảng châu. Bây giờ chúng ta sang vấn đề thứ hai, như trong thư của Vũ Uy vương gửi là Đại Việt sẽ huấn luyện, cung cấp cho chúng tôi một vạn quân. Không biết tướng binh này thuộc hiệu nào? Thiên cương? Thiên thánh?

– Đây là một một hiệu toàn Hoa kiều ở Đại Việt. Họ là con cháu của các di thần tiền triều sang kiều ngụ. Họ được các vua triều Lý giúp đỡ tận tình. Họ được cấp đất để canh tác. Họ rất giỏi về thương mại. Họ liên kết thành các bang hội giúp đỡ nhau, giáo dục con cái. Khi nghe Mông cổ đánh chiếm Hoa Bắc, rồi tràn xuống Đông xuyên, Tây xuyên, Thục, Kinh châu. Họ muốn trở về quê hương giữ nước. Nhưng họ ngại ngùng, vì trước đây các bang hội luôn nhận là con cháu của di thần Nam Đường, Nam Hán, Ngô Việt, rồi tổ chức huấn luyện thanh niên chờ ngày về phục quốc. Bây giờ thì truyện tiền triều quá xa, họ chỉ thấy trước mắt Mông cổ đang tàn sát người Hán mà thôi.

– Không khó, tôi sẽ gửi tấu chương về triều, xin ban chỉ ân xá cho họ, lại gửi sứ sang chiêu dụ họ.

– Hiện Đại Việt đã tổ chức, huấn luyện thanh niên Hoa kiều thành bốn vệ; lại võ trang cho họ như quân Đại Việt.

– Mỗi Vệ bao nhiêu người?

– 2.400 người. Các Vệ được học xử dụng khiên mây, đao quất, Đơn thằng, Trung thằng, Vạn thằng để chống với Lôi kị.

– Như vậy đạo quân này lên tới một vạn người. Tôi hỏi thực: Đại Việt đem những tinh hoa võ thuật Trung nguyên trả cho chúng tôi. Lại trang bị, huấn luyện 4 Vệ tinh nhuệ trao cho Tống. Phí tổn thực không thể tính nổi. Không biết Đại Việt muốn Tống phải đáp lại như thế nào?

Dã Tượng ngồi ngay lại:

– Giữa Quảng Tây, Đại lý với Đại Việt giáp nhau bằng 207 khê động. Các khê động này được tự trị. Khi Tống mạnh thì theo Tống, khi Đại lý mạnh thì theo Đại lý. Bây giờ Đại lý thành thuộc quốc của Mông cổ. Các khê động này một số theo Tống, một số theo Mông cổ. Như vậy rất nguy hiểm cho Tứ xuyên, Quảng Tây.

Vương Nguyên hiểu ngay:

– Vậy thì từ nay, Tống không lý gì đến bọn Man di này nữa. Xin Vũ Uy vương tiến quân vào thu thập, bắt chúng phải theo về Đại Việt.

Dã Tượng lắc đầu:

– Ý Vũ Uy vương không muốn chiếm đất của Tống, mà muốn khắc phục bọn này, biến chúng thành lực lượng chống Mông cổ, thành hàng rào bảo vệ phía Tây, Nam cho Tống.

Cuộc thảo luận đến gần sáng mới xong. Hai bên cùng đồng ý 18 điều. Dã Tượng tỏ vẻ tin tưởng:

– Trong 18 điều này tôi tin chắc Thiệu Long hoàng đế sẽ thuận cả 18. Không biết phía Tống, Bảo Hựu hoàng đế thế nào?

– Tôi là tướng ngoài mặt trận thì thấy đây là phương cách giữ nước tốt nhất. Tuy nhiên triều đình quyết² định thế nào thì tôi khó mà đoán được.

Cuộc họp tới chiều thì Vương Kiên hỏi:

– Mông cổ xử dụng kị binh mà thắng khắp từ Đông sang Tây; từ Nam chí Bắc. Không biết Đại Việt dùng chiến thuật gì, vũ khí gì mà phá được chúng?

Thúy Hồng nhanh nhẹn đáp:

– Về vũ khí thì chúng tôi cũng dùng cung, tên, đao, kiếm như Tống. Có ba loại vũ khí đặc biệt là Đao quất để đánh ngựa, Khiên mây để chống tên và Địa thằng để chống các đợt xung sát của trận địa kị mã.

Nói rồi Thúy Hồng giảng chi tiết Khiên mây xử dụng ra sao? Đao quất đánh như thế nào. Ba loại Đại thằng, Trung thằng, Tiểu thằng dùng khi cần chặn các đợt xung phong như sét của kị mã.

Vương Kiên hỏi:

– Thế còn Ngưu binh? Tôi nghe nói thời vua Tống Thái tông sai Quách Quỳ, Triệu Tiết sanh đánh Đại Việt, bị Hoài-hóa thượng tướng quân Trực-tâm hầu Lý Đoan và phu nhân là Thiên-y, Đại-từ, Liên-hoa nhu mẫn quận chúa Trần Ngọc-Liên dùng Ngưu binh đánh Yên Đạt, Tu Kỷ tan tác tại Yên dũng. Vậy Ngưu binh tổ chức ra sao? Vừa rồi Ngột Lương Hợp Thai đem 10 vạn kị binh, khí thế nghiêng trời lệch đất, mà bị Ngưu binh đuổi như đuổi vịt. Dường như Trần huynh đệ là người thống lĩnh Ngưu binh. Vậy sự thực ra sao? (xem Nam quốc sơn hà của Trần Đại Sỹ)

Dã Tượng cười vui:

– Vào mấy trăm năm trước, Đại Việt nội loạn chia làm 12 sứ quân đánh lẫn nhau. Sứ quân Đinh Bộ Lĩnh xuất thân là mục đồng chăn trâu. Nên ông biết được những tiếng nói sai khiến loài trâu, ông dùng mục đồng huấn luyện trâu thành trận. Nhờ vậy mà ông thắng 12 sứ quân lập triều đại Đinh. Từ đó các mục đồng chăn trâu sáng chế ra nhiều thuật ngữ chỉ huy trâu. Đến đời Lý, Trực tâm hầu Lý Đoan, cũng xuất thân mục đồng. Khi Tu Kỷ, Yên Đạt đánh chiến lũy Yên dũng. Hai tướng đã sai quân bắt trâu, bện rơm làm liếp để lên xe cho trâu đẩy hỏa khí đi trước đốt chiến lũy, rồi sai thiết đột đi sau tránh tên, tấn công Yên dũng. Trực tâm hầu bèn tập họp hơn 50 mục đồng chờ cho trâu đẩy xe đốt sắp tới chiến lũy, thì thổi tù và ra lệnh cho trâu quay ngược lại. Thế là quân Tu Kỷ, Yên Đạt bị trâu đẩy hỏa xa tự đốt mình.

Hoàng Nương à lên một tiếng:

– Từ hồi ấy đến giờ trải trên trăm năm, Đại Việt đã nghiên cứu sáng chế ra trận thế thành Ngưu binh. Vì vậy kị mã Mông cổ thất bại. Thế khi Ngưu binh dàn quân đánh với kị binh thì biến hóa ra sao?

Thúy Hồng cười:

– Đất nước tôi hầu hết là đồng ruộng, sình lầy, người di chuyển còn khó khăn, huống chi ngựa? Từ làng này sang làng khác chỉ có một bờ đỗi. Trâu đi thì dễ mà ngựa thì không thể đi được. Chúng tôi thường nhử cho kị binh đuổi theo, rồi bị lút chân xuống ruộng. Còn Ngưu binh tuy chậm chạp, nhưng lội bùn rất giỏi!

Dã Tượng cẩm bút vẽ trận thế Phù lỗ, Cụ bản, Đông bộ đầu, Ngưu binh dàn ra sao? Kị binh dàn ra sao. Diễn tiến trận đánh thế nào một lượt.

Thúy Hồng thêm:

– Trong hai hiệu binh sẽ gửi sang Tống tham chiến, mỗi hiệu có một Vệ ngưu binh. Tiết đô sứ có thể dùng để đánh kị binh Mông cổ trên đồng lầy!

Sau buổi họp Vương Kiên truyền làm tiệc đãi sứ đoàn Việt. Tiệc tàn Hoàng Hiệp nói:

– Bồ lăng là thị trấn lớn, lại xa vùng loạn lạc, nên đời sống dân chúng sống rất phồn thịnh. Tại đây có một thắng cảnh mà người Việt nào cũng muốn thăm.

Nghe nói có thắng cảnh, Thúy Hồng vui vẻ:

– Thắng cảnh gì vậy?

Dã Tượng nghe địa danh Bồ lăng rất quen, nhưng trong nhất thời chàng không nhớ rõ đó là địa danh gì?

Nàng Lan Hoa hỏi:

– Phu nhân! Có phải thắng cảnh đó là ngôi đền thờ ba vị anh hùng thời Lĩnh Nam bên Đại Việt không?

– Đúng vậy.

Tiếng anh hùng thời Lĩnh Nam làm lòng Dã Tượng rộn lên. Chàng nhớ ra, năm trước chàng đã từng vào một Quán văn ở Thăng long nghe thầy đồ kể truyện. Thầy thuật về tiểu sử ba anh em họ Đào đều lĩnh chức Vũ kị tướng quân thời Lĩnh Nam, được vua Trưng sai trấn thủ Tượng quận. Vì quân ít thế cô, ba ngài tuẫn quốc tại Bồ lăng.

(Xem Anh hùng lĩnh Nam, Động đình hồ ngoại sử, Cẩm khê di hận cùng tác giả)  

Dã Tượng nói với Hoàng Nương:

– Phu nhân! Vợ chồng tôi đều là người Việt. Xin phu nhân cho chúng tôi được hộ tống bẩy vị tiên tử này thăm di tích cổ.

– Được chứ! Nếu Trần tướng quân cùng phu nhân đi với bẩy vị tiên tử, thì chúng tôi không cần người theo hộ vệ nữa. Vả vùng này an ninh lắm, không có móng vuốt Mông cổ. Xin Tướng quân thuê xe men theo sông Ô giang, đi khoảng 15 dặm thì thấy ngôi đền. Ba vị thần thờ trong đền rất thiêng. Ai thành tâm, cầu xin gì cũng được. Hôm nay trời đã về chiều. Ngày mai Trần tướng quân phải họp với Vương Tiết độ sứ. Vậy hai ngày nữa thì các vị có thể đi lễ thần được.

Trời đã về chiều, nắng xuân êm dịu chảy xuống giòng sông. Thúy Hồng bàn:

– Hôm nay muộn rồi, ngày mai còn phải họp, vậy ngày kia chúng mình đi thăm đền thờ Tam anh thực sớm.

Hai hôm sau, Dã Tượng, Thúy Hồng cùng Tô lịch thất tiên thay y phục, mang theo đàn, sáo, lên bờ. Thúy Hồng nói với Dã Tượng:

– Hôm trước em đã đặt một nhà hàng chuẩn bị lễ rồi. Bây giờ chúng ta đến lấy.

Nàng cùng Tử Hoa, Thanh Hoa vào một cửa hàng lớn. Lễ đã chuẩn bị sẵn: hoa, quả, vàng, hương, ba con gà luộc, một con heo quay, ba chai rượu với năm đĩa xôi. Thúy Hồng thuê ba cái mâm. Ba nàng mang ra tìm xe.

Tới bến xe. Phu xe nhao nhao mời khách:

– Mời quý khách lên xe đi lễ đền thần Lĩnh Nam đi.

Đó là những cỗ xe nhỏ chỉ chở được có ba người. Thúy Hồng thuê ba xe cho 9 người. Nàng cùng Dã Tượng, Thanh Hoa đi xe đầu.

Thúy Hồng dặn phu xe:

– Chúng tôi muốn ngắm cảnh, xin anh cho xe chạy chậm chậm.

Bấy giờ là mùa Xuân, chín vạn hoa trời thi nhau nở rực rỡ khoe sắc. Ba xe chạy dọc theo bờ Bắc sông Ô giang. Khoảng nửa giờ thì trước mắt hiện ra một ngôi đền. Đền lợp ngói đỏ quay về hướng Nam. Cổng tam quan quét vôi mầu hồng nhạt. Cả chín người xuống xe.Trên nóc cổng có bẩy chữ đại tự:

Lĩnh Nam đại công thần linh từ. 

Hai cột bên cổng có đôi câu đối:

Giang-thượng tam anh phù nữ chúa,

Bồ-lăng bách tộc khốc thần trung.

Nghĩa là:
Trên sông Trường-giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúa.
Tại bến Bồ-lăng, trăm họ khóc cho các vị thần trung thành.

  Trong sân, bên trái có tấm bia đá khá lớn, bên phải có tượng ba con ngựa một đen, một trắng và một hồng. Dã Tượng liếc nhìn, bia nét chữ sắc sảo, nhưng lâu ngày, nhiều chỗ chữ bị mất. Không đọc được hết, chàng lắc đầu tỏ vẻ chán nản. Ông từ thấy có khách tới, nhưng y phục không giống người đất Thục. Ông cho rằng có thể khách từ Hồ Bắc, Lưỡng Quảng hoặc Thành đô. Ông chạy ra chào:

– Không biết quý khách từ đâu tới?

Thúy Hồng đáp thực:

– Chúng tôi từ Đại Việt sang. Xin ông cho chúng tôi vào lễ thần.

– À thì ra quý khách là người đồng hương với tam vị linh thần đấy.

Ông bà đỡ lấy lễ vật trên tay Thúy Hồng, Thanh Hoa. Lan Hoa, đem mâm, đĩa ra bầy lên. Dã Tượng chỉ vào tấm bia, chàng cố uốn cong lưỡi nói giọng Lâm an:

– Ông ơi! Có cách nào đọc được bản văn kia không?

– Có! Bia tuy bị vạc mất nhiều chữ, nhưng cuốn phổ có lưu lại bài bia ký này. Cuốn phổ để trên bàn thờ, công tử muốn đọc, xin vào đền.

Ông từ xoa tay vào nhau:

– Đền này thờ ba vị thần họ Đào. Ba vị là anh em ruột tên Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống, Đào Tam Lang. Ba vị đều là tướng Kị binh, được vua Bà đặt dưới quyền Tư đồ Phùng Vĩnh Hoa. Bà Phùng Vĩnh Hoa trao cho ba tướng trấn Bồ lăng. Nhưng vì quân ít, thế cô, ba ngài không chống lại với quân Hán, do Vương Bá chỉ huy. Ba ngài tự tử tại đây. Dân chúng thương tiếc người anh hùng trung liệt, lập đền thờ.

Lan Hoa là người đọc sử nhiều, nàng hỏi ông từ:

– Ông có biết vua Bà là ai không?

Ông từ bối rối:

– Điều đó không chép trong cuốn phổ, nên tôi không biết.

Hồng Hoa thở dài:

– Truyện cũ đã hơn nghìn năm, sử sách bị thất truyền nên ông không biết, cũng chẳng sao. Tôi xin vì ông mà nói: bấy giờ vào thời Đông Hán, người Việt bị quan lại Hán cai trị cực kỳ tàn ác. Anh hùng sáu quận Lĩnh Nam là Nam hải, Quế lâm, Tượng quận, Giao chỉ, Cửu chân, Nhật Nam sôi sục căm thù. Tại Giao chỉ, có vị nữ anh hùng tên Trưng Trắc phất cờ khởi nghĩa, được 162 anh hùng ứng nghĩa, chiếm lại 65 thành trì, lập nền tự trị. Trưng Trắc được tôn làm hoàng đế, dân gọi là vua Bà. Vùng này hồi đó thuộc Tượng quận.

Phái đoàn đến trước cửa đền. Hai bên có đôi câu đối:

Khẳng khái, phù Trưng, thời bất lợi,

Đoạn trường, trục Định, tiết …can vân.

Nghĩa là:
Khẳng khái phù vua Trưng, ngặt thời của Ngài không lâu.
Đuổi được Tô Định, nhưng đau lòng thay, phải tự tận, khí tiết ngút từng mây.

Vào trong đền, trước bàn thờ còn đôi câu đối:

Tái Bắc tức chinh trần, công cao trục Định,

Bồ-lăng dương nộ lãng, nghĩa trọng phù Trưng.

Nghĩa là:
Ải Bắc yêu gió bụi can qua, công cao đuổi Tô Định.
Bồ-lăng nổi ba đào, nghĩa nặng phù vua Trưng.

  Ghi chú,
Tại đền thờ ba ngài ở Hà nội cũng có đôi câu đối này. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng câu dưới phải là chữ Bồ tân tức bến Bồ đề mới đúng. Ba ngài tự tận tại Bồ tân thì không vững. Cái tên Bồ đề chỉ mới có vào năm 1418 khi Bình Định vương Lê Lợi vây quân Minh ở Đông Đô. Vả ba ngài trấn tại Tượng quận, khi Tượng quận thất thủ thì tuẫn tiết ngay tại chỗ, chứ có đâu đi từ Tượng quận về Bồ đề cách xa 2000 cây số, đường đi ít ra hơn tháng rồi mới tuẫn tiết. 

Trên bàn thờ có tượng ba tướng họ Đào. Bên trái bệ thờ có ba con ngựa gỗ. Bên phải có giá vũ khí: thương, chùy, giản, búa, đại đao, bát xà mâu. Dã Tượng nhắc thử cây Bát xà mâu, chàng lắc đầu:

– Chà nặng quá.

Chàng lại lấy cây đại đao múa thử, tiếng gió kêu vù vù. Ông từ kinh hãi:

– Tôi coi đền này chục năm có dư chưa từng thấy ai nâng nổi cây đại đao này, mà quý khách múa được thì… quả thực khỏe hơn voi!

Ông từ đánh trống, bà vợ đánh chuông, Dã Tượng, Thúy Hồng quỳ lạy. Tô lịch thất tiên cùng tấu nhạc, rồi hát. Dã Tượng chú ý nghe, đó là bản chầu văn tụng vua Trưng. Bài này cung văn thưỡng hát cho các bà hầu giá vua Trưng về đồng. Bản hát hết, bẩy nàng lại hát sang bài văn tụng Thánh mẫu Thượng Ngàn, cô Bơ, cô Sáu, cô Đệ Tứ Khâm sai. Vợ chồng ông từ ngây người ra nghe, nhạc thì ông bà thưởng thức được tinh túy, nhưng lời bằng tiếng Việt, ông bà ngơ ngơ ngác ngác.

Dã Tượng hỏi:

– Thánh mẫu Thượng ngàn là ai vậy?

Hoàng Hoa thuật:

– Ngài họ Hồ húy Đề. Xuất thân thống lĩnh 36 động vùng Bắc Giao chỉ. Ngài có tài huấn luyện thú vật thành binh đội. Khi vua Trưng khởi binh, bà phất cờ theo ngài. Bà đem các đạo binh hổ, báo, voi, khỉ, rắn, ưng, ong, chó sói, yểm trợ cho các đạo binh. Những thú binh này gây kinh hoàng cho quân Hán. Vua Trưng phong ngài là phó Đại tư mã (tư lệnh phó) quân đội Lĩnh Nam. Sau khi hóa, ngài rất linh thiêng, cai quản hết rừng núi, vì vậy người Việt tôn ngài là Thánh mẫu thượng ngàn.

Dã Tượng nghe Hoàng Hoa thuật, chàng kinh ngạc, vì các nàng Hoa chỉ biết ca hát, còn kiến thức thì không được làm bao, mà bây giờ lại thuộc sử rất sâu sa. Thúy Hồng như đọc được ý nghĩ Dã Tượng. Nàng giảng giải:

– Anh đừng ngạc nhiên, vì khi còn học trong trường, học sinh phải học hát Chầu văn, vì vậy được giảng giải rất chi tiết hành trạng các thánh, thì hát mới đạt.

Sau khi hát bẩy bài chầu văn, nàng Hoàng Hoa nói với ông bà từ:

– Ông bà trông coi đền này được bao nhiêu lâu rồi?

– Mười một năm.

Thúy Hồng móc trong túi ra ba lượng bạc trao cho ông từ:

– Chúng tôi gửi ông để mua đèn nhang, tu bổ đền thờ.

– Phúc đức quá. Xin ba đại vương phù hộ cho các vị.

Ông bà từ hạ lễ xuống chặt thịt ra:

– Mời các vị thụ lộc chư vị đại vương.

Tất cả cùng ăn uống. Không ai uống rượu. Ăn xong, ông từ rót nước trà mời khách.

Hết tuần trà, Dã Tượng đứng dậy cáo từ:

– Thôi chúng tôi xin tạm biệt ông bà. Mong rằng có dịp gặp lại.

Thình lình Thúy Hồng ôm đầu nhăn mặt gọi Dã Tượng:

– Anh! Anh! Em bị…

Rồi nàng ngã xuống. Dã Tượng chạy lại đỡ nàng:

– Em, sao vậy?

Đến đó Tô lịch thất tiên cũng ngã lộp bộp. Ông bà từ ngã lộn đi một vòng. Dã Tượng cũng cảm thấy mắt hoa đầu váng. Kinh hoảng chàng nghĩ rất nhanh:

– Chúng ta bị đánh thuốc mê rồi.

Chàng vội vận khí Vô ngã tướng thiền công do Hưng Ninh vương dạy theo vòng Tiểu chu thiên. Chỉ một vòng, chân tay hết run, thần trí minh mẫn. Biết thoát hiểm, chàng nghĩ thầm: ta phải giả bộ trúng độc, xem bọn nào đã ra tay.

Chàng vờ xiêu vẹo, lắc lư, rồi ngã xuống.

Quả nhiên có tiếng nói:

– Thành công rồi! Xuất hiện đi thôi.

Năm người đàn ông, một người y phục xanh lưng đeo kiếm, bốn người y phục đen tay cầm đao xuất hiện. Người đeo kiếm ra lệnh:

– Đem tám cô gái này ra xe.

Bốn người nhắc bổng Tô lịch thất tiên và Thúy Hồng đem ra xe. Ba người phu xe phản đối:

– Các người là ai mà giữa thanh thiên bạch nhật lại đánh thuốc mê bắt người?

Một người y phục đen cầm đao trấn ngay giữa cổng. Ba người khác khoa đao qua đầu ba phu xe. Cả ba rú lên kinh hãi.

– Im lặng, tuân theo lệnh chúng ta bằng không thì mất đầu.

Trong đền người mặc áo xanh tưởng Dã Tượng bị mê man, y vung chân đá chàng. Đã Tượng chuyển mình gạt mạnh, lách cách một tiếng, xương chân y bị gẫy. Y bay bổng ra xa, nằm quằn quại không bò dậy được nữa. Bốn tên mặc y phục đen từ ngoài sân chạy vào xả đao tấn công Dã Tượng. Dã Tượng không có vũ khí, chàng xách cây đại đao trên giá, lia một chiêu. Bốn tên vung đao đỡ, loảng xoảng, bốn thanh đao bị hất khỏi tay bốn người. Cả bốn tên bị bật tung ra xa, hổ khẩu bị rách, máu chảy đầm đìa. Dã Tượng xẹt tới điểm huyệt cả bốn tên.

Ba người nữa xuất hiện, gồm một nhà sư, một thanh niên trang phục tước vương Đại Việt, và một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ.

Thiếu nữ phóng chưởng tấn công Dã Tượng, chiêu số rất tinh diệu. Dã Tượng nhận ra đó là một chưởng của phái Tiêu sơn bên Đại Việt. Chàng lạng người tránh, rồi dùng Hổ trảo móc tay một cái, bắt tay nàng. Nàng biến chưởng thành quyền. Quyền, trảo giao nhau, bách một tiếng, nàng bị bật lui liền bốn bước, mặt nhăn nhó tỏ ra đau đớn. Còn Dã Tượng thì đứng nguyên.

Cô gái như cười mà không phải cười, cô nói với Dã Tượng bằng tiếng Việt:

– Ôi! Người đường đường là một nam tử thân thể to hơn Hộ pháp, lại khôi ngô, tuấn tú thế kia mà nỡ ra tay nặng với một thiếu nữ như ta sao?

Giọng nói đầy nũng nịu.

Dã Tượng bật cười, rõ ràng cô cùng đồng bọn đánh thuốc mê chàng, thì chẳng tử tế gì, mà cô lại khen chàng tuấn tú, rồi ý cô không muốn chàng mạnh tay với cô.

Trong những ngày theo sứ đoàn, đầu tiên Tây Viễn vương, rồi Vũ Uy vương phi không ngừng giảng cho Long thành ngũ phượng nghệ thuật chinh phục đàn ông. Những đàn ông địa vị tối cao, bản lĩnh vô địch như Ngột A Đa, như A Truật, mà bị những cô gái trẻ như Thanh Nga, như Thúy Trang, như Thúy Nga làm cho hồn phiêu phách tán. Rồi mới đây chàng có dịp đi cùng Tô lịch thất tiên, các nàng tiên là những người có bản lĩnh tối cao về phương cách đưa đàn ông vào lưới tình; mà danh sĩ gọi là bắt con nai. Hoàng Hoa là người lớn tuổi nhất trong Thất tiên đã nhắc nhở Dã Tượng:

“ Em còn trẻ, lại khôi ngô, trong khi phải gánh vác trọng trách Xã tắc trao cho rất nặng nề. Khi giao tiếp với đàn bà phải tối cẩn thận. Họ nói Giáp thành Quý. Nói Tý thành Ngọ. Đàn bào nào cũng lừa dối đàn ông hết. Đàn bà càng đẹp, bản lĩnh lừa dối càng cao. Họ thường vô lý: họ trái mà họ bắt mình phải chịu lỗi”. 

Bây giờ gặp cô gái Việt nhan sắc đẹp huyền ảo, như có như không, tấn công chàng, rồi lại nũng nịu. Tuy biết nàng dùng bản lãnh bắt nai, nhưng tự hào mình là người chính trực, Dã Tượng trả lời cô:

– Cô nương! Cô nương tấn công tôi, chứ tôi có đánh cô nương đâu!

– Người nói, thế ai làm tay ta sưng lên thế này đây?

Nói dứt, cô phát chưởng tấn công. Chưởng phong khá hùng hậu. Dã Tượng không dám vận công, chỉ đỡ cầm chừng. Hai người thi diễn cuộc đấu. Được hơn hai chục hiệp, Dã Tượng vận khí đưa vai chịu đòn, binh một tiếng, nàng bật lui liền ba bước. Chàng xẹt tới túm áo nàng nhắc bổng lên như nhắc một con gà. Chàng điểm huyệt nàng. Nàng bị bắt sống.

Có tiếng hừ phát ra, rồi một nhà sư nhắc con ngựa gỗ liệng về phía Dã Tượng. Dã Tượng vung tay gạt mạnh. Aàm một tiếng, con ngựa gỗ bay bổng ra sân, vỡ làm ba bốn mảnh. Lực Dã Tượng quá mạnh, làm nhiều người la hoảng kinh ngạc. Trong đó có nhà sư.

Người ném ngựa gỗ tấn công chàng là một nhà sư, tiếng nhà sư nói giọng trầm trầm:

– Cái người này to lớn như Hộ pháp, lại dùng võ công Đại Việt. Chiêu số thì của phái Đông A, còn nội công lại là nội công Vô ngã tướng của Tiêu sơn. Dường như y mới luyện, công lực của y không làm bao, nhưng y có sức mạnh hơn voi.

Dã Tượng nhìn kỹ, tuổi nhà sư khá cao. Cạnh ông còn một thanh niên tuổi khoảng hai mươi hơn. Dã Tượng quát hỏi:

– Các người là ai?

Chàng vẫn nhắc cô gái như cầm bó rau. Thanh niên chỉ cô gái nói bằng tiếng gì chàng không hiểu.

Dã Tượng lắc đầu, chàng chỉ hiểu được tiếng Như Lan. Buột miệng chàng nói tiếng Việt:

– Ta không hiểu người nói gì.

Cô gái tuy bị kiềm chế, nhưng tỏ ra không sợ. Cô dịch câu nói của gã trẻ sang tiếng Việt:

– Người! Người mau thả Như Lan ra. Người đường đường là nam nhi đại trượng phu mà xách một cô gái lên như vậy, coi sao được!

Dã Tượng đưa cô gái cho mặt cô ngang với mặt mình, để nhìn cho rõ. Cô gái bực mình:

– Người là gã con trai to lớn kềnh càng, mà người… người túm ngực một khuê nữ như ta thế này coi sao được. Người người mau bỏ ta xuống.

Gã con trai quát lớn:

– Mau để Như Lan xuống.

Cô gái dịch sang tiếng Việt:

– Thái tử có chỉ dụ, người phải thả ta ra.

Dã Tượng cười:

– Thì ra cô là người Việt. Tôi thả cô ra vì cô với tôi đều là con Rồng, cháu Tiên chứ không phải tôi sợ cái gã kia đâu. Dường như y là Thái tử phải không? Y là Thái tử Đại lý, Mông cổ hay Tống?

– Thái tử Việt.

Dã Tượng cau mày:

– Việt? Thái tử Việt mà sao không biết nói tiếng Việt? Thái tử Việt tên Trần Nhật Hoảng, hiện đang ở Thăng long, mới lên ngôi Hoàng đế hiệu Thiệu Long. Y là ai mà dám xưng càn như vậy?

– Ông ta xưng là Thái tử, thuộc giòng chính triều Lý. Tên của ông ta là Lý Long Vân. Tôi không biết ông ta là dòng dõi nhà Lý thực hay giả.

Dã Tượng hiểu ngay: người này thuộc chi phái nào của triều Lý lưu vong ra hải ngoại đây. Thôi thì ta không lý đến y nữa. Chàng giải huyệt cho Như Lan, để nàng xuống, rồi mỉm cười nói bằng giọng ngọt ngào:

– Tôi có làm cô đau không?

Như Lan bị một thiếu niên ngang tuổi, uy vũ, tiêu sái, da ngăm đen túm ngực nhắc lên, một cảm giác kỳ lạ chạy rần rật khắp người. Nàng muốn gã giữ nguyên, không để xuống. Mùi mồ hôi con trai làm nàng cảm thấy khoan khoái hơn là sợ hãi.

Được tự do, nàng sửa lại y phục, e thẹn nhìn Dã Tượng, nghĩ thầm:

– Tại sao lại có người to lớn, uy vũ thế kia? Tuy biết ta là đối đầu, mà y vẫn nói năng ngọt ngào! Ước gì ta có người chồng như y, thì thực hạnh phúc biết bao?

Dã Tượng hỏi Như Lan:

– Cô nương! Những người này là ai? Giữa họ với chúng tôi không thù không oán, tại sao họ đánh thuốc mê bọn tôi, rồi định bắt mang đi?

Như Lan dịch sang tiếng Hán vùng Quảng cho thanh niên trẻ nghe. Thanh niên chỉ vào nhà sư, ngụ ý để nhà sư trả lời.

Nhà sư chắp tay vái dài, ông nói rất chậm, bằng tiếng Việt chỉ vào thanh niên mặc vương phục:

– A Di Đà Phật! Đúng như tráng sĩ nói, giữa bần tăng với tráng sĩ không thù, không oán, không quen biết nhau, hơn nữa cùng là con Rồng cháu Tiên cả. Bần tăng không hề đánh thuốc mê thí chủ. Người đánh thuốc mê, chủ trương cướp bẩy vị cô nương là đại gia đây.

Ông chỉ vào gã áo xanh, bốn gã áo đen nằm dưới đất:

– Xin tráng sĩ ban đại ân, đại đức tha cho năm người này. Họ là Ngũ hổ tướng của châu Khâu bắc,Văn sơn.

Nói rồi ông phất tay mấy cái, bốn gã bật dậy, huyệt đạo đã được giải. Ông móc trong túi ra một hộp cao, bôi lên chân gã áo xanh, rồi bẻ hai thanh gỗ bó chân lại cho y.

Ông chỉ gã áo xanh nói với Dã Tượng:

– Người này họ Lý tên Đại, thuộc giòng dõi vua Lý Anh tông. Chẳng may bị ma ám, quỷ hờn, nhập bọn với tụi cướp, chứ thực sự là người tốt.

Ông chỉ bốn người mang bảo đao:

– Bốn người này đều họ Lý, thuộc giòng dõi vua Lý Thái tông tên Anh, Hùng, Hào, Kiệt. Vì nghe lời lừa gạt rằng sang Khâu bắc, Văn sơn tụ nghĩa, chờ ngày khôi phục triều Lý, mà thành chân tay của bọn cướp tàn ác.

Ông nói với Dã Tượng:

– Người xưa nói: hữu quá tắc cải. Nghĩa là biết mình sai lầm, thì phải can đảm sửa đổi. Nay Ngũ vị thí chủ của Khâu bắc đã biết mình bị lừa, quay về với chính đạo, bần tăng đã thu họ làm đệ tử rồi.

Dã Tượng nghe nhà sư nói, chàng chỉ hiểu lơ mơ rằng: năm người này là con cháu các vua Lý, bị lừa sang Trung nguyên mưu phục hồi tiền triều, được phong làm Ngũ hổ tướng. Nay đã hối cải.

Nhà sư đưa mắt như ra lệnh cho Như Lan. Như Lan chạy ra ngoài xe, nàng dùng khăn thấm nước lau mặt cho Tô lịch thất tiên và Thúy Hồng. Tám nàng bị trúng thuốc mê, nhưng không hoàn toàn mê hẳn, vẫn nhận biết mọi sự. Tám người vào trong đền, đứng quan sát.

Nhìn nhà sư, Dã Tượng nghĩ rất nhanh:

– Rõ ràng võ công nhà sư cao hơn hơn mình nhiều, nhưng ông lại hạ thể với mình, ắt có nguyên do gì đây?

Nhà sư cau mày hỏi:

– Bẩy vị cô nương này bần tăng đã biết rõ. Còn tráng sĩ với phu nhân, xin cho bần tăng biết cao danh, quý tính.

Thúy Hồng thấy nhà sư phong quang khác thường, nàng không muốn nói dối ông. Nàng chỉ Dã Tượng:

– Bạch hòa thượng, chúng tôi thuộc sứ đoàn Đại Việt sang Mông cổ, chứ không phải vợ chồng. Anh ấy tên là Trần Quốc Kinh, còn tôi là Lý Thúy Hồng.

Như Lan reo lên:

– Trần Quốc Kinh à? Có phải anh có tên là Dã Tượng, là mục đồng vùng Thiên trường, từng cỡi trâu đuổi Lôi kị Mông cổ suốt ba ngày, ba đêm không?


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-61)


<