← Hồi 011 | Hồi 013 → |
Viên Hiếu đem con sư tử đi một lúc rồi trở về. A Liên cũng đã thức giấc.
Nàng có nhắc lại chuyện Viên Hiếu đánh nhau với con sư tử, tựa hồ như nàng có vẻ hổ thẹn và người vẫn còn run sợ.
Nửa đêm tiếng tiêu lại nổi lên. Thượng Quan Kỳ theo chỉ thị của tiếng tiêu để trị thương. A Liên đã qua một phen kinh nghiệm nên lần này trong lòng không mấy băn khoăn.
Con vượn đen đi ra trước đây hai ngày bây giờ cũng trở về. Thượng Quan Kỳ thấy da mơ lông mượt, các chỗ bị thương khắp người đều khỏi hẳn, chàng lại càng động tính hiếu kỳ. Chàng tự hỏi:
- "Con vượn này bị thương nặng đến thế mà trong hai ngày nó đã khỏi hoàn toàn, không còn có lấy một vết sẹo là làm sao?".
Tuy chàng nghi hoặc rất nhiều nhưng không gạn hỏi.
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, thấm thoát mà đã hai tháng. Thương thế Thượng Quan Kỳ thuyên giảm đi rất nhiều, kinh mạch trong người đã lưu thông được.
Một đêm kia trăng sáng vằng vặc, A Liên không muốn làm kinh động chàng trong lúc chàng nghe tiêu trị thương nên từ canh hai nàng đã cùng Viên Hiếu ra khỏi nhà để đi thưởng nguyệt. Con vượn đen lớn thì kể từ khi Thượng Quan Kỳ điều trị nội thương, ít khi nó về nhà.
Thượng Quan Kỳ tuy nóng ruột về nhiều nghi vấn, nhưng đang trong thời kỳ trị thương nên không dám suy nghĩ nhiều.
Chàng chuẩn bị cho bịnh tình khi khỏi hẳn, võ công khôi phục lại như xưa rồi mới tính đến điều tra những điều bí mật.
Sau khi mẹ con Viên Hiếu đi rồi, Thượng Quan Kỳ ngồi xếp bằng để chờ nghe tiếng tiêu chỉ thị. Ngờ đâu đêm nay đã quá canh ba mà vẫn không thấy tiếng tiêu nổi lên, chàng cảm thấy trong dạ bồn chồn.
Trong hơn hai tháng nay, không có đêm nào mà tiếng tiêu không nổi lên đúng giờ giấc. Bất luận là trời mưa to gió lớn hay tiếng gì đi nữa cũng không át nổi tiếng tiêu. Đêm nay trời quang mây tạnh, trăng sáng như ban ngày, vậy thì tại sao tiếng tiêu lại không truyền đến đúng giờ?
Cuộc biến đổi bất thường này đã khiến cho Thượng Quan Kỳ rất đổi lo âu, trong đầu chàng nảy ra bao nổi nghi ngờ. Chàng tự hỏi:
- "Phải chăng quái nhân đã gặp cường địch và bị hại rồi? Hay lão hao tổn chân khí quá độ mà sinh bệnh? Hay là những giống cọp, vượn bầu bạn với lão lưu tán đi đâu không mang thức ăn đến để lão đói khát không còn đủ sức để thổi tiêu nữa?".
Công phu thổi tiêu trị thương trong hai tháng nay đã đến lúc tối hậu. Nếu bỏ lửng đi năm ba ngày mà không trị thương thì nội thương sẽ bị trở lại mà võ công cũng khôi phục được nữa, thế thì tiền công tận phế.
Thượng Quan Kỳ đến lúc sắp khỏi đột nhiên tiếng tiêu tận tuyệt. Phần thì lo cho chính thân mình, phần thì lại lo cho sự an nguy của quái nhân. Một giờ xem tợ ba thu, chàng nóng ruột quá không thể trấn tĩnh được, quát lên một tiếng đứng phắt dậy đi ra ngoài cửa.
Chàng khắp khỏi hẳn, chỉ còn hai huyệt trọng yếu là "Huyền Cơ" và "Mệnh Môn" là chưa lưu thông được, chàng đứng phắt dậy chạy đi như thế làm các huyệt đạo bị thương sinh ra biến chứng, hai chân nhũn ra, chàng ngã lăn xuống đất. Toan lồm cồm ngồi dậy thì thốt nhiên chàng cảm thấy kinh mạch nửa người bị co quắp đau đớn vô cùng, mồ hôi toát ra đầm đìa.
Tuy chàng là người nhẫn nại nhưng gân cốt co quắp, thống khổ hơn là bị roi đồng, thước sắt đánh vào, không thể chịu được.
Thốt nhiên tiếng tiêu lại nổi lên vời vợi, truyền đến nơi vừa đúng lúc.
Thượng Quan Kỳ đang lúc tinh thần vô định lại kiệt sức, bất giác nghe thấy tiếng tiêu mỗi lúc một nhanh thêm, động vào cành cây nghe rào rào, lá cây rụng xuống tới tấp.
Thượng Quan Kỳ mệt quá, đầu nhức mắt hoa rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên giường mây, Viên Hiếu và A Liên không biết đã về từ lúc nào đang ngồi trên giường nét mặt lo lắng và buồn rười rượi.
Mẹ con nàng thấy Thượng Quan Kỳ tỉnh dậy đều lộ vẻ vui mừng. A Liên mỉm cười tủm tỉm hỏi:
- Tướng công gặp chuyện chi vậy?
Thượng Quan Kỳ ngấm ngầm vận động khí lực, co duỗi chân tay thấy dễ dàng, tựa hồ như bịnh tình giảm đi rất nhiều, chàng không khỏi lấy làm lạ, ngồi dậy đáp:
- Không có chuyện chi cả!
Nói xong, chàng đứng dậy đi lại mấy bước vẫn không thấy gì khác lạ. Chàng dường như nghĩ ra điều gì đưa tay lên vổ đầu mình tự hỏi mình:
- Chẳng lẽ quái nhân cố ý làm cho ta xao xuyến? Phải chăng làm cho xao xuyến cũng là cách trị bệnh cho ta?
Mẹ con Viên Hiếu cứ nghe chàng lẩm bẩm một mình mãi toan cất tiếng hỏi thì thốt nhiên Thượng Quan Kỳ quát lên một tiếng, vung tay lên chạy vọt ra khỏi nhà. Nguyên Thượng Quan Kỳ ngầm vận chân khí thấy hai huyệt "Huyền Cơ" và "Mệnh Môn" đã lưu thông, trong lòng cả mừng quát lên một tiếng rồi nhảy ra ngoài.
Thượng Quan Kỳ chạy ra khỏi nhà, cúi đầu nhìn xuống thấy cách mặt đất bên dưới khoảng chừng hai trượng bất giác nhủ thầm:
- "Mình bị thương vừa mới khỏi, giả tỷ muốn nhảy xuống mà không đề khí được tất nhiên sẽ bị thương lại".
Chàng bị thương mới khỏi, vui sướng quá độ, mất hẳn vẻ trấn tĩnh thường ngày nên tuy có nghĩ đến sự nguy hiểm nhưng tay vẫn nắm lấy cành cây đu ra ngoài một trượng, chuẩn bị đề khí cho từ từ rơi xuống. Ngờ đâu chàng vừa đề khí lên, mình đang rơi xuống lại vọt trở lên đến bên cạnh nhà mây. Chàng chuyển mình nhảy lên một cái, lại vào trong nhà.
A Liên chăm chú nhìn Thượng Quan Kỳ rồi nói:
- Xin mừng tướng công. Quí thể đã trở lại khang cường.
Thượng Quan Kỳ vui sướng khôn siết cười ha hả đáp:
- Hơn hai tháng trời ở đây đã phiền phu nhân nhiều quá, lòng xiết bao cảm kích.
A Liên đột nhiên thở dài nói:
- Bệnh tình tướng công đã khỏi hẳn, chắc là tướng công không ở lại nơi hang thẳm này nữa. Vậy để tôi làm mấy món tiễn hành tướng công.
Thượng Quan Kỳ đang sắp nói lời cáo biệt, động tâm nói:
- Phu nhân bất tất phải vội vàng. Tôi tuy đã khỏi song vẫn còn muốn ở lại đây mấy ngày để xem cảnh vật.
Chàng chợt nhớ đến cuộc tranh đấu giữa hai con vượn vàng và đen và nghĩ càng phải điều tra nguyên nhân cho rõ và tìm kế cho hai bên để đồng loại khỏi tương tàn. A Liên đã đoán được ý nghĩ của Thượng Quan Kỳ liền tủm tỉm cười hỏi:
- Phải chăng tướng công muốn lưu lại đây vài ngày để điều tra mấy vụ hoài nghi?
Thượng Quan Kỳ thấy nàng hỏi trúng tâm sự không khỏi ngạc nhiên liền đáp:
- Không dấu gì phu nhân, quả thật trong lòng tại hạ còn mấy nghi vấn chưa hiểu, muốn lưu lại đây vài ngày để điều tra cho rõ.
A Liên quay lại nhìn Viên Hiếu nói:
- Tướng công có cần điều chi, xin cứ sai bảo thằng nhỏ này.
Thượng Quan Kỳ cười nói:
- Tại hạ tưởng cuộc điều tra này chỉ cần mình tại hạ là đủ.
A Liên tựa như có điều gì muốn nói song lại thôi.
Thượng Quan Kỳ khoanh tay lại nói:
- Trong vòng hai ngày tại hạ sẽ trở lại đây để nhờ Viên hiền đệ dẫn đường.
Câu này ý chàng nói rõ cho A Liên biết là sau hai ngày chàng sẽ trở lại để đưa Viên Hiếu đi.
A Liên lại nói:
- Tiểu phụ nhất định sẽ chờ tướng công, xin tướng công đừng lỗi hẹn.
Thượng Quan Kỳ nghiêm nét mặt nói:
- Xin phu nhân cứ an lòng.
Nói xong, chàng tung mình nhảy ra khỏi nhà mây.
Thượng Quan Kỳ ngẩng đầu lên nhìn thì trời đã đúng ngọ. Chàng nhận định phương hướng rồi đi về phía thạch động. Nơi những con vượn vàng ở hai bên đường sắc hoa tựa gấm, gió thổi hiu hiu. Mấy tháng trời lòng luống những lo âu, nay mới được cảm thấy cởi mở.
Thượng Quan Kỳ đi khỏi khu rừng thưa thì tới chỗ vách đá dựng đứng, chàng tìm kiếm một chút thì đã thấy thạch động. Hai con vượn nhỏ lông vàng đang đứng trước cửa, nhác thấy Thượng Quan Kỳ dường như chúng có vẻ sợ hãi chạy vào trong thạch động nấp. Nhưng chỉ một lát, chúng ngấp nghé nhìn ra rồi chạy thẳng đến trước mặt chàng.
Thượng Quan Kỳ đưa tay đón chúng rồi hỏi:
- Mẹ chúng mi có ở trong thạch động không?
Nhưng chàng chợt nhớ ra chúng không hiểu tiếng người nên ngừng lại không nói nữa.
Hai con vượn giơ tay khua chân miệng kêu "Khẹt, khẹt" loạn lên, dường như có chuyện gì quan trọng lắm. Thượng Quan Kỳ gắng dụng tâm để nghe mà không sao hiểu được, chàng tiếc rằng đã không dẫn A Liên đi cùng, may ra còn hiểu được chúng muốn nói gì chăng?
Chàng vừa đi vừa ngẫm nghĩ, chẳng mấy chốc đã vào đến thạch động. Bỗng nghe thấy con vượn con hú dài trong ở trong một xó tối, rồi một con vượn nhỏ chạy ra.
Ba con vượn con vây quanh Thượng Quan Kỳ vừa kêu lên "Khẹt, khẹt" vừa nhảy loạn lên. Chàng cho là chúng thấy mình nên reo lên vui mừng. Nhưng nghe lâu chàng biết là không phải vì tiếng kêu ra chiều bi thảm tựa hồ tiếng khóc, khiến người nghe cũng phải ngậm ngùi. Chàng nhìn kỹ, quả nhiên thấy con nào nước mắt cũng chảy quanh.
Đột nhiên một con quì xuống nắm lấy áo Thượng Quan Kỳ khóc thút thít.
Hai con kia cũng quì xuống theo, cũng nắm lấy áo chàng khóc rống lên. Tiếng khóc vô cùng bi thảm.
Thượng Quan Kỳ cảm thấy trong dạ bồn chồn, nhưng người và thú hai loài không hiểu nhau thì làm cách nào để an ủi chúng. Bỗng chàng giật mình nghĩ thầm:
- "Mấy con vượn này đau khổ như vầy tất có duyên cớ. Hay là mẹ nó bị sao rồi? Âu là ta thử kiếm lại trong động xem".
Chàng đứng dậy toan đi vào bỗng nghe vang lên những tiếng kêu thét bên ngoài sơn động. Thượng Quan Kỳ nghe rõ là tiếng Viên Hiếu, trong lòng rất đỗi hoang mang nên chạy trở ra.
Ba con vượn nhỏ tựa hồ cũng nghe tiếng gầm thét nên bở vía, chúng không khóc nữa, theo sát Thượng Quan Kỳ đi ra.
Tiếng gầm thét mỗi lúc một vang lên cao hơn, có lẫn tiếng của chó sói và sư tử, khiến người nghe ai cũng kinh hồn.
Thượng Quan Kỳ không suy tính gì nữa, cắm đầu chạy về phía trước như bay. Võ công chàng đã khôi phục, chàng chạy rất nhanh, chớp mắt đã vào đến rừng rậm. Tiếng lá rụng ào ào lẫn với tiếng cành cây gãy răng rắc, nghe tựa hồ như có người đang đánh nhau kịch liệt. Một ý nghĩ thoáng qua đầu óc, chàng đưa tay ra hiệu cho ba con vượn đừng bước đến rồi chàng nhảy thót lên cành cây, ngồi nhìn ra xa. Quả thấy dưới gốc cây to gần ngôi nhà mây, Viên Hiếu đang đánh nhau với một con sư tử cực lớn. Hai con đang nhảy chồm lên vồ nhau, hung mãnh rợn người. Lá rụng, cành gãy tung bay tứ phía.
Con sư tử so với con sư tử Viên Hiếu đánh chết đêm trước còn có phần hung mãnh hơn. Mỗi lần nó nhảy lên, không khí rung chuyển tạo thành tiếng gió kêu veo véo. Viên Hiếu dường như không dám đem sức mạnh ra tranh đấu với nó. Y chỉ trong vào thân pháp mau lẹ, né tả tránh hữu tìm chỗ sơ hở để tấn công.
Thượng Quan Kỳ bẻ một cành cây to bằng miệng chén, dài chừng ba thước, ngầm vận chân khí từ trên cây nhảy chéo xuống sát chỗ Viên Hiếu cùng con sư tử đang đánh nhau.
Chàng quát lên một tiếng, cành cây nắm trong tay dùng làm thanh kiếm đâm mạnh vào con sư tử.
Chàng vừa mới khỏi nội thương, chưa tin hẳn vào công lực của mình, nhát phóng cực kỳ mãnh liệt. Con sư tử đang lúc nhảy lên không trung để vồ lấy Viên Hiếu không đề phòng Thượng Quan Kỳ đâm ngang. Lúc nó nghe tiếng chàng quát mới né tránh thì đã muộn, cành cây đâm trúng vào cạnh sườn, nó gầm lên một tiếng kinh khủng, từ trên không té xuống. Viên Hiếu vội tiến lại, giơ hai tay lông lá ra nắm lấy con sư tử quật mạnh xuống.
Con sư tử sau khi bị trọng thương lại bị Viên Hiếu dùng toàn lực quật mạnh xuống còn chịu sao nỗi, chết ngay tức khắc không giãy giụa được cái nào.
Sau khi quật con sư tử xuống, Viên Hiếu ngửa cổ lên hú một tiếng dài, nhảy đến bên Thượng Quan Kỳ mặt lộ đầy vẻ cảm kích, y lắp bắp nói:
- Đa tạ... tướng... công... đã... giúp cháu!
Thượng Quan Kỳ vừa nghe nói giật mình nói:
- Chú nói được tiếng người không những tiến bộ rất mau mà phát âm cũng khác trước nhiều.
Viên Hiếu dường như hiểu được lời khen ngợi, nó gật lia lịa mỉm cười.
Thượng Quan Kỳ chợt nhớ đến ba con vượn vàng nhỏ theo mình, chàng quay đầu nhìn lại thì đã không thấy chúng đâu nữa. Chàng rất đỗi hoang mang, vẫy tay gọi Viên Hiếu:
- Chú chạy về xem má má có hết kinh hãi không. Tôi đi một chút rồi về.
Nói xong, chàng chạy một mạch về thạch động, tìm kiếm mãi mà không thấy tung tích ba con vượn vàng đâu cả.
Thượng Quan Kỳ còn đang hoang mang thì bất thình lình lại nghe thấy tiếng tiêu nổi lên. Từ ngày chàng bắt đầu nghe tiêu trị thương, trong hai tháng trời, tiếng tiêu chỉ nổi lên vào lúc nửa đêm để chỉ thị cách chữa trị cho chàng, chứ ban ngày tuyệt nhiên không nghe thấy bao giờ, nên bây giờ chàng nghe tiếng tiêu không khỏi giật mình.
Thượng Quan Kỳ nghe thấy tiếng tiêu tựa hồ như gọi tên mình cấp tốc quay trở về. Chàng đứng tựa vào vách lẩm bẩm một mình:
- Lão quái nhân này ở cách xa mình đến mấy dặm, không những lão dùng tiếng tiêu để chỉ bảo cho mình điều trị nội thương, mà còn biết trước cả thời kỳ khỏi bệnh. Thật là những kỳ sự xưa nay chưa từng nghe thấy bao giờ. Nay lão đã dùng tiếng tiêu để gọi mình, chắc là có sự gì khẩn cấp.
Tiếng tiêu kêu gọi vang lên hồi lâu rồi đột nhiên ngừng bặt.
Thượng Quan Kỳ rất đỗi băn khoăn, chàng từ từ bước ra khỏi thạch động.
Mặt trời đã xế về Tây.
Thượng Quan Kỳ men theo sườn núi đi về hướng Bắc, bước cao bước thấp, không để ý nhìn nhận phương hướng. Chàng đang đi bỗng thấy có một luồng hơi nước lạnh như sương mù thổi vào mặt làm cho tinh thần chàng đột nhiên tỉnh táo.
Tai nghe tiếng suối chảy róc rách, mặt nhìn bốn mặt núi cao chót vót vây bọc lấy chung quanh vùng thung lủng lòng chảo. Chàng đứng trước mặt một vách núi, dòng suối chảy từ trên đỉnh chảy xuống, vấp phải vách núi nước văng tung tóe vào mặt chàng.
Nước suối chảy vào một cái khe nhỏ, nước khe nhỏ này chảy xuống thung lũng. Một làn sương mù trắng bay lên khắp mặt đất, ngoài ba trượng là không trông thấy cảnh vật gì nữa, vì sương mù trắng che lấp.
Thượng Quan Kỳ do dự một lát, bỗng ngửa mặt lên kêu to một tiếng. Nỗi lòng u uất theo tiếng kêu phát tiết ra ngoài. Tiếng kêu vừa dứt, hào khí phấn khởi, chàng bước nhanh vào đám mù trắng mà đi.
Thượng Quan Kỳ đi sâu vào chừng mấy trượng bỗng chân dẫm phải một đống lùng nhùng. Trong đám sương mù, một thứ cây cao chừng hai thước mọc lên.
Cây này không phải là thân thảo mà cũng không hẳn là thân mộc, một nhánh hướng thẳng lên lại có bốn cái lá khô. Chỗ kẽ lá có trái đỏ tươi.
Thượng Quan Kỳ hái một trái và nhận ngay ra rằng trái này giống như trái mà Viên Hiếu đã hái về, chỉ khác ở chỗ là trái này chưa được rửa sạch, ngoài vỏ còn dính một lần bụi vàng.
Thốt nhiên chàng lại nghe tiếng cành cây khô gẫy lắc rắc. Chàng sinh nghi để ý nhìn xem thấy giữa đám mây mù, lờ mờ có hai bóng đen đánh nhau. Sương mù dày đặc nhìn không rõ tướng hai bóng đen đánh nhau đó, chàng liền bước lại xem.
Đi đến gần bên, chàng bất giác giật mình. Nguyên hai bóng đen đó là con vượn vàng và con vượn đen đang đánh nhau. Hai con miệng cắn tay cào, đều bị thương nhiều chỗ, máu chảy khắp mình mà vẫn không ngừng tay, dường như đây là một cuộc đấu quyết sống chết. Hai con tranh đấu đã đến lúc quyết liệt nên Thượng Quan Kỳ đến bên mà chúng vẫn không hay biết, vẫn tiếp tục cắn mạnh, cào dữ.
Thượng Quan Kỳ vận động chân khí, dồn nội lực vào hai cánh tay gạt hai con vượn ra hai bên rồi quát to lên một tiếng:
- Dừng tay!
Hai con vượn cảm thấy trước ngực có một luồng sức mạnh đẩy ra, cả hai đều lùi lại hai bước, đồng thời đưa mắt nhìn Thượng Quan Kỳ rồi từ từ ngã xuống.
Nguyên hai con vượn đánh nhau đã lâu, gân cốt mệt nhoài, mình bị trọng thương nhưng chúng mãi nghĩ vào cuộc đấu nhau chí chết nên chúng chẳng để ý gì.
Bây giờ bị Thượng Quan Kỳ đẩy ra, tinh thần mới cảm giác được thì không chống đỡ nổi nữa nên mới ngã lăn ra.
Thượng Quan Kỳ vội chạy lại nắn bóp các huyệt đạo cho hai con vượn.
Vượn tuy giống người song kinh mạch huyệt đạo lại khác. Thượng Quan Kỳ xoa bóp mãi mà chẳng biết làm sao cho chúng hồi tỉnh được. May mà chàng có tính nhẫn nại hơn người, xoa bóp hồi lâu nữa, hai con vượn đồng thời khẽ kêu lên một tiếng, gắng gượng đứng dậy. Rồi không quay đầu nhìn lại, tranh nhau bon bon chạy đi.
Thượng Quan Kỳ rất lấy làm lạ, tự hỏi:
- "Phải chăng hai con vượn này lại đem nhau đi đến chỗ khác đánh nhau đến kỳ chết mới thôi?".
Nghĩ vậy chàng liền đi theo chúng.
Dưới đất một làn mù trắng bay là là, càng đi về phía trước ẩm độ càng lên cao, sương mù càng thêm dày đặc, hơi nước bốc lên mặt như mưa, quần áo ướt hết, lòng chàng không khỏi sinh nghi. Hai con vượn tất tả tranh nhau đi trước, khiến chàng không còn thời giờ suy nghĩ rồi quên cả nguy hiểm.
Khu đất lòng chảo này chỉ rộng chừng hai mẫu, hai con vượn bị trọng thương đi không nhanh lắm mà chỉ trong khoảnh khắc đã đến bên chân núi bích lập.
Thượng Quan Kỳ bỗng nghe "ùm" một tiếng, thì ra cả hai con vượn đều nhảy xuống nước. Chàng cúi đầu nhìn xuống chỉ thấy sương mù trắng cuồn cuộn bốc lên. Nếu hai con vượn không lội bì bõm thì chàng cũng không nhận ra đó là một dòng suối.
Thượng Quan Kỳ không nhìn thấy hai con vượn đâu, chàng liền xuống nước bơi theo tiếng bơi bì bõm của hai con đang bơi phía trước. Tuy chàng có khinh công siêu việt nhưng không dám dùng đến. Suối nước này có chỗ rất sâu, chàng lội ngập đầu thấy nước ấm, nhưng không có thì giờ để tắm, chàng bước liền theo sau hai con vật.
Thốt nhiên không thấy chúng đâu nữa, vì dòng suối này chỗ sâu chỉ rộng chừng ba thước. Hai con vật đã sang bờ bên kia. Chàng qua bờ suối thủng thỉnh tiến về phía trước không biết đâu mà kiếm chúng nữa. Đi được chừng mười lăm, mười sáu bước đã đến chân núi. Sương mù vẫn dày đặc chàng phải lần vào vách đá mà đi. Thốt nhiên chân bước xuống thấp cả người lọt vào đường hầm, văng vẳng có tiếng vượn kêu từ phía mé bên vọng lại.
Trong hầm mù thưa và có thể trông xa được hơn một trượng. Đường hầm sâu chừng bốn thước, rộng đi lọt được hai người. Thượng Quan Kỳ lấy làm lạ nghĩ thầm:
- "Ngoài khu đất lòng chảo mù đặc như thế mà sao dưới đầy hang, mù lại ít đi, trái với luật tự nhiên"....
Trong lúc nghi hoặc chàng cảm thấy rét run, bây giờ chàng mới hiểu rằng "mù bị khí lạnh làm tan đi". Chàng cuối nhìn xuống thấy toàn đá trứng ngỗng trắng như tuyết, cũng giống như những hòn đá ngoài vực thẳm lúc chàng mới rớt xuống.
Tiếng vượn kêu mỗi lúc một xa, chàng hấp tấp đuổi theo, may mà trong hang động không có mù bao phủ, hơn nữa Thượng Quan Kỳ cũng rất tinh mắt nhìn cảnh vật được rõ ràng. Đuổi một lúc chàng đã trông rõ sau lưng của hai con vượn.
Hai con vượn vẫn đang cắn xé nhau, máu chảy đầm đìa. Thượng Quan Kỳ chạy đến nơi đưa tay giữ con đen lại. Con vượn vàng thấy con vượn đen bị giữ, chạy tuột vào hang động.
Con vượn đen thấy con vượn vàng chạy rồi, nó cựa mạnh để đuổi theo.
Nhưng Thượng Quan Kỳ giữ chặt quá nó không sao cựa được. Nó tức quá cắn vào tay chàng, chàng đành buông tay ra nghĩ thầm:
- "Hai con vượn này bị thương nặng đến thế mà còn chưa chịu thôi, tức là có mối thù gì ghê gớm lắm. Chi bằng mình để chúng đuổi nhau rồi mình dò theo tìm ra manh mối".
Con vượn đen tung mình đuổi theo con vượn vàng, chuyển qua hai khúc quanh thì đường hầm đột nhiên thấp xuống. Con vượn vàng không nhìn thấy đâu nữa, Thượng Quan Kỳ thấy con vượn đen nằm mình xuống trườn đi.
Thượng Quan Kỳ cũng bắt chước con vượn đen nằm sát xuống bò đi.
Con vượn đen bò rất mau, nó chẳng kể gì vết thương. Chui đến đâu, đường huyệt đạo nhuộm máu đỏ tươi đến đó. Thượng Quan Kỳ do dự một lúc rồi cũng bò vào đường huyệt đạo thì thấy khí lạnh ghê người. Đi chừng ba bốn trượng thì hết đường hầm. Bên tai chàng nghe tiếng vượn kêu rất thê thảm. Ra khỏi đường hầm đã đến một khu thạch thất vuông mỗi chiều chừng ba trượng. Ở giữa có một cái giếng vuông vắn chừng ba thước. Nước trên đỉnh núi chảy vào trong giếng này.
Giếng sâu không đầy ba thước, nước trong trông rõ thấy đáy. Đáy giếng có ba con cá đuôi vàng vảy đỏ dài chừng hơn thước. Chung quanh giếng có nhiều lổ nhỏ, nước giếng đầy quá thì theo những lổ nhỏ này thoát ra ngoài.
Hai con vượn đánh nhau bị thương máu me đầm đìa, Thượng Quan Kỳ chạy lại vươn hai tay ra nắm lấy mỗi tay giữ lấy một con. Hai con vượn đều đã mệt nhoài, đưa mắt nhìn Thượng Quan Kỳ rồi nhắm lại. Chàng vừa buông tay, chúng kiệt lực ngã lăn ra.
Chàng cúi xuống ôm con vượn vàng chạy đến thạch thất đặt xuống, lấy tay nhẹ nhàng thoa bóp khắp mình cho nó. Tuy chàng rất cẩn thận nhưng tay vẫn vấy đầy máu vì nó bị thương nhiều chỗ quá. Hồi lâu con vượn vàng tỉnh lại, mở mắt nhìn Thượng Quan Kỳ một cái rồi nhắm lại tiếp.
Thượng Quan Kỳ thấy nó tỉnh lại rồi chạy đến con vượn đen nắn bóp một lúc. Con này tỉnh lại nhìn Thượng Quan Kỳ rồi cũng nhắm mắt lại ngay.
Sau khi hai con đã tỉnh lại, Thượng Quan Kỳ bèn ra ngồi bên bờ giếng nhìn xuống đáy. Khí lạnh trong giếng bốc lên dàn dụa, nhưng lạ thay, hơi lạnh lại không làm cho người cảm thấy nhức xương cốt.
Ba con cá vàng vẫn nằm phục chỗ cũ, tựa hồ như không hề nhúc nhích.
Chàng đang lấy làm lạ thì đột nhiên chàng thấy hai bên mang nó chuyển động, rồi miệng nó phun ra một thứ bột trắng. Trừ miệng và mang là hơi động đậy còn cả thân mình vẫn không nhúc nhích.
Thượng Quan Kỳ định thò tay xuống nước kinh động ba con cá, không ngờ tay vừa chạm vào mặt nước, một luồng khí lạnh xông lên lận đầu óc, có điều khí lạnh này không làm cho chàng khó chịu. Tuy nước động sóng gợn mà ba con cá vẫn nằm yên. Thượng Quan Kỳ lấy làm lạ, toan đưa tay xuống làm động nước nữa thì bỗng nghe tiếng chân bước tới, thì ra là con vượn vàng đang chệnh choạng bước đến. Khi đến bên giếng, nó không do dự chút nào, tung mình nhảy ngay xuống.
Chớp mắt, nước giếng đang trong trẻo chợt biến thành một màu hồng dơ bẩn.
Thượng Quan Kỳ lại càng nghi hoặc, nghĩ thầm:
- "Giếng nước lạnh thế này ngay người không bị thương khi ngâm xuống còn không chịu nỗi, thế mà con vượn này mình đầy thương tích, nước lạnh thấm vào tất lạnh thấu xương, đau buốt vô cùng, sau không thấy nó có vẻ gì đau đớn thế?".
Con vượn vàng sau khi đã tắm rửa sạch sẽ, kỳ cọ hết vết máu lại bước lên bờ, giương hai mắt nhìn Thượng Quan Kỳ rồi ngồi tựa vào vách đá. Thượng Quan Kỳ nhìn xuống giếng thấy bao nhiêu bọt nước nổi lên trên mặt nước theo những lổ nhỏ chung quanh chảy hết ra ngoài. Chỉ trong khoảnh khắc, nước giếng lại trở lại trong veo. Chàng không hiểu tại sao mà nước lại sạch nhanh thế? Chàng nhìn lại xuống đáy giếng thì thấy ba con cá nằm phục dưới đáy phùng mang há miệng tiết chất bọt trắng ra không ngớt. Bọt trắng này chuyển động rất mạnh, quyện lấy tất cả chất huyết dơ bẩn đẩy ra các lổ chung quanh giếng. Sau khi đẩy hết nước dơ rồi, ba con quái ngư ngậm miệng trở lại như trước. Có điều làm cho Thượng Quan Kỳ vẫn chưa hiểu là lúc con vượn vàng xuống tắm rửa, ba con quái ngư vẫn nằm im chỗ đó chứ không nhúc nhích.
Chàng lại nhìn con vượn vàng, thì thấy bao nhiêu vết thương trên mình nó đã kín miệng, lên da non. Bấy giờ chàng đã tỉnh ngộ nghĩ thầm:
- "Mỗi khi hai con vượn đánh nhau bị thương, chúng đều vào giếng này tắm rửa, nên vết thương mới lành mau như thế".
Chàng trở lại ôm con vượn đen từ từ đặt nó xuống giếng. Con vượn đen bị thương nặng hơn, toàn thân khó bề cử động, chỉ còn hơi thở phập phồng, thế mà vừa bỏ nó xuống giếng lập tức nó tỉnh lại ngay, lắc đầu mấy cái, đầm mình xuống nước. Chỉ trong khoảnh khắc, nó leo lên bờ tựa vào vách đá ngồi nghỉ.
Thượng Quan Kỳ lẩm bẩm:
- Nước giếng này đã có công hiệu hồi sinh, mọc da cho những con vật bị thương. Ba con quái ngư lại có khả năng gạn đục khơi trong cho nước giếng.
Thốt nhiên con vượn vàng hú lên một tiếng, chạy lại nắm áo Thượng Quan Kỳ kéo đi vòng quanh giếng rồi dắt chàng theo một lối đi khác ở vách núi.
Con vượn đen tuy vết thương chưa hoàn toàn khỏi hẳn nhưng thấy con vượn vàng kéo Thượng Quan Kỳ đi vào một lối khác nó lật đật chạy theo.
Thượng Quan Kỳ sợ chúng lại đánh nhau nên liền đứng vào giữa hai con để ngăn cách chúng ra.
Bỗng thấy con vượn đen hú lên một tiếng, lắc đầu quầy quậy. Thượng Quan Kỳ tuy không hiểu nó muốn nói gì nhưng nghe thanh âm chàng biết là nó không có ác ý.
Hai con vượn một trước một sau, Thượng Quan Kỳ ở giữa, đi tới một góc núi, con vượn vàng đưa tay đẩy mạnh vào một phiến đá., song dường như khí lực của nó chưa hoàn toàn hồi phục nên đẩy hai lần mà phiến đá vẫn không nhúc nhích.
Thượng Quan Kỳ ngầm vận nội lực vào hai tay đẩy mạnh phiến đá một cái.
Hai tiếng kịch kịch vang lên, phiến đá đã mở ra.
← Hồi 011 | Hồi 013 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác