Vay nóng Homecredit

Truyện:Độc thủ phật tâm - Hồi 07

Độc thủ phật tâm
Trọn bộ 88 hồi
Hồi 07: Giả Bị Mê Vào Trong Hổ Huyệt
5.00
(một lượt)


Hồi (1-88)

Siêu sale Lazada

Tưởng Úy Dân quay lại mắng tên gia đinh:

- Quân vô lễ này! Có chuyện chi mà ngươi hốt hoảng như vậy?

Tên gia đinh sợ hãi cúi đầu xuống, miệng ấp úng:

- Tiểu nhân mấy bữa nay nghe tin đồn đại rất nhiều về một nhân vật tướng mạo giống Từ công tử...

Tưởng Úy Dân hỏi:

- Nhân vật nào vậy?

- Địa Ngục thư sinh!

Tưởng Úy Dân sửng sốt:

- Sao? Địa Ngục thư sinh ư?

Tên gia đinh khép nép đáp:

- Đúng thế! Xin lão gia tha tội cho tiểu nhân đã vô ý lỡ lời.

Tưởng Úy Dân cặp lông mày nhăn tít lại, lão đảo mắt nhìn Từ Văn, run lên hỏi:

- Địa Ngục thư sinh là hiến khế ư?

Từ Văn sững sờ một chút, rồi thành thực đáp:

- Chính phải!

Tưởng Úy Dân phưỡng bộ râu dài ra, hồi lâu không nói gì. Bốn chữ Địa Ngục thư sinh chẳng khác gì yêu ma quỷ quái làm cho lão ngơ ngác. Lão nguyên là một nhân vật hành vi quang minh chính đại, nhân nghe danh hiệu chàng không khỏi chấn động.

Lão không ngờ anh chàng Từ Văn mà lão đã lựa làm rể đông sàng lại là Địa Ngục thư sinh, một thanh niên ưa dùng thủ đoạn khủng khiếp để giết người.

Từ Văn đứng đối diện một bậc ngang hàng cha mẹ, chàng cảm thấy như ngồi trên đống gai, song cũng miễn cưỡng nở một nụ cười nói:

- Nếu Tưởng thúc thúc không còn điều chi chỉ giáo, thì tiểu điệt xin cáo từ.

Tưởng Úy Dân ra chiều kinh ngạc hỏi lại:

- Hiền khế không đến tệ xá ư?

Địa Ngục thư sinh đáp:

- Để ngày khác, tiểu điệt sẽ xin đến bái yết.

Tưởng Úy Dân chú ý nhìn Từ Văn. Lão muốn nói gì nhưng lại thôi. Hồi lâu lão vẫy tay bảo chàng:

- Vậy hiền khế đi đi!

Từ Văn khom lưng thi lễ chạy đi, tựa hồ tên tù phạm được lệnh phóng thích. Chàng bụng bảo dạ:

- Lão không đề cặp đến việc hôn nhân là may. Xem chừng hôn sự mà lão đã chủ động từ sáu năm trước đây, có thể kể như là kết thúc rồi. Trước đây sáu năm, mình là một chàng thiếu niên anh tuấn, tài hoa phong nhã, nhưng ngày nay mình đã thành người cụt tay, thêm vào cái ngoại hiệu chói tay. May mình đi đến giữa đường kịp thay đổi chủ ý, nếu cứ đến cầu thân thì không chừng đã bị một phen bẽ mặt.

Thiếu nữ áo hồng, con người tươi đẹp, lại hiện ra trong đầu óc Từ Văn, bất giác chàng bật lên tiếng cười vô vị. Chàng không phân biệt được cảm giác của mình nên vui hay là nên buồn. Lại còn vụ bí mật về Thạch Phật khiến chàng xiết nỗi nghi ngờ.

Từ Văn liên tưởng đến mấy người đi theo mình là Tổng quản Phương Đại Khánh cùng ba tên gia đồng. Bây giờ chắc họ về đến nhà rồi. Không hiểu phụ thân chàng khi được tin này sẽ phản ứng bằng cách nào.

Từ Văn nhớ đến phụ thân, chàng liên tưởng đến Thiên Đài Ma Cơ. Theo lời nàng, thì người che mặt mặc áo cẩm bào đúng là phụ thân chàng. Mỗi khi lão gia ra ngoài vẫn ăn mặc như vậy. Nếu lời Thiên Đài Ma Cơ đúng sự thực, thì khó mà đoán được vì lẽ gì lão gia lại có hành động như vậy.

Chàng cho là một câu chuyện buồn cười, tất nhiên không phải sự thực. Chàng tự hỏi:

- Trên chốn giang hồ có nhân vật nào khác mặc áo cẩm bào? Hắn là ai? Tại sao lại nhân lúc mình đang ở trong hoàn cảnh nguy nan mà hạ độc thủ?

Từ Văn vừa đi vừa ngẫm nghĩ, ngổn ngang trăm mối trong lòng. Bất giác chàng bỏ đường quan đạo đi vào giữa cánh đồng rộng mông mênh, chung quanh không có người? Bỗng chàng giật mình tĩnh táo lại, liền dừng bước.

Mặt trời đã lên cao ba sào. Ánh dương quang chói mắt. Chàng nhận định phương hướng, toan trở gót quay trở về đường quan đạo, thì bất thình lình một cỗ kiệu nhỏ còn cách mấy chục trượng đang ào ào đi tới. Những người khiêng kiệu hiển nhiên là những tay cao thủ trong võ lâm.

Từ Văn tâm thần chấn động. Nhớ tới hôm trước ở trong chùa Thanh Nguyên, chàng cùng thiếu nữ áo hồng đã thấy cỗ thái kiệu. Không hiểu có phải là cỗ kiệu này chăng?

Thủ pháp của người trong kiệu khiến chàng phải kinh hãi. Đồng thời mối hận trong lòng cũng bốc lên ngùn ngụt. Chàng nghĩ đến kẻ thù trước mắt mình không địch nổi, nhưng cũng phải điều tra cho biết lai lịch đối phương.

Đồng thời chàng vẫn không quên mối tình với người thiếu nữ áo hồng. Chàng liền băng mình rượt theo.

Vượt hết một khu đồng nội. Phía trước hiện ra một khu rừng xanh om, rậm rạp.

Chiếc kiệu nhỏ kia đã chuồn vào trong rừng mất hút.

Từ Văn cũng chạy vào trong khu rừng này. Trong rừng đầy bụi rậm chông gai, dây leo chằng chịt tỏ ra đã hoang vắng lâu ngày, ít có người lui tới. Giữa rừng thấp thoáng có một đoạn đường đổ nát.

Từ Văn tự hỏi:

- Phải chăng đây là một phân chi bí mật của bang phái nào trên giang hồ?

Chàng nghĩ ngay, nếu mình mạo muội xông vào là điều tối kỵ trên chốn giang hồ.

Hơn nữa, chàng lại không phải là tay đối thủ của người trong kiệu. Nhưng đã tới đây, lại trở về không thì chàng chẳng chịu cam lòng.

Giữa lúc ban ngày ban nặc, nếu trong rừng có bố trí cơ quan canh gác, thì dĩ nhiên hình tích chàng đã lọt vào mắt họ. Như vậy là biến thành cuộc xâm nhập đường hoàng mà không phải là cuộc ngấm ngầm dọ thám. Chàng chẳng thể không nghĩ đến hậu quả.

Bản tính cuồng ngạo, Từ Văn ít khi suy nghĩ đắn đo. Sau một lúc lo âu, chàng lại có chủ quan đắc thắng, cất bước đi vào...

Khu rừng này âm u tịch mịch, không có đến cả một con đường nhỏ. Chàng dẫm lên cỏ rậm dây leo mà tiến.

Giữa rừng là một tòa cổ miếu, tường đổ ngói vỡ cỏ cao ngập mắt. Bất giác chàng la thầm:

- Lạ thật! Cỗ kiệu nhỏ rõ ràng tiến vào khu rừng này, mà sao không thấy vết chân người? Vậy cỗ kiệu đi về đâu? Xem chừng trong vụ này có điều chi ngoắt ngoéo?

Sau một lúc ngần ngừ, chàng vọt mình vào trong miếu, thì thấy điện đài lệch lạc, tượng thần vỡ lở, khắp nơi màng nhện chằn chịt, cát bụi ngập đến mắt cá chân. Thật là một cảnh hoang tàn rùng rợn.

Từ Văn lại tiến vào tầng nữa, mắt chàng bỗng sáng lên. Trong bụi cỏ rậm, có đặt một cỗ kiệu nhỏ, nhưng cỗ kiệu này không phải là cỗ thái kiệu mà chàng đã gặp ở chùa Thanh Nguyên hôm qua. Lòng chàng đã bớt được nửa phần xao xuyến, nhưng lại nảy ra nhiều mối nghi ngờ. Chàng tự hỏi:

- Đã có cỗ kiệu, tất phải có người. Nhưng người hiện ở đâu? Sao lại không thấy có cuộc phòng bị người ngoài xâm nhập?

Từ Văn động tính hiếu kỳ muốn dò la cho biết rõ ngọn ngành. Chàng chạy lại bên kiệu vén rèm lên coi, thì ra là chiếc kiệu bỏ không. Nhưng trong kiệu vẫn thoang thoảng mùi hương xạ. Chàng đoán ngay la cỗ kiệu của người đàn bà. Không còn nghi ngờ gì nữa.

Đột nhiên phía sau chàng có tiếng động nhỏ nhẹ. Chàng giả vờ như không nghe thấy gì. Một thanh âm chói tai lên tiếng:

- Ông bạn cao hứng nhỉ? Phải chăng tòa pháp miếu này đã khiến ông bạn nổi lên mối u tình luyến tiếc thời xưa.

Từ Văn thủng thẳng quay mình lại, thì thấy trước mặt mình xuất hiện một lão già mình mặc áo đen, thân hình gầy khẳng gầy kheo, tưởng chừng như những đầu xương muốn lộ hết ra ngoài. Mặt lão đầy vẻ âm thầm nhan hiểm.

Lão già áo đen vừa nhìn rõ mặt Từ Văn đã biến sắc, cất giọng run run hỏi:

- Phải chăng ông bạn là...

Từ Văn lạnh lùng ngắt lời:

- Tại hạ là Địa Ngục thư sinh.

Lão già áo đen "Ủa!" lên một tiếng, rồi lùi lại một bước hỏi:

- Ông bạn đến đây có việc chi?

Từ Văn không trả lời. Chàng hỏi lại:

- Cách xưng hô các hạ thế nào đây?

Lão già lạnh lùng đáp:

- Lão phu là Thi Nhất Hạo.

Từ Văn lại hỏi:

- Đây là phương nào?

Lão già ngập ngừng:

- Đây là một tòa phá miếu...

Từ Văn cười lạt nói:

- Sự thật không phải chỉ có thế...

Lão già ngắt lời:

- Vậy ông bạn cho nơi đây là cái gì?...

Từ Văn hỏi:

- Người trong kiệu đâu rồi?

Lão già áo đen mở một nụ cười bí mật, hỏi lại:

- Người trong kiệu nào?

Từ Văn châu mày nói:

- Các hạ đừng bắt tại hạ phải động thủ giết người. Nói rõ đi là hơn.

Lão già áo đen biến sắc, hỏi lại:

- Giữa ông bạn và người trong kiệu có mối liên quan gì?

Từ Văn hơi xẵng giọng:

- Cái đó các hạ bất tất phải hỏi làm chi. Tại hạ chỉ cần biết y hiện ở đâu mà thôi.

Lão già áo đen ngập ngừng:

- Ông bạn là...

Từ Văn gạt phứt đi:

- Đừng rườm lời nữa!

Lão già áo đen đưa tay lên sờ cái đầu đã trụi tóc đến quá nửa. Lúc lão giơ tay lên thì một mùi thơm khác lạ bỗng xông vào mũi Từ Văn.

Từ Văn hắng giọng một tiếng. Chàng giơ tay lên toan phóng chưởng, nhưng trong đầu óc vụt qua một ý nghĩ, chàng lại thu tay về. Người chàng lảo đảo hai cái, rồi sắc mặt lộ vẻ bâng khuân.

Lão già áo đen lùi lại hai bước, nhìn Từ Văn chòng chọc một lúc. Đột nhiên lão bật lên tràng cười khanh khách hỏi:

- Địa Ngục thư sinh! Ngươi đã biết đây là đâu chưa?

Từ Văn ngây mặt ra, miệng ấp úng hỏi lại:

- Đây là... đâu?

Lão già đáp:

- Đây là Tụ Bảo hội.

Từ Văn bần thần ngập ngừng:

- Tụ Bảo hội... ư?... Tại sao tại hạ nhức đầu quá?...

Lão già nói:

- Ông bạn hãy theo ta!

Lão nói xong, cất bước đi trước. Lão đi vào trong điện bụi cát dầy đến một tất.

Từ Văn chân bước loạng choạng, dường như chàng phải khó nhọc mới lê gót đi được. Miệng chàng nói lảm nhảm:

- Các hạ!... Các hạ!... Đưa tại hạ đi đâu đây?... Lạ quá! Chẳng lẽ tại hạ mắc bệnh rồi ư?

Mấy tiếng lách cách vang lên! Chiếc bàn thờ trước khán xích ra một bên, để lộ một cái cửa tối om. Bên trong thấp thoáng có những bậc đá.

Từ Văn bàng hoàng tiến vào trong cửa, theo bậc đá mà đi xuống chừng ba trượng là hết. Trước mắt chàng đột nhiên có ánh minh châu sáng rực như ban ngày. Tất cả những cảnh vật, dù nhỏ bé đến đâu, ở trong đường hầm do những phiến đá xếp thành đều trông rất rõ không sót mảy may.

Cứ cách mấy trượng lại có hai tên áo đen tay cầm trường kiếm đứng hai bên. Sự canh phòng rất là nghiêm cẩn.

Những tay kiếm thủ áo đen thấy lão già đi qua đều nâng kiếm thi lễ.

Chỉ trong chớp mắt đã hết quảng đường hầm sáng sủa, tới trước một khuôn cửa đen sì. Đứng ngoài trông vào thấy những cây cột đá thẳng tấp cùng những cửa đá trùng điệp. Không ai ngờ ở dưới tòa phá miếu này lại có tòa nhà mà cách kiến trúc vĩ đại đến thế.

Trên cửa khảm vô số hạt minh châu soi rõ ba chữ lớn Tụ Bảo hội.

Trước cửa, mười hai tên kiếm thủ đứng hai dãy thành hình chữ bát. Tên nào cũng mắt xếch, mày rậm, trông tựa như tám pho tượng đá.

Một chàng thiếu niên trạc hai mươi tuổi, mình mặc áo trắng, dong mạo thoát tục, xuất hiện đứng bên cửa.

Lão già áo đen vội chắp tay thi lể nói:

- Thỉnh an Thiếu hội chủ.

Gã thiếu niên áo trắng ngó Từ Văn từ trên xuống dưới một lượt, rồi nói:

- Gã là ai vậy?

Lão già áo đen đáp:

- Gã là Địa Ngục thư sinh.

Gã thiếu niên áo trắng ra chiều kinh hãi hỏi:

- Sao? Gã là Địa Ngục thư sinh ư?

- Chính gã!

- Gã đến đây làm chi?...

- Gã nói là vì muốn kiếm người trong kiệu mà tới đây. Ty tòa xin đưa vào để tùy Thiếu hội chủ phát lạc.

- Được rồi! Thi đường chủ! Đường chủ đem gã vào phòng mật thứ hai để thẩm vấn.

Lão già áo đen khom lưng nói:

- Ty tòa xin tuân lệnh!

Gã thiếu niên áo trắng lại đảo mắt nhìn Từ Văn lần nữa, rồi trở gót quay đi.

Lão già áo đen vẫy Từ Văn nói:

- Ông bạn hãy theo ta!

Từ Văn trợn cặp mắt ngơ ngẩn nhìn lão già áo đen rối cất bước đi theo. Hai người đi vòng vèo mấy dãy hành lang đến trước một gian thạch thất cửa đóng kín mít.

Lão già áo đen gõ cửa ba cái. Cánh cửa sắt từ từ mở ra.

Bầu không khí trong căn nhà có vẻ kỳ bí khác thường. Trước mặt kê một chiếc công án. Sau công án là một bà già chừng năm mươi tuổi ngồi đó. Mụ này ăn mặc rất diêm dúa xa hoa diễm lệ. Đứng bên mụ là gã thiếu niên áo trắng vừa rồi được kêu là Thiếu hội chủ. Đối diện với công án đặt bốn cái ghế. Trên ghế thứ ba một thiếu nữ vận cung trang, mặt mũi thất sắc, tuổi chừng mười bảy mười tám. Dung nhan thiếu nữ thật xứng với bốn chữ nguyệt thẹn hoa nhường.

Phía sau thiếu nữ là hai gã hán tử áo đen khoanh tay thị lập.

Trước tình trạng này, Từ Văn biết là nơi pháp đường thẩm vấn phạm nhân.

Lão già áo đen cúi đầu khom lưng đi vào. Lão cung kính thi lễ trước mặt phụ nhân nói:

- Nội đường là Thi Nhất Hạo xin tham kiến Hội chủ!

Mụ kia ừ một tiếng rối đưa cặp mắt âu yếm nhìn Từ Văn. Mụ nói tiếp:

- Ngươi để gã ở đây cho bản tòa thân hành xử trị, còn ngươi có thể rút lui.

Lão già áo đen dạ một tiếng rồi rút lui.

Thi Nhất Hạo vừa ra khỏi thì cánh cửa sắt tự động đóng lại.

Từ Văn ngơ ngẩn đứng ở phía trong cửa.

Tụ Bảo hội chủ đảo cặp mắt sắc như dao nhìn Từ Văn hỏi:

- Ngươi là Địa Ngục thư sinh ư?

Từ Văn bâng khuân gật đầu.

Tụ Bảo hội chủ lại nói:

- Ngươi hãy ngồi xuống đó!

Từ Văn ngây người ra như tượng gỗ ngồi xuống chiếc ghế bên thiếu nữ vận cung trang.

Tụ Bảo hội chủ lại hỏi:

- Ngươi vì nàng mà lại đến đây ư?

Từ Văn ngơ ngác hỏi lại:

- Nàng ư?

- Giữa ngươi với nàng có mối quan hệ gì?

- Nàng... Tại hạ không quen biết.

Tụ Bảo hội chủ lộ vẻ ngạc nhiên, giựt giọng hỏi:

- Thế này là nghĩa làm sao?

Từ Văn ngập ngừng đáp:

- Tại hạ... vì động tánh hiếu kỳ mà đi theo cỗ kiệu vào đây.

- Ủa!

Tụ Bảo hội chủ nghiên đầu nhìn gã thiếu niên áo trắng, gật đầu nói:

- Chúng ta hãy tiếp tục xử trí con nhỏ này đã.

Thiếu nữ vận cung trang từ lúc Từ Văn vào nhà đến giờ vẫn không ngoảnh đầu nhìn ra.

Tụ Bảo hội chủ vẻ mặt hiền hòa nhìn thiếu nữ vận cung trang hỏi:

- Cô nương! Cô nương tên gọi Tưởng Minh Châu ư?

Thiếu nữ đáp:

- Chính phải!

Tụ Bảo hội chủ hỏi:

- Cô nương là con một của Tưởng Úy Dân phải không?

Thiếu nữ đáp:

- Chính phải!

Từ Văn không khỏi chấn động tâm thần. Người chàng hơi phát run, nhưng không một ai hay biết.

Gã thiếu niên áo trắng xen vào:

- Tưởng cô nương! Ta khuất tất cô nương ở đây mấy bữa, nhưng bảo đảm cho cô không ai được đụng đến một chân lông, sợi tóc của cô cả. Cô nương là hòn ngọc báu trên tay một nhà giầu nhất phủ Khai Phong. Phụ thân cô chắc chả tiếc gì năm hạt minh châu, một trăm đỉnh vàng đem đến đây để chuộc cô an toàn trở về nhà.

Từ Văn lại run lên, nhưng nét mặt không lộ vẻ gì cả.

Tưởng Minh Châu buồn rầu hỏi:

- Thế ra các vị bắt người để đòi tiền chuộc ư?

Tụ Bảo hội chủ cười khanh khách đáp:

- Cô nương ơi! Bản tòa nhất sinh ngoài châu báu ra không thích gì hết. Tôn chỉ của bản hội là như vậy, nên mới kêu là Tụ Bảo hội. Vậy cô bảo ta bắt người đòi tiền chuộc kể ra cũng đúng.

Tưởng Minh Châu đưa đẩy cặp mắt thất thần, môi hồng mắp máy, nhưng không nói gì.

Tụ Bảo hội chủ nhìn gã thiếu niên bảo:

- Đem thị xuống, và nhớ rằng đừng đụng đến thị. Đó là lề luật của bản hội. Ngươi đã biết rồi không được phạm vào.

Gã thiếu niên đáp:

- Hài nhi xin tuân lệnh!

Gã quay lại bảo mấy tên hán tử áo đen:

- Các ngươi ở lại đây. Bản thiếu chủ thân hành đưa thị đi.

Đoạn gã tiến lại hai bước, bảo Tưởng Minh Châu:

- Không còn việc gì nữa, cô nương hãy theo tại hạ.

Từ Văn lạnh lùng lên tiếng:

- Khoan đã!

Thanh âm chàng tuy trầm trầm, nhưng nghe choang choảng, tỏ ra nội lực rất thâm hậu, mà hoàn toàn không phải là tiếng nói của người thần trí thất thường. Ngoại trừ một mình Tưởng Minh Châu vẫn hoang mang ngơ ngác, còn bốn người kia đều cả kinh thất sắc.

Gã thiếu niên áo trắng cặp mắt tròn xoe nhìn Từ Văn chòng chọc hỏi:

- Ngươi... nói gì vậy?

Nét mặt Từ Văn lại ra chiều ngớ ngẩn. Chàng cất giọng lạnh lùng như trước đáp:

- Tại hạ nói là hãy khoan lại một chút để hỏi cho rõ.

Gã thiếu niên ngạc nhiên hỏi:

- Hỏi rõ chuyện gì?

Từ Văn buông thỏng:

- Chẳng lẽ bản nhân đến đây mất công không ư?

- Ngươi!...

Tụ Bảo hội chủ run lên nói:

- Địa Ngục thư sinh! Ngươi giả vờ khéo đấy!...

Từ Văn đột nhiên đứng dậy, đảo mắt nhìn khắp trong phòng một lượt rồi nói:

- Vẻn vẹn một chút chất độc mê thần thì làm gì được tại hạ.

Nguyên lúc vào miếu, lão già áo đen kia nghe tiếng Địa Ngục thư sinh đã đủ run sợ không dám động thủ với chàng, lão liền tung thuốc độc mê thần ra. Chàng giả vờ trúng độc đẻ trà trộn vào hang cọp. Chàng không bao giờ ngờ tới người thiếu nữ bị cướp kia lại là Tưởng Minh Châu mà chàng phải vâng lệnh cha đi cầu thân.

Chỉ trong khoảnh khắc, Từ Văn đã nhìn rõ nàng một cách chân thiết. Về dung nhan, nàng là người diễm lệ phi thường, nhưng hình ảnh thiếu nữ áo hồng đã in xâu vào tâm khảm từ trước và giữ chủ vị mất rồi, nên chàng đối với sự phế bỏ việc hôn nhân này chẳng lấy gì làm hối tiếc. Hơn nữa dọc đường đã gặp Tưởng Úy Dân. Lão thấy chàng bị cụt một tay liền tỏ vẻ lãnh đạm, nên ý định thoái hôn càng cương quyết. Có điều hai bên đã là thông gia, trên đạo nghĩa chàng chẳng thể ngồi nhìn mà không cứu viện.

Tưởng Úy Dân không phải hạng tầm thường, thế mà Tụ Bảo hội dám cướp con gái lão làm con tin, để bắt lão đem một số lớn vàng bạc châu báu đến chuộc về thì thật là một vụ động trời.

Hai gã hán tử áo đen len lén đến phía sau Từ Văn đưa tay ra toan chụp... Tụ Bảo hội chủ liền quát lên:

- Không được động thủ!

Nhưng đã chậm mất rồi. Từ Văn vừa quay lại, thì một tiếng rú thê thảm vang lên.

Hai gã hán tử áo đen ngã ngửa người ra, chết ngay lập tức. Trên người chúng tuyệt không có một vết thương tích. Chẳng ai nhìn rõ Từ Văn hạ thủ bằng cách nào.

Gã thiếu niên áo trắng la lên một tiếng kinh hoảng.

Tụ Bảo hội chủ đập bàn quát:

- Địa Ngục thư sinh! Ngươi dám vào tận đây giết người ư?

Từ Văn hắng giọng một tiếng rồi đáp:

- Làm gì mà dám với chẳng dám. Bản nhân xin cảnh cáo tôn giá đừng có đụng vào Tưởng Úy Dân.

Tụ Bảo hội chủ rít lên the thé:

- Mi đã chết đến gáy mà còn nói khoác, sao không biết nhục? Ta cho mi hay chỗ này với địa ngục chẳng khác gì nhau.

- Úi chao!

Tiếng la chưa dứt, Từ Văn đã dùng thủ pháp chớp nhoáng nắm được cổ tay gã thiếu niên áo trắng.

Tụ Bảo hội chủ lại quát lên:

- Buông tay ra!

Từ Văn thản nhiên nói:

- Đâu có chuyện dễ dàng thế được?

- Mi... định làm gì y?

- Làm gì ư? Tôn giá có đưa bản nhân cùng Tưởng cô nương rời khỏi nơi đây, thì bản nhân mới trả lại người sống.

Gã thiếu niên áo trắng đã được nhìn rõ hai tên thủ hạ vừa bị mất mạng bằng một thủ pháp thần bí của đối phương thì hồn vía lên mây. Mặt gã không còn hột máu.

Tụ Bảo hội chủ vừa chuyển động thân hình đã nắm được tay Tưởng Minh Châu.

Mụ nói:

- Địa Ngục thư sinh! Nếu mi muốn cho nàng sống, thì lập tức phải buông tay ra.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-88)


<