Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Đại tranh chi thế - Hồi 213

Đại tranh chi thế
Trọn bộ 294 hồi
Hồi 213: Sứ giả Đông Di
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-294)

Vùng đất Hoài Di, Di Hổ, người Đông Di cai quản phần lớn cương thổ, số người Đông Di sống trên vùng đất này không có tổ chức thành bộ máy nhà nước chặt chẽ, do họ và người Sở là đồng tộc từ thời Tam hoàng Ngũ đế, dây mơ rễ má thâm sâu, lại dùng "Phụng" làm biểu tượng, do đó các bộ lạc Đông Di lớn nhỏ từ lâu đã giao hảo thân cận với Sở quốc.

Nhưng gần đây Sở quốc tự lo thân mình còn chưa xong, đã mất đi quyền kiểm soát khu vực này, Ngô vương Hạp Lư từng phái sứ giả đi Tề mật bàn với Tề phân chia vùng đất này, tin tức bị lộ ra ngoài, các bộ lạc Đông Di bắt đầu huấn luyện binh mã, chuẩn bị tử chiến một phen để giữ mảnh đất dung thân cuối cùng của mình. Dưới tình hình Tề quốc hùng mạnh sắp xâm chiếm, các bộ lạc liên minh hợp sức với nhau, tổ chức các bộ lạc vốn chia rẽ nay vì đối kháng ngoại xâm dần dần manh nha phát triển nên một quốc gia hoàn chỉnh.

Khánh Kỵ cũng có chú ý đến sự phát triển của các bộ lạc Đông Di, nhất là lần này Yểm Dư đến Lỗ và Đông Di mượn quân quấy nhiễu Phù Khái, người Đông Di ra sức ủng hộ, trong đó nữ vương Đông Di góp tiếng nói quan trọng trong việc này, có thể xem như một thủ lĩnh tương đối hảo hữu với Khánh Kỵ. Khánh Kỵ từng hỏi Yểm Dư biết được đôi chút về vị nữ vương này, các bộ lạc Đông Di thấy đại địch trước mắt, vội liên minh chống ngoại xâm, lúc đó một cô gái đột nhiên đứng ra, nàng bỏ nhiều tiền của tiếp tế dân chúng, chiêu binh mãi mã, huấn luyện quân đội, chỉ trong thời gian ngắn, lấy cơ sở từ hai bộ lạc lớn Phong thị, Doanh thị phát triển, đã đoàn kết mấy mươi bộ lạc nhỏ khác đầu quân dưới trướng nàng ta.

Cô gái này tự xưng là hậu nhân đích truyền của Đông Di Thiếu Hạo đế Doanh Chất, dựa vào vị trí tối thượng của Thiếu Hạo đế trong lòng người Đông Di, cộng với mưu lược tài trí, thủ đoạn chính trị của nàng, nhanh chóng khiến các dũng sĩ bộ lạc vốn thuần hậu, dũng mãnh trở thành thần dân trung thành của nàng, từ đó vị thế đứng cao hơn cả các tộc trưởng bộ lạc, xưng là nữ vương Đông Di.

"Mau mời vào đây!" Khánh Kỵ sửa soạn áo bào chỉnh tề đứng lên, trong lòng nghĩ thầm: "Sứ giả Đông Di vượt sông đến đây, theo lẽ phải đi ngang Kiền Toại, họ lại không bị Phù Khái chặn bắt, nghĩ chắc là biết rõ tình hình Ngô quốc, nên mới đi đường vòng tránh chỗ nguy hiểm. Một liên minh các bộ lạc xưa nay chỉ biết đánh cá săn bắn, có thể hiểu rõ Ngô quốc ta như lòng bàn tay, vị nữ vương này quả nhiên không hề đơn giản."

Khánh Kỵ chỉnh trang y phục, ngồi trong lều chờ đợi, một lát sau, Anh Đào dẫn theo tám sứ giả bốn nam bốn nữ vào trong đại doanh trung quân, kiểu dáng quần áo của tám người này giống với nữ nhân Đông Di khi Khánh Kỵ đại chiến với Triển Chích tại Lỗ từng được thấy, bốn cô thiếu nữ mặc áo hở vai và váy ngắn, dưới váy để lộ bắp đùi rắn chắc, dung mạo tuy không xinh xắn lắm, nhưng lại mang sức sống tràn trề của tuổi thanh xuân, bốn nam tử kiểu áo y chang, chỉ là cánh tay và đùi của họ màu đồng đen, càng thêm vạm vỡ rắn chắc.

Điều khác biệt là vải áo của họ tuy thô kệch nhưng rõ ràng nó thuộc trang phục truyền thống lễ nghi chính thức nào đó, trên áo có thêu các biểu tượng phụng hoàng, mặt trời sặc sỡ, nam tử đội mũ lông vũ đủ màu, nữ nhân thắt hai bím tóc dài sau lưng, trên đầu đeo vòng hoa có ít lông vũ trang trí làm trang sức, nam thì cương dương, nữ thì kiện mỹ, cách ăn mặc đúng là khác biệt so với lê dân bá tánh khắp thiên hạ của nhà Chu.

Ngang hông họ có đeo dao găm nhỏ, trên vai khoác một cây cung, sau lưng có một vò tên. Đông Di, trong tiếng cổ ngữ có nghĩa là "Đông phương cung tiễn thủ", người Đông Di bất kể già trẻ lớn bé, ai ai cũng giỏi bắn cung, thần tiễn thủ nổi tiếng khắp thiên hạ lúc bấy giờ là Hậu Nghệ, chính là thủ lĩnh một bộ lạc của Đông Di.

"Đây là điện hạ của ta." Anh Đào bước lên giới thiệu.

Đôi mắt to tròn, đen láy của một thiếu nữ Đông Di mở to ra nhìn vào Khánh Kỵ, bước tới hai bước, vái chào hành lễ: "Tám sứ giả Huyền Điểu, Đan Ô ... dưới trướng nữ vương Đông Di Doanh Thiền Nhi bái kiến Ngô quốc Khánh Kỵ đại vương."

Khánh Kỵ ha hả cười to, xua tay nói: "Các vị sứ giả không cần đa lễ, mời ngồi, mời ngồi, các vị cứ gọi ta là điện hạ là được rồi, Khánh Kỵ vẫn chưa đăng cơ, không dám xưng đại vương."

Cô thiếu nữ tên Huyền Điểu chớp chớp mắt, nói: "Chẳng phải một hai ngày nữa là xưng vương sao? Sớm hơn hay trễ hơn một hai ngày có gì khác biệt? Hôm nay gọi điện hạ, mai gọi đại vương, sửa tới sửa lui cũng không khỏi phiền phức."

"Ừm..." Khánh Kỵ bị cô sứ giả này dạy dỗ cho một chập, nhưng thấy bộ dạng nàng ta ngây thơ, có vẻ không biết lễ nghi phép tắc của người văn minh, chỉ còn cách cười trừ: "À, phải lắm, Huyền Điểu cô nương nói phải lắm, mời ngồi, mời ngồi."

Vị Huyền Điểu cô nương cười hi hi, vui vẻ lên tiếng: "Nữ vương nói, chúng ta nên liên minh với Ngô quốc Khánh Kỵ, xem ra nữ vương chọn lựa đúng người rồi, các quan lại của các người, cho dù là tên hạ đại phu, thấy người Đông Di chúng ta đều làm ra vẻ cao sang, chỉ có đại vương ngài lại chịu nghe lời ta nói, tốt lắm, tốt lắm."

Khánh Kỵ khóc không được cười cũng không xong, ngẩng đầu liếc Anh Đào một cái, Anh Đào đang cố nhịn cười, cũng không giúp Khánh Kỵ giải vây. Khánh Kỵ chỉ còn cách ho lên một tiếng: "Khụ khụ, phải rồi, các vị sứ giả mời ngồi. Nữ vương Đông Di có lòng thành khẩn, Khánh Kỵ cảm kích vô cùng, ngày mai là đại lễ đăng cơ của Khánh Kỵ, mời các vị sứ giả ở lại, đợi đăng cơ đại điển xong xuôi, Khánh Kỵ còn phải trả lễ cảm tạ nữ vương Đông Di."

Huyền Điểu vỗ tay tươi cười khoái trá: "Hay quá, chúng ta đang muốn xem coi đại lễ đăng cơ của người Ngô là như thế nào. Phải rồi, Khánh Kỵ đại vương này, ta thấy ngài cao lớn vạm vỡ, lại anh tuấn bất phàm, người ta ai cũng nói ngài là đệ nhất dũng sĩ Ngô quốc, tay bắt được chim bay, chạy nhanh hơn ngựa chiến, nhưng sao sức khỏe lại kém thế này, cứ ho lên ho xuống, cẩn thận kẻo bị cảm lạnh, ảnh hưởng đến đại lễ đăng cơ ngày mai."

"Khụ khụ...ừm..." Khánh Kỵ thấy cô nương này ngây ngô khiển trách, lại còn tỏ ý quan tâm dặn dò, hình như không phải giả tạo, trong một lúc không biết nên khóc hay nên cười mới phải, chỉ còn biết lên tiếng cảm tạ tấm lòng quan tâm của Huyền Điểu cô nương.

Anh Đào đứng kế bên cố gắng nhịn cười, không dám tỏ ra mất lễ nghi trước mặt công tử, khuôn mặt hắn vì cố kiềm nén đỏ ửng cả lên.

Huyền Điểu nhìn trưng trưng vào Anh Đào: "Người Ngô các ngài hình như thể chất không được tốt cho lắm, ngài làm đại vương sức khỏe không tốt, sao đại tướng dưới quyền cũng có vẻ mang bệnh thế này? Sớm biết như vậy ta mang theo một xe thảo dược tới đây, thảo dược của người Đông Di chúng ta hiệu nghiệm lắm, chút phong hàn vặt vãnh này không cần lo đâu."

"Không sao, không sao, cơ thể ta tốt lắm mà." Anh Đào xua tay liên hồi, vội chắp tay vái lạy Khánh Kỵ, xin phép ra ngoài chuẩn bị nơi ăn chốn ở tiếp đón các vị sứ giả Đông Di, còn chưa đợi Khánh Kỵ gật đầu liền chạy như bay ra ngoài, trốn vào sau túp lều xa xa, thế mới ôm bụng cười một trận thỏa thích.

Huyền Điểu lại mở to mắt quay sang nhìn trưng trưng vào Khánh Kỵ: "Ta có nói sai gì à? Sao hắn chạy nhanh hơn cả con lừa thế?"

Khánh Kỵ vẻ e dè khó xử phân bua: "Anh Đào là người bên cạnh ta, xưa nay vẫn hay tính khí thất thường, xin Huyền Điểu cô nương đừng trách, cô nương ngây thơ trong trắng, cho dù có nói sai chuyện gì, Khánh Kỵ cũng thấy thích mà."

Huyền Điểu nghe vậy, đỏ mặt e thẹn: "Khánh Kỵ đại vương, Huyền Điểu xin nói thẳng, ngài đừng trách cứ. Ta...ta chỉ là mang lễ vật đến, chứ không thích ngài đâu..."

Khánh Kỵ cũng thấy khó xử: "Ờ, cái này...cái này... Cô nương tính tình thẳng thắn, không biết mưu tính, quả là...quả là..."

Huyền Điểu chớp chớp mắt, hỏi: "Tính tình thẳng thắn, không biết mưu tính..., có phải ngài nói ta ngốc..."

Khánh Kỵ lập tức ngậm miệng, cô nương này đơn thuần không biết cách hành xử thế sự, lúc này lại có vẻ nghe hiểu ý hắn. Hắn cũng không phân biệt được cô nương này là ngốc thiệt hay ngốc giả, càng không biết tại sao nữ vương Đông Di lại phái đến một sứ giả ngây ngô thế này.

Tên võ sĩ tên Đan Ô lớn tuổi hơn, xem ra có vẻ trưởng thành hơn đôi chút, hắn thấy Huyền Điểu liên tiếp lộ điểm yếu ra, vội đứng ra can thiệp: "Huyền Điểu, Khánh Kỵ công tử đang khen cô mà, đừng nói lung tung nữa."

"Thế à?" Huyền Điều xoay xoay tròng mắt, vẻ hoài nghi: "Mỗi khi ta nói sai câu nào, làm chuyện ngốc gì, nữ vương cũng nói với ta thế này, sao do miệng Khánh Kỵ đại vương nói ra thì thành biến khen ngợi rồi?" Đan Ô nghe cô nương này phân bua cũng thấy khó xử không biết phải làm sao.

Huyền Điểu suy nghĩ một hồi vẫn không hiểu ra, bèn tạm thời tin vào giải thích của Đan Ô, vui vẻ ra mặt: "Ngài không phải đang ẩn ý mắng ta là được, nữ vương chúng ta rất coi trọng đăng cơ đại điển của ngài, nếu không thì Huyền Điểu này thân là con gái của tộc trưởng, cũng không đích thân mang lễ vật đến Ngô quốc tặng ngài rồi."

"Thì ra Huyền Điểu cô nương là con gái của tộc trưởng bộ lạc Phong, thất kính, thất kính." Trong số các bộ lạc Đông Di, hiện nay thế lực của bộ lạc Phong là mạnh nhất, thứ hai là bộ lạc Doanh, giờ đây cái cô Doanh Thiền Nhi tự xưng là hậu nhân Thiếu Hạo gì đó lên làm nữ vương Đông Di, đương nhiên phải ra sức lôi kéo hai bộ lạc này, Huyền Điểu là con gái của tù trưởng bộ lạc Phong, cũng là người đứng đầu đoàn sứ giả Đông Di.

Cô nương Huyền Điểu nói chuyện huyên thuyên hồi lâu, lại lớ ngớ không rõ ràng, người ngoài không sao chen vào được, Khánh Kỵ phải mất khá lâu mới nắm rõ thông tin là cô nương Huyền Điểu này mang theo lễ vật tổng cộng có đến mười hai xe, món quà của người Đông Di không phải là vàng bạc châu báu, cũng không phải là gấm vóc lụa là, trên mười hai chiếc xe chỉ chứa một thứ duy nhất: hài cốt của cự long thời thượng cổ.

Khánh Kỵ nghe họ thuật lại bèn lập tức hiểu ra. Nghe nói xưa kia có người đào được vô số mảnh xương to lớn, vì Khổng Khâu học rộng hiểu nhiều, tri thức uyên bác, nên phái người đi thỉnh giáo ông ta, Khổng Khâu theo ghi chép từ sách cổ cho rằng đó là con rồng khổng lồ cai quản gió mưa năm xưa bị Đại Vũ giết chết, người đời nhờ thế tôn Đại Vũ làm Thánh nhân trị thủy. Thật ra đống xương đó chỉ là xương hóa thạch của con thú lớn thời thượng cổ mà thôi, bây giờ người Đông Di đào được nguyên bộ xương nguyên vẹn, Khánh Kỵ nghe họ miêu tả, liền đoán ra đó là một bộ xương khủng long hóa thạch.

Bộ xương này nếu nói vô dụng, thì cũng đúng là vô dụng, còn nói là quá có ích thì cũng đúng là góp công to lớn trong đại nghiệp của Khánh Kỵ, đối với người ngoài có thể vô dụng, còn với người Ngô lại mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vì người Ngô tôn thờ "Rồng".

Hiện nay Khánh Kỵ đăng cơ, ở ngoài kia Tề, Tấn và hơn một nửa chư hầu trong thiên hạ vì lợi ích cá nhân đều không thừa nhận, còn ở nước Ngô những phe cánh thuộc về Phù Sai, Phù Khái cũng không thừa nhận địa vị hợp pháp của hắn.

Thế mà trước lúc hắn đăng cơ lại đột nhiên xuất hiện hài cốt của con cự long này, lại được đưa vào trong quân hắn. Thời đại đó là thời nào chứ? Mấy trăm năm sau một tên đình trưởng muốn làm hoàng đế phải chém bạch xà ra vẻ thuận theo ý trời (chính là Hán Cao tổ Lưu Bang), hơn một ngàn năm sau một tiểu hòa thượng muốn làm hoàng đế phải nổ vang trời rằng khi hắn sinh ra khắp phòng đỏ rực (Tống Cao tổ Triệu Khuôn Dẫn). Trong thời đại mê tín này, nếu vào đại lễ đăng cơ ngày mai, lập đàn tế lễ trang trọng an táng bộ hài cốt này, lúc đó số đông người dân đều tin vào thần thánh mệnh trời, làm vậy có tác dụng tuyên truyền thu phục nhân tâm lớn cỡ nào? Sẽ có bao nhiêu người vốn kiên định theo phò Phù Sai, Phù Khái dao động chuyển sang đầu hàng Khánh Kỵ?

Khánh Kỵ quá đỗi vui mừng, hạ lệnh long trọng tiếp đãi đoàn sứ giả Đông Di, bên ngoài Anh Đào đã thu xếp xong nơi ăn chốn nghỉ. Anh Đào dẫn đoàn sứ giả rời khỏi không lâu liền vội quay vào lều nói nhỏ với Khánh Kỵ: "Điện hạ, sứ giả Đông Di Đan Ô bí mật xin cầu kiến."

"Hử? Mau mời!" Khánh Kỵ ngớ người, mới tỉnh ngộ nhận ra vị nữ vương Đông Di kia phí nhiều công sức sai sứ giả đến gặp, còn mang tặng hài cốt cự long, e là có ý đồ gì đó.

Một lúc sau, Đan Ô vừa thu xếp xong lại vội vã bước vào trong lều, nói: "Điện hạ, nữ vương Đông Di có một việc quan trọng cần bàn với ngài, chỉ vì Huyền Điểu ngây ngô, khó đảm nhận nhiệm vụ bí mật này, nữ vương đã sai tiểu nhân mang theo bức mật thư này, đến giao cho điện hạ."

Đan Ô nói xong lấy từ dưới ngực ra một bức mật thư được dùng sáp nến niêm phong, thư viết trên thẻ tre Lỗ quốc, mỏng mà chắc chắn, xếp thành mấy lớp. Khánh Kỵ vội đón lấy mở ra xem, xem xong đập bàn kêu hay, hắn định thần lại, nói với Đan Ô đang đứng đó chờ đợi: "Sứ giả Đan Ô, mời về lều nghỉ ngơi trước, việc này cho phép Khánh Kỵ bàn bạc lại với các tướng lĩnh rồi hồi đáp sau."

Đan Ô cáo từ lui ra, Khánh Kỵ lập tức triệu tập các tướng lĩnh Yểm Dư, Chúc Dung, Tôn Vũ, Kinh Lâm, Lương Hổ Tử tề tựu trong lều. Trên thực tế lúc này Khánh Kỵ vẫn còn một lực lượng quân sự quan trọng, đó chính là Nhâm gia quân do Nhâm Nhược Tích thống lĩnh, nếu không phải Nhâm Nhược Tích dẫn đại quân kịp lúc kéo đến giúp Kinh Lâm cản đường tiến quân của Phù Khái, Phù Khái lúc này dù chưa vào Cô Tô thành, e rằng đại quân Kinh Lâm dưới sức ép trong ngoài thành đã bị tổn thất trầm trọng. Giờ có Nhâm gia quân tham chiến, thực lực hai bên tạo lập thế cân bằng, có thể nói công lao của Nhâm gia vô cùng lớn, vì thế lúc này đang giữ vị trí quan trọng trong đại quân Khánh Kỵ.

Nhưng hiện giờ Nhâm gia quân do Nhâm Nhược Tích thống lĩnh, Khánh Kỵ không biết sắp xếp chức vụ gì thích hợp cho nàng ta, nên lúc này không triệu nàng vào nghị sự. Hai người khi xưa đã sớm nảy sinh tình cảm, lúc ở Tề Nhâm Nhược Tích yểm trợ Khánh Kỵ trốn chạy, Khánh Kỵ còn hứa hẹn chuyện chung thân với nàng. Chỉ là chiến sự đang căng thẳng không tiện công bố tin này ra, hai người chỉ gặp mặt nhau một lần khi Khánh Kỵ quay về Cô Tô, sau đó thì ngay cả cơ hội hẹn hò riêng tư cũng không có nữa.

Vì muốn trấn an Nhâm gia quân, Khánh Kỵ sắp xếp cho Thúc Tôn Diêu Quang và Quý Tôn Tiểu Man ở tại doanh trại bên kia, cùng ăn cùng ở với Nhâm Nhược Tích, trên dưới Nhâm gia quân đều biết hai cô nương này sau này sẽ là hoàng phi Ngô quốc, Khánh Kỵ đưa hai nhân vật quan trọng vào ở trong quân họ, rõ ràng là tuyệt đối tin tưởng và xem trọng họ rồi, hành động này có tác dụng khích lệ rất tốt với Nhâm gia quân.

Còn với Khánh Kỵ, làm như vậy một vốn bốn lời, một là thu phục nhân tâm Nhâm gia quân; hai là lúc này hắn chinh chiến ác liệt, qua lại với sứ giả các nước thường xuyên, đúng là không tiện mang theo hai thiếu nữ chưa xác định danh phận này bên mình; ba là cho Thúc Tôn Diêu Quang, Quý Tôn Tiểu Man giao lưu với Nhâm Nhược Tích; bốn là..., giờ hắn bận đến nỗi không thể phân thân, lại không thể gặp riêng Nhâm Nhược Tích lựa lời an ủi, đem hai cô nương kia sắp xếp ở cạnh Nhược Tích, tránh cho nàng ta ghen tuông vớ vẩn...

Nghe Khánh Kỵ thuật lại xong, Yểm Dư kinh ngạc kêu lên: "Người Đông Di muốn lập quốc?"

Khánh Kỵ nói: "Đúng vậy, nhưng Đông Di không tồn tại quốc gia đã lâu, các bộ lạc giờ đây vì cùng cảnh ngộ chống ngoại xâm nên tạm thời đoàn kết với nhau, một khi mối nguy được giải trừ, các bộ lạc vốn quen tự do khó chấp nhận sự quản thúc của thể chế quốc gia, còn binh mã của vị nữ vương Đông Di này cũng đều đến từ các bộ lạc khác nhau, nàng ta thiếu cơ sở quyền lực tạo lập chính quyền, chỉ còn cách dựa vào một cường quốc làm hậu thuẫn.

Tề quốc xưa nay luôn giơ cao ngọn cờ thay Chu thiên tử dẹp yên man di xâm lấn lãnh địa của người Đông Di, từ thời Tề Hoàn Công đến nay, lãnh thổ Tề quốc mở rộng thêm gấp bội, diệt hơn bốn mươi quốc gia nhỏ, trong đó có khá nhiều quốc gia kiểu bộ lạc như người Đông Di, Tề và Đông Di thù oán sâu nặng, là quốc gia người Đông Di không chấp nhận nhờ cậy. Lỗ quốc sát cánh cùng Đông Di chiến đấu chống Tề, chẳng qua vì tự bảo vệ, người Lỗ muốn yên thân an phận, không muốn bành trướng, sẽ không đồng ý tiếp nhận người Đông Di mà gây thù với Tề, nữ vương Đông Di sai sứ đến đây bày rõ ý định của mình, đó là một khi chúng ta phục quốc thành công, muốn Đông Di dựa vào Ngô quốc, làm thuộc địa của Ngô, thành lập quốc gia. Tất nhiên đấy chỉ là một đề nghị, nếu chúng ta đồng ý mới tiến hành đàm phán bước tiếp theo."

Yểm Dư phấn khích: "Hay lắm! Sao lại không đồng ý? Người Đông Di có lãnh thổ rộng lớn, tuy vùng đất của họ có hơi nghèo nàn, người Đông Di chỉ sống bằng săn bắn đánh cá, ít trồng trọt cày cấy, làm công vụ thương lái, có thu thuế má cũng không được bao nhiêu, nhưng người Đông Di xưa nay luôn tự cung tự cấp, cũng sẽ không gây cho ta thêm gánh nặng gì, một khi Đông Di làm thuộc địa của ta, về mặt quân sự, ngoại giao tất cả đều nằm trong tay Ngô quốc, còn dễ dàng quản lí hơn một vùng đất phong cho công khanh đại thần, lại nâng cao uy danh của Ngô quốc trong các nước chư hầu, đây là việc có lợi lớn nên làm."

Tôn Vũ cũng nói: "Người Đông Di tuy hoang dã, nhưng lãnh thổ của họ rộng gấp bội Ngô quốc ta, miếng thịt này ta không ăn, sớm muộn cũng bị người khác nuốt vào miệng, bây giờ người Đông Di chủ động tìm đến, đâu có lý do gì phải từ chối? Hơn nữa người Đông Di tuy lạc hậu nhưng cũng vì Chu thất cố tình tạo ra cục diện này, chứ không phải vùng đất của họ nghèo nàn, con dân dốt nát.

Năm xưa khi quân của Hoàng đế lấy gậy gỗ làm vũ khí, người Đông Di đã biết thuật luyện kim, tạo ra vật dụng bằng đồng. Sau Chu thiên tử, người đầu tiên dám xưng vương không phải là Sở vương Tử Hùng, mà là Từ vương Đông Di, khi đó người Đông Di lập ra nước Từ quản hạch lưu vực Hoài Thủy, Tứ Thủy, Từ vương có đạo trị nước, nhân nghĩa vang danh thiên hạ, quốc gia cường thịnh, các nước thần phục xung quanh hơn ba mươi, mới dám thách thức trực diện với Chu thiên tử, hoàng thành của Từ được xây hùng vĩ hơn cả của Chu thiên tử. Chỉ là khi đó khí số Chu thất đang lên, phát động toàn thiên hạ khởi binh diệt trừ Từ quốc, từ đó không thèm cai trị bỏ mặc người Đông Di, trải qua mấy trăm năm bị tách biệt với văn minh nên người Đông Di mới thế, chỉ cần Ngô quốc ta quan tâm dạy dỗ, không mất nhiều thời gian sau Đông Di sẽ trở thành cơ sở vững mạnh của Ngô, giờ Đông Di chủ động nhờ cậy, điện hạ không thể lỡ mất dịp may này."

Khánh Kỵ gật gù: "Các tướng nghĩ vậy cũng đúng với ý định của ta."

Chúc Dung vốn cũng cảm thấy đây là dịp tốt trời ban, nhưng nghe Khánh Kỵ nói vậy thấy anh ách trong lòng, bèn lên tiếng phản đối: "Tiếp nhận Đông Di, chúng ta phải gánh chịu sức ép từ người Tề, giờ đây Ngô quốc nội chiến liên miên, giang sơn chưa ổn định, Tề quốc hùng mạnh chúng ta có chống lại nổi không? Hơn nữa các bộ lạc Đông Di xưa nay luôn giao hảo với Sở, chúng ta mà xen vào tiếp quản, lại kết oán với người Sở.

Chà! Nên nói là oán cũ chưa xong, lại kết thêm thù mới. Ngô quốc ta phạt Sở, giết người cướp bóc vô số, dân Sở không phải ai cũng phân biệt rõ chúng ta và Cơ Quang đâu, Cơ Quang lúc đánh vào Dĩnh Đô cướp hết của cải trong hoàng cung, nay đang chất đầy Cô Tô, chúng ta phục quốc xong cũng cần dùng số của cải này xây dựng lại quốc gia, sứ giả Tần quốc hôm qua nhắc nhở khi phá thành chúng ta nên trả lại cho Sở số của cải này, lúc đó nên trả hay không trả? Nếu không trả, người Sở tức giận, ta tiếp nhận Đông Di càng gây thù chuốc oán với họ, Sở xua quân đến đánh, vậy chẳng phải chúng ta cùng lúc chống với bốn cường quốc Tần Sở Tấn Tề sao?"

Tôn Vũ ung dung: "Tề quốc tuy mạnh, nhưng lại ở xa, nếu xua quân viễn chinh, hao tổn chắc lớn, hơn nữa hai phái Điền, Yến, năm họ tộc quyền cao chức trọng ở Tề khó đạt được đồng thuận ý kiến, nên tạm thời không đáng lo. Còn việc Đông Di đến nương nhờ ta ủng hộ lập quốc, đó là ý nguyện của người Đông Di, đâu phải chúng ta dùng vũ lực chiếm giữ, người Sở muốn trách cũng không được. Còn nói đến số của cải Cơ Quang cướp về từ Dĩnh Đô, chuyện đó càng dễ dàng hơn..."

Tôn Vũ hít một hơi dài, nói giọng bình thản: "Sau này công phá Cô Tô thành, ta chọn ra mấy căn nhà trong hoàng thành đốt trụi, cứ nói là trong lúc chiến loạn Phù Sai đã đốt lửa thiêu hết số của cải. Người Sở hiện đang lo lắng Tam Miêu phía Nam, phía Bắc phải chống trả với Tấn, phía Đông các nước phụ thuộc đang manh nha phản loạn, họ tự lo thân mình đã vất vả, nếu không có chứng cứ xác thực, lại có lý do giải thích hợp lý, Sở đâu dám xua quân đánh ta."

Khánh Kỵ nhìn trưng trưng vào vị Binh thánh Tôn Vũ được sử sách miêu tả từ tài năng quân sự đến đối nhân xử thế đều hoàn hảo này, không dám tin vào mắt mình.

Tôn Vũ cười khoái trá, quay sang Khánh Kỵ: "Điện hạ thấy thế nào?"

Khánh Kỵ mỉm cười: "Ý ta cũng như ý Tôn tướng quân đây!"

Crypto.com Exchange

Hồi (1-294)


<