← Hồi 064 | Hồi 066 → |
Vua nước Cử là Lê Tị công nhân vì giảng hoà với nước Tề, năm ấy thân hành ang Lâm Tri (kinh thành nước Tề) để triều cống. Tề Trang công mừng lắm bày tiệc ở Bắc Bỉ để thiết đãi Lê Tị công. Phủ đệ của Thôi Trữ cũng ở Bắc Bỉ. Thôi Trữ định thừa cơ giết Tề Trang công, mới giả cách cáo ốm, không đến dự tiệc, rồi mật sai người tâm phúc đến hỏi tin Giả Thụ. Giả Thụ mật báo rằng:
- Chúa công định tiệc xong thì đến thăm quan tướng quốc.
Thôi Trữ cười mà nói rằng:
- Chúa công có nghĩ đến bệnh của ta, ta có bệnh thì chúa công càng lợi. Chẳng quan chỉ muốn đến để làm việc vô sĩ đó thôi!
Thôi Trữ lại bảo vợ là nàng Đường Khương rằng:
- Ngày nay ta muốn trừ bỏ đứa hôn quân vô đạo ấy đi, nàng chịu theo kế ta thì ta sẽ không nói đến sự xấu của nàng nữa, ngày sau lại lập con nàng làm đích tử. Nếu nàng không theo lời nói của ta thì ta chém đầu mẹ con nàng trước.
Nàng Đường Khương nói:
- Vợ thì phải theo chồng. Phu quân bảo gì mà thiếp chẳng nghe!
Thôi Trữ sai Đường Vô Cữu phục quân ở hai bên cạnh nhà, Thôi Thành và Thôi Cương phục quân ở bên trong cửa, Đông Quách Yển phục quân ở bên ngoài cửa, hẹn nhau đến bấy giờ thì rung chuông làm hiệu; lại sai người mật báo cho Giả Thụ biết. Tề Trang công say mê nàng Đường Khương, quên ăn quên ngủ, không lúc nào không nghĩ đến, chỉ vì Thôi Trữ phòng giữ nghiêm mật, nên không dám thường thường đi lại. Hôm ấy nghe nói Thôi Trữ cáo ốm, thì lấy làm may lắm, thần hồn vơ vẩn bay đến với nàng Đườn Khương trong khi ngự yến với Lê Tị công, nên chỉ thù tiếp qua loa cho xong việc, rồi đi thẳng đến nhà Thôi Trữ để thăm bệnh. Người canh cửa nhà Thôi Trữ nói dối rằng:
- Quan tướng quốc tôi đau nặng quá, hiện vừa uống thuốc xong, mới đi nằm.
Tề Trang công hỏi:
- Nằm ở chỗ nào?
Người canh cửa nói:
- Nằm ở nhà ngoài.
Tề Trang công mừng lắm, đi thẳng vào nhà trong. Bấy giờ Châu Xước, Giả Tử, công tôn Ngao và Lũ Nhân đi theo hầu. Giả Thụ bảo rằng:
- Chúa công đến đây làm gì, hẳng các ngươi đã biết, sao không đứng cả ở bên ngoài, theo vào làm gì để kinh động quan tướng quốc.
Bọn Châu Xước khen phải, liền đứng cả ở ngoài cửa. Chỉ có Giả Cử không chịu ra ngoài mà nói rằng:
- Một mình ta ở đây thì phỏng có hại gì!
Nói xong liền đứng ở nhà giữa. Giả Thụ đóng cửa giữa, rồi đi trở vào. Người canh cửa cũng đóng cửa lớn ở ngoài mà khóa chặt lại. Tề Trang công vào đến nội thất, nàng Đường Khương trang điểm rất lịch sự ra đón, nhưng chưa kịp nói một câu nào thì có thị tỳ chạy đến bảo:
- Quan tướng quốc kêu khô miệng, muốn uống nước ngọt.
Đường Khương nói với Tề Trang công rằng:
- Thiếp đi lấy nước ngọt đã, rồi sẽ đến ngay.
Đường Khương theo thị tỳ rón rén qua cửa ngang mà đi. Tề Trang công tựa bao lan đứng đợi, mãi không thấy Đường Khương ra, bỗng nghe dưới nhà có tiếng gươm giáo. Tề Trang công ngạc nhiên nói:
- Quái lạ, ở đây lại có quân sĩ hay sao!
Nói xong liền gọi Giả Thụ, không thấy Giả Thụ thưa. Được một lúc quân sĩ hai bên đổ ra. Tề Trang công kinh hãi, biết là có biến, vội vàng chạy ra cửa sau thì cửa sau đã đóng chặt rồi, Tề Trang công sức khoẻ, phá cửa mà ra, trèo lên trên một cái lầu. Đường Vô Cữu đem quân giáp sĩ vây lầu, quát to lên rằng:
- Ta phụng mệnh quan tướng quốc đến bắt dâm tặc!
Tề Trang công đứng trên lầu bảo Đường Vô Cữu rằng:
- Ta là vua nhà ngươi, nhà ngươi tha cho ta!
Đường Vô Cữu nói:
- Quan tướng quốc truyền như vậy, ta không dám trái lệnh.
Tề Trang công nói:
- Quan tướng quốc ở đâu? ta xin thề rằng ta không làm hại gì quan tướng quốc cả!
Đường Vô Cữu nói:
- Quan tướng quốc ốm, không thể đến đây được!
Tề Trang công nói:
- Ta biết tội của ta rồi! nhà ngươi khoan cho ta được vào nhà thái miếu tự tử để tạ tội với quan tướng quốc, phỏng có nên chăng?
Đường Vô Cữu nói:
- Chúng ta chỉ biết bắt đứa dâm tặc, chứ không biết vua là ai cả; thôi thì liệu mà tự tử ngay đi, chớ để phải chịu nhục!
Tề Trang công bất đắc dĩ phải nhảy ra cửa sổ, trèo lên hoa đài toan leo tường để chạy. Đường Vô Cữu giương cung bắn theo, trúng ngay vào đùi bên tả. Tề Trang công từ trên tường cao ngã lăn xuống đất. Quân giáp sĩ kéo đến, đâm chết Tề Trang công. Đường Vô Cữu sai người rung mấy tiếng chuông làm hiệu. Bấy giờ trời đã mờ tối, Giả Cử ở nhà giữa, lắng tai nghe thấy mấy tiếng chuông, lại thấy Giả Thụ tay cầm đèn mở cửa đi ra mà nói rằng:
- Trong nhà có giặc, chúa công sai triệu nhà ngươi, nhà ngươi vào trước đi để ta còn ra báo với bọn Châu Xước.
Giả Cử nói:
- Đưa đèn cho ta!
Giả Thụ đưa đèn cho Giả Cử, giả cách buột tay để rơi xuống đất. Đèn tắt. Giả Cử cầm kiếm đi rờ mà vào. Vào đến cửa giữa, vướng dây ngã xuống đất. Thôi Cương ở bên cửa chạy ra, giết chết Giả Cử. Bọn Châu Xước ở ngoài cửa, không biết chuyện gì cả, Đông Quách Yển giả cách thân tình, mời sang một cái nhà bên thắp đèn uống rượu cho vui; lại cho cả các người theo hầu đều được ngồi vào tiệc. Đang vui chén, bỗng nghe thấy trong nhà Thôi Trữ có tiếng chuông rung. Đông Quách Yển nói:
- Chắc bây giờ chúa công ta đang uống rượu!
Châu Xước nói:
- Vậy chúa công ta không e quan tướng quốc à?
Đông Quách Yển nói:
- Quan tướng quốc ốm nặng, còn phải e gì nữa!
Được một lúc, lại nghe có tiếng chuông rung. Đông Quách Yển nói:
- Để tôi vào xem có việc gì?
Đông Quách Yển vừa đi khỏi thì quân giáp sẽ đổ ra. Bọn Châu Xước vội vàng tìm gươm thì Đông Quách Yển đã sai người lấy trộm mất từ bao giờ rồi! Châu Xước giận lắm, trông thấy trước cửa có viên đá, liền vác lấy để đánh; chẳng ngờ Lũ Nhân vừa đi đến nơi, Châu Xước đánh lầm phải, Lũ Nhân gãy một chân. Châu Xước sợ hãi bỏ chạy. Công tôn Ngao nhổ cái cọc buộc ngựa mà múa. Quân giáp sĩ nhiều người bị thương. Mọi người cầm đuốc xông vào công tôn Ngao cháy hết cả râu tóc.
Bấy giờ cừa lớn bỗng thấy mở toang, Thôi Thành và Thôi Cương lại đem quân giáp sĩ từ trong kéo ra. Công tôn Ngao giơ tay bóp gãy cánh tay của Thôi Thành. Thôi Cương cầm kích đâm chết công tôn Ngao, lại giết chết cả Lũ Nhân nữa. Châu Xước cướp được cái kich của quân giáp sĩ, quay lại để đánh. Đông Quách Yển quát to lên rằng:
- Hôn quân dâm loạn đã bị giết rồi! không can dự gì đến các ngươi cả, sao các ngươi chẳng biết lưu cái thân lại, để mà thờ vua mới?
Châu Xước ném cái kích xuống đất mà nói rằng:
- Ta là một người đi trốn, chịu ơn của vua Tề, nay đã không cứu được vua Tề, lại làm hại Lũ Nhân, chẳng qua cũng là tại trời! ta nên liều mình báo ơn vua Tề, chứ nỡ nào tham sống để mua tiếng cười ở nước Tề và nước Tấn hay sao!
Nói xong, liền đập đầu vào tường đá. Ba bốn viên đá vỡ tung ra; đầu Châu Xước cũng vỡ. Bính Sư nghe tin Tề Trang công chết, cũng tự đâm cổ ở ngoài triều, Phong Cụ thắt cổ ở ngoài nhà. Đạc Phủ và Trương Doãn rủ nhau đến khóc Tề Trang công, đi đến nửa đường, nghe tin bọn Giả Cử chết cả, cũng đều tự sát. Vương Hà rủ Lư Bồ Quí cùng chết, Lư Bồ Quí nói:
- Chết cũng vô ích! chi bằng ta trốn đi, rồi sau sẽ liệu, may ra có một người nào phục quốc được thì ta lại tiến dẫn cho nhau.
Vương Hà nói:
- Nếu vậy thì ta cùng thề.
Thề xong, Vương Hà bỏ trốn sang nước Cử. Lư Bồ Quí sắp đi, bảo em là Lư Bồ Miết rằng:
- Chúa công đặt ra dũng tước là cần để có người hộ giá; nay ta vì chúa công mà chết, cũng không ích gì cả. Ta đi rồi, nhà ngươi cố cầu cạnh vào làm tôi Thôi Trữ và Khánh Phong để xin cho ta về, ta sẽ nhân đó mà báo thù cho chúa công, như thế thì dẫu chết cũng không uổng.
Lư Bồ Miết nhận lời. Lư Bồ Qúi liền trốn sang nước Tấn. Lư Bồ Miết xin vào làm tôi Khánh Phong. Khánh Phong dùng làm gia thần. Thân Tiên Ngu trốn sang nước Sở, sau làm quan hữu doãn ở nước Sở. Bấy giờ các quan đại phu nước Tề, nghe tin Thôi Trữ nổi loạn, đều đóng cửa đợi tin, không ai dám đến cả, chỉ có Án Anh đến thẳng tận nhà Thôi Trữ, gối đầu vào đùi Tề Trang công mà khóc. Khi Án Anh trở ra, Đường Vô Cữu bảo Thôi Trữ rằng:
- Tất phải giết Án Anh đi thì mới tránh khỏi lời phỉ báng của mọi người!
Thôi Trữ nói:
- Án Anh vốn có tiếng là người giỏi, nếu ta giết đi thì sợ mất lòng người trong nước.
Án Anh đến bảo Trần Tu Vô (cháu tằng tôn Trần Kính Trọng) rằng:
- Sao nhà ngươi không bàn lập vua mới?
Trần Tu Vô nói:
- Thế thần nước Tề ta thì có họ Cao, họ Quốc, mà cầm quyền chính ngày nay thì có họ Thôi, họ Khánh, chứ tôi làm gì nổi!
Án Anh về, Trần Tu Vô nói:
- Loạn tặc ở trong triều, ta không nên cùng hắn đồng sự.
Nói xong, liền bỏ sang nước Tống. Án Anh lại đến nói với Cao Chỉ và Quốc Hạ. Cao Chỉ và Quốc Hạ đều nói:
- Việc ấy quyền ở họ Thôi và họ Khánh, tôi làm gì nổi!
Án Anh thở dài mà về. Khánh Phong sai con là Khánh Xá đi bắt vây cánh của Tề Trang công, đuổi giết gần hết, rồi đem xe đón Thôi Trữ vào triều. Thôi Trữ sai người triệu họ Cao và họ Quốc đến để bàn lập vua mới. Họ Cao và họ Quốc nhường quyền cho Thôi Trữ và Khánh Phong. Khánh Pong lại nhường quyền cho Thôi Trữ. Thôi Trữ nói:
- Con vua Linh Công là công tử Chử Cữu, năm nay đã lớn tuổi. Người mẹ là con gái quan đại phu nước Lỗ tên gọi Thúc Tôn Kiều Như. Lập người ấy thì nước ta có thể giao hiếu với nước Lỗ.
Triều thần đều vâng dạ xin theo. Thôi Trữ lập công tử Chử Cữu, tức là Tề Cảnh công. Bấy giờ Tề Cảnh công hãy còn nhỏ. Thôi Trữ tự lập làm hữu tướng, lại lập Khánh Phong làm tả tướng; cùng với triều thần thề ở nhà thái miếu rằng:
- Các ngươi, hễ ai không cùng lòng với họ Thôi và họ Khánh thì đã có mặt trời soi xét!
Thôi Trữ thề xong đến Khánh Phong, rồi đến họ Cao và họ Quốc. Đến lượt Án Anh, Án Anh ngửa mặt lên trời mà thề rằng:
- Nếu các ngươi biết tận trung với vua để làm lợi cho nước mà tôi không cùng lòng thì đã có trời sôi xét!
Thôi Trữ và Khánh Phong đều biến sắc. Cao Chỉ và Quốc Hạ nói:
- Việc hai tướng quốc làm ngày nay, chính là việc trung vua lợi nước!
Thôi Trữ và Khánh Phong mới bằng lòng. Bấy giờ vua nước Cử là Lê Tị hãy còn ở nước Tề. Thôi Trữ và Khánh Phong phụng Tề Cảnh công hội thề với Lê Tị côg. Lê Tị công trở về nước Cử. Thôi Trữ sai Đường Vô Cữu đem thi thể bọn Châu Xước và Tề Trang công cùng chôn ở Bắc Quách, giảm bớt nghi lễ, không cho giáp binh đi hộ tang, nói rằng sợ lại loạn ở dưới âm phủ! Thôi Trữ truyền cho quan thái sử Bá vào chép sử là Tề Trang công bị bệnh sốt rét mà chết. Quan thái sử Bá không nghe, chép vào thẻ rằng:
- "Ngày ất hợi, tháng 5, mùa hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang".
Thôi Trữ nổi giận, giết thái sử Bá. Thái sử Bá có ba người em là Trọng, Thúc, Quí. Trọng lại chép như trước. Thôi Trữ lại giết đi. Thúc cũng chép thế. Thôi Trữ lại giế. Quí lại chép như vậy. Thôi Trữ cầm lấy cái thẻ mà bảo Qúi rằng:
- Ba anh mày đều chết cả, còn mày không sợ chết à? Nếu mày chịu chép khác đi thì ta tha chết cho.
Quí nói:
- Chép đúng sự thực là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn! ngày xưa Triệu Xuyên giết Tấn Linh công, quan thái sử là Đổng Hổ cho rằng Triệu Thuẫn là chính khanh mà không biết trị tội qân giặc, bèn chép rằng: "Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao" thế mà Triệu Thuẫn không lấy làm quái. Thế thì biết chức phận của người làm sử không thể bỏ được! nếu tôi không chép, trong thiên hạ tất cũng có người khác chép! tôi không chép cũng không có thể che được sự xấu của quan tướng quốc, mà lại để cho thức giả chê cười, nên tôi liều chết mà chép, xin tướng quốc cứ tuỳ ý định đọat!
Thôi Trữ thở dài mà nói rằng:
- Ta sợ nước nhà nghiêng đổ, bất đắc dĩ mà phải làm việc này! nhà ngươi dẫu chép thẳng, thiên hạ cũng xét tấm lòng cho ta!
Nói xong, liền ném cái thẻ đưa trả Quí. Quí cầm cái thẻ đi ra, sắp đến cửa sử quán, lại gặp Nam Sử Thị, Quí hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói:
- Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày ất hợi, tháng 5, mùa hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép.
Quí đưa cái thẻ của mình chép cho Nam Sử Thị xem. Nam Sử Thị mới cáo từ mà về.
Thôi Trữ lấy việc thái sử Quí chép thẻ làm xấy hổ, mới đổ tội cho Giả Thụ mà giết đi.
Cũng trong tháng ấy, Tấn Bình công thấy nước sông đã rút xuống, lại họp chư hầu ở Di Nghi, để bàn mưu đánh Tề. Thôi Trữ sai quan tả tướng là Khánh Phong đem việc Tề Trang công bị giết mà cáo với quân Tấn và nói rằng:
- Triều thần chúng tôi sợ đại quốc hỏi tội thì nguy cho xã tắc chúng tôi, cho nên đã thay đại quốc mà trừ kẻ có tội và đã lập vua mới là Chử Cữu. Từ nay xin một lòng thần phục đại quốc. Khi trước đại quốc đã chiếm đất Triều Ca thì xin đem đất ấy dâng đại quốc, ngoài ra còn có những tế khí và nhạc khí cũng xin đại quốc thu nạp cho.
Lại đem lễ vật biếu các vua chư hầu nữa. Tấn Bình công bằng lòng, rút quân về nước. Các vua chư hầu cũng đều về cả. Từ bấy giờ Tề và Tấn lại giảng hoà với nhau. Thực Xước ở nước Vệ, nghe nói Châu Xước và Hình Khóai đều chết cả, lại trở về nước Tề. Khi Vệ Hiến công (Hãn) trống sang nước Tề, vốn biét Thực Xước là người vũ dũng, bèn sai công tôn Đinh đem lễ vật đến triệu. Thực Xước lại theo Vệ Hiến công.
Năm ấy vua nước Ngô là Chư Phàn sang đánh Sở đi qua nước Sào, đem quân đánh cửa thành. Tướng nước Sào là Ngưu Thần đứng nấp ở bên cái tường thấp bắn chết Chư Phàn. Triều thần nước Ngô theo lời dặn của Thọ Mộng khi gần chết, mới lập em Chư Phàn là Dư Sái lên làm vua. Dư Sái nói:
- Anh ta không phải vì đất Sào mà chết, chẳng qua theo lời dặn của tiên vương (tro Thọ Mộng) mà cố ý liều chết, để ngôi chóng truyền đến Qui Trát (em Dư Sái) đó mà thôi!
Từ bấy giờ Dư Sái đêm nào cũng khấn trời để cầu cho mình chóng chết. Các quan đều nói:
- Người ta ai cũng muốn thọ, nay đại vương lại muốn mình chóng chết, chẳng cũng trái nhân tình lắm sao?
Dư Sái nói:
- Vua Thái vương ta ngày xưa bỏ con lớn lập con nhỏ, mới nên được đại nghiệp, nay anh em ta bốn người, cứ theo thứ tự mà truyền ngôi cho nhau, nếu ai cũng thọ cả thì Quí Trát già mất! bởi vậy ta phải cầu cho chóng chết.
Lại nói chuyện quan đại phu nước Vệ là Tôn Lâm Phủ và Ninh Thực đã đuổi Vệ Hiến công (Hãn), mới lập em Vệ Hiến công lên làm vua (tức là Vệ Thương công). Sau Ninh Thực ốmg nặng, bảo con là Ninh Hi rằng:
- Họ Ninh ta, mấy đời nay vẫn một lòng trung quân. Việc đuổi vua này là tự họ Tôn cả, chứ ta không có ý gì, thế mà người trong nước đều bảo là họ Tôn và họ Ninh đuổi vua, ta không thể nào giải tỏ ra được, còn mặt mũi nào mà trông thấy tổ phụ ở dưới đất! con làm thế nào mà đem được vua cũ về để chuộc lỗi cho ta, thế mới là hiếu tử; nếu không thì dẫu con có cúng tế, cha cũng không hưởng đâu!
Ninh Hi sụp lạy, vừa khóc vừa nói:
- Con xin cố gắng!
Ninh Hi nối cha làm chức tả tướng, từ bấy giờ có chí muốn đem Vệ Hiến công về, ngặt vì Thương Công vẫn đi dự hội với các vua chư hầu, trong nước không có biến cố gì cả; quan thượng khanh là Tôn Lâm Phủ lại là cừu địch với Vệ Hiến công, bởi vậy không thể làm thế nào được. Năm thứ 24 đời Chu Linh vương, Vệ Hiến công chiếm được đất Di Nghi, mới sai công tôn Đinh lẻn vào thành Đế Khâu bảo Ninh Hi rằng:
- Nhà ngươi biết đổi lại cái ý của cha mà giúp cho ta về nước thì quyền chính nước Vệ, ta giao hết cho nhà ngươi, ta chỉ giữ một việc cúng tế mà thôi.
Ninh Hi vẫn nhớ lời cha dặn, nay lại thấy Vệ Hiến công nói giao hết quyền chính cho, thì lấy làm mừng lắm, nhưng nghĩ thầm rằng: bây giờ vua Vệ đang mong về nước, cho nên dỗ ngọt ta, đến khi về rồi, lại sinh lòng khác, bấy giờ biết làm thế nào? nay có công tử Chuyên là người hiền mà thủ tín, nếu hắn nhận cho một lời thì sau này mới không thể sai được. Nghĩ xong liền viết một tờ mật thư đưa lại cho Vệ Hiến công, đại lược nói rằng:
- "Đó là việc lớn nước nhà, một mình tôi không thể làm nổi. Người trong nước ngày nay ai cũng có lòng tin lời Tử Tiên (tên tự công tử Chuyên), nếu được công tử nhận cho một lời thì mới có thể bàn định được".
Vệ Hiến công bảo công tử Chuyên rằng:
- Ta có phục quốc được là nhờ tay Ninh Hi, vậy em nên gắng đi cho ta một chuyến.
Công tử Chuyên tuy nhận lời, nhưng vẫn nấn ná không chịu đi. Vệ Hiến công cố giục mãi. Công tử Chuyên nói:
- Thiên hạ có vua nào lại không nắm quyền chính! chúa công bảo rằng giao hết quyền chính cho Ninh Hi, tôi chắc sau này không giữ lời được, chẳng khiến cho tôi thất tín với Ninh Hi lắm sao! bởi vậy tôi không dám vâng lệnh.
Vệ Hiến công nói:
- Nay ta nương náu ở đây thì lấy đâu làm quyền chính! nếu ta giữ được việc cúng tế tiền nhân, thì cũng là mãn nguyện rồi, khi nào lại dám sai lời để lụy đến em.
Công tử Chuyên nói:
- Chúa công đã nhất quyết thì tôi nào dám từ chối để hỏng việc của chúa công.
Nói xong, liền lẻn sang Đế Khâu, vào yết kiến Ninh Hi, lại thuật cái ước của Vệ Hiến công. Ninh Hi nói:
- Nếu công tử nhận lời cho thì tôi xin hết sức!
Công tử Chuyên ngửa mặt lên trời mà thề rằng:
- Nếu tôi trái lời thì không được ăn thóc của nước Vệ!
Ninh Hi nói:
- Lời thề của công tử vững như núi Thái Sơn!
Công tử Chuyên về, thuật lại cho Vệ Hiến công nghe, Ninh Hi đem lời dặn của cha nói với Cử Viên. Cử Viên bưng tai mà chạy, vừa chạy vừa nói:
- Tôi đã không dự đến việc vua đi, có đâu dám biết đến việc vua về!
Cử Viên liền bỏ nước Vệ sang ở nước Lỗ. Ninh Hi lại đem chuyện nói với quan đại phu là Thạch Ác (con Thạch Giả, cháu Thạch Tắc) và Bắc Cung Di (con Bắc Cung Quát). Thạch Ác và Bắc Cung Di đều tán thành. Ninh Hi lại đem chuyện nói với hữu tề Cốc.
Hữu tề Cốc gạt đi mà bảo rằng:
- Không nên! lập vua mới đã mười một năm rồi, vua mới chưa có điều gì thất đức, nay định đem vua cũ về, tất phải bỏ vua mới. Nếu vậy thì cha con nhà ngươi, hai đời đều có tội cả, thiên hạ còn ai tha được nữa!
Ninh Hi nói:
- Ta chịu lời dặn của tiền nhân ta, không thể không làm việc này được.
Hữu tể Cốc nói:
- Ta thử đi yết kiến vua cũ, xem đức tính có hơn ngày xưa không, rồi mới có thể bàn được.
Ninh Hi khen phải. Hữu tể Cốc bèn lẻn sang Di Nghi, xin vào yết kiến Vệ Hiến công, Vệ Hiến công đang rửa chân, nghe tin hữu tể Cốc đến, không kịp xỏ giày, đi chân đất mà ra, hớn hở bảo hữu tể Cốc rằng:
- Nhà ngươi từ chỗ quan tả tướng (trỏ Ninh Hi) mà đến đây, tất có tin hay.
Hữu tể Cốc nói
- Tôi tiện đường sang thẳng đây, quan tả tướng không biết.
Vệ Hiến công nói:
- Nhà ngươi chỉ có việc nói giúp cho ta với quan tả tướng rằng nên mau mau làm xong việc lớn ấy đi. Quan tả tướng dẫu không muốn đem ta về, nhưng há lại không muốn được cầm quyền chính nước Vệ hay sao?
Hữu tể Cốc nói:
- Làm vua chỉ thích vì có quyền chính trong tay, nếu không có quyền chính thì làm vua làm gì?
Vệ Hiến công nói:
- Không phải thế! làm vua chỉ cốt được cái danh hiệu tôn qúi, ăn ngon mặc tốt, lên xe xuống ngựa, cửa cao nhà rộng, của lắm tiền nhiều, vào trong thì vui thú với đám phi tần, ra ngòai thì dong chơi về sự săn bắn, cứ gì phải có cầm quyền chính, mới là sướng hay sao!
Hữu tể Cốc nín lặng mà lui ra, lại vào yết kíên công tử Chuyên, và thuật những lời nói của Vệ Hiến công cho công tử Chuyên nghe. Công tử Chuyên nói:
- Bởi chúa công lưu lại lâu ngày, mong được về nước, cho nên nói như vậy! chứ làm vua thì cốt phải kính lễ đại thần, thu dụng hiền tài, làm việc gì phải có lòng nhân, nói câu gì phải giữ chữ tín, như vậy thì mới giữ được cái danh hiệu tôn quí. Chúa công còn lại gì mà không biết điều ấy!
Hữu tể Cốc bảo Ninh Hi rằng:
- Ta vào yết kiến chúa công, nghe câu nói thêm bẩn cả tai! chúa công vẫn giữ thói cũ.
Ninh Hi nói:
- Thế nhà ngươi có vào yết kiến công tử Chuyên hay không?
Hữu tể Cốc nói:
- Công tử Chuyên nói phải lắm nhưng chắc chúa công không theo được!
Ninh Hi nói:
- Ta trông cậy vào công tử Chuyên, và lại ta vâng lời dặn của cha ta thuở xưa, thế nào ta cũng phải giúp!
Hữu tể Cốc nói:
- Có muốn khởi sự cũng còn phải chờ cơ hội đã.
Bấy giờ Tôn Lâm Phủ đã già, cùng với con trưởng là Tôn Khoái về ở Thích Ấp; mà để cho con thứ là Tôn Gia và Tôn Tương ở trong triều. Tôn Gia phụng mệnh Vệ Thương công sang sứ nước Tề, chỉ có một mình Tôn Tương ở nhà. Nhân bấy giờ Vệ Hiến công lại sai công tôn Đinh đến giục Ninh Hi khởi sự, hữu tể Cốc mới bảo Ninh Hi rằng:
- Nhà ngươi muốn khởi sự, nên nhân dịp này! ta bắt được Tôn Tương thì xong việc!
Ninh Hi khen phải, liền sai hữu tể Cốc và công tôn Đinh đem quân đến bắt Tôn Tương. Phủ đệ của họ Tôn kiên cố lắm, không kém gì cung vua, có gia giáp một nghìn người, lại có hai viên gia tướng là Ung Thư và Chử Đái thay nhau đi tuần phòng. Hôm ấy, Chử Đái đang đi tuần, trông thấy hữu tể Cốc đem quân đến, vội vàng đóng cửa, trèo lên trên lầu đứng hỏi. Hữu tể Cốc nói:
- Ta có việc cần muốn thương nghị với Tôn tướng quân.
Chử Đái nói:
- Muốn thương nghị, sao lại đem quân đến?
Nói xong, toan giương cung ra bắn. Hữu tể Cốc vội vàng lui lại, rồi thúc quân phá cửa. Tôn Tương cũng thân hành đứng ở trên cửa để đốc quân chống giữ. Chử Đái truyền cho quân sĩ giương cung chõ ra cửa sổ mà bắn, có mấy người chết.
Ung Thư nghe nói có giặc, cũng đem quân đến tiếp ứng.
Hữu tể Cốc biết chừng không đánh nổi, bèn rút quân trở về. Tôn Tương thúc quân đuổi theo. Khi đến nơi, Tôn Tương cầm cái câu liêm móc vào xe hữu tể Cốc mà lôi lại. Hữu tể Cốc kêu to, bảo công tôn Đinh bắn mau. Công tôn Đinh trông thấy Tôn Tương, liền giương cung ra, bắn trúng vào ngực. Ung Thư và Chử Đái vội vàng đến cứu đem về. Hữu tể Cốc về nói với Ninh Hi rằng:
- Nhà họ Tôn khó đánh lắm. Nếu không nhờ về thần tiễn của công tôn Đinh bắn trúng Tôn Tương thì hắn còn đuổi theo ta mãi.
Ninh Hi nói:
- Lần thứ nhất mà đã không đánh được hắn thì lần sau càn khó đánh nữa! nhưng đã bắn trúng được Tôn Tương thì quân sĩ tất nhiên rối loạn, đêm hôm nay ta lẻn đến mà đánh, nếu không thành công, thì phải tức khắc trốn đi, để tránh tai vạ. Ta cùng họ Tôn quyết không thể cùng sống đựơc.
Nói xong, liền một mặt sắp sửa đồ đạc, cho vợ con ra ngoài cõi trước, vì sợ thua quân, thóat thân không kịp; lại một mặt sai người đi do thám tin tức nhà họ Tôn. Quân thám tử về bảo rằng:
- Trong nhà họ Tôn, có tiếng kêu khóc. Kẻ ra người vào coi bộ bối rối lắm.
Ninh Hi nói:
- Đó tất là Tôn Tương bị thương nặng đã chết rồi!
Nói chưa dứt lời thì bỗng thấy Bắc Cung Di đến, nói Tôn Tương đã chết, nên đánh ngay mới được. Canh ba đêm hôm ấy, Ninh Hi cùng với Bắc Cung Di, hữu tể Cốc và công tôn Đinh đem quân đến nhà họ Tôn. Ung Thư và Chử Đái đang ôm lấy thi thể Tôn Tương mà khóc, nghe báo có quân họ Ninh đến liền mặc áo giáp lên ngựa, thì quân họ Ninh đã phá vỡ lần cửa ngoài. Bọn Ung Thư vội vàng đóng cửa giữ lại, nhưng quân sĩ bỏ chạy tán loạn cả, không có người chống giữ, cũng bị quân họ Ninh phá vỡ. Ung Thư trèo qua tường sau mà trốn, chạy say Thích Ấp. Chử Đái chết trong đám loạn quân.
Bấy giờ trời đã sáng rõ. Ninh Hi chém lấy đầu Tôn Tương, đem vào yết kiến Vệ Thương công mà nói rằng:
- Họ Tôn chuyên quyền đã lâu, vẫn có ý phản nghịch, tôi đã đem quân đến đánh chém được đầu Tôn Tương đây rồi.
Vệ Thương công nói:
- Họ Tôn phản nghịch, sao nhà ngươi không nói trước với ta? Nhà ngươi đã chẳng coi ta ra gì thì còn đến yết kiến ta làm gì nữa!
Ninh Hi đứng dậy, rút gươm mà nói rằng:
- Chúa công là bởi họ Tôn lập lên, không phải là do phụng mệnh tiên quân, nay dân nước Vệ đều có lòng nhớ vua cũ, xin chúa công nhường ngôi lại, để nên được cái đức Nghiêu Thuấn.
Vệ Thương công nổi giận nói:
- Nhà ngươi tự tiện giết kẻ thế thần, toan sự bỏ vua, chính là người bề tôi phản nghịch! ta lên làm vua đã mười ba năm trời nay, thà chết thì thôi chứ không chịu nhục!
Vệ Thương công tức thì cầm giáo đuổi theo Ninh Hi. Ninh Hi lui ra ngoài công môn. Vệ Thương công trông thấy quân họ Ninh đã đứng đầy cả ở ngoài cửa, mới lùi trở lại. Ninh Hi hô quân xông lên bát Vệ Thương công. Thế tử Dốc tiến ra ngăn quân sĩ bị công tôn Đinh giết chết. Quân sĩ của Ninh Hi bắt Vệ Thương công giam lại, sau đó buộc Thương công uống thuốc độc chết.
Vệ Hiến công về thành Đế Khâu cho Ninh Hi làm tướng quốc; bọn công tôn Đinh, công tử Chuyên, Bắc Cung Di, Tề Ác, Thạch Ác, công tôn Miễn Dư, Hữu tể Cốc, Cử Viên đều được phong quan tước cả.
Riêng Thái Thúc Nghi là con Thành công, cháu Văn công không đến gặp Vệ Hiến công và không chịu nhận quan tước Hiến công phải sai người thuyết phục mãi Thái Thúc Nghi mới nghe lệnh.
Tôn Gia đi sứ ở Tề về nghe tin có biến liền không về Đế Khâu mà đến với Tôn Lâm Phủ ở Thích Ấp. Tôn Lâm Phủ, Ung Thư, Tôn Gia biết không chống nổi Vệ Hiến công liền sai người sang Tấn xin thần phục Tấn và xin Tấn đem quân đánh Vệ. Vua Tấn chỉ cho ba trăm quân sang Vệ. Ninh Hi sai tướng đem quân vây chặt ba trăm quân Tấn. Tôn Lâm Phủ bàn với Tôn Gia và Ung Thư:
- Chỉ có ba trăm quân Tấn thì làm sao chống được quân Vệ, chi bằng cứ để Ninh Hi giết hết đám quân Tấn này, Tấn Bình công sẽ căm giận mà mang đại quân diệt Vệ.
Thế là Tôn Lâm Phủ không cho người tiếp cứu quân Tấn và ba trăm quân Tấn bị tiêu diệt hoàn toàn.
← Hồi 064 | Hồi 066 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác