← Hồi 062 | Hồi 064 → |
Cơ Di đang ở trong nhà Dương Thiệt Hổ, đợi Hoàn Uyên đến để định nửa đêm hôm ấy thì nổi loạn; chẳng ngờ Phạm Uởng đem quân vây nhà Dương Thiệt Hổ ở mặt ngoài, cho nên không dám tụ tập nữa, đều bỏ đi cả. Dương Thiệt Hổ bắc thang trèo lên mặt tường hỏi Phạm Uởng rằng:
- Tiểu tướng quân đem quân tới đây có việc gì?
Phạm Uởng nói:
- Nhà ngươi xưa nay vẫn về phe với Loan Doanh, nay lại định mưu phá vỡ cửa thành để ra tiếp ứng cho Loan Doanh, đó tức là tội phản nghịch, ta phụng mệnh chúa công đến đây để bắt nhà ngươi.
Dương Thiệt Hổ nói:
- Ta có thế bao giờ! việc này tự ai nói ra?
Phạm Uởng liền gọi Chương Giám đến truớc mặt để làm chứng. Dương Thiệt Hổ vốn người khỏe lắm, lấy tay cạy một viên đá trên mặt tường, ném trúng Chương Giám vỡ đầu ra. Phạm Uởng giận lắm, truyền quân sĩ phóng hỏa đốt nhà. Dương Thiệt Hổ vội vàng nói với Cơ Di rằng:
- Chúng ta chẳng thà liều chết, còn hơn ngồi yên để chịu trói.
Nói đoạn bèn cầm kích xông ra trước. Cơ Di cầm kiếm theo sau. Hai người vừa hò hét om sòm vừa xông qua đám lửa mà ra. Phạm Uởng nhận được mặt hai người trong ánh lửa bèn truyền cho quân sĩ bắn dồn vào. Hai người bị tên ngã xuống, quân sĩ dùng câu liêm loi ra thì đã gần chết rồi, liền trói lại mà để lên xe. Lúc bấy giờ, quan trung quân phó tướng là Tuân Ngô cũng đem quân đi tiếp ứng. Đi đến nửa đường thì gặp Hoàng Uyên, Hoàng Uyên cũng bị Tuân Ngô bắt được. Bấy giờ Phạm Uởng và Tuân Ngô hợp quân làm một, rồi giải Dương Thiệt Hổ, Cơ Di và Hoàng Uyên đến nộp quan trung quân nguyên soái là Phạm Mang. Phạm Mang nói:
- Cánh họ Loan còn nhiều, chỉ bắt có ba người này thì chưa trừ hết được.
Phạm Mang bèn chia quân đi tầm nã các nơi. Trong thành Giáng Đô đêm hôm ấy xiết bao huyên náo. Khi trời sáng rõ. Phạm Mang bắt được Trí Khởi, Tịch Yển và Châu Tân; Tuân Ngô bắt được bọn Trung Hàng Hỉ, Tân Du, Dương Thiệt Xích và Dương Thiệt Bật đều giải đến triều môn để đợi lệnh Tấn Bình công.
Lại nói chuyện Dương Thịêt Xích, tên tự là Bá Hoa, Dương Thiệt Bật, tên tự là Thúc Hướng, cùng với Dương Thiệt Hổ dẫu đều là con Dương Thiệt Chức cả, nhưng Dương Thiệt Hổ là con người thứ mẫu sinh ra. Mẹ Dương Thiệt Hổ nguyên trước là thị tì của vợ Dương Thiệt Chức, rất có nhan sắc. Dương Thiệt Chức muốn lấy, nhưng vợ Dương Thiệt Chức không cho. Bấy giờ Dương Thiệt Xích và Dương Thiệt Bật đều đã lớn tuổi, can mẹ không nên ghen. Người mẹ cười mà bảo rằng:
- Ta có phải là người ghen đâu: nhưng ta nghe nói đẹp lắm thì hại nhiều, chỗ núi cao vực thẳm thường hay sinh ra giống long xà. Ta e rằng lúc đã sinh ra giống long xà thì lại làm tai vạ cho chúng bay về sau đó.
Bọn Dương Thiệt Xích cố ý nói mãi, mẹ mới cho Dương Thiệt Chức lấy, sau sinh ra Dương Thiệt Hổ.
Khi Dương Thiệt Hổ lớn lên, mặt đẹp như mẹ mà có sức khỏe lạ thường, Loan Doanh yêu lắm. Bởi Dương Thiệt Hổ là người thân của Loan Doanh, thành ra Dương Thiệt Xích và Dương Thiệt Bật đều bị bắt cả. Quan đại phu là Nhạc Vương Phụ, tên tự là Phúc Ngư, vốn là người tin yêu của Tấn Bình công, xưa nay nghe tiếng anh em Dương Thiệt Xích và Dương Thiệt Bật là người giỏi, vẫn muốn kết giao mà chưa được, bấy giờ thấy nói hai người bị bắt, mới vội vàng vào triều, thì vừa gặp Dương Thiệt Bật, Nhạc Vương Phụ bèn vái chào và lấy lời an ủi rằng:
- Nhà ngươi chớ lo! ta vào yết kiến chúa công thế nào cũng cố sức xin cho nhà ngươi.
Dương Thiệt Bật nín lặng, không đáp. Nhạc Vương Phụ có ý thẹn. Dương Thiệt Xích nghe nói, liền trách mắng Dương Thiệt Bật rằng:
- Anh em ta ngày nay mà chết thì họ Dương Thiệt không còn một ai nữa! Nhạc Vương Phụ nay đang được chúa công tin yêu, nói gì nghe đấy, nếu nhờ hắn nói dùm một tiếng, may ra có được tha chăng, cớ sao em lại nín lặng, để mích lòng nguời ta như vậy?
Dương Thiệt Bật cười mà nói rằng:
- Người ta sống chết đã có số mệnh. Nếu lòng trời giúp ta thì trông nhờ vào quan lão đại phu họ Kỳ (tức là Kỳ Hề) chứ Nhạc Vương Phụ làm gì được!
Dương Thiệt Xích nói:
- Nhạc Vương Phụ lúc nào cũng hầu liền bên cạnh chúa công, sao em lại bảo rằng không làm gì được? còn quan lão đại phu họ Kỳ đã cáo lão về rồi, em lại bảo rằng có thể nhờ người ấy, ta thật lòng không hiểu ra làm sao!
Dương Thiệt Bật nói:
- Nhạc Vương Phụ chẳng qua chỉ là người du nịnh mà thôi, chúa công bảo phải thì rằng phải, bảo trái thì rằng trái; còn như quan lão đại phu họ Kỳ, thấy ai là bậc hiền tài thì bất cứ kẻ thù hay người thân, cũng đều tiến cử lên chúa công cả, lẽ nào lại bỏ sót họ Dương ta!
Lát sau, Tấn Bình công ra ngự triều. Phạm Mang đem những tên người bị bắt trong cánh họ Loan, mà tâu lên. Tấn Bình công trông thấy tên mấy anh em Dương Thiệt Xích, cũng có ý nghĩ, mới hỏi Nhạc Vương Phụ rằng:
- Dương Thiệct Xích và Dương Thiệt Bật có dự gì đến âm mưu của Dương Thiệt Hổ không?
Nhạc Vương Phụ vẫn căm về việc Dương Thiệt Bật không thèm nói với mình, mới tâu với Tấn Bình công rằng:
- Còn ai thân hơn anh em, lẽ nào lại không biết.
Tấn Bình công bèn truyền đem giam cả bọn vào ngục, để giao cho quan tư khấu nghị tội.
Bấy giờ Kỳ Hề đã cáo lão về ở đất Kỳ, con là Kỳ Ngọ là bạn đồng liêu với Dương Thiệt Xích liền sai người phi báo cho cha biết, để Kỳ Hề viết thư đưa về cho Phạm Mang mà xin tha cho Dương Thiệt Xích. Hỳ Hề nghe tin, giật mình nói:
- Dương Thiệt Xích và Dương Thiệt Bật đều là người giỏi ở nước Tấn ta, nay có việc oan lạ lùng thế này, ta nên thân hành đi cứu.
Kỳ Hề liền tức khắc đi xe tới khinh thành, không đến nhà Kỳ Ngo, mà đi thẳng vào yết kiến Phạm Mang. Phạm Mang nói:
- Quan đại phu già yếu mà chịu dầm sương dãi gió tới đây, tất muốn chỉ báo tôi điều gì chăng?
Kỳ Hề nói:
- Tôi vi việc mất còn của xã tắc mà tới đây, chứ không phải việc gì khác!
Phạm Mang kinh sợ mà bảo rằng:
- Chẳng hay việc gì khiến cho lão đại phu phải phiền lòng như vậy?
Kỳ Hề nói:
- Người hiền tài là chỗ dựa của xã tắc. Dương Thiệt Chức khi trước có công với nước Tấn ta, còn Dương Thiệt Xích và Dương Thiệt Bất đều nối được nghiệp cha, nay chỉ vì một người con thứ không ra gì mà giết tất cả, chẳng phải đáng tiếc lắm sao? Ngày xưa Khước Nhuế phảnh nghịch mà con là Khước Khuyết vẫn được quan. Cha con tội cũng còn không liên can với nhau nữa là anh em! nhà ngươi đem một lòng thù riêng mà giết hại kẻ vô tội, ta lấy làm nguy cho nước Tấn lắm!
Phạm Mang vội vàng đứng dậy xin lỗi mà rằng:
- Quan lão đại phu dạy phải lắm! nhưng chúa công còn chưa nguôi cơn giận, xin quan lão đại phu cùng tôi vào triều để tâu với chúa công.
Phạm Mang bèn cùng Kỳ Hề lên xe vào triều, tâu với Tấn Bình công rằng:
- Dương Thiệt Xích và Dương Thiệt Bật không giống tính Dương Thiệt Hổ, tất không dự biết đến việc họ Loan. Vả lại công lao của Dương Thiệt Chức thuở xưa, chúa công chớ nen vội quên!
Tấn Bình công tỉnh ngộ, tuyên chỉ tha cho Dương Thiệt Xích và Dương Thiệt Bật, lại cho phục hồi nguyên chức, còn Trí Khởi, Trung Hàng Hỉ, Tịch Yển, Châu Tân và Tân Du đều phải giáng làm thứ nhân; chỉ có Dương Thiệt Hổ, Cơ Di và Hoàng Uyên phải xử tử mà thôi. Dương Thiệt Xich và Dương Thiệt Bật được tha, vào triều lạy tạ; khi trở về, Dương Thiệt Xích bảo Dương Thiệt Bật rằng:
- Ta nên đến tạ ơn quan lão đại phu họ Kỳ.
Dương Thiệt Bật nói:
- Quan lão đại phu họ Kỳ vì nước nhà mà nói, có phải vì riêng ta đâu, cần gì mà phải tạ!
Nói xong, liền lên xe về nhà. Dương Thiệt Xích không đành lòng, thân hành đến nhà Kỳ Ngọ, để xin yết kiến Kỳ Hề. Kỳ Ngọ nói:
- Thân phụ tôi vào yết kiến chúa công, rồi trở về đất Kỳ ngay, có ở lại đây đâu!
Dương Thiệt Xích nói:
- Quan lão đại phu họ Kỳ vốn không nghĩ gì đến sự làm ơn cho ta. Thế mới biết kiến thức của ta lại không bằng Dương Thiệt Bật!
Châu Tân từ khi bị cách chức, lại vẫn đi lại với nàng Loan Kỳ. Phạm Mang nghe biết việc ấy, sai kẻ lực sĩ đến tận nhà đâm chết Châu Tân.
Quan trấn thủ đất Khúc Ốc tên gọi Tư Ngọ, nguyên trước là môn khách của Loan Thư, khi Loan Doanh đi qua Khúc Ốc, Tư Ngọ cung cấp rất trọng hậu. Loan Doanh nói đến việc đắp thành ở Trứ ấp. Tư Ngọ hẹn xin đem quân ở Khúc Ốc sang giúp. Loan Doanh ở lại Khúc Ốc trong ba ngày. Bọn Loan Nhạc đến báo tin, nói Dương Tất đã đem quân đuổi theo. Đốc Nhung là người dong xe của Loan Doanh nói:
- Nếu Dương Tất đến đây thì ta chống cự lại, vị tất đã làm gì ta nổi!
Châu Xước và Hình Khóai nói:
- Chính vì sợ ân chủ thiếu người, nên chúng tôi đã đến đây để giúp ân chủ đó.
Loan Doanh nói:
- Ta có tội gì đâu, chẳng qua họ thù óan mà vu tội cho ta, nếu ta chống cự thì kẻ thù lại có cớ mà nói, chi bằng ta trốn đi, đợi khi chúa công xét lại.
Tư Ngọ cũng nói không nên chống cự. Loan Doanh vội vàng từ biệt Tư Ngọ, rồi trốn sang nước Sở. Khi Dương Tất đem quân đến Trứ ấp, người trứ ấp nói với Dương Tất rằng:
- Loan Doanh chưa tới đây, mới đến Khúc Ốc, đã bỏ trốn rồi.
Dương Tất lại thu quân về, trong khi đi đường, tuyên bố tội trạng của họ Loan.
Dân nước Tấn đều biết họ Loan là công thần, và Loan Doanh là người quảng đại bác ái, cho nên ai cũng thương xót. Phạm Mang nói với Tấn Bình công nghiêm cấm họ Loan, không cho đi theo Loan Doanh, ai theo thì bắt tội chết. Kẻ gia thần của Loan Doanh là Tân Du nghe tin Loan Doanh ở nước SỞ, liền đem mấy xe gia tài đi theo. Ra đến cửa thành, bị quân sĩ bắt được, đem nộp Tấn Bình công. Tấn Bình công hỏi Tân Du rằng:
- Ta đã có lệnh nghiêm cấm, sao nhà ngươi dám trái?
Tân Du sụp lạy mà nói rằng:
- Tôi ngu dốt không hiểu việc chúa công cấm theo họ Loan có ý nghĩa gì?
Tấn Bình công nói:
- Theo họ Loan tức là vô quân, nên ta cấm.
Tân Du nói:
- Nếu cấm kẻ vô quân thì tôi tất là khỏi chết! tôi nghe nói mình làm tôi người nào thì người ấy tức là vua mình; ông cha nhà tôi đã ba đời làm tôi họ Loan thì họ Loan tức là vua của tôi, chính vì tôi không dám quên vua, cho nên theo họ Loan, cớ sao lại cấm? Vả Loan Doanh dẫu có tội, chúa công chỉ đuổi đi mà không nỡ giết, cũng là nghĩ đến cái công lao đời trước của họ Loan, mà muốn bảo toàn cho Loan Doanh; nay Loan Doanh bơ vơ ở nơi đất khách, đồ dùng không có, áo mặc không đủ, nếu một mai vì thế mà chết đi, thì có phải cái nhân đức của chúa công không được trọn vẹn không? Tôi đi chuyến này là muốn giữ cho hết cái trung nghĩa của tôi, mà hoàn thành được cái nhân đức của chúa công đó!
Tấn Bình công bằng lòng mà bảo rằng:
- Nhà ngươi nên ở lại đây với ta, ta sẽ đem cái lộc của họ Loan mà cho nhà ngươi.
Tân Du nói:
- Thôi đã có nói họ Loan là vua của tôi, nếu tôi bỏ vua ấy mà theo vua khác thì sao cấm được những kẻ vô quân! chúa công giữ tôi thì tôi xin chết.
Tấn Bình công nói:
- Thôi thì ta cũng nghe lời mà cho nhà nguơi đi, để nhà ngươi giữ được cái chí ấy.
Tân Du lạy tạ, rồi đem mấy xe gia tài, ngang nhiên thẳng cửa thành mà đi ra. Loan Doanh ở địa giới nước Sở, đã được mấy tháng, toan vào Sính Đô để yết kiến vua Sở, bỗng nghĩ rằng ông cha mình mấy đời giúp Tấn là thế thù của nước Sở, nếu vua Sở không dung thì làm thế nào; lại toan đi sang nước Tề, chỉ vì tiền lưng hết cả, không thể đi được, may gặp Tân Du đem mấy xe gia tài đến, bấy giờ Loan Doanh mới sửa soạn để đi sang nước Tề. Tề Trang công từ khi thua trận ở trận Bình Âm, lấy làm xấu hổ, muốn thu dùng những kẻ dũng sĩ, đặt ra một đội gọi là "dũng nước", cho ăn lộc bằng các quan đại phu, tìm những người nào mang nổi nghìn cân, bắn trúng quan bảy lần áo giáp cho sung vào đội ấy. Trước đã có Thực Xước và Quách Tối, sau lại được bọn Gia Cử, Bính Cư, công tôn Ngao, Phong Cụ, Tác Phủ, Tướng Doãn và Lâu Yên, cả thảy chín người. Tề Trang công ngày nào cũng triệu vào cung cùng bắn bia hoặc đấu kiếm mua vui.
Một hôm, Tề Trang công ngự triều, nghe báo có quan đại phu nước Tấn là Loan Doanh bị đuổi, trốn sang nước Tề, liền mừng mà nói rằng:
- Ta vẫn muốn báo thù nước Tấn, nay có Loan Doanh đến thì thật là được việc cho ta!
Nói đoạn toan sai người đi nghênh tiếp Loan Doanh. Quan đại phu là Án Anh can rằng:
- Không nên! nước nhỏ thờ nước lớn, nên phải giữ điều tín. Ta mới cùng nước Tấn ăn thề mà nay lại dung nạp Loan Doanh, nếu người nước Tấn đến trách thì ta biết nói thế nào?
Tề Trang công cười to lên mà nói rằng:
- Nhà ngươi nói thế là sai lắm! nước Tề ta cùng nước Tấn ngang hàng với nhau, sao lại gọi là lớn và nhỏ? ngày trước ta chịu thề với Tấn, chẳng qua chỉ vì sự nguy cấp trong một thời mà thôi, chứ lẽ nào lại chịu thần phục nước Tấn mãi như Lỗ, Vệ, Tào, và Châu?
Tề Trang công bèn không nghe lời Án Anh, sai người đi đón Loan Doanh vào triều. Loan Doanh sụp lạy, vừa khóc vừa kể hết những nông nổi bị đuổi. Tề Trang công nói:
- Nhà ngươi chớ lo! ta sẽ giúp cho nhà ngươi được về nước Tấn.
Loan Doanh lạy tạ. Tề Trang công bày tiệc thết đãi. Trong khi ăn tiệc, Châu Xước và Hình Khoái đứng hầu ở bên cạnh Loan Doanh, Tề Trang công trông thấy Châu Xước và Hình Khoái hình vóc cao lớn, liền hỏi họ tên. Hai người nói thực cả. Tề Trang công nói:
- Trận đánh ở Bình Âm khi trước, bắt được Thực Xước và Quách Tối của ta, có phải là hai người đó không?
Châu Xước và Hình Khoái sụp lạy tạ tội. Tề Trang công nói:
- Ta mến tiếng các ngươi đã lâu lắm.
Nói xong truyền dọn cơm rượu cho hai người ăn uống. Lại bảo Loan Doanh rằng:
- Ta muốn phiền nhà ngươi một điều, nhà ngươi chớ nên từ chối.
Loan Doanh nói:
- Nếu chúa công có cần dùng điều gì thì dẫu xương óc chúng tôi, chúng tôi cũng không dám tiếc.
Tề Trang công nói:
- Ta không dám phiền gì cả, chỉ xin mượn hai người dũng sĩ để làm bạn với ta.
Loan Doanh không dám từ chối, phải nhận lời ngay, rồi lên xe, mặt buồn rười rượi, than thầm rằng: may mà vua Tề chưa trông thấy Đốc Nhung, chẳng có thì cũng chiếm mất mà thôi.
Tề Trang công cho Châu Xước và Hình Khoái sung vào cuối hàng dũng tước, Châu Xước và Hình Khoái có ý không phục. Một hôm Châu Xước và Hình Khoái cùng với Thực Xước và Quách Tối đứng hầu bên cạnh Tề Trang côg. Châu Xước và Hình Khóai giả cách ngạc nhiên trỏ vào mặt Thực Xước và Quách Tối mà bảo rằng:
- Hai ngươi là tù nhân nước ta, sao lại được đến đây?
Quách Tối nói:
- Ngày trước chúng ta bị Túc Sa Vệ đánh lừa, chứ không như các ngươi phải theo người ta đi trốn.
Châu Xước giận lắm, nói:
- Mày như con rận ở trong miệng ta, lại còn dám cựa quậy hay sao!
Thực Xước cũng nổi giận nói:
- Ngày nay mày ở nước ta, tức là miếng thịt ở trong mâm cơm của ta đó!
Hình Khóai nói:
- Các ngươi đã không bằng lòng với ta thì ta lại xin về với chủ cũ.
Quách Tối nói:
- Đường đường nước Tề ta, lẽ nào cứ phải nhờ đến hai ngươi mới được hay sao!
Bốn người lớn tiếng cãi nhau, mặt đỏ bừng bừng, tay mó chuôi gươm, toan sự đánh nhau. Tề Trang công dùng lời nói ngọt để khuyên can, và đem rượu cho uống, lại bảo Châu Xước và Hình Khoái rằng:
- Ta vẫn biết hai ngươi không chịu ở dưới người!
Tề Trang công bèn chia đội dũng tước làm hai ban: 1. Hữu ban là Long tước thì Châu Xước và Hình Khóai đứng đầu, lại chọn được người nước Tề là Lư Bồ Quí và Vương Hà thuộc về ban ấy; 2. Tả ban là Hổ tước, thì Thực Xước và Quách Tối đứng đầu, bọn Gía Cử thuộc về ban ấy. Các người được dự vào trog hai ban ấy đều lấy làm vinh hạnh, chỉ có Châu Xước và Hình Khóai, Thực Xước và Quách Tối, bốn người ấy là không hoà thuận với nhau mà thôi.
Bấy giờ Thôi Trữ và Quách Phong có công lập Tề Trang công, đều được làm thượng khanh, cầm quyền chính trong nước. Tề Trang công thường vẫn đến nhà hai người để uống rượu mua vui, hoặc bắn bia đấu kiếm, không còn phân biệt vua tôi nữa. Vợ cả Thôi Trữ sinh được hai con là Thôi Thành và Thôi Cương; cách mấy năm sau thì người vợ ấy chết, Thôi Trữ lại kết duyên với em gái Đông Quách Yển. Em gái Đông Quách Yển nguyên trước là vợ Đường Công, vẫn gọi là nàng Đường Khương, sinh được một con, tên gọi Đường Vô Cữu. Khi Đường Công chết, Thôi Trữ đến viếng ta, trông thấy Đường Khương có nhan sắc, mới nói với Đông Quách Yển xin cưới làm vợ kế, cũng sinh được một con, tên gọi Thôi Minh.
Thôi Trữ yêu nàng Đường Khương lắm, liền dùng Đông Quách Yển và Đường Vô Cữu làm gia thần, đem con nhỏ là Thôi Minh uỷ thác cho hai người, lại bảo nàng Đường Khương rằng:
- Đợi khi nào Thôi Minh khôn lớn, sẽ lập làm đích tử.
Một hôm, Tề Trang công uống rượu ở nhà Thôi Trữ. Thôi Trữ sai Đường Khương ra mời rượu. Tề Trang công trông thấy Đường Khương nhan sắc, liền đút nhiều tiền cho Đông Quách Yển, để tư thông với nàng Đường Khương. Thôi Trữ dần dần biết chuyện, hỏi Đường Khương. Nàng nói:
- Thật có như vậy! kẻ kia cậy thế là vua một nước mà bắt thiếp thì thiếp cự lại thế nào được!
Thôi Trữ nói:
- Vậy thì sao nàng không nói với ta?
Đường Khương nói:
- Thiếp tự nghĩ mình có tội, nên không dám nói.
Thôi Trữ nín lặng hồi lâu, rồi nói:
- Việc ấy không can dự gì đến nàng!
Từ bấy giờ Thôi Trữ có ý muốn giết Tề Trang công.
Vua nước Ngô là Chư Phàn sai người sang nước Tấn cầu hôn. Tấn Bình công gả con gái cho. Tề Trang công bàn với Thôi Trữ rằng:
- Ta muốn giúp Loan Doanh trở về nước Tấn mà chưa được dịp nào, nghe nói quan trấn thủ ở Khúc Ốc là người thân với Loan Doanh, nay ta muốn mượn việc tống dắng mà đưa Loan Doanh về Khúc Ốc, khiến Loan Doanh nổi lên đánh nước Tấn, phỏng có nên chăng?
Thôi Trữ đang căm tức Tề Trang công, muốn cho Tề Trang công kết oán với Tấn, đợi khi nước Tấn đem quân sang đánh thì đổ lỗi cho Tề Trang công mà giết đi, để du nịnh nước Tấn. Nay Tề Trang công lại muốn giúp Loan Doanh, chính là trúng phải kế ấy. Thôi Trữ liền nói với Tề Trang công rằng:
- Người Khúc Ốc có lòng với họ Loan, nhưng vị tất đã làm gì nổi, chúa công nên đem một toán quan đi tiếp ứng, giả cách nói sang đánh Vệ, rồi cùng với Loan Doanh hai mặt đánh ập vào, mới có thể phá vỡ được nước Tấn.
Tề Trang công khen phải, rồi đem mưu ấy nói với Loan Doanh. Loan Doanh mừng lắm. Gia thần của Loan Doanh là Tân Du can rằng:
- Tôi theo ngài tới đây, là để tận trung với ngài, vậy thì tôi cũng muốn ngài tận trung với vua Tấn.
Loan Doanh nói:
- Nhưng vua Tấn không nhận ta là bề tôi thì biết làm thế nào?
Tân Du nói:
- Ngày xưa vua Trụ giam Văn vương ở ngục Dữu Lý, mà Văn vương vẫn một lòng thần phục vua Trụ; nay vua Tấn chẳng nghĩ đến công lao họ Loan ta trước mà đuổi ngài, khiến ngài phải lưu lạc ở nước ngoài, ai là người không thương xót. Nếu ngài làm điều bất trung thì trong khoảng trời đất, còn ai dung ngài nữa!
Loan Doanh không nghe. Tân Du khóc mà nói rằng:
- Nếu vậy thì ngài đi chuyến này, thế nào cũng chết, tôi xin chết để tiễn chân ngài.
Tân Du nói xong, liền rút gươm đâm cổ mà chết. Tề Trang công chọn một người con gái trong họ để làm dắng nữ, sai quan đại phu là Tích Quy Phủ đưa sang nước Tấn, rồi dùng nhiều xe kín, để Loan Doanh và thân thuộc ngồi ở trong xe, đưa đến Khúc Ốc. Châu Xước và Hình Khóai xin theo Loan Doanh. Tề Trang công sợ Châu Xước và Hình Khoái về nước Tấn mất, mới sai Thực Xước và Quách Tối đi thay, lại dặn Thực Xước và Quách Tối rằng:
- Hai ngươi theo quan tướng quân họ Loan cũng tức như là theo ta!
Khi đến Khúc Ốc, bọn Loan Doanh lén vào trong thành, đang đêm gọi cửa nhà quan trấn thủ ở đấy là Tư Ngọ, Tư Ngọ kinh sợ không biết việc gì. Khi mở cửa ra, trông thấy Loan Doanh, liền giật mình hỏi rằng:
- Sao ngài lại đến đây được?
Loan Doanh nói:
- Xin vào nhà kín để nói chuyện.
Tư Ngọ liền mời vào trong nhà kín. Loan Doanh cầm lấy tay Tư Ngọ, muốn nói mà chưa nói, bất giác nước mắt chảy xuống ròng ròng. Tư Ngọ nói:
- Ngài có việc gì, xin cứ nói cho biết, chớ nên thương khóc như vậy!
Loan Doanh liền gạt nước mắt mà nói rằng:
- Tôi chỉ vì các nhà họ Phạm, họ Triệu thù oán nhau mà đến nổi phải lưu lạc nước ngoài, nay vua Tề thương tôi là người vô tội, đưa tôi tới đây, mà quân Tề cũng sắp sửa đến sau. Nếu nhà ngươi chịu đem quân Khúc Ốc vào đánh Giáng Đô thì quân Tề đánh mặt ngoài, chúng ta đánh mặt trong, chắc là phải vỡ. Bấy giờ ta sẽ bắt những kẻ thù với ta mà giết chết đi, rồi phụng mệnh vua Tấn để giảng hoà với Tề. Họ Loan mà nổi lên được, chỉ cốt ở một việc này thôi.
Tư Ngọ nói:
- Thế nước Tấn đang mạnh, các nhà họ Phạm và họ Triệu vẫn hoà thuận với nhau, tôi sợ chưa làm gì nổi, lại thêm hại cho mình.
Loan Doanh nói:
- Ta có kẻ dũng sĩ là Đốc Nhung, một người có thể đương nổi được một toán quân. Vả Thực Xước và Quách Tối đều là những kiện tướng ở nước Tề bây giờ; còn Loan Nhạc và Loan Phường cũng đều sức khỏe bắn gỉoi, như thế thì nước Tấn dẫu mạnh cũng chẳng sợ gì! ngày xưa ta giúp Ngụy Giáng ở đạo hạ quân, cháu hắn là Ngụy Thư có nhờ vả điều gi, ta vẫn săn sóc cho cả, hắn vẫn muốn báo ơn ta; nếu được họ Ngụy làm nội ứng thì mười phần xong được đến tám chín. Vạn nhất việc không thành mà phải chết, ta cũng được thoả lòng!
Tư Ngọ nói:
- Đợi ngày mai, tôi dò xem lòng người thế nào, mới có thể làm được.
Bọn Loan Doanh cùng nhan ẩn trong nhà kín. Ngày hôm sau, Tư Ngọ giả cách nói nằm mộng thấy Cung thế tử (tức là Thân Sinh), rồi sửa lễ vào nhà thờ Cung thế tử để tế. Tế xong, mời tất cả các quan thuộc đến uống rượu. Loan Doanh phục sẵn ở sau bình phong. Rượu được ba tuần thì âm nhạc nổi lên. Tư Ngọ liền gạt đi mà rằng:
- Ngày xưa Cung thế tử bị oan, bây giờ chúng ta nỡ nào ngồi mà nghe nhạc được!
Mọi người nghe nói, đều có ý cảm động. Tư Ngọ lại nói:
- Bề tôi cũng như là con. Nay họ Loan mấy đời có công to, mà cả triều cố ý dèm pha, để đến nỗi phải đuổi, thì có gì khác Cung thế tử?
Mọi người đều nói:
- Việc ấy cả nước ai cũng bất bình! chẳng hay chàng nhụ tử họ Loan còn có thể về nước được không?
Tư Ngọ nói:
- Giả sử nhụ tử họ Loan bây giờ đã về ở đây thì các người định xử ra làm sao?
Mọi người đều nói:
- Nếu được chàng nhụ tử họ Loan làm chủ thì chúng tôi xin hết sức, dẫu chết cũng đành lòng!
Trong bọn ngồi đấy, có nhiều người chảy nước mắt. Tư Ngọ nói:
- Các ngươi chớ phiền! chàn nhụ tử họ Loan hiện ở đây rồi!
Tư Ngọ vừa nói xong thì Loan Doanh ở phía sau bình phong đi ra, vái chào mọi người. Mọi người đều sụp lạy. Loan Doanh thuật lại đầu đuôi vì cớ gì mà về được nước Tấn, lại nói với mọi người rằng:
- Nếu được trở về Giáng Đô thì dẫu chết cũng thoả lòng!
Mọi người đều hớn hở xin theo. Ngày hôm ấy, uống rượu rất vui rồi tan. Đến hôm sau, Loan Doanh viết một tờ mật thư, nhờ người lái buôn tại Khúc Ốc đưa đến cho Ngụy Thư ở Giáng Đô. Ngụy Thư cũng thấy việc họ Triệu và họ Phạm làm tàn ác quá, khi tiếp được mật thư của Loan Doanh, liền viết thư trả lời rằng:
- "Chúng tôi vẫn mặc sẵn áo giáp ở trong mình để đợi. Khi nào quân Khúc Ốc đến, xin ra nghênh tiếp ".
Loan Doanh được tin mừng lắm. Tư Ngọ kiểm điểm giáp binh ở Khúc Ốc cả thảy được hai trăm hai mươi binh xa rồi giao cho Loan Doanh. Bè cánh họ Loan, người nào tráng kiện đều xin theo cả, chỉ có người già yếu mới chịu ở lại Khúc Ốc. Đốc Nhung làm tiên phong, Thực Xước và Loan Nhạc ở bên hữu. Quách Tối và Loan Phường ở bên tả. Đêm hôm ấy thẳng đường tiến về Giáng Đô. Khúc Ốc và Giáng Đô chỉ cách nhau có sáu mươi dặm, quân Loan Doanh đi một đêm đến nơi ngay, rồi phá lần thành ngoài mà vào, tiến thẳng đến cửa nam, người Giáng Đô không ai biết gì cả. Quân sĩ canh giữ ở cửa thành, không kịp phòng bị, chỉ một giờ là bị Đốc Nhung phá vỡ. Quân Loan Doanh kéo ồ vào thành, như vào một nơi không có người ở.
Bấy giờ Phạm Mang ở nhà, vừa ăn bữa sáng xong, bỗng thấy Nhạc Vương Phụ hoảng hốt chạy đến, báo việc Loan Doanh đã vào cửa nam. Phạm Mang giật mình kinh sợ, liền gọi con là Phạm Uởng đem quân ra chống cự. Nhạc Vương Phụ nói:
- Việc đã nguy cấp lắm! ta nên đưa chúa công chạy vào Cố Cung thì mới có thể giữ vững được.
Phạm Mang lo rằng trong nước có người làm nội ứng cho họ Loan. Nhạc Vương Phụ nói:
- Các quan đại phu đều ghét họ Loan cả, chỉ đáng lo có một mình họ Ngụy mà thôi; nếu ta phụng mệnh chúa công đi triệu ngay đến đây thì còn có thể giữ được.
Phạm Mang khen phải, liền sai Phạm Uởng phụng mệnh đến triệu Ngụy Thư. Nhạc Vương Phụ nói:
- Việc chưa rõ thế nào, hãy nên kín tiếng mới được!
Bấy giờ Tấn Bình công đang có tang, Phạm Mang và Nhạc Vương Phụ đều mặc áo giáp ở trong, rồi phủ đồ tang phục ở ngoài, trùm kín đầu lại, đi thẳng vào cung, tâu với Tấn Bình công, rồi đưa Tấn Bình công chạy vào Cố Cung. Phạm Uởng đến nhà Ngụy Thư, trông thấy quân sĩ ở nhà Ngụy Thư đã đứng sắp hàng cả ở ngòai cửa, Ngụy Thư mặc đồ nhung phục ngồi trên xe, toan đi đóan Loan Doanh. Phạm Uởng chạy ngay đến trước mặt bảo Ngụy Thư rằng:
- Họ Loan nổi loạn, nay chúa công ở Cố Cung, cha tôi và các quan đại thần đều họp ở đấy cả, có sai tôi đến đây đón ngài.
Nguỵ Thư chưa kịp trả lời, Phạm Uởng nhảy ngay lên xe tay phải cầm gươm, tay trái nắm lấy đai Ngụy Thư, làm cho Ngụy Thư kinh sợ không biết nói thế nào được nữa, rồi Phạm Uởng truyền cho người dong xe đi mau. Người dong xe hỏi đi về phía nào, Phạm Uởng quát to lên rằng:
- Đi sang Cố Cung!
Xe Ngụy Thư liền đi thẳng sang Cố Cung.
← Hồi 062 | Hồi 064 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác