Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Đông Chu liệt quốc - Hồi 056

Đông Chu liệt quốc
Trọn bộ 108 hồi
Hồi 056: Tề Khoảnh Công Bày Cuộc Mua Cười Phùng Sửu Phủ Thay Hình Cứu Chủ
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-108)

Tuân Lâm Phủ dùng Khước Ung để bắt kẻ trộm, Dương Thạch Chức biết là tất có kẻ sẽ giết chết Khước Ung, bèn nói với Tuân Lâm Phủ. Tuân Lâm Phủ hỏi cớ làm sao, Dương Thạch Chức nói:

- Khước Ung cậy có tài dò xét, nhưng một mình không thể bắt hết được kẻ trộm; thế nào rồi đây kẻ trộm cũng bày mưu lập kế để hại Khước Ung, còn gì mà không chết!

Được ba ngày nữa, Khước Ung đang đi chơi, bị một lũ mấy mươi đứa kẻ trộm túm lại đánh chết; chúng cắt đầu Khước Ung đem đi mất. Tuân Lâm Phủ lo lắm, cũng ốm nặng mà chết. Tấn Cảnh công nghe thấy Dương Thạnch Chức khi trước có nói với Tuân Lâm Phủ về việc Khước Ung, mới triệu vào mà hỏi rằng:

- Nhà ngươi đã đoán trước được việc Khước Ung, vậy thì nhà ngươi có biết dùng mưu kế gì mà dẹp yên được lũ trộm cắp kia không?

Dương Thạch Chức nói:

- Dùng mưu trí mà trị kẻ trộm khác nào lấy đá chặn xuống cỏ, cỏ vẫn mọc lách vào khe đá được; dùn vũ lực mà trị quân trộm, khác nào lấy đá mà chọi với đá, hai bên tất cùng phải vỡ. Nay muốn dẹp yên quân trộm thì phải làm thế nào khiến chúng biết liêm sĩ, chứ bắt nhiều cũng không ích gì! Xin chúa công tôn trọng những thiện nhân ở trong triều, khiến cho kẻ bất thiện trông thấy mà biết sửa đổi, như thế thì lo gì chẳng có ngày dẹp yên được quân trộm.

Tấn Cảnh công lại hỏi rằng:

- Thiện nhân nước Tấn ta ngày nay, ai là hơn cả, nhà ngươi thử nói cho ta biết.

Dương Thạch Chức nói:

- Không ai bằng Sĩ Hội. Sĩ Hội là người tín nghĩa, ôn hoà mà không nhu nhược, uy nghiêm mà không dữ tợn, chúa công nên dùng.

Đến lúc Sĩ Hội có công dẹp được mấy nước thuộc về giống Xích Địch, thì Tấn Cảnh công tâu với Chu Định vương. Chu Định vương cho Sĩ Hội phẩm phục chức thượng khanh, Sĩ Hội được thay quyền Tuân Lâm Phủ, lại kiêm chức thái phó, được phong ở đất Phạm, sau thành ra tổ họ Phạm. Sĩ Hội đem những khoa điều bắt trộm, xóa bỏ tất cả, chỉ chuyên đem giáo hóa mà khuyên dân làm điều thiện, từ bấy giờ bai nhiêu quân trộm nước Tấn đều trốn sang nước Tần, nước Tấn mỗi ngày một cường thịnh. Tấn Cảnh công lại có ý muốn làm bá chủ. Bá Tôn nói với Tấn Cảnh công rằng:

- Đời Văn công ta hội chư hầu ở Tiền Thổ, đến đời Tương công ta hội chư hầu ở Tân Thành, chư hầu đều một lòng theo Tấn cả. Từ khi ta thất tín ở Lịnh Hồ, thành ra tuyệt giao với Tấn; đến lúc Tề, Tống có kẻ giết vua mà ta không sang hỏi tội, bởi vậy các nước ở Sơn Đông mới khinh nước Tấn ta mà theo Sở. Sau nước Sở đánh Trịnh và Tống, ta cũng không sang cứu, thành ra Trịnh và Tống lại theo Sở nốt; chỉ còn mấy nước nhỏ như Vệ, Tào là theo Tấn mà thôi. Nay chúa công muốn làm bá chủ, tất phải kết thân với nước Lỗ và nước Tề rồi rình xem nước Sở có biến cố gì, ta sẽ thừa cơ sang đánh mới có thể đắc chí được.

Tấn Cảnh công khen phải, liền sai thượng quân nguyên sóai là Khước Khắc đem nhiều lễ vật sang sứ nước Lỗ và nước Tề.

Lỗ Tuyên công cảm cái ơn Tề Huệ công định vị cho mình, bởi vậy thường sai người sang sính lễ nước Tề; đến đời Tề Khoảnh công (Vô Giá) lên nối ngôi, nước Lỗ vẫn theo lệ cho người sang sính lễ. Khước Khắc phụng mệnh Tống Cảnh công sang sứ nước Lỗ, rồi cáo từ Lỗ Tuyên công sang sứ nước Tề. Lỗ Tuyên công nhân tiện đến kỳ sang sính lễ nước Tề, mới sang quan thượng khanh là Quý Tôn Hàng Phủ cùng đi với Khước Khắc.

Khi Khước Khắc cùng Quý Tôn Hàng Phủ sang đến nước Tề, thì vừa gặp có sứ nước Vệ là Tôn Lương Phu và sứ nước Tào là công tử Thủ, cũng sang sính lễ nước Tề. Sứ thần bốn nước cùng vào triều kiến Tề Khoảnh công và dâng lễ vật. Tề Khoảnh công trông thấy hình dáng bốn vị sứ thần, nghĩ thầm lấy làm quái lạ, mới nói với bốn vị sứ thần rằng:

- Xin mời các ngài về nghỉ ở nhà công quán, rồi ngày mai cùng dự tiệc cho vui!

Sứ thần bốn nước cáo từ lui ra. Tề Khoảnh công vào cung, trông thấy mẹ là Tiêu Thái phu nhân, vẫn hãy còn nhịn cười không được. Nguyên Tiêu Thái phu nhân là con gái Tiêu Quân, kết duyên với Tề Huệ công. Khi Tề Huệ công chết rồi, Tiêu Thái phu nhân ngày đêm thương khóc. Tề Khoảnh công là người có hiếu, việc gì cũng cố làm cho mẹ được vui lòng. Phàm những chuyện buồn cười ở chốn dân thôn, đều thuật lại cho mẹ nghe, để cho mẹ được tươi cười vui vẻ. Hôm ấy, Tề Khoảnh công cứ cười ngặt nghẽo mà không nói là việc gì. Tiêu Thái phu nhân hỏi rằng:

- Có chuyện gì mà con vui cười như vậy?

Tề Khoảnh công nói:

- Hôm nay có một chuyện rất quái lạ là: Tấn, Lỗ, Vệ, Tào bốn nước đều sai sứ thần đến sính lễ nước ta, mà sứ thần nước Tấn là Khước Khắc thì chột, chỉ nhìn được bằng một mắt mà thôi; sứ thần nước Lỗ là Qúy Tôn Hàng Phủ thì hói, trên đầu chẳng có một sợi tóc nào; sứ thần nước Vệ là Tôn Lương Phu thì khiễng chân, một bên cao và một bên thấp; sứ thần nước Tào là công tử Thủ thì gù lưng, mặt cúi xuống đất. Con thiết tưởng người ta có tật là thường, nhưng bốn người mỗi người một tật, mà lại cùng đến nước ta một lúc, chuyện quái lạ như vậy, tài nào chẳng phải buồn cười!

Tiêu Thái phu nhân không tin, nói rằng:

- Ta muốn xem có được không?

Tề Khoảnh công nói:

- Cứ theo lệ thì sứ thần đến nước mình, sau khi công yến, tất có tư yến. Ngày mai con bày tiệc ở vườn hoa, mời sứ thần bốn nước vào ăn yến, tất họ phải đi qua dưới Sùng Đài; bấy giờ thân mẫu mắc màn ngồi ở trên Sùng Đài mà nom trộm phỏng có khó gì!

Khi các sứ thần cùng dự công yến xong, Tề Khoảnh công lại mời vào vườn hoa để dự tư yến. Cứ theo như lệ cũ: sứ thần chư hầu đến nước nào thì nước ấy phải cung ứng xe ngựa và người hầu, để cho kẻ tùy tùng của sứ giả được tạm nghỉ. Tề Khoảnh công chú ý muốn làm cho mẹ buồn cười, mới mặt truyền chọn lấy bốn người: một người chột mắt, một người hói đầu, một người khiễng chân va một người gù lưng để dong xe cho sứ thần bốn nước:

1. Khước Khắc (sứ thần nước Tấn) chột mắt thì lại dùng người chột mắt dong xe.

2. Qúy Tôn Hàng Phủ (sứ thần nước Lỗ) hói đầu thì lại dùng người hói đầu dong xe.

3. Tôn Lương Phủ (sứ thần nước Vệ) khiễng chân thì lại dùng người khiễng chân dong xe.

4. Công tử Thủ (sứ thần nước Tào) gù lưng thì lại dùng người gù lưng dong xe.

Quan thượng khanh nước Tề là Quốc Tá (con Quốc Qúy Phú) can rằng:

- Việc tiếp đãi sứ thần các nước là một việc lớn, nên phải kính cẩn mới được, không phải chuyện đùa!

Tề Khoảnh công không nghe. Bấy giờ sứ thần các nước đi xe qua dưới Sung Đài, thành ra một xe có hai người chột mắt, một xe có hai người hói đầu, một xe có hai người khiễng chân, và một xe nữa có hai người gù lưng. Tiêu Thái phu nhân ngồi ở trên đài mở màn ra trông, bỗng bật cười to lên. Các thị nữ hầu xung quanh cũng đều bưng miệng cười cả. Tiếng cười vang ra đến ngoài. Khước Khắc lúc mới trông thấy người dong xe chột mắt, cũng cho là sự ngẫu nhiên, không lấy làm lạ, đến lúc nghe tiếng phụ nữ ở trên đài, thì trong lòng nghi hoặc, chỉ uống qua loa mấy chén rượu, rồi cáo từ lui ra. Về đến nhà công quá, sai người hỏi xem ai ở trên đài mà cười như vậy, mới biết là Tiêu Thái phu nhân.

Được một lúc, sứ thần nước Lỗ, nước Vệ và nước Tào đều đến thuật chuyện với Khước Khắc và bảo Khước Khắc rằng:

- Nước Tề cố ý chọn người cầm cương để bỡn cợt chúng ta, mà làm trò vui cho đàn bà, thế thì còn ra nghĩa lý gì nữa!

Khước Khắc nói:

- Chúng ta vì lòng tốt mà đến sính lễ, lại bị họ làm nhục, nếu không báo thù thì sao gọi là trượng phu?

Bọn Quý Tôn Hàng Phủ ba người đồng thanh đáp rằng:

- Nếu ngài đem quân đánh Tề thì chúng tôi xin tâu với chúa công tôi dốc hết sức nước tôi mà đánh giúp.

Khước Khắc nói:

- Các ngài đã đồng tâm như vậy thì xin cùng nhau quệt máu ăn thề.

Thề rằng: "Khi khởi binh đánh Tề, hễ ai không chịu cố sức thì quỉ thần tru diệt!"

Sứ thần bốn nước đêm hôm ấy họp nhau thương nghị suốt sáng: đến sáng hôm sau, nước nào về nước ấy, chẳng vào cáo từ với Tề Khoảnh công nữa. Quốc Tá (quan thượng khanh nước Tề) thở dài mà than rằng:

- Tai vạ nước Tề ta sinh ra từ việc này!

Bấy giờ Qúy Tôn Hàng Phủ đang cầm quyền chính nước Lỗ, từ khi đi sứ nước Tề về, mới quyết chí báo thù Tề. Nghe tin Khước Khắc nói với Tấn Cảnh công xin khởi binh đánh Tề, chỉ vì cùng với quan thái phó là Sĩ Hội không hợp ý nhau, cho nên Tấn Cảnh công chưa cho. Qúy Tôn Hàng Phủ lại càng nóng nảy, liền tâu với Lỗ Tuyên công cho người sang mượn quân nước Sở. Vừa lúc bấy giờ Sở Trang vương (Lữ) ốm chết, thế tử Thẩm nối ngôi, mới lên mười tuổi, tức là Sở Cung vương. Sở Cung vương đang có tang, mới từ chối không cho nước Lỗ mượn quân. Quý Tôn Hàng Phủ đang lúc tức giận thì bỗng có người ở nước Tấn về thuật chuyện Khước Khắc ngày đêm khuyên bảo Tấnh Cảnh công đánh Tề, nói là đánh Tề có lợi, nếu không đánh Tề thì không làm được bá chủ, bởi vậy Tấn Cảnh nghe lời. Sĩ Hội biết là không thể nói cho Khước Khắc làm trung quân nguyên soái, cầm quyền chính nước Tấn, chẳng bao lâu nữa sẽ khởi binh đi đánh. Quý Tôn Hàng Phủ mừng lắm, liền sai công tôn Quy Phủ (con Trọng Toại) sang sứ nước Tấn, hẹn ngày khởi binh. Bấy giờ họ Mạnh Tôn, Thúc Tôn và Quý Tôn ở nước Lỗ, con cháu mỗi ngày một cường thịnh. Lỗ Tuyên công lo lắm, mới nhân khi công tôn Quy Phủ sang sứ nước Tấn, mới cầm tay Quy Phủ mà dặn rằng:

- Ba họ Hoàn mỗi ngày một cường thịnh, mà nhà vua mỗi ngày một suy yếu, nhà ngươi cũng đã biết cả. Nay nhà ngươi sang sứ Tấn, nên đem sự tình nói với vua Tấn, nhờ binh lực mà trừ ba họ ấy đi thì xin mỗi năm một lần công hiến, không bao giờ dám quên ơn. Nhà ngươi phải cẩn thận, chớ tiết lộ cho ai biết.

Công tôn Quy Phủ phụng mệnh đem nhiều lễ vật sang nước Tấn, nghe nói Tấn Cảnh công đang tin yêu Đồ Ngạn Giả, cho làm quan tư khấu, mới đem lễ vật vào biếu Đồ Ngạn Giả và nói việc Lỗ Tuyên công muốn đuổi ba họ Hoàn. Đồ Ngạn Giả khi trước đắc tội với Triệu Thuẫn, mới kết giao với Long Thư và Khước Khắc rất thân mật, liền đem lời công tôn Quy Phủ nói với Loan Thư. Loan Thư nói:

- Quan nguyên soái ta (trỏ Khước Khắc) đang giao hiếu với Quý Tôn Hàng Phủ để cùng đánh Tề thì việc ấy khó lòng làm được, âu là ta thử dò ý xem sao.

Loan Thư nhân lúc thong thả, nói chuyện với Khước Khắc. Khước Khắc nói:

- Công tôn Quy Phủ muốn làm loạn nước Lỗ, ta chớ nên nghe!

Khước Khắc bèn viết một tờ mật thư sai người phi báo với Qúy Tôn Hàng Phủ ở nước Lỗ. Qúy Tôn Hàng Phủ nổi giận, nói:

- Ngày trước giết công tử Ác và công thử Thị, đều là mưu của Trọng Toại, ta đã làm ngơ, không thèm nói đến, nay con là công tôn Quy Phủ lại lập mưu để định đuổi ta, thế mới thật là nuôi hổ có ngày di hại!

Nói xong, liền lấy tờ mật thư của Khước Khắc đưa cho Thúc Tôn Kiều Như xem. Thúc Tôn Kiều Như nói:

- Chúa công không ra coi triều, đã một tháng nay, nói là đang ốm, chẳng qua chỉ là giả dối mà thôi. Bây giờ chúng ta cùng vào thăm, đến tận trước giường nằmg để hỏi xem việc này ra sao.

Thúc Tôn Kiều Như lại sai người mời Trọng Tôn Miệt đến để cùng vào một thể. Trọng Tôn Miệt từ chối nói rằng:

- Vua tôi không có phép đối chất phải trái với nhau, tôi không dám đi.

Qúy Tôn Hàng Phủ và Thúc Tôn Kiều Như lại rủ quan tư khấu là Tang tôn Hứa (con Tang Văn Trọng) cùng đi. Ba người vào đến cửa cung, nghe tin Lỗ Tuyên công ốm nặng, thì không vào yết kiến nữa, mà lại rủ nhau cùng về. Ngày hôm sau, Lỗ Tuyên công mất. Qúy Tôn Hàng Phủ lập thế tử Hắc Quang lên nối ngôi (bấy giờ mới mười ba tuổi), tức là Lỗ Thành công. Lỗ Thành công tuổi hãy còn nhỏ, việc gì cũng giao quyền cho Quý Tôn Hàng Phủ. Qúy Tôn Hàng Phủ họp các quan đại phu lại thương nghị rằng:

- Nay vua thi nhỏ, nước thì yếu, tất phải chỉnh đốn hình pháp lại mới được. Trọng Toại ngày trước giết vua nọ lập vua kia để cố ý du nịnh nước Tề, khiến ta cùng với nước Tấn bất hoà với nhau, bây giờ ta nên xét lại mà trị tội.

Các quan đại phu đều vâng dạ xin theo mệnh. Quý Tôn Hàng Phủ liền sai quan tư khấu là Tang tôn Hứa đuổi hết những tộc đảng của Trọng Toại. Khi công tôn Quy Phủ ở nước Tấn về chưa đến địa giới nước Lỗ, đã nghe tin Lỗ Tuyên công mất, Quý Tôn Hàng Phủ đang trị tội người nhà mình, tức khắc bỏ trốn sang nước Tề. Tề Khoảnh công nghe tin Lỗ cùng Tấn hợp mưu đánh Tề, thì một mặt sai người giao hiếu với Sở, còn một mặt đem quân sang đánh Lỗ, tiếp binh qua đất Bình Âm, kéo thẳng đến thành Long Ấp. Tướng nước Tề là Lư Bồ Tựu Khôi bị quân ở cửa bắc thành Long Ấp bắt được. Tề Khoảnh công sai người gọi quân Lỗ ở trên mặt thành mà bảo rằng:

- Hễ chịu trả lại Lư Bồ tướng quân tức là Lư Bồ Tựu Khôi của ta thì ta sẽ rút quân về!

Quân Lỗ không tin, giết chết Lư Bồ Tựu Khôi, đem căng xác ở trên mặt thành. Tề Khoảnh công nổi giận, truyền cho quân sĩ bốn mặt ra sức cố đánh. Khi phá vỡ được thành Long Ấp rồi, Tề Khoảnh công đem bao nhiêu người ở cửa bắc, bất cứ quân dân, đều giết chết sạch cả, để báo cái thù giết chết Lư Bồ Tựu Khôi. Tề Khoảnh công toan tiến binh thì nghe báo có tướng nước Vệ là Tôn Lương Phu đã đem quân vào địa giới nước Tề. Tề Khoảnh công nói:

- Nước Vệ rình lúc ta đem quân đi vắng mà đến xâm phạm nước ta, nay ta nên tức khắc quay về để đón đánh quân Vệ.

Tề Khoảnh công lưu một toán quân đóng giữ Long Ấp còn đại binh thì rút về phía nam. Đi đến đất Tân Trúc (đất nước Vệ) bỗng gặp quân nước Vệ. Quan phó tướng nước Vệ là Thạch Tắc nói với Tôn Lương Phu rằng:

- Ta phụng mệnh sang đánh Tề là nhân lúc vua Tề đem quân đi vắng; nay vua Tề đã về, thì ta không nên đánh vội, hãy chờ quân Tấn và quân Lỗ đến để cùng hợp sức mới có thể toàn thắng được.

Tôn Lương Phu nói:

- Ta chỉ cốt báo cái thù vua Tề cười ta khi trước, nay gặp vua Tề, có lẽ nào lại không đánh.

Tôn Lương Phu không nghe lời Thạch Tắc, đêm hôm ấy đem quân tiến sang đánh dinh quân Tề. Quân Tề biết là quân Vệ thế nào cũng lẻn đến đánh, đã phòng bị trước cả. Khi Tôn Lương Phu vào đến dinh quân Tề, thì là mộtcái dinh bỏ không. Tôn Lương Phu toan quay trở ra thì phái tả có Quốc Tá, phía hữu có Cao Cố đem quân vây kín lại. Tề Khoảnh công cũng kéo đại binh đến, quát to lên rằng:

- Thằng khiễng chân kia, liệu mà nộp đầu đi!

Tôn Lương Phu liều chết chống lại, may sao có toán quân của Ninh Tướng và Hướng Cầm đến tiếp ứng, mới chạy theo được. Tề Khoảnh công giục quân đuổi theo, lại vừa gặp có toán quân của Thạch Tắc (tướng nước Vệ) kéo đến. Thạch Tắc bảo Tôn Lương Phu rằng:

- Quan nguyên soái cứ đi trước, để mặc tôi đối địch với quân Tề.

Tôn Lương Phu vội vàng kéo quân chạy thẳng. Chạy chưa được một dặm, lại thấy ở trước mặt có một toán quân kéo đến. Tôn Lương Phu thở dài mà nói rằng:

- Ở đây mà có quân Tề mai phục, thì ta khó lòng mà sống được.

Khi gần đến nơi, có một viên tướng ngồi ở trong xe, cúi đầu chào mà nói rằng:

- Chúng tôi không biết là nguyên soái giao chiến với quân Tề, vậy nên không kịp đến tiếp ứng, xin nguyên soái tha lỗi.

Tôn Lương Phu hỏi:

- Nhà ngươi là ai?

Viên tướng ấy đáp rằng:

- Tôi là quan trấn thủ ở đất Tân Thúc, tên gọi Trọng Thúc Vu Hề. Quân sĩ của tôi đem theo đây, cũng đủ giao chiến với Tề một trậnn, xin nguyên soái chới ngại!

Tôn Lương Phu mới được yên lòng, bảo Trọng Thúc Vu Hề rằng:

- Quan phó tướng quân Thạch Tắc còn ở phía sau, nhà người nên đem quân tiếp ứng.

Trọng Thúc Vu Hề vâng lời, liền đem quân đi ngay. Lại nói chuyện Tề Khoảnh công gặp quân Thạch Tắc, vừa toan giao chiến thì nghe báo có quân của Trọng Thúc Vu Hề đến tiếp ứng. Tề Khoảnh công sợ ở đất nước Vệ, binh lực không tiếp viện được, mới rút quân trở về. Thạch Tắc và Trọng Thúc Vu Hề cũng không đuổi theo nữa. Tôn Lương Phu thu thập quân thua, vào trong thành Tân Trúc yên nghỉ mấy ngày. Các tướng hỏi Tôn Lương Phu, xin cho biết hôm nào thì rút quân về.

Tôn Lương Phu nói:

- Ta vốn định báo thù nước Tề, nay lại bị nước Tề đánh thua, còn mặt mũi nào về trông thây chúa công ta nữa! Nay ta định sang mượn quân nước Tấn để bắt cho được vua Tề thì ta mới thoả lòng!

Tôn Lương Phu liền lưu bọn Thạch Tắc đóng quân ở Tân Trúc, còn mình thì thân hành sang nước Tấn để mượn quân. Gặp bấy giờ quan tư khấu nước Lỗ là Tang Tôn Hứa cũng sang mượn quân nước Tấn, mới cùng Tôn Lương Phu vào gặp Khước Khắc trước, rồi sau mới yết kiến Tấn Cảnh công. Trong ngoài đồng lòng, một xướng một hoạ dù Tấn Cảnh công muốn không nghe cũng không được, bèn cho Khước Khắc cử đại binh đi đánh Tề. Tang Tôn Hứa về nước Lỗ để báo trước cho Quý Tôn Hàng Phủ biết, Qúy Tôn Hàng Phủ cũng đem quân sang hội ở đất Tân Trúc. Tôn Lương Phủ lại sai người sang ước với công tử Thủ ở nước Tào. Công tử Thủ cũng đem quân đến Tân Trúc để bàn việc đánh Tề. Quân thám tử của Tề Khoảnh công nghe tin quan tư khắc nước Lỗ là Tang Tôn Hứa mượn được quân Tấn, về báo Tề Khoảnh công. Tề Khoảnh công nói:

- Nếu để cho quân giặc vào đất ta thì dân trong nước đều sợ hãi, âu là ta đem quân ra ngoài cõi để mà đón đánh.

Tề Khoảnh công bèn đem quân đi đón quân Tấn, nghe nói quân Tấn đã đóng ở núi Ma Kê, mới sai sứ sang thỉnh chiến. Khước Khắc hẹn đến ngày hôm sau thì khai chiến. Quan đại tướng nước Tề là Cao Cố nói với Tề Khoảnh công rằng:

- Nước ta cùng với nước Tấ, xưa nay chưa giao chiến bao giờ, không biết người nước Tấn bạo dạn hay là nhát gan để tôi xin sang trước, thử xem ra làm sao.

Cao Cố bèn lên xe đi thẳng sang dinh quân Tấn để khiêu chiến. Trong dinh quân Tấn có một viên tiểu tướng đi xe ra. Cao Cố cầm một miếng đá lớn, ném trúng vào đầu viên tiểu tướng ấy. Viên tiểu tướng ấy ở trên xe ngã lăn xuống. Người dong xe sợ hãi, vội vàng bỏ chạy. Cao Cố nhảy ngay lên xe của quân Tấn, tay cầm dây cương, đánh ngựa kéo thẳng về dinh quân Tề; lại đi diễu một vòng nữa, vừa đi vừa reo rầm lên rằng:

- Ai có mua sức khoẻ, ta bán bớt cho!

Quân Tề đều vỗ tay cười. Khi quân Tấn biết mà ra đuổi theo thì đã không kịp. Cao Cố vào nói với Tề Khoảnhg công rằng:

- Quân Tấn dẫu nhiều, nhưng ít người có can đảm, không có gì đánh sợ.

Ngày hôm sau, Tề Khoảnh công xông vào trong trận, truyền cho quân sĩ giương cung ra bắn. Quân Tấn chết hại rất nhiều. Giải Trương (tướng nước Tấn) cánh tay bị hai mũi tên, máu chảy dòng dòng xuống bánh xe, mà vẫn cố gắng cầm cương ngựa. Khước Khắc đang đánh trống thúc quân tiến vào, cũng bị một mũi tên trúng sườn bên tả, máu chảy xuống đến tận giầy. Tiếng trống nghe đã hơi chầm chậm. Giải Trương nói:

- Dẫu bị thương, nhưng chưa đến nỗi chết thì cũng phải cố sức mà đánh.

Trịnh Khâu Hoãn (quan xa hữu nước Tấn) khen lời Giải Trương nói phải, bảo Khước Khắc rằng:

- Chết sống tại số, không can chi mà sợ hãi!

Khước Khắc lại ra sức đánh trống để thúc quân, Giải Trương giục ngựa, nhằm thẳng phía tên bắn mà tiến vào. Trịnh Khâu Hoãn tay trái cầm nón che cho Khước Khắc, tay phải cầm giáo để đánh giặc. Quân Tấn nghe tiếng trống, tưởng là thắng trận, tranh nhau tiến vào, quân Tề không thể địch nổi, vội vàng bỏ chạy. Hàn Quyết thấy Khước Khắc bị thương nặng, liền nói rằng:

- Quan nguyên sóai hãy tạm nghỉ, để mặc tôi đuổi theo quân giặc.

Hàn Quyết đem quân đuổi theo. Quân Tề sợ hãi, bỏ chạy tán loạn. Tề Khoảnh công vòng quanh núi Hoa Bất Trú mà chạy. Hàn Quyết trông thấy cỗ xe thếp vàng của Tề Khỏanh công, liền cố sức đuổi đánh. Phùng Sửu Phủ (quan xa hữu nước Tề) bảo viên tướnng dong xe cho Tề Khoảnh công là Bính Hạ rằng:

- Tướng quân giao cương ngựa cho tôi, rồi tháo ra ngoài vòng vây, để lấy quân cứu viện.

Bấy giờ quân Tấn kéo đến nhiều lắm, vây núi Hoa Bất Trú ba vòng. Phùng Sửu Phủ bảo Tề Khoảnh công rằng:

- Bây giờ đã nguy cấp lắm rồi! chúa công nên cởi ngay áo cẩm bào ra để tôi mặc, tôi giả cách làm chúa công, còn chúa công thì mặc áo của tôi mà cầm cương xe, để đánh lừa quân Tấn. Không may có điều gì, tôi xin chết thay chúa công, chúa công mới có thể trốn thóat được.

Tề Khoảnh công theo lời, vừa đổi áo xong thì quân Hàn Quyết kéo đến. Hàn Quyết trông thấy người mặc áo cẩm bào, tưởng là Tề Khoảnh công, mới nắm lấy cương ngựa cúi đầu hai xá mà nói rằng:

- Chúa công tôi theo lời xin của nước Lỗ và nước Vệ, có sai tôi đem quân tới đây; nay được gặp nhà vua, tôi xin cầm ngựa để rước nhà vua quá bộ sang nước tôi một chút.

Phùng Sửu Phủ giả cách kêu khát nước, không thể nói được, rồi cầm cái bầu đưa cho Tề Khoảnh công mà bảo rằng:

- Phùng Sửu Phủ! Nhà ngươi đi lấy cho ta bầu nước.

Tề Khoảnh công xuống xe, giả cách ra suối lấy nước, khi lấy được nước, Phùng Sửu Phủ lại kêu là nước đục, Tề Khoảnh công lại đi tìm chỗ nước trong, rồi lần đi quanh về phía hữu mà trốn; may lại gặp có tướng nước Tề là Trịnh Chu Phủ vừa đi xe đến, bảo Tề Khoảnh công rằng:

- Bính Hạ nay đã bị hãm ở trong đám quân Tấn, không ra được rồi! Thế lực quân Tấn bây giờ to lắm, có con đường này là ít quân giặc mà thôi, chúa công nên thừa cơ đi mau.

Trịnh Chu Phủ tức thì đưa dây cương cho Tề Khoảnh công. Tề Khoảnh công lên xe chạy thoát. Hàn Quyết sai người báo với Khước Khắc rằng:

- Đã bắt được vua Tề rồi!

Khước Khắc mừng lắm. Khi Hàn Quyết giải Sửu Phủ đến. Khước Khắc trông thấy biết là không phải vua Tề liền nổi giận mà hỏi Phùng Sửu Phủ rằng:

- Nhà ngươi là ai?

Phùng Sửu Phủ nói:

- Tôi là quan xa hữu nước Tề, tên gọi Phùng Sửu Phủ, còn chúa công tôi tức là người lúc nãy xuống suối đi lấy nước đó.

Khước Khắc giận lắm, nói:

- Nhà ngươi dám mạo nhận làm vua Tề, để đánh lừa quân ta thì tất phải chiếu quân pháp mà trị tội.

Khước Khắc truyền cho quân sĩ đem Phùng Sửu Phủ ra chém. Phùng Sửu Phủ kêu to lên rằng:

- Quân sĩ nước Tấn hãy nghe ta nói: từ nay chớ ai có thay vua trong lúc hoạn nạn như Phùng Sửu Phủ này mà chết mất mạng đó.

Khước Khắc sai cởi trói cho Phùng Sửu Phủ mà nói rằng:

- Người ta đã biệt tận trung với vua, ta không nên giết! Nói đoạn truyền lấy xe chở lương thực và quân dụng chở Phùng Sửu Phủ đi theo sau quân Tề. Khoảnh công về đến dinh quân Tề, nghĩ cái ơn Phùng Sửu Phủ, ra rồi lại vào, cả thảy đến ba lần. Quốc Tá và Cao Cố nghe tin Khoảnh công thua trận, vội vàng đem quân đến tiếp ứng, thấy Khoảnh công ở trong đám quân Tấn ra, giật mình hỏi rằng:

- Sao chúa công lại khinh thường mà xông vào trong chỗ hang hổ như vậy.

Khoảnh công nói:

- Phùng Sửu Phủ vì ta thay ta mà bị hãm ở trong đám quân giặc, chưa biết sống chết thế nào cho nên ta ngồi không yên được, lại phải xông vào để tìm.

Nói chưa dứt lời thì nghe báo quân Tấn đã kéo đến. Quốc Tá nói với Khoảnh công rằng:

- Nay quân ta đã bất lợi, chúa công chớ ở đây lâu, nên mau mau rút quân về nước, để đợi quân Sở đến cứu!

Tề Khoảnh công theo lời, rút quân về Lâm Tri (kinh thành nước Tề) Khước Khắc đem đại binh cùng với quân Lỗ, Vệ, Tào kéo thẳng sang nước Tề, đi qua quan ải nào, cũng đốt phá tàn hại, thẳng đến kinh đô, định diệt hẳn nước Tề.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-108)


<