← Hồi 049 | Hồi 051 → |
Trọng Toại cùng với Thúc Tôn Ðắc Thần sang nước Tề để mừng vua mới và tạ ơn nước Tề đã sai sứ sang viến tang. Tề Huệ công mời ăn tiệc, nhân hỏi Trọng Toại và Thúc Tôn Ðắc Thần rằng:
- Chảng hay vua mới nước Lỗ sao lại đặt tên là Ác?Thế gian thiếu gì tên đẹp mà lại dùng cái chữ xấu xí ấy?
Trọng Toại nói:
- Tiên sinh tôi lúc mới sinh thế tử Ác, có sai quan thái sứ bói xem tốt xấu thế nào, quan thái sứ bảo rằng cứ theo số tất phải chịu ác tử không được hưởng lộc, vậy nên tiên quân tôi mới đem chữ "Ác" đặt tên để trấn yểm đi. Chỉ vì Ác là con đích mà phải lập làm thế tử chứ tiên quân tôi vẫn không có lòng yêu, tiên quân tôi chỉ yêu người con hơn tuổi nhất là công tử Oa. Công tử Oa tính nết hiền hậu, biết kính trọng các quan đại thần, người trong nước ai cũng muốn tôn làm vua.
Tề Huệ công nói:
- Ðời xưa cũng có phép được lập người con hơn tuổi, huống chi lại là con yêu.
Thúc Tôn Ðắc Thần nói:
- Nước Lỗ tôi vẫn quen lệ lập đích tử, khi nào không có đích tử mới lập người con hơn tuổi, bởi vậy tiên quân tôi bỏ công tử Oa mà lập công tử Ác, người trong nước chẳng ai thuận cả. Nếu quý quốc có lòng vì nước tôi đối lập vua hiền thì công tử Oa xin cùng với quý quốc kết làm hôn nhân, rồi dốc một lòng mà thần phục quý qốc.
Tề Huệ công rất bằng lòng mà nói rằng:
- Nếu đại phu giúp ở bên trong thì tôi đây cũng xin tuân mệnh.
Trọng Toại cùng với Thúc Tôn Ðắc Thần quệt máu ăn thề và lập tờ hôn ước. Tề Huệ công thuận cho. Bọn Trọng Toại về đến nước Lỗ, bảo Quý Tôn Hàng Phủ rằng:
- Ngày nay sự nghiệp bá chủ của nước Tấn đã suy kém rồi, nước TỀ sắp lại cường thịnh. Nước Tề muốn đem đích nữ gã cho công tử Oa, như vậy thì nước ta lại càng thêm vây cánh.
Quý Tôn Hàng Phủ nói:
- Chúa công bây giờ là cháu gọi vua Tề bằng cậu, vua Tề có con gái, sao không gả cho chúa công mà lại gả cho công tử Oa?
Trọng Toại nói:
- Vua Tề nghe nói công tử Oa là người hiền, muốn kết thân với công tử Oa, nhận làm rễ, còn như bà phu nhân Khương thị là con Tề Chiêu công mà các con Tề Hoàn công thì coi nhau như cừu địch, vậy nên bốn đời vua Tề đều là em lên thay anh, người ta đã chẳng nghĩ gì đến anh, đâu lại còn nghĩ gì đến cháu.
Quý Tôn Hàng Phủ nín lặng, khi ra về thở dài mà than rằng:
- Ðông Môn thị đã có ý khác rồi!
Nói xong, liền mật báo với Thúc Trọng Bành Sinh, Thúc Trọng Bành Sinh nói:
- Ngôi vua đã định rồi, ai còn dám có ý khác!
Thúc Trọng Bành Sinh cũng chẳng nghĩ gì đến nữa. Trọng oại cùng với Kính Doanh bàn mưu đem bọn dũng sĩ phục ở trong chuồng ngựa, sai người báo là ngựa mới đẻ con đẹp lắm. Kính Doanh báo công tử Oa cùng với vua Lỗ (tức là công tử Ác) và công tử Thị thân hành ra chuồng ngựa để xem. Bọn dũng sĩ đổ ra, cầm côn gỗ đánh chết vua LỖ lại giết chết cả công tử Thị nữa. Trọng Toại nói:
- Quan Thái phó là Thúc Trọng Bành Sinh hãy còn, nếu chưa trừ bỏ được người ấy thì tất không xong việc.
Trọng Toại liền sai nội thị giả cách phụng mệnh vua Lỗ đến triệu Thúc Trọng Bành Sinh sắp sửa vào cung. Gia Thần là Công Nhiễm Vụ Nhân vẫn biết chuyện TRọng Toại mật giao với người trong cung mới can Thúc Trọng Bành Sinh rằng:
- Thái phó chớ vào, vào thì tất chết.
Thúc Trọng Bành Sinh nói:
- Vua sai người triệu thì dẫu chết ta cũng đành lòng!
Công Nhiễm Vụ Nhân nói:
- Nếu vua triệu thật quan thái phó không chết, chỉ e rằng không phải vua triệu thì ngài sẽ chết uổng mà thôi.
Thúc Trọng Bành Sinh không nghe. Công Nhiễm Vụ Nhân nắm lấy vạt áo mà khóc. Thúc Trọng Bành Sinh dứt vạt áo, rồi đi thẳng vào cung, đến nơi không thấy vua Lỗ đâu cả, mới hỏi các nội thị. Các nội thị nói:
- Chúa công đi ra chuồng ngựa, để xem ngựa mới đẻ.
Các nội thị liền đưa Thúc Trọng Bành Sinh đi ra chuồng ngựa. Bọn dũng sĩ lại đổ ra giết chết Thúc Trọng Bành Sinh, rồi đem thi thể chôn ở trong đống phân ngựa. Rồi Kính Doanh sai người bảo Khương thị rằng:
- Chúa công cùng công tử Thị đều bị ngựa đá chết rồi.
Khương thị khóa òa, rồi đi ra chuồng ngựa để xem. Khi Khương thị đến chuồng ngựa thì thi thể vua Lỗ và công tử Thị đã được đưa ra ngoài cung môn. Quý Tôn Hàng Phủ nghe tin, biết ngay là do mưu kế của Trọng Toại, không dám nói ra, lại bảo riêng TRọng Toại rằng:
- Nhà ngươi hiểm độc quá, ta nghĩ không đang tâm!
Trọng Toại nói:
- Ðấy là mưu của Kính Doanh, chứ ta có dự đâu đến.
Quý Tôn Hàng Phủ nói:
- Giả sử nước Tấn đem quâ, đến hỏi tội thì ta biết nói ra thế nào?
Trọng Toại nói:
- Xem việc nước Tề và nước Tống trước thì đủ biết, người ta giết ua lớn mà chẳng ai hỏi tội, huống chi ta giết chết hai đứa trẻ con ấy, có lo ngại gì!
Quý Tôn Hàng Phủ ôm lấy thi thể vua Lỗ mà khóc, đến nổi khàn cả tiếng. Trọng Toại nói:
- Quan đại thần nên phải bàn việc lớn trong nước, sao lại bắt chước thói đàn bà!
Quý Tôn Hàng Phủ mới gạt nước mắt không khóc nữa. Thúc Tôn Ðắc Thần đến, hỏi anh mình là Thúc Trọng Bành Sinh ở đâu.
Trọng Toái chối là không biết, Thúc Tôn Ðắc Thần cười mà rằng:
- Anh ta chết đi làm người trung thần, đó là cái chí của anh ta, can gì mà phải giấu.
Trọng Toại mới nói thực với Thúc Tôn Ðắc Thần và bảo với các quan rằng:
- Công việc ngày nay, cần phải lập vua trước đã. Công tử Oa là người hiền mà lại nhiều tuổi hơn cả các công tử, nên lập lên làm vua.
Các quan đều vân dạ xin theo, rồi cùng tôn lập công tử Oa lên làm vua, tức là Lỗ Tuyên công. Thúc Tôn Ðắc Thần bới đống phân ngựa, đem thi thể Thúc Trọng Bành Sinh ra làm lễ an táng. Khương thị nghe tin hai con bị giết, Trọng Toại lập công tử Oa lên làm vua, vật mình lăn khóc, chết đi sống lại mấy lượt. Trọng Toại lại nịnh hót Lỗ Tuyên công, viện lẽ "mẫu dỉ tử qui"mà xin tôn Kính Doanh lên làm quốc mẫu. Khương thị buồn rầu, ngày đêm khóc lóc, sai thị nữ thu xếp đồ đạc để sắp trở về nước Tề;Trọng Toại lại giả cách sai người lưu lại mà nói rằng:
- Chúa công bây giờ dẫu không phải phu nhân sinh ra, nhưng phu nhân vẫn là đích mẫu, bao giờ chúa công cũng kính trọng, can gì phu nhân phải về Tề?
Khương thị mắng rằng:
- Thằng giặc Trọng Toại kia! Mẹ con ta có phụ bạc gì mày;mà mày lại làm những việc tàn ác như vậy?Bây giờ lại còn định nói lừa ta, quỷ thần biết, tất chẳng dung tha cái tội ấy!
Khương thị không vào yết kiến Kính Doanh nữa, tức khắc lên xe đi ngay. Khi đi qua những chỗ chợ to phố lớn, Khương thị lại khóc to lên mà kêu rằng:
- Trời đất ơi! Trời đất ơi! Hai con nhỏ của tôi có tội gì, mà thằng giăc Trọng Toại nỡ lòng giết con đích lập con thứ?Nay tôi từ biệt nước Lỗ, không bao giờ trở về nữa!
Người trong nước nghe nói, ai cũng động lòng thương xót, có kẻ chảy nước mắt. Ngày hôm ấy ở nước Lỗ nhiều chợ phải tan, bởi vậy người ta mới gọi khương htị là bà Ai Khương, lại vì Khương thị trở về nước Tề, nên cũng gọi là bà Xuất Khương. Xuất Khương về đến nước Tề, cùng với Chiêu công phu nhân, mẹ con gặp nhau, đem những sự oan khổ kể lể với nhau, rồi hai mẹ con cùng khóc lóc. Tề Huệ công thấy vậy, không muốn nghe, mới sai người làm riêng một cái cung để hai mẹ con ở.
Lại nói chuyện em cùng mẹ của Lỗ Tuyên công là Thúc Miện, vốn người trung trực, thấy anh mình nhờ sức Trọng Toại, giết em mà lên làm vua, trong lòng khinh bỉ, mới không vào chúc mừng. Lỗ Tuyên sai người triệu Thúc Miện, muốn dùng làm quan to. Thúc Miện từ chối, không làm. Có người bạn THúc Miện hỏi Thúc Miện vì cớ gì mà không làm quan, Thúc Miện nói:
- Không phải là tôi có ghét gì phú quý, nhưng trông thấy anh tôi thì lại nhớ đến các em, vậy nên tôi không đành lòng.
Người bạn nói:
- Công tử đã cho anh là bất nghĩa thì sau không bỏ mà sang nước khác?
Thúc Miện nói:
- Anh tôi chưa hề tuyệt tình với tôi, sao tôi nỡ tuyệt tình trước.
Gặp bấy giờ Lỗ Tuyên công sai sứ đến thăm hỏi và đem vàng lụa đưa tặng Thúc Miện. Thúc Miện chối từ không lấy mà nói rằng:
- Tôi đây cũng không đến nổi đói rét, có đâu lại còn dám tham!
Sứ giả hai ba lần nói mãi. Thúc Miện bảo rằng:
- Khi nào tôi có thiếu dùng, tôi sẽ xin đến lấy, chứ bây giờ thì quyết không dám nhận.
Người bạn nói:
- Công tử không chịu làm quan, cũng đủ tỏ cái nghĩa khí rồi, nay trong nhà túng tiêu, chúa công có tặng gì thì xin cứ nhận, việc gì mà từ chối! Dẫu công tử nhận, cũng không ai dám bảo là tham.
THúc Miện chỉ cười, chẳng nói một lời nào cả. Người bạn thở dài mà lui ra. Sứ giả về nói với Lỗ Tuyên công. Lỗ Tuyên công nói:
- Em ta vốn nghèo, không biết lấy gì mà tiêu cho đủ.
Lỗ Tuyên công bèn sai người đương đêm đến rình xem Thúc Miện làm gì, thì thấy Thúc Miện đang thắp đèn ngồi khâu giầy, để ngày hôm sau đem bán lấy tiền ăn. Lỗ Tuyên công than rằng:
- Em ta muốn học Bá Di, Thúc Tề thuở xưa, hái rau vi ở núi Thú Dương mà ăn hay sao! Thôi thì ta cũng tùy ý.
Thúc Miện suốt đời không chịu ăn lộc của anh, mà cũng không nhắc đến lỗi của anh bao giờ. Người nước Lỗ ai cũng khen Thúc Miện có nghĩa khí. Ðến đời Lỗ Thành công lại dùng con THúc Miện là công tôn Anh Tề làm quan đại phu. Từ đó, ngoài họ Thúc Tôn thị, lại thêm có Thúc thị, Thúc Lão, Thúc Cung, Thúc Chiết, Thúc Ương, và Thúc Nghệ, đều là con cháu Thúc Miện cả. TRọng Toại nhân tết nguyên đán, tâu với Lỗ Tuyênc công rằng:
- Nay chúa công chưa có nội chủ ở trong cung. Trước đây tôi đã cùng với vua Tề kết lập tờ hôn thư, việc ấy chúa công chớ nên để chậm.
Tuyên công nói:
- Bây giờ nên sai ai sang sứ Tề?
Trọng Toại nói:
- Việc này tự tôi bày ra, xin chúa công cho tôi đi. Lỗ Tuyên công liền sai TRọng Toại sang nước Tề thỉnh hôn. Tháng hai năm ấy, đón con gái nước Tề là Khương thị về lập làm phu nhân. Trọng Toại lại mật tâu với Tuyên công rằng:
- Chuá công mới lên ngôi, tất phải một phen dự hội với chư hầu thì ngôi vua mới vững bền được. Chuá công nên khấn lễ vua Tề, để vua Tề cho chúa công dự hội.
Tuyên công khen phải, liền sai Quý Tôn Hàng Phủ sang tạ ơn vua Tề về việc kết hôn, và nói với vua Tề rằng:
- Chúa công tôi nhờ ơn nhà vua mà được nối ngôi nhưng trong lòng vẫn lo sợ không được liệt vào hàng chư hầu, để đến nổi nhà vua phải hổ thẹn. Nếu nhà vua nghĩ tình mà cho tướng công tôi được đến hội với nhà vua, thì chúa công tôi sẽ xin đem ruộng đất ở Tế Tây mà dâng lên nhà vua để tạ ơn.
Tề Huệ công bằng lòng, ước định đến tháng năm năm ấy sẽ cùng Lỗ Tuyên công ội nhau ở đất Bình Châu (đất nước Tề). Ðến hôm ấy, Lỗ Tuyên công đến trước, Tề Huệ công đến sau, hai bên làm lễ tưởng kiến. TRọng Toại bưng nhưng sổ biên ruộng đất ở Tề Tây, đưa nộp Tề Huệ công. Tề Huệ công nhận ngay. Lỗ Tuyên công từ biệt Tề Huệ công rồi về. Trọng Toại nói:
- Ngày nay ta mới có thể nằm yên được!
Từ bấy giờ nước Lỗ hết lòng phụng sự nước Tề, đến sau Tề Huệ công cụng thương tình mà trả cho nước Lỗ những ruộng đất ở Tề Tây.
Lại nói chuyện Sở Trang Vương (Lữ) lên làm vua, đã ba năm trời, mà không làm một việc gì cả, ngày nào cũng đi săn bắn, và cùng với mỹ nữ uống rượu mua vui ở trong cung. Sở Trang Vương ra lệnh tuyên yết ở chốn triều môn rằng:
- Nếu ai can thì sẽ bắt tội chết!
Quan đại phu là Thân Vô Úy vào yết kiến, thấy Sở Trang Vương tay phải ôm Trịnh Cơ, tay trái ôm Sái Nữ, xung quanh chỗ ngồi, đầy những đàn địch chuông trống. Sở Trang vương hỏi Thân Vô Ý rằng:
- Quan Ðại phu vào đây có muốn uống rượu không? Có muốn nghe hát không? Hay là muốn nói điều gì?
Thân Vô Uý nói:
- Tôi tới đây không phải muốn uống rượu và nghe hát, nguyên vì mới rồi tôi đang di chơi, có người đem một câu đố đố tôi, tôi không đoán ra được, vậy tôi muốn tâu lên để đại vương nghe.
Trang vương nói:
- Câu đố gì mà đại vương không đóan ra được, hãy nói cho ta nghe?
Thân Vô Uý nói:
- Có một con chim lớn, lông đủ năm sắc, đậu ở trên gò cao nước Sở, đã ba năm nay, mà không thấy hay, cũng không thấy kêu, không biết là con chim gì?
Trang vương hiểu là Thân Vô Uý có ý can mình, mới cười mà bảo rằng:
- Ta đã biết rồi! Con chim ấy không phải là con chim thường, ba năm nay không bay, bay tất cao đến tận trời, ba năm không kêu, kêu tất làm cho người phải khiếp sợ. Nhà ngươi hãy đợi mà xem.
Thân Vô Uý sụp lạy rồi đi ra. Ðợi trong mấy hôm thấy Sở vương vẫn chơi bời như cũ. Quan đại phu là Tô Tòng xin vào yết kiến. Khi vào, trông thấy Trang vương, liền khóc oà lên, Trang vương nói:
- Tại sao mà khóc lóc như vậy?
Tô Tòng nói:
- Tôi khóc vì nổi thân tôi sắp chết mà nước Sở cũng sắp mất.
Trang vương nói:
- Vì cớ gì mà nhà ngươi chết, vì sao mà nước Sở mất?
Tô Tòng nói:
- Tôi muốn can đại vương, đại vương tất không nghe mà giết tôi. Tôi chết thì nước Sở không ai dám can nữa. Mà đại vương thì cứ say đắm tửu sắc, chẳng thiết gì đến chính sự, còn gì mà nước Sở không mất!
Trang vương bỗng nhiên biến sắc mà bảo rằng:
- Ta đã có lệnh: ai can thì bắt tội chết, sao nhà ngươi đã biết chết mà còn dám can, chẳng cũng ngu lắm ư?
Tô Tòng nói:
- Tôi dẫu ngu cũng chưa đến nổi ngu lắm như đại vương.
Trang vương nổi giận mà nói rằng:
- Sao nhà ngươi dám bảo là ta ngu lắm?
Tô Tòng nói:
- Ðại vương làm vua một nước, có muôn cổ xe, có đất nghìn dặm, binh mã hùng cường, chư hầu tinh phục, đó là cái lợi muôn đời, nay say đắm tửu sắc, chẳng thiết gì đến chính sự, đến nổi nước lớn đến mặt ngoài, nước nhỏ phản ở mặt trong, thế là chỉ ham cái vui một lúc mà bỏ cái lợi muôn đời, không phải ngu là gì! Cái ngu của tôi chẳng qua chỉ đến chết mà thôi, nhưng đại vương giết tôi, thì đời sau tất gọi tôi là trung thần, ví tôi như Long Bàng và Tí Can thuở trước, vậy thì tôi chẳng ngu chút nào! Còn cái ngu của đại vương thì đến nỗi muốn làm một đứa thất phu cũng không thể được! Thôi tôi nói đến đây là hết, xin cho mượn thanh gươm của đại vương đeo để tôi đâm cổ trước mặt đại vương, cho khỏi trái với cái mệnh lệnh của đại vương dã ban bố.
Trang vương vội vàng đứng dậy, ngăn Tô Tòng mà bảo rằng:
- Tôi, xin đại phu hãy thôi! Lời nói của đại phu thật là trung thực, ta xin nghe!
Nói xong, liền bỏ hết âm nhạc, xa Trịng Cơ, lìa Sái Cơ, mà lập Phàn Cơ làm chũ trong cung. Sở Trang vương nói rằng:
- Khi trước ta hãy săn bắn, Phàn Cơ thường can mà ta không nghe, Phàn Cơ bèn không ăn thịt các giống cầm thú nữa. Ấy là ngươi nội trợ hiền của ta đó!
Trang vương lại bổ dụng Vĩ Giả, Phan Uông và Khuất Ðăng để chia quyền của quan lệnh doãn là Ðấu Việt Tiêu, và chỉnh đốn chính sự trong nước, rồi sai công tử Qui Sinh (người nước Trịnh sang làm quan ở nước Sở) đem quân đi đánh Tống. Qui Sinh cùng với quân nước Tống là Hoa Nguyên. Lại sai Vĩ Giả đem quân sang cứu Trịnh, cùng với quân nước Tấn đánh nhau ở Bắc Lâm, bắt được tướng nước Tấn là Giải Dương. Sang năm sau Trang vương mới tha cho Hoa Nguyên và Giải vương về nước. Từ bấy giờ thế lực nước Sở mỗi ngày một cường thịnh, Trang vương có ý muốn làm bá chủ Trung nguyên.
Thượng khanh nước Tấn là Triệu Thuẫn thấy nước Sở cường thịnh, muốn kết với Tấn để chống Sở. Triệu Xuyên hiến kế rằng:
- Nước Tấn có một thuộc quốc gọi là nước Sùng, qui phụ nước Tần đã lâu, nay ta đem quân đi đánh Sùng thì Tần tất phải cứu, bấy giờ ta phải giảng hoà với Tần.
Triệu Thuẫn theo lời, liền tâu với Tấn Linh công, sai Triệu Xuyên đem quân đi đánh Sùng, Triệu Sóc nói với Triệu Thuẫn rằng:
- Nước Tần từ xưa vẫn thâm thù với ta, nay ta lại đánh thuộc quốc của Tần, chắc Tần giận lắm, khi nào chịu giảng hòa.
Triệu Thuẫn nói:
- Chủ ý ta đã định rồi!
Triệu Sóc lại nói với Hàn Quyết, Hàn Quyết tủm tỉm cười, rồi ghé tai Triệu Sóc mà bảo rằng:
- Triệu tướng quốc làm việc nay là muốn giúp TRiệu Xuyên giữ lấy quyền thế họ Triệu, không phải là muốn giảng hoà với Tần đâu.
Triệu Sóc nín lặng lui ra. Nước Tần nghe tin nước Tấn đánh Sùng, mà lại đem quân đi đánh Tấn, vây đất Tiêu Ấp. Triệu Xuyên rút quân về cứu đất Tiêu Ấp, quân Tần mới chịu lui. Từ đó, Triệu Xuyên mới được tham dự binh quyền. Du Biền ốm chết, Triệu Xuyên lại thay chức của Du Biền.
Tấn Linh công năm đã lớn tuổi, sinh ra hoang dâm bạo ngược, hăm chơi bời, tin yêu một quan đại phu tên gọi Ðỗ Ngạn Giả lập một cái vườn hoa ở trong kinh thành, đi tìm những thứ hoa đào, cứ về mùa xuân thì hoa đào nở ra trông như gấm vóc, mới đặt tên là Ðào Tiên. Trông vườn xây một cái đài cao ba từng, khỏang giữa lại lập một cái lầu gọi là Giáng Tiên lầu, cột vẽ hoàng sơn, gạch hoa ngói đỏ, bốn bề bao lơn con tiện, đứng trên ấy mà trông xuống thì phố xá thành quách đều như ở trước mặt cả. Linh công thích ý lắm, thường thường lên lầu thưởng lãm hoăc cùng với Ðồ Ngạn Giả thi nhau bắn chim và uống rượu. Một hôm Linh công cho gọi phường hát diễn tuồng ở trên đài, nhân dân đều đứng ở ngoài vườn để xem. Linh công nói với Ðỗ Ngạn Giả rằng:
- Bắn chim sao bằng bắn người, ta cùng với nhà ngươi hãy thử chơi, ai bắn trúng mắt thì được giải nhất, bắn trúng vai và cánh thì không kể, nếu bắn không trúng thì phạt một đấu rượu thực to.
Tấn Ling công bắn về phía hữu, Ðổ Ngạn Giả bắn về phía tả. Nhân dân ở ngoài vườn, người thì bị trúng vào mang tai, người thì bị trúng vào cạnh sườn, đều nhốn nháo bỏ chạy cả, kêu rầm lên rằng:
- Hãy còn bán nữa đấy!
Linh công giận lắm, truyền cho quân sĩ cùng bắn ra như mưa, nhân dân, người thì vỡ đầu, kẻ thì sầy trán, người thì lòi mắt, kẻ thì gẫy răng, tiếng khóc như ri. Linh công ở trên đài trông thấy, ném cái cung xuống đất cười ha hả, bảo Ðỗ Ngạn Giả rằng:
- Ta chơi ở cái đài này, chưa có hôm nào vui như hôm nay!
Từ bấy giờ dân nước Tấn không ai dám đi qua đấy nữa! Lại có một người nhà Chu đem dâng một con chó dữ, tên gọi Linh ngao, mình cao ba thưóc, sắc như than đỏ, mà lại tinh khôn lắm, biết theo ý người. Người có lỗi, Linh công vẫn gọi Linh ngao sai cắn. Con Linh ngao chồm lên, cắn vào tận mặt, kỳ chết mới thôi. Linh công dùng một người chuyên việc nuôi con Linh ngao mỗi ngày cho ăn mấy cân thịt dê. Con Linh ngao cũng khéo theo ý người nuôi, bảo sao được vậy. Người nuôi con Linh ngao ấy gọi là ngao nô, được ăn lộc quan trung đại phu. Linh công bỏ lễ ngoại triều ở ngoài điện mà bắt các quan phải vào triều ở nội tẩm. Mỗi lần coi triều hoặc đi chơi đâu thì ngao nô vẫn dắt con Linh ngao hầu ở bên cạnh, ai trông thấy cũng phải khiếp sợ. Bọn Triệu Thuẫn thường khuyên Linh công nên dùng người hiền, xa kẻ nịnh, và chăm nom chính sự trong nước. Linh công cứ như người điếc, chẳng thèm để vào tai, lại có ý nghi kỵ. Một hôm tan triều, các quan đại phu đều lui về cả, chỉ co Triệu Thuẫn và Sĩ Hội còn đứng ở cửa cung. Hai người đang nói chuyện với nhau, than thở về việc nước, bỗng thấy có hai người nội thị khiêng một cái giỏ tre ở trong cung ra. Triệu Thuẫn nói:
- Sao lại có cái giỏ tre ở trong cung ra như vậy?Tất là có cớ sao đây!
Nói xong, liền gọi hai người nội thị mà bảo rằng:
- Đem lại đây xem, đem lại đây xem!
Hai người nội thị chỉ cấm đầu đi thẳng, không nói gì cả. Triệu Thuẫn hỏi rằng:
- Trong giỏ tre đựng cái gì thế?
Nội thị nói:
- Ngài là quan tướng quốc, nếu ngài muốn xem thì xin ngài đến mà xem, chứ chúng tôi không dám nói.
Triệu Thuẫn lòng càng nghi, rủ Sĩ Hội cùng đến để xem, thì thấy một cánh tay người thò ra phía ngoài giỏ. Triệu Thuẫn và Sĩ Hội liền nắm giỏ tre lại, thì thấy ở trong có một cái xác chết. Triệu Thuẫn giật mình kinh sợ, hỏi đầu đuôi làm sao. Nội thị không dám nói. Triệu Thuẫn nói:
- Nếu nhà ngươi không chịu nói thì ta chém đầu nhà ngươi trước.
Nội thị mới chịu nói:
- Người này nguyên là một tên nhà bếp, chúa công sai nấu món thịt gấu, nấu mãi không xong, chúa công nóng uống rượu, giục hai ba lần, người ấy lật đật dâng lên, khi chúa công ném thì lại chưa chín, bởi vậy chúa công đánh chết, chém làm mấy khúc, rồi sai chúng tôi đem khiêng bỏ ra ngoài đồng. Chúa công đã hẹn thời khắc cho mà đi, nếu chậm thì chúng tôi có tội.
Triệu Thuẫn tha cho nội thị cứ việc khiêng đi. Nội thị đi khỏi rồi, Triệu Thuẫn bảo Sĩ Hội rằng:
- Chúa công bạo ngược quá, coi mạng người như cỏ rác. Nước nhà chẳng bao lâu sẽ đến ngày nguy vong. Âu là hai ta cùng vào khuyên can.
Sĩ Hội nói:
- Hai ta khuyên can mà chúa công không nghe thì sau không ai dám nói nữa, chi bằng để tôi vào trước, nếu tôi khuyên can mà chúa công không nghe, bấy giờ tướng quốc sẽ vào.
Linh công đang ngồi ở trên thềm, trông thấy Sĩ Hội vào, biết là có ý muốn khuyên can, liền bảo Sĩ Hội rằng:
- Đại phu chớ nói, ta đã biết lỗi rồi, để ta xin lỗi.
Sĩ Hội sụp lạy mà tâu rằng:
- Người ta ai là không có lỗi, chúa công đã biết lỗi thì tất sửa đổi, thế là một điều đại phúc cho nước nhà, chúng tôi lấy làm mừng lắm.
Nói xong lui ra, thuật chuyện lại với Triệu Thuẫn. TRIỆU Thuẫn nói:
- Chúa công nếu có lòng đổi lỗi thì chỉ trong ngày hôm nay tất có chinh lệnh khác.
Ngày hôm sau, Linh công truyền thẳng xe đi ra chơi Đào Viên, chờ xa giá đến thì ra yết kiến. Tấn Linh công ngạc nhiên hỏi:
- Ta không cho Triệu sao khanh lại đến đây?
TRIỆU Thuẫn sụp lạy xin lỗi, và tâu rằng:
- Tôi nghe nói dẫu ông vua vô đạo đến đâu, cũng chưa có lấy ai giết người làm vui bao giờ!Nay tướng công nuôi chó để cắn người, bắn cung để hại người, lại vì một điều lỗi nhỏ mà xả thây đứa nhà bếp, mạng người rất là quan trọng, mà chúa công coi rẻ như vậy thì sao giữ yên được nước nhà?Nếu tôi không nói thì không ai dám nói nữa, xin chúa công quay xe về triều, sửa đổi lỗi trước, khiến cho nước nhà khỏi sự biến loạn, thì tôi dẫu chết cũng thỏa lòng!
Tấn Linh công có ý hổ thẹn, lấy vạt áo che mặt mà bảo rằng:
- Khanh hãy lui về, đẻ cho ta chơi một hôm nay nữa, từ mai trở đi ta xin nghe lời.
Triệu Thuẫn đứng chắn cửa vườn, không cho Linh công vào. Đỗ Ngạn Giả ở bên cạnh, liền nói:
- Tướng quốc khuyên can chúa công, thế là phải lắm, nhưng xa giá đã đến đây, chẳng lẽ về không, khiến cho người ta chê cười, âu là tướng quốc hãy lui về, đến buổi triều sáng mai rồi sẽ thương nghị.
Triệu Thuẫn bất đắc dĩ đứng tránh ra một bên, đẻ cho Linh công đi, rồi trừng mắt nhìn Đỗ Ngạn Giả mà mắng rằng:
- Làm cho nước nhà đến nỗi nguy vong là bởi lũ mày!
Nói xong, vẫn còn hầm hầm tức giận. Đỗ NGẠN Giả theo Linh công vào chơi trong vườn. Linh công đang vui cười. Đỗ Ngạn Giả bỗng thở dài mà nói rằng:
- Tiếc thay cuộc vui chỉ còn lần này mà thôi!
Linh công nói:
- Sao đại phu lại nói như vậy?
Đỗ Ngạn Giả nói:
- Tôi chắc rằng sáng mai thì Tiệu tướng quốc lại nói lôi thôi, không để cho tướng công đưọc đến đây nữa.
Linh công nổi giận mà nói rằng:
- Từ xưa đến nay, chỉ có bề tôi bị vua kiềm chế, chưa nghe nói vua bị kiềm chế bao giờ?Lão ấy còn sống thì lại không tiện cho ta lắm, ta biết dùng kế gì mà trừ đi cho được?
Đổ Ngạn Giả nói:
- Tôi có một người tên gọi Thư Nghê, nhà nghèo, vẫn được tôi chu cấp cho, bởi vậy cảm cái ơn tôi mà vẫn xin cố sức chết để đền báo. Nếu sai người ấy giết chết Triệu tướng quốc thì chúa công tha hồ mà vui chơi, không lo gì nữa!
Linh công nói:
- Nếu làm được việc ấy thì công nhà ngươi to lắm!
Đêm hôm ấy, Đổ Ngạn Giả mật triệu Thư Nghê đến cho ăn cơm uống ruợu, rồi bảo rằng:
- Triệu Thuẫn chuyên quyền, nay ta phụng nệnh chúa công sai nhà ngươi đến giết đi, nhà ngươi nên phục ở cửa Triệu Thuẫn, đợi đến đầu canh năm, khi hắn vào triều, thì xông lại mà đâm chết, chớ có làm hỏng việc!
Thư Nghê vâng mệnh, liền dắt một con dao nhọn đến dinh Triệu Thuẫn, trông thấy cửa mở toang, xe ngựa đã sắp sẳn ở ngoài cửa. Trên thềm bóng đèn lờ mờ. Thư Nghê mới lẻn vào núp ở một chỗ tối. Bấy giờ Triệu Thuẫn mũ áo đại triều, tay cầm cái hốt, nghiêm trang ngồi ở gian giữa, (nguyên là Triệu Thuẫn muốn vào triều, nhưng còn sớm quá vậy ngồi đấy để đợi cho sáng). Thư Nghê thấy vậy, giật mình kinh sợ, lui ra ngoài cửa, thở dài mà than rằng:
- Người ta một lòng cung kính thế kia, tức là trung thần, nếu ta giết người trung thần thì là bất trung, không giết thì trái mệnh vua, lại là bất tín. Bất trung bất tín thì sống làm gì nữa!
Thư Nghê bèn đứng giữa cửa nói to rằng:
- Ta là Thư Nghê đây, thà trái mệnh vua, không nỡ giết người trung thần!Nay ta tự tử mà chết, nhưng sau này tất chúa công sai người khác đến, tướng quốc phải phòng bị mới được.
Nói xong, liền đập đầu vàào cây hoè trước cửa, vở óc ra mà chết. Người nhà Triệu Thuẫn náo động cả lên, bvội vàng vào báo với Triệu Thuẫn. Viên xa hũu của Triệu Thuẫn là Đề Di Minh nói với Triệu Thuẫn rằng:
- Tướng quốc không nên vào triều vội nếu vào triều thì tôi e có biến.
Triệu Thuẫn nói:
- Chúa công đã hẹn với ta hôm nay vào triều sớm, nếu ta không vào thì là không biết giữ lễ, còn việc chết sống dã có số mệnh, ta có lo gì!
Triệu Thuẫn truyền cho người nhà đem Thư Nghê chôn ở dưới gốc cây hoè rồi lên xe vào triều. Linh công thấy Triệu Thuẫn không chết, liền hỏi Đồ Ngạn Giả về việc Thư Nghê. Đồ Ngạn Giả nói:
- Thư Nghê đi không thấy về, có người nói là đập đầu vào cây hoè mà chết, chư rỏ vì cớ gì.
Linh công nói:
- Kế ấy mà không thành thì biết làm thế nào?
Đồ Ngạn Giả nói:
- Tôi còn có một kế, chắc hẳn thế nào cũng giết được Triệu Thuẫn.
Linh công nói:
- Kế gì?
Đồ Ngạn Giả nói:
- Ngày mai chúa công mời Triệu Thuẫn vào uống rượu ở trong cung, rồi phục sẵn giáp sĩ ở phía sau tường, đợi khi đang uống rượu dở dang, chúa công giả cách mượn thanh gươm của Triệu Thuẫn đeo để xem, tất nhiên Triệu Thuẫn phải cởi gươm mà đưa cho tướng công. Bấy giờ tôi đứng bên, sẽ quát to lên là Triệu Thuẫn rút gươm, toan sự hại vua, gọi quân sĩ đến cứu giá, quân sĩ sẽ đổ ra bắt mà giết đi. Như vậy thì người ngoài ai cũng bảo là Triệu Thuẫn làm phản bị giết, chúa công tránh được cái tiếng giết quan đại thần, chúa công nghĩ sao?
Linh công khen phải, rồi theo kế mà làm. Ngày hôm sau, Linh công ra triều, bảo Triệu Thuẫn rằng:
- Tướng quốc đã hết lòng khuyên bảo ta, nay ta có sửa tiệc rượu ở trong cung, để tạ ơn tướng quốc.
Nói xong, liền bảo Đổ Ngạn Giả đưa Triệu Thuẫn vào cung. Viên xa hữu của Triệu Thuẫn là Đế Di Minh theo vào. Khi bước lên thềm, Đổ Ngạn Giả bảo Đế Di Minh rằng:
- Chúa công cùng với tuớng quốc uống rượu, người khác không ai được lên thềm cả.
Đế Di Minh liền đứng ở dưới thềm. Triệu Thuẫn sụp lạy hai lạy, rồi ngồi ở bên hữu Tấn Linh công. Đổ Ngạn Giả đứng hầu bên tả. Khi uống rượu mới được ba tuần, Linh công bảo Triệu Thuẫn rằng:
- Ta nghe nói thanh gươm của tướng quốc tốt lắm. Tướng quốc cho ta xem.
Triệu Thuẫn không biết là kế, toan cởi gươm ra để đưa. Đế Di Minh ở dưới thềm trông thấy, nói to lên rằng:
- Bề tôi hầu rượu vua, theo lễ không được uống quá ba chén, cớ sao lại rút gươm ở trước mặt vua như thế?
Triệu Thuẫn biết ý, liền đứng ngay dậy. Đế Di Minh hầm hầm tức giận, bước lên thềm vực Triệu Thuẫn xuống. Đổ NGẠN Giả gọi Ngao Nô thả con Linh ngao đuổi theo, đến gần cửa cung, Đế Di Minh cầm ngay cái dùi đánh con Linh ngao gãy cổ mà chết. LLinh công giận lắm, truyền cho quân sĩ đổ ra bắt Triệu Thuẫn. Đế Di Minh đứng chắn ngang lại, để cho Triệu Thuẫn chạy trước. Giáp sĩ tới nơi, Di Minh cự chiến một hồi, mình mẫy đầy vết thương rồi kiệt sức mà chết.
Triệu Thuẫn đang chạy, thấy có người đuổi kịp đến nơi, Triệu Thuẫn sợ lắm. Người ấy nói:
- Tướng quốc chớ sợ, tôi đến cứu ngài đây!
Triệu Thuẫn nói:
- Nhà ngươi là ai?
Người ấy nói:
- Tướng quốc không nhớ người nằm ở bụi dâu khi xưa hay sao! Linh Triếp tức là tên tôi đó.
Nguyên năm năm về trước, Triệu Thuẫn có đi săn ở Cửu Nguyên Sơn, ngồi nghĩ trong bụi dâu, trong thấy một người đàn ông nằm lăn dưới đất. Triệu Thuẫn nghi là thích khách mới sai người bắt. Người ấy đói không trở dậy được, hỏi đến họ tên thì người ấy nói:
- Tên tôi là Linh Triếp. Tôi sang học ở nước Vệ, đã ba năm nay, bây giờ trở về, tiền lưng hét cả, không lấy gì mà ăn, nhịn đói đã ba ngày rồi!
Triệu Thuẫn nghe nói thương lắm, sai người mang cho cơm và thịt, Linh Triếp chia cơm thịt làm hai phần, một nữa bỏ vào giỏ con của mình, còn một nữ để ăn.
Triệu Thuẫn hỏi:
- Nhà ngươi cất đi một nữa để làm gì?
Linh Triếp nói:
- Tôi còn mẹ già, hiện ở cửa. Tôi đi vắng đã lâu ngày, chưa biết mẹ tôi còn hay mất, nay chỉ cách đấy có mấy dặm, may mà mẹ tôi hãy còn thì tôi xin đem lộc của quan tướng quốc ban cho về dâng mẹ tôi.
Triệu Thuẫn khen là hiếu tử, bảo cư ăn hết đi, rồi lấy cơm và thịt khác để xếp vào giỏ cho. Linh Triếp lạy tạ rồi đi. Sau Linh Triếp ứng mộ ra lính, lại ở trong số quân giáp sĩ đuổi bắt Triệu Thuẫn, Linh Triếp nghĩ đến cái ơn Triệu Thuẫn. Bấy giờ người tùy tùng bỏ chạy tán loạn cả. Linh Triếp ghé lưng cõng Triệu Thuẫn chạy ra triều môn. Bọn giáp sĩ giết xong Đế Di Minh lại kéo nhau đuổi theo Triệu Thuẫn. Vừa lúc ấy, thì có Triệu Sóc đem quân đến đón Triệu Thuẫn, tức khắc vực Triệu Thuẫn lên xe. Triệu Thuẫn vội vàng gọi Linh Triếp bảo cùng lên xe thì Linh Triếp đã trốn rồi. Bọn giáp sĩ thấy quân Triệu Sóc đông lắm, không đuổi theo nữa. Triệu Thuẫn bảo Triệu Sóc rằng:
- Nay ta không thể về nhà được! Một là ta sang nước Địch, hai là sang nước Tần, phải tìm chỗ để nương thân mới xong.
Bấy giờ hai cha con cùng ra cửa tây, đi về phía tây.
← Hồi 049 | Hồi 051 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác