Vay nóng Tinvay

Truyện:Ân thù kiếm lục - Hồi 32

Ân thù kiếm lục
Trọn bộ 60 hồi
Hồi 32: Quần Anh Đại Hội
5.00
(2 lượt)


Hồi (1-60)

Siêu sale Shopee

Tiền Khuê buông xuôi chiếc Cửu Liên Hoàn xuống sàn đài, ánh thép chớp chớp theo gió quạt qua, rung chuyển những chiếc khoen, khoen chạm vào nhau bật thành những tiếng keng keng người ngoài nghe rất khoái tai, nhưng chính y lại lạnh mình.

Tiếng keng keng đó nhắc nhở nhớ đến bao nhiêu người đã táng mạng dưới chiếc Cửu Liên Hoàn, một loại vũ khí ngoại môn trong số mười ba loại hữu danh trên giang hồ.

Âu Dường Thiên Kiều bước từng nấc thang một, cuối cùng cũng lên tới lôi đài.

Nhìn Tiền Khê còn nghĩ ngợi mông lung, Âu Dương Thiên Kiều điềm nhiên gọi:

- Tiền đại hiệp! Xin xuất chiêu đi thôi!

Tiền Khuê giật mình, như bừng cơn mộng, sửng sốt nhìn đối tượng.

Âu Dương Thiên Kiều trầm giọng nhắc:

- Tiền đại hiệp. Xin xuất chiêu đi thôi!

Tiền Khuê bật cười khanh khách, như cười với những hình xa xôi vừa thoáng hiện trước mắt, hơn là cười với Âu Dương Thiên Kiều.

Những kỷ niệm máu còn ám ảnh y. Tiền Khuê nhìn thẳng vào mắt Âu Dương Thiên Kiều hỏi:

- Động thủ à? Tại sao tại hạ phải động thủ? Tại hạ cùng đại hiệp tranh nhau cái gì đây? Thắng rồi làm sao? Bại rồi làm sao?

Y bật cười thêm mấy tiếng vang dội, bất thình lình quay mình chạy bay xuống dài, không buồn nhìn lại Âu Dương Thiên Kiều đến nửa mắt.

Âu Dương Thiên Kiều sững sờ, đứng đờ tại chỗ đưa mắt theo Tiền Khuê.

Quần hùng cũng không khỏi kinh ngạc, chẳng ai hiểu ý tứ của Tiền Khuê như thế nào.

Phút giây sau, có người cao giọng mắng Tiền Khuê, có kẻ bật cười chế nhạo...

Nhưng Tiền Khuê xuống đài rồi là đi luôn chẳng cần nghe ai nói gì.

Đinh lão phu nhân đứng lên.

Nhìn thần sắc điềm nhiên của bà, chẳng ai rõ bà hân hoan hay buồn thảm...

Đoạn bà cao giọng tuyên bố:

- Đệ nhị trận Âu Dương đại hiệp thắng!

Âu Dương Thiên Kiều hướng sang chủ tọa đoàn, vòng tay vái rồi quay mình trịnh trọng bước xuống đài.

Lúc xuống cũng như lúc lên, Âu Dương Thiên Kiều vẫn giữ thần sắc trầm tịnh. Lên không vì cuộc chiến mà âu lo, xuống không vì thắng trận mà đắc ý.

Đợi cho hội trường lắng dịu một chút, Đinh lão phu nhân lại gọi to:

- Trận thứ ba do đại hiệp Phan Tế Thành và Vương Liệt Hỏa. Xin mời hai đại hiệp thượng đài!

Trận thứ nhất, kết thúc ly kỳ, trận thứ hai kết thúc quái dị, nhìn qua hai trận chiến, Phương Bửu Ngọc trầm tư man mác.

Chàng thầm hỏi:

- Thắng rồi sao? Bại rồi sao? Thắng để khỏi chết? Bại để vĩnh viễn rời bỏ thế gian? Người thắng được gì?

Trên lôi đài Phan Tế Thành và Vương Liệt Hỏa đã đối lập với nhau rồi.

Phan Tế Thành đã trải qua mấy trận đấu, song thần sắc như thường, chẳng có vẻ gì tỏ rõ là y mệt mỏi. Thanh kiệm Ngô Câu bằng thép thuần chất nơi tay, chớp ngời dưới ánh trăm ngọn đèn sáng rực.

Vương Liệt Hỏa, ngoại hiệu Hỏa Lôi Châu, tuy có cái tên nóng bỏng, song gương mặt trắng nhợt, trông chẳng khác nào mặt người chết, thần sắc lại lạnh lùng, cái tên Liệt Hỏa chẳng làm tiêu tan nổi lớp giá băng bọc quanh gương mặt y.

Đáng lý, đổi tên lại là Vương Băng Tuyết mới hợp người hợp tánh hơn.

Vũ khí của họ Vương là một ngọn Trúc Tiết Cương Tiên một ngọn thôi, mặc, dù sử dụng loại vũ khí này, hào kiệt thường thích một đôi.

Ngọn cương tiên dài hơn tầm thước thường, màu đen sì, chẳng chút sáng sủa.

Ngọn tiên đó, y gọi là Lôi Châu Thần Hỏa Tiên, một vũ khí ngoại môn, gồm mười ba mắt, mỗi mắt có hàm chứa một diệu dụng mà khách giang hồ đều ngán sợ.

Nhưng hiện tại, Vương Liệt Hỏa chỉ sử dụng tiên pháp Hỏa Vân Thập Tam Tiên thôi, chứ chẳng thể phát huy chỗ diệu dụng hàm chứa trong ngọn Lôi Châu Thần Hỏa Tiên.

Chỉ vì theo quy ước đại hội Thái Sơn, chẳng một đối thủ nào được sử dụng ám khí.

Chủ tọa đoàn hết sức chú ý đến điều đó, nếu cao thủ nào dùng ám khí thủ thắng chẳng những không được kể là thắng, mà còn bị xử phân công đạo.

Phan Tế Thành điểm nhẹ một nụ cười vòng tay hỏi:

- Từ ngày cách biệt nhau tại Tế Thành, thấm thoát là đã ba năm rồi, Vương huynh vẫn được mạnh chứ?

Vương Liệt Hỏa hơi xanh mặt, chẳng rõ sự nhắc nhở cuộc gặp gỡ ba năm về trước giữa song phương tại Tế Thành có gây khích động chi nơi y chăng, y lạnh lùng đáp:

- Đã đến lôi đài là chỉ có hai điều. Hoặc thắng hoặc bại, cái tình xa xưa Vương tôi bắt buộc phải tạm quên đi, thiết tưởng các hạ cũng chẳng nên gợi lại làm gì. Nếu có thể nói một lời nào tại đây, thì Vương tôi chỉ yêu cầu các hạ xuất thủ, càng sớm càng tốt!

Gương mặt lạnh, lời nói lạnh tất cả đều kết tinh lại để tạo nên một thách thức, một khinh thường.

Y nêu lên một sự thật quá phũ phàng, dù lời nói của y rất hợp lý, hợp lý một cách chua cay.

Dừ muốn dù không, quần hùng cũng phải nhìn nhận sự hợp lý chua cay đó.

Lên đến lói đài là có ta không ngươi, có ngươi không ta, đao kiếm là vật vô tình, cùng rủ nhau đùa với dao kiếm thì còn nhắc nhở làm chi đến ân tình đạo nghĩa? Nếu giữ ân tình đạo nghĩa với nhau thì đừng lên đây gặp nhau.

Quần hùng cau mày.

Một số đông, bất bình thầm nghĩ:

- Đành như thế, ai lại chẳng biết thế, sao hắn còn nêu lên sự nhận xét đó làm gì?

Con người cuồng ngạo vô lễ đến mức độ đó là cùng, mất cả tác phong hào hiệp. Phan Tế Thành điềm nhiên cười nhẹ:

- Vương huynh đã muốn gấp, xin cứ xuất thủ gấp!

Y lùi lại nửa bước, hoành ngang ngọn kiếm trước ngực, bàn tay tả xòe ra ba ngón, đặt tại mũi kiếm.

Tiên lễ hậu binh, Phan Tế Thành chào địch đúng theo tinh thần thượng võ.

Vương Liệt Hỏa không nói năng gì, chẳng cần giữ lễ độ, vung ngọn đơn tiên, đâm thẳng vào yết hầu của Phan Tế thành.

Thần sắc lạnh lùng song tánh nóng nảy, vừa vào cuộc là bất chấp lễ độ, xuất chiêu ngay, chiêu đó tên là Lôi Hỏa Sơn Động, xem thì bình thường, nhưng y sử dụng thì lại có cái oai thế như sấm sét, một vệt đen quét tới, gió rít vù vù, ngọn tiên dài hơn năm thước thoáng mắt đã bay đến yết hầu đối thủ.

Phan Tế Thành chưa nhích bước về, thân hình bất động. Cánh tay vung lên, một vệt xanh vút ra lấy thế công làm thế thủ, vệt xanh nhẹ tới nách Vương Liệt Hỏa.

Đánh ra chiêu đó, Phan Tế Thành cầm chắc Vương Liệt Hỏa phải bỏ thế công, hoành roi hóa giải.

Vương Liệt Hỏa hét một tiếng:

- Hay!

Y biến chiêu đầu, giở tiên pháp Hỏa Tiên mười ba thức thi triển ngay.

Lạ làm sao, ngọn roi đen sì trông chẳng chút sáng, thế mà Vương Liệt Hỏa múa lên, hắc quang chớp chớp, hắc quang chớp nhanh, trông như đạo tử quang, biến thành một đạo hỏa vân lớn rộng nhanh chóng, chẳng những phủ trọn trên đầu Phan Tế Thành mà còn che khuất trọn diện tích lôi đài như chiếc tán.

Gió roi vụt vù vù, gió rồi cũng lan rộng, nhanh chóng thổi bật những tà áo của một số người đứng cận trường đài kêu rẹt rẹt.

Trước khí thế hùng mãnh của đối phương, Phan Tế Thành bình tĩnh như thường, ung dung xử dụng thanh kiếm, phát xuất những chiêu thức nhẹ nhàng, biến ảo, hoặc chém, hoặc đâm, hoặc thốc lên, hoặc xỉa xuống, khi quét ngang, khi tỉa xuống, thanh quang chớp ngời như con rắn lộn mình.

Là một Ngô Câu Kiếm, vũ khí đó gồm hai phần tinh diệu, có thể giật lại như Ngô Câu, cũng có thể tấn công như trường kiếm.

Vầng hỏa vân tuy mạnh, song không áp đảo nổi vầng thanh quang.

Bên dưới đài có tiếng hoan hô trỗi dậy đâu đây, rồi nhiều tiếng hoan hô phụ họa, hội trường sôi động lên, họ cùng tán thưởng cả tiên pháp lẫn kiếm pháp.

Đám cao thủ ngồi bên dưới đài trường cùng trố mắt theo dõi cuộc đấu. Ai đang ve vuốt vũ khí bỏ ve vuốt mà nhìn, ai đang cúi đầu trầm tư, ngẩng mặt mà xem.

Ngồi nơi bàn chủ tọa, Nhất Mộc đại sư lẩm bẩm:

- Vô lượng thọ phật! Lành thay! Lành thay! Từ sau ngày anh em họ Bành chết đi, bần tăng mới được trông thấy một người xử dụng Ngô Câu kiếm tinh diệu như thế!

Vạn Tử Lương thốt:

- Cái khó là dùng một hình thức Ngô Câu lại phát huy được kiếm khí đúng theo kiếm pháp chánh tông...

Đinh phu nhân thở dài:

- Nếu họ Phan không nương tay thì Vương đại hiệp đã bại từ lâu!

Chẳng những người trong giang hồ khinh thường Phan đại hiệp, mà chính già cũng cho rằng Phan đại hiệp chẳng có gì xuất sắc. Ngờ đâu Họ Phan lại có thực tài, cái thực tài của con người khiêm tốn, chẳng khoa trương, chẳng cao ngạo. Già tưởng chưa chắc gì Lãnh Băng Ngư, Mai Khiêm thắng nổi Phan đại hiệp? Xem đó, chúng ta có thể suy luận ra rằng, rồi đây cuộc tranh thắng hôm nay sẽ đưa đón những kết quả phi thường, với sự xuất hiện của những nhân tài ẩn dật...

Nhất Mộc đại sư lại lẩm bẩm:

- Đại hội Thái Sơn đúng là một trường long tranh, hổ đấu. Phu nhân nói phải đó, còn biết bao nhiêu trào kiệt anh hùng, dè dặt chưa xuất hiện ngay. Nào phải chi có một Phan Tế Thành mãi đến bây giờ mới lộ chân tướng?

Chủ tọa đoàn đều cho đại sư có lý.

Vương Liệt Hỏa đã xuất hạn ướt dầu, ướt trán, mồ hôi từng hạt lớn kết thành gióng, chảy dài xuống mặt, rơi trên áo, ngực áo như bị tạt nước, tay thì vung tới tấp, ngọn đơn tiêu như chẳng còn theo đúng quy củ nữa.

Y như cây cung đã kéo thẳng đường dây, dây cũng như dây cung có thể đứt bất cứ phút giây nào.

Phan Tế Thành dịu giọng thất:

- Giả như Vương huynh không phản đối,thì hiện tại chúng ta nên tuyên bố giảng hòa.

Vương Liệt Hỏa quát to:

- Câm ngay? Ta chẳng muốn nghe!

Đôi mắt Vương Liệt Hỏa đỏ ngầu, sát khí bốc bừng bừng, y vừa quát xong, nhún chân nhảy vọt lên không, đơn tiên quét xuống bàn tay bóp mạnh một chỗ nào đó.

Từ nơi đó một đôi mắt trong mười ba mắt đơn tiên ba viên châu đen bay ra.

Quần hùng đứng dưới đài biến sắc kêu to:

- Hỏa Lôi Châu!

Đinh lão phu nhân hét lớn:

- Vương đại hiệp! Không được sử đụng ám khí!

Nhưng Hỏa Lôi Châu đã được phát xuất rồi còn ai nói làm gì nữa?

Liệu Vương Liệt Hỏa thu lại được chăng? Mà được chắc gì y chịu thu lại?

Phan Tế Thành biến sắc, chẳng làm sao hơn là huy kiếm đón ngăn.

Vạn Tử Lương kêu lên thất thanh:

- Không được? Tuyệt đối không nên chạm vào loại ám khí đó?

Chậm mất rồi!

Kiếm chạm hỏa lôi, hỏa lôi nổ, lửa bắn ra, lửa xẹt vào mình Phan Tế Thành.

Y hoảng qua vội nhào xuống sàn đài, lăn tròn để rơi xuống bên dưới.

Vương Liệt Hỏa lại quát to:

- Chạy đi đâu?

Phan Tế Thành nào chạy đi đâu? Y lăn mình vừa để vụt tắt lửa, vừa để tránh ám khí đợt hai.

Ngọn đơn tiên được cử cao, từ bên trên giáng xuống.

Đinh lão phu nhân, Vạn Tử Lương và các vị khác nơi bàn chủ tọa hét lớn:

- Dừng tay!

Tất cả cùng đứng lên, lao vút người đến lôi đài, nhưng chậm một giây...

Họ không đến kịp chắc chắn là Phan Tế Thành phải thọ hại...

Vừa lúc dó một bóng người to lớn bước nhanh đến lôi đài, cánh tay dài như tay vượn đưa tới chụp Phan Tế Thành giật mạnh ra ngoài.

Động tác của người đó chỉ nhanh hơn một sợi tóc, cái nhanh bằng sợi tóc cứu thoát Phan Tế Thành khỏi bị hại dưới ngọn Lôi Châu Thần Hỏa Tiên.

Phan Tế thành vừa bị giật ra ngoài ngọn Lôi Châu Hỏa Tiên vừa giáng xuống. Tại lôi đài, một đại hán xuất hiện.

Đại hán đó không am tường thuật khinh công nên cứu người mà chỉ bước nhanh tới chứ không lướt mình đi.

Rồi lên đài, y cũng chẳng nhún chân bay vút lên như tất cả hào kiệt, y vịn tay vào mép đài đu mình gần như leo lên.

Vì y cao lớn quá, tay y dài quá nên lúc cứu Phan Tế thành, y chỉ cần đứng tại mép đài, lòn nhanh tay vào, là nắm đúng Phan Tế Thành.

Đại hán có oai phong lẫm liệt, đứng tại sân dài như chiếc tháp uy nghi.

Bên dưới đài quần hùng reo hò vang dội, reo vì đại hán vừa làm một nghĩa cử, reo vì tán thưởng thân hình hộ pháp của y.

Vương Liệt Hỏa vừa kinh hãi vừa phẫn hận, lùi lại hai bước.

Đại hán đó cao ít nhất cũng tám thước, gương mặt đen xì, đen đến độ bóng loáng như thoa lượt dầu.

Vương Liệt Hỏa nhận ra đại hán thường theo Vạn Tử Lương đi đó đây, đại hán thường trò chuyện với Mạc Bất Khuất.

Đại hán có tánh tình cộc lốc gần như lỗ mãng, một gã hoàn toàn vô danh trên giang hồ dù có gia nhập giới giang hồ.

Bất giác Vương Liệt Hỏa sôi giận hét lên:

- Con trâu này bỗng dưng đến đây cho ta xé thịt phải không?

Đại hán đó, dĩ nhiên chính là Ngưu Thiết Oa.

Ngưu Thiết Oa quát trả:

- Tiểu tử tưởng đâu trên lôi đài là chỗ cho ngươi tự tung tự tác, giở ám khí toan hại người tùy ý phải không? Làm người thì sao gọi là anh hùng? Bất quá ngươi là một con chó sủa càn, càn bướng chứ tài ba gì ngươi? Có giỏi cứ vung ngọn roi vào mình lão gia của ngươi đây xem nào!

Vương Liệt Hỏa phừng phừng nổi giận:

- Đúng là ngươi tự đi tìm cái chết!

Liền theo câu nói, y vung tay lên, ngọn Lôi Châu Thần Hỏa Tiên bay vút tới.

Ngưu Thiết Oa không tránh không né, vươn cánh tay ra, nắm vào thân roi, rồi giật mạnh lại.

Vương Liệt Hỏa kinh hãi không tưởng là trên đời này lại có một người dùng tay không dám hất một ngọn roi cứng.

Nhưng y chẳng kinh hãi lâu. Cánh tay Ngưu Thiết Oa vừa chớp lên y rú một tiếng thảm lùi lại hai bước, hổ khẩu tay đau nhói như bị xé téc...

Ngọn roi đã vuột khỏi tay y sang nằm gọn trong tay Ngưu Thiết Oa.

Ngưu Thiết Oa cười hì hì:

- Ta thử xem trong lòng ngọn roi có những món gì cho biết!

Ngọn roi bằng thép thuần chất cứng rắn phi thường, thế mà Ngưu Thiết Oa bẻ lọi như bẻ một cây mía.

Gã bẻ thành mấy đoạn, từ trong lòng roi chín mười hạt hỏa lôi châu màu đen rơi lốc cốc xuống sàn đài.

Đinh lão phu nhân, Nhất Mộc đại sư và các người kia, mục kích thần lực của Ngưu Thiết Oa bất giác sững sờ, không tưởng là một con người bằng xương bằng thịt lại có sức mạnh như thế.

Đến Vạn Tử Lương cùng chung sống với gã qua nhiều ngày tháng cũng chẳng biết là hắn có sức mạnh đến độ đó, nên cũng sững sờ như toàn thể nhân vật chủ tọa đoàn.

Bỗng Vạn Tử Lương buột miệng kêu lên:

- Không xong!

Đại hiệp xé vội một vạt áo, vận dụng công lực quăng ra, vạt áo cuốn trọn số lôi hỏa châu bay lên.

Vô Tình công tử đứng lên, đánh ra một đạo chưởng phong, tung luôn số hỏa châu bay ra xa rơi xuống triền núi.

Không lâu lắm, từ nơi đó vang lên một tràng tiếng nổ, tuy không lớn hơn tiếng sấm, song vẫn vang dội chói tai quần hùng tại hội trường.

Vương Liệt Hỏa biến sắc mặt trắng nhợt.

Y toan chuồn đi trong lúc hội đường dao động, song một bàn tay cứng như thép chụp tới.

Đương nhiên y nào dám tiếp bàn tay đó, y cấp tốc ngã người về phía hậu, một ý niệm phát sanh, y bỏ dở quyết định chuồn đi, toan làm một cái gì để hạ thủ Ngưu Thiết Oa.

Nhưng y nào biết cái chụp đó của Ngưu Thiết Oa chi đánh hư, còn thật ra gã đảo bộ vọt đến bên tả Vương Liệt Hỏa, đồng thời tay hữu móc qua liền.

Gã theo Châu Phương nhiều năm, học chẳng được bao nhiêu chiêu thức, song chiêu nào học được là gã khổ luyện chiêu đó thành ra lúc sau cầm như tùy ý mà phát xuất vừa nhanh vừa chuẩn vừa mạnh, hơn nữa lại rất kịp thời.

Vương Liệt Hỏa nằm mộng cũng không tưởng nổi một con người có thân hình hộ pháp mà di động lanh lẹ như bóng ma, mà thủ pháp cũng ảo diệu phi thường...

Y biến sắc không còn dám nghinh tiếp một chiêu công nào của Ngưu Thiết Oa nữa, hấp tấp lùi lại.

Chậm mất rồi, bàn tay của Ngưu Thiết Oa đã chụp được y nhấc bổng y lên khỏi sàn đài.

Nhấc bổng Vương Liệt Hỏa lên Ngưu Thiết Oa không quăng y ra nơi nào cả, trái lại kẹp y dưới nách.

X Trọn khoảng đất bằng trên đỉnh Thái Sơn, một biển người đang nhao nhao nhí nhố trên đó, biển người trông thấy Ngưu Thiết Oa chế ngự được Vương Liệt Hỏa, bất giác hò reo lên vang dội.

Họ reo hò, họ hoan nghinh tài nghệ của Ngưu Thiết Oa? Họ khoái trá vì một tên gian hùng như Vương Liệt Hỏa bị chế ngự, bởi ai cũng phẫn hận họ Vương phủ nhận quy ước của cuộc so tài cấm dùng ám khí mà y vẫn sử dụng ám khí?

Họ reo hò vì cuộc chiến đấu chấm dứt mà họ sẽ được xem cuộc khác kế tiếp, hào hứng hơn...

Dù sao, thì một số lớn hoan nghinh Ngưu Thiết Oa rõ rệt.

Gã chẳng nhìn ai, chẳng nghe ai, gã ung dung bước xuống lôi đài, nách vẫn còn kẹp Vương Liệt Hỏa.

Gã chỉ lẩm bẩm:

- Tiểu tử! Ngươi toan giở thủ đoạn hãm hại họ Phan. Bây giờ ngươi nên tạ lỗi với họ Phan đi!

Đinh lão phu nhân nhìn Nhất Mộc đại sư, đại sư cũng nhìn bà, cả hai chẳng ai nói với ai một tiếng nào, song họ thừa hiểu là họ đồng có một tâm tưởng.

Cái tâm tưởng đó là trong đại hội đêm nay, có rất nhiều rồng nằm, cọp nấp...

Vạn Tử Lương cao hứng vô cùng, y nhìn theo bóng Ngưu Thiết Oa, lòng khoan khoái lạ.

Nhưng người cao hứng hơn hết là Phương Bửu Ngọc...

Còn gì thích thú hơn cho chàng là nhìn thấy nghĩa đệ dương danh trước quần hùng?

Càng nghe quần chúng reo hò, tán thưởng tài nghệ và tư cách của Ngưu Thiết Oa, Phương Bửu Ngọc càng thích thú. Hiện tại, chàng có cảm giác là mình phiêu phường nơi chín tầng cao...

Nếu chính chàng tạo được thành tích đó, thì chàng khiêm tốn chẳng dám nhận sự hoan nghinh của ai.

Nhưng nào phải chàng làm nên thành tích đó? Chính do người nghĩa đệ của chàng mà?

Chàng mừng quá tâm tư xúc động mạnh, chàng rơi lệ!

Khi niềm xúc động lắng dịu xuống phần nào chàng ngẩng mặt lên đài, mới hay là trận chiến thứ tư đã mở màn.

Đấu thủ trong trận này này Tiểu Hoa Thương Mã Thúc Tuyền và Vô Tình Công Tử Tưởng Tiếu Dân.

Cả hai đang đối lập, nghinh diện nhau.

Mã Thúc Tuyền vận y phục áo gấm, mặt trắng nhợt, rất đẹp.

Tưởng Tiếu Dân vận y phục rực rỡ, đầu đội mão ngọc, có khí thái hào sảng, anh liệt phi thường.

Cả hai có dáng dấp công tử phong lưu, xuất thân từ cửa ngọc nhà vàng chứ chẳng phải là những tay già dặn phong trần xuôi ngược khắp bốn phương trời đất nước, dọc ngang với ba thước kiếm mong tạo một thế đứng giữa dòng đời...

Giờ đây hai vị phong lưu công tử đang nghiêm ánh mắt nhìn nhau, bên trong chỉ muốn hạ nhau, nhưng bên ngoài giữ tròn lễ độ.

Họ nhìn nhau một lúc, chưa ai mỉm miệng cười duyên với ai mà ánh mắt họ đều dần dần lạnh lùng, trong cái lạnh lừng đó, từ từ sát khí bốc lên.

Mãi một lúc sau, Tưởng Tiếu Dân trầm lạnh giọng hỏi:

- Thật sự các hạ muốn động thủ?

Mã Thúc Tuyền bĩu môi:

- Lên đến đây rồi, không thật cũng bất buộc phải thật. Nếu chẳng thật thì còn lên đài làm gì? Lôi đài chứ đâu phải vọng nguyệt đài mà đưa nhau lên để cùng buông lung tình cảm?

Bên khóe miệng của Tưởng Tiếu Dân nửa nụ cười khinh miệt hiện ra, nụ cười đó rất nhanh để cho một câu nói thoát ra với trọn vẹn cái âm thinh thương hại:

- Các hạ làm sao đối phó với tại hạ nổi? Các hạ chẳng lẽ không biết sợ?

Mã Thúc Tuyền chừng như có đỏ mặt, màu đỏ thoáng lên lên rồi biến mất ngay.

Để lấy chút oai khí, họ Mã không đáp lời, mà lại quát khẽ:

- Các hạ không nên nói nhiều, ngôn ngữ duy nhất trên lôi đài, không do ba tấc lưỡi mà chính là ba tấc kiếm, đao!

Đoạn y buông gọn:

- Xem chiêu thức của tại hạ đây!

Ngân thương chớp lên, mũi thương đã bay sang Tưởng Tiếu Dân.

Mũi thương run run theo đúng tuyệt kỹ tạo thành trăm đóa hoa bạc chứng tỏ một thương pháp tân kỳ.

Cuộc đối thoại giữa song phương dù để cho cả hai nghe song quần hùng nghe lọt vì khung cảnh đã trầm lặng như cảnh chết.

Quần hùng nghị luận phân vân:

- Tiểu Hoa Thương Mã Thúc Tuyền đã bị Vô Tình công tử Tưởng Tiếu Dân nắm được chỗ yếu rồi sao? Nếu không thì họ Tưởng làm gì thốt lên câu đó? Và nếu không thì làm gì họ Mã thay đổi thần sắc?

- Họ Tưởng và họ Mã trải qua nhiều thế hệ, giao du mật thiết với nhau tình thân hơn ruột thì nếu họ Mã có yếu điểm nào thì họ Tưởng phải biết hơn ai hết!

- Tiểu Hoa Thương dù có thinh danh khá lớn trên đời, song ít khi hòa mình vào kiếp sống giang hồ, và cũng chưa hề làm điều gì đáng trách thế thì tại sao lại sợ lời hăm dọa của Tưởng Tiếu Dân?

- Ai biết được những gì bí ẩn giữa họ? Chúng ta cứ chờ xem!

Trên lôi đài, Vô Tình công tử cũng đã vũ lộng chiếc quạt bằng nang sắt, với chiếc quạt này y áp dụng được đấu pháp của phán quan bút, phần thủy thích, điểm huyệt quyết, điểm cương mâu, ngư tàng kiếm, đơn chủy thủ.

Một loại vũ khí gồm sáu đặc điểm phát huy sáu đấu pháp, đấu pháp nào cũng linh diệu, tinh kỳ sử dụng được loại vũ khí đó, hẳn phải là tay phi phàm vậy.

Cho nên, Tưởng Tiếu Dân dù còn nhỏ tuổi, thinh danh đã vang dội khắp sông hồ.

Tiểu Hoa Thương Mã Thúc Tuyền cũng chẳng phải tay vừa, ngọn thương vô cùng linh động tạo nên một bức tường quang bao bọc khắp mình, rộng ngoài một thước.

Chiếc quạt tuy có biến ảo, song khó lọt qua khỏi bức tường quang đó.

Tuy bức tường quang kín đáo, kiên cố không hề để cho chiếc quạt xâm nhập, song chiếc quạt vẫn gây nên một áp lực mạnh, dồn dần dần bức tường quang đó lui về phía hậu, dù quạt chẳng lọt đến bên trong, Mã Thúc Tuyền cũng bị lấn đất phần nào.

Nếu cứ kéo dài tình hình như vậy thì cuộc chiến đến bao giờ mới kết thúc? Muốn kết thúc cuộc chiến, Tưởng Tiếu Dân phải phá vỡ bức tường quang, nhập nội mới mong hạ độc thủ.

Mà Mã Thúc Tuyền thì thủ chứ không công, y loang ngọn thương vun vút, bức tường quang vẫn kín đáo như lúc đầu.

Luận về vũ khí, dài thì luôn luôn có lợi hơn ngắn, ngắn hơn một tấc là có nguy hiểm thêm một phần, cho nên hào kiệt anh hùng thích dùng dài hơn ngắn, đến loại kiếm họ cũng luyện trường kiếm chứ ít ai tập đoản kiếm, trừ những người có thân pháp cực kỳ linh hoạt hình vóc tương đối nhỏ, thì chọn đoản kiếm.

Về phương diện này nữ nhân chiếm đa số.

Khi chọn vũ khí điều cẩn yếu trong giao đấu là phải nhập nội, chứ cứ long bong ở bên ngoài thì chẳng làm gì được đối phương, trái lại còn hứng nhiều nguy hiểm bởi ở trong tầm hoạt động của vũ khí dài.

Cho nên, kiếm đã là một vũ khí dù có lợi mà cũng chẳng kém hại cho người sử dụng, thì một chiếc quạt lại càng có hại hơn.

Trong các loại vũ khí, thương là vật được xem như tổ, oai lực phi thường, một chiếc quạt gặp loại vũ khí tổ tông, tự nhiên bị khắc chế trầm trọng.

Giả như người sử dụng quạt trên xa tài nghệ của kẻ cầm thương thì người ấy thủ thắng là lẽ dĩ nhiên, còn như tài nghệ tương đồng hoặc kém, thì cầm chắc cái bại trong tay, và rất nhanh chóng.

Giờ đây trên lôi đài có hai loại vũ khí tối cường và tối hiểm gặp nhau, người sử dụng hai loại vũ khí đó, dám đối đầu nhau, hẳn họ có niềm tin mạnh vào sở trường và sở năng của họ.

Phàm người học võ thuật gặp một cuộc đấu như vậy chẳng khi nào bỏ qua mà không xem để học hỏi cái oai lực của vũ khí tổ, và cái linh diệu của vũ khí tối hiểm.

Quán hứng trố mắt theo dõi cuộc đấu vô cùng hào hứng, cuộc đấu càng hào hứng, họ càng hồi hộp.

Thoạt đầu nghe Tưởng Tiếu Dân hăm dọa Mã Thúc Tuyền mấy tiếng, họ nghĩ rằng Mã Thúc Tuyền chẳng đáng mặt tài ba, và rất có thể bại nơi tay Tưởng Tiếu Dân ít nhất cũng một lần.

Song nhìn vào cuộc đấu, họ nhận ra Mã Thúc Tuyền cũng có bản lĩnh phi thường, có kém chi Tưởng Tiếu Dân.

Như vậy Tưởng Tiếu Dân dựa vào đâu mà hăm dọa Mã Thúc Tuyền?

Rồi họ đặt nên giả thuyết, chỗ dựa của Tưởng Tiếu Dân hẳn phải ở một địa hạt khác hơn là tài nghệ.

Đặt giả thuyết rồi họ lại tự hỏi cái điều bí mật họ Tưởng sở thị đó là chi?

Tại bàn chủ tọa, Đinh lão phu nhân tặc lưỡi thốt:

- Vô Tình công tử đúng là vô tình! Hai gia đình Tưởng và Mã thân thiện với nhau qua nhiều thế hệ rồi, chứ nào phải mới quen biết nhau đầu hôm sớm mai đâu? Dù thế nào cũng phải nhượng nhau một chút cớ sao lại bức bách họ Mã như thế? Tuy đao kiếm là những vật vô tình, song còn tùy người sử dụng chứ?

Nhất Mộc đại sư thở dài:

- Mã thí chủ học được thương pháp bí truyền, song lại có chỗ yếu là khí lực rất kém, chiêu thức đánh ra mất cả oai lực, theo bần tăng biết thì phương pháp họ Mã chuyên phát huy mãnh lực, giờ đây Mã thí chủ lại kém cái mãnh lực đó, thì dù thương pháp tuyệt diệu đến đâu cũng khó thủ thắng nổi trước một đối phương ngang tài, chứ đừng nói là trên bậc. Bần tăng lấy làm lạ ngày trước, Mã Thần Thương hiển hách oai danh bao nhiêu thì ngày nay con trai lão ấy lại nhu nhược bấy nhiêu.

Đinh lão phu nhân đáp:

- Chỉ sợ bên trong...

Vừa lúc đó, Mã Thúc Tuyền quát khẽ một tiếng, điểm qua đối tượng nhiều loạt thương, gần như điểm đoạn. Những mũi thương đó xoắn tít quanh yết hầu Tưởng Tiếu Dân. Y sử dụng chiêu thức Thiên Hoa Loạn Sát Nhiễm Duy Ma, một chiêu bí truyền của họ Mã.

Tưởng Tiếu Dân không né tránh, đôi mắt nhìn trừng trừng mũi thương, chiếc quạt trong tay rung rung theo nhịp rung của mũi thương, nhưng chưa phát xuất.

Bất thình lình, y đưa đầu quạt lên.

Đầu quạt chạm vào mũi thương, gây nên sức va chạm mạnh hay yếu do đấu thủ, và đấu thủ nào yếu, hẳn phải bị chấn động.

Sức va chạm mạnh hay yếu, do công lực của đối thủ, chẳng phải vì quạt nhỏ hay thương dài.

Đúng như Nhất Mộc đại sư nhận xét, ngọn thương của Mã Thúc Tuyền tuy không tuột khỏi tay, song bị bật trở lên. Mã Thúc Tuyền cơ hồ không kềm cứng nổi.

Tưởng Tiếu Dân đã chiếm được tiên cơ, giả dĩ y lại là con người vô tình, khi nào lại theo đúng tinh thần thượng võ mà không lợi dụng cơ hội. Y gặc bàn tay, chiếc quạt xòe ra nhanh như chớp, y quạt chiếc quạt ngang đối phương.

Mã Thúc Tuyền kinh hãi cúi người xuống định nhường cho chiếc quạt quét qua bên trên.

Nhưng quét chiếc quạt đó, Tưởng Tiếu Dân cốt ý lấy đà để nhập nội, và sau khi Mã Thúc Tuyền hụp mình xuống là y đã đến sát bên cạnh rồi.

Đồng thời gian Tưởng Tiếu Dân đảo ngược chiếc quạt trở lại.

Một tiếng xoảng vang lên, quạt sắt chạm vào mão ngọc của Mã Thúc Tuyền, chiếc mão rơi xuống sàn đài, bật kêu thêm một tiếng xoảng nữa.

Hai cái chạm đó làm chiếc mão ngọc vỡ vụn...

Quần hùng nín thở theo dõi diễn tiến đó, trong khi mọi người nhóng đầu, nhìn lom lom trên đài, Tưởng Tiếu Dân hoành chiếc quạt từ bên trên giáng xuống.

Chạm phải chiếc quạt sắt đó, đầu của Mã Thúc Tuyền có là bằng đá cũng phải vỡ tan.

Và hiện tại, dù họ Mã cái tài độn mộ, độn thổ, cũng chẳng làm sao thoát kịp.

Nhưng thay vì cho chiếc quạt xuống luôn, Tưởng Tiếu Dân lại dừng tay nửa chừng rồi lùi lại mấy thước.

Đứng lại rồi, Tưởng Tiếu Dân rung rung chiếc quạt, đôi môi nhếch ra, nếu người nào làm thế hẳn phải vẽ nên một nụ cười, song cái nhếch môi của y chẳng thành nụ cười nổi.

Môi không vẽ thành nụ cười, đôi mắt của y ngời lên cái ý cười một lối cười của hạng người sâu sắc.

Tóc của Mã Thúc Tuyền tuột ra, tỏa tung tóe quanh hai đầu vai, phủ xuống lưng.

Lạ lùng thay, tóc rất dài, màu đen huyền óng mượt, màu tóc phản chiếu với màu da mặt. Tóc càng đen thêm mượt thêm, mặt càng trắng thêm, màu trắng có đượm vẻ hồng vì thẹn. Thẹn vì hại cũng có, mà thẹn mất mão cũng có.

Bỗng có kẻ kêu lên:

- Tiểu Hoa Thương Mã Thúc Tuyền là một thiếu nữ! Trời!

Quần hùng, cùng một loạt kêu lên:

- A! Thì ra đó là một điều bí mật của Mã Thúc Tuyền!

Mã Thúc Tuyền thẹn quá hóa thân thành hận, bất giác đổ lệ chan hòa. Nàng đưa ngọn thương lên, chĩa thẳng mũi vào Tưởng Tiếu Dân rít hờn:

- Ngươi tốt! Ngươi tốt lắm! Hừ! Ta không ngờ ngươi táng tận lương tâm đến thế! Hừ, ngươi dám đối xử với ta như vậy?... Ta hận ngươi! Ta oán độc ngươi...

Tưởng Tiếu Dân cười nhẹ:

- Tại hạ có làm chi cô nương đâu? Tại sao cô nương hận tại hạ? Oán độc tại hạ? Tại sao cô nương tự rước cái khổ vào ngươi? Thiết tưởng tại hạ chẳng làm chi quá đáng, bất quá muốn cho bằng hữu giang hồ biết rằng Tiểu Hoa Thương Mã Thúc Tuyền là một bậc anh thư điều đó nào phải là một cái khổ, nếu có khổ là tại cô nương quan trọng hóa vấn đề thôi! Quan trọng hóa vấn đề là tự rước cái khổ vào mình đấy?

Mã Thúc Tuyền dậm chân kêu lên:

- Ta là một nữ nhân thì đã sao? Ta chẳng dám cho mình là bậc anh thư, song nếu Tiểu Hoa Thương là một thiếu nữ thì có sao chăng? Thiếu nữ chẳng phải là một con người hay sao? Cho ngươi biết nam cũng vậy, nữ cũng vậy, cái gì nam làm được, nữ cũng làm được như thường. Ngươi lột trần chân tướng của ta cũng chẳng làm chi cả!

Tưởng Tiếu Dân cười lạnh:

- Nam có thể sống kiếp phiêu bồng, rày đây mai đó, lê gót khắp bốn phương trời, nữ tử làm được như vậy chăng?

Mã Thúc Tuyền hừ một tràng:

- Tại sao không được? Ai cho là không được?

Tưởng Tiếu Dân lạnh lùng:

- Trà trộn trong khách sạn nam nhân chung chạ với mọi người, nữ tử chung chạ nam tử được chăng? Gặp mùa viêm nhiệt, nam tử cùng nữ tử cởi trần bơi lội giữa suối mát, sông xanh, nữ tử chen chúc được chăng? Phải biết, khách giang hồ hiếu kỳ, nếu không nói đến một vài con dâm quỷ...

Mã Thúc Tuyền sợ Tưởng Tiếu Dân bộc lộ cả trây trúa vội hét lên:

- Câm! Câm ngay! Đó là những ngụy biện, đó chẳng phải là lý do chính đáng!

Tưởng Tiếu Dân không câm, cứ tiếp:

- Đó không phải là ngụy biện, đó không phải là lý do! Tại hạ cũng biết vậy cô nương! Tại hạ còn biết hơn nữa cô nương ạ! Tại hạ biết cô nương ngoài miệng thì cho rằng ngụy biện, lý do, nhưng trong thâm tâm thì cho là đúng, bởi cho là đúng nên cô nương mới lấy tên của vị huynh trưởng, cải dạng thành nam nhân cùng người tranh hùng.

Mã Thúc Tuyền giật mình:

- Việc đó thì... thì...

Nàng không cãi lý được nàng lại òa khóc lên rồi nàng dậm chân, mắng oang oang:

- Ngươi tốt! Tốt như một tiểu tặc! Ta sẽ trở về mách với mẫu thân người...

Nàng đưa tay che mặt nhún chân nhảy vọt lên không, phóng xéo xuống đài, lẻn vào đám đông đi luôn.

Quần hùng nghe lọt những câu đối đáp của họ, ai ai cũng lấy làm lạ cho thái độ của họ, và ai ai cũng khó nín cười.

Họ cười vì nàng dọa mét thóc với cha mẹ Tưởng Tiếu Dân, nàng lấy tư cách gì mà làm cái việc đó chứ?

Muốn làm như vậy ít nhất cũng là em gái, hoặc giả là một tiểu muội, nếu không là vị hôn thê bởi hành động đó chứng tỏ một sự nũng nịu của những kẻ được nuông chiều.

Cả một vùng rộng lớn quanh đài trường đang ngạt thở dưới sát khí bốc dậy từ mọi nơi, lúc đó nhân câu chuyện của Tưởng Tiếu Dân và Mã Thúc Tuyền bớt đi phần nào sự trầm tĩnh, nặng nề, trên môi mọi người đều có nụ cười, ánh mắt sáng hơn, và niềm cởi mở tạm thời đó được chuyền ra qua những tiếng xì xào bàn tán.

Tuy nhiên, tại bàn chủ tọa, ai ai cũng cố giữ vẻ trang nghiêm dù sự tình đáng được tán thưởng bằng một nụ cười.

Đinh lão phu nhân ho mấy tiếng để dồn tiếng cười trở xuống yết hầu đoạn tuyên bố:

- Người thắng trận thứ tư, là Vô Tình công tử Tưởng Tiếu Dân!

Bà đằng hắng, chờ cho mọi người chú ý hơn một chút, đoạn tiếp:

- Trận thứ năm, do hai đại hiệp Thiên Đao Mai Khiêm và Cự Linh Phủ Phương Trường Đông. Xin mời hai đại hiệp thượng đài!

*****

Nghe gọi đến Thiên Đao Mai Khiêm quần hùng đều im lặng.

Chừng như cái danh hiệu có oai lực làm khiếp người, cái danh hiệu đó tượng trưng cho một sự sắc bén, một sự nhanh nhẹn, một ý nghĩa sát phạt, một niềm tử vong!

Đao, là một vật chớp ngời đánh ra như làn sét hiện, rất chuẩn, rất xác.

Phủ, là một vật nặng to lớn, dĩ nhiên kém linh hoạt.

Phủ đã vậy cự phủ lại còn phải chậm chạp hơn, vì hình thức lớn phi thường, loại búa phá rừng, chém núi, tuy chậm nhưng lúc vung lên tạo nên một khí thế mãnh liệt, như beo đùa, như thác đổ, lợi ở chỗ chạm địch, bất cứ vũ khí nào cũng cố tránh chạm vào búa.

Gặp búa dù to, dù mạnh, đao lại nhanh nhẹn, búa chẳng chạm được đao, mà đao thì luôn bay tới tìm chỗ nhược thọc vào.

Đao tiện lợi hơn búa, đao lại do Mai Khiêm sử dụng thì cuộc đấu phải kết thúc nhanh chóng.

Cho lên, búa vừa chớp một đao đã chớp ba và Cự Linh Phủ Phương Trường Đông ngã nhào, quần hùng không hoan nghênh chi cả.

Bởi cuộc đấu chẳng tạo nên một hứng thú nhỏ, bởi quần hùng cầm chắc là Phương Trường Đông phải bại, và bại gấp.

Bất cứ cái gì xảy ra đúng với sự suy đoán của thiên hạ thì chẳng có ai lấy làm lạ, bởi nó thông thường quá do đó quần hùng cầm như chẳng có cuộc đấu thực sự, và họ dửng dưng để chờ xem tiếp.

Cũng có một người ít người thầm trách Cự Linh Phủ Phương Trường Đông cho rằng y quá háo danh, không tự lượng sức mình, đem sức con châu chấu toan đảm đương phần việc đẩy cỗ xe võ lâm qua xác chết của người kiếm khách áo trắng.

Vì lên đây, là tranh chức vị đại biểu võ lâm, danh dự của võ lâm sẽ được đặt trọn trong lòng bàn tay người đại biểu, đại biểu thắng được kiếm khách áo trắng là võ lâm còn. Đại biểu bại, là võ lâm tiêu diệt.

Cũng có một số người cho Mai Khiêm hơi tàn nhẫn, dù sao thì cũng phải nương tay cho Phương Trường Đông qua năm mươi chiêu để cho Phương vớt vát mặt mày hoặc giả nên đánh bại mà thôi, hà tất phải kết liễu một mạng người?

Mai Khiêm cố giữ gìn công lực để tiếp tục những trận đấu khác trong những vòng loại khác chăng? Rất có thể như vậy lắm.

Y lấy trong mình ra một chiếc khăn, lau kỹ hai bên đao thần sắc lạnh lùng.

Những người xuất hiện trên lôi đài, thắng cũng như bại, chẳng ai có gương mặt lạnh lùng như y, có thể bảo y là một con người máy, mà linh hồn do ác quỷ điều khiển.

Nhìn gương mặt đó, còn ai dám hy vọng nơi y một tình thương một sự đồng tình cho đến sự hãi hùng kinh khiếp cũng chẳng bao giờ hiện lộ nơi y.

Y là con người cử động như mọi người, lại không có tri giác như người!

Mẫu người đó nghìn năm trước vốn không, nghìn năm sau chắc chắn cũng không!

Nhất Mộc đại sư thở dài trầm trọng thốt:

- Ba nhát đao! Ba nhát thôi! Không thiếu nửa chiêu dư nửa chiêu!

Một con người không thích lãng phí công lực! Đến cả việc giết người cũng xuất phát vừa vặn công lực!

Đinh lão phu nhân tiếp:

- Đao pháp đó không xuất phát tại Trung Thổ!

Nhất Mộc đại sư gật đầu:

- Đúng vậy! Nếu bần tăng không đoán lầm, thì đao pháp đó từ miền Đông Doanh truyền sang Trung Thổ, và rất ít người học được!

Họ luận về đao pháp, so sánh vũ học của Trung Thổ và Động Doanh họ cho rằng Mai Khiêm có đấu pháp tương trợ với đấu pháp của Bạch Y kiếm khách.

Đinh lão phu nhân chờ cho các đại hán rửa máu, mang xác chết xuống dưới đài xong, đứng lên tuyên bố:

- Trận thứ năm, Mai đại hiệp thắng, sau trận thứ năm là trận thứ sáu, trận cuối cùng của vòng loại thứ ba...

Bà dừng lại một chút đoạn tiếp:

- Trận này, do đại hiệp Thiên Thượng Phi Hoa Lãnh Băng Ngự..

Bà lại dừng lâu hơn lần trước không tiếp nối liền.

Bà không nêu danh hiệu đấu thủ của Lãnh Băng Ngư.

Phương Bửu Ngọc chú ý lắng nghe song Đinh lão phu nhân chẳng nói gì thêm, chàng hết sức lấy làm lạ chẳng hiểu có sự trở ngăn nào khiến bà ngập ngừng. Bởi vì sao thì một cuộc đấu cũng phải gồm ít nhất là hai võ sĩ, tại sao bà chỉ nêu danh một người rồi im bặt.

Lãnh Băng Ngư điểm một nụ cười lạnh đứng lên, từ từ đến lôi đài lạnh lùng hỏi:

- Cứ theo sự hiểu biết của tại hạ thì sau khi vòng loại thứ hai kết thúc, chỉ còn mười một người. Mười người đã lần lượt giao tranh qua năm cuộc đấu, chỉ còn thừa lại một tại hạ. Cái kết quả này do sự bất thăm mà ra, chứ có phải là do tại hạ muốn được miễn trừ một cuộc đấu vì thiếu đấu thủ đâu? Dù muốn dù không cuộc đấu thứ sáu phải xem như thông qua, và người được chọn vào vòng loại thứ tư cũng phải là tại hạ.

Cớ sao phu nhân còn tuyên bố là cuộc đấu thứ sáu? Dám hỏi phu nhân, người sắp giao đấu với tại hạ là ai, từ đâu mà ra?

Đinh lão phu nhân đằng hắng một tiếng:

- Lời nói của Lãnh đại hiệp rất hợp lý, nhưng sở dĩ người sắp giao đấu với đại hiệp không có mặt tại đây, để tranh thắng qua hai vòng loại vừa rồi là vì người ấy đảm trách một sự việc vô cùng trọng đại cho võ lâm. Bởi cái việc đó người phải đến chậm, chứ một vị danh hiệp như người có khi bao làm một cuộc tính toán nhỏ nhen mà phải đến sớm hay đến muộn!

Lãnh Băng Ngư cười lạnh:

- Phu nhân nói gì, tại hạ thật tình chẳng hiểu nổi!

Y đảo mắt nhìn đài trường, như để phân bua với quần hùng về những lời y sắp nói ra, rồi y tiếp liền, chẳng đợi Đinh lão phu nhân giải thích:

- Dù đối thủ của tại hạ là một danh hiệp, và theo ý phu nhân, một danh hiệp khỏi cần phải tranh qua hai vòng loại dù người đó vì sự trọng đại của võ lâm mà đến chậm, thì người đó còn muốn tranh chấp làm gì, bởi có ai tin được là không có sự tính toán, chờ cho đối thủ mòn mỏi công sức mới vào cuộc? Phu nhân phải biết là tại hạ đã qua hai lần giao chiến mà người đó chẳng nhọc công chút nào, bỗng nhiên đem cái khỏe toan thủ thắng trước cái mệt thì công đạo ở chỗ nào? Đại hội hôm nay có quy ước, có luật lệ đàng hoàng mà chính phu nhân là một trong những người lập ra quy ước đó, bây giờ phu nhân lại phủ nhận là nghĩa làm sao?

Đinh lão phu nhân thở dài:

- Già nhìn nhận là có sai quy ước nhưng vì đại cuộc, cũng có thể cải sửa phần nào chứ? Chẳng lẽ vạch ra làm sao dù thấy không lợi cũng vẫn phải giữ y như vậy sao?

Lãnh Băng Ngư rùn vai:

- Sửa đổi quy ước hay không sửa đổi, đó là quyền của ban chủ tòa, tại hạ chỉ muốn lý do, tại sao vì con người đó mà sửa đổi quy ước. Người đó sở cậy vào việc gì? Uy thế? Thinh danh? Xin phu nhân giải thích!

Đinh lão phu nhân trầm giọng:

- Người đó vì thiên hạ võ lâm đã làm một việc vô cùng lợi ích mà việc làm đó lại đòi hỏi khí lực quan trọng, nếu so phần tiêu hao công lực giữa việc người đó đã làm và hai cuộc đấu của Lãnh đại hiệp già dám chắc là người đó có tiêu hao quan trọng khí lực hơn dại hiệp nhiều.

Cho nên già cùng Nhất Mộc đại sư và các vị trang chủ tòa đoàn, đều đồng ý quyết định, sắp cho người đó giao đấu trong trận thứ sáu này với đại hiệp!

Nhất Mộc đại sư chấp tay chữ thập thốt:

- Bần tăng và các vị này dám lấy danh dự bảo chứng lời nói của Đinh lão phu nhân! Lão phu nhân nói đúng sự thật đấy!

Một người thì chẳng nói làm chi, cả sáu người đều là những nhân vật được trọng vọng nhất đương thời tất cả cùng bảo chứng thì sự bảo chứng đó có giá trị phi thường.

Quần hùng định phản đối Đinh lão phu nhân phá lệ, thấy thế đều im thin thít.

Lãnh Băng Ngư đảo mắt nhìn quanh biết là mọi người đều tin tưởng nơi giám định, nên chẳng dám dựa vào công đạo mà phản đối sự vi phạm quy ước nữa.

Bắt buộc y phải xuôi theo và y trầm giọng hỏi:

- Nếu vậy dù muốn dù không tại hạ cũng chẳng thể làm khác hơn quyết định của các vị. Tại hạ xin hỏi cái người đó là ai? Và người đó bận việc gì cho đồng đạo võ lâm đến độ phải chậm trễ có mặt tại đại hội?

Đinh lão phu nhân đáp:

- Người đó có phận sự đến Đông Danh tra cứu lai lịch của kiếm khách áo trắng, vì hành trình khó khăn, nên trở về Trung Thổ không kịp lúc. Hơn nữa đến Thái Sơn rồi người đó còn phải ra sức tận diệt hơn mười tên ác tặc đang âm mưu hãm hại tất cả anh hùng tụ hội tại đây.

Người đó phải khổ chiến hơn một khắc thời gian mới hạ được bọn ác tặc!

Quần hùng nhao nhao lên, mỗi người hỏi một câu đại khái như thế này:

- Có truy ra lai lịch người áo trắng chăng?

- Bọn ác tặc đó là những tên nào? Dám mưu toan hãm hại chúng tôi?

Đinh lão phu nhân cười nhẹ:

- Nói đến danh tánh của người đó, có lẽ hầu hết các vị đều biết.

Còn như các vị muốn hiểu điều chi, tốt hơn nên để cho người đó tự hồi đáp với các vị!

Bà dừng lại một chút đoạn buông từng tiếng một trong khi hội trường im lặng chờ nghe:

- Người đó là Công Tôn Hồng đại hiệp!

Quần hùng kêu to lên, muôn người kêu nhưng cùng một câu nói:

- Công Tôn Hồng! Có phải là người được giang hồ tặng ngoại hiệu là Loạn Thế Nhân Long, thường sử dụng chiếc Thiên Long Côn một loại vũ khí ngoại môn đứng hàng nhất trong mười ba loại?

Đinh lão phu nhân nhìn thoáng qua Lãnh Băng Ngư đáp:

- Phải, có lẽ Lãnh đại hiệp cũng biết người đó?

Lãnh Băng Ngư xanh mặt nhưng vẫn lạnh lùng thốt:

- Chắc y cũng biết tại hạ!

Đinh lão phu nhân vốn là tay lão luyện giang hồ, hiểu rõ phản ứng nơi Lãnh Băng Ngư như thế nào, khẽ điểm một nụ cười rồi gật đầu hỏi:

- Nếu vậy Lãnh đại hiệp có bằng lòng giao thủ với Công Tôn đại hiệp chăng?

Lãnh Băng Ngư ngẩng mặt lên không bật cười cuồng dại.

Cười một lúc, y gằn giọng:

- Tại sao tại hạ chẳng bằng lòng? Chẳng lẽ tại hạ sợ y?

Y ngưng bặt tràng cười rồi cao giọng hỏi:

- Tại hạ có ý định từ lâu, tìm y để xem cho biết ai hơn ai kém, nhất là để hiểu cái lý do xếp hạng chiếc Phong Vân Thiên Long Côn của y trên ngọn Phá Vân Chấn Thiên Bút của tại hạ. Sự xếp hạng đó dường như không được công bằng.

Đinh lão phu nhân gật đầu. Bà nhìn xuống phía đài gọi to:

- Xin mời Công Tôn đại hiệp!

Từ trong đám đông, không xa đài trường lắm, một bóng người vút thẳng lên không. Chẳng kể khoảng cách từ mặt đài trở xuống đất, chỉ kể từ mặt đài trở lên trên, cái vút của người đó cao hơn bốn trượng.

Người đó lại nhếch một bên vai, chênh chênh mình, khi ngang sàn đài liền xuống tấn thiên cân trụy, đáp ngay trong khoảng giữa Lãnh Băng Ngư và bàn chủ tọa.

Người đó là một đại hán thân hình vạm vỡ, tóc rối bù, trừ chót mũi ra, toàn gương mặt đều có râu ngắn xồm xoàm.

Râu đen, làn da đỏ, trông y như một vầng lửa từ ngang trời lao xuống.

Đôi mắt của y sáng lạ lùng mà cũng to phi thường, đôi mắt phải to mói cân xứng với thân vóc vĩ đại.

Chiếc áo của y rách bươm, hai ống quần xắn lên khỏi gối bày ra hai chiếc chân hộ pháp, cũng đỏ như hai chân đồng, toàn thân bùn đất bám đầy, nhất là đôi giày trăm lỗ như bết đất nhão cho bít lỗ trống.

Trạng thái đó ở nơi bất cứ ai cũng tạo nên cái vẻ xác xơ bẩn thỉu, tiều tụy, nhưng ở y lại chẳng làm kém giảm mảy may oai khí của một người hùng.

Nếu nhìn kỹ một chút hẳn thấy phảng phất một cái gì tôn quý bốc từ người y, như diệu tướng của một nhà lãnh đạo linh hồn, hoặc khí tượng của một người nắm quyền thống trị.

Bàn tay tả cầm một chiếc côn bằng gỗ dài độ ba thước, gỗ màu đen song được y sờ mó vuốt ve qua nhiều năm tháng, gỗ bóng loáng lên như có phết qua một lượt dầu.

Bàn tay hữu cầm một chiếc bọc, chẳng rõ có vật gì trong bọc, theo động tác của y những vật đó chạm nhau kêu lọc cọc. Từ trong bọc, có một chất nước rỉ ra, không rỉ nhiều nhưng rỉ đều đều, chỗ y đứng lại đúng nơi Phương Trường Đông ngã gục, các đại hán túc trực rửa máu, chưa khô sàn, những giọt rỉ đó rơi xuống gặp ván ướt lan ra, tạo thành những đốm hoa màu đỏ.

Những người đứng gần đài, giật mình kêu lên:

- Máu! Máu từ trong bọc chảy ra!

Ai kinh ngạc vì máu, mặc ai, Ngưu Thiết Oa chỉ với ý nghĩ riêng của gã, hét lên oang oang:

- Tiểu huynh đệ! Có vậy mới xứng đáng chứ? Phàm là nam tử thì phải có thân hình hộ pháp chứ? Xuống đây, xuống đây! Chúng ta đọ xem ai cao lớn hơn ai nào?

Dĩ nhiên người đó chính là Công Tôn Hồng.

Đưa cánh tay lên, quét vội qua mặt lau mồ hôi, Công Tôn Hồng nâng bổng chiếc bọc lên cao, hướng xuống đài cao giọng hỏi:

- Các vị có muốn xem vật gì bên trong chiếc bọc này chăng?


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-60)


<