Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Ác Hán - Hồi 273

Ác Hán
Trọn bộ 298 hồi
Hồi 273: Loạn cục
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-298)

Lữ Bố chính là chiêu thứ hai của Đổng Phi.

Chiêu này rất khéo, Lữ Bố ra tay, người toàn thiên hạ đều cho rằng đó là do Tào Tháo làm, thậm chí nghĩ Tào Tháo đã liên thủ với Đổng Phi. Vậy Tào Tháo có tiếp chiêu không? Tiếp chiêu thì hắn phải đối diện với Nhị Lưu liên minh. Không tiếp chiêu, hắn vẫn phải đối diện với Nhị Lưu liên minh. Đây là cục diện bế tắc, Lữ Bố xuất kích, Tào Tháo muốn hay không cũng phải đối diện với một trận ác chiến.

Tào Tháo nghĩ tới đó cười khổ nhìn các mưu sĩ, bày ra vẻ mặt không biết làm gì hơn:

- Tên bỉ phủ này ngày càng ác độc rồi.

Tuân Úc trầm ngâm nói:

- Thừa tướng, Lữ Bố mưu phản, Nhữ Nam để trống. Trước đó Lưu Bị vì sợ danh Ác Hổ không dám vào Nhữ Nam nửa bước. Hiện không có Lữ Bố, e Lưu Bị sẽ xuất binh Nhữ Nam, chúng ta không thể xem nhẹ.

Tào Tháo phất tay bảo hắn yên tâm:

- Ta đã lệnh Thái Dương ngay trong đêm về Nhữ Nam, chuẩn bị binh mã. Vấn đề hiện giờ là giải thích với Lưu Biểu ra sao?

- Chỉ sợ giải thích cũng vô ích.

Tuân Úc lắc đầu:

- Tên bỉ phu đó ra độc kế là để Lưu Bị có cơ hội. Lưu Bị là gian hùng đương thời, trước đó hắn không kiếm chác gì được ở Giang Đông, nay thời cơ tốt như vậy để lấy Nhữ Nam, hắn nhất định thuyết phục Lưu Biểu liên thủ đấu với chúng ta. Điều hạ quan lo không phải Lưu Bị mà là Viên Bản Sơ.

Sắc mặt Tào Tháo ngày càng khó coi:

- Tử Kính, Công Đạt vì sao không nói gì?

Lỗ Túc và Tuân Du nhìn nhau nở nụ cười khó coi hết sức, tựa hồ đều thấy đáp án không hay ho gì trong lòng đối phương.

Lỗ Túc lên tiếng đầu tiên:

- Chủ công, Túc nghĩ Đổng Phi sở dĩ liên tục dùng thủ đoạn, đầu tiên Lưu Chương vô cớ mà chết, rồi Bàng Thống tập kích Giang Du, Lãng Trung mất một cách bí ẩn đã đành. Mà tới khi đại chiến kết thúc, chết toàn là thân tín của Lưu Chương, đại tộc đất Xuyên gần như không tổn thất.

Tào Tháo giật mình:

- Công Đạt nói tiếp đi.

- Nếu như nói cái chết của Lưu Chương là bất ngờ, thì Lữ Bố làm phản là chuyện bất ngờ sao?

Tuân Du nói tiếp lời Lỗ Túc:

- Theo tin tức từ Nhữ Nam về, cùng lúc Lữ Bố xuất quân, gia quyến của hắn cũng biến mất. Thừa tướng, đây tuyệt đối phông thể là thủ đoạn của Đổng Phi.

Đám Y Tịch, Mãn Sủng đều trầm tư.

Lỗ Túc nói:

- Chúng ta rất hiểu thủ hạ của Đổng Phi. Trần Cung giỏi ứng phó, song không có bản lĩnh dự liệu, bài bố. Từ Thứ, Bàng Thống có kỳ mưu, song chiêu số dồn ép từng bước lại không phải phong cách của bọn họ. Lý Nho giỏi âm mưu hiểm độc, những chẳng nghĩ ra được thủ đoạn cỡ này, còn những người khác như đám Cố Ung thì càng không thể có mưu âm độc như vậy. Chủ công, bỉ phu có người tài trợ giúp đấy.

- Người tài này là ai?

Tào Tháo đã ý thức được vấn đề thực chất.

Tuân Du chỉ biết lắc đầu:

- Không biết được người đó là ai, cho nên chúng ta không rõ quân cờ tiếp theo Đổng Phi đi như thế nào. Nhưng nhìn hết người bên cạnh Đổng Phi, không ai có thể có chiêu số như vậy. Chủ công, chúng ta phải tra xét rõ bên cạnh Đổng Phi còn có ai, nếu không sẽ rất bị động, mỗi bước đều lọt vào kế của Đổng Phi.

Tào Tháo cảm thấy rất đau đầu, khẽ vỗ trán, trước mặt hiện lên nụ cười nụ cười chất phác của Đổng Phi, bỉ phu kia, ngươi muốn làm gì?

*****

Trong xưởng Tây Bình, đám Mã Quân đều đang chăm chú nhìn Đổng Phi.

- Không tệ, không tệ chút nào, từng chữ rõ ràng, phân đoạn ngay ngắn... Ừm, Đức Hành, các ngươi làm tốt lắm. Mọi người năm qua đã vất vả rồi, có điều mong mọi người tiếp tục nỗ lực, mười ngày sau, ta cần 3000 bộ Lục Kinh Chú Sơ. Khương A, Thư viện Lộc Môn các cũng sắp xong rồi, đừng để lỡ thời gian.

Khương A là một quái tài, tuổi trên 40, nhìn rất phấn chấn, được Phí Ốc tiến cử, nay làm thiếu ti Tương Tố giám, phụ trách quy hoạch, mở rộng, thiết kế Trường An. Chủ yếu làm kiến trúc, dùng lời Đổng Phi mà nói, việc này rất béo bở.

Có điều Khương A không tham tài, cũng không có sở thích gì.

Không uống rượu, không háo sắc, chỉ thích những thứ cổ quái, hơn nữa còn rất luyến nhà, chưa bao giờ ra ngoài lêu lổng.

Nghe Đổng Phi nói, Khương A hành lễ:

- Thiên tuế yên tâm, tuyệt đối không để lỡ đại lễ.

- Vậy thì tốt lắm.

Đổng Phi cười híp mắt, cầm bộ sách còn chưa khô mực, thi thoảng lật vài trang, chữ nghĩa trong sách đều rất rõ ràng, cơ bản chỉ cần là người biết chữ là đọc được. Đem so với sách chép đọc thích hơn nhiều, còn thứ sách thẻ trúc đáng chết kia, Đổng Phi sớm đã không chịu đựng nổi nó rồi.

- Phải rồi, Đức Hành ngươi chủ trì Tây Bình phường cần lưu ý thu thập các loại sách vở. Từ Thương Chu tới Tần Hán, phàm là tác phẩm bách gia đều có thể in ấn, tam giáo cửu lưu, không cần cố kỵ gì. Có điều sau khi in xong mỗi bộ sách đưa tới Thừa Minh Điện mười cuốn cho vào hồ sơ. Quảng Nguyên, sách do ngươi phụ trách, phải phái người chuyên môn coi sóc, để lưu truyền đời sau.

Thạch Thao cũng cầm một quyển sách, kích động tới tay run run, gật như gà mổ thóc:

- Thiên tuế yên tâm, hạ quan sẽ an bài thỏa đáng.

Nghĩ một lúc lại hỏi:

- Thiên tuế, đây là chuyện đại lợi cho người đọc sách trong thiên hạ, song không biết cuốn sách này bán với giá thế nào?

Đổng Phi không đáp mà nhìn sang Mã Quân.

- Thiên tuế đừng lo, vấn đề giá thành, cùng một sách, in càng nhiều thì giá càng rẻ.

Đổng Phi nhắm mắt lại trầm tư chốc lát:

- Hai tiền, thế nào?

Thạch Thao hét lên:

- Thiên tuế, như vậy rẻ quá.

- Quảng Nguyên, ta đương nhiên có thể định giá mười tiền, trăm tiền, thậm chí ngàn... Nhưng vấn đề nhà có gia tài vạn quán có thể mua được, còn nhà bần hàn thì sao? Những người biết chữ song cơm còn chẳng no, có mua nổi không?

- Chuyện này...

- Nguyệt Anh trước kia phát minh thuật in ẩn này vì thuận tiện cho ta, nhạc trượng tán đồng nàng vì cái lợi cho sĩ tử thiên hạ. Vậy ta bán sách vì cái gì? Ta không muốn kiếm tiền, ta chỉ muốn tất cả những người muốn đọc sách muốn biết chữ trong thiên hạ đều có thể thoải mái đọc sách. Quảng Nguyên, hai đồng một quyển sách có lẽ quá rẻ. Nhưng đổi lấy sự cảm kích người đọc sách toàn thiên hạ, đổi lấy lòng bọn họ, chúng ta không lỗ.

Câu này như tiếng chuông Đại Lũ làm đám Thạch Thao chấn động.

- Hai đồng đổi lấy lòng người đọc sách thiên hạ... Ha ha ha, chủ công, trên đời này không còn ai tính toán được như người nữa.

Đổng Phi mỉm cười không đáp.

Đúng thế, nếu quả thực có thể như vậy, lần đầu tiên ta làm ăn đã lãi lớn rồi.

Đổng Phi bảo Mã Quân bọc sách lại, giao cho Lý Quỳ, Mã Lương:

- Trời không còn sớm nữa, ta phải về đây.

Nói rồi bước ra ngoài, đi được vài bước hỏi Khương A bên cạnh:

- Nghe nói hai ngày trước con ngươi đầy tháng, nhưng vì ngươi bận nên không tổ chức được. Đợi qua đợt bận này, ta sẽ đích thân bày tiệc, một mặt là mừng công cho ngươi, mặt khác là bù lệnh công tử. Ha ha ha, không thể xem nhẹ trẻ nhỏ, nếu không để lại ám ảnh tâm lý.

Khương A không biết ám ảnh tâm lý là gì, nhưng với thân phận của Đổng Phi hiện nay còn nhớ chuyện vụn vặt đó, làm hắn cảm động vô cùng.

- À phải, tiểu tử đó đặt tên chưa?

Đổng Phi thuận miệng hỏi:

Khương A gãi đầu ngại ngùng nói:

- Phiền thiên tuế rồi, hạ quan đặt nó cái tên, hạ quan cho rằng vạn sự đều cần pháp độ, cho nên đặt nó là tên Duy.

- Ừ, Khương Duy, không tệ...

Lời ra khỏi miệng Đổng Phi loạng choạng thiếu chút nữa thì ngã:

- Khương Duy? Không ngờ ngươi là cha Khương Duy?

Khương A ngạc nhiên nhìn Đổng Phi, không hiểu Khương Duy sao lại chọc giận thiên tuế.

*****

Lộc Môn các được xây ở trong Thái Bình phường đối diện với đại môn Vị Ương cung, lâu cao ba tầng, rường cột trạm trổ, mang theo vẻ cổ điển của tiền Tần.

Chủ nhân của Lộc Môn các tới từ Lộc Môn Sơn Tương Dương, Lộc Môn cư sĩ Bàng Đức công.

Trên tầng hai của lầu gác đặt từng chồng từng chồng Lục Kinh Chú Sơ được in ấn ra, cuốn sách này tập trung kinh diên giảng học lần cuối cùng của Lục Kinh bác sĩ Trịnh Huyền, được sĩ tử các nơi chỉnh lý lại. Nghe nói trừ mười mấy người tham dự biên soạn ra thì chỉ có Tào Tháo, Đổng Phi, Lưu Biểu là được tặng một bộ.

Tào Tháo là chủ Thanh Châu, lại học vấn rộng lớn, có hiền danh trong văn đàn.

Lưu Biểu từ thời Hán Linh đế đã là danh sĩ có tiếng thiên hạ, cho nên được một bộ.

Còn Đổng Phi được một bộ thì nằm ngoài dự liệu của rất nhiều người, từ nhiều phương diện mà nói, Trịnh Huyền đại biểu cho giai cấp sĩ nhân, đây là tín hiệu hòa giải của sĩ nhân với Đổng Phi. Bất kể trước kia sĩ nhân nhìn nhận Đổng Phi ra sao, sau khi y thắng liên quân ở Lạc Dương, thế lực Quan Trung ngày càng củng cố, đã mơ hồ có loại địa vị chính thống.

Lục Kinh Chú Sơ với Đổng Phi mà nói không có giá trị lắm.

Tuy nói y có một số thành tựu nhất định với cổ văn, song thực tế y vẫn không ưa loại sách vở này, đem lưu trữ là lựa chọn không tệ.

Song nếu như có thể khiến người thiên hạ đều có thể đọc được nó, hẳn Trịnh Huyền trên trời có linh thiêng cũng sẽ vô cùng vui vẻ.

Khi tấm màn bí mật của Lộc Môn Sơn được vén ra, ba nghìn cuốn Lục Kinh Chú Sơ trong một ngày được bán sạch sẽ.

Người xưa muốn đọc sách hoặc là mượn, hoặc thông qua thủ đoạn khác như sao chép để thỏa mãn nhu cầu của mình.

Nhưng nay không còn nữa, một quyển sách in chữ Triện hai đồng, dù là với người bình thường cũng không là gì. Một bộ sách tổng cộng 26 quyền, giá thống nhất có 50 tiền, làm sĩ tử Trường An trong ngày Lộc Môn Sơn mở cửa tức thì điên cuồng.

Đổng Phi đứng trên tầng ba Lộc Môn các, nhìn dòng người phía dưới, miệng nở nụ cười. Đây xem như một loại mở đầu tốt đẹp, tin rằng không lâu nữa sách do Lộc Môn các xuất bản sẽ trải khắp Đại Giang nam bắc.

Đọc sách không còn là quyền lợi riêng của thế tộc môn phiệt nữa.

Lý Quỳ ôm một bộ sách, cung kính đứng sau lưng Đổng Phi, hắn và Mã Lương đều là người đọc sách, sao không nhận thức được khổ công trong đó của Đổng Phi, nhìn bóng lưng hùng sư đó, mà mắt ướt nhòe, việc làm này của Lương Vương, mang tới đại lợi cho người đọc sách thiên hạ.

- Được rồi, chúng ta đi thôi.

Mã Lương nói nhỏ:

- Thiên tuế, một lát nữa Lộc Môn cư sĩ còn mở kinh diên ở tầng hai, người không tham gia à?

Đổng Phi không nhịn được cười:

- Ta tham gia làm cái gì, nói cũng không lại bọn họ, so với ngồi đó luận đạo, chẳng bằng làm ít việc thực tế. Hơn nữa ta nghĩ những lão tiên sinh cũng không vui vẻ gì khi thấy ta đâu.

- Vậy bây giờ?

- Bọc sách lại, ta đi Bách Lương Đài cận kiến thánh thượng.

Cho dù Đổng Phi không thích Phật giáo, nhưng không thể xem thường cảm thụ của Lưu Biện, huống hồ y lệnh người đề chữ ở trong Lộc Môn Sơn là: Hải nạp bách xuyên (Biến chứa trăm dòng). Một số việc chẳng thể làm bừa theo hứng thú của y, chỉ cần nắm được trong tay thì học thuyết gì cũng được.

Lộc Môn các mở cửa hơn một tháng, cũng náo nhiệt suốt ba mươi ngày.

Cùng với việc sĩ tử Trường An thỏa mãn được sách vở mà họ cần, Lộc Môn các dần yên tĩnh lại. Sau đó Tây Bình phường không ngừng in ra các loại sách đưa tới Lộc Môn các. Chỉ cần người đọc sách biết chữ nhiều lên, thanh danh của Đổng Phi càng lớn.

Quan Đông thì trở nên hỗn loạn.

17 ngày sau khi Lữ Bố đánh vào Nam Dương, Lưu Bị đột nhiên xuất binh, lấy Quan Vũ làm soái, Hứa Du làm quân sư, chinh phạt Nhữ Nam.

Binh tới dưới thành, Quan Vũ chém Thái Dương, Lưu Diệp đại bại, lấy chỗ hiểm yếu của hẻm Hắc Lư, dựng lên một đạo phòng tuyến, tử chiến đánh lui quân Quan Vũ.

Có điều Lưu Diệp cũng không thể lui được nữa.

Nếu lui, cửa vào Toánh Xuyên sẽ mở ra, Quan Vũ thậm chí có thể đánh vào Hứa Xương. Tháng 4, Tào Tháo lệnh Hưng quốc tướng quân Tào Nhân dẫn mười vạn binh mã, lập phòng tuyến ở một dải Hạng Huyền và Chinh Khương, đồng thời phái sứ thần tới Kinh châu giải thích với Lưu Biểu.

Nghiệp Thành, Ký Châu.

Tư Mã Lãng đủng đỉnh nói:

- Viên công, Tào tháo soán quyền, lập Ngụy đế là hành vi của quốc tặc. Nay Bái quốc không cam lòng thấy hoàng thất hổ thẹn, nên phái binh Nhữ Nam. Tiểu thần trước khi đi sứ, Huyền Đức công không ngừng dặn, thấy Viên công phải hết sức cung kính. Lúc Huyền Đức công nguy nan, được Viên công thu nhận, tới nay vẫn ghi nhớ trong lòng. Thế nên nay xuất binh đánh Tào, cũng không quên Viên công.

Viên Thiệu mặt âm trầm cười lạnh:

- Không dám quên? Lưu Huyền Đức thật là có lòng. Chỉ e không có sức đối phó với Tào Mạnh Đức, muốn ta phái binh hiệp trợ chứ gì.

Tư Mã Lãng nghiêm mặt nói:

- Viên công, lời ấy sai rồi. Huyền Đức công tuy không bì được với Tào Tháo, nhưng hợp lực với Lưu Kinh Châu, cũng đủ sức đánh. Nay giang sơn Hán thất ta, ngoài có quốc tặc hoành hành, trong có gian thần nắm quyền, chính là lúc chúng ta thể hiện tài năng, báo đền quốc gia. Viên gia bốn đời tam công, một lòng trung thành với Hán thất, ấy là điều ai ai cũng biết. Huyền Đức công từng nói, phục hưng Hán Thất, ngoài Đại tướng quân thì còn ai....

Đổng Phi hùng cứ Quan Trung, Hoàng Thống chuyển vào Trường An, Viên Thiệu chỉ còn cái hàm tư không, danh Đại tướng quân bị phế trừ, làm Viên Thiệu cực kỳ khó chịu. Nhưng làm được gì nào? Đánh à? Tuyệt đối không đánh lại Quan Trung.

Nghe Tư Mã Lãng gọi mình là Đại tướng quân, Viên Thiệu lòng

Có điều muốn hắn xuất binh thì không thể, dù sao vừa mới đại chiến một trận với Tào Tháo, Đại kích sĩ đang gây dựng, nguyên khí chưa phục hồi.

Tư Mã Lãng nói:

- Nếu Đại tướng quân nguyện ý, Huyền Đức công và Lưu Kinh châu sẵn lòng theo hiệu lệnh. Thanh Châu tiền lương nhiều, nhân khẩu lắm. Đại tướng quân có thể lấy hai vùng Thanh Duyệt, đánh bại Tào Tháo, rồi nghênh đón thiên tử, được hết thiên thời, chẳng tuyệt lắm sao?

Lời này nói rất hàm hồ.

Là thiên tử nào, ở Hứa Xương hay Trường An?

Song Viên Thiệu động lòng, dù mặt không lộ ra chút nào, nhưng ánh mắt hòa hoãn hơn.

Tư Mã Lãng là hậu dệ Tư Mã gia bốn trăm năm, trải qua nhiều kiếp nạn, bản lĩnh nhìn mặt đoán y là sỗ một, thoáng cái thôi đã nhìn ra rất nhiều manh mối.

- Huyền Đức công nguyện thuyết phục Lưu Kinh Châu phối hợp hành động với Đại tướng quân. Tới lúc đó Đại tướng quân chiếm ba châu Quan Đông, chún ta xuất binh từ Toánh Xuyên. Tào Tháo làm sao kháng cự nổi? Thời cơ mất rồi không tới nữa, mong Đại tướng quân cân nhắc rồi định đoạt.

Ý tứ biểu đạt rõ ràng, tiêu diệt Tào Tháo, Thanh Châu và Duyệt Châu thuộc về ngươi, bọn ta và Lưu Biểu chia đôi Dự Châu.

Nếu như xuất hiện cách cục này, Viên Thiệu chiếm cứ địa vị bá chủ Quan Đông. Loại dụ hoặc này làm tin hắn đập thình thịch.

Phải nói là Viên Thiệu bất mãn với Tào Tháo từ lâu rồi.

Con cháu hoạn quan, bằng vào cái gì mà chiếm cứ ba châu? Còn tên Đổng Phi, chẳng qua là Lương gia tử, dựa vào cái gì mà ăn trên ngồi chốc? Ta, Viên Bản Sơ, xuất thân bốn đời tam công, người thiên hạ ai nghe tên ta mà không võ tay tán thưởng? Khi ta làm ti đãi giáo úy, Tào Tháo, Đổng Phi chỉ là hạng thảo dân.

- Lúc này để cho ta nghĩ đã, Tư Mã tiên sinh tạm ở lại phủ, khi có tin tức ta sẽ thông báo với tiên sinh.

Tư Mã Lãng cười:

- Thịnh tình của Đại tướng quân, Lãng vô cùng cảm kích. Có điều chuyện binh nặng nề, phải sớm ngày về Từ Châu, nếu không không còn kịp nữa.

Hàm ý là ngươi mau hành động đi, nếu không đợi bọn ta đánh bại Tào Tháo rồi thì không còn được gì đâu.

Tiễn Tư Mã Lãng đi rồi, Viên Thiệu bắt đầu tính toán.

Chốc lát sau hắn lệnh người gọi đám Điền Phong, Chu Linh tới thương lượng.

- Ta muốn dốc hết quân Ký Châu đoạt lấy hai châu Thanh Duyệt, Tào Tặc ăn trộm quốc thổ, là hạng hại nước hại dân, các vị thấy sao?

*****

Điền Phong cuống lên, trước đó Viên Thiệu đổi lương thảo lấy chiến mã làm ông ta không vừa lòng. Đúng là ngựa thì vô cùng quan trọng, nhưng có thể dùng tiền và thứ khác trao đổi, sao lại dùng lương thảo? Tiền lương Ký Châu nhiều thật đấy, song không chịu nổi dày vò kiểu này.

Đợi tới mùa thu là lương thảo Ký Châu khôi phục lại, song lỡ có gì sơ xuất, thì kho trống rỗng mất rồi.

Hơn nữa lương thảo cho ai chứ không thể cho Đổng Phi, đó là một con hổ, nó vốn đang đói, đợi nó ăn no rồi sẽ xử lý Viên Thiệu ngươi, lúc đó ngươi làm sao?

Đạo lý thì không sai, song Điền Phong không biết nghệ thuật nói chuyện, đối chọi với Viên Thiệu. Mà Viên Thiệu là người thích thể diện, làm sao chịu được lời nói khắc bạc chua ngoa như thế.

Nên ngựa vẫn mua, Điền Phong ngươi không đi làm việc của mình, quản ta giao dịch với ai làm gì? Không có chiến mã, sao đối đầu với Tào Tháo. Dù giao phong với Đổng Phi, không có kỵ binh cường đại, sao đánh nổi mấy chục vạn đại quân Quan Trung?

Đúng là cái thứ hủ nho.

Nay Điền Phong nghe tin Viên Thiệu muốn đánh Tào Tháo, lại cuống lên:

- Chủ công, vạn lần không thể.

Viên Thiệu lòng không vui, nhíu mày trầm giọng hỏi:

- Vì sao không thể?

- Tào tháo tuy là quốc tặc, nhưng hùng cứ Quan Đông, tuyệt đối không thể đối địch. Có Tào Tháo, đủ chia sẻ phần lớn áp lực cho chúng ta, Tào Tháo không còn, chủ công phải một mình đối diện với Đổng tặc. Nay Ký Châu suy yếu, là lúc phải nghỉ ngơi dưỡng sức, bảo tồn thực lực. Lỗ mãng xuất binh, chưa nói có thắng được hay không, dù thắng, chả lẽ Đổng tặc ngồi yên?

Xem ăn nói kìa, đám Chu Linh Cao Lãm cười khổ, ông già ơi ăn nói nhu hòa một chút không được à, ông nói thế chẳng phải làm chủ công nổi giận sao?

Tần Bì và Thẩm Phối im lặng, do dự một lúc nhưng không đứng ra nói cho Điền Phong.

Viên Thiệu quả nhiên nổi giận: Lão già, đầu tiên là nguyền rủa Ký Châu gặp chuyện không hay, giờ còn nói ta không bằng Tào Tháo, đâu không lại Đổng Phi?

Cố nén giận, nói:

- Nguyên Hạo, ông không hiểu chuyện binh, đừng có xen vào. Chuyện này ta đã quyết rồi.

Điền Phong quỳ xuống đập đầu:

- Chủ công, không thể xuất binh, không thể xuất binh. Lưu Bị là hạng gian hùng, đó là con sói ăn không biết no. Làm sao có thể tin hắn? Nhớ lại trước kia hắn đi Từ Châu, Phong không đồng ý, nhưng chủ công không nghe. Kết quả hắn mang theo mấy vạn nhân mã của người, còn chuyện Tự Thụ, Hứa Du. Chủ công quên rồi sao, Lưu Bị đang tính kế người đó! Người và Tào Tháo đánh nhau lưỡng bại câu thương, tới khi đó hắn làm ngư ông đắc lợi. Sao chủ công không hiểu.

Đó là những lời gan ruột, song trung ngôn nghịch nghĩ, Viên Thiệu không chịu nổi nữa.

Lưu Huyền Đức là con sói ăn không biết no? Còn Điền Phong ngươi, ăn bổng lộng cho ta, lại không làm việc vì ta, ta bảo ngươi tra nội tặc, tới nay chẳng có động tĩnh gĩ, còn đùn đẩy mãi. Những lời vừa rồi rõ ràng chửi ta là thẳng ngốc, bị Lưu Bị chơi đùa.

- Điền Phong, đừng nói nữa, ta thấy ông gần đây mệt rồi, hẵng về nghỉ đi. Người đâu, đưa ông ta về nhà.

Khôi Nguyên Tiến dẫn mấy Kỹ kích sĩ tới, xách ông ta ra ngoài.

Điền Phong còn định tranh luận, nhưng Khôi Nguyên Tiến nói nhỏ:

- Điền tiên sinh, ngài đừng nói nữa! Không thấy chủ công sắp nổi giận à? Tiên sinh về đi, chủ công hết giận rồi, tất nhiên tới tìm ông.

Điền Phong ở ngoài đấm mặt đất:

- Trời quên Ký Châu, trời quên Ký Châu rồi.

Câu này bị người ta nghe thấy, đêm hôm đó Viên Thiệu sai người bắt giam Điền Phong.

Đuổi Điền Phong đi rồi, Viên Thiệu nhìn mọi người:

- Chuyện xuất binh cứ quyết định thế, mười ngày sau ta đích thân dẫn đại quân, Cao Lãm Hàn Quỳnh theo quân nghe lệnh. Tần Bì, tới Trường An một chuyến, giao dịch chiến mã với Đổng tặc. Trận này nhất định phải đánh bại Tào A Man.

- Chủ công anh minh.

Mọi người đồng thanh hô, nhưng trong lòng nghĩ gì thì không ai rõ.

Nói ra thì do Điền Phong hại Viên Thiệu, Viên Thiệu là người lắm mưu nhưng hay do dự, nếu Điền Phong không nói lời kia thì Viên Thiệu đã bình tĩnh lại, không dám đánh Tào, song vì lời Điền Phong thành cố chấp đánh Tào thể hiện là mình đúng.

********

Trời mùa hè, nói đổi là đổi, vốn đang nắng chói chang, chớp mắt một cái mưa đã ào ào đổ xuống.

Tâm tình của Tào Tháo cực tệ, thời cuộc biến đổi quá nhanh, nhanh tới mức làm hắn và đám mạc liêu ứng phó không kịp.

Lưu Biểu tháng hai đại bại, chưa nói mất Lưu Bàn, thủy trại Công An cũng bị đánh úp, thủy sư của Thái Mạo đại bại, phải lui khỏi Võ Lăng. Một dải thủy vực Vân Mộng Trạch bị Cam Ninh nắm giữ.

Đó là tin tức xấu.

Nhưng tiếp theo là tin tức tốt, Lưu Tuấn lui vào Nam Trung, mượn 8 vạn man quân của Man vương Mạnh Đan, đánh trả Tây Xuyên.

Có điều Bàng Thống sớm đã đề phòng, chặn đứng quân Nam Man. Mà vào tháng 3, phó đô đốc Vô Nan quân Cổ Long đột nhiên mắc bệnh qua đời.

Thành Đô tức thì thành quần long vô thủ.

May mà Đổng Phi đã điều Từ Vinh vào Xuyên, có điều chưa thiết lập châu mục, mà lệnh Từ Vinh làm đô đốc quân Tây Xuyên, quản lý binh sự Ích Châu. Còn chính sự Thành Đô do thái thú Hán Trung Diêm Phố quản lý.

Ít nhất trong thời gian này, Vô Nam quân khó rời Xuyên.

Nhưng cảnh đẹp không dài, Lưu Biểu chưa kịp thở phào thì thái thú Hoàng Sa Phan Khởi bị Hoàn Giai khuyên hàng Quan Trung. Tiếp đó Sơn Việt tập kích Quế Dương, thái thú Lưu Độ bị thủ lĩnh Sơn Việt Hề Ni giết. Nhưng quân Sơn Việt bị Trương Nhiệm thôn tính.

Ngũ Khê Man sau khi ổn định Võ Lưng, cờ hiệu chỉ vào Linh Lăng.

Thái thú Linh Lăng Hướng Lãng mở thành đầu hàng, Trương Nhiệm chẳng tốn một giọt máu lấy được Linh Lăng. Lưu Biểu hay tin, hộc máu tại chỗ, bắt cả nhà Hướng Lãng vào nhà lao, nếu chẳng phải Khoái Việt ngăn cản, ông ta đã giết người rồi.

Bốn quận Kinh Nam mất sạch.

Sau đó lại là một tin tức tốt, Tôn Sách không ngờ bỏ hiềm khích xưa, lệnh Chu Du làm đô đốc thủy quân, xuất binh Kinh Châu, hiệp trợ Lưu Biểu. Sau khi ba vạn thủy sư đánh vào Kinh Châu. Cam Ninh thua liền ba trận, phải rút lui.

Biến hóa thật nhanh.

Tào Tháo còn đang cảm khái thì Đổng Phi lại lập Lộc Môn các ở Trường An, làm người đọc sách thiên hạ không ai không khen ngợi.

Đang nghĩ cách giảm bớt ảnh hưởng của chuyện này với Hứa Xương thì ở Nam Trung, Bàng Thống đánh bại binh mã Mạnh Đan. La Mông, Trương Duệ bắt sống Lai Mẫn, Tần Mật của Lưu Tuấn. Đại tướng Nghiêm Nhan chém đầu hai tướng Lưu Hòa, Ngô Ý. Lỏa Bối rời thành đầu hàng.

Chẳng lẽ Vô Nan quân sắp rời Xuyên.

Khi Lưu Biểu, Tôn Sách, Tào Tháo đang lo lắng khiếp đảm thì Bàng Thống làm một quyết sách không ai hiểu. Bàng Thống làm quân sư, Nghiêm Nhan làm phó tướng, La Mông làm tiên phong, đầu tháng năm đem quân đi đánh Man vương Mạnh Đan.

Tào Tháo thực sự hồ đồ rồi.

- Các vị, ai có thể nói cho ta biết, vì sao Vô Nan quân không đi chi viện Võ Lăng, mà lại tới Kiến Ninh, chúng làm thế là sao?

Lỗ Túc không nói, Tuân Du nhíu mày.

Mọi người ai nấy mặt mày nhăn nhó nhìn nhau, chẳng hiểu Vô Nan quân giở trò gì.

- Lấy bản đồ ra đây.

Lỗ Túc và Tuân Du đồng thời lên tiếng, cả hai nhìn nhau cười.

Có thân vệ mang bản đồ lên treo trên tường, Tào Tháo cũng đi tới xem, chốc lát sau thở dài:

- Ta hiểu rồi, mưu tính này của bỉ phu thật độc.

Lỗ Túc và Tuân Du nhìn nhau cười khổ:

- Từng bước từng bước một, Đổng Tây Bình chơi chiêu này rất hiểm, nhưng cũng rất độc. Người tính mưu cho y đúng là không bỏ sót điều gì. Nếu bọn họ thành công, e hậu viện của Tôn Bá Phù khó yên.

- Thế là sao?

Tuân Úc đi tới nhìn bản đồ, không hiểu:

- Văn Nhược, nếu ta không sai, Đổng Phi muốn mở một con đường, sau đó đánh tới Giao Chỉ, công chiếm Giao Châu.

Tuân Úc nghi hoặc nói:

- Từ Kiến Ninh tới Giao Chỉ đâu phải dễ, chưa nói cái khác, quân nhu sao bổ xung được, huống hồ y đánh Kiến Ninh, dù có thắng Nam Man thì binh lực tiêu hao cũng rất lớn. Lấy binh mỏi đi đánh Giao Chỉ, đúng là hoang đường.

*****

Lỗ Túc trầm giọng nói:

- Nhưng nếu bọn chúng thu phục được Nam Man thì sao? Trương Nhiệm bắt sống Hề Ni, lại có Man vương Sa Ma Kha, đủ để kiềm chế thủ quân Thương Ngô tới Úc Lâm. Tới khi ấy chỉ cần Nam Man sẵn sàng cung cấp binh lực, một đội kỳ binh đủ để thuận Hồng Hà, đánh vào Giao Chỉ.

Tuân Úc nghe vậy ngây ra như phỗng.

Ông ta không tinh thông việc binh, không có nghĩa là ông ta không hiểu. Nếu không khi Biên Chiêu tạo phản ở Duyệt Châu, ông ta đã chẳng thể dùng số binh lực ít hỏi, thủ vững Bộc Dương. Lỗ Túc nói rất có khả năng, nhưng vô cùng mong manh. Chưa nói bình định Nam Man tốn rất nhiều thời gian, mà suy nghĩ này, e bất kỳ người bình thường nào cũng không nghĩ ra.

Tào Tháo cắn răng:

- Bỉ phu không phải kẻ tầm thường, đám thủ hạ của hắn giống hắn, kẻ nào cũng hoang đường, cuồng vọng.

Nói thì nói thế, nhưng Tuân Úc nghe ra sợ hãi trong lòng Tào Tháo:

- Thừa tướng.

- Ta không sao.

Tào Tháo tỉnh táo lại:

- Lập tức lệnh người tới Giang Đông, nói với Tôn Sách, bảo hắn chú ý an nguy của Giao Chỉ. Là kẻ nào bày kế cho bỉ phu đây?

Tuân Du nói:

- Thừa tướng, Du phái người nghe ngóng ở Quan Trung mấy tháng, nhưng không có kết quả. Có điều hiện có chút suy đoán.

- Ồ, nói xem.

- Người này nhất định được Đổng Phi cực kỳ tín nhiệm, hơn nữa theo Đổng Phi không ngắn. Nghe nói Bàng Thống là huynh đệ của Đổng Phi, vậy mà một câu nói của người đó, y đưa Bàn Thống vào nơi ma thiêng nước độc. Nhìn khắp mưu sĩ trước nay của Đổng Phi, chỉ có Giả Hủ.

- Giả Hù à?

Đây là một cái tên rất xa lạ, Tào Tháo gần như sắp quên người này rồi, mà rất nhiều mưu sĩ mới gia nhập cũng chưa bao giờ nghe qua.

Tuân Úc nói:

- Người này chính là Giả Văn Hòa vào năm Kiến An thứ hai, chủ trì đại cục loạn Trường An, bắt giam Tây Hán Vương đây sao? Chẳng phải ông ta bị Đổng Phi bắt giam, cho tới giờ còn chưa xuất hiện, chả lẽ chưa chết à?

Tào Tháo cười méo miệng:

- Văn Nhược đúng là quân tử thành thật.

Lỗ Túc không rõ cái tên này lắm:

- Giả Hủ rốt cuộc là ai?

- Tử Kính hỏi câu này rất hay. Chúng ta không biết nhiều lắm về Giả Hủ. Chỉ nghe nói ông ta là mưu sĩ Đổng Phi thu phục năm xưa, sau đó không có tung tích gì, năm Sơ Bình đầu tiên khi chư hầu Quan Đông liên minh phạt Đổng Trác, Giả Hủ lần đầu tiên xuất hiện bên cạnh Đổng Phi.

- Ồ, thừa tướng nói vậy thì hạ quan có ấn tượng rồi. Về sau Văn Đạt quy hàng có nói tới điều này, Đổng Phi đối đãi với Giả Hủ như sư trưởng, bảo sao nghe vậy. Lý Thông vô cùng tán thướng người này, nhưng sau trận Huynh Dương thì ông ta biến mất.

Tào Tháo gật đầu:

- Đúng, về sau Giả Hủ không xuất hiện nữa, giờ xem ra ông ta được Đổng Phi an bài ở Tây Vực, y giao cả gia nghiệp to lớn cho ông ta nắm giữ, có thể nhìn ra y cực kỳ tín nhiệm người này. Sau Đổng Phi vào Tây Vực, chúng ta chỉ nghe tên Lý Nho, Lư Thực mà không có ông ta. Bỉ phí cậy mạnh ở tái ngoại, làm Trường An chấn động. Khi đó ai cũng nghĩ y trao quyền cho huynh trưởng kết bái Điển Vi, không ngờ lại là Giả Hủ. Loạn Trường An dẹp rồi, Giả Hủ vì mạo phạm Tây Hán vương bị Đổng Phi giam vào Đỗ Bưu Bảo, tới nay chưa xuất hiện.

Tuân Du cười bất lực:

- Vấn đề là người này chưa bao giờ chính thức xuất hiện trong tầm mắt chúng ta. Khi đó chúng ta chỉ biết tên ông ta, chẳng mấy ai chú ý. Mà Giả Hủ lại ru rú trong nhà, chúng ta không có chút nhận thức nào, đây mới là điều phiền toái nhất.

- Ý ông nói..

Y Tịch nói được một nửa thì dừng:

Giả Hủ bị Đổng Phi giam giữ chỉ là giả, nếu đúng là Giả Hủ đang bày mưu cho Đổng Phi, tức là khi xưa Quan Trung chưa ổn, Giả Hủ đã tính tới cục diện hôm nay, từ năm Kiến An thứ hai, nấp sau màn.

Lỗ Túc là người tâm cao khí ngạo, nhưng với mưu tính của Giả Hủ cũng than không bằng.

Hiện giờ muốn đi nghiên cứu Giả Hủ là không kịp nữa, Tuân Du trầm ngâm rồi nói nhỏ bên tai Tào Tháo:

- Chủ công, xem tình thế này có nên đưa Nhị công tử về, nói không chừng đã lộ thân phận rồi.

- Không được.

Tào Tháo dứt khoát phủ quyết:

Tam học Trường An dựng lên, nghe nói thứ được dạy rất thực dụng, Tào Tháo phái người nghe ngóng hư thực, một mặt làm rõ ý đồ của Đổng Phi, một mặt học trộm giáo tình của Tam học. Nói thế nào thì Đổng Phi luôn đi trước Tào Tháo một bước, làm hắn vô cùng buồn bực.

Con thứ của Tào Tháo là Tào Phi, con thứ Hạ Hầu Uyên là Hạ Hầu Bá, con thứ của Tuân Du là Tuân Thích, kết bạn lén tới Trường An học.

Tào Tháo cũng muốn con trai bình an trở về, nhưng nếu bên cạnh Đổng Phi có một người như Giả Hủ, tình huống bên trong thế nào khó ai nói rõ.

Nói không chừng đám Tào Phi đã bị phát hiện, chỉ là bọn họ không hành động gì nên Đổng Phi không ra tay, nếu có hành động, Đổng Phi ắt ra tay. Có lẽ ngoan ngoãn ở Trường An sẽ có lợi hơn cho bọn chúng.

Tào Tháo không ngừng vỗ trán, đầu lại đau rồi:

- Thế cục Nhữ Nam ra sao?

- Hiện đang giằng co, mật thám báo về cuối tháng tư gia quyến của Lữ Bố tới Kinh Triệu, nay sợ sắp tới Trường An rồi. Hành tung của Lữ Bố rất khó lường, nhiều lần quấy nhiễu, làm Lưu Biểu tổn thất nặng nề. Lưu Biểu tuy chấp nhận lời giải thích của chúng ta, nhưng ông ấy ốm nắm liệt giường, căn bản không khống chế được Lưu Bị.

Tào Tháo nghiến răng:

- Thế thì cho Lưu Bị biết tay.

Đang nói thì có bước chân gấp gáp, tiếp đó Tào Bành dẫn một tiểu tướng toàn thân máu me chạy vào:

- Thừa tướng, hỏng rồi.

- Chuyện gì mà kinh hoàng như thế.

Tiểu tướng kia quỳ xuống, khóc lóng:

- Thừa tướng, cha mạt tướng Lý Thông đã trận vong rồi.

- Cái gì?

Tào Tháo đứng bật dậy, mắt trợn tròn nhìn Lý Tự, trưởng tử của Lý Thông.

- Thừa tướng, cha mạt tướng thủ ở Bạch Mã, Viên Thiệu tập kích, thái thú Lưu Duyên không tăng viện. Cha mạt tướng kiên thủ ba ngày, sau đó Lưu Duyên dâng Lê Dương đầu hàng, cha mạt tướng bị Khôi Nguyên giết, Bạch Mã thất thủ, đệ đệ mạt tướng cũng chết trận, xin thừa tướng làm chủ.

Tào Tháo kêu lớn một tiếng, ngã xuống đất hôn mê.

*********

- Không ngờ trận Bạch Mã vẫn xuất hiện.

Đổng Phi ở Trường An nghe chiến báo thì thở dài cảm thán, vì sao mỗi y mới hiểu.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, trước trận Quan Độ, Viên Thiệu vì đảm bảo chủ lực vượt sông, phái đại tướng Nhan Lương công phá Bạch Mã. Có điều khi ấy Lưu Duyên có đâu hàng hay không thì Đổng Phi không nhớ. Trong đoạn lịch sử này thì ấn tượng sâu nhất của y là Quan Vân Trường chém Nhan Lương, Văn Sửu lập nên thanh danh lớn.

Nay Nhan Lương đã thành nắm xương khô, Văn Sửu thì quy thuận Lưu Bị. Quan Công cũng không hàng Tào. Đổng Phi cho rằng lịch sử thay đổi, nhưng một số chuyện hình như không thể cải biến. Có điều tên Khôi Nguyên Tiến này lợi hại thế nào? Tào Tháo ứng phó ra sao?

Mã Lương hỏi:

- Thiên tuế, vì sao lại thở dài?

- Quý Thường, ta thử ngươi một chút. Viên Thiệu vượt sông, chiếm Bạch Mã. Vậy ngươi cho rằng Tào Tháo sẽ có phản ứng gì?

Đổng Phi không trả lời mà cười tủm tỉm hỏi lại:

Mã Lương nay đã mười tám, tính ra đi theo Đổng Phi không ngắn nữa, cùng Lý Quỳ được xưng là Lương vương phủ song kiệt.

Lý Quỳ có thể một bước ba kế, phản ứng cực nhanh, phụ trách xử lý chuyện ngoài vương phủ, đầu năm đã được Đổng Phi chủ trì cưới Quách Hoàn con gái thiếu khanh Quách Vĩnh. Mặc dù nhìn qua không môn đăng hộ đối lắm, song Quách Vĩnh vô cùng vui vẻ. Lý Quỳ là con nuôi Lý Nho, hiện chẳng có quan chức gì, nhưng từ Đổng phủ đi ra, sao có thể tầm thường.

Cho nên hôn sự này Quách Vĩnh rất tán đồng.

Quách Hoàn xinh đẹp như hoa, ít hơn Lý Quỳ bốn tuổi, khi ra đời có người nói nàng phú quý vô cùng, nay xem ra đúng thế thật.

Vợ chồng sau khi kết hôn vô cùng mỹ mãn, Lý Quỳ nay làm túc vệ Thừa Minh điện, phụ trách kết nối giữa Lương vương phủ và Thừa Minh điện.

Mã Lương thì khác, chịu ảnh hưởng của cha, vô cùng trầm ổn, phụ trách nội vụ Lương vương phủ, ngày ngày ở bên Đổng Phi. Nghe Đổng Phi hỏi, không trả lời ngay mà suy nghĩ một lúc trước.

- Nếu thuộc hạ là Tào Tháo, nói không chừng nghi binh Duyên Tân, sau đó phái mãnh tướng đoạt Bạch Mã lại. Có điều kế sách này điều kiện là thiên tuế chưa lấy Hà Nội mới thực thi được. Nếu không nghi binh Duyên Tân, phải lo lắng sẽ chọc giận thiên tuế. Ha hà, theo ý thuộc hạ, Viên Tào khó trách một trận tử chiến, mà noi quyết chiến là...

Mã Lương trầm ngâm rồi nói rất tự tin:

- Bộc Dương.

Đổng Phi rất tán thành phân tích của Mã Lương, căn cứ vào trò chuyện giữa y và Giả Hủ, nơi Viên Tào Quyết chiến thực ra là Quan Độ. Vì phá Quan Độ sẽ trực tiếp uy hiếp Hứa Xương. Nhưng Quan Độ lại là khu mậu dịch tự do Đổng Phi và Tào Tháo đặt vào năm đầu Thái Bình.

Viên Thiệu dám đụng chạm vào Quan Độ sao?

Đó là nơi cực kỳ mẫn cảm, với tình huống hiện giờ của Viên Thiệu, e không dám khai chiến. Tào Tháo cũng thế.

Có lẽ đây là một phương diện có lợi cho Tào Tháo, không lo Quan Độ, vậy Viên Thiệu chỉ có thể quyết chiến ở Bộc Dương.

Nơi này xa Hứa Xương, có không gian chiến lược lớn, tuyệt đối không đơn giản như Mã Lương nói. Theo Giả Hủ đoán, Bộc Dương chỉ có thể là mồi lửa cho đại chiến Viên Tào.

Suy đoán này có đúng hay không phải đợi kết quả tương lai kiểm nghiệm.

Đổng Phi chợt chuyển chủ đề:

- Quý Thường, ngươi lập tức tới Thừa Minh điện mời Thạch Thao đại nhân tới đây một chút.

Mã Lương tuân lệnh rời đi.

Đổng Phi đứng dậy, rời thư phòng, đứng dưới cây nhìn hoa dại nở rộ, lòng có chút hoảng hốt.

Thoáng cái đã đầu thu rồi.

Lê Dương là nơi Hán cao tổ Lưu Bang thiết lập, xưa nay là trọng địa binh gia, thuộc lưu vực Hải Hà, có Vệ Hà chạy qua ngoài thành. Đoạt Lê Dương bằng với việc đứng vững chân ở Hà Nam.

Tào Tháo tất nhiên không dám xem nhẹ, sau khi nghe tin mất Bạch Mã, lập tức lệnh Tào Thuần làm đô đốc, Hứa Chử làm phó tướng, dẫn 8000 Hổ Báo kỵ đánh tới Lê Dương. Như Mã Lương nói, cướp lại Bạch Mã cần có mãnh tướng. Đồng thời lệnh Vu Cấm, thủ Bộc Dương. Lệnh thái thú Trần Lưu Mao Toại dẫn huynh đệ Hạ Hầu Đức, Hạ Hầu Ân thủ dài Toan Tảo tới Ngõa Đình.

Bề ngoài mà nói Tào Tháo chiếm ưu thế rất lớn.

Viên Thiệu không dám vào Kinh Triệu chọc giận Đổng Phi, điều này khiến quân Viên tuy chiếm được Bạch Mã, song không ảnh hưởng gì tới Hứa Xương. Tào Tháo lệnh Hạ Hầu Uyên giữ Hứa Xương, hắn đích thân dẫn ba vạn quân tới Lê Dương. Gần như đồng thời Đại tướng Trương Yến của Lưu Bị tấn công Bành Thành, khiến Tào Tháo rơi vào khốn cảnh.

Tào Tháo là người cực kỳ mạnh mẽ, càng nguy hiểm đầu óc hắn càng cảnh cáo.

Lưu Bị không đáng lo, nhìn thì tấn công dữ dội thực ra chỉ là hổ giấy. Lưu Biểu ngã bệnh, quân Kinh Châu bị Võ Lăng công kích chẳng rút ra được bao nhiêu binh mã phối hợp với Lưu Bị. Khiến Tào Tháo có thể tập trung toàn bộ sức lực đối phó với Quan Vũ ở Nhữ Nam

Về Bành Thành, Trương Yến tuy có mưu lược, nhưng Tào Tháo chiếm Bành Thành nhiều năm, thái thú Lương Mậu khí độ vững vàng, chỉ huy Tào Thành, Tào Thuận là huynh đệ đồng tộc vào Tào Tháo, đều võ nghệ cao cường. Đủ để kháng cự.

Hiện Tào Tháo đang ở thế yếu, không ngại toàn lực phòng thủ, còn sau lưng Lưu Bị có Tôn Sách, hắn không dám sơ xuất.

Tào Tháo an bài rất tốt, nhưng bỏ sót một chi tiết. Mao giới lĩnh quân đóng ở Toan Tảo, theo lệnh Tào Tháo toàn lực phòng ngự, nhưng Hạ Hầu Đức dưới trướng của hắn đang tuổi khí huyết phương cương, Khôi Nguyên Tiến ngày ngày ra chửi bới khiêu chiến, ngày đầu, ngày t hứ hai còn nhịn được, tới ngày thứ ba thì...

Như thường ngày Khôi Nguyên Tiến dẫn 800 Đại kích sĩ ra trại chửi bới.

Tám trăm tên kia chửi người rất ác độc, Hạ Hầu Đức không chịu nổi, bất chấp huynh đệ Hạ Hầu Ân khuyên can, đánh ra ngoài trại.

Khôi Nguyên Tiến cao chín xích, cầm một cây Độc giác đồng như, mặt mày dữ tợn như một tên hung thần.

Hạ Hầu Đức không nói hai lời phóng ngựa tới, Khôi Nguyên Tiến trời sinh thần lực, độc giác đồng nhân nặng trên 200 cân, đánh mấy hồi là Hạ Hầu Đức đã không kháng cự nổi, Hạ Hầu Ân áp trận thấy thế đánh ra.

Cả hai hợp sức đánh Khôi Nguyên Tiến bốn năm hiệp, chợt Khôi Nguyên Tiến rống lên:

- Tiểu tặc, chết đi.

Độc giác đồng nhân bay ra, Hạ Hầu Ân không kịp đề phòng, đầu bị đánh vỡ, Hạ Hầu Đức nổi điên múa thương đâm tới, bị Khôi Nguyên Tiến đánh vào chỗ hở, đập bay xuống ngựa.

Chủ tướng chết trận, sĩ tốt lập tức tan rã.

Khôi Nguyên Tiến thuận thế chiếm trại, đánh tới dưới thành Yến huyện. Yến huyện là phòng tuyến cuối cùng của Toan Tảo, nếu mất Yến huyện, Toan Tảo sẽ lâm nguy. Mao Giới hay tin cả kinh, vội phái người về Hứa Xương cầu viện.

Cùng lúc ấy tiên phong chủ lực của Viên Thiệu được Hàn Quỳnh suất lĩnh, vượt sông, đóng binh Lê Dương.

Hàn Quỳnh có danh là Thương vương Hà Bắc, cầm một cây thương 70 cân, thương pháp tổ truyền cực kỳ huyền ảo. Thấy Khôi Nguyên Tiến liên tiếp thắng lợi, liền không nhẫn nại được, hợp binh với Khôi Nguyên Tiến xong, lập tức nam hạ tới Yến huyện. Hai người bày trận ngoài thành, thách đánh.

Ý thu đang nồng, ngoài thành Yến huyện cờ quạt phất phới.

Hứa Chử dẫn ba nghìn Báo kỵ đánh ra.

Tào Thuần muốn thủ đợi Tào Tháo tới, nhưng Hứa Chử không tán đồng.

- Lối hẹp gặp nhau, kẻ dũng thắng. Từ Hóa quá cẩn thận rồi, quân Viên đoạt Bạch Mã, Ngõa Đình, đang lúc kiêu ngạo. Còn quân ta liên tiếp thua trận, sĩ khí sa sút, nếu chém được Viên tướng, sẽ có lợi cho sĩ khí. Nếu không mau chóng đánh thắng vài trận, không phải uổng sự gửi gắm của thừa tướng? Ông không muốn thì áp trận, ta đi lãnh giáo bản lĩnh viên tướng.

Nói tới mức ấy rồi Tào Thuần biết ngăn không nổi.

Tuy hắn là đồng tộc của Tào Tháo, nhưng Hứa Chử là thân vệ của Tào Tháo, luận thân sơ, Hứa Chử ngày nào cũng ở bên Tào Tháo, hắn sao bì được.

Hứa Chử hoành đao giữa hai trận:

- Ta là Hổ Si Hứa Chử, Viên tướng báo danh chịu chết.

Hàn Quỳnh cũng chẳng kém cạnh:

- Hổ Si cái gì, chẳng qua là bại tướng dưới tay Đổng gia tử cũng dám ra bêu mặt? Thương vương Hàn Quỳnh tới lấy mạng ngươi đây.

Bị Hàn Quỳnh nhắc lại chuyện cũ, Hứa Chủ nổi giận phóng ngựa tới.

Đại đao chém xuống vù vù, mang theo hàn quang bao phủ. Hàn Quỳnh sách thương ngang cản, chỉ nghe keng một cái, cả hai lui ra, không phân cao thấp.

Hứa Chử quát:

- Chỉ có bản lĩnh cỡ đó mà dám xưng vương à?

Hàn Quỳnh tay tê đi, song miệng không chịu thua:

- Đợi ta giết ngươi rồi, sẽ đổi danh là Hổ vương.

Đao Hứa Chử thế lớn lực mạnh, tựa như sấm sét. Thương của Hàn Quỳnh bám sát cho hiểm, nhanh như chớp giật.

Hai người đánh nhau mấy chục hiệp, đột nhiên Hứa Chử quay đầu về trận. Trước đó hai người đánh nhau, Hứa Chử không hề kém thế, Hàn Quỳnh sợ có điều gian trá, không dám truy cản. Chỉ thấy Hứa Chử về trận cởi khôi giáp ra, lại lần nữa lên ngựa, thế như điên cuồng:

- Hàn Quỳnh, để mạng lại đây.

Chỉ thấy da hắn đen xì, cơ bắp như khối đồng, góc cạnh rõ ràng. Hàn Quỳnh khiếp hãi, nghĩ bụng: Tên này điên rồi à?

Hứa Chử đúng là điên rồi.

Từ sau trận Huỳnh Dương, Hứa Chử lập mục tiêu là Đổng Phi. Nghĩ xem, một kẻ lấy thiên hạ đệ nhất võ tướng làm mục tiêu, giờ đánh ngang phân với một tên vô danh, nếu truyền đi thì hắn còn mặt mũi nào xưng Hổ Si?

Đao mang theo tiếng gió ngày một hung hãn, Hứa Chử nổi điên, Hàn Quỳnh không chống nổi, ba bốn chục hiệp sau rơi vào hiểm cảnh. Khôi Nguyên Tiến quan chiến lập tức hô lên:

- Tướng quân chớ hoảng, ta tới hỗ trợ.

Cùng lúc ấy chợt nghe tiếng hò reo dậy dất, một đội nhân mã đánh ra, Tào Thuần đi đầu quát:

- Viên tướng vô lấy đông đánh ít, Tào Thuần ở đây.

Báo kỵ là nhâm mã do Tào Tháo dày công luyện ra, tuy không bì được với Hổ kỵ, song sức chiến đấu kinh người. Khôi Nguyên Tiến không ngờ tinh nhuệ của đối phương đột nhiên đánh ra, vội chỉ huy Đại kích sĩ nghênh chiến. Phải nói mấy nghìn Đại kích sĩ của Hàn Quỳnh toàn là tinh nhuệ của quân Viên, có điều mấy trận thắng liên tiếp, khiến sinh kiêu ngạo, chợt gập Báo kỵ không hề thua kém, thắng bại khỏi nói cũng biết.

Hai quân đánh nhau một tuần hương, Hàn Quỳnh bị Hứa Chử chém trúng vai, kêu lớn thúc ngựa bỏ chạy.

Chủ tướng bại rồi, sĩ khí viên Quân lập tức giảm sút, Khôi Nguyên Tiến liều chết kháng cự, song bị Tào Thuần bắn tên trúng đùi, thiếu chút nữa ngã xuống ngựa. Hai đại tướng đều thất bại, quân Viên không còn lòng dạ chiến đấu nữa. Tào Thuần thừa thắng truy kích, đoạt lại Ngõa Đình trại mới thôi.

Trận này Đại Kích sĩ thương vong thảm trọng, khi Hàn Quỳnh trở về Bạch Mã chỉ Đại kích sĩ mất một nửa, không dám xuất chiến nữa, ở lại Lê Dương dưỡng thương, cùng Khôi Nguyên Tiến ở Bạch Mã tạo thành thế ỷ dốc.

Mấy ngày sau Tào Tháo tới Toan Tảo, đại quân Viên Thiệu cũng tới bờ bắc Hà thủy, chuẩn bị vượt sông quyết chiến.

Đúng lúc đó ở Trường An truyền tới một tin, làm toàn bộ chư hầu Quan Đông phải tạm ngừng đánh nhau.

- Tử Tu, khoa cử là cái gì? Tên bỉ phu lại bày trò gì thế?

Tào Tháo ngồi trong đại trướng nhìn Trưởng tử Tào Ngang vất vả đường xa từ Hứa Xương đuổi tới, nghi hoặc hỏi.

Tào Ngang 27 tuổi, khí vũ hiên ngang, cử chỉ trầm ổn.

- Phụ thân, khoa cử không phải một câu mà giải thích được. Mười ngày trước Đổng Phi ban bố pháp lệnh khoa cử, thám báo lập tức đưa tới Hứa Xương. Sáu ngày trước Nhị đệ đưa pháp lệnh chi tiết tới. Tuân thiếu phủ xem xong hôn mê tại chỗ... Tỉnh lại lệnh hài nghi đuổi theo phụ thân, đây là nội dung chi tiết.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-298)


<