← Hồi 263 | Hồi 265 → |
Tả Thiếu Dương phần nào lường trước chuyện này cũng chỉ mang hi vọng nhỏ nhoi thôi, chặn một trung niên nam tử áo gấm lại hỏi:
- Đại thúc, có biết vì sao không ai nhận thuê ruộng không, chẳng lẽ vì tiền giao tô quá cao?
Trung niên nam tử áy náy chắp tay nói:
- Đa tạ Tả gia hơn tháng qua liên tục cứu tế, nếu không rất nhiều người ở đây chết cả rồi, tiền tô rất hợp lý, nhưng mà... Biết nói sao với cậu đây, người trong thành thì đa phần không biết cày cấy, nông hộ thì phần lớn ra ngoài hái rau đào rễ cây ăn, số ít lĩnh cháo cũng đã cực kỳ sợ hãi nơi này, một khi đình chiến là bọn họ đều chạy hết, kiếm lấy con đường sống.... Ân nghĩa Tả gia không ai quên, ai cũng muốn giúp, nhưng cũng phải sống được mới giúp được chứ.
Tả Thiếu Dương không nói chuyện này cho cha mẹ hay những người khác, nếu không họ không yên tâm đi, phát hết cháo lại chạy tới nha môn châu phủ một chuyến, vị hỏa trưởng kia nói Đại tướng quân đã rời thành, trước khi đi có nói, đây là chuyện nhỏ, mai tới mua lúa giống là được.
Tả Thiếu Dương không ngờ chuyện lại thuận lợi như thế, thậm chí y còn chưa nói là mua bao nhiêu, đem tin tức này báo về, mọi người đều mừng rỡ, lập tức tổ chức hội nghị, thương lượng vấn đề xuân canh.
Nói là hội nghị cho oai chứ hội nghị chỉ có 8 người, trong đó 5 người là lực lượng chính bao gồm Miêu Bội Lan và bốn huynh đệ Lý gia, Tả Thiếu Dương ngoài chỉ huy không biết làm gì, Lý đại nương và thê tử Lý Đại Tráng chưa bằng một nửa nhân lực, còn những người khác đều chuẩn bị chạy nạn cả rồi.
Năm mươi mẫu ruộng của nha môn rốt cuộc ra sao còn chưa biết, còn tám mươi mẫu ruộng của Tả gia thì Lý đại nương sáng nay đã đi xem qua, chỉ có non nửa từng được điền hộ thuê, quá nửa bỏ hoang nhiều năm, cho nên muốn canh tác trở lại càng nhiều việc phải làm.
Hiện giờ đã là cuối tháng ba, cần phải làm đất, ngâm giống, cày bừa, gieo mạ, quá nhiều việc, không lập kế hoạch thì lỡ vụ là cái chắc.
Tả Thiếu Dương trình bày sơ qua tình huống:
-... Cơ bản là thế, giống lúa không phải lo, còn cầy cấy thì chỉ có thể dựa vào chúng ta thôi, mọi người nói xem phải làm sao.
Lý Đại Tráng nghề chính là thợ mộc, chỉ giúp đỡ vào lúc ít việc hoặc nông vụ bận rộn thôi, nói về làm đồng thì Lý Nhị Tráng am hiểu hơn:
- Muốn gieo mạ thì phải làm ngay thôi, nếu không trung tuần tháng tư mới gieo mạ, mà thu hoạch phải làm trước khi sương xuống, hạt gạo chưa no đủ, sẽ ảnh hưởng tới thu hoạch.
Lý Tam Tráng có chút bực mình:
- Huynh nói vậy không phải thừa sao, ai chả biết phải gieo mạ sớm, nhưng đất để hoang cả, không làm đất gieo mạ thế nào, nếu không thì chỉ tổ cho chim ăn.
Lý Tứ Tráng làu bàu:
- Thì rõ ràng thế còn gì nữa, nếu không cứ ra đồng gieo mạ còn ngồi đây bàn cãi làm gì nữa.
Lý đại nương nghe mấy đứa con tranh cãi thì nạt:
- Mấy đứa đừng nói mấy lời vô dụng nữa, nghĩ ra cách hữu ích đi.
Ba huynh đệ kia vâng dạ, Lý Tam Tráng luôn có thói quen thể hiện trước mặt Miêu Bội Lan nói luôn:
- Vậy thì làm đất trước, thời gian qua mưa nhiều, đất đai tích nước, cần thoát nước trước, sau đó lấy gậy đập vỡ đất thô, làm bằng đất.
Lý Nhị Tráng thấy đệ đệ khiên chiến quyền uy của mình thì rất bất mãn:
- Ai chả biết phải vỡ đất, nói ngắn gọn thôi, khoe khoang cái gì?
Lý Tam Tráng gân cổ lên:
- Đệ lo Tả công tử không biết nên mới nói kỹ.
Tả Thiếu Dương hơi đau đầu, mới chỉ có mấy người đã thế này, nếu bảo y quản lý vài chục điền hộ chắc chết mất:
- Đúng thế, ta không hiểu chuyện làm ruộng, nói kỹ chút vẫn hơn.
- Đấy, Tả công tử cũng bảo thế nhé.
Lý Tam Tráng dương dương đắc ý, nhưng ánh mắt nhìn thấy Miêu Bội Lan ngoan ngoãn đứng bên Tả Thiếu Dương thì xìu xuống:
- Theo lý mà nói thì phải chỉnh đất từ trung tuần tháng hai, vì bài nước xong cần làm khô ruộng cần mười ngày, đất khô rồi bắt đầu mới cày, tốn nửa tháng. Bây giờ chúng ta có năm người, tối đa chỉ có thể cày được hai ba chục mẫu, chúng ta tập trung gieo mạ chừng đó thôi, tham nhiều nhai không nát.
Lý Nhị Tráng gạt đi:
- Thế chỗ đất còn lại để hoang à?
- Không để hoang thì làm sao, huynh có mấy cánh tay? Làm được hãy nói nhé.
Lý Tứ Tráng lên tiếng:
- Tam ca nói đúng, đương nhiên làm càng nhiều ruộng càng tốt rồi, nhưng chúng ta chỉ có chừng này người, làm đất toàn bộ một trăm ba mươi mẫu thì có hai tháng cũng chẳng xong, tối đa chỉ còn nửa tháng để gieo mạ thôi, nên chọn khoảnh ruộng nào có thể giao mạ sớm, đảm bảo thu hoạch ấy.
Lý Nhị Tráng không nói nữa, hắn chủ trì nông sự trong nhà sao không biết hai đệ đệ nói đúng, chẳng qua vì muốn nghĩ cách có thể làm thật nhiều ruộng báo đáp Tả gia thôi.
Tả Thiếu Dương khẽ huých vai Miêu Bội Lan hỏi nhỏ:
- Bọn họ lúc nào cũng thế à?
Miêu Bội Lan gật đầu, cười bất đắc dĩ.
Đúng lúc này có người lên tiếng:
- Trước tiên phải xác định chỗ ở đã, mọi người muốn ở lại giúp đại lang nhà ta làm ruộng thì chuẩn bị ở đâu? Không thể ở trong thành được.
Tả Thiếu Dương quay đầu lại, thì ra là tỷ phu Hầu Phổ, hỏi:
- Tỷ phu, sao lại tới đây?
- Vừa mới nghe nhạc trượng nói đệ lại mang về mấy chục mẫu ruộng nữa cho nên tới đây xem thế nào, ta đã đứng nghe một lúc rồi.
Lý đại nương trả lời:
- Nhà lão thân bây giờ thuê ruộng Tả gia, tất nhiên phải ở phụ cận.
Hầu Phổ lấy tay chấm nước, vẽ một bản đồ đơn giản lên bàn:
- Gần chỗ ruộng đó có một cái thôn nhỏ, nằm bên sông nên gọi là Hà Than thôn, phần lớn ruộng của nhạc trượng ta ở chỗ này, mọi người nên mua đất ở đó, rẻ lắm, giấy tở ta có thể lo liệu ngay, đại thẩm thấy thế nào?
- Vậy may quá.
Lý Đại Nương mừng rỡ:
- Đa tạ Hầu thư lại, đợi chiến loạn qua, nếu còn sống, chúng tôi sẽ rỡ nhà ở Mai thôn chuyển tới đó xây lại. Lần trước đại lang nhà lão thân cùng Tả thiếu gia ra ngoài hái thuốc, giết được mấy tên địch được thưởng ba quan tiền, trong đó hai quan là của Bội Lan, đã chuyển cho Miêu gia tẩu tử, còn lại một quan mua mảnh đất đủ rồi. Đại lang giỏi nghề mộc, ba đệ đệ của nó cũng khỏe mạnh, làm cái nhà chỉ tốn công không tốn tiền, ở ngoài thành mới tiện chăm sóc ruộng đất.
- Vậy là xong, tới chuyện thứ hai, trong nửa tháng làm đất thì ươm mầm, không thể đợi làm đất song mới ươm, nếu không đợi nửa tháng nữa thì muộn mất.
Hầu Phổ thay luôn Tả Thiếu Dương chỉ huy cuộc họp:
- Trong hậu hoa viên Cù gia có mảnh đất vốn xới sẵn trồng rau, giờ rau ăn hết, mọi người có thể ươm ở đó ...
Tiếp đó Hầu Phổ giải quyết luôn vấn đề cả nông cụ ra sao, chọn ruộng nào tiến hành trước, cần bao nhiêu lúa giống, hắn nói tới đâu đám Lý Nhị Tráng gật đầu tới đó, Tả Thiếu Dương suýt động lòng giữ hắn ở lại giúp mình, nhưng đoàn người chạy nạn vốn nhiều người già cùng tàn tật, chỉ mình Bạch Chỉ Hàn lo không xuể, không thể thiếu nam nhân khỏe mạnh như Hầu Phổ.
Hai ngày tiếp theo đó mọi người ăn uống bình thường, thêm vào số thịt lợn còn cất trong hầm lấy ra ăn nốt, không chỉ thể lực phục hồi nhanh chóng mà những người bị phù cũng giảm đi rõ rệt.
Tiêu Vân Phi đã trở về, thăm dò được ba tuyến đường an toàn, thế nhưng hơn bốn mươi người thì quá đông, như thế không an toàn, chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất Tả gia, Miêu gia và Cù gia đi cùng với nhau, nhóm thứ hai là nhà Hầu Phổ, Nghê gia và Tang gia, những người còn lại ở nhóm thứ ba.
Hôm đó trời còn chưa sáng tất cả đã thức dậy, nấu ăn chuẩn bị lên đường, hơn bốn mươi người tập trung ở chính sảnh Cù gia nhưng im phăng phắc, chỉ có tiếng khóc thút thít cùng lời dặn dò không biết bao giờ mới dứt của Lương thị.
Thỉnh thoảng lại có người kiến nghị ở lại nhưng Tả Thiếu Dương dứt khoát từ chối.
Ăn sáng xong thì thời khắc chia tay cũng đã điểm, bất ngờ nghe ngoài có tiếng nhốn nháo, tiếng la hét, tiếng khóc vang lên không ngớt, trong nhà hoảng sợ không hiểu chuyện gì, chẳng lẽ phản quân lại tới đánh?
Tả Thiếu Dương bảo mọi người ở nguyên tại chỗ, cùng Miêu Bội Lan và bốn huynh đệ Lý gia cầm cuốc thuổng chạy ra cửa, nhưng thứ đầu tiên nghe được lại là ai đó hò hét.
← Hồi 263 | Hồi 265 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác