Vay nóng Homecredit

Truyện:Nho Lâm ngoại sử - Hồi 25

Nho Lâm ngoại sử
Trọn bộ 56 hồi
Hồi 25: Đất Nam Kinh, Bão Văn Khanh gặp bạn, Phủ An Khánh, Nghê Đình Tỷ thành hôn
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-56)

Siêu sale Lazada

Bão Văn Khanh đi đến phía Bắc thành Nam Kinh tìm trẻ con để lập một ban hát. Khi đến dốc Cổ Lâu, Bão vừa lên dốc thì gặp một người ở trên dốc đi xuống. Bão thấy người kia đầu đội mũ lông chiên, mình mặc áo lụa đen đã rách, chân đi đôi giày đỏ cũng rách tươm, đầu bạc hoa râm, trạc độ sáu mươi tuổi. Người kia tay cầm một chiếc đàn cầm đã rách, trên đàn dán một tờ giấy trắng có viết bốn chữ: "Sửa chữa nhạc cụ". Bão Văn Khanh bước đến mấy bước vái chào hỏi:

- Cụ biết sửa chữa nhạc cụ phải không?

- Vâng!

- Nếu vậy xin mời cụ vào tiệm trà ngồi chơi!

Hai người cùng bước vào tiệm trà ngồi, gọi đem một ấm trà đến, Bão Văn Khanh hỏi:

- Cụ họ gì?

- Tôi họ Nghê.

- Cụ ở đâu?

- Tôi ở xa. Nhà tôi ở tại Tam Bài Lâu.

- Cụ Nghê! Cụ chữa nhạc cụ, vậy cụ có chữa được đàn tam huyền, đàn tỳ bà không?

- Tôi chữa được tất.

Bão Văn Khanh nói:

- Tôi họ Bão, nhà ở cửa Thủy Tây, vốn làm nghề hát tuồng. Trong nhà tôi có mấy nhạc cụ hư hỏng, muốn nhờ cụ chữa cho một chút. Không biết nên phiền cụ đến nhà tôi, hay là tôi đem nhạc cụ đến nhà cụ để cụ chữa thì tốt hơn.

- Ông có tất cả bao nhiêu nhạc cụ?

- Tôi chỉ có độ chừng bảy, tám cái thôi.

- Có bảy, tám cái thì mang đi không tiện, để tôi đến nhà ông mà chữa vậy. Chỉ mất độ hai ngày công thôi! Tôi chỉ phiền ông một bữa cơm sáng, đến chiều thì tôi về nhà!

- Thế thì tốt lắm! Chỉ sợ trà nước nhà tôi không ra gì; xin cụ chớ nề hà việc đó!

Lại nói:

- Bao giờ cụ có thể đến nhà tôi?

- Ngày mai không rảnh, đến ngày kia tôi sẽ lại.

Công việc như thế là bàn bạc xong. Vừa lúc ấy, ở ngoài cửa có một người bán bánh mang đến một gánh bánh phục linh. Bão Văn Khanh mua nửa cân cùng ăn với cụ Nghê. Sau đó, hai người chia tay. Bão Văn Khanh nói:

- Sáng ngày kia tôi sẽ đợi cụ ở nhà!

Cụ Nghê vâng dạ ra đi. Bão Văn Khanh về nhà nói với vợ đem tất cả nhạc cụ ra lau chùi sạch sẽ, và bày sẵn ở ngoài nhà khách.

Sáng sớm hôm ấy, cụ Nghê đến. Uống trà, ăn điểm tâm xong, cụ Nghê đem đàn ra chữa. Chữa một lát, hai đứa trẻ học tuồng ở trong nhà bưng ra một mâm cơm thường, Bão Văn khanh ngồi tiếp và cùng ăn với cụ Nghê. Đến chiều, Bão Văn Khanh đi ra cửa, lúc trở về nói với cụ Nghê:

- Chúng tôi đối với cụ thật là thiếu sót, chỉ có ít cơm rau như thế này thật là vô lễ. Bây giờ tôi mời cụ cùng đi đến quán rượu. Cụ cứ để đồ nhạc cụ ở đây đến mai lại chữa.

Cụ Nghê nói:

- Tại sao tôi lại làm phiền ông như thế?

Hai người cùng đi ra một quán rượu, chọn một chỗ sạch sẽ, vắng vẻ cùng ngồi.

Người hầu bàn đến hỏi:

- Còn có khách nào nữa không?

Cụ Nghê nói:

- Không có ai nữa. Ở đây có những món gì?

Người hầu bàn xoè tay ra tính:

- Có chân giò vịt, cá rán, cá nấu với rượu, nem, thịt gà, thịt lợn rán, thịt nấu kiểu Bắc Kinh, chả rán, cá quả rán, đầu cá nấu, lại có cả thịt tái.

Cụ Nghê nói với Bão Vãn Khanh:

- Ông không phải đãi tôi như một người khách.

Chúng ta ăn một đĩa thường thôi.

Bão Văn Khanh nói:

- Một đĩa thường thì không nên!

Bão bèn bảo người hầu bàn trước tiên đem thịt vịt để nhắm rượu, rồi đem thịt lợn rán để ăn cơm. Người hầu bàn vâng dạ rồi đi. Một lát y đem đến một phần con vịt và hai hồ rượu. Bão Văn Khanh đứng dậy rót cho cụ Nghê một chén rượu rồi ngồi xuống uống rượu. Nhân tiện y hỏi cụ Nghê:

- Tôi xem cụ ra vẻ con người có học, tại sao cụ lại đi làm nghề sửa chữa nhạc cụ này!

Cụ Nghê thở dài mà rằng:

- Thưa ông! Tôi không muốn nói ra làm gì! Tôi đã đỗ tú tài ở huyện năm hai mươi tuổi, đến nay ba mươi bảy năm. Nhưng chẳng may, cái nghề đọc mấy câu sách cổ đã khiến cho tôi thành ra thầy dở thợ dốt nên tôi càng ngày càng sa sút. Con cái lại nhiều, đành phải làm cái nghề này để kiếm cơm nuôi miệng. Thật là không có cách nào khác!

- Thế ra cụ quả là một con người xuất thân trường Ốc. Tôi hỏi thế này thì đường đột, chẳng hay cụ có bao nhiêu con tất cả, cụ bà ở nhà có mạnh khỏe không?

- Nhà tôi vẫn còn. Tôi trước đây có sáu đứa con nhưng nay nói đến rất đau lòng!

- Cụ cho biết vì cớ làm sao?

Cụ Nghê nói đến đó, không ngờ buồn bã nước mắt tuôn trào. Bão Văn Khanh rót một chén rượu đưa cho cụ mà rằng:

- Thưa cụ! Nếu cụ có điều gì tâm sự xin cụ đừng ngại! Cụ cứ nói thẳng cho tôi may tôi có thể san sẻ nỗi buồn cùng cụ chút nào chăng.

- Cái đó đừng nói ra thì hơn. Nói ra thì ông lại cười tôi. - Tôi là hạng người như thế nào mà dám cười cụ? Xin cụ cứ nói đừng ngại!

- Chẳng dám giấu gì ông, tôi có sáu đứa con. Một đứa đã chết. May chỉ còn đứa thứ sáu ở nhà, còn bốn đứa kia...

Cụ Nghê nói đến đấy, ngừng lại không nói được nữa. Bão Văn Khanh hỏi:

- Còn bốn đứa kia như thế nào?

Cụ Nghê bị hỏi dồn gấp quá phải nói:

- Thưa ông, ông không phải là người xa lạ, chắc ông không nỡ cười tôi, tôi không dám giấu gì ông, bốn đứa con kia của tôi, vì không có gì ăn cả nên tôi đã đem bán cho người ta ở tỉnh xa.

Bão Văn Khanh nghe nói đến đó cũng cầm lòng không đậu, nước mắt ròng ròng.

Bão nói:

- Như thế thật là đáng thương quá!

Cụ Nghê rơi nước mắt nói tiếp:

- Nào phải chỉ bán bốn đứa kia đâu! Nay đến đứa con nhỏ này, tương lai tôi cũng không giữ nó được nữa, rồi cũng phải đem bán nó cho người ta mà thôi.

Bão Văn Khanh nói:

- Thưa cụ như thế cụ và cụ bà chịu rời bỏ con sao được.

- Chỉ vì thiếu ăn, thiếu mặc, giữ nó ở nhà thì nó chết đói! Chi bằng cho nó đi, may gì nó còn sống được!

Bão Văn Khanh nghe vậy lấy làm cảm động, và nói:

- Tôi có việc này muốn bàn với cụ. Nhưng không biết nên nói với cụ như thế nào?

- Ông có điều gì xin cứ nói có ngại gì đâu!

Bão Văn Khanh định nói, nhưng lại thôi.

- Tôi không nói còn hơn vì nói ra sợ cụ không bằng lòng...

- Đâu lại có chuyện như vậy, ông muốn nói gì, thì cứ nói với tôi. Tại sao tôi lại dám giận ông?

- Tôi cũng xin đánh bạo nói với cụ...

- Ông cứ nói đi!

- Thưa cụ! Nếu cụ phải bán cậu con út cho người ta, mà lại phải bán cho người ở châu, ở phủ khác thì không bao giờ còn gặp mặt cậu ấy nữa! Bây giờ tôi đã quá bốn mươi tuổi rồi, sinh bình tôi chỉ có một mụn gái, không có đứa con trai nào! Nếu cụ không cho nghề nghiệp của tôi là nghề bần tiện và cho tôi nuôi cậu bé làm con nuôi thì tôi đưa cho cụ hai mươi lạng bạc, và sẽ hết sức nuôi nấng. Hàng năm đến ngày tết ngày lễ, cậu sẽ về thăm cụ. Sau này cụ làm ăn khá giả tôi sẽ lại đem trả lại cho cụ. Như thế có được không? 1

- Nếu được như thế thì đứa con của tôi có "ân tinh chiếu mạng", tôi còn đòi hỏi gì mà chẳng bằng lòng? Nhưng để ông nuôi cháu, tức là bắt ông phải nuôi nấng nó, tôi còn lấy tiền làm gì?

- Nếu được như thế thì đứa con của tôi có "ân tinh chiếu mạng", tôi còn đòi hỏi gì mà chẳng bằng lòng? Nhưng để ông nuôi cháu, tức là bắt ông phải nuôi nấng nó, tôi còn lấy tiền làm gì?

- Sao cụ lại nói như vậy! Tôi nhất định đưa cụ hai mươi lạng bạc.

Hai người ăn xong, trả tiền đi ra cửa hiệu.

Trời chưa tối. Cụ Nghê về nhà,

Bão Văn Khanh về nhà đem việc này kể lại với vợ, vợ cũng rất mừng rỡ. Hôm sau, cụ Nghê từ sáng sớm đến chữa nhạc cụ. Gặp Bão Văn Khanh cụ Nghê nói:

- Câu chuyện bàn hôm qua, tôi đã đem nói lại với nhà tôi. Nhà tôi cũng rất lấy làm cảm kích. Bây giờ một lời đã hứa với nhau, tôi xin chọn một ngày tốt đem cháu lại đây.

Bão rất mừng rỡ, từ đấy hai người gọi nhau là bà con. Mấy hôm sau nhà Bão dọn một bữa tiệc mời cụ Nghê. Cụ Nghê mang đứa con đến, làm giấy tờ bán con. Bão lấy hai người hàng xóm là Trương Quốc Trọng bán vải và Vương Vũ Thu bán đèn nến làm chứng. Hai người đều đến. Giấy tờ viết như sau:

Nghê Sương Phong nay đem cho đứa con thứ sáu của mình là Nghê Đình Tỷ tuổi mới mười sáu. Vì thiếu ăn không nuôi được cho nên vợ chồng bàn bạc tình nguyện cho ông Bão Văn Khanh nhận nó làm con nuôi, đổi tên là Bão Đình Tỷ. Về sau này việc nuôi nấng lấy vợ đều do ông Bão Văn Khanh lo liệu. Nó sẽ thừa tự ông Bão. Hai bên đều bằng lòng. Nếu như đứa bé có việc gì bất trắc, cả hai đều vâng theo mệnh trời. Tờ giấy này viết để làm bằng, và được giữ mãi.

Năm Gia Tĩnh thứ 16 tháng 10 ngày 1.

Người làm giấy: Nghê Sương Phong.

Người láng giềng làm chứng: Trương Quốc Trọng, Vương Vũ thu.

Giấy tờ làm xong, Bão Văn Khanh đưa ra hai mươi lạng bạc cho cụ Nghê và cảm tạ mọi người. Từ đấy hai gia đình luôn luôn đến chơi với nhau.

Nghê Đình Tỷ đổi tên là Bão Đình Tỷ là một người rất thông minh lanh lợi. Thấy y dòng dõi con nhà, Bão Văn Khanh không cho y học hát ngay. Bão Văn Khanh cho y đi học hai năm trước khi giúp mình coi ban hát. Năm Đình Tỷ lên mười tám tuổi, cụ Nghê mất. Bão Văn Khanh lấy mấy mươi lạng bạc trao cho Đình Tỷ đem về lo việc chôn cất. Còn mình thì thân hành đến khóc mấy lần trước quan tài, lại cho Đình Tỷ đội mũ gai mặc áo tang đi theo quan tài cho đến mộ 2. Từ đó về sau, Đình Tỷ tỏ ra rất được việc. Người mẹ nuôi vẫn coi y là con của người khác cho nên không yêu bằng con gái, con rể của mình. Trái lại, Bão Văn Khanh cho y là dòng dõi con nhà, cho nên còn yêu hơn con đẻ của mình nữa. Ngày nào đi đến quán trà, quán rượu, Bão cũng mang Đình Tỷ đi theo, khi nào đi kiếm ăn ở ngoài cũng mang y đi, y kiếm tiền thêm mua áo mũ, giày dép. Bão còn nghĩ cưới vợ cho con nuôi nữa. Sáng hôm ấy Bão mang Đình Tỷ ra ngoài. Đến cổng thì gặp một người cưỡi lừa đi lại. Người kia đến cổng xuống lừa bước vào. Bão Văn Khanh nhận ra là người quản gia họ Thiệu của cụ Đỗ ở huyện Thiên Trường 3 bèn nói:

- Này ông Thiệu! Ông qua sông đến đây lúc nào đấy? Quản gia Thiệu quay lại nói:

- Tôi vừa sang sông để tìm ông đây!

Bão Văn Khanh vái chào, bảo con ra chào và mời ngồi. Bão sai đem nước ra cho người quản gia rửa mặt và pha trà uống. Uống xong, Bão hỏi:

- Tôi nhớ bà cụ năm nay bảy mươi. Có phải ông đến đây bảo chúng tôi diễn tuồng không? Ông chủ ở phủ vẫn mạnh khỏe chứ?

- Tôi đến đây chính là việc ấy. Ông chủ tôi có bảo tôi định diễn hai mươi vở. Ông Bão, ông có một ban hát riêng không? Nếu có thì mời ban ông đi giúp cho.

- Ở nhà tôi hiện nay có một ban nhỏ. Cố nhiên là chúng tôi sẽ cố giúp sức nhưng không biết lúc nào thì cần đến chúng tôi.

- Cuối tháng này.

Nói xong quản gia Thiệu bảo người giữ lừa đem hành lý vào và cho dắt lừa về. Y lấy ở hành lý ra một gói bạc đưa cho Bão và nói:

- Ông tạm cầm lấy năm mươi lạng bạc. Còn bao nhiêu nữa khi ban hát đến, tôi sẽ đưa.

Bão Văn Khanh nhận bạc. Chiều hôm ấy Bão dọn một tiệc rượu thật to. Bão giữ quản gia ở lại ăn uống đến nửa đêm. Hôm sau, quản gia Thiệu ra phố sắm đồ, sau khi mua sắm bốn năm ngày, y thuê thuyền qua sông về nhà. Bão Văn Khanh cũng thu xếp hành lý mang theo Đình Tỵ và ban hát đến phủ Thiên Trường. Diễn được bốn mươi ngày thì trở về, được tất cả một trăm mấy mươi lạng bạc. Hai cha con trên đường về cứ cảm ơn nhân đức gia đình cụ Đỗ. Bà cụ lại cho thêm mười mấy người trong ban hát mỗi người một cái áo bông và một đôi giày. Khi cha mẹ họ biết thế, họ đều cảm tạ ân đức và cảm ơn Bão Văn Khanh. Sau đó, Bão Văn Khanh lại đem ban hát về Nam Kinh để diễn.

Hôm ấy, họ đến diễn đêm ở Thượng Hà. Diễn đến canh năm mới tan. Ban tuồng mang rương hòm về thành trước. Hai cha con họ Bão đến một cái nhà tắm, tắm rửa sạch sẽ rồi vào một tiệm trà, uống trà ăn điểm tâm. Sau đó, hai người mới thủng thỉnh trở về. Đến cổng nhà, Bão Văn Khanh nói:

- Chúng ta không cần về nhà làm gì, ở Nội Kiều có nhà mời chúng ta ngày mai đến diễn, chúng ta hãy đến đấy lấy tiền đã.

Bão Đình Tỷ theo cha đi đến đầu phố thì thấy một cái tàn vàng có bốn người lính đội mũ đen viền đỏ, một cái lọng và một cái kiệu đi đến phía họ.

Biết rằng đây là một ông quan to ở phủ khác đi qua, hai cha con đứng dưới mái nhà nhìn ra xem. Tàn và mấy người lính đi qua, trước mặt có chữ đề: "Tri phủ An Khánh". Bão đang nhìn, thì cái kiệu đi tới. Ông quan trên kiệu nhìn thấy Bão Văn Khanh thì giật mình. Bão Văn Khanh quay lại nhìn thấy vị quan kia chính là tri huyện Hướng ở An Đông nay đã thăng lên tri phủ. Kiệu vừa đi qua, vị quan quay lại bảo người sai nhân mặc áo xanh đi sau mấy câu.

Người này chạy đến trước mặt Bão Văn Khanh nói: - Cụ lớn hỏi ông có phải là ông Bão không?

Bão Văn Khanh đáp: - Chính tôi. Có phải cụ lớn là tri huyện An Đông nay mới được thăng quan không?

- Đúng đấy. Hiện nay cụ lớn ở nhà ông Trương bên bờ sông, cạnh trường thi. Cụ lớn mời ông đến đấy để gặp mặt.

Nói xong, người kia chạy như bay về kiệu. Cha con Bão Văn Khanh đến một hiệu bán hương sáp gần trường thi mua một cái danh thiếp đề mấy chữ "Môn hạ là Bão Văn Khanh". Khi đến nhà họ Trương ở bên bờ sông thì Bão biết rằng Hướng tri phủ đã về nơi trọ. Bão liền đưa danh thiếp cho người giữ cửa và nói:

- Nhờ ông thưa lại tôi là Bão Văn Khanh đến hầu thăm cụ lớn.

Người giữ cổng cầm thiếp đi vào nói: - Ông hãy đợi một lát.

Hai cha con Bão Văn Khanh ngồi trên chiếc ghế dài, đợi một lát. Trong nhà có tiếng người đầy tớ nói ra:

- Này, anh giữ cổng! Cụ lớn hỏi ông Bão Văn Khanh đã đến đây chưa?

Người giữ cổng nói:

- Đến rồi. Danh thiếp của ông ta ở đây.

Y vội vàng đưa danh thiếp vào. Ở trong có người nói:

- Mau mau mời ông ta vào.

Bão bảo con đứng đợi ở ngoài, còn mình đi vào với người giữ cổng. Bão đến cái phòng bên bờ sông, Hướng tri phủ đội mũ sa, mặc áo thường ra tiếp, vừa cười, vừa nói:

- Ông bạn già của tôi đến đây rồi à?

Bão Văn Khanh quỳ dưới đất hỏi thăm sức khỏe. Hướng tri phủ hai tay đỡ dậy và nói:

- Nếu ông bạn già còn câu nệ về lễ đối với tôi như thế thì chúng ta khó nói chuyện với nhau lắm.

Hướng tri phủ hai ba lần đỡ dậy mời ngồi. Bão Văn Khanh vẫn quỳ dưới đất. Mãi sau, Bão mới ngồi trên một cái ghế thấp và nhỏ. Hướng tri phủ cũng ngồi và nói:

- Ông Văn Khanh, từ khi tôi xa ông đến nay, không ngờ đã hơn mười năm rồi. Nay tôi đã già, ông râu cũng đã bạc đi nhiều.

Bão Văn Khanh đứng dậy nói:

- Cụ lớn thăng quan, con không biết mà đến chào!

- Ông cứ ngồi xuống rồi tôi nói cho mà nghe. Tôi ở An Đông được hai năm thì đổi đến làm tri châu ở Tứ Xuyên rồi làm phó tri phủ, năm nay mới được bổ đến đây. Từ khi cụ Thôi mất, ông trở về nhà, mấy lâu nay ông làm gì?

- Con vốn làm nghề hát tuồng, về nhà không có việc gì con lại quay trở về nghề cũ, con có dạy một ban hát nhỏ để sinh sống qua ngày.

- Người trẻ tuổi cùng đi với ông là ai?

- Đó là đứa con trai của con. Con để nó ở ngoài cổng công quán không dám đưa vào.

- Tại sao lại không đưa vào? Mau mau ra mời con ông Bão vào đây!

Hướng tri phủ liền bảo một đứa tiểu đồng ra mời Bão Đình Tỷ vào. Bão Văn Khanh bảo Đình Tỷ lạy chào. Hướng tri phủ thân hành đỡ dậy, hỏi:

- Năm nay con bao nhiêu tuổi.

Đình Tỷ đáp:

- Cháu năm nay mười bảy.

Hướng tri phủ nói:

- Mặt mày khôi ngô trông như con nhà dòng dõi.

Và bảo Đình Tỷ ngồi bên cạnh cha.

Hướng tri phủ nói:

- Ông Văn Khanh ông có dạy con ông hát tuồng để kiếm ăn không?

- Con chưa dạy cho cháu hát tuồng, cháu đã đi học được hai năm nay. Nay cháu đi theo ban hát để biên sổ.

- Như thế cũng tốt! Hiện nay tôi còn phải đến thăm các quan trên. Ông đừng đi đâu, hãy ở đây ăn cơm đã. Khi nào tôi về, tôi sẽ nói chuyện với ông.

Nói xong Hướng tri phủ thay quần áo lên kiệu đi. Hai cha con Bão Văn Khanh vào phòng những người quản gia để thăm quản gia họ Vương mà Bão Văn Khanh đã quen từ trước. Hai người chào nhau. Bão Văn Khanh bảo con chào người quản gia. Người con của Vương là Tiểu Vương năm nay đã hơn ba mươi tuổi và đã có râu đầy cả mép. Vương rất mừng rỡ, rất yêu Bão Đình Tỷ, cho Bão Đình Tỷ một cái ví lớn đựng tiền bằng đoạn đỏ có thêu kim tuyến, ở trong có một lạng bạc. Đình Tỷ cảm ơn và mấy người ngồi nói chuyện rồi ăn cơm.

Đến chiều Hướng tri phủ mới trở về. Hướng thay quần áo, lại vào ngồi trong cái phòng bên bờ sông và bảo hai cha con Bão Văn Khanh vào nói chuyện. Hướng tri phủ nói:

- Ngày mai tôi phải trở về nha môn không thể ở đây nói chuyện nhiều với ông được nữa.

Hướng bảo một người đầy tớ mang ra một gói bạc đưa cho Bão Văn Khanh và nói:

- Ông cầm lấy hai mươi lạng bạc này! Sau khi tôi đi, ông cũng nên thu xếp việc nhà giao ban hát lại cho người khác trông nom, rồi trong vòng nửa tháng thế nào hai cha con ông cũng đến nha môn tôi, tôi sẽ có câu chuyện này nói với ông.

Bão Văn Khanh nhận số tiền thưởng cảm tạ nói:

- Trong vòng nửa tháng con sẽ đưa cháu lên thăm cụ.

Hướng tri phủ giữ Bão ở lại uống rượu. Sau đó hai người về nhà nghỉ. Sáng hôm sau Bão Văn Khanh đến công quán tiễn tri phủ lên đường về nhà. Bão bàn với vợ tạm giao ban hát lại cho người con rể là Quy cùng với một thầy tuồng là Kim Thứ Phúc trông coi. Còn Bão thì thu xếp hành lý mua một ít đồ vặt ở Nam Kinh, như xà phòng, dây tết đầu, để làm quà tặng những người quản gia ở nha môn. Mấy hôm sau, hai người xuống thuyền ở cửa Thủy Tây, đi đến Trì Khẩu. Đến đó, có hai người khách cùng lên thuyền, vào trong khoang. Trong khi nói chuyện Bão Văn Khanh nói mình đến nha môn Hướng tri phủ. Hai người kia làm thư biện ở phủ An Khánh. Họ đối đãi với cha con Bão rất lịch sự, mua rượu thịt mời hai cha con Bão ăn. Đến đêm chờ tất cả mọi người trong thuyền đều ngủ cả, hai người ghé tai Bão Văn Khanh mà bảo thầm:

- Có một việc chỉ mong cụ lớn phê cho một chữ "chuẩn" là có thể đưa ông hai trăm lạng bạc. Lại có một việc sắp đưa lên chỉ mong cụ lớn bác đi là có thể đưa ông ba trăm lạng! Ông Bão! Ông làm ơn nói với cụ lớn cho tôi một lời.

Bão Văn Khanh nói:

- Không giấu gì hai ông, tôi chỉ là một kẻ hát tuồng, con nhà ti tiện, nay được cụ lớn hạ cố gọi đến nha môn. Tôi là hạng người nào mà dám mở miệng ra nói với cụ lớn những việc ấy?

Hai người thư biện kia nói: - Ông Bão! Ông tưởng chúng tôi lừa ông sao? Miễn ông bằng lòng nói điều đó giúp cho thì lúc lên bờ tôi sẽ đưa ngay cho ông năm trăm lạng bạc.

Bão Văn Khanh cười mà rằng:

- Nếu tôi là người ham tiền thì trước đây ở An Đông, khi quan huyện thưởng cho tôi năm trăm lạng bạc, tôi đã nhận rồi. Nhưng tôi không nhận. Tôi biết số tôi vốn nghèo, phải đổ mồ hôi nước mắt mới có cơm ăn. Nay tôi lại lừa dối cụ lớn để lấy thứ tiền ấy như thế để làm gì? Vả chăng nếu họ có lý thì nhất định không đời nào họ lại chịu xuất mấy trăm lạng để đưa cho người khác. Nếu quan lớn nghe lời tôi thế là người khác sẽ bị oan và sau này tôi sẽ mất âm đức. Theo ý tôi, không những tôi không dám lo việc ấy mà hai ông cũng không nên để ý đến nó nữa. Từ xưa đã có câu: "Chốn cửa quan phải lo tu nhân tích đức". Nay các ông làm việc với quan phủ thì các ông cũng không nên làm mất danh tiếng của quan phủ và phải lo gìn giữ tính mệnh gia đình của mình.

Mấy câu ấy làm cho hai gã thư biện kia lạnh cả xương sống, nói lảng sang chuyện khác. Sáng hôm sau, hai cha con Bão Văn Khanh đến An Khánh đưa danh thiếp cho người giữ cổng. Hướng tri phủ bảo đưa hành lý hai cha con vào thư phòng để họ ở đấy. Ngày ngày cha con Bão Văn Khanh cùng ăn cơm một mâm với bà con Hướng tri phủ, Hướng tri phủ lại cho hai cha con Bão vải và lụa để may quần áo mặc lút đầu lút cổ.

Một hôm, Hướng tri phủ vào thư phòng nói:

- Ông Bão, tôi có việc này nói với ông. Người con của ông đã có dạm hỏi nơi nào chưa?

- Nhà con nghèo cho nên đến nay vẫn chưa lo việc đó được.

- Tôi có một chuyện muốn nói với ông chỉ sợ ông giận, nhưng nếu ông ưng thuận thì tôi rất vui lòng.

- Cụ có điều gì dặn bảo, con dám đâu không tuân theo.

- Ông Vương, quản gia của tôi có một cô con gái rất là khéo léo, bà nhà tôi rất yêu quý, thường đưa cô ta vào phòng chải đầu bó chân. Cô ta năm nay mười bảy cũng bằng tuổi với con ông. Gia đình họ Vương ở với gia đình tôi ba đời. Tôi đã trả lại giấy mua ông Vương làm đầy tớ và nay không xem ông ta là người quản gia nữa. Tôi đã mua cho người con của ông ta là Tiểu Vương một chức thư biện. Sau năm năm nữa anh ta sẽ làm điển lại. Nếu ông không lấy thế làm ti tiện, đứa con trai của ông có thể lấy con gái ông Vương. Sau này anh ta sẽ có một người anh vợ làm quan. Không biết ông có bằng lòng không?

- Cụ thật là thương đến chúng con, con không biết lấy gì mà tạ ơn. Nhưng đứa con của con còn dại dột. Không biết ông Vương có chịu nhận nó làm rể không?

- Tôi đã nói việc ấy với ông ta, ông ta rất yêu quý cậu con ông. Việc này ông không mất gì hết. Ngày mai, ông viết một cái danh thiếp đưa đến ông Vương. Còn tất cả mọi thứ: giường, màn, quần áo, đồ trang sức, ăn uống v. v.

.. tôi sẽ lo liệu hết, để cho đôi lứa thành vợ thành chồng. Tôi chỉ muốn ông có con dâu mà thôi.

Bão Văn Khanh quỳ xuống cảm tạ Hướng tri phủ. Hướng tri phủ đỡ dậy mà nói:

- Có gì đâu! Sau này tôi còn phải tìm cách đền ơn ông xứng đáng hơn.

Hôm sau, Bão Văn Khanh đưa danh thiếp đến nhà Vương. Vương lại thăm Bão Văn Khanh. Đến tối, vào lúc canh ba, đột nhiên có người do quan tuần vũ sai đến, trong đó có một quan võ, một quan phó tri phủ. Họ đi thẳng đến nha môn mời Hướng tri phủ ra. Tất cả mọi người đều hoảng hốt nói:

- Có việc gì không hay rồi! Chắc họ đến đây để lấy ấn quan phủ.

Chỉ nhân phen này, khiến cho:

Vinh hoa phú quý hưởng thụ chẳng được bao lâu; lận đận lôi thôi, rắc rối lại thêm nhiều ít.

Muốn biết sự việc như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-56)


<