← Hồi 117 | Hồi 119 → |
Gia hữu hoàng kim trác đầu lượng,
Bất như dưỡng nhi tại học đường.
Hoàng kim hữu giá thư vô giá,
Thứ tỷ hoàng kim phân ngoại cường.
Dịch thơ:
Nhà có vàng đem đấu đề đong
Đâu bằng dạy trẻ ở thư phòng
Vàng còn có giá sách không giá
So sánh với vàng sách sáng lòng.
Lại nói chuyện Trương Quang Tiên nghe vậy, lập tức mang văn chương ra. Lưu công đón lấy, xem một lượt, thấy vẫn là sách của người tập viết, lời văn nông cạn, không được hay, bèn nói:
- Lời văn này quá nông cạn, ta sẽ làm thay ngươi một bài khác bằng đề này.
Rồi cầm bút lên, không cần suy nghĩ, viết liền một mạch xong bài văn, đưa cho Trương Quang Tiên, còn mình đi nghỉ. Ngày hôm sau, khi mặt trời lên cao bằng ba con sào, Lưu công từ biệt. Bốn học sinh tiễn ngài ra tận cửa miếu, chắp tay chào.
Lại nói chuyện Hứa tiên sinh tới làng bên đông dạy học, ngày hôm sau trở về, vào thư phòng, ngồi xuống, hỏi học sinh:
- Đề bài ta giao, các con đã làm xong chưa?
Bốn học sinh vội đưa bài văn Lưu công làm lên. Hứa tiên sinh đọc xong, vô cùng kinh ngạc, hỏi:
- Người làm bài văn này thực uyên bác. Đừng nói là các con, ngay cả ta đây cũng không thể làm nổi. Ai đã làm bài văn này?
Trường Quang Tiên vội thực thà kể rõ đầu đuôi câu chuyện một lượt. Hứa tiên sinh nghe xong, nghĩ thầm: "Người ấy hẳn là một vị đại nhân cải trang làm dân thường đi tìm hiểu chuyện gì đây. Trời tối nên phải nghỉ lại chỗ ta".
Lại nói chuyện Lưu công rời khỏi miếu Bà, nhằm hướng Đức Châu thẳng tiến. Đi được mười mấy dặm, cảm thấy hai chân đau nhức, bèn tháo chiếc tay nải nhỏ màu vàng ra, đặt xuống bên đường, ngồi dưới bóng cây liễu nghỉ ngơi. Ngẩng đầu nhìn lên, chợt thấy hai cô gái từ hướng nam đang cuống cuồng chạy tới. Cả hai cô đầu trần, để xõa tóc, mồ hôi đầy mặt. Cả hai cô, cô lớn chỉ độ mười bảy, mười tám tuổi, cô nhỏ độ mười bốn, mười lăm tuổi, thở hồng hộc chạy tới. Lưu công thấy vậy, nghĩ thầm: "Hai cô gái này hẳn có chuyện chi đây". Nghĩ xong, vội vàng đứng dậy, miệng gọi:
- Hai vị cô nương, xin hãy chậm bước. Chắc hai cô gặp phải chuyện oan khuất gì đó. Xin hãy nói với bần đạo. Bần đạo có thể đứng ra phân xử cho hai vị. Thế nào?
Hai cô gái nghe vậy, dừng chân lại, đưa mắt nhìn lão đạo sĩ, thấy ông ta mình đầy chính khí, khí độ hiên ngang. Mày rậm mà thanh, mắt sáng như sao, râu thưa. Mình cao, chân ngắn, nghĩ thầm:
- Vị đạo sĩ này không giống các đạo sĩ khác. Chắc hẳn ông ta là một vị đại nhân nào đó đi vi hành. Có lẽ vậy. Chi bằng ta hãy kể ra nỗi oan tày trời của mình với ông ấy, có thể ông ta sẽ giúp ta báo thù. Nghĩ xong, nói:
- Đạo gia, nếu ngài cứu được nạn nữ, báo được đại thù. Bọn nạn nữ xin kết cỏ ngậm vành báo đáp đại ân của ngài.
Cô gái nhỏ nói:
- Chị à, thực chẳng ra gì cả. Lão đạo sĩ ăn mày này thì có quyền lực gì mà báo được thù cho chúng ta? Kẻ xuất gia chỉ giỏi lừa tiền của đám nữ nhi mà thôi. Lão đạo à, ông tìm nhầm người rồi. Hai chị em ta là gái đang gặp nạn, không hề mang theo tiền bạc. Ông hãy vào làng mà hóa duyên, xin cơm chay. Lão đạo hãy tránh đường, cho bọn ta qua. Bọn ta phải tới trước mặt ông Lưu Gù để kêu oan. Nếu chậm chân, ác bá theo kịp, mạng này của bọn ta e khó giữ.
Lưu công nói:
- Hai vị cô nương xin hãy chậm bước. Bần đạo ta hay xen vào chuyện bất bình. Cho dù là thổ hào, ác bá ta cũng không sợ.
Cô gái nhỏ, hỏi:
- Chắc chắn ông cậy mình có thí chủ mạnh nên mới dám lớn lối như vậy.
Lưu công nói:
- Nói thực với hai cô, ta xuất gia tại Bắc Kinh, là thế thân của Hoàng đế Càn Long. Vào những ngày ba, sáu, chín ta đều lên Kim điện thỉnh an. Văn võ khắp triều đều có qua lại, quen biết ta. Hôm nay ta rời khỏi kinh thành đi thị sát dân tình. Vì vậy mới đám mạnh mồm nói cứng.
Cô gái nhỏ hỏi:
- Ông thường ở trong kinh, vậy ông có quen ông Lưu gù làm quan trong triều không?
Lùn công nói:
- Sao lại không quen? Ông ấy với ta là đồng hương, là hàng xóm của nhau. Hai người cùng học chung với nhau, lại cùng nhau quay về hướng Bắc quỳ lạy, kết nghĩa làm anh em. Hai người bọn tôi quan hệ với nhau thân mật lắm.
Cô gái nhỏ nghe vậy, nói:
- Chị à, ông đạo sĩ này quả có chỗ dựa vững chắc. Chúng ta hãy kể nỗi oan của mình với ông ta, nhờ ông ta báo thù giúp.
Cô gái lớn nghe vậy, nghĩ thầm. Xem bộ dạng, nghe giọng nói của ông này thực không giống đạo sĩ. Tất phải là một vị đại nhân nào đó cải trang đi thăm thú dân tình.
Nghĩ xong, tỏ vẻ thẹn thùng, nói:
- Đạo gia, nạn nữ sống tại Lệnh gia trang, cách thành Đức Châu mười dặm về phía bắc. Cha là một tú tài. Nạn nữ tên gọi Trần Ngọc Bình, Lệnh gia trang có một viên quan tên gọi Lệnh Lâm. Anh của hắn là một tham tướng, hai đứa con trai của hắn đều là võ cử có quan hệ qua lại với các nha môn trong đạo, phủ, châu, huyện thường ngày hay cậy thế, ức hiếp người khác, thường làm những việc bá đạo, vô pháp vô thiên. Tại An Quốc tự cướp Vương tiểu thư. Cha cô ta tới tận nhà liều mạng. Lệnh Lâm nổi giận, giết cả hai cha con họ, lại cướp sạch gia tài nhà họ Vương đem về làm của nhà mình. Lệnh Lâm hoành hành bá đạo, càng lúc càng lớn gan, nuôi trong nhà hơn ngàn tên tay chân, dưới địa đạo trong nhà có giấu hơn ba ngàn dũng đinh. Trong nhà hắn có chín gian Triều Vương Điện, chín gian đại sảnh, có bãi giết người đằng sau vườn, lại có hố chôn vạn người. Ngày thường, hắn đi chiếm ruộng, vườn của người khác, cướp cả con gái nhà lành. Ba, bốn hôm trước đây, nạn nữ ngồi kiệu tới nhà người họ hàng, bị Lệnh Lâm nhìn thấy. Hắn liền lệnh cho lũ ác nô xông tới, đánh chết tên làm công Vương tiểu nhị rồi cướp cả nạn nữ lẫn kiệu mang về nhà. Nghe tin cha nô gia lên châu nha kiện, ác bá Lệnh Lâm bỏ tiền ra mua chuộc, đút lót khắp trên, dưới, nói cha nô gia vay hắn một trăm lạng bạc, tình nguyện gán con gái cho hắn thế nợ. Nói cha nô gia vu cáo hắn. Cha của nô gia bị đánh cho một trận, tống vào nhà lao. Tên giặc Lệnh Lâm lại ép nô gia lập tức phải thành thân với hắn. Nạn nữ dẫu chết cũng không chịu. Hắn liền tống nạn nữ vào phòng lạnh, bỏ đói ba ngày trời, chỉ mong nạn nữ đói không chịu được sẽ phải chấp nhận thành thân với hắn.
Lưu công nói:
- Bị hắn bỏ đói ba ngày trời, lẽ ra ngươi phải treo cổ tự tận, bảo toàn danh tiết mới phải.
Trần Ngọc Bình nói:
- Nạn nữ cũng có ý tự tận, nhưng bởi có một mụ già canh giữ hơn nữa, cha nô gia chỉ sinh được một mình nô gia. Khi cha mẹ nạn nữ qua đời, ai sẽ là người đưa tang đây. Ai sẽ thay nạn nữ báo mối thù lớn này?
Lưu công hỏi:
- Tại sao các ngươi lại thoát khỏi nhà của ác bá?
Trần Ngọc Bình nói:
- Nạn nữ đói quá chẳng còn cách nào khác, đành phải giả vờ ưng thuận, ép ác bá uống say túy lúy. Nạn nữ muốn chạy tháo thân. Có ả a hoàn này đoán được ý đồ của nạn nữ, nói: "Xin chị chớ lo lắng, em bị hắn gán nợ bắt về đây. Em cũng có ý muốn bỏ chạy nhưng chưa có cơ hội. Em thấy chị có ý muốn chạy trốn nhưng không thuộc đường lối trong nhà này. Chi bằng hai chị em ta cùng bỏ chạy". Bàn bạc xong, hai chị em nạn nữ trèo ra ngoài bằng lối cửa sau. Bỏ chạy suốt một đêm, nay gặp đạo gia ở đây.
Lưu công nghe vậy, trong lòng thầm căm ác bá Lệnh Lâm. Ả a hoàn đứng bên cạnh, nói:
- Đạo gia, ngài đã hỏi hết mọi chuyện rồi. Giờ mong ngài viết cho chị em tôi một lá đơn kiện, chị em tôi còn mang tới chỗ ông Lưu gù kiện ác bá Lệnh Lâm.
Lưu công nói:
- Viết đơn kiện không tiện. Đây ta có cây roi ngựa, các ngươi mang tới chỗ Lưu lại bộ, đưa roi ngựa ra. Vật này còn hơn hẳn đơn kiện. Ông ta thấy vật này tất đứng ra giải quyết giúp hai ngươi.
Ả a hoàn nói:
- Chúng tôi không tin đâu.
Lưu công nói:
- Ngươi chớ xem thưởng vật này. Cây roi này chính là vật Hoàng đế Càn Long tặng cho Lưu lại bộ, anh bạn học Lưu Dung tặng lại cho ta. Nếu ngươi đưa nó ra cho Lưu lại bộ thấy, ông ta tất nhận vụ kiện này. Cây roi này có tác dụng hơn đơn kiện nhiều.
Nói xong, trao roi ngựa cho họ.
Trần Ngọc Bình nhận lấy chiếc roi ngựa, nghĩ thầm:
- Nghe khẩu khí, trông bộ dạng của vị đạo sĩ này, chắc chắn ông ta chính là Lại bộ Lưu đại nhân cải trang đi thăm thú dân tình. Chi bằng ta hãy bái ông ta làm cha nuôi. Như vậy ông ta mới dốc sức giúp ta báo thù.
Nghĩ xong, nói:
- Đạo gia, tiểu nữ được ngài ban ân, không có gì để báo đáp. Nạn nữ nguyện bái ngài làm cha nuôi.
Nói xong, quỳ sụp xuống, lạy bốn lạy. Lưu đại nhân xua tay, nói:
- Ta không thể nhận con gái nuôi.
Trần Ngọc Bình nói:
- Nếu ngài không nhận nạn nữ, nạn nữ sẽ quỳ ở đây cho đến chết.
Lưu công chẳng còn cách nào khác, đành phải nhận nàng làm con nuôi, nói:
- Con gái, hãy đứng dậy đi.
Chợt thấy ả a hoàn đứng ở bên cạnh khóc rống lên, nói:
- Tôi với chị trải qua một phen khổ sở, tại sao cùng cảnh lại không cùng mệnh như vậy?
Lưu công hỏi:
- Sao ngươi phải cùng con gái nuôi của ta chịu khổ sở?
A hoàn nói:
- Đâu phải ác bá Lệnh Lâm bỏ tiền ra mua nạn nữ về.
Nạn nữ sống tại rương gia trại, ở phía nam thành Đúc Châu. Cha nạn nữ tên gọi Trương Dung, năm nay bốn mươi ba tuổi, sinh sống bằng nghề làm vườn. Năm ấy gặp nạn mất mùa, trong nhà hết cái ăn, khó lòng qua ngày. Nghe nói Lệnh gia trang Lệnh Lâm phát lương cứu tế kẻ nghèo, cha nạn nữ tới đó, lĩnh được một đấu gạo, nhưng thực ra một đấu chỉ có bảy thăng mà thôi.
Lưu công nói:
- Đã là phát lương cứu đói, sao còn chê nhiều ít? Chỉ cần có đồ ăn qua ngày là được mà.
Ả a hoàn thở dài một hơi, nói:
- Đâu phải hắn tế bần, mà là cho vay. Một tháng tính lãi thành hai đấu, hai tháng thành bốn đấu, lãi đập vào gốc, tính lãi chồng lên. Tính thành tiền, một đấu giá một xâu sáu trăm tiền. Tính đến nay, nhà nạn nữ phải nợ hắn bao nhiêu tiền? Lệnh Lâm ép cha nạn nữ phải trả nợ cho hắn. Cha nạn nữ cãi lý với hắn. Lệnh Lâm nổi giận, sai lũ thuộc hạ treo thân phụ nạn nữ lên đánh đập. Bị thương khắp mình. Cha nạn nữ không chịu nổi, đành phải mang hết ruộng, vườn ra gán nợ. Nếu vẫn chưa đủ, xin tới nhà hắn làm việc không công trừ dần. Lệnh Lâm nghe vậy, vô cùng vui mừng, nói:
- Sao ngươi không chịu nói ra câu này sớm hơn, để đại gia nổi giận. Nhà cửa, ruộng vườn đại gia đều không cần, ngươi hãy giữ lại mà sống. Nghe nói ngươi có một đứa con gái rất lanh lợi. Hãy cho nó tới phủ của ta làm a hoàn, ta sẽ xóa nợ cho. Ngươi chấp nhận không? Cha nạn nữ có ý không nghe, lại sợ ác bá Lệnh Lâm đánh đập. Chẳng còn cách nào khác, đành phải đưa nạn nữ vào phủ của Lệnh Lâm. Đặt cho nạn nữ cái tên là Cốc Nô, có ý nói đổi một đấu gạo lấy nạn nữ. Tiểu nữ bị gọi bằng cái tên ấy từ đó tôi giờ đã được ba năm rưỡi. Cha mẹ không được tới thăm. Đạo gia, ngài thử nghĩ xem, nạn nữ có oan út không?
Đang nói chuyện với nhau, chợt nghe thấy tiếng nhạc ngựa leng keng vọng tới. Ngẩng đầu nhìn lên, thấy từ phía nam có hai thớt ngựa chạy lại. Hai người ngồi trên lưng ngựa đầu đội mũ viền đỏ, mình mặc áo bào đỏ kiểu Mãn Châu, chân đi giày nhẹ màu xanh, lưng giắt đơn đao. Hai người ăn vận hệt như nhau. Hai người này, một người tên làTrương Công, một người tên là Lý Năng, là hai tên quản gia trong nhà Lệnh Lâm. Ngựa chạy tới đâu, bụi cuộn lên tới đó. Chúng ra roi quất ngựa phóng tới gần cây liễu, đồng loạt nhảy "huỵch" xuống, tay vung roi ngựa, quát vang:
- Giỏi cho hai con nha đầu này. Dám tự ý bỏ chạy. Hai đứa bọn ta phụng mệnh đại gia đuổi theo các ngươi. Bọn ta đang lo ngươi chạy tới tận chân trời rồi, chẳng ngờ mới chạy được tới đây. Các ngươi đã khiến cho hai ông đây phải vất vả rồi.
Nói xong, với tay lấy cuộn dây trên lưng ngựa xuống, trói hai cô gái lại. Trần Ngọc Bình và ả a đầu sợ hãi, người mềm như bún, mặt vàng như sáp. Lưu công thấy vậy, trong lòng không vui hỏi:
- Hai người các ngươi từ đâu tới? Nam nữ thụ thụ bất thân, tại sao lại dùng dây trói hai cô ấy lại.
Hai tên ác nô nghe hỏi vậy, trợn mắt lên, nói:
- Lão đạo, ngươi hãy lo chuyện hóa duyên của ngươi, chớ nên lo chuyện thiên hạ.
Lưu công nói:
- Ta không muốn quản chuyện thiên hạ, nhưng việc hôm nay ta phải hỏi cho rõ mới được.
Ác nô nói:
- Đây là thiếp do chủ ta mua về, còn kia là ả a hoàn. Hai đứa chúng nó bỏ chạy. Chủ nhân nhà ta sai người đi tìm kiếm khắp nơi. Nay gặp chúng đây, phải bắt chúng trở về để chủ nhân nhà ta trị tội.
Lưu công mỉm cười, nói:
- Hai ngươi chớ múa mỏ lừa ta. Hai người này đã nói cho ta nghe hết rồi. Theo ý ta, hai vị hãy tạo điều thiện, thả cho hai cô gái này đi. Trở về gặp chủ, hãy nói rằng đuổi theo không kịp. Vậy chẳng phải hai vị đã tích được chút âm đức hay sao?
Hai tên ác nô nghe vậy, trợn mắt lên, nói:
- Lão đạo này thực chẳng biết nói lý lẽ gì. Chắc lão chỉ ăn toàn tro với đất nên mới nói ra những lời này. Lão chớ nên xen vào chuyện của người khác.
Nói xong, trói hai cô gái lại. Lưu công nổi giận, quát lớn:
- Giỏi cho hai tên nô tài. Chó cậy thế người, hoành hành bá đạo. Giữa trời đất này, trong cảnh thái bình này lại dám bá chiếm dân nữ.
Tên ác nô Trương Công quát lớn:
- Lão đạo sĩ này thực vô lý. Người mù mắt rồi nên mới tự rước lấy tai họa. Nay ta phải bắt nốt cả ngươi mang về cho đại gia nhà ta trị tội mới được.
Lý Năng ngăn lại, nói:
- Không được, lão đạo sĩ này đã lớn tuổi. Chúng ta hãy nể lão già cả nghèo khó, thả cho lão đi.
Trương Công nói:
- Vậy thì dễ dàng cho lão quá.
Hai tên nói xong, nhảy lên lưng ngựa, từ từ dắt theo hai cô gái quay về.
Lưu đại nhân cuống lên, tự trách mình:
- Ta không nên giữ hai cô gái ấy lại, khiến họ lỡ mất cơ hội bỏ chạy. Ta thực hối hận. Chi bằng hãy xông lên, thí cái mạng già này để cứu lấy hai cô gái.
Đang định đuổi theo, chợt thấy sau lưng có tiếng xe lọc cọc. Quay đầu nhìn lại, thì ra là một chàng thanh niên tuổi độ hai mươi đẩy một cỗ xe nhỏ tiến tới. Người ấy hạ cỗ xe xuống, hỏi:
- Lão đạo, giữa các vị xảy ra chuyện gì vậy? Hãy nói cho tôi nghe, chớ để tôi bực mình.
Lưu công nghe hỏi, bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện, hỏi người ấy:
- Cậu có thể cướp hai cô ấy lại không?
Người đẩy xe nói:
- Tôi hay can thiệp chuyện bất bình, tính nóng như lửa. Nếu tôi nổi giận, đánh chết người, sẽ phải lên quan. Tôi chịu tội còn ông sẽ chẳng sao. Tôi không làm đâu.
Lưu đại nhân nói:
- Nếu anh có thể cướp lại hai cô ấy, đừng nói là đánh chết một người. Cho dù đánh chết tám đứa, mười đứa, ta cũng đứng ra chịu tội thay anh cả.
Người đẩy xe nói:
- Nếu đã vậy, ông chớ bỏ chạy nhé.
Lưu đại nhân nói:
- Sao tôi lại có thể bỏ chạy được. Một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi. Anh hãy bỏ xe đấy, đi cướp lại hai cô gái kia về. Tôi còn đội ơn anh nữa là khác.
Không biết anh chàng đẩy xe sẽ làm gì? Mời quý vị xem tiếp hồi sau.
← Hồi 117 | Hồi 119 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác