← Hồi 19 | Hồi 21 → |
Việc đầu tiên của Mạnh Đức khi trở về Hứa Đô không phải là vào bái kiến Hán Hiến đế mà là đến thăm nàng Thái Văn Cơ, con gái của Thái Ung, vừa từ đất Hồ trở về.
Văn Cơ cùng với Trần Lâm về lại Hứa Đô đã từ lâu. Các lão thần đời vua trước hay tin, lần lượt đến thăm, có cả Khổng Dung và hai anh em họ Tào. Ai nấy đều chăm chú nghe Văn Cơ kể lại cảnh ngộ bất hạnh của mình, họ ngưỡng mộ tài hoa và học thức của nàng. Anh em họ Tào còn mời Văn Cơ ở lại ngay trong phủ. Ngay cả Hiến đế cũng đã ngự giá đến thăm hai lần.
Văn Cơ tuy cô đơn một mình, nhưng nàng đã vui mừng khi về đến đất Hán, vì ở đấy mỗi một khuôn mặt, mỗi một giọng nói, nàng đều thấy quen thuộc và thân thiết. Mười hai năm trời, những gì ghi lại trong trí nhớ thật là sâu sắc: vùng sa mạc mênh mông, những trận gió gào rú, những lều bạt tanh tưởi... khó mà quên được.
Khi mà những tấm lòng tốt đã tạm biệt, nhất là những tài tử văn nhân rời khỏi căn phòng, Văn Cơ liền cảm thấy những buổi đêm thật nặng nề và trôi đi chậm chạp. Lúc đó, nhất là những lúc Hứa Đô hoàn toàn tĩnh mịch, nàng thường nhớ tới hai đứa con.
- Mẹ, mẹ sắp đi à?
Một hôm đứa lớn chạy vào lều, ôm chầm lấy mẹ và hỏi. Nàng xoa đầu con mà không trả lời. Mới có lên ba, con làm sao mà hiểu được lòng mẹ? Đứa sau mới sinh được một tháng, còn đang nằm trong lòng mẹ đòi bú. Nàng hơi gầy vì luôn phải uống sữa ngựa và sữa dê, nhưng cũng đủ sữa để nuôi dưỡng cái hình hài bé bỏng của con mình. Hai đứa trẻ tuy không to, nhưng luôn thoả mãn và khoẻ mạnh. Tả Hiền vương cũng vừa đến bên nàng. Ông biết nàng sẽ bỏ đất Hồ mà đi. Mười hai năm sinh sống với người con gái Hán, tính tình ông trở nên dịu dàng hơn. Ông rất đau khổ nhưng đã kìm nén được bản tính nóng nảy của mình. Là Tả Hiền vương đất nam Hung Nô, quyền uy to lớn, kỹ nữ, thê thiếp không thể đếm hết. Phần ông, ông chỉ yêu một mình nàng. Ở Văn Cơ, cái gì ông cũng thấy đẹp, ngay cả những lúc nàng khóc. Có thể nói, ông nâng niu, chiều chuộng và tôn thờ nàng.
Đối với Hiền vương, không thể nói là nàng không có tình cảm. Suốt mười năm cùng chung chăn gối, ông đối với nàng thật là dịu dàng. Nhưng mỗi lần Văn Cơ nghĩ đến các chàng trai, cô gái Hán bị người Hồ hãm hại, thì những tình cảm của nàng đối với ông lại không còn gì nữa.
Có nhiều đêm, nàng bước ra khỏi căn lều, ngồi gảy những khúc đàn thân thuộc. Tiếng đàn ai oán như than như khóc, như muốn thổ lộ với trời mây, non nước số phận bất hạnh của riêng mình, cùng những nỗi niềm thương xót không biết gửi gắm cùng ai!
Văn Cơ những tưởng không bao giờ được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Nàng đã thất vọng rồi tuyệt vọng. Sở dĩ nàng sống được vì còn có hai đứa con, chúng mang dòng máu của nàng.
Trong lá thư của Thừa tướng nhắc đến tình thân đối với cha yêu quý của nàng, lòng nàng bồi hồi xúc động, mãi sau nàng mới đưa bức thư đó cho chồng. Lúc đầu Hiền vương ngơ ngác, sau thì bật khóc. Lần đầu tiên nàng thấy chồng khóc. Tình cảm ly biệt bỗng dưng ập đến, nàng cũng oà lên. Hai người ôm nhau khóc hồi lâu.
Cuối cùng Hiền vương muốn giữ lại hai đứa con. Trong tình cảnh đáng thương đó, nàng đành cắn răng bước lên xe kiệu mà Thừa tướng cho đến đón nàng.
Về đến Hứa Đô, sống trong phủ họ Tào, nàng cảm thấy như được sống ở nhà mình vậy. Trần Lâm cư xử như người anh, trong những ngày trên đường về, nàng đã hiểu điều đó. Hai công tử của Thừa tướng coi nàng như người chị. Họ thường bàn luận về văn học, nói đến Khuất Nguyên, Tống Ngọc, Giả Nghị, Lưu Hướng, Tư Mã Tương Như, Trác Văn Quân những bậc tài hoa ngày nay. Từ lâu Văn Cơ đã biết tài thơ ván của cha con họ Tào. Qua những lần trò chuyện với hai công tử nàng càng thán phục hơn. Khi nói tới bài Yên ca hành hành của Tào Phi, nàng không cầm được nước mắt, vì đó chính là thân phận của nàng.
Gió thu hiu hắt lạnh trời,
Hơi may bàng bạc, sương rơi cây ngàn.
Én bay chấp chới về nam
Thương ai lữ khách ruột gan bời bời.
Gửi thân đất lạ xứ người,
Nỗi quê đau đáu xa xôi chưa về.
Phòng không lẽ mọn bơ vơ
Lòng đây se thắt ngóng chờ người ơi!
Rưng rưng áo thấm lệ rơi,
Mượn đàn gảy khúc đầy vơi giải lòng.
Trăng khuya vằng vặc bên giường,
Lời ca vắn vỏi đêm trường nỉ non.
Ngưu Lang Chức Nữ đôi phương,
Người sao đứng đó chưa sang cầu này?
Tào Phi đã tặng nàng bài thơ đó.
Thừa tướng cũng nổi tiếng ở đất Hồ, nên Hiền vương không dám giữ Văn Cơ ở lại. Văn Cơ thường thấy cha tán dương Tào Tháo là bậc kỳ tài, có tâm hồn rộng lớn. Thuở nhỏ, nàng nhớ Tháo là người thấp, bé, ngũ quan không đến nỗi khó coi. Còn bây giờ, tuy suốt ngày ngồi trên lưng ngựa, Tháo vẫn viết được những bài thơ thật sinh động. Văn Cơ kinh ngạc, thán phục tài văn thơ của Tháo. Thoáng chốc đã hơn mười năm, Thừa tướng và cha nàng là đôi bạn vong niên, hai người hơn kém nhau hơn mười tuổi, Thừa tướng, nay đã là người tri thiên mệnh!
Những đêm thanh vắng, nàng thường nghĩ đến nhiều, tất cả những mớ bòng bong không sao gỡ ra được. Nàng nghĩ đến Vệ Chung Đạo, người chồng quá cố, đến các con ở đất Hồ; nghĩ từ loạn Đổng Trác đến những vùng sa mạc mênh mông nghèo khổ; nghĩ đến cha, đến Thừa tướng...
Mới hai mươi tám tuổi đầu, nàng đã nếm trải đủ mùi cay đắng của cuộc đời. Nàng không suy nghĩ sao được.
Tào Mạnh Đức về đến Hứa Đô, biết tin anh em Tử Kiến, Tử Hoàn đón Văn Cơ về ở trong phủ, còn cùng nàng ngâm thơ làm văn, Tào Mạnh Đức lấy làm vui mừng.
Sáng hôm sau, Mạnh Đức đến thăm Văn Cơ.
Mạnh Đức vẫn là một hình tượng bé nhỏ và ngộ nghĩnh như ngày nào, còn Văn Cơ thì khác hẳn.
Văn Cơ liên tiếng trước:
- Thừa tướng, Văn Cơ xin bái kiến thúc phụ!
Văn Cơ bước lên trước và thi lễ.
Mạnh Đức đến đỡ nàng dậy, ngắm nghía một lúc rồi mới cười, nói:
- Hai cha con giống nhau quá! Thế là cháu đã trở về!
Văn Cơ đã khóc, có thể vì giọng nói của Mạnh Đức tuy đã yếu ớt, trầm trầm nhưng lại rất tình cảm.
Mạnh Đức nói lời an ủi.
- Đừng như vậy. Ta và cha cháu có khác gì ruột thịt. Cháu cứ coi đây là nhà của cháu.
Văn Cơ lấy vạt áo lau nước mắt, cảm động không nói nên lời.
Mạnh Đức nói:
- Ngày mai ta sẽ cho người đi đón Thanh Hà về, cho chị em có bạn! Thế nào, cháu về đây chỉ có một mình?
Mạnh Đức chợt nhớ ra và hối hận vì đã nói đến chuyện làm Văn Cơ đau lòng.
Văn Cơ không trả lời ngay, nàng đang mải ngắm nhìn con người mà danh vọng đến khắp mọi nơi.
Hôm nay Mạnh Đức bận thường phục, mặc một chiếc áo đoạn mới, râu ria đã xén gọn hơn, chân đi giày vải màu xanh, trông thật đường bệ. Nhưng mái tóc Mạnh Đức đã bạc phần lớn, như có một lớp sương sa. Nhiều năm chinh chiến làm nét mặt xạm đen, gò má cao, trông dáng gầy gò. Riêng đôi mắt Mạnh Đức thì như đang suy nghĩ điều gì trông thật có thần, cử chỉ ung dung, tự tại.
Văn Cơ cảm thấy an tâm và có rất nhiều thiện cảm. Nàng bèn thổ lộ nỗi khổ của mình:
- Hai đứa con của cháu vẫn còn ở bên đất Hồ!
- Ta suy nghĩ như thế này, không biết ý con gái ra sao?
Mạnh Đức đã đổi cách xưng hô như vậy.
- Bá phụ cứ nói.
Văn Cơ định gọi Mạnh Đức là phụ thân, nhưng chưa quen, nên gọi là bá phụ. Kẻ nói thì thuận miệng, người nghe cũng hợp tai.
- Ta có một thủ hạ, Đô uý đ̕ điền, tên là Đổng Kỷ, goá vợ đã hai năm nay, con người có đầu óc, dáng vẻ không tồi, không biết ý con... - Mạnh Đức không nói hết câu, đưa mắt nhìn thái độ của Văn Cơ.
Mạnh Đức nói tiếp:
- Xem ra con cũng có bụng như vậy, ta sẽ chọn ngày lành tháng tốt, lo việc chủ hôn cho đôi lứa.
Văn Cơ suy nghĩ: bá phụ đã nói nên lời, không nhận không tiện. Hơn nữa, người mà bá phụ mai mối, tất phải là người tốt, nên nàng nhận lời. Mạnh Đức làm việc gì cũng nhanh, nên chỉ khoảng nửa tháng, Văn Cơ và Đổng Kỷ nên vợ nên chồng.
Tháo ở lại Hứa Đô đã gần hai tháng, sau đó trở lại Nghiệp Thành.
Kể từ lúc đầu cuộc chiến Quan Độ năm Kiến An thứ năm đến cuộc bắc chinh với Ô Hoàn năm Kiến An thứ mười hai, ròng rã đã tám năm, Mạnh Đức dồn tất cả tâm trí và sức lực cho khu vực Hoa Bắc, đập tan thế lực của Viên Thiệu.
Năm Kiến An thứ sáu, sau chiến dịch Thương Đình, Tháo đã đưa lại quân vào Dự Châu để thanh trừng quân Lưu Bị quấy nhiễu ở vùng Nhữ Nam. Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã, chuẩn bị nổi dậy ở Đông Sơn sau này.
Trong thời gian Mạnh Đức nghỉ ngơi hai tháng ở Hứa Đô, ở Nghiệp Thành mới xây xong một chiếc hồ nhân tạo, gọi là Huyền Vũ Hồ.
Mặt hồ rộng chừng vài, ba trăm mẫu, có thể bày được vài trăm chiến thuyền.
Khi về đến Nghiệp Thành, Mạnh Đức đã cùng bọn Hứa Du đi thị sát việc diễn tập thuỷ chiến trên hồ. Tháo vốn không sành về thuỷ chiến.
Tháo nói:
- Ông cứ cho luyện tập, ta sẽ giúp việc cho!
Là một trang hảo hán suốt ngày trên lưng ngựa, khi nhìn thấy chiếc thuyền trên mặt nước, Tháo cảm thấy thích thú, trong lòng lại thêm một chút thi hứng.
Theo ý của Tư Mã Chiêu, Tháo cho xây hồ Huyền Vũ.
Có một lần Lưu Biểu gần như rơi vào tình thế nguy hiểm ở Kinh Châu.
Với danh nghĩa là Thứ sử Kinh Châu, Lưu Biểu đến Nghi Thành, bàn cùng anh em Khoái Lương, Khoái Việt, dùng mưu tập trung hơn năm mươi tên đầu mục bọn loạn quân đến Tương Dương, rồi trừ đi. Kinh Châu trở lại bình yên như cũ.
Khi đó Viên Thuật vẫn còn sống và đóng quân ở Nam Dương. Viên Thuật vốn là kẻ tham lam, định bụng nhân đó mà chiếm lấy Kinh Châu, nào ngờ Lưu Biểu đã nhanh tay hơn. Kinh Châu ổn định. Thuật lòng dạ không vui, bèn ngầm liên kết với Tôn Kiên đánh chiếm Tương Dương. Thuỷ Tôn Kiên định từ Trường Giang đánh trấn Giao Lăng ở Kinh Châu, nhưng gặp phải phục quân của Thái thú Giang Hạ là Hoàng Tổ, Kiên trúng tên mà chết trong đám loạn quân. Từ đó Viên Thuật đành bỏ mảnh đất trù phú Kinh Châu.
Đó là chuyện của hơn mười năm về trước.
Về sau, để củng cố chính quyền Trường An, Lý Thôi, Quách Dĩ xin vua tấn phong Lưu Biểu là Trấn nam tướng quân, Kinh Châu mục, Thành Vũ hầu. Hai năm sau, khi Tháo nghênh đón Hán Hiến đế về Hứa Đô, bề ngoài Lưu Biểu cử sứ giả đến chúc mừng, nhưng bên trong lại ngầm câu kết với Viên Thiệu ở phương bắc, nhằm kẹp đánh quân Tào. Trị trung lang Đặng Nghĩa khuyên Biểu bỏ họ Viên, liên kết với Tháo. Lưu Biểu nói:
- Trước mắt vẫn phải dựa vào Triều đình, nhưng cũng không thể mắc tội với kẻ quyền thế mạnh mẽ như minh chủ!
Đặng Nghĩa cho Lưu Biểu là kẻ bất nhất, nhu nhược, thiếu quyết đoán, bèn xin từ quan.
Ít lâu sau, Trương Tế cũng nhân loại lạc muốn chiếm Quan Trung, dẫn quân đi đánh Kinh Châu trước. Lưu Biểu cho quân chống cự. Trương Tế chết mất xác khi đang công phá Nhương Thành. Các quan ở Kinh Châu kéo đến chúc mừng, Lưu Biểu nói:
- Trương Tế vì khó khăn mà đến Kinh Châu, lẽ ra ta phải lấy lễ mà xử sự, không ngờ lại xẩy ra xung đột, là Kinh Châu mục ta rất hối tiếc, nên có gì đáng để chúc mừng?
Lưu Biểu còn sai người đến hoà đàm với Trương Tú, con của Trương Tế. Quân lính Trương Tú nằm trong phạm vi thế lực của Kinh Châu. Gặp khi Thái thú Trường Sa là Trương Tiện bội phản, Lưu Biphái đại quân công phá Trường Sa. Trương Tiện ốm chết, con là Trương Dịch ra hàng. Nhân đó Lưu Biểu thu phục luôn Linh Lăng, và Quế Dương. Trong tay Lưu Biểu lúc này có tới hàng mấy ngàn dặm đất đai, hàng hơn chục vạn binh mã.
Lúc đại chiến Quan Độ, Viên Thiệu cho sứ giả đến cầu Lưu Biểu từ phía sau, kẹp đánh Mạnh Đức. Lưu Biểu ừ à cho qua chuyện, có ý giữ yên Giang Hán, ngồi nhìn thiên hạ đấu nhau. Tòng sự trung lang Hán Tung và Kinh Việt đều khuyên Lưu Biểu nên hàng phục Mạnh Đức. Lưu Biểu phản đối, nói:
- Coi Lưu Cảnh Thăng này như một đứa trẻ lên ba sao?
Lại nói đến Lưu Bị, sau khi mưu đồ chống lại Tào Tháo bại lộ, liền trốn chạy khỏi Hứa Đô, . Nay đây mai đó, cuối cùng Lưu Bị như con thú sa bẫy, chạy đến chỗ Lưu Biểu. Tuy có bất ngờ, nhưng Lưu Biểu cũng khoan dung, nhiệt tình tiếp đón Lưu Bị và cho đến ở miền Tân Dã. Lúc này quân Tào đang lo bắc chiến, Lưu Bị nhiều lần khuyên Lưu Biểu nên nhân đó mà đánh úp Hứa Đô, Lưu Biểu do dự không quyết.
Sau này, Lưu Biểu xa lánh dần những kẻ thân Tháo như anh em họ Khoái, Sái Mạo, Hàn Tung, Trương Doãn v. v.. và tăng cường lực lượng phong thủ ở Tân Dã cho Lưu Bị.
Trong bảy năm ở Tân Dã, Lưu Bị chiêu hiền nạp sĩ, thu thập binh mã, lực lượng mỗi ngày một mạnh. Trong bảy năm đó, Mạnh Đức mải lo việc nam chinh, bắc phạt. Lúc này Lưu Bị đã bốn mươi bảy tu
Lưu Bị ngồi nghĩ lại: về mặt nhân nghĩa ta cũng nổi tiếng ở đời; về mặt quân sự đã có hai em cùng Triệu Tử Long; bàn mưu tính kế có Giản Ung, Tôn Càn, My Chúc v. v. Một thời đã có Từ Châu, một phần Dự Châu, nhưng nay ta vẫn lâm vào cảnh lưu ly thất sở, ăn đậu ở nhờ. Đã nhiều lần Lưu Bị nói với Quan, Trương:
- Ta chẳng ra gì làm liên lụy đến hai em!
Trong khi Mạnh Đức đang thị sát huấn luyện thuỷ quân ở hồ Huyền Vũ thì Lưu Bị từ Tân Dã ra đi cầu hiền. Đã mấy lần Lưu Bị đến bái kiến Tư Mã Huy. Huy cho rằng bên cạnh Lưu Bị thiếu hẳn một người tuấn kiệt, mưu hay kế giỏi, còn như bọn Tôn Càn chỉ là hạng bạch diện thư sinh, không có tài kinh luân tế thế gì. Huy cũng tiến cử với Lưu Bị hai người là Ngoạ Long tiên sinh Gia Cát Lượng và Phượng Sồ tiên sinh Bàng Thống. Chẳng bao lâu, nhờ có Từ Thứ, một danh sĩ ở Kinh Châu, Lưu Bị tìm được Gia Cát Lượng người Nam Dương, Long Trung, mới có hai mươi bảy tuổi.
Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh, sinh ra ở huyện Dương Đô, quận Lang Gia Thanh Châu, Dương Đô còn gọi là Gia Huyện. Trong huyện có họ Cát, người trong họ đã đông, lại lắm người tài, dần dà họ Cát trở thành họ Gia Cát. Gia Cát Lượng xuất thân từ một thế gia quan lại. Tổ phụ Gia Cát Lượng từng là Đại hiệu uý, là người thanh liêm, chính trực. Gia Cát Lượng có ba anh em trai và một chị gái. Cha mẹ mất sớm, bốn anh chị em phải nương nhờ vào chú là Gia Cát Huyền làm quan ở kinh đô. Huyền quen biết Bắc Quân Trung hầu thời đó là Lưu Biểu, mới đưa các cháu đến ở gần thành Trương Dương Kinh Châu. Anh cả là Gia Cát Cần đã nhiều tuổi, từng ở Lạc Dương, học tập ở trường Thái học. Học xong đi làm mưu sĩ cho Tôn Quyền ở Giang Đông. Khi thúc phụ mất đi, Gia Cát Lượng và em là Gia Cát Quân sống nhờ vào số sản nghiệp nhỏ mọn để lại, cùng nhy cấy, tự cung tự cấp ở Long Trung về phía tây thành Tương Dương vài dặm.
Sau khi được Tư Mã Huy và Từ Thứ tiến cử, Lưu Bị tin rằng Gia Cát Lượng chính là một nhân tài hiếm có. Lưu Bị tự dẫn hai em dầm mưa dãi nắng tìm đến lều tranh ở Long Trung bái kiến Gia Cát Lượng.
Chắc là để thử lòng Lưu Bị, Gia Cát Lượng cố ý tránh mặt, hai lần không có nhà. Nhưng Lưu Bị vẫn quyết tâm, đến bái kiến lần thứ ba, Gia Cát Lượng rất cảm động liền ra đón tiếp.
Tào Mạnh Đức đang xem xét diễn tập hội báo trong lực lượng quân sự ở hồ Huyền Vũ Nghiệp Thành thì có tin ở Hứa Đô: chồng của Thái Văn Cơ là Đổng Kỷ phạm pháp bị xử cực hình.
Mạnh Đức vội vã quay về Hứa Đô.
Mọi công việc ở Hứa Đô đã giao cho đại thần Tuân Úc. Úc là người chấp pháp nghiêm minh, Đổng Kỷ không thể bị oan. Về mặt lý, Tháo không phải bận tâm.
Nhưng Đổng Kỷ lại là chồng của Văn Cơ!
Mấy hôm trước Văn Cơ còn nhờ người chuyển cho Tháo bài thơ nàng vừa sáng tác. Vừa về đến phủ, Tháo liền xem lại bài thơ của Văn Cơ:
Quân lính tràn xuống đông
Gươm giáo loá mặt trời
Chúng toàn người Hồ, Khương,
Diệt dân làng nhỏ nhoi.
Săn lùng vây ấp trại,
Điên cuồng đốt phá trụi.
Giết hết từ đứa trẻ,
Xác chết mắt vẫn mở.
Đầu đàn ông treo ngựa,
Đàn bà ngựa lùa sau.
Hướng cửa tây đuổi vào,
Đường về thật hiểm trở.
Ngoái lại bụi mịt mờ,
Ruột gan nát như vò.
Nung nấu nghĩ kế thoát.
Lệnh chúng tách riêng biệt>
Ngó thấy còn thân thích,
Muốn hỏi không dám nói.
Nhỡ ra một đôi lời,
Buột miệng, chém tơi bời.
Khi tạm dừng dao chém,
Chửi rủa trút không thôi.
Há tiếc gì mạng sống,
Chịu làm sao nỗi nhục.
Liên tiếp roi gậy vụt,
Đau đớn thấu tận xương.
Sớm ra khóc chia biệt,
Đêm tối ngậm bi thương.
Muôn chết không chết được,
Muốn sống cũng hết phương!
Trời xanh sao ác độc,
Xui nên hoạ xâm lăng.
(Cung Khắc Lược dịch).
Qua những bài thơ gần đây, Tháo hiểu rõ tâm trạng của Văn Cơ. Tuy đã ở đất Hán, đã có chồng, nhưng nỗi bất hạnh của mười năm trước vẫn giày vò Văn Cơ. Nếu Đổng Kỷ lại... thì Văn Cơ làm sao sống nổi?
Đổng Kỷ tham ô quân lương, pháp luật không kể tình thân, đáng phải chém đầu. Có một lần hành quân ở Trần Lưu, ngựa của Tháo đã giẫm nát một khoảnh lúa mạch. Theo lệnh của Tháo: ai để ngựa giẫm nát hoa màu của dân đều bị chém đầu. Để giữ nghiêm pháp lệnh, Tháo đã rút kiếm toan tự sát. Sau đó, tướng sĩ hết lời van xin, Tháo mới lấy gươm cắt một ít tóc để làm răn.
Tháo ở trong một tình cảnh cực kỳ mâu thuẫn.
Lính hầu vào bẩm có Thái Văn Cơ xin cầu kiến. Tháo đang suy nghĩ miên man, nghe tin liền nói:
- Để Văn Cơ vào. Ta đã dặn cứ để Văn Cơ vào thẳng phủ, không phải bẩm báo.
Văn Cơ bước chậm vào phủ, đầu óc tơi bời, nét mặt trắng bệch, thân hình gầy gò, hai mắt đẫm lệ, trông thật đáng thương.
Văn Cơ khấu đầu xin tạ tội, sau đó mới nói về Đổng Kỷ. Văn Cơ thuật lại quá trình phạm tội của chồng. Thật khách quan mà xét, Đổng Kỷm ô quân lương.
Số tiền đó dùng để tu sửa kênh mương cho dân được nhờ, chẳng qua là không ai biết. Nàng nói, thật cặn kẽ và sinh động, giọng nói ngọt ngào dễ thương, khiến cho tân khách trong phòng đều tường tận và thương cảm.
Tháo thấy mọi người đồng tình với Văn Cơ, liền nói:
- Lời nói nghe rõ ràng và có cơ sở, nhưng đã có văn bản xử tội, bây giờ biết làm sao?
Văn Cơ biết bá phụ tìm cách từ nan, nên nói:
- Thừa tướng có vạn ngựa thanh, có ngàn quân giỏi, lẽ nào lại tiếc một con ngựa, không cử cấp sứ đi cứu một người sắp sửa chết oan?
Tháo vội vàng cho người đến thu lại bản định tội Đổng Đô uý.
Đêm hôm đó, Tháo để Văn Cơ lưu lại phủ.
Văn Cơ sung sướng vì chồng được cứu, nàng tắm rửa xong mới xuất hiện trước mặt Tào Tháo. Trông nàng thật xinh đẹp. Nét mặt ngời sáng và thanh cao. Cũng như ở những phụ nữ khác, nhất là ở nàng, có một ma lực hấp dẫn đến kỳ lạ.
Không biết tự lúc nào tay Tháo đang nhẹ nhàng nắm vào vai Văn Cơ. Lòng Tháo đang có xao động kỳ lạ, nhưng Tháo bỗng rụt tay lại. Bất thần Tháo sực nhớ đến Thái Ung, Tháo nói:
- Nghe các cụ già ở Hà Đông nói, tiên phụ của cháu để lại rất nhiều sách vở, c những cuốn đã thất lạc. Văn Cơ còn nhớ nội dung những cuốn sách đó không?
Văn Cơ nói:
- Cha cháu để lại hơn bốn ngàn cuốn. Vừa chiến tranh vừa li tán, số sách đó đã thất lạc gần hết. Hiện cháu còn nhớ được khoảng bốn trăm cuốn.
Tháo rất vui mừng:
- Tốt lắm. Ta sẽ bảo Tử Kiến, Từ Hoàng và cả Trần Lãm nữa, giúp cháu sửa chừa các bản thảo của cha cháu, truyền cho đời sau. Thế mới xứng với vong linh của cha cháu.
Còn gì vui sướng bằng, Văn Cơ nắm chặt tay Tháo:
- Cháu đội ơn bá phụ.
Tháo rất cảm động.
- Ta đã già rồi! Vốn định sửa chữa, bổ sung cuốn "Hán thư" của cha cháu, nhưng ta lực bất tòng tâm, có khi lại phải nhờ đến các cháu.
Văn Cơ cảm thấy bá phụ chẳng mấy chốc đã già đi rất nhanh!
Xong việc ở Hứa Đô, Tháo đến ngay Nghiệp Thành, như Huyền Vũ Hồ đang vẫy gọi.
← Hồi 19 | Hồi 21 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác