Vay nóng Tima

Truyện:Tào Tháo thiên bá - Hồi 17

Tào Tháo thiên bá
Trọn bộ 31 hồi
Hồi 17: Hảo Hán đổ về, Vy Thành Bắc Quốc
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-31)

Siêu sale Shopee

Tháng năm, năm Kiến An thứ bảy, bá chủ phương bắc là Viên Thiệu thổ máu mà chết, bảo là ý trời, người làm, đều được. Cơ nghiệp to lớn của họ Viên suy vong. Bốn châu phương bắc trở thành mảnh đất vô chủ hỗn loạn, người người giành giật.

Viên Thiệu có ba người con. Người vợ cả sinh được con đầu và Viên Đàm, con thứ là Viên Hy rồi mất. Viên Thiệu lấy thêm Lưu thị, sinh được Viên Thượng. Thượng dung mạo tuấn tú, giống Thiệu như đúc, nên được cha quý mến, luôn cho ở bên mình. Bị Lưu thị thao túng, nên Thiệu sẵn có ý muốn lập Viên Thượng làm hậu tự, duy còn e ngại các lão đại thần trong quân không thuận nên chưa dám nói thẳng ra. Trong thực tế, trước đại chiến Quan Độ mấy năm, Thiệu đã nghĩ việc lập Viên Thượng làm hậu tự, nên phong Viên Đàm làm Thứ sử Thanh Châu, có ý để Đàm làm hậu tự của người bác ruột là Viên Thành. Thư Thụ là người tỏ tường đầu tiên.

Lúc đó Thư Thụ đã nói:

- Quyền lực ai mà không thích! Nay bỏ con cả, lập con thứ là khuyến khích tham quyền, tự mình gieo vạ. Viên Đàm là con trưởng, phải là hậu tự, nếu để hắn ở ngoài, tất sẽ sinh vạ lớn.

Thiệu nói:

- Ta muốn để mỗi đứa ở một châu, xem chúng làm ăn ra sao.

Thụ thấy Thiệu vẫn còn mê muội, nên cũng không nói gì nữa.

Sau chiến bại Quan Độ, Lưu thị nhìn thấy ngày tận số của chồng chẳng còn bao lâu nữa, nên càng giục riết việc lập hậu tự. Thiệu cho mời Thẩm Phôi, Phùng Kỷ, Tân Bình, Quách Đồ đến bàn việc lớn. Việc đã khó lại càng thêm khó. Thẩm Phôi, Phùng Kỷ vốn ghét Viên Đàm nên ưng lập Viên Thượng. Tân Bình, Quách Đồ nguyên đã phò tá Viên Đàm nên kiên quyết giữ phép trưởng,

Viên Thiệu cho rằng con trưởng là Đàm tính tình hung bạo hay giết người, con thứ là Hy thì nhu nhược, khó làm nên chuyện, duy có con thứ ba là Thượng, có dáng anh hùng, biết trọng người hiền, quí kẻ sĩ, nên muốn lập Viên Thượng.

Quách Đồ nói:

- Trong anh em, Đàm là trưởng, nay cầm quân lớn ở bên ngoài, người người kính trọng. Nếu Chúa công tự ý bỏ trưởng lập thứ, đó là gây cái mầm biến loạn. Hiện nay quân uy vừa nhụt, quân giặc lại đang áp sát bờ cõi, há lại để trong nhà cha con anh em có việc tranh giành lẫn nhau hay sao? Xin Chúa công lo kế đánh giặc, còn việc lập tự từ từ hẵng bàn.

Lúc đó quân Tào đang tiến đến Thượng Đình, nên Thiệu cũng hoãn việc lập tự. Sau trận chiến Thương Đình, Viên Thiệu bệnh nặng rồi chết. Trong trướng Lưu thị, mọi người bắt đầu diễn trò. Thẩm Phôi, Phùng Kỷ thấy Viên Đàm kế vị là điều bất lợi, sợ bị Quách Đồ, Tân Bình hãm hại, nên họ cùng Lưu thị làm giả di chúc của Thiệu, lập Viên Thượng làm người kế tự nhận chức đại tướng quân. Viên Đàm từ Thanh Châu về Nghiệp Thành chịu tang, nhìn thấy Thượng chễm chệ ngồi trên chiếc ghế của cha, mà lòng bực bội. Đàm quyết không trở lại Thanh Châu, đóng quân ở Lê Dương như ý Quách Đồ, tự phong chức Xa kỵ tướng quân. Được tin quân Tào tiến lên phía bắc, Viên Đàm yêu cầu Viên Thượng tăng quân cho Lê Dương. Viên Thượng sai Phùng Kỷ đưa một ít binh mã đến chi viện. Viên Đàm lại yêu cầu cho thêm quân, Thẩm Phôi không nghe, Viên Đàm tức khí giết luôn Phùng Kỷ, gây mối bất hoà lớn giữa Nghiệp Thành và Lê Dương.

Tình hình miền Bắc ra sao sau khi Thiệu chết, Mạnh Đức chưa nắm được hết. Bởi vậy, nếu dẫn đại quân bắc phạt theo quy mô lớn là không hợp với phép cầm quân, phải biết người biết ta.

Tháng chín, mùa thu năm Kiến An thứ bảy, Mạnh Đức vượt sông tiến đánh Lê Dương.

Văn võ bá quan cảm thấy khó hiểu về phương án bắc phạt lần này của Mạnh Đức. Quy mô hoạt động không lớn. Tuy vẫn là Mạnh Đức thân chinh, nhưng khi vượt sông vẻn vẹn chỉ có đạo quân của Trương Liêu. Nhạc Tiến với danh nghĩa là Thảo Khấu Hiệu uý làm phó quan, Quách Gia, Tuân Du làm tham mưu. Ngoài ra có Lý Điển vốn tính cẩn trọng trấn giữ An Dân, Chấn uy tướng quân Trình Dục vẫn giữ Quyên Thành và chăm lo hậu cần. So với trận chiến Thương Đình, biên chế lần này khác hẳn. Binh lực thì ít, quan chức tham mưu rất nhiều.

Ý đồ bắc phạt lần này của Tào Mạnh Đức là, tìm hiểu tình hình miền bắc sau khi Thiệu chết, để có kế hoạch tiêu diệt hoàn toàn họ Viên sau này.

Do phía Lê Dương không có quân tăng viện, nên đạo quân Trương Liêu nhanh chóng vượt sông tại bến Lê Dương, bao vây thành Lê Dương. Viên Đàm buộc phải cấp báo đến Viên Thượng. Thượng muốn tỏ quyền lực và uy phong của chức đại tướng quân vừa nhận, bèn sai Thẩm Phôi ở lại Nghiệp Thành, còn mình thì dẫn quân đến cứu Lê Dương.

Hai bên đánh mấy trận nhỏ ở bên ngoài thành Lê Dương. Quân Viên tuy đông, nhưng sức chiến đấu yếu ớt, mấy lần chiến đấu không lại, đành phải rút vào thành cố thủ. Mạnh Đức thấy quân Viên đông, không chắc đã phá được thành, bèn ra lệnh thu quân hạ trại đánh thành khoảng ba dặm về phía nam, giả bộ cuộc chiến.

Anh em họ Viên mời các mưu sĩ lại bàn kế phá vây.

Quách Đồ nói:

- Dùng lại kế đánh phá hậu cần quân Tào sử dụng trong đại chiến Quan Độ. Chúng ta cho quân chặn đường tiếp lương của quân Tào. Mặt khác tiến đánh Hà Đông, nhằm lôi cuốn sự chú ý của họ.

Anh em họ Viên thấy phải, liền sai Thứ sử Kinh Châu là Cao Bình tiến đánh Hà Đông, Thái thú Ngụy Quân là Cao Phiền xuất quân chặn đường vận chuyển lương thực.

Quân Viên chỉ giữ thành mà không đánh tất phải có kế gì đó, Mạnh Đức liền đến hỏi Quách Gia và Tuân Du. Quách Gia nói:

- Hai quân kình địch đã lâu tất phải có ý đồ riêng.

Tuân Du nói rõ hơn:

- Quách Đồ có mặt từ đầu đến cuối đại chiến Quan Độ, có thể từ chiến bại rút ra được kinh nghiệm nào đó.

Lời nói của hai mưu sĩ hàng đầu có nhiều gợi ý. Mạnh Đức nghĩ, quân Viên vào thành là có ý muốn đánh tập hậu quân ta, liền sai người bắt sống một tên lính bên Viên.

Tên lính nhìn thấy gươm kề cổ vộvã khai luôn.

- Hôm qua Cao tướng quân dẫn khoảng hai ngàn lính ra khỏi thành Lê Dương.

Trương Liêu định hỏi nữa, Mạnh Đức ngăn lại, sau đó viết một lá thư mật, cho người trao tận tay Lý Điển ở bờ nam sông Hoàng Hà.

Lý Điển và Trịnh Dục thấy thư viết rằng: "Quân Viên định cắt đường chuyển lương của ta. Đẩy mạnh hoạt động của đội du kích, bổ cứu công việc chuyển lương".

Lý Điển và Trình Dục ra ngoài quan sát tình hình, đồng thời không vận chuyển lương nữa.

Trình Dục nói:

- Quân Viên muốn cản ta ở dưới đường sông. Binh sĩ mặc giáp trên cạn không nhiều, tỏ ra lơ là khinh địch. Chi bằng ta ra tay trước, vượt sông tiến đánh, tất sẽ thành công.

Lý Điển có phần do dự:

- Ý của Thừa tướng là...

Trình Dục khích lệ Lý Điển:

- Chúng ta giữ gìn lương thảo đúng ý Thừa tướng, còn gì đáng phải xét tội?

Lý Điển vốn tin phục Trình Dục, nên cho là phải.

Mỗi người dẫn một đội quân vượt sông đánh phá doanh trại của Cao Phiền ở bờ bắc. Quân Cao Phiền vừa chân ướt chân ráo đến nơi, vừa nghĩ quân Tào vượt sông chuyển lương không thể nhanh như vậy, nên phòng thủ có phần lỏng lẻo. Lý Điển, Trình Dục đột kích chớp nhoáng, quân Viên lập tức tan rã. Việc vận chuyển lương thảo của quân Tào trên tuyến đường sông lại thông suốt như cũ.

Tào Mạnh Đức nhận được tin vui của Lý Điển và Trình Dục, đồng thời cũng nhận tin buồn từ Hà Đông chuyển đến.

Nguyên là, Thứ sử Tinh Châu là Cao Bình sau khi nhận lệnh của Viên Thượng liền tiến cử Quách Thụ chức Thái thú Hà Đông, lại thuyết phục bọn Hung Nô là Đan Vu dẫn quân Hung làm tiên phong trực tiếp quấy nhiễu các quận huyện của Hà Đông, mặt khác ngầm sai người liên hệ với đạo quân các tướng Mã Đằng, Hàn Toại ở Quan Trung công kích vào hậu phương quân Tào, nhằm công phá thế trận của quân Tào ở Hà Đông. Vì thiếu kinh nghiệm, quân Tào liên tiếp thua trận, không ít thành trì phải mở cửa đầu hàng. Riêng Quân sử Hà Đông là Giả Quỳ cố thủ Giáng Thành còn ít nhiều chống đỡ được. Nhưng binh lực của Quách Viện với thế áp đảo đã đến vây thành, kêu gọi Giả Quỳ đầu hàng. Giả Quỳ là người biết chăm lo phát triển nông nghiệp, dân tình no ấm thuận hoà, trăm họ thương yêu quý mến ông. Các vị bô lão có nhiều tiếng tăm, được dân tin theo, liền nêu điều kiện, nếu Giả Quỳ không bị giết thì các quận huyện Hà Đông xin đầu hàng bằng hết. Quách Viện ưng theo, Giáng Thành bình lặng rơi vào hiểm hoạ.

Quách Viện thấy Giả Quỳ là người khí khái có năng lực liền để làm bộ tướng. Giả Quỳ từ chối. Quách Viện đặt gươm kề cổ để uy hiếp. Giả Quỳ đâu có sợ, còn ấn mạnh lưỡi kiếm để nhanh được chết.

Quách Viện còn làm nhục Giả Quỳ, cho người ấn đầu ng xuống, muốn ông phải lạy hắn. Giả Quỳ thét lớn:

- Mệnh quan Triều đình quyết không đầu hàng.

Quách Viện còn bắt ông phải nói với dân: "Tào Tháo là quốc tặc, muốn cướp ngôi nhà Hán".

Giả Quỳ nói với dân rằng:

- Thừa tướng đã cho Đô uý Tảo Tử giúp chúng ta có được cuộc sống thật no đủ. Tào thừa tướng nhất định sẽ từ Lê Dương đánh tới!

Quách Viện giận dữ, xử chém Giả Quỳ.

Trăm họ lên tiếng:

- Ngươi dám chém lương thần, trăm họ chịu chết trước mặt nhà ngươi!

Dân chúng phẫn nộ, Quách Viện đành phải hạ ngục Giả Quỳ.

Đêm hôm đó, một người tên là Chúc Công Đạo ngầm cứu Giả Quỳ. Thoát khỏi ngục tù; Quỳ cho người báo tin Hà Đông thất thủ tới Mạnh Đức.

Mạnh Đức được tin, còn nghe kể về lòng trung của Giả Quỳ, của trăm họ Giáng Thành, bèn ngửa mặt nhìn trời than rằng: "Ta thật không xứng với các bô lão Hà Đông, một phút xem thường, khiến trăm họ phải điêu đứng". Nói xong, Mạnh Đức thương xót đến rơi lệ. Bỗng chốc, lại như văng vẳng bên tai lời nói của cụ già hôm dâng cơm rượu trên mỏm đồi bên sông Hoàng Hà. Mạnh Đức nghĩ: "Đường đường là Thừa tướng nhà Hán, lẽ nào lại để anh em họ Viên làm nhục mệnh quan, chà đạp trăm họ?"

Mạnh Đức liền hạ lệnh Đô uý Tư Lệ trấn thủ Lạc Dương tên là Chung Do phụ trách phòng vụ Hà Đông.

Quân Chung Do chẳng mấy chốc đã bao vây quân Hung Nô của Đan vu ở quận Bình Dương. Nhưng hai hôm sau, đoàn quân Tinh Châu của Quách Viện kịp đến Bình Dương. Mạnh Đức nhất thời dao động không lượng được sức Quách Viện. Tình hình cực kỳ nguy cấp.

Chung Do cử Tân phong quân lệnh là Trương Ký đi nói điều hơn lẽ thiệt với Mã Đằng đoàn quân Quan Trung, Đằng còn do dự. Mưu sĩ Phó Cán nói:

- Từ xưa, thuận đức thì còn, nghịch đức thì mất. Tào công phụng Thiên tử trừ bạo nghịch, lấy phép trị thiên hạ, đưa no ấm cho trăm họ ấy là hợp đạo. Họ Viên xá kể lê dân sống chết, rước Hung Nô xâm phạm Hà Đông, ấy là trái đạo. Nay tướng công là mệnh quan Triều đình, lại toạ sơn quan hổ đấu. Sớm muộn Tào công thắng lợi sẽ đến. E tướng quân gánh sao nổi tội phản loạn?

Nghe Phó Cán nói, Mã Đằng liền cho con trai là Mã Siêu dẫn hơn một vạn quân mã, Bàng Đức làm tiên phong, đến Bình Dương trợ quân Chung Do.

Trên chiến trường Bình Dương, thanh thế quân Quách Viện rất mạnh, nên mấy viên bộ tướng của Chung Do toan tính rút quân. Chung Do tin tưởng khả năng thuyết khách của Trương Ký, nên động viên tướng sĩ:

- Nếu chúng ta thua trận, sẽ ảnh hưởng xấu đến sĩ khí quân lính tiến công Lê Dương của Thừa tướng. Lát nữa Mã Đằng sẽ đến giúp chúng ta. Nếu ta rút quân, Mã Đằng sẽ khinh miệt và theo về quân Viên, tình hình trở nên rối rắm.

Chung Do cho quân ngày đêm đào đường hầm, đưa phần lớn binh lính và dân thường ra ngoài. Mặt khác cử người hoà đàm để tranh thủ thời gian giảm nhẹ sức ép của quân Viên. Theo điều kiện đầu hàng của Chung Do, Quách Viện dẫn quân ồ ạt vào thành. Lập tức Chung Do dẫn số quân lính vừa rút ra ngoài mấy hôm trước, quay lại vây thành. Vây đúng ba hôm, lương thực trong thành đã hết. Vừa lúc Mã Siêu, Bàng Đức kịp đến, dễ dàng phá thành Bình Dương. Quách Viện chết trong đám loạn quân, Đan Vu của Hung Nô đầu hàng. Quân Viên thua to ở Hà Đông.

Khi hai quân Viên, Tào đang kình địch, thì người liên minh cũ với Viên Thiệu là Kinh Châu Thứ sử Lưu Biểu sai Lưu Bị thừa cơ đánh chiếm Hiệp Huyện Dự Châu. Anh em Viên Thượng mong chiếm được Hiệp Huyện để có cơ chống lại quân Tào. Được tin, Mạnh Đức án binh bất động, chỉ sai Hạ Hầu Đôn, Vu Cấm và Lý Điển dẫn quân chống lại Lưu Bị. Vu Cấm, Lý Điển lắm mưu nhiều mẹo, Hạ Hầu Đôn võ dũng hơn người, bộ ba thật là hợp điệu.

Lưu Bị thấy Hạ Hầu Đôn dẫn đại quân đến, liền cho đốt trại, rút chạy về hướng tây nam, Hạ Hầu Đôn cho quân truy kích. Lý Điển nói:

- Quân địch vô cớ rút lui, tất có phục binh. Đường hướng tây nam đã hẹp lại khó đi, hai bên cây cỏ um tùm, không nên truy đuổi.

Đôn không nghe, để Vu Cấm, Lý Điển ở lại trông coi Hiệp Huyện, còn mình dẫn quân bản bộ kịp đuổi Lưu Bị. Quả nhiên trúng kế hoả công, quân lính tan tác. May có Lý Điển, Vu Cấm đến cứu mới giữ được tính mạng của Đôn. Lưu Bị thấy quân Vu, Lý truy đuổi, biết không chống đỡ nổi, nên toàn quân rút về Kinh Châu.

Xuất quân lần này, tuy đuổi được Lưu Bị về lại Kinh Châu, nhưng Mạnh Đức cũng thấy việc củng cố hậu phương là việc quan trọng. Mạnh Đức quyết định thao túng Tôn Quyền ở Giang Đông hòng khống chế Lưu Biểu. Tôn Quyền là con của Thái thú Trường Sa Tôn Kiên. Năm đó, Tôn Kiên là thành viên trong đoàn quân của Viên Thuật, lập nhiều kỳ công chống lại Đổng Trác. Về sau Lưu Biểu ở Kinh Châu nghe lời Viên Thiệu cử Hoàng Tổ đi đánh Tôn Kiên. Kiên chết trong đám loạn quân, tàn quân chạy sang bên viên Thuật. Tôn Sách là con đầu của Kiên. Sách trẻ, khoẻ, được mưu sĩ Trương Chiêu phò tá, tách khỏi Viên thuật, lập nghiệp tại Dương Châu, phía nam sông Trường Giang. Sau khi Viên Thuật chết, Sách thừa cơ cướp lấy binh quyền trở thành bá chủ vùng Giang Động. Chẳng may năm hai mươi sáu tuổi, Sách bị ám hại. Trước khi lâm chung Sách dặn Trương Chiêu, Thuỷ quân đô đốc Chu Du, phò tá người em mười bảy tuổi là Tôn Quyền, dặn mẹ là Ngô Thái phu nhân chăm coi việc lớn, tiếp tục thống lĩnh vùng Giang Đông. Đó là vào năm Kiến An thứ năm. Khi ấy Tháo và Thiệu đang tranh chấp ở bên Bạch Mã.

Để Tôn Quyền thuận theo Hứa Đô, Mạnh Đức định gả con gái độc nhất là công chúa Thanh Hà cho Tôn Quyền, chính sách cầu thân, như các đời trước thường làm. Công chúa Thanh Hà là con của Nhị phu nhân Lưu thị, em ruột của Tào Ngang. Hà kém anh sáu, bảy tuổi, có nhiều nét di truyền của cha. Người không đẹp, nhưng thật tài hoa. Đồn rằng năm mười một, mười hai gì đó, Hà đã dám bàn chuyện văn thơ với đại văn nhân Khổng Dung và các anh Tào Phi, Tào Thực. Tôn Quyền mến tài Thanh Hà nên muốn kết thân. Trương Chiêu, Tần Tùng đều thuận. Duy có Chu Du nghĩ khác.

Du nói:

- Đây là trò cầu thân của Tháo. Tháo sợ thế lực quân ta khi hắn đánh dẹp phương bắc chưa xong. Nay tướng quân thừa kế cha, anh, có đủ sáu quận ở Giang Đông, binh nhiều lương đủ, tiền đồ rực rỡ, nên việc gì phải thế?

Ngô Thái phu nhân cũng nói:

- Đừng mắc mưu Tháo. Núp dưới ngọn cờ nhân nghĩa nhưng Tháo chỉ là khấu tặc. Ta chưa được tỏ tường. Nên từ chối khéo, chờ xem thời cục ra sao đã!

Tôn Quyền buồn bã, gạt bỏ tình mến mộ công chúa Thanh Hà, tìm đến cuộc hôn nhân khác do mẹ bày đặt, trấn giữ miền nam Trường Giang, khống chế đội quân Lưu Biểu.

Mùa xuân năm Kiến An thứ tám, hậu phương đã có phần vững chắc, Tháo lệnh cho đạo quân của Trương Liêu đánh mạnh vào Lê Dương. Đầu tháng ba, ngoài thành Lê Dương bị đánh phá mạnh, Viên Đàm, Viên Thượng đành phải dẫn quân ra ngoài mở trận huyết chiến. Quân Viện thua, lại rút cả vào thành. Thảo khấu hiệu uý bên Tào là Nhạc Tiến, đánh ngựa lên trước, chỉ huy quân lính vượt thành, sĩ khí quân Tào rất mạnh. Tướng giữ thành Lê Dương là Nghiêm Kính ra sức chống đỡ, sau bị Nhạc Tiến giết chết, quân lính giữ thành tan rã, Trương Liêu thừa thắng đánh bừa lên, anh em họ Viên tháo chạy về Nghiệp Thành.

Tháng tư, Tháo cùng đạo quân của Trương Liêu tiến đến Nghiệp Thành. Anh em họ Viên không dám ra nghênh chiến, còn lệnh cho quân Viên các nơi về chi viện gấp. Muốn tiêu diệt quân Viên cần phải đánh mạnh, đánh lâu, nếu không sẽ bị quân Viên dồn về Lê Dương, đến tận bờ nam Hoàng Hà. Quân đi xa, đánh lâu là đ kỵ.

Trương Liêu chủ trương đánh tiếp, tiêu diệt họ Viên. Tuân Du và Quách Gia lại nghĩ khác. Quách Gia nói:

- Viên Thiệu lo việc lập tự chưa xong thì đã chết. Anh em họ Viên có phe cánh riêng, khi công khai, lúc ngấm ngầm giành giật lẫn nhau. nay ta đánh mạnh, họ phải liên minh và đủ sức chống lại quân ta. Chi bằng ta đánh từ từ, họ được rảnh tay, lại nghĩ đến quyền lợi riêng tư mà cắn xé lẫn nhau, chẳng cần chúng ta nhúng tay vào, bọn họ cũng tiêu tan. Lúc đó chỉ cần một trận là định xong Hà Bắc!

Lúc đầu, Tháo ngả về phía Trương Liêu. Đã hai lần tiến đánh quân Viên, chưa định được Hà Bắc, sĩ khí bị ảnh hưởng, miệng thế sẽ chê cười. Nghe Quách Gia nói Tháo cho là phải, liền rút quân về Hứa Đô, để lại bộ tướng là Giả Tín giữ thành Lê Dương vừa mới chiếm được.

Sau khi về Hứa Đô, Tháo bỗng nhớ một điều tâm sự từ lâu, nên cho gọi Huyện lại Hà Đông là Giả Quỳ để hỏi về một người.

- Ở Hà Đông người có biết một tài nữ tên là Thái Diễm?

Giả Quỳ nghĩ ngợi hồi lâu rồi mới thưa:

- Nghe nói ở huyện Bình Dương có một tài nữ đã bị người Hồ cướp đi từ lâu. Có người nói tài nữ đó là con gái của Thái Ung, một đại học sĩ thời Hán Linh đế.

Như vậy, điều dự đoán của Tháo là đúng.

Năm hai mươi tuổi Tháo đỗ hiếu liêm, được vị đại học sĩ thời đó là Thái Ung đã bốn mươi tuổi quý mến. Hai người tâm đầu ý hợp, trở thành đôi bạn vong niên. Ung có người con gái tên là Thái Diễm, hồi ấy mới có mấy tuổi. Sau này Ung vì phản đối bọn hoạn quan mà bị đuổi về huyện Bình Dương. Thời Đổng Trác ông được mời lại làm việc, Tháo là Điển quân hiệu uý ở kinh, nên hai người có dịp đi lại nhiều hơn. Thái Diễm mười bốn tuổi ở lại Bình Dương lấy một hàn sĩ tên là Vệ Chung Đạo. Tháo và Ung gần gũi được mấy năm, sau này Tháo bỏ đi nơi khác để chống lại thói tiếm quyền của Đổng Trác. Tháng tư năm Sơ Bình thứ ba, Trác bị Lã Bố và Vương Doãn giết, phơi thây ở Ngọ môn. Bọn chúng bắt cả Thái Ung, coi là đồng đảng với Đổng Trác, đem chặt hai chân, thích chữ vào mặt. Văn nhân một thời, bất khuất chết ở trong ngục.

Thái Diễm đã bị bọn người Hồ bắt mang đi.

Mạnh Đức suy nghĩ sau khi bình định phương bắc, nhất định phải tìm Thái Diễm để đại học sĩ họ Thái có thể yên tâm nơi chín suối.

Quả đúng như dự kiến của Quách Gia, Mạnh Đức rút quân khỏi Nghiệp Thành chưa được nửa năm, anh em họ Viên đã sinh nội loạn.

Lúc đầu Viên Đàm nói với Viên Thượng:

- Lần trước ta giữ thành Lê Dương quân ít nên mới để thua quân Tào. Nay quân Tào đã rút, để một ít quân trấn giữ Lê Dương, nếu ta quay lại đánh, chắc là phải thắng.

Viên Thượng lấy cớ quân vừa mới thua cần phải chấn chỉnh để từ chối. Viên Đàm tức giận, đem quân ra đóng trại ở ngoài

Quách Đồ, Tân Bình nói với Viên Đàm:

- Do bọn Thẩm Phôi mưu mô giở trò ma mãnh nên tướng quân không được phong chức đại tướng quân. Nay đem quân tiến công Viên Thượng, có thể được người Ký Châu ủng hộ, giành lại tước vị của Tiên công.

Viên Đàm đưa quân công phá Nghiệp Thành, Viên Thượng và Thẩm Phôi đã có chuẩn bị. Hai bên hội chiến ở ngoài thành. Các tướng lĩnh quận, huyện Ký Châu đều đứng trung lập. Viên Đàm yếu thế, nên phải rút về Nam Bì tận phía đông bắc.

Ký Châu Biệt giá bắc hải Thái thú là Vương Tu, được tin Viên Đàm lực mỏng, liền cho chiêu mộ người đến Nam Bì tăng viện. Viên Đàm tuy chưa hồi sức nhưng vẫn muốn đi đánh Viên Thượng. Vương Tu vội vàng can ngăn:

- Anh với em như hai cánh tay. Nay đang địch với người ngoài, lại đem chặt tay phải đi, rồi nói mình nhất định thắng có được không? Anh em mà xa rời nhau, không thân thiết thì trong thiên hạ còn ai là người thân nữa? Nay có người gièm pha, li gián tình cốt nhục anh em, xin ông chớ nghe. Anh phải có tình thân mới đủ sức mạnh đạp bằng bốn phương, giành lấy thiên hạ.

Viên Đàm không nghe, vẫn luyện quân, tích lương ở vùng Nam Bì, liên hệ với các quận, huyện ở Ký Châu thành lập lực lượng chống lại chính quyền Nghiệp Thành. Anh em họ Viên chở thành hai phái đối kháng ở phía đông và phía nam.

Nếu để Ký Châu phân liệt, quân Tào sẽ thôn tính dần hết, Thẩm Phôi biết rõ điều này, nên kiến nghị Viên Thượng nhanh chóng đánh xuống Nam Bì. Với danh nghĩa đại tướng quân, Viên Thượng kêu gọi các quận, huyện Ký Châu cùng khởi binh đánh Viên Đàm. Nhân có chuyện người phó tướng của Viên Đàm là Lưu Tuân gác giáo trước trận, nên rất nhiều các quận, huyện đã hưởng ứng. Quân Viên Đàm ngày càng yếu, đánh phải rút chạy về Bình Nguyên, cố thủ ở Anh Thành. Viên Thượng quyết không tha, phải diệt Viên Đàm để trừ hậu hoạ. Viên Đàm phái Tân Tỷ là em Tân Bình sang cầu cứu Mạnh Đức.

Bây giờ Mạnh Đức đương đóng quân ở Tây Bình để đánh Lưu Biểu. Các đạo quân chỉ chờ lệnh của Mạnh Đức là tiến tới Thang Bình Kinh Châu. Tân Tỷ phóng ngựa đến thẳng Tây Bình, cầu xin Mạnh Đức xuất quân viện trợ Viên Đàm, tránh cảnh anh em họ Viên chém giết lẫn nhau.

Mạnh Đức bèn bàn với các tướng, Hạ Hầu Đôn nói trước:

- Mọi việc chuẩn bị đã xong, lẽ nào không đánh Kinh Châu mà lại giúp Đàm?

Mạnh Đức nói vui:

- Tướng quân muốn tìm lão tai to để trả món nợ hồi ở Diệp Thành bị hắn làm cho bầm gan tím ruột?

Nghe Mạnh Đức nói, mọi người đều cảm thấy thoải mái. Các mưu sĩ tranh nhau hiến kế. Trương Liêu, đứng về phía Hạ Hầu Đôn, nói:

- Tướng sĩ đều đã sốt ruột, đánh ngay đi thôi!

Tuân Du nói:

- Đang lúc thiên hạ nhiều việc, Lưu Biểu ngồi yên giữ miền Giang Hán, không dám bước ra khỏi cõi, rõ ràng là không có chí bá chiếm thiên hạ rồi. Còn như họ Viên hùng cứ bốn châu, quân lính hơn chục vạn người. Giả sử anh em hắn hoà thuận với nhau, giữ gìn cơ nghiệp của bố, tình hình thiên hạ sẽ chưa biết ra sao. Nay nhân dịp chúng đang chém giết lẫn nhau, chúng ta nên ra quân toàn tuyến. Chính là dịp chờ đợi đã lâu, không nên bỏ lỡ.

Mạnh Đức vốn muốn chờ cho quan hệ anh em họ Viên xấu đi chút nữa rồi mới ra tay, Quách Gia lại nhìn từ khía cạnh khác:

- Đừng để quân Đàm thua phải hàng Viên Thượng hoặc Thượng tiêu diệt được Đàm, quân của chúng hồi phục trở lại. Chi bằng ta cứ giúp Đàm, xô sóng lật thuyền, làm cho chúng bất hoà gay gắt.

Nghe mọi người bàn luận xong xuôi, Mạnh Đức quyết định điều quân quay về phía bắc.

Tháng mười năm đó, Tháo dẫn đại quân tiến đến Lê Dương. Có thể vì tình cảm sâu đậm với Lê Dương, Tháo ở lại đó cả buổi, đại quân cứ tiến thẳng đến Nghiệp Thành. Cùng đi bắc chiến lần này, còn có Tào Thực và Tào Phi. Tháo dẫn hai con đến xem đại bản doanh của Viên Thiệu trước đây.

Tào Mạnh Đức đứng lặng hồi lâu, rồi mới lên tiếng:

- Vùng Ký Châu đã sinh ra nhiều nghĩa sĩ, tiếc cho Viên Bản Sơ không giữ mãi được chốn này!

Nhân lúc gió heo may lành lạnh, Mạnh Đức kéo hai con lại gần, than thở:

- Tuổi ta nay đã v chiều. Sau này hai đứa đừng giống như con cái Bản Sơ! Giá như thằng Xung còn sống...

Thực ra Phi biết cha lại nhớ đến Tào Xung, một đứa em thông minh tuyệt đỉnh, nhưng lại chết quá sớm.

Tào Mạnh Đức như bừng tỉnh sau hồi thương cảm:

- Lần này các con tiến đánh Nghiệp Thành, sẽ được làm quen với một người rất đỗi hào hoa.

Hai anh em thích thú, vội hỏi người đó là ai.

- Người đã viết bài hịch chống lại cha, tên gọi Trần Lâm, tự Khổng Chương, từng làm chức chủ bạ thời Linh đế. Một nhân tài hiếm có. Tiếc rằng ông ta chỉ biết ngâm, vịnh và viết văn!

Tào Phi vui mừng ra mặt:

- Thế là có dịp cùng ông ấy bàn kỹ bài văn của con.

Mạnh Đức dịu dàng nhìn Phi và nói:

- Đọc vài câu cho cha nghe.

- "Văn chương là đại nghiệp của đất nước, không mai một ở thời thịnh. Tuổi thọ thì có hạn, nỗi vui mừng tồn vong cùng con người. Văn chương thì vô cùng. Người học giả thời xưa gửi thân vào nghiên bút, giãi bầy tâm sự ra trang giấy. Không viển vông, không hùng hổ mà danh tiếng lưu truyền đến đời sau!"

Tào Phi đọc một hơi xong một đoạn và chờ cha nhận xéMạnh Đức nghe xong vuốt râu rồi cười nói:

- Hay, hay! Văn chương có thể giành thiên hạ, hưng bang trị quốc. Văn của Mạnh Tử thật hay, thao thao hùng biện, không chê vào đâu được. Văn của Trang Tử, trau chuốt, bay bướm. Thơ của Khuất Nguyên mượt mà, thấm đượm, khiến ta rơi lệ. Tất cả đều lưu danh thiên hạ, nhưng thiên hạ vẫn thế này đây!

Tào Phi chăm chú lắng nghe.

Tào Thực nói:

- Cha vừa cưỡi ngựa vừa làm thơ đấy thôi!

Mạnh Đức buột miệng nói luôn:

- Chỉ là tức cảnh sinh tình, kể lại những điều cảm nghĩ mà thôi! Nếu cha chỉ có làm thơ viết văn thì bằng sao được Tào Tử Đô uý đồn điền của cha.

Mạnh Đức lại cười lớn.

Trong khi đó, quân Tào đã tiến gần đến Nghiệp Thành.

Viên Thượng được tin cấp báo, liền rút quân bao vây Bình Nguyên về. Tiếp đó Viên Thượng lại được tin: tướng giữ thành Dương Bình là Lã Khoáng và Cao Tường đã chạy sang quân Tào.

Muốn để cho quân Tào và quân Viên Thượng đụng độ còn mình là ngư ông đắc lợi, Viên Đàm ngầm kết với Lã Khoáng và Cao Tường. Mạnh Đức được hai họ Lã và Cao đến hàng nên biết được ý đồ của Viên Đàm. Quách Gia bàn Mạnh Đức nên hứa gả con gái cho Thượng, hai nhà kết thân, ổn định lòng dạ Viên Thượng, rồi dẫn quân quay về Lê Dương, mặc cho anh em họ Viên cắn xé lẫn nhau.

Cuối tháng mười, Mạnh Đức dẫn quân về đến Hứa Đô.

Về đến Hứa Đô lần này, việc gia thất của Tào Mạnh Đức có một ít thay đổi. Nguyên phối phu nhân Đinh thị bỏ về bên ngoại, thề rằng sẽ không bao giờ gặp lại Tào Tháo. Khi đi, Đinh thị mang theo Hồng Đàn và coi nàng như con gái. Mạnh Đức phải lập tạm phu nhân là Biện thị, mẹ đẻ của Tào Thực, Tào Phi làm chính phòng.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-31)


<