← Hồi 136 | Hồi 138 → |
Thành Thương Thiên là một trong những tòa thành thị lâu đời nhất trên đại lục Quan Lan, nó đứng sừng sững trên mảnh đất này đã có gần hai trăm năm.
Lúc đầu nó xuất hiện dưới hình thức là một pháo đài phòng ngự, mục đích chủ yếu là để chống cự Đế quốc Mạch Gia xâm nhập từ phía Bắc. Sau khi Đại Lương lập quốc, từng đánh bại Đế quốc Mạch Gia vô số lần trên bờ sông Ác Lãng, ba lần tiến quân ra hành lang Thánh Khiết, lập nên uy danh cái thế.
Sau khi người Đế quốc Mạch Gia quay về sông Ác Lãng, người Đại Lương đã khống chế vùng bờ Nam sông Ác Lãng, pháo đài Thương Thiên không còn là biên giới như trước nữa, mà giống như là thành Cô Tinh hiện tại, mặc dù vẫn là trọng trấn quân sự, nhưng không còn là cửa ngõ của Đế quốc nữa.
Cũng bắt đầu từ lúc đó trở về, người Đại Lương dời đô tới thành Thương Thiên, lấy nơi đây làm trung tâm hành chánh của bọn họ.
Sau khi Đế quốc Đại Lương phân chia, người Đế quốc Thiên Phong kế thừa mảnh đất phồn hoa dồi dào này, vẫn lấy thành Thương Thiên làm kinh đô như trước, cũng tiến hành xây dựng thêm trên cơ sở đã có sẵn.
Cả tòa thành Thương Thiên có hình vuông, chu vi của vòng ngoài tường thành là chín ngàn thước, toàn bộ đều được xây bằng đá. Tường thành chia thành hai lớp trong ngoài, mỗi lớp dày mười hai thước, tường ngoài cao mười thước, tường trong cao tới mười tám thước, cách mỗi hai mươi thước bố trí một tháp phòng ngự bằng đá. Các biện pháp phòng ngự đều được bố trí đầy đủ, mười vạn đại quân của Quân đoàn Trung Ương đóng ở đây thường xuyên, không chỉ có trách nhiệm bảo vệ đế đô, khi cần còn phải giúp đỡ Quân đoàn Tuyết Phong ở cực Bắc cùng nhau đối phó với người Đế quốc Mạch Gia.
Bên ngoài tường ngoài của thành Thương Thiên là một con sông hộ thành rộng hai mươi thước, sâu năm thước. Có tất cả mười lăm cửa thành, hướng Tây, Đông, Nam, là cửa chính, mỗi hướng có bốn cửa, hướng Bắc chỉ có ba cửa. Đại lộ Thương Thiên nối liền từ Bắc tới Nam xuyên qua toàn lãnh thổ Đế quốc Thiên Phong, chạy thẳng tới thành Cô Tinh. Nó cùng với đường cổ Tây Phong là một con đường chính bên trong thành hình thành một trục đường đối xứng chia cắt thành Thương Thiên.
Sau khi vào thành Thương Thiên, cứ việc đi thẳng bất cứ con đường nào trong trụ đường đối xứng trên, cuối cùng đều có thể đi tới Hoàng cung nằm ở trung tâm của thành Thương Thiên: Cung Phong Tuyết.
Nơi đây là trung tâm chính trị mà người Đế quốc Thiên Phong xử lý các công việc Đế quốc.
Tuy không tráng lệ như cung Chỉ Lan, nhưng cung Phong Tuyết lại có khí thế hoang dã mà đường hoàng.
Nói về quy mô xây dựng, thật ra cung Phong Tuyết hơn xa cung Chỉ Lan, nó chiếm diện tích ba mươi lăm vạn thước vuông, có hơn bốn ngàn gian phòng, ở giữa có ba tòa đại điện là điện Long Phong, điện Bảo Hòa và điện Thừa Bình, trong đó, điện Long Phong là nơi thảo luận chính sự. Tam cung ở phía sau là cung Cảnh Long, cung Càn Bình và cung Dưỡng Tâm.
Cung Chỉ Lan có quy mô to lớn, toát ra khí thế xa hoa tráng lệ, cung Phong Tuyết không xa hoa bằng nhưng cách xây dựng của nó mang sắc thái riêng biệt của một cường quốc quân sự nổi tiếng lâu đời.
Toàn bộ cung Phong Tuyết chính là một tòa pháo đài quân sự hoàn chỉnh, tuy rằng đây là nơi Hoàng đế xử lý việc triều chính, nhưng đồng thời cũng là một hệ thống quân sự trang bị đầy đủ.
Tường ngoài cùng của cung Phong Tuyết cao tám thước, dày năm thước, là tường thành phòng ngự đúng tiêu chuẩn. Có thể phi ngựa trên đầu tường, sau tường có đường hẻm ngăn cách, có thang đá dẫn lên.
Sau tường có xây dựng tháp quan sát hình bát giác, có thể quan sát khắp bốn phía, khi cần cũng có thể sử dụng làm tháp bắn, ngày thường chỉ dùng để quan sát các buổi cúng tế cử hành long trọng.
Quảng trường lớn dành cho bá quan tế bái, hai bên có đường dành riêng cho ngựa chạy, không chỉ có thể duyệt bá quan, khi cần cũng có thể duyệt binh. Giữa cung là đài tế trời đất cao lớn, đồng thời cũng là đài quan sát cao nhất, thích hợp nhất. Khi Hoàng đế cùng Quốc sư cúng tế trời đất ở đây, đồng thời cũng có thể quan sát thiên hạ, khó trách nổi lên chí khí hào hùng bay xa ngàn dặm.
Cung Phong Tuyết cao lớn hùng vĩ, nơi nơi toát ra khí phách đặc thù của một cường quốc về quân sự, mặc dù không xa hoa, nhưng làm cho người ta có cảm giác nhìn mà kính ngưỡng.
O0o
Hôm nay lâm triều, Thượng Công viện Ngự Càn Lịch Minh Pháp đã đi tới điện Long Phong từ sớm.
Thời gian vẫn chưa tới, Hoàng đế chưa lâm triều, nhưng các đại thần cũng đã chờ sẵn trước điện.
Từ xa đã thấy Vân Lam, vị Tướng quân trẻ tuổi của Đế quốc Thiên Phong sau khi trở về vội vàng từ sông Ác Lãng, đây là lần đầu tiên vào triều.
Vân Lam cung kính vái Lịch Minh Pháp một vái:
- Lịch lão vẫn khỏe!
Lịch Minh Pháp cười ha hả nhận một vái của hắn.
Quan chế của Đế quốc Thiên Phong theo chế độ tam quyền phân lập: Chính trị, quân sự và tài chính. Tài chính lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến của đại lục Quan Lan lấy hình thức hoàn toàn độc lập tham gia vào võ đài chính trị, chính là do Đế quốc Thiên Phong lập ra. Bởi vậy có thể thấy rằng tuy Đế quốc Thiên Phong vốn tôn sùng quân sự và vũ lực, nhưng đồng thời cũng có mặt thiết thực của nó. Tam quyền phân lập chia ra thành ba cơ quan để thực hiện, chính là Thượng Thư tỉnh, phủ Quân Vụ và viện Ngự Càn. Chữ 'Càn' đó chính là 'Tiền', Đế quốc cho rằng chữ 'Tiền" rất tục, bởi vậy dùng chữ 'Càn' thay thế, đương nhiên còn có ý ám chỉ rằng có tiền là có cả thiên hạ. (Càn Khôn)
Thượng Thư tỉnh là cơ quan hành chánh cao nhất của Đế quốc, do Thừa tướng phụ trách, có hai Bộ tả hữu, dưới còn có mười hai Ty như thiết đề học (giáo dục), tư phong (phong chức tước, đất đai... ), lễ nghi, tế tự, hình danh, luật lệnh, nhân khẩu, thành kiến (xây dựng thành trì)...
Viện Ngự Càn cũng có hai Bộ tả hữu, dưới là mười hai Ty như thiết độ chi (quản lý chi tiêu), diêm thiết (muối và sắt), kim, thương, lương, thuế phú, chuyển vận...
Phủ Quân Vụ cũng có hai Bộ tả hữu, dưới cũng có mười hai Ty như thiết vũ tuyển (tuyển quân), địa đồ (bản đồ), xa mã, giáp giới (khí giới), vận thâu, tư hiến (quân pháp)...
Bởi vậy quan chế của Đế quốc chỉ cần dùng một câu 'Tam Công lục Bộ tam thập lục Ty' là gần như bao quát tất cả cơ quan. Tam Công lấy Thừa tướng cầm đầu, mà Thượng Công viện Ngự Càn Lịch Minh Pháp thật ra là Tài tướng (tướng coi về tài chính). Còn người cầm quyền cao nhất của phủ Quân Vụ thật ra gọi là Võ tướng, hiện giờ Võ tướng của Đế quốc Thiên Phong chính là Liệt Cuồng Diễm.
Hiện giờ Nam Sơn Nhạc đang phải ở nhà chịu tang, Liệt Cuồng Diễm chỉ huy đại quân ở tuyến đầu, va chạm không ngớt với người Đế quốc Kinh Hồng. Cho nên trong ba trọng thần trong triều, hiện tại Lịch Minh Pháp cầm đầu, đừng nói là Vân Lam, cho dù Vân Phong Vũ đến đây cũng phải thi lễ với ông ta.
Lịch Minh Pháp hỏi:
- Vì sao tiểu tử ngươi không trấn thủ biên cương ở sông Ác Lãng, lại đột nhiên chạy về kinh vậy?
Vân Lam cười khổ:
- Vốn vì muội tử xuất giá nên đặc biệt chạy về, không ngờ gần đây an ninh trong thành Thương Thiên không được tốt, lại thêm thảm án huyện Nam An. Việc tư đã khó thành, chỉ có thể cố hoàn thành việc công mà thôi!
Lịch Minh Pháp nheo mắt hỏi:
- Việc công gì vậy?
- Đương nhiên là chuyện xây dựng lại Quân đoàn Ưng Dương!
Lịch Minh Pháp không nhịn được hừ lạnh vài tiếng.
Đánh hạ xong Chỉ Thủy, chuyện liên quan tới nó làm cho tất cả văn võ đại thần trong triều như ngồi trên đống lửa. Xây dựng lại Quân đoàn Ưng Dương chỉ là cái cớ để ngụy trang mà thôi, mục đích thật sự chính là Đế quốc Kinh Hồng. Đã nhiều năm nay, mục tiêu của Quân đoàn Ưng Dương đều lấy Đế quốc Kinh Hồng làm chủ chốt. Lần đại bại mới đây là một lần hiếm có Đế quốc Thiên Phong bị tổn thất nặng nề, nhưng theo đề xuất xây dựng lại Quân đoàn Ưng Dương, không hề nghi ngờ gì, mục tiêu kế tiếp của Đế quốc chắc chắn sẽ là Đế quốc Kinh Hồng.
Vấn đề là người Đế quốc Thiên Phong sẽ đánh trận này như thế nào!
Lịch Minh Pháp khẽ liếc Vân Lam:
- Từ khi quân ta khai chiến với Chỉ Thủy hồi tháng Tám năm ngoái tới bây giờ, chiến sự liên miên, chi tiêu quá lớn, thu không đủ bù chi, quốc khố đã cạn đi nhiều. Tuy những năm gần đây mưa thuận gió hòa, thu vào cũng khá, nhưng một khi đại chiến sẽ lập tức bay sạch mười năm dành dụm của Đế quốc Thiên Phong ta. Xuất đại quân vạn người, tiền bạc mỗi ngày cũng hao tới con số vạn, cứ kéo dài như vậy, quốc gia không thể nào gánh nổi. Hiện giờ Quân đoàn Bạo Phong đang đóng ở biên giới Tây Nam, mỗi ngày cũng tiêu hao rất nhiều thuế má, chuyện xây dựng lại Quân đoàn Ưng Dương sẽ rất hao tài tốn của, quả thật chuyện này không nhỏ chút nào!
Vân Lam cười nói:
- Lịch lão là Thần Tài của thiên hạ, ngài mà than khóc, chẳng phải làm hạ thấp uy danh hiển hách của Đế quốc Thiên Phong ta hay sao?
Lịch Minh Pháp trợn trừng đôi mắt:
- Không có bột sao gột nên hồ, cái tên Thần Tài của ta nghe qua thì hay thật, nhưng cũng là ngồi trên đống lửa mà thôi. Đám quân nhân các ngươi, phàm lúc xuất chinh không phải đi tìm ta đòi tiền đòi lương hay sao? Nếu có chuyện phát lương lầm lẫn một chút, lập tức đi tìm lão phu mà kêu gào, nói cái gì tiền phương huyết chiến sa trường, ngay cả tính mạng còn không tiếc rẻ, thế nhưng hậu phương lại tham ô bỏ túi riêng, thật là tức chết người! Không lẽ tất cả tiền bạc, lương thực đều từ trên trời rơi xuống hay sao? Ta đã quyết định hôm nay sẽ trình tấu lên bệ hạ, hay là tạm hoãn chuyện xây dựng lại Quân đoàn Ưng Dương là hơn. Đại chiến lần này, Đế quốc cần phải nghỉ ngơi một thời gian chừng ba năm mới có thể hồi phục lại, lúc ấy mới có thể có tư cách chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo!
Vân Lam cười khổ:
- Quân đoàn Ưng Dương là một trong năm đại Quân đoàn của Đế quốc, nhiều năm qua trấn thủ biên giới phía Nam, dốc hết sức mình hoàn thành trách nhiệm gìn giữ hòa bình. Hiện nay Quân đoàn Ưng Dương chiến bại, toàn quân chỉ còn lại có hơn hai vạn người, trong nửa năm qua, Quân đoàn không có Tổng Suất, chỉ có tàn binh, sĩ khí vô cùng sa sút. Nếu như không xây dựng lại, năm đại Quân đoàn chủ lực của Đế quốc Thiên Phong ta sẽ mất đi một Quân đoàn vô cùng lãng phí. Lịch lão, có những khoản tiền mà Đế quốc có muốn tiết kiệm cũng không được!
Lịch Minh Pháp thở dài, đương nhiên hắn biết Vân Lam nói đúng, hơn nữa e rằng Thương Dã Vọng cũng suy nghĩ như vậy, nhưng vẫn lắc đầu nói:
- Hiện giờ chúng ta vừa mới gồm thâu Chỉ Thủy, nơi nơi đều có dân đói. Bệ hạ đã sắp sửa xuống chỉ thi hành chính sách miễn thuế ba năm cho năm tỉnh của Chỉ Thủy. Cho nên từ đây trở đi, mặc dù lãnh thổ Chỉ Thủy đã thuộc về chúng ta, nhưng trong khoảng thời gian ngắn chỉ có thể trở thành gánh nặng của Đế quốc Thiên Phong ta. Lại thêm lúc này bản thân Đế quốc xuất hiện rất nhiều vấn đề, bọn thổ phỉ ở miền Đông Đế quốc hung hăng ngang ngược, biên giới Tây Nam thì Liệt Tổng Suất vẫn chưa kéo quân về, nhu cầu an ninh của thành Thương Thiên trở nên hết sức cần thiết. Quân đoàn Trung Ương còn xa tít chân trời, nếu thật sự nơi nào cũng đánh, nơi nào cũng đòi tiền, vậy Tài tướng ta chỉ còn đường vác bị gậy đi xin cơm mà thôi!
Vân Lam cười nói:
- Lịch lão còn quên một chuyện, e rằng trong Đế quốc vẫn còn một khoản chi thật lớn sợ rằng không tránh được!
Lịch Minh Pháp ngẩn ra:
- Còn khoản chi nào nữa?
Vân Lam cười đầy ẩn ý:
- Tự nhiên là khoản thưởng cho công thần!
Lịch Minh Pháp ngạc nhiên, miệng lẩm bẩm vài từ:
- Thiển Thủy Thanh?
Vân Lam mỉm cười gật đầu:
- Sáng nay vừa mới được tin, ba ngày trước Thiển Thủy Thanh đã mang theo người của Thiết Phong Kỳ vào kinh, hơn nữa lần này, hắn dẫn theo tới hai ngàn người!
Mang hai ngàn người vào kinh, Lịch Minh Pháp nghe vậy hoảng sợ:
- Thiển Thủy Thanh hắn muốn tạo phản hay sao?
Vẻ cười trong mắt Vân Lam càng trở nên đậm hơn:
- Đương nhiên không phải, thực tế là việc này đích thân bệ hạ cho phép.
- Bệ hạ?
← Hồi 136 | Hồi 138 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác