Vay nóng Homecredit

Truyện:Tam Quốc diễn nghĩa - Hồi 119 (cuối)

Tam Quốc diễn nghĩa
Trọn bộ 119 hồi
Hồi 119 (cuối): Bình Ðông Ngô, Ðổ Dự thành công Hết phân cách tới hồi thống nhứt
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-119)

Siêu sale Lazada

Ngô chúa từ khi nghe Thục mất thì lo sợ phát bịnh, không dậy nổi, sắp qua đời thì kêu Thừa Tướng là Bộc Dương Hưng vào, chỉ thái tử Tôn Linh rồi mất.

Bộc Dương Hưng cùng các quan thương nghị:

- Thái tử còn nhỏ quá, vậy nên mời Ô Trình Hầu Tôn Hạo về chắp chánh mới xong. Thái hậu cũng đồng ý.

Tôn Hạo lên ngôi hoàng đế, phong Tôn Linh làm Dư Chương vương, gia phong Ðinh Phụng làm Ðại Tư Mã. Từ khi lên ngôi thì Tôn Hạo cũng như hậu chúa tin dùng bọn hoạn quan Sầm Hôn.

Bộc Dương Hưng và Trương Bố chỉ vì can gián mà bị xử trảm.

Lại tin dùng thầy bói, gọi một thầy bói tên Thượng Quan về giữa triều mà cúng bói.

Thầy bói đoán:

- Sang năm Canh Tý Bệ Hạ sẽ diệt Tôn mà vào Lạc Dương.

Tôn Hao mừng lắm, lại càng hoang dâm xa xỉ.

Huệ Kiểu can gián:

- Xin Bệ Hạ lo tu nhân tích đức cho bá tánh nhờ, hơi đâu mà nghe bói toán những chuyện nước ngoài làm gì.

Tôn Hạo giận nói:

- Ta không nghĩ tình cựu thần thì chém ngươi rồi. Nói xong, hô quân đuổi Huệ Kiểu ra.

Huệ Kiểu liền trốn về quê.

Rồi Tôn Hạo chỉ thị Lục Kháng lo việc đánh Tương Dương.

Tấn chúa hay tin bèn thương nghị với quần thần.

Giả Sung tâu:

- Ngô chúa hoang dâm vô độ, mất nước đến nơi. Xin bệ hạ cứ cho Dương Hựu ra ngăn chống, rồi chờ ít lâu bên Ngô sanh biến thì chỉ đánh một trận là thành công.

Dương Hựu là tướng có tài đức thương dân, lo cho quân sĩ nên ai cũng khâm phục. Ngày nghe tin quân Ngô đến, Dương Hựu dặn chư tướng:

- Lục Kháng có tài, nên đề phòng cẩn thận rồi sẽ liệu sau.

Một bửa, Lục Kháng đi săn, bên này Dương Hựu cũng đi săn, và cấm quân sĩ không được săn qua địa phận bên Ngô.

Lục Kháng cũng khiến quân lượm những thú nào mà binh Tấn bắn trúng thì đem trả hết về bên Dương Hựu.

Lục Kháng lại tặng riêng Dương Hựu một bình rượu ngon.

Bửa nọ, hay tin Lục Kháng bị bịnh Dương Hựu có thuốc hay liền gởi tặng Lục Kháng.

Lục Kháng tin mà uống, sau lại viết biểu về trình Ngô chúa:

- Bên Tấn đang thịnh, lúc này chưa nên đánh. Riêng kính xin bệ hạ tu sửa mình để kịp lo đại sự sau này.

Tôn Hạo cả giận, truất quyền Lục Kháng và cho Tôn Di ra thay thế.

Kể từ đó, Ngô chúa ngày càng thêm bạo ngược, ai can gián cũng đều bị hại hết.

Dương Hựu hay được tin trên liền tâu lên Tấn chúa:

- Nay là lúc thừa cơ thuận tiện để đánh Ngô. Nhưng Tấn chúa nghe lời Giả Sung, bảo Dương Hựu hãy chờ đã.

Dương Hựu buồn bực, dâng biểu xin từ chức.

Tấn Chúa ngạc nhiên bảo:

- Trẫm còn tính nhờ khanh nhiều, sao lại sớm trở về làng như vậy?

Dương Hựu tâu:

- Tôi tuổi già sức yếu, nay xin tiến cử Hữu Tướng Quân Ðổ Dự có tài giúp nước. Thiển nghĩ thiên hạ mười phần, Bệ Hạ đã gồm thâu được chín phần, nay triều Ngô suy bại, chính là lúc nên cất quân, chớ để lỡ cơ hội.

Tấn Chúa y theo, phong Ðỗ Dự làm Trấn Nam Ðại Tướng Quân.

Ðỗ Dự lãnh chiếu rồi xuất quân, nhắm Tương Dương tiến phát.

Bên Ngô thì Ðinh Phụng và Lục Kháng đã mất cả, Ngô Chúa vui chơi cùng bọn Hoạn quan, ngày đêm say sưa, dĩ chí bày ra các cách trị tội ác độc như khoét mắt, lột da... làm cho nhân dân đồ thán.

Lúc đó Ðổ Dự tuân lịnh Tấn Vương điều động mười vạn binh mã Ðại Tướng Quân Tư Mã Du ra ngã Từ Trung, Chinh Ðông tướng quân Vương Hồn ra ngã Hoành Giang. Kiến Oai tướng quân Vương Nhung ra ngã Võ Xương, Bình Nam Tướng quân Hồ Phẩm ra ngã Hạ Khẩu, tất cả đều thuộc quyền điều động Trấn Nam đại Tướng Quân kiêm Ðại Ðô Ðốc Ðổ Dự.

Hay tin trên, Tôn Hạo cả kinh, vời quần thần tới thương nghị, sau đó cử Trương Ðể cầm binh đi kháng cự. Rồi lui vào cung vô cùng buồn bã.

Sầm Hôn liền hiến kế:

- Giang Nam ta nhiều sắt, vậy nên làm dùi sắt mà cắm dưới nước, lại rèn nhiều dây xích sắt đeo nhiều khoen nặng hàng trăm cân mà dăng ngay sông, tất ngăn được chiến thuyền của Tấn Vương.

Tôn Hạo liền y kế mà làm.

Nói về Ðỗ Dự chỉ dùng thuyền nhẹ qua sông Trường Giang mà lấy được Lạc Dương, lại dùng binh lấy được Giang Lăng, tướng Ngô giữ ải Võ Xương sợ quá xin đầu hàng, sau đó Ðổ Dự bèn tiến binh lấy Kiến Nghiệp.

Nói về thủy quân của Tấn do Long Nhưỡng tướng quân Vương Tuấn thống lãnh đang lục tục tiến đến thì có quân do thám về báo bên Ngô dùng dây lòi tói bằng sắt và dùi nhọn cắm ở lòng sông để ngăn cản.

Vương Tuấn cả cười rồi sai kết mấy vạn chiếc bè lớn lùa cho trôi xuống, bao nhiêu dùi cắm dưới nước bị lôi đi mất hết. Trên bè lại trang bị đuốc lớn thấm dầu, cháy mãi lòi tói cũng bị đứt hết.

Thế là thủy quân Tấn thẳng giòng mà tiến lên.

Lúc đó Thừa Tướng Ðông Ngô là Trương Ðể thấy các đạo bộ binh đã thua chạy, quân thủy cũng không chống cự nổi thì khóc ròng lên rồi cùng hai tướng là Trầm Huỳnh và Gia Cát Nghiền liệu tử chiến một trận cuối cùng.

Rút cuộc cả ba đều bị vây hãm và đều bị tử trận.

Lập tức Ðổ Dự lại cho tiến quân, quân Tấn tới đâu, binh Ngô đầu tới đó.

Ngô Chúa được tin thất kinh hỏi quần thần:

- Tại sao binh ta không chịu đánh?

Quân thần tâu:

- Ðó là cái họa Bệ Hạ nghe lời bọn Sầm Hôn mà sanh ra. Nay muốn cho Tướng sĩ tiếp tục chiến đấu chống địch thì Bệ Hạ hãy giết Sầm Hôn trước đã.

Ngô chúa không chịu, quần thần tức lắm liền ào ạt xông vào cung bắt Sầm Hôn đem ra phanh thây, mỗi người lại lắt một miệng thịt mà ăn cho hả giận.

Sau đó quần thần đồng thanh xin ra đánh, Tôn Hạo bèn cho Ðào Thao thống lãnh các đạo Ngự Lâm Quân, Trương Tượng dẫn các đạo thủy binh xông ra đánh quân Tấn.

Tuy nhiên quân sĩ đã nản lòng hết, mặc cho các tướng đốc thúc, bỏ chạy tứ tán.

Khi Vương Tuấn đến thì Trương Tượng chỉ còn vài mươi quân sĩ đành phải đầu hàng.

Vương Tuấn sai Trương Tượng đi chiêu dụ Thạch Ðầu Thành, nơi này cũng đầu hàng nốt.

Ngô chúa cả sợ toan tự vận thì có Hồ Xung cản lại mà rằng:

- Sao chúa công không làm theo Lưu Thiện?

Tôn Hạo liền dắt hết bá quan ra xin đầu hàng Vương Tuấn.

Ðổ Dự cũng vừa tiến quân đến, thấy vậy cả mừng, bèn cùng Vương Tuấn dâng biểu lên Tấn chúa rồi ra lịnh ban sư về nước.

Tới nơi Tôn Hạo liền đến trước điện cúi đầu ra mắt Tấn vương.

Tấn vương cho ngồi bên và tiếp đãi tử tế.

Sau đó Tấn vương phong cho Tôn Hạo làm Qui Mạng Hầu, con cháu Tôn Hạo và các quan đi theo cũng đều được phong chức tước.

Lưu Thiện, Tào Hoán và Tôn Hạo đều sống an bình cho tới chết.

Ngụy, Thục, Ngô từ nay thống nhất dưới quyền cai trị của Tấn đế Tư Mã Viêm.

Họp tan, tan họp, âu đó cũng là lẽ nhiệm mầu của Trời đất vậy.

Hết


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-119)


<