Vay nóng Homecredit

Truyện:Thần điêu đại hiệp - Hồi 007



Thần điêu đại hiệp
Trọn bộ 104 hồi
Hồi 007: Bốn trẻ đồng môn
3.50
(2 lượt)


Hồi (1-104)

Siêu sale Lazada

Chẳng bao lâu thuyền cặp bến đảo Đào-hoa. Trong suốt cuộc hành trình, Quách-Tỉnh nhờ Hoàng-Dung săn sóc nên thương tích thuyên giảm khá nhiều, vả lại được một thời gian nghỉ ngơi sức lực chàng bình phục như xưa.

Vợ chồng Quách-Tỉnh không lúc nào quên nghĩ đến Âu-dương-Phong. Họ lấy làm lạ chẳng biết tại sao đã mười năm qua ông lão anh hùng nầy vẫn còn giữ được sức lực tài năng và phong độ tự thuở nào, mặc dù tuổi đã về chiều. Thì ra con người kỳ dị ấy bất chấp cả thời gian.

Đó là vợ chồng Quách-Tỉnh chưa chứng kiến vụ phục thù của Kha-trấn-ác đối với Âu-dương-Phong nơi cổ miếu. Nếu họ thấy trận phục thù đó họ còn ngạc nhiên sức dẻo dai của Âu-dương-Phong hơn nữa. Sáng hôm ấy, sau khi bàn bạc cùng nhau, Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung gọi Dương-Qua vào cật vấn về sự việc quá khứ. Dương-Qua đang cùng con bé Quách-Phù bắt dế, nghe kêu nó đã đoán biết là nó sắp trả lời những câu hỏi khó khăn nên đã dự ý trước.

Nguyễn Dương-Qua cùng người mẹ là Trần-nam-Ngân trước đây sống về nghề bắt rắn nơi chân núi Trường-Lĩnh. Nghề bắt rắn vốn không phải là nghề kiếm ăn dư giả, nhưng cũng nhàn hạ. Ban đêm họ chỉ vất vả mấy tiếng đồng hồ lục lạo ở các ven rừng ở bờ bụi may ra cũng đủ độ nhật trong một ngày.

Đối với Trần Thị, nghề nghiệp và sinh kế không quan trọng bằng việc giáo dục con. Ngày nào cũng như ngày nào, người mẹ kiên trinh ấy quyết tâm rèn luyện cho con mình mong trở thành người lý tưởng.

Những lời giáo huấn môn phong trước đây đã vun đúc vào cho Dương-Qua một tâm tánh phong nhã. Trần thị lại đem những ngón sở trường trong vũ thuật mà bà đã góp nhặt trên bước phiêu lưu giang hồ để truyền lại cho Dương-Qua, đứa con duy nhất của bà.

Từ khi Dương-Qua trí khôn mới bắt đầu thành hình đã tỏ ra thông minh đáo để. Nó học đâu nhớ đó. Không một quyển sách nào, một lời giáo huấn nào của từ mẫu răn dạy mà nó không thuộc làu. Đến như việc bắt rắn, nó chẳng học tập gì cả, cứ hàng đêm xách đèn theo mẹ, ấy thế mà mới vừa lên tám nó đã có nhiều kế hoạch bắt rắn thông thạo hơn người mẹ là khác.

Những lúc cùng nhau lặn lội dưới chân Trường-sơn để theo dấu vết những con rắn, người mẹ thường kể cho Dương-Qua nghe là trên đời này chỉ có một người, hay đúng hơn là một danh nhân lấy việc nuôi rắn để mưu đồ việc lớn. Danh nhân ấy có thể sai khiến được rắn thành hàng ngũ, lập thành trận thế và điều khiển theo binh pháp. Danh nhân ấy hiện trú ẩn nơi Bạch-đà-Sơn.

Câu chuyện nầy làm cho Dương-Qua lưu ý và thích thú nhất. Có nhiều lúc Dương-Qua mơ ước được thành danh nhân đó, nên nó tự mình bắt rắn huấn luyện theo mơ tưởng.

Lần lần Dương-Qua nuôi được một đoàn rắn tinh khôn, biết nghe theo mệnh lệnh của nó.

Tuy nhiên, nó vẫn chưa thỏa, ước mong sao một ngày nào đó nó gặp được vị danh nhân để có thể sai khiến theo phép thuật danh truyền.

Mẹ con sống với nhau được mười năm thì một hôm người mẹ rủi ro bị rắn độc cắn, trong người quên mang theo thuốc giải độc nên ngất lịm, nằm mê mang dưới chân núi. Dương-Qua vội chạy về nhà lấy thuốc giải độc, nhưng đến nơi, nọc độc đã thấm vào tim, người mẹ chỉ còn là một cái xác không hồn.

Còn biết làm sao hơn, Dương-Qua khóc lóc một hồi rồi đành nuốt hờn chốt cất người mẹ, trở về sống cô đơn nơi chân núi với túp lều tranh trên đồi, nó chỉ còn một con chim hồng và đàn rắn làm bạn.

Song lẽ, đã mất mẹ, người mẹ yêu dấu kia, nó còn thiết gì căn lều ở chân núi Trường Lĩnh nữa, một hôm nó bỏ nhà đem con chim nhỏ và đàn rắn đi phiêu bạt đó đây, hi vọng hão huyền sẽ được gặp vị danh nhân Bạch-Đà-Sơn để học thuật luyện rắn.

Chẳng ngờ bước phiêu lưu, tình cờ đã đưa đẩy nó gặp gỡ Lý-mạc-Thu để mất cả chim hồng và đàn rắn khôn, và thân nó bây giờ chỉ trơ trọi một mình không biết đâu nương tựa...

Bao nhiêu câu chuyện về dĩ vãng nó đem kể lại cho vợ chồng Quách-Tỉnh nghe.

Nghe đến đây, Hoàng-Dung căm tức Lý-mạc-Thu đã sát hại con chim hồng mà chính con chim ấy trước đây Hoàng-Dung đã từng nâng niu.

Tiếp đó, Hoàng-Dung lại cật vấn đến việc Dương-Qua ở đâu lúc Vũ-tam-Thông và Âu-dương-Phong đấu nhau. Làm sao Dương-Qua lại quen biết Âu-dương-Phong và Âu-dương-Phong là ai.

Dương-Qua cảm biết Hoàng-Dung là kẻ linh lợi, một kẽ hở nhỏ cũng đủ để Hoàng-Dung thấu hiểu sự tình và khai thác hành tung nên nó một mực tỏ ra rất thản nhiên, một mực tỏ ra thành khẩn để lập lại những điều mà nó đã sắp đặt trước. Thỉnh thoảng nó kể những mẩu chuyện xen vào ăn khớp với người nầy người kia để đánh trống lảng.

Nghe thằng bé kể lời lẽ tự nhiên, sự việc hợp tình hợp lý, lại tuổi tác nó còn nhỏ bé. Hoàng-Dung thật khó lòng nghi ngờ. Tuy nhiên, nàng cũng khó mà tin cậy trước cái vẻ tinh khôn của nó.

- Cháu ngoan lắm! Thôi cháu hãy ra ngoài chơi với anh em họ Vũ đi.

Dương-Qua ra khỏi phòng, Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung tiếp tục bàn bạc.

Quách-Tỉnh nói:

- Này em Dung! Chắc em hiểu rõ lòng anh. Ngày nay anh gặp được cháu Dương-Qua anh tưởng như cuộc hội ngộ trời cho thật lấy làm vui sướng.

Nguyên vì thuở trước ông thân sinh Quách-Tỉnh cùng ông nội Dương-Qua là đôi bạn chí thiết. Bấy giờ nhân hai người vợ cùng có thai, đôi bạn thân bèn uớc hẹn cùng nhau, hễ sanh đồng trai thì cho chúng làm anh em, đồng sinh gái thì cho chúng làm chị em, nếu sanh một trai một gái thì cho chúng làm vợ chồng. Sau đó mỗi người vợ đều sinh mỗi người một trai. Bởi vậy Dương-Khang và Quách-Tỉnh theo lời nguyện ước của song thân kết làm anh em, xem nhau như ruột thịt mặc dù khác họ.

Về sau Dương-Khang vì mạo nhận giặc cướp làm cho cha già bị chết thê thảm ở miếu Thiết-Phương Gia-hưng-vương. Từ đó Quách-Tỉnh buồn bã thương nhớ không nguôi. Nay tình cờ gặp đặng Dương-Qua, con của người anh em, Quách-Tỉnh xiết bao mừng rỡ.

Hoàng-Dung tuy hiểu rõ tình ý của chồng, song không muốn chồng mình đem tình cảm đối với Dương-Qua như thế, và ngại rằng với Dương-Qua như thế, và ngại rằng với lời ước hẹn của phụ thân, Quách-Tỉnh sẽ buộc gả con bé Quách-Phù cho Dương-Qua mà lòng nàng không thích.

Hoàng-Dung bảo:

- Như thế em không bằng lòng.

Quách-Tỉnh ngạc nhiên nhìn vợ, hỏi:

- Em không bằng lòng điều gì?

Hoàng-Dung đáp:

- Điều rất đơn giản là em không muốn gả Quách-Phù cho Dương-Qua, con một tên tướng cướp.

Quách-Tỉnh nói:

- Dẫu em cho nó có thành tích bất hảo đi nữa cũng nên nghĩ đến lời thề ước của tiều nhân. Vả lại Dương-Qua diện mạo khôi ngô, cử chỉ linh lợi, tư cách thông minh. Nếu chúng ta gia công rèn luyện chắc chắn sau này tương lai phải vẻ vang tươi sáng.

Hoàng-Dung lắc đầu, nói:

- Em chỉ ngại nó quá thông minh mà hỏng.

Quách-Tỉnh mỉm cười, nói:

- Thế sao em cũng thông minh và lanh lợi mà không hỏng. Có gì phải e ngại?

Hoàng-Dung cũng mỉm cười:

- Nhưng em nhờ gặp được người chồng tuấn kiệt như anh.

Quách-Tỉnh nhún vai nói:

- Nhưng sao em chắc rằng Dương-Qua không phải là người chồng lý tưởng của Quách-Phù? Biết đâu khi lớn lên Quách-Phù lặn lội đó đây mà không sao tìm được người chồng thông minh tuấn kiệt như Dương-Qua.

Hoàng-Dung bỉm môi, nói:

- Chà quí quá!

Sau mấy câu trò đùa, Quách-Tỉnh nghiêm trang nói:

- Lúc sinh tiền thân phụ thường nhắc với anh rằng khi Dương-thúc-Tâm lâm chung, thúc phụ tỏ ý hy vọng anh có thể giữ trọn lời thề. Nếu nay anh không săn sóc Dương-Qua coi như con đẻ thì anh đã phụ lòng thân sinh, và chữ hiếu anh không làm tròn, mà chữ nghĩa cũng chẳng đầy đủ.

Dứt lời, Quách-Tỉnh buông tiếng thở dài.

Tiếng thở dài đầy tình cảm và nhơn nghĩa đã làm cho tâm hồn lẫn lý trí Hoàng-Dung phải dao động.

Hoàng-Dung hạ thấp giọng nói:

- Em nói thế chứ đôi trẻ còn nhỏ đã gấp gì định đoạt. Ngày sau, nếu Dương-Qua quả là người tốt thì anh muốn thế nào em xin nghe theo thế ấy, không có gì làm cho anh băn khoăn.

Quách-Tỉnh liền đứng dậy, hai tay chấp lại trịnh trọng nói:

- Đa tạ nương tử bằng lòng bỉ nhân vô cùng cảm kích.

Hoàng-Dung cũng thủ lễ, chấp tay bái chồng, trịnh trọng thưa:

- Thưa phu quân! Thiếp bằng lòng trong tương lai, nếu Dương-Qua là người tốt.

Quách-Tỉnh nghiêm trang, nói với giọng cương quyết:

- Dương-Khang, cha của Dương-Qua sống trong Vương-phủ Kim-quốc có thể có những điểm hư hỏng, nhưng Dương-Qua nếu đã được giáo dục trên đảo Đào-hoa không có lý gì lại không trở nên một chàng trai tuấn kiệt! Điều đó em khỏi lo!

Hoàng-Dung mỉm cười nói sang câu chuyện khác, không bàn luận đến việc Dương-Qua nữa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên xét qua đôi tâm hồn non trẻ của Dương-Qua và Quách-Phù.

Ban đầu, lúc mới gặp nhau, cô bé Quách-Phù vốn có ác cảm với Dương-Qua, không chịu làm bạn với nhau. Nhưng trẻ thơ dễ quên, chẳng bao lâu Quách-Phù lại rủ Dương-Qua đi bắt dế ngoài khuê viên. Và bao nhiêu hiềm khích đều quên hết.

Lúc Dương-Qua bị Hoàng-Dung gọi vào chất vấn. Quách-Phù ngồi đợi mãi một lúc mới thấy Dương-Qua trở ra.

Dương-Qua nghe trong lùm cây có tiếng nói xì xào liền đưa mắt nhìn vào, thấy anh em họ Vũ ra đấy tự bao giờ, và cũng đang cùng với Quách-Phù bắt dế. Vũ-đôn-Nhu tay xách một chiếc lồng tre nhỏ, Quách-Phù bưng một cái thẩu lớn, cả hai đang lum khum nhìn xuống một tảng đá, nơi đấy Tu-Văn đang ra sức lật lên một vừng đất.

Vừng đất vừa lật lên, một con dế rất lớn nhảy phóc ra, Tu-Văn hối hả đuổi theo chụp.

Quách-Phù mừng rỡ, reo lên:

- A! Dế lớn quá! Anh bắt cho em nhé!

Tu-Văn cẩn thận cầm con dế trao cho Quách-Phù, nói:

- Con dế này đẹp lắm, xin biếu cô nương.

Quách-Phù cầm lấy, mở nắp thần bỏ vào. Qua làn thủy tinh con dế quả có một thân hình vô cùng đẹp đẽ. Màu vàng sẫm, đầu vuông, càng lớn, vế to, chắc chắn nó là một cự tướng trong làng dế.

Vũ-tu-Văn nói:

- Dế này phải gọi là vô địch đại tướng quân.

Rồi Tu-Văn quay lại nói với Dương-Qua.

Nầy Dương huynh! Số dế của Dương huynh bắt được có con nào địch lại với con nầy chăng. Nếu có, đem ra đấu một trận thư hùng cho biết sức.

Dương-Qua thấy Tu-Văn có vẻ khiêu khích, tỏ ý bất bình nhưng không nói gì cả, lấy giỏ dế của mình ra, lựa một con lớn nhất, hùng dũng nhất thả vào bồn đấu.

Con dế lớn màu vàng sẫm thấy bóng địch thủ liền gáy lên một tiếng, giương hai càng múa râu lên trời trong dáng điệu rất dũng mãnh.

Qua một lúc, nó tung hai chiếc đùi đá lại vào con dế của Dương-Qua một đòn làm cho con dế của Dương-Qua khiếp quá, quay đầu bỏ chạy.

Quách-Phù vỗ tay reo mừng với sự đắc thắng của con dế mình.

Dương-Qua bực tức, nói:

- Như thế dân đã thắng! Còn nhiều con dế khác nữa chứ!

Nói xong, Dương-Qua đưa ra một con dế khác thả vào bồn nhưng ba lần đều bị thất bại. Lần nào dế của Dương-Qua cũng bị con dế màu sậm kia cắn đá tơi bời sứt cánh, cong càng, bể bụng.

Dương-Qua bị chạm tự ái, nói lớn:

- Thôi, tôi chẳng thèm chơi dế nữa đâu.

Đoạn nó bỏ đi. Nhưng nó vừa bước được mấy bước. Tu-Văn lắng tai nghe trong lùm cây có tiếng đổ rào, thanh âm nghe kỳ lạ. Vũ-đôn-Nhu vỗ tay nói:

- Trong bụi nầy chắc còn có một con dế oai hùng không kém.

Rồi nó chạy đến phanh phui bụi cây để thu hồi, nhưng vừa vạch lùm cây, nó bỗng kinh hãi la lớn nhảy ra đằng sau:

- Ôi chao! Con rắn!

Dương-Qua nghe là rắn liền nhảy đến thì quả nhiên đó là một con rắn độc, thân mình điểm hoa mai có khoanh tròn dưới bụi cây, đầu ngóc cao và lưỡi lè ra trông dáng điệu hung hăng lắm!

Như đã biết Dương-Qua vốn sống về nghề bắt rắn cho nên nó không hoảng hốt như mấy đứa trẻ kia, bình tĩnh tiến sát vào một tay phe phẩy trước đầu rắn, một tay đập dưới đất.

Con rắn hấp tấp mổ vào tay Dương-Qua chưa trúng đích thì đã bị bàn tay kia của Dương-Qua tóm vào cổ quật xuống đất chết tươi.

Bọn trẻ khen tài Dương-Qua và đang xúm nhau nhìn xác con rắn thì bỗng nghe có tiếng dế reo. Rồi một con dế nhỏ từ dưới xác con rắn bò ra, thân mình nó xấu xí đến kỳ dị, màu đen như thân, đôi cánh chẳng có một đốm hoa nào tô điểm.

Quách-Phù nhìn Dương-Qua cợt đùa nói:

- Kìa Dương huynh! Con dế của Dương huynh đó sao chẳng bắt.

Dương-Qua phật ý, song cũng đáp lời:

- Vâng! Thì tôi sửa soạn bắt nó đây.

Dứt lời, Dương-Qua cúi xuống bắt lấy con dế và thả vào chiếc bồn thủy tinh của Quách-Phù:

Lạ thay, con dế lớn màu đỏ sậm, vừa trông thấy con dế đen liền nép mình khiếp sợ. Dế đen tiến đến tới đâu là dế đỏ sậm thụt lui đến đó.

Đối với các con dế khác, dế lớn oai hùng, vểnh râu múa càng như thế mà với con dế đen nhỏ nầy thì lại tỏ ra khiếp nhược chạy tròn theo hình bồn thủy tinh.

Chưa đủ, để tỏ ra nhục nhã hơn nữa, con dế lớn muốn thoát ra ngoài bồn. Nhưng đâu có được với con dế nhỏ. Nó búng mình nhảy theo cắn ngay vào bụng, dùng hai càng bật mạnh. Chỉ một đòn thôi, con dế lớn đã vỡ bụng chết ngay.

Thật ra cuộc đấu này không có gì kỳ lạ. Phàm loài dế có những loại sống trong hang của các loài vật khác thường hay nhiễm lấy màu sắc và độc tính của những loại đồng cư. Chẳng hạn như dế cùng sống với cóc người ta gọi là dế cóc thì cánh có lốm đốm hoa: dế cùng sống với rắn thì gọi là dế rắn. Dế này nhiễm độc, cắn vào vật nào thì vật ấy chết tươi. Nhưng chỉ có giữa loài dế mới phân biệt được.

on dế Dương-Qua vừa bắt chính là loại dế rắn.

Quách-Phù thấy dế lớn chết, tỏ vẻ không vui, suy nghĩ một hồi rồi nói với Dương-Qua:

- Anh cho em xin con dế "tiểu hắc quỉ" nầy nhé!

Tiểu hắc quỉ là Quách-Phù muốn ám chỉ con dế vừa nhỏ vừa đen nhưng độc ác.

Dương-Qua được dịp kiêu hãnh đáp:

- Cô nương xin làm gì con vật xấu xí này! Sao cô nương lại nguyền rủa nó là tiểu hắc quỉ?

Quách-Phù bị chạm tự ái bĩu môi nói:

- Không cho thì thôi! Coi bộ quí lắm đấy.

Dứt lời, Quách-Phù lật úp chiếc bồn xuống, trút con dế đen ra ngoài đất rồi lấy chân chà nát.

Dương-Qua thấy thế nổi giận mặt đỏ phừng phừng, đưa tay tát vào con bé một cái nên thân.

Bị cái tát bất ngờ, Quách-Phù xửng vững mặt mày. Cô ta đứng trân chưa kịp suy xét xem có nên khóc hay nên không thì Vũ-tu-Văn đã tiến đến sừng sộ:

- Đồ vũ phu! Sao lại đánh người ta.

Dứt lời Tu-Văn đấm vào bụng Dương-Qua một thôi.

Vũ-tu-Văn vốn được người mẹ cố công rèn luyện nên đánh rất đúng cách. Dương-Qua bị đánh bất ngờ, đau quá đưa tay thoi lại. Nhưng Tu-Văn né kịp sang bên rồi thuận để đánh tới.

Dương-Qua nhảy chồm lên, quyết cùng Tu-Văn một trận kịch chiến. Khốn thay lúc đó Đôn-Nhu cũng chạy đến kịp đưa chân khoèo vào chân Dương-Qua làm cho Dương-Qua té nhào dưới đất. Vũ-tu-Văn liền nhảy phóc vào người Dương-Qua, gối lên bụng, hai đầu gối kẹp vào hông. Rồi hai anh em họ Vũ thi nhau dùng cả bốn tay thoi Dương-Qua tới tấp.

Dương-Qua tuy lớn tuổi hơn anh em họ Vũ, song không thể một mình đương cự cả hai. Phần thì võ nghệ Dương-Qua cũng chẳng luyện tập là bao lại ở trong thế bị động nên không dư sức vận dụng nội công để chiụ những đòn tán loạn đó.

Hai anh em họ Vũ thắng thế vừa cười vừa thói vào Dương-Qua bình bịch. Nhưng tuyệt nhiên, chúng không dám động đến mặt mày sợ vợ chồng Quách-Phù biết được thì khốn.

Quách-Phù thấy anh em họ Vũ đánh Dương-Qua ban đầu lấy làm đắc ý. Nhưng sau thấy Dương-Qua đau đớn quá cũng động lòng và lo ngại.

Tuy nhiên, cô bé này rờ lên mặt cảm thấy dấu tay của Dương-Qua còn nóng rát trên vừng má, tức giận nói với anh em Tu-Văn:

- Cứ đánh nữa đi! Đánh nữa đi!

Hai anh em họ Vũ nghe lời cổ võ của Quách-Phù lại càng hăng lên nữa, ráng sức thoi thật mạnh vào người Dương-Qua.

Dương-Qua bị kẹt dưới sức nặng của Tu-Văn vê hai đầu gối đau đớn, không thể nào vùng vẫy được, đành nằm im thiêm thiếp chịu đựng những quả đấm liên hồi.

Đến lúc hắn nghe tiếng Quách-Phù cổ võ, bảo anh em Tu-Văn đánh nữa, hắn lẩm bẩm:

- A! Con bé này độc ác thật. Rồi sau này mày sẽ biết tay tao.

Trong lúc đó hai anh em Vũ-tu-Văn thi nhau đánh vào người nó như đánh vào một bị gạo. Dương-Qua quá đau đớn, co rút người lại, hai tay quờ quạng dưới đất. Bỗng tay nó vướng phải một vật gì lạnh buốt. Thì ra đó là xác con rắn chết lúc nãy.

Một ý kiến nảy nở trong óc, Dương-Qua nắm lấy đầu con rắn vung lên. Hai anh em Vũ-tu-Văn thất kinh, ngỡ con rắn sống lại, vội bỏ Dương-Qua kéo nhau chạy.

Thừa thế, Dương-Qua tung người dậy, đánh vào mũi Vũ-tu-Văn một đòn rất hiểm độc, rồi bỏ chạy.

Vũ-tu-Văn bị trúng phải, máu mũi vọt ra lai láng. Hai anh em tức giận băng mình đuổi theo Dương-Qua. Quách-Phù cũng hăng máu, chạy theo rất gấp, miệng la lớn:

- Bắt nó cho được! Hãy bắt nó cho được!

Dương-Qua chạy một hồi quay đầu lại thấy Tu-Văn mặt mày quần áo đều nhuộm máu. Biết rằng nếu anh em họ Vũ đuổi kịp ắt nó không thoát được hiểm nghèo. Nó liền nhắm hướng về phía đồi núi chạy một mạch.

Vũ-tu-Văn tay bị đánh trúng mãi song thương tích không lấy gì làm nhục. Nó chỉ tức giận Dương-Qua đã làm nhục nó trước mặt Quách-Phù mà thôi.

Thấy bị đuổi quá gấp, Dương-Qua liền leo lên đồi núi. Vốn quen sống với đồi núi, Dương-Qua trèo núi rất nhanh. Chẳng mấy chốc nó leo lên tận đỉnh.

ác hại thay, đỉnh núi ấy phía bên kia dốc đứng thẳng, nếu vượt qua sẽ bị lăn nhào xuống nát thây.

Tình trạng ấy khiến Dương-Qua bối rối quay đầu nhìn anh em họ Vũ đang lần mò đuổi đến.

Nó chỉ vào đỉnh núi la lớn:

- Nầy nầy! Nếu chúng mày tiến lên một bước nữa ta nhảy qua bên kia đấy!

Anh em Vũ-tu-Văn nhìn thấy dốc núi ghê sợ, hoang mang không biết có nên đuổi theo nó nữa chăng.

Qua một hồi suy tính, Vũ-tu-Văn cương quyết nói lớn:

- Mày muốn nát xương thì nhảy qua đó. Chúng tao đâu thèm quan tâm đến sinh mạng mày.

Dứt lời hai anh em họ Vũ ra sức đuổi nó.

Thấy không thể hăm dọa được anh em Tu-Văn. Dương-Qua phân vân không biết xử trí cách nào, thì chợt nó trông thấy gần đấy có một tảng đá lắc lư bên sườn núi tựa hồ như chỉ dựa vào một điểm tựa mong manh.

Dương-Qua chạy đến định núp mình vào tảng đá. Nhưng tay nó vừa mò tới thì tảng đá bỗng sụt xuống lăn theo sườn núi phát ra những tiếng ầm ầm như sấm, đất bụi tung lên mịt mù, trông rất khủng khiếp.

Tảng đá lăn xuống đúng vào chỗ anh em họ Vũ.

Vũ-tu-Văn và Vũ-đôn-Nhu hồn vía không còn, mặt mày xanh nhợt không còn biết tránh đi đâu, chỉ chờ tảng đá lăn xuống nghiền nát mà thôi.

Trong lúc nguy hiểm, bỗng hai anh em Tu-Văn cảm thấy như mình bay lơ lửng trên không và thoát dần ra khỏi đám bụi mờ.

Thì ra, hai con thần ưng chẳng biết từ đâu đến cứu đứa bé thoát cơn nguy khốn. Hai con thần ưng đưa hai đứa bé thẳng ra bể khơi.

Hoàng-Dung đang ngồi trong nhà bỗng nghe một tiếng ầm kinh dị, rồi tiếp đến tiếng kêu của thần ưng. Nàng đoán có việc chẳng lành, liền vụt chạy ra ngoài, thấy cát bụi bay mịt trời ở nơi sườn núi. Lại thấy Quách-Phù đang ẩn mình trong hốc đá. Nàng hốt hoảng chạy đến ôm chầm lấy con, đưa ra khỏi chỗ hiểm nghèo.

Hai con thần ưng thấy Hoàng-Dung liền hạ xuống bỏ hai anh em họ Vũ trên đất và thốt ra những tiếng kêu như muốn tường trình công việc vừa xảy ra.

Hoàng-Dung ôm lấy đứa con gái hỏi:

- Việc gì như thế?

Quách-Phù ngả đầu vào lòng mẹ, sụt sùi kể lại câu chuyện nào Dương-Qua tát vào mặt nó, nào Dương-Qua thoi vào người Tu-Văn vọt máu, nào Dương-Qua xô đá định giết anh em họ Vũ. Con bé đề cao việc anh em họ Vũ, bênh vực nó, tuyệt nhiên không hề nói đến lỗi lầm của anh em họ Vũ đối với Dương-Qua.

Nghe kể, Hoàng-Dung sửng sốt không nói nên lời.

Alert


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-104)


<