← Hồi 48 | Hồi 50 → |
Lại nói, khi được Giang Thừa Phong đặt cho tên mới, cậu bé rất xúc động, gục đầu vào lòng chàng mà nức nở nghẹn ngào. Trong khi đó thì lão hòa thượng nhìn chàng với ánh mắt khác lạ, nói:
- Thí chủ bảo chữ Minh nghe không hay, vậy chắc thí chủ không phải là người của Minh triều?
Giang Thừa Phong mỉm cười nói:
- Giang gia của ta là thiên hạ đệ nhất thế tộc. Chu đế đối với ta còn phải trọng nể.
Chàng ngồi xuống, để tiểu hài tử ngồi trong lòng, rồi hỏi:
- Đại sư tôn hiệu thế nào?
Lão hòa thượng thở dài nói:
- Đã mấy chục năm nay lão nạp không dùng đến danh hiệu rồi. Lâu quá nên đã quên mất.
Giang Thừa Phong nói:
- Nếu ta đoán không lầm thì pháp danh của đại sư đối với Minh triều có đôi chỗ khúc mắc nên Chu Nguyên Chương đã bắt đại sư phải cải danh. Đại sư không muốn cải danh nên đã bỏ luôn tôn hiệu.
Nhãn quang lão hòa thượng bỗng sáng rực, hỏi:
- Thí chủ gọi Minh Hồng Vũ là Chu Nguyên Chương?
Chu Nguyên Chương sau khi xưng đế, dựng nên Minh triều thì xưng hiệu là Hồng Vũ Hoàng Đế, nên thường được gọi tắt là Minh Hồng Vũ hay Hồng Vũ Đế. Cũng giống như Chu Lệ vẫn thường được gọi là Minh Vĩnh Lạc hay Vĩnh Lạc Đế vậy. Còn các tôn hiệu Thái Tổ, Thành Tổ là sau khi qua đời mới được Hoàng Đế đời sau đặt cho. Trong khi đó, ánh mắt sáng ngời của lão hòa thượng đã chứng tỏ lão phải là một võ lâm cao thủ. Giang Thừa Phong có nhìn thấy nhưng vẫn không lộ vẻ gì. Chàng mỉm cười nói:
- Chu Nguyên Chương nghịch thiên phạm thượng, nhiễu loạn thiên hạ, làm nhiều điều bạo ngược khiến bách tính phẫn uất, chư thần phẫn nộ. Đức Điện hạ không chỉ bắt y phải chết trong đau khổ, phải chịu cực hình nơi Âm giới mà còn trừng phạt đến cả con cháu y nữa.
Lão hòa thượng hỏi:
- Đức Điện hạ là ai? Sao có thể trừng phạt y được?
Giang Thừa Phong nói:
- Đức Điện hạ là Đấng Chí Tôn thống trị cả Tam Giới Cửu Thiên. Người muốn trừng phạt ai thì chỉ cần giáng chỉ cho Diêm Quân ở Âm giới bắt người đó về chịu tội. Dù có là Cửu Thiên Đại đế cũng không thoát được.
Lão hòa thượng hỏi:
- Thế sao họ Chu vẫn cứ được làm Hoàng đế?
Giang Thừa Phong nói:
- Vĩnh Lạc đế được vài vị trong Thần giới ủng hộ, nên được Đức Điện hạ cho tạm chấp chưởng quyền chính ở cõi Trung Nguyên. Nhưng vì tội của Chu Nguyên Chương mà Chu tộc đã bị giáng xuống hàng thứ sáu trong các đại thế tộc ở thiên hạ. Minh triều cũng vì thế mà suy yếu, hiện chỉ còn nắm giữ năm mươi vạn binh mã trong số hai trăm vạn binh mã của cõi Trung Nguyên.
Lão hòa thượng khẽ thở dài. Giang Thừa Phong mỉm cười hỏi:
- Ta có thể biết danh hiệu đại sư rồi chứ?
Lão hòa thượng thở dài nói:
- Tục danh của lão nạp là Minh Ngọc Toàn.
Giang Thừa Phong ồ lên, kinh ngạc nhìn lão hòa thượng. Cả Vân Tuyết Nghi và Lý Nhược Hồng cũng đều kinh ngạc. Hai nàng không hiểu lai lịch của lão hòa thượng. Nhưng sự kinh ngạc của Giang Thừa Phong đã là một điều đáng kinh ngạc rồi. Tiểu hài tử Anh nhi thì lại ngơ ngác nhìn mọi người. Toàn trường yên lặng hồi lâu.
Lát sau, lão hòa thượng thở dài, hỏi:
- Thí chủ nhận biết lão nạp?
Giang Thừa Phong hỏi lại:
- Xem niên kỷ của đại sư, có lẽ đại sư là huynh đệ của Hạ vương năm xưa?
Lão hòa thượng gật đầu nói:
- Thí chủ kiến văn thật quảng bác.
Giang Thừa Phong nói:
- Minh Ngọc Trân tài giỏi mưu lược, lại được lòng dân chúng nên mới dựng nên đại nghiệp. Chỉ tiếc một điều, y lại quên đi công việc quan trọng hàng đầu là phải dạy dỗ tử tôn, để khi y qua đời rồi thì kẻ nối nghiệp lại hèn yếu quá, đã xa hoa trụy lạc, lại tin dùng gian thần, nên mới để mất nước vào tay Minh triều. Thật tiếc lắm thay.
Lão hòa thượng lại thở dài. Giang Thừa Phong thấy chuyện này chỉ làm lão thêm đau lòng, liền hỏi sang chuyện khác:
- Đại sư tịnh tu ở đây chắc cũng đã lâu rồi?
Lão hòa thượng tư lự giây lát, mới đáp:
- Cũng lâu lắm rồi. Chắc cũng đã hơn năm mươi năm rồi ấy chứ. Sau khi đã phò tá Hạ vương dựng nghiệp lập quốc, lão nạp không thích sống cảnh phú quý nên đã rời khỏi triều đình đến đây ẩn cư tu hành.
Mỗi khi nói đến Hạ vương, đôi mắt lão hòa thượng lại rực lên ánh hào quang với một niềm tôn kính vô biên. Với ánh mắt sáng ngời, trông lão cũng oai nghi quắc thước hơn, chắc là vì đã gợi cho lão nhớ đến quá khứ hào hùng năm xưa. Anh nhi tròn mắt nhìn lão. Có lẽ xưa nay cậu bé chưa từng nhìn thấy sư phụ lại oai nghi như vậy.
Giang Thừa Phong lại hỏi:
- Nghe Anh nhi nói hài tử đã sống ở đây với đại sư từ nhỏ. Chẳng hay thân thế của Anh nhi thế nào?
Lão hòa thượng nói:
- Năm trước lão nạp vô tình tìm thấy Anh nhi dưới một gốc cây trong khu rừng cạnh chân núi, nên đem về nuôi dưỡng. Lão nạp không biết thân thế của hài tử nên không đặt tên mà chỉ đặt cho pháp danh là Đức Minh.
Anh nhi nghe kể về thân thế của mình, thương cảm trào dâng, bất giác rưng rưng đôi dòng lệ. Cậu bé úp mặt vào ngực Giang Thừa Phong mà thổn thức. Chàng ôm chặt cậu bé trong lòng, dịu dàng vỗ về an ủi. Chàng muốn chuyển hướng câu chuyện nên lại nhìn lão hòa thượng hỏi:
- Ta thấy tấm biển "Từ Nguyên Cổ Sát" ngoài kia có vẻ mới hơn ngôi tự viện rất nhiều. Chắc đó cũng là kiệt tác của Chu Nguyên Chương rồi?
Lão hòa thượng gật đầu nói:
- Đúng thế. Tệ tự nguyên có tên là "Từ Minh Cổ Sát", Minh triều bảo như thế là phạm húy nên bắt đổi lại là "Từ Nguyên Cổ Sát". Khi lão nạp xuất gia, đến đây ẩn cư tu hành cũng lấy pháp hiệu là Từ Minh. Sau bị buộc phải bỏ đi.
Giang Thừa Phong mỉm cười nói:
- Và đại sư bất mãn nên không đổi tên mới, thà chịu làm vô danh tăng.
Lão hòa thượng thở dài, gật đầu. Chàng ngẫm nghĩ giây lát, lại nói:
- Nay ta dùng quyền lực của ta cho phục hồi lại tên cũ của tự viện là "Từ Minh Cổ Sát". Đại sư cứ dùng lại pháp hiệu Từ Minh đại sư, phương trượng trụ trì Từ Minh Cổ Sát. Ta sẽ cử sang đây vài chục tăng chúng giúp đại sư sửa sang tự viện. Tuy rằng không nên công khai tỏ ra chống đối Minh triều, nhưng cũng không cần phải trọng nể bọn họ. Sau này có ai hỏi đại sư thuộc lực lượng nào thì cứ trả lời là thuộc Trường Thanh Cung. Tin rằng Minh triều chẳng dám làm khó dễ gì đại sư đâu.
Vốn không ưa gì Minh triều, lão hòa thượng liền vòng tay cảm tạ, dù rằng không biết Trường Thanh Cung là tổ chức thế nào. Hơn nữa, lão rất yêu thương Anh nhi, muốn cậu bé được sống sung sướng nên đã nhận lời Giang Thừa Phong để cho cậu bé được yên tâm mà đi theo chàng.
Trò chuyện thêm một lúc nữa thì trời đã xế chiều. Thấy trời đã râm mát, Giang Thừa Phong bảo tiểu hài tử Anh nhi bái biệt sư phụ. Hai thầy trò quyến luyến hồi lâu rồi Anh nhi mới theo chàng rời ngôi cổ tự. Chàng nắm tay cậu bé dắt đi, cùng Vân, Lý hai nàng lững thững xuống núi.
Vừa xuống đến chân núi, Lý Nhược Hồng hỏi:
- Giờ chúng ta đi đâu?
Giang Thừa Phong nói:
- Anh nhi thế này đi theo chúng ta không tiện. Phải cho đưa Anh nhi về cung trước mới được.
Lý Nhược Hồng hỏi:
- Ngươi định đưa Anh nhi về Thái Chính Cung?
Giang Thừa Phong lắc đầu:
- Không nên để Anh nhi liên quan đến các ân oán trong giang hồ. Đưa Anh nhi về Nghi cung là tiện nhất.
Lý Nhược Hồng kinh ngạc hỏi:
- Nghi cung ư? Chỗ này ...
Giang Thừa Phong mỉm cười nói:
- Tiểu sinh phong hiệu là Nghi vương, cung điện của tiểu sinh gọi là Nghi cung. Còn Trường Thanh Cung là của gia phụ.
Ngay khi ấy, một bóng người từ xa lướt đến như bay, thân pháp hết sức nhanh nhẹn. Vân Tuyết Nghi và Lý Nhược Hồng vội lùi sang hai bên, chia thế chân vạc sẵn sàng đề phòng. Nhưng người kia chỉ đến trước Giang Thừa Phong cách chừng ba trượng là dừng lại, cung thân hành lễ, nói:
- Thuộc hạ Trần Hồng Linh xin tham kiến vương thượng, cầu ngọc thể kim an vạn phúc.
Giang Thừa Phong nói:
- Trần thống lĩnh hãy bình thân. Đây là tiểu vương gia, Anh nhi.
Trần Hồng Linh vội hướng về Anh nhi vái chào:
- Tiểu vương gia.
Anh nhi ngơ ngác không biết làm sao. Giang Thừa Phong mỉm cười nói:
- Thống lĩnh hãy thay ta đưa Anh nhi về Nghi cung trước. Ta còn có chút việc phải giải quyết, sẽ về sau.
Đoạn chàng cúi xuống hôn nhẹ vào trán Anh nhi, cười nói:
- Anh nhi theo Trần thống lĩnh về trước nhé.
Anh nhi cúi đầu vâng dạ. Trần Hồng Linh nhẹ nhàng ôm Anh nhi vào lòng, dâng lời từ biệt rồi động thân lướt đi.
Họ Trần đi rồi, Lý Nhược Hồng hỏi:
- Sao trùng hợp thế? Y lại đến đây ngay lúc này.
Giang Thừa Phong mỉm cười:
- Có trùng hợp đâu. Tiểu sinh triệu y đến để đưa Anh nhi về cung mà.
Lý Nhược Hồng ngơ ngác hỏi:
- Ngươi triệu y lúc nào?
Giang Thừa Phong chỉ mỉm cười mà không trả lời. Thực ra thì kể từ khi chàng rời khỏi Phiêu Hương Tiểu Trúc, lúc nào bên chàng cũng có cao thủ bí mật đi theo bảo giá, chỉ xuất hiện khi có lệnh triệu. Nhưng chàng đã không nói cho hai nàng biết. Ba người cứ lững thững vừa đi vừa nói chuyện.
Lần hồi ba người đã đi vào trong thành, thả bước dạo qua các đường phố lớn. Giang Thừa Phong định đến tối sẽ đưa hai nàng đi chợ đêm. Vừa đi dạo, chàng vừa kể cho hai nàng nghe sự tích về chợ đêm.
Từ thời cổ đã có nhiều chợ để buôn bán trao đổi hàng hóa. Chợ họp vào ban ngày, khi mặt trời tắt nắng thì phải tan, vì bị cấm. Cả đời thịnh trị, chợ kinh đô Trường An cũng không được họp quá hoàng hôn, ai vi phạm sẽ bị xử tội nặng.
Đến đời Tống mới có chợ buôn bán suốt năm canh, đến lúc bình minh thì tan, người đương thời gọi đấy là "Quỷ Tứ Thị" (chợ ma quỷ). Loại chợ này có nhiều ở các thành thị lớn như Dương Châu, Khai Phong, Kim Lăng, Lạc Dương, ... chỉ chuyên hoạt động về đêm, vô cùng náo nhiệt.
Trong sách Đông Kinh Mộng Hoa Lục có chép: "Thời bấy giờ, dãy phố phía đông có các cửa hàng quần áo, tranh ảnh, vòng hoa, lĩnh lụa, ... thắp đèn mua bán tấp nập suốt năm canh, đến khi trời sáng thì tan". Ngoài ra, chợ đêm còn là nơi bán hàng ăn thức uống, thu hút rất nhiều du khách.
Chợ đêm tồn tại cả trong đời Nguyên, vì khi giới quý tộc cần tiền thì chẳng thể ban ngày ban mặt xách đồ ra chợ bán, hay công khai đến tiệm cầm đồ giữa lúc thanh thiên bạch nhật, mà phải chờ đến tối.
Đến đời Minh, chợ đêm lại càng nở rộ, vì có nhiều thứ hàng hóa không thể buôn bán công khai giữa thanh thiên bạch nhật do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương vì ghét thương nhân mà ra lệnh cấm.
Lúc này, chợ đêm được gọi là Hắc thị. Hắc thị chỉ họp khi tắt nắng, đến rạng sáng thì tan. Vì mua bán trong cảnh tranh tối tranh sáng nên không thể nào tránh khỏi việc lừa lọc. Việc thẩm định hàng hóa chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm hay nhờ may mắn. Việc giao dịch rất bấp bênh. Thế mà chợ đêm vẫn cứ tồn tại, bởi đời nào cũng có những thứ hàng hóa không thể mang ra mua bán công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Thành Đô là một thành thị lớn, dân cư đông đúc, nên đương nhiên cũng có chợ đêm.
Hai nàng say mê nghe chàng kể chuyện, có vẻ rất hứng thú, thán phục chàng biết nhiều hiểu rộng.
Giữa lúc ấy, bỗng có một đại hán hối hả chạy tới chỗ ba người, vừa chạy vừa lớn tiếng kêu gọi:
- Giang công tử. Giang công tử.
Mọi người trên phố cũng như trong các hàng quán quanh đó nghe tiếng gã kêu gọi đều quay lại nhìn. Đại hán kia dáng vóc thô mãng, áo thô tóc bồng, chính là Kỷ Nhất Phàm. Giang Thừa Phong sa sầm nét mặt, lộ vẻ không hài lòng. Chàng khẽ hừ một tiếng, rồi tiếp tục bước đi, chẳng thèm để tâm đến lời kêu gọi của gã họ Kỷ. Lý Nhược Hồng vừa rảo bước theo chàng, vừa khẽ hỏi:
- Ngươi biết hắn đến tìm chúng ta làm gì không?
Giang Thừa Phong nói:
- Trông dáng vẻ gã ta hơ hãi thế kia, mười phần hết chín là gã họ Tần đã gặp phải họa sát thân rồi. Hừ. Giữa đường phố mà gã lớn tiếng kêu gào như thế thì còn ra thể thống gì nữa. Cứ mặc kệ gã. Chúng ta đi thôi.
Chàng vừa nói mà chân vẫn cứ bước đi, mặc cho tiếng kêu gọi của Kỷ Nhất Phàm. Nhưng rồi gã cũng vượt qua được đám đông người đi đường, chạy đến phía sau ba người. Gã vừa thở hào hển vừa nói:
- Tại hạ tìm công tử vất vả quá.
Giang Thừa Phong khẽ hừ một tiếng, không thèm nhìn lại phía sau, quay sang nói với Vân, Lý hai nàng:
- Chúng ta tìm nơi nào đó ăn uống chút gì đi.
Đoạn không nhìn ngó gì đến họ Kỷ, chàng dẫn hai nàng đi thẳng vào một phạn điếm ở gần đó. Kỷ Nhất Phàm thấy chàng tỏ vẻ lạnh nhạt, nhưng vì có việc cần nên vẫn cố lẽo đẽo theo sau, gạn hỏi:
- Tại hạ có điều chi thất lễ khiến công tử không hài lòng chăng?
Giang Thừa Phong hừ lạnh nói:
- Ngươi lớn tiếng gọi ta giữa đường phố như thế thì còn ra thể thống gì nữa. Lần này ta vào Xuyên đã cố gắng giữ kín tung tích. Ngươi làm như vậy thì bao công sức giữ gìn của ta hóa ra đổ sông đổ biển hết rồi.
Kỷ Nhất Phàm cúi mặt nói:
- Tại hạ nhất thời lỗ mãng. Nhưng tình hình nguy cấp quá ...
Giang Thừa Phong ngắt lời:
- Nếu là chuyện tranh đoạt hư danh của gã họ Tần thì đừng nói với ta. Ta vốn ghét nhất những chuyện đó.
Chàng đã vào đến phạn điếm, chọn một bàn sạch sẽ ngồi xuống. Kỷ Nhất Phàm cũng ngồi xuống cạnh đó, hỏi:
- Sao công tử biết chuyện của Tần công tử?
Giang Thừa Phong không nói gì, gọi tiểu nhị đến bảo dọn thức ăn lên. Kỷ Nhất Phàm lại kể lể:
- Tòa Vọng Giang Lâu là nơi Tần công tử đặt thuê từ mấy tháng trước dùng để tiếp đãi tân khách trong kỳ Hoán Hoa Nhật. Xưa nay đều thế, chẳng xảy ra chuyện gì. Thế mà vừa rồi có người đến tranh giành. Tần công tử đương nhiên không đồng ý. Thế là phát sinh xung đột, rồi sau Tần công tử bị bọn chúng bắt đi mất. Tại hạ đi tìm công tử để hỏi xem có cách gì cứu Tần công tử về không?
Giang Thừa Phong khẽ hừ một tiếng nói:
- Y dám cả gan sinh chuyện với bọn họ, có chết cũng chẳng ai thương, không chừng còn bị cho là phường ngu dại, hữu nhãn vô châu.
Kỷ Nhất Phàm kinh ngạc hỏi:
- Công tử nói thế là sao?
Giang Thừa Phong nói:
- Biết nói thế nào nhỉ. À. Giả như ngươi lên Bắc Kinh, đã đặt thuê chỗ từ cả năm trước, nhưng rồi Minh đế lại muốn chỗ đó. Ngươi không đồng ý, nhất quyết tranh giành, rồi bị tru di cửu tộc. Ngươi nghĩ thử xem thiên hạ sẽ xem ngươi là hạng người thế nào? Anh hùng hảo hán hay là phường ngu dại?
Kỷ Nhất Phàm ngớ người nói:
- Đương nhiên là chỉ có kẻ ngu dại mới dám đi tranh giành với Hoàng đế. Nhưng chuyện đó ... đâu có liên quan gì đến chuyện này?
Giang Thừa Phong nói:
- Sao lại không? Tứ Xuyên là vùng quản hạt của Tây phương Bá chủ và Tín Quốc Công, ngay cả Minh đế cũng không có quyền hạn gì ở đây. Thế mà bọn các ngươi lại dám cả gan đi sinh sự với Tây phương Bá chủ, có phải là muốn đâm đầu đi tìm cái chết hay không? Hạng người như thế có chết cũng chẳng ai thương đâu.
Kỷ Nhất Phàm kinh hãi sửng sốt:
- Sao ... sao công tử lại biết đó là Tây phương Bá chủ?
Tây phương Bá chủ uy danh lừng lẫy ngay từ hồi còn Hồng Phát Ma Vương và Bạch Cốt Hung Thần, thời kỳ đại kiếp của cả giới vũ lâm. Khi đó nhờ có Đông phương và Tây phương lưỡng vị Bá chủ đứng ra hàng yêu phục ma, giải thoát cho cả vũ lâm. Do đó, khi nghe nhắc đến Tây phương Bá chủ, gã họ Kỷ kinh hãi vô cùng. Bình thường thì không sao, Tây phương Bá chủ không hay can thiệp vào những chuyện của người vũ lâm. Nhưng một khi có ai phạm đến thì cơn thịnh nộ của Tây phương Bá chủ có thể dẫn đến họa diệt môn, diệt tộc. Tần gia kham ưu a!
Nghe họ Kỷ nói thế, Giang Thừa Phong hỏi lại:
- Các ngươi không biết ư?
Kỷ Nhất Phàm bần thần nói:
- Nếu biết trước đó là Tây phương Bá chủ thì ai mà dám đụng vào.
Giang Thừa Phong nói:
- Ta không biết chắc chuyện đó là do đích thân Tây phương Bá chủ làm hay là do ái tử của Tây phương Bá chủ làm. Nhưng đã động vào đó rồi thì dù thế nào đi nữa họ Tần kia cũng chết chắc. Ta nghĩ các ngươi nên chuẩn bị hậu sự cho y ngay lúc này là vừa. Và cũng cần nên chuẩn bị sẵn tinh thần. Không chừng chuyện đó còn làm liên lụy đến cả bọn các ngươi nữa đó.
Kỷ Nhất Phàm lo lắng hỏi:
- Công tử không giúp gì được ư?
Giang Thừa Phong thoáng trầm ngâm, rồi nói:
- Nếu các ngươi muốn thu xác y về để chôn cất thì ta có thể giúp được.
Kỷ Nhất Phàm ngơ ngẩn:
- Thu xác ư?
Giang Thừa Phong cười nhạt nói:
- Sinh sự với Tây phương Bá chủ mà được chết toàn thây đã là may mắn lắm rồi. Thôi. Ngươi mau về đi. Để còn nói cho bọn họ biết mà chuẩn bị. Kẻo không thôi đại họa lâm đầu mà vẫn không biết nguyên nhân vì đâu.
Chàng đã nói vậy rồi, không biết làm sao hơn, Kỷ Nhất Phàm bần thần đứng dậy, lê bước ra khỏi phạn điếm, dáng vẻ hết sức thiểu não.
← Hồi 48 | Hồi 50 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác