← Hồi 57 | Hồi 59 → |
Diêu Tình chỉ cảm thấy thân thể nhẹ đi nhiều, nàng cảm giác thân mình tựa một tấm lá khô đang bị gió thổi, bay nổi trôi vật vờ, không sao đáp xuống mặt đất. Bốn bề không gian mù sương vây kín, không nghe một tiếng động, không nhìn thấy rõ nét bất cứ gì.
"Mình sao rồi? Mình đang ở đâu?", các ý niệm đó không ngừng lặp đi lặp lại trong đầu, mà nàng không tìm đâu ra sức lực để nghĩ câu trả lời. Từ thuở khôn lớn đến giờ, đây là lần đầu nàng cảm giác thân thể vô lực như vầy, những ý niệm lạnh như giá băng cứ nhấm nhẳn trong lòng, buồng phổi phập phồng khi đứt khi nối, nhưng vẫn còn duy trì một làn hơi ấm mỏng mảnh như tơ.
Nhưng rồi làn hơi ấm áp đó mỗi lúc một lớn, nó dần dần tăng khối lượng, bên tai nàng nghe xì xào tiếng người, vo ve tựa tiếng ong bay. Diêu Tình định lắng tai nghe, ý niệm đó vừa nảy sinh, nàng đang tính xốc tinh thần lên, một cảm giác mệt mỏi đã ào ào tới như nước triều dâng, trong chớp mắt, nó đã ngập tràn toàn cơ thể! Nàng gắng gượng, nhưng vô ích, chúng vụt làm nàng mê man, rồi nàng ngủ vùi.
Giữa giấc ngủ vùi xảy đến vô tri vô giác đó, đột nhiên, con tim chợt rộ một nhịp mạnh, khiến nàng hốt hoảng thức giấc, rồi lúc thần trí dần dần rõ nét, lúc cảm giác thân thể đã gom được đôi chút khí lực, nàng chầm chậm mở mắt.
Từ lò sưởi nóng đặt đâu đó, nàng đang ở giữa một căn phòng sưởi ấm, màn trướng chăng tầng tầng lớp lớp những dải lụa mỏng trắng tinh, xuyên qua đấy, nàng cơ hồ nhận ra đốm lửa của một ngọn đèn đơn độc, đang êm ả toả vầng sáng dìu dịu.
Trong đầu nàng, từng chút từng chút một, ký ức thật nhanh và thật nhẹ nhàng đang quay trở lại, chúng dừng nàng lại giữa một khoảnh vườn, hoa nở ngập trời. "Thực sự là ta đó sao?", Diêu Tình nằm gọn giữa vùng hoa thơm ngát đó, nàng bất chợt cảm giác ngây dại.
Có tiếng những chùm châu ngọc treo cạnh màn trướng lanh canh chạm vào nhau, âm thanh êm ả, đánh thức nàng ra khỏi vùng ký ức đó. Vầng sáng trước mắt chợt gia tăng, nàng nhanh chóng khép mi mắt, vầng sáng đó khẽ lay động, Diêu Tình hầu như có thể cảm giác được đang có hai ánh mắt nồng nàn tiến gần lại, tập trung chăm chú lên khuôn mặt nàng.
Nước thuốc đậm đặc lọt vào miệng, đăng đắng, chan chát pha một thoáng ngòn ngọt. Diêu Tình há to miệng nuốt sâm thang đó, nó vừa vào đến bụng, từ đan điền chợt bốc lên một cỗ kình khí âm ấm, chân khí vận chuyển một vòng toàn thân, từng chập, từng chập, cơ thể nàng dần dà được hâm nóng lên.
Bỗng nàng cảm giác gò má trái hơi ươn ướt, nước mắt đó theo khuôn mặt chảy xuống, rồi ròng ròng đổ ướt đẫm mặt trên cái gối.
Diêu Tình chẳng dằn được ý nghĩ: "Sao mình lại đã vì gã mà xuất ra "Tam Sinh quả" vậy? Mình khùng rồi sao? Tất cả chỉ cho một gã ngốc?". Bỗng chẳng hiểu vì đâu, thâm tâm nàng chợt cảm giác một nỗi ngượng ngùng cực lớn không tên, khiến nàng, suốt buổi, trong vầng ánh sáng mông lung đó, không hiểu vì sao đã chẳng dám mở mắt ra lấy một tích tắc.
Trước mắt tối lại, trướng màn được hạ xuống, nàng chỉ nghe giọng một người hỏi:
- Cô ấy vẫn chưa tỉnh lại à?
Đúng là giọng Cốc Chẩn.
Ngập ngừng một chút, Lục Tiệm buồn rầu đáp:
- Chẳng một động tĩnh gì hết! Mê man đã ba ngày nay! Địa Mẫu nương nương bảo cô ấy lẽ ra đã phải tỉnh dậy rồi!
Giọng đến ngang đó, cổ họng chợt tắc nghẹn, không sao nói tiếp được.
Diêu Tình trong lòng lạ lẫm, "Mình vừa chỉ chợp mắt một cái, vậy mà đã quá ba ngày!"
Cốc Chẩn rầu rĩ:
- Địa Mẫu có nói, trước mắt duy nhất nhân sâm hạng thật tốt mới duy trì tính mạng được! Trên đảo tuy cũng có nhân sâm, nhưng ít củ loại thượng phẩm, ta đã cử người đi Trung thổ kiếm loại nhân sâm ngàn năm, sớm lắm thì ngày mai mới có được!
Sau một lúc tĩnh lặng, bỗng Lục Tiệm hỏi:
- Sâm ngàn năm liệu có thể cứu?
Cốc Chẩn đáp:
- Thì cũng phải cố thử vậy thôi!
Nói xong, hai người lại im lặng. Trong không khí, ẩn ước một ý vị vi diệu, rồi màn lụa mềm khẽ khua động, thoáng rực hồng màu mành cửa sổ. Nghe két một tiếng, hai cánh cửa sổ đã rộng mở, không khí ẩm thấp bên ngoài tràn vào phòng.
Bỗng Cốc Chẩn chậm rãi hỏi:
- Lục Tiệm, huynh thực tình không đi à?
Lục Tiệm đáp:
- Ta không đi được! A Tình bộ dạng như vầy, ta đi đâu cho được!
Cốc Chẩn bảo:
- Lần này ta đánh cuộc cùng Vạn Quy Tàng, có quan hệ tới vận số của cả Đông Đảo lẫn Tây Thành. Tiếng là đấu trí, khẩn yếu hàng đầu, nếu cần võ lực, trên đời này, lúc này, ngoài huynh ra, còn ai đủ sức chống chọi Vạn Quy Tàng? Huynh không đi, cái vụ Luận Đạo Diệt Thần này, ta thua là cái chắc!
Diêu Tình bỗng thấy rúng động trong lòng, nàng chẳng dằn được, giỏng tai lên nghe.
Lục Tiệm thở một hơi thật dài, giọng trầm trọng:
- Ta nếu đủ sức chống chọi Vạn Quy Tàng, A Tình đâu đã ra hình dạng như vầy? Ta.. Ta thực là một đứa tối vô ích trên cõi đời này!
Cốc Chẩn nói:
- Đại ca, tình yêu của huynh với Diêu cô nương, trời đất rồi sẽ chứng giám. Nhưng cái vụ cá cược này, nếu để cho Vạn Quy Tàng kiếm ra được con "Tiềm Long" đó, lão có thể dùng nó thay đổi cả một triều đại, dựa vào cái uy lực gì gì đó, không biết bao nhiêu con dân sẽ mất mạng vì nó!
Lục Tiệm hỏi:
- Đã biết vậy, sao ngươi còn đi cá cược với lão?
Cốc Chẩn đáp:
- Vạn Quy Tàng dã tâm cao quá, nếu không đem câu đố của bát đồ làm cá cược, còn gì khác có thể chuyển đổi được chủ ý lão?
Lục Tiệm hỏi:
- Cá cược như vậy sao? Lão có võ công cùng mưu trí cao cường, chuyện lão thủ thắng chỉ là sớm hay muộn thôi!
Cốc Chẩn cơ hồ hơi bực:
- Huynh nói thế, đúng là đã xem trọng, đề cao người khác quá sức! Vạn Quy Tàng không có sự giúp đỡ cuả Mạc Ất, chưa chắc đã phá giải được câu đố của bí ngữ trong bát đồ, từ đó tìm ra được năm cái đầu mối. Chỉ cần lão một ngày chưa tìm ra được đầu mối, phần thắng ngả về phe mình nhiều hơn!
- Cốc Chẩn, ta xin lỗi! - Lục Tiệm ngập ngừng giây lát, rồi nói - Bộ dạng A Tình như vầy, ta làm sao bỏ cô ấy lại một mình ở đây. Cô còn thở ngày nào, ngày đó ta còn kề cận cạnh cô để thăm nom cô. Nếu rủi cô ấy chết đi, ta... ta...
Nói ngang đấy, cổ họng gã dường nghẹn lại, gã không sao nói trọn câu nói!
Cốc Chẩn trầm ngâm một hồi lâu, rồi bỗng gã buồn rầu nói:
- Lục Tiệm, lẽ ra ta không nên ép huynh!
Gã nói xong, nàng nghe có tiếng kẹt cửa, rồi tiếng bước chân đi mỗi lúc một xa dần.
Trong phòng yên ắng một lúc, chợt nghe có tiếng nghẹn ngào, Lục Tiệm vừa nức nở vưà nói:
- Cốc Chẩn, ta xin lỗi! Ta xin lỗi ngươi, ta đúng là một kẻ tối vô dụng trên cõi đời này!
Diêu Tình nghĩ thầm: "Hèn chi Vạn Quy Tàng không giết gã, tiểu tử này thiệt không có một chút đấu chí nào hết!" Nàng nghĩ vậy, trong lòng phát bực tức,bỗng khẽ rên. Nghe tiếng động, Lục Tiệm nhào ra khỏi ghế, hết sức phấn chấn:
- A Tình, cô tỉnh lại rồi đấy ư?
Diêu Tình thấy gã vừa mừng rỡ vừa sợ sệt, lòng mềm lại, nàng vui vẻ nói:
- Tỉnh rồi! Có hơi đói bụng!
Lục Tiệm nghe, qua câu nói, thần thái thanh thản, giọng rõ ràng, gã cuống lên vì mừng! Gã nói:
- Được thôi! Để tôi đi lấy cơm nuớc về cho cô!
Diêu Tình bảo:
- Ta không ăn cơm, ta chỉ muốn cháo gà.
Lục Tiệm vui vẻ nói:
- Cái đó đâu có khó gì! Để đi bảo nhà bếp nấu cho.
Diêu Tình lắc đầu; - Ta không muốn người khác hầu cơm. Ta chỉ muốn ngươi đút cháo cho ta thôi.
Đừng nói làm món cháo gà, nếu nàng đòi Lục Tiệm mò trăng đáy nước, đòi gã leo cây bắt cá, gã ngố đó cũng ào ào đi liền tức thì. Gã không nói gì thêm nữa, xoay người đi ra ngoài.
Diêu Tình kêu gã dừng bước, rồi nàng bảo:
- Ta không muốn gặp bất cứ ai, chỉ muốn một mình yên tĩnh trong phòng đây, ngươi đừng gọi ai đến hầu hạ ta! Ngay cả đến bên ngoài phòng, cũng tuyệt đối không cho ai lai vãng!
Lục Tiệm vẻ mặt hơi khó khăn, nhưng nghĩ nàng còn sống chẳng đuợc bao lăm, lúc này, mỗi yêu cầu, mỗi ước muốn của nàng, gã đều không mảy may muốn khước từ! Gã chỉ nhẹ gật đầu, rồi lẳng lặng mở cửa bước đi.
Diêu Tình chờ gã đi thật xa, nàng vận sức vào tay, gắng gượng ngồi dậy. Rồi nương tựa vào thành giường, vào màn trướng chăng quanh giường, nàng lần bước đến trước bàn trang điểm, nơi có gắn tấm kính tròn như mặt nguyệt, phản chiếu ánh sáng dìu dịu. Gương mặt nàng hiện ra, ngũ quan tuy vẫn hoàn hảo, nhưng sắc mặt y hệt đào hát phường trò sau khi đã lau sạch phấn son, một mầu xám xịt thê thảm, không phải dung nhan nơi chốn thế gian này!
Diêu Tình lấy một thỏi mực đỏ, xoa lên má, rồi viền viền đôi môi, khi nhìn trở lại vào gương, mặt người trong đó đã giảm bớt phần nào thê lương, đã có thêm vài nét kiều mị dễ nhìn, nhưng xem kỹ, cũng không ra hình dáng người sống!
Diêu Tình chùi hết son trên mặt, rồi nàng thở dài, đưa tay nhặt từ mặt bàn lên một cây kim gài tóc, nàng ướm nhẹ nó vào nơi cổ. Đầu mũi kim nhọn châm vào, có hơi lành lạnh, đau đau. Nàng bỗng nói:
- Đổ máu xuống sàn vài vũng, cái chết đó xem chừng thật khó coi! Mình dù có muốn gã thấy mình chết trên giường, cũng không thể để gã chứng kiến cái chết máu me, đầm đìa như vậy!
Nàng lập tức nhúng ướt thỏi son, viết lên mặt bàn: "Lục Tiệm, ta đi rồi, ngươi ráng sống cho vui khỏe, đừng chịu thua Vạn Quy Tàng!"
Viết đến đấy, nàng cảm thấy trong lòng còn ngàn vạn lời muốn nói, điều đó làm ngay chính nàng giật mình. Nàng chưa khi nào nghĩ đến có nhiều điều cần nói với Lục Tiệm, chuyện to lớn trọng đại còn chưa làm được gì, có nâú cho gã một bữa ăn, có lo cho gã một chỗ ngủ, toàn vì có âm mưu tính toán đàng sau, đối xử gã khi ấm khi lạnh! Giờ đây nàng bỏ gã, vĩnh viễn ra đi, để gã trơ trọi lênh đênh cơ khổ trên thế gian này, nghĩ đến, đúng là làm cho người ta thật không nỡ!
Diêu Tình đôi mắt bắt đầu mờ mịt, nàng bậm môi, vin vào mặt bàn, đứng dậy. Thuốc sâm thang giúp cơ thể nàng ấm lên, cũng đem lại sức lực cho đôi chân. Nàng gượng trấn tĩnh tinh thần, mở cửa đi ra ngoài, rồi men theo bức tường quét vôi trắng, nàng chầm chậm lần bước.
Lục Tiệm quả nhiên vâng lời, bên ngoài không một bóng người, tĩnh lặng lạ thường. Nàng nghe thoang thoảng mùi hương của hoa cỏ theo gió lan đến, làn gió đưa theo cả tiếng sóng vỗ bờ rì rầm từ xa, nho nhỏ vọng về. Diêu Tình một thoáng ớn lạnh, nàng lắng tai nghe ngóng một lúc lâu, rồi nàng nhắm phiá tiếng sóng biển thong thả tiến bước.
Căn biệt viện nằm ở khoảnh đất trên khu đồi cao của đảo Linh Ngao, đi qua một khung cửa nhỏ sơn son đỏ chót, xuống những bậc thang đẽo vào đá xanh, đường đó dẫn thẳng ra bờ biển. Đi được chừng hơn ba trăm bước, Diêu Tình đặt chân xuống bậc thang cuối cùng, nơi phía trước, tiếng sóng vỗ bờ đá nghe mỗi lúc một rõ dần, gió biển mỗi lúc một mạnh, đang dần dà hút bớt đi nồng ấm thân nhiệt của nàng. Đôi chân trở thành kiệt lực, nàng lo sợ, rủi gặp phải ai đó, sẽ uổng phí bao công trình nàng mò mẫm đến được nơi đây. Nàng bèn ẩn vào một bên đường, nấp mình phía sau một hốc núi, vách đá lạnh tựa băng giá, từng chút từng chút một, đã rút tỉa đi hơi ấm còn sót lại trong thân thể nàng.
Chẳng lẽ đâm đầu xuống biển tìm cái chết mà cũng không xong à? Lòng Diêu Tình chợt rộ một nỗi buồn man mác, nàng định đứng lên, nhưng đôi chân không còn một chút khí lực, như người đã chết rồi! Ừ... cũng được đi, chết xong, không còn khiến gã phải lo lắng nữa! Ồ...cái đó đúng là tâm ma đây mà, mình, một đứa con gái ngon lành, cớ sao để ý đến gã làm chi? Lúc gặp mặt thì toàn là buồn bực gã, là ghét giận gã, vậy mà những khi xa gã, nằm mơ chỉ mong mỏi hội ngộ! Giờ như vầy mà tốt, người chết đi, tình cảm cũng tan biến theo, hồn phách thôi theo hành hạ, làm khổ sở gã nữa. Ta, Diêu Tình, cũng thuộc hàng cứng cỏi trong đám nữ lưu, chuyện gì ta làm tuyệt không bê bối, nhưng nếu đã chẳng giúp rập gì được cho gã, thì ta cũng không để lụy cho gã. Nghĩ đến đấy, chân đã có thể đứng dậy, nhưng bây giờ, nàng không sao đủ sức để ngồi xuống trở lại. Nàng đưa mắt trông ra ngoài khơi xa xăm, nước biển một mầu đen kịt tĩnh lặng, trông nó hệt một con mắt cực to lớn, đang chăm chú dõi nhìn tất cả các tinh tú trên trời. Ánh sao phản chiếu lung linh xuống mặt nước, theo lăn tăn của các đợt sóng, ẩn hiện như có như không.
Mẹ đã có lần nói, mỗi khi một tinh tú nhấp nháy chớp sáng rồi tắt ngấm, là có một linh hồn vừa ra đi.
Diêu Tình mơ màng nghĩ, không biết ông sao thủ mệnh mình đang nằm tại góc nào, khi nào thì nó mới chớp lóe đây? Gương mặt thắm nét hoan hỉ của mẹ nàng hiện ra, bóng dáng diễm lệ đó, giọng nói êm ru đó của mẹ như còn văng vẳng bên tai, lòng Diêu Tình thoáng một rúng động: "Mẹ à, mẹ có biết con sắp gặp lại mẹ đây không? Không lâu nữa đâu, Tình Nhi của mẹ thể nào cũng sẽ về với mẹ!"
Gió biển rì rào, chợt đưa đến tiếng người nói chuyện.
Diêu Tình nhận ra tiếng Cốc Chẩn, thêm một giọng nữ tử, rắn rỏi, không ủy mị, đích thực của Thi Diệu Diệu. Hai người nói chuyện một hồi, toàn là chuyện tang ma hiếu hỉ của người Đông Đảo, bàn ra tán vào, đàm thoại một thôi một hồi.
Bỗng Thi Diệu Diệu hỏi:
- Khi nào thì lên đường?
Cốc Chẩn đáp:
- Cũng chưa quyết định được, thứ nhất, ta chưa hoàn toàn thông tỏ lời giải của câu đố, thứ nhì, Lục Tiệm không khứng đi theo. Huynh ấy không đi cùng, ta chẳng có lấy một chút hy vọng thắng cuộc!
Thi Diệu Diệu hỏi:
- Phong Quân hầu, Lôi Đế tử, Tiên Bích cô nương chẳng phải đều đồng hành cả sao?
Cốc Chẩn trả lời:
- Bọn họ, ai cũng có sở trường riêng, nhưng chẳng thể chọi với Vạn Quy Tàng? Bằng vào vụ Lục Tiệm từng bị Vạn Quy Tàng ráo riết truy lùng cả mấy ngàn dặm, dưới trời này, chỉ mình huynh ấy có thể đương cự lão ta.
Thi Diệu Diệu buồn bã nhẹ thở ra, nàng nói:
- Cốc Chẩn, chẳng hiểu sao, bỗng dưng muội thấy ơn ớn lạnh!
Cốc Chẩn cười khe khẽ, bảo:
- Mau xích vào đây để ta ôm đi nào!
Thi Diệu Diệu hừm nhẹ một tiếng, rồi nghe có tiếng ậm ự, tựa hồ đôi môi nàng đang bị vật gì chặn nghẹn.
Con tim Diêu Tình bỗng đập mạnh, miệng lưỡi nàng vô cớ phát nhiệt, nàng lại sợ hơi thở quá dồn dập, bị người ta nghe được, ráng dằn nhịn thật khốn khổ. Đúng lúc đó từ một ghềnh đá xa truyền lại tiếng khóc nho nhỏ.
Diêu Tình nghe khóc hoảng hồn, đôi tình nhân đang thân mật cũng thất kinh hồn vía. Cốc Chẩn quát to:
- Là ai đó?
Thi Diệu Diệu nói:
- À... là Bình Nhi!
Một thân hình thanh tú vụt đứng lên từ nơi ghềnh đá, tính bỏ chạy.
Cốc Chẩn xuất một đạo Chu Lưu Phong kính, thân ảnh gã bay nhanh tới. Chặn cấp tốc nơi trước mặt kẻ đó, hai mắt chiếu sáng rực, gã buột miệng hỏi:
- Bình Nhi, tâm bịnh của muội khỏi hẳn rồi sao?
Lúc này, Thi Diệu Diệu cũng đã kịp đến nơi, nghe câu hỏi, nàng vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, ôm choàng vào hai vai Cốc Bình Nhi. Nàng xoay mặt cô ra ánh trăng săm soi. Hai mắt Cốc Bình Nhi đã đầm đìa lệ, rồi nước mắt cô rơi xuống như mưa.
Thấy đồng tử cô tinh tường, thần thái sáng suốt, không còn một chút nào dáng vẻ mê muội của quá khứ, Thi Diệu Diệu chẳng khỏi lấy làm lạ, nàng hỏi:
- Bình Nhi, muội đúng là đã khỏi hẳn rồi đấy chứ? Khỏi từ hồi nào vậy?
Cốc Bình Nhi nước mắt không ngừng tuôn trào, cô khóc nấc lên, kêu: "Diệu tỉ tỉ", rồi giụi đầu vào lòng Thi Diệu Diệu, cô sụt sùi.
Thi Diệu Diệu thở ra, dỗ dành:
- Bình Nhi ngoan, Bình Nhi giỏi, muội uất ức chuyện gì, hãy nói cho tỉ tỉ nghe đi!
Từ xa, nghe, nhìn toàn bộ quang cảnh, Diêu Tình chẳng dằn được, nàng tự nhủ: "Thiệt tình mình đã không lầm mà! Cái con nhỏ tiểu hồ li tinh này rõ ràng giả điên. Thi cô nương có ơn cứu mạng mình, sớm biết nó giả trang như vậy, lúc ở trên thuyền, mình đã thanh toán nó phứt cho rồi, dẹp giùm cô ta một kình địch!"
Chỉ nghe Bình Nhi khóc thêm một chặp nữa, rồi cô bỗng sụt sùi:
- Diệu Diệu tỉ, em lưà gạt, làm bậy với tỉ tỉ, lại còn tệ hại với ca ca!
Thi Diệu Diệu gượng cười, bảo:
- Chuyện quá khứ, qua rồi, còn nhắc lại làm chi? Chỉ cần muội dứt hẳn tâm bệnh, là tỉ tỉ mừng!
Cốc Bình Nhi lại khóc oà, nói:
- Diệu Diệu tỉ, tỉ... tỉ xử tốt với em hoài, em làm sao sống cho được!
Thi Diệu Diệu bực mình, nạt:
- Phì... phì... đừng nói gở nè!
Cốc Bình Nhi nói:
- Thực ra, em đã khỏi từ lâu, hồi ở Đắc Nhất sơn trang, bà Thương a di đối xử em thiệt tốt vậy đó, em ở cạnh bà, thấy còn thân thiết hơn lúc em ở với mẹ em, mỗi ngày một ít, chuyện quá khứ dần dần trở về trong óc, nhưng mà... nhưng mà, lúc quá khứ trở lại, thấy chẳng thà mất trí còn hay hơn. Nhớ đến chuyện mẹ và em đặt điều ra những vụ việc, trái tim em, thiệt giống như bị dùi đục vậy đó, em chỉ muốn chạy đi một nơi nào lánh xa mọi người, để không bao giờ gặp lại mọi người nữa. Nhưng càng nghĩ vậy, em càng nhớ mẹ, em càng nhớ bố, em càng nhớ ca ca, đêm nào em cũng nằm mơ thấy mình đã trở về Linh ngao đảo, em mơ lại được nghe tiếng gió hú từ Phong Huyệt, thiệt đau xé trong lòng quá sức. Em đã định suốt đời này sẽ cứ giả điên như vậy, nhưng bữa đó, nghe Lục Tiệm đại ca nói về vụ Luận Đạo diệt thần, về Đông Đảo đang gặp nguy cấp, em nghĩ bụng, là đệ tử Đông Đảo, tuy em chẳng giỏi giắn gì, nhưng lúc Đông Đảo gặp khó khăn, cũng có thể sánh vai cùng chết với ca ca và tỉ tỉ. Em bèn gạt Thương a di, bỏ trốn khỏi Đắc Nhất sơn trang, lẻn lên thuyền Địa bộ. Em cứ giả điên như vậy, lập tâm lừa gạt mọi người, vì không còn mặt mũi nào nhìn mọi người. Lại sợ bị phát hiện, sẽ bị đuổi đi xa lắc. Nhưng vừa rồi... vừa rồi thấy hai người thân mật với nhau, lòng em đau khổ quá, không nhịn được, em đã buột miệng khóc oà! Diệu Diệu tỉ, em thiệt ngốc nghếch quá, phải vậy không?
Thi Diệu Diệu nghe cô kể lể, nàng chua xót trong tim, khi nhìn vẻ kiều diễm của Cốc Bình Nhi, nàng phát sinh thương hại, nàng bèn ôm cô vào lòng, dịu dàng bảo:
- Bình Nhi, nếu muội thật sự không muốn xa lìa ta và Cốc Chẩn, muội cứ ở kề cận bọn ta là xong!
Cốc Bình Nhi nghe thế trong lòng run run, cô len lén liếc nhìn Cốc Chẩn, thấy đôi mắt gã trợn to, đầy vẻ nghi ngờ, đầu óc Cốc Bình Nhi vụt nghĩ một ý đồ, cô vội nói:
- Diệu Diệu tỉ, thiệt vậy sao? Tỉ không giận em à?
Thi Diệu Diệu gượng cười, bảo:
- Lúc hay biết chân tướng sự việc, ta oán trách phu nhân, nhưng chẳng hiểu tại sao, ta không oán hận gì muội hết. Bình Nhi, từ giờ trở đi, mình sẽ sống khắng khít bên nhau, đừng xa nhau nữa!
Cốc Chẩn nghe mà hoảng, gã định nói nhưng lưỡng lự, bỗng thấy Bình Nhi len lén dòm gã, ánh mắt thoáng một tia giảo quyệt. Cốc Chẩn không sao dằn được, gã cau mày thật đậm.
Diêu Tình nghe toàn thể câu chuyện, nàng suy nghĩ: "Thi cô nương đúng là người vô tư, chẳng hề tính toán ăn người, lại mắc mưu con tiểu hồ li tinh này! Cốc Chẩn hỡi Cốc Chẩn, rồi ra ngươi sẽ nhức đầu lắm đấy! Tưỏng tựợng đến viễn cảnh bất hạnh của gã, trong lòng nàng vụt thấy khoái trá!
Vào lúc ấy, từ phía biệt viện, nghe có tiếng hô hoán:
- A Tình!.
Âm vang tiếng đó còn chưa dứt, một thân ảnh chạy như bay theo con đuờng rải đá xuống, giọng hớt hải:
- A Tình, cô ở đâu?
Cốc Chẩn nghe tiếng, chạy lên đón, hỏi dồn:
- Lục Tiệm, chuyện gì vậy?
Lục Tiệm hốt hoảng:
- Ngươi có thấy A Tình đâu không?
Cốc Chẩn đáp:
- Không thấy! Cô ấy không ở trong biệt viện sao?
Lục Tiệm nói:
- Vửa rồi, cô muốn chính tay ta bón cháo gà. Ta đến nhà bếp sai giết gà nấu cháo, nhưng rồi sốt ruột quá, ta trở về phòng đó, bên trong chẳng còn một ai, trên bàn có mấy chữ viết bằng mực son, bảo rằng cô ấy đã bỏ đi rồi, còn muốn ta đừng chịu thua Vạn Quy Tàng.
Cốc Chẩn "à" một tiếng, khuyên:
- Đừng lo! Cô thân thể quá yếu ớt, sẽ chẳng đi đâu xa được. Tứ phía trên đảo đều có đệ tử Đông Đảo canh gác, cô khó lòng ra được đến biển lắm. Nhất định cô ấy đang quanh quẩn gần đây thôi. Ta cùng Diệu Diệu, Bình Nhi sẽ đi tìm cô chỗ này, huynh hãy gọi gã thính mũi đó lại đây, ngửi mùi mà nhận biết mỹ nhân, đích thực nghề chuyên môn của hắn mà!
Diêu Tình nghe câu đó, giận toé khói, nàng chửi thầm: "Chỉ có cái tên xú hồ li này, bằng vào mưu trí quỷ quyệt của hắn, vào lúc khẩn yếu này, mới làm lộn tùng phèo hết dự tính cuả người ta!". Nhưng nàng đã quyết, chẳng chịu đổi ý, khi nghe từ tứ phía tiếng chân người khua chạy sầm sập, nàng trổ thuật nín thở, tứ chi bám đất, nhắm phía bờ biển chầm chậm bò tới.
Tiếng sóng vỗ bờ nghe mỗi lúc một rõ, cuống họng Diêu Tình khô ran, bứt rứt, mắt nàng váng vất, tim đập loạn nhịp thình thịch, dù chỉ còn cách có vài trượng, sức lực trong nàng hầu như cạn kiệt, gió biển mang hơi ẩm thổi qua, dưới bàn tay Diêu Tình cảm giác cát ẩm lạnh tựa băng giá, biển khơi chỉ cách đấy vài tầm tay, trong đầu Diêu Tình, nó xa vời như chốn chân trời góc biển.
"Chết mà cũng khó khăn vậy sao?", đầu óc hoảng loạn, Diêu Tình ngất đi.
Nghe bên tai có tiếng người hô hoán, Diêu Tình mơ màng hé mắt, nàng thấy Lục Tiệm gương mặt đầm đìa lệ, đang ôm chầm lấy nàng. Phát bực trong lòng, Diêu Tình ẩy gã một cái, nạt:
- Cút đi!
Lục Tiệm giật mình, buông nàng ra, đứng lên, thần sắc cực kỳ ngơ ngác.
Diêu Tình nước mắt trào ra, nghẹn ngào nói:
- Ai khiến ngươi quản vào chuyện của ta?
Lục Tiệm như người lạc lõng biển cả không chút định hướng, nói:
- A Tình, cô làm vậy, tôi không sao hiểu nổi!
Diêu Tình mắng gã:
- Ngươi, thằng đớn hèn, không chút gan dạ nào hết! Có gì mà không hiểu kia!
Lục Tiệm càng thêm hoang mang, hỏi:
- Sao cô bảo tôi đứa hèn nhát, không gan dạ?
Diêu Tình đáp:
- Ngươi nếu có đảm lượng, thì phải một trận hơn thua với Vạn Quy Tàng! Bằng ngươi không dám làm anh hùng hào kiệt, tốt hơn hết hãy buông bỏ ta đi, đừng quản đến chuyện sống chết của ta!
Lục Tiệm nghe nói, sững sờ, gã đứng thẳng người dậy, giọng quả quyết:
- A Tình, tôi trước giờ chưa khi nào làm anh hùng hào kiệt! Tôi chỉ ước muốn được yên bình phụng bồi cô. Còn những chuyện tranh đua hơn kém trên thế gian này, tôi đều bỏ mặc ra ngoài tâm trí!
Thân mình kiều mị của Diêu Tình run lên, nàng ngước nhìn gã, trong đêm tối, đôi mắt Lục Tiệm sáng loe loé, lấy cả một cụm tinh tú gom lại, cũng không sáng bằng! Trong tích tắc, tự thăm thẳm sâu đáy lòng, chợt cảm giác bùng nổ ra một dòng thác kình khí xộc thẳng lên, quấy lộn nhào tất cả, ộc ra tới miệng mũi nàng. Tròng mắt Diêu Tình chợt cay xót, tai lùng bùng, miệng mồm khô khốc, đắng nghét, nàng muốn khóc cũng không khóc nổi, muốn cười cũng không sao cười nổi, cái tư vị quái lạ này, từ thưở khôn lớn đến giờ, nàng chưa từng nếm qua.
"Tình Nhi.", có tiếng gọi thanh thoát vọng đến.
Nghe tiếng, toàn thân Diêu Tình run bần bật, nàng ngẩng trông, thì thấy một đoàn Ôn Đại, Cốc Chẩn, Tiên Bích đang tiến lại. Ôn Đại cúi xuống với nàng, Diêu Tình nhào vào lòng bà, khóc oà! Nàng vừa nức nở, vừa nói:
- Sư phụ, con thà chết... cũng... thiệt không muốn làm hắn nhọc lòng vì con.
Lục Tiệm nghe chua xót xông lên đôi mắt, gã bất chợt la lớn:
- Cô chết đi rồi, tôi sẽ cạo đầu làm thầy chùa, đi tu!.
Diêu Tình trong lòng rối ren trăm mối, nàng chẳng dằn được, cả tiếng mắng gã:
- Xú Lục Tiệm, ngươi vẫn còn muốn chọc giận ta, ngươi không tin, ta chết liền bây giờ cho ngươi xem!
Nói xong, nàng vùng vẫy, định nhào ra, nhưng đã bị Ôn Đại giữ riệt lại.
Ôn Đại lưỡng lự một chút, rồi bà bảo:
- Tình Nhi, con đừng cứng đầu quá!
Diêu Tình la lên:
- Sư phụ cũng đã thấy đó, hắn đã cố ý nói tầm xàm để chọc giận con kìa!
Ôn Đại bảo:
- Chuyện hai đứa lùng nhùng, ta chẳng hiểu rõ, ta không muốn nói nhiều! Mấy hổm rày, ta đã suy nghĩ thật lâu, và ta chợt nhớ tới một sự kiện, nếu vận khí con tốt, từ đó, thương thế của con có lẽ không phải hoàn toàn bất trị!
Lục Diêu hai người nhùng nhằng toàn chỉ vì tình trạng bất trị của thương thế. Khi nghe bà nói vậy, Lục Tiệm lập tức quỳ thụp ngay xuống, run run giọng, van lơn:
- Địa Mẫu nương nương, mong bà đại ân đại đức, ra tay cứu sống A Tình!
Rồi gã dập đầu lạy bình bình!
Ôn Đại vội vàng đỡ gã dậy, bà bảo:
- Ngươi hãy đứng lên đi đã! Ngươi chưa hiểu rõ ý tứ câu nói cuả ta. Bằng vào y thuật của ta, đích thực chẳng thể cứu nó được!
Lục Tiệm ruột gan chùng xuống! Gã nghĩ bụng: "Y đạo của Địa Mẫu, thiên hạ vô song, bà không cứu được cô, ai có thể cứu cô đây?"
Ôn Đại đoán được tâm tư của gã, bà bảo:
- Một chút y thuật của ta là học được từ những gì tổ sư Tư Cẩm hồi đó truyền lại. Tổ sư Tư Cầm học vấn thật sâu rộng, nhưng người không chuyên về y đạo! Có một vị tiền bối dạy cho người, mới lợi hại thái thậm.
Lục Tiệm thắc mắc:
- Vị tiền bối nào vậy?
Diêu Tình cũng nảy sinh hiếu kì.
Ôn Đại hỏi:
- Các ngươi chắc biết, ba trăm năm trước đây, từng có một vị nữ thần y lừng danh?
Con tim Lục Tiệm rộ lên một nhịp thật mạnh, gã buột miệng nói:
- Chắc Địa Mẫu nương nương muốn nói về người đã phát hiện ẩn mạch, vị nữ thần y đã đem Tiềm Long đi!
- Đúng là ngươi có biết! - Ôn Đại bảo - Vị nữ thần y đó nghề thuốc hơn ta cả chục lần! Hồi đó, bà kết phu phụ cùng Tây Côn Lôn tổ sư, đem Tiềm Long chạy ra hải ngoại, khiến cho y thuật vô cùng thần diệu cuả bà cũng theo bà ra đi, tuyệt tích ở Trung thổ. Sau đó, tổ sư Tư Cầm, lúc từ hải ngoại trở về, có mang về theo một ít kiến thức y thuật. Theo ân sư ta thuật lại, vị nữ thần y đó xuất thân Thiên Cơ cung, mà người của cung đó, họ rất rành rọt nghề bảo quản sách cổ. Bộ sách Y Thuật của nữ thần y thể nào cũng có một phó bản, bản phó đó tất được giấu cùng chỗ với Tiềm Long.
Lục Tiệm chợt thấy tim đập rộn ràng, gã cố đè nén, hỏi:
- Nói như thế, chỉ cần tìm ra Tiềm Long, thể nào cũng sẽ kiếm thấy bộ sách Y Thuật đó?
Ôn Đại đáp:
- Đúng vậy! Y thuật ta có hạn, không cứu nổi Tình Nhi, nhưng vị nữ thần ý đó đích thực có thủ pháp khởi tử hoàn sinh, chỉ cần tìm ra bộ Y Điển đó, có khi trong sách có dạy phương pháp điều trị cho Tình Nhi. Chỉ có điều, vận hội này xem chừng cũng mù mờ lắm!
Lục Tiệm còn đang lưỡng lự chưa quyết đoán, bỗng nghe Cốc Chẩn nói:
- Dù cho mù mờ, cũng còn hơn tuyệt vọng nhiều! Nói thêm cho rõ, vị nữ thần y này cùng Đông Đảo ta có uyên nguyên thật sâu xa, chẳng những về nghề y, nhân phẩm của bà... tất cả đều siêu phàm nhập thánh, khiến người ta ai cũng phải kính nể.
Lục Tiệm buột miệng hỏi:
- Ngươi cũng biết vị nữ thần y đó à?
Cốc Chẩn đáp:
- Ta biết! Theo gia phả, Hoa tổ sư cùng dòng họ Cốc ta có quan hệ thật to lớn!
Lục Tiệm hỏi:
- Hoa tổ sư?
Cốc Chẩn bảo:
- Các vị không biết ư? Nữ thần y mang họ Hoa, tên tục là Hiểu Sương, đệ tử của bà họ Triệu, vốn là dòng dõi của triều vua Đại Tống. Người này sau kết duyên cùng cô con gái độc nhất của chúa đảo Thích Hải Vũ, cũng chỉ sinh được có một người con gái; cô sau đó thành hôn cùng tằng tổ ta Viễn Chiêu Công. Viễn Chiêu Công ở rể nhà Triệu gia, sống suốt đời tại Linh Ngao đảo. Ta nói vậy, để chứng minh họ Cốc ở Đông Đảo bắt nguồn từ Hiểu Sương tổ sư.
Chuyện này, lần đầu mọi người Tây Thành được nghe, họ đều không dè Đông Đảo và Tây Thành vốn chung một nguồn gốc, trong lòng họ cùng cảm giác một tư vị không tên.
Lục Tiệm lại hỏi:
- Địa Mẫu nương nương, chẳng hay Y Điển đó có được đặt cái tên nào không?
Ôn Đại đáp - Cái tên nghe hơi kỳ quặc! Gọi là "Tương Vong tập".(tương vong = làm cho quên đi!) Lục Tiệm lẩm nhẩm cái tên đó một vài lần, ghi sâu trong trí, rồi gã quay sang bảo:
- Cốc Chẩn, ta quyết định sẽ đưa A Tình theo ta cùng đi tìm Tiềm Long.
Cốc Chẩn gật gù,
- Chuyến đi này phải trèo đèo lội suối, lại bốn bề cường địch tuyệt thế, đại ca, huynh cũng nên hiểu rõ!
Lục Tiệm đáp:
- Ta cũng đã nghĩ và hiểu rõ! Ta không muốn ngươi mạo hiểm một mình, cũng không muốn bỏ mặc A Tình không người chăm sóc. Chi bằng cùng kéo nhau đi, sống chết cùng có nhau!
Nói đến đấy, cổ họng chợt nghẹn lại, gã chăm chú nhìn Diêu Tình, hỏi:
- A Tình?
Diêu Tình nghiến răng, đáp:
- Ngươi đi! Ta cũng đi theo, cùng lắm là chết dọc đường! Đào một hố đất hoàng thổ, vùi xuống thành mồ là xong, còn hơn sống thê thê thảm thảm, chết trong khuê phòng!
Cốc Chẩn chẳng khỏi cất tiếng khen ngợi thoát từ tâm can:
- Diêu đại mỹ nhân, câu đó đầy hào khí!
Rồi gã quay nhìn mọi người, nói:
- Ta còn muốn mời Ninh cô nương, Tả huynh, Ngu huynh, Tiên Bích cô nương cùng ghé hàn xá một lúc, mấy hôm rồi, ta để tâm nghiên cứu các đầu mối, cũng có được vài phát hiện tâm đắc, muốn đem chia sẻ cùng mọi người một hai điều.
Trong số người ở đấy, còn vắng mặt Ninh Ngưng và Tả Phi Khanh. Tiên Bích đích thân đi mời họ đến.
Chẳng bao lâu, tại phòng Cốc Chẩn, thấy có Tả Phi Khanh, nội thương gã còn khá trầm trọng, sắc diện tiều tuỵ. Xương đùi Ngu Chiếu chưa lành, nhưng hắn vẫn không giảm sút chút nào phần hào hứng, đang gạ đấu rượu cùng Cốc Chẩn, bị Tiên Bích lầu bầu một hồi, hắn cũng đành cho qua, thần sắc có phần bực tức. Ninh Ngưng ngồi một xó, vẻ mặt cô bình thản, chẳng lộ nét vui hay buồn, cô không để mắt nhìn đến ai. Duy lúc nghe nói có Lục Tiệm đi cùng, ánh mắt cô thoáng ngời một chút vui mừng, rồi khi nghe Diêu Tình cũng đồng hành, cô ảm đạm trở lại, cúi gằm, suốt buổi, cô không nói năng gì nữa.
(Chú: xin nhắc lại 5 đầu mối truy được từ Bát đồ: Quy minh, Mã ảnh, Kình tung, Viên đẩu vĩ, Xà quật) Chuyện gẫu đôi ba câu xong, Cốc Chẩn nói:
- Năm đầu mối đó, các vị thảy cũng đã rõ! Ta cho rằng cả năm trước sau đều cần bắt đầu từ cái thứ nhất QUY MINH. Theo suy luận của ta, hai chữ Quy Minh này, có ba lý giải: Thứ nhất, là con rùa đá đội bia có khắc chữ, loại văn bia này thấy dưới trời đây có không ít, lớn từ bia của hoàng gia nơi cổ mộ, nhỏ thì như các bia mộ trong đồng, ven đường... thiệt không biết tìm cái nào cho đúng. Thứ nhì, là trên mai rùa có khắc bài văn, cái đó hệt như đáy biển mò kim, phải bắt đầu từ đâu để tìm QUY?
Nói đến đấy, gã ngừng, hơi lâu. Tiên Bích chẳng dằn được sốt ruột, bèn hỏi:
- Còn lý giải thứ ba là gì?
Cốc Chẩm thoáng một chút ngần ngại, rồi đáp:
- Lý giải thứ ba, ta cũng chưa mấy chắc lắm, ta cho là chữ QUY này chỉ về...
Mọi người đều giật mình, đồng thanh nói:
- Đảo Linh Ngao đảo? (Đảo Rùa thần) Cốc Chẩn nói:
- Mọi người nên để ý, Tư Cầm tiên sinh mang mối hận thù cực lớn với Đông Đảo, sao lại có thể giấu đầu mối thứ nhất truy tầm Tiềm Long ở đảo Linh Ngao được? Nhưng tiên sính người cực kỳ thông minh, lúc tạo ra câu đố, nhất quyết chẳng tạo ra thứ hao tổn trí lực dễ đưa đến bế tắc, ắt phải là thứ đầu mối nằm ngoài trông mong của người ta. Do đó, lý giải thứ nhất và thứ hai đều không thông. Đông Đảo vốn ít khả năng nhất, nhưng nếu đem giấu đầu mối thứ nhất ở đó, rõ ràng ra ngoài ý liệu người ta!
Diêu Tình vụt cắt ngang:
- Trên đảo này, liệu có bia nào được chạm khắc văn bản?
Cốc Chẩn đáp:
- Trên đảo, văn bia không nhiều, con số độ hơn hai mươi. Nhưng tính vào thời Tư Cầm tổ sư, chỉ có sáu thôi!
Tiên Bích do dự, rồi nói: "Ta hôm qua đã có để ý tìm tòi, nhưng không phát giác được gì khác thường! Vậy để sáng mai, nhờ mọi người cùng kéo nhau đi, nhiều người, nhiều mắt tinh, có khi phát hiện được đầu mối chăng?"
Chúng nhân đều đồng ý.
Sáng sớm hôm sau, mọi người tụ tập, đi đến những chỗ rải rác trên đảo có bia mang văn tự. Cốc Chẩn đặc biệt cho mời Tiết Nhĩ theo, lỗ tai thính của hắn có thể giúp phát hiện những tấm bia đá nhiều tầng, lớp. Đi tìm kiếm suốt, vẫn chưa thấy văn bia nào có gì khác lạ. Đi đi, dừng dừng... mọi người đến bên một khe nước, tung bọt sóng trắng xoá, hơi nước mù mịt, hai bên bờ khe có quả núi nhỏ, cỏ cây xanh biếc ưa nhìn, mường tượng hoà nhập với khoảng không mênh mông xanh thẳm trên cao.
Đoàn người lần theo dòng nước đi về phía đầu nguồn, lúc gần đến nơi, thấy có một cái đầm nước xanh trong thanh tĩnh nho nhỏ, ven bờ nước dựng một tấm bia đá mầu trắng, trên đó khắc bài văn bia:
"Ngọc Tuyền minh:
Lương thường tây lộc, nguyên trạch đông tiết.
Ẩm ngọc thành tương, soạn quỳnh vi tiết.
Thiên lại hư từ, phong tiêu linh triệt.
Tam biến huyền vân, cửu thành giáng tuyết.
Đa gian tản nhân Hoa kính viên soạn, mỗ niên mỗ nguyệt mỗ nhật. (đại khái đây là bài văn xưng tụng cảnh đẹp đầm Ngọc Tuyền do Hoa Kính Viên viết và khắc vào bia, ý nghĩa thâm trầm, khó dịch cho chính xác!) Tiết Nhĩ dùng chày gỗ gõ gõ vào thân bia, nghe ngóng một chập, rôi hắn lắc đầu nói:
- Bia này không rỗng ruột!
Mọi người đều thất vọng, rủ nhau đọc bài văn một lần nữa, nhưng vẫn không phát hiện được gì. Họ đang tính cho qua, bỗng nghe Ninh Ngưng nói:
- Tấm bia này có điều cổ quái! Đàng sau chữ khắc trên mặt, thấy có mấy chữ khác bên dưới!
Chúng nhân nghe cô nói vậy đều mừng rơn. Ai nấy đều biết cô luyện kiếp thuật "Sắc Không Huyền đồng", cô có thể nhìn ra những gì mắt người thừong không trông rõ, tất cả đều đưa mắt nhìn cô.
Chỉ thấy Ninh Ngưng đưa tay ngắt một ít lá cỏ, vò nát ra thành một thứ nước mầu xanh đậm, cô đem nước đó bôi lên mặt tấm bia, bôi được một chặp kín mặt bia, cô nhúng tay áo vào nước, dùng nó lau hết nước xanh trên mặt tấm bia. Dù mặt bia hầu như sạch hết nước xanh, nhưng một vài chỗ tấm bia ẩn hiện nhiều đường nét xanh xanh, khi liên kết chúng vào nhau, thấy có hình dạng văn tự.
Thấy vậy, mọi người đều vỡ lẽ, nguyên trên mặt tấm bia có người đã dùng kim nhọn châm vào nhiều lỗ lấm tấm ở đôi ba chỗ, khi làm những lỗ châm hiện lên, chữ viết sẽ hiện ra. Mắt tầm thường nhìn vào, mới đầu không thấy chúng, nhưng nhìn kỹ hơn, sẽ cho là đá trên mặt bia bị ảnh hưởng mưa nắng mà thủng lỗ chỗ... Chỉ mình Ninh Ngưng có con mắt thật tinh tế sắc bén, mới phát hiện ra chúng mang hình dạng tự tích. Lúc cô bôi nước cỏ lên mặt bia, nước mầu xanh đó thấm xuống lỗ châm, rồi khi cô lau sạch nước cỏ, đã làm các chữ xâm hiện ra rõ hơn.
Mọi người căng mắt đọc, được bốn câu sau đây:
"Vu vu vu vu ô Nhã nhã hiệt công Nhất nga hành thiên cổ Thiểm chuyển bất kiến nhân."
巫巫巫巫乌 雅雅页公 一鹅行千古 闪 转不见人 Tả Phi Khanh liếc qua, đã nói ngay:
- Đây là một câu đố đây mà!
- Đúng là câu đố! -Cốc Chẩn vui vẻ nói tiếp:
- Câu thứ nhất, bốn chữ trước chữ "Ô", thấy có chuyện cực kỳ quái lạ, tạm coi như chúng là vết chân quạ, vậy gọi là "Ô Túc". Gom vào với bốn chữ "VU"
(巫), được "Tứ Vu Ô Túc", Chữ "VU" mà không chân là cắt đi dấu gạch ngang phía dưới, ẩn ước của bốn "VÔ" kèm chữ "VU" không chân thành chữ "CHÚNG" (眾) - Câu thứ nhì, kinh NHÃ có Tiểu Nhã và Đại Nhã, chữ "HIỆT" (页) thêm chữ "CÔNG" (公) thành chữ "TỤNG" (颂), người ta nói "Kinh Phong Nhã tụng", đại nhã, tiểu nhã đều có đây, trung gian chỉ thiếu mỗi chữ "PHONG".
- Câu thứ ba, một con ngỗng mà đi hoài hoài... Ngỗng hình chữ "CHI" (之), cái đó khỏi cần bàn thêm!
- Câu chót, chữ "THIỂM" (閃) mà thiếu chữ "NHÂN" (人), là chữ "MÔN" (門) Gom cả bốn chữ đó lại, thì được "CHÚNG PHONG CHI MÔN" (khung cửa của nhiều luồng gió!) Nói đến đấy, gã cùng Thi Diệu Diệu trao đổi một liếc mắt, rồi đồng thanh nói:
- "Phong Huyệt."
Tiên Bích giật mình, hỏi:
- Không lẽ "chỉ dẫn" đó lại được giấu dưới đáy Phong Huyệt?
Cốc Chẩn rầu, đáp:
- Đúng vậy! Chỉ một điều, chỗ đó là cấm địa phi thường của Đông Đảo ta, làm sao mình xuống đấy được?
Mọi người đưa mắt nhìn nhau!
Cốc Chẩn lưỡng lự một hồi, bõng gã nói:
- Phi thường thây kệ phi thường! Xem ra, hồi đó Tư Cầm tiên sinh hiển nhiên đã có đi xuống dưới huyệt rồi! Tiên sinh đi được, bọn mình chưa chắc không xuống đưới ấy được!
Rồi cả đoàn kéo nhau đi Phong Huyệt.
Phong Huyệt là hang sâu trên ghềnh đá vươn ra biển, chỗ đầu ghềnh đá đứng trơ trọi giữa các vách núi chung quanh. Mắt còn chưa thấy Phong Huyệt, từ xa đã nghe tiếng gió gầm rú, khi lớn khi nhỏ, lớn như tiếng bò rống, nhỏ tựa côn trùng rả rích... âm thanh thiên biến vạn hoá.
Theo một lối mòn dẫn lên ghềnh đá trên Phong Huyệt, từng đợt, từng đợt gió hun hút thổi ào tới, lạnh thấu xương. Lối cửa hang, dựng đứng các vách đá đen, đá xanh trước huyệt quanh năm bị gió tạt, bào mòn nhẵn thín, không cỏ nào bám vào mà mọc lên được. Hơi nước kết thành băng, phủ đầy mặt đá, màu sắc xanh xanh, trong suốt, loe loé phản chiếu ánh nắng. Nhìn quang cảnh, Cốc Chẩn và Thi Diệu Diệu vụt nhớ kỷ niệm hồi nhỏ, đã tinh nghịch lên đây cạo gỡ các lớp băng đó! Trò nghịch ngợm thưở ấu thơ sau nhiều năm tháng, kỷ niệm vẫn còn sống động trong đầu, hai người nhìn nhau, lòng bồi hồi.
← Hồi 57 | Hồi 59 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác