Vay nóng Homecredit

Truyện:Giặc bắc - Hồi 38

Giặc bắc
Trọn bộ 52 hồi
Hồi 38: Tiếp tục cuộc tranh tài
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-52)

Siêu sale Shopee

Tờ mờ sáng. Chim kêu ríu rít trên cành cây. Người người lục tục thức giấc lo sửa soạn ăn sáng xong sẽ tiếp tục cuộc tranh chức minh chủ giang hồ. Hôm nay tới phiên Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp sẽ đấu với Mộc Côn Lê Linh. Đúng giờ thìn Vô Hình Đao Tôn Nhật bước ra đứng chính giữa đấu trường. Nhìn một vòng khắp quần hùng đang tề tựu đông đủ ông ta cao giọng thốt:

- Để mở đầu cho cuộc tranh tài ngày hôm nay lão phu xin mời Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp,chưởng môn phái Thảo Đường và Mộc Côn Lê Linh đại diện cho Lê gia trang ở Bắc Giang...

Tôn Nhật lùi về chỗ ngồi trong lúc hai đấu thủ thi lễ cùng quần hùng đoạn chào lẫn nhau. Lê Linh đạp bộ từng bước thành vòng tròn quanh đối thủ còn Nguyễn Hiệp đứng yên tại chỗ. Bàn tay mặt nắm lại thành quyền án tại đan điền, bàn tay trái nửa mở nửa khép đưa lên ngang mặt. Cách cầm côn của Lê Linh khác với mọi người. Họ Lê không phải cầm côn ở đầu mà lại cầm ngay chính giữa thanh côn. Quần hùng không ai không biết Lê gia trang lừng danh mấy chục năm nay qua thuật múa côn đặc dị và quái đản nhất giang hồ. Tam Thức Côn Lê Thu Nguyệt, cách đây năm mươi năm là người sáng lập ra Lê gia trang đồng thời cũng là đề tài bàn tán sôi nổi và hào hứng của các vũ sĩ khi ông ta thi triển Tam Thức Côn đập vỡ đầu tên cao thủ hắc đạo nổi tiếng nhất đương thời là Quái Kiếm Đỗ Đình. Từ đó Lê gia trang liên tiếp sản suất nhiều nhân tài lỗi lạc về thuật múa côn mà gần đây nhất chính là Vô Tam Thức Lê Anh Đào, đương kim trang chủ của Lê gia trang. Quần hùng thắc mắc tự hỏi tại sao Lê Anh Đào không tranh tài mà lại để Lê Linh ra làm đấu thủ với Nguyễn Hiệp. So về danh vọng lẫn tài năng Lê Linh không thể nào sánh với Nguyễn Hiệp được.

Không một cử động nào báo trước thanh đoản côn làm bằng gỗ đàn hương của Lê Linh chợt xoay tròn tựa như chong chóng thoạt đầu chậm sau nhanh dần lên rồi cuối cùng biến thành một vòng tròn đen mờ di chuyển quanh đối thủ.

Chân đứng theo thế tấn đinh, hai bàn chân bám cứng trên mặt đất chắc hơn cọc gỗ chôn sâu xuống đất, hai mắt mở trừng trừng nhìn ra khoảng không trước mặt, Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp nằm trong tình trạng tịnh chống động. Với công phu trầm tịnh của hai mươi năm khổ luyện y không những nghe bằng tai thấy bằng mắt mà còn bằng cái tâm vi diệu của chính mình. Có nghe, có thấy y mới có thể phân định được thế hư đòn thực mà đối thủ sắp sửa thi triển. Bất cứ một vật hữu hình nào di chuyển trong không khí đều phát ra âm thanh. Vũ khí cũng không ra ngoài định luật đó. Vũ khí càng nặng, diện tích càng to lớn thời khi di chuyển nhanh chừng nào sẽ phát ra âm thanh lớn chừng đó. Nguyễn Hiệp chú tâm lắng nghe âm thanh phát ra từ thanh côn của Lê Linh đang di chuyển trong không khí.

Vù... Quần hùng thoáng thấy từ trong vầng côn quang mịt mờ bóng ảnh chợt xẹt ra tia hắc quang vút tới người của Nguyễn Hiệp nhanh hơn sao sa. Không những tốc độ nhanh nhẹn, lực đạo trầm trọng, đường côn lừng danh của Lê Linh còn hàm chứa vô số biến hóa tinh diệu, quái đản và ngụy dị. Nếu đối thủ không giải chiêu y sẽ giữ nguyên chiêu thức, còn nếu đối thủ phản đòn đường côn của y cũng sẽ biến hóa tùy theo tâm ý.

Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp xuất chiêu. Hai cánh tay áo rộng no tròn kình lực bung ra một cách chậm rải, khoan hòa và từ tốn. Cánh tay bên tả kéo một đường từ trái sang phải trong lúc tay hữu hốt một đường ngược chiều với tay tả. Khi hai cánh tay vừa gặp nhau, bàn tay tả chợt gập lại chỉ chừa ngón tay trỏ điểm hờ vào bàn tay cầm côn, còn bàn tay hữu khép lại trong thế triệt thủ lướt theo thân côn róc xuống bàn tay cầm vũ khí của Lê Linh.

Quần hùng buột miệng kêu thành tiếng kinh ngạc khi thấy vị chưởng môn phái võ Thảo Đường phô diễn quyền thuật hoa mỹ, tân kỳ và biến ảo. Mấy chục năm nay Thảo Đường phái nổi danh giang hồ bằng quyền thuật mà Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp là một trong nhiều nhân tài xuất sắc bởi vậy y mới được các đồng đạo phong tặng danh hiệu Đa Tý Quyền. Giải chiêu bằng cách tấn công để bắt đối thủ phải tự triệt chiêu Nguyễn Hiệp đã đạt được trình độ vũ thuật cao thâm hiếm người sánh kịp.

Tuy nhiên đại diện cho Lê gia trang ra tranh tài cùng thiên hạ Mộc Côn Lê Linh phải có một thân vũ thuật độc đáo. Y hóa giải chiêu thức của đối thủ cũng bằng cách tương tự nghĩa là lấy công làm thủ. Không một ai thấy, không một ai biết được bằng cách nào thanh đoản côn trong tay của Lê Linh chợt xoay tròn như chong chóng nhanh tới độ biến thành vầng côn quang đen mờ. Nếu Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp không tự triệt chiêu lại hai bàn tay sẽ bị chấn gảy vì đường côn tuyệt diệu của Lê Linh.

- Giỏi...

Miệng nạt tiếng khen vị chưởng môn Thảo Đường đạp bộ cùng với hai cánh tay áo rộng phất lên mịt mờ bóng ảnh. Từ trong hai ống tay áo rộng ló ra hai bàn tay khi mở thành chưởng, lúc cụp lại thành chỉ, khi nắm lại thành quyền, lúc khép thẳng băng thành triệt thủ, nào chụp bắt, vặn bẻ, móc vổ, đâm chém, xô đẩy vào vũ khí và hết thảy các yếu huyệt trên thân thể của đối phương. Thường thường người ta bảo nếu đánh nhau kẻ nào có vũ khí sẽ có lợi thế hơn. Điều này không đúng với Nguyễn Hiệp. Chỉ bằng hai bàn tay thịt với thuật múa quyền siêu đẳng y ngang nhiên chống trả lại những đòn tấn công dữ dội của Lê Linh.

Chát... Bùng... Song phương đình thủ. Quần hùng nhìn thấy Lê Linh khóe miệng rỉ máu tươi còn Nguyễn Hiệp mặt tái xanh vì đau đớn. Hai người đều bị thương song xem ra Lê Linh bị thương nặng hơn Nguyễn Hiệp. Dường như cũng biết điều này nên Đa Tý Quyền không bỏ lỡ dịp may. Nạt tiếng trầm trầm y vung quyền tấn công tới tấp. Không một ai biết y đã phổ bao nhiêu kình lực vào chiêu thức mà kình phong làm bụi đất bay mịt mờ cùng với bóng tay trùng điệp luân lưu không dứt. Quần hùng tham dự đại hội trên Tản Viên không thiếu tay danh gia quyền thuật như Tướng Quốc Tự từng lừng danh giang hồ mấy trăm năm qua pho quyền Tướng Quốc, Bạch Long Vỉ đảo với Kình Ngư quyền, Lạc Việt phái với Lạc quyền và hàng chục gia trang lớn nhỏ nổi tiếng. Tuy nhiên mọi người đều công nhận Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp xứng đáng danh vị nhất đẳng cao thủ về quyền thuật. Không những chiêu thức biến ảo, tinh xảo, hiểm ác, quyền thuật của y còn có điểm hơn người là kình lực trầm trọng cực độ. Quyền phong toát ra mạnh tới mức thổi y phục mọi người bay lất phất mặc dù họ đứng cách xa hơn hai mươi bước.

Những người có nhiều kinh nghiệm giao tranh đều biết Mộc Côn Lê Linh sẽ bị đánh bại nhưng y sẽ không chịu thua một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đại diện cho Lê gia trang ra tranh tài cùng thiên hạ y phải có thân khổ luyện vượt bực làm thành thứ phản ứng cực kỳ bén nhạy khiến cho y tránh thoát những chiêu thức của đối thủ trong đường tơ kẻ tóc.

Nạt tiếng trầm trầm Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp xô người nhập nội. Hai cánh tay áo rộng no tròn kình lực của vị chưởng môn phái Thảo Đường dấy lên mịt mờ bóng ảnh khiến quần hùng đứng ngoài thấy trăm ngàn bàn tay khi to khi nhỏ, thoắt biến thoắt hiện,l úc tắt lúc nổi, chập chờn giăng mắc và bay lượn quanh người của Lê Linh. Chát... Bùng... Song phương đình thủ. Phải chống đầu côn xuống đất Lê Linh mới đứng được. Khóe miệng của y rỉ máu tươi. Nhìn đối thủ giây lát y nói lớn:

-Nguyễn chưởng môn quyền thuật tinh thâm vô tả. Tại hạ bại...

Dứt lời y ụa ra bụm máu tươi. Quyền phong hàm chứa nội gia chân lực của Nguyễn Hiệp đã gây nội thương trầm trọng cho đối thủ.

- Tại hạ hơi nặng tay xin Lê thế huynh đừng phiền giận...

Mộc Côn Lê Linh gượng cười:

- Không có chi...Hể giao tranh là phải có thương vong...

Dứt lời y lảo đảo lui ra khỏi đấu trường. Thi lễ cùng quần hùng xong Nguyễn Hiệp cũng trở về chỗ ngồi.

Vô Hình Đao Tôn Nhật bước ra xướng danh hai đối thủ kế tiếp là Nhất Quốc thiền Sư đấu với Vô Diện Thư Sinh. Quần hùng chăm chú nhìn vị sư trẻ tuổi vận nâu sòng chầm chậm bước vào đấu trường.

Gần năm trăm năm nay chùa Tướng Quốc là phái võ nổi bật nhất trong giới giang hồ Đại Việt hơn cả phái Cỗ Loa. Khởi thủy Tướng Quốc tự còn có tên là Khai Quốc tự được xây dựng vào thời nhà Tiền Lý của nước ta. Lý Bôn còn có tên là Lý Bí, quán tại huyện Thái Bình tỉnh Sơn Tây. Bất bình trước sự cai trị độc ác của bọn quan lại Tàu cho nên vào năm tân dậu Lý Bôn bèn chiêu mộ anh hùng hào kiệt trong nước nổi lên đánh đuổi ngoại xâm giành lại tự do và độc lập cho sứ xở. Trong số những người theo phù trợ Lý Bôn có một thiền sư vô danh. Lúc đó đất Giao Châu đang bị nhà Lương của Trung Hoa cai trị bằng chính sách độc đoán và tàn ác cho nên thiền sư vô danh mới đem hết đệ tử giúp Lý Bôn đánh đuổi thứ sử Tiêu Tư của nhà Lương.

Lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Nam Đế, Lý Bôn cho người dựng một ngôi chùa thật lớn đặt tên là Khai Quốc để tưởng thưởng công lao của thiền sư vô danh đã phù trợ ông trong công cuộc chống ngoại xâm.

Sau khi Lý Bôn chết nước ta lại lọt vào vòng nô lệ của ngoại bang. Quân Tàu thẳng tay tàn sát, bắt bớ, giam cầm các thiền sư của chùa Khai Quốc. Lúc đó thiền sư vô danh đã tạ thế cho nên đệ tử của ông ta là Khai Quốc thiền sư bèn đổi tên chùa thành Tướng Quốc đồng thời ra lịnh cho môn đệ nhập giang hồ để tránh né sự lùng bắt của quân Tàu.

Khi Ngô Quyền phá quân Nam Hán, vị tông chủ của chùa Tướng Quốc lúc bấy giờ là Hưng Quốc thiền sư cùng nhiều đệ tử đã anh dũng hy sinh trong trận thủy chiến Bạch Đằng Giang.

Vì lẽ đó sau khi lên làm vua Ngô Quyền mới cho trùng tu lại Tướng Quốc Tự ở Cỗ Loa. Dân ta bấy giờ rất mộ đạo Phật cho nên chẳng mấy chốc Tướng Quốc có nhiều cơ sở rải rác khắp nơi trong nước cũng như tín đồ càng ngay càng đông đảo hơn. Từ đó chùa Tướng Quốc không những có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian mà còn giữ một vai trò quan trọng trong giang hồ ngang hàng với phái Cổ Loa.

Tăng bào phất phới tung bay Nhất Quốc thiền sư triển khai chiêu thức khởi đầu của Tướng Quốc quyền, pho quyền lừng danh giang hồ về tính chất hùng mạnh, cương mãnh, tân kỳ và biến ảo. Hai tay ôm thành vòng tròn, chân đứng chảo mã tấn, thân hình hơi nghiêng về bên phải, vị thiền sư đại diện cho phái võ nổi tiếng đứng bằng tư thế khoan hòa, bình thản, ung dung và tự tại.

Các vũ sĩ trong giang hồ ít người biết rõ ràng về lai lịch cùng bản lĩnh của Vô Diện Thư Sinh. Người ta chỉ biết y xuất thân từ một gia trang nhỏ ít tiếng tăm của vùng Thái Nguyên. Tuy nhiên khoảng mười năm trở lại đây Vô Diện Thư Sinh được mọi người liệt vào hàng nhất đẳng cao thủ giang hồ.

Khẽ nhếch nụ cười tươi Vô Diện Thư Sinh vòng tay bái tổ. Cánh tay gấp lại đưa lên cao, bàn tay mặt mở ra mường tượng như chưởng đưa lên trời còn bàn tay trái nắm lại thành quyền án ngay đan điền, Vô Diện Thư Sinh triển khai chiêu thức mở đầu một cách quái đản và dị kỳ. Hai bàn tay một mở ra một nắm lại, mở thì lật ngửa hướng lên trời trong lúc nắm lại úp xuống đất thoạt trông buồn cười và hời hợt thô sơ.

- Âm dương quyền... Thứ quyền thuật thô sơ, giản dị nhất mà cũng biến hóa nhất. Thái cực sinh ra âm dương. Dương chia thành thái dương và thiếu âm còn âm chia thành thái âm và thiếu dương hay còn gọi là tứ tượng và sau đó nảy sinh bát quái với tám phương vị là càn ly tốn cấn đoài chấn khảm khôn. Nói tóm lại âm dương quyền cũng chính là tứ tượng quyền hay bát quái quyền...

Nghe giọng nói trầm và khàn phát ra từ trên khán đài quần hùng biết người vừa lên tiếng không ai khác hơn Khai Quốc thiền sư, tông chủ của chùa Tướng Quốc. Nói về bản lĩnh trong giang hồ hiếm người là đối thủ của ông ta, còn nói về kiến thức vũ học chắc không ai hơn được. Do đó lời luận giải của ông ta về bát quái quyền của Vô Diện Thư Sinh tất nhiên phải chính xác.

- Chùa Tướng Quốc quả nhiên danh bất hư truyền. Tại hạ kính mời đại sư thưởng lãm vài chiêu..

Lồng trong tiếng nói Vô Diện Thư Sinh đạp bộ. Đang đứng đối diện với sư Nhất Quốc, y tà tà bước chênh chếch về bên hữu một bước. Khai Quốc thiền sư nói lớn:

- Ly...

- Cấn...

- Khôn...

- Tốn...

- Chấn...

- Càn...

- Khảm...

- Đoài...

Ông ta nói đúng vào các phượng vị mà Vô Diện Thư Sinh bước. Tuy nhiên chỉ trong chốc lát ông ta ngưng đếm vì không biết y sẽ đạp bộ tới phương vị nào. Vả lại Vô Diện Thư Sinh bắt đầu bước nhanh làm cho ông ta không nói kịp. Muốn thi triển bát quái quyền tới mức tinh hoa người ta còn phải luyện bát quái bộ nữa. Hai thứ quyền pháp và bộ pháp hòa hợp với nhau khiến cho quyền thuật càng thêm biến ảo và phức tạp. Muốn luyện bát quái bộ pháp trước hết người ta vẽ vòng tròn với tám phượng vị khác nhau. Thoạt đầu họ bước theo thứ tự từ càn qua đoài li chấn khôn cấn khảm tốn và sau cùng trở về càn. Theo thời gian luyện tập họ sẽ quen dần những phương vị này cũng như bước chân trở nên thuần thục hơn. Đó là giai đoạn đầu tiên trong việc khổ luyện bát quái bộ. Giai đoạn thứ nhì là họ bước không theo thứ tự như trên nữa mà nhảy bộ. Thí dụ như khởi đầu đứng ở phương vị càn thay vì bước tới đoài họ lại nhảy tới li hay chấn, khảm hoặc cấn. Nói tóm lại sau thời gian dài khổ luyện quen dần với bước chân cũng như tám cửa của bát quái bộ họ có thể bước vào bất cứ cửa nào hoặc phương vị nào tùy theo tâm ý và phản ứng khi giao tranh cùng đối thủ. Do đó người ta khó lòng đoán biết được họ sẽ di chuyển ra sao vì bát quái bộ quá phức tạp và biến hóa thành thiên hình vạn trạng.

Quần hùng đứng ngoài nhìn vào thấy Vô Diện Thư Sinh như biến thành bóng mờ xẹt qua xẹt lại, nhảy tới nhảy lui, thoắt biến thoắt hiện, chợt tắt chợt nổi, giăng mắc trùng điệp bao quanh đối thủ.

- Bát Quái quyền...

Có tiếng người nói lớn. Quần hùng buột miệng kêu thành tiếng kinh ngạc khi thấy bóng tay hiện lên đầy trời cùng với quyền phong dấy bụi đất mờ mờ.

Trụ bộ chắc hơn cọc gỗ chôn sâu xuống đất Nhất Quốc thiền sư triển khai quyền pháp bí truyền của sư môn ngang nhiên giao đấu với Bát Quái Quyền của Vô Diện Thư Sinh. Biết Bát Quái Quyền thuần lấy tinh xảo, biến hóa để làm rối loạn tinh thần của đối phương cho nên ông ta bình tịnh đem sở trường của sư môn ra đối phó. Dĩ nhiên so về phần tinh xão và biến hóa Tướng Quốc quyền không bằng được Bát Quái quyền song về tính chất hùng mạnh hay cương mãnh lại hơn nhiều. Chỉ hơn năm mươi hiệp giao đấu quyền phong toát ra từ Tướng Quốc Quyền của sư Nhất Quốc làm mát mặt người xem đồng thời làm cho Vô Diện Thư Sinh không còn vào sát để tấn công. Nạt tiếng trầm trầm vị sư đại diện cho Tướng Quốc tự phản công. Đang đứng im ông ta chợt đạp bộ một bước dài đồng thời hai tay cùng lúc đánh ra hai chiêu khác nhau. Tay tả vổ ra bên tả một chiêu phách không quyền nhằm ngăn chận đường tiến thoái của địch thủ, trong lúc tay tay hữu với hơn mười thành nội lực đánh một quyền vào hông của Vô Diện Thư Sinh. Chát... Bùng... Quyền phong của hai đối thủ chạm nhau nổ thành tiếng cực lớn. Song phương đình thủ. Khóe miệng rỉ máu tươi sư Nhất Quốc đứng im an thần định khí. Mặt xanh dờn và nhăn nhó vì đau đớn, Vô Diện Thư Sinh khom người khạc ra bụm máu tươi xong từ từ thốt:

- Đại sư nội lực thâm hậu mà quyền thuật cũng hiếm người sánh kịp. Tại hạ bại cũng phải...

Khom người bái tổ Nhất Quốc thiền sư cười nhẹ nói:

- Mô Phật... Bần tăng thật may mắn mới thắng được thí chủ nửa chiêu...

Không nói thêm lời nào Vô Diện Thư Sinh khập khểnh lui ra khỏi đấu trường. Vô Hình Đao Tôn Nhật cười hỏi Tử Cước Lê Hùng:

- Lê huynh thấy Tướng Quốc quyền và Bát Quái quyền thứ nào hay hơn?

Lê Hùng vuốt râu cười nhẹ điềm đạm nói:

- Vô Diện Thư Sinh bại không phải vì Bát Quái quyền mà tại vì y luyện chưa tới mức tinh hoa. Nhất là nội lực của y sánh ra không bằng sư Nhất Quốc. Đó là tại vì người thi triển kém tài chứ không phải tại công phu dở...

Thấy trời đã xế chiều Vô Hình Đao Tôn Nhật bước ra tuyên bố tạm chấm dứt cuộc tranh tài và sẽ tiếp tục vào sáng mai.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-52)


<