Vay nóng Tima

Truyện:Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm - Hồi 26

Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm
Trọn bộ 30 hồi
Hồi 26: (không đề)
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-30)

Siêu sale Lazada

Bảo Thư theo thân mẫu xuống thuyền vào một buổi sáng để trở về Võ Đang sơn. Mẫu thân nàng, Vương phi, Vân Hạc và Hoài Nam phải dỗ dành mãi nàng mới chịu theo về. Hân phu nhân ôm con gái, lau những giọt nước mắt trên đôi gò má xanh xao của nàng, bà dịu dàng nói:

- Mẹ chỉ có một mình con là gái, chẳng lẽ con lại không thương mẹ. Chính vì con, mẹ đã vạn dặm lặn lội về đây... Con đừng sợ, cha con tuy nghiêm khắc, nhưng ông yêu thương con hơn cả chính thân ông. Việc con bỏ ra đi, cha con tuy có buồn giận thật, ông tủi hổ và đau xót; nhưng nếu con không muốn lấy chồng, cha mẹ cũng không ép con làm gì. Ngày xưa, mẹ mười lăm tuổi đã về làm vợ cha con, và mẹ đã sống hạnh phúc. Mẹ biết hạnh phúc không thể tìm mà có, muốn mà được. Nhưng hạnh phúc cũng tự mình mà ra, do duyên nghiệp mà nên; lựa chọn, tìm kiếm làm thế nào được!

Vương phi hiểu nỗi buồn của Bảo Thư, nỗi buồn giấu kín ấy bà hiểu là vì sao, Vương phi nói:

- Phu nhân nói thế là đúng lắm. Khi xưa Đức Thế Tôn, vì chúng sinh trầm luân trong cõi Ta bà, Người rời bỏ ngôi báu, thê nhi, quyết tìm ra con đường để cứu độ chúng sinh, Người nói: Sắc tức thị không, không tức thị sắc; vô tướng, vô tâm, vô sinh, vô diệt, chẳng qua dạy cho ta thấy cái phù du của một đời người. Đời người tuy ngắn mà dài, tuy dài mà ngắn, nào có gì đâu! Hạnh phúc, hoan lạc có giới hạn, mà đau khổ thì vô bờ. Bảo Thư, ta thương con lắm, ta hiểu con. Ta mong con hạnh phúc, nghĩa là con hãy quên đi hết mọi điều, tìm cho mình sự thư thái. Rồi hạnh phúc sẽ mở ra trong tận cùng nỗi đau buồn mà mình gánh chịu. Cuộc đời có muôn ngàn mặt, điều ta tưởng rằng là châu ngọc, muốn giữ lấy, nhưng rồi chỉ toàn là nước mắt. Con hãy nghĩ lời ta nói, vì ta hiểu lòng con, Bảo Thư!

Hoài Nam ôm lấy Bảo Thư:

- Bảo Thư không thương Hoài Nam hay sao mà không muốn cùng Hoài Nam về thăm Võ Đang, thế là lẽ gì vậy!

Vân Hạc nào biết nỗi buồn u uẩn trong lòng em gái, tưởng Bảo Thư ngại ngần vì đã làm buồn lòng Gia phụ, chàng an ủi khuyên giải mãi, Bảo Thư đành phải đổi buồn làm vui.

Theo những lời căn dặn của Nguyên Huân, Vương phi tỏ bày ý muốn, chuyến đi theo Hân phu nhân về thăm Võ Đang sơn bằng phương tiện hải trình, Dương vương vui vẻ bằng lòng ngay, ra lệnh trưng dụng một chiến thuyền cùng một đội thủy thủ tâm phúc để đưa gia đình ông về Nam. Chiến thuyền được thiết trí lại toàn bộ thành một chiếc du thuyền lộng lẫy, đầy đủ tiện nghi. Vì thế chuyến lên đường phải hoãn lại cả nửa tháng. Thuyền được lệnh đậu sẵn ở cửa bìển Lữ Thuận.

Mọi người bắt đầu chuyến đi trên một con thuyền nối trước và sau là bốn chiếc thuyền của quân binh đi theo hộ tống, cả đoàn xuôi theo dòng sông mất gần nửa tháng mới đến cửa Lữ Thuận. Thuyền bè san sát đậu, biển mênh mông tít tắp... Lần đầu tiên được nhìn thấy biển cả bao la, ai cũng thấy e ngại trong lòng. Trần Thế Kiệt, viên võ quan thu quân được chỉ định làm thuyền trưởng này là người tâm phúc của Dương vương, ông nhìn thấy nét lo âu của mọi người trấn an:

- Bẩm Vương phi, và Phu nhân, con thuyền này vốn tiền thân là một soái thuyền được tu sửa, nên sẽ không có gì đáng lo ngại cho việc hành trình, tiểu tướng sẽ cho chạy gần bờ, Vương phi, Phu nhân, cùng Quận chúa và các vị Công nương, Công tử hãy an tâm.

Trần Thế Kiệt là con trai của Trần Trí, hiện đang sung giữ chức Tổng binh, chỉ huy quân Minh, đang xâm lăng Đại Việt. Vốn là tay chân, phe cánh, nên Dương vương mới trao cho y trách nhiệm đưa vợ con, thân thuộc về Võ Đang sơn. Võ công của y cũng vào loại không thể xem thường, cộng với lòng trung thành, nên y được Dương vương có phần biệt đãi. Mọi chuyện, mọi tin tức của chốn Triều đình y đều biết rõ. Y kể cho hai anh em Vân Hạc việc Minh Thành Tổ vừa băng hà trên đường từ biên ải lai kinh, Nhân Tôn lên ngôi, cũng như sự việc Dương Tiêu thân lãnh năm ngàn quân kỵ, một số bộ binh cùng hai trăm tướng binh, cao thủ đi tiễu trừ bọn đại phái võ lâm đang mở Đại hội; có mời đích danh Dương vương tại lăng Hoa Cương ở Hà Nam.

Được tin này, Bảo Thư hết sức lo lắng cho phái Võ Đang của cha, và nhất là sự an nguy cửa Nguyên Huân. Nàng phải lên đường, phải báo tin ngay cho mọi người đang tham dự Đại hội. Mọi người đang lâm nguy, nàng không thể không cứu. Nàng không muốn Ngoại tổ của nàng phạm thêm tội ác gây thêm nợ máu với võ lâm đồng đạo. Nàng để thư lại cho Mẫu thân, cho Vân Hạc lý do nàng ra đi.

Nửa đêm, Bảo Thư lén rời thuyền lên bờ, vào thị trấn biển tìm mua ngựa, rồi một thân, một kiếm lên đường. Đường từ Lữ Thuận đến lăng Hoa Cương xa hơn từ Yên Kinh tới. Bảo Thư đến trễ. Máu mọi người đã đổ, và tính mạng của Dương Tiêu, Ngoại tổ nàng - tấm thân già ngập nợ máu đang đợi chết dưới tay Nguyên Huân...

Dương vương đã được tha chết, Bảo Thư mang lệnh bài của ông triệu tập đám quân binh còn lại. Nàng cẩn trọng giao Ngoại tổ cho bọn họ đưa ông về Yên Kinh. Bọn quân binh bị một trận ong đốt dữ dội, trong lòng còn đầy hoảng hốt, mặt mũi sưng vù nhức nhối. Một trận đánh, một đoàn quân trở về thảm hại.

Quang Minh tả sứ Quang Minh Dương vương đã không về tới Yên Kinh. Trên đường trở về, một đêm, ông đã âm thầm bỏ ra đi; từ đó về sau, không còn ai trông thấy, không còn nghe nói đến ông nữa...

*****

Khu vực Lăng Hoa tự đêm ấy, đèn đuốc được đốt sáng rực, Giáo chúng Ngũ Hành kỳ đã dọn dẹp sạch những vết tích của trận chiến để lại. Những người chết được chôn cất tử tế đa số người bị thương tích đưa vào dãy nhà sau, Trường Cung Hoa kế thừa nghề y dược của cha, chàng tận tình săn sóc, chữa trị không ngơi tay. Trước khi một đại tiệc được mở ra, ăn mừng ngày giang hồ lặng sóng, Viên Nhẫn phương trượng niệm kinh giải oan cho những người vừa khuất bóng. Minh giáo thắp hương tưởng niệm số giáo đồ đã hy sinh.

Tiệc được đặt ra giữa sân chùa rộng bát ngát dưới ánh trăng thu trải vàng lên vạn vật. Mọi người tuy mừng vui, hoan hỉ, nhưng vẫn không giấu được nỗi buồn kẻ còn người mất, như một thoáng chiêm bao.

Bảo Thư âm thầm ngồi lặng lẽ riêng một góc, ngước mắt nhìn bóng trăng vằng vặc giữa trời, cơn phiền não trong nàng dần như dịu đi. Đứng lên, Bảo Thư hướng về căn phòng nhỏ nằm trong dãy nhà phía sau chùa, nàng bước vào, lẳng lặng đến trước mặt Tâm Hư sư thái sụp lạy...

Khi Chu Chỉ Nhược lên Nga Mi sơn, người Sư tỷ của nàng là Kỷ Hiểu Phù đã lớn, còn nàng chỉ mới là một cô bé lên bảy. Từ đó đến nay thoắt đã năm mươi năm qua, bà không hề được biết mặt người Sư tỷ bất hạnh kia; đến khi lớn lên, bà thường được nghe các ni sư đồng môn lén lút, thầm thì nhắc đến cái chết đau đớn của Kỷ sư tỷ. Sư phụ bà, Diệt Tuyệt sư thái, đã tự tay giết chết người môn đệ mà bà thương yêu nhất. Chính Mẫn Quân sư tỷ đã kể lại cái chết tức tưởi của người con gái bất hạnh ấy. Vì vậy, nó ảnh hưởng đến bà không nhỏ.

Chu Chỉ Nhược đã yêu Trương Vô Kỵ ngay lần đầu gặp lại. Khi Thường Ngộ Xuân thúc thúc dẫn bà ra đi, trao bà cho Trương chân nhân và nhận Vô Kỵ đem đi chữa bệnh. Mười ba năm kể từ lần chia tay nơi bến sông ấy, thế mà khi gặp lại, bà nhận ra ngay, chú bé tám, chín tuổi năm xưa nào, giờ là một chàng trai tuấn tú, thông minh nhưng có phần xanh xao...

Bây giờ đây, Bảo Thư, cháu ngoại của Kỷ sư tỷ đang lạy chào bà với gương mặt đầy muộn phiền. Chỉ một liếc mắt, Tâm Hư sư thái hiểu ngay nỗi u uẩn nào trĩu nặng trong lòng người thiếu nữ... "Thư tỷ cũng ao ước được ghét bỏ Huân đệ lắm chứ! Thà ghét bỏ, thù hận mà hơn..."

Gần bốn mươi năm trước, bà cũng đã từng ao ước như thế, đã tỏ ra vẽ như thế, để che đậy nỗi đớn đau vò xé lòng bà. Ôi, tình yêu oan nghiệt, mỗi người mỗi cảnh, chẳng ai giống ai; nhưng nỗi đớn đau thì bao giờ chẳng thế? Sư thái xót thương cho Bảo Thư, cho chính mình, cho Sư phụ, cho Tổ sư Quách Tường, người khai sáng ra Nga Mi phái.

Nguyên Huân đã trao cho bà thanh Ỷ Thiên kiếm trong lúc mọi người đang quần tụ quanh các bàn tiệc. Ngôi cổ tự đã được giáo chúng Minh giáo tu sửa lại trước ngày Đại hội. Bàn thờ Phật phảng phất hương hoa, Sư thái kính cẩn thắp nhang cắm vào lư đồng. Sau lưng bà, Bảo Thư cúi đầu quỳ gối, im lặng.

Buổi tối, khi Bảo Thư xin bà thí phát cho nàng quy y, ước muốn được nương bóng Thiền môn, lấy câu kinh tiếng kệ để lãng quên cõi trần tục đa đoan, bà đã nhìn sâu vào mắt nàng và nói: "Không câu kinh tiếng kệ nào tiêu trừ hay giải thoát mọi nỗi đau khổ của chúng sinh, không thể giải thoát cho con, cho ta được. Chỉ có chính bản thân mình, chính tâm mình, mới giải trừ cho chính mình mà thôi.."

Sư thái nhớ lại chính bà, suốt bốn mươi năm, giờ đây tâm nguyện của ân sư mới được hoàn thành, bà mới giải được lời thề độc ngày cũ. Nhưng bốn mươi năm trôi qua ấy, đã qua hết một đời người, lời thề được giải, nhưng bà chẳng còn lại gì ngoài chân tóc đã bạc, với tấm lòng héo hắt. Bà nhìn lên đôi mắt, nụ cười, khuôn mặt tự tại của đấng giải thoát bỗng như xóa sạch mọi ngõ ngách của cơn mê, cõi lòng Sư thái bỗng dưng thanh thoát. Bà quay lại, Bảo Thư vẫn quỳ sau lưng, tay chắp ngang ngực. Sư thái thương cảm nói:

- Bảo Thư ạ! Con hãy suy nghĩ kỹ đi, nếu đây chỉ là nhất thời trong lúc lòng con phiền não, sự thí phát quy y phỏng có ích gì!

Bảo Thư ngậm ngùi thưa:

- Bạch Sư thái, ý con đã quyết từ lâu. Cuộc trần ai hiu quạnh lắm, chỉ làm cho con chán chường mọi nỗi. Xin Sư thái thương xót lấy con!

- Bảo Thư, ta nói thật cùng con rằng, Thiền môn không phải là nơi trốn chạy, chẳng phải chỗ ẩn mình; mà nơi ấy sẽ cho con nhìn thấu cõi vô minh, Phật pháp sẽ soi tỏ cho con mọi điều; tất cả như giấc mộng, mọi thứ đều là không, để rũ hết bụi trần. Từ đó, chính con mới giải thoát cho mình được, mới an nhiên, mới thanh thản! Ta thương xót con, cũng như ta từng thương xót ta. Nếu đã là tâm nguyện của con, ngay bây giờ ta sẽ thí phát cho con, con đã sẵn sàng chưa?

- Bạch Sư thái, con đã luôn luôn sẵn sàng!

- Vậy thì, con hãy nghe ta nói: Nhục thể ta chỉ là một túi da nhơ bẩn, mỗi sợi tóc là một dây oan trói buộc ta trong chốn ngục hình bằng những sợi dây của tham, sân, si, của thất tình lục dục. Khi diệt được nó đi, linh hồn ta sẽ bay bỗng, tuệ trí ta sẽ sáng ngời. Nhưng muốn diệt được nó, ý thì không thể thành, tâm thì dễ động; tâm mà động thì bão tố nổi lên, thuyền ắt phải lênh đênh vùi dập... Bể khổ mênh mông, quay lại là đến bờ, ấy là biết vượt cái mê, về bến giác, con có hiểu không?

- Thưa con đã lấy cái tâm mà hiểu...

Tâm Hư sư thái dịu đàng:

- Không đâu con, không có gì ép mà được, cố mà nên, hãy để nó thuận theo dòng. Gượng vui thì buồn thêm, gượng quên lại càng nhớ. Con hãy nhớ điều ấy!

Cả hai quỳ trước bàn Phật. Bảo Thư phục mình xuống đất: "Lạy đức Thế Tôn, lạy mẹ Quan Thế Âm cứu khổ, xin phù trì cho linh hồn con yên nghỉ, xin cho con vượt qua cơn mê muội, để bình yên nơi bến giác.."

Sư thái cũng âm thầm khấn, xong, bà đứng dậy; trên tay bà, một thanh trủy thủ ánh thép xanh như nước, bà nói:

- Nam Mô A Di Đà Phật, xin cứu độ chúng sinh. Bảo Thư, Sư phụ thí phát cho con!

Từng sợi tóc mây rơi xuống lả tả, nước mắt Bảo Thư ràn rụa. Tâm Hư sư thái bỗng ngẩng đầu lên, bà nhìn thấy Nguyên Huân vừa bước vào Phật điện. Chàng sững người, kinh ngạc lẫn sợ hãi. Chạy đến bên Tâm Hư sư thái, Nguyên Huân thảng thốt kêu lên:

- Bảo Thư... Thư tỷ...

Một nửa mái tóc đã rơi xuống vai, xuống nền đất, nghe tiếng gọi vừa thảng thốt lẫn xót thương, đau đớn của Nguyên Huân, Bảo Thư rùng mình, song sau đó, gương mặt nàng chợt rạng rỡ:

- Huân đệ, hãy lại đây cùng chị! Giờ phút này đối với chị thiêng liêng là dường nào. Hãy lại đây, chung cùng với chị niềm vui này!

Nàng ngước lên nhìn Sư phụ:

- Bạch Sư phụ, xin cho Huân đệ của con thí phát cho con bên mái tóc còn lại này có được không?

Tâm Hư sư thái ngần ngừ một lát, rồi gọi:

- Trần thí chủ, hãy lại đây!

Nguyên Huân bước lại gần, Tâm Hư sư thái đưa con dao cho chàng nói:

- Bảo Thư muốn thí chủ giúp cho Báo Thư nửa mái đầu còn lại.

Nguyên Huân run rẩy xúc động cầm lấy con dao. Bảo Thư nói, giọng nàng hiền hòa, ôn nhu:

- Huân đệ, em hãy vui cùng chị, giúp chị thanh tẩy, để chị được yên lòng trong quãng đời tu hành. Hãy cất đi giùm chị, bởi mỗi sợi tóc là một nỗi khổ đau, mỗi sợi tóc là sợi dây trói buộc đời người, treo đời chị vào vực thẳm của tăm tối Hãy làm theo lời chị, một ước muốn cuối cùng chị có thể... Ôi Huân đệ của chị, Trời Phật độ trì đã khiến em đến cùng chị, chị chỉ còn mong ước có thế...

Giọng Bảo Thư nhỏ nhẹ, trầm tĩnh. Sư thái biết lòng nàng như dao cắt. Sự trầm tĩnh ấy chỉ là trạng thái của một tâm hồn đầy ắp nỗi đau.

Nguyên Huân đưa bàn tay vuốt lên mớ tóc mây. Bảo Thư rùng mình, nàng nhắm mắt lại. Nguyên Huân để rơi từng giọt nước mắt thương cảm lên mái tóc nàng, thấm xuống vai nàng; như có một phép màu, cõi lòng Bảo Thư dường ấm lại dịu đi và gương mặt nàng thanh khiết như một đóa sen. Nguyên Huân run run nói:

- Vâng... vâng... em xin chia vui cùng chị, em vâng theo lời chị, Bảo Thư yêu quý của em!

Đường dao mát lạnh da đầu nàng, mái tóc mây vĩnh viễn giã từ Bảo Thư. Nhắm mắt, lệ ứa mi, Bảo Thư thì thầm:

- Nguyên Huân, cảm ơn em!

Nguyên Huân cúi xuống thu nhặt mớ tóc của Bảo Thư gói lại, giữ nó trong tay và đứng lặng. Trên bàn Phật, mùi hương trầm ngào ngạt, ánh nến lung linh...

Tâm Hư sư thái phá tan sự yên lặng:

- Bảo Thư, con hãy đứng dậy, nghe ta nói đây!

Bảo Thư đứng lên, khuôn mặt nàng trang nghiêm, đôi mày cong vút hạ xuống, chắp tay, cúi đầu. Sư thái nói:

- Con hãy sang đây!

Bảo Thư theo Sư thái qua bàn thờ Tổ sư. Bà nhìn nàng:

- Ta đặt pháp danh cho con là Bảo Thư, nghĩa là không thay đổi gì. Cuốn sách quý, ta mong vậy thay! Lát nữa đây, con sẽ đi cùng ta, sẽ rời bỏ chốn bụi trần bão lốc nay về một nơi thanh tịnh. Ta muốn thu nhận con làm đệ tử chân truyền Y Bát. Vậy con hãy làm lễ trước linh vị Tổ sư, như Ngoại tổ mẫu con, trên sáu mươi năm trước, đã hành lễ này!

Bà thắp sáu nén nhang, trao cho nàng ba cây, bà quỳ xuống khấn:

- Đệ tử là Chu Chỉ Nhược, Thái chưởng môn đương đại, và là Chưởng môn nhân đời thứ ba của Nga Mi phái, nay khấu đầu trước Tổ sư khẩn cầu, cho phép đệ tử thu nhận vị sư nữ nhỏ bé này làm môn đệ. Đệ tử tuyên đọc Môn quy bản phái, xin Tổ sư chứng giám lời thệ nguyện của tân môn đồ của Người.

Bà đứng dậy, quay lại Bảo Thư quỳ sau lưng, nói:

- Nay trước linh vị của Đấng sáng lập môn phái, ta thừa mệnh người xưa, nhân danh Chưởng môn nhân đời thứ ba của Nga Mi, thu nhận Hân Bảo Thư làm đệ tử chân truyền đời thứ tư Bảo Thư, con hãy lắng nghe Môn quy, và hãy thề trước Linh vị Người, nghiêm giữ Môn quy bản phái.

- Con xin vâng lời dạy!

Đợi Bảo Thư làm lễ xong, Sư thái trao cho nàng chiếc tăng bào của bà và xâu chuỗi bồ đề, bà khoác chiếc áo tu hành lên vai Bảo Thư, dịu dàng ôn tồn nói:

- Ta chúc con hoàn thành ý nguyện, ta tặng con hai câu thơ này:

Trăng sáng núi cao, lòng tựa gió.

Nghìn năm tụ giữa hạt sương trong...

Ngay đêm nay, cùng ta trở về nơi thanh tịnh. Lẽ biến thiên của ngàn năm, của đời người là thoáng chốc, trôi qua và tụ lại, trong suốt như giọt một sương mai... Tạm biệt Trần thí chủ, trước bàn thờ Tổ sư bản phái, bần ni xin được nói lời thâm tạ, từ nay, nếu thí chủ có điều gì cần đến, Nga Mi phái dẫu bước chân vào lửa đỏ, nguyện không dám từ nan!

Bảo Thư ngước mắt nhìn Nguyên Huân, phân vân một chút, rồi ôn nhu nói:

- Huân đệ, xin Huân đệ thưa lại với Mẫu thân cùng Thân phụ bần ni, Bảo Thư từ nay đã tìm được niềm an lạc. Bần ni chúc Huân đệ mọi điều như ý. Thôi, vĩnh biệt!

Nguyên Huân không biết nổi sao, chàng lặng lẽ đứng im, nhìn theo Tâm Hư sư thái và Bảo Thư âm thầm ra đi, không từ giã một ai. Trời đêm đã khuya, tiệc mừng chưa tàn. Trăng vành vạnh trên đỉnh trời cao, sương mù trên cánh rừng phía xa, thấm lạnh vai áo người đi...


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-30)


<