← Hồi 18 | Hồi 20 → |
Tiếng reo hò, tiếng pháo nổ, tiếng trống giục xen lẫn tiếng phèn la, và lửa cháy rực trời từ khu vực Hoàng thành, khiến dân chúng kinh đô rúng động. Hoài Nam đang thiu thiu ngủ, quấn mình trong chăn ấm. Trong căn phòng ấm cúng, dưới ánh đèn lồng tỏa một màu hồng nhạt, Hoài Nam đang ngủ mơ. Trên đôi môi thắm như hoa đào, hé nở nụ cười tràn niềm hạnh phúc. Nàng mơ thấy mình đang ở giữa hoa viên, chung quanh, cỏ cây đương độ xuân nồng, những đóa hoa mãn khai rung rung trong nắng sớm, tiếng chim hót ríu rít trên cành cao giữa hương thơm ngào ngạt. Và Quận chúa đã nhìn thấy chàng. Trên khuôn mặt cương nghị, là đôi mắt nồng nàn, chàng đang nhìn Quận chúa đăm đăm. Hoài Nam e thẹn, nép mình sau khóm hồng nhung còn đọng sương mai. Chàng bước đến, cầm lấy tay nàng, ân cần như nâng một nụ hoa quý. Nàng e thẹn và chàng đắm đuối; cả không gian đầy nắng, nắng vàng như lụa, thời gian như ngừng trôi...
Tiếng quân lính la hét, tiếng chân chạy, và bao nhiêu âm thanh hỗn tạp, kéo Hoài Nam ra khỏi giấc mơ ngọt ngào... Hoài Nam vùng ngồi dậy, ngơ ngác và sợ hãi. Giấc mơ còn đọng trong trí nàng. Phải một lúc, nàng mới tỉnh ngủ hẳn, Hoài Nam cất tiếng gọi Ngọc Trân và Tố Hoa, vẫn đang ngủ mê mệt. Ngọc Trân, Tố Hoa; hai thể nữ vốn được nàng yêu quý xem gần như là bạn bè giữa nơi cung cấm: Ngoài mẹ, Hoài Nam quận chúa đặc biệt thương yêu hai nàng cung nữ cùng tuổi này, không hề xem họ là kẻ hầu người hạ. Hai thể nữ nghe tiếng gọi thoảng thốt của Hoài Nam, cùng giật mình thức dậy, chạy sang phòng Quận chúa.
- Ngọc Trân, Tố Hoa, hai em có nghe thấy gì không?
Nhìn khuôn mặt ngơ ngác, lo sợ của hai người thể nữ chưa tỉnh ngủ hẳn, Hoài Nam thương hại:
- Làm gì mà hoảng hốt quá vậy! Ngọc Trân, bình tĩnh lại chứ!
Tố Hoa là cô gái bạo dạn, cứng cỏi hơn, nghiêng tai nghe ngóng, giọng thì thầm:
- Quận chúa, hình như có đánh nhau đấy!
Ngọc Trân giật thót người:
- Chắc là... giặc công thành...
Hoài Nam rời khỏi giường, làn tóc mây óng mượt xõa trên bờ vai nhỏ, Tố Hoa lấy chiếc áo ngự hàn khoác lên tấm thân mềm mại của Hoài Nam:
- Quận chúa! Quận chúa đi đâu vậy?
- Ta muốn ra ngoài xem có chuyện gì?!
- Ngoài trời lạnh lắm, Quận chúa ra làm chi...
- Ta phải xem chuyện gì xảy ra mới được!
Hoài Nam đưa đôi bàn tay ngọc chuốt nâng chiếc then cài mở bung cánh cửa. Một cơn gió buốt lùa những bông tuyết tung vào phòng; nàng rùng mình, kéo cao cổ áo. Và nàng nhìn thấy ánh lửa cháy sáng rực một phương, lửa bốc lên cao, khói cuồn cuộn tỏa.
- Cháy lớn ở khu Võ Hiển điện!
Quang Minh vương phủ nằm về phía Nam của Hoàng thành, nên tiếng la hét vọng tới nghe rõ mồm một; âm thanh của tiếng quát, tiếng gươm giáo va chạm, tiếng kêu rú thất thanh làm cho Hoài Nam sợ hãi.
- Trong cung có nội biến!
Tuy sợ nhưng cả ba thiếu nữ đều tò mò, bước ra khỏi phòng, nép mình sau hàng hiên rộng. Phía trước là một vườn hoa, cùng thảm cỏ rộng, giờ bị tuyết phủ, chỉ còn thấy một màu trắng xóa. Thốt nhiên, tiếng gươm đao ngưng bặt, tất cả như chìm trong yên lặng sau một tiếng quát, mà Hoài Nam nhận ra tiếng của Dương vương, cha nàng:
- Tiểu tử! Ngươi là ai! Từ đâu tới?
Tiếp theo sau là tiếng vù vù của chưởng phong. Hoài Nam biết rằng cha nàng đang kịch đấu với một kẻ lạ mặt... kẻ này đã cả gan vào tận Hoàng thành với mục đích là diệt trừ ông? Đã bao nhiêu lần, nàng đau lòng khi được nghe những việc làm tàn bạo của ông, qua những lời ta thán trong dân gian, và sự lẩn tránh, với những khuôn mặt vừa khiếp sợ, vừa căm ghét của mọi người khi chợt thấy cha nàng từ xa...
Một đôi lần, Hoài Nam đã khóc lóc, van xin cha nghĩ lại, bớt đi những hành xử tàn nhẫn của ông, nhưng ông chỉ cười mà không nói. Cuối cùng, Hoài Nam chỉ còn biết cầu xin Phật tổ nhân từ độ trì cho cha sớm giác ngộ để quay về nẻo thiện.
Mỗi một lần cha nàng nổi giận, là ít nhất có một sinh mạng lìa đời, nàng đã từng chứng kiến cái chết của một thể nữ vô ý làm trái ý ông; lần ấy nàng lâm bệnh đến gần nửa tháng. Cái chết của thể nữ Tâm Hạnh ám ảnh nàng trong những giấc mộng khủng khiếp. Rồi những câu chuyện Bảo Thư đã kể với nàng về Ngoại Tổ của mình. Những việc làm của Thất Sát đoàn, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của cha nàng... đến nỗi chính Bảo Thư và gia đình, môn phái nàng cũng trở thành nạn nhân của bọn người khát máu, bất nhân, lạnh lùng ấy. Hoài Nam đã từng khóc với mẹ, Vương phi chỉ thở dài, lắc đầu không nói.
Khi nàng còn nhỏ, Hoài Nam còn thấy được cha, mẹ nàng trò chuyện; nhưng từ khi khôn lớn, đủ hiểu biết, nàng để ý thấy mẹ nàng thường lẩn tránh cha nàng nếu có thể, hoặc chỉ là im lìm không nói. Kỳ lạ thay, cái con người tàn bạo ấy, lại yêu mẹ nàng đến đổi ông không dám làm trái ý bà, hoặc luôn luôn cố làm vừa lòng bà, nhưng đó chỉ là những việc quẩn quanh trong Vương phủ; còn ngoài ra, mọi việc làm của ông, ông đều giấu bà. Những hành vi của ông trong thiên hạ đều được ông che đậy bằng sự dịu dàng đối với mẹ con nàng. Có lẽ, cha nàng biết được, ngoài mẹ con nàng ra, trong thiên hạ, không tìm được người thứ ba có sự chân thực đối với ông. Ngay cả đến Bất Hối, trưởng tỷ của nàng, cũng giận cha mình, đến nỗi không muốn về thăm hàng trên mười năm trời đăng đẳng Gia gia của Bảo Thư khinh ghét, căm giận Nhạc phụ mình đến độ không muốn bất cứ ai nhắc đến tên của Nhạc phụ.
Thật sự, Dương Tiêu chính thật là một con người cô đơn và lẻ loi sự đơn độc ấy càng làm cho ông trở nên tàn bạo, và càng tàn bạo ông càng cô đơn; ông chỉ có những kề xu nịnh, những miệng lưỡi bề ngoài, những sự sợ hãi của những người gần gũi quanh ông. Điều đáng sợ nhất có lẽ là sự dịu dàng của ông trước khi giết người. Không một ai biết ông sẽ giết họ lúc nào!
Khi ông gọi Tâm Hạnh tới, mặt ông không một sắc giận, dịu dàng nói:
- Tâm Hạnh! Ngày hôm qua ta đã bảo với con là phải lấy thứ trà Tuyết sâm pha cho ta mỗi sáng, sao con lại bắt ta uống cái thứ trà Trảm mã này?
Có thế thôi ông đã ra tay giết chết người thể nữ mà mặt văn không đổi sắc, còn ngay chính nạn nhân cũng không thể biết được mình sẽ bị giết. Hoài Nam đã rùng mình lo sợ, ông có thể giết mẹ nàng, giết nàng cũng trong sự dịu dàng, nồng hậu ấy một cách hết sức bất chợt.
Từ ngày Tâm Hạnh chết, Vương phi đã không sống tại Hưng Khánh cung với ông nữa, bà trở về Bích Thảo cung sống như một người dân tầm thường.
Đang suy nghĩ, bỗng Hoài Nam chú ý đến một bóng trắng xuất hiện từ xa, chạy trên nóc nhà đối diện, rồi như không gượng được nữa, bóng người lảo đảo, chân trượt khỏi mái và rơi xuống, cả thân người vùi trong đống tuyết lạnh, không còn cử động.
Hoài Nam đoán rằng cha nàng vừa giao đấu với bóng trắng này, và đã bị ông đánh trọng thương, người này cố chạy đến đây thì ngã xuống. Hoài Nam vừa sợ hãi, vừa lo âu. Bóng trắng còn sống hay đã chết? Nếu còn sống, rồi cũng sẽ bị giết bởi tay cha nàng. Tuy sợ, nhưng lòng thương người lớn hơn, nàng không thể để người kia chết mà không cứu, nàng gọi:
- Tố Hoa, Ngọc Trân theo ta!
Ba thiếu nữ chạy đến chỗ bóng người rơi xuống. Dưới cơn mưa tuyết bay đầy trời, Hoài Nam nhận ra đó là một thanh niên; khi nàng cởi bỏ chiếc khăn che ngang mũi chàng trai, Hoài Nam nhíu mày. Dưới ánh sáng của đêm trăng mười bảy, phản chiếu ánh lửa chập chờn từ xa, nàng nhìn rõ khuôn mặt của chàng trai hình như đối với nàng không lạ lắm, nàng đã nhìn thấy ở đâu đó, nhưng trong lúc này, nhất thời nàng không thể nhớ ra. Nhưng ngay lập tức, Hoài Nam thấy mình vô lý, vì cả đời nàng, nàng chưa từng quen biết với một thanh niên nào.
Người thanh niên, bận một bộ dạ hành màu trắng, bên ngoài là chiếc áo khinh cừu quý giá cùng màu, như tuyết mịn. Hoài Nam thật sự bối rối, nàng không biết phải làm thế nào trong trường hợp này; mang người thanh niên này giấu vào đâu!? Chàng ta bị tổn thương hết sức trầm trọng, cơ thể lạnh toát, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Nàng biết chắc rằng, nếu không mau cứu chữa, chỉ trong khoảnh khắc thời gian, cái chết sẽ mang người thanh niên này ra đi; và cha nàng sẽ gây thêm một tội ác nữa. Cuối cùng, Hoài Nam mím môi, cương quyết nói:
- Hai em, chúng ta khiêng người này vào trong phòng của chị!
Tuy ngạc nhiên, nhưng hai người thể nữ, vì đã quen với những quyết định đầy tính chất bất chợt và cũng rất cả quyết của nàng Quận chúa xinh đẹp và quyền quý này, nên cả hai quên cả sợ hãi, e lệ, thẹn thùng; quên cái giá lạnh dưới trời đêm!
Cuối cùng, cả ba mang được người thanh niên vào căn phòng ấm cúng của Hoài Nam. Và sau giây phút đắn đo, Hoài Nam biết rằng, chưa bắt hoặc giết được hung thủ, cha nàng sẽ huy động quân lính lục soát tất cả Hoàng thành và Vương phủ; nàng đã cứu người thì không thể quản ngại. Hoài Nam quyết định giấu gã thanh niên ngay trên giường nàng, sau tấm màn gấm bao quanh, tránh cái lạnh lọt qua khe cửa. Trước con mắt kinh sợ và tròn xoe vì ngạc nhiên của Ngọc Trân và Tố Hoa. Hoài Nam đẩy chàng thanh niên sát vào vách tường, nàng kéo tấm gấm dày buông xuống che cho chàng. Nếu đứng từ ngoài nhìn vào, không một ai biết được, sau bức trướng gấm kia, một gã tuổi trẻ nằm trên mé giường của nàng Quận chúa ngọc điệp kim chi này.
Hoài Nam bắt Tố Hoa đổ hết cả một chai dầu nóng vào ngực người thanh niên, đồng thời kéo đống chăn nệm phủ lên người gã trẻ tuổi, chỉ chừa chiếc mũi để thở. Nàng bảo Ngọc Trân bỏ thêm củi vào lò sưởi; ngọn lửa bùng lên, dần xua tan cái lạnh trong căn phòng. Hoài Nam tự mình ra ngoài, xóa hết dấu vết và vết chân còn để lại trên tuyết, và sau đó phủ lấp trong lớp tuyết trắng. Tuyết rơi mỗi lúc một dày...
Quận chúa dặn hai người thể nữ thân tín:
- Mọi việc đã có chị, hai em hãy bình tĩnh, đừng để lộ vẻ lo sợ trên mặt như thế; phải tỏ ra thật thản nhiên kể cả khi cha ta đích thân đến nơi này kiểm soát!
Hoài Nam quay vào phòng riêng, đến trước cửa phòng nàng còn dặn thêm:
- Các em lên giường và làm như đang ngủ say nhé, nếu có người gọi thì đợi đến lần gọi thứ ba, hãy lấy giọng ngái ngủ mà lên tiếng đáp! Nhớ đấy!
Nói xong, nàng e thẹn nhìn vào phòng mình. Chốc nữa nàng sẽ phải nằm cạnh người thanh niên anh tuấn này, ý nghĩ ấy làm nàng nóng bừng hai má, và lan ra cả toàn thân. Nhưng dù sao nàng cũng phải đóng cho xong vở kịch này một cách trót lọt, duy nhất chỉ có nàng mới cứa được chàng trai này.
Nàng ngồi ghé xuống thành giường, lắng tai nghe tiếng củi nổ lách tách trong lò sưởi. Bên ngoài, từng cơn gió rít ào ào qua mái ngói; mơ hồ trong tiếng gió có những tiếng quát tháo, tiếng gọi nhau ơi ới... Hoài Nam đoán chắc cuộc truy lừng đang tiến về hướng này. Có tiếng gõ cửa rụt rè:
- Xin vui lòng mở cửa!
Gọi đến lần thứ ba, giọng Tố Hoa ngái ngủ vang lên:
- Ai đấy! Ai gọi gì đấy, giữa đêm hôm thế này?
Có tiếng người vui vẻ đáp:
- Tố Hoa nương tử đấy à! Nương tử ơi! Làm ơn mở cửa dùm kẻ hèn này chút đi, có lệnh của Vương gia lục soát toàn bộ Vương phủ đấy!
Cánh cửa mở ra, tuyết theo gió ùa vào phòng cùng với cái lạnh xé da, cào thịt. Tố Hoa lui lại tránh cơn gió tuyết:
- Bành đội trưởng đấy à! Bác làm gì mà dẫn lính đi đông thế, giữa đêm thế nầy?
- Nương tử ơi, ngủ gì mà ngủ kỹ thế! Sướng thật, chẳng bù cho cái thân bảy thước này, nghĩ đến các cô ăn sung, mặc sướng, ngủ kỹ mà thấy ứa gan.
Giọng người đội trưởng họ Bành đùa cợt.
- Ái chà, lão Bành này dám ứa gan với cả Quận chúa à!
Có tiếng của Hoài Nam, giọng còn ngái ngủ:
- Tố Hoa, cái gì vậy?
Tố Hoa thưa:
- Bẩm Quận chúa, Bành đội trưởng nói có lệnh của Vương gia đến lục soát cung Vân Trang!
Hoài Nam mở cửa phòng bước ra, người đội trưởng và đám quận binh của hắn cung kính vòng tay cúi chào. Hoài Nam hỏi:
- Bành thúc, có chuyện gì mà đường đột vậy? Các vị hãy vào trong đi, ngoài trời lạnh lắm!
Cả bọn vâng lệnh bước vào trong. Tại Vương phủ, cũng như dân chúng Kinh thành, hầu như tất cả đều yêu mến và kính trọng Vương phi và Quận chúa, kể cả bọn quân binh bảo vệ và phục dịch. Chính nhờ có Vương phi và Quận chúa, không khí trong Vương phủ bớt đi sự căng thẳng, cứng nhắc nơi chốn quan quyền. Hai người đối xử với họ như chỗ thân tình, dịu dàng và.ân cần, cộng với nếp sống giản dị. Nhưng không phải vì thế mà họ dám lấn, ngược lại, họ lại càng giữ lễ và kính yêu hơn:
- Xin Quận chúa thứ lỗi cho tiểu tướng làm khinh động đến Quận chúa giữa đêm khuya. Bởi có gian tế xâm nhập Hoàng thành, hắn đã bị Vương gia đả bại đến trọng thương. Hắn tẩu thoát được nhưng có lẽ còn đang lẩn trốn quanh đây Vương gia hạ nghiêm lệnh phải lục soát toàn Vương phủ.
Hoài Nam ra vẻ ngạc nhiên, nói:
- Vậy mà ta có hay biết gì đâu, Bành thúc thi hành bổn phận đi. Khuya khoắt, giá lạnh thế này mà Bành thúc và anh em vất vả quá!
Bành Phi Hổ và đám binh lính nghe Quận chúa nói điều an ủi, cảm thấy như được uống dược thần, mặt mày ai nấy như tươi tỉnh hẳn.
- Tố Hoa, em dẫn Bành tướng quân đi lục soát các phòng cho kỹ nhé! Bành thúc cứ tự nhiên thi hành nhiệm vụ!
Nói xong, nàng mở cửa phòng ngủ, bước vào trong, và đế nguyên cánh cửa không khép lại. Bành Phi Hổ và đám quân lính đi soát toàn bộ Vân Trang cung, một khắc sau ông ta trở lại, cung kính thưa:
- Tiểu tướng xin đa tạ Quận chúa đã không trách cứ. Tiểu tướng không phát hiện được gì, xin Quận chúa an tâm!
Hoài Nam nói:
- Bành thúc, còn phòng này nữa, sao Bành thúc không cho lục soát?
Họ Bành sợ hãi nói:
- Bẩm Quận chúa, tiểu tướng được lệnh lục soát là để giữ an ninh cho Quận chúa, chứ đâu dám vô lễ, dám mong Quận chúa hiểu cho!
Hoài Nam bước ra, giọng nàng dịu dàng, nhỏ nhẹ:
- Ta cám ơn Bành thúc và các anh em vất vả. Xin đợi cho một chút!
Nàng quay vào phòng, và trở ra với một thoi bạc trên tay:
- Đêm nay các vị vì Vương phủ mà gian lao, có chút lòng, Bành thúc và anh em cầm lấy, để sáng mai uống rượu cho bớt cái lạnh đêm nay!
Vì vẫn được nàng và Vương phi thỉnh thoảng ban thưởng, nên tất cả không lạ lùng và khách sáo, Bành Phi Hổ vòng tay đỡ lấy:
- Xin đội ơn Quận chúa đã ban!
Rồi cả đội lính khom người:
- Kính chúc Quận chúa khang an!
Toán lính vừa đi khỏi, Hoài Nam thở dài nhẹ nhõm; tuy nhiên linh tính báo cho nàng biết, việc kiểm tra vẫn chưa hoàn tất, nếu gian tế chưa bị bắt giữ. Hoài Nam trở vào phòng, vén màn xem tình trạng sức khỏe của chàng thanh niên lạ mặt. Người thanh niên ấy chính là Nguyên Huân.
Nguyên Huân vẫn nằm bất tỉnh, vầng trán vuông rộng lạnh ngắt, hơi thở vẫn rất yếu, khuôn mặt cương nghị của chàng tái xanh, và trong thoáng chốc, đôi mắt nhìn đăm đăm của nàng khẽ chớp. Hoài Nam đã chợt nhớ ra, đã nhận ra chàng thanh niên này, chính là chàng trai trẻ mà nàng đã coi thường khi y khúm núm trước mặt đệ lục Thái tử Chu Nguyên Khánh. Bỗng dưng trong lòng nàng phát sinh một niềm vui.
Có thế chứ, chàng chẳng phải là một tên hèn nhát. Giữa đêm khuya, dám đột nhập vào Hoàng thành, bị bao vây, bị tấn công nơi hang hùm hổ huyệt, và đã giao đấu với cha nàng, một Quang Minh Dương vương, nức tiếng cả về võ công và sự tàn bạo. Chàng chẳng phải là một kẻ hèn nhược, mà trái lại, một con người có bản lãnh như thế, chịu cúi đầu nhịn nhục trước một tên Thái tử điếm đàng, là để thực hiện một mục đích lớn, một việc làm mà có lẽ xưa nay chưa ai dám làm: đơn thân độc mã xâm nhập Hoàng thành. Sự nhẫn nhục ấy đã mang một tính chất cao cả, và Hoài Nam, nàng thấy lòng mình rộn lên một niềm xúc cảm kỳ lạ mà nàng không thể nào hiểu nổi! Nó giống như nụ hồng vừa cựa mình hé nở một sáng xuân sang... như khói sương phủ giăng một chiều thu muộn, như dòng nước nao nao của Trường giang sóng gợn, như bóng mây phiêu du về tụ trên ngọn đỉnh trời! Ôi, bí mật thay trái tim người thiếu nữ thuở đầu đời, như cánh bướm non run rẩy...
- Bái kiến Vương gia!
Tiếng của hai thể nữ đồng cất lên, Hoài Nam giật mình. Dương vương đã lới trước cửa.
- Quận chúa các người có bình an không!
Hoài Nam chạy ra. Dương vương vừa trông thấy con gái toan quỳ lạy mình, ông bước tới đưa tay nắm lấy bàn tay run rẩy của con, đỡ dậy âu yếm nói:
- Đừng sợ, con gái của ta, có cha đây, không ai dám làm gì con đâu!
Hoài Nam nắm lấy tay áo của Dương vương:
- Gia gia ơi, có chuyện gì vậy? Sao cha lại cho người lục soát cả Vân Trang cung thế?
Dương vương vỗ nhẹ lên vai con, đáp:
- Có gian tế xâm nhập Hoàng thành con ạ, nhưng cha đã đánh đuổi chúng rồi, con đừng lo. Hừ! Tên này võ công không thể xem thường, y bị đánh trọng thương mà vẫn chạy thoát được. Y nhạy về hướng này, bởi vậy nên cha lo cho con quá. Con đừng sợ, dẫu rằng y đủ sức tẩu thoát, và ẩn núp ở đâu đó nhưng dù có công lực phi phàm, y vẫn không thể thoát chết, chỉ sau một ngày!
- Vậy mà lúc ấy con ngủ say chẳng biết gì, mãi đến lúc quân lính đến lục soát con mới biết. Đến giờ con vẫn còn sợ!
- Hoài Nam, con đừng sợ, và đừng buồn, bọn chúng làm việc là do lệnh của cha, cũng là lo cho sự an nguy của con nữa. Tên gian tế này cha không thể xem thường!
- Không, con buồn giận gì đâu, con hiểu cha lo cho con!
- Mùi dầu nóng ở đâu thế con?
- Lúc nãy mở cửa cho quân binh vào lục soát, gió lạnh lừa vào, con sợ cảm lạnh nên đổ chút dầu vào phòng, giống như mùi hương quế đó cha...
- Tội nghiệp, con yếu đuối quá. Bảo con luyện tập võ công cho thân thể cứng cáp, mà nào con có nghe!
- Con đã nghe rồi đấy, cha?
- Nhưng cũng muộn quá. Con thấy cháu Bảo Thư của con không, nó khỏe mạnh như một con cheo ấy, cha vừa ghé qua chỗ nó...
- Bảo Thư có sao không cha?
- Không sao con ạ, võ công nó khá lắm. Bất Hối, mẹ nó ngày xưa cũng như con, không chịu luyện võ. Con có thích Bảo Thư không?
- Con yêu Bảo Thư lắm!
- Nó có vô lễ với con không?
- Không đâu cha, Bảo Thư yêu quý con như em gái đó cha!
Dương vương mỉm cười:
- Con gái cha lại lầm lẫn rồi, con là em gái của mẹ nó, là A di của nó, con không nhớ à?!
- Con biết chứ, nhưng Bảo Thư hơn tuổi con nhiều mà?
- Hơn tuổi cũng vẫn là cháu, nó là con gái của người chị con, phải có tôn ti trật tự chứ!
Hoài Nam vuốt nhẹ lưng Dương vương:
- Cha ơi, cha già rồi, cha phải giữ gìn sức khỏe. Trời lạnh thế nầy, cha không mặc áo ấm, lỡ cha cảm bệnh thì sao!
Nói xong, nàng chạy vào phòng, lấy ra chiếc áo ngự hàn khoác lên người Dương vương. Dương vương cảm động, ôm cánh tay con gái nói:
- Con thương cha lắm phải không?
- Sao cha lại hỏi thế! Con không thương cha thì thương ai; cha vào trong này với con cho ấm đi cha, trong phòng con có lò sưởi đó.
Dương vương theo chân con gái vào phòng. Hoài Nam dấy lên nỗi bối rối và lo sợ, nàng tướng rằng nói thế để ông nhớ đến giờ khắc và sẽ ra về cho nàng yên nghỉ, nàng không ngờ ông vào thật. Võ công của ông cực cao, một hơi thở nhẹ sẽ không qua mặt được ông; nếu ông khám phá ra nàng đang che giấu thù nhân của ông thì sẽ ra sao! Hoài Nam dừng lại:
- Con buồn lắm cha có biết không?
Sắp bước qua ngưỡng cửa phòng con gái, nghe Hoài Nam nói vậy ông ngừng lại, nhìn con, hỏi:
- Ai! Ai làm cho con buồn, nói cho cha nghe; mà con buồn điều gì?
Hoài Nam ứa nước mắt:
- Con đã xin cha, vì mẹ con và con mà giữ gìn sức khỏe. Cha già rồi, mà còn lặn lội trong chốn binh đao, lỡ có mệnh hệ nào con và mẹ sống làm sao được?
Nét mặt Dương vương thoáng bối rối:
- Nhiệm vụ của cha mà! Với lại trong thiên hạ, chẳng có ai gây nguy hiểm được cho cha đâu!
Hoài Nam nức nở:
- Vâng, con cũng biết thế, nhưng lòng con vẫn cứ lo sợ; vả lại cha giết người nhiều quá, mà con gái thì hưởng phúc cha, con trai mang phúc mẹ, cha không thương con sao cha!
Dương vương mỉm cười, che lấp sự bối rối. Ông vỗ vai con gái:
- Ồ, cha thương con lắm chứ. Thôi, tay con run quá, lạnh lắm phải không. Hãy vào phòng nghỉ đi con, cha phải sang thăm mẹ con một chút!
- Cha ở lại với con đi, cha!
- Cha còn bận nhiều việc lắm, con vào nghỉ đi. Thị nữ, đỡ Quận chúa vào nghỉ!
Nói xong, ông quay phắt ra khỏi phòng, vội vã như lẩn tránh. Hoài Nam chạy đến khép chặt cửa ngoài, lấy tay lau nước mắt, nhoẻn cười. Nàng quay lại, thấy hai người thể nữ mặt mũi nhợt nhạt, sợ hãi. Nàng đưa tay lên môi ra dấu cho cả hai cùng im lặng. Tố Hoa hai bàn tay run rẩy, dìu Hoài Nam vào phòng ngủ, quay ra mà hai tay còn run bần bật. Hoài Nam cảnh giác nói lớn:
- Thôi, đi ngủ đi các em, ta mệt quá!
Nhưng rồi cả ba đã lại quay quần bên lò sưởi, Tố Hoa thì thào:
- Quận chúa, làm sao bây giờ?
- Hãy đợi đã, bây giờ chưa có cách gì được, Vương phủ vẫn còn đang bị lục xét. Ngọc Trân, em lấy cho ta chai dầu quế, chai Quế tinh còn nguyên đấy, mang lại đây!
Hoài Nam bước lại giường, nơi Nguyên Huân còn thêm thiếp hôn mê. Nàng ngại ngùng cởi đôi giày của chàng, đổ dầu quế vào hai chân, mang lại giày, xong lấy thêm chăn quấn chặt. Nàng tiếp tục đổ dầu khắp người Nguyên Huân, lên trán, lên mái tóc, nhưng không dám xoa bóp; cả người chàng được quấn thêm chăn dày, chỉ để chừa khuôn mặt, sắc diện chàng đã đỡ nhợt nhạt. Cả ba chẳng ai nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, ngồi canh đến khi trời sáng.
Nhân viên của Trù phòng dâng điểm tâm, Hoài Nam ăn qua loa đôi chút, nàng dặn hai thể nữ:
- Hai em thỉnh thoảng vào thăm chừng người thanh niên kia, nếu y hồi tỉnh, hai em cho y biết hoàn cảnh thực tại của y. Ta sang thăm Vương phi, rồi sẽ trở về ngay. Các em đừng sợ cốt yếu là phải giữ bình tĩnh mới được!
Nói xong nàng bước ra, khép cửa lại. Tuyết đã ngừng rơi, bầu trời xám ngắt một màu. Nàng đưa mắt nhìn lại chỗ người thanh niên rơi xuống đêm qua, tuyết rơi vần vũ cả đêm xóa sạch mọi dấu vết. Hoài Nam đi dọc theo dãy hành lang sơn son, sang Bích Thảo cung thăm mẹ.
Vương phi đang dùng điểm tâm. Hoài Nam chào mẹ và ngồi xuống cạnh bà. Gương mặt Vương phi có vẻ trầm tư, cả dáng ngồi toát lên nét sầu muộn. Bỗng dưng Hoài Nam thấy thương mẹ xót xa. Tâm hồn mẹ nàng đẹp như hương thơm của một loài hoa quý, làm sao hòa hợp được với mùi nồng tanh của máu thấm đẫm tâm hồn cha nàng! Sự kết hợp tàn nhẫn của hai thái cực, làm sao mẹ nàng không u uất, chua xót. Bà đã phải chịu. đựng từ bấy lâu nay, và còn gì nữa trong tâm hồn u uất ấy, nàng chỉ biết được một cách mơ hồ khi nhìn vào đôi mắt thăm thầm u buồn của mẹ.
Nàng nhẹ nhàng ôm lấy mẹ. Vương phi hỏi:
- Hoài Nam, đêm qua con có sợ không? Có điều gì con sang đây sớm thế?
- Con sang vấn an mẹ, đêm qua chắc mẹ mất ngủ?
Trừ đôi mắt, gương mặt Vương phi như đá tạc, bà trả lời con mà như nói với mình:
- Mẹ không sao đâu, con đừng bận tâm. Vả lại mẹ đâu có sợ chết, ai giết mẹ làm gì; mà có thế đi nữa, có bị giết chết vì oán thù do cha con gây ra, thì điều ấy cũng là sự giải thoát cho mẹ!
Giọng bà trĩu buồn.
Hoài Nam chẳng biết làm sao an ủi mẹ, nàng khẽ nói:
- Thôi mẹ ạ! Sức khỏe mẹ yếu lắm đấy, mẹ đừng nghĩ ngợi nữa. Đêm qua cha con có ghé thăm mẹ không?
- Có, cha con có đến, cùng với bọn quân binh đứng đầy ngoài hoa viên!
- Cha cũng có sang chỗ con, cha có nói gì không mẹ?
- Cha con bảo có gian tế xâm nhập, đốt cháy Võ Hiển điện. Cha con có vẻ tức giận lắm!
- Này mẹ!
- Gì thế con?
Hoài Nam ngần ngại nói:
- Có chuyện này con muốn thưa với mẹ!
- Con nói đi, chuyện gì vậy?
Hoài Nam đứng dậy khép cửa phòng, xong quay trở lại, Vương phi ngạc nhiên nhìn con:
- Chuyện gì vậy con, nói cho mẹ nghe đi!
- Đêm hôm qua, tên gian tế bị cha con đánh trọng thương, chạy qua Vân Trang cung thì bất tỉnh, mẹ gầy, con đã cứu y!
Vương phi kinh hoàng nhìn con gái:
- Sao con liều lĩnh vậy?
- Không còn cách nào khác mẹ ạ! Con không muốn bàn tay cha con nhúng thêm vào tội lỗi!
- Bây giờ con giấu y ở đâu?
Trong phòng của con. Y còn hôn mê, ít nhất là cho đến lúc con sang đây thăm mẹ, con muốn mẹ giúp con...!
- Chuyện này phải tuyệt đối bí mật. Các thị nữ bên cung Vân Trang có tin tường được không? Chuyện này, cha con mà biết được thì khổ cho mẹ con mình lắm đấy!
- Chỉ có con và hai thị nữ thân tín, mẹ đừng lo!
- Nhưng chỉ sợ chúng vô ý...
- Mẹ đừng lo lắng quá, chúng là bầu bạn của con trong bao năm trời nay, tâm tính chúng con biết?
Vương phi đứng dậy, bà nói:
- Ta đi ngay đi con, không thể để chậm trễ, tình trạng người ấy ra sao?
Hoài Nam ấp úng:
- Mẹ!
Gì con!
- Người này chính là gã thanh niên mà mẹ con mình đã gặp, chính hôm Chu Nguyên Khánh dọa nạt y ở ngoài đường phố ấy!
- Con nói sao? Chính y à!
- Vâng, con chắc thế!
Đôi mắt Vương phi như khép lại, và lòng bà tràn nỗi âu lo Hoài Nam nói tiếp:
- Toàn thân y lạnh buốt như băng, con đã đổ hết một chai Quế tinh dầu lên người y và quấn chăn mấy lớp, y mê man và hơi thở rất yếu!
Đi con, mình đi thôi, và chớ hở ra cho Bảo Thư biết nhé!
- Con nghĩ là không sao đâu, Bảo Thư cũng như con!
- Con ạ! Lòng người như chiếc lá, thoắt xanh và thoắt úa, ta làm sao biết được!
Vương phi và Hoài Nam, như người đi dạo, rất thong thả; trở về Vân Trang cung. Nguyên Huân nằm thiêm thiếp, hơi thở đã khá hơn, da mặt bớt màu xanh tái. Tuy nhiên trên trán và hai hố mắt, hiện rất rõ những quầng xanh xám. Vương phi sai Tố Hoa canh ở hành lang, và Ngọc Trân đứng ở cửa ngoài. Bà khép chặt cửa phòng của Hoài Nam, xong chuyển Nguyên Huân ra giữa giương. Ánh đèn lồng tuy không đủ sáng, nhưng tạo sinh khí ấm cúng trong phòng.
Vương phi đặt tay lên trán Nguyên Huân, trán chàng lạnh ngắt như một xác chết. Mạch ở cổ tay trầm và thưa, bà dùng dầu nóng xoa trên các huyệt Thái Dương, Hạ Quan, Phong Trì, Toản Trúc, Ngự Yên. Bà dùng mảnh thủy tinh nhỏ, cắt nhẹ và nặn máu bầm trên các huyệt, vừa xoa dầu. Bà cởi áo chàng lể trên các huyệt Kỳ Môn, Đàn Trung và dọc theo Nhâm mạch: Thiên Đột, Cự Khuyết, Khí Hải, Đan Điền, Trung Quản...
Hoài Nam bỗng thấy bàn tay của mẹ nàng đột nhiên run rẩy, sắc mặt bà tái đi, đôi mắt mở lớn nhìn trừng trừng vào chiếc đầu cọp được xâm trên bộ ngực rộng của chàng trai, và bàn tay bà từ từ, như một người mộng du, sờ đến sợi dây đeo trên cổ, ở đó, là một viên ngọc lớn sáng lấp lánh màu đỏ sẩm... Từ đôi mắt mở lớn của Vương phi, hai dòng lệ tuôn rơi...
Hoài Nam nhìn mẹ, vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi. Tại sao mẹ nàng như thế kia, điều gì khiến mẹ nàng xúc động, sự xúc động ấy có ý nghĩa gì? Cả người bà như đang run bắn. Nàng đứng nhìn, sững sờ, ngơ ngác.
Vương phi như người tỉnh mộng, bà im lặng không nói, tiếp tục đổ dầu xoa trên ngực chàng trai, và dùng một vật kim khí chà xát mạnh. Sau đó, bà lật sấp Nguyên Huân lại, xoa dầu đấm trên lưng, trên bả vai, dọc theo xương sống, lấy trong người một vật như đồng xu, cạo khắp trên các khớp xương, bà nói với con:
- Chàng trai này trúng hàn nặng lắm, mẹ chữa trị theo cách cạo gió ở quê mẹ; nhưng e rằng, nếu không có lương y chữa trị thì khó lòng...
Bà hầu như nghẹn lời, và nước mắt lại tuôn đẫm trên hai gò má trắng xanh. Hoài Nam càng lúc càng kinh ngạc. Chưa bao giờ, từ khi khôn lớn, nàng thấy mẹ nàng xúc động đến như thế. Thường thường Hoài Nam chỉ thấy bà yên lặng và mắt nhìn xa xăm với cái nỗi buồn nào đó thầm kín trong lòng bà, nàng chưa thấy mẹ khóc, dẫu chỉ một lần. Có lẽ nỗi buồn chất chứa trong tâm tư như đã đặc quánh lại, như một khối sầu, nhấn chìm bà trong cõi im lắng. Và giờ đây, có phải niềm đau tích tụ ấy đã vỡ òa thành nên những dòng lệ chan chứa? Hoài Nam ôm lấy hai vai mẹ im lặng. Vương phi kéo con gái ngồi xuống cạnh bà, cầm lấy tay nàng, giọng bà nghẹn ngào:
- Con có biết con đã làm một việc lớn lao không con!
- Người con trai này là cháu mẹ, con của người anh của ta, đứa con còn sót lại cuối cùng của một giống họ kiệt liệt!
Hoài Nam mở mắt thật to, vừa kinh ngạc, vừa tò mò:
- Mẹ, mẹ nói sao? Người thanh niên này gọi mẹ bằng cô? Sao mẹ từng nói với con là mẹ không còn ai thân thích!?
- Phải, đúng thế! Ta cũng không ngờ Trời Phật còn giữ cho giống họ ấy một người...
Giọng ngậm ngùi, bà nói tiếp.
- Sau cái đêm thảm sát kinh hoàng ấy, ngày ta trở thành vợ của cha con, ngày ta rời bỏ quê hương, nó mới tròn năm tuổi; bây giờ đã mười tám năm trôi qua. Ôi, ta đâu có tin được, có ngày ta gặp lại nó!
- Mẹ, sao mẹ biết đúng người này là cháu mẹ?
- Con ạ, trong giống họ ấy, con trai lúc lên bốn tuổi phải xăm hình Hổ Phù trên ngực, và chiếc đầu cọp trên ngực anh con đây là do chính ta vẽ...
Và bà như thì thầm cùng chàng: "Nguyên Huân, ngày con còn nhỏ, con và Uyển Thanh ríu rít bên ta như đôi chim nhỏ..." Đột ngột bà dừng lại, bà thấy trên cổ chàng còn một sợi dây đeo khác, có móc một chiếc túi gấm nhỏ phong kín. Vương phi quyết định mở ra, và trên bàn tay đang run lên của bà, là một mảnh ngọc tám cạnh màu xanh biếc được mài giũa rất công phu, trên mặt ngọc khắc tám thanh kiếm bao quanh một mặt trăng tròn. Vương phi úp mảnh ngọc vào mặt khóc nức nở, Hoài Nam ôm lấy mẹ:
- Mẹ! Mẹ đừng đau lòng nữa, mẹ phải vui lên mới phải vì gặp được cháu của mẹ...
- Nhưng Hoài Nam, liệu nó có còn sống được không? Ôi oan khiên! Chính tay cha con giết nó. Bây giờ thì mẹ hiểu, đau đớn cho mẹ biết đường nào!
Mảnh ngọc này là thế nào mà mẹ đau lòng thế?
- Đó là tín vật của "Bát đại danh gia" uy danh một thời lừng lẫy. Nhưng mà thôi, một ngày nào rồi con sẽ hiểu!
Một tiếng rên nhẹ, Nguyên Huân từ từ mở mắt; trước mắt chàng, một đám sương mù... dần dần, đám sương tụ lại thành khuôn mặt một người đàn bà, đang cúi xuống nhìn chàng bằng đôi mắt âu lo, với những giọt lệ còn đọng trên mi, trên má.
Nguyên Huân giật mình, một câu hỏi cất lên bằng chính ngôn ngữ quê hương chàng:
- Công tử người họ Trần?
Nguyên Huân chăm chăm nhìn người thiếu phụ cực kỳ xinh đẹp trước mắt, chàng cau mày, và chàng hiểu tất cả:
- Thúc mẫu! Ôi có phải Thúc mẫu đó không?
Vương phi nức nở ôm lấy mặt chàng, nghẹn ngào:
- Nguyên Huân, chính ta đây, chính ta đây con ơi!
Chàng trở mình toan ngồi dậy, nhưng cả thân thể đau nhừ. Vương phi ôm hai vai chàng, đau đớn:
- Huân nhi, con hãy nằm im, con bị trọng thương, rất nặng!
Nguyên Huân đưa mắt nhìn Hoài Nam, cũng đang đứng nhìn chàng, Vương phi hiểu ý, nói:
- Đoàn Hoài Nam, em con đó. Nó đã cứu con. Ta thật đội ơn Trời Phật!
Hoài Nam đứng nghe hai người đối đáp, nàng thật không hiểu gì. Giọng nói, tiếng nói hoàn toàn xa lạ. Nàng ngạc nhiên, mẹ nàng đang nói gì nàng không thể hiểu, nhưng nghe tuyệt vời như tiếng chim hót; âm điệu trầm bỗng như nhạc điệu.
Ôi, tiếng nói nơi quê hương của mẹ nàng, lần đầu tiên nàng được nghe trong một tình huống nàng không ngờ tới.
Tiếng nói mang âm hưởng ríu rít của tiếng chim, như có mật ngọt thoát thai từ giọng nói... Tuy không hiểu, nhưng từ trong đáy lòng Hoài Nam, ngôn ngữ kỳ diệu của quê ngoại như đang lay động cả tâm hồn nàng, rung động trên từng cảm xúc...
- Nguyên Huân, sao ta lại gặp con ở đây? Nói cho ta biết đi Nói cho ta biết thực trạng sau đêm kinh hoàng ấy...
- Thúc mẫu, Uyển Thanh đã lớn và xinh đẹp. Thúc phụ con còn sống, nhưng đau ốm triền miên, và Dư thúc nữa. Tất cả chỉ còn có thế! Cách đây bốn năm, con tìm sang đây để tìm thâu báu vật của nhà họ Trần, và tìm kiếm Thúc mẫu. Con xâm nhập Hoàng thành đã mấy đêm nay, đêm cuối cùng thì bị phát giác?
Tiếng chàng hết sức mệt mỏi:
- Thúc mẫu, con bị trúng Hàn Ngọc âm chưởng như Thúc phụ ngày xưa, từ nay có sống cũng như chết, bổn phận không làm xong, làm sao còn dám quay nhìn Tổ quốc nữa! Đoàn thúc con sở dĩ còn gượng sống đến ngày nay vì còn kỳ vọng ở nơi con. Nay trở thành người vô dụng, con không còn muốn sống làm gì nữa!
Nguyên Huân mệt mỏi nhắm mắt lại, hai hàng nước mắt ứa ra, chảy xuống thái dương. Vương phi nắm vội bàn tay Nguyên Huân, giọng bà thoảng thốt:
- Có phải con muốn nói đến "Vạn Kiếp Bí Truyền" của Tổ phụ con? Con ạ! Đừng tuyệt vọng thế, ta đã thu hồi được từ hai năm trước, từ ngày dời đô về Yên Kinh, và hiện đang giữ bên mình!
Nguyên Huân mở bừng mắt, đôi mắt linh hoạt, đầy sức sống:
- Thúc mẫu, Thúc mẫu vừa nói gì?!
- Ta nói, "Vạn Kiếp Bí Truyền" của Tổ phụ con, hiện đang ở trong tay ta!
Như có phép mầu, một luồng sức mạnh bừng nở trong người, Nguyên Huân ngồi bật dậy, chộp lấy bàn tay Vương phi:
- Thúc mẫu, làm sao Thúc mẫu biết và lấy lại được di vật của Tổ phụ hài nhi?
- Ta chỉ tình cờ thôi, ta nhìn thấy một ít sách quý trong phòng Dương vương, vừa trông thấy nó, ta biết ngay đó là một danh tác của họ Trần, ta vội lén giữ lấy. Hình như Dương vương cũng vô tình chưa để ý đến, vì ngày ấy công việc chuyển vận về Yên Kinh còn bề bộn lắm!
- Thúc mẫu, hiện giờ Thúc mẫu để ở đâu?
- Ta đã cất giấu kỹ, con cứ yên tâm. Hiện tại phải tìm phương cách chữa thương cho con càng sớm càng tốt!
Giọng Nguyên Huân buồn bã:
- Thúc mẫu, con bị trúng Hàn Ngọc âm chưởng, khó lòng thoát chết. Con còn mang nặng mối gia thù chưa trả. Kẻ thù đã ở trước mắt con...
Chàng ứa nước mắt.
- Nguyên Huân, con đừng vội tuyệt vọng. Ta đã xem qua Vạn Kiếp Bí Truyền, trong đó, Tổ phụ con có ghi phần luyện công và trị thương, ta hy vọng có ích cho con đấy. Điều trước mắt bây giờ là con không thể ở nơi đây được nữa. Trước khi đến đây, dẫu chưa biết người bị truy đuổi là ai, chỉ vì muốn giúp Hoài Nam cho trót, ta cũng đã có chủ ý. ở nơi ta ở, một lần chỉ vì tình cờ, ta tìm ra một căn thạch thất được thiết kế trong lòng hòn non bộ nằm giữa khuôn viên của Bích Thảo cung, hòn giả sơn này có lẽ đã có từ lâu lắm, vì nơi này trước kia, cũng vốn là một Vương phủ của một Thân vương dưới thời nhà Tống. Ta sẽ đưa con đến đó ẩn náu tạm thời, chờ khi con phục hồi, sẽ tìm cách ra khỏi Yên Kinh. Con nên kiên tâm, nhẫn nại, đừng tuyệt vọng con ạ!
Căn thạch thất đã được Vương phi vô tình khám phá trong một lần bà đi dạo quanh khuôn viên, đến trước hòn giả sơn, bà ngồi xuống thảm cỏ, tựa lưng vào một phiến đá lớn, trơn nhẵn và mát rượi. Lúc lấy thế đứng dậy, lưng bà tựa mạnh vào bà chợt cảm thấy phiến đá như có sự chuyển dịch nhẹ, bà quay nhìn nhưng chẳng thấy có gì khác lạ; bà phân vân, đưa cả hai tay xô mạnh vào, phiến đá nhúc nhích thật sự. Ngạc nhiên, Vương phi dùng cả sức mình vừa đẩy mạnh vừa xoay chuyển; quả nhiên, phiến đá bắt đầu xoay theo chiều từ trái sang phải, khi giáp vòng, có tiếng rè rè nổi lên, phiến đá lớn từ từ hạ xuống, để lộ một vòm cửa.
Tò mò, bà bước vào trong, trước mặt bà lại có một tảng đá hình đầu rồng, hiếu kỳ, Vương phi xoay thử, lúc xoay ngược chiều, tiếng động lại nổi lên, sau lưng Vương phi, phiến đá lại nhô lên nhẹ nhàng, lấp kín lối vào mật thất.
Đêm ấy, một mình với ngọn đèn lồng, bà trở lại gian thạch thất. Căn phòng tương đối rộng, có cả giường nằm và những vật dụng cần thiết; nhưng tất cả đã hư mục, cả những thùng chứa thực phẩm, rã nát, mốc meo; duy có nước vẫn còn đầy trong bể chứa.
Những đêm sau, bà lặng lẽ một mình đi, đến quét dọn, thay thế mùng màn chăn chiếu Gian thạch thất được chiếu sáng từ trên đỉnh non bộ, được phản chiếu bởi những tấm gương ghép nối, có cả hơi gió mát thoảng vào qua những lỗ thông hơi theo chiều ghép nhô ra hõm vào, của các tảng đá quanh chân hòn non bộ.
Vương phi đã nghĩ đến một ngày cuối của đời mình, bà sẽ vào nơi này, giấu mình ở đó, và yên nghỉ nghìn đời. Giờ đây, bà sẽ dùng làm chỗ náu thân cho Nguyên Huân trong thời gian dưỡng thương, quả là thuận lợi.
Đêm sau, Vương phi và Hoài Nam bí mật đưa Nguyên Huân đến thạch thất. Bà hóa trang cho chàng thành một nữ tỳ theo hầu. Cả ba đi thong thả, chẩm rải, cũng bởi Nguyên Huân cũng chẳng còn chút hơi sức nào. Các huyệt đạo trọng yếu trong người chàng đều bị hàn khí trấn ngự, vô cùng đau nhức. Trời đêm lạnh giá, tuyết rơi mịt mùng, hành lang dài dẫn đến Bích Thảo cung phải băng qua những thâm cỏ, những hoa viên ướt lạnh. Chỉ đến khi bước chân vào gian thạch thất ấm cúng, cả ba người nhìn nhau xúc động...
Mọi vật dụng cần thiết Vương phi đã lo chu đáo từ trước, đêm hôm sau, bà mang vào cho Nguyên Huân một cuốn sách cũ, bìa là một loại giấy bản, những trang sách được đính vào nhau bằng nhựa của cây trái. Nguyên Huân sung sướng đến nghẹn lời khi chàng quỳ xuống đón lấy cuốn sách từ tay của Vương phi.
Sách đã quá cũ theo thời gian, bốn chữ "Vạn Kiếp Bí Truyền" được viết bằng lối chữ thảo, chữ tuyệt đẹp, nét sắc như đao kiếm, Nguyên Huân cảm động nhìn ngắm nét chữ mà chàng cho rằng đích thân Tằng Tổ chàng đã viết, Đức Thượng phụ Tiết Chế Thượng Quốc công, Bình Bắc đại nguyên soái Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Quyển sách khá dày, chữ viết nhỏ, chân phương, giấy đã ố vàng nhưng chữ còn đọc rõ. Phần đầu là thiên Binh Pháp, phần thứ hai là Võ học: sáu chữ viết bằng kim nhủ "Sát Na Vô Lượng Thần Công" và "Vân Hà Tỏa Kiếm". Phần cuối cùng tương đối mỏng: Y dược và phần luyện công trị thương, tất cả đều có kèm theo đồ họa từng chi tiết các huyệt đạo và kinh mạch trên cơ thể; nhưng Nguyên Huân suýt kêu lên, chàng hết sức ngạc nhiên, tất cả các huyệt đạo và kinh mạch của con người trên đồ họa, bộ vị hoàn toàn nghịch đảo!
Chàng đã náo nức vô cùng khi có bí kíp trên tay. Chàng vẫn mong có ngày rời khỏi nơi này, kiếm một nơi an toàn, đem hết công phu luyện tập. Chàng bị trọng thương, khí âm hàn chế ngự toàn bộ huyệt đạo, chân khí không thể vận hành, như dòng sông bị phù sa lấp kín. Ngay việc tích tụ nội gia chân khí vào đơn điền cũng hết sức khó khăn. Giờ đây, so với căn nguyên chỉ dẫn từ trong sách, với bộ vị hoàn toàn thay đổi, nếu chàng ham mê luyện tập, có thể sẽ đưa đến tẩu hỏa nhập ma, sẽ đưa đến cái chết. Nguyên Huân nghĩ mình không thể bừa bãi, nên không dám xem xét đến nữa.
Chàng mở qua thiên Luyện công trị thương, thiên này chia ra từng loại thương tổn khác nhau: Dưỡng thần, Bồi nguyên, Điều tức, Khu trừ độc dược, Phục hồi chân lực, Trị ngoại thương; đến chương cuối cùng, Nguyên Huân vô cùng mừng rỡ: Khu trừ hàn độc khí.
"Trong thiên hạ, kẻ có công phu âm độc không nhiều, bởi vì, những người luyện tập phải hết sức kiên trì hơn người, mới mong thành tựu. Trong võ lâm từ xưa, đã thấy xuất hiện các môn chưởng pháp âm hàn, như Băng Tâm miên chưởng, Huyền Minh thần chưởng, và Hàn Ngọc âm chưởng. Chiêu thức chưởng pháp hết sức quái dị, đem theo khí lạnh buốt xương hòa trộn với độc công. Kẻ bị trúng loại âm độc công này, ngoài cái lạnh tiềm ẩn trong kinh kỳ bát mạch, còn bi khí độc xâm nhập, toàn thân đau nhức, đưa đến tử vong. Người luyện công trị thương, phải là người có hai điều kiện sau đây: một là ăn được Chu Cáp mảng cổ, một loại động vật cực dương, hoặc Hỏa Chi quả thuần dương; hai là đã luyện được công phu của Phật gia: Cửu Dương thần công, mới có thể chế ngự được.
Tuy nhiên, nếu có một cao thủ, với nội lực mạnh hơn nội lực của người đả thương, dùng Cửu Dương thần công khu trừ hàn khí ra khỏi kinh kỳ bát mạch. Sau khi khu trừ được độc khí mới hy vọng sông sót. Kẻ bị đả thương Hàn âm độc công, tùy theo nội lực mà có thể bảo vệ mạng sống của mình dài, ngắn khác nhau, nhưng không thể kéo dài được quá mười ngày, nếu không biết cách khu trừ độc khí, tách độc khí ra khỏi âm hàn.
Độc khí giống như rác rưởi phủ một dòng chảy, còn khí hàn âm giống như cát sỏi; rác rưởi thì dễ vật, cát sỏi khó đào Sau khi dụng công khu trừ độc khí, kẻ trúng Hàn độc âm chưởng kéo dài sự sống thêm được sáu tháng, qua vòng sáu tháng, thân nhiệt sẽ tắt, toàn thân đóng băng mà chết..." Nguyên Huân bỏ qua đoạn luận về sự sống chết.
"... Trong đời ta, vì việc quân quốc trọng sự, nên không đi sâu vào tình hình võ lâm thiên hạ. Nhưng dưới thời Nam Tống suy vi, dòng họ Hoàn Nhan nước Kim từ phía Đông bắc tràn xuống, chia Trung Nguyên làm đôi, lấy Trường Giang mà phân tranh; võ lâm Trung Nguyên một phen náo động. Bảy mươi hai tuyệt kỹ của Thiếu Lâm, cũng vì những biến động ấy, nhiều pho sách của Đạt Ma sư tổ để lại, đã mất mát. Trong số ấy, có Cửu Dương chân kinh. Giác Viễn đại sư chùa Thiếu Lâm, là người thông tuệ, đọc thuộc gần hết toàn bộ chân kinh trong Tàng Kinh các, nhưng lại không bao giờ luyện tập. Tính tình của Đại sư như đứa trẻ thơ, vì năng gánh nước mà luyện thành công lực. Khi bị truy đuổi, đã đọc lại Cửu Dương chân kinh cho hai người trẻ tuổi, đó là Trương Quân Bảo và Quách Tường, mỗi người nhớ được một phần, gọi là Cửu Dương công; nhờ đó mà tạo dựng nên hai đại phái, là Võ Đang và Nga Mi. Từ đó Cửu Dương thần công không còn nữa.
Người luyện được Cửu Dương công chỉ đủ làm tiêu tán một phần của Hàn âm độc chưởng, không thể khu trừ toàn bộ".
Đoạn dưới là cách chỉ dẫn luyện công khu trừ độc khí, và một phần của khí âm hàn. Những ngày kế tiếp, Nguyên Huân ngâm mình trong bể nước. Ngày đầu tiên, chàng đã nhen nhúm được chân khí trong Đan Điền huyệt, từ từ dẫn qua kinh kỳ, bát mạch. Lúc đầu còn khó khăn, sau hai ngày kiên trì Nguyên Huân đã đưa chân khí vòng hết một chu thiên, từ đó, chân khí mỗi lúc một sinh cường, xua dần độc khí thoát ra năm đầu ngón tay, từ các huyệt Trung Xung, Thiếu Trạch, Lao Cung, Hợp Cốc, và những huyệt ở Nội Đình, Bộc Than, Đại Đôn, Nhiên Cốc, Dũng Tuyền ở gan bàn chân. Qua ngày thứ sáu, chàng cảm thấy các khớp xương và các huyệt trọng yếu đã bớt đau nhức, nhưng huyệt ân đường vẫn còn màu xanh xám. Hàn khí vẫn khống chế các huyệt đạo. Chàng chiếu theo đồ hình, vận Tiên Thiên công và Cửu Dương công, bắt đầu từng chút một, đẩy khí âm hàn thoát theo các huyệt Nhũ Căn để giải tỏa khu Phế Nang và Tâm Du.
Nước được đun nóng, bỏ vào đó rất nhiều dược liệu mang dương tính. Nguyên Huân phải chịu đựng, từ độ nóng bỏng của nước, dần dần chuyển sang lạnh buốt. Chàng biết rằng, khí âm hàn bị tống ra ngoài cơ thể.
Đến ngày thứ tư thì nước không còn lạnh nữa, nhưng hai huyệt, Sinh Tử Huyền Quan và Bách Hội huyệt vẫn thỉnh thoảng còn đau nhức; có nghĩa là, với Tiên Thiên và Cửu Dương công phối hợp, cũng không thể xua được hết khí âm hàn ra khỏi các huyệt đạo trọng yếu.
Tuy võ công có phục hồi được bốn, năm thành, nhưng trong khoảng thời gian luyện công chữa thương ấy, tùy theo công lực nông, sâu mà sự phát tác sớm hay muộn, võ công sẽ mất hết, người chỉ còn da bọc xương, chết dần trong suy nhược. Nguyên Huân mang chuyện này nói với Vương phi, Vương phi nói:
- Cái sống, cái chết đều có căn phần cả. Khi khí số đã tuyệt thì không cần hoạn nạn, đau yếu. Nếu số chưa đến ngày tuyệt tận, thì trong tận cùng gian nguy vẫn có lối ra, con đừng lo lắng mà hại đến sức khỏe!
Tính ra, Nguyên Huân đã trị thương trong thạch thất mười hai ngày. Khi sức khoẻ đã tương đối hồi phục, chàng kể lại cho Vương phi biết tất cả những diễn biến xảy ra sau ngày bi thảm đó, về tình trạng sức khỏe cạn kiệt của Đoàn lục thúc, về Uyển Thanh, không sót điều gì; kể cả nỗi nhớ thương của Đoàn thúc phụ...
Vương phi toàn thân run rẩy, nhưng bà không còn khóc nữa. Nỗi đau đớn hành hạ bà những đêm thức trắng. Chỉ có mấy ngày mà mái tóc đen mướt của bà đã lốm đốm sợi bạc.
← Hồi 18 | Hồi 20 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác