Vay nóng Tinvay

Truyện:Tiếng sấm Dương Châu - Hồi 6

Tiếng sấm Dương Châu
Trọn bộ 7 hồi
Hồi 6: Hồi 06
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-7)

Siêu sale Shopee

Sáng hôm sau thức giấc, biết rằng Khải Hùng đã đi, Yến Nhi và Tiểu Thanh hết sức buồn bã. Tiêu Diện Hổ trông thấy con bé Tiểu Thanh rất là kháu khỉnh, thông minh bèn nói với Thiết Hào:

- Cả đời cô độc của tôi hết sức khát thèm chút con nhỏ để được săn sóc thương yêu. Đại ca có cả hai con, sao không chia xẻ cho tôi bớt một?

Thiết Hào nói:

- Con bé Tiểu Thanh là do Khải Hùng đem đến sau khi vớt được giữa dòng trên một chiếc bè thả ở trên sông. Theo như lời nói của Khải Hùng trong đêm đả lôi đài vừa qua thì chính đại ca cũng cứu sống cho hai đứa nó. Vì cái ơn ấy mà nó về với Đại ca thật hợp vô cùng. Thực buồn làm sao! Sự chia tay nầy dắt dẫn đến chia tay khác, bây giờ Tiểu Thanh ra đi thì Yến Nhi chắc sẽ buồn rầu và tôi cũng rất khổ tâm.

Thiết Hộ vừa gắng gượng cười rồi tiếp:

- Nhưng rốt cuộc rồi ta vẫn còn nguyên như cũ là hai cha con chớ chẳng mất gì. Không mất nhưng lại mất nhiều, đó chính là cái éo le của chuyện tình cảm. Thôi, đại huynh yên lòng: ta nên chia xẻ với nhau cho được công bằng. Ta sẽ cho Tiểu Thanh theo với sư huynh.

Suốt mấy ngày sau Diện Hổ không ngớt quấn quít bên cạnh Tiểu Thanh để gây cảm tình. Bé Tiểu Thanh được người chìu chuộng lấy làm thích lắm, cả ngày bi bô chuyện trò với Diện Hổ nói lên nhiều câu ngây thơ ngộ nghĩnh khiến Thiết Hào vừa cười vui vẻ vừa xúc động bùi ngùi.

Ba ngày sau Thiết Hào bảo với Tiểu Thanh:

- Con theo bác về thăm quê ngoại của con. Đi với bác đây sẽ gặp nhiều điều vui thích. Chừng nào nhớ ta và chị Yến Nhi con sẽ trở lại đây nghe!

Tiểu Thanh ngoan ngoãn vâng lời, tưởng tượng những cảnh vui lạ trên những con đường sắp tới, Yến Nhi không nén được niềm xúc cảm, dấu mặt trong khăn để khóc rưng rức.

Cụ Thiết Hào bảo:

- Con không nên buồn. Sự buồn bã vốn là tình cảm bất lực, yếu đuối, có thể thành nguy hiểm và giả tạo nữa. Người đời đâu có hẹn rằng ở mãi với nhau được đâu, thì sự chia ly chẳng qua là lẽ tất nhiên như nước chảy, lá rơi, phiền não làm gì cho thêm khổ sở. Con hãy nhớ lấy điều nầy: nên hay không nên, đó là sức sống mạnh mẽ của con người. Tiểu Thanh bây giờ phải đi, là điều nên vậy. Ta phải làm cho sự nên thuận lợi, dễ dàng, mà đừng cản trở bằng những tình cảm ủy mị.

Khi đưa Diện Hổ và Tiểu Thanh xuống thuyền, Thiết Hào cố nén buồn bã, cười nói vui vẻ để cho mọi người cảm thấy tự nhiên.

Diện Hổ dắt Tiểu Thanh ra bến rồi bồng nó đặt vào trong khoang thuyền. Trước khi nhổ sào, Diện Hổ nói với Thiết Hào:

- Bây giờ tôi thấy như mình khác hẳn ngày xưa, không còn là tên Diện Hổ phiêu lưu, vong mạng. Ơn ấy là nhờ đại huynh và nhờ Vương lão hiệp. Và chắc sau đây còn nhờ ở bé Tiểu Thanh nầy nữa.

Quay sang Yến Nhi, Diện Hổ nói:

- Cháu hãy yên lòng, ta sẽ chăm sóc em cháu công phu, kỹ lưỡng như cháu đã từng chăm sóc lâu nay. Một ngày gần đây ta sẽ đưa bé Tiểu Thanh trở lại Hồi Giang thăm cháu.

Thuyền nhổ neo, và giương buồm, lướt gió. Ra giữa dòng, Diện Hổ bế bé Tiểu Thanh lên để cho Tiểu Thanh nhìn ngắm chung quanh và nói:

- Con đã xem lại cho ta rất nhiều ý nghĩ phải chăng về lẽ đời người. Ta sẽ vì con mà sống, vì con mà thắng, và qua sự sống của con ta thấy rõ thêm sự sống của ta và của nhiều người. Tiểu Thanh! Con là một giọt máu bỏ rơi, sự sống đã bị chối từ nhưng con là cái bùa hộ mạng cho ta từ đây.

Thuyền đến bến Liêu Giang, Diện Hổ dắt Tiểu Thanh lên bờ, tìm nơi quán trọ nghỉ ngơi rồi đưa Tiểu Thanh dạo chơi khắp chốn phố phường.

Khi vào một tiệm nước ở bờ sông, Diện Hổ bỗng thấy có bà cụ già ngồi chăm chú ngó Tiểu Thanh không chớp mắt thì rất ngạc nhiên bèn hỏi:

- Cụ xem cháu bé nầy có gì là khác thường chăng?

Bà cụ lắc đầu rồi nói:

- Không, không, chẳng có gì là khác thường. Trông xinh đấy chứ.

Rồi bà bèn hỏi:

- Là con hay cháu của ngài?

Diện Hổ đáp:

- Con gái tôi đấy.

Trên mặt bà cụ thoáng lộ một vẻ nghi hoặc. Một lát bà ta lại hỏi:

- Có biết Hàn Thủ Bá không?

Diện Hổ trả lời:

- Có được nghe danh nhưng chưa thấy mặt.

Người đàn bà nói:

- Quê ngài ở đâu?

Diện Hổ thoái thác đáp:

- Ở mạn Châu giang.

Bà cụ nói tiếp:

- Con gái của ông có cái nốt son ở trên khóe miệng bên phải thực là quí giá vô cùng. Ta cũng vui miệng mà nói điều nầy: ở đây chỉ có nhà Hàn Thủ Bá là con cái đều có nốt son đó. Cô bé nhỏ nầy, xin lỗi ông, thoạt nhìn tôi cứ tưởng là con cháu của Thủ Bá bởi vì mặt mày đã giống như tạc mà thêm một nốt ruồi son y hệt nốt ruồi Thủ Bá.

Diện Hổ nói:

- Sự giống nhau giữa người trong thiên hạ vốn là chuyện thường. Chẳng hay lão mẫu sống về nghề gì?

Bà cụ đáp:

- Ta làm nghề nhũ mẫu, đã từng nuôi con mấy năm cho Hàn Thủ Bá.

Diện Hổ bèn hỏi:

- Thủ Bá nhà ở nơi nào?

Bà cụ đáp:

- Cách đây năm dặm về phía Tây Bắc, có đồi Trúc Sơn, nhà của Thủ Bá ở đấy.

° Tối hôm ấy đợi cho Tiểu Thanh ngủ xong, Diện Hổ bèn đến Trúc Sơn.

Lúc ấy đêm đã về khuya, trăng sáng vằng vặc. Nhảy qua mấy dãy tường dày, Diện Hổ tiến vào bên trong tư thất của Hàn Thủ Bá. Bốn bề vắng vẻ, quang cảnh cô tịch âm thầm. Phi thân lên một nóc nhà, Diện Hổ giở ngói, luồn vào trong chuyền xuống gian phòng rộng leo lét chong một ngọn đèn hồng lạp.

Đang còn ngơ ngác, bỗng nghe tiếng nói:

- Có nước và bánh sẵn rồi, tiền trên đầu tủ ở góc gian phòng. Lấy đi và để cho ta yên giấc.

Diện Hổ nhìn lên kinh ngạc thấy trên chiếc bàn con có một chén trà tỏa khói cùng với một đĩa bánh ngọt.

Tiếng nói từ trong vọng ra:

- Ta không quen với những sự tiếp đãi dềnh dàng vô ích. Nhưng ta đã rõ ngươi tìm đến ta với mục đích gì. Nếu lỡ độ đường thì hãy cầm lấy mà đi, ngày sau không cần trả lại làm gì cho thêm phiền phức đôi bên.

Tiêu Diện Hổ đáp:

- Cám ơn tấm lòng hào hiệp của ngươi, thật là chẳng hổ chút nào với cái danh hiệu cao quí mà xưa nay người đời đã tặng cho ngươi. Nhưng xin lỗi ngươi, ta tìm đến đây không phải là để rửa hận, cũng không phải để ăn nhờ, mà chỉ vì nỗi khổ của lòng người mà đến. Nếu không buồn ngủ quá nhiều thì xin gặp mặt cùng nhau nói chuyện.

Giây lát, một người to lớn, vẻ mặt phương phi, đi ra. Diện Hổ nhìn thấy dung mạo người ấy rất giống Tiểu Thanh và ở bên vành môi cũng có một nốt ruồi son rất đỏ. Hàn Thú Bá hỏi:

- Cớ sao không đến ban ngày?

Diện Hổ đáp:

- Có đến ban đêm mới rõ hết bản lĩnh của tôn huynh.

Thủ Bá nói:

- Bản lĩnh của ta không phải chỉ là nghe được chân người ngoài xa. Nếu muốn biết thêm cho rõ, thì xin cùng nhau thử sức ngoài vườn.

Diện Hổ cười đáp:

- Được lắm, nhưng tiếc rằng ban nãy tôi đã nói với tôn huynh là vì nỗi khổ của tôn huynh mà đến. Nay lại cùng nhau thử sức thì chỉ ngại rằng càng gieo thêm những nỗi khổ cho tôn huynh thôi.

Hàn Thủ Bá nghe nói như thế, cặp mắt trợn tròn, lộ vẻ hết sức căm tức nhưng vẫn ngồi yên ra ý nóng lòng đợi chờ tìm hiểu.

Diện Hổ nói:

- Tôn huynh chắc còn phải nghỉ nên tôi không thể ngồi nói dài dòng. Sự thực tôi phải đi đến nơi đây vào lúc ban đêm là vì sự bất đắc dĩ. Ban ngày tôi không thể rời nửa bước đứa con mà tôi hết sức mến yêu.

Vẻ mặt của Hàn Thủ Bá bỗng nhiên trở thành trầm ngâm, nghĩ ngợi. Diện Hổ nói tiếp:

- Đứa con không mẹ bao giờ cũng thấy cô đơn cho nên tôi phải thừa khi nó ngủ mà đến với ngài. Bởi vậy tôi xin nói vội ngài nghe để còn trở về canh chừng giấc ngủ cho nó.

Hàn Thủ Bá hỏi:

- Con ngài mấy tuổi?

Diện Hổ đáp:

- Độ năm, sáu tuổi.

- Trai hay gái?

- Con gái.

Hàn Thủ Bá ngồi yên có vẻ nghĩ ngợi xa xôi. Diện Hổ thở dài rồi đáp:

- Nhưng buồn thay, không phải là con sinh đẻ. Kể ra, đối với tôi, dù là sinh đẻ hay là con nuôi cũng chẳng khác gì, bởi vì không phải máu huyết là một vấn đề quan trọng nhưng chính công phu nuôi dưỡng, tấm lòng đùm bọc thương yêu mới là đáng kể. Nhưng buồn là vì tôi e rằng tôi sắp sửa phải xa cách nó. Nguyên là tôi nghe tôn huynh có một đứa bé phải bị lạc loài cách đây năm sáu năm rồi nên muốn tìm đến hỏi thăm có phải chính là giọt máu của tôn huynh không. Nếu quả chính phải thì cũng chia sớt nỗi vui khi thấy cha con đoàn tụ một nhà.

Thủ Bá bèn nói:

- Cho ta thấy được nó không?

Diện Hổ bèn đáp:

- Rất mong như vậy.

Cả hai cùng đứng dậy và ra ngoài. Trăng vẫn sáng, Diện Hổ phi hành đi trước, Thủ Bá theo sau. Đến phòng trọ, Thủ Bá nói:

- Tài phi hành của tôn huynh thực xuất sắc, tôi phải đi theo hết sức khó khăn.

Vào phòng, nhìn thấy Tiểu Thanh còn thiêm thiếp ngủ, Thủ Bá đứng ngắm giây lâu rồi nói:

- Cái nốt ruồi kia chính là dấu hiệu rõ vậy. Đây là đứa con út của tôi, con một tiểu thiếp. Nhân lúc tôi đi vắng nhà kẻ thù của tôi đã bắt nó.

Diện Hổ bèn kể lại câu chuyện nghe cụ Thiết Hào thuật lại về chiếc bè trên sông rồi nói:

- Theo như tôn huynh kể chuyện thì chính em đây là con Tôn huynh rồi đó. Điều lạ là tại sao chúng bắt lấy cháu nhỏ lại không giết đi mà thả trên sông. Cháu bé vớt được trên một chiếc bè thuộc một nhánh sông về ngã Liêu Giang. Nay đã là con của tôn huynh xin giao trả lại tôn huynh.

Thủ Bá nói:

- Công phu nuôi dưỡng, cứu sống, lấy gì báo đáp cho xứng?

Diện Hổ nói:

- Tôi suốt đời không vợ, không con, tưởng yêu được người đàn bà trong mộng thì người ấy đã từ giã cõi đời, tưởng gần mãi được đứa bé kháu khỉnh thì phải giao trả cho người, thôi thì vui cái niềm vui của kẻ khác vậy.

Thủ Bá nói:

- Nhà tôi còn rộng, xin tôn huynh hãy về đó cùng nhau ăn ở cho vui.

Diện Hổ đáp:

- Tôi ngại Tiểu Thanh chưa quen với chỗ ở mới sẽ xin về đó chung sống trong một thời gian để cho cha con vui vẻ cùng nhau rồi sẽ lên đường.

Đoạn cúi xuống, nhẹ nhàng ôm lấy Tiểu Thanh vào lòng cùng với Thủ Bá ra khỏi phòng trọ đi về Trúc Sơn.

° Từ ngày Khải Hùng cùng với Đại Thường theo Vương Thái Hòa về Dương Châu thấm thoát đã được hai năm. Nhờ sự hướng dẫn công phu của họ Vương, Khải Hùng thấy rõ được mọi sự biến chuyển ở trong tình thế lúc ấy và trao dồi được bản lãnh hơn người. Nhiều lần Khải Hùng muốn về Dương Châu thăm lại quê hương xưa nhưng cụ Thái Hòa không chịu cho phép, bảo rằng phải dẹp những mối cảm tình phụ thuộc thì mới có thể tập trung ý chí mưu đồ việc lớn. Dần dần thế lực của Vương Thái Hòa càng ngày càng bành trướng mạnh, khắp nơi hào kiệt anh hùng kéo về mỗi lúc một mạnh. Đất đai trên núi được khai phá thành miền trồng trọt phì nhiêu, thành những khu vực chăn nuôi rộng lớn. Từ trong lòng núi ra đến bên ngoài được bảo vệ bằng những thành lũy thiên nhiên và cứ một đợt thành trì lại có lớp người trấn thủ, ban ngày thì sản xuất, ban đêm thì luyện tập võ nghệ.

Cụ Vương Thái Hòa bảo rằng:

- Ta không lấy sự cố thủ làm chính nhưng phải có chốn tựa nương chắc chắn để mà xuất phát ban đầu, mới bảo toàn được lực lượng. Sau nầy, chỗ nương tựa ấy là lòng muôn dân. Được dân đùm bọc, chở che, ấy là tường đồng vách sắt. Bây giờ phải cố làm sao cho thành một nơi bất khả xâm phạm, hễ một kẻ nào không phải trong bọn chúng ta tự nhiên đột nhập đều có thể sa vào cạm bẫy hiểm nghèo.

Một hôm xuống dưới chân núi, Khải Hùng nhìn thấy đàng xa một người đang quẩy gánh củi, mệt nhọc đi trên đường đá nhấp nhô. Một lát người ấy ngã khuỵu xuống, thả rơi gánh củi bên đường. Khải Hùng chạy đến, lấy một cụ già râu tóc bạc phơ, áo quần rách rưới, đang nằm mê man bất tỉnh. Cúi gần, Khải Hùng giật mình, kêu lên:

- Cụ Thiên Hộ!

Rồi chạy đi tìm nước suối về đắp mặt cho cụ và đưa cụ vào nghỉ trong một bóng mát. Giây lâu cụ Thiên Hộ mở choàng mắt ra và nhìn trừng trừng vào mặt Khải Hùng không chớp. Khải Hùng nói:

- Cụ quên cháu rồi sao? Khải Hùng đây mà!

Cụ già bỗng ứa nước mắt, run rẩy mím lại đôi môi già nua để khỏi cất lên tiếng khóc. Lâu lắm cụ mới kêu lên:

- Khải Hùng! Cháu đã đổi khác quá nhiều, làm sao mà cặp mắt gần mờ của ta có thể nhận ra cho kịp. Chao ôi! Thời gian quá sức vội vàng. Mới cái ngày xưa ta tiễn đưa cháu xuống thuyền để đi vào một cõi đời vô định, mà đến giờ đây có trên mười năm rồi đó.

Rồi cụ kể lại cuộc đời vất vả của cụ sau khi Khải Hùng ra đi, nào là cụ bị bắt giam rồi bị hành hạ, dân hai bên bờ sông Dương Châu bị sự bóc lột khốn cùng, cụ phải đốn củi nuôi sống qua ngày, mặc dù tuổi già, sức yếu. Cụ Thiên Hộ nói:

- Ta gánh củi nặng ngã xuống bất tỉnh như thế thường. Nhưng qua một cơn mê mệt ta lại gượng ngồi dậy được. Nhiều khi ta cũng làm lạ không hiểu tại sao mà mình vẫn còn sống trên đời nầy. Hình như trong người của ta vẫn còn ý chí không chịu thất bại dù cho gục ngã hoàn toàn. Ngày con ra đi ta rất lo lắng nhưng sau ta lại nghĩ rằng dù con còn nhỏ nhưng con đã thấy được những sự thật tàn nhẫn rất sớm chắc con có thể nên người.

Khải Hùng bèn kể lại cho cụ nghe mọi việc xảy ra từ trước đến giờ. Xong, Khải Hùng nói:

- Cụ ở lại đây với cháu cho yên tuổi già.

Nhưng cụ Thiên Hộ lắc đầu:

- Không được, không được. Ta hiểu ý tốt của cháu nhưng ta không thể xa rời thôn xóm của ta với những bà con láng giềng quen thuộc, với bao nhiêu là kẻ khổ cùng ta chia đắng xẻ bùi trải đã bao năm. Ta ở lại đây chỉ làm phiền nhiễu nhiều người và bận lòng thêm cho cháu. Để ta trở về với nếp sống cũ của ta, trở về cuộc sống vui buồn như biết bao người gần gũi quanh ta. Ta không thể nào xa rời họ được. Ta sẽ đem về cái tin vui nầy để gieo rắc niềm tin ở trong lòng họ về cái ngày mai sẽ đến.

Rồi ôm Khải Hùng vào lòng rất lâu, cụ mới loạng choạng đứng lên, đi lại chỗ gánh củi ngã. Cụ nói:

- Ta luôn tin rằng cuộc đời càng ngày càng đẹp hơn lên nếu lòng con người không ngừng cố gắng. Thôi ta về, con hãy ở lại theo đuổi chí lớn. Ráng làm sao cho cái miếu thờ loài thủy quái bên bờ Dương Châu bị đập phá đi mà thay vào đấy cái bia kỷ niệm những kẻ đã vì đồng loại, đồng bào mà chịu hy sinh.

Khải Hùng bèn đỡ gánh củi lên vai và đưa cụ đi một quãng rất xa rồi mới bùi ngùi mà từ biệt cụ.

° Từ ngày Diện Hổ trở về Trúc Sơn thì Hàn Thủ Bá lấy làm vui lắm, bởi đã từ lâu sống cảnh cô độc, lại thêm tính nết biếng lười, Thủ Bá sinh ra buồn chán ở trong tòa nhà rộng lớn của mình. Nay được Diện Hổ là người vui tính lại thích hoạt động gần gũi sớm trưa, Thủ Bá như được chuyển tiếp sinh lực dồi dào, càng thấy hăng hái. Ban ngày thì Diện Hổ lặn lội khắp vùng quan sát địa thế, tìm hiểu tình hình, ban đêm cùng Hàn Thủ Bá luyện tập võ nghệ, chuyện vãn đến khuya mới nghỉ. Những khi vắng mặt như vậy, Diện Hổ cũng muốn tạo dịp cho bé Tiểu Thanh quen với Thủ Bá để nó hòa hợp với không khí gia đình. Thủ Bá, sau những khi đọ sức thử tài với Diện Hổ càng nhận thấy rõ bản lĩnh của mình còn kém thua xa cho nên hết sức nể bạn. Nhất là thấy Diện Hổ thương yêu Tiểu Thanh rất mực mà lại sẵn sàng tìm đến để cho cha con đoàn tụ thì rất lấy làm kính mến.

Một hôm Diện Hổ cáo từ ra đi, Thủ Bá cảm thấy bùi ngùi, giữ lại:

- Đại huynh bây giờ định đi về ngả lối nào? Không nhà, không cửa, không con, đại huynh cứ mãi trôi dạt phiêu lưu cho đến bao giờ mới dừng bước được, chi bằng ở lại đây, vui sống tháng ngày để cho nhàn hạ tấm thân.

Diện Hổ nói:

- Không, bây giờ con đường tôi đi không phải dẫn về một nơi vô định mà đã hướng theo một lý tưởng rồi. Tôi rất khao khát không khí thái bình yên vui nhưng tôi tự xét mình không có quyền chỉ lo cho bản thân mình mà quên trăm họ lầm than. Chỉ tiếc hiện nay không có phương tiện để mà vùng vẫy ở cái đất nầy.

Thủ Bá hỏi:

- Nếu như đại huynh không chê tôi là vô dụng thì xin đại huynh dạy bảo cho tôi đặng rõ.

Diện Hổ bèn kể lại các sự tình từ trước đến khi gặp Vương Thái Hòa ở tại Hồi Giang rồi nói:

- Mấy lần cũng định bàn với đại huynh điều nầy nhưng thấy đại huynh đã quen lối sống nhàn hạ, sợ rằng chỉ làm đại huynh thêm phiền lòng nghe mà chẳng ích gì.

Thủ Bá hăm hở nói:

- Tôi là một kẻ ngủ mê chứ chưa phải là một cái xác chết. Có người đánh thức thì biết vùng dậy, đâu có ngại gì. Xin đại huynh hãy ở lại đây thêm một thời gian, tôi xin vì đại nghĩa, vì đại huynh mà giao cái mạng sống nầy, chẳng có mảy may luyến tiếc.

Diện Hổ nghe nói cả mừng, bèn ở nán lại Trúc Sơn và đem những điều dự định xưa nay để cùng Thủ Bá bàn bạc. Thủ Bá tỏ ra hết sức phấn khởi, vội vàng sắp đặt công việc củng cố miền đất Liêu Giang, thâu nhận anh hùng hào kiệt, tích trữ lương thực, nghe ngóng dư luận, dò xét tình hình, mọi việc đều lo thực hiện hết sức chu đáo.

Một đêm trước khi ra đi, Diện Hổ bảo với Thủ Bá:

- Nếu nghĩ suy cho kỹ việc đời, tôi thấy mình không hề bị thua thiệt điều gì. Ngày trước tôi phải mất nàng Hồng Diệp thì tôi lại có đại huynh. Tôi tin mình sống chân thành thì không bao giờ phải chịu thua thiệt mà bất cứ là hoàn cảnh nào cũng vẫn có niềm an ủi. Thôi, xin từ giã đại huynh, một ngày gần đây ta lại gặp nhau. Mong sao đất Liêu Giang có đủ sức mạnh để sớm đem lẽ phải về cho muôn dân.

Dứt lời, Diện Hổ lao mình vào bóng tối, phi thân nhắm hướng kinh thành thẳng tới.

Ba ngày sau, Diện Hổ đến kinh đô thì trời vừa tối. Tìm một quán trọ nghỉ ngơi, đến khuya thì Diện Hổ thức dậy, bước ra khỏi phòng. Trời không có trăng lại bị mây mờ che phủ cho nên đêm tối mờ mịt. Diện Hổ nhớ ngày hôm nay Hồng Diệp lìa đời nên chuẩn bị sẵn hương đèn để viếng mộ nàng. Qua khỏi mấy khu phố xá, đi vào một con đường vắng vẻ, Diện Hổ tìm đến nghĩa trang nằm cạnh bờ sông. Không khí âm thầm, quạnh quẽ giữa lúc về khuya càng làm quang cảnh nghĩa trang thêm phần bi thảm.

Diện Hổ vừa tiến tới nơi mộ nàng Hồng Diệp thì bỗng dừng lại. Trong đêm, cháy sáng những ngọn hương soi lờ mờ một bóng người ngồi. Hình như người nầy đã ngồi rất lâu như thế và đắm chìm trong trầm ngâm nghĩ ngợi nên không cử động chút nào. Diện Hổ đang phân vân không biết nên tiến hay nên lùi thì người kia chợt quay đầu lại và một giọng quen thuộc cất lên:

- Tiêu đại huynh!

Diện Hổ không nén được lòng mừng chạy lại:

- Trời! Trịnh đại ca!

Và Diện Hổ ngồi xuống bên cạnh Trịnh Thiết Hào nói tiếp:

- Ai ngờ lại gặp đại ca ở đây. Đã mấy mươi năm rồi, lần nào đến ngày kỵ giỗ của nàng tôi cũng đến thăm nhưng không hề gặp một ai. Nếu trước kia mà gặp đại ca nơi đây biết đâu có sự chẳng lành xảy ra.

Thiết Hào chậm rãi nói:

- Nếu gặp nhau thế nào tôi cũng nhường nhịn đại huynh và chúng ta sẽ không bao giờ đổ máu vì một người đàn bà. Từ khi Hồng Diệp lìa đời tôi không dám đến thăm mồ bởi vì tôi vẫn chưa tìm ra kẻ lấy cây thước sắt của mình để giết chết nàng.

Diện Hổ nói:

- Mấy mươi năm đã qua rồi và mái đầu chúng ta đều bạc, chỉ riêng Hồng Diệp là còn trẻ mãi ở trong kỷ niệm.

Thiết Hào nối lời:

- Và hai kẻ già nua là chúng ta đây ngoài lý tưởng chung còn gần gũi được với nhau là bởi vì nàng.

Diện Hổ gật đầu rồi nói:

- Trước kia tôi cứ tưởng rằng cùng thương một người đàn bà là tạo nên sự nghịch thù. Bây giờ mới rõ, sự thực trái hẳn những điều mình tưởng. Hay là vì nàng chết cho nên lòng ta mới dễ khoan dung, mới dễ hòa hợp?

Thiết Hào trả lời:

- Không, Đại huynh không nên nghi ngờ như vậy. Dù nàng còn sống, tôi vẫn không bao giờ nhìn người yêu nàng với cặp mắt nghịch thù. Tôi chắc rằng khi tôi đã yêu nàng thì cũng mến yêu được kẻ yêu nàng và kẻ được nàng yêu mến.

Diện Hổ ngồi yên, không nói. Gió khuya hiu hắt, trở lạnh. Đốt xong tuần hương, Diện Hổ đem việc của Hàn Thủ Bá kể lại cho Thiết Hào nghe rồi nói:

- Tôi phải giã từ Thủ Bá trong lúc đêm hôm vì đợi Tiểu Thanh an giấc rồi mới lên đường, chỉ sợ lưu luyến trong lúc ra đi.

Thiết Hào nắm tay Diện Hổ, nói:

- Đại Huynh vui bằng niềm vui kẻ khác suốt đời. Thương cho đại huynh mà cũng mừng cho đại huynh. Bây giờ đêm đã gần tàn, chúng ta từ giã. Chắc ngày gặp lại cũng không xa gì. Vương Thái Hòa đã đến thăm tôi và cho biết rõ miền Mã Đài Sơn đã có lực lượng mạnh mẽ. Hồi Giang, Liêu Giang đều được vững vàng thì bọn gian thần, bạo chúa chóng chầy cũng bị tiêu diệt.

Nói xong Trịnh Thiết Hào từ biệt Diện Hổ mà về Hồi giang.

Tối hôm sau, đợi cho kinh thành an giấc Diện Hổ mới phi hành đến nhà An Dương Hầu. Lên đến dãy lầu ở chính tư dinh, Diện Hổ nom thấy từ xa có một bóng đèn thấp thoáng ở dưới chân thành. Đến gần nhìn xuống thấy một lính canh xách ngọn đèn lồng. Diện Hổ bèn rút kiếm, nhảy xuống trước mặt. Người lính chưa kịp kêu lên thì Diện Hổ đã đưa gươm vào cổ bảo khẽ:

- Hãy chỉ cho ta biết rõ tên An Dương Hầu ở tại phòng nào.

Tên lính khiếp hãi, ú ớ chưa kịp trả lời thì Diện Hổ đã bảo:

- Dẫn đường mau lên chớ khá chần chờ.

Và Diện Hổ đẩy người lính đi trước. Sau mấy chục vòng luồn qua các dãy hành lang tên lính dừng lại trước một cửa phòng, rồi nói:

- Đây là phòng ngủ của An tướng công.

Diện Hổ bèn trói người lính lại, rồi tháo một vòng dây thắt lưng nhét kín miệng, bỏ nằm ở một góc tường.

Diện Hổ nói:

- Hãy cứ ngủ kỹ, khi nào ta xong công việc thì ta cởi trói cho mầy.

Xong, Diện Hổ phi thân lên tường, chuyển lên mái ngói, và lách mình vào một khung cửa vòng nguyệt ở trên thượng tầng.

Bên trong một ngọn đèn tọa đăng ở giữa soi sáng cả một gian phòng trưng bày hết sức lịch sự. Một người mái tóc bạc phơ đang ngồi đọc sách ở chiếc trường kỷ chạm trổ công phu.

Nhẹ nhàng, Diện Hổ thả mình rơi xuống sàn nhà không một tiếng động. Đến gần sau lưng người ấy, Diện Hổ khẽ cất tiếng nói:

- Kính chào tướng công.

Lập tức người già quay đầu lại và chực kêu lên thì Diện Hổ đã khoa lưỡi gươm trước mặt:

- Ta biết ở chung quanh đây có những ai rồi. Nhưng trước khi thủ hạ của ngươi kéo đến thì ta có thể giết chết nhà ngươi. Song ta bảo thật điều nầy: ta không muốn lưỡi gươm ta phải dính máu người già cả. Vậy hãy nói thật cho ta biết rõ: hiện nay các ngươi âm mưu những gì trong sự phản loạn? Ngoài nhà ngươi ra còn có những ai? An Dương Hầu, nếu nhà ngươi nhất định giữ điều bí mật thì ta bắt buộc phải mang ngươi về trang trại của ta.

An Dương Hầu nhìn chăm chăm vào Tiêu Diện Hổ rồi mới từ từ hỏi lại:

- Nhà ngươi là ai?

Diện Hổ đáp:

- Là kẻ đang muốn tìm biết tất cả sự thực mà ta chờ đợi nơi ngươi.

An Dương Hầu đáp:

- Những kẻ như ta không thể khai báo với hạng tiểu tốt vô danh.

Diện Hổ nén giận đáp lại:

- Nếu nhà ngươi không đáp thì ta mượn lấy chiếc đầu của ngươi để giữ làm vật kỷ niệm.

An Dương Hầu đứng lên, chỉ tay vào ngực, ngạo nghễ hỏi lại:

- Mầy biết ta là ai không?

Diện Hổ mỉm cười khinh bỉ trả lời:

- Ta biết rõ ngươi nên mới đến đây hỏi tội nhà ngươi. Đừng có ỷ là địa vị cao sang mà lại lên mặt hống hách, coi thường thần chết. An Dương Hầu, nhà ngươi có cần ta nêu lên đây tội ác của ngươi không? Tội ác chất chồng đã biết bao năm do sự hiểm ác của ngươi gây ra! Ta đã biết được nhà ngươi âm mưu toan tính những gì nên mới đến đây hỏi tội. Ta muốn cái chết có tới cùng ngươi cũng là vì lẽ công bằng. Vậy hỏi thực ngươi, bè lũ các ngươi âm mưu hại những người trung trực trong triều, dự định những gì? Các ngươi mưu toan lật đổ ngai vàng ra sao? Đừng tưởng rằng ta không biết mà hòng che kín sự thật?

An Dương Hầu ra vẻ suy nghĩ rồi đáp:

- Thế ra ngươi đã biết rõ ý định của ta, ta không còn giấu làm gì. Được lắm ta sẽ cho ngươi biết cả những điều bí mật. Trước hết để ta giao lại cho ngươi một phần tài liệu...

Nói xong An Dương Hầu quay lưng, tiến lại một phía tủ lớn, có vẻ hết sức vội vàng. Nhưng Diện Hổ đã nhảy đến nắm lấy cổ áo giằng lại. Diện Hổ cười lớn:

- Đừng hòng lập mưu trốn thoát. Ta biết cái tủ của ngươi có chứa những gì trong ấy. Và sau cửa tủ có những con đường độc đạo thế nào. Hãy ngồi xuống chiếc trường kỷ và trả lời từng câu hỏi của ta.

Nói xong Diện Hổ ấn An Dương Hầu ngồi xuống chiếc ghế cạnh đấy. An Dương Hầu có vẻ miễn cưỡng nghe theo. Diện Hổ cười lạt rồi nói:

- Thôi được, ta không cần hỏi nhà ngươi để nghe những lời dối quanh vô ích mất cả thì giờ vàng ngọc của ta. Ta sẽ tìm lấy tài liệu của ngươi chôn giấu trong nhà.

Nói đoạn, trói An Dương Hầu vào ghế, cắt lấy vạt áo của y mà nhét lấy miệng, rồi đi lục lạo trong phòng. Diện Hổ lôi dần trong các tủ chính những giấy tờ bí mật của gã liên lạc với các đồng bọn, đọc hết một lượt rồi đem bỏ lại chỗ cũ.

Xong Diện Hổ tiến lại nơi chiếc tủ lớn ở cuối gian phòng, vừa đẩy cánh cửa, bỗng nghe một tiếng động lớn và đất dưới chân như sụp hẳn đi, đồng thời bị rơi vào một hố sâu bốn bề có những song sắt chắn giữ. Sau sự choáng váng ban đầu, Diện Hổ định thần trở lại và biết mình đang vào trong cạm bẫy của An Dương Hầu. Diện Hổ cố sức lay các chấn song sắt nhưng càng lay mạnh thì lại bị đẩy xuống dần, xuống dần đến một ngục tối có mùi tử khí xông lên khó thở.

Chỉ một lát sau thì Diện Hổ cảm thấy mệt mỏi muốn ngủ thiếp đi. Khi tỉnh giấc Diện Hổ thấy mình bị trói và nằm trong một phòng giam sáng sủa, bên ngoài có nhiều người lính canh gát cẩn mật. Trời đã sáng tỏ, hình như mặt trời đã lên cao rồi.

Một lát, An Dương Hầu hiện ra ở trước khung cửa, vẻ mặt già nua điểm một nụ cười nham hiểm. An Dương Hầu ngắm nhìn Diện Hổ một lát rồi nói:

- Quân súc sinh! Ta sẽ bắt mầy khai rõ bè lũ của mầy. Trước khi mầy về cõi chết, hãy cho mầy ném gia phẩm của tao. Nào cực hình đâu, hãy đem thằng gian tặc nầy xử liệu cho nó biết tay!

Lập tức, quân lính dạ rân và Diện Hổ nhìn thấy nhiều người mang đến nào cùm kẹp, nào lửa đỏ, nào roi sắt, dắt ở trước cửa phòng giam.

Diện Hổ cười lạt, đáp lại:

- An Dương Hầu! Mầy đừng dại dột nghĩ rằng những người như tao lại sợ những trò trẻ con của cái lũ mầy. Bày đặt những trò độc ác để hủy hoại thể xác kẻ khác hầu mong khuất phục tinh thần của họ là đều mong mỏi của lũ trẻ con chưa sạch chất sữa trên mồm. Chết một ngàn lần tao cũng không cho mầy biết tao đây là hạng người nào. An Dương Hầu, bộ mặt thực của mầy là những cực hình nầy đây chứ không phải là những lời đạo đức giả dối mầy thường mở miệng hàng ngày. Không có cách gì khác hơn cho mầy thấy được sự thực ngoài cái sức mạnh cực hình! Ha! Ha! Cực hình lại là ân nhân của mầy! Thì ra mầy đã được những cực hình che chở cho cái mạng mầy, bởi vì không còn ai tin mầy nữa để cho mầy nghe sự thực. Nhưng đừng ỷ vào cực hình mà rước lấy sự thất bại. Tao sợ lẽ phải, chớ không sợ sự tra tấn.

An Dương Hầu lạnh lùng không nói lời nào, phất tay ra lịnh. Diện Hổ bị một lũ người xúm lại kéo ra hành hạ đủ điều. Cố nén đau đớn Diện Hổ bền gan chịu đựng, nhưng sau nhiều lần nếm trải cực hình người như tê liệt hẳn đi và Diện Hổ mê man như một xác chết.

Đến khi tỉnh dậy Diện Hổ không rõ mình đang nằm ở nơi nào vào lúc giờ nào. Chung quanh vắng lặng y như một bãi tha ma. Sờ trong bóng tối Diện Hổ biết mình nằm trên mặt đất bốc mùi ẩm ướt. Một lát, vừng trăng từ từ hiện lên và soi sáng một vùng âm u có những thành dài bao bọc. Diện Hổ cảm thấy trong mình vô cùng đau đớn và cố cử động để cho cơ thể bớt bị tê liệt. Đoán mình đã được tỉnh lại nhờ nơi đất ẩm, Diện Hổ cố sức định thần thu hết tàn lực ngồi dậy hầu mong tìm chốn thoát thân nhưng khó nhọc lắm mới lê mình nổi. Diện Hổ biết mình chịu đói nhiều hôm nên không còn sức chịu đựng, một lát phải nằm lả xuống.

Bỗng qua mí mắt hé mở chập chờn, Diện Hổ nom thấy những điểm sáng nhỏ li ti run rẩy trước mắt. Định thần nhìn kỹ Diện Hổ trông thấy rõ một người già cả lom khom đi đến, trên tay cầm một nắm hương. Người ấy đến gần và đó là một bà già tiều tụy. Diện Hổ nằm yên, không nói năng gì, chờ xem động tĩnh ra sao.

Người đàn bà tiến đến bên cạnh, thành khẩn quì xuống và cắm nén hương cháy sáng trên đầu Diện Hổ. Khi những tiếng khấn vái bắt đầu cất lên lâm râm thì Diện Hổ cố gắng chỗi dậy. Người đàn bà hốt hoảng tưởng gần té ngã ra sau. Diện Hổ nói:

- Thưa cụ, tôi vẫn chưa chết, xin đừng sợ hãi!

Bà cụ tỉnh lại, nói như kêu lên:

- Trời ơi! Ông còn sống được hay sao?

Diện Hổ bèn hỏi:

- Đây là nơi nào?

Bà cụ đáp:

- Đây là khu đất hoang dùng làm nghĩa địa để chôn những người bị An Dương Hầu hãm hại. Quân lính tưởng ông chết rồi nên bỏ xác ra đây, ngày mai mới tính đến việc chôn cất.

- Thế cụ là ai?

Bà cụ ngồi im, không nói. Giây lâu cụ mới quay nhìn ra sau có vẻ sợ hãi rồi khẽ trả lời:

- Tôi là một người nô tỳ của An tướng công. Tôi bị bán vào nhà nầy từ nhỏ, suốt đời hầu hạ ở đây. Bây giờ già nua, vô dụng, An tướng công đuổi ra canh chừng xác chết chưa chôn nơi hoang địa nầy.

- Cụ có con cái gì không?

Bà cụ lại ngồi im không nói. Lâu lắm cụ mới đáp lại bằng một giọng mơ hồ:

- Có một đứa con, đã trên vài mươi năm rồi, khi tôi về mạn Dương Châu trốn loạn kinh thành. Nó ở lại với chồng tôi sinh trưởng vùng đó. Chúng tôi nghèo khổ không thể gần nhau trọn kiếp.

- Thưa cụ, ở đây có ngã nào thoát ra ngoài được không?

Bà cụ trợn mắt nhìn Diện Hổ rồi nói:

- Ông đi làm sao nổi với cái thân hình khốn khổ thế kia?

- Tôi sẽ cố gắng. Thà là chết ở ngoài kia còn hơn chết ở trong nầy.

Bà cụ có vẻ nghĩ ngợi rồi nói:

- Đã ba năm nay trông chừng nơi đây, tôi chưa gặp một kẻ nào sống sót. Nay gặp được một mạng sống, lẽ nào không cứu cho người. Ở đây tường vách che đậy không ai có thể lui tới, chỉ trừ một cánh cửa nhỏ ăn thông với dãy nhà sau để cho quân lính đưa xác chết vào và tôi lui tới thăm chừng. Nay chỉ có cách ra bằng lối ấy. Thôi được, tôi sẽ dẫn lối cho ông đến được thành ngoài tránh các trạm gác. Nhưng làm sao đi thoát khỏi cổng thành?

Diện Hổ nói:

- Cụ có gì cho tôi ăn không? Nếu tôi có gì đỡ lòng thì tôi có thể tìm lại ít nhiều sức lực.

Bà cụ đáp:

- Được, ta sẽ lần mò về bếp kiếm những cơm thừa cho ông.

Diện Hổ hỏi:

- Gần nơi cổng thành có một chuồng ngựa nào chăng?

Bà cụ trả lời:

- Có hai chuồng ngựa hai bên cho lính tuần phòng.

- Thế thì xong rồi, không ngại gì cả. Chỉ ngại tôi thoát khỏí đây, cụ sống có yên không?

Bà cụ trầm ngâm rồi đáp:

- Miễn là ông đi cho thoát là tôi mừng lòng. Còn tôi e rằng chúng không để yên tôi đâu. Nhưng Bạch Tuệ nầy trọn kiếp tôi đòi không làm ích lợi cho ai, nay cứu được một mạng người là điều vui sướng không còn ước ao gì nữa.

Diện Hổ nói:

- Tôi có bà con ở gần Dương Châu hay cụ sẽ cùng đi với tôi về đó.

Bà cụ lắc đầu rồi đáp:

- Không nên. Đã khó cho ông đi thoát, mà về Dương Châu chưa chắc tôi gặp lại được người cũ. Còn sợ quan trên tuân lệnh An Dương Hầu truy nã khó yên. Trước kia tôi đã cố trốn nhiều lần mà không trốn khỏi.

Diện Hổ nói:

- Cụ không nên ngại ngùng gì. Tôi được ăn no lấy lại sức khỏe và có ngựa hay, không ai có thể làm gì tôi được. Cụ về Liêu Giang mà sống với bạn bè tôi rồi sẽ dò hỏi, nếu như gia đình ở mạn Dương Châu còn đó thì tôi sẽ đưa cụ đến. Cụ không sợ gì bè lũ quan trên. Một ngày gần đây bè lũ An Dương Hầu sẽ đền tội ác. Khắp miền Liêu Giang, Hồi Giang, Dương Châu trong vòng che chở của chúng tôi đây xin cụ chớ ngại. Không nên ở lại làm mồi cho lũ sài lang, mạng sống của cụ mới là đáng quí.

Bà cụ có vẻ suy nghĩ rồi nói:

- Thôi được, tôi sẽ lấy cơm cho ông ăn đã, rồi sẽ liệu định. Biết đâu trọn đời có một dịp nầy mới mong thoát khỏi những mùi tử khí vây bọc tháng ngày.

Rồi bà cụ vội vàng đi vào ngả bếp. Lát sau, đem ra một gói cơm. Diện Hổ ăn xong thấy mình tỉnh táo hẳn lại. Nghỉ ngơi một lát Diện Hổ đứng dậy, uốn mình, tìm lại sức khỏe bằng cách tập trung não lực. Xong, Diện Hổ đi theo bà cụ tới cửa, bà cụ quay lại dặn dò:

- Ông nên cẩn thận đừng nói năng gì.

Diện Hổ đáp lại:

- Cụ cứ yên tâm. Tôi sẽ đưa cụ thoát khỏi nơi nầy một cách vẹn toàn.


Meow! Sen Ơi Đừng Sợ
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-7)


<