← Hồi 4 | Hồi 6 → |
Cả miền Hồi Giang bỗng dưng rộn rịp khác thường, ghe thuyền kéo về chật bến và khắp hàng quán nơi nào cũng đều đông nghẹt những người. Một số thanh niên ở những miền gần kéo đến và các khách giang hồ mã thượng từ bốn phương cũng nô nức tìm về.
Đài được dựng trên một khoảng đất khá rộng. Trong suốt thời gian bố trí để xây dựng đài, cụ Trịnh Thiết Hào luôn luôn có mặt tại chỗ, đốc thúc mọi người làm việc không ngừng.
Đúng ngày rằm Trung Thu thì võ đài được dựng hoàn thành. Tất cả công trình kiến trúc ấy rất là tốn kém khiến Khải Hùng tự hỏi cụ Thiết Hào lấy đâu tiền bạc để cung cấp sở phí một cách dễ dàng như vậy. Vào lúc nửa chiều ngày rằm thì quang cảnh chung quanh võ đài có phần hết sức náo nhiệt. Khi ánh trăng rằm sáng tỏa ở trên nền trời trong vắt thì những ngọn đèn treo từ bến đến đài cũng được thắp sáng tưng bừng. Cuộc đả lôi đài định từ ba năm trước bây giờ mới thực hiện được đã gây náo nức trong đông đảo quần chúng khiến cho không khí chờ đợi càng thêm sôi nổi, nhiệt cuồng.
Sau một hồi chiêng vang lên thì cụ Trịnh Thiết Hào đã từ dưới phi thân lên đài cao, nhẹ nhàng như một cánh bướm. Tất cả chung quanh đều im lìm tập trung chú ý vào cụ Trịnh Thiết Hào. Cụ vận một bộ đồ chẽn bằng vải xanh lá cây, lưng thắt lụa bạch, đầu chít khăn đỏ, dáng điệu đường đường khí phách gây một cảm giác kính nể ở khắp mọi người. Sau khi đảo quanh cặp mắt một vòng như kiểm điểm lực lượng vây phủ lấy mình, cụ chấp hai tay đưa lên cao, đảo quanh một vòng để thay thế lời chào mừng rồi cất tiếng cười vang rền như sấm, dõng dạc tuyên bố:
- Đất Hồi Giang nầy từ bao lâu nay được xem là đất dụng võ của khách anh hùng tứ xứ. Trung thành với tập tục của hàng đao kiếm, chúng tôi những kẻ suốt đời đã theo đuổi võ thuật, tự thấy có bổn phận phải tổ chức cuộc đả lôi đài rộng lớn vào một địa điểm thuận lợi cho sự tập trung và sự biểu diễn tài năng. Thay mặt cho những kẻ quyền thuật ở đất Hồ Giang tôi xin nhắc lại ý nghĩa của cuộc đả lôi đài nầy. Ý nghĩa của nó gồm trong ba điểm sau đây. Một là tạo dịp để anh tài bốn phương thử sức tập luyện công phu của rnình và học lấy những môn võ nghệ của người. Hai là gây cái không khí sôi nổi, thân tình giữa những con người võ hiệp bốn phương trong khi đọ sức, đua tài. Ba là chọn lấy những tay bản lĩnh xứng đáng gọi là tiêu biểu ở trong môn phái của mình, đủ sức can thiệp vào những khó khăn, bất bình xảy ra giữa lớp giang hồ mã thượng.
Cuộc đả lôi đài nầy đáng lẽ phải được tổ chức từ ba năm trước nhưng vì nhiều lẽ cản trở cho nên đành hoãn lại đến mãi năm nay. Những lẽ cản trở ấy là gì? Một là tình hình bấn loạn nhiều nơi khiến cho nhiều vị anh tài không thể trở về dự hội. Hai là đất Hồi Giang vốn từng là đất dụng võ cho nên triều đình e ngại không chịu chấp thuận một sự tập trung, sợ lại gây ra những cảnh náo động bất thường, quan quân khó lòng can thiệp.
Thiết Hào vừa nói đến đây thì từ dưới đài có tiếng la ó vang dậy, tỏ nỗi bất bình, Thiết Hào chờ cho êm dịu rồi mới nói tiếp:
- Nào xin mời khắp anh tài bốn phương đấu sức, đua tài.
Dứt lời Thiết Hào nhẹ nhàng nhảy xuống dưới đài.
Bỗng một người phi thân lên đài. Nhìn bộ râu quai nón của gã, Khải Hùng trực nhớ như đã gặp gỡ lần nào nhưng cố moi móc ở trong ký ức mà không tài nào biết được là ai. Người ấy quay nhìn chung quanh với một vẻ mặt hết sức khiêu khích rồi vỗ ngực nói:
- Ta đây là Tiêu Diện Hổ, người ở đất nầy, nhưng từ lâu chu du đây đó nên đã từng gặp lắm kẻ gian ngoan bản lĩnh khác thường. Nhưng ta nhận thấy điều nầy: bất cứ kẻ gian ngoan nào cũng đều không thể bì kịp với Trịnh Thiết Hào. Hôm nay, đến đây ta muốn trước là đấu sức cùng y, rồi sau sẽ hỏi tội y. Thiết Hào nếu không sợ hãi gì ta thì hãy lên đây.
Nói xong, gã đảo cặp mắt trợn trừng để nhìn tứ phía ra vẻ vô cùng căm hận. Nhưng Trịnh Thiết Hào đã nhảy lên đài. Hết sức ôn tồn, thong thả, Thiết Hào cất tiếng:
- Đây là lần đầu tiên trong đời, ta được nghe một kẻ mã thượng gọi ta là đứa gian ngoan. Ta không vội vàng cải chính một lời vu cáo của người nông nổi nhưng ta muốn ngươi hãy nói ra đây, trước biết bao người, những điều xấu xa của ta để cho thiên hạ phán đoán.
Tiêu Diện Hổ trả lời:
- Ta muốn nói chuyện với ngươi bằng võ nghệ trước khi nói chuyện bằng lời.
Trịnh Thiết Hào đáp lại:
- Kể ra ta không tiếc gì một chút hơi sức mà chẳng chịu cùng ngươi giao đấu thử tài. Song khốn nỗi, nếu ta lỡ tay đánh ngã ngươi rồi thì miệng đời không khỏi chê ta là kẻ có tâm bất chính cố ý triệt hạ một người đã muốn tố cáo tội ác của ta. Chi bằng ta gọi một đứa đồ đệ của ta có lẽ vừa sức ngươi hơn.
Dứt lời, Thiết Hào cất tiếng gọi lớn:
- Khải Hùng!
Tức thì Khải Hùng nhảy vọt lên đài. Mọi người nhìn thấy Khải Hùng chỉ là một cậu bé con mười lăm, mười sáu tuổi đầu thì có vẻ ngạc nhiên hết sức. Nhưng trông vẻ mặt rắn chắc, dáng điệu bình tĩnh đường hoàng của Khải Hùng, ai nấy cũng đều có mối thiện cảm.
Tiêu Diệu Hồ gầm lên:
- Thiết Hào! Nhà ngươi thật là vô lễ, dám đem một đứa trẻ con chỉ biết lau chén lau bình ở trong quán rượu của ngươi để múa rối trước mắt ta chăng?
Thiết Hào cười đáp:
- Con quạ già nua hơn trăm tuổi chưa chắc sánh kịp với con phượng hoàng mới sinh, tuổi tác chưa phải là cái thước đo giá trị con người! Còn bảo đứa trẻ nầy đây chỉ biết lau chén lau bình là một lời nói quá sức vội vàng. Để xem ngoài việc hầu hạ ở trong quán rượu, nó còn biết rõ lắm điều chẳng kém gì ngươi.
Tiêu Diện Hổ đáp lại:
- Ta không phải là kẻ đến đây để kiếm chuyện hơn thua mà mong tranh chấp với phường con trẻ. Ta đến đây là vì một mối hận ôm ấp lâu đời. Nay ngươi đã vì sợ sệt mà không dám cùng ta đấu sức lại đem một đứa trẻ con để thay tội chết cho ngươi thì quả là điều chứng tỏ ngươi chỉ là kẻ gian ngoan độc ác mà thôi. Nhưng để khỏi phụ lòng trông đợi của ngươi và của tất cả bà con chúng ta chờ chực quanh đây ta sẽ cho tên đồ đệ của ta nhận lời giao đấu.
Tiêu Diện Hổ nói xong quay xuống võ đài gọi lớn:
- Đại Thường!
Một người trai trẻ, gầy gò, ốm yếu nhưng trông nhanh nhẹn khác thường, nhảy vọt lên đài. Khải Hùng thoạt thấy chợt nhớ chuyện ngày xưa, trong đêm đau ốm mệt nhọc giữa lúc trôi nổi trên sông, Khải Hùng đã gặp đúng mấy người nầy.
Chính Tiêu Diện Hổ đã cho viên thuốc giải cảm và Đại Thường lấy gạo giúp cho Khải Hùng. Nghĩ lại bấy nhiêu điều ấy Khải Hùng khôn xiết bàng hoàng và thế võ bí hiểm mà trong đêm hôm ấy Tiêu Diện Hổ dạy cho đồ đệ của mình, Khải Hùng cũng vụt nhớ lại.
Đang còn băn khoăn trước những ân nhân của mình thì Khải Hùng đã thấy Đại Thường tiến đến, chẳng nói, chẳng rằng xông tới đánh thẳng vào mặt của mình. Nhanh như cắt Khải Hùng né mình tránh khỏi rồi lùi lại nhưng Đại Thường cứ việc áp đảo, cố hạ cho ngã địch thủ ở trong giây lát. Sự lanh lẹ, biến hóa của Khải Hùng khiến cho nhiều người mến phục nhưng ai cũng ngạc nhiên khi thấy Khải Hùng không chịu đánh trả đòn nào. Cả những thế sơ hở của đối phương, Khải Hùng cũng không lợi dụng để tấn công mà chỉ chuyển vận trong thế chống đỡ. Nhiều người dậm chân, lắc đầu, tỏ ý bực dọc, có người la lớn, kêu to biểu lộ phản đối, hằn học. Cuối cùng, Khải Hùng giơ tay nói lớn:
- Hãy khoan!
Và lập tức nhảy ra ngoài. Đại Thường dừng lại, tỏ ý ngơ ngác và mọi người, cả Trịnh Thiết Hào và Tiêu diện Hổ, cũng đều tỏ vẻ ngạc nhiên.
Khải Hùng nói:
- Thực là khó lòng cho tôi hết sức.
Tiêu Diện Hổ hỏi:
- Mầy bảo thế nào là khó lòng? Đánh không đủ sức phải không?
Khải Hùng đáp:
- Không phải tôi không đủ sức đánh với các người. Nhưng các người là ân nhân của tôi, khó lòng cho tôi hết sức.
Đại Thường sấn sổ hỏi:
- Ai là ân nhân của mầy?
Tiêu Diện Hổ cũng cười to bảo rằng:
- Bọn ta chưa hề mang những danh hiệu hay ho như thế bao giờ. Ân nhân! Ai là ân nhân của mầy?
Khải Hùng đáp:
- Có lẽ các người đã quên vì câu chuyện nầy xảy ra cách đây đã được ba bốn năm rồi. Khi tôi lưu lạc giữa sông với một đứa bé, các người đã giúp cho tôi thuốc men gạo muối trong lúc tôi đang đau yếu, đói khổ. Không có các người thì tôi phải chết trên sông, đâu có ngày nay? Lẽ nào tôi nỡ đánh lại những người đã cứu sinh mạng của tôi?
Tiêu Diện Hổ cười lớn rồi nói:
- Ta không coi tới các vật nhỏ mọn như là cái ơn cứu tử hoàn sanh thì mầy không nên lấy nó làm điều ghi nhớ. Bọn ta trong suốt cuộc đời luân lạc lấy của người khác cũng đã khá nhiều và đem cho kẻ thiên hạ cũng khá nhiều. Tuy rằng có ân, có oán nhưng mà rốt cuộc cũng là có vay có trả mà thôi, đừng có nói điều mang ân nhớ nghĩa mà toan trốn tránh cuộc đấu sức nầy.
Nói xong lại cười ha hả ra vẻ hết sức khinh miệt.
Khải Hùng nổi giận, đáp lại:
- Vì ta không phải là hạng vô lương cho nên phải nói những điều ân nghĩa, đâu phải là tuồng hèn nhát sợ điều giao đấu với ngươi. Vả lại ta muốn thắng ngươi chính bằng tài năng thẳng thắn của ta chứ không phải bằng một sự gian dối.
Khải Hùng tiếp lời:
- Tình cờ trong đêm lưu lạc năm xưa khi ta đứng ở ngoài cửa các ngươi, thế võ bí truyền của ngươi dạy dỗ cho kẻ đệ tử ta đã được biết cả rồi. Bây giờ nếu ta lợi dụng điều ấy thì ta thắng cuộc dễ dàng nhưng ta không phải là hạng bất tài, vô đạo đến phải mưu chuyện gian lường như vậy.
Tất cả mọi người nghe nói ai nấy đều im lặng tỏ lòng mến phục Khải Hùng.
Bỗng cụ Thiết Hào nói:
- Ta không ngờ giữa kẻ đồ đệ của ta cùng với các ngươi lại có những điều liên hệ thiêng liêng như vậy.
Tiêu Diện Hổ bèn nói:
- Đấy chẳng qua là sự tình cờ nhỏ mọn xảy ra nhan nhãn trong đời, có gì mà phải gọi là liên hệ thiêng liêng. Đồ đệ của ngươi muốn tỏ ra người cao thượng là để tránh sự chiến đấu có thể đem lại cho nó thất bại nhục nhã. Thôi, ta cũng chiều theo lòng nó mà bỏ qua đi một cuộc đua tài vô ích nhưng ta muốn nhà ngươi hãy cũng ta sống chết một phen để biết sức nhau trước mặt anh hùng bốn biển tụ hội phen nầy.
Thiết Hào trang nghiêm đáp:
- Nếu không nói rõ lý do nhà ngươi thù hận và không bộc lộ những điều gian ngoan của chính ta đây thì ta nhất định không giao đấu với ngươi được.
Diện Hổ nói:
- Ngươi cứ khăng khăng đòi biết sự thật thì ta đâu có giấu ngươi làm gì. Ta hỏi vì sao nhà ngươi giết nàng Hồng Diệp?
Thiết Hào nói:
- Ta không có giết bất cứ một người đàn bà nào cả.
Diện Hổ cười gằn:
- Vậy cây thước sắt là vật hộ thân của ngươi nay đâu rồi?
Thiết Hào bỗng trở nên buồn bã hơn, liền cúi đầu giữ vẻ yên lặng. Diện Hổ thét lớn:
- Thật là hết sức dễ dàng từ chối một điều mình đã nhúng tay nếu không có chút tang chứng. Thiết Hào! Hãy nghe ta nói điều nầy. Ta vì Hồng Diệp báo thù, ta đợi chờ dịp để vạch tội ngươi cho khắp mọi người thấy rõ. Tường nhà của Phạm Lang Trung cao dầy như thế chỉ có bản lĩnh phi thân của ngươi mới đi vào lọt dễ dàng. Nhưng tất cả cái anh hùng mã thượng của ngươi là để hành thích một người đàn bà thì thực xấu xa ghê tởm chừng nào, thực là bất lương tàn nhẫn chừng nào!
Thiết Hào từ từ ngẩng lên rồi quay nhìn khắp chung quanh với ánh mắt u buồn, đoạn xây lại phía Diện Hổ, nói bằng một giọng như chìm hẳn đi:
- Ta đem danh dự của người võ sĩ mà thề rằng ta không giết Hồng Diệp bao giờ và suốt cả đời ta cũng chưa làm hại đến bất cứ một người đàn bà nào cả. Nhưng cây thước sắt bên cạnh xác chết của nàng là đồ võ khí của ta. Ta không nói gì thêm nữa. Nếu miệng đời cứ nhất định buộc tội cho ta là người hèn nhát, ta cũng xin chịu vậy thôi.
Diện Hổ cười phá lên và nói bằng một giọng hết sức thỏa mãn:
- Đấy là một lời thú nhận tuy không rõ ràng nhưng mà thành thực. Bây giờ ta trao lại cho ngươi cây thước sắt ngày xưa và ngươi hãy cầm lấy nó mà cứu sinh mạng của ngươi.
Diện Hổ nói dứt lời thì ở dưới đài phóng lên một cây thước sắt. Diện Hổ đón bắt rồi chẳng nói chẳng rằng phóng mạnh vào người Thiết Hào. Thiết Hào nhanh như chớp hả miệng đớp lấy cắn chặt thanh sắt vào giữa hai hàm răng và nắm nó đưa soi lên dưới ánh đèn lồng, nói bằng một giọng vô cùng phẫn nộ:
- Đã khá lâu rồi, ngày nay ta mới trông thấy được mầy. Khí giới vũ phu, mầy đã làm nhục cho ta không ít, đã làm sầu não lòng ta quá nhiều.
Rồi quay lại Tiêu Diện Hổ, Thiết Hào nói:
- Từ khi thanh sắt của ta mất đi thì ta không còn dùng khí giới nào khác, ngoài bản thân của ta với đôi tay, đôi chân, với sức mạnh của khí lực trong người. Lệ thuộc vào khí giới là lệ thuộc vào một sức mạnh ở ngoài mình, là tự hạn chế mình. Ai ngờ trong cái rủi vẫn có cái may, mất đi thanh sắt tàn bạo và độc ác nầy ta mới khám phá được rằng ngay trong mỗi người chúng ta vẫn còn khá nhiều thanh sắt tàn bạo và độc ác hơn nữa. Bởi vậy ta không cần ngươi trao lại vật nầy đã từng đẫm máu của người đàn bà mà ta yêu mến ngày xưa, hôm nay trước mặt anh hùng tứ xứ, ta sẽ thủ tiêu món khí giới nầy.
Nói xong, Thiết Hào giở thanh sắt lên, thu hết gân lực bẻ gập làm đôi rồi bẻ gập làm tư, cuối cùng bóp lại thành một khối sắt nhũn. Đoạn thả xuống sàn đài, Thiết Hào dậm một gót giầy lên đấy khiến cho bẹp dí như lát gỗ mỏng. Cuối cùng, Thiết Hào vận dụng nội công hít một hơi dài kéo miếng sắt mỏng từ từ lên khỏi mặt sàn. Đến khi miếng sắt áp sát vào mặt mình rồi, Thiết Hào cắn lấy, đoạn phun mạnh vào trụ đài bên cạnh. Miếng sắt vun vút rạch làn không khí bay đến nghiến đứt cây trụ làm đôi, đánh rơi mấy chiếc đèn lồng ngả nghiêng ở trên sàn đài.
Tiêu Diện Hổ chứng kiến tất cả những trò chơi biểu diễn của Thiết Hào với một vẻ mặt ban đầu có ý khinh thường dần dần chuyển qua kinh ngạc và cuối cùng, khi nửa cây trụ đài đổ xuống thì Tiêu Diện Hổ không còn giữ bình tĩnh, vô tình lùi lại mấy bước, giữ im lặng hốt hoảng, không nói lời nào.
Thiết Hào biểu diễn xong rồi quay lại, thoáng nhìn Diện Hổ thấy rõ sự khiếp sợ của đối phương nên vội quay mặt đi để tránh cho họ Tiêu khỏi điều xấu hổ.
Bỗng Diện Hổ gào lên:
- Thiết Hào, ta đã thấy bản lĩnh của mầy đó rồi. Nhưng ta cũng thấy dã tâm của mầy hơn thế nữa. Mầy muốn đem tài năng che lấp tội ác, muốn đem kỹ thuật biểu diễn đánh tan ý nghĩ phục thù. Nhưng mà ta không quên được lời thề trên mộ của nàng Hồng Diệp. Ta phải liều chết để giết mầy.
Lập tức Diện Hổ phóng mạnh một cú đá vào người Thiết Hào, nhưng Thiết Hào đã lùi trở lại. Diện Hổ vừa hồi thế, chuẩn bị một cuộc tấn công quyết liệt, giương đôi mắt tròn xoe sòng sọc ánh lửa căm hờn và vểnh chòm râu quay nón rung chuyển trong sự phẫn nộ cực điểm báo hiệu một sự tập trung thần lực để dồn vào một sức chiến đấu cho đến kỳ cùng. Nhưng dưới đài một người đã lẹ làng nhảy lên như một chiếc lá vèo bay trước gió.
Khi người ấy rơi xuống, đứng giữa Trịnh Thiết Hào và Tiêu Diện Hổ thì Khải Hùng ngạc nhiên nhận rõ là người ăn mày ở trong ngôi miếu hôm nào.
Người ăn mày vẫn mặc áo quần cũ nát và rách rưới như lần trước nhưng trên đầu đã mất chiếc nón tả tơi mà có một vành khăn nhiễu màu tía còn mới tinh hảo. Giương cặp mắt sáng quắc trong một khuôn mặt gầy gò, xương xẩu, người ăn mầy cất một giọng sang sảng nói lớn:
- Ta đến quấy rầy các ngươi là điều có lỗi, mong rằng các ngươi lượng thứ cho ta. Nhưng vì ở đời có nhiều sự thật cần phải có người chịu khó nói lên thì mới bảo vệ được cho lẽ phải. Ta không muốn chứng kiến những cuộc tranh chấp cá nhân và càng không thừa nhận những sự hồ đồ. Ở đây có sự hồ đồ rất lớn giữa hai người vốn là hai bậc kỳ tài ở đất Hồi Giang. Ta muốn nhắc lại cái chết của nàng Hồng Diệp và ta biết chắc rằng không phải là Trịnh Thiết Hào đã có nhúng tay vào đó, giữa hai người nầy phải có một người thứ ba xen vào. Người ấy chính là thủ phạm giết nàng Hồng Diệp. Hễ phàm là người có võ nghệ, đã tự xếp hàng vào khách mã thượng anh hào, không ai lại chịu làm điều mờ ám và gây tội lỗi cho kẻ khác. Ở trong các vị đứng chung quanh đài, ta biết có người thủ phạm. Ta mong rằng kẻ ấy sẽ bước lên đây làm cho sáng tỏ sự thực.
Nói xong người ăn mầy im lặng nhìn quanh tỏ ý chờ đợi. Tất cả những người tập hợp chung quanh hết thảy đều nín lặng có ý đợi chờ. Một lát không có bóng người nào xuất hiện, người ăn mầy bèn quát lớn:
- Thực là khốn nạn cho kẻ làm điều tội lỗi lại gây tai họa cho người. Thế mà cũng tự cho mình là tay bản lĩnh, cũng tự thấy mình là khách anh hào. Thực là nhục nhã! Ném đá giấu tay không phải là tư cách của người mã thượng. Nay ta bảo thật, nếu kẻ hèn nhát giết nàng Hồng Diệp không dám cả gan thú nhận tội mình thì bắt buộc ta ra tay trừng trị.
Nói xong, người ăn mày dừng lại nhìn chăm chăm vào đám đông. Mọi người đang còn ngơ ngác bỗng thấy người ăn mày quát lên:
- Đứng lại!
Rồi chỉ tay vào góc đài bên trái nơi chỗ trụ đèn ngã đổ lúc nãy chỉ còn một vùng ánh sáng âm u. Và người ăn mày lại cất giọng nói sang sảng:
- Nhà ngươi đừng hòng trốn thoát khỏi đây. Bất cứ nơi nào ta đã phóng mắt bao trùm lấy được thì tất cả những cái xấu xa bẩn thỉu đều không trốn thoát được ta. Hãy bước lên đây lập tức.
Có tiếng ồn ào dưới đám đông rồi một gã to lớn râu xồm loi ngoi bước đến chân đài phi thân nhảy lên. Khải Hùng thấy rõ là gã chiếm đoạt chỗ nằm nơi miếu của người ăn mày đã bị hạ ngã trước miếu hôm nào.
Bây giờ trông gã không còn dương dương tự đắc như trong cửa miếu hôm nọ cúi rút viên gạch dưới thềm. Đầu gã cúi xuống để tránh một sự xấu hổ. Người ăn mày nói:
- Ngươi tiến lại đây!
Và gã ngoan ngoãn vâng theo như một đứa trẻ vâng lời người lớn.
Người ăn mày nói:
- Cái can đảm giết người không phải là cái can đảm thực sự. Đó chỉ là một thú tính cuồng điên, đó chỉ là một manh tâm bạo ác. Can đảm chân chính của con người là dám đứng ra bênh vực lẽ phải, bảo vệ sự thực. Thú nhận tội lỗi của mình là nhắm mục đích ấy. Ta biết rằng ngươi không bao giờ có thể có được cái can đảm ấy, bởi vì suốt cả đời ngươi, ngươi chưa can đảm bao giờ. Ngươi đã chiến đấu nhiều lần, chiến thắng nhiều lượt, xông pha nhiều chốn, cướp đoạt nhiều người, đã đi vào những hiểm nghèo như đi vào trong bóng tối, nhưng như thế chỉ là liều lĩnh phiêu lưu chứ không phải là can đảm. Do đó nay ta đòi hỏi nhà ngươi cái vật quí ấy, làm sao ngươi có thể có được? Hắc Sơn! Người đã ăn cắp thanh sắt của Trịnh Thiết Hào để giết chết nàng Hồng Diệp! Ngươi muốn gây chia rẽ giữa các anh hào võ hiệp, và muốn trả thù cho ngươi về một mối tình ngươi không thỏa mãn. Bao nhiêu năm trời ngươi trốn đi xa, bây giờ ngươi muốn trở về chỗ cũ làm gì? Là bởi vì ngươi nuôi nhiều ác ý nên đi đến đâu loài người cũng đuổi xua ngươi như xua đuổi loài ác thú. Ngươi đừng tưởng rằng thời gian có thể gột sạch tội lỗi. Không đâu! Thời gian càng làm sáng tỏ tội lỗi...
Người ăn mày dừng lại đảo cặp mắt sáng như sao ra bốn phía võ đài rồi nói:
- Bất cứ nơi nào trong đời chúng ta cũng có tranh chấp giữa thiện và ác nhưng phân biệt đâu là thiện, đâu là ác không phải là điều dễ dàng. Hắc Sơn! Bọn ngươi đã tìm mọi cách phá hoại để cho anh tài ở đất Hồi Giang không thể kết thành một khối. Nhà ngươi đã ăn cắp cây thước sắt của Trịnh Thiết Hào để giết nàng Hồng Diệp hầu chia rẽ giữa Tiêu Diện Hổ và Trịnh Thiết Hào, bởi vì hai người nầy trước kia đều đã đem lòng yêu mến Hồng Diệp. Rốt cuộc giữa hai người đây, họ Trịnh và họ Tiêu âm ỉ một mối căm hờn. Tiêu Diện Hổ vốn bản chất nóng nảy, nhiệt thành nên tự xem mình phải có bổn phận báo thù cho nàng Hồng Diệp. Còn Trịnh Thiết Hào cay đắng vì sự hiểu lầm đã mất nhiều năm truy tầm thủ phạm mà vẫn không thấy, sinh ra chán nản, buồn phiền. Yêu thương một người thật là chính đáng. Báo thù cho người mình yêu, đau khổ vì người mình yêu thực là chí tình. Nhưng đem cả cuộc đời mình phí bỏ vào một mục đích như thế, hủy hoại tâm hồn vì một lo âu như thế, ta thấy thực không hợp lý chút nào. Nay nhân gặp gỡ anh hùng tứ xứ tại đất Hồi Giang, ta muốn vì sự đoàn kết của các anh tài mà gây lại tình thân ái giữa Trịnh Thiết Hào và Tiêu Diện Hổ. Còn kẻ giết người vu phản là tên Hắc Sơn nầy đây, tùy liệu để cho mọi người phân xử.
Lập tức, ở dưới võ đài, nổi dậy nhiều tiếng la ó:
- Đánh chết nó đi!
- Phanh thây tên Hắc Sơn!
- Diệt trừ bọn phản loạn!
Tiếng la mỗi lúc mỗi mạnh hơn và càng lúc càng dậy lên như những đợt sóng cồn. Đợi cho lớp sóng người lắng xuống, Trịnh Thiết Hào mới từ từ tiến lại cạnh Tiêu Diện Hổ và cùng chìa cả hai tay để nắm lấy nhau.
Thiết Hào nói:
- Tất cả những nỗi đau khổ của chúng ta đây đều do những sự hiểu lầm.
Diện Hổ quỳ xuống cúi đầu nói trong những tiếng nghẹn ngào:
- Dám xin đại huynh tha lỗi!
Thiết Hào nâng Diện Hổ dậy và nói:
- Thôi, đại ca cũng không nên lấy đó làm điều phiền muộn mà nên cùng nhau vui mừng vì nay chúng ta đã hiểu nhau rồi. Biết được loài người không phải toàn là xấu xa cũng là một điều an ủi.
Và quay sang người ăn mày, Thiết Hào kính cẩn nói:
- Nếu không có ngài thì mối nhục lớn của tôi biết đến bao giờ mới được giải tỏ.
Tiêu Diệp Hổ cũng nghiêng mình nói:
- Và tôi phải gây tội ác vì sự nông nổi.
Người ăn mày nói:
- Thôi, chúng ta còn gặp gỡ nhiều về sau, không nên nói điều ân huệ làm gì. Bây giờ các ngươi liệu xử thế nào về tên phản loạn Hắc Sơn?
Trịnh Thiết Hào nói:
- Nó đã giết mất một người đàn bà đáng quí là nàng Hồng Diệp, nay giết nó đi lại mất thêm một người nữa, ích gì. Lấy trộm được cây thước sắt của tôi và vượt khỏi tường lũy của Phạm Lang Trung, tên nầy ít nhất cũng là tay bản lĩnh, rèn tập lâu dài. Nay giết hại nó thật là phí bỏ tài năng biết mấy. Hãy xin quý vị vì ích lợi chung mà để nó sống và nhờ bậc lão hiệp của chúng ta đây cải tạo cho nó nên người.
Mọi người đều yên lặng, có vẻ suy nghĩ. Giây lâu, ở dưới võ đài có nhiều tiếng nói ngụ ý bất bình. Hắc Sơn bây giờ mới quỳ xuống:
- Tôi xin thưa rõ điều nầy, trước khi chịu tội. Vì sao tôi giết chết nàng Hồng Diệp? Và giết hại nàng tôi lợi những gì? Thực ra, tôi không có oán thù gì với nàng Hồng Diệp cũng như với các anh hào tại đây. Nhưng từ thuở nhỏ đã bỏ công phu rèn luyện tập tành tự tạo cho mình bản lĩnh nên khi đến tuổi thành nhân tôi đi tìm lập công danh ở chốn kinh kỳ. Nơi đó, tôi trải bao nhiêu tháng ngày chạy chọt, luồn cúi, mà không sao tìm được một người có uy quyền tiến cử, tôi đâm chán nản kết giao với nhiều hạng bất lương, lui tới những chỗ ăn chơi, tửu quán trà đình. Dần dần tôi được quen biết với một tên thủ hạ của An Dương Hầu vốn là thám tử triều đình. Tên nó là Triệu Thanh Dân. Nó cho tôi biết triều đình từ lâu nghi kỵ Phạm Lang Trung có những manh tâm phản loạn vì thường tiếp đón những bậc anh hào ở đất Hồi Giang nên muốn trừ diệt, song chưa có cớ. Bởi vậy, Triệu Thanh Dân được lịnh gây điều hiềm khích giữa các anh hào thường hay lui tới dinh cơ họ Phạm. Sau một thời gian theo dõi chúng tôi được biết hai vị ở đây là Trịnh Thiết Hào và Tiêu Diện Hổ tài năng bản lĩnh hơn người, và cả hai vị đều đã đem lòng mến yêu Hồng Diệp, ái nữ của Phạm Lang Trung. Do đó, giết chết Hồng Diệp một cách kín nhẹm, khôn ngoan, để gây chia rẽ giữa các vị nầy và gieo rắc sự thảm sầu, nghi kỵ cho Phạm Lang Trung hầu làm tiêu ma tất cả ý chí khởi nghĩa của người. Sau khi thi hành kế hoạch tôi biết mình đã lỡ lầm và tự thấy mình đã đưa mình vào một cách hiểm nghèo khó nỗi toàn thân nên tôi tìm đường cao chạy xa bay. Cuộc đời của tôi từ đấy là đời của hạng bất lương, gây nên biết bao tội ác, không còn có chút nhân tình gì nữa. Nay lênh đênh phiêu bạt đã nhiều, trọn đời vẫn là một kiếp giang hồ túng đói, lại nghe ở đất Hồi Giang có đả lôi đài nên muốn trở về cho thỏa tấm lòng tưởng nhớ quê hương và sau là thỏa khát thèm chiêm ngưỡng những bậc kỳ tài. Bây giờ tội lỗi đã được bộc lộ, xin đem cái chết đền tội.
Nói xong, Hắc Sơn rút vội thanh gươm bên mình đâm ngay vào cổ. Nhưng nhanh như chớp Trịnh Thiết Hào kịp thời giằng lấy thanh gươm và nói:
- Gây điều xấu xa, tàn ác rồi khi tỉnh ngộ lại vội kết liễu đời mình, đó là một cách xử sự ích kỷ của kẻ yếu hèn, không tự chống lại với những ý ác ẩn chứa ở trong người mình. Bởi vì ngươi tự hủy diệt ngươi đi, tức là ngươi đã trốn thoát tất cả, xóa bỏ tất cả, thực không chính đáng chút nào. Không, nếu ngươi quả tình thấy rõ những việc ngươi làm từ trước đều là xấu xa, ích kỷ, thì ngươi hãy sửa đổi lại bằng một cuộc sống tốt đẹp hơn xưa để đền bù lại những nỗi thiệt thòi ngươi đã gây ra. Thôi, hãy đứng dậy đi, ta tin chắc ở đây vẫn còn kẻ sẵn sàng khoan dung đối với nhà ngươi.
Ngườí ăn mày từ nãy đến giờ im lặng bây giờ mới cất tiếng nói dõng dạc:
- Hỡi các anh tài tứ xứ tụ hội nơi đây! Mỗi người đến dự đêm nay đều nhằm vào một mục đích. Mục đích ấy tuy không hẳn là giống hệt nhau nhưng đều nhằm việc phát huy võ thuật của mình bằng cách trực tiếp lên đấu võ đài hay là quan sát, học hỏi tài năng kẻ khác. Song ta xin phép trình bày mấy lời thành thực sau đây, mong được các người lưu ý. Theo như ta nghĩ, thì nơi võ đài không sao lộ hết tài năng của các ngươi được. Đấu võ đài là sự biểu diễn tay đôi ở trong khuôn khổ, kiểu như một cặp gà chọi trong lồng, đôi cá lia thia trong lọ mà thôi. Võ đài chân chính của chúng ta đây phải là cuộc đời rộng rãi, cuộc đời phức tạp với bao nhiêu lẽ thiện điều ác giao nhau, tranh chấp với nhau từng phút, từng giờ. Bởi vậy, khuôn khổ của võ đài không sao lộ hết tài năng, bản lĩnh các ngươi, không sao lộ hết tinh thần, ý chí các ngươi. Võ đài không phải là cuộc đời thu hẹp, đó là hình ảnh méo mó cuộc đời rút ngắn, bởi vậy ta không tin rằng những kẻ thắng cuộc ở trên võ đài có thể thắng cuộc ngoài đời. Lại thêm, võ đài còn có cái tác hại lớn lao là làm cho các ngươi tự thấy thỏa mãn dễ dàng mà quên đi những cái sứ mạng lớn lao hơn nữa. Không, con người không thể tự mình bằng lòng những thành công nhỏ nhặt như thế. Do đó, đây chính là lần thứ nhất ta trèo lên cái võ đài bằng gỗ và cũng là lần cuối cùng ta đứng trên đấy. Ta muốn mời tất cả các ngươi cùng ta tìm đến một cái võ đài lớn hơn, rộng hơn, xứng đáng hơn nhiều. Ta kêu gọi tinh thần hùng tráng của các ngươi hưởng ứng lời ta, cùng ta đứng lên tập hợp lực lượng, gây nên sức mạnh, bảo vệ lẽ phải chống với tà tâm, ngụy ý, tiêu diệt gian trá, đánh đổ tham tàn. Nếu các ngươi cứ mang thanh gươm nghĩa hiệp cứu khốn phò nguy thì thử hỏi trong cuộc đời lầy lội tội ác nầy đây, các ngươi giúp được mấy người cùng khổ, cứu được mấy kẻ lâm nguy? Hay đó chỉ là một sự dối gạt lương tâm bằng vài hành động can cường rồi khoác vào mình một cái nhãn hiệu anh hùng, mã thượng, nghĩa hiệp trượng phu. Ta thật có lỗi khi đã xúc phạm các ngươi như thế, mong rằng các ngươi miễn chấp cho ta.
Song ta nhận thấy rằng mười vạn anh hùng nghĩa hiệp cũng không sao đủ để mà cứu vãn những điều khổ ải trên cuộc đời nầy. Chỉ có một cách: diệt lũ hôn quân, bạo chúa, đạp đổ gian tặc, nghịch thần, cử ngườĩ trí thức anh minh lên ngôi trị vì trăm họ mới mong xua sạch màn đêm u ám bao phủ non sông. Nhưng ta lại nhận thấy rằng, hễ vương triều nào chấp chính, ban đầu thì cũng cần mẫn siêng năng nhưng càng ngày thì càng trở nên lụn bại thối tha, mục nát, chỉ lo củng cố tư quyền, tư lợi mà không thương mến muôn dân. Vậy ta mong rằng các ngươi hãy cùng với ta hợp thành sức mạnh, xoay đổi thế cuộc rồi chúng ta cùng rút về nơi căn cứ lập một lực lượng an dân, hễ bất cứ triều đại nào thối nát thì sẽ quyết vì dân ra sức diệt trừ. Chúng ta sẽ tự làm lấy lúa gạo mà ăn, dệt lấy vải bố mà mặc, đời đời kiếp kiếp truyền cho con cháu chúng ta ý chí bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người dân, ủng hộ tất cả vương triều nào làm những điều hợp lý, tiêu diệt bất cứ lực lượng nào gây cảnh tham tàn. Nay ta nhắm thấy miền Ngũ Đài Sơn, núi cao hiểm trở, đất tốt dân thưa, có thể làm nơi tập hợp anh hùng, mưu việc lâu dài, các người đồng ý hay không?
Người ăn mày vừa nói dứt lời, thì những tiếng hò reo hưởng ứng rầm rầm chuyển vang như sấm dậy. Nhiều tiếng gào to:
- Xin lỗi hiệp sĩ cho biết tánh danh?
Người ăn mày nghiêng đầu nói:
- Ta là Vương Thái Hòa ở Liễu sơn.
Tức thì muôn ngàn những tiếng reo hò bốc dậy:
- Vương Thái Hòa vạn tuế!
Vương Thái Hòa lại dõng dạc nói:
- Ta mong gặp đủ chư vị ở Ngũ Đài Sơn một ngày gần đây. Thôi ta xin cáo biệt.
Và quay lại Hắc Sơn, họ Vương hỏi:
- Thế nào? Nhà ngươi có muốn theo ta hay không?
Hắc Sơn cúi đầu, đáp:
- Tôi xin sống chết vì ngài.
Họ Vương nắm tay Hắc Sơn và cùng phi thân xuống đài. Chỉ trong khoảnh khắc, cả hai biến mất trong bóng đêm dài.
Sau khi bế mạc cuộc đả lôi đài, cụ Thiết Hào mời Tiêu Diện Hổ và Đại Thường về nhà thì trời đã khuya lắm rồi.
Cụ Thiết Hào nói:
- Bao nhiêu oán hận riêng tư bây giờ coi như đã xóa sạch rồi. Chỉ còn một nỗi hận lớn mà Vương Thái Hòa vừa nói, tôi muốn lưu đại huynh lại bàn định xem sao.
Tiêu Diện Hổ trả lời:
- Đem cuộc đời ngang tàng của mình để trả thù cho kẻ nữ nhi mà không dám tiếc, lẽ nào lại tiếc vì một việc nghĩa lớn hay sao? Trịnh Đại ca cứ tin ở Diện Hổ nầy.
Trong khi hai người rót rượu ngồi đối ẩm dưới mảnh trăng khuya thì Đại Thường cũng theo Khải Hùng mà vào phòng ngủ. Sương càng thấm lạnh, hai vạt áo của Thiết Hào và Diện Hổ thảy đều ướt cả mà hai người vẫn chưa chịu đi nghỉ, mỗi người mỗi câu ôn lại cuộc đời đã qua trong giọng bùi ngùi.
Thiết Hào lại nói:
- Tôi đã nhiều năm sống kiếp giang hồ võ hiệp nhưng rốt cuộc lại tôi thấy toàn là phí bỏ sức lực vô ích mà thôi. Câu nói của Vương Thái Hòa thực là chí lý. Nỗi khổ ở trên cõi đời vẫn còn mênh mang như sóng trên mặt biển khơi thì sức mạnh một thanh gươm khó lòng trừ gian phò khốn cho có kết quả. Dù có trăm ngàn thanh gươm nghĩa hiệp cũng chẳng hơn gì. Cái đau khổ ngấm ngầm bủa lên khắp chốn, kìa núi rậm rừng sâu, trùng dương, đại hải, kìa là thị thành, kìa là đồng nội, ở đâu còn kẻ áp bức, còn những bất công là vẫn hãy còn đau khổ tràn trề.
Tiêu Diện Hổ nói:
- Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy rõ những gì đã chi phối cuộc đời tôi trôi nổi bấy lâu. Cái bản lĩnh anh hùng mà người ta thường nhắc đến với sự tôn xưng sùng bái chẳng qua chỉ là lòng tham vọng cá nhân vô nghĩa mà thôi. Anh hùng thay là kẻ vô danh! Mãnh liệt thay là sức mạnh không dùng dao kiếm! Và nghĩa hiệp thay là những kẻ đứng ra thu xếp cuộc đời rộng rãi dung chứa muôn vạn thế nhân trong lẽ nhân đạo công bằng.
Trịnh Thiết Hào cười nói:
- Ai ngờ đôi ta bàn bạc mà ý kiến tận cùng lại gặp nhau, thực là thú vị không biết chừng nào. Nhưng nếu tôi không lầm thì thái độ chúng ta đã vì tuổi tác mà nhuốm ít nhiều tính chất bi quan. Không nên! Không nên! Con đường ta đi vẫn còn là dài, nên để cho khí lực triển dương tươi tốt chớ đừng làm cho mai một tiêu diêu. Bây giờ ta đã hiểu nhau, xin hãy vì nhau đi lại ít đường quyền thuật để thêm kết mối giao tình.
Nói xong, Thiết Hào cởi áo đứng dậy. Lập tức Diện Hổ cũng cởi áo, đứng lên.
Thiết Hào cười hỏi:
- Chúng ta giao đấu với nhau hay sao?
- Đại ca đã muốn giải sầu tôi cũng xin vâng. Nhưng biết bản lĩnh cao cường của đại ca rồi. Nay có giao đấu, cũng là học thêm đôi ngón tài tình.
- Nếu quả cùng nhau chỉ vẽ ngón quyền thì rồi đây ta còn nhiều dịp tốt, đâu phải vội vàng ép uổng trong lúc khuya khoắc thế nầy. Nhưng thú thật với đại huynh, tôi vừa đánh hơi thấy kẻ lạ mặt lảng vảng quanh đây nên muốn cùng với đại huynh đuổi bắt xem nào.
Nói vừa dứt lời bỗng thấy một chiếc lá vèo bay rơi xuống trước mặt. Thiết Hào cúi xuống tỏ vẻ ngạc nhiên hết sức rồi đưa cho Tiêu Diện Hổ, nói rằng:
- Đại ca hãy nhìn chiếc lá mà xem.
Diện Hổ cầm lấy có vẻ suy nghĩ rồi cũng kinh ngạc nói lên:
- Quanh đây không có ngô đồng, mà lại rụng lá ngô đồng là một điều lạ. Hơn nữa, không phải gió thu mang lại bởi vì gió thổi theo chiều Đông Bắc, Tây Nam mà lá thì bay ngược chiều Tây Nam Đông Bắc, đó là hai điều lạ. Tay nầy phải là bản lĩnh khác thường!
Thiết Hào nói:
- Ta đoán lá nầy là của Thái Hòa.
Nói xong, bèn theo chiều lá bay lại mà gọi to lên:
- Mời Vương tiên sinh ghé vào tiệm rượu chơi nào!
Nói vừa dứt lời đã thấy Vương Thái Hòa lững thững đi vào.
Họ Vương nói:
- Được uống rượu khuya với kẻ thân tình dưới ánh trăng thu thực không có gì sung sướng cho bằng. Đó là giấc mộng đã có ngàn đời ôm ấp thế mà ta chưa được hưởng bao giờ. Nay lại tình cờ gặp gỡ, ta cũng trộm lấy lịnh ta mà tự cho phép ta đây vui với các người.
Rồi Vương Thái Hòa ngồi vào bàn rượu, cười tiếp:
- Kìa! Hai người mặc áo vào đi. Chẳng lẽ lại muốn giao đấu nữa sao?
Thiết Hào và Diện Hổ cùng cười và ngồi vào bàn rượu. Vương Thái Hòa nói:
- Căn cứ vào cái việc xảy ra trong đêm đả lôi đài nầy thì ta có thể rút ra một nhận xét sau đây về cuộc đời, là đa số con người giận nhau, thù nhau là vì có sự hiểu lầm. Xét cho đến cùng thì nhiều mâu thuẫn xung đột có thể hòa hợp với nhau một cách dễ dàng.
Uống xong một chén rượu, Thái Hòa nói tiếp:
- Đáng lẽ ra ta ghé lại đây từ sớm nhưng mà ta còn họp anh em để họ lên đường. Hai vị ở đây chắc không rõ rằng trong số những người đi dự đả lôi đài đêm nay quá nửa là người trong hàng ngũ chúng ta, đã mượn cớ dự đêm vui mà gặp gỡ cùng nhau, bàn định những điều cần phải xúc tiến. Anh em bây giờ đã lên đường rồi, ta ghé lại đây muốn cùng hai vị bàn thêm ít việc quan hệ. Hiện nay, lực lượng của ta đã được tăng cường đông đảo tập trung về mạn Dương Châu. Để giữ cho vững miền nầy ta có hai miền án ngữ quan trọng, đó là Liêu Giang và Hồi Giang vậy. Đất Hồi Giang nầy ta muốn nhờ cậy Thiết Hào giữ lấy và phát triển thế lực, còn đất Liêu Giang có Hàn Thủ Bá xưng hùng, y vốn là người nổi danh đại hiệp, có tài song không có chí, nếu biết tìm cách liên kết với y và bắt được y khuất phục thì rất có lợi cho ta. Liêu Giang là kho lương thực. Hồi Giang là kho nhân tài, Dương Châu là thế dựa lưng vô cùng hiểm trở, nắm được ba miền là tạo được vị trí và sức mạnh rồi đó. Bây giờ ta phải giã từ hai vị mà lên đường. Trước khi rời khỏi nơi đây ta có một điều căn dặn hết sức thiết yếu, đó là phải lo gấp rút thi hành ý định nắm lấy hai miền trước khi triều đình ra tay can thiệp. Sau đó phải cùng hạn định ba năm củng cố thế lực rồi sẽ khởi sự. Bắt đầu ngày mai trở đi nếu muốn tìm ta xin mời hai vị đến mạn Dương Châu. Ta cũng muốn nhờ hai vị điều nầy, là cho ta xin Khải Hùng cùng với Đại Thường đi theo với ta ngay trong đêm nay có được hay chăng?
Trịnh Thiết Hào và Tiêu Diện Hổ cùng nói:
- Nếu được sư huynh lưu ý thâu nạp như vậy thật may mắn không biết chừng nào.
Thiết Hào nói tiếp:
- Khải Hùng là người gốc ở Dương Châu nay được trở về quê cũ, còn gì sung sướng cho bằng. Nó chỉ là một đứa cháu nuôi của tôi thì tại sao lại không là một cháu nuôi của sư huynh được?
Diện Hổ cũng nói:
- Đại Thường là con của một gã lục lâm bị kẻ thù giết chết, tôi phải cứu mạng đem về nuôi dưỡng. Nó rất ham mê võ nghệ nên rất vui lòng mà cùng đi với sư huynh.
Thiết Hào bèn vào nhà đánh thức cả hai nhưng đến phòng ngủ thì nghe tiếng hai người rì rầm. Thiết Hào cười nói:
- Vẫn chưa ngủ sao? Ra đây có chút việc cần.
Khải Hùng và Đại Thường nghe nói được theo Vương Thái Hòa thì mừng rỡ lắm nhưng cũng không ngăn được sự buồn lòng vì phải xa cách Thiết Hào và Tiêu Diện Hổ. Nhất là Khải Hùng lưu luyến Yến Nhi và Tiểu Thanh, nay phải giã từ cảm thấy hết sức băn khoăn. Cụ Thiết Hào nói:
- Tất cả những cuộc chia tay ít nhiều cũng có điều buồn. Song không thể vì bảo vệ một đôi tình cảm vụn vặt mà quên ý nghĩa lớn lao của cả cuộc đời. Thôi, để cho Yến Nhi và Tiểu Thanh yên giấc, hai con thu xếp hành lý và kịp lên đường ngay bây giờ kẻo Vương tiên sinh chờ đợi.
Hai người đành phải cúi đầu tuân lệnh.
← Hồi 4 | Hồi 6 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác