Vay nóng Homecredit

Truyện:Tiếng sấm Dương Châu - Hồi 4

Tiếng sấm Dương Châu
Trọn bộ 7 hồi
Hồi 4: Hồi 04
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-7)

Siêu sale Lazada

Sáng ngày hôm sau Khải Hùng thấy mình tỉnh hẳn nhờ hoàn thuốc giải cảm linh diệu lạ thường. Nhớ lại sự việc trong đêm vừa qua nó tưởng như vừa trải qua một giấc chiêm bao. Nó muốn cáo từ các vị ân nhân để lên đường nhưng nhìn chung quanh không thấy ai cả.

Nó nhận thấy những người mà nó vừa gặp tuy diện mạo hung dữ, ăn nói cộc cằn nhưng bản tâm rất quảng đại. Còn bọn sai nha và tên hiệu úy ăn mặc sang trọng, tướng mạo phốp pháp lại là một lũ gian ác chỉ chực hãm hại những người vô tội. Khải Hùng suy nghiệm và trí não đơn giản của nó bắt đầu nhận thấy cái bề ngoài có thể nhiều khi trái ngược hoàn toàn với cái bề trong và đó cũng là một dịp để nó tìm hiểu sau nầy trên đời.

Nhờ được ăn uống no đủ nên Khải Hùng chèo rất nhanh và mấy ngày sau, xa xa Khải Hùng nhìn thấy ghe thuyền lố nhố chen chúc ở một bến sông thấp thoáng có nhiều nóc nhà ẩn hiện. Khải Hùng ẵm Tiểu Thanh đưa cao lên khỏi đầu mình cho nó nhìn phía trước, rồi bảo:

- Hãy cười đi bé Thanh ơi! Chúng ta đã đến nơi rồi.

Bé Thanh vẫy tay và nhoẻn miệng cười. Khải Hùng cảm thấy nôn nao một niềm vui, nhưng liền sau đó tự nhiên trong lòng cảm thấy buồn bã y như bắt đầu từ đây Khải Hùng mới thật xa lìa cảnh cũ, quê xưa, không có phương gì về lại để mà thăm viếng những kẻ quen thân, nhất là cụ già Thiên Hộ. Tự nhiên Khải Hùng chèo chầm chậm lại như muốn kéo dài cái cảnh lênh đênh trên một dòng sông đã thành quen thuộc.

Nó cúi xuống khỏi be thuyền uống một ngụm nước giữa dòng và tưởng như từ nơi Dương Châu xa khơi, cách trên hai mươi mấy ngày thuyền chạy, vẫn trôi đến đây làn nước quen thuộc ngọt ngào ý vị quê hương.

Khi đến bến, Khải Hùng nhận thấy có nhiều ngả sông rộng hơn chạy về lối khác, ghe thuyền đi lại khá nhiều và con sông nó vừa trải qua chỉ là một đường lối tắt trở về Dương Châu, xuyên qua những nẻo rừng núi hoang vu.

Hỏi biết là bến Hồi giang, Khải Hùng cột thuyền nơi bến rồi ẵm Tiểu Thanh tìm nhà cụ Trịnh Thiết Hào. Chẳng mấy chốc tới một ngôi quán nhỏ ở cuối dãy phố lá và thấy một cụ già hình vóc to lớn, tướng mạo gân guốc đường bệ khác thường ngồi ở quầy hàng. Đoán chừng đấy là người mình mong gặp, Khải Hùng đặt Tiểu Thanh ngoài cửa khép nép tiến vào chào thưa rồi lễ phép trình bày cảnh ngộ của mình. Trịnh Thiết Hào - người già ấy - chăm chú ngồi nghe, đôi mày nhíu lại, phóng hai con mắt tuy đã già nua song còn sáng quắc vào mặt Khải Hùng, và khi Khải Hùng dứt lời lấy chiếc ống điếu ra khỏi túi áo thì ông chụp lấy đưa sát vào mặt ngắm kỹ và kêu to lên một cách vô cùng hỉ hả:

- Trời ơi! ba mươi năm rồi ta mới gặp lại nó đây. Nó nhắc cho ta một quãng đời không bao giờ quên được. Cầm nó trong tay ta tưởng như đang đối diện với anh chàng Thiên Hộ và bao nhiêu kẻ khác. Hay lắm! hay lắm! ai ngờ lại còn có ngày gặp gỡ lại mầy!

Rồi ông đưa ống điếu lên săm soi, ngẫm nghĩ như nhìn một vật báu lạ nhất đời. Đoạn ông vừa gật gù vừa nói tiếp:

- Số là cái ống điếu nầy ta định tạc bằng đốt xương sống của thằng Hạng Lữ mà lại phải tạc bằng gỗ Thạch Đàn. Nhưng thôi, chắc mầy không sao biết được lai lịch của nó bởi vì mầy còn nhỏ quá mà anh bạn già Thiên Hộ của tao không phải là người ưa nói đến chuyện của mình. Mầy đã đến đây thế là quý rồi, nhà ta rất nghèo, vợ chết, chỉ còn một đứa con gái muộn màng chưa biết giúp đỡ gì được. Cái quán nầy cũng khá đắt nhưng người ta uống chịu khá đông mà hết phân nửa số người uống chịu không bao giờ trả được một đồng nào. Xem mầy có thể giúp đỡ cho ta được lắm.

Khải Hùng vội trình bày hoàn cảnh Tiểu Thanh và xin được chăm nom săn sóc đến nó. Nghe xong, Thiết Hào phá lên cười lớn:

- Cũng lạ cho mầy! Rõ là con cháu của anh Thiên Hộ có khác! Người ta đã ném nó đi mầy lại lượm lấy nó rồi bắt ta phải phụ lực với mầy mà nuôi nó nữa thì kể cũng là phi lý lắm đó.

Ông dừng lời rồi lại cười, nói tiếp:

- Thôi được, họa vô đơn chí, cả hai đứa mầy cùng đến một lượt càng hay! Thế cái con bé đâu rồi?

Khải Hùng ra ngoài thấy con bé đang ngồi dựa vào vách lấy tay vọc đất bèn cúi xuống bồng vào đặt trước mặt cụ Thiết Hào. Cụ già ngắm nghía một lát hồi nói:

- Con bé nầy trông cũng khá đấy. Tiếc là nó còn nhỏ quá không biết là con cái nhà ai. Nếu nó nói được ra lời mà ta biết rõ cha mẹ của nó thì trong ba ngày ta sẽ lấy đầu bọn chúng đem về xem chơi cho biết mặt mũi quân nào mà lại tàn nhẫn đến thế.

Rồi quay vào trong, ông gọi:

- Yến Nhi đâu rồi? Hãy ra bảo đây.

Từ trong, một cô gái độ chín tuổi, tóc để trái đào, nhanh nhẩu chạy ra, vòng tay cung kính, Thiết Hào bảo:

- Nầy, hãy ra mắt anh mầy, và giữ lấy em mầy. À, chú bé tên gì đây?

Khải Hùng đáp:

- Cháu tên Khải Hùng còn em nhỏ nầy cháu xin gọi là Tiểu Thanh.

Yến Nhi cúi chào Khải Hùng rồi chạy lại bồng Tiểu Thanh. Thiết Hào nói:

- Đùng một cái mầy có cả anh, cả em mà không cần mất công chờ đợi gì cả. Thế mà có kẻ bảo ở đời không có những cái bất ngờ thì là ngốc thật. Thôi, chú bé vào trong nghỉ ngơi rồi ngày mai ta sẽ dạy công việc cho mà trông coi hàng quán.

° Mờ sáng hôm sau, Khải Hùng vừa mới tỉnh dậy bỗng nghe có tiếng Thiết Hào sau nhà, vội vàng ngồi dậy chạy ra thì thấy ông già cởi trần để những bắp thịt rắn chắc đang giảng giải cho Yến Nhi đứng ở giữa sân mình mặc một bộ đồ chẽn màu đen, lưng thắt một giải lụa điều. Cụ Thiết Hào nói:

- Trong những lỗi lầm mà ta đã vạch để con sửa chữa, con phải chú ý điểm nầy: Người con gái không thua kém con trai mà còn có thể hơn hẳn con trai, nếu mình quyết tâm cầu tiến. Con nên nhớ rằng bất luận là trai hay gái, con người đều có một sức vô hạn, hễ biết phát triển thì càng cao xa không sao lường được cho đến tận cùng. Bây giờ con hãy tập "Hồ Điệp quyền" mười lượt, rồi ta sẽ chỉ dẫn tiếp cho con.

Thiết Hào nói xong, phất tay ra hiệu. Lập tức Yến Nhi nhảy tới một bước rồi lùi mình nhanh ba bước, xuống trung bình tấn, hai tay chuyển sang tả, đưa về hữu, đồng thời chân mặt đá lên và toàn bộ bắt đầu biến hóa mau lẹ, di chuyển linh hoạt trên sân y như một con bướm chập chờn trong nắng. Khải Hùng đứng nhìn sững sờ, nhiều khi tay chân vô tình bị lôi cuốn theo đà cử động của cô gái nhỏ, cũng vung vẫy một cách buồn cười.

Cụ Thiết Hào đứng yên không nhúc nhích, chăm chú nhìn theo nhưng không bỏ sót một mảy may điệu bộ nào của Yến Nhi và cứ mỗi lần cô gái thu người thấp xuống cho hai tay mềm dẻo uốn ra sau lưng, chuyển mình về bên trái như một con bướm thâu đôi cánh lại thì lập tức cụ Thiết Hào phất tay ra hiệu và Yến Nhi lại múa như cũ. Cứ thế đến lần thứ mười cụ mới vỗ tay, dậm chân, ra hiệu bảo ngừng. Yến Nhi dừng lại, buông xuôi hai tay thở dốc một cách vô cùng mệt nhọc. Cụ Thiết Hào bỗng quắc mắt, nạt lớn:

- Bớt thở lại! Giữ lấy thần sắc của mình!

Yến Nhi vội nén hơi thở mạnh và cố giữ một vẻ bình thản. Cụ Thiết Hào nói dằn từng tiếng:

- Trừ khi mầy đã đuối sức gần chết, không liệu cách gì có thể sống được thì không phải nói làm gì, bất cứ lúc nào cũng nên giữ lấy thần sắc của mình, làm chủ khí lực của mình, không nên để lộ cho tâm não mình biết rằng mình đang nhọc mệt. Kẻ nào mới mệt đã vội thở mạnh, mới đau đã vội kêu rên thì đã đầu hàng sớm quá không thể nào chiến đấu được với ai cả. Cái sức mạnh căn bản là cái sức mạnh ngầm chứa bên trong, vô hình vô lượng, chứ không phải là cái sức lộ rõ rệt bên ngoài. Ta xem con luyện tập hôm nay đã khá nhưng ba lần ta thấy con lui về thế thủ "Hồ Điệp phân hoa" hơi chậm và để hở bên sườn tay mặt. Liệu mà tập lại cho xong.

Đoạn ông cụ Thiết Hào xuống tấn, chuyển hết gân lực cho toàn thân nổi rõ những bắp thịt lớn vẫn còn rắn chắc như người trai trẻ, rồi đứng lên, bảo với Yến Nhi:

- Có ba cách hạ người: dùng sức để đánh người, dùng mưu để hại người, dùng thế để trị người. Riêng về đàn bà được phần uyển chuyển nhẹ nhàng nên dùng mưu, dùng thế thì lợi hơn nhiều. Thành thử ta cho con luyện sự mau lẹ là vì lẽ ấy. Kẻ nào dùng sức hạ người là hạng thấp kém bởi vì loài người khác với loài vật nhờ ở trí tuệ cho nên phải biết vận dụng trí tuệ của mình. Dùng trí thì có mưu có thế nhưng ta không dạy cho con dùng mưu vì là phương cách của một trí tuệ tầm thường không xứng với người võ nghệ chân chính. Trí tuệ cũng có hai mặt, mặt xấu và mặt tốt, có thể nói rằng dùng mưu là mặt xấu, dùng thế là mặt tốt vậy. Nhưng con phải nhớ rằng dù ta dạy cho con luyện thế ta vẫn không quên cho con luyện mưu và luyện sức để con hiểu rõ mà đề phòng, bởi vì trong đời, người ta quen dùng sức lực như phường súc vật, hay quen dùng các mưu mô như hạng tiểu nhân. Hơn nữa, trong các môn võ không có môn nào biệt lập hoàn toàn mà thực ra vẫn có tương quan chặt chẽ, do đó mưu vẫn giúp thế mau thành, sức vẫn giúp thế dễ đạt, điều nầy càng tập rồi con sẽ thấy.

Cụ Thiết Hào dừng lời, đưa tay chỉ lên đầu, lên ngực, xuống bụng rồi nói tiếp:

- Vì thế, quan trọng nhất là môn điểm huyệt. Phàm cơ thể con người muốn giữ vững sự sống phải nhờ ở nhiều năng lực, năng lực hô hấp của phổi, năng lực tuần hoàn của máu, năng lực thần kinh của óc, năng lực tiêu hóa của ruột. Mỗi năng lực đều có một điểm trung tâm là yếu điểm chính, và nhiều yếu điểm phụ. Đánh vào điểm trung tâm của bất cứ năng lực nào là đánh chết con người, đánh vào điểm phụ là làm cho con người tê liệt. Nhưng biết chỗ nào là huyệt chính, huyệt phụ, và làm cách nào để đánh cho trúng, đó là cả công trình. Nay con gần mười tuổi, phải tập năm năm liệu mới thành đạt. Từ nay cho đến cuối mùa nầy phải tập công phu sự mau lẹ bằng những môn võ đơn giản rồi sẽ học tập những môn công phu khó hơn nhiều. Thôi, hôm nay thế là tạm nghỉ được rồi.

Bỗng quay lại thấy Khải Hùng, cụ hỏi:

- Thế nào? Dậy sớm vậy sao? Con bé Tiểu Thanh có khóc đấy không?

Khai Hùng thưa:

- Thưa cụ suốt đêm nó ngủ được yên, bây giờ vẫn chưa dậy ạ.

Cụ Thiết Hào bảo:

- Từ nay ta gọi con bằng cháu, con cứ gọi ta bằng bác, bác cháu nhà ta cũng thân mật lắm rồi. Cháu có thấy Yến Nhi luyện võ đấy chứ?

Khải Hùng đáp:

- Thưa có. Thực là vô cùng đẹp mắt. Cháu chỉ mong sao từ nay được bác cho cháu theo Yến Nhi luyện tập.

Cụ Thiết Hào nói:

- Trông hình vóc và khí sắc của cháu rất tốt. Theo đuổi nghề nầy có thể thành công. Chắc anh bạn Thiên Hộ của ta khi đưa cháu đến đây cũng nhắm vào lẽ ấy.

Khải Hùng nhớ lại khi ra đi cụ Thiên Hộ không hề nói gì về Trịnh Thiết Hào là tay võ nghệ và suốt thời gian ở gần bên cụ Thiên Hộ. Khải Hùng chưa từng nghe nhắc đến những tay võ hiệp hoặc tỏ ra cụ có tài nghệ gì khác ngoài cái lòng tốt và sự khôn khéo trong cách đối xử. Cụ cũng không khuyên Khải Hùng về bến Hồi Giang mà chỉ vẽ ra trước mắt hai con đường, để tùy cho nó lựa chọn. Càng nghĩ nó càng thấy hành động của cụ Thiên Hộ thực là khó hiểu nhưng không dám trình bày sự thực về sự chọn đường của mình cho cụ Thiết Hào được rõ, ngại rằng sẽ vì thế mà bớt sốt sắng đối với mình chăng.

Bỗng cụ Thiết Hào hỏi:

- Cụ Thiên Hộ có nói gì về ta với cháu không?

Khải Hùng đáp:

- Thưa không.

Cụ Thiết Hào lại hỏi:

- Thế cũng không hề nhắc đến những chuyện gì về ngày xưa chứ?

Khải Hùng thưa:

- Vẫn không ạ.

Cụ Thiết Hào ra vẻ suy nghĩ rồi nói:

- Để ta sẽ nói qua cho cháu rõ ít nhiều về ta và cụ Thiên Hộ, dù cho cháu còn nhỏ quá không sao hiểu hết việc đời. Tuy vậy đã quyết dạy bảo cho cháu theo con đường võ nghệ mà không nói cho cháu biết sơ qua cuộc đời mà bọn ta đã từng trải thì cũng đáng tiếc.

Cụ Thiết Hào kể:

- Khi còn rất nhỏ, lúc ấy, ta còn cha mẹ và gia đình ta sống nghiệp thuyền chài. Một hôm gia đình ta đi đến Liêu Giang, nửa đường bị bọn cướp chận đánh. Cha ta là tay võ nghệ khá cao cường chẳng mấy chốc phá tan lũ cướp, nhận chìm cả lũ xuống sông. Tuy vậy em trai ta bị chúng giết chết, cho nên lòng ta không sao chịu được căm hờn, nhận thấy có một đứa nhỏ độ chừng một tuổi, có lẽ là con của bọn cướp ấy, bám vào mảnh ván loi ngoi trên sông, ta vội chèo đến nắm lấy rồi ném ra xa. Bỗng lúc ấy có chiếc ghe nhỏ trôi qua và một đứa bé trạc tuổi ta nhảy xuống vớt nó. Ta giận lắm bảo:

- Con của phường giặc cướp, cứu vớt làm gì.

Đứa trẻ kia đứng trên be thuyền của nó, ôm thằng bé vào lòng, nói sang:

- Trẻ thơ chưa mấy tuổi đầu, làm gì nên tội mà gán cho nó oan nghiệt của người lớn. Người ném thì ta lượm, ta đâu có giật lấy vật mà ngươi quí mến nâng niu. Nói xong, cho thuyền đi. Ta rất tức giận, nhưng thấy đuối lý nên đành làm thinh. Sau nầy đến bến Liêu Giang, tình cờ ta gặp gỡ lại nó trong quán cơm và từ đấy cùng thân nhau. Đứa trẻ ấy là Thiên Hộ. Thiên Hộ khác hẳn với ta nhiều điểm về tính tình, song ta rất thích vì ta nóng nảy mà Thiên Hộ lại trầm tĩnh, ta thích dùng sức mà Thiên Hộ lại dùng trí. Có thể nói rằng những gì mà ta thiếu thốn về phần tinh thần thì đều có thể tìm thấy ở nơi Thiên Hộ. Lúc gặp gỡ ta hỏi thăm đứa con của tên cướp thì Thiên Hộ bảo rằng đã gởi về cho một người thân thuộc không con, họ Lý, ở mạn Dương Châu để làm con nuôi. Nhớ chừng như Thiên Hộ đặt tên cho nó là Khải Hòa, lâu ngày rồi không biết trí não ta có lầm lẫn hay chăng, nhưng thôi việc ấy chẳng có gì quan hệ.

Khải Hùng lau nước mắt, cố nén cho lòng khỏi bị lôi cuốn theo dòng xúc động nhưng trong tâm não cứ lởn vởn cái hình ảnh cha mình ngày xưa phải sống một kiếp khổ sở rồi chết một cách oan ức nên lòng chẳng yên chút nào. Sau đó nghĩ lại, nhờ cụ Thiên Hộ mà Khải Hòa đã sống một đời lương thiện và giúp ích được cho nhiều người thì lòng nó cũng bớt khắc khoải. Khải Hùng nhớ đến trường hợp cứu vớt Tiểu Thanh lại càng cảm thấy an ủi vì mình đã xử sự hợp với ý nguyện của cụ Thiên Hộ.

Cụ Thiết Hào nói:

- Cháu nghĩ gì mà tư lự thế? Ta với Thiên Hộ còn nhiều chuyện lắm, không sao kể hết. Sau ngày gặp gỡ ở Liêu Giang ấy ta còn tìm cách gặp gỡ nhiều lần khác nữa và càng ngày càng thân nhau hơn. Ðến khi cha mẹ qua đời, ta tìm đến Thiên Hộ lúc ấy cũng mồ côi, rủ đi lập nghiệp. Ban đầu ra chốn kinh kỳ, chúng ta cũng gặp lắm sự vất vả nhưng cả hai cùng thấy rằng ở đấy không phải là nơi có thể xây dựng sự nghiệp lâu dài. Bắt đầu từ đó đã có sự chia rẽ. Ta thì chọn lấy con đường võ nghệ, cho rằng ở trong cuộc sống còn kẻ cường quyền áp bức và công lý chưa được phân minh thì chỉ có dụng võ là thượng sách. Còn Thiên Hộ thì cho rằng trau dồi tinh thần là chính, lấy sự đạo đức, lẽ phải mà khuyến thiện người bởi vì con người ai cũng hướng về những sự chính đáng, như nước nghiêng về chỗ trũng. Ban đầu còn nhân nhượng nhau, sau càng ngày hai bên đối nghịch càng găng không ai chịu thua ai cả, rốt cuộc đưa đến một cuộc xô xát và cố nhiên là ta thắng thế vì ta có theo đuổi võ nghệ từ nhỏ. Kể ra cuộc xô xát nầy là do ý ta muốn vậy chứ Thiên Hộ bao giờ cũng tránh sự đụng chạm, xem như mọi sự tranh chấp bằng võ lực là xâm phạm đến giá trị con người. Lúc ấy ta còn trẻ, còn hăng, chỉ cốt thủ thắng cho mình nhưng sau khi hạ xong Thiên Hộ ta lại thấy không yên lòng, hình như ta đã làm điều gì tội lỗi khi ta đánh bại một kẻ không dùng võ khí như ta. Từ đây, mỗi người mỗi ngả. Ta theo học về các môn võ nghệ, đi khắp đó đây, dùng tài võ nghệ định mở một lối đi trong đời, nhưng rốt cuộc ba lần đầu quân, ba lần bãi chức vì ta không sao chịu được những sự hành hạ của bọn cầm đầu bạo ngược hống hách. Cuối cùng ta giết một viên hiệu úy vì thấy y đã bốn lần đánh người dưới tay của y. Ta bị vào ngục, rồi ta vượt ngục, cải dạng đi khắp đó đây làm nên lắm sự ly kỳ, gây nên nhiều phen sóng gió, cuối cùng những kẻ đã chịu ơn đều xa lánh ta, ta phải trốn vào sống ở rừng núi Thập Sơn. Nơi đây ta lại được gặp anh bạn Thiên Hộ ngày xưa cũng là lang bạt kỳ hồ. Cuộc tái ngộ nầy thực là đặc biệt. Đó là một đêm trăng sáng về thu, đất trời vằng vặc, ta vừa qua ngọn Nhất Sơn thì nghe đói lắm, ráng đi tới ngọn Nhị Sơn thì bụng cồn cào không bước được nữa. May thay ta nghe có tiếng chuông khua trong núi và ta lần mò đi đến thì gặp được một nếp chùa ẩn trong cây lá. Ta gõ cửa. Một vị sư già ra mở cửa. Ta nói rõ hoàn cảnh đói khổ của ta và nhà sư khép cánh cửa lại, bảo là liên tiếp nhiều năm trong hạt mất mùa, không còn vật thực để mà nuôi kẻ lỡ đường. Ta tức lắm, bảo rằng:

- Thế thì nhà ngươi sống bằng thứ gì?

Vị sư bảo:

- Cố nhiên là ta phải sống bằng những thứ gì con người có thể ăn được. Nhưng ta còn phải giữ chùa, thờ Phật.

Ta rất quý trọng những kẻ tu hành, nhưng lúc quá đói lại nghe những lời nhẫn tâm như vậy ta không sao nén lòng giận, quát lên:

- Thế lòng thương người mà đấng Chí Tôn dạy bảo ngươi để ở đâu?

Gã kia không nói rút đao vung lên thì ta nhanh tay đã rút gươm chém kẻ ác tăng đã dám xâm chiếm cửa chùa để mà mưu điều vị kỷ, rồi ta vơ vét những gì có thể ăn được còn giấu trong chùa để gói mang đi. Ta qua xong ngọn Tam Sơn thì dưới ánh trăng gặp một xác người. May thay trên ngực người ấy vẫn còn hơi ấm, ta cứu sống xong thì bỗng sửng sốt mà nhận ra rằng đó là người bạn cũ của ta, anh chàng Thiên Hộ. Thiên Hộ chết đói giữa đường sau khi đã gõ cửa chùa một cách tuyệt vọng. Ta cho Thiên Hộ ăn uống xong xuôi và bảo cho anh ta biết rằng chính ta là kẻ đã giết ác tăng để mà cướp lấy đồ ăn thì Thiên Hộ có ý không bằng lòng. Thiên Hộ buồn rầu kể cho ta nghe cuộc đời của anh ta sau bao nhiêu năm xa cách. Thiên Hộ làm đủ nghề, học tập khá nhiều kinh nghiệm, từng trải cũng lắm gian lao, nghiên cứu bao nhiêu kinh sách thánh hiền nhưng suốt cuộc đời vẫn không sống được an thân vì cứ thực hành điều phải, lẽ thiện nên bị hãm hại khốn đốn, phải trốn vào Thập Sơn ẩn náu qua ngày.

Hai kẻ mang hai lý tưởng khác nhau và cứ tưởng mình thắng thế bây giờ gặp nhau trong cái hoàn cảnh thất bại, túng đói, thật là hết sức thảm thương. Nhưng đời ta quen sử dụng sức lực, lưỡi gươm ta không lấy cảnh éo le làm điều phiền muộn, trái lại còn xem đó như là niềm vui được dịp thử thách. Thiên Hộ thì hay suy nghĩ xa xôi, băn khoăn nhiều nỗi, nên dễ sinh lòng hoài nghi yếm thế.

Sau đêm trăng ấy, chúng ta dìu nhau vào mạn Thập Sơn. Ở đây chúng ta đã sống những ngày gian khổ nhưng hết sức tự do. Ta thâu thập thủ hạ, kết nạp những người tài giỏi cùng với Thiên Hộ lập hội Thập Sơn. Anh hào mỗi ngày một đông, thanh thế càng tăng. Chúng ta kéo nhau đánh phá nhiều nơi, triệt hạ được những kẻ thù ngày xưa. Thằng Hạng Lữ tàn bạo đã từng hãm hại Thiên Hộ, xua đuổi Thiên Hộ vào bước đường cùng bị ta bêu đầu giữa chợ. Ta muốn lấy đốt xương sống của nó tạc cho Thiên Hộ một chiếc ống điếu nhưng Thiên Hộ nhất định từ chối, cho rằng cái hình ảnh quen thuộc cần giữ phải là hình ảnh của lòng yêu thương, của sự đùm bọc. Cây gỗ thạch đàn mà ta tạc cái ống điếu kỷ niệm là cây gỗ ở bên đường, trong đêm trăng sáng, nơi ta đã cứu Thiên Hộ, sau khi giết kẻ trộm cướp xâm chiếm chùa chiền.

Cuộc đời chúng ta kéo dài nhiều năm như thế cho đến lúc bị triều đình tấn công, lực lượng tan vỡ. Thiên Hộ và ta phải rời Thập Sơn mà đi. Bọn ta cùng nhận thấy rằng cứ đem võ nghệ, tài năng mà phục vụ cho những mối tư thù nhỏ nhen thì không bao giờ giải quyết được gì xứng đáng, nếu không nói là chỉ gây thêm oán thù mới một cách vô ích. Vả lại hùng cứ ở nơi núi cao rừng thẳm chỉ là xa lánh mọi người, cuộc sống biệt lập ra ngoài xã hội chỉ thỏa mãn tâm sự riêng tư mà không đem lại yên vui lâu dài cho tâm hồn được. Thiên Hộ sau đó lại càng bi quan và không còn tin tưởng gì nữa. Thiên Hộ cho rằng trong cuộc đời mà sức mạnh không thuộc về lẽ phải, chỉ là do kẻ nắm quyền chủ định thì không mong gì làm được điều tốt, điều thiện. Ta không chia sẻ ý kiến ấy. Kể ra ta chẳng hơn gì Thiên Hộ, và ta lại phải thất bại liên tiếp trong đời, nhưng ta tin rằng tinh thần chiến đấu mà còn thì con người vẫn đáng sống. Sau đó bọn ta chia tay, mỗi người một ngả. Thiên Hộ thì về Dương Châu sống âm thầm, khuất lấp bên cạnh những người nghèo khổ, tự mình xóa bỏ với mình dĩ vãng phiêu lưu đã cũ, còn ta thì về Hồi Giang mở quán rượu nầy để thỉnh thoảng mượn rượu và sự giao tiếp mà nhắc nhở rằng mình hãy còn sống ở trên đời.

Cụ Thiết Hào bỗng thở dài rồi nói:

- Kể ra cuộc đời không phải là không có những phút thật buồn nản nhưng cuối cùng rồi cũng phải vượt qua cái buồn nản ấy để sống bởi vì con người còn có trách nhiệm với mình và với đồng loại.

Và sau một lúc trầm ngâm, cụ Thiết Hào nói:

- Đưa cháu đến đây gặp ta, ý hẳn Thiên Hộ đã thay đổi rồi. Ông ta chắc phải nhận thấy ở đời chỉ có đạo đức nơi lòng chưa đủ, còn phải có được khả năng thực hiện cái đạo đức ấy mới là hợp lẽ.

Từ đấy Khải Hùng bắt đầu luyện tập võ nghệ. Phương pháp mà cụ Thiết Hào truyền dạy cho Khải Hùng khác hẳn với phương pháp cho Yến Nhi. Mỗi sáng Khải Hùng phải mang những bao cát nhỏ chạy nhiều vòng trên sân và nhảy trên những mô đất sắp rải rác. Cứ thế bao cát tăng dần và mô đất cũng đắp cao dần. Mỗi chiều cụ bắt Khải Hùng tập cách nhào lộn nhiều lần để cho cơ thể hoàn toàn mềm dẻo. Được nửa năm, Khải Hùng mới học các môn võ nghệ, lúc ấy Khải Hùng đã mang được những bao cát lớn nặng bằng hai người để vượt qua những chướng ngại khá cao. Theo Thiết Hào thì trong vòng ba năm nữa Khải Hùng có thể phi thân lên nóc nhà một cách dễ dàng nếu sự tập luyện không bị gián đoạn. Tất cả các cử động về từng môn được cụ Thiết Hào dạy bảo hết sức kỹ lưỡng và bất cứ một thế võ nào cụ cũng theo dõi sát sao, hướng dẫn chu đáo, kỳ cho đạt đến cái mức vô cùng tinh nhuệ. Trong các môn võ nghệ, quyền thuật, Khải Hùng tỏ ra có năng khiếu về môn độc kiếm bởi vì cánh tay từ bé đã quen sử dụng mái chèo.

Sang năm thứ hai thì trong mỗi ngày tập luyện vào trưa, tối và sáng, cụ Thiết Hào buộc Khải Hùng phải định tâm để tập trung thần lực.

Qua năm thứ ba thì Khải Hùng đã tiến bộ nhiều. Một hôm đang trông cửa hàng, bỗng có người lạ mặt đi vào, xăm xăm tiến tới giữa nhà kéo ghế ngồi xuống, đập bàn quát lớn:

- Rượu đâu?

Khải Hùng hết sức khó chịu, cố dằn lòng, rót rượu đem lại. Gã kia vừa chạm môi vào chén đã vội kêu lên:

- Mầy dám gọi cái thứ nước hôi tanh nầy là rượu kia à?

Và gã cầm ngay chén rượu ném thẳng vào mặt Khải Hùng. Nhanh như chớp Khải Hùng đưa tay bắt lấy chén rượu và ném trả lại. Người khách né mình tránh khỏi và cất tiếng cả cười. Lập tức Khải Hùng nhảy đến, quát to:

- Nhà ngươi không được vô lễ.

Gã kia mỉm cười tỏ vẻ khinh bỉ trả lời:

- Chính mầy mới là vô lễ nhãi con.

Rồi gã nhấn mạnh từng tiếng nói tiếp:

- Mầy có ba lỗi mà không tự biết đó thôi. Một là mầy đem nước lã hôi tanh mà dám gọi là rượu quí. Hai là mầy dám ném chén vào mặt khách hàng. Ba là không biết kính nể, nhường nhịn một bậc tuổi tác vào hạng cha chú của mình.

Khải Hùng cả thẹn, toan liều một trận sống chết với người khách lạ, nhưng vừa tiến đến đã nghe cụ Thiết Hào nạt lớn:

- Dừng lại!

Quay lại, Khải Hùng thấy cụ Thiết Hào nghiêm sắc mặt, đứng ở lối thông ra ngã sau, có vẻ bất bình bèn vòng tay bước đến, cúi đầu tạ lỗi. Cụ Thiết Hào nói:

- Mầy thực là nông nổi, vụng về. Luyện tập cho mầy ba năm mà tưởng như mới rèn luyện ba ngày không bằng. Hãy xin lỗi khách đi nào.

Khải Hùng quay lại thì không thấy người khách ấy đâu cả.

Đang còn ngơ ngác, trong lòng bối rối thì cụ Thiết Hào đã lại nơi vò rượu lúc nãy rót ra trong chén, đưa vào tận mũi Khải Hùng, bảo rằng:

- Hãy nếm xem nào? Có phải là rượu đó chăng?

Khải Hùng bây giờ mới rõ không phải là rượu, hết sức phân vân, lúng túng.

Cụ Thiết Hào nói tiếp:

- Đây là ta mượn người quen thử con đấy thôi, một sự thử thách tầm thường đơn giản không so sánh kịp với những thử thách ngoài đời. Tuy vậy bấy nhiêu cũng đã tỏ rằng con có cái tư tưởng nguy hại là ỷ võ nghệ của mình. Người võ sĩ chân chính là kẻ đến bước cuối cùng mới cậy võ thuật. Trái lại, con thuộc vào những kẻ lợi dụng võ thuật ngay từ bước đầu. Thử hỏi nếu như võ thuật thất bại, thì con còn lại những gì? Chắc chắn là còn sự chết mà thôi. Hầu hết những kẻ chưa đạt đến cái cao đạo của nghề võ đều xem nó như là lợi thế duy nhất của mình và vội vàng sử dụng, không chịu thấy rằng đó là sức phản ứng hoàn toàn thú tính không hợp với trình độ con người. Càng giỏi võ càng không nên cậy dựa vào sự dụng võ, mà nên chứng tỏ tinh thần lớn lao của mình. Chính vì có tin vào sức mình mới nuôi dưỡng được cái sắc thái trầm hùng bền vững.

Khải Hùng nghe nói, cúi đầu xấu hổ. Cụ Thiết Hào lại nói:

- Chỉ còn ít tháng nữa là đến mùa trăng sáng về thu. Cuộc đả lôi đài ta định từ ba năm trước phải hoãn lại vì một lý do chưa tiện nói ra, ngày nay có dịp tổ chức được rồi. Con phải luyện tập công phu để có dịp thử sức với nhiều người bản lĩnh.

Sau câu chuyện xảy ra với người khách lạ, Khải Hùng lấy làm lo nghĩ rất nhiều. Nhận thấy mình vẫn còn những ý tự phụ, ỷ tài một cách nông nổi, Khải Hùng quyết tâm sửa đổi. Lại nghe cuộc đả lôi đài sắp tổ chức, Khải Hùng lại càng cố gắng ngày đêm rèn luyện hết lòng. Một hôm, nằm nghĩ lại những điều nghe được mơ hồ trong đêm giữa rừng, khi đang chèo thuyền về bến Hồi Giang, cuộc đả lôi đài nghe nói từ ba năm trước, và những người tướng mạo hung dữ bàn về thế đánh lợi hại, về tranh đoạt uy thế của Trịnh Thiết Hào, về cây gậy sắt đã giết người, khiến cho Khải Hùng băn khoăn suy nghĩ, không sao ngủ được.

Đang nằm thao thức, bỗng nghe có tiếng chân người đi nhẹ bên nhà. Khải Hùng định thần, lắng tai để dò động tỉnh. Nhờ lối luyện tập nhập thần công phu nên Khải Hùng nghe được những tiếng động rất xa và rất nhỏ. Một lát tiếng chân người nhẹ nhàng tiến về phía sau rồi vòng ra nơi phòng ngủ của Trịnh Thiết Hào. Khải Hùng ngồi dậy, vén nhẹ tấm rèm che cửa, nhìn theo thì thấy một bóng người to lớn đang thu hình lại, ép tai vào vách như đang nghe ngóng điều gì. Bỗng nhiên một chuỗi cười nổi lên sang sảng giữa đêm khuya khiến kẻ rình mò vội vàng đứng dậy, rút gươm thủ thế. Tiếng cười lại vang to hơn và Khải Hùng ngước nhìn thấy Trịnh Thiết Hào đang ngồi chồm hổm ở trên nóc nhà, khoanh tay trước gối, ngửa mặt mà cười dưới bóng trăng khuya.

Thiết Hào bỗng dừng tiếng cười, cất giọng đĩnh đạc:

- Ta chờ mầy lâu lắm rồi, không ngờ chúng mầy lại đến vào lúc nửa đêm khiến ta không sao ngủ cho yên giấc. Tiếc là công phu luyện tập của mầy còn thiếu sót quá cho nên ta đã nghe bước chân của mầy từ quán Đại Hưng ở ngoài đầu bến. Về bảo với gã chủ mầy là từ lâu ta vẫn có ý đợi chờ nó đến nhưng nên tìm đến vào lúc ban ngày cho khỏi quấy rầy giấc ngủ kẻ khác.

Gã to lớn kia như không nén được sự căm tức, nhón chân nhảy lên mái nhà, lần nầy trông có vẻ nhẹ nhàng như chiếc lá rơi. Chống hai tay vào sườn, gã đứng trước mặt Thiết Hào, nói bằng một giọng khiêu khích:

- Giữa anh của ta và mầy có một mối thù không đội trời chung, thế nào rồi cũng sống mái một trận. Nhưng ta đến đây không phải là để hành thích mầy đâu vì ta không quen làm điều ám muội bao giờ. Nhân đi qua Hồi Giang ta ghé thăm mầy giây lát rồi sẽ có ngày tái ngộ. Khi nào gặp lại hẳn hòi tao sẽ giao trả cho ngươi chiếc gậy dính máu từ mười năm trước.

Nói xong người ấy quay lưng lại, ung dung nhảy xuống sân nhẹ nhàng như trước và biến mất sau những căn phố đen dày trong đêm. Khải Hùng nhìn thấy Trịnh Thiết Hào, sau khi người kia đi rồi, có vẻ thẩn thờ và bây giờ đứng trước sân, cúi đầu suy nghĩ dáng điệu suy tư buồn bã. Thiết Hào đứng như thế rất lâu rồi mới vào nhà khiến Khải Hùng băn khoăn tự hỏi vì sao trước kia Thiết Hào có vẻ hiên ngang mà sau câu nói của người lạ mặt thì Thiết Hào đổi thay thái độ vô cùng đột ngột. Đầu óc còn thơ trẻ của Khải Hùng bắt đầu có mối nghi vấn, nó tò mò muốn tìm biết sự thật.

Qua những ngày sau, Thiết Hào có vẻ suy nghĩ hơn trước, cặp mắt vành môi thoáng những nét buồn. Trước kia đối với khách vào uống rượu, Thiết Hào vẫn thường nói chuyện vui vẻ, thì nay ngồi im nghĩ ngợi, chỉ ai hỏi mới khẽ nhếch mép, nghiêng đầu.

Một buổi sáng, giữa buổi đang mua bán ra vào tấp nập thì có một gã ăn xin từ ngoài bước vào. Gã ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, áo quần có vẻ mang nhiều gió bụi đường trường, tay trái chống gậy. Gã đội một cái nón lá cũ nát, vành che sụp xuống dưới mặt và vẫn để y như thế mà ngồi trong quán nên không ai trông rõ là trẻ hay già. Gã ngồi uống khá lâu một mình một chiếc bàn con và gần như không để ý đến ai nữa khác. Cứ thế gã uống từng chén nhỏ từ sáng cho đến trưa rồi mới từ từ đứng dậy, lần tay trong bọc, lấy một nén bạc để trên mặt bàn, gọi bảo Khải Hùng thối tiền.

Khải Hùng bước đến, người ăn mày nhìn chăm chăm vào mặt nó một lúc lâu rồi giữ chặt nén bạc trong tay không chịu bỏ ra. Một lát thấy Khải Hùng vẫn chắp tay đứng đợi có vẻ cung kính, gã bỏ nén bạc trên bàn rồi lấy ngón tay nhận xuống. Nén bạc từ từ lún sâu vào gỗ mỗi lúc mỗi sâu thêm và cuối cùng rơi tọt xuống dưới nền nhà.

Khi người ăn mày đi rồi, Khải Hùng vẫn chưa hết ngạc nhiên, đứng sững nhìn theo rất lâu, trong lòng lấy làm khâm phục. Lượm nén bạc đem vào cho cụ Thiết Hào, Khải Hùng trình bày trở lại đầu đuôi thì cụ Thiết Hào ra dáng suy nghĩ rồi hỏi:

- Gã ấy đi đã lâu chưa?

Khải Hùng đáp:

- Thưa chắc đã đi xa rồi.

Cụ Thiết Hào nói:

- Thế nào rồi gã cũng sẽ trở lại. Nhưng con đừng quá ngạc nhiên như thế. Phương pháp vận dụng nội công, phát dương thần lực tuy rất công phu nhưng vốn dễ tập. Ngày xưa khi chưa học đến môn nầy ta cũng nể sợ như con, nhưng khi học xong mới biết không phải là điều rất khó. Ban đầu ta nghe kể chuyện nàng Lý Hồng Hoa đang ngồi đọc sách, bỗng có hai gã ăn mày vốn là hai tay đạo tặc cải trang tìm đến nhà nàng cốt để dò la. Nàng bèn đóng cửa lại và ném vung tiền xuyên qua tấm cửa lim dầy rồi bảo: "Cho chúng mầy đấy", khiến cho hai tên đạo tặc vội vã kiếm đường lẩn trốn, biết gặp phải tay không vừa. Nghe câu chuyện ấy ta rất say mê luyện tập, nhưng sau nầy ta nhận thấy rằng tùy mỗi sinh hoạt và cá tính con người mà phải luyện môn võ phù hợp thì mới mong đạt đến tuyệt đỉnh được. Môn vận dụng nội công, phát dương thần lực là ngón sở trường của phe đạo sĩ, không phải của những hạng người có một cuộc sống bất thường.

Khải Hùng hỏi:

- Vậy gặp tay có bản lĩnh như thế, đối phó thế nào?

Cụ Thiết Hào cười đáp:

- Phải tùy đấy chứ. Nhưng nên nhớ rằng những hạng người luyện tập như thế thường kém nhanh nhẹn, kém đường quyền biến rất nhiều, chưa phải mười phần đáng sợ.

Hôm sau đang ngồi trong nhà, Khải Hùng bỗng nghe có tiếng léo xéo bên ngoài, bèn chạy ra thì thấy nhiều người xúm lại ở một ngôi quán trước mặt. Khải Hùng đến xem thì thấy người ăn xin hôm qua đang ngồi giữa quán, vẻ mặt bình tĩnh, trong khi chủ quán đang trợn mắt cố sức xô đẩy người ấy.

Chủ quán vừa thở, vừa nói:

- Nào, mầy có đi khỏi đây không?

Người ăn xin vẫn ngồi yên không nhúc nhích, ôn tồn trả lời:

- Ta nhất định chẳng đi đâu cả.

Chủ quán gào lên:

- Thế ngươi nhất định ngồi lì đây sao?

Người kia cười lạt đáp:

- Quán ngươi đâu phải là ngôi chùa cứu độ để ta phải lưu luyến ngồi lì, nhưng hiện giờ ta còn đói bụng, ta cần phải ăn, nếu ngươi chưa dọn các thứ lên đây thì ta vẫn phải ngồi chờ.

Chủ quán nói:

- Hàng quán ở đây là nơi ăn uống của hạng người sang trọng mà nhà ngươi thì rách rưới, bẩn thỉu, ta không tiếp đãi được. Ta nhất quyết không dọn.

Người ăn mày nói:

- Vậy thì ta nhất định ngồi chờ.

Chủ quán cáu tiết xông vào nắm tay người ăn mầy định kéo ra khỏi quán nhưng gã vẫn trơ trơ như đóng đinh vào ghế vậy. Lão chủ giận quá, kêu lên:

- Gia nhân đâu! Phụ lực với ta tống cổ tên nầy ra khỏi cửa hàng xem nào!

Bốn năm gia nhân lực lưỡng chạy đến, a vào, kẻ nắm tay, người nắm chân, kẻ xô lưng, người đẩy ghế nhưng gã ăn mày vẫn ngồi vững như một tảng đá khổng lồ. Ai nấy đều trợn mắt, hơi thở phì phào nhưng vẫn không khiến cho gã nhúc nhích.

Chủ quán vừa nói vừa lau mồ hôi nhỏ giọt:

- Quái, tên lưu đãng nầy bị trời trồng ở đây rồi chắc?

Bấy giờ gia nhân thấy thế kéo đến càng đông hè hụi cố sức xô đẩy nhưng vẫn không lay chuyển được gã ăn mày. Quang cảnh trông thực là kỳ lạ và buồn cười. Một lát, bọn gia nhân thẩy đều kinh ngạc và nhìn trân trân vào kẻ ăn mầy không dám đẩy nữa. Chủ quán nói:

- Thế là cả lũ chúng mầy chịu thua một tên bị gậy rách rưới gầy gò nầy sao? Xông vào!

Mọi người vẫn cứ đứng yên, đưa mắt nhìn nhau rồi nhìn kẻ ăn mầy. Gã vẫn ngồi tự nhiên, nét mặt không chút đổi thay như đang tư lự việc gì.

Chủ quán lại thét lên:

- Thực là một lũ ăn hại! Xông vào! Xông vào!

Nhưng chẳng một ai nhúc nhích. Giữa lúc ấy có tiếng xô mạnh chiếc ghế ở cuối phòng và một giọng oang oang cất lên:

- Hãy đứng cả lên, xem nào!

Mọi người quay lại và thấy một người to lớn ăn mặc rất sang, áo trắng dạ vàng thêu hoa xanh, thắt lưng bằng nhiễu hồng, đầu chiết khăn gấm màu hồ thủy, lưng đeo một thanh kiếm dài vỏ bạc sáng choang. Người nầy ung dung tiến đến đám đông, vẻ mặt hồng hào chất rượu, đưa tay vẹt cả lớp người qua hai bên rồi tới trước mặt gã ăn xin, chống tay vào sườn, nhíu mắt, xệch môi, gã gật chiếc đầu nói bằng một giọng khinh bỉ:

- Tên hành khất nầy định giở trò khốn nạn gì đây?

Người ăn mày liếc nhìn gã to lớn rồi quay mặt sang nơi khác.

Gã kia tức giận, hét lên:

- Mầy nhất định không nói đấy chứ?

Và tiếp liền theo câu nói gã tống một thoi vào mặt người ăn mầy. Nhưng bàn tay gã như chạm phải sắt đá, co rút trở lại vội vàng và gã không nén được tiếng kêu kinh hoàng. Lập tức, gã lùi lại, rút kiếm ra khỏi vỏ. Người ăn mày bây giờ mới ngước nhìn gã và cười lạt, bảo rằng:

- Bây giờ đến lượt ta nhắc lại câu hỏi của mầy vừa rồi: "Thế mầy định giở trò khốn nạn gì đây?"

Gã to lớn lăm lăm thanh kiếm trong tay, nói bằng một giọng hằn học:

- Mầy đã đem cái dơ bẩn của mầy phá rối nơi đây rồi lại giở trò tà thuật để khoe bản lĩnh của mình. Ta phải trừng trị mầy để làm gương cho kẻ khác.

Gã ăn mày bỗng cất tiếng cười rồi đáp bằng một giọng khinh bạc:

- Khá khen cho ngươi đã có tấm lòng hào hiệp những muốn răn dạy người đời. Nhưng mà rất tiếc nhà ngươi cũng quá nôn nóng cho nên nói điều nghĩa khí không nhằm phải chỗ. Ta chỉ là một kẻ nghèo nàn thì làm sao có được quần áo sang trọng như ngươí mà bảo đừng mang những miếng vải bố rách rưới dơ bẩn nầy được? Con người ta ăn mặc phải tùy theo điều kiện của mình, không thể vì muốn tỏ ra sang trọng mà ta phải đi giết người, cướp của để được cao sang!

Còn quán nầy lập ra là để buôn bán với mọi kẻ có tiền. Ta đây có tiền, ta không ăn chịu, lẽ nào lại không muốn bán cho ta? Hơn nữa, ai ngồi bàn nấy, ta dù rách rưới tanh hôi nhưng ta đâu có đem cái dơ bẩn của ta mà dí vào mắt các ngươi? Ta bảo cho nhà ngươi biết điều nầy: ta chẳng phá phách một ai, cũng chẳng giở trò tà thuật. Ta chỉ ngồi yên đợi thức ăn có thế mà thôi, khôn hồn cho những hạng nào vô lễ xâm phạm đến ta! Lần thứ nhất ta còn tha thứ, nhưng lần thứ hai ta quyết không dung.

Lời nói rắn rỏi của gã ăn mày vang lên trong căn phòng rộng khiến cho mọi người im lặng. Khi người ấy dứt câu ai nấy đều cảm thấy cái vô lý của người chủ quán cũng như của gã to lớn. Nhưng gã nầy nhất định không nhận thấy cái vô lý của mình, cho nên sấn tới và vung kiếm lên.

Nhưng... xoảng! Một cái bát sứ từ nơi quầy hàng ném lại rồi giọng nói của Khải Hùng cất lên:

- Đồ hèn nhát! Gây sự với một kẻ gầy ốm hơn mình tay không khí giới mà lại vung kiếm múa dao không thấy làm nhục sao?

Gã to lớn kinh hoàng nhưng cũng quay lại trợn mắt hỏi:

- Đứa nào đấy? Có giỏi thì ra đây?

Lập tức một cái bát thứ hai ném trúng mặt gã, máu mũi tuôn ra lênh láng. Người ăn mày ung dung đứng dậy, nói lớn:

- Thôi ta không muốn làm phiền đến nhiều người, để ta đi cho khuất mắt các ngươi. Nhưng chủ quán nên nhớ cho điều nầy: "Từ đây về sau đừng có giở giọng khinh kẻ rách rưới mà có phen tính mạng khó toàn".

Rồi người ăn mày từ từ đi ra. Mọi người dàn cả hai bên nhường bước. Gã cúi đầu, bước đi lặng lẽ như không mảy may chú ý chung quanh.

Khải Hùng lẽo đẽo theo sau và thấy gã ra khỏi xóm tiến vào một vùng đá sỏi hoang vu. Khải Hùng bèn cố đi theo xem gã về đâu cho biết. Đi được một đỗi thì thấy mất hút bóng gã, vội vàng cố sức chạy theo lại thấy gã đang lững thững trước mặt. Cứ thế một lát thì gã lại biến mất và Khải Hùng lại phải bương bả theo gót hết sức nhọc nhằn. Trông dáng gã đi có vẻ thong thả tự nhiên nhưng Khải Hùng chạy đến bao nhiêu cũng chẳng tới gần cho được. Cuối cùng, khi đã thở dốc nhọc mệt, Khải Hùng đã toan bỏ cuộc trở về, thì thấy người ăn mày dừng lại trước một tòa cổ miếu hoang phế nằm dưới một gốc si già.

Người ăn mày đứng trầm ngâm một lát, cúi nhìn xuống đất. Khải Hùng chạy đến núp sau một bụi gai lớn để tâm theo dõi thì thấy có manh chiếu nhỏ và một bọc gạo đổ tung ở trên nền gạch long lở, rêu phong. Ngước nhìn vào trong cửa miếu đóng kỹ có tiếng ngáy vang như sấm đưa ra.

Người ăn mày thong thả cúi nhặt một viên sỏi nhỏ, dang tay ném vào trong. Viên sỏi lướt vào như một phi đạn xoi lủng cánh cửa và lọt vào miếu gây nên những tiếng loảng xoảng bên trong như sự đổ vỡ của nhiều chén bát. Tiếng ngáy bỗng dứt. Giây lát cánh cửa xịch mở, một người hiện ra, râu ria xồm xoàm, vẻ mặt như còn ngái ngủ nói bằng một giọng khàn khàn:

- Định phá giấc ngủ của ta phải không?

Người ăn mày nói:

- Chiếm chỗ của người, rồi lại ném cả đồ đạc ra ngoài như thế nầy đây, lại còn lên giọng trịch thượng, vậy là thế nào?

Người kia nhếch môi như để mỉm cười, máy động chòm râu rậm rạp rồi thong thả đáp:

- Đây là chỗ của thần thánh, đâu phải là chỗ của ngươi! Hơn nữa, ta không muốn làm người giữ của cho bất cứ kẻ nào, chẳng lẽ ta phải ngồi ôm bọc gạo và manh chiếu rách của ngươi mà ngủ hay sao? Lại thêm từ xưa đến nay ta vốn quý trọng giấc ngủ của mình, sợ ngươi trở về lục lọi đồ đạc rồi quấy rầy, cho nên ta ném ra ngoài là có ý tốt cho ta và cho ngươi, ngươi còn muốn khiếu nại điều gì?

Người ăn mày ôn tồn nói:

- Ta nghe đất Hồi Giang nầy là đất anh hùng, thế mà cái phận ăn mày của ta vào quán thì người ta không cho ngồi, vào miếu thì người ta đoạt chỗ ngủ, biết làm thế nào? Nhưng thôi, nhà ngươi nằm ngủ xét ra có lẽ nhiều rồi, nhường lại cho ta một buổi.

Gã râu xồm cười khẩy một tiếng rồi đáp:

- Ta không phải là người ở cái đất nầy. Nghe nói Hồi Giang có đả lôi đài, bốn phương kéo đến, ta cũng muốn một nơi trọ để chờ, nhưng tiếc không có, phải mượn cái miếu nầy thôi.

Người ăn mày nói:

- Ngươi không biết rằng phàm khách giang hồ mã thượng đều tôn trọng quyền ưu tiên đấy sao? Ta rất buồn lòng phải nhắc nhở ngươi những điều vụn vặt như thế.

Gã râu xồm đáp:

- Quyền ưu tiên là quyền của kẻ mạnh chứ không phải của người đến trước.

Người ăn mày nói:

- Thế nghĩa ngươi là kẻ mạnh, phải không?

Gã râu xồm lạnh lùng trả lời:

- Chắc thế.

Lập tức người ăn mày ném chiếc nón lá tả tơi xuống đất để lộ một khuôn mặt gầy gò, hốc hác, ngẩng đầu lên, nói:

- Ta vì đói bụng mà mệt và buồn ngủ lắm rồi, nhưng cũng cố gắng trả lời cho ngươi thấy rằng điều làm chắc của người chưa phải là điều làm chắc của ta.

Gã râu xồm rời khung cửa, khoan thai bước ra, cúi xuống bệ gạch ven thềm, dùng hai ngón tay rút từ trong khối dầy đặc một viên gạch lớn, dễ dàng như người rút một chiếc đũa trong ống. Đoạn tiến tới gần người ăn mày gã ta đưa hai bàn tay bóp vụn viên gạch như người vò lấy chất bột ủ mềm. Rồi như để thách thức gã ném cả mớ bột gạch vào mặt đối thủ.

Nhưng người ăn mày gầy gò vẫn đứng yên, chuyển vận luồng hơi trong ngực lép kẹp thổi phù một cái nghe như là ngọn gió lốc ào qua. Tất cả đám bột gạch bị tạt trở lại trùm hết người gã râu xồm khiến gã loạng choạng ngã lùi, khắp người phủ đầy một màu nâu đỏ.

Sau khi trấn tỉnh lại được, gã râu xồm hung hăng nhảy đến phóng mạnh một đá quật ngang vào mình gã ăn mày nhưng người nầy nhẹ nhàng lách khỏi rồi lanh như chớp phóng trả một đá giữa ngực đối thủ. Gã râu xồm chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi nhào ngửa trên nền gạch.

Người ăn mày cười lạt nói:

- Thế thì kẻ mạnh hơn sẽ được ngủ trong miếu vậy.

Rồi cúi xuống lượm manh chiếu và hốt gạo vào bọc. Đi được ít bước, thì người ăn mày bỗng quay lại phía bụi cây, chỗ núp của Khải Hùng, truyền bảo:

- Thằng nhỏ về đi để cho ta ngủ yên lành. Nếu không nghĩ cái tinh thần sốt sắng của mầy đã ném vỡ hai cái bát của chủ quán thì có lẽ ta trừng phạt từ lâu cái sự tò mò tọc mạch của mầy. Còn gã râu xồm thì hãy nằm đấy, bao giờ ngủ xong ta sẽ nhường miếu lại cho.

Nói xong, người ấy lững thững vào miếu, đóng ập cửa lại.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-7)


<