← Hồi 17 | Hồi 19 → |
Tiết Cừu tình cờ liếc nhìn về phía Liễu Hồng Ba, định là nếu Liễu Hồng Ba còn chưa lên tiếng ngăn cản, chàng đành phải đại khai sát giới.
Nào ngờ, Liễu Hồng Ba chẳng rõ đã đi khỏi từ lúc nào, và ngay cả Khất Thực Càn Khôn Long Bần và các cao thủ Cái bang cũng đã mất dạng.
Tiết Cừu hết sức kinh hãi, biết hắn là có độc kế gì đó, bèn chẳng màng đến con rắn xanh nhỏ nữa, vung động Kim Liên Hoa bảo vệ khắp người, xông về phía cửa động.
Chưa đến cửa động, lũ rắn đã có hơn nữa số chết dưới Kim Liên Hoa của chàng.
Đột nhiên, Tiết Cừu cảm thấy cổ chân nhoi nhói như bị muỗi đốt, cúi xuống nhìn, bất giác hồn phi phách tán, thì ra chính là con rắn xanh nhỏ đã cắn vào cổ chân, và đang ngoạm chặt.
Tiết Cừu vừa kinh vừa giận, Kim Liên Hoa vung ra, quét cho rắn xanh bay ra xa mấy trượng, "bộp" một tiếng và vào vách động chết ngay.
Nhưng cổ chân Tiết Cừu đã để lại bốn lỗ đen nhỏ, hiển nhiên răng của rắn xanh đã gãy, để lại trên cổ chân chàng.
Tiết Cừu biết loài rắn xanh này rất độc, cắn người không sống qua một giờ, càng động đậy càng ghê gớm, máu càng lưu thông nhanh, càng chết sớm hơn.
Tiết Cừu lặng người, Kim Liên Hoa cũng bất giác chậm lại.
Bỗng nghe Biên Văn Huệ thét lên một tiếng kinh hoàng, Tiết Cừu kinh hãi cúi xuống nhìn, chỉ thấy Biên Văn Huệ một tay giơ cao, cũng bị một con rắn xanh cắn vào đầu ngón giữa, nhưng nàng hai mắt nhắm nghiền, sớm đã ngất xỉu.
Tiết Cừu lại vung Kim Liên Hoa đánh bay rắn xanh, trên ngón tay của Biên Văn Huệ cũng để lại bốn lỗ đen nhỏ, rất ngay ngắn như hai đôi mắt.
Tiết Cừu vội điểm khóa huyệt đạo của Biên Văn Huệ, ngăn cản độc tính dâng lên, sau đó mới nghĩ đến bản thân, cũng vội điểm vào huyệt đạo mình, nhưng đã muộn, cả chiếc chân sớm đã tê cứng.
Ngay khi ấy, chúng đệ tử Cái bang biết hai người đã bị rắn cắn, liền mừng rỡ hô vang, cùng vung động binh khí lao về phía Tiết Cừu.
Tiết Cừu một tay cắp Biên Văn Huệ, một chân đã tê dại, chỉ còn lại một tay và một chân, ứng phó với mấy mươi khất cái thật chẳng dễ dàng, bởi vì còn phải lo bảo vệ cho Biên Văn Huệ nữa.
Mặc dù lúc này đã không còn con rắn nào, nhưng Biên Văn Huệ khi bị rắn cắn đã sợ đến ngất xỉu, trở thành một người chết còn hơi thở.
Tiết Cừu thấy chúng khất cái lao đến, biết nếu còn lòng nhân từ chắc hẳn táng mạng tại đây, bèn buông tiếng quát vang, Kim Liên Hoa thi triển chiêu Kim Hoa Ngũ Phiến quét ra, liền có năm người ngã xuống đất.
Chúng khất cái thấy Tiết Cừu đã bị rắn cắn mà còn dũng mãnh như vậy, thảy đều sững sờ.
Đột nhiên, tiếng gió vù vù từ cửa động vọng vào, mọi người quay đầu nhìn, chỉ thấy từng cuộn khói đỏ từ hai bên tượng Phật bay vào, như được đẩy bằng chưởng lực.
Chúng khất cái chẳng rõ việc gì xảy ra, không chút khiếp sợ, nhưng Tiết Cừu thì cả kinh thất sắc, bởi chàng từng chứng kiến khói độc mà Quỷ Bà Ấn Thiền Quyên đã sử dụng cũng tương tự như khói đỏ này, liền vội nói:
- Đó là khói độc!
Chúng khất cái nghe vậy, thảy đều kinh hãi đổ xô chạy ra ngoài, nhưng vừa đến cửa động, chạm vào khói đỏ liền tức ngã lăn ra đất, thoáng chốc toàn thân đã vữa nát, biến thành một vũng nước máu, thịt xương chẳng còn.
Tiết Cừu thấy vậy, đâu còn dám xông ra cửa động, liền vội một chân tung mình về phía thạch thất.
Đại Phật động rất rộng, khói độc phải khá lâu mới lan tỏa khắp động, Tiết Cừu vào đến thạch thất, liền đặt Biên Văn Huệ xuống, nhưng chàng hết sức bối rối, nhất thời không biết phải xử trí thế nào.
Mắt thấy từng cuộn khói đỏ bay vào, dần dần đã lan tỏa hơn nữa sơn động, Tiết Cừu thật vô cùng lo lắng và căm hận, nghĩ phải chi lúc này có Liễu Hồng Ba ở đây, hẳn là nàng có ý kiến thoát thân.
Chàng tuy biết đầu óc mình không linh hoạt bằng Liễu Hồng Ba, nhưng cũng chẳng thể không vận dụng, tìm cách thoát khỏi hiểm địa này.
Diệu kế chưa rõ, khói đỏ đã ập đến trước mắt, Tiết Cừu đành phải liên tục vung động song chưởng, ngăn không cho khói độc bay vào cửa thạch thất.
Tuy nhiên, chưởng lực của chàng không thể nào hoàn toàn ngăn chặn hết khói độc, khói độc vẫn theo gió bay vào thạch thất.
Ngay trong lúc nguy cấp ấy, Tiết Cừu bỗng nảy ra một kế, chỉ thấy chàng quay lưng ra cửa, vận đề Huyền Qua thần công ngăn bít cửa thạch thất, khói đỏ liền dừng lại cách chàng hơn một thước, không tiến thêm được nữa.
Tiết Cừu hít sâu một hơi không khí, thấy Biên Văn Huệ trên đất cánh tay đã sưng to như đùi, và nước đen đang từ bốn lỗ nhỏ chảy ra.
Lại nhìn mình, càng khủng khiếp hơn, chân chàng đã sưng to như thùng nước, và bầm đen, nước đen như mực từ bốn lỗ nhỏ phún ra như tên bắn.
Chàng thầm nhủ:
- Phen này chết chắc rồi, không chết bởi khói độc thì cũng chết vì độc rắn!
Chẳng rõ bao lâu trôi qua, Tiết Cừu vận công chẳng dám mảy may lơi là, nhưng vận Huyền Qua thần công rất tiêu hao chân khí, vì tính mạng của hai người, chàng phải cố hết sức mình, họa may còn có cơ hội thoát chết.
Đột nhiên, cửa động vang lên một tiếng nổ long trời lở đất, liền thì lửa bốc cháy rừng rực, khói đỏ gặp lửa lập tức bốc cháy dữ dội.
Tiết Cừu lúc này đã gần sức cùng lực kiệt, chỉ cần chốc lát nữa, chàng với Biên Văn Huệ hẳn chết bởi khói đỏ, lòng mừng khôn xiết, liền cố vận đề một hơi chân khí sau cùng, ngăn bít cửa thạch thất.
Tuy lửa cháy rất mạnh, nhưng cũng tắt rất nhanh, chỉ thoáng chốc sơn động đã trở lại bầu không khí như trước.
Tiết Cừu thở phào một hơi dài, quả đã công tán lực kiệt, ngay cả đứng cũng không nổi, ngã ập xuống đất.
Ngay khi ấy, cửa thạch thất bóng người nhấp nhoáng, liên tiếp mấy người phóng vào, dẫn đầu lại là Khất Thực Càn Khôn Long Bần và Ngốc Tử Gia.
Tiết Cừu thấy vậy lòng đau như cắt, biết là hôm nay chết chắc, vì chân lực đã tiêu hao cạn kiệt, ngay cả đứng cũng không nổi, còn sức đâu mà chống lại những cao thủ Cái bang này.
Các cao thủ Cái bang vừa thấy Tiết Cừu không hóa thành nước máu như họ đã tưởng, thảy đều tột cùng kinh ngạc, đứng thừ ra tại chỗ.
Hồi lâu, họ thấy Tiết Cừu vẫn chưa đứng lên, mới đánh bạo đi đến gần.
Ngốc Tử Gia đá Tiết Cừu một cái, mai mỉa nói:
- Ôi chà! Đúng là không hề gì, bản lĩnh thật ghê gớm, nhưng muốn ra khỏi Đại Phật động, kiếp này ngươi đừng mong nữa!
Đoạn lại tung chân đá chàng cái nữa. Cái đá trước là vì y sợ Tiết Cừu giả vờ, không dám dùng sức, sau thấy Tiết Cừu không chút phản ứng, cái đá này mới dùng mấy thành chân lực, khiến Tiết Cừu đau đớn chau mày.
Tiết Cừu bản tính cao ngạo, dù đau đớn đến mấy chàng cũng không bao giờ rên rỉ.
Bỗng, có hai luồng ánh mắt sắc lạnh xuất hiện ở phía sau đám đông, đầy căm thù nhìn chốt vào Tiết Cừu.
Tiết Cừu rùng mình, quên mất nỗi nhục đá chàng của Ngốc Tử Gia, vội nói:
- Long bang chủ, người đứng phía sau Bang chủ là ai? Có thể dẫn kiến với Tiết mỗ không?
Ngốc Tử Gia cười khảy:
- Trên dương gian không làm gì được, lại còn định xuống Âm Ty kiện cáo với Diêm Vương, ta lấy mạng ngươi trước đã!
Đồng thời y đã vung tay, một chưởng bổ xuống. Nhưng đôi mắt y đã bị câu nói của Tiết Cừu ảnh hưởng, bất giác liếc nhìn ra sau.
Lập tức, y cũng rùng mình, tay chững lại trên không, hồi lâu cũng chưa buông xuống.
Thì ra người ấy không phải đệ tử Cái bang, trà trộn trong đám đông vào đây, nếu Tiết Cừu không nói, chẳng ai phát giác ra sự có mặt của y, Ngốc Tử Gia không kinh hãi sao được?
Khất Thực Càn Khôn Long Bần thấy Ngốc Tử Gia như vậy, cũng biết có điều không ổn, lập tức lạng người sang bên nửa trượng, rồi quay phắt lại, hai tay đưa lên ngang ngực giới bị.
Cùng lúc ấy, các cao thủ Cái bang cũng đã tản hết ra, quay người hộ thân, trở thành cục diện bao vây người ấy vào giữa.
Sau khi họ đứng yên mới nhìn rõ, đó là một người áo xám, chiếc áo xám to lớn phủ trùm từ đầu đến chân, chỉ chừa ra gương mặt mà thôi.
Chỉ thấy gương mặt ấy trắng bệch, không chút sắc máu, như cương thi đã chết lâu năm, nhưng đôi mắt thì lại sáng rực thần quang, thoáng nhìn cũng biết là một cao thủ nội công thâm hậu.
Các cao thủ Cái bang không hề biết người này, vậy mà lại có thể trà trộn vào đây không bị phát giác, hiển nhiên khinh công rất là cao minh.
Khất Thực Càn Khôn Long Bần phen này dùng mưu kế toan hạ sát Tiết Cừu, nửa công khai nửa mờ ám, công khai là Tiết Cừu đã quá mức đắc tội các phái chính tà trên giang hồ, mờ ám là Cái bang đã sử dụng thủ đoạn đê hèn bỉ ổi, tuyệt đối không thể để tiết lộ ra ngoài, tổn hại đến thanh danh của Cái bang.
Giờ này lại có người theo đám đông lẻn vào đây, nếu đồn đại ra ngoài giang hồ, thanh danh Cái bang hẳn sẽ sa sút trầm trọng, vĩnh viễn khó cất đầu lên được.
Thế nên, Khất Thực Càn Khôn Long Bần với thân phận Bang chủ, liền quát hỏi:
- Tôn giá là ai? Theo đệ tử Cái bang vào đây với mục đích gì? Xin hãy nói rõ!
Nhưng người áo xám mắt vẫn nhìn chốt vào Tiết Cừu, như không hề nghe lời nói của Long Bần, và từng bước vẫn tiến gần Tiết Cừu.
Khất Thực Càn Khôn Long Bần thấy vậy cả giận, liền quát to:
- Nếu tôn giáo không báo ra danh tánh, chớ trách Khất Thực Càn Khôn Long Bần này vô lễ!
Khất Thực Càn Khôn Long Bần ngỡ là đối phương không biết mình, nên báo ra danh hiệu, nào ngờ người áo xám chẳng thèm đếm xỉa đến ông, vẫn từng bước tiến về phía Tiết Cừu.
Ngốc Tử Gia thấy đối phương khinh người như vậy, sao thể chịu nổi, y vốn định hạ sát Tiết Cừu, song vì Tiết Cừu hoàn toàn không còn sức kháng cự, trước mắt người ngoài cũng chẳng tiện ra tay, e tổn hại đến thanh danh Cái bang.
Nhưng đối với người áo xám thì y chẳng cần khách sáo, bởi đối phương ngạo mạn khinh người, y cũng chẳng nói một lời bất thần xuất thủ, vung tay chộp vào ngực người áo xám.
Y xuất thủ nhanh như tia chớp, nếu không có võ công tuyệt đỉnh thật khó thể hóa giải, nhưng người áo xám chẳng chút nao núng, từ trong áo khoác chớp nhoáng vươn ra một bàn tay đen đúa như chân chim, nắm chặt lấy cổ tay Ngốc Tử Gia.
Ngốc Tử Gia vừa giật mình kinh hãi, đã bị người áo xám tiện tay kéo mạnh, người chúi tới trước hơn trượng rưỡi, cũng may y võ công chẳng kém, người vừa ngã sấp xuống, y hai tay chỏi mạnh, liền đứng thẳng lên.
Đệ tử Cái bang thấy vậy thảy đều cả kinh thất sắc, bởi họ đều biết chiêu thức vừa rồi của người áo xám, đó chính là Đại Cầm Nã Thủ uy chấn giang hồ của Cái bang.
Khất Thực Càn Khôn Long Bần tự lượng nếu là mình thi triển chiêu này cũng chưa điêu luyện và có uy lực đến vậy, trừ phi là Lão bang chủ Độc Cước Thần Khất.
Nhưng Độc Cước Thần Khất đã uống thuốc độc chết trong thạch thất rồi, vừa nghĩ đến chuyện ấy, Khất Thực Càn Khôn Long Bần hai mắt bất giác nhìn chốt vào mặt người áo xám, bởi mưu kế này ngoài ông ra, không người thứ hai nào biết.
Trong khi ấy, Ngốc Tử Gia một chiêu thất thủ đâu chịu cam tâm, chỉ thấy y sau khi đứng thẳng người, liền đi về phía người áo xám, trầm giọng nói:
- Bằng hữu đã ở đâu học được tuyệt kỹ của bổn bang, có giỏi hãy thi thố thêm vài chiêu xem thử!
Vừa dứt lồi, Ngốc Tử Gia lại vung tay chộp ra, lần này y chẳng những cẩn thận mà còn thi triển chiêu tuyệt học Long Hàn Phụng Dật trong Đại Cầm Nã Thủ.
Chiêu này trông chẳng có gì đặc sắc, nhưng thật ra hết sức hiểm độc, nếu không biết chỗ tuyệt diệu và công lực ngang nhau, chắc chắn không thoát khỏi độc thủ.
Nào ngờ, người áo xám vẫn điềm nhiên đứng yên, chờ khi Ngốc Tử Gia chộp đến, đột nhiên nhanh như chớp chộp vào cổ tay y, rồi mũi chân cất lên, đá y văng bay ra xa hơn hai trượng, vẫn là Đại Cầm Nã Thủ hết sức điêu luyện, Khất Thực Càn Khôn Long Bần tự lượng hãy còn kém xa.
Lần này Ngốc Tử Gia không còn may mắn nữa, ngã chỏng gọng trên đất, hồi lâu không ngồi dậy nổi.
Ngốc Tử Gia hai lần bị nhục, những người khác trong Cái bang không còn nhẫn nhịn được nữa, vừa định xông vào giáp công.
Bỗng nghe Khất Thực Càn Khôn Long Bần khẽ cất tiếng huýt, nháy mắt ra hiệu cản ngăn mọi người, ý là phải tìm hiểu đối phương lai lịch thế nào rồi hẵng động thủ.
Người áo xám thấy chúng đệ tử Cái bang không xông tới tấn công, y buông tiếng cười khảy, tiếp tục chậm rãi từng bước tiến về phía Tiết Cừu, vẻ căm thù và sát khí trong mắt càng mãnh liệt hơn.
Tiết Cừu nằm trên đất, bỗng lớn tiếng nói:
- Thì ra là lão...
Người áo xám giật nẩy mình, vội bước nhanh hai bước, vào trong thạch thất, một chưởng bổ xuống đầu Tiết Cừu.
Tiết Cừu kinh hãi, gom hết tàn lực lộn người, nhưng thân chàng như đá nặng ngàn cân, không sao lăn sang bên được, chỉ cảm thấy kình phong ập xuống mặt, hết sức ngạt thở, rồi bất tỉnh nhân sự.
Ngay trong khoảnh khắc nguy cơ như ngàn cân treo sợi tóc ấy, bỗng một luồng kình phong ập đến, đẩy chưởng lực của người áo xám sang bên, cứu Tiết Cừu thoát chết.
Liền theo đó, một tiếng quát lanh lảnh vang lên, một bóng trắng nhanh như chớp lao bổ vào người áo xám.
Người áo xám gặp đột biến, bất giác giật mình, vội tung mình ra khỏi thạch thất.
Bóng trắng đứng lại nơi cửa, mày liễu dựng ngược, cười khảy nói:
- Các người là cao thủ chính phái trong võ lâm mà lại dùng thủ đoạn bỉ ổi như vậy hại người, và còn ra tay hạ sát người không còn sức kháng cự, hôm nay phải cho các người biết, thế nào mới là tuyệt học võ lâm.
Thì ra bóng trắng ấy chính là Biên Văn Huệ, sau khi nàng bị rắn xanh cắn, sợ quá ngất đi, sau đó lại bị Tiết Cừu bít chặt cửa thạch thất, không khí không lưu thông, nên hồi lâu chưa hồi tỉnh.
Mãi đến khi khói độc bị lửa đốt tan, Tiết Cừu không còn bít cửa thạch thất nữa, không khí từ ngoài thoảng vào, nàng mới từ từ hồi tỉnh và cứu mạng Tiết Cừu.
Thế nhưng, cánh tay nàng vẫn sưng to và bầm đen, không thể cử động được, chỉ có thể một tay ứng địch.
Chỉ thấy nàng vừa dứt lời, liền lại tung mình lao bổ vào người áo xám.
Người áo xám vừa thấy Biên Văn Huệ, liền sợ hãi như gặp rắn độc, vội tung mình lui ra xa.
Biên Văn Huệ thấy vậy cả giận quát:
- Ngươi chạy hả? Sớm muộn gì ngươi cũng chết thôi!
Bỗng một bóng người cao to lướt đến, cản Biên Văn Huệ lại. Biên Văn Huệ liếc mắt nhìn, thì ra là Khất Thực Càn Khôn Long Bần.
Biên Văn Huệ hận thấu xương người của Cái bang đã thả rắn cắn nàng, vừa thấy Khất Thực Càn Khôn Long Bần cản đường, liền một chưởng tung ra, bổ thẳng vào ngực đối phương.
Khất Thực Càn Khôn Long Bần đã từng chứng kiến võ công của Biên Văn Huệ, lẽ nào không biết lợi hại, chẳng qua vì tình thế đã đối khác mà thôi.
Khi nãy có Tiết Cừu canh chừng bên cạnh, giờ Tiết Cừu đã kiệt sức nằm đất, không động đậy được, mà Biên Văn Huệ lại thọ độc thương, công lực sao thể không suy giảm.
Tuy nhiên, Khất Thực Càn Khôn Long Bần vẫn không dám khinh suất, vận hết mười hai thành công lực một chưởng tung ra, định ngạnh đấu với Biên Văn Huệ.
Biên Văn Huệ cũng tự biết lúc này công lực suy giảm, nhưng nàng vẫn chẳng xem đối phương ra gì.
"Bùng" một tiếng vang rền, Biên Văn Huệ chao người một cái, lùi sau nửa bước mới đứng vững lại được.
Nhưng Khất Thực Càn Khôn Long Bần loạng choạng lùi sau ba bước, ông thật không ngờ Biên Văn Huệ trong lúc thọ thương mà công lực vẫn còn kinh người đến vậy.
Biên Văn Huệ một chưởng giành được thượng phong, chưởng thứ nhì liền tức tung ra...
Nhưng ngay khi ấy, bỗng nghe Ngốc Tử Gia ngồi trên đất nói:
- Hãy kết liễu tên tiểu tử này trước rồi hẵng hợp lực đối phó với ả nha đầu thối tha này!
Biên Văn Huệ nghe vậy cả kinh, vội tung mình đến đứng ở cửa thạch thất, rút Phi Hồn kiếm bên lưng vung lên, chỉ thấy ánh bạc chói lòa.
Biên Văn Huệ cười lạnh lùng nói:
- Ai muốn phi hồn thì xin mời xông vào!
Ngốc Tử Gia lại lớn tiếng nói:
- Đừng vội xông vào, hãy vây hãm bọn họ!
Biên Văn Huệ không ngờ Ngốc Tử Gia xảo quyệt như vậy, trừng mắt căm thù nhìn y, bởi nàng chỉ còn một cánh tay, cứu người thì không sao nghinh địch, còn nghinh địch thì không sao cứu Tiết Cừu, ở lại trong thạch thất là chết chắc, huống hồ hai người đều đã bị độc thương.
Suy tới nghĩ lui, sực nhớ đến hai con quái điểu trên không, liền cất tiếng huýt vang, gọi chúng vào động trợ chiến.
Tiếng huýt vừa dứt, hai con quái điểu đã lao vào động.
Biên Văn Huệ thấy vậy mừng rỡ, lập tức trỏ tay về phía người của Cái bang.
Chúng khiếu hóa hiện diện thảy đều là cao thủ có hạng của Cái bang, nếu nói là khiếp sợ hai con phi cầm thì cũng quá đáng, nhưng hai con quái điểu này quá to lớn hung mãnh, lúc tấn công lại dùng mỏ sắc trước, rồi đến móng vuốt, sau cùng hai cánh vỗ mạnh, kình phong ập xuống, lại bay lên cao.
Chúng khiếu hóa dưới tình thế ấy, tuy chẳng dễ thọ thương, nhưng muốn đả thương hai con quái điểu cũng hết sức khó khăn.
Biên Văn Huệ lúc này mới xách Tiết Cừu lên, ném về phía một con quái điểu và lớn tiếng nói:
- Bắt lấy, bay ngay về đảo!
Quái điểu thật thông linh, đôi vuốt vươn ra, chộp lấy lưng áo Tiết Cừu, bay ra ngoài động.
Tiết Cừu đã thoát hiểm, Biên Văn Huệ liền tức ra oai, buông tiếng quát vang, vung động Phi Hồn kiếm lao bổ vào chúng khiếu hóa.
Chúng khiếu hóa tuy là cao thủ trong võ lâm, nhưng sao được cự nổi võ công tuyệt thế của Biên Văn Huệ, vả lại cộng thêm thần binh lợi khí như Phi Hồn kiếm, chỉ một chiêu đã có mấy người ngã xuống đất.
Biên Văn Huệ bỗng nhớ đến người áo xám, liền đưa mắt nhìn quanh, chẳng còn thấy người áo xám đâu, và ngay cả Khất Thực Càn Khôn Long Bần và Ngốc Tử Gia cũng đã mất dạng.
Biên Văn Huệ trong cơn thịnh nộ đã ra tay tàn sát, chỉ chốc lát chúng khiếu hóa thảy đều táng mạng. Khi ra đến ngoài động, chẳng còn thấy bóng dáng một người nào, bất giác lửa giận xung thiên, một kiếm bổ xuống chân tượng đá Tin chắc một kiếm bổ ra, ắt đá vụn tung bay, nào ngờ tượng Phật bỗng lui ra sau, thay vào đó là một tảng đá khổng lồ từ trên hạ xuống, bít kín thạch động.
Biên Văn Huệ vừa sửng sốt, bỗng cảm thấy đầu choáng mắt hoa, tay chân bủn rủn, bất giác cả kinh, không màng đuổi theo kẻ địch nữa, vội gọi quái điểu xuống, cưỡi chim về đảo.
Khi Tiết Cừu hồi tỉnh, thời gian đã là mấy ngày sau.
Chàng vừa mở mắt, liền thấy ngay Biên Văn Huệ cười ngọt ngào ngồi bên cạnh, nhớ lại mọi sự trước lúc ngất xỉu, bất giác cả kinh hỏi:
- Văn Huệ, chúng ta đang ở đâu vậy?
Biên Văn Huệ ngạc nhiên nói:
- Ở đâu ư? Ở thiên đường chứ còn đâu nữa?
Tiết Cừu lặng người:
- Ồ! Chúng ta đã chết thật rồi sao? Chúng ta sao thể chết được chứ?
- Ai nói chúng ta đã chết? Chúng ta chẳng phải vẫn khỏe mạnh là gì? Và ngay cả độc thương cũng đã khỏi rồi!
Tiết Cừu nghi hoặc:
- Huệ muội chẳng phải nói chúng ta ở thiên đường là gì?
Biên Văn Huệ bật cười:
- Chả lẽ Bách Hoa đảo này không phải thiên đường hay sao? Ngoài hai ta ra, không còn ai khác, chẳng phải lo âu gì cả!
Tiết Cừu vỡ lẽ:
- À! Ra đây là Bách Hoa đảo, làm ngu ca hết cả hồn, tưởng là chúng ta đã lên thiên đường thật rồi!
Biên Văn Huệ cười, cầm chiếc chén ngọc bên cạnh lên, trong chén sền sệt chẳng rõ là gì, Biên Văn Huệ dùng muỗng đút cho chàng ăn.
Tiết Cừu thắc mắc hỏi:
- Đây là gì mà cháo không phải cháo, thuốc không phải thuốc thế này?
Biên Văn Huệ như cố ý bông đùa:
- Cừu ca đừng thắc mắc, ăn rồi sẽ biết, đảm bảo không chết là được rồi!
Tiết Cừu đương nhiên biết Biên Văn Huệ không bao giờ hãm hại mình, nhưng chàng chưa từng ăn cái thứ này, không biết chua ngọt hay cay đắng, lòng không khỏi có phần e ngại, bất giác chau mày nhăn mặt, bóp mũi nuốt lấy một muỗng.
Biên Văn Huệ thấy bộ dạng chàng như vậy bất giác cười ngặt nghẽo, làm đổ cả chén, nhưng vẫn cười không thôi.
Nhưng Tiết Cừu sau khi ăn vào một muỗng, cảm thấy thơm ngon chưa từng có, muốn ăn nữa, nhưng thấy Biên Văn Huệ đã làm đổ hết, chàng thật tiếc đứt ruột.
Sau cùng, Biên Văn Huệ bụm ngực nén cười nói:
- Còn muốn ăn nữa hả?
Tiết Cừu vội năn nỉ:
- Làm ơn cho ngu ca một chén nữa được không? Chén to ấy!
Biên Văn Huệ dẫu môi cười:
- Tham ăn, muốn ăn tự đi mà lấy!
- Ở đâu? Ngu ca đi lấy!
Tiết Cừu nói xong phóng xuống đất, mới hay cái chân bị rắn cắn của mình quả thật đã lành lặn, không còn chút đau đớn nữa.
Biên Văn Huệ chỉ tay nói:
- Ở dưới vách núi kia, tự đi lấy đi!
Tiết Cừu chưa hỏi rõ đã lẩn tha lẩn thẩn chạy đi, lát sau quay trở về nói:
- Huệ muội đừng trêu cợt ngu ca chứ, ở đó chỉ có lũ chim yến, ngoài ra chẳng có gì khác.
Biên Văn Huệ chẳng những không thương hại, mà còn trách hỏi:
- Ai bảo Cừu ca không chịu hỏi rõ đã lẩn tha lẩn thẩn bỏ đi, Cừu ca có biết đây là gì không chứ?
Tiết Cừu đương nhiên không biết, chàng đành lắc đầu.
Biên Văn Huệ thấy điệu bộ lắc đầu của chàng thật tội nghiệp và nực cười bèn giải thích:
- Đây chính là tổ của chim yến, do gia mẫu phát hiện, nghe đâu có thể khỏe mạnh sống lâu, phản lão hoàn đồng, rất hữu ích đối với việc tu luyện nội công, nhất là sau khi bệnh khỏi, có thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Từ khi chào đời, tiểu muội đã được mẫu thân cho ăn tổ yến, nên công lực vượt hơn người thường rất nhiều, điều ấy không thể phủ nhận được. Năm xưa gia mẫu lâm bệnh nặng, tiểu muội có hỏi vì sao bà không ăn tổ yến? Bà nói đó là tâm bệnh, không thuốc nào chữa trị được, đồng thời cũng vì không đành lòng chia phần của tiểu muội, vì tổ yến rất ít, không đủ cho tiểu muội ăn.
Sau khi gia mẫu tạ thế, tiểu muội đã phát hiện những con chim yến vào lúc đẻ trứng mới làm tổ, khi làm xong mà bị mất thì sẽ lại làm tiếp, hết lần này đến lần khác, nên tiểu muội đã lấy tổ cất giữ, trong những năm qua chẳng những đủ cung ứng cho tiểu muội, mà còn thừa lại rất nhiều. Khi nãy chẳng phải tiểu muội thật sự bảo Cừu ca đi lấy, mà là muốn Cừu ca đi xem thử những con chim yến, những vách núi cheo leo, những hang động nóc bằng và xung quanh hết sức sắc bén, lúc lấy tổ yến thật chẳng dễ dàng.
Tiết Cừu đang kinh ngạc đứng ngây ra, Biên Văn Huệ đã lại bưng đến một chiếc chén ngọc mỉm cười nói:
- Hơn nữa, tổ yến chẳng phải lấy được là có thể ăn ngay, còn phải trải qua một công đoạn phiền phức nữa...
Biên Văn Huệ chưa nói hết lời, Tiết Cừu đã đón lấy chén ngọc, đưa lên miệng một hơi húp cạn, thật quá ư thơm ngon, ăn rồi còn muốn ăn nữa.
Lúc chiều tối, hai người ngồi dựa vào nhau trên bờ núi xem ráng chiều, bỗng một áng mây xám lướt qua, Tiết Cừu buột miệng kêu lên:
- Người áo xám!
Biên Văn Huệ cũng sực nhớ nói:
- Người áo xám ấy thật khốn kiếp!
Tiết Cừu gật đầu, mặt hiện ánh vàng nói:
- Y là tử đối đầu của Tiết gia!
Biên Văn Huệ ngạc nhiên:
- Cừu ca biết y ư? Y là ai vậy?
Tiết Cừu mắt chằm chặp nhìn theo áng mây xám:
- Hiện ngu ca chưa dám quả quyết, phải trở về Đại Phật động xem xét một phen mới có thể khẳng định sự suy đoán của ngu ca đúng hay không!
- Cừu ca nghi ngờ là ai vậy?
Tiết Cừu mắt rực tinh quang, giọng căm hận nói:
- Ngu ca hoài nghi y chính là lão khiếu hóa Độc Cước Thần Khất!
Biên Văn Huệ sửng sốt:
- Lão chẳng phải đã sợ tội uống thuốc độc tự tuyệt rồi sao?
Tiết Cừu vẫn mắt chăm chăm nhìn áng mây xám:
- Ngu ca nghi ngờ đó là thế thân của lão, nên phải quay lại Đại Phật động xem kỹ một phen mới được!
- Cũng may là động ấy đã bị tiểu muội vô ý phong bế rồi!
Tiết Cừu với ánh mắt dọ hỏi nhìn Biên Văn Huệ, nàng bèn kể lại trong lúc tức giận đã một kiếm bổ xuống chân tượng Phật, khiến thạch động bị một tảng đá to bít lại.
Sau đó, Biên Văn Huệ lại hỏi:
- Sao Cừu ca nghi ngờ là Độc Cước Thần Khất vậy?
- Lúc ngu ca kiệt sức ngã xuống đất, đã trông thấy người áo xám sử dụng Đại Cầm Nã Thủ rất thuần thục đối phó với Ngốc Tử Gia, rồi lại thấy y một cước đá Ngốc Tử Gia ngã xuống, lộ ra chân kia đen như sắt.
Biên Văn Huệ có vẻ không tin:
- Nhưng mặt y quá khủng kiếp, khác hẳn lão khiếu hóa đã uống thuốc độc chết trong thạch thất, sao Cừu ca dám quả quyết như vậy?
Tiết Cừu mỉm cười:
- Trong Cái bang tuy có rất nhiều người khuyết tay cụt chân, nhưng ngu ca hoài nghi lão khiếu hóa ấy đeo mặt nạ da người, Huệ muội có từng nghe đến cái trò ấy chưa?
Biên Văn Huệ mừng rỡ:
- Tiểu muội chẳng những từng nghe, mà còn có một chiếc, lần sau ra ngoài tiểu muội cũng đeo vào chơi, nếu Cừu ca không nhắc, tiểu muội cũng quên mất...
Biên Văn Huệ vừa nói vừa đứng lên, chạy vào một thạch động, lát sau mới trở ra đã biến thành một lão bà tóc bạc da mồi, và cũng khoác một chiếc áo xám to rộng.
Tiết Cừu biết trên đảo không có ai khác, và Biên Văn Huệ cũng đã nói trước, đương nhiên đây là Biên Văn Huệ giả trang, nhưng khi trông thấy chiếc áo choàng xám, lòng bất giác rúng động hỏi:
- Huệ muội, những thứ này của ai vậy?
- Cừu ca thấy tiểu muội vậy có khôi hài không?
Tiết Cừu lòng đang bồn chồn, đâu còn tâm trí mà đùa, lại hỏi:
- Huệ muội, xin hãy cho ngu ca biết, những thứ này của ai vậy?
Biên Văn Huệ thấy chàng mặt đầy vẻ đau khổ, vội dùng tay vuốt mặt, trở lại mặt thật nói:
- Cừu ca, có gì không ổn ư?
Tiết Cừu nhìn trố vào chiếc áo choàng xám, lại hỏi:
- Ngu ca chỉ hỏi muội, những thứ này của ai?
Biên Văn Huệ ngẩn người:
- Của gia mẫu!
Tiết Cừu bàng hoàng, một bóng đen liền phủ trùm cõi lòng chàng, như có dự cảm chẳng lành.
Đột nhiên, hai tiếng chim kêu hối hả vang lên, hai người cùng ngước lên nhìn, chỉ thấy hai con quái điểu lao nhanh xuống mặt biển, ngạc nhiên chú mắt nhìn, thì ra trên mặt biển có ba chiếc thuyền buồm, đây là chuyện chưa từng có trong nhiều năm qua.
Biên Văn Huệ cười khảy nói:
- Hay lắm, lại tìm đến Bách Hoa đảo của Biên Văn Huệ này, phen này phải cho các ngươi nếm mùi lợi hại mới được!
Dứt lời, nàng đứng phắt dậy, bỗng cảm thấy đầu óc choáng vàng, mặt mày tái xanh, lảo đảo suýt ngã.
Tiết Cừu vội ôm ngang lưng nàng, hoảng hốt hỏi:
- Huệ muội sao thế này?
Biên Văn Huệ nép vào vai Tiết Cừu, hồi lâu mới thẹn thùng nói:
- Tiểu muội không sao!
Nhưng vừa rồi mặt mày tái xanh, giờ bỗng chốc đã trở nên đỏ bừng, thậm chí đỏ đến mang tai.
Tiết Cừu hết sức lấy làm lạ, nắm chặt lấy nàng nói:
- Thật ra là chuyện gì vậy?
Biên Văn Huệ biết tính Tiết Cừu rất ương ngạnh, nếu không nói, chàng không bao giờ chịu buông ra, đành cúi đầu bẽn lẽn nói:
- Tiểu muội đã có... có...
Tiết Cừu sốt ruột hỏi:
- Có gì vậy?
Biên Văn Huệ cười:
- Rõ ngốc, Cừu ca sắp làm cha rồi!
Tiết Cừu sững sờ, chẳng rõ vui mừng hay là gì khác, theo lẽ một người sắp làm cha là phải vui mừng mới đúng, nhưng chàng lại khác, bởi chàng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ấy.
Trên Quát Thương sơn, bởi Âm Dương thư sinh đã gây nên mối duyên tình này, lẽ ra có thể nói chàng do họa mà được phúc, nhưng sau đó chàng không còn dám gần gũi với Biên Văn Huệ nữa.
Thật nằm mơ cũng chẳng ngờ, chỉ một lần ân ái đã để lại hậu duệ.
Tuy nhiên, nếu biết chuyện này sớm hơn, hẳn chàng cũng rất vui mừng, song vì khi nãy chàng đã nhìn thấy chiếc mặt nạ da người và chiếc áo choàng xám của Biên Văn Huệ, lòng chàng lại bị ám ảnh, sợ lại xảy ra trường hợp như Liễu Hồng Ba, và lần này lại càng rắc rối hơn.
Biên Văn Huệ thấy chàng đứng thừ ra, vội lay chàng nói:
- Cừu ca sao thế này?
Tiết Cừu giật mình quay về hiện thực, vội nói:
- Không sao! Ngu ca đâu có gì!
Biên Văn Huệ cũng không gạn hỏi, bởi ba chiếc thuyền buồm kia đến quá nhanh, lúc này đã cặp vào bờ đảo.
Tiết Cừu và Biên Văn Huệ đứng trên núi, tuy khoảng cách xa không nhìn rõ đối phương là ai, nhưng biết là nhân số chẳng ít.
Chỉ nghe Biên Văn Huệ nói:
- Cừu ca giờ chẳng những thể lực đã hồi phục mà công lực còn gia tăng không ít, chúng ta hãy hợp sức giết sạch bọn họ, một người cũng không cho thoát khỏi đây!
Tiết Cừu bình tĩnh nói:
- Đừng vội, hãy xem họ là ai trước đã!
Đoạn liền dẫn trước đi xuống núi, Biên Văn Huệ vội cởi áo choàng và mặt nạ ra, cất trở vào chỗ cũ, rồi theo sau Tiết Cừu xuống núi, đi đến bờ biển.
Chỉ thấy trên bãi cát có đến hơn hai mươi người, trong số có đạo sĩ, có hòa thượng, có cả người của Cái bang và một số lão nhân tục trang, nổi bật nhất là một thiếu nữ áo đỏ và một người đàn ông ăn mặc như nông phu.
Thiếu nữ áo đỏ lưng giắt trường kiếm, bên lưng đeo túi da, không đẹp lắm và mặt đầy yêu khí, hiển nhiên không phải người đứng đắn.
Còn người nông phu tuổi trạc lục tuần, mặt mày đỏ bóng, râu cằm ngắn ngủn, hai mắt tròn xoe sáng rực tinh quang, thoáng nhìn cũng biết là một cao thủ nội ngoại công kiêm toàn, nhưng ăn mặc rất đặc biệt, ngoài quần áo cộc vải thô của nhà nông, ống quần còn xoắn lên cao, và vai vác một chiếc cuốc sắt.
Những người ấy đứng thành một hàng dài quay lưng ra biển, sóng vai đi lên đảo, khí thế như muốn san bằng cả hòn đảo này vậy.
Những người ấy Biên Văn Huệ không biết nhiều, nhưng trong số có một người nàng căm hận nhất, đó là Ngốc Tử Gia của Cái bang.
Tiết Cừu cũng vậy, ngoại trừ người của Cái bang, trong số đạo sĩ chàng chỉ biết ba người là Lệ chân nhân, La chân nhân và Phương chân nhân của phái Hoa Sơn, cùng với Dư Phi Long, Điền Thịnh Quang, Sài Thu Dân, Thi Phí và Châu Thiên Phúc của phái Vô Cực.
Điều khiến Tiết Cừu kinh ngạc không phải thiếu nữ áo đỏ, cũng chẳng phải lão nông phu, mà là một trong số mấy vị lão hòa thượng, đó là Pháp Nguyên thiền sư, Chưởng môn hiện nhiệm của phái Thiếu Lâm.
Chàng hết sức lấy làm lạ, Pháp Nguyên thiền sư là Chưởng môn một phái mà lại xa rời Tung Sơn vượt biển đến cô đảo này, chẳng rõ với mục đích gì? Chả lẽ cũng vì mình hay sao?
Tiết Cừu đang thắc mắc suy nghĩ, Biên Văn Huệ đã buông tiếng quát vang, ngăn đối phương lại và nói:
- Các ngươi là cái thứ gì? Chưa được bổn cô nương cho phép mà lại dám đặt chân lên Bách Hoa đảo, hẳn thảy đều chán sống cả rồi...
Biên Văn Huệ chưa dứt lời, Tiết Cừu đã vội ngăn lại.
Chỉ thấy Pháp Nguyên thiền sư vượt mọi người tiến lên hai bước, hướng về Tiết Cừu thi lễ vãn bối nói:
- Sư thúc dạo này vẫn khỏe!
Tiết Cừu vội đáp lễ nói:
- Lão thiền sư tuyệt đối không nên vậy, nhờ hồng phúc lão thiền sư, Tiết Cừu vẫn khỏe!
Mọi người nghe vậy thảy đều sững sờ, hết nhìn Tiết Cừu lại nhìn Pháp Nguyên thiền sư, bởi không ai nghĩ được xuất thân của Tiết Cừu, và càng không ngờ Thiếu Lâm chưởng môn Pháp Nguyên thiền sư này lại gọi Tiết Cừu là sư thúc.
Lại nghe Tiết Cừu nói:
- Lão thiền sư xa rời Thiếu Thất phong đến chốn hoang đảo này, chẳng hay có việc gì vậy?
Pháp Nguyên thiền sư thoáng chau mày:
- Bần tăng phụng thủ dụ của Bi Linh sư thúc, tìm sư thúc có điều cần nói!
Tiết Cừu giật mình, nghĩ lại mình từ khi rời Thiếu Lâm tự đến nay, chưa hề giết người vô tội, không có gì hổ thẹn với lương tâm, bèn nói:
- Lão thiền sư có gì dạy bảo, xin cứ thẳng thắn nói ra!
- Trước hết bần tăng muốn hỏi lấy Phi Hồn kiếm, vì thanh kiếm ấy liên quan đến hàng vạn sinh linh...
Tiết Cừu không chờ Pháp Nguyên thiền sư dứt lời, chàng đã ngoảnh lại nhìn Biên Văn Huệ.
Biên Văn Huệ liền trao Phi Hồn kiếm ra và nói:
- Hãy cầm lấy, tiểu muội chẳng thèm đâu!
Tiết Cừu chuyển giao cho Pháp Nguyên thiền sư và nói:
- Kiếm này vốn không phải là vật sở hữu của chúng tôi, đã quan trọng như vậy, lão thiền sư hãy cầm lấy!
Pháp Nguyên thiền sư hai tay đón lấy, liền trao cho một lão hòa thượng đứng phía sau, đoạn quay lại nói:
- Thứ đến là định khuyên sư thúc không nên tiếp tục đối địch với những người trong chính phái võ lâm, bởi vì cái chết của Độc Cước Thần Khất đã khiến giới võ lâm Trung Nguyên hết sức phẫn nộ.
Tiết Cừu vừa nghe đề cập đến Độc Cước Thần Khất, lòng liền bừng lửa giận, huống hồ theo nhận định của chàng, Độc Cước Thần Khất thật ra chưa chết.
Chỉ thấy chàng mặt bỗng nhiên hiện ánh vàng, cười lạnh lùng nói:
- Lão thiền sư, chả lẽ vụ huyết án của Đồng bảo mười sáu năm trước phải bỏ qua từ nay hay sao?
Pháp Nguyên thiền sư sửng sốt:
- Chả lẽ Độc Cước Thần Khất có liên quan với vụ công án ấy hay sao?
Tiết Cừu lúc này chưa biết rõ vì sao Độc Cước Thần Khất lại có hận thù với gia đình chàng, nên không sao nói rõ, hơn nữa lại không muốn đưa Sinh Tử Bộ ra trước đám đông, ngẫm nghĩ một hồi mới nói:
- Bi Linh đại sư hẳn là biết rõ hơn Tiết mỗ, mong là Tiết mỗ có thể gặp ông ấy để hỏi.
← Hồi 17 | Hồi 19 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác