Vay nóng Homecredit

Truyện:Đạt Ma kinh - Hồi 04

Đạt Ma kinh
Trọn bộ 33 hồi
Hồi 04: Dùng tiểu xảo đoạt Đạt Ma kinh - Kinh mất đến kiếm lệnh cũng mất
5.00
(2 lượt)


Hồi (1-33)

Siêu sale Lazada

Còn cách Lâm An độ năm dặm đường, một cỗ xe tứ mã đang chạy bon bon vào thành cho kịp với bóng hoàng hôn thì lão xa phu với gương mặt đầy những vết sẹo chằng chịt đã cau mày lại và gò mạnh tay khấu, khiến bốn con tuấn mã phải dựng đứng tám vó lên và kêu hí inh ỏi.

Hí... í... í...

- Có việc gì vậy Chu đại thúc?

Từ bên trong cỗ xa mã sau những tấm rèm chăng kín tứ bề liền có âm thanh một nữ nhân nửa dịu dàng, nửa cáu gắt phát ra.

Lão xa phu được nữ nhân gọi là Chu đại thúc trầm giọng đáp khẽ:

- Là bọn Thiếu Lâm!

Sau đó lão hướng về phía đó ba trượng hơn gằn giọng hỏi một tốp gồm chín tăng nhân đột nhiên xuất hiện đứng giăng ngang thành hình chữ nhất:

- Chư vị đại sư không biết quy củ võ lâm sao?

- A di đà Phật! Chu lão thí chủ nói thế là với ý gì?

Lão Chu cay cú trợn mắt nhìn vị tăng nhân tuổi trạc tứ tuần vừa mới phát thoại hỏi lão. Lão bật cười khan:

- Ha ha ha... Giang hồ ai ai cũng truyền tụng rằng Thiếu Lâm là thái sơn bắc đẩu của võ lâm, nhưng hành vi ngang ngược này nếu xem là lễ cầu kiến bổn bảo thì quả là không đúng với quy củ giang hồ rồi.

- A di đà Phật! Lỗi quá! Lỗi quá! Chu lão thí chủ nói không sai! Nhưng đúng ra thì tệ phái không phải cầu kiến quí bảo, Chu lão thí chủ chớ có hiểu lầm.

- Vậy đại sư giải thích ra sao đối với hành vi chận đường vô lối này?

- A di đà Phật! Bần tăng mạo muội xin được gặp Tư Không cô nương rồi sẽ giải thích sau.

Lão xa phu họ Chu bật cười cuồng ngạo:

- Ha ha ha... Lời của đại sư đúng là tiền hậu bất nhất!

Vị tăng nhân nọ bèn chau đôi mày lại:

- Sao Chu lão thí chủ lại nói thế?

- Không phải thế sao! Đại sư nói là không cầu kiến, nhưng ở câu sau đại sư lại nói muốn gặp mặt xá điệt nữ của lão phu. Như thế không phải là tiền hậu bất nhất sao?

Vị tăng nhân nọ chưa kịp đáp lời thì vị tăng nhân đứng gần đó đã vọt miệng nói xen vào:

- Chu lão chớ có hàm hồ nói những lời cưỡng từ đoạt lý. Nói trắng ra thì bọn ta chỉ muốn bắt giữ ả Tư Không kia thôi, chứ không phải chỉ gặp mặt suông!

Lão họ Chu tái mặt lại:

- Hừ! Là Phật môn đệ tử lục căn phải thanh tịnh, tứ đại giai không. Đại sư hàm ý gì khi đòi bắt giữ xá điệt nữ đang độ tuổi xuân thì? Hay đại sư đã động lòng trần rồi? Ha ha ha... Nếu đã vậy tại sao đại sư không tìm đến bổn bảo và hỏi qua tệ Bảo chủ xem liệu đại sư có được người chọn làm giai tế không?

Không biết lời của lão xa phu họ Chu có đúng không, nhưng vị đại sư kia vừa nghe lão nói xong đã lúng túng đến đỏ mặt.

Vị tăng nhân đã phát thoại đầu tiên trông thấy thế bèn liếc nhìn vị tăng nhân nọ một cái hàm ý trách móc, sau mới nghiêm giọng nói với lão xa phu họ Chu:

- A di đà Phật! Chu lão thí chủ miệng lưỡi sắc bén quá, nhưng sao Chu lão thí chủ lại tự dối lòng?

- Lão phu nói như thế không đúng với sự thật sao? Rất tiếc là bổn bảo chỉ có mỗi một vị thiên kim tiểu thư, còn chư vị đây lại đến chín vị, như thế thì...

- A di đà Phật! Tội quá! Tội quá! Thiếu Lâm Phương Tịnh thỉnh cầu Tư Không cô nương ra đây hội diện!

Trước những lời cợt nhã cố ý của lão xa phu họ Chu, vị tăng nhân nọ biết là đối phương cố tình kéo dài thời gian nên khi nói câu này vị tăng nhân nọ có pháp danh là Phương Tịnh đã dùng công phu Phật môn Sư Tử hống hướng về vị nữ nhân bên trong cỗ xe mã mà nói.

Với pháp danh Phương Tịnh thì vị tăng nhân này chính là Thủ tòa Đạt Ma viện của Thiếu Lâm phái, và cũng là vị đệ tử tài hoa vào bậc nhất đương đại của Thiếu Lâm.

Chính vì thế cho nên tuy Phương Tịnh đại sư niên kỷ chưa đầy bốn mươi, nhưng lại được chọn làm kẻ đứng đầu Đạt Ma viện của phái Thiếu Lâm. Một điều mà trước đây chưa hề có ở Thiếu Lâm thiền viện.

Do đó, khi Phương Tịnh đại sư dùng công phu tuyệt học này không những làm cho lão xa phu họ Chu phải thất sắc mà còn giúp cho tám vị tăng nhân đồng hành cũng lấy lại vẻ nghiêm mật nhu hòa của Phật môn đệ tử vốn đang xao động vì những lời cợt nhã hữu ý của lão xa phu họ Chu.

Diệu dụng của công phu tuyệt học này xem ra còn kém hơn danh xưng Phương Tịnh Thiếu Lâm nhiều. Vì ngay sau câu nói của Phương Tịnh đại sư, lúc lão họ Chu chưa kịp phản ứng thì cửa rèm ở ngay sau lưng vị xa phu liền được hé mở.

Dù là đang buổi hoàng hôn, nhưng không gian chừng như sáng bừng lên khi gương mặt kiều diễm của nữ nhân bên trong cỗ xa mã xuất hiện. Một gương mặt tròn và sáng như trăng rằm, nụ hàm tiếu làm mê mẩn lòng người đối diện. Đôi tròng mắt đen lay láy cứ nhìn chằm chằm vào Phương Tịnh đại sư ẩn chứa những nỗi oan tình khôn bề biện giải. Rồi giọng oanh vàng chợt thỏ thẻ cất lên như khúc tiên nhạc du dương:

- Tiện nữ chính là Tư Không Huệ đây! Xin hỏi trong chư vị đại sư vị nào là Phương Tịnh?

Định lực có thừa, nhưng nhìn chằm chằm vào một nữ nhân có nhan sắc trầm ngư lạc nhạn này thì không tránh khỏi điều lộ liễu. Nên Phương Tịnh đại sư cúi đầu niệm câu phật hiệu:

- A di đà Phật! Là bần tăng đây!

- Đại sư! Đại sư à! Vì nguyên cớ gì đại sư lại muốn bắt giữ tiện nữ?

Giọng nói ma mỵ của Tư Không Huệ như muốn cuốn hút bậc chân tu là Phương Tịnh đại sư vào vòng trụy lạc khiến cho Phương Tịnh đại sư phải thoáng bừng bừng khuôn mặt:

- A di đà Phật! A di đà Phật!

Một lần nữa, giọng nói ma mỵ của Tư Không Huệ lại cất lên ngăn không cho Phương Tịnh đại sư kịp hoàn hồn sau khi niệm phật hiệu:

- Đại sư! Tiện nữ từ nhỏ đã say mê Phật học, không một trai đàn nào mà tiện nữ bỏ qua không tìm đến Thiếu Lâm để nghe thuyết giáo. Đã thế mà đại sư còn chưa vừa lòng sao mà lại muốn bắt giữ tiện nữ?

Mỗi một âm ở cuối câu Tư Không Huệ còn cố tình kéo dài ra càng làm cho chất giọng càng thêm mỵ lực chết người.

Dù là bậc chân tu đắc đạo đi nữa, nhưng tình trạng này Phương Tịnh đại sư do xuất gia từ nhỏ, nên chưa từng gặp qua, khiến cho Phương Tịnh không biết phải mở lời như thế nào cho phải. Nhưng vị tăng nhân lúc mới rồi có xen lời, do khí chất nóng nảy nên lần này lại giận dữ lên tiếng quát như chuông ngân:

- Tư Không Huệ! Nếu ngươi không giao hoàn Đạt Ma kinh điển cho bổn phái thì ngươi đừng hòng về đến Thiên Địa bảo. Ta cho ngươi biết từ đây về đến Thiên Địa bảo có không dưới ba mươi chốt chặn, ta đố ngươi thoát được.

Câu nói này vừa được vị tăng nhân kia nói xong, thì gương mặt kiều diễm của Tư Không Huệ dần dần sạm lại. Không những thế, vị xa phu họ Chu nãy giờ đang đắc ý khi nhận ra Tư Không Huệ đã làm cho Phương Tịnh đại sư phải tắt tịt lời nói thì lúc này cũng nhăn nhó mặt mày như uống phải giấm chua, khiến cho gương mặt đầy sẹo của lão họ Chu càng thêm khó coi hơn.

Lần này thì Phương Tịnh đại sư cũng liếc nhìn vị tăng nhân kia một cái như lúc mới rồi, nhưng không phải để trách móc mà là ngược lại. Sau đó, Phương Tịnh đại sư lại niệm phật hiệu rồi nói:

- A di đà Phật! Tư Không cô nương say mê phật học, điều đó chứng tỏ căn huệ của cô nương còn hơn bọn phàm nhân xa. Nhưng Đạt Ma kinh điển mà hiện giờ cô nương đang cất giữ lại không phải là kinh điển phật học. Mong cô nương quy hoàn lại cho tệ phái, tệ phái ắt sẽ cảm kích cô nương và sẽ ban tặng cho cô nương nhiều kinh điển phật học có giá trị liên thành.

Đã lấy lại vẻ trầm tĩnh, Tư Không Huệ bèn giả vờ băn khoăn:

- Đại sư nói những gì tiện nữ không sao hiểu được. Lúc sáng, đúng là tiểu nữ có mượn quyển Đạt Ma kinh điển ở vị đại sư trong giữ Tàng Kinh các, đó là...

- A di đà Phật! Đó là tệ điệt Giới Phàm. Do Giới Phàm là đệ tử mới nhập môn không phân biệt được đâu là kinh điển phật học và đâu là kinh điển võ học nên đã trao lầm cho cô nương. Mong cô nương...

- Nhưng lúc đến tay tiện nữ thì đó chính là kinh điển Phật học kia mà! Đâu có phải bí kíp võ công hay kinh điển võ học?

Phương Tịnh đại sư thì vẫn giữ nguyên sự trầm tĩnh khi nghe Tư Không Huệ bảo thế, nhưng tám vị tăng nhân còn lại thì không sao che giấu được sự bực tức trước lời nói dối quá lộ liễu của cô nàng Tư Không Huệ. Cả tám vị tăng nhân bèn gương mắt thò lò nhìn trừng trừng vào cô nàng.

Nhưng Tư Không Huệ mặt không đổi sắc. Nàng ta lấy từ trong người ra một quyển kinh sách. Vừa ném qua cho Phương Tịnh đại sư nàng vừa phân trần:

- Tiện nữ không nửa lời dối trá đâu. Không tin thì đại sư hãy xem đây!

Đã là người có võ công thì nhất cử nhất động đều phô bày ra thân thủ cùng bản lãnh của mỗi người. Tư Không Huệ nguyên là ái nữ của Bảo chủ Thiên Địa bảo, nên cung cách nàng ném quyển kinh sánh ra cũng chứng tỏ rằng công phu của nàng vào hàng đệ nhất lưu cao thủ.

Quyển kinh sách từ khi thoát khỏi tay nàng, thay vì đi theo hình cầu vồng để rơi đến chỗ Phương Tịnh đại sư như bất kỳ ai cũng phải ném như thế, nhưng đàng này lại bằng bặng bay đi thẳng như mũi tên rời dây cung, không nhanh không chậm. Đó là Tư Không Huệ dùng nội công thượng thừa điều động vào quyển kinh sách.

Đón đỡ lấy quyển kinh sách đối với Phương Tịnh đại sư thì không gì dễ bằng. Vì công phu võ học của Phương Tịnh đại sư tính ra còn có phần hơn Tư Không Lâm, Bảo chủ Thiên Địa bảo đôi chút. Nhưng Phương Tịnh đại sư lại lúng túng không dám đưa tay đón đỡ quyển kinh sách đó, vì quyển kinh sách không hiểu đã được Tư Không Huệ cất ở trong người được bao lâu? Nhưng giờ đây, khi quyển kinh sách đi chưa đến nơi thì hương trinh nữ nhân từ quyển kinh sách đã bay đến trước. Chính điều đó đã khiến cho Phương Tịnh đại sư phải lúng túng không biết phải ứng xử như thế nào cho phù hợp.

Mãi đến khi quyển kinh sách bay đến trước mặt Phương Tịnh đại sư, do không người đón nhận nên nó rơi thẳng xuống đất. Nhưng trước khi nó chạm vào mặt đất thì Phương Tịnh đại sư cũng đã tìm được một biện pháp thích đáng để đối phó với trường hợp tinh tế này.

Hai tay đang chắp ở trước ngực đột nhiên được Phương Tịnh đại sư dang rộng ra bằng chiều ngang của hai vai. Tức thì quyển kinh sách thay vì chạm đất lại đột nhiên cất bổng lên.

Khi quyển kinh sách bay bổng lên ngang tầm tay của Phương Tịnh đại sư, thì đại sư chợt mở miệng buông lời:

- Giới Nộ! Hãy xem lại quyển kinh này xem!

Vị tăng nhân có tính khí nóng nảy đứng gần đó liền nhanh nhẹn đưa tay ra cầm lấy quyển kinh sách mà trên bìa có ghi rõ hàng chữ bằng lối chữ triện: Đạt Ma kinh điển.

Không kiêng kỵ, lại không ôn tồn điềm tĩnh. Hành vi của vị tăng nhân này nói lên được khí chất của đại sư mâu thuẫn hẳn với pháp danh là Giới Nộ.

Trong lúc Giới Nộ đại sư kiểm qua quyển Đạt Ma kinh điển thì lâu lắm Tư Không Huệ mới nói được lời tán dương, sau khi ngớ người ra, do nhìn thấy thần công hãn thế của Phương Tịnh đại sư.

- Đại sư quả là danh bất hư truyền! Hấp lực đã mạnh lại còn điềm nhiên phát thoại lúc vận dụng công phu. Tiện nữ thật là may mắn được đại khai nhãn giới.

Phương Tịnh đại sư cũng đáp lễ:

- A di đà Phật! Với niên kỷ của cô nương thì công phu quả hơn người. Bần tăng không sao bì kịp. Thế nào rồi Giới Nộ?

Gấp quyển Đạt Ma kinh điển lại cách vội vã, Giới Nộ đại sư bèn động nộ:

- Bẩm sư thúc! Ả đã đánh tráo nó rồi. Đây không phải là quyển Đạt Ma kinh điển mà chúng ta cần tìm...

Nghe thế, Phương Tịnh đại sư cau mặt lại:

- A di đà Phật! Tội nghiệt quá! Tư Không cô nương...

Cướp lời, Tư Không Huệ bật cười lên khanh khách:

- Ha ha ha... Đại sư ơi là đại sư! Đại sư nhất mực đòi lại Đạt Ma kinh điển, thì tiện nữ có thế nào trao thế ấy thôi. Trên người tiện nữ còn ba quyển kinh điển nữa, không hiểu đại sư có muốn xét qua không?

Vừa nói, Tư Không Huệ vừa vén rèm bước ngang chỗ lão xa phu họ Chu. Nàng chậm rãi tiến dần đến chỗ Phương Tịnh đại sư với ngực ưỡn ra phía trước, khiến cho đôi gò bồng đảo cứ chỉa thẳng vàp Phương Tịnh đại sư.

Phương Tịnh đại sư thoái lui dần, mặt đỏ au, mắt nhắm lại, miệng thì luôn niệm Phật hiệu như câu thần chú hữu hiệu nhất giúp đại sư chống chọi lại với sự khiêu khích của Tư Không Huệ.

- A di đà Phật!

Nhưng Giới Nộ thì không sao dằn được cơn nóng nảy. Giới Nộ đại sư vương thẳng song thủ định vừa chộp vào "Khí Hải" huyệt của cô nàng, vừa hờm sẵn tay còn lại định khóa chặt uyển mạch của Tư Không Huệ nếu nàng ta có phản ứng đối kháng lại. Đây chính là Long trão thủ, một tuyệt kỹ thành danh của phái Thiếu Lâm.

Nhưng đúng lúc đó, liền lần lượt xuất hiện ba tiếng quát lớn:

- Giới Nộ, chớ có lỗ mãng!

- Tên trọc thối tha kia! Đố ngươi dám!

- Đại sư! Đại sư dám đụng đến người tiện nữ chăng?

Nếu trong ba tiếng quát đó không có tiếng của Phương Tịnh đại sư cất lên giận dữ thì có lẽ Giới Nộ đại sư đã bất chấp hai câu quát còn lại của lão xa phu họ Chu và cô nàng Tư Không Huệ.

Tuy nhiên, Giới Nộ đại sư không vì thế mà chịu buông tha cho cô nàng, Giới Nộ đại sư nóng nảy lên tiếng:

- Sư thúc! Nếu chúng ta chịu thua ả thì đến lúc nào chúng ta mới thu hồi được kinh điển đây? Chư huynh đệ đâu! Mau bày La Hán trận. Hừ! Nhẹ không muốn lại muốn nặng tay. Để xem tuyệt học của Thiên Địa bảo có qua được trận pháp trấn môn của bản phái không nào. Động thủ đi!

Miệng liền tay, tay liền miệng. Do lời nói của Giới Nộ đại sư chí lý quá nên chính Phương Tịnh đại sư cũng phải buộc lòng đứng ra làm chủ vị trong La Hán tiểu trận pháp. Và khi khẩu lệnh của Giới Nộ đại sư vừa buông ra, thì La Hán tiểu trận pháp liền triển khai, vây kín Tư Không Huệ vào giữa tâm trận.

Đừng nói gì đến La Hán trận đã nổi danh thiên hạ suốt mấy trăm năm qua, chỉ riêng Phương Tịnh đại sư thôi thì Tư Không Huệ đã không phải là đối thủ rồi.

Vì thế, ngay lúc La Hán trận triển khai thì Tư Không Huệ và lão xa phu họ Chu còn đứng ở bên ngoài đã thất thanh kêu lên cùng một lúc:

- Dừng tay!

- Ngươi muốn sao nào? Có mau trả Đạt Ma kinh điển lại không? Hay muốn bọn bần tăng phải làm cho ngọc đá đều ra tro?

Đối phó với Phương Tịnh đại sư thì Tư Không Huệ còn hy vọng vào tài miệng lưỡi, còn đối phó với Giới Nộ đại sư không biết cố kỵ là gì thì nàng ta đành chịu phép.

Mắt rưng rưng ngấn lệ, Tư Không Huệ vội vàng lấy trong người ra ba quyển kinh sách nữa. Nàng giận dỗi ném xuống đất trước chân Giới Nộ đại sư và cất giọng oán trách:

- Oan cho tiện nữ lắm mà! Đấy! Đại sư không cần phải ra tay nữa! Muốn lấy quyển nào thì đại sư cứ mặt tình lấy.

Cau mày lại lộ vẻ khó hiểu, Phương Tịnh đại sư không biết phải ăn nói như thế nào với Tư Không Huệ khi đại sư cùng nhìn thấy ba quyển đó đều là Đạt Ma kinh điển cả.

Được Giới Nộ đại sư ra hiệu, ba vị tăng nhân liền bước đến nhặt lấy mỗi người một quyển và cùng nhau vội vàng xem qua quyển kinh điển trên tay bọn họ.

Không bao lâu, khi nhận được cái lắc đầu của ba vị tăng nhân đồng môn. Giới Nộ đại sư kịp lên tiếng trước khi Phương Tịnh đại sư phản ứng:

- Nhất định ả này đã tàng giấu bên trong cỗ xa mã. Còn đợi gì nữa mà không lục soát đi!

Thở dài, Phương Tịnh đại sư đành để mặc cho Giới Nộ đại sư muốn làm gì thì làm. Vì nghĩ cho cùng thì Giới Nộ làm việc không sai.

Trước ánh mắt nhìn tức tối của Tư Không Huệ và lão xa phu họ Chu, hai vị tăng nhân khác đã lao như ánh chớp vào bên trong cỗ xa mã. Hàng loạt tiếng đổ vỡ từ bên trong cỗ xe vang ra khiến cho Tư Không Huệ càng thêm giọt ngắn giọt dài.

Được một lúc, đồng thời với sự lao ngược ra, hai vị tăng nhân đồng loạt bẩm báo:

- Không có ở trong đó!

Giới Nộ đại sư càng nhanh nhẩu và hậm hực hơn:

- Chu lão thí chủ xá tội cho. Bần tăng đành thất lễ khám người lão thí chủ đây!

Khuôn mặt đầy sẹo của lão xa phu họ Chu liền lộ vẻ khích động. Nhưng lão chỉ biết đứng yên vừa dang rộng đôi tay vừa bật cười lên tức giận:

- Ha ha ha... Hay lắm! Bình sinh Nhuyễn Tiên Xú Diện Chu Hồng ta mới gặp sự nhục nhã này là một. Được! Đại sư muốn khám thì khám. Nhưng nếu không tìm được thì đại sư chớ trách lão đây đòi đại sư sự công bằng đó!

Vẫn vững tin vào sự nhận định của mình, Giới Nộ đại sư khăng khăng:

- Nếu trong người của Chu lão không có thì Đạt Ma kinh điển phải ở trong người ả kia mà thôi. Sau khi đã lục soát qua một khi bần tăng đã đoán sai thì bần tăng nguyện lấy cái chết để bồi hoàn lại tội xúc phạm này.

Tư Không Huệ không một chút lúng túng, nàng ta hất hàm bảo:

- Đó là đại sư tự nói đấy nha! Chu đại thúc! Hãy để cho lão trọc đó khám qua đi. Hừ!

Vừa nghe Tư Không Huệ nói xong thì không riêng gì Phương Tịnh đại sư và bảy vị tăng nhân kia biến sắc, mà chính Giới Nộ đại sư cũng phải chột dạ.

Trong lúc Giới Nộ đại sư tỏ ra tiến thoái lưỡng nan và mọi người quanh đấy thì đang chờ phản ứng của Giới Nộ đại sư thì từ một chỗ ven đường, khuất sau những lùm cây dại liền xuất hiện một bóng người.

Với một vết sẹo cắt ngang trán, bộ y phục bằng da thú và thanh đoản đao quái dị giắt ngang lưng, người vừa xuất hiện đã khiến cho mọi người tò mò không ít.

Vẫn mang khuôn mặt tuấn tú lạnh như băng, trang nam tử hán vận y phục như một sơn nhân cứ thong thả bước đến cỗ xa mã ở phía hậu.

Sự xuất hiện khá bất ngờ của nhân vật này từ một chỗ kín ven đường đã làm cho Tư Không Huệ biến sắc, thì hướng đi đến của nhân vật này càng làm cho Tư Không Huệ biến sắc hơn.

Cùng với tiếng thét lanh lảnh, Tư Không Huệ đảo người lao đến chận ngang bước tiến của nhân vật kia:

- Cuồng đồ khả ố! Ngươi định làm gì kiệu mã của bổn cô nương?

Thế nhưng chỉ một cái chớp mình, trang nam tử hán quái dị đó đã tránh xa Tư Không Huệ và tiếp tục hành sự quái dị hơn. Hắn vẫn thong thả đếm bước tiến dần đến cỗ xa mã hơn.

Không chờ được nữa, Tư Không Huệ vội vàng xuất chiêu vỗ vào hậu tâm của tên không mời mà đến kia một cái.

- Tên ngông cuồng! Muốn chết ư?

Lại một cái đảo người, trang nam tử hán nọ đã lùi xa sang một bên, thoát được chưởng kình của Tư Không Huệ trong gang tấc.

Sau khi thoát được đòn tập kích, trang nam tử hán quái dị ấy bật cười lên:

- Ha ha ha... Vô cớ đánh người, nếu cô nương không có gì mập mờ lén lút cần che giấu thì tại sao cô nương ngăn cản ta không cho ta đến gần cỗ xe mã?

Đường đường là ái nữ của vị Bảo chủ Thiên Địa bảo, Tư Không Huệ không khỏi căm giận khi không những đánh hụt đối phương một chiêu, mà lại còn bị đối phương nói những lời châm chọc. Nàng ta đanh giọng lại:

- Khám xét cỗ xe là bổn cô nương chỉ nhân nhượng người Thiếu Lâm phái thôi. Còn ngươi là hạng người nào lại dám can thiệp vào chuyện của bổn bảo chứ? Chu đại thúc!

Hiểu được ý tứ của Tư Không Huệ, lão xa phu họ Chu với ngoại hiệu là Nhuyễn Tiên Xú Diện đã nhanh như chớp hất mạnh cánh tay hữu một cái.

Ngọn trường tiên trên tay lão Chu Hồng vốn được lão dùng làm roi ngựa liền theo sự cử động của lão mà cuốn ngược đầu roi, quất thật mạnh vào người trang nam tử hán nọ.

Trót!

Ngọn trường tiên hơn trượng mà khoảng cách từ Chu Hồng đến trang nam tử hán kỳ dị kia thì lại đúng trượng, cho nên chỉ trong thoáng chốc khi âm thanh của ngọn trường tiên còn vang động trong không khí thì đầu ngọn trường tiên đã tiến đến đại huyệt "Linh Đài" ở phía sau trang nam tử hán nọ.

Ra chiêu này là Nhuyễn Tiên Xú Diện Chu Hồng đã nhận ra thân pháp quái dị của đối phương. Nếu đối phương một lần nữa lại lạng tránh sang một bên thì Chu Hồng vẫn kịp thời biến chiêu uy hiếp đối phương. Vì đối phương sẽ không còn đường nào khác hơn để tránh là phải dịch bộ sang hai bên hoặc tiến lại gần lão. Còn phía hậu thì ngọn trường tiên của lão đã ngăn cản bước lui rồi.

Phương Tịnh đại sư, Giới Nộ đại sư và bảy vị tăng nhân còn lại vốn đã mục kích thân pháp quái dị của trang nam tử hán kỳ dị, nên họ những tưởng rằng độc chiêu của Nhuyễn Tiên Xú Diện Chu Hồng sẽ không làm gì được đối phương. Nào hay, trang nam tử hán kỳ dị đó hoàn toàn không lưu tâm đến chiêu hiểm của lão Chu. Hắn vẫn bình chân như vại tạt ngang một bước và chuẩn bị lùi hậu như không hề biết đến đầu ngọn trường tiên của lão Chu đang chực chờ sẵn vậy.

Hình dung cổ quái và thân pháp có quái dị đến đâu đi nữa thì trang nam tử hán đó không tài nào thoát mạng một khi cố tình dấn người vào tử lộ.

Động tâm, Phương Tịnh đại sư bèn nạt lên:

- Tiểu hữu chớ có lùi nữa!

Nạt thì nạt, Phương Tịnh đại sư vẫn lẹ làng đánh ra một ngọn kình phong quật thẳng vào Nhuyễn Tiên Xú Diện Chu Hồng. Việc xuất thủ này của Phương Tịnh đại sư không có gì khác ngoài việc buộc Chu Hồng phải thu chiêu công kia lại và lảng tránh đòn công của đại sư. Có như thế thì tánh mạng của trang nam tử hán kia mới mong vẹn toàn, vượt qua hiểm cảnh.

Ngay sau đó, tình thế liền biến đổi nhanh không thể tưởng.

Chu Hồng đúng là buộc phải thu chiêu lạng người. Nhưng lão cũng kịp vươn thẳng tả chưởng đập vào ngọn kình phong của Phương Tịnh đại sư. Còn trang nam tử hán kỳ dị kia thì ngay khi ngọn trường tiên được Chu Hồng rút về, sượt ngang lưng hắn một cái, đến lúc đó hắn mới biết rằng mạng sống của hắn vừa mới được nhặt lại. Do đang sững sờ trước cái chết đã rõ mười mươi, hắn không ngờ Tư Không Huệ lại nhân cơ hội đó quật cho hắn một đòn chí tử.

Nhưng chiêu công của Tư Không Huệ vừa mới xuất phát thì Giới Nộ đại sư đã kịp trông thấy. Giới Nộ đại sư tuy tính tình nóng nảy nhưng cơ trí không phải không có. Đại sư đã có ý ngờ vực khi thấy trang nam tử hán lạ lùng xuất hiện và có cử chỉ cùng lời nói còn thập phần lạ lùng hơn. Thế cho nên Giới Nộ đại sư luôn lưu tâm đến hắn. Và Giới Nộ đại sư đã nhanh nhẹn lao người đến, đồng thời vung hữu chưởng ra, ngăn đón đòn tập kích bất ngờ của Tư Không Huệ.

Nói thì lâu nhưng mọi việc xảy ra quá nhanh và cứ bát nhát cả lên.

Ngay lúc đó, hàng loạt âm thanh đủ loại, liền vang lên, náo động cả một góc trời.

Nào là tiếng quát nạt của Chu Hồng, của Tư Không Huệ và của Giới Nộ đại sư.

- Hay cho bọn trọc phản phúc vô thường!

- Tên cuồng đồ vô dụng, đáng chết!

- Mau lui lại nào, tiểu hiệp!

Nào là tiếng chạm kình vang lên loạn xạ.

Ầm! Ầm!

Bùng! Bùng!

Trót! Trót!

Vù! Vút! Vút!

Thế chẳng đặng đừng, phần lý đang thuộc về Chu Hồng và Tư Không Huệ cùng là người của Thiên Địa bảo, nhưng kể từ khi trang nam tử hán kia xuất hiện thì cả hai đang bất chấp lợi hại đã cùng nhau đối đầu với phái Thiếu Lâm là Phương Tịnh đại sư và Giới Nộ đại sư.

Võ công của Tư Không Huệ tuy còn kém Phương Tịnh đại sư, nhưng lại đấu ngang tay với Giới Nộ đại sư. Riêng Nhuyễn Tiên Xú Diện Chu Hồng vốn đã thành danh là nhờ nhuyễn tiên, nên tuy võ công của lão không sao bằng Phương Tịnh đại sư, nhưng nhờ vào ngọn trường tiên quá đỗi linh hoạt nên lão tạm thời vẫn bình phủ với vị Thủ tòa Đạt Ma viện.

Trước thì chủ hòa, sau lại chủ chiến. Hành vi của cả hai nhân vật Thiên Địa bảo và sự xuất hiện lạ lùng của trang nam tử hán kia đã khiến cho bảy vị tăng nhân còn lại phải động tâm.

Hai vị tăng nhân trong bọn bèn nhân cơ hội Chu Hồng và Tư Không Huệ đang bận tay giao chiến đã chạy đến với trang nam tử hán nọ.

Không đợi cho hai vị tăng nhân đó lên tiếng hỏi, trang nam tử hán liền đưa tay chỉ vào mặt đất chỗ chân rèm lụa trên cỗ xa mã che khuất mà nói:

- Nhị vị đại sư! Do tình cờ tại hạ nhìn thấy có người trên cỗ xe thò tay xuống và vùi lấp vội vàng một vật gì đó, nên khi tại hạ nghe đôi bên giằng co thì tại hạ...

Tuy không có ai ngắt lời, nhưng trang nam tử hán nọ cũng đành phải ngưng lời.

Vì hai vị tăng nhân kia đâu có đợi cho hắn nói hết câu. Vừa thoáng hiểu sự việc, cả hai đã vội vàng cùng chạy đến gầm cỗ xe và cùng đưa tay gạt lớp đất trên mặt ở chỗ đó ra.

Và cả hai cùng reo lên:

- Đây rồi!

- Sư thúc đừng đánh nữa. Đã có Đạt Ma kinh điển đây rồi!

Tiếng reo của hai vị tăng nhân lập tức phát sinh tác dụng. Vì tuy Phương Tịnh và Giới Nộ đại sư giao chiến với Chu Hồng và Tư Không Huệ, nhưng thật ra cả hai chỉ đánh cầm chừng, đồng thời vẫn lưu tâm đến diễn biến ở xung quanh. Cũng chính có sự nghi ngờ về thái độ kỳ lạ của Tư Không Huệ đối với trang nam tử hán kỳ dị nọ nên Phương Tịnh và Giới Nộ đại sư mới ra tay và có ý trông chờ bọn đồng môn đệ tử cũng hiểu được sự nghi ngờ đó.

Quả nhiên là như vậy! Nên khi Phương Tịnh đại sư và Giới Nộ đại sư nghe hai vị tăng nhân kia reo lên thì cả hai liền búng ngược người về nguyên vị.

Còn nhanh nhẩu hơn Phương Tịnh đại sư, Giới Nộ đại sư vội vàng đánh tiếng:

- Kinh điển đã thu hồi, bần tăng không dám lưu nhị vị lâu hơn nữa. Nhị vị có thể lên đường được rồi. Miễn cho bần tăng khỏi tiễn đưa. A di đà Phật!

Trái với lẽ thường, Chu Hồng vẫn thản nhiên như không có việc gì xảy ra cả. Lão cuộn ngọn trường tiên lại và bình thản leo lên cỗ xa mã, ngay vị trí vị xa phu lúc nãy của lão. Còn Tư Không Huệ thì vờ làm ra vẻ cay cú, nhưng lại khinh khỉnh hướng về trang nam tử hán nọ một nụ cười vừa châm chọc vừa đắc ý.

Trước khi buông rèm xuống che khuất mất nhân diện, Tư Không Huệ còn ném ra một câu:

- Phiền chư vị phải đưa tiễn đến tận đây. Tiện nữ thật lấy làm cảm kích. Cáo biệt!

Trót! Trót!

Hai tiếng trường tiên quất vào không khí liền phát ra, và cỗ xe tứ mã từ từ dịch chuyển khi các vị tăng nhân đã mở lối.

Thế nhưng, khi cỗ xe tứ mã đã đi khuất dạng, lúc vị tăng nhân nọ trao cho Phương Tịnh đại sư quyển Đạt Ma kinh điển vừa thu hồi. Thoạt đưa mắt nhìn qua vài trang ở bên trong thì Phương Tịnh đại sư liền tái hẳn nét mặt:

- Không phải Đạt Ma bí kíp. Ta đã lầm mưu ả rồi!

Không chờ Phương Tịnh đại sư cho phép, Giới Nộ đại sư vội vàng cướp lấy quyển kinh điển trên tay Phương Tịnh đại sư.

Cũng một cung cách như Phương Tịnh đại sư, nhưng phản ứng của Giới Nộ có phần thái quá hơn. Giới Nộ gầm lên phẫn nộ:

- Hay cho Thiên Địa bảo! Chúng ta không thể để ả qua mặt như thế này được. Đuổi theo!

Chỉ cần chờ có thế, bảy vị tăng nhân kia liền hốc tốc đuổi theo cỗ xe tứ mã, bám sát gót Giới Nộ đại sư.

Còn Phương Tịnh đại sư thì vừa dùng hấp lực từ hữu thủ thu hồi cả bốn quyển Đạt Ma kinh điển còn nằm vương vãi trên mặt đất, quyển đầu tiên thì đã bị Giới Nộ đại sư trong cơn tức giận bóp vụn ra rồi. Đại sư vừa hướng về trang nam tử hán nọ, mà nói năng một cách ôn tồn:

- A di đà Phật! Dù sao bần tăng cũng có lời đa tạ thí chủ kịp xuất hiện tương trợ. Hẹn tái kiến!

Vẫn còn bàng hoàng trước mọi chuyện vừa xảy ra, lại còn thêm khiếp hãi trước thần công tuyệt thế của Phương Tịnh đại sư vừa thi triển, trang nam tử hán nọ chỉ biết lắp bắp đáp lại:

- Tại hạ... à... à... tại hạ cũng đâu có... đâu có làm được việc gì. Đại sư chớ có để tâm!

Nhưng cũng giống như lần mới rồi, trang nam tử hán nọ hầu như tự nói cho chính bản thân mình nghe, chứ Phương Tịnh đại sư đâu còn đứng đó chờ hắn nói xong.

Còn lại một mình, trang nam tử hán vận y phục bằng da thú kia mới băn khoăn và lẩm bẩm thành tiếng:

- Sao lại thế này? Rõ ràng là nàng kia có vùi lấp quyển Đạt Ma kinh điển, nhưng vùi lấp để làm gì khi đó chỉ là kinh điển phập học tầm thường, không phải là kinh điển võ học? Lạ thật! Cung cách đó chứng tỏ cô nàng có lấy Đạt Ma kinh điển thật và cũng chứng tỏ rằng cô nàng đã có vẻ sợ hãi khi Dư Hải Bằng ta phát hiện được hành sự bí ẩn của cô nàng. Nhưng sau đó lại bỗng dưng biến thành quyển Đạt Ma kinh điển phật học được chứ? Lạ quá! Lạ quá!

Lẩm bẩm một lúc với nỗi niềm băn khoăn khôn tả. Dư Hải Bằng không hiểu đã suy nghĩ như thế nào lại bước đến chỗ lúc nãy Tư Không Huệ đã giấu sách.

Chàng vẫn đứng sổng lưng nhưng lại dùng chân khoa qua khoa lại chỗ đó.

Đột nhiên trái tim của Dư Hải Bằng như muốn ngừng đập hẳn khi chàng nhìn thấy ở phần sâu hơn lộ hẳn ra một bìa sách khác.

Đứng thừ người một lúc, Dư Hải Bằng liền tỉnh ngộ và thầm phục cho cơ trí của Tư Không Huệ.

Hóa ra nàng ta đã lộng giả thành chân, dùng cái chân để che đậy cái giả, rồi lại dùng kinh giả che mất kinh thật. Nàng ta không những đã lợi dụng khoảng thời gian lão Chu Hồng lân la kéo dài, chôn xuống chỗ này một mà có đến hai quyển Đạt Ma kinh điển.

Quyển kinh điển võ học thì vùi sâu hơn. Rồi sau một lớp đất nàng lại vùi thêm quyển kinh điển phật học. Có lẽ cả hai loại kinh điển này chỉ khác nhau về phần nội dung, còn vẻ ngoài thì giống nhau như đúc.

Hiểu được điều này, Dư Hải Bằng bèn lập tâm định thu hồi quyển Đạt Ma kinh điển thay cho phái Thiếu Lâm, sau đó sẽ trao trả cho họ. Vì nếu để chậm thì chốc nữa đây ắt thể nào Chu Hồng và Tư Không Huệ cũng sẽ quay lại lấy mất.

Nghĩ như thế, Dư Hải Bằng liền khom người xuống và nhặt lấy quyển Đạt Ma kinh điển.

Để tin chắc đây là kinh điển võ học chứ không phải kinh điển phật học như lần vừa rồi. Dư Hải Bằng bèn đưa mắt đọc qua.

Với ý đồ ngay thẳng, không biết tham của người thì bất kỳ ai nếu ở trong trường hợp của Dư Hải Bằng cũng phải hành động y như vậy.

Nhưng một phần thì do chàng còn thiếu bề lịch lãm, phần khác thì do chàng đang có sự say mê luyện tập võ công, nên Dư Hải Bằng cứ đứng nguyên vị mà xem đến độ xuất thần.

Mà nếu Dư Hải Bằng chỉ xem không thôi thì đâu có gì đáng để nói, đàng này chàng chốc chốc lại mỉm cười thú vị, rồi lại huơ tay múa chân theo kinh văn võ học trong Đạt Ma kinh điển nên mới có chuyện.

Như đã nói là do Dư Hải Bằng còn kém bề lịch lãm nên chàng hoàn toàn không để tâm đến bên ngoài quyển kinh điển. Đến độ có một lão già mặt mũi đanh ác đang len lén bước đến gần chàng từ phía sau mà chàng không phát hiện. Và lão già nọ sau khi đọc trộm được vài dòng bèn xuất thủ nhanh như chớp.

Hữu chưởng của lão thì vỗ vào hậu tâm của Dư Hải Bằng, còn tả thủ thì vươn ra phía trước chộp cứng lấy quyển Đạt Ma kinh điển trên tay Dư Hải Bằng.

Bùng!

Trước khi ngã ra hôn mê, chàng còn nghe được câu:

- Ha ha ha... Đạt Ma bí kíp! Phủ Việt Tàn Hồn ta sẽ là thiên hạ đệ nhất nhân. Ha ha ha... Thiên hạ đệ nhất... nhân...

Ngất đi không biết được bao lâu thì Dư Hải Bằng chợt hồi tỉnh lại.

Một âm thanh nữ nhân quen thuộc rót vào tai chàng:

- Quyển Đạt Ma kinh điển đâu? Nói! Ai đã làm cho ngươi ra nông nổi này?

Sự hồi tỉnh của Dư Hải Bằng không hiểu tại sao lại quá ngắn. Thần trí chàng bất giác mờ đi trong khi chàng muốn nói ra nhiều điều. Với sự mơ hồ đó, chàng nửa nhận ra lại nửa không nhận ra là nữ nhân nào vừa lên tiếng hỏi chàng. Nhưng Dư Hải Bằng cũng kịp nói ra điều thiết yếu cần phải nói:

- Phủ... Việt... Tàn... Hồn...

Toàn thân Dư Hải Bằng chợt chấn động một cái rồi lại ngất đi.

Do chàng đã ngất nên chàng nào biết rằng liền sau đó, có đến hai lượt người tiến đến gần chỗ chàng nằm.

Lượt đầu tiên chỉ có một người. Người này không hiểu hữu ý, hay vô tình, đã mò khắp người Dư Hải Bằng.

Lấy được bốn nén bạc, nhân vật nọ trước khi bỏ đi còn dùng chân hất Dư Hải Bằng nằm ngửa lên. Và nhân vật đó lại phát hiện ra chuôi kiếm được giắt ở dưới ống quần, ngay chỗ xà cạp. Cho đây là báu vật, nhân vật đó bèn tước đoạt luôn thanh đoản kiếm đó.

Sau đó thì đến lượt người thứ hai. Lượt thứ hai này đông hơn và chính là những vị tăng nhân thuộc Thiếu Lâm phái.

Sau một lúc bàn luận, các vị tăng nhân bèn vội vàng đưa Dư Hải Bằng về Thiếu Lâm phái tận Tung Sơn.

Tất cả những điều vừa diễn ra, sau này một phần là do các vị tăng nhân kể lại, một phần là Dư Hải Bằng nhớ ra. Và đương nhiên là có một phần sự việc mà Dư Hải Bằng và các vị tăng nhân Thiếu Lâm phái không sao biết được.

Nhưng bắt đầu từ đó, sóng gió liền xảy ra cho võ lâm Trung Nguyên, dẫn đến những trường huyết kiếp hãi hùng không sao lường được!


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-33)


<