Vay nóng Homecredit

Truyện:Võ lâm Phong Thần bảng - Hồi 47

Võ lâm Phong Thần bảng
Trọn bộ 79 hồi
Hồi 47: Biến chuyển vô lường
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-79)

Siêu sale Lazada

Đoàn người rời sơn cốc, ai ai cũng có vẻ vội vàng, theo con đường mòn, xuống núi.

Phía sau, không xa lắm, tiếng lục lạc của con lạc đà khua vang.

Nó chạy đến cạnh Quan Sơn Nguyệt, nép sát mình vào chàng, tỏ ra thân thiết như đôi cố hữu gặp nhau sau bao nhiêu năm tháng xa cách.

Quan Sơn Nguyệt vỗ nhẹ bàn tay lên gáy nó, nhiều cảm khái rạt rào nơi ánh mắt, chàng thốt:

- Lão bằng hữu ơi! Suýt tý nữa là ta không còn trông thấy lão hữu nữa rồi!

Lần này, ta thoát chết là nhờ lão hữu đấy!

Xà Cơ Giang Phàm gật đầu:

- Nó đúng là một con vật thông linh đó, Quan công tử! Liễu Y Ảo chỉ cầm thanh kiếm của công tử, nó ở gần đó, ngẩng mũi lên ngửi một lúc, là đuổi theo ngay. Liễu Y Ảo có thân pháp khá lắm đấy chứ, song nàng vẫn bị con thú đuổi theo kịp...

Quan Sơn Nguyệt giật mình:

- Kiếm? Thanh kiếm của tại hạ ở đâu?

Giang Phàm đáp:

- Chính Liễu Y Ảo giữ. Có lẽ nàng đã mang theo bên mình.

Lý Trại Hồng kinh hãi:

- Thế thì nguy! Nếu thanh Bạch Hồng kiếm về tay Liễu Y Ảo, thì sự tình càng thêm rối lắm! Nàng có thanh kiếm đó trong tay còn khó trị hơn là ba con Độc xà.

Giang Phàm thấy Lý Trại Hồng và Quan Sơn Nguyệt cùng lộ vẻ khẩn trương, vừa lạ lùng vừa sợ hãi, hỏi:

- Thanh kiếm đó có điểm gì đặc biệt?

Quan Sơn Nguyệt thất vọng vô cùng:

- Nó chỉ là một thanh kiếm cổ, ngoài cái chỗ chém sắt như chém bùn, nó còn lắm hiệu dụng huyền diệu.

Giang Phàm lắc đầu:

- Tôi không thấy cái giá trị của nó! Lúc Liễu Y Ảo mang nó về, nàng hết sức trân trọng nó, nhưng Xà Thần đem nó ra thực nghiệm, thì ai ai cũng thất vọng vì nó không đâm thủng nổi cái lớp da rắn của Liễu Y Ảo mặc bên ngoài. Tôi nhận thấy, nó còn tầm thường hơn thanh đoản kiếm của Lê phu nhân đã bị Xà Thần bẻ gãy đó. bởi thanh kiếm của Lê phu nhân, ít nhất cũng chém tét một vài chiếc vảy của Xà Thần.

Lý Trại Hồng nhìn Nguyệt Hoa phu nhân một chút, đoạn hỏi:

- Thanh kiếm của phu nhân có cái tên là Hắc Đái phải không?

Nguyệt Hoa phu nhân gật đầu:

- Phải!

Bà hỏi lại:

- Làm sao Tiên tử biết được?

Lý Trại Hồng thở dài:

- Đáng tiếc! Đáng tiếc thật! Hắc Đái kiếm so với Bạch Hồng kiếm, còn quý hơn nhiều...

Nguyệt Hoa phu nhân thở ra:

- Quý bao nhiêu nó cũng chẳng còn! Thì, tiếc làm gì một vật đã mất? Tiên tử chưa thấy thanh kiếm bên mình đứa con kia của già...

Quan Sơn Nguyệt giật mình, hỏi:

- Thanh kiếm của Lưu Ảo Phu ra sao?

Nguyệt Hoa phu nhân đáp:

- Thanh kiếm hắn mang, có cái tên là Tử Sính...

Lý Trại Hồng kêu lên:

- Tử Sính? Một trong năm thanh kiếm quý? Tại sao những thanh kiếm đó lại lần lượt xuất hiện trên giang hồ?

Lúc hội kiến với Ôn Kiều, Quan Sơn Nguyệt có nghe bà nói đến mấy thanh kiếm báu, và điều đó thì Lý Trại Hồng cũng đã biết như chàng. Cả hai cùng biết, họ kinh ngạc vì sự tái xuất hiện của những thanh kiếm đó, còn Nguyệt Hoa phu nhân thì hầu như chưa rõ lai lịch của những thanh kiếm đó cho nên bà xem thường.

Bây giờ, thấy cả hai có vẻ kinh hãi, bà hết sức lấy làm lạ, bởi trên đời thiếu chi kiếm báu, thì nơi này có một thanh, nơi khác có một thanh, điều đó có gì lạ mà cả hai phải kinh ngạc? Bà hỏi:

- Năm thanh kiếm báu? Những thanh kiếm đó ra sao?

Lý Trại Hồng giải thích:

- Tiên sư từng được một quyển kiếm phổ, trong quyển kiếm phổ đó có ghi tên năm thanh kiếm lạ, đó là thanh Tử Sính, Thanh Sách, Hắc Đái, Hoàng Diệp và Bạch Hồng, trong số năm thanh kiếm đó, Bạch Hồng kiếm kém giá trị nhất...

Nguyệt Hoa phu nhân lẩm nhẩm tên năm thanh kiếm.

Lý Trại Hồng tiếp:

- Trong năm thanh kiếm, phu nhân có đến hai...

Nguyệt Hoa phu nhân lắc đầu:

- Không, cô nương nói sai! Chừng như, trừ thanh Bạch Hồng ra, bốn thanh kia đều ở trong tay già!

Lý Trại Hồng trố mắt, mường tượng không tin lắm.

Nguyệt Hoa phu nhân mỉm cười:

- Bốn thanh kiếm đó do Lưu Dật Phu từ hải ngoại mang về, lão nhặt ở đâu thì già không hiểu rõ lắm, nhưng đặc điểm của mỗi thanh thì già có hiểu được phần nào. Lão nói, năm thanh kiếm đó có màu sắc khác biệt, gồm thanh, tử, hắc, bạch và hồng, lấy màu mà đặt tên. Nếu có đủ năm thanh, rồi liên hiệp năm người mà tạo nên một kiếm trận, thì trên đời này chẳng một ai phá nổi kiếm pháp liên thủ mà cũng liên hoàn đó...

Bà dừng lại một chút, rồi tiếp luôn:

- Sở dĩ lão ta kết thù với người đời là vì lão phát hiện ra, thanh kiếm thứ năm ở trong tay một nữ nhân, lão muốn chiếm đoạt thanh kiếm đó cho có đủ số, lão phát động cuộc tranh chấp với nữ nhân, kết quả, kiếm không đoạt được, mà một bàn tay phải bị tiện lìa...

Quan Sơn Nguyệt gật đầu:

- Đúng rồi! Nữ nhân đó, chính là Ôn lão tiền bối.

Nguyệt Hoa phu nhân liếc mắt thoáng qua chàng.

Quan Sơn Nguyệt giật mình, biết mình đã lỡ lời, hấp tấp cúi đầu, tránh tia mắt của phu nhân.

Nguyệt Hoa phu nhân hiểu rõ tâm trạng của chàng, điểm nhẹ một nụ cười gọi chàng:

- Không có gì làm cho con phải khó khăn cả. Linh Cô đã nói hết sự tình với mẹ rồi. Trong tương lai, nếu có xảy ra cuộc xung đột giữa mẹ và bà ấy, con chẳng có mảy mai liên quan nào, như thế, con khỏi phải áy náy.

Quan Sơn Nguyệt muốn hỏi gì đó, song Lý Trại Hồng đã cất tiếng:

- Bốn thanh kiếm đó, hiện giờ ở đâu, phu nhân?

Đáng lẽ nàng chỉ hỏi hai thanh kia thôi, bởi phu nhân sử dụng một thanh, Lưu Ảo Phu giữ một thanh, như nàng đã biết, chỉ còn lại hai thanh thôi.

Nguyệt Hoa phu nhân thốt:

- Thanh kiếm Thanh Sách thì được chôn theo Lưu Dật Phu trên đỉnh Vọng Nguyệt Phong. Tử Sính Kiếm do già giữ, còn Hắc Đái kiếm thì được giao cho Đạn Kiếm, Đạn Kiếm chết rồi, già lấy thanh kiếm mang luôn bên mình. Không ngờ ngày nay nó lại bị Xà Thần hủy diệt!

Lý Trại Hồng lại hỏi:

- Thanh Hoàng Diệp kiếm ở đâu?

Nguyệt Hoa phu nhân đáp:

- Ở tại cung Quảng Hàn, già ít có dịp dùng đến kiếm, cũng như các loại vũ khí khác. Do đó, già phó thác cho tỳ nữ là Chữ Trà gìn giữ. Hiện tại, thanh Hoàng Diệp còn lưu lại Quảng Hàn cung.

Lý Trại Hồng suy nghĩ một chút:

- Vô luận làm sao, tôi tha thiết yêu cầu phu nhân, phu nhân phải phái người về gấp Quảng Hàn cung, lấy thanh Hoàng Diệp kiếm mang đến đây, giao cho công tử sử dụng. Chứ nếu không thì trong những ngày sắp tới, tất cả chúng ta sẽ khó tránh khỏi nguy hại.

Nguyệt Hoa phu nhân day qua Quan Sơn Nguyệt:

- Có cần thiết không con?

Quan Sơn Nguyệt đáp nhanh:

- Cần lắm chứ, mẹ! Nếu không có một thanh kiếm báu, thì kiếm pháp Đại La của con cầm như vô dụng rồi!

Lý Trại Hồng thấp giọng:

- Trong năm thanh kiếm lạ đó, chỉ có Tử Sính và Thanh Sách là hai thanh có oai lực phi thường, tốt hơn hết là làm cách nào lấy được thanh Thanh Sách...

Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:

- Không thể được! Tại hạ không thể vì một thanh kiếm mà quật mồ một người, dù người đó là kẻ thù!

Lý Trại Hồng muốn nói chi đó, lại thôi.

Nguyệt Hoa phu nhân thấy nàng cứ quan sát bà ta mãi, biết ngay là nàng muốn nói điều gì cố kỵ đối với bà, bà liền điểm một nụ cười, thốt:

- Đừng ngại, cô nương! Cô nương muốn nói gì, cứ nói, dù già có bất đồng ý kiến, thì cũng chẳng sao, bởi chúng ta còn thảo luận lại mà!

Lý Trại Hồng liền thốt:

- Giả như chỉ đối phó với Tạ Linh Vận và Liễu Y Ảo, thì Quan công tử dùng thanh Hoàng Diệp kiếm, cũng thừa sức thủ thắng. Nhưng, trong tương lai, Quan công tử còn phải đương đầu với Lưu Ảo Phu, nếu công tử không có một thanh kiếm tương đương với kiếm địch, thì hậu quả sẽ tai hại không biết như thế nào mà lường. Dù toàn thể chúng ta có tiếp trợ Quan công tử, tôi thấy chẳng có nhiều hy vọng đánh bại Lưu Ảo Phu.

Quả nhiên, Nguyệt Hoa phu nhân động tâm ngay. Bà trầm gương mặt, suy nghĩ một lúc lâu.

Quan Sơn Nguyệt thốt:

- Tại hạ nhận thấy không cần thiết lắm, Lý tiên tử ạ! Có thanh Hoàng Diệp kiếm cũng đủ lắm rồi. Lúc tại hạ giao đấu với Đạn Kiếm tại cung Quảng Hàn, tại hạ dùng thanh Bạch Hồng kiếm, thanh kiếm này kém hẳn thanh Hắc Đái, thế mà tại hạ còn thắng được. Suy theo đó, tại hạ cho rằng kiếm thuật mới là đáng kể, chứ vũ khí dù sao cũng chỉ là vấn đề phụ thuộc mà thôi.

Nguyệt Hoa phu nhân thở dài:

- Nguyệt con! Mẹ nghĩ, Lý tiên tử nói cũng có lý lắm. Con không thể dựa vào trường hợp giao đấu với Đạn Kiếm mà có sự nhận xét nông cạn như vậy. Đấu với Đạn Kiếm, là con và hắn tỷ thí cái tài, song phương còn nhân nhượng nhau nên không có vấn đề quyết liệt. Trái lại, giữa con và Ảo Phu, có mối thù hận truyền kiếp, nếu song phương động thủ là phải có một mất một còn. Ảo Phu vì thù cha, quyết diệt trừ con, đã đành, nó lại còn hận riêng mẹ, oán luôn con. Nó cho rằng mẹ tha thiết với con, con giành trọn cảm tình của mẹ, hiện tại mẹ cầm như đã mất hẳn nó rồi, thì còn lại một con, khi nào mẹ lại chịu mất luôn con?

Quan Sơn Nguyệt hiểu rõ ý của mẹ, nhưng chàng vẫn cương quyết khước từ:

- Không thể được, mẹ ạ! Lưu Dật Phu có mối thù với phụ thân con, vấn đề đó thuộc về lớp trước, mà chừng như sự hiềm khích giữa nhau cũng chẳng được rõ rệt cho lắm, người ta nói, nhân tử là sự tận, ngày nay hai người ấy đã chết rồi, thì nên để cho họ được yên nơi suối vàng, con không muốn khơi lại niềm đau buồn của họ, huống chi, oan gia nên mở chứ không nên buộc...

Nguyệt Hoa phu nhân thoáng đỏ mặt.

Lý Trại Hồng chen vào:

- Công tử nói thế, là do lòng nhân, dựa vào đạo nghĩa mà nói, chứ Lưu Ảo Phu không tưởng như vậy đâu!

Quan Sơn Nguyệt thở dài:

- Tại hạ hiểu rồi, Tiên tử ạ! Hắn còn một nguyên nhân khác, chính cái nguyên nhân đó khiến hắn bằng mọi cách, diệt trừ tại hạ cho kỳ được.

Lý Trại Hồng trầm giọng:

- Bởi thế, công tử phải hết sức đề phòng hắn bất cứ trong phút giây nào, bất cứ tại nơi nào...

Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:

- Hắn đã hai lần toan sát hại tại hạ, tự nhiên tại hạ phải hiểu thâm ý của hắn. Lúc đấu kiếm tại Quảng Hàn cung, hắn giở thói bạo tàn, rồi khi tại hạ đến Vọng Nguyệt Lầu, hắn lại thực hiện mưu độc!

Nguyệt Hoa phu nhân thở dài:

- Thật sự, nó quyết ý hại con sao? Cho đến nay mẹ còn hoài nghi đó con!

Quan Sơn Nguyệt tiếp:

- Có thể là âm mưu đó không phải do hắn, nhưng biết đâu hắn chẳng góp ý kiến với người chủ mưu? Dù sao thì việc cũng đã rồi, nếu có điều đáng trách là tại con không cẩn thận thôi. Con nhẹ dạ tin lời liễu đầu Tiểu Hồng mới ra nông nổi đó!

Nguyệt Hoa phu nhân trở lại vấn đề cũ:

- Bây giờ, con đã thoát nạn, thế là mẹ được yên tâm. Đối với nó, mẹ nghĩ dù thế nào thì con cũng cần phải có thanh kiếm Thanh Sách...

Quan Sơn Nguyệt khoát tay:

- Không nên đâu mẹ! Vô luận Lưu Ảo Phu có ác ý như thế nào đối với con, con cũng không thể chấp nhận việc khai quật mộ phần của phụ thân hắn mà đoạt thanh kiếm nơi tay người chết để đối phó với hậu nhân là hắn!

Nguyệt Hoa phu nhân lại thở dài:

- Con muốn thế, tùy con! Nếu Ảo Phu có tư cách như con thì trên thế gian này, mẹ là người có hạnh phúc nhất.

Lý Trại Hồng phụ họa:

- Có một người con như Quan công tử, phu nhân có quyền hãnh diện!

Quan Sơn Nguyệt vốn trực tính, không chịu nổi những lời tán tụng đó, dù chính mẹ chàng thốt, dù chính một người quen thuộc gần như thân mật của chàng thốt lên, không muốn đứng đó nghe thêm, chàng bước đến cạnh con Minh Đà, ve vuốt nó.

Giang Phàm nhìn chàng, lòng nao nao với một ý niềm mới mẻ, một ý niềm mà suốt mấy năm dài, ở tại Thiên Xà cốc, nàng chẳng hề nghe dao động lần nào.

Nàng tự lẩm nhẩm:

- Xà Thần từng khuyến cáo ta đừng bao giờ ly khai sơn cốc trở lại trần gian bởi có rất nhiều nam nhân chực chờ lừa gạt những thiếu nữ đang độ xuân thì, nhất là khi thiếu nữ có nhiều nhan sắc. Lão nói, những nam nhân trên đời, đều là những tên bại hoại, tất cả đều đáng chết, nhưng từ lúc ta hân hạnh được tiếp xúc với Quan công tử, ta nhận thấy Xà Thần xét đoán sai!

Tuy là tự lẩm nhẩm với mình, Giang Phàm cũng không hạ thấp giọng lắm, và những lời nói của nàng lọt vào tai Lý Trại Hồng trọn vẹn. Lý Trại Hồng điểm nhẹ nụ cười thốt:

- Không phải Xà Thần hoàn toàn không có đạo lý đâu! Bất quá, cô nương có số đỏ, nên vừa xuất ngoại là được hiệp đoàn với một nam tử tốt nhất trong thiên hạ, rồi cô nương lại tưởng tất cả nam tử đều tốt như vậy! Tôi xin mượn lời khuyến cáo của Xà Thần, để cảnh cáo cô nương, là chẳng phải bất cứ nam nhân nào cũng đều tốt như Quan công tử đâu! Nếu cô nương không dè dặt, thì cái hậu quả sẽ đến với cô nương nhanh chóng!

Giang Phàm lắc đầu:

- Chắc chắn là không bao giờ tôi lầm lạc một nam nhân nào cả, lẽ thứ nhất là tôi sẽ không tin ai, lẽ thứ nhì là tôi chẳng chịu ly khai Quan công tử, vĩnh viễn tôi theo Quan công tử dù phải đi khắp bốn phương trời, dù phải đi suốt đời, tôi sẽ không hề chú ý đến bất cứ nam nhân nào khác, ngoài Quan công tử!

Từ lúc ly khai Thiên Xà cốc, họ vừa đi vừa nói chuyện, thỉnh thoảng người này tiến đến cạnh người kia, thỉnh thoảng họ quây quần với nhau một chỗ để rồi sau đó qua năm ba câu chuyện, họ lại tách rời nhau.

Những gì Giang Phàm nói, Quan Sơn Nguyệt ở cách xa xa, không nghe rõ.

Giang Phàm thốt xong, liền lướt tới, kèm bên cạnh Quan Sơn Nguyệt, rồi cả hai nói gì với nhau mấy câu, họ hạ thấp giọng nên những người ở phía sau chẳng biết họ nói gì.

Nguyệt Hoa phu nhân cau mày, nhìn qua Lý Trại Hồng một thoáng, đoạn trầm giọng, bảo:

- Đối với đời, nàng chỉ là một cô bé nhỏ dại, chưa biết mảy mai thế thái nhân tình, cô nương không nên nói những lời như thế với nàng.

Lý Trại Hồng thở dài:

- Nhưng, hiện tại, nàng sắp sửa vào đời, tôi cần phải nói những điều đó với nàng, phu nhân ạ!

Nguyệt Hoa phu nhân lấy làm lạ:

- Tại sao?

Lý Trại Hồng đáp:

- Nàng như con chim non lìa tổ, song lại có tài cao, nhưng khi lạc lõng giữa dòng đời, nàng sẽ bị dụ hoặc dễ dàng, người ta lợi dụng cái tài cao của nàng, nếu chúng ta không cảnh cáo nàng ngay từ bây giờ, thì trong tương lai rất có thể nàng sẽ trở thành con người bại hoại nguy hiểm!

Nguyệt Hoa phu nhân trầm ngâm một chút:

- Tiên tử có ý nghĩ rất tốt, song dù sao thì chúng ta cũng phải nhớ đến cái tâm tánh của Nguyệt nhi, giả như sau này nàng bị khích thích qua thời gian tiếp cận với Nguyệt nhi, biết đâu cái kết quả sẽ chẳng phản ngược lại ý nghĩ của Tiên tử?

Lý Trại Hồng cười nhẹ:

- Điều đó chẳng đáng cho phu nhân bận tâm lo ngại. Bởi, có tôi bên cạnh nàng, tôi sẽ chỉ điểm cho nàng hiểu những gì cần phải tránh. Nàng đã bắt đầu có cảm tình với Quan công tử, chúng ta nên lợi dụng tình cảm của nàng, đào tạo nàng thành một người trung thành kiên quyết, dám làm bất cứ việc gì có lợi cho công tử. Nàng sẽ góp phần lớn lao trong công việc tạo dựng sự nghiệp cho công tử sau này.

Cả hai bàn bàn luận luận với nhau, sắp xếp một kế hoạch cho những ngày sẽ đến. Dĩ nhiên, những gì họ bàn luận với nhau, phải là bí mật, nên họ chỉ thì thầm cho nhau nghe thôi.

Một lúc sau, họ về đến ngôi nhà trọ, đúng lúc Nhàn Du Nhất Âu và Nhập Hoạch đang kinh hoàng gần như cuồng loạn về sự thất tung của bao nhiêu người.

Bây giờ thì đương nhiên là cả hai phải mừng, càng mừng hơn nữa là có thêm Quan Sơn Nguyệt.

Nghe Nguyệt Hoa phu nhân thuật lại tao ngộ vừa qua, Nhàn Du Nhất Âu và Nhập Hoạch tưởng chừng mình nghe kể một thần thoại từ xa xưa nào đó. Nếu chẳng có Xà Cơ Giang Phàm, nếu chẳng có sợi dây đai bằng con rắn kỳ quái quanh mình Giang Phàm, cả hai nhất định không tin là có sự thật như vậy.

Nguyệt Hoa phu nhân sai Nhập Hoạch trở về Quảng Hàn cung lấy thanh kiếm Hoàng Diệp cho Quan Sơn Nguyệt sử dụng.

Việc kế đó là dọ thám hành động Tạ Linh Vận tại Ngũ Đài sơn.

Đáng lý ra, Quan Sơn Nguyệt tự mình đảm trách việc đó, song mọi người sợ chàng đến đó, hành tung sẽ bị lộ, Tạ Linh Vận kịp thời phòng bị, chẳng những chàng không thu thập được chi tiết nào hữu ích, mà còn làm cho sự tình thêm khó khăn, đối phương đề phòng rồi khó mà tranh thủ thắng lợi một cách dễ dàng. Bởi thế, chàng đang ẩn mặt tại sơn thôn này, để cho Vạn Lý Vô Vân và Nhất Luân Minh Nguyệt thay thế chàng, đi Ngũ Đài sơn một chuyến.

Sở dĩ cả hai được chọn, là vì trong Long Hoa hội, họ có địa vị thấp nhất, nếu đến Ngũ Đài sơn, họ có bị phát giác hành tung, thì cũng chẳng đến đỗi nào, bởi Thiên Ma giáo chẳng bao giờ ngán sợ họ mà làm khó gì cho lắm.

Nguyệt Hoa phu nhân và Lý Trại Hồng nhân lúc rảnh này, mua vải cắt may y phục cho Giang Phàm dùng tạm.

Cắt may y phục cho một người thường, đối với cả hai, chẳng phải là việc khó làm. Nhưng, con rắn độc kia không thể rời xa Giang Phàm, thì bộ y phục của nàng cũng phải bao phủ luôn con rắn, và điều quan trọng là phải nghĩ cách làm sao cho con rắn thoát ra dễ dàng, khi cần dùng đến nó. Cả hai nghĩ mãi, sau cùng mới thỏa thuận là cứ may y phục thường cho Giang Phàm, còn về con rắn thì họ may cho nó một cái đãy, cột dưới vai của nàng.

Quan Sơn Nguyệt thì hoặc đàm đạo với Nhàn Du Nhất Âu, hoặc thủ thỉ với con Minh Đà, như đàm thoại với một lão hữu. Chàng cũng có đem điều hay lẽ phải giáo huấn Giang Phàm, giúp nàng dần dần khôi phục các thói quen của một con người mà hơn mười mấy năm dài tại Thiên Xà cốc, nàng đã quên lãng mất.

Tuy nhiên, chàng luôn luôn nhớ đến Trương Thanh, không một việc làm nào hàng ngày có thể giúp chàng khuây niềm tưởng nhớ Trương Thanh.

Lúc còn sống chung với nhau, có nhau bên cạnh thường xuyên, chàng không lưu ý cho lắm đến nàng. Sau thời gian xa cách, cũng có lúc chàng nhớ đến nàng, nhưng niềm nhớ nhung không thắm thiết sâu đậm lắm.

Bỗng dưng mà chàng biết được nàng yêu chàng, nàng đau khổ vì chàng đến đỗi phải lâm nạn, chàng xót xa biết bao. Giờ đây, chàng mới nghe con tim rạo rực, giờ đây chàng mới thấy ray rức phi thường về sự thiếu vắng nàng.

Hiện tại, có phải là nàng đang bị Lưu Ảo Phu quản thúc chăng? Nếu đúng như vậy, thì hẳn là Lưu Ảo Phu có cho nàng biết chàng đã chết rồi! Nghe tin chàng chết, nàng sẽ ra sao?

Chàng thầm nghĩ:

- "Nàng có đau khổ chăng? Có khóc vì ta chăng? Hay nàng cải biến tâm ý, quên ta mất rồi, để dành trọn vẹn con tim cho Lưu Ảo Phu?"

Từ lúc tiếp thọ Minh Đà lệnh, xuất đạo trên giang hồ đến nay, lần thứ nhất Quan Sơn Nguyệt mới biết ưu tư về vấn đề tình ái! Càng ưu tư, chàng càng hận Lưu Ảo Phu. Chàng tự nguyện sẽ chẳng dung tha Lưu Ảo Phu nếu Trương Thanh có bề gì, bởi chàng cho rằng nàng có ra sao đi nữa, thì cũng do Lưu Ảo Phu uy hiếp mà thôi.

Rồi chàng lại nghĩ:

- "Giả như Trương Thanh thay lòng đổi dạ, quên chàng mà yêu Lưu Ảo Phu, thì chàng sẽ làm sao? Chàng có nên từ nơi tay Lưu Ảo Phu, đoạt Trương Thanh về cho chàng chăng?"

Cuối cùng, chàng lắc đầu, tự nhủ thầm:

- "Không! Ta không nên làm thế, giả như ta gặp cả hai sum họp với nhau, thì ta nên âm thầm bỏ đi xa, thật xa, để cho họ hưởng hạnh phúc bên nhau, còn ta thì bên trong sống với những kỷ niệm ngày nào, bên ngoài thì trọn vẹn hy sinh cho quảng đại quần chúng."

Trên thế gian này, trừ trường hợp bị phản bội, có ai cam tâm để cho ngoại nhân cướp đoạt tình yêu, không mảy mai phản ứng, âm thầm tìm nơi ẩn tránh, chịu đau khổ mà nhường hạnh phúc cho người? Chẳng qua, trong mấy lúc sau này, Quan Sơn Nguyệt dần dần biến đổi tánh tình, hiện tại thì chàng có tâm quảng đại, không thích bất cứ cuộc tranh chấp nào, kể cả sự tranh chấp một con tim, trừ những lúc chẳng đặng đừng mà thôi.

Không kể Lưu Ảo Phu dù là con của kẻ thù, hắn vẫn là huynh đệ đồng mẫu với chàng, chàng còn nhận thấy Lưu Ảo Phu say mê Trương Thanh vô cùng, nếu Trương Thanh sống chung với hắn, thì nàng sẽ được hắn nuông chiều săn sóc chu đáo. Chàng cho rằng Trương Thanh về với chàng, chưa chắc là hạnh phúc hơn là về với Lưu Ảo Phu. Do đó, chàng quyết định nhượng bộ để Trương Thanh được hạnh phúc mãi mãi.

Sinh hoạt của những người còn lại, cứ như thế diễn tiến đều đều qua mười ngày rồi.

Sơn thôn từ thuở nào, vẫn an tịnh, dân cư sống như cái máy, trăm ngàn như một, mọi hoạt động tiếp diễn đều nhịp. Bỗng, hôm nay, một biến cố đến với địa phương an tịnh này, thực ra thì biến cố đó chẳng phải đến với cư dân, mà chính là đến với bọn người đang tạm trú trong vùng. Dù muốn dù không, dân cư cũng bị ít nhiều ảnh hưởng qua cuộc nhiệt náo của bọn người tạm trú đó.

Vạn Lý Vô Vân và Nhất Luân Minh Nguyệt đi Ngũ Đài sơn dọ thám, mang về một cái tin làm chấn động tâm tư mọi người.

Từ lâu, Tây Môn Vô Diệm nhận chức Phó giáo chủ Thiên Ma giáo, nhưng ngôi vị đó gần đây đã thay đổi người rồi. Tây Môn Vô Diệm nhượng vị lại cho Lưu Ảo Phu!

Ngoài cái tin kinh khủng đó, lại có thêm những sự kiện khác.

Sự kiện thứ nhất, là năm thị giả tại Quảng Hàn cung cũng đến tận sơn trang này, và chính Thị Thơ gọi Cầm Khiêu và Tử Kỳ cùng đến luôn.

Nhập Hoạch thì vâng lịnh Nguyệt Hoa phu nhân, trở về Quảng Hàn cung, dọc đường lại gặp Chữ Trà.

Sự kiện thứ hai này cũng làm cho mọi người kinh ngạc không ít, bởi Chữ Trà có nhiệm vụ gìn giữ Quảng Hàn cung trong lúc Nguyệt Hoa phu nhân vắng mặt, bây giờ nàng ly khai nơi đó, hẳn chẳng phải là không duyên cớ. Cái duyên cớ đó, không cần đợi ai nói, Chữ Trà đương nhiên thuật lại cho mọi người biết liền.

Đó là một hôm, Lưu Ảo Phu bỗng trở về, quật mộ cha, lấy thanh kiếm Thanh Sách, với ý định hiến dâng cho Tạ Linh Vận.

Ỷ trượng vào thanh Hoàng Diệp kiếm, Chữ Trà chống cự, song nàng làm sao địch lại Lưu Ảo Phu, nàng bị hắn đánh bỏ chạy xuống núi. Lưu Ảo Phu phóng hỏa thiêu hủy Quảng Hàn cung.

Cái tin cuối cùng, liên quan đến Trương Thanh, sau khi nghe nói là Quan Sơn Nguyệt tử nạn rồi, nàng khóc suốt ngày đêm, bất thình lình, ba hôm sau nàng thất tung một cách bí mật. Không ai biết nàng đã đi đâu, và thất tung trong trường hợp nào.

Những tin tức đó, đến với bọn Nguyệt Hoa phu nhân và Quan Sơn Nguyệt, như những tiếng sét nổ ngang đầu.

Sau cơn kinh khủng, họ bình bịnh trở lại, và cùng nhau thảo luận kế hoạch, ứng phó với tình hình mới. Dĩ nhiên, cuộc thảo luận của họ nhắm vào mục tiêu chánh, là bắt buộc phải khai diễn trường ác chiến vói Thiên Ma giáo, bằng mọi giá, phải thủ thắng trước Tạ Linh Vận. Đạt mục tiêu đó rồi, những vấn đề khác là phụ thuộc, họ sẽ lần lượt giải quyết, cái phần phụ thuộc đối với họ không khó khăn lắm.

Giả như chính họ không đến tận Ngũ Đài sơn, thì trước sau gì Tạ Linh Vận cũng đưa lực lượng đến tìm họ.

Quan Sơn Nguyệt thầm nghĩ, trong năm thanh kiếm báu, thì Hắc Đái bị Xà Thần bẻ gãy, Bạch Hồng bị Liễu Y Ảo chiếm đoạt, Hoàng Diệp may mắn vẫn còn nơi tay Chữ Trà. Nhưng, hai thanh lợi hại nhất là Tử Sính và Thanh Sách thì lại ở trong tay Lưu Ảo Phu! Và, cứ như tin tức vừa thu hoạch, thì Thanh Sách kiếm lại được Lưu Ảo Phu tặng cho Tạ Linh Vận. Thế là hai tay đại kình địch của chàng, có mỗi người một thanh kiếm quý!

Sự kiện đó, dù muốn dù không, cũng đã gây nên khó khăn cho chàng nhiều, trên xa chỗ tưởng của chàng.

Tạ Linh Vận và Lưu Ảo Phu là hai tay kiếm thủ lợi hại, nếu họ có kiếm báu nơi tay, thì phần linh diệu sẽ được phát huy trọn vẹn, trong khi Quan Sơn Nguyệt chỉ có thanh kiếm hạng thứ, là Hoàng Diệp do Chữ Trà vừa mang đến.

Quan Sơn Nguyệt cảm thấy một cơn bão lớn đang dấy động ở chân bờ, trong một sớm một chiều sẽ quét đến nơi, cuốn cả bọn của chàng đưa vào tử diệt...

Sơn thôn này lộ liễu quá, chẳng phải là nơi tạm trú an toàn, nếu nấn ná tại đây, giả như bọn Tạ Linh Vận kéo đến, Quan Sơn Nguyệt khó thủ thắng nổi, bởi chàng mất hẳn địa lợi.

Ở không tiện, thì tốt hơn hết là ra đi, mà đi đâu cũng không bằng kéo nhau thẳng đến Ngũ Đài sơn.

Chàng nghĩ, sớm muộn gì cũng phải có cuộc chiến, thì tốt hơn nên chiến ngay trong lúc này, lúc mà đối phương có lẽ chưa chuẩn bị hoàn toàn lực lượng cũng như chiến lược.

Từ Chiết Sơn đến Ngũ Đài sơn, đường dài độ vài trăm dặm, nếu một mình chàng dùng Minh Đà làm cước lực, thì bất quá chàng chỉ mất một ngày thôi, song chàng không thể giục Minh Đà giở hết tốc độ, bởi sau chàng còn có đoàn ngựa của những người thân của chàng. Thành ra, người đợi người, nhanh phải chờ chậm, do đó hành trình phải kéo dài lâu.

Qua khỏi huyện Ngũ Đài, là đến khu núi, tuy đến đó rồi, đoàn người vẫn còn cách đỉnh chánh Ngũ Đài sơn khá xa.

Khi đoàn người giẫm chân lên sơn lộ rộng rãi, Quan Sơn Nguyệt nghĩ rằng Thiên Ma giáo hẳn phải đặt thuộc hạ canh giữ dọc theo đường, từng chặng, hoặc lộ liễu, hoặc ẩn nấp, đề phòng những sự xâm nhập bất ngờ vào nội địa của họ.

Quả nhiên, bọn chàng đi không lâu, bỗng thấy Kỳ Hạo cởi con Hắc Đà của hắn, hiện ra chận đầu. Long Hoa hội đã giải tán, thì cái chức Thiên Tề Ma Quân của hắn cũng chẳng còn nữa, như tất cả mọi chức vụ trong ba bảng Tiên, Ma và Quỷ đều được giải trừ, tuy nhiên hắn vẫn còn giữ nguyên vẹn thần khí của thuở nào. Sở dĩ hắn còn dương dương tự đắc, là vì Tạ Linh Vận đã truyền "Tu La kiếm pháp" cho hắn.

Tạ Linh Vận tín nhiệm hắn đến độ đem sở học bí truyền chỉ điểm cho hắn như vậy, hẳn là trong Thiên Ma giáo, địa vị của hắn không thấp lắm.

Người thấy người, người chưa đối thoại với nhau, nhưng hai con thú đã phản ứng rồi. Con Hắc Đà của Kỳ Hạo vừa trông thấy con Minh Đà của Quan Sơn Nguyệt liền quay đầu chạy đi, con Minh Đà liền đuổi theo ngay lập tức.

Thì ra, trên đỉnh Thần Nữ Phong, hai con vật cũng như chủ nhân chúng, cũng có giao tranh với nhau. Hắc Đà bại, Minh Đà thắng, bại gặp thắng phải sợ chạy liền, thắng gặp bại thì hùng hổ sấn đuổi.

Kỳ Hạo không làm sao kềm giữ con thú được, nổi giận nhảy xuống đường, phóng chân tung một ngọn cước vào mông nó, đồng thời mắng:

- Súc sanh vô dụng quá chừng!

Minh Đà chừng như thích thú lắm, ngẩng cao đầu, rống lên oang oang.

Quan Sơn Nguyệt điểm một nụ cười, vỗ tay vào cổ Minh Đà, thốt:

- Khá lắm đó, lão bằng hữu! Có như vậy mới đáng mặt anh hùng, độc chiếm nhất phương, chứ nếu để cho cái thứ vô dụng nghinh ngang thì còn oai vọng chi nữa!

Chàng mượn câu nói với Minh Đà, để ngầm mỉa mai Kỳ Hạo, chứ thú gì lại có thú xưng hùng xưng bá, độc chiếm nhất phương?

Kỳ Hạo phản ứng liền:

- Quan Sơn Nguyệt! Ngươi chớ vội hợm mình, thú thì hùng mãnh đó, nhưng chắc gì ngươi được như thú? Ngươi có gan dẫn xác đến đây, thì ta bắt buộc phải nhọc công giáo huấn ngươi một phen!

Quan Sơn Nguyệt cười nhạt:

- Muốn khiêu chiến ta, ít nhất ngươi cũng phải có đủ tư cách. Thử hỏi ngươi có còn cái thân phận Phi Đà lệnh chủ chăng mà cho rằng mình xứng đáng khiêu chiến một Lệnh chủ khác?

Kỳ Hạo biến sắc, quát vang:

- Câm! Câm ngay! Ngươi có can đảm, cứ xuống lưng lạc đà đi, ta sẽ chong biết liền, Kỳ Hạo này lợi hại như thế nào.

Lúc đó, con Hắc Đà đã trở lại cạnh hắn, hớn với tay lấy một chiếc bọc dài trên mình Hắc Đà.

Chiếc bao đó đựng một loại vũ khí hình thức kỳ quái. Vũ khí đó, hắn phỏng theo hình thức chiếc Kim Thần của Quan Sơn Nguyệt mà chế luyện, toàn thân đen bóng, một chân thay cho cáng, đầu kia tợ đầu quỷ, có răng lòi, mắt trợn, trông hết sức dữ dằn.

Hắn đặt cho vũ khí đó một cái tên, là Độc Cước Quỷ Vương.

Rút chiếc Độc Cước Quỷ Vương ra khỏi bao, hắn vừa vung lên, vừa hét:

- Xuống lưng lạc đà đi, Quan Sơn Nguyệt! Chúng ta trao đổi nhau vài ba trăm chiêu xem nào!

Quan Sơn Nguyệt cười ngạo nghễ:

- Hiện tại, ta không thừa thời giờ đùa cợt với ngươi, ngươi trở về giáo sở, gọi Tạ Linh Vận đến đây hội diện với ta.

Kỳ Hạo cười lạnh:

- Muốn gặp bổn Giáo chủ, ngươi phải qua lọt cửa ải này, do ta trấn đóng.

Quan Sơn Nguyệt dửng cao đôi mày, toan nhảy xuống lưng Minh Đà, Cầm Khiêu vội lên tiếng:

- Công tử hãy để thuộc hạ thu thập tên đó cho!

Kỳ Hạo nổi giận, quát:

- Cút đi nơi khác! Ngươi là cái quái gì mà dám chường mặt trước mắt ta?

Cầm Khiêu cười đáp:

- Quan công tử là tiểu chủ nhân của ta, còn ngươi chung quy cũng chỉ là một tên thuộc hạ của Thiên Ma giáo chủ, thuộc hạ đối phó với thuộc hạ, chẳng thuận lý sao? Giả như Giáo chủ xuất hiện, thì tự nhiên là ta chẳng dám chường mặt, bởi đã có chủ nhân của ta ứng phó. Đừng cao mặt buông tiếng nói ngông cuồng, làm mất tư cách con nhà võ!

Nư giận bốc bừng, Kỳ Hạo vung chiếc Quỷ Vương quét qua một vòng, đồng thời lướt tới, từ bên trên giáng xuống đầu Cầm Khiêu.

Cầm Khiêu vốn có chuẩn bị trước, miệng vừa thốt, tay cũng vừa rút chiếc vũ khí của y từ trong chiếc bọc bên mình.

Vũ khí của y, là một chiếc đàn bằng gỗ, thùng đàn rất lớn, cần đàn cũng rất dài.

Chiếc Quỷ Vương vừa giáng xuống, chiếc đàn gỗ cũng vừa hất lên.

Quan Sơn Nguyệt thấy Cầm Khiêu dùng đàn gỗ nghinh đón Quỷ Vương bằng đồng đen của Kỳ Hạo, chàng thoáng biến sắc mặt, lo sợ cho Cầm Khiêu sơ thất. Nhưng, Tư Kỳ trấn an chàng ngay:

- Công tử không phải lo ngại, chiếc đàn đó tuy bằng gỗ, song nó có hiệu dụng vô cùng, vũ khí của Kỳ Hạo tuy bằng kim loại, cũng chẳng làm gì hư hại đến chiếc đàn nổi!

Hai vũ khí chạm nhau, chiếc Quỷ Vương của Kỳ Hạo giáng xuống các dây đàn. Một loạt âm vang rền dội lên, ai ai cũng cảm thấy chấn động cảm màn tai.

Con Hắc Đà của Kỳ Hạo cụp đuôi phóng chân chạy, con Minh Đà của Quan Sơn Nguyệt kinh hoảng lùi lại mấy bước, những con ngựa thì hí vang rền, có con rung chân, phải khuỵu xuống, có con quay đầu định chạy đi, có con nhảy chồm chồm. Trong thoáng mắt, cục trường nhốn nháo, loạn lên.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-79)


<