Vay nóng Homecredit

Truyện:Quái khách muôn mặt - Hồi 09

Quái khách muôn mặt
Trọn bộ 38 hồi
Hồi 09: Cứu giai nhân gây nghiệp chướng
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-38)

Siêu sale Shopee

Đêm đã khuya, ngoài đường không có một bóng người nào qua lại, chỉ có một anh phu canh tuần đêm thỉnh thoảng đi qua thôi. Trống lầu thành vừa gõ ba tiếng. Đúng lúc ấy đúng là canh ba, người ở thị trấn hầu như ngủ say hết duy chỉ có những khách dạ hành tới lúc này mới đi ra hoạt động thôi.

Thị trấn nho nhỏ ấy bỗng có hai bóng đen xuất hiện, một xuất hiện ở phía đông, một xuất hiện ở phía tây. Bóng đen ở bên phía tây hành động nhanh như gió, vừa vào tới thị trấn đã lẫn khuất ở trong bóng tối trên những nóc nhà liền.

Còn bóng đen bên phía đông hành động cũng nhanh không kém, nhưng có vẻ đường hoàng chứ không lén lút như bóng đen kia, vậy y đi ở trên mái nhà như là đi ở đất bằng vậy. Bóng đen đó thỉnh thoảng lại ngừng chân ở những nhà bên dưới có ánh đèn.

Lúc ấy Long Uyên ở trong căn phòng tối đang cúi đầu hà hơi cho nàng nọ. Nếu nạn nhân mới chết mà ngũ tạng còn đang lành mạnh như chết đuối chết ngạt hay thắt cổ tự tử chẳng hạn thì dùng phương pháp này rất công hiệu.

Nhưng cô nương này vì chân âm hao tổn quá nhiều, khi huyết bị đình trệ, dùng phương pháp này tuy vẫn có thể cấp cứu thì cũng không có công hiệu gì hết.

Long Uyên tuy hiểu lý do đó nhưng nhất thời chàng biết đi đâu mà kiếm ra thuốc bổ? Chàng độ hơi một lúc thấy nàng nọ đã thở nhè nhẹ và trống ngực bắt đầu đập lại dần rồi. Chàng mừng rỡ vô cùng ngẫu nhiên tay va chạm phải túi áo chàng mới sực nghĩ ra mình có mang theo Xích Long hoàn.

Xích Long hoàn tuy không phải là đúng thứ thuốc chữa bệnh nàng nọ, nhưng dù sao nó cũng là một thứ thuốc bổ, nếu mà nàng tiêu hóa sức thuốc thì nàng vẫn có thể lành mạnh được. Vả lại thuốc này còn có công hiệu đặt nền móng cho nàng luyện võ nữa.

Long Uyên vội đổ một viên thuốc ra trút vào mồm mình nhai nát rồi mớm cho nàng.

Thuốc vừa khỏi miệng nàng, Long Uyên đã nghe thấy bụng của nàng ta có tiếng kêu như tiếng nước sôi vậy, mặt của nàng cũng đỏ dần, hô hấp càng ngày càng mạnh hơn trước. Chàng biết sức thuốc đã có kiến hiệu, bụng bảo dạ rằng:

- "Đã trót thì trét, ta đã cứu người phải cứu đến cùng mới được. Sau khi đổ hơi ta còn phải xoa bóp cho nàng một hồi nữa mới xong".

Lúc ấy khắp mình mẩy nàng đỏ hồng và đã có hơi nóng bốc lên cùng mồ hôi toát ra, và miệng nàng cũng nói được rồi hình như nàng đã khôi phục được tri giác.

Long Uyên biết Xích Long hoàn nóng lắm nếu không mau xoa bóp cho nàng để dẫn thuốc vào huyệt mạch nàng sẽ bị nóng đến chết chứ chẳng sai. Vì thế chàng không dám trì hoãn, vội vận liên tiếp thần công dồn chân khí của mình vào Khí Hải huyệt ở bụng dưới của nàng. Còn tay trái của chàng thì đi vào giữa ngực nàng xoa bóp. Đồng thời chân khí ở trong người chàng đã liên tiếp dồn vào trong người của cô nương nọ, thế là hơi nóng của Xích Long hoàn bị chân khí dẫn chạy khắp kinh mạch. Cho nên không bao lâu các huyệt đạo của nàng trừ Sinh Tử Huyền Quan hai mạch ra đều được đả thông, nàng cũng tỉnh dần.

Lúc ấy Long Uyên cảm thấy chân khí của mình đã vận hành vào trong người của nàng nọ rồi mà không thấy chân khí mình khô kiệt chút nào, trái lại càng dồn sang bao nhiêu thì người mình lại càng nẩy nở thêm chân khí bấy nhiêu. Chàng mừng rỡ thầm, vì thấy công lực của mình đã tinh tiến như vậy, đồng thời cũng mừng cho nàng nọ. Chàng lại nhận thấy cốt cách của nàng khác người nên chân khí của mình dồn sang người của nàng mới thông đạt như thế.

Vì vậy chàng mới định làm giúp cho nàng đi đến nơi là đả thông Sinh Tử Huyền Quan luôn cho nàng nữa. Nếu hai huyền quan đó đả thông được rồi sau này nàng có luyện võ chẳng những tiến bộ rất mau chóng mà chỉ cần luyện một năm cũng bằng người khác luyện hai ba năm, dù không luyện võ cũng sống lâu ít nhất là trăm tuổi.

Đang lúc Long Uyên muốn dùng chân khí để đã thông hai nơi huyệt mạch ấy cho nàng nọ thì bỗng nghe thấy trên mái nhà có tiếng động, hiển nhiên có người dạ hành đi qua.

Chàng đoán người này chắc là lão sư thái nên bụng bảo dạ rằng:

- "Nếu quả thực là lão sư thái kiếm tới thì ta trao nàng cho lão sư thái xử lý khỏi phải phiền phức thêm".

Ngờ đâu chàng đang suy nghĩ như vậy, tay chợt đụng vào người cô nương kia, nàng bỗng thức tỉnh la lớn một tiếng rồi vừa khóc vừa mắng chửi:

- Tên giặc này giỏi thực, cô nương phải thí mạng với mi mới xong.

Chửi xong nàng vội bò dậy nhảy xổ lại đâm đầu vào người Long Uyên.

Long Uyên thấy nàng ta lại đối phó với mình như vậy, liền giật mình kinh hãi, chân tay cuống quýt nhảy xuống đất và biện bạch rằng:

- Cô nương chớ có hiểu lầm, tại hạ Long...

Ngờ đâu nàng vừa thấy chàng nhảy xuống đất đã vội kéo chăn đắp trùm lên người rồi miệng cứ thất thanh kêu la cầu cứu hoài. Long Uyên nói gì nàng cũng không nghe thấy rõ.

Long Uyên sợ những người ở trong khách điếm chạy lại hỏi han và cô nương này cứ đổ diệt cho mình, làm sao mà cãi lại được. Chàng thấy nàng ta không chịu nghe lời mình trong lòng lo âu vô cùng, định tiến lên điểm yếu huyệt ngủ cho nàng ngủ say rồi dần dần giải thích sau. Ngờ đâu chàng mới tới gần giường thì ngoài cửa sổ đã có tiếng người quát lớn và có một số ám khí bắn vào như mưa.

Nghe tiếng kêu chàng biết những mũi ám khí đó ắt phải do một người có võ công rất cao siêu ném ra, nên không kịp điểm huyệt cô nương nọ mà vội giơ tay áo lên phất một cái. Những mũi ám khí đó đều bị chàng gạt bắn vào tường.

Người bên ngoài chắc võ công cũng khá cao siêu nên đã biết ám khí ném vào không ăn thua gì, liền lên tiếng mắng chửi:

- Dâm tặc có giỏi ra đây nộp mạng.

Người đó nói xong đã phá tan khung cửa sổ, nhưng không thấy ai nhảy vào cả. Long Uyên thấy vậy vừa bực tức vừa tức cười vừa hối hận, chàng bụng bảo dạ rằng:

- Hiệp khách nào mà nói tới đúng lúc như thế này.

Nhưng dù sao chàng cũng phải giải thích cho rõ chuyện này mới được. Bằng không sau này người ta sẽ hiểu lầm mà đồn đại khắp mọi nơi, bảo mình là kẻ dâm tặc thì còn mặt mũi nào trông thấy mọi người trên thiên hạ nữa.

Chàng nghĩ như vậy, liền chạy lại điểm huyệt ngủ cho cô nương nọ. Đồng thời chàng tung mình nhảy ra bên ngoài, bỗng thấy trên đầu có tiếng quát mắng và có người tấn công chàng. Đối phương sử dụng một đôi khí giới rất sắc bén nhằm hai bên yếu huyệt ở hông mình đâm tới.

Chàng liền giở khinh công thượng thặng lướt ra ngoài và hơn hai trượng rồi đứng lại.

Người đánh lén không ngờ khinh công của chàng lại siêu việt đến thế. Y chờ tới khi Long Uyên đứng yên rồi mới đưa mắt ngắm nhìn. Nhưng mắt của Long Uyên sáng hơn nên chàng đã trong thấy rõ người ấy trước.

Người ấy tuổi chừng đôi mươi mặt rất tuấn tú mặc áo dạ hành màu trắng, hai tay cầm đôi Hổ trảo bằng bạc trong rất oai dũng. Nên mới thấy chàng đã có thiện cảm với người đó liền. Người ấy lại không có cảm tưởng như chàng, vì lúc đó chàng đã hóa trang thành mặt vàng khè, lại có một cái sẹo trông rất rùng rợn, dưới ánh trăng trông mặt chàng không khác gì một ác quỷ.

Long Uyên quên mình đã hóa trang thành một bộ mặt rất xấu xí, nên vẫn tiến lên chắp tay chào và mỉm cười nói:

- Huynh đài chớ hiểu lầm, tại hạ là Long Linh Vân chứ không phải là đám...

Chàng chưa nói dứt, thiếu niên đã cau mày quát lớn.

- Tên giặc tàn ác kia, lại muốn chối cãi phải không? Đại gia không thèm nghe những lời ngon lẽ ngọt của ngươi đâu! Biết điều thì nộp mạng cho ta.

Y nói chưa dứt, đã múa đôi Hổ trảo xông lại tấn công.

Long Uyên thấy vậy càng lo âu thêm, hai tay xua lia lịa, mồm lại nói:

- Huynh đài chớ...

Nhưng đôi Hổ trảo của đối phương đã tấn công tới chàng phải nhảy lùi phía sau năm thước để tránh.

Thiếu niên nọ thấy tấn công hụt lại càng tức giận thêm, quát lớn một tiếng nhảy xổ tới tấn công liên tiếp. Đôi Hổ trảo của y nhanh như điện chớp nhằm hai yếu huyệt ở hai trên vai của Long Uyên bổ tới.

Long Uyên lại nhảy lên cao rồi hạ chân xuống phía sau thiếu niên kia.

Thiếu niên nọ yên trí thế nào cũng đánh trúng ngờ đâu người xấu xí nọ lại tránh thoát được một cách dễ dàng.

Y hoảng sợ vô cùng không kịp suy nghĩ, vội đưa luôn đôi Hổ trảo tấn công về phía sau chứ không kịp quay người lại. Ngờ đâu thế công đó cũng hụt luôn. Y hổ thẹn vô cùng, hai má đỏ bừng.

Nếu lúc ấy Long Uyên chỉ giơ tay ra khẽ điểm huyệt một cái thì thiếu niên đó té ngã liền. Nhưng chàng thì muốn kết giao với chàng nọ. Chàng cũng biết thiếu niên tuy hơi nóng tính nhưng chẳng qua chỉ vì hiểu lầm mà nên. Chàng nhảy tới phía sau chàng nọ mà chỉ đứng ở ngoài xa nửa trượng thôi chứ không ra tay.

Chờ thiếu niên kia tấn công hụt rồi quay đầu lại, chàng liền mỉm cười nói:

- Huynh đài chớ có nóng nảy như vậy, tại hạ...

Thiếu niên nọ lầm tưởng chàng ta nói như thế là châm biếm mình, nên giận liền xông lại tấn công tiếp.

Lần này thiếu niên biết khinh công của Long Uyên rất cao siêu tuy chưa thấy chàng ra tay, nhưng đã biết võ công của chàng được luyện tới mức thượng thặng rồi.

Y không dám khinh thường như trước nữa. Dưới ánh sáng trăng chỉ thấy hai cái bóng người nhảy đi nhảy lại và có tiếng gió kêu vù vù thôi.

Lúc ấy những người ở trong khách điếm đều đã thức tỉnh vội chạy ra xem. Nhưng không ai dám khuyên can hết vì sợ vạ lây. Long Uyên giở Đơn Thiết thần công ra ung dung tiến thoái, nhưng chàng không hề trả đũa một thế nào hết. Ý của chàng là muốn để cho đối phương biết địch không nổi rồi rút lui, hay ngừng tay lại chàng mới có dịp giải thích sự hiểu lầm này.

Ngờ đâu thiếu niên ấy không hiểu ý chàng lại còn tưởng chàng đùa giỡn, cho nên tấn công mãi mà thấy không làm gì nổi, trong lòng càng tức giận thêm. Y vận mười thành công lực ra múa đôi Hổ trảo kêu vèo vèo, mạnh và mau như mưa rào.

Long Uyên cau mày chàng nhận thấy thiếu niên này không biết điều chút nào. Đang định ra tay thì chàng bỗng thấy lão sư thái tay cầm phất trần đứng ở trên mái nhà nhìn xuống. Tuy chàng không rõ bà là sư tỷ của cha mình nhưng biết bà không phải là người thường. Chàng đã gặp bà ở trong am nên đoán chắc bà không đến nỗi hiểu lầm mình là dâm tục như thiếu niên này.

Vì vậy chàng thấy sư thái đến cả mừng, vội tránh song Hổ trảo của đối phương rồi nhảy lên trên mái nhà tới trước mặt sư thái cúi mình vái chào.

- Lão sư thái đến thật đúng lúc! Đường cô nương đã được tại hạ cứu thoát, nhưng bạn này...

Lão sư thái Pháp Duyên cũng đang tìm kiếm Đường tiểu thư vừa tới đây thì gặp trận đấu. Bà ngạc nhiên nghĩ thầm:

- Hai người này không biết cấm kỵ của giang hồ chút nào ở một nơi đông đúc như thế này mà đấu với nhau kịch liệt như vậy...

Bà vừa nghĩ vừa phi thân tới gần xem, và nhận ra người cầm đôi Hổ trảo chính là môn đồ của phái Hoa Sơn.

Phái Hoa Sơn là một đại môn phái của võ lâm, người Chưởng môn là Thiên Cơ chân nhân ba mươi năm trước với một thanh kiếm tự sáng tác ra một pho Phi Hổ thập tam kiếm có thể nói là một võ lâm cao thủ nổi danh trên giang hồ lâu năm.

Lão sư thái năm xưa đã gặp Thiên Cơ chân nhân một lần, cho nên vừa thấy thiếu niên này giở những thế võ ra là đã nhận ngay được là người của phái Hoa Sơn. Nhưng nếu thiếu niên này là người của phái Hoa Sơn sao không dùng kiếm mà lại dùng đôi Hổ trảo như vậy! Vì vậy nên hơi kinh ngạc và còn ngạc nhiên hơn nữa khí thấy thiếu niên mặt xấu xí quái dị kia dùng thân pháp và bộ pháp rất thần diệu.

Lão sư thái lang bạt giang hồ mấy chục năm trời kinh nghiệm cũng nhiều, nhưng chưa bao giờ thấy ai có thân pháp và bộ pháp thần kỳ như thế này cả. Vì vậy bà mới không muốn để lộ hình dung ra vội, chỉ đứng ở một bên xem xét thôi. Ngờ đâu Long Uyên lại hay biết và nhảy xổ lại như thế, nên bà giật mình kinh hãi vội lui về phía sau giờ phất trần lên để phòng bị. Nhưng sao nghe Long Uyên nói bà ta mới hết nghi ngờ.

Long Uyên chưa nói dứt, đã thấy thiếu niên nọ đuổi theo tấn công chàng vội lướt tới phía sau lão sư thái. Lão sư thái thấy vậy biết hai bên thế nào cũng có sự hiểu lầm, đang định xét hỏi thì thiếu niên xấu xí kia liền biến mất, và thiếu niên đuổi theo đã múa đôi hổ chảo nhằm ngực mình mà tấn công.

Lão sư thái biết đối phương không thâu tay lại cho nên bà vội phất trần lên cuộn chặt lấy đôi Hổ trảo rồi hỏi:

- Thiếu thí chủ hãy ngừng tay để bần ni hỏi rõ.

Trong khi nói bà đã ngầm vận chân lực vào phất trần và đẩy thiếu niên nọ ra ngoài xa mấy thước.

Thiếu niên nọ thấy lão ni hai mắt lóng lánh có thần, mặt trông rất chính khí, tay cầm phất trần rất dài, tiềm lực của bà lại mạnh kinh người, y suy nghĩ một chút biết ngay lại lịch của lão ni. Vì vậy lòng y không vui nhưng thấy sư thái đã xen vào bắt buộc y phải ngừng tay lại lên tiếng hỏi:

- Có phải là Pháp Duyên sư thái đấy không?

Pháp Duyên mỉm cười buông phất trần ra và đáp:

- Bần ni chính là Pháp Duyên, không biết thiếu thí chủ là cao túc của vị đại hiệp nào?

Thiếu niên cố nén lửa giận vái chào:

- Hoa Sơn Chưởng môn Tọa Họa đệ tử Hổ Hùng tham kiến sư thái.

Pháp Duyên giơ tay đỡ Hổ Hùng và nói:

- Hổ thí chủ khỏi phải đa lễ như thế. Để lão ni hỏi vị thí chủ này trước xem đôi bên có sự hiểu lầm không?

Nói xong bà ta không đợi chờ Hổ Hùng trả lời đã quay đầu hỏi Long Uyên:

- Thiếu thí chủ là ai? Sao lại biết được lão ni? Còn Đường cô nương hiện giờ ở đâu?

Lúc này Long Uyên mới nhớ mình cải trang, cho nên lão ni trông thấy mà cũng không nhận ra. Chàng đưa mắt nhìn Hổ Hùng, thấy đối phương đang trợn mắt nhìn mình liền mỉm cười đáp:

- Tại hạ là Long... trưa hôm nay theo bá mẫu đến quý am tham kiến sư thái, vừa gặp...

Chàng định nói tên thật của mình ra, nhưng chợt nghĩ vừa rồi mình đã tự xưng là Long Linh Vân với Hổ Hùng rồi.

Nếu lúc này nói tên thật là Long Uyên thì Hổ Hùng lại càng hiểu lầm thêm. Vì vậy chàng mới phải đem câu chuyện theo bá mẫu đi lễ để cho lão sư thái ngầm hiểu.

Quả nhiên lão sư thái đã hiểu ngay không đợi chờ chàng nói dứt liền kêu ồ một tiếng rồi đỡ lời:

- Thế ra Long hiền điệt đấy! Hiền điệt... đã tìm thấy Đường cô nương rồi ư? Hiện giờ cô ta đang ở đâu?

Lão sư thái là sư tỷ của Chí Dũng, hai người rất thân với nhau, cho nên bà mới gọi là Long Uyên là hiền điệt. Nhưng bà thắc mắc vì tại sao lúc chiều thấy mặt Long Uyên chỉ vàng khè thôi, sao bây giờ lại thêm một cái sẹo lớn như thế? Tuy nghi, nhưng nghe Long Uyên nói là đã cứu được Đường cô nương thoát nạn rồi thì bà cũng đỡ áy náy. Bà vừa hỏi đến câu Đường cô nương đã thấy Long Uyên chỉ tay xuống phòng và nói:

- Cô hiện đang ở trong phòng của tiểu điệt. Nhưng tiểu điệt chưa dám chắc cô ta có phải là Đường tiểu thư không? Xin sư thái xuống xác định đã.

Pháp Duyên thấy lời nói của Long Uyên rất mâu thuẫn, nhưng cứ biết xuống dưới xem sao đã, rồi hãy hỏi lại sau. Lão ni cô nghĩ như vậy không chào Long, Hổ mà đã vội nhảy xuống dưới phòng ngay.

Lão sư thái đi rồi Long Uyên mỉm cười rồi chắp tay chào Hổ Hùng.

- Hổ huynh là môn hạ của Hoa Sơn võ nghệ cao siêu khôn tả. Vừa rồi chỉ tại hiểu lầm. Bây giờ đã có Pháp Duyên sư thái làm chứng chắc Hổ huynh không coi tại hạ là đạo tặc nữa đấy chứ? Nếu huynh không chê đệ là người ngu xuẩn thì chúng ta cùng kết bạn với nhau, chẳng hay huynh nghĩ sao?

Hổ Hùng là đệ tử út của Chưởng môn phái Hoa Sơn thông minh từ hồi nhỏ, lúc lớn lại được theo Thiên Cơ chân nhân học và được chân nhân truyền thụ cho Phi Hổ thập tam thức kiếm pháp sau y hóa kiếm pháp đó thành Phi Hổ trảo và biến một thức thành hai, hai tay cùng tấn công một lúc, không những tinh tuyệt mà còn huyền ảo khôn lường. Từ khi ra đời tới giờ y chưa gặp một địch thủ nào xứng tay. Lại thêm được oai vọng của sư môn hùng cứ vùng Hoa Sơn, cho nên y đi tới đâu đều được người ta tôn là đại hiệp. Vì vậy y ra đời không được mấy năm đã gây được một biệt hiệu là Phi Hổ, và cũng vì thế mà y mới kiêu ngạo. Không ngờ ngay hôm nay gặp phải một con quỷ xấu xí, không thèm trả đũa mà y đã tấn công đến năm sáu mươi thế Phi Hổ trảo cũng không làm gì nổi.

Như vậy y không hổ thẹn sao được? Cho nên đứng ở cạnh đó nghe hai người nói chuyện trong lòng y tấm tức không vui lại thấy sư thái vội vã đi luôn không thèm chào hỏi gì mình cả, y càng ngượng và bực mình thêm. Bây giờ nghe Long Uyên nói như vậy lại tưởng lầm chàng xấu xí kia mỉa mai tài ba của Hoa Sơn hèn kém, cho nên y cười nhạt một tiếng trợn trừng đôi mắt lên nhìn Long Uyên lạnh lùng đáp:

- Cao nghĩa của huynh đài, Hổ Hùng này lúc nào ghi lòng tạc dạ, sau này hễ có dịp may, thế nào mỗ cũng lãnh giáo lại.

Nói xong, y không đợi chờ Long Uyên trả lời đã vội quay mình đi về phía tây mất dạng.

Long Uyên thấy đối phương có vẻ bất mãn với mình, nhưng chàng không hiểu tại sao chàng nọ lại có thái độ như thế?

Chàng cứ ngẩn người ra nhìn theo và suy nghĩ hoài, mãi tới khi bên dưới có tiếng gọi "này" chàng vội cúi đầu nhìn xuống, mới hay sư thái đang vẫy tay gọi.

Long Uyển vừa nhảy xuống dưới phòng đã thấy sư thái trợn tròn xoe đôi mắt nhìn trầm giọng hỏi:

- Chẳng hay thí chủ là ai? Còn Đường cô nương sao?

May lúc bấy giờ có thuốc hóa trang che lấp, bằng không mặt Long Uyên đã đỏ gấc rồi. Nghe lời nói của sư thái chàng biết ngay bà thấy Đường cô nương lõa lồ nên nghi mình có hành vi không tốt đẹp.

Vì vậy Long Uyên không đợi chờ sư thái nói dứt chàng đã vội đỡ lời giải thích, tiếp theo đó chàng còn kể cho bà ta nghê đầu đuôi một lượt và nói tiếp:

- Nếu sư thái không tin cứ thử vạch mặt của Đường tiểu thư ra xem mùi của nàng ta có khác trước không? Vả lại, tên bắt cóc hiện hãy còn ở khách sạn kế bên, đại sư cứ sang hỏi y sẽ biết rõ chuyện liền.

Vừa rồi sư thái thấy chàng đấu với Hổ Hùng, lúc ra tay bộ pháp và thủ pháp tinh kỳ huyền ảo, bà ta cảm thấy rất kinh dị nhưng không hiểu xuất thân và lai lịch của chàng như thế nào? Nhưng bây giờ nghe thấy chàng nói đả thông được Sinh Tử Huyền Quan huyệt cho Tuệ Châu trong lòng có vẻ không tin, vì muốn đả thông những huyệt đó cho một người học võ, ít người học võ đó phải luyện trước năm ba năm võ công rồi mới có thể đả thông được, bằng không muốn một mình đã thông Sinh Tử Huyền Quan thì phải luyện tới mấy chục năm công lực mới mong đả thông được. Cho nên lão ni mới không tin là thế.

Tuy Long Uyên đã hóa trang không thể biết rõ tuổi tác của chàng, nhưng cứ xem cử chỉ và lời nói của chàng cũng đủ biết chàng chưa quá hai mươi tuổi.

Sư thái thấy chàng tuổi trẻ như vậy, làm sao mà có được công lực, hỏa hầu cao thâm đến nỗi đả thông được quan huyệt cho một thiếu nữ chưa hề luyện võ công chút nào? Nhưng bà ta thấy chàng nói có vẻ thành thật, nên trong lòng tuy nghi ngờ nhưng không dám không tin. Nên bà ta liền đi thẳng vào trong phòng thăm mạch của Tuệ Châu thử xem, quả thấy Sinh Tử Huyền Quan huyệt của nàng đả thông thực, bà ta mừng rỡ vô cùng và cũng phải phục nội công của Long Uyên rất siêu phàm.

"Nếu mình không biết rõ nguyên nhân trước mà thử thăm mạch cho Đường tiểu thư, thể nào cũng hiểu lầm nàng là người có nội công rất thâm hậu". Lão sư thái liền giải yếu huyệt ngủ cho Tuệ Châu. Nàng nọ bừng tỉnh dậy, thấy trong bóng tối trước giường có bóng người lố nhố liền giật mình kinh hãi, sau nàng nhìn kỹ mới hay người đứng cạnh mình là Pháp Duyên sư thái, tuy nàng chưa quen biết sư thái bao giờ, nhưng lúc này trông thấy bà ta tức như là thấy cha mẹ mình vậy, vội ôm chặt lấy sư thái khóc sướt mướt.

Pháp Duyên sư thái thấy vậy thương xót vô cùng liền ngồi xuống vuốt ve nàng và an ủi:

- Con đừng khóc nữa mau mặc lại quần áo đi.

Lúc ấy Tuệ Châu mới biết mình đang trần truồng chỉ khoác có cái chăn đơn thôi. Liền lần mò quần áo mặc vào và hỏi:

- Sư thái, đây là đâu? Tên giặc đã đào tẩu chưa?

Nghĩ đến tên giặc ấy nàng lại hổ thẹn hai má đỏ bừng và nghĩ lại câu chuyện trong lúc mình đang mê man, lõa lồ bị một người đàn ông lạ mặt sờ mó khắp người, như vậy từ giờ trở đi còn mặt mũi nào trông thấy mọi người nữa. Nàng cũng nghĩ càng buồn tủi khóc sướt mướt.

Sư thái thấy vậy liền thở dài một tiếng và an ủi:

- Con đừng khóc nữa, từ nay trở đi tai nạn của con đã hết, và con sẽ được nhân họa đắc phúc. Còn con khóc lóc như thế làm chi! Mau nói bần ni hay những chuyện đã qua để bần ni nghĩ cách giải quyết cho.

Tuệ Châu nghe thấy sư thái nói như vậy ngạc nhiên vô cùng, bụng bảo dạ rằng: "Sao lão ni lại bảo ta vì họa mà được phúc. Số ta xui xẻo như thế này, bị người lạ mặt giày vò mà sư thái bảo được phúc, phúc ở đâu ra".

Tuy nàng nghĩ vậy, nhưng vẫn âm thầm nhận sư thái là người ân nhân cứu mình thoát chết, và lại có võ công rất cao siêu nên mới đánh đuổi được tên giặc ấy như vậy.

Nàng ngẫm nghĩ giây lát rồi nín khóc kể rằng:

- Thưa sư thái, tiểu nữ... cũng không hiểu tại sao, trong lúc đang ở trong am thì đột nhiên thấy sau lưng tê tái rồi mê man bất tỉnh. Sau rồi... tiểu nữ hình như cảm thấy có một tên giặc đang dùng tay đè vào ngực tiểu nữ. Lúc ấy tiểu nữ thấy khó chịu đau đớn chỉ muốn chết, muốn la cũng không la được. Về sau tiểu nữ bỗng thấy dễ chịu nhưng khi mở mắt ra nhìn thì ngờ đâu tên giặc ấy vẫn còn ở đó, tiểu nữ vừa hận vừa sợ đang định thí mạng với y thì chết giấc luôn cho đến khi sư thái tới, tiểu nữ mới thức tỉnh. Sư thái nơi đây là đâu. Sư thái cứu tiểu nữ như thế nào mau nói cho tiểu nữ hay đi.

Pháp Duyên nghe thấy nàng ta kể lể như vậy, tuy không tường tận cho lắm nhưng bà ta cũng chứng thực lời nói của Long Uyên không sai, bà ta lại thấy Tuệ Châu hổ thẹn hai má đỏ bừng, liền cười to an ủi tiếp:

- Nói ra thì bần ni cũng hổ thẹn vô cùng, sự thực người cứu cô nương không phải là bần ni đâu, theo sự nhận xét của bần ni thì cô nương bị một tên dâm tặc tên là Hoa Tùng Âm Sát Bốc Tường bắt cóc tới đây. Tên Hoa Tùng Âm Sát ấy không những là tên ác ma, y còn luyện một võ công rất độc ác, chuyên môn lấy tinh huyết các khuê nữ để luyện võ công của mình. Cô nương bị y bắt cóc tới đây mà trong khi cô nương mơ mơ màng màng thấy có người dùng tay đè ngực chính là tên khốn nạn ấy đấy.

Tuệ Châu nghe tới đó hoảng sợ đến biến sắc mặt, hai mắt tia ra những luồng ánh sáng căm hờn. Sư thái thấy vậy liền ôm nàng vào lòng và kể tiếp:

- Bần ni biết cô nương mất tích rồi, trước hết khuyên lệnh tôn và lệnh đường hãy về phủ trước rồi bần ni mới rủ người bạn đi tìm kiếm cô nương. Bần ni tới đây thì gặp công tử của nhà họ Long, chính Long công tử đã cứu cô nương thoát nạn.

Tuệ Châu nghe nói ủa lên một tiếng đồng thời nàng đưa mắt nhìn chung quanh tìm kiếm Long công tử. Pháp Duyên tủm tỉm cười nói tiếp:

- Long công tử cứu cô nương về đây, vì lúc ấy thấy cô nương thoi thóp sắp chết, nên Long công tử đã không quản ngại hao tổn chân khí công lực của mình mà cứu cô nương và còn cho cô nương uống một viên linh dược nữa. Như vậy bây giờ cô nương không những khỏe mạnh hơn trước và đồng thời còn học võ rất tiện...

Tuệ Châu nghe tới đây, quả thấy trong người mình dễ chịu hơn trước nhiều, nên nàng ngấm ngầm cám ơn Long công tử.

Tuy nàng đã ấn tượng với Long Uyên rất sâu sắc, nhưng nàng chỉ biết chàng là một người mặt vàng khè thôi, mặc dầu trông chàng rất xấu xí mà nàng vẫn có lòng cảm mến chàng. Huống hồ nàng lại biết Long Uyên đã ôm nàng hồi lâu tuy đó chỉ là cứu chữa thôi nhưng không khác gì là thất trinh cho chàng ta rồi. Nếu sau này nàng không lấy được chàng thì nàng thề không lấy ai hết. Nàng lại nghĩ đến cha mẹ không biết bây giờ ra sao vội hỏi sư thái tiếp:

- Sư thái nơi đây là đâu? Cách nhà tiểu nữ bao xa? Bây giờ tiểu nữ có trở về được không?

Pháp Duyên biết nàng nhớ nhà liền đáp:

- Nơi đây là thị trấn Tiểu Linh Sơn cách nhà có hơn trăm dặm, nếu cô muốn về nhà thì để bần ni đưa cô về cho.

Tuệ Châu cau mày lại nghĩ thầm: "Trời đang tối tăm đường sá lại xa xôi, bà ta làm sao mà đưa ta về được?"

Pháp Duyên không cần biết nàng ta đang nghĩ gì liền chạy ra bên ngoài tìm kiếm Long Uyên ngay. Ngờ đâu trong sân vắng tanh không có một bóng người nào hết. Thần ni không tiện lên tiếng kêu gọi, liền trở về phòng vừa vặn tới trong phòng đã thấy trên bàn có để một tờ giấy của Long Uyên để lại đại ý nói là chàng đã đi về nhà rồi. Nên bà ta nói với Tuệ Châu rằng:

- Cô nương chúng ta đi thôi.

Nói xong lão ni dắt Tuệ Châu đi ra ngoài sân.

Tuệ Châu đang định hỏi bà ta đi bằng cách nào thì bà ta đã ôm ngang lưng nàng rồi miệng nói "đi" một tiếng thì cả hai đã nhẹ nhàng nhảy lên trên mái nhà liền, Tuệ Chấu thấy vậy hoảng sợ vô cùng há miệng định kêu nhưng bị gió tạt vào miệng chịu không nổi nàng vội nín luôn.

Lúc này Pháp Duyên sư thái đã giở hết khinh công tuyệt mực ra cắp Tuệ Châu đi nhanh như gió, chỉ thoáng cái đã mất dạng ngay.

Hai người vừa đi khỏi, trên mái nhà bỗng có một bóng nhảy xuống dưới sân lẻn vào trong. Dưới ánh sáng nên người ta mới hay người đó chính là Long Uyên.

Thì ra chàng ở quanh đó, nhưng không muốn gặp mặt Tuệ Châu đấy thôi, chờ hai người đi khỏi chàng mới trở về phòng. Vào lại phòng chàng bỗng nhiên nghĩ đến Hổ Hùng, không hiểu tại sao tên đó khinh chàng đến thế? Mình đã giải thích rõ ràng rồi mà sao y vẫn không chịu hòa giải với mình? Nghĩ đoạn chàng ngồi lên trên giường nghỉ ngơi dưỡng thần tuy giai nhân đã đi rồi nhưng trên chăn gối còn phảng phất dư hương.

Nghĩ đến chuyện chữa thương cho Tuệ Châu, chàng lại liên tưởng đến chuyện chữa cho Vân Tuệ ở trên lưng cá Kình. Lúc ấy vì hãy còn ít tuổi nên chàng không có cảm giác gì hết, nhưng bây giờ nghĩ lại nhất là hồi tưởng đến tấm thân ngọc ngà của Vân Tuệ, trong ngực của chàng lại đập rất mạnh và trong lòng thấy bứt rứt khó chịu vô cùng. Chàng càng nghĩ càng không sao ngủ được, sau cùng chàng khẽ thở dài một tiếng và nhận thấy tình yêu cao cả biết bao! Chừng nhận thấy mình không nên ở lại trong nhà như thế này mãi.

Vì ở nhà không những làm mai một mất chí hướng của mình, đồng thời còn gây nên nhiều chuyện phiền phức như cưới vợ và việc xem mặt vợ như sáng hôm nay chẳng hạn.

Cũng vì thế mà chàng nhất quyết phải rời khỏi gia đình.

Sáng ngày hôm sau chàng đến nhà nông phu lấy lại con ngựa già, rồi cưỡi con ngựa mới của mình trở về thành Chức Mạc. Trong khi đi đường chàng đã rửa sạch hết vết sẹo đen ở trên mặt, bộ mặt lại vàng khè như trước. Về tới nhà cha chàng đã nghe Pháp Duyên sư thái kể lại, biết chàng đã cứu được Đường tiểu thư thoát nạn nên mừng rỡ vô cùng. Các bác trai bác gái thấy chàng về cũng đổ xô lại hỏi chàng đêm hôm qua đi đâu mà không về ngủ. Chàng sợ các ông cụ bà cụ hoảng sợ nên không dám nói sự thực cho họ hay, chỉ ầm ừ vâng dạ rồi cáo mệt về phòng đi nghỉ luôn. Sự thật chàng về phòng rồi có ngủ đâu. Chàng vội tới thư phòng kiếm cha và nói cho cha hay ý định của mình muốn rời khỏi gia đình như thế nào.

Chí Dũng là người giang hồ nên rất khoáng đạt. Tuy thương con, nhưng biết võ công của con mình cao siêu khôn lường, đi đâu chả được. Hơn nữa chí trai ở tứ phương, nếu cứ bắt con mình ở nhà mãi thì làm sao nó trở thành tài ba được? Cho nên ông tán thành ý kiến của Long Uyên và bằng lòng cho chàng đi ngay. Nhưng sau các cụ già hay tin đó, thấy mong mãi Uyên nhi mới về tới nhà mà chưa đầy nửa năm lại còn đi như vậy, thì khi nào các ông các bà già ấy chịu cho chàng đi.

Vì thế mà Chí Dũng phải đem chuyện này bàn với thất ca Chí Tri. Sau khi hai người đành phải bảo Long Uyên và lẳng lặng lén trốn mọi người mà đi, rồi hai người sẽ giải thích cho các anh chị sau.

Long Uyên đành phải theo kế của cha, đêm đến ngày thứ ba chàng ngấm ngầm sửa soạn hành trang rồi cưỡi ngựa đi luôn. Trước khi đi, Chí Dũng và Chí Tri tiễn chàng ra cửa rồi quyến luyến mãi mới chịu chia tay.

Long Uyên từ biệt cha và bác xong nhảy lên ngựa đi luôn.

Ngày hôm sau các ông các bà già hay tin tiểu công tử bị mất tích đều thất sắc cả kinh. Sau nghe Chí Dũng và Chí Tri nói rõ nguyên nhân, ai nấy tuy không vui nhưng biết làm sao được, chỉ còn có cách trách mắng Chí Tri và Chí Dũng hai người thôi.

Ngờ đâu đang lúc ấy bên ngoài lại có một bà mai đi vào, thì ra chính là người của Đường phủ sai người tới, bà mai vừa vào đến trong đại sảnh đã thấy các ông bà già mặt mũi âu sầu, trong lòng thắc mắc vô cùng, liền vái chào mọi người rồi thưa với Chí Tri phu nhân rằng:

- Già thừa lệnh Đường phu nhân tới đây, trước hết là cảm ơn phu nhân với thiếu gia, sau là Đường phu nhân có nói mấy hôm trước nhà lệnh công tử cứu được tiểu thư thoát nạn, ân tình này không bao giờ dám quên ơn cả. Mai mốt Đường phu nhân không những sẽ cùng tiểu thư đến đây cảm ơn và còn mời phu nhân với công tử sang Đường phủ chơi nữa...

Bà mai đến phen này tuy bề ngoài là cảm ơn, nhưng thực sự là muốn dò xem Long phủ có ý kiến gì không?

Tối hôm đó Pháp Duyên sư thái đưa Tuệ Châu về tới Đường gia trang, là đã đến canh tư rồi. Cả nhà đã ngủ hết chỉ còn vợ chồng viên ngoại vẫn lo âu ngồi cạnh ngọn đèn đợi chờ thôi. Chợt thấy con về, vợ chồng Đường viên ngoại mừng rỡ ứa nước mắt. Sư thái hiểu biết lẳng lặng bỏ đi để cho mẹ con Tuệ Châu tự do chuyện trò với nhau.

Sau khi nghe con nói, vợ chồng Đường viên ngoại mới hay ân nhân cứu con mình lại là con trai của nhà họ Long, chàng ngớ ngẩn mặt vàng khè. Hai vợ chồng ngạc nhiên vô cùng, không ngờ một chàng ngốc như thế tài ba lại kinh người như vậy.

Ngày hôm sau Tuệ Châu nghĩ đi nghĩ lại, ngoài Long Uyên ra mình không còn lấy ai được nữa, nên nàng mới kể rõ hết những chuyện Long Uyên cứu chữa mình như thế nào cho mẹ hay và ám chỉ cho bà biết là không lấy được Long Uyên thì không thể lấy chồng nữa.

Đường phu nhân là người có học tất nhiên biết việc này đã tiền định nếu không sớm hoàn thành chả lẽ để cho con mình ở vậy suốt đời hay sao?

Nhưng bà ta rất lấy làm tiếc là bộ mặt của Long Uyên rất xấu xí đem so sánh với con gái của mình thì một trời một vực nhưng sau cùng bà ta cũng không quản ngại điều đó nữa, liền bàn qua với chồng xong xuôi bà mới sang Long phủ dò xem bên đó có ý kiến gì không?

Bên Đường phủ thì thấy Long Uyên đã rờ mó vào người của con gái mình rồi, và chàng trông thấy con gái mình đẹp như thế, chắc thế nào cũng say mê và sẽ không khi nào cự tuyệt cuộc hôn nhân này. Ngờ đâu chuyện đời lại lắm éo le, khi bà mai tới chưa kịp nói rõ ý kiến của mình thì người anh cả của nhà họ Long đã dùng giọng mũi kêu "hừ" một tiếng quát bảo:

- Đi đi, bà già nói năng gì thế? Nếu Uyên nhi nhà ta không vì việc nhà họ Đường thì đâu đến nỗi nó bỏ đi như vậy? Mụ về nói cho Đường phu nhân hay, nhà họ Long này không dám nhận lời cảm ơn của bà ta, và người nhà họ Long ta cũng không đi sang nhà ai chơi hết.

Bà mai bỗng bị y mắng ngơ ngác ngẩn người ra không biết nói năng như thế nào cho phải. Chí Tri thấy vậy ái ngại cho bà mai vội đứng dậy khuyên can:

- Đại ca...

Xưa nay Chí Lễ là người nóng tính, nên ông ta vừa thấy Chí Tri khuyên bảo đã vội quát mắng:

- Lão thất nói gì thế? Có bao giờ chú coi người anh cả này vào đâu đâu? Biết điều thì ngoan ngoãn ngồi xuống. Nếu không phải chú nuông chiều thì Uyên nhi nó đâu dám táo gan như thế?...

Nói xong, ông ta tức giận run lẩy bẩy.

Chí Tri lẳng lặng ngồi xuống không dám nói năng gì nữa. Trong đại sảnh yên như tờ, không ai dám lên tiếng nói nửa lời nữa.

Bà mai thấy vậy cũng rút lui luôn, ra tới bên ngoài y thị không hiểu tại sao Long Uyên đang ở nhà sung sướng như vậy lại bỏ đi làm chi? Việc này không phải là việc thường mà liên can đến cả cuộc đời của con mình.

Nhưng vì đôi bên chưa có hứa hẹn gì với nhau nên Đường phu nhân nghĩ mãi cũng không tìm ra được kế gì hoàn hảo cả, đành miễn cưỡng thưởng cho bà mai một món tiền để cho bà ta đi về trước. Hai vợ chồng rầu rĩ ngồi nhìn nhau, cũng không biết có nên nói chuyện này cho con gái hay không? Nhưng vợ chồng viên ngoại có biết đâu Tuệ Châu vừa hay tin bà mai về đã núp sau bình phong nghe lõm rồi. Nên nàng nghe xong đau lòng vô cùng, vội trở về phòng đóng kín cửa lại khóc lóc.

Thoạt nhiên nàng oán hận Long Uyên đã đụng chạm da thịt của mình rồi sao mà bạc tình đột nhiên bỏ đi như thế? Nhưng sau nàng nghĩ lại có lẽ vì khi Long Uyên cứu mình đã được trông thấy cảnh tượng tên giặc đối xử với mình như thế nào, vì vậy chàng cho mình là tàn hoa hai liễu cũng nên? Vì vậy nàng lại không oán trách Long Uyên bạc tình nữa mà chỉ tự cho số phận mình không may thôi. Nàng không oán hận Long Uyên trái lại chỉ tức hận tên Bốc Tường.

Thấy khóc mãi cũng vô ích. Nàng nghĩ đến cái chết vì chỉ có cái chết mới giải thoát được. Nhưng nàng lại suy nghĩ nếu mình chết đi thì lấy ai phụng dưỡng mẹ già, cho nên nàng thầm nhủ: "Ta không thể chết được".

Đột nhiên nàng tìm được một kế vội ngồi dậy lẩm bẩm nói:

- Ồ Pháp Duyên sư thái chả nói rồi là gì, ta đã thông huyệt mạch rất thích hợp để học võ. Sao ta không đi với sư thái để học võ công có hơn không?

Nghĩ đoạn, nàng cương quyết bảo thầm: "Phải, ta phải học võ mới được, khi học thành võ công ta sẽ đi tìm cho được tên khốn nạn đó để trả thù, đồng thời ta cũng trở nên một nữ hiệp như những nữ hiệp ngày xưa. Ra sẽ đi ra ngoài hành hiệp trượng nghĩa, chuyên can thiệp những chuyện bất bình của thế gian, ta... sẽ suốt đời không lấy chồng và cũng để cho chàng ta biết ta không là một thiếu nữ tầm thường".

Nàng quyết định đi tìm sư thái để học võ, nhưng lạ thay bộ mặt vàng khè của Long Uyên cứ in sâu vào trong đầu óc của nàng dù nàng có cương quyết đến đâu cũng không sao dứt thoát được mối tình đó.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-38)


<