Vay nóng Homecredit

Truyện:Anh hùng Lĩnh Nam - Hồi 33

Anh hùng Lĩnh Nam
Trọn bộ 40 hồi
Hồi 33: Phù Thế Giáo, Một Vài Câu Thanh Nghị
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-40)

Siêu sale Lazada

Nam-hải nữ hiệp tán đồng ý kiến:

– Chúng ta hãy lấy hành động của Đào hầu làm hướng chung. Đào hầu, Đinh hầu là những người nằm gai, nếm mật từ bảy năm nay, nhất tâm, nhất trí phản Hán, phục Việt. Hễ nói đến người Việt ra làm quan với Hán là các ông không tiếc lời thống mạ. Thế rồi, biến chuyển thời cuộc đưa đến, Đào Thế Hùng làm Huyện-úy Đăng-châu. Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại thuận cho đệ tử ra làm quan với Hán. Phải hiểu hành động ra làm quan với Hán là, mượn tên Hán để phục Việt, việc làm cao cả hơn là cứ khăng khăng chống Hán. Chúng ta nhắm mắt để người Hán làm Huyện-lệnh, cho dân chúng ghét. Chúng ta chỉ làm Huyện-úy để cầm quân mà thôi. Sau vụ Phùng Chính-Hòa, Nghiêm Sơn sẽ cách chức hoặc chém các Huyện-úy theo Lê Đạo Sinh. Chúng ta tiến cử người tài trí cho Nghiêm, điền vào chỗ khuyết. Các Huyện-lệnh khác nếu có tâm huyết với Lĩnh-nam, chúng ta để. Còn kẻ ác đức, chúng ta sẽ bí mật giết đi. Chỗ khuyết, Nghiêm lại cử người của chúng ta vào. Ta thấy Nghiêm có tài vương bá. Y biết Trưng Nhị cũng có chí phục Việt, Phương-Dung công khai hoạt động phản Hán phục Việt, mà Nghiêm vẫn phong hàm, Trưng Nhị làm Tư-mã, Phương-Dung làm Quân-sư. Nghiêm lại sủng ái Thiều-Hoa. Thiều-Hoa coi Đào Kỳ như ruột thịt. Chúng ta muốn gì, cứ để Đào Kỳ nói với Thiều-Hoa. Thiều-Hoa nói lại với Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn tất đem bàn lại với Trưng Nhị, Phương-Dung. Hai người cần bàn sao cho hợp lý.

Phương-Dung gật đầu:

– Đại sư bá dạy chí phải! Đối với Nghiêm đại ca, ta không nên dùng mưu mẹo mà qua mặt người. Ta dùng chữ hiệp nghĩa, dùng cái gọi là ân đức cho dân, vì chỉ có hai điều đó mới khiến Nghiêm đại dễ dàng chấp thuận mọi đề nghị.

Khất đại phu liếc nhìn Trần Năng. Hai thầy trò cùng hiện niềm vui vô tả, cử tọa không ai hiểu tại sao. Thông minh như Trưng Nhị, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa cũng không đoán ra. Trần Năng nói:

– Cháu giám quả quyết với Nam hải nữ hiệp rằng, dù chúng ta làm bất cứ việc gì Phản Hán phục Việt, mà không trái với hiệp nghĩa, Nghiêm công còn nhắm mắt cho chúng ta làm. Kẻ nào xu phụ theo Hán dù trung thành đến đâu Nghiêm công cũng tìm cách loại bỏ hay giết chết. Tốt hơn hết chúng ta cứ tâm niệm coi Nghiêm công như Vạn-tín hầu.

Trưng Nhị ngơ ngác:

– Sư thúc thế nghĩa là...

Trần Năng liếc nhìn sư phụ:

– Xin sư phụ trả lời Trưng Nhị.

Khất đại phu tủm tỉm cười xoa đầu Trưng Nhị như con nít:

– Cháu ngoan, Trần Năng nói đúng đó. Ta nghĩ, nên coi Nghiêm như An-dương vương. Nếu sau có sự gì không hay, ta xin chịu tội.

Uy tín Khất đại phu vang lừng thiên hạ. Người người đều coi ông là một vị tiên sống, chuyên cứu nhân, độ thế. Ông ít tham dự việc đời. Hôm nay, ông đã xác quyết như vậy, chắc phải có lý do.

Vĩnh-Hoa bàn:

– Bấy giờ về Luy-lâu, chúng ta cứ nay tiệc, mai mời Nghiêm đại ca hội họp với chúng ta. Tự nhiên Nghiêm thấy chúng ta chỉ phản Hán phục Việt chứ không chống Nghiêm. Bọn tham ô người Hán thấy thế lực Nghiêm mạnh, chúng càng e sợ đại ca hơn.

Thuyền tự nhiên chao đi một cái, rồi thăng bằng trở lại, làm chén, bát, hoa quả đổ ngổn ngang khắp khoang thuyền. Quỳnh-Hoa, Quế-Hoa vội sắp xếp lại thì thuyền lại chao đi một lần nữa, lần này mạnh hơn. Trong khoang, người nào võ công cũng cao, nên không việc gì. Chỉ có Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa võ công kém, lại không đề phòng nên bị ngã lăn ra sàn.

Thuyền laị chao đi hai lần liên tiếp. Tử-Vân đệ tử của Nguyễn Tam-Trinh quen thủy tính, vội mở cửa khoang ra ngoài, mọi người ra theo. Trên trời mây đen kéo mịt mờ, gió thổi rất lớn. Thuyền trưởng hô lên:

– Bão đến nơi rồi! Mời quý khách trở vào khoang thuyền, đóng cửa cẩn thận.

Y quay lại thủy thủ đoàn, hô:

– Hạ buồm xuống mau.

Ba cánh buồm lớn hạ xuống từ từ. Đây là chiến thuyền của người Hán, dài đến 25 trượng (25 mét). Sàn thuyền rộng có thể tập trung đến vài trăm người. Trên sàn có đài chỉ huy, có buồng cho tài công lái, không sợ sóng gió hay nước biển tạt vào. Tầng dưới gồm nhiều phòng ở và chỗ ngồi cho thủy thủ chèo thuyền. Tầng dưới cùng là chỗ chứa nước ngọt, lương thực, vũ khí. Người Hán đặt một hải đoàn đóng ở Đông-triều và Long-biên. Hải đoàn có mấy chiếc thuyền đặc biệt cho Thái-thú, Đô-úy dùng riêng. Chiến thuyền này là của Nghiêm Sơn vẫn dùng, thủy thủ đoàn toàn là những tay lão luyện trong nghề. Mặc dù gió to, buồm hạ xuống, nhưng tài công vẫn vững tay lái, nương theo sóng, tránh bị lật.

Trên thuyền ngoại trừ Nguyễn Tam-Trinh và đệ tử của ông, đều là những người thạo thủy tính, họ rất bình tĩnh. Đào Kỳ nổi danh là rái cá, chàng cũng yên tâm. Lê Chân hiện là Đông Triều nữ hiệp, nàng xuất thân nghề đánh cá, rất thạo nghề biển, quen sóng gió. Nàng đứng bên tài công giúp đỡ y. Tài công thấy một thiếu nữ xinh đẹp, làm bạn với Lĩnh nam công, đứng bên cạnh, y cảm động lắm, gật đầu tỏ vẻ biết ơn, mắt vẫn đăm đăm nhìn ra biển quan sát tình hình. Trời đổ mưa như trút nước, gió lộng càng mạnh, con thuyền bao phen muốn lật úp, làm nhiều người trong thuyền say sóng. Bỗng một cơn gió lùa mạnh, rắc một tiếng, tài công ngã lăn, Lê Chân vội đỡ y dậy: Bánh lái bị gẫy, con thuyền quay tròn, nghiêng đi muốn lật.

Thuyền trưởng hô lớn:

– Quý khách cẩn thận, lên ngay trên khoang, lỡ thuyền lật còn nhảy ra kịp.

Mọi người đều lên trên khoang, bám lấy nhau cho khỏi bị văng đi. Thuyền cứ thế dập dềnh trong đêm.

Khoảng gần nửa đêm, gió từ từ dịu lại, trời tạnh mưa, mọi người lại xuống dưới khoang thuyền nghỉ ngơi. Ai cũng ướt sủng cả.

Lê Chân hỏi thuyền trưởng:

– Anh tên gì?

– Tôi họ Lê, tên Hải.

– À, thì ra anh cùng họ với tôi. Thế anh có biết chúng ta đang ở đâu không?

Lê Hải lắc đầu:

– Lúc chưa bão, thì thuyền đang đi qua vùng Trường-yên (Ninh-bình ngày nay), nhưng bây giờ tiểu nhân không nhận được vị trí nữa.

Mọi người vào khoang nằm ngủ, ai nấy đều phải mệt nhoài vì phải đứng ngoài với gió mưa, chống chọi với bão tố.

Tiếng chim hải âu kêu trên biển làm Đào Kỳ thức giấc. Chàng ngồi dậy nhìn vợ đang say sưa trong giấc ngủ, miệng như cười mà không phải cười. Chàng cúi xuống hôn phớt trên môi vợ, tự nói với mình:

– Phương-Dung đẹp như nàng tiên thế này, ai ngờ lại có bản lãnh kiếm thuật kinh người, tài điều khiển quân sĩ như một đại tướng. Ừ! Không hiểu sao đã là chồng Phương-Dung, mình vẫn không quên được Tường-Quy.

Chàng nghiệm thấy đối với Tường-Quy, chàng vừa yêu vừa tội nghiệp. Đối với Phương-Dung chàng vừa yêu, vừa kính. Chàng nhớ lời hứa với Hồ Đề, vội nhắm mắt lại xua đuổi hình ảnh Tường-Quy. Nhưng càng xua đuổi, Tường-Quy lại càng hiện ra rõ ràng hơn. Sau cùng không biết làm thế nào, chàng nghĩ đến những chuyện khác.

Chàng chuyển ý nghĩ phân biệt tình yêu với Tường-Quy, Phương-Dung, chàng yêu ai hơn? Chàng thấy tuy mình yêu hai người thật đậm đà, mà không thể nào sánh bằng yêu bố mẹ được. Nghĩ đến đây hình ảnh Tường-Quy biến đi mất. Trước mắt chàng cha mẹ hiện lên uy nghiêm, dịu dàng, nồng nàn, thơm ngọt như miếng cam thảo.

Phương-Dung giật mình tỉnh giấc thấy chồng đang nhìn mình đăm đăm, nàng cảm động lắm, nắm lấy tay Đào Kỳ.

Có tiếng Trần Năng nói ở ngoài:

– Mời tiểu sư thúc ra ăn điểm tâm.

Phương-Dung tính ưa ồn ào, nàng với Trần Năng là một đôi bạn thân hơn là tình đồng môn. Nàng mở cửa hỏi Trần Năng.

– Trần châu trưởng Lôi-sơn chỉ mời một mình tiểu sư thúc thôi còn người ta nữa tính sau đây?

Trần Năng cười:

– Khi cô dâu mới về nhà chồng, dù ăn cơm hẩm, rau luộc, cá kho cũng ngon. Bên cạnh lang quân, có nhịn đói một tháng cũng được.

Trần Năng chỉ Hồng Thanh:

– Bây giờ sư thúc Hồng Thanh mới là châu trưởng Lôi-sơn, còn cháu chỉ là cựu châu trưởng mà thôi.

Đào Kỳ, Phương-Dung vào khoang ăn sáng. Lê Chân hỏi Lê Hải:

– Thuyền trưởng này! Bánh lái gãy, mình có cách nào tiếp tục đi được không? Chẳng lẽ đành ngồi chờ giữa biển hay sao?

Lê Hải chỉ tay về phía chân trời xa xa:

– Phía xa xa là bờ biển. Bây giờ cứ kéo buồm lên, dùng buồm làm bánh lái, có thể tới bờ. Tới bờ, mình vào làng xóm, có thợ mộc chữa bánh lái lại cho mình.

Lê Hải ra lệnh cho thủy thủ dương buồm. Thuyền từ từ hướng bờ đi vào.

Trong tất cả những người có mặt, Khất đại phu là người đi nhiều, nghe nhiều, biết nhiều nhất. Ông đứng trên phòng chỉ huy nhìn vào đất liền. nhưng ông cũng không phân biệt được đây là vùng nào. Thuyền càng gần bờ, làng xóm hiện ra với ngọn khói xanh bốc lên giữa những luồng cây cối xanh um.

Lê Hải sai thủy thủ bỏ neo, thả mủng xuống. Phùng Vĩnh-Hoa vẫy Lê Hải:

– Thuyền trưởng cứ ở thuyền được rồi, để chúng tôi lên bờ kiếm thợ mộc sửa thuyền.

Nàng chỉ Lê Chân, Đào Kỳ, Phương-Dung và Trần Năng:

– Chúng ta lên bờ đi.

Năm người xuống mủng chèo vào bờ. Lê Chân, Đào Kỳ ở biển quen, mỗi người cầm một mái chèo. Hai người võ công cao, nên chỉ một lát mủng đã vào tới bờ. Vĩnh-Hoa hỏi:

– Có ai mang theo tiền hay vàng bạc không?

Đào Kỳ vỗ túi nói:

– Nhiều thì không có, nhưng ít thì có.

Chàng móc ra được mấy nén vàng đưa cho Vĩnh-Hoa. Bốn người lội qua một bãi cát, tiến vào khu rừng thông. Gió biển thổi, tiếng thông reo vi vu như tiếng than thở của người dân Âu-lạc mất nước từ thuở nào. Qua rừng thông, có con đường khá rộng. Tiếp tục đi một lát thấy hiện ra một trang với hàng rào tre cao vút. Đào Kỳ nhìn Phương-Dung, hai người hội ý vì thấy những cây tre làm hàng rào kiên cố giống như trang Mai động của Nguyễn Tam-Trinh.

Chợt Phùng Vĩnh-Hoa chỉ xuống đất:

– Ở đây có nhiều vết ngựa, không hiểu là ngựa của dân hay là ngựa của quân Hán?

Lê Chân chỉ về phía trước:

– Đằng kia dường như là cổng trang. Chúng ta hãy đến đó tìm thợ mộc.

Năm người men theo hàng rào vào đến nơi, thấy trên cổng có tấm bảng đề Thiên bản. Phương Dung đưa mắt nhìn Lê Chân ngụ ý hỏi xem có biết Thiên bản là đâu không? Lê Chân trả lời bằng cái lắc đầu. Năm người đến trước cổng trang. Cổng đóng. Bên trong cổng là một cái khiên tròn, quấn rơm trấn ở giữa cửa.

Vĩnh-Hoa nói:

– Dường như trong trang đề phòng ở ngoài tấn công vào trong trang thì phải. Không biết họ chống cướp hay chống giặc Hán?

Lê Chân đến cổng gọi vào:

– Có ai trong trang không? Chúng tôi người Việt đi qua, muốn ghé trang nhờ chút việc.

Trong trang nổi lên ba tiếng trống, rồi hai người con trai tuổi khoảng 16, 17 với một lão già lưng đeo bảo đao, nhô đầu lên khỏi ụ rơm hỏi:

– Các người ở đâu đến? Tên là gì? Mau tránh ra chỗ khác, nếu không lát nữa kỵ binh Hán đến, thì chết hết.

Lê Chân tiến lên trước hỏi:

– Thưa bác chúng cháu đi thuyền, bị bão đánh gãy bánh lái, ghé thôn trang cho người sửa dùm, cháu xin hậu tạ.

Lão già lắc đầu:

– Chúng tôi muốn giúp cô nương lắm, ngặt vì trang chúng tôi bị quân Hán đánh phá mấy ngày liền, nhiều người bị thương. Không biết ngày nào sẽ bị chúng giết hết. Bởi vậy chúng tôi không thể giúp cô nương. Chính trang chủ chúng tôi cũng bị thương.

Trần Năng thấy nét mặt lão già có vẻ thảm thương, thì mũi lòng, nói:

– Chúng tôi không dám tò mò, không biết quý trang chủ bị thương ra sao? Trong chúng tôi có người biết chữa thương, không chừng chúng tôi trị được vết thương cho trang chủ cũng nên.

Thiếu niên nhìn lão già:

– Lão Tứ! Họ là người Việt cả, mình mời họ vào trang đi, không sao đâu.

Lão già gật đầu, phất tay ra lệnh. Con bùi nhùi rơm được kéo lùi lại, rồi cánh cổng mở ra. Năm người người theo thiếu niên và lão Tứ vào trong trang.

Tới căn nhà có trang đinh canh gác nghiêm mật, thiếu niên đẩy cửa, mời mọi người vào trong và kêu người mời trà.

Trong phòng một thiếu phu tuổi khoảng bốn mươi, nhan sắc khá xinh đẹp, trên vai quấn vải trắng, lem luốc vết máu. Thiếu niên nói với thiếu phụ:

– Mẹ ơi! Có khách ở xa đến, họ nói có thể chữa bệnh cho mẹ.

Thiếu phụ ngẩng đầu dậy, gật đầu chào khách:

– Xin quý khách miễn chấp, tôi bị thương không đứng dậy chào đón được. Không biết quý khách từ đâu đến?

Trần Năng đỡ bọc trên lưng xuống, chạy lại đỡ thiếu phụ, nói:

– Xin mời tiểu sư thúc và lão Tứ tạm thời ra ngoài để tôi trị bệnh cho trang chủ.

Trần Năng cởi băng ra, thấy trên vai thiếu phụ bị một vết thương khá sâu. Nàng nói:

– Phu nhân bị trúng độc đã lâu, cần chữa trị ngay, nếu không, e cánh tay sẽ bị liệt.

Nàng bảo thiếu niên:

– Em lấy nồi đun cho chị một nồi nước sôi, mang vào đây cho chị một đĩa muối trắng.

Một lát sau thiếu niên mang nước và muối lên. Trần Năng rút trong túi ra một con dao nhỏ, ngâm vào nồi nước, rồi nói:

– Phu nhân ráng chịu đau một chút, sau đó sẽ khỏi.

Thiếu phụ tủm tỉm cười:

– Cô nương cứ tự nhiên. Tôi không sợ đau đâu.

Rồi thiếu phụ thở dài tiếp:

– Cái đau làm thân nô lệ từ bé đến giờ còn chịu được, huống chi cái đau này, đâu có thấm gì?

Trần Năng nhìn Vĩnh-Hoa, Phương-Dung hội ý với nhau:

Lại một anh hùng nữa. Nàng dùng con dao nhỏ, vận sức, khoét hết chỗ thịt bầm thối. Nước đen theo lưỡi dao rỉ ra. Một lát sau mới thấy máu bầm chảy, rồi mới tới máu đỏ. Trần Năng dùng vải nhúng nước muối chà vào vết thương. Thiếu phụ nghiến răng chịu đựng không kêu, không cả nhăn mặt. Ai nhìn cũng sởn cả gai ốc. Trần Năng lấy thuốc đắp vào vết thương, dùng kim may lại, rồi băng bó cho thiếu phụ.

Nàng ngừng tay, trên mặt thiếu phụ đã hiện ra vẻ hồng hào. Nàng dặn:

– Phu nhân bị trúng tên độc, bây giờ chất độc đã được lấy ra hết, vết thương đã may lại rồi, chỉ cần tỉnh dưỡng nửa tháng sẽ bình phục như thường.

Thiếu phụ mời mọi người ra phòng khách. Phòng rộng rãi, giữa phòng để một bài vị thờ người quá cố, viết bằng máu: Liệt sĩ Lĩnh-nam, Mai tướng công chi linh vị. Dưới đề: Tuẫn quốc ngày Mậu-ngọ, tháng tư, năm Mậu-dần. Phùng Vĩnh-Hoa tính nhẩm một lúc rồi nói:

– Thưa phu nhân, thì ra tướng công nhà ta tuẫn quốc đã mười tám năm rồi.

Thình lình có người chạy vào, báo:

– Thưa trang chủ, Huyện-úy mang quân tới đánh rất gấp. Anh em đang chống trả, xin báo để trang chủ định liệu.

Thiếu phụ nghiến răng đứng dậy, nói:

– Xin quý vị ngồi chơi để tôi ra xem tình hình thế nào.

Thiếu phụ đứng dậy, rút thanh kiếm trên tường đeo vào lưng. Năm người cùng theo sau.

Tại cổng trang, quân Hán dùng tên lửa bắn vào, một vài nơi đã bốc cháy, khói lên nghi ngút. Trong trang, tráng đinh núp sau các ụ đất, sau bụi tre kiên cố bắn ra.

Có tiếng loa hô:

– Ngưng chiến lùi ra xa.

Quân Hán lui trở lại, dương cung đứng nhìn. Một người lùn tịt, ti hí mắt lươn, dáng người bần tiện, cưỡi ngựa tiến lên nói:

– Các ngươi vào kêu Lê Thị Hoa, trang chủ ra nói chuyện với ta.

Thiếu phụ chống gươm leo lên chòi cao, nhìn xuống, hỏi:

– Trang trưởng Thiên-bản đây, ngươi muốn nói gì?

Viên quan cỡi ngựa nói:

– Ta là Huyện-úy Lục-hải có mấy lời khuyên, chẳng hay nàng có nghe hay chăng?

Thiếu phụ gật đầu:

– Ngươi cứ nói.

Huyện-úy cầm roi ngựa chỉ vào trang:

– Trang Thiên-bản của nàng bất quá được hơn trăm tráng đinh, làm sao có thể chống lại một Lữ kỵ binh, một Lữ bộ binh của ta? Ta khuyên nàng nên đầu hàng là hơn. Trước kia, Mai Tiên, chồng nàng bị Thái-thú Tích Quang giết chết. Nàng thay chồng khởi binh báo thù là phải. Sau Tích Quang chết, Tô thái thú để cho nàng ở yên, tại sao nàng lại chống Ngũ-pháp của người? Mấy hôm nay còn giết hàng chục lính của bản huyện?

Lê Thị Hoa cười nhạt:

– Trước kia chồng ta không phạm tội mà bị Tích Quang giết, ta phải báo thù cho chàng. Sau này, Tô Định sang, ban Ngũ-pháp cực kỳ tàn bạo, không cho tập võ, không cho tụ hội, bắt nộp gạo, nộp tráng đinh. Trang của ta người ít, nghèo nàn lại bắt nộp đủ thứ. Con chó người đuổi cùng đường, nó cũng phải cắn, huống chi con người? Còn ngươi, ngươi là người Việt, làm Huyện-úy cho giặc, mang người Việt đi giết người Việt, đạo lý đó là đạo lý gì, ngươi có thể nói cho ta hay được không?

Viên Huyện-úy cười nhạt:

– Trước kia Chu Võ-vương phong cho 800 chư hầu, sau này Tần Thủy-Hoàng thống nhất làm một, vì vậy, nào Sở, nào Hán, nào Tần, nào Tề, nào Việt cũng chỉ là một. Kể từ khi đức Cao-tổ chém rắn khởi nghĩa, trải mấy trăm năm. Mới đây, Vương Mãng cướp ngôi, Kiến-vũ thiên tử lại trung hưng lên được. Khắp thiên hạ đều là con đỏ của Hán triều. Ta là Huyện -úy, thừa lệnh thiên tử, bảo an cho dân, ngươi phản loạn, ta dẹp ngươi. Ngươi lại còn đem Việt, đem Hán ra phân biệt sao?

Lê Thị Hoa chưa biết nói sao, Phương-Dung đã leo lên đài, đứng cạnh bà, chỉ vào mặt Huyện-úy, nói:

– Huyện úy, ngươi đã dốt, thì đừng đem cái dốt ra bịp người. Ta hỏi ngươi Chu Võ-vương phong cho 800 chư hầu, đó là những chư hầu người Trung-nguyên. Còn đất Văn-lang ta đâu phải chư hầu của họ? Đất nước này lập nên từ thời Lạc Long Quân, đến nay đã trải trên 2000 năm. Đời Âu-lạc kế tiếp, đất Nam của người Việt. Chúng ta bị Triệu Đà dùng gian kế chiếm nước, rồi triều Hán diệt Triệu Đà. Lĩnh-nam vẫn là Lĩnh-nam. Còn ngươi bảo rằng khắp thiên hạ đều là con dân Hán, thế ta cũng bảo là khắp thiên hạ đều là con dân Âu-lạc ngươi nghĩ sao? Giặc Hán tàn bạo đuổi chúng đi không khó. Khó vì những tên Việt làm đầy tớ cho Hán như ngươi!

Huyện-úy thấy tự nhiên có một thiếu nữ xinh đẹp, nói năng hoạt bát, thông thuộc lịch sử lên đài chửi mình. Y không dám lên mặt nữa. Y nói:

– Lê Thị Hoa, ngươi có giỏi, mở cổng trang ra đánh nhau với ta, chứ đại trượng phu mà cứ trốn chui, trốn nhủi như vậy, sao gọi là anh hùng?

Phương-Dung cười nhạt:

– Huyện úy, ngươi thực ngu hơn bò. Lê phu nhân đây là nữ lưu, đâu phải là đại trượng phu? Nói mà không nghĩ, chẳng khác gì con tôm lộn cứt lên đầu. Ta khuyên ngươi nên về quỳ gối hầu hạ bọn Hán thì hơn.

Phía sau Huyện-úy có ba thiếu niên cỡi ngựa, đeo kiếm. Một thiếu nữ người lùn tịt, mắt lé, dáng người thô lỗ cục mịch như con lợn. Một trong ba thiếu niên vọt ngựa ra trước, nói lớn:

– Trong trang Thiên-bản có ai địch lại ta, sư phụ ta sẽ rút binh. Còn không, hãy mau đầu hàng đi.

Lê Thị Hoa cười:

– Hoàng Đức-Phi, tướng mi lùn tịt, ti hí mắt lươn, đi làm đầy tớ cho bọn Hán, chắc lũ đệ tử toàn là thứ trộm cắp, có tài cán gì. Mi có giỏi, hãy cho lui binh lại, thiếu niên trong trang đâu có sợ lũ học trò thối tha của ngươi?

Hoàng Đức-Phi vẫy tay. Binh lính lùi lại phía sau. Lê Thị Hoa xuống đài, ra lệnh cho trang đinh mở cổng. Cánh cửa mở ra, bốn thiếu niên tướng mạo hùng vĩ cỡi ngựa thủng thẳng tới dàn đối diện với Hoàng Đức-Phi. Phi nhìn bốn thiếu niên, nói:

– Ta nghe Mai Tiên chết đi để lại bốn người con là Mai Đạt, Mai An, Mai Thỏa và Mai Tứ tức bọn này đây chăng? Được ta cũng giới thiệu cho biết bốn đệ tử của ta, đó là Hoàng Bá-Hiển, Hoàng Phi-Long, Hoàng Vĩnh-Liên và Hoàng Thị Huệ. Bản lĩnh chúng hiếm có trên thế gian. Vậy ta đề nghị, bây giờ, ba đệ tử của ta đấu với ba đứa con của nàng. Nếu bên ta bại hai trận, coi như ta bại, ta sẽ rút lui. Vĩnh viễn để yên cho trang Thiên-bản các ngươi muốn làm ma làm quỷ gì thì làm. Còn ngược lại bên ta thắng, các ngươi phải giải giới toàn trang. Ta sẽ cử ngưởi khác về cai quản thôn trang. Ngươi có dám hứa không?

Lê Thị Hoa nhìn các con với vẻ hãnh diện:

– Con ta là dòng dõi Âu-lạc, anh hùng, dù chết, dù sống, dù thắng, dù bại cũng vẫn là anh hùng, há sợ gì ngươi?

Hoàng Bá-Hiển nhảy xuống ngựa, tiến đến trước, khoanh tay thành quyền đầy vẻ tự đắc:

– Anh em họ Mai, người nào dám xuất trận với ta?

Mai An bước ra nói:

– Mai An xin lãnh giáo võ công của công tử.

Nói rồi chàng rút kiếm khoanh một vòng, kiếm hướng chênh chếch về trước thành chiêu Tạ thiên bái địa, một chiêu dùng để chào. Vĩnh-Hoa nhìn Phương-Dung:

– Kiếm pháp Long-biên, không biết anh em nhà họ Mai là đệ tử của ai? Không chừng là người nhà cũng nên.

Hoàng Bá-Hiển cũng rút kiếm, trầm người xuống chào. Đến lượt Phương-Dung nhìn Đào Kỳ:

– Anh coi kiếm pháp họ Đào nhà mình kìa. Anh em họ Hoàng là đệ tử của ai? Không biết Hoàng Đức-Phi có liên hệ gì với chú Hùng không?

Hai người đã bắt đầu đấu, Phương-Dung trong lòng nghi hoặc, nói với Vĩnh-Hoa:

– Chị Hoa thực lạ quá, Hoàng Bá-Hiển sử dụng võ công Cửu-chân, còn Mai An sử dụng võ công Long-biên. Chị đoán thử xem họ có liên hệ gì với chúng ta? Không biết chúng ta nên bênh bên nào?

Vĩnh-Hoa cười chúm chím:

– Coi bộ em mới lấy chồng, lú lẫn rồi hay sao? Muốn biết anh em họ Mai học võ với ai, cứ hỏi Lê phu nhân khắc biết chứ có khó gì? Còn anh em họ chắc chắn không học võ với Đinh hầu, Đào hầu. Chỉ còn Đào Thế-Hùng, nhưng từ Lục-hải tới Đăng-châu xa quá, chắc cũng không phải ông dạy cho bọn này. Vậy họ học ở đâu? Không lẽ là chị Thiều-Hoa dạy chúng như dạy Hùng Bảo chăng?

Phương-Dung đến bên Lê Thị Hoa hỏi bà:

– Phu nhân kiếm pháp của Tam công tử vững mà trầm trọng, không biết công tử học với ai vậy?

Lê Thị Hoa gật đầu đầy vẻ hãnh diện:

– Các con tôi đều học với hai vị anh hùng nức tiếng là Trương Thủy-Hải và Trương Đằng-Giang của phái Long-biên.

Đào Kỳ nhìn Phương-Dung, Vĩnh-Hoa nháy mắt làm hiệu, y nói:

– Hãy chờ xem, đừng ra mặt vội.

Vĩnh-Hoa nhìn Hoàng Bá-Hiển, nhíu mày suy nghĩ rồi hỏi Đào Kỳ:

– Đào tam đệ, võ công của Hoàng Bá-hiển có thật là võ công Cửu-chân không?

Đào Kỳ cũng đang nghĩ thế, vì chàng thấy thỉnh thoảng Bá-Hiển lại đánh lẫn một vài chiêu của phái Tản-viên. Nhất là bộ pháp, gần như là của Tản-viên. Chàng cố moi óc xem anh em họ Hoàng học võ với ai trong nhà chàng. Chàng nói với Phương Dung:

– Mai An thua đến nơi rồi, bởi kiếm pháp Long biên lấy mau thắng chậm, nhưng y ta lại không biết lợi dụng cơ hội thắng địch ngay lúc đầu, cứ kéo dài mãi như vậy tất thua. Vì võ công Cửu-chân thiên về dương cương, đánh chậm mà chắc, mỗi lúc một trầm trọng thêm.

Quả nhiên Mai An đã có vẻ luống cuống, Vĩnh-Hoa bảo Phương-Dung.

– Dù bên nào là người nhà, bên nào là kẻ thù ta phải giúp bên họ Mai. Bởi họ Mai thua, chúng ta sẽ mất đi một trang chủ phản Hán. Phải để cho họ Hoàng thua, hầu trang này tồn tại. Em giúp Mai An đi.

Phương-Dung đến bên Mai Đạt nói nhỏ:

– Em của anh thua đến nơi rồi. Tôi là người ngoài không tiện lên tiếng. Vậy tôi chỉ điểm cho em anh. Tôi nói câu nào, anh nhắc lại nguyên câu đó thực nhanh nghe.

Mai Đạt đứng ngoài cũng thấy em mình sắp thua, nhưng không biết làm thế nào. Chợt thấy Phương-Dung nói thế, cũng nghe theo, gật đầu. Phương-Dung thấy Mai An lùi lại, kiếm đánh từ phải sang trái, trong khi kiếm của Hoàng Bá-Hiển đâm về trước. Nàng nói khẽ:

– Hoàng long phi thiên.

Mai Đạt nhắc lại nguyên lời. Mai An nghiêng người qua trái tránh kiếm của Bá-Hiển, rồi chém thẳng về trước ba kiếm liền. Choang một tiếng, kiếm Bá Hiển rơi xuống đất. Cổ tay máu chảy đầm đìa. Y lùi lại, ôm tay, mặt nhăn nhó, đau đớn. Mai An chĩa kiếm vào cổ y:

– Ngươi thua rồi. Ta tha cho đấy hãy về trận băng bó tay đi.

Hoàng Phi-Long bước ra nói:

– Vừa rồi sư đệ ta đấu với Mai An, sao các ngươi ở ngoài xía miệng vào, như vậy không kể.

Mai Đạt xì một tiếng:

– Xưa nay đấu võ, người bên ngoài có quyền hô hào, cổ võ, có ai cấm đâu? Các ngươi thua rồi. Nếu là anh hùng hảo hán, thua thì phải nhận thua. Còn cãi chầy, cãi cối, không phải thái độ của người Việt.

Mai Thỏa định bước ra đấu với Phi-Long. Vĩnh-Hoa vội hỏi Lê Thị Hoa:

– Phu nhân, Đạt với Thỏa võ công ai cao hơn?

– Dĩ nhiên là Đạt.

Vĩnh-Hoa nói nhỏ ; – Chỉ còn một trận nữa, nên cho Đạt xuất thủ, cần gì phải để dành đấu trận sau?

Lê Thị Hoa tỉnh ngộ nói:

– Đạt, con ra lãnh giáo Hoàng Phi-Long đi.

Mai Đạt tin tưởng Phương-Dung, chàng bước ra, khoanh tay nói:

– Mai Đạt xin lãnh giáo kiếm pháp của công tử Phi-Long.

Phi-Long rút kiếm đánh véo một cái, ra chiêu Đại bàng thăng thiên. Mai Đạt thấy thế kiếm hùng mạnh, nhảy lùi lại, không đỡ, mà đâm xéo ra một kiếm. Hai người quấn lấy nhau mà đấu. Đào Kỳ nhận thấy võ công của Phi-Long không hơn gì Hùng-Bảo mấy năm trước. Chàng độ chừng anh em họ Hoàng học với những người ngang vai chàng, chứ không phải chú chàng, nên tạm yên tâm.

Phương-Dung nói nhỏ vào tai Đào Kỳ:

– Họ Hoàng học võ với nhị sư huynh Trịnh Quang. Rõ ràng võ công của y pha võ công Tản-viên.

Đào Kỳ nhìn kỹ lại chiêu thức thì quả đúng, chàng không còn úy kỵ gì về anh em họ Hoàng nữa.

Trong trận, bỗng Phi-Long trầm kiếm xuống, rồi nhảy lên cao, Mai Đạt cũng nhảy lên cao. Hai kiếm chạm nhau đánh choang một tiếng, cả hai đều bị văng mất kiếm. Mai Đạt vung chưởng đánh thẳng vào mặt Long. Long lấy ngón tay chỏ làm chỉ hướng về trước, nếu Mai Đạt tiếp tục đánh tới, chính chàng sẽ bị thương. Mai Đạt vội biến chưởng thành cầm nã bắt cổ tay Long. Long bật tay ngang ra. Hai cổ tay đụng nhau. Hai người cùng đau đớn, lùi lại.

Chợt, Long quát lên một tiếng, vung chưởng đánh tới, chưởng lực cực kỳ hùng mạnh. Đào Kỳ vội kêu lên:

– Thiết kình phi chưởng phải cẩn thận.

Mai Đạt vung chưởng đở. Bộp một tiếng, cả hai đều lùi lại, nhìn nhau gườm gườm. Long lại vung chưởng đánh ra, Mai Đạt cũng vung chưởng đỡ, hai chưởng dính tét vào nhau. Thế là hai người đấu nội lực. Hai bên cùng vận hết sức đẩy ra. Đào Kỳ bảo Phương-Dung:

– Nguy tai, nếu đấu nội lực, Mai Đạt thua mất, vì võ công Cửu-chân thiên về dương cương, võ công Long-biên thiên về âm nhu. Mai Đạt đấu sao lại? Thua đến nơi rồi.

Vĩnh-Hoa hỏi Đào Kỳ:

– Đào Tam đệ, trong phái Cửu-chân có lối vận khí nào lên cực mạnh rồi nguy hiểm không?

Đào Kỳ nhíu mày, nói:

– Có, không nguy hiểm, nhưng bị tê liệt trong vài khắc.

Vĩnh-Hoa bảo Đào Kỳ:

– Em làm như nhắc Phi-Long để giúp y thắng Mai Đạt. Sau đó y bị liệt coi như hòa. Chỉ cần hòa bàn này, chúng ta có thể thắng trận sau.

Đào Kỳ tỉnh ngộ nói lớn:

– Hoàng Phi-Long công tử nghe đây!

Rồi chàng tiếp:

– Khi đấu nội lực gặp đôi thử dùng nội công âm nhu, phải cho khí trầm Đơn-điền. Từ đơn điền đưa khí xuống thận. Từ thận đưa ngược lên Thượng-tiêu. Như vậy âm kình của địch sẽ bị hóa giải.

Phi-Long đang đấu nội lực với Mai Đạt, thấy có người nhắc dùng nội công tâm pháp của mình, vội làm theo. Quả nhiên y đẩy mạnh một cái, Mai Đạt lùi lại hai bước, ngã lộn đi hai vòng không ngồi dậy được nữa. Phi-Long mừng quá thu tay về nói:

– Ngươi thua rồi!

Bỗng y choáng váng mặt mày, ngã ngồi xuống mặt tái mét, chân tay run run như người trúng lạnh.

Lê Thị Hoa bước ra đỡ con dậy. Bên kia, Hoàng Bá-Hiển cũng nhảy ra bồng Phi-Long về.

Lê thị Hoa bước ra nói:

– Trận thứ nhì, con ta bị đánh ngã, nhưng bên ngươi Phi-Long cũng bị kiệt lực. Vậy coi như hòa. Chúng ta đấu trận thứ ba.

Phùng Vĩnh-Hoa nghĩ ra một kế, vội đến bên Lê Thị Hoa, nói:

– Phu nhân, người xin hai bên bãi chiến để ăn cơm đã, sao đó hãy đấu tiếp, tôi có kế giúp phu nhân.

Lê Thị Hoa thấy đám Đào Kỳ, năm người đột ngột xuất hiện chữa thương cho bà, rồi họ còn bàn nhỏ, bàn to giúp con mình thắng một trận, hòa một trận. Bà nảy sinh lòng kính trọng. Nghe Vĩnh-Hoa, bà bước ra, nói lớn:

– Hoàng huyện úy, trời đã trưa rồi, chúng ta hãy ngừng lại để ăn cơm, lát nữa tái đấu nên chăng?

Hoàng Đức-Phi là người gian xảo, y muốn nghỉ trưa để tìm kế thắng địch, nên đồng ý ngay:

– Được, giờ Mùi tái đấu.

Lê Thị Hoa vẫy tay, tráng đinh rút vào trong trang, đóng cổng lại. Bà mời mọi người vào sảnh đường, chắp tay hướng vào Trần Năng:

– Trước hết xin đa tạ cô nương đã chữa bệnh cho. Chẳng hay cô nương với Khất đại phu là người thế nào?

Trần Năng lễ phép đáp:

– Thưa tôi là đệ tử của người. Sư phụ tôi ở cách đây không xa.

Lê Thị Hoa ái chà một tiếng, nói:

– Thì ra thế, lối chữa bệnh của cô nương có một không hai trên đời. Cách đây mấy ngày, tôi bị thương, định lên đường tìm Khất đại phu xin trị bệnh. Nhưng chị em khuyên rằng Khất đại phu như con rồng khi ẩn khi hiện, không biết người ở đâu, thành ra tôi chưa đi. Duyên may đưa cô nương tới đây chữa trị cho, trang Thiên-bản kính cẩn tạ ơn cô nương.

Bà quay lại nhìn Phương-Dung, Đào Kỳ:

– Hai vị là ai lại biết rõ cả võ công Cửu-chân lẫn võ công Long-biên, giúp các con tôi?

Trần Năng giới thiệu:

Trần Năng giới thiệu:

– Vị này là ái nữ của chưởng môn Long-biên tên Phương-Dung.

Mai Đạt cùng các em vội chắp tay hướng vào Phương-Dung, hành lễ:

– Thì ra sư tỷ, sư tỷ là đệ nhất cao nhân của bản phái. Trong đại hội Tây-hồ đã trổ kiếm pháp thần thông, làm cho bọn phản đồ kinh hồn, táng đởm. Sư phụ thường nhắc đến sư tỷ luôn. Người nhớ nhung sư tỷ lắm đó. Người bảo rằng sư tỷ sắp lấy chồng.

Phương-Dung chỉ Đào Kỳ:

– Đây là Đào Kỳ, chồng của chị.

Lê Thị Hoa kêu lên:

– Thì ra tiểu công tử của Đào hầu Cửu-chân. Tôi nghe công tử đã học võ công Cửu-chân, Long-biên, Tản-viên đến chỗ siêu việt, đánh thắng Lê Đạo-Sinh trong đại hội Tây-hồ. Thảo nào chỉ nhắc Phi-Long một câu đã khiến nó phun máu miệng.

Đào Kỳ chỉ Lê Chân:

– Đây là chị Lê Chân.

Mai Đạt kêu lớn:

– Thì ra Đông-triều nữ hiệp đây. Bọn chúng tôi ở xa mà cũng nghe danh, không ngờ có cơ duyên, hôm nay được gặp gỡ ở đây.

Rồi Mai Đạt chỉ Phùng Vĩnh-Hoa:

– Còn sư tỷ đây chắc là Đăng-châu nữ hiệp, vì tôi thấy mưu thần, chước thánh khó ai bì kịp.

Đào Kỳ bảo anh em họ Mai:

– Các sư đệ được sư thúc truyền thụ võ công, chúng ta không dám bình luận ưu liệt. Chúng tôi qua đây, thấy trang Thiên-bản gặp nạn, phải cứu. Hiện cả bốn sư đệ, đều không phải đối thủ của anh em họ Hoàng đâu, vì chúng là học trò của nhị sư huynh tôi. Trong phái Long-biên có một pho kiếm pháp kỳ diệu, các sư đệ biết chứ?

Mai An gật đầu:

– Sư phụ nói pho kiếm đó chỉ có chưởng môn mới được học. Năm trước, sư tổ có kỳ duyên gặp sư huynh trong tù, nhờ sư huynh học rồi đem ra truyền thụ cho người phái Long-biên. Sư huynh đã truyền cho sư tỷ Phương-Dung. Đó là 72 chiêu trấn môn và bài quyết biến hóa. Nếu học được, có thể nối các chiêu bản môn làm một, thành anh hùng vô địch. Năm xưa, tổ sư Vạn-tín hầu đã thắng phò mã Sơn Tinh bằng pho kiếm này, có phải không?

Đào Kỳ nhìn Phương-Dung:

– Bây giờ chúng ta phá lệ, truyền cho các sư đệ mấy chiêu biến hóa, để các sư đệ có thể thắng anh em họ Hoàng. Sau trận đánh chúng ta sẽ dạy thêm.

Phương-Dung đồng ý, nàng bắt bốn anh em họ Mai đứng giữa sảnh đường chỉ điểm cách biến chiêu từng ly, từng tí một. Sau khi họ được học sáu chiêu biến hóa, mọi người tạm nghỉ để ăn trưa. Rồi Phương-Dung lại bắt tập tiếp. Đến giờ Mùi, họ đã tập được 12 chiêu.

Đào Kỳ dặn:

– Với 12 chiêu biến hóa, các sư đệ thừa sức thắng anh em họ Hoàng. Nhưng nhớ, đừng giết chúng, bởi chúng ta cần hòa hoãn với Huyện-úy.

Lê Thị Hoa truyền đánh ba hồi trống, mở cổng trang. Bên ngoài, bọn họ Hoàng đã dàn hàng ra chờ đợi.

Hoàng Đức-Phi nói:

– Nào, bên họ Mai ai sẽ ra tay?

Phương Dung chỉ Mai Tứ:

– Sư đệ còn nhỏ, ra tay khiến cho chúng khinh địch, lúc đấu hãy giả thua, luống cuống rồi bất thần phản công.

Mai Tứ ôm kiếm từ từ bước ra, ngoài sức tưởng tượng của bọn Hoàng Đức-Phi. Địch thủ của Mai Tứ là Hoàng Thị Huệ.

Mai Tứ vung kiếm ra chiêu chào khách, quay tròn đánh một chiêu, tay trái bắt kiếm quyết coi rất đẹp. Hoàng Thị Huệ vung kiếm đánh lại. Chỉ trong khoảng mười chiêu Mai Tứ cứ lùi mãi. Thị Huệ cho rằng bên địch yếu thế nên tấn công rất gắt. Bất thình lình Mai Tứ quay kiếm tròn một vòng, rồi biến chiêu như hoa rơi, như nước chảy, không biết đâu mà lường. Hoàng Thị Huệ choáng váng mặt mày, chân tay luống cuống.

Cũng may Phương-Dung, Đào Kỳ đã dặn trước, nếu không Mai Tứ đã đả thương y thị rồi. Mai Tứ như đùa giỡn với đối thủ, biến từ chiêu này sang chiêu khác, như có như không. Hoàng Thị Huệ đã mệt nhừ. Y thị thở hổn hển nói:

– Con mẹ nó, ngươi muốn giết thì cứ giết đi, ta không cần sống nữa.

Mai Tứ chĩa kiếm vào cổ y thị, nói:

– Hoàng Thị Huệ, bấy lâu mi đi làm đầy tớ cho tên lùn Hoàng Đức-Phi, mi tưởng cuộc đời tôi tớ hãnh diện lắm, nên theo gót y làm biết bao điều ô uế. Hôm nay ta phải trừng phạt ngươi. Trước hết ta đánh dấu vào mặt mi, để mi trốn đâu thiên hạ cũng nhận ra.

Ánh kiếm lóe lên, hai bên má Thị Huệ bị gạch chéo hai vết kiếm, máu chảy đầm đìa.

Mai Tứ nói:

– Người Việt Mình thường ví bọn lưu manh bằng câu "Nhất lé nhì lùn". Sư phụ mi là một thằng lùn, thủ lãnh bọn ma đầu. Mi vừa lùn, vừa lé, ta vẽ cho mi hai vết trên má coi đẹp gớm.

Hoàng Thị Huệ uất quá, đánh rơi kiếm, ngã lăn xuống đất, ngất xỉu không biết gì nữa.

Lê Thị Hoa đứng trước trận nói lớn:

– Hoàng huyện úy. Người hứa rằng trong ba trận nếu bên tôi thắng hai, người sẽ để cho trang chúng tôi yên ổn. Bây giờ bên Hoàng gia thua hai, hòa một, không biết người có giữ lời hứa không?

Hoàng Đức-Phi ngửa mặt lên cười, đôi mắt ti hí kéo dài tới mang tai:

– Mai phu nhân tôi đã hứa, dĩ nhiên phải giữ lời. Từ nay tôi không lý tới trang Thiên-bản của phu nhân nữa.

Rồi y vẫy tay ra lệnh thu quân.

Lê Thị Hoa cũng ra lệnh cho rút vào trong trang.

Tới đại sảnh Phùng Vĩnh-Hoa lắc đầu nói:

– Tôi xem ý Hoàng Đức-Phi chưa chắc chịu bỏ qua đâu. Chúng ta phải tìm lấy một lối giải quyết lâu dài cho trang Thiên-bản, hơn là để kéo dài tình trạng này.

Lê Chân tường thuật sơ lược những gì xảy ra ngoài đảo cho Lê Thị Hoa nghe, rồi ngỏ ý nhờ bà giúp đỡ sửa bánh lái chiến thuyền. Bà ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói:

– Từ đây về Long-biên phải một ngày ngựa. Đi thuyền phải mất năm ngày. Tôi đề nghị: Thợ mộc sẽ ra sửa bánh lái thuyền, cho thủy thủ có thể trở về Long-biên. Còn quý vị, nên lên bờ, dùng ngựa tốt hơn. Quý vị tuy tin Nghiêm Sơn, nhưng biết đâu thủy thủ đoàn đã không tuân lệnh Tô Định? Lỡ giữa biển họ đánh chìm thuyền, chúng ta khó toàn vẹn.

Vĩnh-Hoa gật đầu đồng ý. Nàng để Đào Kỳ, Phương-Dung, Trần Năng ở lại. Còn nàng dẫn thợ, chèo mủng ra khơi sửa chiến thuyền.

Phương-Dung, Đào Kỳ hết tâm luyện võ cho anh em họ Mai. Bốn anh em họ Mai gặp được người sư tỷ, mà sư phụ họ gọi là đệ nhất cao nhân bản phái, thì mừng rỡ vô cùng. Họ luyện tập không ngừng.

Tới chiều, Khất đại phu với mọi người đã vào đến trang. Lê Thị Hoa mừng rỡ vô cùng. Họ lại đàm luận việc phục quốc. Phùng Vĩnh-Hoa nói:

– Đêm nay chúng ta thám thính tình hình huyện Lục-hải xem sao đã. Nếu họ Hoàng để cho trang Thiên-bản yên thì thôi. Nếu y có mưu đồ gì khác, chúng ta giết y quách, để Nghiêm đại ca cử người của mình vào là được việc nhất.

Trưng Nhị đồng ý:

– Kể ra giết y như vậy cũng không anh hùng. Nhưng đối với việc phục quốc, giết bớt đi một tên chó săn lại là điều cần thiết. Đêm nay Vĩnh-Hoa, Trần Năng, Hồ Đề đi là được rồi. Các hành động nhất thiết do Vĩnh-Hoa quyết định.

Phương-Dung không chịu, nói:

– Sư tỷ tại sao em không được đi?

Trần Năng cười:

– Sư thẩm đi, sư thúc ở nhà một mình buồn chết. Ai lại cho cô dâu mới lấy chồng bỏ chồng một mình bao giờ? Cổ nhân nói: Vợ chồng mới cưới, đêm xuân đáng giá nghìn vàng. Sư thẩm lỡ đánh mất nghìn vàng ư?

Phương-Dung xấu hổ đánh Trần Năng. Trần Năng trầm người tránh khỏi, cười khúc khích. Vĩnh-Hoa bảo Phương-Dung:

– Em phải ở nhà để cùng sư bá và Đào tam đệ luyện võ cho bốn sư đệ họ Mai.

Bây giờ nàng mới hiểu ý Trưng Nhị. Nàng nhìn cha, nói:

– Bố ơi, Bố cho phép con phá lệ, dạy bí quyết trấn môn cho các sư đệ.

Nguyễn Trát gật đầu:

– Con nghĩ vậy là phải. Phục quốc là việc lớn hơn hết.

Đợi tối trời, Vĩnh-Hoa, Trần Năng, Hồ Đề lấy ngựa hướng về huyện đường Lục-hải. Tới gần huyện đường ba người cột ngựa vào rừng, len lỏi vào phố huyện. Phố xá Lục-hải khá đông đúc, đèn đuốc sáng rực. Ba người hỏi thăm tìm đến huyện đường. Huyện đường xây bằng đá, đèn nến sáng trưng. Bên ngoài có lính canh phòng cẩn mật.

Ba người vòng ra sau, nhảy qua hàng rào vào trong, qua dãy nhà ngang tới huyện đường. Họ theo vườn hoa đến bên cửa sổ ghé tai nghe ngóng. Có tiếng từ trong vọng ra:

– Không hiểu tại sao hôm nay có một chiến thuyền, cờ hiệu của hải đoàn Luy-lâu đậu ngoài khơi, rồi bốn gái một trai vào trang Thiên-bản. Chính bọn này giúp họ Mai thắng đám đệ tử của ta. Ngươi thử đoán xem họ là ai?

Có tiếng đáp lại:

– Sở Tế-tác Lục-hải báo cáo rằng, đó là những người có võ công rất cao. Hồi chiều còn năm mươi người nữa từ chiến thuyền đổ bộ vào trang Thiên-bản. Già có, trẻ có, nam có, nữ có. Không biết họ là ai? Nhất định có liên hệ tới phủ Bình-Nam đại tướng quân.

Có tiếng Hoàng Đức-Phi nói:

– Thế thì kỳ lạ thực. Chúng ta phải mau phúc bẩm về phủ Thái-thú mới được. Chứ để họ giúp phản tặc ở trang Thiên -bản, chúng ta sẽ nguy đến nơi mất.

Có tiếng khác nói:

– Đêm mai, chúng ta bất thần mang hết lữ bộ binh ở đây, cùng với trang đinh trang Lục-hải đến tấn công. Trang Thiên-bản sẽ thành bình địa. Bấy giờ Lĩnh-Nam công binh vực cũng không được nữa. Bây giờ chúng ta nghỉ ngơi mai sẽ điều quân.

Ba người ẩn vào bụi cây, thấy Hoàng Đức-Phi tiễn một người ra. Vĩnh-Hoa đoán rằng đó là Huyện-lệnh.

Đợi cho Hoàng Đức-Phi đóng cửa rồi, ba người vẫy tay nhảy qua cữa sổ vào phòng. Hoàng Đức-Phi thấy ba người con gái lạ nhảy vào thì quát lớn:

– Các người là ai?

Y vung quyền lên đánh. Trần Năng thuận tay đỡ. Bộp một tiếng y văng vào góc nhà. Mặt nhăn nhó khổ sở. Nàng rút gươm chỉ vào cổ hắn, nói:

– Im mồm. Nếu mi kêu một tiếng, ta chém đầu tức thì.

Trước khi đi Trần Năng nghe Lê Thị Hoa nói Hoàng Đức-Phi là người Việt lấy vợ Hán. Võ công y cao đến đâu không ai hay, chỉ thấy đám học trò y là Bá-Hiển, Phi-Long, Vĩnh-Liên võ công cũng khá cao, chắc võ công y cũng thuộc vào loại khá. Vỉ vậy Trần Năng mời vận tới năm thành công lực để đỡ. Nào ngờ y chỉ là cái bị thịt.

Hồ Đề cầm kiếm dí vào ngực y hỏi:

– Huyện lệnh tên gì?

– Dạ, tên Phạm Thu-Tòng.

– Tòng có biết võ nghệ không?

– Thưa biết, y là một cao thủ Trung-nguyên.

– Bây giờ mi lấy bút mực ra viết đi.

Hoàng Đức-Phi riu ríu lấy bút mực ra. Phùng Vĩnh-Hoa đọc:

Niên hiệu Kiến vũ thứ 12, nhà Đại-hán.

Huyện úy Lục-hải là Hoàng Đức-Phi khấu đầu trước Lục tiên sinh. Từ khi được tiên sinh dạy dỗ đề bạt cho tiểu nhân được làm Huyện-úy Lục-hải, lúc nào Ty chức cũng nhớ ơn tiên sinh canh cánh bên lòng.

Hôm trước được lệnh tiên sinh dạy phải chuẩn bị trang đinh cùng bản bộ binh mã phục sẳn bên đường đợi khi tên Nghiêm Sơn từ Cửu-chân ra, dùng cung tên giết chết. Tiểu nhân lúc nào cũng theo dõi, không dám ngừng trệ. Ngặt vì tiểu nhân sức hèn, văn không đủ tài, võ không đủ dùng, nên e có điều sơ xuất. Vậy dám xin tiên sinh viện cho tiểu nhân một cao thủ vào trợ lực, thì mới hy vọng thành công.

Tiểu nhân khép nép cúi đầu đợi lệnh tiên sinh.

Hồ Đề bắt y ký tên, đóng dấu, niêm phong lại, rồi cầm lấy. Phùng Vĩnh-Hoa nói:

– Mưu đồ đánh chiếm trang Thiên-bản của ngươi đã bị bại lộ. Nếu trở mặt ta sẽ giết cả nhà mi, biết không?

Hoàng Đức-Phi run sợ gật đầu.

Nguyên Hoàng Đức-Phi cha mất sớm, phiêu bạt, vô sở bất chí. Y theo bọn ăn cướp lưu lạc sang Trung-nguyên, lấy vợ là gái điếm người Hán. Y cũng học được dăm ba thế võ phòng thân. Nhân ăn trộm được một món tiền lớn, đem tặng cho ông thầy người Hán. Ông ta nhận y làm đệ tử, nhưng vì không có khiếu học võ, thành ra đi đâu y cũng chỉ đưa tên sư phụ ra để bịp đời. Vợ người Hán cũng có nhan sắc. Y cùng vợ theo Tô Định làm kẻ hầu hạ. Vợ là gái điếm quen đường cũ, thường vào dinh ăn nằm với Tô Định. Hai đứa con của y, thì một đứa là con Tô.

Từ khi sang Giao-chỉ, Tô Định có nhiều gái, không cần đến Hoàng Đức-Phi, mới cho y một chức Huyện-úy. Trong khi ra vào cửa Thái-thú, y quen với Trịnh Quang, tên phản đồ phái Cửu-chân.

Hoàng Đức-Phi chỉ biết dăm ba miếng võ, nhưng lại muốn làm ra vẻ ta đây, một đại tôn sư võ học. Y rủ Huyện-lệnh Phạm Thu-Tòng, Lữ-trưởng Trần Phúc, Lữ phó Nguyễn Văn Thinh, Giám-sở tế tác Trần Minh-Long và hai võ sư Trung-nguyên Hoàng Xuân-Nam, Nguyễn Đăng-Giầu xưng là "Lục hải thất hiệp". Y là Huyện-úy, thân thiện với Tô Định được sáu người kia nể nang, cho đứng đầu. Tuy y võ nghệ rất kém nhưng đứng đầu Lục-hải thất hiệp. Võ lâm anh hùng thấy võ công của mấy người kia cao cường, do đó tưởng rằng người cầm đầu hẳn bản lĩnh phải ghê gớm lắm, nên người ta đã sợ bóng sợ gió y mấy năm qua.

Y chỉ biết dăm ba miếng võ mèo cào, muốn dọa thiên hạ, y treo bảng tuyển học trò. Có bảy tám người đến theo học với y. Trong đó có Bá-Hiển, Phi-Long, Vĩnh-Liên. Y dạy văn cho ba người, còn võ, y để Trịnh Quang dạy.

Trịnh Quang thấy y được Tô Định trọng dụng nên cúi đầu tôn y làm sư phụ. Cái ngược đời nhất kim cổ không ai ngờ tới: Trịnh Quang là đệ tử danh môn chính phái, sư phụ nổi tiếng anh hùng đương thời, lại phản sư môn, tôn một tên lưu manh không biết võ nghệ làm thầy.

Hoàng Đức-Phi bảo Trịnh Quang dạy võ cho bọn Phi-Long, Bá-Hiển. Y tuân lệnh. Thành ra ba tên đệ tử, cứ tưởng đại sư huynh thay sư phụ dạy mình. Có ngờ đâu Hoàng Đức-Phi chỉ là một tên lưu manh hoạt đầu.

Trịnh Quang có một sư muội cùng học Phong-châu song quái với y là Thị Huệ. Trước đây Thị Huệ là con một tên phu xe ngựa ở Luy-lâu. Y thị được Song-quái thu làm đệ tử, dạy cho mấy miếng võ. Nay được Trịnh Quang giới thiệu với Hoàng Đức-Phi. Phi cũng mang về nuôi, cho mang họ Hoàng và tuyên bố là đệ tử.

Ở Lục-hải y giữ chức Huyện-úy, ngày ngày mang lính đi đàn áp các trang ấp, sách nhiễu vàng bạc, bắt tráng đinh làm lao binh. Mấy hôm nay định chiếm trang Thiên-bản để làm trang ấp của mình, thì gặp phải mẹ con họ Mai dũng mãnh chống trả. Giữa lúc y đang thắng thế, đám Đào Kỳ xuất hiện. Tối nay y gặp phải Vĩnh-Hoa, Trần Năng, Hồ Đề dọa cho y sợ đến té đái, vãi phân ra quần.


Stickman AFK: Liên Minh Bóng Đêm

Hồi (1-40)


<