Vay nóng Tima

Truyện:Động Đình Hồ ngoại sử - Hồi 11

Động Đình Hồ ngoại sử
Trọn bộ 30 hồi
Hồi 11: Hữu Nữ Đồng Xa - Nhan Ngư Nghiêu Hoa
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-30)

Siêu sale Shopee

Ba người lấy ngựa từ biệt Tạ viên ngoại, lên đường về Thành-đô. Mãi tới chiều mới tới nơi. Thành-đô bấy giờ là thủ đô của đất Ích-châu, Hán-trung, Tây-xuyên, Đông-xuyên. Dân cư đông đúc, nhà cửa san sát. Ba người vừa vào trong thành thì trời bắt đầu tối. Vương Nguyên quen thuộc với Thành-đô, ông đi trước, Đào Kỳ và Sa-Giang theo sau. Đến góc Tây-thành, ông dừng ngựa trước một trang trại khá đẹp. Đào Kỳ lại ngạc nhiên một lần nữa:

– Tại sao lão quen với nhiều phú gia như vậy? Mà người nào cũng cung cung, kính kính với lão? Có lẽ họ biết lão từ khi lão còn làm Tể-tướng cho Công-tôn Thuật cũng nên?

Lão dặn Đào Kỳ:

– Đào huynh đệ, ngưòi nhớ rằng người câm đấy nhé.

Lão giật chuông, lát sau một nô bộc ra mở cửa. Tên nô bộc rất hùng dũng, rõ ra vẻ người có võ công cao. Y trông thấy Vương Nguyên thì luống cuống như tên nô bộc Tạ viên ngoại:

– Lục... lão tiên sinh giá lâm. Nô bộc xin vào loan báo chủ nhân.

Vương Nguyên gọi theo:

– Ngươi báo rằng có Vu-Sơn và Sa-Giang tới thăm Điền trang chủ.

Một lát chủ nhân ra. Điền trang chủ tuổi đã lớn, ít ra trên 50 tuổi. Y thấy Vu-Sơn thì khoanh tay:

– Vu-Sơn tiên sinh giá lâm tệ trang, thật là vạn hạnh.

Vu-Sơn chỉ Đào Kỳ:

– Người này là con rể lão. Lão mới gả chồng cho con gái được hơn một tháng. Rể lão bị câm. Nhưng võ công khá lắm.

Điền trang chủ mời ba người vào trong nhà. Trà nước rồi, Vương Nguyên nói:

– Lão phiền trang chủ cho một phòng vắng để rể và con gái lão ở. Rể lão không biết nói, ít muốn tiếp xúc với người ngoài. Còn lão thì cho ở đâu cũng được.

Điền trang chủ gọi người quản gia:

– Lão Nhất! Lão đưa cô nương và công tử ra căn nhà phía sau vườn hoa ở tạm.

Lão Nhất dẫn hai người ra vườn sau nhà chính. Y chỉ vào căn nhà bằng gỗ, kiến trúc đơn sơ:

– Đây là căn nhà đẹp nhất Điền gia trang, công tử và tiểu thư sẽ được yên tĩnh.

Người quản gia đi rồi, Đào Kỳ than thầm:

– Khổ quá, giá đừng nói dối là vợ chồng, có phải mình được tự do không? Đêm nay mình lại phải ngủ ngồi nữa rồi. Chả biết mình có qua nổi cám dỗ không?

Đào Kỳ thấy Điền gia trang như có một cái gì bí mật, nhưng đoán không ra. Chàng tự hỏi:

– Với võ công của ta, ta há sợ cạm bẫy sao?

Vương Sa-Giang cầm đàn dạo mấy tiếng, rồi vừa đàn vừa hát.

Hữu nữ đồng xa, Nhan như nghiêu hoa, Tương can, tương cường.

Bội ngọc hoàn cư, Bỉ mỹ Mạnh Khương, Tuấn mỹ thả đô.

(Có một người con gái đi cùng xe với ta, Nhan sắc tươi như hoa nở, Chúng ta cùng đi chơi ngoài hoang dã.

Nàng đeo ngọc trên người, Nàng là thiếu nữ danh giá, mỹ lệ, Nàng đẹp phiêu hốt, văn nhã.) Sa-Giang vừa cầm đàn, vừa hát khúc thứ nhì:

Hữu nữ đồng hành, Nhan như Nghiêu anh, Tương cao, tương tường, Bỉ mỹ Mạnh Khương, Đức âm bất vong.

(Có một người con gái đồng hành, Má nàng tươi như hoa hồng mới nở, Chúng ta cùng ngao du hoang dã.

Tiếng ngọc của nàng khua leng keng, Nàng là con gái đẹp họ Khương, Nàng xinh đẹp, phẩm chất để muôn đời.) Đây là bài thơ Hữu nữ đồng xa trong Kinh-thi, thiên Trịnh-phong, kể truyện đôi trai gái yêu nhau say đắm, cùng đi trên một cái xe. Hồn phách mơ mơ màng màng. Bài này được phổ nhạc. chàng đã nghe lần đầu do Lan-Phương vợ Lục Mạnh-Tân, vừa tấu, vừa hát. Song lần này, hoàn cảnh chàng với Sa-Giang đúng như nội dung bản ca. Giọng ca Sa-Giang lại thanh thoát, êm ngọt, hòa với tiếng đàn vang vang trong đêm, khiến hồn chàng bay phơi phới.

Tiếng đàn và giọng ca Sa-Giang làm chàng lo sợ. Chàng muốn làm một việc gì, để phá tan cái tịch mịch đó. Chàng mở bọc ra tìm sách đọc, vô tình đụng phải bộ quần áo của Tường-Quy. Chàng lấy bộ quần áo ra, ngắm nhìn, ngơ ngẩn xuất thần. Chàng đưa bộ quần áo áp vào mặt. Hơi của Tường-Quy vẫn còn thoang thoảng. Chàng cất bộ quần áo, tay đụng phải một hộp nhỏ, mở ra là hộp thuốc. Chàng nhớ hộp thuốc đó của Khất đại-phu cho chàng. Ông bảo cứ đem theo người. Lỡ ra trúng độc dược, thuốc mê, nhân lúc chưa ngã, bỏ vào miệng một viên, chỉ lát sau tỉnh như thường. Chàng cầm hộp thuốc bỏ vào túi. Ngồi đợi Vương Nguyên đến bàn việc đột nhập hoàng cung thám thính. Đến chiều một người đầy tớ mang cơm cho chàng với Sa-Giang. Hai người ngồi ăn như cặp vợ chồng mới cưới. Ăn xong Sa-Giang đứng dậy rót nước cho chàng. Bỗng nàng cảm thấy choáng váng đầu óc, đứng không vững. Nàng đánh rơi tách nước xuống, gọi:

– Đại ca! Em...em...

Rồi nàng ngã xuống. Đào Kỳ nhảy lại đỡ nàng. Nàng ôm chặt lấy chàng rồi ngất đi. Chàng định hỏi Sa-Giang tại sao, thì chàng cũng cảm thấy đầu óc hơi choáng váng. Chàng vội ngồi xuống vận nội lực chống đỡ, bấy giờ chàng mới biết mình với Sa-Giang bị trúng thuốc mê. Chàng móc hai viên trong túi, bỏ vào miệng nuốt. Lát sau tỉnh táo như thường. Chàng nghĩ:

– Thế này là Điền viên ngoại đánh thuốc độc mình đây. Chắc chúng nó rình xung quanh. Vậy mình phải giả vờ mê man, xem chúng làm gì đã.

Nghĩ vậy, chàng giả vờ ngã đè lên người Sa-Giang rồi nằm yên. Một lát sau có tiếng hai ba người đi tới. Tiếng Điền viên ngoại hỏi:

– Thuốc rất mạnh, trúng phải ít nhất bốn giờ sau mới tỉnh. Các ngươi bồng hai người đặt lên giường, dùng chăn đắp lại cẩn thận.

Tiếng Vương Nguyên nói:

– Đào công tử võ công cao thâm. Muốn cẩn thận phải trói lại. Để y tỉnh dậy thì nguy lắm. Lão Nhất, ngươi ngồi đây canh hai đứa cho ta nghe.

Bấy giờ Đào Kỳ mới tỉnh ngộ:

– Chết thực! Ta bị trúng kế của lão già Vương Nguyên. Y đánh lừa ta đưa về đây không biết để làm gì? Nhưng nếu lão muốn hại ta sao lại đem con gái ngàn vàng đẩy vào cho không ta như thế này, thực khó hiểu. Điều chắc chắn ta bị lão đánh lừa. Bao nhiêu mưu kế của ta bên địch biết hết rồi. Ta thực vô dụng quá. Việc này lộ ra ta còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ nữa?

Điền viên ngoại và Vương Nguyên đi rồi, lão Nhất cầm dây tới trói Đào Kỳ. Y vừa đụng vào người. Chàng chụp lấy hai tay khẽ bóp, lách cách hai tiếng, tay y bị gẫy. Chàng bịt miệng y nói:

– Mi kêu một tiếng ta bẻ gãy cổ, mi biết không?

Lão Nhất gật đầu. Đào Kỳ dùng dây trói lại, lấy giẻ nhét vào miệng, quăng y vào gầm giường, rồi vọt mình lên khu đại sảnh có đèn chiếu sáng trưng. Chàng nhảy lên mái nhà gỡ ngói nhìn xuống. Trong sảnh đường Vương Nguyên ngồi đối diện với Tạ viên ngoại, Điền viên ngoại.

Vương Nguyên nói với Tạ viên ngoại:

– Ngũ sư huynh, tất cả mọi chuyện tiểu đệ biết hết rồi. Chính anh hùng Lĩnh-Nam đã thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Thái sư phụ với anh em chúng ta. Cho nên đáng lẽ đệ cùng Đào Kỳ vào Thành-đô bắt đại ca trả thù. Đệ quyết gạt bỏ thù nhà, hợp với các vị huynh đệ bảo vệ trăm họ Ích-châu và phái Thiên-sơn nhà ta.

Đào Kỳ tự chửi thầm:

– Thì ra Tạ viên ngoại là Tạ Phong. Người đứng thứ năm trong Thiên-sơn thất hùng, tước phong Tề-vương, hiện giữ chức Tư-đồ trong triều Thục.

Vương Nguyên nói với Điền viên ngoại:

– Tứ sư ca. Chúng ta vào yết kiến đại sư ca ngay mới kịp, nếu không chỉ nội hai ngày nữa, đạo Lĩnh-Nam tới đây, tất cả đều tan nát hết.

Đào Kỳ tỉnh ngộ:

– Thì Điền viên ngoại là Điền Sầm, tước phong Tần-vương, giữ chức Tư-không trong triều Thục.

Vương Nguyên, Điền Sầm, Tạ Phong cùng đứng dậy ra cửa. Ba người lên ngựa hướng hoàng cung.

Thành-đô tuy nhỏ hơn kinh đô Lạc-dương, Trường-an. Nhưng ba trăm năm trước là nơi Cao-tổ nhà Hán đã đóng đô, rồi tiến ra đánh Hạng Vũ. Thành có hai lớp. Lớp ngoài dài khoảng 15 dặm, rộng khoảng 10 dặm. Trong lớp thành này là quân sỹ, dinh thự các quân tại triều. Lớp trong là hoàng thành dài khoảng bốn dặm, rộng khoảng ba dặm là cung thất của nhà vua. Đào Kỳ theo bén gót. Tới một dinh thự đồ sộ, phía trước có vệ sĩ canh phòng cẩn mật. Điền Sầm nói với quân canh:

– Người vào tấu với Hoàng-thượng rằng có Tần-vương và Tề-vương xin vào cầu kiến.

Đào Kỳ theo sát tên vệ sĩ. Chàng vọt lên mái nhà đi vào hai dãy nữa, thì thấy một tòa lâu đài lớn, sơn son, đèn bên trong chiếu ra sáng trưng. Chàng nhảy vọt lên, đeo cửa sổ ghé mắt nhìn vào.

Chàng suýt bật thành tiếng kêu lớn: Bên trong một người tướng mạo hùng vĩ ngồi trên cái ngai sơn son thiếp vàng. Hai bên giáp sĩ cầm gươm đứng hộ vệ. Có mấy người vận quần áo rất đẹp, đứng làm hai hàng. Trong đám ấy có Lê Đạo-Sinh, Đức-Hiệp, Hoàng Đức, Phong-châu song quái. Chàng tỉnh ngộ:

– Thì ra đây là nơi thiết triều của Công-tôn Thuật. Người ngồi trên ngai vàng chắc là y rồi.

Công-tôn Thuật mặt hầm hầm bảo một lão già:

– Trần thừa tướng. Ngươi xin ta thiết triều giữa đêm khuya có việc gì?

Lão già mập quỳ gối xuống trước mặt Công-tôn Thuật rập đầu:

– Thần là Trần Kim, dám lớn gan xin Hoàng-thượng khẩn cấp vì tình hình an nguy của xã tắc trong sớm tối. Những tin tức từ các nơi gởi về nói Thái-tử tư thông với giặc, đầu hàng Hán, để được làm vua đất Thục.

Công-tôn Thuật gật đầu:

– Tất cả những biểu chương đó ta đọc kỹ rồi. Nhưng ta thấy vô lý. Con ta là Thái-tử, hiện lĩnh Tư-mã coi hết quân quốc trọng sự. Ta lại già rồi. Một mai đương nhiên cơ nghiệp này không vào tay y thì vào tay ai? Vậy y phản để làm gì? Ta không tin là thế.

Trần Kim tiếp:

– Thái-tử đầu Hán không phải vì ngôi vua thôi, mà vì một người đàn bà. Thần xin cho nhân chứng tâu cùng bệ hạ.

Y vẫy tay gọi một tên thái-giám ra quỳ gối nói:

– Đây là thái-giám Nhật-Thanh hầu hạ Thái-tử. Y biết hết mọi chuyện. Chắc y không dám tâu oan cho Thái-tử đâu.

Nhật-Thanh là một tên thái-giám người gầy, sắc diện xanh xao bước ra rập đầu trước Công-tôn Thuật. Thuật hỏi:

– Ngươi hãy đem câu chuyện Thái-tử với Phùng Vĩnh-Hoa ra nói cho ta biết.

Nhật-Thanh chậm chạp tường thuật lần đầu tiên Phùng Vĩnh-Hoa cùng Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa xuất hiện dưới thành Dương-bình quan đánh Hầu Đơn bị thương. Rồi sau đó đấu âm nhạc, phi ngựa thổi tiêu với Công-tôn Tư, cho tới vụ nàng cùng Tư hẹn nhau trên đồi Định-cường tấu nhạc ngâm phú Ly Tao. Lúc trở về thì xảy ra trận chiến Dương-bình quan, thành mất.

Lê Đạo-Sinh bước ra tâu:

– Tâu Hoàng-thượng, nhân vật Lĩnh-nam thần biết rất rõ. Họ khác người Trung-nguyên ở điểm. Người Hán xuất trận chửi bới bên địch, rồi mới đánh nhau. Còn họ thì ngược lại, đối với bên địch lúc nào cũng nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự. Khi Vĩnh-Hoa xuất hiện ở Dương-bình quan cùng Thái-tử đấu cỡi ngựa, thổi tiêu, là lúc y thị điều quân tới Võ-đô hẹn Thái-tử hai ngày sau gặp nhau trên đồi Định-cường. Rồi lập tức y thị đến Võ-đô điều khiển trận chiến. Sau khi đánh Võ-đô, y thị cho các tướng tiếp tục vây Nam-bình, Bình-võ rồi lộn trở về Định-cường cùng Thái-tử hẹn hò. Vì là chuyện trai gái, nên Thái-tử cấm không cho người ngoài vào căn nhà của hai người. Y thị giữ Thái-tử lâu như vậy, để Ngô Hán điều quân đánh Dương-bình quan. Chúa tướng bị cầm chân bởi nữ sắc trên đồi Định-cường, các tướng không biết xin lệnh ai, do đó Dương-bình quan mới mất.

Công-tôn Thuật gật đầu:

– Con ta không biết gì về nhân vật Lĩnh-nam nên mới mắc mưu chứ không thể nói vì nữ sắc mà nhường thành cho Hán.

Nhật-Thanh nhắc lại lời Phương-Dung nói với Công-tôn Tư trước trận Kiếm-các.

Thừa tướng Trần Kim tâu:

– Thái-tử nhờ anh hùng Lĩnh-Nam giúp làm chúa đất Thục. Thái-tử đang là chúa mà nhờ người giúp để được làm chúa, thì chỉ còn một việc là đầu hàng mà thôi.

Lê Đạo-Sinh tâu:

– Hai nhân chứng quan trọng nhất là hyện-lệnh Ba-trung và tệ đồ Đức-Hiệp thì không thể nào chối cãi được.

Công-tôn Thuật thở dài:

– Ta thẩm vấn hai người này, họ đều nói giống nhau. Vì vậy ta đã cho triệu Thái-tử về đối chất. Bay âu, mời Thái-tử vào đây.

Công-tôn Tư bước vào, quỳ gối tung hô vạn tuế:

– Hài nhi từ mặt trận được lệnh triệu hồi. Trước xin vấn an Phụ-hoàng, không biết Phụ-hoàng triệu con về có điều chi khẩn cấp?

Công-tôn Thuật chỉ ghế bên cạnh:

– Hài nhi, ngươi ngồi đây.

Công-tôn Tư ngồi xuống ghế.

Thuật nói:

– Đại thần gởi biểu tấu nói rằng hài nhi định hàng Hán, để được làm chúa Ích-châu. Vì vậy ta mới triệu hài nhi về. Hài nhi trả lời với họ đi!

Công-tôn Tư quắc mắt nhìn khắp quần thần, mắt của y đến đâu mọi người đều rùng mình.

Y nói:

– Không cần biết ai nói gì, thần nhi chỉ xin tóm tắt lại mấy câu. Thần nhi được Phụ-hoàng dạy dỗ, văn không dở, võ không hèn. Hài nhi là Thái-tử cầm quyền Đại tư-mã. Binh quyền trong tay. Thần tuy chưa tiếp nhận ngôi trời, nhưng ngôi trời sẽ ở trong tay thần, hà cớ gì thần phải đầu Hán, phải nhờ ai giúp đỡ cho mới được ngôi trời?

Tư quay lại nhìn quần thần:

– Ai nói gì, ra đây đối chất với ta. Phụ-hoàng có nhớ chuyện Tăng Sâm không? Tăng Sâm là người hiền thục đến con kiến cũng không nỡ giết. Một hôm có người trùng tên với ông giết người. Tăng mẫu đang ngồi dệt cửi, có người qua nói với bà: Tăng Sâm giết người. Tăng mẫu điềm nhiên nói: Con ta hiền không giết người. Một lát người thứ nhì qua nhà nói: Tăng Sâm giết người. Tăng mẫu cũng điềm nhiên nói: Con ta hiền thục, không giết người. Một lát sau, người thứ ba đi qua nói: Tăng Sâm giết người. Tăng mẫu sợ quá, bỏ khung cửi leo qua cửa sổ mà chạy. Biết con không ai bằng Tăng mẫu. Hiền không ai bằng Tăng tử, thế mà ba người nói, Tăng mẫu cũng tin. Trước đây, ai cũng khuyên thần nhi không nên cầm quân, vì cầm quân thắng cũng không được thêm gì, mà bại e mất ngôi Thái-tử như không. Thần biết thế nhưng vẫn cầm quân. Vì nghĩ, ai cầm quân cũng dễ bị dèm xiểm mà hỏng việc, nên thần phải làm. Không ngờ đến ngay thần nhi, là giọt máu của Phụ-hoàng được Phụ-hoàng sủng ái, thân tới Thái-tử mà còn bị miệng thế dèm pha.

Lê Đạo-Sinh nói về vụ Đức-Hiệp với hyện lệnh Ba-trung nghe chính miệng Nghiêm Sơn, Phương-Dung nói trong đêm.

Công-tôn Tư nổi giận nói:

– Lê tiên sinh, tiên sinh từ Lĩnh Nam lên đây giúp đất Thục. Tôi xin đa tạ. Nhưng có điều tiên sinh mưu việc phế trưởng lập thứ, thực không hợp đạo lý chút nào. Tiên sinh khuyên Phụ-hoàng cho xuất đạo kỳ binh đánh Dương-bình quan. Phụ-hoàng nghe lời, ban chỉ thị cho xá đệ phải hợp với tôi. Nhưng tiên sinh khuyên y không cho tôi biết, thế là nghĩa làm sao? Tôi cầm quân bấy lâu nay, đánh dư trăm trận, tôi biết rõ tình hình giặc, mà tôi không được thông báo, để có thể hợp binh. Tiên sinh cùng xá đệ bê trễ việc canh phòng Ba-trung, đến nỗi bị giặc đánh úp lấy hết lương thảo. Huyện lệnh là em ruột Tây-cung quý phi, là cậu ruột xá đệ. Chắc y cùng Đức-Hiệp xuất thành, bịa ra chuyện Nghiêm Sơn cùng với Phương-Dung để hại tôi.

Y hỏi thái giám Nhật-Thanh:

– Nhật Thanh! Đêm mà Lê tiên sinh nói là ngươi được ta cử đi liên lạc với Nghiêm Sơn, ngươi ở bên cạnh ta kia mà?

Nhật Thanh run rẩy:

– Thần cũng tâu với Hoàng-thượng như vậy. Nhưng Lê tiên sinh bắt thần phải nhận, nếu không Lê tiên sinh giết cả nhà thần.

Lê Đạo-Sinh cười:

– Thái-tử, vậy việc Điện-hạ hẹn hò với Vĩnh-Hoa để làm gì? Trước trận Phương-Dung nói sẽ giúp Điện-hạ làm chúa Ích-châu là tại sao? Tại sao Vĩnh-Hoa bắt được vợ con, của cải các tướng ở Dương-bình quan lại đem về trả cho Thái-tử?

Công-tôn Tư nói:

– Điều đó Phụ-hoàng ta đã biết rồi. Chính Nghiêm Sơn cũng khoe trước trận rằng y chủ trương việc đó, để giữ gìn đạo lý võ lâm. Còn Vĩnh-Hoa thì nàng rất tử tế với ta.

Lê Đạo-Sinh cười nhạt:

– Thái tử bảo thị tử tế với Thái-tử ư? Thị tử tế để đánh úp Dương-bình quan, Kiếm-các, Võ-đô, Bình-võ và Giang-du ư?

Giữa lúc đó Tây-cung quý phi từ sau ngai vàng bước ra quỳ gối.

– Xin Hoàng-thượng minh xét, hyện-lệnh Ba-trung tuy là em của thần thiếp, nhưng không thể bịa chuyện hại người được. Đó là một điều đúng. Thái-tử là trừ quân, vừa ra trận đã bị nữ sắc mê hoặc, để đến nỗi Võ-đô bị đánh úp, rồi mất luôn Nam-bình và Bình-võ. Sau đó Thái-tử lại hẹn hò với nữ quân sư của giặc, tự tình trên đồi Định-cường, cấm không cho ai quấy rầy suốt một ngày, để giặc có thời giờ bố trí đánh Dương-bình quan. Dương-bình quan mất, giặc lại đem tỳ thiếp của Thái-tử, vợ con của tướng sĩ trả với của cải là thế nào? Rồi trước trận Phương-Dung hứa giúp Thái-tử làm chúa Ích-châu. Sự thể đã rõ ràng rồi. Thần dám xin Bệ-hạ hãy truất phế Thái-tử, giao cho người khác cầm binh quyền. Nếu không, thần e đất Ích-châu một sớm, một tối cũng về tay Hán mất.

Công-tôn Thuật thở dài:

– Lời quý phi tâu cũng có phần đúng. Được đợi ta hỏi ý kiến các sư đệ ta đã.

Thái-tử Công-tôn Tư tâu:

– Tâu Phụ-hoàng, hiện giờ Thành-đô bị ba đạo quân uy hiếp. Sự thực các tướng Hán thì con không sợ làm bao. Thần bị bại là do Nghiêm Sơn từ Lĩnh Nam về mang theo một số anh hùng, đồng đạo, nên Thục mới bị bại. Tài như thúc phụ là Trường-sa vương ở mặt Kinh-châu còn bị mất Xuyên-khẩu, Bạch-đế, Võ-lăng, Phong-đô, Bột-thành. Còn đạo phía Nam thì tiến như vũ bão. Nghĩa đệ Phúc, Lộc, Thọ đầu hàng giặc, có lẽ một hai ngày nữa đạo này tới Thành-đô. Thế mà trong triều, trên là Thừa-tướng, cho tới quý phi mong hại thần nhi...

Công-tôn Tư thở dài:

– Đạo Hán-trung sỡ dĩ thắng Thục vì họ có đạo kỳ binh luyện tập rất tinh thục. Đó là 300 con báo, 300 con hổ, sức mạnh bằng mấy chục vạn binh. Đạo Lĩnh Nam sỡ dĩ vượt qua qua Kim-sơn là nhờ đội Thần-hầu, đến 600 con khỉ leo núi, chăng cầu dây cho quân qua. Độ-khẩu mất vì đội Thần-xà bơi qua sông. Thủy quân trở thành vô dụng. Đạo Kinh-châu bị đội Thần-ưng, Thần-phong và Thần-tượng. Con nghĩ, xưa kia Lưu Bang bị Hạng Võ đánh thua 72 trận, chỉ thắng một trận mà thành đại nghiệp. Vậy Phụ-hoàng nên di giá về vùng phía Tây. Chúng ta cùng dân Thục nằm gai nếm mật, trường kỳ chống giặc. Chỉ ít lâu sau đám anh hùng Lĩnh Nam rời đất Thục. Chúng ta đánh một trận là thành công.

Công-tôn Thuật nói:

– Thái sư phụ của ta có đứng chứng kiến đàn khỉ vượt Thiên-sơn, người lẫn trong quân Hán, nên biết rất rõ những gì diễn ra.

Công-tôn Thuật hỏi Lê Đạo-Sinh:

– Lê tiên sinh! Tiên sinh có biết tại sao đám anh hùng Lĩnh Nam không lo phục quốc, mà bỏ quê hương viễn chinh đánh Thục giúp Hán?

Lê Đạo-Sinh đáp:

– Có lẽ chúng muốn kiếm mấy chức Thái-thú, Huyện-úy của Quang-Vũ.

Công-tôn Tư lắc đầu:

– Tiên sinh nói sai rồi. Chính Vĩnh-Hoa, Trưng Nhị đều nói giống nhau. Họ là những người hùng tài đại lược, nhất định không muốn làm quan... Trước đó họ tổ chức đại hội Hồ-tây, tuyển người sang tâu cùng Quang-Vũ trả Lĩnh Nam về cho người Việt. Họ muốn làm như xưa kia Vạn-tín hầu Lý Thân đã làm. Những người sang Hán cầu phong đều là những người tài giỏi bậc nhất. Vạn nhất Quang-Vũ muốn thử tài. Họ sẵn sàng đấu với võ lâm Trung-nguyên. Còn nếu Quang-Vũ không cho, họ trở về phất cờ khởi nghĩa. Họ muốn dùng Nhu trước. Họ đang chuẩn bị lên đường thì Quang-Vũ phong cho Nghiêm Sơn làm Bình-nam vương đánh Thục. Cho nên họ muốn lập công lao, hầu dễ nói năng với Quang-Vũ. Đó là điều không may cho Thục mà thôi.

Ngừng lại một lúc y tiếp:

– Lê tiên sinh, trong đại hội Tây-hồ tiên sinh là một trong những người trọng tài. Nếu không có Khất đại phu, Đào Kỳ, Phương-Dung, Phật-Nguyệt thì tiên sinh là đệ nhất cao nhân Lĩnh Nam rồi phải không? Trước kia ai cũng tưởng tiên sinh là đệ nhất cao nhân, là quân tử. Không ngờ Nguyễn Phan bị tiên sinh giam giữ, nhưng vẫn truyền được võ công cho Phật-Nguyệt, Đào Kỳ. Đào Kỳ truyền cho Phương-Dung. Thế là tới hai tay kiếm thuật kinh người có thể thắng tiên sinh. Đào Kỳ tìm được bộ Văn-lang võ học kỳ thư, tức Văn-lang võ kinh, luyện tập đầy đủ, rồi gặp sư huynh của tiên sinh là Khất đại-phu. Hai người trao đổi, phát minh thêm, thành ra võ công họ mới bỏ xa tiên sinh. Trong trận Tây-hồ, tiên sinh bị sư huynh đánh thập tử nhất sinh. Trên đảo Đào-hoa, tiên sinh bị Đào Kỳ đánh suýt bỏ mạng, may nhờ cháu ngoại là tình nhân của Kỳ xin cho, tiên sinh mới thoát chết. Sự tình như thế mà tiên sinh còn dấu diếm làm gì?

Công-tôn Thuật nói:

– Khất đại-phu với Thái sư-phụ ta là Thiên-sơn lão tiên đã hội với bảy sư huynh đệ. Đại phu hứa để anh hùng Lĩnh Nam phản Hán giúp Thục, chia ba thiên hạ. Hoặc giả cũng không giúp Hán nữa.

Y ngừng lại rồi nói với Lê Đạo-Sinh:

– Tiên-sinh tới đây giúp chúng ta. Sau khi chiếm được Trung-nguyên, ta hứa phong cho tiên sinh làm Lĩnh Nam vương. Suốt vùng Lĩnh Nam từ thứ-sử cho đến thái-thú, huyện-lệnh, huyện-úy đều do tiên sinh bổ nhiệm hết. Sau tiên sinh lại mưu việc phế lập, làm loạn trong nhà ta?

Giữa lúc đó thị vệ vào quỳ tâu:

– Muôn tâu, có Tần-vương, Tề-vương, Trường-sa vương và Lũng-tây vương xin vào bệ kiến bệ hạ.

Công-tôn Thuật gật đầu:

– Ta cần những người này giải quyết vụ Thái-tử. Mời ba vị vào đây.

Công-tôn Thuật tỏ vẻ kính phục bốn người này, y đứng dậy đón Công-tôn Thiệu, Điền Sầm, Tạ Phong, Triệu Khuôn cùng Vương Nguyên vào. Năm người định phủ phục xuống lạy, Thuật phất tay một cái. Kình lực hùng mạnh, đẩy năm người dậy.

Y trông thấy Vương Nguyên, chạy lại ôm lấy. Hai người đứng lặng giờ lâu, không nói nên lời. Cả hai nước mắt dàn dụa. Triều thần cũng im lặng. Một lúc lâu Thuật mới nói:

– Lục sư đệ, ta nhớ sư đệ quá. Ta cho tìm sư đệ khắp nơi mà không thấy. Mới đây nghe sư đệ đi theo đạo quân Lĩnh Nam, định mượn tay người Lĩnh Nam giết chết sư huynh để trả thù. Hôm rồi trước mặt Thái sư-phụ, ta hứa sai người đi tìm sư đệ, truyền ngôi cho sư đệ hầu tạ lỗi xưa. Không ngờ hôm nay sư đệ trở về đây.

Y dắt Vương Nguyên ngồi xuống ghế bên cạnh.

Công-tôn Khôi đến trước mặt Vương Nguyên quỳ xuống, rút kiếm đưa cho y nói:

– Sư đệ, ngươi giết ta đi để trả thù cho hiền thê của ngươi. Mấy chục năm nay, ta sống trong tủi nhục, hối hận, còn khổ gấp mười sư đệ.

Vương Nguyên cầm kiếm quăng ra xa, phất tay đẩy Công-tôn Khôi dậy, nói:

– Đệ về đây để bàn về cái thế mất còn của Ích-châu và phái Thiên-sơn. Chứ không phải về để bàn chuyện trả thù riêng.

Vương Nguyên tiếp:

– Đệ ở với đạo Lĩnh Nam mấy tháng nay được biết, anh hùng Lĩnh Nam sang trợ Hán đều là những người trọng nghĩa hiệp. Khi khởi binh từ Giao-chỉ, họ đã không muốn giúp Hán. Nhưng nhờ uy thế của Đào Kỳ, Phương-Dung họ mới chịu theo. Đào Kỳ là sư đệ của Lĩnh-nam vương-phi. Trong trận đấu tiếp xúc với Tam sư huynh ở Xuyên-khẩu. Anh hùng Lĩnh Nam nhận thấy, họ trợ Hán là giúp kẻ ác đánh người đồng đạo. Nghiêm Sơn nhắc nhở họ rằng, dù biết Thục là người hiệp nghĩa, cũng phải đánh để có cái thế đòi lại Lĩnh Nam. Đạo Hán-trung cũng vậy, Phùng Vĩnh-Hoa gặp Thái-tử, thấy ở Thái-tử và tướng sĩ đầy hiệp nghĩa, nên khi đánh được Dương-bình quan, Vĩnh-Hoa mới đem vợ, con, tài sản trả lại cho tướng sĩ.

Công-tôn Thuật gật đầu, công nhận là đúng. Vương Nguyên tiếp:

– Sau Nghiêm Sơn đánh úp Ba-trung, gặp Đức-Hiệp ở đó. Y bày ra kế giả thái-giám Nhật-Thanh, rồi vờ sơ sẩy để Đức-Hiệp và huyện-lệnh vượt ngục hầu có cớ để hại Thái-tử.

Vương Nguyên hướng vào Công-tôn Tư:

– Thái-tử phải ra trận ngay, giữ vùng quan ải, an ủi sĩ tốt. Có hai việc sẽ xảy ra: Sứ giả của nhị sư huynh đi Lĩnh Nam gặp Đặng Thi-Sách đã có kết quả. Đặng Thi-Sách vẫn nhớ lời nhị sư ca. Ông cho mời các chưởng môn nhân Lĩnh Nam đến hội. Họ đồng ý với đề nghị của Đặng Thi-Sách. Vì vậy họ cử hai người có uy tín nhất là Đinh Đại, sư thúc của Đào Kỳ và cũng là sư thúc cũng Lĩnh-nam vương phi với Đặng phu-nhân tức Trưng Trắc sang đây thuyết phục anh hùng Lĩnh-nam theo kế sách của Nhị ca: Chia ba thiên hạ. Tuy vậy Đào Kỳ vẫn cho tiến binh vào Thành-đô. Nội ngày mai quân tới đây. Đại ca ra lệnh cho các nơi tránh giao tranh để bảo vệ chủ lực. Đào Kỳ sẽ hội với anh hùng Lĩnh Nam hai đạo kia rồi mới quyết định. Nếu tất cả đồng ý với giải pháp của Nhị ca. Quân trong tay, họ chỉ trở cờ một ngày trả Ích-châu về cho ta, chiếm lại Hán-trung, Kinh-châu ngay tức khắc. Còn trường hợp không đồng ý, họ cũng sẽ bảo vệ gia quyến chúng ta sang Lĩnh Nam lánh nạn. Tất cả công ơn đó đều do Thiên-sơn lão tiên Thái sư-phụ và tiên ông Khất đại phu mà ra.

Công-tôn Tư chắp tay hướng Vương Nguyên:

– Đa tạ sư thúc dạy bảo.

Vương Nguyên đứng lên hướng Công-tôn Thuật:

– Xin đại sư huynh cho đệ mượn thanh Thượng-phương bảo kiếm.

Công-tôn Thuật rút kiếm đưa cho Vương Nguyên. Vương Nguyên chỉ vào mặt Thừa-tướng Trần Kim:

– Nhà ngươi thân làm Thừa-tướng, mà đi nhận tiền đút lót của Quang-Vũ để hại Thái tử. Bây đâu đem chém đầu làm hiệu lệnh.

Vệ sĩ dạ ran, mang Trần Kim ra ngoài tức thời.

Vương Nguyên chỉ vào Thái giám Nhật-Thanh:

– Ngươi ăn lộc chúa, thấy chúa bị nạn, phải xả thân ra cứu mới phải, thế mà vì sợ Lê Đạo-Sinh, bịa đặt hại chúa. Để ngươi sống làm gì?

Y vung tay, chĩa ngón trỏ điểm vào trán Nhật-Thanh. Phập một tiếng, đầu y thủng lỗ, ngã lăn xuống thềm điện. Nhưng y chưa kịp ngã, Vương Nguyên đá một cái, người y bay bổng ra ngoài cửa sổ, rơi xuống.

Đào Kỳ nghe phía sau có tiếng chân người vụt qua rất nhẹ. Chàng quay lại thấy ba cái bóng vọt qua nóc điện rất nhanh. Khinh công như vậy chàng chưa thấy bao giờ. Chàng biết những bóng này không phải là của vệ sĩ. Vì vệ sĩ không có khinh công đến độ đó.

Chàng buông cửa sổ, chạy sát theo ba cái bóng, thấy họ chạy ra ngoài hoàng thành. Chàng cũng rời hoàng thành chạy theo họ sát nút.

Ba bóng đen vượt qua thành ra ngoài, chàng cũng vượt theo. Vừa đáp xuống, một bóng đen phóng chưởng đánh chàng. Chưởng chưa phát ra, chàng đã thấy ngạt thở. Chưởng này còn mạnh hơn chưởng của Lê Đạo-Sinh nhiều. Kinh hãi, chàng hít hơi vận đủ mười thành công lực, phát chiêu Ác ngưu nan độ trong Phục ngưu thần chưởng nhưng vận âm kình, đỡ vào chưởng kia. Bịch một tiếng sẽ, chàng cảm thấy trời long đất lỡ, mắt nẩy đom đóm, ngực muốn vỡ tung ra, chân tay tê dại, chàng phải lùi lại hai bước, mới đứng vững được.

Chàng nghĩ rất nhanh:

– Tại sao đất Thục cũng có cao thủ đến cỡ này? Chưởng lực của y ngang với Lê Đao-Sinh, Khất đại-phu chứ không phải tầm thường. Dù Lê Đạo-Sinh, khi chàng vận âm kình y cũng bị bại, thế mà người này cũng chỉ lùi có một bước.

Chàng nghĩ vậy vận sức dương cương phát chiêu Hải triều lãng lãng của phái Cửu-chân. Đối thủ cũng vận sức đánh vào giữa chưởng của chàng. Lần này hai chưởng dương cương gặp nhau, binh một tiếng lớn, tuyết bay lên trắng xóa một vùng. Chàng nhận ra chưởng của đối phương là Phục ngưu thần chưởng. Đối thủ đã phát chiêu thứ ba, chàng vận khí phát lớp thứ nhì của Hải triều lãng lãng, lần này hai chưởng gặp nhau, tuyết bay mù mịt, không nhận ra đối thủ đâu nữa.

Chàng hít một hơi, vận chân khí phóng ra lớp thứ ba. Chưởng lực ào ào đổ chụp lên đầu đối phương. Đối phương ra chiêu Lưỡng ngưu quy gia cũng trong Phục ngưu thần chưởng. Bùng một tiếng cả hai lùi lại. Đào Kỳ thấy ngực đau ngâm ngẩm.

Chàng vội đổi, không phát chưởng Cửu-chân nữa, mà phát chiêu Ác ngưu nan độ vận âm kình. Bịch một tiếng, đối phương bật lui trở lại, vì chưởng lực của chàng làm tiêu hết công lực dương cương của đối thủ. Bỗng có tiếng quát thanh thoát:

– Khoan, người nhà cả, đánh lẫn nhau rồi.

Chàng nghe tiếng quát, thấy ấm cả lòng. Chính là tiếng Phương-Dung.

Phương-Dung từ bóng tối nhảy ra. Đào Kỳ ôm lấy nàng bế bổng lên.

Chàng nghe tiếng Khất đại-phu:

– Đào tiểu hữu, chưởng lực ngươi mạnh hơn lão rồi đấy. Người sau hơn người trước là phúc cho đất Lĩnh Nam.

Trong bóng tối còn hiện ra Trần Năng nữa. Phương-Dung vẫy tất cả đến một ngôi nhà vắng.

Nàng thuật cho Đào Kỳ nghe rằng các mặt trận đều tạm ngưng tiến quân. Chờ đạo Lĩnh Nam tiến vào Thành-đô. Trần Năng từ đạo Kinh-châu tới, cho biết đạo này đã tới Phụng-kê. Khất đại-phu, Phương-Dung, Trần Năng thám thính Thành-đô, vừa nhập hoàng cung thì gặp Đào Kỳ. Họ tưởng thị vệ nên bỏ chạy.

Đào Kỳ thuật sơ lược những gì chàng đã nghe thấy ở hoàng cung đất Thục. Chàng chỉ dấu không nói đến vụ Sa-Giang.

Khất đại-phu nói:

– Đào tiểu hữu, ngươi đã nhận được thư của Đào hầu rồi chứ? Đào hầu, Đinh hầu, Trưng Trắc, Thi-Sách là bốn người thủ lĩnh trong việc phục hồi Lĩnh Nam. Họ mời cao nhân Lĩnh Nam tới họp, quyết định phản Hán, bắt tay với Thục, chia ba thiên hạ. Chúng ta sở dĩ giúp Hán, là muốn mang 30 vạn quân Hán ra khỏi Lĩnh Nam. Bây giờ việc đó đã thành. Chúng ta chỉ cần thuyết phục Nghiêm Sơn chịu phản Hán, lên ngôi Hoàng-đế Lĩnh Nam nữa mà thôi. Cho nên đạo Hán-trung, Kinh-châu đều ngưng tiến quân. Vì khi vào Thành-đô, họ sẽ không tuân theo lệnh Nghiêm Sơn. Còn đạo của tiểu hữu cứ tiến vào Thành-đô, nhưng tránh giao tranh.

Phương-Dung nói:

– Điều căn bản là chúng ta phải họp anh hùng Lĩnh Nam cả ba đạo, bàn xem phải hành động như thế nào? Nếu không Ngô Hán, Đặng Vũ, Mã Viện ra tay, chúng ta không có đường về.

Đào Kỳ nghĩ đến Nghiêm Sơn, Thiều-Hoa ngần ngại chưa quyết đoán.

Khất đại-phu nói:

– Đào tiểu hữu, người phải bỏ tình riêng ra mới được. Dù có phải hy sinh Hoàng Thiều-Hoa, Nghiêm Sơn hay cả phái Tản-viên ta mà được Lĩnh Nam, chúng ta cũng làm. Giờ đây việc cầu Quang-Vũ trả Lĩnh Nam thật là khó khăn. Chi bằng, chúng ta sẵn quân ở trong tay, chỉ phất cờ mà được đất Lĩnh Nam, tại sao chúng ta không nắm lấy thời cơ?

Phương-Dung ở bên Nghiêm Sơn đã lâu, nàng hiểu tính Nghiêm Sơn hơn ai hết:

– Nếu chuyện này xảy ra, Nghiêm đại ca sẽ đứng bên ngoài chẳng giúp bên nào cả. Một bên nghĩa huynh Quang-Vũ, một bên biết bao nhiêu bằng hữu Lĩnh Nam.

Khất đại-phu cười:

– Cháu Dung! Ta biết chắc Nghiêm Sơn sẽ ngả theo chúng ta. Cháu quên nguồn gốc Nghiêm Sơn rồi à? Cháu quên những gì Nghiêm Sơn nói với chúng ta trên con thuyền ở Cối-giang, khiến chúng ta phải lạy Nghiêm đó sao?

Trần Năng nhìn sư phụ gật đầu cười:

– Sư phụ nhưng bí mật đó mình có nên nói ra hay không?

Khất đại-phu lắc đầu:

– Khi khởi sự hãy nói!

Sáng hôm sau, các đạo Lĩnh Nam tiến sát Thành-đô. Đào Kỳ truyền án dinh hạ trại. Chàng cấm không cho binh sĩ rời trại, không cho quấy nhiễu dân chúng. Chàng họp tất cả anh hùng Lĩnh Nam, tường thuật những điều tai nghe mắt thấy ở hoàng cung Thục.

Trưng Trắc, Đinh Đại bàn:

– Bây giờ chúng ta cần cử người vào Thành-đô gặp Thiên-sơn thất hùng, rồi mai này chờ các sư huynh đệ các đạo khác tới sẽ họp sau.

Phương-Dung nói:

– Bàn về hành quân, vây địch, thì em dám quyết định. Việc này phải nhờ sư thúc Đinh Đại với sư tỷ Trưng Trắc mới được.

Khất đại phu nói:

– Để ta đi với các cháu.

Trưng Trắc cùng Khất đại-phu, Đinh Đại lên ngựa đến cổng Thành-đô. Tướng giữ cổng đứng trên vọng lâu hỏi xuống:

– Ba vị là ai? Đi đâu?

Khất đại-phu nói:

– Ngươi vào tâu với hoàng thượng rằng có lão ăn mày đất Lĩnh Nam cùng với Đinh Đại, Trưng Trắc, cầu kiến.

Viên tướng vào trong một lúc, cửa thành phát ba tiếng pháo rồi mở rộng. Bên trong một hàng giáp sĩ dàn chào. Công-tôn Thiệu, Vương Nguyên ra cổng đón vào.

Ba người được dẫn đến một ngọn đồi nhỏ. Trên đồi có căn nhà gỗ lớn. Công-tôn Thiệu mời ba người vào trong, đã có đủ mặt Thiên-sơn thất hùng. Công-tôn Thiệu mời ba người an tọa. Y bưng trà mời khách, giới thiệu tất cả các sư đệ.

Cuối cùng y nói:

– Mời Thái sư-phụ ra tiếp khách.

Sau tấm màn gấm, một lão già râu tóc bạc phơ như tuyết, tươi cười bước ra. Khất đại-phu trông thấy mừng quá, đứng dậy nắm tay lão nói:

– Đinh sư điệt, con bé Trưng Trắc, đây người bạn già 60 năm nay của lão. Chúng ta đáng lẽ được hưởng phúc tiên cảnh, không ngờ vì Lĩnh Nam và Ích-châu mà phải lăn mình vào cõi trần.

Thế rồi hai ông nắm tay nhau ngồi bên ấm trà nói chuyện. Bên ngoài tuyết bay trắng xoá bầu trời.

Trưng Trắc đứng lên chắp tay cung kính:

– Kính thưa Thiên-sơn lão tiên, tiện nữ nghe nói, hôm Đinh Công-Thắng, Triệu Anh-Vũ sư bá, cùng Tây-vu lục hầu tướng vượt Kim-sơn được lão tiên khoan hồng đại độ không xuống tay. Vì vậy họ còn sống đến ngày hôm nay. Tiện nữ muôn vàn cảm tạ lão tiên.

Thiên-sơn lão tiên xua tay:

– Cảm tạ cái gì? Có cái gì mà phải cảm tạ? Ta đứng trên đỉnh núi, thấy đám Lĩnh Nam sử dụng bầy khỉ vượt Thiên-sơn. Ta nhìn qua, biết họ là những hào kiệt thời đại, làm những chuyện cổ kim chưa ai dám làm. Hồi đầu ta định bắn sỏi đứt dây, giết hết chúng để bảo vệ đám đồ tử, đồ tôn phái Thiên-sơn. Song ta nghĩ: Anh hùng trên đời có mấy người, giết đi thật uổng. Nên ta chỉ để thơ cảnh cáo mà thôi. Ha! Lĩnh Nam, Ích-châu có nhiều anh hùng mới dám chống Quang-Vũ. Lĩnh Nam giúp Quang-Vũ đánh Thục là tự đánh mình vậy. Hôm nay lão phu ngồi xem Lĩnh Nam lão tiên giải quyết.

Ông rót rượu mời Khất đại-phu uống. Hai ông cụ lại bàn chuyện võ công, võ đạo cứu người.

Công-tôn Thiệu lên tiếng:

– Đặng sư tỷ, lâu nay Đặng sư huynh vẫn mạnh chứ?

Trưng Trắc đáp lễ:

– Đa tạ Công-tôn tam sư huynh, tiện phu vẫn mạnh khỏe. Hôm nay tiểu muội tới đây tạ tội với tam sư huynh về sự thất hứa của tiện phu. Trước đây tiện phu cùng tam sư huynh đấu võ kết bạn, sau đó bàn quốc sự định rằng Thục, Hán, Việt chia ba thiên hạ. Tiện phu vì giữ đúng lời hứa với sư huynh, không cho tiểu muội biết. Vì vậy trong lần đại hội anh hùng Lĩnh Nam trợ Hán. Chính tiểu muội chủ tọa, mà không biết đến kế sách của sư huynh với tiện phu đã định, mới để anh hùng Lĩnh Nam trợ Hán đánh Thục. Sự thể đã ra thế này, chỉ có cách là quên hết mọi chuyện để làm lại từ đầu mà thôi.

Công-tôn Thuật lên tiếng:

– Đặng sư tỷ quá lời, phái Thiên-sơn từ trên, xuống dưới hiện giờ như cá nằm trên thớt. Sống hay chết, còn hay mất chỉ là trông cậy vào anh hùng Lĩnh Nam mà thôi.

Vương Nguyên nói:

– Trước mặt Thái sư phụ cùng với các vị, tôi xin trình bày rằng. Chúng tôi không dám đòi hỏi thi hành lời hứa của Đặng sư huynh với Tam sư huynh tôi, mà chỉ xin so sánh dùm chúng tôi. Một là diệt Thục thì bốn phương phẳng lặng. Quang-Vũ và triều Hán kiêu căng, liệu các vị xin trả lại Lĩnh Nam họ có thuận không? Dù có thuận, nay kiếm cớ này, mai kiếm cớ khác, rồi mang quân sang đánh, liệu các vị có ở yên được không? Trước đây Quang-Vũ theo phò Cảnh-Thủy hoàng đế, rồi y cũng cướp lấy sự nghiệp của ngài. Y cùng với Ngỗi Hiêu vạch đất chia giang sơn, rồi y cũng mang quân cướp mất sự nghiệp. Y cùng đại sư huynh chúng tôi chỉ trời, thề nhau chia thiên hạ. Rồi y cũng đem quân đánh. Huống hồ khi quý vị diệt xong chúng tôi, y đâu cần quý vị nữa, y sẽ trở mặt, quý vị có nhiều nhân tài thật, nhưng muốn chiếm lại Lĩnh Nam cũng tốn biết bao xương máu.

Đinh Đại, Trưng Trắc đồng gật đầu. Vương Nguyên tiếp:

– Còn đường lối thứ nhì, các vị giúp Thục phục hồi, chúng ta cùng khởi binh chiếm lại đất cũ, chia ba thiên hạ. Khi Hán đánh Thục, Lĩnh Nam đánh lên. Khi Hán đánh Lĩnh Nam, Thục đánh vào Lạc-dương, Lĩnh Nam cũng như Thục, dùng đạo nghĩa võ đạo cai trị dân. Chỉ mấy năm, chúng ta thịnh vượng lên. Trong khi Hán, vua thì hôn ám, quan thì tham ô, dân chúng không phục, giặc giã nổi lên. Chúng ta cứ ngồi khoanh tay mà coi có phải sướng hơn không? Chứ nay các vị đòi họ cho phục hồi Lĩnh Nam, dù Quang-Vũ có cho chăng nữa, Lĩnh Nam cũng phải tiến cống xưng thần nhục nhã gì bằng? Quang-Vũ là người ngu đần, văn dốt võ rát. Chúng ta là người văn mô, vũ lược, phải quỳ gối trước hắn ư? Tại sao vua Lĩnh Nam phải tiến cống Quang-Vũ, mà Quang-Vũ không tiến cống vua Lĩnh Nam?

Trong lò sưởi, củi nổ lách tách, Đinh Đại, Trưng Trắc nghe Vương Nguyên trình bày, hiểu rõ đạo lý. Trưng Trắc là người có đởm lược, hùng tâm, trông rộng nhìn xa. Nàng nói:

– Những điều Vương đại hiệp nói, tiểu muội đã nghĩ đến. Có điều đất Lĩnh Nam, anh hùng làm việc phải có ý kiến của nhau. Mai này đại hội, tiểu muội cố gắng trình bày cho họ hiểu. Khổ một điều, hiện các người cầm quyền thuộc loại trẻ, ảnh hưởng của Nghiêm Sơn với họ rất nhiều. Quan trọng nhất là Phương-Dung, Vĩnh-Hoa, Trưng Nhị. Như các vị thấy, hiện nay về tài dùng binh, dù Hán, dù Thục, không ai địch lại ba người này. Bản lĩnh Đào Kỳ tuy kém ba người đôi chút. Nhưng e rằng không kém Công-tôn thái tử, hơn Đặng Vũ, Ngô Hán. Võ công y cao nhất Lĩnh Nam. Phương-Dung tuy giỏi thật, nhất thiết mọi việc quốc sự đều nghe theo chồng. Đào Kỳ lại nghe theo sư tỷ Hoàng Thiều-Hoa. Hoàng Thiều-Hoa là Lĩnh-nam vương phi. Giới trẻ còn lại đều là người thân với chúng cả. Vậy trước khi vào đại hội, Đinh-hầu đây là sư thúc của Đào Kỳ, Thiều-Hoa. Chỉ Đinh-hầu mới có thể bắt Đào Kỳ, Thiều-Hoa theo mình mà thôi.

Nàng chỉ Khất đại-phu:

– Còn Thái sư thúc, thì ngài là chú của Nam-hải nữ hiệp, Tiên-yên nữ hiệp, Thiên-trường đại hiệp, lại là sư thúc của Trưng Nhị, có thể bảo được Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, Lê Chân. Còn Phật-Nguyệt thì có phần hơi khó.

Đinh Đại chỉ vào túi:

– Đặng phu nhân yên tâm. Đám đệ tử Cửu-chân như Thiều-Hoa, Đào Kỳ, Hiển-Hiệu, Phương-Dung. Chúng tài ba đến đâu, võ công siêu việt đến thế nào đi nữa, sư huynh tôi chỉ nói một câu, dù mất mạng chúng cũng vui lòng tuân theo. Gia pháp của Đào sư huynh tôi rất nghiêm. Trước khi khởi hành, Đào sư huynh đã viết thư cho Thiều-Hoa, Đào Kỳ, Phương-Dung, Hiển-Hiệu, bảo chúng tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh tôi. Người dặn tôi tuyệt đối nghe quyết định của Đặng phu nhân. Vậy đám đệ tử Đào-gia không còn là điều khó khăn nữa.

Công-tôn Thiệu hỏi Trưng Trắc:

– Trưng sư muội! Có một điều ta không hiểu là anh hùng Lĩnh-nam tài ba thế, mà khi nghe đến Đặng tiểu đệ, đến Đào-hầu, Đinh-hầu và sư muội họ đều răm rắp nghe theo?

Trưng Trắc đáp:

– Kể về vai vế thì Thái sư thúc Khất đại-phu lớn nhất. Kể đạo đức thì sư bá Nam-hải đứng đầu. Song sở dĩ Đào-hầu, Đinh-hầu với vợ chồng tôi được anh hùng Lĩnh Nam răm rắp nghe theo, vì trọn đời chúng tôi dành cho việc Phản Hán phục Việt.

Thiên-sơn lão tiên nói:

– Cứ theo sự nhận xét của lão, thì Trần sư huynh đây mà mở miệng nói ra, mọi người phải nghe theo. Sư huynh còn quả quyết rằng giải pháp đó đưa ra, Nghiêm Sơn sẽ đứng trung lập không theo Hán, cũng chẳng theo Lĩnh Nam, chắc là sư huynh đã biết một sự bí mật nào đó của Nghiêm Sơn rồi, chứ không sai đâu.

Công-tôn Thuật sai bày tiệc đãi khách. Trưng Trắc thấy Thiên-sơn thất hùng đãi mình trong căn nhà gỗ, nơi thờ phụng tổ tiên phái Thiên-sơn, chứ không đãi trong hoàng-cung, biết họ muốn lấy chữ nghĩa hiệp đãi mình. Nàng cảm động, ngồi ăn nói chuyện, trao đổi về các nhân vật đương thời.

Vương Nguyên ứng đối như nước chảy. Trưng Trắc nghe y bàn, chuyện gì cũng hợp lý. Y xứng đáng là người đã từng làm nguyên soái cho Ngỗi Hiêu, đánh Quang-Vũ bao lần nghiêng ngả. Đến nỗi y phải rạch đất chia thiên hạ cho Ngỗi Hiêu. Chỉ vì Ngỗi Hiêu chết, con y hèn hạ đầu hàng Quang-Vũ, đến nỗi đất Lũng-thượng mất. Thục mất thế ỷ dốc, thành ra cô đơn. Dù cô đơn, Thục cũng đánh Hán nhiều phen nghiêng trời lệch đất, đến nỗi những đại tướng khét tiếng như Sầm Bành, Phùng Dị, Đặng Vũ, Ngô Hán đều bị thua. Quang-Vũ phải gọi đến Nghiêm Sơn để cứu vãn đại cuộc. Nghiêm Sơn cũng chẳng hơn gì bọn họ, mà hoàn toàn ỷ vào đám hào kiệt Lĩnh Nam.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-30)


<