← Hồi 61 | Hồi 63 → |
Văn Nhân Tuấn hỏi:
- Hạnh cô nương có lẽ thừa hiểu cái đạo lý "môi hở răng lạnh, tổ tan trứng nát"?
Hạnh Bội Thi lạnh nhạt:
- Vâng, tôi rất hiểu như thế, nhưng còn có điểm hiền sư đồ vẫn chưa biết nhân đây xin nói rõ luôn; mẫu nữ chúng tôi không phải là người Trung thổ.
Văn Nhân Tuấn ngạc nhiên thật sự, hỏi vội:
- Cô nương bảo sao? Hiền mẫu nữ không phải là người Trung thổ ư?
Hạnh Bội Thi nói:
- Chuyện đã đến thế này thì tôi tưởng cũng không giấu Văn đại hiệp làm chi, nguyên mẫu thân tôi là người Tây Thiên Trúc, tiên phụ là người kinh doanh mua bán và kết hôn cùng gia mẫu, do đó gia mẫu theo tiên phụ sang Trung thổ và trở thành như người Trung thổ.. Đấy, bởi thế, tôi có quyền nghĩ rằng mình chẳng có bổn phận phải băn khoăn về sự an nguy tồn vong của võ lâm Trung Nguyên. Nếu tôi có nhúng tay vào chăng thì ấy là vì chuộng nghĩa, thế thôi, chớ đâu có sự bắt buộc nào...
Văn Nhân Tuấn đành trơ mắt lắng nghe và thở dài:
- Về điều uẩn khúc ấy quả tình tại hạ không ngờ...
Hạnh Bội Thi hỏi:
- Hiện tại Văn đại hiệp đã rõ rồi, chẳng hay còn có cao kiến chi cần chỉ giáo?
Văn Nhân Tuấn lại thở dài hỏi lại:
- Tại hạ chưa hiểu ý Hạnh cô nương muốn sư đồ tại hạ nên làm sao?
Hạnh Bội Thi đáp:
- Tôi muốn đề nghị thế này:
hiện nay lệnh sư đã bắt được Lý Tam Lang, thì cứ giữ đó nhưng xin đối đãi với y cho tử tế chờ đến khi tôi vì võ lâm Trung Nguyên đánh lui bọn người Tây Thiên Trúc rồi thì xin hiền sư đồ phóng thích ngay Lý đại hiệp và cam kết vĩnh viễn không làm khó dễ Lý đại hiệp nữa.
Văn Nhân Tuấn lắc đầu:
- Chuyện đó tại hạ không đủ quyền chủ động, mà xét ra thì điều kiện của Hạnh cô nương nêu ra đòi phóng thích và đừng bao giờ làm khó dễ gã họ Lý nữa thì quả là điều kiện quá cao!
Hạnh Bội Thi sa sầm nét mặt:
- Tôi lại không thấy là cao chút nào hết, tôi lấy lại cả đại sự bảo vệ võ lâm Trung Nguyên để chỉ đổi lấy có mỗi một việc thuộc về cá nhân Lý Tam Lang thì có chi thái quá đâu. Huống chi, nói thẳng mà nghe Lý Tam Lang vốn là người nghĩa hiệp, tuyệt đối không phải hạng đạo tặc, thì càng không có lý gì làm khó y. Nếu bảo rằng y đã phạm cấm gì đó thì trong thiên hạ võ lâm đâu phải chỉ có một mình y phạm cấm, nhứt là nếu y phạm cấm vì điều nghĩa hiệp thì đáng lý phải hoan hô y là khác! Hiền sư đồ đã tự nhận rằng rất hiểu tính cách hiệp nghĩa của Lý Tam Lang, cớ sao cứ phải gây khó dễ y mới vừa dạ?
Văn Nhân Tuấn trầm mặc một hồi, bỗng nói:
- Hạnh cô nương dường như đã coi nhẹ đi một điểm.
Hạnh Bội Thi hỏi:
- Đó là điểm chi?
Văn Nhân Tuấn đáp:
- Đối với Hạnh gia, gia sư cũng có trọng ân.
Hạnh Bội Thi gật đầu, trả lời liền:
- Không sai! Lệnh sư quả có trọng ân với Hạnh gia và mẫu tử chúng tôi nguyện ngàn kiếp không vong ân phụ nghĩa, quyết sẽ có lúc báo đáp, nhứt là sẵn sàng báo đáp trong phạm vi "việc tư" với nhau. Mặc dù lệnh sư và cả đến Văn đại hiệp đều luôn bảo rằng việc giúp đỡ Hạnh gia trả thù chỉ là trách vụ chức nghiệp của lão nhân gia nhưng thực tình thì chúng tôi vẫn coi đó là trọng ân. Trong khi đó, Lý Tam Lang đã trợ giúp Hạnh gia chỉ hoàn toàn không vì công vụ chức nghiệp gì hết, mà là giúp bằng tư cách nghĩa hiệp chân chính, thử hỏi khi cần phải chọn lựa giữa hai trọng ân ấy để báo đáp, tôi đâu thể chẳng coi trọng ân đức của Lý đại hiệp hơn?
Văn Nhân Tuấn gật đầu:
- Hạnh cô nương phân tách hữu lý lắm, nhưng... như tại hạ đã vừa nói, chuyện đó tại hạ không đủ thẩm quyền chủ trương.
Hạnh Bội Thi hỏi:
- Chẳng khó! Hiện tại, người của A Tu La Tây Thiên Trúc đã kéo sang chưa?
Văn Nhân Tuấn đáp:
- Chưa sang.
Hạnh Bội Thi nói:
- Từ Tây Thiên Trúc sang Trung thổ xa vạn dặm, xong khi họ chưa sang, Văn đại hiệp có đủ thời gian để trở về thỉnh thị lệnh sư về điều kiện đã kể, mẫu tử chúng tôi xin sẵn sàng ở đây chờ đợi lời phúc đáp của hiền sư đồ.
Văn Nhân Tuấn nhíu mày, khó chịu, vừa lên tiếng định phân trần nhưng Hạnh Bội Thi đã chận lời, nói dứt khoát:
- Văn đại hiệp chỉ có cách như thế thôi, xin đại hiệp sớm trở về thỉnh thị đi thôi.
Văn Nhân Tuấn giương cao mày, ngưng thần nhìn Hạnh Bội Thi chẳng nói gì.
Hạnh Bội Thi cười lạt:
- Văn đại hiệp, về phần đại hiệp có thể có một cách nữa là động thủ đoạt quyển Thiên Trúc bí kíp, nhưng... đáng tiếc, tôi lại có Thiên Trúc dị thuật hộ thân, đại hiệp không thể đến gần được, nếu không tin, đại hiệp có thử ngay thì biết!
Văn Nhân Tuấn hít vào một hơi chân khí hỏi:
- Hạnh cô nương, cô nương có thật tâm muốn bảo vệ võ lâm Trung Nguyên không?
Hạnh Bội Thi đáp thẳng thắn:
- Đó là một công đạo, đáng làm, cố nhiên tôi rất muốn dự phần. Nhưng kể từ lúc nghe nói Lý Tam Lang đại hiệp bị bắt, thì tôi cảm thấy nếu có phải đi bảo vệ võ lâm thì cũng phải có điều kiện mới được.
Văn Nhân Tuấn nói:
- Xin bội phục trực ngôn của Hạnh cô nương, vậy cô nương đã có điều kiện, tại hạ cũng đề nghị một điều kiện.
Hạnh Bội Thi đón ý ngay:
- Cái đó dễ lắm, nếu tôi không đẩy lui được người A Tu La viện thì hiền sư đồ không cần phóng thích Lý đại hiệp.
Văn Nhân Tuấn gật đầu:
- Hạnh cô nương đã nói trúng ý tại hạ, vậy cô nương có ưng điều kiện ấy không?
Hạnh Bội Thi đáp:
- Xin Văn đại hiệp yên tâm, tôi tuy chỉ là một nữ nhi song cũng có thể nhứt ngôn cửu đỉnh.
Văn Nhân Tuấn nói:
- Hay lắm! Vậy chúng ta cứ theo điều kiện ấy mà làm.
Hạnh Bội Thi hỏi:
- Văn đại hiệp mới bảo rằng không đủ thẩm quyền chủ trương kia mà?
Văn Nhân Tuấn nói:
- Nhưng bây giờ tại hạ đã chính thức đáp ứng như vậy rồi tưởng cô nương cũng không nên...
Hạnh Bội Thi lắc đầu:
- Không ổn! Văn đại hiệp đáp ứng nhưng Lý đại hiệp lại đang ở trong tay lệnh sư, nếu đến chừng đó lệnh sư không đáp ứng thì sao?
Văn Nhân Tuấn đáp:
- Thì tôi còn mặt mũi nào thấy cô nương nữa!
Hạnh Bội Thi lạnh lùng:
- Nói miệng vô bằng, xin các hạ cho mấy chữ làm tin.
Văn Nhân Tuấn giương mày hơi to tiếng:
- Hạnh cô nương đòi hỏi như vậy là thái quá rồi, nên hiểu đây chẳng qua chỉ là điều kiện qua lại...
Hạnh Bội Thi cười mát:
- Văn đại hiệp đừng nóng! Các hạ có quyền khỏi cần đáp ứng đề nghị của tôi bởi vì đúng như đại hiệp vừa bảo, chẳng qua là điều kiện qua lại không ai miễn cưỡng ai cả. Biết đâu chừng, vì một lý do đặc biệt nào đó các hạ có khi lại cảm thấy cần triệt Lý đại hiệp hơn là cứu vận mạng võ lâm Trung Nguyên, cũng nên.
Văn Nhân Tuấn nhíu mày, trầm ngâm nghĩ ngợi một lúc mới nói:
- Hạnh cô nương, hay là như thế này, việc ký giấy làm bằng tưởng cũng không chắc bằng con người bằng xương bằng thịt, hai chúng tôi tự nguyện luôn luôn ở bên cạnh Hạnh cô nương, giả tỷ gia sư không đáp ứng thì Hạnh cô nương cứ bắt chúng tôi làm con tin, làm món hàng trao đổi với Lý đại hiệp, Hạnh cô nương thân mang tuyệt kỹ thì lo gì hai chúng tôi phảnkhácn hay đào tẩu được.
Hạnh Bội Thi hỏi:
- Vừa rồi, Văn đại hiệp đã nổi nóng, bây giờ liệu lời nói ấy có chắc hay không, hay chỉ...?
Văn Nhân Tuấn gượng cười:
- Tại hạ tự biết mình đã thất thố, ấy là do nhứt thời nông nổi, một lần nữa tại hạ xin cô nương miễn chấp.
Hạnh Bội Thi khẽ gật đầu nói:
- Biện pháp Văn đại hiệp vừa định ra ấy có thể thực hiện được đấy. Kể từ bây giờ nhị vị chắc chắn sẽ ở gần tôi chứ?
Văn Nhân Tuấn hỏi:
- Chúng ta không thể ở lại đây mà đợi người của A Tu La viện tới phải không?
Hạnh Bội Thi lại gật đầu:
- Vâng, cố nhiên. Mẫu tử chúng tôi xin sẽ theo nhị vị xuất sơn, đi tìm cách ngăn cản bọn Tây Thiên Trúc. Có điều tôi xin nói ngay, nhị vị nghe rõ cho là từ lâu rồi tôi không còn mang giữ trong mình quyển "Thiên Trúc bí cấp" nữa mà sau khi thuộc làu và luyện xong toàn bộ bí cấp rồi thì tôi đã đốt bỏ cuốn sách, bởi thế nên nhị vị xin chớ nghĩ đến việc thừa cơ đoạt bí kíp, chỉ vô ích mà thôi. Còn như mai hậu nếu vì lẽ gì mà Lý đại hiệp không được phóng thích hay bị hại thì buộc lòng tôi đành phải đóng vai thù nghịch mà tận lực đối phó cùng nhị vị vậy.
Văn Nhân Tuấn mỉm cười nói:
- Hạnh cô nương nói vậy có vẻ coi thường chúng tôi rồi! Xin cô nương hoàn toàn yên tâm không khi nào tuyệt đối không khi nào xảy ra chuyện dáng tiếc đến độ ấy đâu. Đó là chưa kể nếu cần có lẽ gia sư lại trả tự do ngay cho Lý đại hiệp cũng nên, để mời y góp tay vào đại cuộc trừ ngoại nhân. Dù sao thì y cũng là một đại cao thủ tuyệt đỉnh mà bọn Tây Thiên Trúc e dè kính sợ. Tại hạ đã cạn lời như thế, xin Hạnh cô nương cũng nên hoàn toàn yên tâm, để chuyện chú tâm lực trong chuyến đi vì đại cuộc này.
Hạnh Bội Thi tươi cười:
- Xin nhị vị đừng trách tôi ấy chẳng qua là vì tôi cần nói thật, vì vốn có câu "mích lòng trước, được lòng sau".
Văn Nhân Tuấn hồn nhiên tán thành:
- Đúng! Thành khẩn, cương trực với nhau vẫn hay hơn!
Hạnh Bội Thi ngước mắt nhìn trời, nói:
- Hiện tại trời hãy còn sớm, nhị vị tạm ngồi đây nghỉ ngơi chốc lát, tôi xin phép bước vào trong để cùng gia mẫu thu thập hành trang, rồi chúng ta xuất sơn...
Dứt lời, nàng dìu Hạnh mẫu vô gian lều tranh.
← Hồi 61 | Hồi 63 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác