← Hồi 30 | Hồi 32 → |
Lý Tam Lang cũng sực nhận ra điều "bất ổn": tự nãy giờ mãi lo chuyện trò, cứ nắm chặt cườm tay nõn nà của "người ta", bèn kêu khẽ "xin lỗi" và buông ra.
Mỹ Diễm cô nương càng hồng đôi má.
Nàng cúi đầu, quay lưng, cất bước.
Lý Tam Lang liền lặng lẽ nối gót...
Đi được hơn một trượng, Mỹ Diễm cô nương bỗng rẽ vào một huyệt động nhỏ ăn khuyết vào vách bên trái địa đạo.
Tại cửa huyệt động có dĩa đèn dầu toả ánh lù mù chập chờn. Tuy nhiên, mục lực sắc bén của Lý Tam Lang đã nhìn thấy được ngay cảnh trạng tranh tối tranh sáng trong huyệt động.
Giữa huyệt động có một ổ rơm, tại đây ngồi sẵn một lão phu nhân mù lòa, bên cạnh là một đống kim sắc, lấp lánh vàng. Lý Tam Lang lại nhận ra: chính là một bộ y phục.
Lão phụ nhân mù cất tiếng:
- Bội Thi đấy hả? Còn có ai nữa vậy?
Mỹ Diễm cô nương trả lời:
- Vâng, con đây ạ. Có một vị, là khách của chúng ta từ bên ngoài mới đến ạ.
Lão phụ nhân mù kinh ngạc:
- Khách ư? Chúng ta còn có khách nào hở con?
Lý Tam Lang nhẹ nhàng sấn tới một bước nghiêng mình thi lễ:
- Lý Tam Lang xin ra mắt lão nhân gia.
Lão phụ nhân mù chưng hửng:
- Sao? các hạ là Lý Tam Lang Lý đại hiệp đó ư?
Lý Tam Lang khiêm cung:
- Không dám, vãn bối chính là Lý Tam Lang.
Lão phụ nhân mù quay sang Mỹ Diễm cô nương hỏi:
- Bội Thi! Vừa rồi con nói có năm tên tặc đồ nào đó đến làm khó dễ con, mà sao...
Mỹ Diễm cô nương vội ứng đáp:
- Mẹ! Vị này là Lý đại hiệp, còn năm tên tặc đồ kia thì...
Nàng liền thuật tiếp về trường hợp Lý Tam Lang đã đến với thiện chí như thế nào...
Ngồi yên nghe xong, lão phụ nhân mù biến sắc, cất giọng như phẫn nộ:
- Có chuyện như thế ư? Hừ, bọn chúng khinh người thái quá, tàn ác thái quá! Chúng ta nào có oán thù gì với chúng mà chúng cố tâm cố ý hạ độc thủ như thế?
Mỹ Diễm cô nương nói:
- Mẹ ơi! Với bọn tặc đồ ấy chẳng mong gì phân trần phải trái được, chúng chỉ biết ngoan cố, tàn độc mà thôi.
Lão phụ nhân mù trầm ngâm:
- Bội Thi, chúng ta không nên rời bỏ nơi đây, nếu chúng ta không ở lại đây thì...
Chợt nghe một loạt âm thanh khác thường vọng đến.
Lý Tam Lang lên tiếng:
- Cô nương, nên đi cho mau kẻo chẳng kịp! Xin cứ đi cái đã, còn bất luận sự việc gì về sau, tại hạ sẽ vì hiền mẫu nữ nhị vị mà giải quyết đâu ra đấy.
Mỹ Diễm cô nương lộ vẻ khẩn trương gọi:
- Mẹ!...
Lão phụ nhân mù hướng về phía Lý Tam Lang:
- Lý đại hiệp có thể ngăn đuổi bọn chúng, đừng cho đến đây được không?
Lý Tam Lang đáp:
- Việc ấy thì chẳng khó chi, nhưng theo vãn bối nghĩ, làm như thế không mấy đắc sách, không phải là kế trường cửu, vì sau khi bị ngăn đuổi, chúng sẽ huy động thêm đông đảo đồng bạn đến quấy rầy mãi.
Mỹ Diễm cô nương phụ hoạ:
- Mẹ! Lý đại hiệp nói rất phải, chúng ta dẫu tránh voi chẳng xấu mặt, rồi sẽ liệu sau, nên đi là hơn!
Lão phụ nhân mù thở dài, giọng thê lương:
- Nhà họ Hạnh chúng ta chẳng làm nên tội lỗi gì, chỉ lo an phận thủ thường mà cớ sao người ta cứ đem tai hoạ, sóng gió tới hoài! Phụ thân con đã vô cớ bị thảm sát, cả nhà họ Hạnh mấy chục mạng cũng bị giết sạch, chỉ còn sót hai mẹ con chúng ta phải trốn chui trốn nhũi dưới giếng như thế này... nào ngờ...
Lý Tam Lang đột nhiên khẽ nói:
- Lão nhân gia, đừng lên tiếng!
Đồng thời chàng đẩy một chưởng, quạt tắt dĩa đèn dầu rồi lại bảo thật khẽ:
- Cô nương! Có những món gì cần mau tìm thu nhặt cả đi! Và cũng cõng lão nhân gia lên đi!
Mỹ Diễm cô nương lẹ làng làm theo y lời, đoạn hạ thấp giọng:
- Xong rồi!
Lý Tam Lang hỏi:
- Trong bóng tối cô nương nhìn thấy rõ sự vật chứ?
Mỹ Diễm cô nương đáp:
- Có thể thấy được đôi phần.
Lý Tam Lang gật đầu:
- Vậy là hay lắm. Xin cô nương sẵn sàng để cùng tại hạ hành động.
Ngay đó, bỗng một luồng ánh sáng quét qua, kèm theo một giọng nói vọng đến:
- Quái lạ! Ta mới vừa nghe rõ ràng có tiếng người, sao bây giờ chẳng còn nghe gì nữa hết?
Đúng là Lang Tâm Tú Sĩ Kim Bằng!
Lại tiếp theo lời người khác vang lên:
- Hay là Kim lão nghe lầm? Y thị chỉ có một mình mà nói chuyện với ai? Lẽ nào ở đây còn có người khác nữa?
Chính là Hoàng Thanh!
Tiếng nói của họ mỗi lúc một rõ hơn. Ánh đèn lửa cũng mỗi lúc một gần lại dần.
Hoàng Thanh nói:
- Không biết đằng đầu kia địa đạo ăn thông đến đâu nhỉ?
Kim Bằng bỗng hô to:
- Coi kìa!...
Coi cái gì, lão không nói rõ ra. Cũng chẳng nghe tiếng Hoàng Thanh nữa.
Nhưng Lý Tam Lang dư hiểu là Kim Bằng đã phát hiện huyệt động rồi.
Im lặng một khoảnh khắc...
Chợt nghe Hoàng Thanh khai khẩu:
- Không biết huyệt động này sâu hay cạn? E rằng thị không có ở đó?
Kim Bằng nói:
- Cần phải vô đó coi mới được!
Hoàng Thanh hỏi:
- Kim lão vừa rồi có thấy ánh sáng không?
Kim Bằng hỏi lại:
- Hoàng tổng quản ngó thấy chứ gì? Nếu thế thì không phải ánh đèn lửa gì cả, mà chính là kim quang trên thân người của thị đó. Hoàng tổng quản nghĩ xem có đúng thế không?
Hoàng Thanh đáp:
- Ánh sáng vừa rồi dường như là ánh đèn lửa chớ không phải giống như ánh kim quang đã được thấy trên người thị.
Kim Bằng nói:
- Thế thì... sao bây giờ chẳng thấy nữa...
Lão ngưng ngang lời đang nói và thình lình cất cao giọng:
- Cô nương! Bước ra đi thôi! Đừng ẩn nấp nữa! Bọn ta đã thấy cô nương rồi!
Trong huyệt động tối om, không một tiếng khuya động nào hết.
Kim Bằng lại lớn tiếng:
- Nếu cô nương không chịu bước ra, thì chớ trách bọn ta tàn ác đấy!
Vẫn chẳng nghe thấy gì khác lạ ở huyệt động.
Giọng Kim Bằng trở nên lạnh lùng, quyết liệt:
- Hoàng tổng quản! Thế này là chúng ta phải hành động ngay vậy!
Hoàng Thanh đáp:
- Theo tại hạ thì chúng ta cứ đốt lửa ném vào tất thị phải chường mặt ra, quanh đây có khá nhiều nhánh cây và cỏ khô...
Kim Bằng ngắt lời:
- Không cần dùng lửa ném vào, mà có cách này...
Lão dừng một chút, lại tiếp bằng một giọng thật nham hiểm:
- Hoàng tổng quản sao mà chẳng thương hương tiếc ngọc một tí nào! Dùng ngọn lửa, nếu không chạy ra kịp mà bị chết thiêu hay phỏng nặng thì có phải là uổng đi một vị cô nương thiên kiều bá mị không? Hãy nghe theo kế mọn của lão, bây giờ chúng ta cũng dùng đến lửa vậy, nhưng đừng cho cháy thành ngọn, mà chỉ cần khói thôi. Hà hà... cứ xông khói vào là nhất định thị phải xuất đầu lộ diện ngay! Đến Tề Thiên Đại Thánh mà còn sợ khói, huống hi là thị, phải không? Đấy, kế của lão tuy là kế mọn, mà thực hiện cũng chẳng hao tốn bao nhiêu công phu, nhưng kết quả lưỡng toàn, vừa bảo vệ được người ngọc,vừa đạt được cái mà chúng ta cần đạt đến. Thế nào? Hoàng tổng quản có đồng ý không?
Hoàng Thanh cười rộ khen:
- Hay! Ý kiến của Kim lão quả nhiên lợi hại! Đúng chẳng hổ Lang Tâm Tú Sĩ!
Bên trong huyệt động vẫn im phăng phắc.
Bên ngoài Hoàng Thanh lại cao giọng, hỏi:
- Sao? Vẫn không chịu ra hàng ư? Chẳng sợ khói sao?
Kim Bằng cười:
- Đã bảo Tề Thiên Đại Thánh còn sợ khói kia mà! Để lão hỏi lại lần chót xem sao cái đã, rồi sẽ động thủ chẳng muộn... Cô nương! Bộ có cách gì chống nổi khói sao? Cô nương hà tất phải ở lì trong đó làm chi cho khổ? Sớm muộn gì cô nương cũng phải xuất lai, tốt hơn nên qui thuận ngay bây gilờ, cho đẹp đẽ mọi bề!
Hoàng Thanh gợi ý:
- Hay là thế này, nếu cô nương không thích lộ diện thì xin cô nương cứ ném chiếc chìa khoá với bức địa đồ ra cũng được. Xin cam đoan, lấy được hai vật ấy rồi, bọn tại hạ sẽ đi ngay!
Lời Hoàng Thanh vừa dứt liền nghe "bạch" một tiếng, hiển nhiên một chiếc túi bằng da dê bỗng từ bên trong bay ra, rơi ngay trước cửa động.
Hoàng Thanh, Kim Bằng đều sáng mắt mừng rỡ.
Không cần nói, ai cũng hiểu đó là vật gì rồi. Chiếc túi da dê được ném ra đúng với lời đề nghị của Hoàng Thanh, nếu không là hai món ấy thì còn là gì nữa?
Chỉ mong có vậy, Hoàng Thanh lẫn Kim Bằng lao nhanh tới.
Trong lúc vội vàng, Hoàng Thanh đánh rơi bó đuốc trong tay khiến lửa tắt ngấm.
Cũng đúng trong chớp mắt ấy, từ trong động khẩu tối đen như mực bỗng chìa ra một bàn tay. Và trong bóng đen dày đặc, hai ngón tay ấy như có mắt đã điểm veo véo vào các huyệt đạo trước ngực Hoàng Thanh và Kim Bằng.
Vẫn không một tiếng khua động mạnh.
Bóng tối vẫn dày đặc...
*****
Khu rừng cây nằm im trong bóng đêm, lại cũng là bóng đêm dày đặc.
Nhưng ngoài bìa rừng, màn đêm phải loãng nhạt đi mấy phần vì những ánh sao trời.
Từ khu rừng này đến toà trang viện hoang phế kia không xa cách bao nhiêu.
Mỹ Diễm cô nương dìu não phụ nhân mù nhẹ nhàng ngồi xuống thảm cỏ ở bìa rừng, đoạn thỏ thẻ giọng oanh:
- Đa tạ Lý đại hiệp Lão phụ nhân mù cũng lên tiếng ôn nhu:
Ơn đức cứu giúp của Lý đại hiệp thật chẳng biết nói sao cho vừa! Nếu không được Lý đại hiệp ra tay, thì...
Lý Tam Lang cất giọng khiêm tốn:
- Xin lão nhân gia với Hạnh cô nương chớ nên khách sáo. Thật ra nào có đáng chi...
Mỹ Diễm cô nương khẽ kêu "ủa" và hỏi ngay:
- Lý đại hiệp sao lại biết tiểu muội họ Hạnh?
Lý Tam Lang thành thật:
- Hồi nãy, dưới huyệt động, lão nhân gia đã chẳng nói nhà họ Hạnh bị người hãm hại thế nọ thế kia đó ư?
Mỹ Diễm cô nương lại khẽ kêu "à" một tiếng:
- Vâng, tiểu muội họ Hạnh, tên Bội Thi: Bội là ngọc bội, Thi là thi ca...
Lý Tam Lang khen:
- Danh tánh cô nương thật đẹp! So với tên tại hạ thì Bội Thi quả cao minh hơn Thanh Cuồng nhiều!
Lão phụ nhân mù xen vào:
- Ồ! Thì ra quí danh Lý đại hiệp là Thanh Cuồng? hai chữ Thanh Cuồng thật hay!
Lý Tam Lang cười:
- Lão nhân gia quá khen rồi!
Cả ba cùng cười vui vẻ, cởi mở, bầu không khí càng thân mật.
Lý Tam Lang bỗng hỏi:
- Hiền mẫu nữ nhị vị chẳng hay có nơi nào có thể đến để trú ngụ lúc này không?
Hạnh Bội Thi đáp:
- Kể ra thì cũng có, nhưng mẹ con tiểu muội không thể rời xa vùng này được.
Lý Tam Lang lại hỏi:
- Hiền mẫu nữ nhị vị không thể rời xa vùng này? Tại sao vậy?
Hạnh Bội Thi buồn buồn:
- Chẳng dám giấu Lý đại hiệp, toà trang viện hoang phế ấy chính là Hạnh gia, mẹ con tiểu muội sở dĩ ráng ẩn nhẫn ở lại đó là cốt chờ đợi cừu nhân, kẻ đã từng tàn sát mấy chục nhân mạng của Hạnh gia, còn phóng hoả đốt trụi nhà cửa...
Lý Tam Lang gặn hỏi:
- Hiền mẫu nữ nhị vị ở lại đó để đợi cừu nhân? Nói thế... cô nương biết chắc là tòng phạm còn trở lại sao?
Hạnh Bội Thi kể rõ:
- Một năm trước, vào một đêm tối trời, có một bọn hung đồ đã ập đến Hạnh gia, không biết chúng đã nghe ai nói rằng Hạnh gia có một pho tượng rồng vàng trị giá liên thành, nên cô bức bách phụ thân tiểu muội phải đưa ra cho chúng. Gia phụ giải thích thế nào chúng cũng chẳng thèm nghe. Chúng liền hạ sát gia phụ, lại tàn hại luôn cả Hạnh gia, chẳng chừa một ai. Rồi chúng lục soát khắp nhà, nhưng chẳng thấc pho tượng vàng. Chúng nổi giận, vơ vét hết của cải, rồi phóng hoả đốt nhà, đoạn kéo đi mất.
Nàng ngừng lại một chút để nén bi phẫn, đoạn nói tiếp:
- Lúc đó, tiểu muội đã kịp cõng mẫu thân tiểu muội trốn xuống địa đạo ở đáy giếng.
Nhờ thế mà mẹ con tiểu muội còn sống sót đến ngày nay... Tiểu muội không biết lũ hung đồ ấy từ đâu tới, thuộc phe đãng nào... nhưng vì biết chúng cố ý cướp đoạt pho tường vàng nên tiểu muội nghĩ ra một biện pháp dẫn dụ chúng trở lại. Tiểu muội giả làm phong tượng vàng...
Lão phụ nhân mù ngắt lời:
- Bội Thi, thế còn bọn vừa rồi là...
Hạnh Bội Thi thưa:
- Không phải hung cừu mẹ ạ!
Nàng quay sang Lý Tam Lang:
- Dù không biết bọn chúng là ai, nhưng tiểu muội nhìn rõ mặt một kẻ cầm đầu bọn chúng. Cho tới chết tiểu muội vẫn nhớ chắc diện mạo của kẻ hung cừu ấy. Đó là một lão ma đầu lùn thấp, mặt đỏ gay, trông vừa quái dị, vừa gian ác.
Lý Tam Lang lẩm bẩm:
- Lùn thấp, mặt đỏ gay, lão ma đầu...
Hạnh Bội Thi nghiến răng:
- Chính lão! Lão lùn mặt đỏ ấy đã cầm đầu lũ hung đồ!
Lý Tam Lang trầm mặc một hồi nói:
- E rằng vì nóng lòng báo cừa mà cô nương có thể tính sai một điểm.
Hạnh Bội Thi hỏi:
- Chẳng hay Lý đại hiệp muốn nói về điểm nào?
Lý Tam Lang đáp:
- Cô nương tuy có bản lãnh võ công quái dị, nhưng chỉ có thể tạm thời một lúc ngắn ngủi nào đó không đến nổi bị người làm hại, chớ thực ra chưa đủ bản lãnh để tự vệ đúng nghĩa, và càng không thể chế thắng địch được đâu!
Hạnh Bội Thi gật đầu:
- Vâng, điều đó tiểu muội tự biết, nhưng vì quá phẫn hận, chẳng còn nhẫn nại được lâu hơn...
Sực nhớ ra chuyện gì, nàng hơi thoáng lộ vẻ đắn đo, nhưng rồi liền mạnh dạn nói:
- Nhân đây, tiểu muội xin thỉnh giáo Lý đại hiệp một vấn đề rất hệ trọng đối với việc luyện võ của tiểu muội. Loại võ công của tiểu muội luyện tập lâu nay thật là kỳ quái mà tiểu muội nghĩ hoài, chẳng hiểu tại sao. Kể chung thì tất cả chiêu số thì tiểu muội đã luyện thuần thục, nhưng riêng phần khí lực, tiểu muội luyện mãi vẫn không làm thế nào vận công đúng mức được, thành thử uy thế võ công chẳng những không phát huy đến cực độ mà cứ lưng chừng...
Lý Tam Lang gật gù:
- Lời cô nương tại hạ hiểu rồi. Mà như thế quả là điều cực kỳ nguy hiểm cho cô nương.
Nếu tiếng đồn tràn lan ra, rằng cô nương là nữ nhân vật của Hoàng Kim thành thì rồi đây, vô số cao thủ võ lâm sẽ tìm đến quấy nhiễu, thử hỏi cô nương làm sao đối phó nổi. Hoặc giả, nếu gặp cừu nhân thực thụ, liệu cô nương có đương cự hữu hiệu hay không?
Cau mày suy nghĩ chốc lát, Lý Tam Lang hỏi:
- Cô nương luyện loại võ công gì vậy?
Hạnh Bội Thi lấy trong tay áo ra một quyển sách nhỏ, bìa màu vàng, trân trọng đưa qua Lý Tam Lang và đáp:
- Tiểu muội đã tự nghiên cức và chiếu theo sách này mà tập luyện. Theo như bìa sách có ghi thì đây gọi là "Thiên Trúc bí lục" Lý Tam Lang tiếp lấy quyển "Thiên Trúc bí lục" lật sơ xem qua mấy trang rồi hỏi:
- Bí lục này, do đâu mà cô nương có đây?
Hạnh Bội Thi đáp:
- Tiểu muội tìm thấy dưới đáy giếng.
Lý Tam Lang đáp:
- Đây là một võ học bảo điển cực kỳ quí giá, còn quí hơn pho tượng vàng gấp trăm lần.
Từ nay về sau, cô nương nhớ cất giấu thật kỹ, ngàn vạn lần tuyệt đối không nên tiết lộ, kẻo lại mang thêm một đại hoạ do tham vọng của người võ lâm đấy.
Cẩn thận xếp sách lại, Lý Tam Lang trao trả Hạnh Bội Thi vừa bảo:
- Xin cô nương cho tại hạ xem qua kinh mạch...
Thoạt nghe, Hạnh Bội Thi sửng sốt, dè dặt, nhưng rồi nàng ngoan ngoãn chìa cườm tay ra ngay.
Cườm tay ngà ngọc nõn nà!
Lý Tam Lang rất tự nhiên, nâng cườm tay giai nhân, đặt hai ngón tay lên uyển mạch nàng.
Ngưng thần nghe mạch một lúc, Lý Tam Lang mới buông tay nàng ra và nói:
- Tại hạ vừa dùng chân khí để thăm dò tất cả kinh mạch của cô nương muội chắc cô nương cũng nhận biết chứ?
Hạnh Bội Thi vừa e thẹn vừa cảm kích:
- Vâng, tiểu muội biết.
Lý Tam Lang lại hỏi:
- Cô nương có nhận thấy, khi luồng chỉ lực chạy đến huyệt Khí Hải thì bị chận nghẽn lại?
Hạnh Bội Thi lộ rõ nét kính phục:
- Vâng, đúng thế! Nhưng đó là hiện tượng gì?
Lý Tam Lang chậm rãi hỏi thêm:
- Trong vòng vài ba năm trở lại đây, cô nương có bị đau ốm bệnh hoạn gì không?
Hạnh Bội Thi còn nghĩ ngợi, để cố ôn nhớ lại thì lão phụ nhân mù đã ứng tiếng:
- Lý đại hiệp, cách đây hơn ba năm, Bội Thi có bị một cơn trọng bệnh, đã nằm liệt giường gần ba tháng mới khỏi.
- Thế là đúng rồi, mặc dù bệnh đã khỏi, nhưng nội hỏa còn tích tụ ở huyệt Khí Hải, vẫn chưa tiêu trừ được, do đó mà Bội Thi cô nương vướng trở ngại trong việc vận lực, luyện công vì chân khí cứ bị nghẽn tại huyệt Khí Hải, không thuận tiện chuyển lưu khắp kinh mạch được...
Hạnh Bội Thi băn khoăn:
- Như vậy, thì làm sao? Chẳng lẽ tiểu muội vĩnh viễn đành ngậm hờn, không thể trả được mối đại thù thâm hận này sao?
← Hồi 30 | Hồi 32 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác