Vay nóng Tima

Truyện:Song Long Đại Đường - Hồi 714

Song Long Đại Đường
Trọn bộ 800 hồi
Hồi 714: Kiêm Ái Như Nhất
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-800)

Siêu sale Lazada

Dưới ánh ban mai, Từ Tử Lăng đứng trên đầu thuyền, thưởng thức cảnh núi sông đẹp mê người của miền Nam.

Khấu Trọng đến bên cạnh gã, nói: "Hai canh giờ nữa, ta có thể gặp được Trí Trí, câu đầu tiên nên nói như thế nào đây? Chả lẽ nói ta có một phần đại lễ muốn tặng cho muội. Không! Nghe thật quá xa lạ! Cần phải học lối khiêm nhường của Ninh Đạo Kỳ, nói rằng ta đến Lĩnh Nam cốt chỉ mong được Trí Trí tha thứ. Chao ôi! Hình như không giống như tác phong xưa nay của ta. Ồ! Tại sao ngươi không đáp lời? Ta biết rồi! Có phải đang nghĩ đến vấn đề của Sư Phi Huyên và Thạch Thanh Tuyền không? Đây gọi là biết dễ làm khó, ta biết rõ không nên nhớ đến Tú Phương, nhưng lòng ta không kềm được."

Từ Tử Lăng hờ hững: "Mới thức dậy người ta sẽ lạc quan và tích cực hơn. Thế Dân huynh vẫn chưa dậy sao?"

Khấu Trọng cười: "Đừng đánh trống lảng, đầu óc vậy ngươi đang nghĩ đến chuyện gì lạc quan mà lại tích cực?"

Từ Tử Lăng lộ vẻ suy tư: "Ta đang nghĩ đến câu nói cửa miệng của Thạch Chi Hiên, chính là hai chữ nhập vi."

Khấu Trọng ngẩn ra: "Thì ra ngươi đang nghĩ đến vấn đề võ học, xem ra ta trách lầm ngươi rồi. Ta cũng nghe Thạch Chi Hiên từng nói, nhưng nó chẳng qua là chê cười công phu của ta vẫn chưa tới nơi. Ta cũng từng nghe Tống Khuyết nói. Hừ! Nhập vi? Có nghĩa là sao?"

Từ Tử Lăng nhìn về phía gã, hai mắt ánh lên tia nhìn đầy trí tuệ, từ tốn nói: "Có lẽ nói đến cảnh giới huyền diệu lại thêm huyền diệu sau khi đã kết hợp được kho báu ẩn giấu trong nhân thân, chỉ có những cao thủ cấp bậc như Thạch Chi Hiên, Tống Khuyết mới hiểu được cảnh giới này."

Khấu Trọng giật mình: "Nói rất hay, Tống Khuyết thường nói thiên, địa, nhân hợp nhất. Nhân chẳng phải là kho báu của nhân thân sao? Hữu pháp mà vô pháp, đắc đao rồi vong đao, sau khi thiên địa nhân kết hợp, nhân không còn là nhân nữa, như thế mới đạt đến cảnh giới „tỉnh trung nguyệt". Phi hư phi thực, phi chân phi ảo."

Từ Tử Lăng biến sắc nói: "Đao pháp của tên tiểu tử ngươi hình như đã có đột phá, ít nhất cao hơn trước một bậc."

Khấu Trọng nói: "Thực ra đã lâu bọn ta không thảo luận và nghiên cứu võ học, bởi vì chiến tranh khiến bọn ta không còn lòng dạ đó nữa, lúc nào cũng phải nghĩ đến việc tranh đấu nơi thiên quân vạn mã. Nhưng bây giờ tình thế thay đổi, không phải ta tự khoác lác, Ninh Đạo Kỳ và nhạc phụ tương lai của ta đã tỏ ý không màng việc đời, cho nên võ lâm ngày nay chỉ còn lại hai bọn ta và lão Bạt nắm giữ cục diện, những cao thủ phải ứng phó là Thạch Chi Hiên, Tất Huyền, Phó Dịch Lâm, Vũ Văn Thương và Vu Bà. Nếu chưa thể nắm bắt được cảnh giới nhập vi, chắc chắn chỉ có nước bị chịu đòn như trước kia."

Từ Tử Lăng nói: "Trước tiên bọn ta phải vượt qua cửa ải Tống Khuyết, sau đó vứt bỏ mọi thứ để chuyên tâm vào võ đạo."

Khấu Trọng nói đầy tự tin: "Chỉ cần lão nhân gia gặp Lý Thế Dân, chắc chắn có thể tháo nút thắt, Tống Khuyết là người có tuệ nhãn, nếu không đã không xem trọng ta, hà!"

Từ Tử Lăng nhíu mày: "Ta cảm thấy cứ để ta đi gặp ông ấy như thế này, có điều không ổn lắm."

Khấu Trọng nói: "Vậy cả ba người bọn ta đi thẳng đến Ma Đao đường gặp lão nhân gia, tiến hành thật bất ngờ, thế nào?"

Từ Tử Lăng trầm ngâm đáp: "Đây có lẽ là khởi đầu xấu, không thể để Tống Khuyết cảm thấy bọn ta có ý dùng mưu kế với lão nhân gia, mà là lấy sự chân thành của trẻ thơ, mong được lão nhân gia chấp nhận."

Khấu Trọng chép miệng: "Ngươi nói có lý, vậy bọn ta cứ chờ đợi ở ngoài Ma Đao đường để lão nhân gia ban gặp, Lỗ thúc vào thỉnh thị. Bọn ta đành nghe theo số trời, chao ôi, thật khiến ta đau đầu."

Lúc này hai chiếc chiến thuyền của Tống gia đang lướt tới, Tống Lỗ xuất hiện trên chiếc chiến hạm của hai gã, vẫy chào các thủy sư thuyền của Tống gia.

Cuối cùng cũng đến Lĩnh Nam.

Tống Lỗ chờ hai chiếc thuyền đến gần, phóng vọt người lên, hạ xuống sàn thuyền, Khấu Trọng và Từ Tử Lăng chạy tới.

Tống Lỗ lộ vẻ kỳ lạ, nói: "Chúng ta vào sảnh rồi nói."

Lý Thế Dân đứng ngoài cửa khoang, thấy hai gã theo Tống Lỗ vào, cũng cất tiếng chào hỏi rồi vào cùng.

Sau khi ngồi xuống quanh bàn, Tống Lỗ lên tiếng: "Đại ca biết các người đến Lĩnh Nam, hai chiếc thuyền này đã đợi cả ngày rồi."

Khấu Trọng, Từ Tử Lăng, Lý Thế Dân nhìn nhau.

Từ Tử Lăng nói: "Phiệt chủ biết Khấu Trọng đến Lĩnh Nam, chắc cũng biết chuyện của Lý Thế Dân huynh."

Tống Lỗ lấy ra một bức thư, trải lên bàn nói: "Các người xem đi!"

Cả ba người đều nhìn bức thư, trên có viết mấy chữ "Dắt y vào Ma Đao đường." Bảy chữ trông như thư pháp rồng bay phượng múa, nhưng không có thượng khoản, cũng chẳng có hạ khoản.

Khấu Trọng ôm đầu nói: "Không thể được, chả lẽ đã lộ tin tức?"

Lý Thế Dân và Từ Tử Lăng đều biến sắc.

Tống Lỗ nói: "Cũng như Tiểu Trọng nói, điều này không thể có. Vậy đại ca làm sao biết?"

Lý Thế Dân giật mình: "Chả lẽ Phạm trai chủ đã đi trước bọn ta một bước, gặp phiệt chủ rồi?"

Từ Tử Lăng lắc đầu: "Bà ta không hề biết bọn ta sẽ đến Lĩnh Nam."

Tống Lỗ nói: "Ta cũng nghĩ đến điều này, cho nên hỏi họ thì biết dạo này Lĩnh Nam không có khách tới thăm."

Khấu Trọng thở phào: "Dù bà ta có nói hay chưa, như vậy cũng tốt, đỡ tốn công cho bọn ta, bây giờ cả câu chuyện đều nằm trong tay phiệt chủ, bọn ta cùng đến Ma Đao đường nghe lão nhân gia ban dạy!"

Tiếp theo gã muốn nói gì đó nhưng lại thôi, cuối cùng không lên tiếng.

Tống Lỗ mỉm cười: "Ngọc Trí đã đến Bà Dương, đêm nay sẽ trở về."

Khấu Trọng thầm than, đêm nay khi gặp Tống Ngọc Trí, rất có khả năng gã không còn là con rể tương lai của Tống gia.

Nhờ có Tống Lỗ sắp xếp, cả ba người ngồi trong chiếc xe ngựa bít bùng chạy về phía Tống Gia sơn thành, đến trước Ma Đao đường.

Khấu Trọng trở lại chốn cũ, nhớ chuyện mình từng được Tống Khuyết truyền cho đao đạo, trong lòng có cảm giác khác lạ.

Tống Lỗ nói: "Chúng ta vào đi!"

Khấu Trọng thấy ông thần sắc ngưng trọng, trong lòng thầm than, rồi đi trước dẫn đường.

Từ Tử Lăng và Lý Thế Dân đi theo sau gã, cả hai đều kinh hãi trước khí thế hùng vĩ của tòa Ma Đao đường, sinh lòng ngưỡng mộ đối với Tống Khuyết. Cả ba lẳng lặng bước lên bậc đá trước Ma Đao đường, băng qua cửa lớn, đến đại đường.

Tống Khuyết đứng sừng sững trước Ma Đao thạch, ánh mắt sâu đến khó dò dừng ở Khấu Trọng, sau đó chuyển sang Từ Tử Lăng, cuối cùng nhìn Lý Thế Dân chăm chăm.

Ba người vội vàng thi lễ. Tống Khuyết chẳng nói chẳng rằng, chắp tay sau lưng đi thong thả về phía họ, rồi đi ngang qua Lý Thế Dân, dừng lại ở cửa lớn, nhìn ánh tà dương chiếu xuống ở khu vườn phía trước, từ tốn nói: "Chắc là các người lấy làm lạ tại sao Tống mỗ có thể biết trước Tần vương đến đây phải không?", Khấu Trọng gật đầu nói: "Chúng vãn bối suy nghĩ mãi không ra."

Tống Khuyết dịu giọng: "Bởi ta nhận được thư của Phạm Thanh Huệ, đó là bức thư đầu tiên trong bốn mươi năm qua, như vậy các người đã hiểu chưa?"

Khấu Trọng cho đến lúc này vẫn chưa hiểu được ý của Tống Khuyết, lên tiếng: "Nhưng Thanh Huệ trai chủ không biết chúng vãn bối đến Lĩnh Nam gặp phiệt chủ."

Tống Khuyết khẽ thở dài nói: "Thanh Huệ không nhắc chuyện các người sẽ dắt Tần vương đến gặp ta, chỉ nhắc lại chuyện năm xưa, nói về các ngươi chỉ có mấy câu, hy vọng ta có thể hiểu được khổ tâm của hai gã.", nói rồi ngửa đầu lên trời thở dài.

Chợt quay lại, đi ngang qua Từ Tử Lăng, rồi dừng lại phía trước ba người khoảng mười bước, trầm giọng: "Nếu ta không đoán được các người sẽ đến đây gặp ta, Tống Khuyết có còn là Tống Khuyết không? Nói cách khác, nếu Tần vương không chịu đích thân đến gặp Tống mỗ, còn gì để nói nữa?"

Khấu Trọng giật mình: "Vậy là còn có thể thương lượng được!". Tống Khuyết xoay người lại nhanh như cơn gió, ánh thần quang trong mắt đại thịnh, nhìn lướt cả ba người, lạnh lùng nói: "Các người có biết bây giờ các người đang đứng trước mặt ta, chính là thời khắc quyết định cho trận tỷ thí ngầm trong bốn mươi năm qua giữa ta với Thanh Huệ, chỉ cần ta nói một lời từ chối, Thanh Huệ sẽ lập tức thua trận này."

Cả ba đều nổi da gà, dù có trăm ngàn lời muốn nói nhưng cũng chẳng thốt ra được nửa câu.

Ánh mắt của Tống Khuyết dừng lại ở Từ Tử Lăng, rồi nở nụ cười bất ngờ, nói: "Tại sao Tử Lăng cho rằng Tần vương sẽ là hoàng đế tốt?"

Cả ba đều cảm thấy hy vọng, bởi Tống Khuyết ít nhất cũng có hứng thú tìm hiểu Lý Thế Dân.

Từ Tử Lăng biết rằng nếu nói sai một câu, có thể sẽ xảy ra kết quả hoàn toàn không như ý muốn, vội cung kính đáp: "Đã từ lâu trong lòng vãn bối nghĩ rằng Thế Dân huynh sẽ là một hoàng đế tốt, xin hãy nhớ lại hình ảnh thu nhỏ của một triều đình tại Thiên Sách Phủ của Thế Dân huynh, ở đó Thế Dân huynh lúc nào cũng cùng mưu thần tướng sĩ nghiên cứu việc trị quốc, mà bây giờ ai cũng thấy được những chuyện này là thực tiễn."

Tống Khuyết quát: "Đáp rất hay! Là bậc quân vương trước tiên phải có trị đạo rồi mới thực hiện. Tần vương hãy trả lời cho ta biết, ngươi có phương sách trị quốc nào?"

Lý Thế Dân bước lên đón lấy ánh mắt sắc bén có thể xuyên qua gỗ đá của Tống Khuyết, khiêm nhường đáp: "Thế Dân nhìn lại sự hưng suy của ba triều, đưa ra một kết luận, đấng quân chủ cần phải thực hiện việc trị nước một cách sáng suốt, nghe lời can gián, dùng bậc hiền thần, lấy nhân nghĩa làm đầu, như vậy dân mới theo. Thế nhưng Nho giáo Chu Khổng không thể thực hiện trong thời loạn thế; hình pháp của Thương, Hàn phải được dùng trong thời bình. Cho nên Thế Dân cho rằng, muốn đạt đến mục đích thiên hạ đại trị cần phải lấy nhân nghĩa làm gốc, pháp kỷ làm ngọn, nâng lễ đức hạ hình phạt."

Tống Khuyết ngạc nhiên: "Thế ra Tần vương xem trọng nhân chính của Khổng Mạnh, ta thật bất ngờ. Vậy ta lại hỏi thêm một câu nữa, từ xưa bậc đế vương khi dùng võ công bình định Trung thổ Hoa Hạ, nhưng không thể hàng phục được Nhung Địch, Tần vương có ý kiến đặc biệt gì về chuyện này?"

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đưa mắt nhìn nhau, đây là vấn đề mà từ xưa đến nay chẳng ai giải quyết nổi, Lý Thế Dân trả lời làm sao? Nếu trả lời không xong, không chừng cả ba sẽ lập tức bị Tống Khuyết quét ra khỏi Ma Đao đường.

Nào ngờ Lý Thế Dân vẫn ung dung đáp rằng: "Hoa Hạ ta từ xưa đến nay, vua sáng đời nào cũng có, ai cũng là người có thể nghe lời can gián, khoan dung đại độ. Có điều trong việc xử lý ngoại di, đều coi trọng Hoa Hạ mà khinh thường Di Địch, khiến lòng họ oán hận, thà chết vẫn không phục. Thế Dân bất tài, nếu có thể ngồi lên ngai vua, lúc đó không luận Hoa Hạ hay Di Địch, đều thương yêu như nhau. Kẻ không phục thì chinh phạt, sau khi họ đã phục thì coi họ là người một nước, không hề đề phòng, nhưng có thể đặt ra châu phủ, để họ làm Đô Đốc, Thứ Sử, ban cho họ quyền tự trị cao độ. Đó là ngu ý của Thế Dân, mong phiệt chủ chỉ thêm."

Tống Khuyết nhìn Lý Thế Dân không chớp mắt. Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đều kêu khổ, Tống Khuyết xưa nay coi ngoại tộc là kẻ thù, Lý Thế Dân nói vậy chắc chắn trái ngược với những điều ông ta nghĩ. Nhưng cả hai gã đều đồng thời khâm phục Lý Thế Dân, đã từng xông pha nơi Tái ngoại, cả hai hiểu hơn bất cứ ai mối thù hận giữa Hán tộc với các tộc ở Tái ngoại, tất cả đều do đấng quân vương ở Trung thổ xem thường Nhung Địch mà xem trọng Hoa Hạ. Cho nên chính sách kiêm ái của Lý Thế Dân đã nói đúng trọng tâm vấn đề.

Lý Thế Dân cảm thấy không khí khác lạ, cười khổ: "Tuy biết rõ phiệt chủ nghe không lọt tai, nhưng đó mới là ý nghĩ thực sự của Thế Dân, Thế Dân không dám giấu giếm."

Tống Khuyết lẳng lặng xoay người lại, bước đến phía trước Ma Đao thạch, ung dung khẽ nói: "Khấu Trọng hãy nói cho ta biết, vì sao ngươi có gan dắt Tần vương đến gặp Tống Khuyết này."

Khấu Trọng thở dài: "Đầu tiên là vì Tần vương hạ quyết tâm quét bỏ mọi chướng ngại, tạo phúc cho muôn dân, một điều kiện tiên quyết khác là phải được người chấp nhận, nếu không tất cả đều ngừng lại. Ôi! Tình thế bây giờ…"

Tống Khuyết cắt lời: "Đừng nói nhảm, Tống Khuyết này hiểu hơn ai hết tình thế hiện tại, chẳng hề có ý trách ngươi mà càng hiểu rõ hơn Khấu Trọng là loại người thế nào."

Rồi lão xoay người lại, nhìn thẳng vào Lý Thế Dân, nói chầm chậm: "Tần vương có quyết định trừ huynh diệt đệ, buộc cha thoái vị hay không?"

Lý Thế Dân giật mình, gật đầu: "Thế Dân hứa với Thiếu soái, quyết không nuốt lời."

Tống Khuyết cười ha hả: "Tốt! Đối với bất cứ ai đó là quyết định đau khổ, nhưng ngươi không có sự chọn lựa nào khác, thế ngươi làm sao thu thập tàn cuộc?"

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đều ngạc nhiên, bởi hai gã chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề sau khi thu thập Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát.

Lý Thế Dân đáp không hề do dự: "Tất cả lấy ổn định làm mục tiêu cao nhất, trước tiên phải thực hiện chính sách khoan dung, phàm những kẻ theo ta cứ theo tài mà dùng, tuyệt không tính toán có phải là thuộc hạ cũ của Đông cung hay Tề vương hay không, hơn nữa còn truy phong cho hoàng huynh và hoàng đệ, tất cả đều lấy hòa giải làm chủ."

Tống Khuyết thong thả bước đến trước mặt Lý Thế Dân, bình thản nói: "Tần vương đã nghĩ kỹ chưa?"

Lý Thế Dân buồn bã nói: "Cũng như phiệt chủ nói, Thế Dân không có sự chọn lựa nào khác."

Tống Khuyết ngửa mặt nhìn xà nhà, lộ vẻ đau buồn, dịu giọng nói: "Tống mỗ bắt đầu hiểu tại sao Thanh Huệ ủng hộ ngươi."

Khấu Trọng cả mừng nói: "Phiệt chủ đã chịu xem xét đề nghị của chúng vãn bối phải không?"

Tống Khuyết đưa mắt nhìn Khấu Trọng, nói: "Thực ra ta đã lui ra khỏi các cuộc phân tranh trong thiên hạ, tất cả đều do Khấu Trọng ngươi kế thừa, người đưa ra quyết định là ngươi chứ không phải ta, cần gì đến đây hỏi ý kiến Tống Khuyết."

Từ Tử Lăng nói: "Phiệt chủ chưa chấp nhận, Tiểu Trọng quyết không làm bậy."

Tống Khuyết mỉm cười, nhìn Lý Thế Dân chằm chặp: "Sở dĩ Thế Dân có thể lay động được ta cũng bởi thái độ xem Di Địch với người Hán là một, đó là điều Tống mỗ chưa bao giờ nghĩ tới cũng chưa bao giờ làm được. Cho nên ta bắt đầu hiểu tại sao Phạm Thanh Huệ nói tương lai của Trung thổ ta đặt ở sự hòa hợp giữa Hồ và Hán. Ta vẫn không biết cách này có được hay không, nhưng lại biết rõ ý kiến của Thế Dân khác hẳn người xưa; đó là điều hơn hẳn người xưa vậy. Nghĩ sâu xa hơn, cũng vì Thế Dân là người Hán gốc Hồ, hắn không đề cao Hoa Hạ mà khinh khi Di Địch như Tống mỗ này."

Khấu Trọng thấy thái độ của Tống Khuyết rất ôn hòa, mới đáp rằng: "Phiệt chủ từng nói lịch sử do con người sáng tạo ra, vậy tại sao bọn ta không cố gắng sáng tạo ra một thịnh thế thiên hạ thống nhất trường trị lâu dài! Để cho trăm họ trong thiên hạ không luận Nam Bắc đều được sống cuộc sống cuộc đời an lạc?"

Tống Khuyết cười ha hả, xoay người chắp tay sau lưng bước về phía Ma Đao thạch, nói: "Nếu luận về cai trị thiên hạ, chắc chắn Khấu Trọng ngươi chẳng bằng Lý Thế Dân, ta còn nói gì được nữa? Lý Thế Dân ngươi hãy nhớ kỹ đây, muốn lấy thiên hạ không cần nghĩ đến nhân nghĩa, đó chỉ là cái nhân của đàn bà; nhưng cai trị thiên hạ phải lấy nhân nghĩa làm đầu, thi hành đức chính. Không thể ghét kẻ trái ý mình, ghét người ngay thẳng mà phải dùng người hiền. Ngươi nên lấy việc Dương Quảng mất ngôi để răn mình, nước có thể nâng thuyền, cũng có thể làm lật thuyền. Luận về võ công, chẳng ai hơn được Doanh Chính, nhưng rốt cuộc cũng mất nước. Thiên tử giữ được đạo thì được tôn làm chủ, kẻ vô đạo thì bị người bỏ. Cho nên kẻ làm quân vương phải biết lấy chuyện xưa làm tấm gương mà rọi vào, ở chỗ yên lành phải nhớ đến nguy nan, Thế Dân hãy cẩn thận đấy."

Khấu Trọng cả mừng: "Phiệt chủ đồng ý với bọn vãn bối rồi!"

Tống Khuyết xoay người lại, hai mắt chiếu ra thần quang như điện, thong thả nói: "Ta đã cân nhắc sự lợi hại, đành phải đưa ra một thỏa hiệp khác với Dương Kiên. Khấu Trọng ngươi có sức lấy được thiên hạ, nhưng không có chí trị thiên hạ, có Thế Dân thay thế, ta đã yên lòng. Nếu ta lắc đầu nói không, thế trong thiên hạ sẽ trở thành Nam Bắc đối địch, tạo cơ hội cho bọn ngoại di dòm ngó, lửa chiến tranh chẳng biết chừng nào có thể dập tắt. Nói đến cùng vẫn là Thanh Huệ thắng! Nếu chẳng phải vì cuộc chiến với Ninh Đạo Kỳ, có Tống Khuyết này chủ trì đại cuộc, chuyện gì mà không làm được? Thôi đi! Ta cứ giao chuyện thiên hạ cho bọn trẻ các ngươi. Bây giờ các ngươi đã được ta ủng hộ, hãy cứ thẳng tay làm việc mình thích. Nhưng một ngày các ngươi chưa nắm được toàn cuộc, chuyện này phải giữ bí mật. Đi đi! Ta muốn đứng một mình suy nghĩ một số vấn đề."

Cả ba mừng rỡ lạy tạ, lui ra khỏi Ma Đao đường.

Tống Lỗ đang nôn nóng chờ đợi, thấy ba người đều vui vẻ, ngạc nhiên hỏi: "Đại ca đã chịu gật đầu rồi?"

Khấu Trọng gật đầu: "Phiệt chủ hứa ủng hộ chúng ta hết mình."

Tống Lỗ cả mừng: "Lạy tạ trời đất!"

Giọng nói của Tống Khuyết từ nội đường vọng ra: "Khấu Trọng vào đây!"

Khấu Trọng sững ra, xoay người bước vào Ma Đao đường.

Tống Lỗ nhìn theo bóng Khấu Trọng: "Không biết đại ca lại có căn dặn gì?"

Lý Thế Dân nói: "Phiệt chủ nói chuyện này phải giữ bí mật, đừng lộ bất cứ tin tức gì."

Tống Lỗ gật đầu: "Các người nên tránh lên thuyền, đợi Tiểu Trọng gặp Ngọc Trí xong, lập tức rời khỏi đây."

Từ Tử Lăng và Lý Thế Dân đưa mắt nhìn nhau, trong lòng dâng lên cảm giác ngưỡng mộ Tống Khuyết, tuy mới lần đầu biết Thiên Đao, nhưng tầm nhìn xa của cùng với lòng khoan dung của ông ta đã lay động hai người.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-800)


<