Vay nóng Homecredit

Truyện:Võ Lâm U Linh ký - Hồi 03

Võ Lâm U Linh ký
Trọn bộ 14 hồi
Hồi 03: Nam Hồ Xưng Cựu Thị - Tây Khứ Ngộ Cố Nhân
5.00
(3 lượt)


Hồi (1-14)

Siêu sale Shopee

Mười ngày sau, khi Toàn Phong tiêu cục an toàn về đến Thành Thạch gia trang thì cái tin Đường môn đoạt được lông Hỏa Hồ Ly đã loan rộng khắp giang hồ, nhưng không đến được đất Tứ Xuyên. Đệ tử Cái bang đã giúp Dao Quang đổ vạ lên đầu Đường gia. Quần hùng ùn ùn kéo nhau đến Thành đô, rình rập Đường gia trang.

Tiêu xa đi thẳng đến Hoàng gia trang trước sự ngỡ ngàng của bách tính. Phi Long tiêu cục và Bạch Hồ tiêu cục đã về trước một ngày, đóng cửa tạ khách.

Hoàng Nghiêm Quân ra đón khách mặt buồn như đưa đám. Lão thiểu não hỏi:

- Chẳng lẽ Bạch tổng tiêu đầu phải rút lui.

Bạch Dũng Kiệt cười nhạt:

- Hàng hóa đã âm thầm đi đường Đại Vận Hà đến Hàng Châu, đây là chỉ là những gương gỗ rỗng mà thôi.

Hoàng tài chủ mừng như sống lại và vái dài:

- Bạch đại hiệp quả là bậc anh tài đa mưu túc trí, lão phu xin đê đầu bái phục!

Bạch lão mỉm cười:

- Lão phu nào dám sánh với túc hạ! Vì bảy bộ lông Hỏa Hồ Ly ám muội kia mà suýt nữa chẳng còn một ai sống sót trở về!

Hoàng Nghiêm Quân tái mặt vì hổ thẹn, ấm úng nói:

- Lão phu quả là có lỗi, chẳng dám nhiều lời biện bạch, và sẽ có khoảng bồi thường thỏa đáng cho đại hiệp.

Bạch Dũng Kiệt xua tay:

- Không cần! Chắc túc hạ đã nghe tin lão phu đem lông Hỏa Hồ Ly chuộc mạng ái nữ. Vậy là việc ấy đã xong. Năm ngày nữa, vận đơn về đến, lão phu mới nhận tiêu phí. Xin cáo biệt!

Nói xong, Bạch lão quay gót, dẫn thủ hạ trở về tiêu cục.

Giữa tháng hai, đệ tử Cái bang đem hóa đơn thu nhận hàng của đại lý Hàng Châu đến. Quỷ Đao và Thần Bút Lực Sĩ không về mà nhờ chim câu mang dùm.

Tuy thiếu mất bảy bộ lông thú và niêm phong bị gỡ nhưng Hoàng Nghiêm Quân vẫn trả đủ sáu ngàn lượng tiêu phí cho Bạch Dũng Kiệt. Đáng lẽ lão phải đưa gấp bội nếu biết rằng Hoàng tiểu thư đã được Thần Bút và Quỷ Đao giải thoát, hơn tháng sau sẽ về đến.

Uy tín của Toàn Phong tiêu cục càng lẫy lừng hơn trước, nhận được khá nhiều hợp đồng áp tải. Dũng Kiệt không đủ người thực hiện liền mời Phi Long Đao và Bạch Hổ Thương hợp tác với mình. Họ nhận lời vì đã quen nghề, chẳng muốn chuyển sang sinh ý khác. Vả lại, Toàn Phong Kiếm đã không nói việc họ bỏ của chạy lấy người nên thanh danh vẫn còn.

Việc Dao Quang bịt mặt đoạt lông Hỏa Hồ Ly được giữ bí mật tuyệt đối, vì nếu tiết lộ ra sẽ mang đại họa đến cho Toàn Phong tiêu cục. Ngay đến công tử Bạch Tuấn Dương cũng không biết. Gã chỉ biết anh trai mình võ công tuyệt thế, đả bại cả cao thủ lão thành là Thần Bút Lực Sĩ.

Tuấn Dương sinh lòng khiếp sợ, không dám chơi bời nữa. Mươi hôm, gã nhận ra tên mặt đen đến tìm Dao Quang là một trong những kẻ đánh đập mình ở kỹ viện, hiểu ngay cớ sự và sinh lòng oán hận đại ca.

Vả lại, thái độ của Bạch Dũng Kiệt càng khiến Tuấn Dương tức tối. Bạch Dũng Kiệt thường cùng Dao Quang đối ẩm tương đắc. Ông tỏ vẻ hãnh diện về đứa con anh hùng kiệt xuất và dường như quên đi rằng trong nhà còn có nhị công tử Tuấn Dương. Cả Bạch Ngọc Thiền cũng luôn quấn quít Dao Quang và lánh xa nhị ca. Nỗi ghen ghét đố kỵ nung nấu tâm can Tuấn Dương và thảm kịch đã xảy ra.

Dao Quang tuy thông minh tuyệt thế nhưng cũng không đoán ra tâm sự của em trai. Chàng vui mừng vì thấy gã đã tu tĩnh, ngoan ngoãn và kính cẩn với mình. Hơn nữa, chàng luôn phải cảnh giác với ánh mắt thiết tha của Túy Tây Thi nên lòng bối rối, thường tránh mặt vào thư phòng của Toàn Phong Kiếm.

Sáng ngày hai mươi sáu tháng hai, cả tiêu cục náo loạn vì phát hiện cửa vào phòng quỹ ngầm trong đại sảnh mở toang.

Khi Toàn Phong Kiếm và mọi người xuống xem thì phát hiện thủ quỹ Tiêu Xuân nằm trên vũng máu, và số vàng hai vạn lượng bằng ngân phiếu đã biến mất.

Tiêu Lan Anh bật khóc nức nở vì Tiêu Xuân là biểu ca của nàng. Bạch lão nổi cơn thịnh nộ, triệu tập nhân thủ toàn trang lại. Ông biết rằng người ngoài không thể vào ra dễ dàng như vậy, và cũng không thể biết vị trí của mật thất Toàn Phong Kiếm phát hiện thiếu Tuấn Dương liền hỏi:

- Nhị công tử đâu?

Gã tiêu sư gác cổng đáp:

- Bẩm lão gia! Công tử rời trang lúc cuối canh tư.

Bạch lão tái mặt, người run lẩy bẩy. Ông nghiến răng nói:

- Anh nhi hãy trở về phòng xem lại tư trang.

Túy Tây Thi gạt nước mắt rảo bước. Lát sau nàng trở lại, khóc lóc:

- Bẩm lão gia! Tất cả số nữ trang mà đại ca ban tặng, cùng mấy trăm lượng vàng mà hài nhi dành dụm được đã bị mất sạch rồi!

Thế là đã rõ. Bạch Dũng Kiệt đâu đớn gầm lên:

- Tuấn Dương! Lão phu sẽ giết mi!

Dứt lời, uất khí công tâm, ông lảo đảo ngã vật xuống.

Dao Quang nhanh tay đỡ lấy phụ thân, nghiêm giọng bảo mọi người:

- Vì thanh danh tiêu cục, mong mọi người giữ kín chuyện này. Phàn đại thúc cứ bảo với nha môn rằng kẻ gian đột nhập cướp của giết người.

Các tiêu sư đều là người thân tín trong trung thành nên nhất tề hứa sẽ khẩu thủ như bình.

Mấy ngày sau, nhờ tài y thuật của Dao Quang nên Toàn Phong Kiếm đã bình phục. Nhưng vì quá đau lòng, bao nhiêu hùng tâm trắng khí tiêu tan cả. Ông rầu rĩ nói:

- Làm nghề bảo tiêu mà để đạo tặc vào nhà thì còn ai dám giao hàng cho áp tải nữa? Lão phu sẽ bỏ nghề, đi tìm tên khốn khiếp Tuấn Dương.

Dao Quang vội an ủi:

- Hài nhi đã cho Thập Điện Diêm La tìm nhị đệ. Còn việc bỏ nghề thì cũng chẳng sao. Hài nhi sẽ đưa phụ thân về Giang Tây phụng dưỡng.

Toàn Phong Kiếm thở dài:

- Không ngờ lão phu mới năm mươi bốn tuổi đã phải buông kiếm quy ẩn.

Dao Quang mỉm cười:

- Phụ thân chớ lo! Không bao lâu nữa Bách Biến Ma Quân sẽ dương cờ tiến vào Trung Nguyên, lúc phụ thân tha thồ bạt kiếm giáng ma.

Viễn cảnh hào hùng này khiến Dũng Kiệt phấn khởi, cười ha hả:

- Thế cũng hay! Ta sẽ giúp con tiêu diệt tà ma, dương danh giòng họ Hiên Viên. Từ nay, lão phu trở lại là Hiên Viên Dũng Kiệt.

Sau khi bàn bạc với trưởng tử, Bạch lão cho họp toàn tiêu cục, tuyên bố ý định dời cư. Ông tặng hết tài sải Toàn Phong tiêu cục cho Tỏa Vân Đao Phàn Cao Cương và các tiêu sư. Họ sẽ đồng sở hữu, chia phần với nhau.

Tuy quyến luyến, nhưng mọi người rất vui mừng, hết lời cảm tạ Bạch lão. Chợt Túy Tây Thi vén áo quỳ xuống, sụt sùi thưa:

- Bẩm lão gia! Nay Tuấn Dương nhẫn tâm hạ sát biểu huynh của tức nữ, xem như đoạn nghĩa phu thê. Mong lão gia giải trừ hôn ước để hài nhi trở về nhà.

Bạch lão rất thương mến người con dâu xinh đẹp và hiền thục này, không muốn nàng phải phí tuổi xuân vì thằng con khốn khiếp của mình, nên nghiêm giọng:

- Lão phu chấp thuận, mai sẽ nhờ quan nha ra cáo thị. Con cứ yên tâm làm lại cuộc đời. Lão phu sẽ tặng Anh nhi ba ngàn lượng vàng để làm vốn.

Túy Tây Thi vái tạ, đứng lên. Bạch Ngọc Thiền òa khóc, ôm lấy chị dâu mà nức nở:

- Nhị tẩu nỡ bỏ tiểu muội thật sao? Từ hôn thì cứ từ hôn, nhưng xin đại tẩu ở lại Bạch gia bầu bạn với tiểu muội.

Tiêu Lan Anh gạt lệ đáp:

- Ngu tỷ chẳng muốn xa hiền muội. Để ta về do ý mẫu thân, nếu bà chịu về Giang Tây dưỡng già thì chúng ta sẽ là hàng xóm.

Ngọc Thiền hoan hỉ nói:

- Nhị tẩu tính rất phải! Khí hậu miền Nam ấm áp, rất tốt cho sức khỏe của người già!

Đầu tháng ba, mọi thủ tục bàn giao tiêu cục và từ hôn đã xong xuôi. Bạch Dũng Kiệt và Ngọc Thiền khăn gói đi theo Dao Quang và Tà Kiếm. Họ mang theo di cốt của Bạch phu nhân và bốn tiểu tỳ thân tín nhất.

Cảnh vật mùa xuân dọc đường làm nguôi ngoại lòng người lữ thứ. Họ cố tránh không nhắc đến Tuấn Dương, chỉ bàn chuyện cục diện giang hồ hiện tại và tương lai.

Toàn Phong Kiếm vốn mang bản chất anh hùng hiệp sĩ, võ nghệ cao cường, vì sinh kế mà chỉ làm một Tổng tiêu đầu tầm thường. Nay việc áo cơm đã chẳng phải lo, ông quyết hiến thân cho chính khí võ lâm, thỏa chí trượng phu!

Là cha, Bạch Dũng Kiệt từ lâu đã hiểu rõ cốt cách tiểu nhân của con trai thứ, lòng rất phiền muộn. Nay gặp lại đứa con thất lạc, phát hiện Dao Quang giống mình như đúc, lòng già vô cùng hào hứng.

Giữa tháng tư, đoàn người vượt Trường Giang, vào đất Giang Tây. Dao Quang đưa cha và em gái về nhà mình ở phía Đông thành Nam Xương cạnh hồ Bà Dương.

Dũng Kiệt nghe mắt cay cay khi thất đại môn của tòa trang viện đồ sộ kia có treo bảng gỗ sơn son, đề bốn chữ "Hiên Viên gia trang" thiếp vàng chói lọi. Ông cười vàng, phấn khởi nói:

- Lão phu đã trở về nhà mình rồi!

Người trong trang ùa ra đón, có cả Quỷ Đao, Thần Bút Lực Sĩ, và mười anh em họ Diêm. Ngoài ra còn có mặt mấy thủ lãnh hắc đạo miền Nam chứng tỏ họ đã sớm nhận được tin, đến đây chúc mừng Dũng Kiệt.

Toàn Phong Kiếm đã gặp vài người trong đoàn áp tải nhân sâm nên vui vẻ đáp lễ. Tuy biết họ là cường đạo nhưng trước thái độ kính cẩn chân thành kia. Toàn Phong Kiếm cũng vô cùng khoan khoái!

Ông không hổ thẹn vì biết Dao Quang chẳng hề hưởng một xu nào trong số của cải ăn cướp. Chàng nhờ sự chỉ bảo của Lư Sơn Tiên Ông mà đã tìm ra một mỏ vàng rất lớn ở cạnh bờ sông Lâm. Đối với quan lại và bách tính ở tỉnh Giang Tây thì Hiên Viên công tử là một nhà đại phú, chủ nhân của mỏ vàng Kim sơn!

Dao Quang nổi tiếng đại thiện nhân vì thường xuyên tế chẩn bần dân, giúp đỡ người túng quẫn. Chưa ai đến Hiên Viên gia trang nhờ vả mà ra về với tay không!

Nhưng ít ai biết mặt Hiên Viên công tử vì mọi việc giao dịch đều do Tổng quản gia trang Từ Giang Hán. Họ Từ tuổi sáu ba, mập mạp đầu bóng hói, mặt mũi phúc hậu tươi tỉnh. Thế mà lão lại là sát tinh của đất Quảng Châu, từng nổi danh Sưu Mệnh Thần.

Họ Từ giỏi kiếm pháp nhưng thường giết người bằng tuyệt kỹ Tụ Tuy Đao. Trong ống tay áo bên tả rộng thùng thình kia có chứa bảy mũi tiểu đao ngắn hơn gang, chưa đối thủ nào thoát chết dưới thủ pháp phóng ám khí tuyệt kỹ này trừ Dao Quang, chàng đã ngăn chặn đủ ba mũi đao chĩa kiếm vào yết hầu của Sưu Mệnh Thần mà không giết. Từ Giang Hán phục sát đất xin theo phò Hiên Viên công tử!

Dao Quang lấy lễ đối xử với Sưu Mệnh Thần, một lòng tôn trọng gọi bằng Từ đại thúc, xưng tại hạ. Do vậy, giờ đây Sưu Mệnh Thần ngang vai với Toàn Phong Kiếm. Ông gọi Dũng Kiệt là lão Trang chủ và xưng lão phu. Họ Từ hơn Dũng Kiệt đến sáu tuổi!

Tác giả phải vài dòng giới thiệu Sưu Mệnh Thần đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đời của Dao Quang. Từ lão đa mưu túc trí, xảo quyệt có thừa nhưng tuyệt đối trung thành với Hiên Viên công tử. Tài trí của lão thật xứng đáng là Phụng Sơ sau này giúp đỡ Dao Quang rất nhiều.

Trở lại với Toàn Phong Kiếm, chúng ta sẽ thấy ông hoan hỉ thế nào khi được Từ Giang Hán kính cẩn đưa đi khắp các cơ ngơi trong Hiên Viên gia trang tọa lạc trên mảnh đất rộng đến hơn trăm mẫu, mặt quay về hướng Nam, lưng kề vào mặt nước hồ Bà Dương.

Chung quanh trang là rừng cây cao vút và râm mát. Gọi là rừng nhưng có đủ loại cây ăn quả phương nam mùa nào có trái ấy. Điều này khiến cho Bạch Ngọc Thiền thích chí.

Đoạn bờ hồ phía sau trang được xây kè bằng đá hộc để giữ đất và cũng là bến thuyền đón anh em hắc đạo. Họ luôn đến Hiên Viên trang bằng cửa sau.

Ở vị trí này người ta có thể bày tiệc rượu để hứng gió lộng, ngắm ngọn Đại Cô sơn sừng sững và hồ nước mênh mông.

Đến giờ khai yến, hai nữ tỳ trong trang cung kính mời lão Trang chủ và Tổng quản vào. Hiên Viên Dũng Kiệt hơi thấy làm lạ khi bọn nô tỳ đều lớn tuổi và thô kệch. Từ Giang Hán hiểu ý cười bảo:

- Ba mươi thị nữ của trang đều là vợ con của anh em hắc đạo Giang Tây. Họ quen đao kiếm nên vụng về trong việc phục dịch, mong lão Trang chủ lượng thứ!

Dũng Kiệt cười ha hà:

- Té ra là chị em nữ tặc! Nơi đây quả xứng danh long đàm hổ huyệt!

Hai người vào đến khách sảnh chưa thấy ai dám ngồi cả. Dũng Kiệt biết là họ đợi mình liền cười sang sảng:

- Mời chư vị an tọa, cùng cha con lão phu uống vài chén rượu tương phùng.

Mọi người vui vẻ tuân lệnh. Dũng Kiệt ngồi vào chủ vị, Dao Quang và Ngọc Thiền ngồi hai bên.

Anh em lục lâm liên tiếp nâng chén mừng lão Trang chủ và tiểu thư, không khí cực kỳ náo nhiệt.

Dũng Kiệt hào sảng cạn chén còn Ngọc Thiền chỉ nhấp môi. Men rượu làm hồng đôi má giai nhân khiến nàng càng bội phần diễm lệ. Nàng nhận ra sự ngưỡng mộ trong ánh mắt bọn thủ hạ của Dao Quang, lòng vô cùng sung sướng. Cánh mũi phập phồng nhưng cố giữ vẻ nghiêm trang.

Thần Bút Lực Sĩ Hạ Nguyên cười ha hả nói với Dũng Kiệt:

- Hiên Viên lão đệ! Tiểu nha đầu Ngọc Thiền xinh đẹp thế kia tất sẽ làm náo động đất Nam Xương này. Lúc ấy lão đệ tha hồ mà kén rể đông sàng.

Dũng Kiệt mỉm cười đắc ý nhưng lại bảo rằng:

- Tiếc là Thiền nhi đã có hôn ước nên lão phu đành phải bỏ qua cơ hội kén rể!

Dao Quang giật mình vì chàng không hề biết việc này. Phải chăng thân phụ chàng nói vậy để dập tắt lửa tình trong lòng vài gã cường đạo trẻ tuổi chưa vợ? Nhưng khi nhìn vẻ thẹn thùng và nụ cười sung sướng trên môi Ngọc Thiền, Dao Quang biết cha mình nói thực.

Cuối giờ mùi tiệc tan, khách lục tục cáo từ, trong trang chỉ còn lại những người đáng tin cậy nhất, họ quây quần quanh kỷ trà bàn bạc. Hiên Viên Dũng Kiệt nghiêm giọng hỏi anh em họ Diêm:

- Các ngươi không bắt được gã cẩu tặc Tuấn Dương sao?

Diêm Đại ấm úng đáp:

- Bẩm lão gia! Bọn thuộc hạ theo đến bến đò sông Hoàng Hà thì mất dấu nhị công tử.

Dũng Kiệt quắc mắt cười nhạt:

- Từ nay lão phu cấm các ngươi gọi hắn là Nhị công tử nữa, và khi tìm được phải giết ngay!

Giọng ông vô cùng cương quyết khắc nghiệt khiến chẳng ai dám mở lời can gián.

Từ tổng quản hắng giọng:

- Việc truy sát Tuấn Dương sẽ tính sau vì trước mắt chúng ta còn có nhiều sự cấp bách. Lão phu xin được phép trình bày để lão Trang chủ chỉ giáo.

Dũng Kiệt thầm hài lòng vì được tôn trọng hơn Dao Quang. Giờ đây trong Hiên Viên gia trang ông là người cao nhất, lãnh đạo giới lục lâm mấy phủ miền Nam. Trong buổi đại yến Dao Quang đã chính thức tôn vinh thân phụ và nhận vị trí số hai trong Hắc Yến hội. Do đó Dũng Kiệt phải xem trọng việc công hơn việc tư, ông gật đầu đáp:

- Từ tổng quản cứ nói!

Sưu Mệnh Thần liền kể:

- Bẩm lão Trang chủ! Mỏ vàng của chúng ta ở chân núi Kim sơn đã bị đóng cửa vì có người kiện cáo rằng đấy là đất tổ tiên họ. Lão Tần bá hộ này đưa ra những văn tự cũ kỹ nét chữ bị nhòe rất đáng ngờ. Nhưng quan huyện Kim sơn dựa vào đấy mà đòi chúng ta phải hối lộ hai ngàn lượng vàng mới chịu xử cho thắng kiện.

Hiên Viên Dũng Kiệt vuốt râu tư lự một chút rồi đáp:

- Từ lão cứ cho tên cẩu quan nộp hai ngàn lượng vàng. Chờ khi án đã xử xong, cho người giết hắn và lão Tần bá hộ kia để đoạt lại số vàng.

Cách xử lý quyết liệt, thông minh của ông khiến cho mọi người lạnh gáy và thán phục. Thần Bút Lực Sĩ thở dài:

- Té ra Toàn Phong Kiếm quả có tài Minh chủ hùng tâm vạn trượng chứ chẳng phải gã là Tổng tiêu đầu bình thường!

Dũng Kiệt cười mát:

- Sao Hạ lão ca không nói thẳng là tiểu đệ vốn mang bản chất đạo tặc.

Mọi người phì cười rồi lắng nghe Từ lão báo cáo tiếp:

- Bẩm Trang chủ! Ba năm qua chúng ta đã âm thầm trợ cấp cho hai trăm nho sĩ nghèo hiếu học ở bốn phủ Giang Tây, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, chi phí hàng tháng lên tới ngàn lượng bạc. Nay bọn sĩ tử giới thiệu thêm bạn bè, tổng cộng gần bốn trăm người. Lão phu không dám quyết định, đành phải xin ý kiến Trang chủ!

Dũng Kiệt chính sắc đáp:

- Đây là việc làm có lợi ích cho xã tắc chúng ta phải cố sức mà làm. Còn nói về đại kế lâu dài thì sau này những người tài năng trong đám ấy sẽ đỗ đạt, làm quan và trở thành vây cánh của Hiên Viên gia trang. Nếu ngân quỹ bổn trang có thiếu hụt, lão phu sẽ bù vào bằng quỹ riêng của mình.

Từ Giang Hán nghe xong vui vẻ nói:

- Thuộc hạ xin tuân mệnh!

Dao Quang phấn khởi vì thấy phụ thân đã đủ tài trí nhận lãnh cương vị long đầu giới hắc đạo phương nam. Chàng yên tâm ra đi thực hiện di mệnh của ân sư Lư Sơn Tiên Ông.

Sưu Mệnh Thần đã sớm báo cho chàng rõ tình hình của Đường gia Tứ Xuyên, nơi có Bách Biến Ma Quân ẩn thân. Hiện nay hào kiệt bốn phương đã tụ tập về ở Thành đô, họ gồm nhiều phe nhóm, bang hội, thiếu sự đồng tâm nhất trí nên những cuộc tập kích riêng lẻ không làm cho Đường gia trang nao núng. Có điều lạ là Bách Biến Ma Quân không hề ra mặt và Đường môn cũng không hề lên tiếng phủ nhận!

Tối hôm ấy, Dao Quang bàn bạc với Dũng Kiệt. Ông không ngăn cản mà chỉ dặn dò:

- Con phải bảo trọng vì giòng họ Hiên Viên bây giờ chỉ còn có mình ngươi đấy!

Nhưng ba hôm sau Dao Quang vẫn chưa thể khởi hành đi Tứ Xuyên vì trinh sát ở Kim sơn báo về rằng trong tư dinh của lão tri huyện họ Lâm kia xuất hiện một vài cao thủ lạ mặt. Chàng lo ngại Quỷ Đao và Tà Kiếm gặp khó khăn nên quyết định đích thân ra tay.

Lão cẩu quan đã nhận đủ số vàng và xử cho Hiên Viên công tử thắng kiện. Nhưng có lẽ giờ đây lão phong phanh biết được Dao Quang có quan hệ với giới hắc đạo cho nên mới mời cao thủ đến hộ mạng.

Đêm tám tháng tư. Dao Quang và hai thủ hạ thân tín đột nhập vào nhà riêng của Lâm tri huyện. Cơ ngơi đồ sộ này nằm cách huyện đường hơn dặm và không hề treo bảng. Trên giấy tờ thì tòa gia trang này được đứng tên bởi một gã em họ của Tri huyện phu nhân.

Anh em lục lâm bản địa đã xác định rõ trong dịch có hai chục lính hầu cận và bốn khách mời.

Bọn Dao Quang vượt tường, lướt qua vườn hoa, nhảy lên nóc nhà ngay phía Bắc. Cả ba đều là đại cao thủ nên bước chân êm ái như mèo.

Dao Quang vừa đi vừa vận công nghe ngóng, phát hiện phòng dưới có tiếng người trò chuyện. Chàng ra hiệu và cùng nhau nằm rạp người xuống mái ngói.

Trời đã cuối canh ba không ngờ vẫn có người còn thức mà đối ẩm. Ai đó cười ha hả nói rằng:

- Công lao đóng góp hai ngàn lượng vàng của Lâm tri huyện sẽ được Giáo chủ ghi nhận. Sau này giang sơn trở lại trong tay con cháu Tống Thái Tổ thì túc hạ chẳng sợ mất phần phú quý.

Họ Lâm cất giọng bợ đỡ:

- Đây chẳng qua là mượn hoa hiến Phật, đệ tử nào có công cán gì! Thần mưu này vốn là của tứ vị hộ pháp mà!

Dao Quang giật mình hiểu ra rằng bốn lão kia là hộ pháp của một giáo phái bí mật, đang tìm cách chiêu binh mãi mã mà tạo phản, dùng danh hiệu con cháu họ Triệu để đoạt cơ đồ đại Minh. Và vụ kiện cáo mỏ vàng Kim sơn là do bọn hộ pháp này bày ra. Họ hiện diện ở đây là để trục lợi chứ không phải là do Lâm tri huyện e ngại Hiên Viên gia trang. Giọng thứ ba cất lên:

- Tuy triều Minh đã rất suy yếu nhưng chúng ta cũng chẳng thể khởi nghĩa ngay được. Do đó trong giai đoạn đầu, bổn giáo vẫn phải giữ kín mục đích phò Tống, chỉ dương cờ Thiên Cơ giáo quy tụ anh hùng dần dần gom cả võ lâm vào một mối. Khi đã nắm được mấy vạn hào kiệt Trung Nguyên thì lo gì không chiếm được Bắc Kinh.

Lâm tri huyện cười hì hì:

- Đệ tử mong mỏi ngày ấy như ruộng hạn mong mưa. Đệ tử xin cáo lui để tứ vị hộ pháp nghỉ ngơi, mai sớm còn lên đường trở lại Tứ Xuyên!

Dao Quang chấn động đoán rằng bốn lão già kia là thủ hạ của Bách Biến Ma Quân. Lư Sơn Tiên Ông đã từng bảo là sau này Vệ Chuyển Luân sẽ khuynh đảo thiên hạ, tắm máu võ lâm. Chỉ có kẻ tạo phản mới dám gây nên hậu quả lớn như vậy!

Dao Quang truyền âm dặn dò hai thủ hạ rồi cùng Tà Kiếm nhảy xuống vườn hoa nép bên cửa sổ phía sau phòng của bốn gã hộ pháp Thiên Cơ giáo. Còn Quỷ Đao lần ra mép ngói phía trước, chờ cho Lâm tri huyện rời khỏi phòng.

Lão cẩu quan họ Lâm không hề biết tử thần đang rình rập thản nhiên nện gót trên hành lang hí hửng nghĩ đến thân hình nõn nà của ả tỳ thiếp trẻ trung. Lão đi được vài trượng thì bất ngờ trên ngói có một bóng đen lộn người xuống, bàn tay tả bịt chặt miệng lão và tay hữu cấm phập mũi tiêu đao vào tim. Họ Lâm chết mà không hề gây ra tiếng động nào và cũng chẳng biết chết vì sao!

Quỷ Đao nhẹ nhàng đặt nạn nhân xuống sàn gạch rút loan đao. Gã lăn nhanh về phía cửa phòng bọn hộ pháp.

Gọi là phòng thì không đúng lắm vì nơi này rất rộng, có cả chỗ tiếp khách phía trước. Sau bức vách gỗ trạm trổ công phu kia mới là dãy giường ngủ nằm song song.

Cửa không cài then vì bọn hộ pháp kiêu ngạo, chẳng thèm tiễn chân Lâm tri huyện. Nhờ vậy Quỷ Đao vào rất dễ dàng, nép sau cánh cửa gỗ quan sát.

Gã mừng rỡ nhận ra bốn gã già kia đang thay áo chuẩn bị đi ngủ. Đêm mùa hạ oi bức ai cũng phải mặc áo mỏng mới ngủ được.

Không bỏ lỡ cơ hội, Quỷ Đao nhảy xổ vào. Mục tiêu của gã là hai lão đang đứng gần nhau và quay lưng ra ngoài.

Bọn hộ pháp đều trên sáu mươi, công lực thâm hậu, phản ứng nhanh nhẹn nghe tiếng gió rít liền tràn người né tránh. Kiếm của họ đều đặt ở đầu giường nên chẳng thể nào lấy kịp.

Ngoài kia Dao Quang cũng đã lao vút qua cửa sổ không chấn song tấn công hai lão còn lại. Chàng ra tay cùng một lúc với Quỷ Đao chẳng hề chậm hơn.

Hai đối tượng của Dao Quang đứng xa nhau nên chàng chỉ có thể bủa kiếm vào một người, nhưng tay tả Dao Quang đã đẩy nhẹ một mảnh thép đen sì hình chim én và lập tức cắm sâu vào yết hầu của nạn nhân, cắt đứt thực quản lẫn khí quản chặn đứng tiếng rên la.

Lão thứ hai tuyệt vọng múa quyền chống đỡ, bị bảo kiếm chặt đứt hai tay và thủ cấp cũng rời khỏi cổ.

Quỷ Đao không có được bản lãnh cao siêu như Dao Quang nên chỉ chém bay đầu một lão và đâm thủng lưng hai lão còn lại. May mà Tà Kiếm ở bên ngoài đã kịp búng một mũi Hắc Thiết Yến bịt miệng nạn nhân.

Dao Quang đã dạy cho hai cận vệ của mình thủ pháp phóng chim én, nhưng do thiên bẩm Tà Kiếm tiến bộ hơn Quỷ Đao.

Tóm lại bốn gã hộ pháp Thiên Cơ Giáo chết rất êm thấm chẳng hề kinh động đến ai cả. Bọn Dao Quang nhanh tay lục soát những bọc hành lý tìm thấy ngân phiếu hai ngàn lạng vàng và bốn tấm ngân bài.

Dao Quang suy nghĩ rồi bảo:

- Mạc Sương! Ngươi ra ngoài mang thi thể lão tri huyện vào đây. Nhớ lau sạch vũng máu ngoài hành lang.

Mạc Sương gật đầu đi ngay. Do gã không rút tiểu đao ra nên máu không chảy nhiều. Họ Mạc cởi áo choàng đen lau thật sạch nền gạch rồi vác xác Lâm tri huyện vào phòng.

Trong lúc ấy Tà Kiếm đã đi thăm tủ đựng vàng của Lâm tri huyện. Giang hồ chỉ biết Tà Kiếm là hung thần tàn nhẫn chứ không ai biết gã có tài đạo chích thượng thừa.

Chỉ nửa giờ sau Tà Kiếm Hoắc Thái đã trở lại với một bọc nặng.

Lúc này Dao Quang và Quỷ Đao đã chuyển hết bốn cái xác của bọn hộ pháp ra ngoài giao cho anh em hắc đạo Kim sơn thủ tiêu. Chàng đã cố tình để rơi lại một mảnh ngân bài có ba chữ Thiên Cơ giáo.

Sáng mai bọn công sai đến điều tra sẽ kết luận rằng bốn gã già lạ mặt kia giết người cướp của rồi bỏ trốn là người của Thiên Cơ giáo.

*****

Chiều hôm sau, bọn Dao Quang về đến Hiên Viên gia trang. Chàng vào thẳng thư phòng với gương mặt đầy vẻ lo âu. Lát sau, cả nhà tụ họp trên bàn tiệc, nghe Dao Quang thuật lại việc tập kích dinh tri huyện Kim sơn. Nghe xong, Ngọc Thiền vui vẻ bảo:

- Chúng ta đã thành công mỹ mãn, cớ sao đại ca lại rầu rĩ như vậy?

Dao Quang thở dài:

- Hiền muội không biết đấy thôi! Ta bày kế giá họa cho Bách Biến Ma Quân và Đường môn, khiến quần hùng kéo đến quấy nhiễu họ. Nhưng nếu Ma quân thu phục được gần ngàn cao thủ ấy thì hậu quả khó lường! Đấy là lý do vì sao Đường môn không hề cải chính, phủ nhận việc đánh cướp lông Hỏa Hồ Ly!

Hiên Viên Dũng Kiệt đã nghe Dao Quang tán dương tài trí của Sưu Mệnh Thần Từ Bang Hán nên quay sang hỏi:

- Từ tổng quản có cao kiến gì không?

Họ Từ dặng hắng đáp:

- Theo thiển ý của lão phu thì chúng ta chỉ còn cách mang bộ y phục may bằng lông Hỏa Hồ Ly đến Thành đô, tùy cơ ứng biến! Nếu công tử đủ sức dẫn quần hào triệt phá Đường môn thì thôi. Bằng không, công tử phải để lộ bảo vật, dụ cho mọi người rời khỏi đất Tứ Xuyên.

Thần Bút Lực Sĩ hăm hở tán thành:

- Từ lão đệ quả là cao kiến, lão phu sẽ cùng Dao Quang đi ngay!

Hiên Viên Dũng Kiệt bổ sung thêm:

- Đường xa hơn ngàn dặm, dù kiên trì ngày đêm cũng phải mất không dưới nửa tháng. Chỉ sợ lúc Quang nhi đến Thành đô thì quần hào đã rơi vào kế của Bách Biến Ma Quân. Do vậy, lão phu đề nghị nhờ chim câu Cái bang đưa tin đi trước. Phân đà Cái bang ở Thành đô sẽ ngấm ngầm tiết lộ sự có mặt của Bách Biến Ma Quân trong Đường gia trang và cả âm mưu thành lập Thiên Cơ giáo, khống chế võ lâm để tạo phản. Dù quần hùng không tin hẳn nhưng đương nhiên là sẽ phải cảnh giác hơn.

Cả nhà khen phải, nâng chén uống cạn để tiễn bọn Dao Quang lên đường.

Dao Quang ân hận vì đã vô tình nối giáo cho giặc nên chỉ ăn lưng chén đã cáo thoái, vào thành tìm Phân đà chủ Cái bang Nam Xương. Chàng trở lại nhà vào lúc xẩm tối, chuyện trò cùng thân phụ một hồi rồi mới về phòng riêng.

Ngọc Thiền đã chờ sẵn với bộ y phục kỳ lạ màu hung đỏ. Nàng đã cắt bấy bộ da Hỏa Hồ Ly theo kích thước cơ thể đại ca. Thấy chàng vào, Ngọc Thiền nũng nịu bảo:

- Tiểu muội mất đến bốn ngày, vừa khâu xong mũi cuối cùng, đại ca thử mặc xem sao?

Hai gấu ống quần được Ngọc Thiền may ôm kín bàn chân, tựa như đôi tất, còn tay áo thì cũng tận cùng bằng năm ngón bao kín bàn tay, mũ lông phủ cổ áo, dư ra một dải khi quấn quanh mặt thì chỉ hở đôi mắt mà thôi!

Ngọc Thiền đắc ý nói:

- Giờ đây dù cho đại ca có rơi vào biển lửa cũng chẳng thể chết được!

Dao Quang cười bảo:

- Hiền muội quả là có tài may vá. Gã nào lấy được ngươi là do phúc đức bảy mươi đời để lại. À, mà em rể của ta là ai vậy? Sao trước giờ không nghe phụ thân và tam muội nhắc đến?

Ngọc Thiền cười khúc khích:

- Tiểu muội cũng chẳng biết phụ thân gả mình cho ai nữa? Sao đại ca không hỏi cha?

Nàng nói lảng sang chuyện khác:

- Tiểu muội về phòng đây, đại ca lên đường, bảo trọng!

Bất ngờ Ngọc Thiền nhón chân lên hôn vào má Dao Quang rồi bỏ chạy. Chàng không áy náy gì, vì đã quá quen với những cử chỉ thân mật ấy, chàng chỉ nghĩ rằng em mình chú tâm luyện võ nên hơi kém phần lễ giáo.

Dao Quang cởi hết y phục, chỉ còn chừa lại quần ngắn, ngồi tọa công theo tư thế bán già. Chàng đã luyện sang lớp thứ bảy của pho Chí Nguyên tâm pháp, công lực tăng tiến từng ngày, không thể bỏ qua việc tĩnh tọa.

Giữa canh ba, Dao Quang xả công, nằm xuống giường cố dỗ giấc ngủ. Trong trạng thái mơ màng, hình bóng Túy Tây Thi Tiêu Lan Anh bỗng hiện ra với tất cả vẻ đẹp tân kỳ, ảo não. Nàng nhìn chàng bằng cặp mắt nồng nàn và bước đến hôn lên má. Dao Quang kinh hãi giật mình ngồi bật dậy, hổ thẹn nhận ra rằng lòng đã phát sinh tà ý với em dâu. Chàng suy nghĩ miên man, tự trấn an rằng Túy Tây Thi đã từ hôn và ở rất xa.

Dao Quang là kẻ phóng khoáng, hiểu rõ bản chất con người nên không tự dằn vặt mình làm gì. Tiêu Lan Anh quá xinh đẹp, khiến lòng quân tử phải lao đao. Nhan sắc mỹ nhân vốn là duyên cớ của rất nhiều thảm kịch, và tội loạn luân đã có tự ngàn xưa.

Tìm được giải pháp, Dao Quang nghe lòng thanh thản, chìm vào giấc ngủ mặc cho hình bóng ai cứ vấn vương.

Cuối canh tư, Tà Kiếm vào phòng đánh thức Dao Quang dậy. Cả nhà đã có mặt bên bàn điểm tâm và uống chén tống hành.

Vài khắc sau, bốn con tuấn mã lao vun vút về hướng Tây. Tháp tùng Dao Quang là Thần Bút Lực Sĩ, Tả Kiếm và Quỷ Đao. Họ sẽ đi đường bộ, vượt hơn ngàn dặm, đến cửa sông Manh đổ vào Trường Giang, rồi mới lên thuyền vượt dòng Manh giang tới Thành đô.

Trưa ngày hai mươi bốn tháng tư, bọn Dao Quang đến thành Nhạc Dương ở phía bắc Động Đình hồ. Họ vào thẳng Bắc Hồ đại tửu lâu vì nơi đây là bản doanh của giới hắc đạo Hồ Nam.

Chủ nhân của tửu lâu là Hoàng Phong Châm Lộ Trung Tường. Con ong vàng này tuy không phải họ Đường, nhưng lại có tài phóng kim độc bách phát bách trúng. Bề ngoài, lão già ngũ tuần không râu này hoàn toàn giống một thương gia hiền lành, cởi mở. Nhưng hôm nay, Lộ Trung Tường đón khách với gương mặt tái xanh vì mất máu, và cánh tay trái quấn đầy băng. Dao Quang cau mày hỏi:

- Ai đả thương ngươi?

Họ Lộ gượng cười:

- Mời công tử và tam vị thượng lâu rồi thuộc hạ sẽ lên cáo tường!

Lão đưa bốn người lên lầu ba cao chót vót và lồng lộng gió nam. Từ nơi này có thể nhìn thấy tòa kiến trúc Nhạc Dương lâu ở mé Tây thành. Nhạc Dương lâu là một trong những thắng cảnh đất Hồ Nam, xây dựng thời nhà Đường, được rất nhiều bậc văn nhân nho sĩ ghé thăm, làm thơ tán tụng. Đại thi hào Đỗ Phủ có bài đăng Nhạc Dương lâu rất thống thiết, lưu mãi muôn đời.

Tầng chót của Bắc Hồ đại tửu lâu là nơi ăn ở của Hoàng Phong Châm, và có cả vài phòng danh cho bằng hữu. Bọn Dao Quang được tỳ nữ đưa vào trong rửa ráy, cởi bỏ bộ y phục đầy bụi đường. Khi họ trở ra thì bàn tiệc thịnh soạn đã chuẩn bị xong.

Lộ Trung Tường kính cẩn mời khách an tọa. Về vai vế trong hội, họ Lộ còn thấp hơn Quỷ Đao và Tà Kiếm.

Dao Quang nghiêm trọng:

- Hạ lão bá đây là Thần Bút Lực Sĩ đất Thiểm Tây! Họ Hạ đã bỏ đôi bút sắt lừng danh vào túi lụa nên Hoàng Phong Châm chẳng thể nhận ra.

Nghe giới thiệu, họ Lộ giật mình, vòng tay thi lễ:

- Vãn bối Lộ Trung Tường bái kiến Hạ tiền bối!

Thần Bút cười khà khà:

- Chớ nên khách sáo! Lão phu cũng là người nhà cả. Tốt nhất là ngươi nên nói rõ sự tình, nếu không thì bọn ta uống rượu chẳng ngon.

Quỷ Đao Mạc Sương cũng góp lời mai mỉa:

- Chẳng phải lão mò vào phòng ở khuê nữ nào nên mới bị đánh què tay?

Hoàng Phong Châm ngượng ngùng bối rối:

- Mạc lão đệ có cái miệng thật là độc địa! Lão phu ta nào phải là kẻ háo sắc. Có điều đó là mối nhục của lão phu nên khó nói ra.

Dao Quang lạnh lùng bảo:

- Không làm điều gì bại hoại thì hà tất phải xấu hổ.

Lộ Trung Tường sợ hãi, thở dài kể lể:

- Bẩm công tử. Năm ngày trước thuộc hạ may mắn mua được một con thần mã. Và đêm kia có người đến đây đả thương thuộc hạ, cướp đi mất rồi.

Dao Quang hỏi lại:

- Thế ngươi có biết lai lịch kẻ ấy hay không?

Hoàng Phong Châm ấp úng:

- Bẩm có! Người ấy là một nữ lang tuổi hơn hai mươi, họ Phó, hiện vẫn còn làm khách ở Kiếm trang của Nhạc Di Kính!

Trang chủ Kiếm trang có danh hiệu Động Đình kiếm khách vốn là chỗ quen biết với Dao Quang, nên chàng rất ngạc nhiên khi thấy lão dung túng cho ả họ Phó nào đấy làm điều càn quấy!

Dao Quang mỉm cười:

- Té ra là thế! Ăn uống xong ta sẽ đến Kiếm trang xem sao!

Tà Kiếm nói kháy Hoàng Phong Châm:

- Ngựa quý giá ngàn vàng mà lão dám mua để dạo quanh thành, phong thái này khiến ta phải bái phục!

Họ Lộ biến sắc cải chính:

- Hoắc lão đệ nói oan cho ta rồi! Con thiên lý mã kia chính là món quà mà anh em Hồ Nam định dâng tặng cho công tử! Lão phu nào đủ phúc phận để cỡi con ngựa trị giá một ngàn hai trăm lượng vàng ấy!

Dao Quang mỉm cười:

- Lộ lão yên tâm! Xem ra ta đã nhận rồi đấy!

Mọi người vui vẻ ăn nhậu, cuối giờ mùi mới tan tiệc.

Dao Quang một mình đi đến Kiếm trang dò la sự tình. Cơ ngơi của Động Đình kiếm khách nằm ở cửa nam thành Nhạc Dương, quay mặt vào hồ Động Đình. Nhạc Di Kính tuổi đã bảy mươi ba, chọn chỗ xinh đẹp này mà dưỡng già.

Nhạc lão là người khoáng đạt, kiếm thuật cao siêu nhưng lại sính văn thơ, thường lên lầu Nhạc Dương ngắm cảnh Động Đình hồ mà ngâm vịnh. Chính ở nơi ấy, họ Nhạc đã gặp Dao Quang, mến vì tài thi phú, mời về nhà thù tạc. Lão không hề phát hiện ra việc Dao Quang biết võ công, chỉ xem chàng như một khách tao nhân trong hàng ngũ bọn trọc phú.

Nhạc Di Kính đương nhiên là không rõ mối quan hệ giữa Hoàng Phong Châm với Dao Quang. Có lẽ vì vậy mà lão để cho nữ lang họ Phó ngang nhiên đoạt ngựa của Lộ Trung Tường.

Hai năm trước, Dao Quang từng làm khách ở Kiếm trang cả tháng nên bọn gia đinh gác cửa vẫn còn nhớ mặt. Họ cung kính mời vào khách sảnh. Lát sau, Động Đình kiếm khách ra đến, hoan hỉ cười khanh khách:

- May mà công tử đến kịp, nếu không thì lão phu đến chết vì nhung nhớ!

Họ là bạn văn chương nên không xưng hô theo tuổi tác, tuy rằng con cái Di Kính đều lớn hơn Dao Quang. Dao Quang mỉm cười đáp lễ:

- Tại hạ bận rộn việc mưu sinh nên chẳng thể đến vấn an Trang chủ!

Nhạc lão phấn khởi nói:

- Lần này công tử phải ở đây với lão phu vài tháng, cùng nhau xướng họa cho thỏa chí! Công tử hiện trọ ở đâu, để lão phu cho người đến lấy hành lý?

Dao Quang tủm tỉm đáp:

- Tại hạ sở hữu Bắc Hồ đại tửu lâu nên nghỉ chân ở đấy!

Nhạc lão sững sờ:

- Ủa! Lão phu tưởng đó là cơ nghiệp của gã Hoàng Phong Châm?

Dao Quang gật gù:

- Lộ Trung Tường chỉ là người quản lý mà thôi!

Di Kính nhăn nhó, vò đầu bút tóc:

- Chết thực! Lão phu không biết nên để con nha đầu Ngọc Đường đến đấy cướp ngựa. Giờ đây còn mặt mũi nào mà nhìn bạn văn chương nữa!

Dao Quang trấn an:

- Con ngựa ấy vốn là của tại hạ, không thể sánh với mối thâm giao giữa chúng ta. Mong Trang chủ xem như chẳng có gì xảy ra. Nhưng xin hỏi vị cô nương họ Phó kia là ai vậy?

Di Kính mời khách ngồi. Lão rót trà rồi kể lể:

- Lão phu vốn xuất thân từ Thiên Sư giáo ở trong Long Hổ sơn, tuy không mặc đạo bào nhưng tính chất vẫn là một đạo sĩ. Phó Ngọc Đường chính là ái nữ của đương kim Giáo chủ Phó Kỳ Nhâm. Nàng ta mất mẹ từ thuở ấu thơ, thiếu người giáo dưỡng nên tính tình ngang ngạnh, hiếu thắng chẳng biết sợ là gì. Ngay Giáo chủ đại sư huynh của lão phu cũng phải bó tay trước cô con gái bướng bỉnh. Sáu ngày trước, Ngọc Đường đến Kiếm trang tá túc, thưởng ngoạn Động Đình hồ. Đường nhi tình cờ gặp Hoàng Phong Châm cưỡi thần mã ở Vân Cái Tuyết liền sinh lòng ham thích, nửa đêm bịt mặt đến cướp đoạt. Khi lão phu biết thì việc đã lỡ, dù khuyên bảo thế nào nó cũng không trả lại.

Kể xong, ông cao giọng gọi:

- Đường nhi! Mau ra đây!

Nhạc lão vận công nên tiếng nói vang đến tận khu hậu viện. Lát sau một nữ lang mặc võ phục màu lục nhạt tất tả lên đến. Nàng vui vẻ nói:

- Có Đường nhi ứng hầu!

Dao Quang giật mình nhận ra người quen. Chàng mỉm cười nhớ đến một kỷ niệm vui hồi đầu thu năm ngoái.

Ngày ấy, Dao Quang truy lùng một gã dâm tặc võ nghệ cao siêu, có danh là Thiên Hoa Điệp Tào Kế Chi. Con bướm ngàn hoa này trước đây nhởn nhơ ở những phủ phía bắc Trường Giang, hãm hại hàng trăm thiếu nữ mà không hề bị bắt. Họ Tào thay đổi khẩu vị, tìm về phương Nam hái hoa. Gã liên tiếp bắt cóc ba lương nữ trong phủ Giang Tây, làm chấn động lòng người.

Dao Quang liền huy động thủ hạ, điều tra và đích thân tìm đến chỗ ẩn náu của Thiên Hoa Điệp. Chàng được tin Tào Kế Chi giấu mình ở hồ Thanh Thủy, cách thành Cát sơn bốn dặm, liền đến đấy phục kích.

Hồ Thanh Thủy nằm sâu trong khu rừng già, đường kính ước độ hơn dặm, giữa có đảo nhỏ đầy cây cối rậm rạp. Dao Quang lên đảo xem xét, phát hiện y phục và nữ trang trong căn nhà gỗ nhỏ, nhưng không gặp tên dâm tặc. Chàng rời đảo, phục kích ở bờ hồ, quyết không để đối phương nhảy xuống nước đào tẩu.

Dao Quang tìm được chỗ họ Tào giấu thuyền con liền mang theo lương khô, nước uống trèo lên cây cổ thụ gần đấy.

Tối hôm ấy, Dao Quang mừng rỡ nghe tiếng nhạc ngựa khua, tưởng Thiên Hoa Điệp về đến, nào ngờ kỵ sĩ kia lại là một thiếu nữ mặc võ phục xanh rất xinh đẹp. Trăng thu soi sáng cảnh vật, trăng vàng lung linh trên mặt hồ Thanh Thủy khiến nữ lang hoan hỉ mỉm cười tán thưởng.

Dao Quang chưa kịp lên tiếng cảnh báo nàng rời xa địa điểm thì người đẹp đã nhanh nhẩu thoát y, nhảy ùm xuống nước, gột rửa bụi đường. Chàng chán nản, thầm van vái cho gã Thiên Hoa Điệp không về sào huyệt hôm nay.

Dao Quang chẳng dám lộ mặt, và cũng không thể bỏ đi vì sợ nữ nhân bị hại dưới tay dâm tặc. Nữ lang vẫy vùng một hồi lâu, chậm rãi bơi vào bờ. Đến chỗ nước sâu quá rốn liền dừng lại. Tin rằng chung quanh hoàn toàn vắng vẻ, nàng cởi cả yếm đào ra giặt. Đôi gò bồng đảo thanh tân và tấm thân trên ngà ngọc, mịn màng lồ lộ dưới ánh trăng vàng.

Dao Quang thản nhiên chiêm ngưỡng, lòng tấm tắc khen thầm mà chẳng hề phát sinh tà ý. Chàng tức cảnh ứng tác hai câu thơ, hài lòng lẩm nhẩm gật gù.

Nữ lang giặt xong yếm thắm, lững thững bước lên bờ, tấm thân thon dài cân đối phơi trọn dưới ánh trăng thu.

Dao Quang ái ngại, nhìn sang hướng khác, đôi nhãn quang sáng rực của chàng bỗng nhận ra có bóng đen đang lướt đến như bay. Thân pháp kia chỉ có thể là của tên dâm quỷ Thiên Hoa Điệp.

Dao Quang rút kiếm, vận khí chờ đợi. Họ Tào cực kỳ gian xảo, nếu trúng một đòn mà không chết thì sẽ biến mất ngay.

Nữ lang kia đang đứng bên tuấn mã, tháo bọc hành lý ở khấu yên, toàn thân không một mảnh vải, phát hiện ra bóng đen, nàng rụng rời tay chân, chụp bảo kiếm phi thân xuống nước, lặn một hơi ra xa mới dám ngóc đầu lên.

Thiên Hoa Điệp đến nơi cười khanh khách:

- Nàng đừng chạy trốn cho uổng công. Tào mỗ thông thạo thủy tính nên mới chọn hồ nước này làm chỗ ẩn náu.

Nữ lang kinh hãi thét lên:

- Phải chăng ngươi là kẻ dâm tặc Tào Kế Chi?

Họ Tào đắc ý gật đầu:

- Đúng vậy! Nàng quả có duyên với ta nên mới tự dẫn xác đến nơi này!

Nói xong, gã rút trường kiếm cắm xuống cỏ rồi cởi bỏ y phục. Tuy gã đã hơn bốn mươi mà cơ thể rất rắn chắc, đầy những bắp thịt nở nang.

Nữ lang vừa xấu hổ vừa tuyệt vọng, kêu cứu vang trời, và quý nhân đã bất ngờ xuất hiện.

Trong lúc Thiên Hoa Điệp lom khom cởi quần dài, thì từ trên tàn cây cổ thụ cách gã ba trượng, có người nhảy xuống, kiếm quang loang loáng ánh trăng, lưỡi thép bủa vây tên dâm tặc.

Thiên Hoa Điệp bản lãnh cao cường, vừa nghe tiếng lá cây khua động đã chụp kiếm múa tít, bảo vệ châu thân. Gã kinh hoảng nhận ra chiêu kiếm của đối phương cực kỳ mãnh liệt và ảo diệu. Luồng kiếm ảnh mù mịt, lạnh lẽo kia như chiếc kén thép ập đến và nuốt chửng mục tiêu. Chỉ sau vài chục lần va chạm, mũi kiếm của đối phương đã tìm ra chỗ hở, đâm thủng tim Thiên Hoa Điệp.

Gã rú lên thảm thiết, ôm ngực gục ngã, mắt trợn trừng và đầy vẻ ngỡ ngàng. Gã không tin rằng trên đời này có người giết được mình bằng chỉ một chiêu.

Nữ lang kia vui mừng trước cái chết của tên dâm tặc nhưng vẫn còn nghi ngại. Biết đâu tên bịt mặt mặc áo đen kia cung thèm khát nàng thì sao? Vả lại, hắc y nhân ẩn thân trên cây từ trước, chắc chắn đã có dư thời gian ngắm nghía cơ thể nàng.

Dao Quang đoán ra tâm trạng nạn nhân, dịu giọng gọi:

- Cô nương cứ bình tâm lên bờ. Tại hạ xin cáo biệt.

Chàng quay lưng bỏ đi, miệng ngâm nga:

Ngọc phong lưỡng đỉnh khêu minh nguyệt.

Thùy hạ trầm luân nhất phiến lâm.

Dịch thơ:

Ngọc ngà hai núi trêu trăng sáng.

Dưới nước chìm sâu một mảnh rừng.

Dao Quang cười khanh khách phi thân mất dạng.

Kỷ niệm năm xưa là như vậy, giờ đây gặp lại cố nhân, chàng thoáng bồi hồi, nhìn Ngọc Đường tủm tỉm cười Động Đình kiếm khách nghiêm giọng:

- Đường nhi! Đây là Hiên Viên công tử đất Giang Tây, bạn văn chương của lão phu, và cũng là chủ nhân của con tuấn mã ở Vân Cái Tuyết. Đường nhi mau đến tạ lỗi và hoàn trả ngựa quý cho công tử!

Dẫu sao Nhạc Đao Kình cũng là sư thúc nên Ngọc Đường chẳng dám công khai kháng lệnh trước mặt người ngoài. Nàng nũng nịu nói:

- Xin nhị sư thúc để tiểu diệt thương lượng với người ta!

Nhạc lão quay sang nhìn Dao Quang, thấy chàng gật đầu, ông lầu bầu bảo:

- Được! Ngươi có giỏi thì cứ trổ tài thuyết khách, nhưng không được cưỡng lý đoạt từ, thất lễ với bằng hữu của lão phu.

Ngọc Đường nghiêng mình thi lễ với Dao Quang rồi hỏi:

- Cổ nhân có câu "kẻ mang ngọc có tội". Nay các hạ là văn nhân trói gà không chặt, cỡi con thần mã này ra đường thì trước sau gì cũng bỏ mạng. Sao không học thói quân tử tặng nó cho tiểu muội, vừa bảo toàn được sinh mạng, vừa là kết mối ân tình với nhau?

Nàng liền nở một nụ cười đổ quán siêu thành, tình tứ liếc chàng như hò hẹn.

Dao Quang thấy đối phương dùng đến mỹ nhân kế, cười thầm trong bụng. Chàng là bậc kỳ nam tử, định lực như núi Thái, lại kề cận hai tuyệt đại mỹ nhân là Bạch Ngọc Thiền và Túy Tây Thi nên chẳng hề rung động trước nhan sắc của Ngọc Đường.

Dao Quang hờ hững đáp:

- Tại hạ vì mối giao tình với Nhạc trang chủ, sẵn sàng tặng ngựa. Nhưng cô nương phải hứa rằng từ nay bỏ thói càn quấy, ỷ thế hiếp người làm tổn hại đến thanh danh Thiên Sư giáo!

Nghe giọng giáo huấn, Ngọc Đường giận tái mặt, chẳng qua vì ngựa quý mà nuốt hận, cúi đầu vâng dạ:

- Tiểu muội xin hứa!

Dao Quang đứng lên vòng tay nói với Động Đình kiếm khách:

- Tại hạ có việc phải đi Tứ Xuyên gấp, hẹn lượt về sẽ cùng Trang chủ đối ẩm. Giờ xin cáo biệt!

Di Kính cũng áy náy vì chuyện đoạt ngựa, chẳng hứng thú gì mà ngâm vịnh nữa, lặng lẽ tiễn khách. Đến cổng, lão bối rối nói:

- Lão phu không dạy được con cháu, lòng vô cùng hổ thẹn với công tử!

Dao Quang tươi cười đáp:

- Đấy chỉ là chuyện nhỏ, mong Trang chủ chớ bận tâm! Tại hạ có làm được hai câu thơ, nhờ Trang chủ bình phẩm cho.

Nghe nói đến thi văn, mắt Di Kính sáng rực, vểnh tai lắng nghe. Dao Quang đọc xong, lên ngựa đi ngay. Nhạc lão ngơ ngẩn trở vào, miệng lẩm bẩm mãi. Lão gãi tai tự hỏi:

- Lạ thực! Hai câu thơ này tả cảnh gì mà quái dị thế?

Cho đến tối lão vẫn chưa hiểu ra được.

Ngọc Đường mang trà lên, thấy sư thúc cứ đăm chiêu suy nghĩ mãi liền thắc mắc:

- Nhị sư thúc! Gã công tử kia khẳng khái tặng ngựa, hà tất người phải băn khoăn nữa?

Di Kính lắc đầu:

- Không phải việc ấy! Ta đang đau đầu vì hai câu thơ mà gã đã tặng.

Lão buột miệng ngâm lên rồi phân bua:

- Đường nhi thấy không? Hai núi trêu trăng thì còn hữu lý, rừng chìm dưới nước thì bố ai mà hiểu nổi!

Chợt lão nhận ra da mặt Ngọc Đường đỏ rực, đôi vai gầy run rẩy và bờ môi lắp bắp:

- Chết thực! Đúng là người ấy rồi!

Di Kính ngỡ ngàng hỏi:

- Đường nhi nói gì vậy?

Ngọc Đường xem lão như cha mình nên cố nén thẹn thùng kể lại chuyện bên hồ Thanh Thủy. Nhạc lão vỗ đùi cười khanh khách:

- Té ra hắn tả cảnh ngươi đang tắm dưới ánh trăng! Ngôn từ thế này thì quả là thâm thúy và tuyệt diệu!

Ngọc Đường ngượng chín cả người, giận hờn và trách móc:

- Nhị sư thúc còn diễu cợt hài nhi nữa sao?

Động Đình kiếm khách thấy nàng ứa nước mắt, liền tủm tỉm bảo:

- Đường nhi quen thói ngông nghênh, tự hào mình xinh đẹp, xem nam nhân trong thiên hạ như tượng gỗ. Nhưng nay trời xanh dun rủi cho ngươi hai lần chịu ơn Dao Quang. Đấy chính là lương duyên tiền định. Vả lại, Hiên Viên công tử giết Thiên Hoa Điệp bằng chỉ một chiêu, võ công ấy còn hơn cả lão phu. Đường nhi không phục sao?

Ngọc Đường cúi mặt vân vê tà áo:

- Chẳng lẽ cột lại tìm trâu?

Nhạc lão cười ha hả:

- Gỗ tốt khó tìm nếu chẳng chịu khó lặn lội rừng sâu! Con cứ đem ngựa đi trả, tìm cách tiếp cận, với nhan sắc kia lẽ nào Dao Quang không động lòng?

Ngọc Đường thẫn thờ nhìn ngọn nến, suy nghĩ miên man rất lâu rồi thở dài:

- Kể từ cái đêm đáng sợ bên hồ Thanh Thủy, hài nhi luôn nhớ đến ân nhân của mình, thầm nguyện sẽ nâng khăn sửa túi để báo đáp chàng. Nhưng không ngờ giờ đây hài nhi lại vô tình bộc lộ tính nết ngang tàng, càn quấy, đánh người cướp ngựa. Thật chẳng còn là nhi nữ nữa! Sau việc này chắc Hiên Viên công tử sẽ có ác cảm và hài nhi chẳng còn mặt mũi nào đến gặp chàng. Hài nhi sẽ về Long Hổ sơn phụng dưỡng phụ thân, mong sư thúc có gặp chàng thì cứ nói rõ sự tình. Nếu Dao Quang có lòng yêu mến thì mang sính lễ đến mà hỏi cưới.

Nghe nàng nói hữu lý, Nhạc Di Kính gật gù:

- Thôi được! Đường nhi cứ về núi cho Giáo chủ đại sư huynh vui lòng, việc mối mai lão phu sẽ đảm trách. Dao Quang đã hứa quay lại là chẳng bao giờ sai lời! Trong vòng ba tháng, ta sẽ đến Long Hổ sơn báo tin vui.

Sáng hôm sau, Phó Ngọc Đường buồn bã rời Nhạc Dương, đi về hướng Đông.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-14)


<