Vay nóng Homecredit

Truyện:Âu Dương Chính Lan - Hồi 14

Âu Dương Chính Lan
Trọn bộ 16 hồi
Hồi 14: Mạt Lộ Anh Hùng Hồi Cố Thổ-Lương Sơn Hoạ Khởi Bạch Liên Vong
4.00
(2 lượt)


Hồi (1-16)

Siêu sale Shopee

Mười hai ngày sau, Chính Lan đã được đưa về Vu Hồ, và đến giữa tháng tám thì thương tích trên người đã kéo da non. Nhưng than ôi, chân khí của chàng không sao vượt qua nổi huyệt Đản Trung ở Mạch Nhâm. Hơn sáu mươi năm công lực đã trở thành vô dụng. Phát chưởng của Trung Ly nhất thần đã phong tỏa tâm mạch Chính Lan, biến chàng thành một phế nhân.

Nếu Chính Lan chưa từng được ăn nhánh thiên niên Hà Thủ Ô thì mạng chàng cũng chẳng còn. Hỏa chân nhân đã tận lực mà không sao chữa trị được cho rể quí. Lão buồn rầu than thở:

- Không ngờ lão quỉ họ Ngô kia lại luyện được công phu Triệt Mạch Thủ. Bần đạo đành phải bó tay, thật đáng thẹn vô cùng.

Chính Lan không những mất võ công mà còn yếu ớt hơn thường nhân, vì hơi thở đứt đoạn, lồng ngực đau nhói. Chàng cố giấu niền tuyệt vọng, an ủi chân nhân:

- Lão gia đã tận lực mà không thành công, ắt do mệnh trời định sẵn, hà tất phải băn khoăn? Tiểu tế cũng chẳng lưu luyến chốn võ lâm. Cần gì đến võ công nữa.

Ma Nhãn đầu đà vẫn ở Vu Hồ, con cháu đã về đến Mỹ Nhân cốc. Một là, lão hổ thẹn với con dâu về chuyện mười năm trước. Hai là, đầu đà muốn tung hoành cho thỏa chí tang bồng, bù đắp cho mấy chục năm ẩn cư. Ba là, Chính Lan đã cứu mạng cho con lão, lẽ nào lại bỏ mặc chàng trong hoàn cảnh mạt lộ?

Nhiếp Văn Sở mân mê chuỗi niệm châu, tư lự bảo:

- Theo lão phu được biết trong thiên hạ chỉ có một người duy nhất giải trừ được Triệt Mạch Thủ, đó là Tàn Diện Ma Thủ Tưởng Thụ Thành. Mười sáu năm trước lão ta đột nhiên biến mất, không hiểu còn sống hay đã chết?

Chính Lan nói ngay:

- Năm ấy họ Tưởng phân thây một nữ nhân ở Tứ Xuyên, bị tiên sư chặt đứt tay trái!

Giang Tô đại hiệp Du Huỳnh thở dài:

- Thế thì có tìm ra lão ta cũng vô ích. Lan nhi là đồ đệ của Tú Sĩ, lẽ nào họ Tưởng lại chịu ra tay cứu mạng?

Không ai để ý rằng sắc mặt Âu Dương Tiểu Ngưu thoáng tái xanh.

Chính Lan không muốn mọi người thương tâm, vui vẻ bảo Tử Quỳnh:

- Nương tử hãy chuẩn bị một vài món bánh mứt để cả nhà uống trà thưởng trăng.

Tiết Trung Thu đã qua được hai hôm. Các mỹ nhân vì lo lắng cho bệnh tình của trượng phu nên quên cả lễ tết. Tử Quỳnh bẽn lẽn nói:

- Bọn thiếp sơ xuất, không mua bánh mứt gì cả, mong tướng công dùng đỡ rượu thịt.

Hỏa chân nhân cười ha hả:

- Rượu thịt càng tốt, ta rất sợ ngọt.

Mọi người ra vườn hoa, ăn uống trò chuyện đến tận cuối canh hai mới tan tiệc. Trại Tây Thi Du Mỹ Kỳ dìu chàng về phòng. Nàng định trở ra thì Chính Lan giữ lại. Chàng háo hức cởi áo mỹ nhân, gầy cuộc truy hoan.

Hơn tháng nay, Chính Lan không gần gũi thê thiếp nên Mỹ Kỳ hân hoan đáp ứng. Nhưng chỉ mới khởi sự, Chính Lan đã nghe tim đập mạnh, đầu óc choáng váng và khó thở. Chàng nằm phục trên cơ thể nóng bỏng, mời gọi kia mà ứa lệ. Chàng không còn là một hiệp khách và cũng không đủ sức để làm một nam nhân. Mĩ Kỳ cảm nhận được những giọt lệ anh hùng đang rơi trên ngực mình, liền xiết chặt phu tướng, dịu dàng an ủi:

- Tướng công mới khỏi bệnh nên chẳng thể bằng với lúc bình thường. Chàng chỉ tĩnh dưỡng một thời gian nữa là sẽ như xưa.

Chính Lan nằm xuống cạnh ái thê, nhắm mắt như muốn ngủ. Thực ra đang dìm mình trong nỗi thống khổ vô bờ.

Những ngày sau đó, Chính Lan chẳng còn nghĩ đến chuyện ôm ấp ai nữa. Chàng vẫn vui vẻ nói cười nhưng không giấu được ánh mắt thê lương. Ai cũng biết Chính Lan ngày càng gầy đi vì không còn ham sống nữa. Họ cũng cười với chàng nhưng sau lưng ôm mặt khóc ròng.

Sáng ngày cuối tháng tám, sáu mỹ nhân thức giấc, kéo đến chăm sóc phu tướng, thì thấy chàng không có trong phòng, và trên nệm giường có một mảnh hoa tiên, ghi mấy dòng chữ vụng về, thô kệch.

"Gia sư chính là Tàn Diện Ma Thủ. Tiểu đệ không nỡ nhìn đại ca chết dần mòn nên liều mạng đưa đến gặp gia sư. Nếu người chịu khai ân thì nửa năm sau đại ca sẽ lành lặn trở về. Bằng không, tiểu đệ cũng sẽ cõng quan tài đại ca về Vu Hồ. Chư vị đừng tìm kiếm uổng công. Gia sư không muốn ai biết địa điểm người ẩn cư. Chư vị theo đến chỉ hại cho đại ca mà thôi.

Tiểu Ngưu bái bút."

Sáu nàng òa lên khóc lóc, nhưng Hỏa chân nhân lại mỉm cười:

- Phải mừng chứ sao lại khóc? Gã ngốc Tiểu Ngưu xem Chính Lan như bào huynh, tất sẽ hết lời van lạy Tàn Diện Ma Thủ cứu mạng. Lão họ Tưởng chỉ có mình Tiểu Ngưu là đồ đệ chân truyền, lẽ nào lại nỡ tuyệt tình.

Thi Mạn hớn hở bảo:

- Lão gia nói rất chí lý. Chúng ta chỉ cần cho người đi theo, âm thầm hộ vệ là đủ. Trước đây, Tiểu Ngưu có nói rằng gã học nghệ ở Hoành Đoạn sơn, chắc không sai đâu.

Giang Tây Thần Bộ nói ngay:

- Truy tung là nghề của tại hạ, xin chư vị yên tâm.

***

Thì ra, canh ba đêm ấy, Tiểu Ngưu vào phòng Âu Dương Chính Lan, điểm huyệt chàng, đặt tờ hoa tiên lên giường, rồi cõng đại ca rời khỏi Vu Hồ. Gã sinh trưởng bên hồ Côn Minh nên bơi giỏi như cá. Chẳng cần thuyền bè cũng đưa được Chính Lan vượt quãng đường hơn dặm mặt nước.

Lên đến bờ, Tiểu Ngưu cõng Chính Lan chạy một mạch tới sáng, rời xa Vu Hồ ba chục dặm. Gã dừng chân ở một đoạn bờ sông vắng vẻ, giải huyệt cho đại ca. Chính Lan mở mắt nhìn quanh ngạc nhiên hỏi:

- Sao ta lại ở đây?

Tiểu Ngưu đỡ chàng ngồi dậy rồi cười hì hì:

- Tiểu đệ muốn đưa đại ca về hồ Côn Minh thăm mộ song thân!

Chính Lan giật mình, nhớ ra rằng mình đã ba năm không về cố quận chăm sóc mộ phần. Chàng mỉm cười gật đầu:

- Nhị đệ nói phải, ta quả là đứa con bất hiếu. Nhưng sao ngươi không bàn với ta mà lại đi đột ngột thế này?

Tiểu Ngưu biện bạch:

- Nếu nói cho ra, chỉ sợ các đại tẩu chẳng cho đi, viện cớ đại ca đang bệnh hoạn. Nhưng tiểu đệ đã viết thư để lại, họ sẽ thông cảm thôi.

Chính Lan biết mình không sống được bao lâu nữa, cũng muốn thắp cho phụ mẫu nén hương cuối cùng. Chàng gạt bỏ ưu tư, vui vẻ bảo:

- Mặc kệ họ nghĩ sao cũng được, huynh đệ ta đi thôi.

Tiểu Ngưu đã kịp vơ vội y phục của Chính Lan nhét vào tay nải ở đầu giường, nên chàng có trường bào thay tấm áo ngủ. Chính Lan thấy có cả tiểu kiếm, tấm đồng bài, và ngân phiếu ngàn lượng vàng đã tịch thu của Chiêu Thống pháp sư liền giắt vào bụng.

Tiểu Ngưu lại cõng Chính Lan chạy thêm mấy dặm, đến bến thuyền. Hai người đi đường thủy, ngược dòng Trường giang mà về Vân Nam.

Hai tháng sau, Tiểu Ngưu và Chính Lan mới đến được hồ Côn Minh. Mấy tháng trước Tiểu Ngưu đã ghé qua, nhờ người coi sóc nên mộ phần sạch cỏ, không đến nỗi điêu tàn, sụp đổ.

Hàng xóm cũ thấy hai nam tử của phu thê Âu Dương Trang Chủ trở về liền kéo đến hỏi han. Họ đi rồi, Chính Lan nhìn nền nhà cũ, bảo Tiểu Ngưu:

- Ta sẽ cho xây lại gia trang. Khi ta chết, nhị đệ hãy đưa thê tử của ta về đây sinh sống.

Tiểu Ngưu gượng cười, nói lảng sang chuyện khác:

- Đại ca có nhớ anh em chúng ta đã nô đùa vui vẻ suốt một thời thơ ấu ở bờ hồ này không?

Chính Lan gật đầu:

- Nhớ chứ, ta và ngươi đã bị tiên phụ đánh biết bao nhiêu vì tội ham chơi mà không chịu về dù trời đã tối.

Hai người cùng ôn lại những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ, đến trưa mới về nhà một bằng hữu của Nhu Diện Phán Quan. Đào lão là một vị quan về hưu, không biết võ công, kết giao với Âu Dương Tùng qua thi phú.

Đào Kính nghe giới thiệu, hoan hỉ chào đón, giữ lại dùng cơm. Chính Lan định đổi ngân phiếu ngàn lượng vàng ở một tiền trang trong thành Côn Minh, đưa cho Đào lão sáu ngàn lượng bạc, nhờ gọi thợ xây dựng lại Âu Dương gia trang. Tất nhiên Đào Kính vui vẻ nhận lời.

Ăn xong bữa, Tiểu Ngưu nói với Chính Lan:

- Đại ca, tiểu đệ muốn đưa đại ca đi thăm gia sư. Người cũng ở gần đây thôi.

Chính Lan sửng sốt:

- Sao trước đây ngươi bảo rằng sư phụ đã chết ở Hoành Đoạn sơn?

Tiểu Ngưu cười hề hề:

- Gia sư đã dọn về ngọn núi Vân sơn ở phía tây thành Côn Minh. Người không muốn ai biết danh hiệu nên dặn tiểu đệ nói như thế.

Chính Lan nhíu mày:

- Thế lệnh sư là bậc kỳ nhân nào vậy?

Tiểu Ngưu lúng túng đáp:

- Gia sư là⬦ Phật Tâm chân nhân.

Chính Lan thông thuộc tình hình võ lâm trong vòng trăm năm trở lại đây, vậy mà chưa hề nghe qua danh hiệu này. Chàng tủm tỉm cười, nói đùa:

- Cửu ngưỡng, cửu ngưỡng, ta phải đến bái kiến mới được.

Tiểu Ngưu mừng rỡ, cõng Chính Lan đi về hướng tây. Gần canh giờ sau, hai người đã có mặt trước một tòa cổ miếu trên sườn núi Vân sơn.

Tiểu Ngưu ngoác miệng gọi to:

- Sư phụ, đồ nhi đã về đây.

Cánh cửa gỗ mở toang và xuất hiện một đạo sĩ râu tóc bạc trắng, tay áo bên trái phất phơ vì cụt đến bả vai, và dung mạo xấu xa vì bị rạch nát đến hàng chục vết sẹo dọc ngang! Nhưng đôi mắt lộ kia nhìn Tiểu Ngưu với vẻ yêu thương trìu mến. Lão cười ha hả, để lộ hàm răng nhọn hoắt và đáng sợ:

- A, Ngưu nhi về đấy ư? Ta đang nhớ đến ngươi, không ngờ thật là linh ứng.

Tiểu Ngưu đặt Chính Lan đứng xuống vui vẻ đáp:

- Đồ nhi cũng nhớ ân sư nên nhân dịp đưa đại ca về viếng mộ song thân, liền ghé Vân sơn vấn an.

Chính Lan vòng tay thi lễ:

- Vãn bối là Âu Dương Chính Lan, bào huynh của Tiểu Ngưu. Hôm nay vãn bối đến đây, trước là bái kiến, sau là bái tạ đạo trưởng đã dạy dỗ gia đệ.

Lão đạo gật gù:

- Té ra là nam tử của Nhu Diện Phán Quan Âu Dương Tùng. Bần đạo có nghe Tiểu Ngưu nhắc đến hoài. Xin mời vào trong dùng trà.

Tòa miếu cũ này có ba gian, ngăn cách bằng hai hàng cột tròn đen bóng. Gian chính giữa là điện thờ Tam Thanh. Gian bên tả cũng có bệ thờ nhưng không rõ thờ vị thần nào. Còn gian bên hữu có chiếc bàn gỗ và vài chiếc ghế.

Đạo nhân rót trà. Tiểu Ngưu vừa nhấp xong một chén đã nói ngay:

- Sư phụ, gia huynh bị trúng một đòn Triệt Mạch Thủ, mong người vì đồ nhi mà ra tay chữa trị dùm.

Lão đạo biến sắc hỏi:

- Pho độc chưởng kia do ai thi triển.

Chính Lan từ tốn đáp:

- Bẩm đạo trưởng, người ấy là Trung Ly nhất thần Ngô Hiển.

Lão đạo trầm ngâm bảo:

- Ngươi thử đưa tay cho bần đạo chuẩn mạch xem sao?

Chính Lan nhấc ghế ngồi lại gần, đặt cả hai tay lên bàn. Đạo nhân kiểm tra kinh mạch một hồi lâu, lạnh lùng hỏi:

- Ngươi là đệ tử của bậc cao nhân nào mà trong người có đến hơn một hoa giáp công lực?

Tiểu Ngưu kinh hãi, đáp thay Chính Lan:

- Gia huynh là truyền nhân của Báo Ứng Lang Quân Trọng Phú Lan.

Lão đạo quắc mắt nạt:

- Nói láo! Báo Ứng Lang Quân chuyên luyện Đồng Tử Nhất Nguyên Công, là tâm pháp dương công. Còn trong người tiểu tử này lại là nội công âm nhu của đạo gia.

Chính Lan điềm đạm bảo Tiểu Ngưu:

- Nhị đệ, ta đã biết đạo trưởng đây là Tàn Diện Ma Thủ, và không có ý định giấu diếm sư thừa.

Chàng quay sang nói với lão đạo:

- Tưởng tiền bối, tại hạ chính là đồ đệ của Hoàng Hạc Tú Sĩ Ngũ Di Nghiệp. Nếu tiền bối chưa quên được mối hận chặt tay năm xưa, cứ việc giết tại hạ mà báo phục.

Tiểu Ngưu sụp xuống ôm chân sư phụ khóc lóc:

- Sư phụ ơi! Đồ nhi chịu ơn dưỡng dục, cưu mang của họ Âu Dương, lòng luôn xem Chính Lan là bào huynh. Xin ân sư thương đồ nhi mà bỏ qua hận cũ. Nếu không, đồ nhi sẽ tự sát chết theo đại ca thôi.

Gã vừa nói vừa khóc ồ ồ như trâu rống. Tàn Diện Ma Thủ yêu thương Tiểu Ngưu như con ruột của mình, hiểu rõ tính ương bướng của gã. Lão thở dài bảo:

- Ngưu nhi đừng khóc nữa, sư phụ không giết đại ca của ngươi đâu.

Tiểu Ngưu mừng rỡ, vớ ngay tà áo Quỉ Diện lau nước mũi, đứng lên cười toe toét:

- Đa tạ ân sư, xin người chữa trị luôn cho đại ca, nếu y chết vì bệnh thì đồ nhi không còn ai là thân thích cả.

Quỉ Diện gầm lên:

- Phế ngôn! Ta không giết gã là phúc lắm rồi, ngươi còn dám đòi hỏi ta cứu đồ đệ của kẻ thù nữa sao?

Tiểu Ngưu thấy sư phụ nổi lôi đình, sắc diện vô cùng hung dữ, bèn bẽn lẽn im bặt. Chính Lan đứng lên, vòng tay nói:

- Cảm tạ tiền bối đã rộng lượng, tại hạ xin cáo biệt.

Thân thể chàng quá hư nhược, chỉ đi được vài bước đã loạng choạng chực ngã xuống. Tiểu Ngưu vội chạy đến đỡ, đau đớn bật khóc và lên tiếng trách móc ân sư:

- Sư phụ thấy chết mà không cứu, sao gọi là người tốt được?

Tàn Diện Ma Thủ nghe đồ đệ thân yêu nói thế, lòng đau như cắt, run rẩy bảo:

- Ngưu nhi, con có biết rằng Hoàng Hạc Tú Sĩ đã sai lầm khi chặt tay của ta hay không?

Chính Lan biến sắc bảo Tiểu Ngưu dìu mình quay lại chỗ ngồi. Chàng nghiêm giọng nói với Tưởng lão:

- Ẩn tình thế nào xin tiền bối nói rõ, nếu quả đúng là tiên sư hành động hồ đồ, tại hạ sẽ hoàn lại công đạo cho tiền bối.

Tàn Diện Ma Thủ lắc đầu, mỉm cười chua xót, như muốn nói rằng mọi sự bồi hoàn đều đã quá muộn màng. Lão bồi hồi kể:

- Bần đạo chính là Đường Vĩnh Lộc bào đệ của Vô Ảnh hội chủ Đường Vĩnh Phục. Hai mươi năm trước, gia huynh đi ngang Âm sơn, tình cờ đả thương nam tử của Thiên Ảo cung chủ Phùng Thiệu Đính, bị lão bắt giam. Phùng cung chủ bèn gửi thư đến tổng đàn Vô Ảnh hội ở ngoại thành Hàm Dương, bắt bổn hội đem ngàn lượng vàng và một bảo vật nữa đến Âm sơn chuộc mạng hội chủ. Bần đạo là em ruột, nên được cử đi. Không ngờ, giữa đường bần đạo lại gặp một nữ nhân rất xinh đẹp, và bị nàng quyến rũ. Chưa đến Âm sơn nàng ta đã hạ độc bần đạo, rồi mang vàng và bảo vật trốn mất. Bần đạo tỉnh lại, hối hận vì tính nhẹ dạ của mình, liền cào nát mặt mũi, đổi tên là Tưởng Thụ Thành, quay lại truy tầm nữ nhân xảo quyệt kia. Manh mối duy nhất là gốc gác Tứ Xuyên của nàng. Sau bốn năm phiêu bạt, bần đạo nổi danh Tàn Diện Ma Thủ và cuối cùng cũng tìm ra ả hồ ly Phan Lợi Lợi kia. Bần đạo bắt ả, đem ra một cánh rừng vắng cạnh bờ sông Mạnh giang tra hỏi. Nhưng hỡi ơi, ả thú nhận đã đánh mất tấm Cửu Thiên đồng bài và tiêu sạch ngàn lượng vàng. Thế là bần đạo không còn hy vọng cứu được bào huynh, liền nổi lôi đình băm xác ả họ Phan. Tình cờ lúc ấy lão quỉ Hoàng Hạc Tú Sĩ đi ngang, chưa hỏi rõ đầu đuôi đã chặt phăng tay trái của bần đạo. Nhờ tung ra một trái Vô Ảnh Yên Cầu, bần đạo mới thoát thân được. Khi trở lại Hàm Dương nhận tội thì Vô Ảnh hội đã tan rã mất rồi. Bần đạo nhớ lại lời khai của ả Phan Lợi Lợi rằng đã đánh rơi đồng bài ở đất Vân Nam, liền cố gượng sống đi về đây tìm kiếm.

Chính Lan nghe xong câu chuyện thương tâm ấy, quì xuống lạy Tàn Diện Ma Thủ ba lạy rồi nói:

- Lỗi lầm của tiên sư, tại hạ xin gánh hết. Tiền bối cứ tùy nghi xử trí.

Chàng lại quay sang bảo Tiểu Ngưu:

- Nhị đệ, đây là việc riêng của sư môn đại ca, ngươi không được xen vào. Nếu không ta cũng cắn lưỡi tự sát ngay.

Tiểu Ngưu gật đầu nhưng khóc lóc thảm thiết. Bỗng gã nín bặt, chạy đến níu áo sư phụ và nói:

- Ân sư, bản lĩnh của Chính Lan đại ca còn cao siêu hơn Hoàng Hạc Tú Sĩ ngày xưa. Hay là ân sư cứ chữa trị cho đại ca lành bệnh, rồi y sẽ cùng đồ nhi đến Âm sơn cứu sư bá về?

Tàn Diện Ma Thủ nghi hoặc hỏi lại Chính Lan:

- Có thực là võ công của ngươi lại cao siêu đến mức ấy sao?

Chính Lan ngượng ngùng:

- Nếu phối hợp cả tuyệt học của Báo Ứng Lang Quân thì quả thực là tại hạ có hơn tiên sư một bậc.

Lão đạo suy nghĩ một lúc rồi thở dài:

- Thực ra thì dẫu có võ công tuyệt thế cũng vô ích. Vì chẳng ai biết vị trí của Thiên Ảo cung. Nếu có Cửu Thiên đồng bài trong tay, đến Âm sơn gặp người của họ, mới được đưa vào.

Chính Lan đang quì, chống tay đứng lên. Lúc chàng co gối, thấy bụng bị cấn bởi một vật cứng, nhớ đến mảnh đồng bài trong người, hồi hộp hỏi:

- Bẩm tiền bối, chẳng hay Cửu Thiên đồng bài có hình dáng thế nào?

Tàn Diện Ma Thủ buồn bã đáp:

- Đó là di vật của Cửu Thiên Đế Quân, đệ nhất kỳ nhân thời nhà Nguyên. Mặt trước có bốn chữ Cửu Thiên lệnh bài, bằng giáp cốt văn tự, mặt sau có hoa văn rắc rối, nhưng được cho là họa đồ dẫn đến Cửu Thiên đế cung.

Chính Lan mừng rỡ móc đồng bài ra đặt xuống trước mặt lão nhân:

- Xin tiền bối xem thử có phải vật này không?

***

Năm ngày sau, Chính Lan hoàn toàn hồi phục. Tàn Diện Ma Thủ đã dùng tuyệt kỹ châm cứu có một không hai của mình đả thông Nhâm Mạch cho chàng. Tấm ngân phiếu ngàn lượng vàng vẫn còn trong túi Chính Lan. Điều kiện đã đủ, ba người phấn khởi chuẩn bị đi Âm sơn đón Vô Ảnh hội chủ Đường Vĩnh Phục.

Giờ đây, Chính Lan đã lấy lại được lòng ham sống, tinh thần trở nên minh mẫn, chàng hỏi Tiểu Ngưu:

- Nhị đệ, ngươi nói thực cho ta biết đã viết gì trong bức thư để lại?

Tiểu Ngưu cười hì hì đọc lại nguyên văn. Chính Lan suy nghĩ rồi bảo:

- Vậy chắc chắn Tây Môn nhạc phụ sẽ dẫn người bám theo. Có thể họ tìm đến Hoành Đoạn sơn nên chưa tới đây. Nhưng với tài truy tung của Giang Tây Thần Bộ, trước sau gì họ cũng tìm ra nơi này. Ta sẽ viết thư để lại cho họ yên tâm.

Nhưng chàng vừa viết xong thư thì Tàn Diện Ma Thủ đã nói:

- Bần đạo sẽ không đi Âm sơn mà chờ Hỏa chân nhân đến giải thích cho ông yên tâm trở lại Vu Hồ. Sau đó, lão phu sẽ về Hàm Dương, qui tụ anh em đồng môn, xây dựng lại tổng đàn Vô Ảnh hội. Khi hai người đón được hội chủ, cứ đưa thẳng về đấy.

Chính Lan vui vẻ tuân mệnh cùng Tiểu Ngưu lên đường. Ma Thủ trao cho chàng bức chân dung của Đường Vĩnh Phục và lộ phí đi đường. Gần giữa tháng chạp, hai anh em mới đến được trấn Sa Hồi, dưới chân rặng Âm sơn.

Âm sơn là dãy núi dài nằm dọc theo nhánh tả Hoàng hà, trên lãnh thổ nội Mông. Dòng nước vàng đục kia vượt qua khỏi Âm sơn mới rẽ phải, xuyên qua vùng thảo nguyên mênh mông. Vượt quá Bao Đầu hai trăm dặm, Hoàng hà lại rẽ phải xuống phía nam, tạo nên khúc uốn lớn có dạng nửa hình chữ nhật.

Mùa đông vùng tây bắc cực kỳ giá lạnh, tuyết rơi nhiều và các ao hồ, suối nhỏ đều đóng băng. Chính Lan cùng Tiểu Ngưu co ro trong áo choàng lông, xuống ngựa bước vào tửu quán trong trấn. Tửu khách hầu hết là người Mông, người Hồi, nhưng chủ quán lại là một phụ nhân Hán tộc. Tuổi bà chưa đến năm mươi, nhan sắc cũng khá mặn mà. Ba ta chính là người phụ trách trạm tiền tiêu của Thiên Ảo cung.

Trong bức thư gởi Vô Ảnh hội hai mươi năm trước, Thiên Ảo cung chủ Phùng Thiệu Đính đã dặn sứ giả của đối phương đến đây liên lạc. Chính Lan gọi một mâm rượu thịt, ba chục chiếc bánh bao. Ăn uống no nê rồi chàng mới bước đến quầy nói chuyện với chủ quán.

Chính Lan điềm đạm nói:

- Tại hạ là sứ giả của Vô Ảnh hội, mang Cửu Thiên lệnh bài và ngàn lượng hoàng kim đến Thiên Ảo cung chuộc mạng hội chủ.

Nữ lang sửng sốt hỏi:

- Sao chư vị lại trễ nải đến hai chục năm vậy?

Chính Lan từ tốn đáp:

- Mong đại nương thông cảm cho.

Bổn hội đã cử người đi từ ngay lúc nhận được thư. Nhưng nửa đường, vị sứ giả ấy làm thất lạc lệnh bài, mãi đến nay mới tìm ra được.

Nữ lang chúm chím cười:

- Ta là Đào Tuệ San, bốn mươi ba tuổi và chưa có chồng. Các hạ danh tính là gì?

Chàng mỉm cười:

- Tiểu đệ là Âu Dương Chính Lan, xin bái kiến Đào đại tỷ.

Đào cô nương hài lòng bảo:

- Lan đệ cho ta xem Cửu Thiên lệnh bài?

Chính Lan lấy ra trao cho bà ta. Đào Tuệ San xem kỹ, trả lại Chính Lan rồi nói:

- Lan đệ cứ ngồi uống rượu, ngu tỷ sẽ báo về cung. Lát nữa sẽ có người ra rước.

Chính Lan tủm tỉm hỏi:

- Mong Đào đại tỷ cho biết Đường hội chủ có được khang kiện hay không?

Đào cô nương mỉm cười:

- Hiền đệ yên tâm, lão ta còn sống và rất vui vẻ.

Thấy ánh mắt bà là lạ, chàng băn khoăn trở lại bàn. Mãi hơn canh giờ sau mới có bốn lão già lụ khụ xuất hiện. Họ đưa anh em Chính Lan đi vào vùng chân núi Âm sơn. Cả dãy núi dài mấy trăm dặm, giờ đây bị tuyết phủ trắng đỉnh, trông vô cùng thê lương ảm đạm. Tiểu Ngưu buột miệng nói:

- Đại ca, chốn này lạnh giá, buồn tẻ còn hơn bãi tha ma của Trung Nguyên, sao những người của Thiên Ảo cung lại sống nổi nhỉ?

Một trong bốn lão già bật cười:

- Ngươi lầm to rồi, bổn cung là chốn đào nguyên thế ngoại, bốn mùa hoa nở, suối reo chim hót, làm sao buồn tẻ được?

Bốn lão dừng cương trước một tòa sơn trang, nằm dựa chân ngọn núi cực nam của dãy Âm sơn.

Từ trong trang, hai tỳ nữ xinh đẹp đội tuyết chạy ra đón chào. Lão nhân mặc áo cừu đen nghiêm giọng bảo bọn Chính Lan:

- Cung chủ đang bế quan luyện công, hai ngày nữa mới có thể tiếp khách. Hai ngươi cứ ở lại khách xá này chờ đợi.

Nói xong, cả bốn lão quay ngựa đi ngay. Chính Lan cau mày nhưng không nói gì. Một ả tỳ nữ vui vẻ bảo:

- Nhị vị đi thẳng vào sảnh sẽ có người đưa về phòng, bọn nô tỳ dẫn ngựa xuống chuồng?

Huynh đệ Chính Lan nghe lời, bước vào cửa lớn. Quả nhiên lại có hai nữ tỳ nữa xuất hiện. Trong cái lạnh cắt da này, ai cũng mặc áo ngự hàn trắng muốt, chẳng điểm xuyến được gì cho khung cảnh ảm đạm. Có điều, nhan sắc của các tỳ nữ cũng khá xinh đẹp, khiến Tiểu Ngưu cởi mở tấm lòng. Gã là trai chưa vợ nên xuân tình rạo rực, nhìn hai ả kia không chớp mắt. Phía sau khách sảnh là hai dãy phòng đối diện nhau. Ả tỳ nữ có lúm đồng tiền xinh xắn trên má trái đẩy cửa căn phòng đầu tiên, mời khách vào. Chậu than hồng đỏ rực ở giữa phòng tỏa luồng hơi ấm áp. Ả thứ hai có chiếc răng khểnh, duyên dáng nghiêng mình:

- Bọn nô tỳ là Tiểu Ngọc, Tiểu Xuân được lệnh hầu hạ nhị vị. Nếu cần gì xin cứ kéo dây chuông ở đầu giường.

Tiểu Ngưu không bỏ lỡ cơ hội, cười hề hề đáp:

- Tại hạ cũng có chữ "tiểu" như hai cô nương. Âu Dương Tiểu Ngưu chính thực họ tên, còn đây là gia huynh Chính Lan.

Tiểu Xuân che miệng cười ranh mãnh:

- Ngưu thì đúng rồi nhưng tiểu thì e rằng không phải?

Tiểu Ngưu ngượng ngùng gãi tai, Chính Lan cứu nguy cho hắn bằng cách hỏi Tiểu Ngọc:

- Trong Thiên Ảo cung có được bao nhiêu nữ nhân xinh đẹp như nhị vị?

Được khen là mỹ nữ, Tiểu Ngọc sung sướng đáp ngay:

- Công tử quá lời, bọn nô tỳ đông đến hai trăm, nhưng chẳng ai xứng với danh hiệu mỹ nhân cả.

Tiểu Xuân khẽ ho, nhắc nhở Tiểu Ngọc cẩn ngôn. Hai ả xin phép cáo lui.

Chiều hôm ấy họ mới quay lại với mâm cơm rượu. Chính Lan nếm thử mỗi thứ một miếng, không thấy gì lạ mới cùng Tiểu Ngưu ăn uống. Ăn xong, chàng tư lự bảo:

- Nhị đệ, ta linh cảm rằng Đường hội chủ đã gặp chuyện chẳng lành, và Thiên Ảo cung đang bày binh bố trận đối phó với bọn ta.

Tiểu Ngưu thản nhiên đáp:

- Tiểu đệ đi với đại ca, chẳng biết sợ ai cả.

Nói xong, gã xếp chén đũa vào mâm, bẽn lẽn nói:

- Để tiểu đệ bưng đi trả nhà bếp cho rộng chỗ.

Chính Lan thấy đôi mắt láo liên của gã, phì cười:

- Ngươi muốn tìm mấy ả tỳ nữ thì cứ việc đi, nhưng nhớ giữ lời, đừng cởi mở ruột gan cho họ biết là được rồi.

Tiểu Ngưu hí hửng đi ngay. Chính Lan còn lại một mình, mở cửa sổ ngắm nhìn cảnh tuyết rơi. Chàng nhớ những lần cùng Vô Nhân Kiếm Khách Hách Thiết Xuyên uống rượu, thưởng tuyết trên quán Tước lâu Sơn Tây. Họ Hách là bằng hữu duy nhất của chàng. Hai hàng lệ hiếm hoi lén trào ra khoé mắt. Chính Lan thề sẽ giết Thái Sơn Phủ Quân, tiêu diệt Bạch Liên giáo để trả thù cho Thiết Xuyên, và cũng để trừ hậu họa cho xã tắc.

Đêm đông dần buông, gió bắc gào thét từng cơn, thổi những bông tuyết vào mặt Chính Lan. Chàng thở dài khép cửa sổ, quay về giường. Lúc thay áo, chàng rút mảnh Cửu Thiên lệnh bài nặng chịch đặt lên nệm giường. Bỗng lòng hiếu kỳ hối thúc, chàng cầm lên, đem đến cạnh giá nến xem xét. Từ ngày sở hữu nó đến nay, chàng chưa hề quan sát kỹ lưỡng. Nay sắp phải trao cho Thiên Ảo cung, chàng muốn tìm hiểu thử.

Mặt trước lệnh bài quả nhiên có bốn chữ gồm những nét rất lạ. Mặt sau cũng khắc nổi những hoa văn rắc rối. Thấy trên kệ sách ở vách tả có văn phòng tứ bảo, Chính Lan lấy xuống, mài mực rồi dùng viết lông đồ lên mặt sau, và in vào giấy trắng. Như vậy, chàng có được hình ngược của hoa văn. Chính Lan nhìn bản in thấy chỉ có mấy chục nét, hiểu rằng đã thiếu sót, định làm lại. Bỗng chàng giật mình vì cảm nhận được vẻ quen thuộc của những đường nét trên bản sao.

Chính Lan chăm chú quan sát và bóp trán suy nghĩ. Cuối cùng, chàng đã nhớ ra những đường gãy khúc kia biểu hiện chín ngọn núi cao thấp không đều của Cửu Hoa sơn khi đứng ở hướng đông nhìn về tây.

Để kiểm tra lại, Chính Lan rửa sạch lệnh bài bằng rượu rồi sờ mó những hoa văn. Thì ra những đường ấy cao thấp không đều, và những nét thấp chỉ có tác dụng là rối mắt thiên hạ.

Chính Lan sao lại lần nữa, thấy kết quả cũng giống thế, yên tâm dùng tiểu kiếm cạo cho các hoa văn bằng nhau. Đồng đen còn hiếm hơn vàng, trong ngoài đều đen tuyền như nhau, chỉ cần đánh bóng một lượt xóa đi độ nhám nhúa của mấy đường vừa cạo là có thể yên tâm.

Chính Lan học thuộc bản sao xong cũng đốt luôn. Giờ đây, chàng là người duy nhất biết vị trí của Cửu Thiên huyền cung. Không phải vì chàng tham lam những bảo vật hay bí kíp nơi ấy, mà vì muốn đề phòng việc trao lầm gươm cho kẻ ác. Chàng sợ Thiên Ảo cung cũng nuôi dã tâm như Thái Sơn Phủ Quân, trở thành tai họa cho võ lâm và giang sơn. Chính Lan chờ mãi không thấy Tiểu Ngưu vào phòng, đành đi ngủ trước.

Mãi gần sáng gã mới xuất hiện, tóc tai rối bù, y phục xốc xếch và mặt dính đầy phấn son. Tiểu Ngưu lăn ra ngủ vùi đến tận cuối giờ thìn.

Gã ngồi dậy, thấy Chính Lan đang nhìn mình cười cợt, bẽn lẽn nói:

- Đại ca, dường như trong Thiên Ảo cung thiếu nam nhân thì phải. Bốn ả tỳ nữ kia quấn lấy tiểu đệ không rời.

Chính Lan nheo mắt hỏi:

- Thế nhị đệ có bị họ khai thác, tra vấn gì không?

Tiểu Ngưu đắc ý cười khà khà:

- Đại ca chớ xem thường tiểu đệ. Ngưu này chẳng hề tiết lộ điều gì, mà còn điều tra ra một việc quan trọng. Đó là sự có mặt của đoàn sứ giả Bạch Liên giáo trong Thiên Ảo cung. Chúng gồm có bốn người không rõ danh tánh, đến trước bọn ta ba ngày, nghỉ đây một đêm rồi dời vào cung ngay.

Chính Lan gật gù, hỏi thêm:

- Các tỳ nữ có thố lộ vị trí Thiên Ảo cung cho ngươi biết không?

Tiểu Ngưu lắc đầu:

- Họ không nói, nhưng tiểu đệ tin rằng đêm nay sẽ thành công.

Nói xong gã bỏ đi, dáng điệu rất vênh váo, tự tin. Chính Lan ở lại với nỗi suy tư của mình. Chàng đoán rằng Thái Sơn Phủ Quân e ngại Đảo Thiên thần đạn của Hỏa chân nhân nên cho người đến mời Thiên Ảo cung liên thủ.

Thực ra, những hỏa khí mà Tây Môn Nhỉ sử dụng ở Hồng Trạch hồ, cách nay mấy tháng chỉ là những ống đồng nhồi thuốc nổ rất thô sơ, sức công phá thua xa thần đạn. Nhưng chàng lại thắc mắc, không hiểu Thiên Ảo cung có công phu gì lợi hại, đến nỗi Bạch Liên giáo phải mời mọc?

Trưa đến, ăn cơm xong, hai huynh đệ Chính Lan ngồi nói chuyện phiếm. Giờ giữa mùi, Tiểu Xuân chạy đến bảo:

- Nhị vị ra khách sảnh, cung chủ đã giá lâm!

Chính Lan và Tiểu Ngưu thay y phục, khoác cả tay nải lên vai, rồi bước ra đại sảnh. Cạnh chiếc bàn gỗ dài đã có mười người ngồi sẵn. Chiếm chủ vị là một lão nhân phương phi, bệ vệ, da mặt đỏ hồng, tóc và bộ râu ba chòm đen nhánh, không một sợi bạc.

Trời lạnh thế này mà lão ta không mặc áo lông, chắc là để khoe bộ trường bào màu đỏ, thêu nổi hình long phụng bằng chỉ vàng.

Hồng y lão nhân cười ha hả:

- Mời nhị vị an toạ. Bổn tòa nghe các hộ pháp bẩm báo, vội xuất quan đến đây ngay.

Chính Lan vòng tay chào rồi ngồi xuống đầu bàn đối diện. Tiểu Ngưu bắt chước cử chỉ của chàng chẳng sai một nét. Thiên Ảo cung chủ lại chỉ người ngồi bên cạnh và nói:

- Hai mươi năm qua, Đường hội chủ trở thành khách quí của bổn cung, cùng bổn tòa kết tình bằng hữu. Nay quí hội đã đưa Cửu Thiên lệnh bài đến, bổn cung chẳng dám lưu khách nữa.

Người ấy là một lão nhân tuổi độ sáu mươi, có dung mạo tương tự như bức vẽ của Tàn Diện Ma Thủ. Đường Vĩnh Phục lạnh lùng bảo:

- Đường Vĩnh Lộc và các trưởng bối trong Vô Ảnh hội đâu cả lại giao nhiệm vụ này lại cho hai ngươi. Và vì sao lại trễ đến hai mươi năm như vậy?

Chính Lan nghiêm giọng:

- Sự việc rất dài dòng, thuật lại chỉ làm mất thời giờ. Mong hội chủ chờ về đến Hàm Dương rồi sẽ rõ.

Đường Vĩnh Phục cười nhạt:

- Lão phu đã quá quen với Thiên Ảo cung, chẳng muốn về Hàm Dương nữa. Hai ngươi cứ để lại Cửu Thiên đồng bài rồi trở về đi.

Chính Lan cười mát đáp:

- Việc ấy không khó, chỉ cần các hạ chứng minh được mình là Đường Vĩnh Phục, hội chủ Vô Ảnh hội.

Họ Đường giận dữ đập bàn:

- Chẳng lẽ lúc lên đường, Đường Vĩnh Phục không miêu tả dung mạo của lão phu cho các ngươi nhận diện hay sao?

Chính Lan thản nhiên đáp:

- Đúng là có, nhưng sau hai mươi năm, gương mặt hội chủ đã thay đổi, vì vậy thuộc hạ phải kiểm chứng mới được.

Chàng nói rất có lý nên lão ta cứng họng. Thiên Ảo cung chủ cười khà khà:

- Âu Dương sứ giả đây nói cũng phải. Để xác nhận thân phận, Đường lão đệ chỉ cần đọc mấy câu khẩu quyết trong pho nội công tâm pháp bí truyền của Vô Ảnh hội.

ĐườngVĩnh Phục gật đầu tán thành, đọc ngay một tràng dài. Tiểu Ngưu đá chân Chính Lan, ra hiệu rằng đúng là tuyệt học bổn môn. Nhưng chàng đã có chủ ý nên nghiêm giọng:

- Trước khi đi, Đường hộ pháp đã dặn dò thuộc hạ yêu cầu hội chủ đọc lại đoạn mở đầu của quyển Kim Châm Y Giải. Đó là điều kiện duy nhất.

Đường Vĩnh Phục bối rối đáp:

- Đã lâu ta không sử dụng đến y thuật nên không thể nhớ được?

Chính Lan mỉm cười đứng lên, lấy đồng bài ra cầm trên tay rồi nói với Thiên Ảo cung chủ:

- Phùng cung chủ đã biết tại hạ là Hồng Nhất Điểm mà còn bày trò thay mận đổi đào này sao? Nếu không thành thực thương lượng, tại hạ sẽ hủy ngay bảo vật.

Thiên Ảo cung chủ Phùng Thiệu Đính tái mặt, nhưng trấn tĩnh ngay. Lão cười ha hả, dơ ngón tay cái khen ngợi:

- Quả chẳng hổ danh đệ nhất anh hùng đất Trung Nguyên. Bổn tòa xin bái phục.

Chính Lan cười nhạt:

- Tại hạ không có thói quen dông dài, xin cung chủ cho biết tình hình của Đường hội chủ.

Phùng Cung Chủ thở dài đáp:

- Đường lão đệ cứ chờ đợi mãi chẳng thấy ai đến chuộc về, ngỡ rằng bào đệ sanh tâm phản trắc, buồn rầu uống rượu mãi. Họ Đường lại không quen với khí hậu khắc nghiệt của Âm sơn, chỉ năm năm sau đã chết vì bệnh phổi. Bổn tòa cũng sinh lòng hối hận, cho người đến núi Vị sơn ở Hàm Dương báo tin. Nào ngờ tổng đàn Vô Ảnh hội chẳng còn một bóng người. Bổn tòa xin đem thanh danh ra bảo chứng cho lời nói của mình.

Chính Lan trầm giọng:

- Trong lá thư mà cung chủ gởi cho bổn hội, tuyệt nhiên không hề qui định thời gian đến chuộc mạng hội chủ. Nay Đường hội chủ chết rồi, cuộc trao đổi xem như không thành, và phần lỗi thuộc về Thiên Ảo cung. Vì vậy, bọn tại hạ sẽ trao ngàn lượng vàng để chuộc xác về. Còn như cung chủ muốn có Cửu Thiên lệnh bài, phải chấp nhận thêm một điều kiện.

Thiên Ảo cung chủ hân hoan bảo:

- Bổn tòa sẵn sàng hoàn lại di cốt mà chẳng cần vàng bạc gì cả. Nhưng xin các hạ cho biết điều kiện kia.

Chính Lan dịu giọng:

- Thái Sơn Phủ Quân gầy dựng Bạch Liên giáo là có ý tạo phản, soán đoạt cơ đồ Đại Minh và lên làm hoàng đế Trung Hoa. Nay lão bị tại hạ sát hại gần hết những cao thủ chủ chốt như Đào Hoa cung chủ, Phi Hoàn đại lão, Âm Dương Quỉ Tẩu, Trung Ly nhị thần, Chiêu Thống pháp sư⬦ nên mới tìm đến Thiên Ảo cung cầu viện. Giả như Thái Sơn Phủ Quân nhờ cung chủ dựng nên vương nghiệp, liệu có nghĩ đến công lao mà trọng thưởng hay lại giết đi như Tống Thái Tổ từng làm? Còn như Bạch Liên giáo thất bại, tông môn Phùng thị sẽ mang tiếng phản loàn, lưu xú vạn niên. Tại hạ có bấy nhiêu lời phế phủ, mong cung chủ xem xét, chém sứ, đoạn giao với Bạch Liên giáo. Đấy chính là điều kiện để tại hạ dâng nạp Cửu Thiên lệnh bài.

Nghe chàng nói xong, bốn lão già ngồi chung bàn kinh hãi đứng bật dậy. Một lão vòng tay nói:

- Mong cung chủ đừng nghe lời xúc xiểm của gã mà làm tổn thương đến tình giao hảo của đôi bên.

Phùng cung chủ mỉm cười trấn an:

- Chư vị cứ yên tâm ngồi xuống, bổn tòa có cách giải quyết ổn thỏa.

Bốn lão sứ giả Bạch Liên giáo nghe lời, trở lại ghế ngồi. Bất ngờ, Thiên Ảo cung chủ che miệng húng hắng ho. Và bốn lão nhân già lụ khụ đang ngồi đối diện với các sứ giả Bạch Liên giáo cử chưởng đánh liền.

Tám đạo chưởng kình lạnh giá và trắng như tuyết, giáng vào ngực bọn sứ giả, đánh chúng văng vào vách sảnh, máu phun thành vòi, chết ngay tức khắc.

Thiên Ảo cung chủ cười khanh khách:

- Tứ vị trưởng lão vì không ưa bọn phản loạn nên tự ý ra tay, bổn tòa càng dễ thương lượng với công tử.

Chính Lan thầm ghê sợ cho tâm địa tàn ác của Phùng Thiệu Đính. Chàng cũng mừng vì mình đã phá hủy họa đồ trên Cửu Thiên lệnh bài, nếu không sẽ hối hận suốt đời. Chàng lạnh lùng bảo:

- Cung chủ hành động quyết đoán, mau lẹ như vậy, tại hạ xin nghiêng mình bái phục. Khi nào có hài cốt Đường hội chủ trong tay, tại hạ sẽ dâng lệnh bài.

Thiên Ảo cung chủ cười đáp:

- Khi biết công tử là Hồng Nhất Điểm đại hiệp, bổn tòa đã tiên liệu trước rằng không qua mặt nổi, nên đã cho đem theo di cốt của họ Đường.

Lão cúi xuống nhấc một túi lụa dày màu vàng đặt lên bàn, đẩy về phía Chính Lan. Chàng mở ra, thấy có một hũ sành đựng cốt, hài lòng cột lại.

Tiểu Ngưu bỗng nói:

- Đại ca, làm sao biết đây có phải là tro của Đại sư bá, hay xương chó, heo, cọp, khỉ gì đấy.

Chính Lan phì cười:

- Trừ khi Đường hội chủ còn sống, chứ đã chết thì ai lại đưa hài cốt giả làm gì?

Thiên Ảo cung chủ nghiêm giọng:

- Các hạ quả là đóa kỳ hoa hiếm có, võ nghệ, cơ trí đều xuất chúng cả. Nếu chư vị không gấp gáp lên đường, xin mới giá lâm tệ cung chơi ít ngày.

Chính Lan đặt Cửu Thiên lệnh bài lên bàn, vòng tay:

- Cảm tạ lòng ưu ái của cung chủ, nhưng xin hẹn dịp khác. Giờ đây anh em tại hạ phải lên đường ngay.

Hai người rời khách sảnh, xuống chuồng lấy ngựa phi mau. Tiểu Ngưu cứ ngoái lại nhìn bốn ả tỳ nữ với ánh mắt lưu luyến. Chính Lan thúc giục:

- Nhị đệ nhanh chân lên, chúng ta phải đi xa nơi này trước khi lão cung chủ gian hiểm kia đổi ý.

Hai mươi ngày sau, huynh đệ Chính Lan về đến Vị sơn. Lúc ấy là chiều ba mươi tết. Tổng đàn Vô Ảnh hội đã được sửa sang lại một phần, nhưng nhân số mới qui tụ được năm sáu người. Họ khóc than cho số phận của Đường hội chủ, căm hờn chửi mắng Thiên Ảo cung!

Sáng mùng một tết, Chính Lan và Tiểu Ngưu rời Hàm Dương, lên đường về Vu Hồ. Nhưng vừa đến Trường An, họ đã bị một đệ tử Cái bang chặn lại:

- Bẩm đại hiệp, bang chủ bổn bang có thư.

Chính Lan mở xem, nhận ra nét chữ quen thuộc của Đại Đầu Cái. Đọc xong, chàng nghiêm nghị bảo:

- Các hạ có thể lui được rồi, tại hạ sẽ đi Lạc Dương ngay.

Gã hóa tử đi rồi, Tiểu Ngưu hỏi Chính Lan:

- Đại ca, trong thư nói gì vậy?

Chàng nhíu mày đáp:

- Lô Bang Chủ nói rằng Bạch Liên giáo dồn lương tích thảo trên núi Lương Sơn, chuẩn bị tạo phản. Cái bang và các phái bạch đạo quyết định tấn công, trừ tai họa cho giang sơn. Họ cần có cao thủ để đối phó với Thái Sơn Phủ Quân nên đã mời ta.

Tiểu Ngưu nhăn nhó:

- Chúng ta đi đã mấy tháng trời, sao không về Vu Hồ cho các đại tẩu an tâm rồi hãy đi Sơn Đông?

Chính Lan mỉm cười:

- Ta cũng muốn thế, nhưng các phái đã lên đường đến Từ Châu, chỉ chờ ta có mặt là khởi sự.

Tiểu Ngưu buột miệng trách:

- Đại ca suốt đời chỉ lo gánh vác chuyện nước non. Với võ lâm, mấy lần suýt chết, sao không nghĩ đến thê tử một chút?

Chính Lan nghiêm giọng:

- Nhị đệ, trước khi sư phụ qua đời, người có bảo rằng khí thế nhà Minh đã tuyệt, non sông sẽ rơi vào tay rợ phương bắc vì có kẻ làm phản. Dẫu mệnh trời đã định thế, nhưng ta cũng quyết tận lực chứ chẳng chịu buông xuôi.

Tiểu Ngưu ngơ ngác hỏi:

- Đại ca, nếu quả thực lão trời già có đủ quyền năng để xếp đặt vận mệnh con người và đất nước, sao lão ta không làm cho thiên hạ thái bình, người người no ấm?

Chính Lan phì cười:

- Làm gì có lão trời già, trời non gì đâu. Chẳng qua đó là cách gọi cái đạo lý tối cao đã chi phối vạn vật. Các hoàng đế cuối triều Minh không làm sáng tỏ được đạo trời nên bách tính Hoa Hạ phải chịu tai ương.

Tiểu Ngưu gãi đầu:

- Đại ca nói năng khó hiểu quá, tiểu đệ nhức cả óc.

Hai anh em vào phạn điếm dùng cơm, rồi đi về hướng chính đông. Ba ngày sau họ đã đến Lạc Dương, vào tổng đà Cái bang.

Đại Đầu Cái Lô Chính Ngôn mừng rỡ đón chào:

- Lão phu cứ lo rằng không gặp được công tử. Lương Sơn phòng vệ cực kỳ nghiêm mật, chỉ mình công tử mới đủ bản lĩnh xâm nhập vào.

Dùng cơm trưa xong, ba người lên đường đi Sơn Đông. Phần lớn chiều dài Lương Sơn Bạc nằm dọc theo ranh giới Sơn Đông, Giang Tô theo hướng tây bắc đông nam. Bọn Chính Lan đến Từ Châu, đi vòng ra mặt đông của Thủy Bạc. Núi Lương sơn nằm lệch về hướng này, chỉ cách bờ chừng mười mấy dặm. Tất nhiên, khu vực cửa ngõ này được Bạch Liên giáo canh phòng cẩn mật, phe bạch đạo chẳng thể đóng quân được.

Nhưng còn có một nơi mà Thái Sơn Phủ Quân không kiếm soát được. Đó là dòng Đại Vận hà chảy song song với Lương Sơn Bạc. Trên con sông đào vĩ đại này, thuyền bè qua lại tấp nập ngày đêm. Vì vậy, năm trăm cao thủ Bạch đạo trú ẩn trong cánh rừng liễu bên kia Đại Vận hà rất an toàn.

Giữa tháng giêng, Đại Đầu Cái đưa anh em Chính Lan lên thuyền con, sang bờ đông. Ngược bắc chừng vài dặm, thuyền rẽ vào một nhánh sông nhỏ thông với Vận hà. Gần ngã ba sông, Chính Lan thấy hai chiếc thuyền rất lớn, trên mũi thuyền cắm cờ thủy quân Tích Giang. Hiện tượng này chẳng có gì bất thường vì gần nửa chiều dài dòng Vận hà thuộc phạm vi trách nhiệm của họ.(20)

Qua khỏi hai chiến thuyền, là một chiếc quan thuyền xinh đẹp, dường như dành cho gia quyến của bậc đại thần nào đấy vì có tiếng trẻ thơ khóc oa oa. Lạ thay, Đại Đầu Cái lại bảo gã hán tử chèo thuyền ghé vào. Ông tung mình lên mũi quan thuyền và bảo Chính Lan:

- Công tử lên đi, còn chờ gì nữa?

Chính Lan và Tiểu Ngưu vội lên theo. Lô bang chủ mở cửa khoang, nhưng không vào mà lại nhường cho Chính Lan đi trước. Ai đó reo lên mừng rỡ:

- Tướng công.

Và chàng bị vây chặt bởi sáu người vợ trẻ. Họ cười nhưng lệ mừng ướt mặt, còn bốn đứa tiểu hài kia òa khóc, bò đến tìm mẹ.

***

Đêm hôm sau, có một chiếc thuyền con len lỏi qua đám gò nổi, lau sậy, tiến về phía ngọn núi Lương Sơn. Năm nay tiết trời cực kỳ giá lạnh, đã giữa tháng giêng mà eo biển Bột Hải vẫn còn đóng băng. Vùng phía nam Hoàng hà tuyết rơi mù trời, che mờ cả vầng trăng mười sáu. Tất nhiên, nước ở Lương Sơn Bạc cũng lạnh cắt da. Thế mà, ba người trên chiếc thuyền nhỏ kia chẳng hề mặc áo lông. Có lẽ họ sợ vướng víu khi cần phải bơi dưới nước. Ba người ấy là Thiên Thủ Thư Sinh Trân Dật, Chính Lan và Tiểu Ngưu.

Trên người Chính Lan là một bộ y phục rất kỳ lạ mũ trùm đầu, áo quần liền lạc, bó sát cơ thể và đen bóng. Các mỹ nhân đã cắt chiếc áo choàng bằng tơ Hắc Tằm, may thành bộ y phục này. Nhờ vậy, Chính Lan không sợ lửa và có thể ngâm mình dưới nước hàng giờ mà không chết cóng.

Cuối canh ba, thuyền vào đến gò đất cuối cùng. Từ đây đến chân núi Lương sơn còn hơn dặm nữa. Mặt nước hoàn toàn thoáng đãng, không vật che chắn, nên chỉ mình Chính Lan bơi vào. Trân Dật và Tiểu Ngưu sẽ đợi ở gò đất cho đến khi có tín hiệu. Chính Lan chỉ mang theo tiểu kiếm và hỏa dược.

Trong chiếc bao bằng tơ Hắc Tằm không thấm nước này có mười ống đồng nhồi thuốc nổ, trông chúng giống như những viên đại pháo ngày xuân.

Tuy không bằng thần đạn nhưng cũng thừa sức đốt cháy những kho quân lương, và dọa cho bọn Bạch Liên giáo thất kinh hồn vía.

Chính Lan sinh ra cạnh hồ Côn Minh, bốn tuổi đã biết bơi. Cộng với công phu Qui Tức Bảo Tâm đại pháp, thủy tính của chàng đáng gọi là vô địch.

Có được bộ y phục gọn gàng, kỳ diệu này, Chính Lan cảm thấy mình thoải mái như cá dưới nước, nhắm hướng Lương Sơn mà lặn một mạch. Thỉnh thoảng chàng trồi lên để đổi hơi và định hướng. Mấy chục chiếc thuyền tuần tra đi ngang qua đầu chàng mà không hề hay biết. Hai khắc sau, Chính Lan vào đến bở, nhảy lên ẩn vào khe đá. Chàng hài lòng nhận ra cơ thể chỉ bị ướt đôi chỗ.

Chính Lan đã có lần cùng Kính Hồ Tiên Cơ Tiêu Uyển Như đến đây tìm kho tàng Nam Tống, nên rất thông thuộc đường lối. Chàng lướt nhanh như cánh chim đêm đến khu vực phía tay hữu. Bạch Liên giáo khởi sự tất sẽ tiến lên hướng bắc, đánh chiếm đế đô. Vì vậy, kho lương thảo sẽ phải nằm ở vị trí thuận lợi, dễ bốc dỡ để đưa ra đường quan đạo hướng đông, hoặc Đại Vận hà.

Đường cạnh mép nước khá bằng phẳng nhưng luôn luôn có những toán tuần tra, Chính Lan đành phải di chuyển trên sườn núi. Lát sau, chàng nhìn thấy năm căn nhà rất lớn, nằm cách nhau sáu trượng để phòng hỏa hoạn. Đã dự liệu trước tình hình này, những ống hỏa dược của Tây Môn Nhỉ đều có ngòi rất dài. Chính Lan dùng tiểu kiếm cắt cho chúng có thứ tự ngắn dần đi, nhờ vậy sẽ nổ cùng một lúc. Chung quanh các kho lương cũng có người canh giữ, nhưng chủ yếu là gác ở cửa chính quay mặt ra ngoài. Phía sau là con đường để toán phòng vệ đi tuần.

Chờ bọn giáo đồ đi qua, Chính Lan lướt đến vách phía sau của kho đầu tiên, cắt một mảnh ván và chui vào. Té ra đây là kho gạo. Chàng bật hỏa tập đốt ống đồng có ngòi dài nhất, đặt trên đống bao. Cứ như thế, chàng lần lượt gài hỏa dược hết cả năm kho, trở lên sườn núi chờ xem kết quả. Nhớ đến tảng đá vuông vắn trước cửa kho tàng, Chính Lan phi thân lên đấy. Chàng vừa đến nơi thì hỏa khí phát nổ gần như cùng một lúc.

Năm kho quân lương bốc cháy ngùn ngụn vì vách bằng gỗ và mái lợp lá. Tiếng chuông, tiếng mõ tre báo cháy vang dội cả vùng Thủy Bạc. Bọn giáo đồ Bạch Liên giáo cuống cuồng đổ xô vào dập lửa. Nhưng chỉ vô ích mà thôi.

Chính Lan nhận ra Thái Sơn Phủ Quân, Miêu Ưng Lão Tổ đều xuất hiện để chỉ huy việc cứu hỏa. Chàng quyết định nhân cơ hội này thiêu hủy luôn các kiến trúc khác trên núi, liền lướt như bay đến Tụ Nghĩa đường.

Lúc này, phe bạch đạo đã nhất tề tấn công tiền trạm của Bạch Liên giáo ở bờ đông, cướp thuyền chèo vào núi Lương sơn. Dĩ nhiên họ bị mấy chục chiếc thuyền con, và chốt mai phục trên gò nổi, ngăn chặn lại.

Đã đến lúc Tiểu Ngưu và Trân Dật ra tay. Hai người âm thầm từ trong đánh ra, từ sau đánh tới. Tiểu Ngưu như con trâu nước bất ngờ trồi lên lật úp thuyền của phe địch. Còn Thiên Thủ Thư Sinh mò đến làm thịt bọn cung thủ trên gò đất. Thủ pháp phóng ám khí của họ Trân cực kỳ linh diệu, bọn lục lục thường tài kia làm sao tránh nổi?

Quân số Bạch Liên giáo ở căn cứ Lương sơn đông đến hai ba ngàn người nhưng chỉ là một đội quân ô hợp, được huấn luyện sơ sài thiếu hẳn bản lĩnh và dũng khí. Chúng thấy trọng địa bốc cháy ngút trời, hỏa dược nổ vang như súng thần công của quan quân, chẳng còn lòng dạ nào mà chiến đấu. Do đó, quần hùng tiến vào rất mau lẹ.

Nhắc lại, Chính Lan đeo bọc hỏa khí, tay thủ tiểu kiếm, chạy ngược lên. Khi có biến, sào huyệt chính được bảo vệ sum nghiêm, đâu đâu cũng có người trấn giữ. Dù không muốn, Chính Lan cũng phải chém giết để mở đường. Cuối cùng, chàng cũng đến được mục tiêu, đốt cháy tòa mộc lâu đồ sộ phía sau Tụ Nghĩa đường. Nhưng vòng vây đã khép chặt, Trung Ly nhất thần quát lớn:

- Hồng Nhất Điểm, hôm nay là ngày tận số của ngươi.

Nói xong, lão cho mười hai gã quái nhân xông vào tấn công Chính Lan.

Nhất thần tung mình lên một tảng đá, ngồi xếp bằng, đưa cây thiết tiêu đen tuyền lên miệng, thổi khúc mê hồn. Tiếng sáo ma quái kia làm cho tinh thần Chính Lan xáo trộn, mơ hồ. Ngược lại, bọn quái nhân càng hung hãn và dũng mãnh hơn. Những cây chùy gai vun vút giáng xuống thân thể đối phương những đòn sấm sét.

Chính Lan kinh hãi, dùng công phu Qui Tức Bảo Tâm đại pháp phong bế nhĩ lực, rồi múa tít song chưởng đánh bạt bọn quái nhân ra. Mất thính giác, xem như giảm nửa võ công, nhất là khi trước sau, tả hữu đều có địch nhân.

Chính Lan đã đụng độ hàng trăm trận, kinh nghiệm dày dạn, liền đề khí, bốc cao hơn trượng, vỗ bốn chưởng chặn đứng đường chùy của hai gã khổng lồ và giết chúng bằng hai đạo Huyết Tuyết Điểm Hồng, rồi chàng lại bốc lên cao để tránh đòn tập kích sau lưng.

Chỉ lên xuống vài lượt, chàng đã loại được sáu tên. Trung Ly Nhất Thần vội thay đổi âm giai, bọn quái nhân đồng thời vung tả thủ chống đỡ, đánh Chính Lan bay ngược trở lên. Đòn bất ngờ này khiến chàng thọ thương vì va chạm với luồng hợp chưởng.

Nhưng một ý niệm loé lên, Chính Lan tiếp tục lao xuống, song thủ múa tít dệt nên màn lưới chưởng mềm mại và kín đáo. Sáu quái nhân lại cử chưởng đánh liền, luồng lực đạo mãnh liệt ấy giáng vào màn chưởng ảnh phía trước Chính Lan, đẩy chàng bay đi như chiếc diều đứt dây. Tuy nhiên, điểm rơi của chàng lại là tảng đá mà Trung Ly nhất thần đang ngồi thổi sáo.

Với khoảng cách xa đấu trường đến năm trượng, Ngô Hiển cảm thấy an toàn nên lim dim đôi mắt, chú tâm điều khiển bọn quái nhân. Tiếng thét cảnh báo của đám giáo đồ Bạch Liên giáo khiến nhất thần giật mình, vung thiết tiêu đối phó. Tiếc rằng, Chính Lan đã rút tiểu kiếm và xuất chiêu Phù Sinh Trường Hận. Kiếm ảnh loang loáng dưới ánh lửa hồng, trông như có sắc máu tươi. Tiêu kiếm chạm nhau vài tiếng rồi thôi, thủ cấp của họ Ngô rơi khỏi cổ. Chính Lan chụp lấy cây trường tiêu bằng huyền thiết, lao xuống núi.

Bọn giáo đồ Bạch Liên giáo dương cung bắn theo nhưng không xuyên qua nổi màn hắc quang quanh người Chính Lan. Chàng hài lòng vì thấy thiết tiêu rất vừa tay và cứng rắn vô song. Với vũ khí này, chàng có thể thi triển kiếm pháp mà không gặp trở ngại gì.

Chính Lan xuống đến chân núi thì cuộc chiến đã đến hồi khốc liệt. Thái Sơn Phủ Quân và Miêu Ưng Lão Tổ liên thủ đối phó với bảy đại cao thủ mà vẫn thản nhiên. Năm vị chưởng môn bạch đạo, Hỏa chân nhân và Ma Nhãn đầu đà đều là những đại cao thủ hạng nhất, nhưng do thanh Long Tuyền kiếm và kiếm thuật tuyệt luân của Phủ Quân, trận thế vẫn quân bình.

Chính Lan không vội nhập cuộc, đứng trên một tảng đá quan sát kiếm pháp của Thái Sơn Phủ Quân. Càng xem, chàng càng thêm thán phục lão ác ma Vũ Diên. Quả thực lão ta đã tiến một bước dài trong kiếm đạo. Đường kiếm nhẹ nhàng, linh hoạt như thuận tay mà đánh, và luôn nhằm vào đúng sơ hở của đối phương. Khi công thì nhanh như thiểm điện, khi thủ thì vững vàng như núi Thái. Về kiếm ý, rõ ràng Phủ Quân đã luyện hết pho tuyệt kiếm của Nam Thiên Đại Hiệp Quách Tử Hưng.

Chàng suy nghĩ, đắn đo rất lâu, hiểu rằng Thái Chân kiếm pháp không có chiêu nào đủ sức giết được đối phương. Chàng quyết định dùng chính Nam Thiên Kiếm Pháp để ra tay. Chiêu Phất Thủy Phiêu Miêu nay chắc chắn lão cũng biết, và chàng đã có diệu kế.

Chính Lan vận công quát vang như sấm:

- Thái Sơn Phủ Quân, Hồng Nhất Điểm ta đến đây.

Chính Lan rời sườn núi, phi thân đến đấu trường. Hỏa chân nhân và Ma Nhãn đầu đà biết chàng sẽ tấn công Bạch Liên giáo chủ nên lao vào cầm chân Miêu Ưng Lão Tổ. Phủ Quân bị năm chưởng môn vây chặt, thầm lo ngại khi thấy đại kình địch xuất hiện. Chính Lan đến nơi, các chưởng môn mới dừng tay. Chàng lạnh lùng bảo Thái Sơn Phủ Quân:

- Độc Giác Thần Ma, đêm nay ta sẽ vì bách tính Trung Hoa và hương hồn Vô Nhân Kiếm Khách Hách Thiết Xuyên mà tiêu diệt lão.

Thái Sơn Phủ Quân ngạo nghễ đáp:

- Bản lĩnh được bao nhiêu mà dám ngông cuồng?

Chính Lan cười nhạt:

- Ta chỉ là kẻ bất tài nhưng cũng đủ sức thiêu hủy cơ nghiệp của lão. Sau trận này, để xem lão còn dám nuôi mộng làm hoàng đế nữa hay không?

Lời chàng đánh trúng vào nỗi đau của phủ quân. Lão căm hận lao đến như ánh chớp. Kiếm kình lồng lộng, cuốn những hoa tuyết theo người, trông như khối bông mềm mại đang trôi. Thái Sơn Phủ Quân đã dùng đến chiêu sát thủ cuối cùng, và không ngờ rằng đối phương chờ đợi điều này.

Chính Lan không hề di động, đứng yên đón chiêu. Chàng cũng dùng chính chiêu Phất Thủy Phiêu Miêu mà đối phó. Sắt thép ngân dài, và Bạch Liên giáo chủ rú lên thảm khốc, khụy xuống quì trên mặt tuyết, ngực thủng chín lỗ. Mọi người kinh hãi nhận ra ngực áo Chính Lan cũng rách đúng chín điểm cùng bộ vị như đối phương. Thái Sơn Phủ Quân thều thào than thở:

- Bần đạo quên rằng⬦ ngươi từng⬦ giải phá được⬦ chiêu Thiên Lý Trùng Hồng.

Miêu Ưng Lão Tổ không ngờ giáo chủ chết ngay chiêu đầu, tâm thần bấn loạn, trúng một chưởng của Hỏa chân nhân. Y phục lão bốc cháy và Ma Nhãn đầu đà đã kịp bồi thêm một trượng, đập vỡ sọ lão ác ma.

Mọi người mừng rỡ xúm quanh Chính Lan. Quảng Tâm thiền sư hoan hỉ hỏi:

- Âu Dương thí chủ làm thế nào mà hạ được Thái Sơn Phủ Quân một cách dễ dàng như vậy?

Chính Lan mỉm cười:

- Tại hạ và phủ quân cùng sử dụng một chiêu kiếm giống nhau. Có điều thiết tiêu dài hơn Long Tuyền kiếm nửa gang nên tại hạ chỉ rách áo, còn lão thì bỏ mạng.


Meow! Sen Ơi Đừng Sợ
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-16)


<