Vay nóng Tima

Truyện:Võ lâm ngũ bá - Hồi 55

Võ lâm ngũ bá
Trọn bộ 86 hồi
Hồi 55: Thuyền Trôi Gái Sắc
5.00
(một lượt)


Hồi (1-86)

Siêu sale Lazada

Thái Hồ ngũ hổ thấy Hoàng Dược Sư tỏ vẻ "Mục hạ vô nhơn", giận đến tím gan muốn nổ ra ngoài lồng ngực.

Yên Chi Hổ Tử Tú Anh tánh nóng như lửa, múa tít khí giới trong tay, đồng thời mở miệng quát mắng:

- Xông đến cho rồi, thử xem thằng nào hạ thằng nào cho biết!

Hoàng Dược Sư chẳng thèm trả lời, lại quay sang bảo đứa bé Võ Hồng Quang đang đứng bên cạnh:

- Này cháu ngoan? Đem sợi dây lại cho ta!

Mọi người chưa hiểu ra sao.

Nhưng Võ Hồng Quang rất khôn ngoan lanh lợi, cậu đã hiểu Hoàng Dược Sư định làm gì rồi, nên cười hịch hạc, mau chân đi lượm sợi dây trói bọn cướp lúc nãy đưa đến.

Hoàng Dược Sư khoanh tay phải ra sau lưng và bảo:

- Giúp ta cột cánh tay này.

Ai nấy mới hiểu là Hoàng Dược Sư giữ đúng lời cam kết, chỉ dùng một tay để đấu với năm cọp của Thường Thông, mọi người không khỏi ngạc nhiên đến há hốc mồm ra.

Cậu bé Hồng Quang tánh ý vẫn còn con nít vừa cười khúc khích vừa trói quặt cánh tay Hoàng Dược Sư dính vào sau lưng của chàng.

Chờ đâu đó xong xuôi, Hoàng Dược Sư liền nhảy rời khỏi chỗ ngồi, quát lớn:

- Năm người chúng bây tha hồ một lượt xông đến đây tấn công ta mà không được làm hại người bên ngoài. Nếu bọn bây giận cá chém thớt, giận lấy bá tánh vô tội đương xem kia thì... Hừm! Hừm! Lúc ấy đừng trách ta ra tay độc ác?

Xích Mao Hổ Hoắc Đại Cang và Thương Diện Hổ Tiêu Tín, đã bị Hoàng Dược Sư hạ rồi một keo nên biết rõ kẻ thù địch trước mặt võ công cao diệu khó thể lường được.

Chờ Hoàng Dược Sư dứt lời, lẳng lặng rút phăng thanh Ngư Lân đao chém xả vào hông đánh chéo qua lưng Hoàng Dược Sư theo thế "Nhạn Dực Trì Tiễn" (Chim nhạn chuyển cánh), làn đao xé rít không khí kêu vù một tiếng.

Tiêu Tín thấy Xích Mao Hổ đã ra tay, y cũng thâu thập can đảm, cặp Nga Mi thích phân thành hai phía tả hữu tấn công vào hai hông của Hoàng Dược Sư nhanh như cắt.

Hai người bất thần phát động thế công, tưởng như thế đã mau lắm rồi, nào ngờ bóng xanh trước mắt thấp thoáng hoa lên, tiếp theo đấy là tiếng hú lảnh lót.

Hoàng Dược Sư đã từ trong kẽ hở của khí giới hai người, uyển chuyển lẹ làng như một con rắn nước luồn tuốt ra ngoài xa cách đấy dư hai trượng.

Yên Chi Hổ Tử Tú Anh lập tức quát to một tiếng:

- Tặc tử chạy đi đâu!

Miệng quát tay phải thuẫn bài đã vung lên, đồng thời đồng trùy bên tay trái cũng đập trở xuống đánh vút vào người Hoàng Dược Sư lẹ như cơn gió lốc.

Nhị hổ bỗng hoảng hốt la to:

- Tẩu tẩu coi chừng phía sau lưng!

Nhưng Hoàng Dược Sư đã nhanh như một bóng ma, vút một cái đã vượt đến phía hậu của Yên Chi Hổ lẹ vươn cánh tay trái chộp được mớ tóc mây phía sau ót của mụ cọp cái giựt mạnh một cái.

Tức thì "bộp!" một tiếng, Tử Tú Anh đã nhào lộn mèo xuống đất, văng xa khỏi đấy hai trượng, quần áo dính đầy cát đất, hai món binh khí cũng văng ra hai nơi xa lắc ngoài bảy tám bước.

Bạch Các Hổ thấy vợ mình bị nhục đến thế, nổi giận bốc ngất trời xanh, quên cả sợ hãi lúc ban đầu, phi thân nhảy vút đến, hai cái chùy "Điểm can lang nha tọa" phân ra hai phía tấn công vào hai huyệt Phong Thị và Kiên Dụ của đối phương, hai trái chùy "Điểm can tang nha tọa" ấy hình dáng nhọn như cây bút lớn có thể vừa sử dụng như khí giới lại điểm huyệt như ngọn bút lông lợi hại rất mực.

Trong mấy năm ngang dọc giang hồ làm tên cướp biển, Bạch Các Hổ Thường Thông đã nhờ đôi chùy cổ quái ấy hạ ngã tất cả đám thủy khấu trên khắp sông hồ.

Nhưng hôm nay xui xẻo gặp phải Đào Hoa đảo chủ, tỷ như hòn đá bên cạnh ngọn Thái Sơn, hai cặp tạ cũ ấy vừa đâm thốc vào lưng của Hoàng Dược Sư. Chàng không những chẳng thèm đỡ tránh mà trái lại lại còn ưởn lưng ra hứng đòn.

Thật là một quái tượng ngoài ý liệu của Bạch Các Hổ, cặp tạ đánh trúng vào lưng của đối phương kêu "phịch!" lên một tiếng, nhưng y liền cảm thấy nơi đầu ngọn tạ chạm vào da thịt đối phương như đánh lên phải một vật trơn tuột lờn nhờn như chất dầu, bay trợt ra phía ngoài, suýt chút nữa là vuột cả binh khí đang cầm nơi tay.

Hoàng Dược Sư thoắt một cái đã qua người trở lại, tay trái lẹ như chớp đớp vào mặt Thường Thông một bạt tai tá hỏa tam tinh.

Vừa vặn cây gậy ba ngấn của Nhị Hổ Tang Nhân quét vòng dưới chân tấn công tới.

Hoàng Dược Sư nhẹ nhàng nhấc chân tung mình lên cao, nhường cho ngọn gậy quét qua rồi sử dụng ngay ngọn cước Tảo Diệp Thố, vung chân đá vào ngấn giữa của cây gậy đuôi beo, khiến Tang Nhân cả người lẫn gậy bay là là ra khỏi vòng đấu hơn bảy tám bước, té phịch trên mặt đất như thiên lôi rớt xuống.

Hoàng Dược Sư liên tiếp trong khoảnh khắc hạ luôn năm cọp, chỉ với một cánh tay trái còn cánh tay phải vẫn y nhiên bị buộc chặt sau lưng bất động.

Năm tên đầu lĩnh Ngũ Hổ lớp ngóp bò dậy, hùng hổ xông trở lại tấn công, quyết một mất một còn với Hoàng Dược Sư để rửa hận.

Tang Nhân, Đại Cang, Tiêu Tín múa tít khí giới lăn xả vào đâm chém như cọp điên.

Thường Thông cũng vung tròn đôi lang nha tọa tung mình nhảy đến, Ngũ hổ với năm loại binh khí khác nhau trên tay bao chặt Hoàng Dược Sư vào giữa, tấn công tới tấp như mưa rào.

Hoàng Dược Sư cười lên ha hả, tung mình thoăn thoắt giữa bóng binh khí, tay trái chọt một cái thì đoạt thanh dao dày cộm của Xích Mao Hổ, chân hữu như làn sao xẹt, bung trở ra đá Thương Diện Hổ lộn nhào ra khỏi trận.

Tuy đoạt được khí giới của Hoắc Đại Cang nhưng Hoàng Dược Sư chẳng thèm đem ra đỡ gạt. Chàng cười một tiếng ném mạnh thanh đao lên trời, tiếp theo đấy dùng ngón tay búng nhẹ vào hướng cây đao đang còn lưng chừng ở khoảng không.

Tức thì ngọn đao tựa như mũi tên lìa ná xẹt đi vun vút, lao nhanh về phía Bạch Các Hổ.

Thường Thông hốt hoảng vội vung cây Lang nha bổng định gạt văng mũi đao của Hoàng Dược Sư bắn tới kia.

Nào ngờ Hoàng Dược Sư đã áp dụng Thiền Chỉ thần công, nên thế mạnh của ngọn đao bằng như một mũi tên bo cây cứng "ba thạch" bắn ra sức lao đi như hòn núi đổ nghiêng.

Nên vừa nghe "kinh" "coong" hai tiếng chát chúa, Thường Thông tuy gạt được ngọn đao rơi xuống đất, nhưng hai cánh tay đã tê chồn nhức nhối, hổ khẩu tay đau buốt như kim chích phải, mũi đao lướt qua sát cánh tay cắt đứt miếng lớp áo bên ngoài.

Bạch Các Hổ kinh sợ đến mồ hôi tuôn ướt trán.

Đào Hoa đảo chủ một tay nghênh địch, qua mấy chiêu đầu tay đã làm bọn Ngũ hổ Thái Hồ, thất điên bát đảo, té bò lổm ngồm, theo lý bọn chúng nên nhận thua mới phải.

Nhưng năm cọp miền Thái Hồ là một bọn vong mạng, quen thói liều lĩnh, tánh nết hung hăng dữ tợn, tuy bị té u đầu sứt trán vẫn hùng hổ xông đến quyết hơn thua.

Hoàng Dược Sư cả giận quát lên như sấm:

- Quân giặc chó, cho chúng bây nếm đủ mùi làm chó rồi, giờ đây ta không còn nương tay nữa đâu!

Tiếng quát chưa dứt, bóng xanh đã thoắt một cái như trận gió nhảy sát đến bên Thường Thông.

Bạch Các Hổ ớn lạnh cả sống lưng không dám vung đôi tạ lang nha ra chống đối, mà định rùn thấp xuống dùng "Địa Đàn công" để lăn thoát đi nơi khác.

Nhưng thủ pháp của Hoàng Dược Sư nhanh không thể tả, lẹ như chớp tay trái vung ra, chưởng thế tuy nhẹ nhàng phiêu phưỡng chẳng chút dùng sức, kỳ thật khi nhấc tay ra chưởng đã khéo léo ngầm vận sức mạnh, chiếc đầu lâu của Bạch Các Hổ lẫn cả một khúc cổ, bị chặt ngọt xớt như đao tiện, máu tươi như suối trào, vọt phún lên trời.

Tang Nhân thấy đại đầu lĩnh vong mạng, hồn phi phách tán ném phăng hai ngọn Nga Mi thích định chuồn ra ngoài trận, nhưng y vừa sắp nhảy vút ra khỏi vòng đấu, thì Hoàng Dược Sư nhanh trong nháy mắt phi thân đến nơi vươn tay trái ra chộp cứng lấy áo đối phương, tung bổng lên trời, thân hình của Tang Nhân như một quả khí cầu, bay lộn trên ba trượng cao mới rớt trở xuống đất đánh thịch một tiếng như trái mít rụng.

Thế ném của Hoàng Dược Sư rất xảo diệu, nên khi Tang Nhân rơi xuống đất, đầu trước chân sau chỉ kịp rống lên một tiếng hãi hùng là xương sọ bể nát, óc phọt đầy trên mà đất, trông thật rùng rợn.

Trong Ngũ hổ Thái Hồ lợi hại nhất là Thường Thông thứ nhì là Tang Nhân, nhưng chỉ vỏn vẹn chẳng tới hai hiệp đã bỏ mạng vì tay của Hoàng Dược Sư.

Ba cọp còn lại là Thương Diện Xích Mao và cả cọp cái Tử Tú Anh, sợ đến gan ruột chạy tuột xuống chân, không hẹn, đồng hè thi nhau chạy trốn.

Nhưng Hoàng Dược Sư đâu dễ buông tha, vừa quăng xong Tang Nhân là đã nhảy bay tới, tay trái một chưởng, vỗ trúng thiên linh cái Xích Mao Hổ, xương đầu y nát, té bịch trên mặt đất, dãy dụa mấy cái đã theo chân đồng bọn chu du xuống địa phủ.

Chân trái của Hoàng Dược Sư cũng đồng thời đưa lên, vít một đá vào hông Tiêu Tín, khiến nội tạng của y hoàn toàn bể nát, thế là trước sau bốn hổ đều chết dưới bản lĩnh quán tuyệt của Hoàng Dược Sư.

Trong Ngũ Hổ chỉ còn sót một hổ cái Tử Tú Anh, tuy bản tánh hung hăng, nhưng trước cái chết khủng khiếp của chồng và ba vị đại đầu lĩnh khiến mụ ta xác chẳng còn hồn, mặt mày tái mét như kẻ chết đuối!

Mụ cố cắn răng mím môi vung ngọn chùy "Cửu Diệp Liên Hoa" liệng ra, tức thì từ những cánh hoa sen trên đồng trùng liền quay tròn chuyển động bay vút ra năm mũi ám khí, tấn công vào ngũ quan thất khiếu của Hoàng Dược Sư.

Ngọn đồng trùng, Cửu Diệp Liên Hoa của Yên Chi Hồ, bên trong ruột trống phỗng dùng để giấu năm mũi tên nhỏ bằng gang, tẩm thuốc độc cực mạnh, gặp máu là hít cứng chẳng rời.

Lúc chẳng dùng đến thì để yên trong lòng trái chúng, nếu khi gặp phải cường địch chỉ cần buông ngay cán chùy, chín cánh hoa nơi đầu chùy lập tức chuyển động và bung ra, những mũi tên độc từ bên trong tự động bay vút ra ngoài.

Môn công phu đồng chùy kẹp ám khí ấy, mười phần ám độc lợi hại. Yên Chi Hổ đã dùng tuyệt kỹ ấy sát hại vô số hảo hán trên chốn giang hồ, nhưng y thị dùng món ám khí âm tổn ấy để hại mạng Hoàng Dược Sư, có khác nào là dã tràng xe cát!

Khi tên độc vừa bay thoát ra ngoài, Hoàng Dược Sư nhẹ nhàng phất tay áo xanh lập tức có một luồng cương khí bay tới đẩy bật những mui phi độc châm quay mũi bay trở lại và lạ lùng thay năm mũi tên độc ấy như năm con rắn linh động bay đúng tai, mắt, mũi họng của Yên Chi Hồ khiến nàng rú lên một tiếng thảm thiết rồi té nhào trên mặt đất.

Kể ra ả nữ tặc ấy cũng khá hào hùng vừa ngã nhào xuống mặt đất y thị liền giơ ngọn đồng chùy lên tự bổ vào đầu mình liền hai cái "bộp! bộp!", tử tiết theo chồng để tránh nhục nhã.

Hoàng Dược Sư hạ luôn một hơi Ngũ hổ xong, mặt chẳng đổi sắc, tay phải vung một cái giựt đứt tất cả dây trói và gọi lớn:

- Kéo những tử thi này ra phía ngoài, đào đất chôn cho khuất mắt!

Mọi người thấy Hoàng Dược Sư, chỉ nhẹ nhàng nhấc tay giơ chân có mấy lượt mà giết tan bầy cọp dữ trong Thái Hồ dễ dàng còn hơn người ta xắt rau lạng thịt, người nào cũng khiếp đảm kinh hồn, ghê sợ cho bản lĩnh quá sức cao diệu của vị khách áo xanh lạ lùng kia.

Võ Hồng Quang tuy còn bé nhưng khôn ngoan bạo dạn khác thường, vội chạy ra chỉ huy mấy người tráng đinh dùng chiếu bó thân bọn cướp đem ra mai táng bên ngoài bãi tha ma.

Mấy vị hương lão liền cung kính vòng tay hỏi Hoàng Dược Sư:

- Dám hỏi Hoàng ân công còn mấy tên giặc kia thì sao?

Hoàng Dược Sư bực dọc khoát tay bảo:

- Đám cẩu tặc ấy đâu đáng cho ta ra tay trừng trị. Đem giải tất cả lên quan trị tội được rồi!

Mọi người vâng dạ chẳng dám trái lời.

Hoàng Dược Sư trở về nhà Võ Trọng Thuấn, một lát sau Võ Hồng Quang cũng về đến nơi chạy ù vào tìm Hoàng Dược Sư báo cáo:

- Thưa Hoàng lão gia, năm tử thi của Thái Hồ ngũ hổ đã chôn cất xong xuôi rồi!

Hoàng Dược Sư mỉm cười, lấy tay xoa đầu Hồng Quang và nói:

- Cháu giỏi lắm, thông minh lắm, ta nhận cháu làm đồ đệ đem đến một nơi đẹp đẽ tuyển tập võ nghệ chịu không?

Hồng Quang chưa tỏ ý khẩn cầu, được Hoàng Dược Sư gãi đúng chỗ ngứa của mình, mừng rỡ ra mặt, vội quì ngay xuống vập đầu xuống đất vái lấy vái để.

Võ Trọng Thuấn đứng cạnh thấy Hoàng Dược Sư chịu nhận cháu mình làm đồ đệ, sung sướng cười lên ha hả, nói:

- Hoàng tướng công định thâu nhận cháu tôi làm môn hạ thật sao? Vậy không biết lão ân công luyện công phu thuộc về môn phái nào, và động phủ ở nơi đâu?

Hoàng Dược Sư chỉ cười mà không đáp, lại quay hỏi Hồng Quang:

- Này con, nơi đây con có làm gì không? Có thiếu vật gì của ai chăng?

Hồng Quang lắc đầu đáp:

- Thưa sư phụ, không có!

Hoàng Dược Sư gật đầu đáp:

- Thế thì được lắm, bây giờ chúng ta nên khởi hành là vừa!

Võ Trọng Thuấn nói:

- Hoàng lão sư, ông...ông...

Đào Hoa đảo chủ liền quàng tay phải cặp gọn Võ Hồng Quang vào nách rồi thoắt một cái đã nhảy qua khỏi mấy căn nhà, thấp thoáng lúc nhảy lúc đáp thêm mấy lượt nữa, tông tích chàng đã biến mất vào rừng cây um tùm!

Võ Trọng Thuấn lòng đau như cắt vì thương nhớ cháu thơ.

Bá tánh trong trấn Ô Kiều dụm năm dụm ba kề tai phụ nhĩ, mọi người đều cho Hoàng Dược Sư là thần tiên giáng phàm để cứu nguy cho nhân dân thôn ấp.

Đào Hoa đảo chủ sau khi cắp Võ Hồng Quang vào nách, liền phi thân vun vút lìa khỏi Ô Kiều trấn.

Chỉ trong một ngày một đêm đã vượt trên tám trăm dặm lộ trình.

Bước vào miền duyên hải của khu vực Triết Đông.

Hoàng Dược Sư mới để Võ Hồng Quang xuống đất rồi nói:

- Đến chỗ địa đầu rồi!

Võ Hồng Quang nhìn ra biển cả xanh ngát, bàng hoàng hỏi:

- Thưa sư phụ, nhà của sư phụ trên biển cả này phải chăng?

Hoàng Dược Sư gật đầu đáp:

- Đúng! Nhà của ta trên một hải đảo giữa biển Đông, con đứng chờ ở đây, đợi sư phụ kiếm thuyền, thầy trò ta cùng quá giang.

Võ Hồng Quang liền ngồi xổm trên mỏm đá dựa bờ biển.

Hoàng Dược Sư men theo bờ biển đi ngược lên độ ba bốn dặm thì bỗng nhìn thấy trên một biển nhấp nhô một thuyền nan mỏng manh không chèo không lái, trôi xuôi theo giòng hải lưu.

Hoàng Dược Sư lẩm bẩm tự nhủ lấy mình:

- Nơi đây sao lại có chiếc thuyền lạc lõng vô chủ như thế? Lạ thật!

Chàng ước định chiếc thuyền ấy cách xa bờ biển không xa liền ngầm vận cương khí, hai tay cung lại thành hình bán nguyệt, đưa thẳng ra ngoài rồi từ từ cuốn trở vào lòng.

Hoàng Dược Sư với cách thức vừa rồi chính đã dùng thần công của Phách Không chưởng, tức thì chiếc thuyền đang trôi băng theo chiều nước, bỗng xoay tròn một chỗ đoạn từ từ theo tiềm lực của vòng tay Hoàng Dược Sư, nhích dần vào bờ như bị một sức hút vô hình giữ phải vậy.

Hoàng Dược Sư đưa mắt nhìn vào khoang thuyền, bất giác giật mình đánh thót như bị điện giựt.

Thì ra trong chiếc thuyền nan ấy có một thiếu nữ áo hồng đang nằm thiêm thiếp, tuổi độ mười bảy hay mười bốn gì đó, mặt úp xuống khoang thuyền nên không thấy rõ dung nhan nàng ra sao.

Hoàng Dược Sư cau mày nghĩ ngợi, đoạn quay đầu kêu Võ Hồng Quang:

- Hồng Nhi, lại đây mau.

Hồng Quang liền nhảy khỏi mỏm đá, chạy bay đến nơi Hoàng Dược Sư đang đứng, cậu lõ mắt nhìn vào chiếc thuyền, thất thanh la lên:

- Ủa! Sao trong thuyền lại có một cô gái đang nằm, nàng là người nào vậy?

Hoàng Dược Sư nói:

- Con xuống bồng nàng ấy lên bờ đi!

Võ Hồng Quang giật mình hỏi:

- Thưa sư phụ, con làm sao ẵm nàng lên được? Vì ông con ở nhà thường răn dạy, nam nữ thọ thọ bất thân, đệ tử thật không dám vượt lễ nghi đâu!

Hoàng Dược Sư nghiêm sắc mặt đáp:

- Nói xàm, cái gì nam nữ thọ thọ bất thân, thầy rất ghét lối đạo đức giả ấy, một con người chỉ cần tâm địa quang minh, hà tất câu thúc theo lối lễ nghĩa trống rỗng ấy?

Võ Hồng Quang nghe sư phụ nói thế, không dám cãi lý, chỉ đành bước xuống be thuyền ẵm xốc nàng thiếu nữ ấy lên bờ, thấy nàng ta sắc diện tái trắng, nơi gáy có một vết thương sâu, vết máu chưa khô, trên tay cũng bị thương tích, nói chẳng ra hơi. Tình cảnh xem ra cô rất tiều tụy khổ sở, nhưng mắt mũi cân xứng, môi tím má hồng, chứng tỏ một sắc đẹp kiều diễm hơn người.

Hoàng Dược Sư nhìn thấy dung mạo của thiếu nữ đang bất tỉnh kia, không hiểu vì sao, trống ngực nhảy lên phập phồng khác thường.

Võ Hồng Quang để thiếu nữ nằm nhẹ xuống đất và nói:

- Sư phụ nàng thiếu nữ này có phần kỳ bí lắm, tại sao một mình nàng chơ vơ trên thuyền! Trên người lại bị thương, mà thuyền thì không có buồm có chèo, tự dưng lại trôi đến nơi đây được chứ?

Hoàng Dược Sư chẳng bận đáp lời, thò tay vào túi móc ra một bình nhỏ bằng ngọc trong bình đựng đầy ngãi nhung, chàng bèn cẩn thận lấy ra một cọng ngãi nhỏ tí như sợi tơ nhung, đánh lửa đốt lên kê vào mũi thiếu nữ, sức mạnh của hương thơm ngãi nhung quả kỳ diệu, nàng thiếu nữ liền hách xì lên mấy cái, rồi từ từ mở mắt ra.

Nhưng kể cũng lạ, thiếu nữ tuy tỉnh hẳn, mắt đà mở lên trao tráo mà hơi thở yếu nhẹ như tơ, đôi môi anh đào mấp máy không ngớt, nhưng nói chẳng ra lời.

Võ Hồng Quang bèn nói:

- Sư phụ, chúng ta đã cứu nàng tĩnh dậy rồi nhưng cô ta không nói chuyện được, chắc không xong quá?

Hoàng Dược Sư nghiệm giọng đáp:

- Nói bá láp! Thiếu nữ này chỉ không nói chuyện được, chứ không bị thương, xem tình cảnh của nàng thì ít nhất ba ngày rồi chẳng ăn uống được vật gì, nên quá đói mà nói chẳng thành tiếng.

Hồng nhi con giúp cô ta tìm vài món ăn uống đỡ lòng đi.

Võ Hồng Quang ngần ngừ và nói:

- Bờ biển hoang liêu, nhà cửa chẳng có, tìm đâu cho ra thức ăn uống.

Hoàng Dược Sư sầm mặt lại đáp:

- Bảo ngươi tìm chút thức ăn uống, ngươi lại này nọ kia khác đủ chuyện, cho đến một sự cỏn con mà làm chẳng xong còn xứng đáng làm đồ đệ ta được chăng? Về nhà đi cho rảnh mắt ta!

Hồng Quang quýnh quít tay chân dạ liền:

- Vâng! Vâng! Thưa sư phụ, con xin làm ngay!

Nói xong cậu bé ngoắc mình chạy cong một hồi, trong lòng thầm nghĩ:

- Vị sư phụ này tánh tình lạ thường lại hay tị hiềm giận dỗi không đâu, tuy mình đã bái nhận người làm thầy, nhưng e khó mà làm học trò ông ta được!

Võ Hồng Quang chạy ù một hồi bảy tám dặm đường, thấy phía trước mặt có hơi khói bay lên.

Võ Hồng Quang ngầm kêu lên mừng rỡ:

- Xấu hổ thật! Phía trước có khói tất có người ở, mà có người ở là chắc hẳn phải có thức ăn uống cho sư phụ rồi. Mình cứ một hai từ chối chẳng chịu đi, xấu hổ thật!

Hồng Quang nhanh thêm bước chân, nhắm phía có làn khói tỏa chạy tới, quả như y diệu, phía trước hiện ra hai căn nhà tranh, khói trắng từ đỉnh nhà bốc lên nghi ngút chứng tỏ là bên trong có người đang nấu nướng gì đó.

Hồng Quang cau mày lẩm bẩm một mình:

- Xem bề thế của căn nhà tranh này, chủ gia nhất định là một nông dân, người trong nhà nấu cơm có lẽ để đem lên ruộng ăn, ta làm cách nào mà xin cho được đây!

Lầm bầm đến đây cậu bé sực nhớ trong túi còn chút ít bạc vụn,mừng rỡ kêu lên:

- À! Có rồi, tiền còn qua mặt được thánh thần, ta dại gì mà dùng tiền mua lại phần cơm của họ! Ư hứ!

Nghĩ xong, cậu bèn vuốt lại nếp áo sửa bộ nhu mì bước vào ngạch cửa của nông gia ấy và lớn tiếng chào hỏi hết sức lễ phép:

- Thưa chú, thưa thím!

Cậu bé liên tiếp gọi lớn mấy tiếng, bên trong mới có một người đàn bà quê mùa bước ra đầu rối áo thôi, thấy Hồng Quang là một đứa trẻ bèn hỏi:

- Ủa! Cậu nhỏ kia, từ đâu đến vậy! Xem ra cậu chẳng phải là người của bổn thôn, làm gì mà đứng trước cửa nhà tôi kêu om sòm lên vậy?

Hồng Quang vội móc bạc ra trao tận tay thiếu phụ quê mùa và nói:

- Thưa thím, trong bếp thím hiện có sẵn cơm canh nấu rồi, thím vui lòng nhường lại cho, tôi có người bạn đang...

Cậu bé chưa nói dứt lời, thiếu phụ quê mùa đã lắc đầu lia lịa trả bạc lại và nói:

- Không được đâu, cơm này tôi để đem lên ruộng cho chồng tôi, không thể bán cho cậu em được, cậu em đi nơi khác vậy, phía trước cách đây mười dặm đường có một quán cơm vào đó mua tiện hơn!

Nói xong y thị đầu chẳng thèm quay lại ngoe nguẩy đi vào một nước.

Hồng Quang bị thất vọng tưng hửng đứng trơ một chỗ nửa khóc nửa cười.

Mụ nhà quê chẳng chịu nhường phần cơm nước lại cho mình lại bảo đến quán cơm cách đây mười dặm mua, nhưng cậu bé đã chạy một đổi đường dài bảy tám dặm, đã lết bết hai chân, đâu còn sức mà chạy thêm mười dặm nữa. Vả lại bận đi bận về trên chục dặm đường!

Nhưng Hồng Quang vốn là một đứa bé thông minh, cậu ta nháy mắt mấy cái đã suy nghĩ ra được một kế vỗ tay mừng rỡ nói lấy mình:

- Ai bảo bà thấy tiền chẳng thèm, tôi sẽ có cách cho bà biết tay.

Hồng Quang nói xong, liền cúi đầu chui ra phía sau nhà ngó quanh bốn phía chẳng thấy ai, liền đánh đu lên cửa ghé mắt nhìn vào, quả nhiên không ngoài ý liệu, nơi đây là một gian nhà bếp nhỏ và thiếu phụ lúc nãy đang bới cơm múc canh, để vào một chiếc giỏ tre.

Hồng Quang chọn hai cục đá to bằng nắm tay, khẽ với tay nhắm ngay ơ canh đang sôi quăng vào đánh bỏm một tiếng, nước canh trong ơ văng tung toe bắn cả vào mặt thiếu phụ, khiến y thị tá hỏa tam tinh, thất thanh kêu lên như bọng:

- Ái cha!

Y lại quay mắng chửi toáng lên:

- Đồ tiểu yêu chết tử chết tuyệt này dám ghẹo đến cả gái xề này!

Y thị giận đến thở lên hồ hào, rút bên lò ra thanh đũa bằng sắt, tuôn ra khói cửa nhà bếp, miệng láp dáp chửi như mắc thằng bố, chân lẹp bẹp như con vịt xiêm, đuổi thẳng ra khỏi nhà, nhưng chẳng thấy bóng ai.

Hồng Quang thấy thiếu phụ đã trúng kế mình, trong bụng tức cười thầm, hai tay đẩy cửa xong lịch sang bên nhảy tót vào trú phòng, một tay xách gọn giỏ đồ ăn, thuận tay còn rút một mớ củi đang cháy đỏ trong lò rãi đầy trước cửa nhà bếp đoạn ta to lên:

- Không xong! Có trộm! Mau bắt trộm bớ người ta!

Thiếu phụ quê mùa kia, một trăm phần cũng không ngờ Võ Hồng Quang gạt gẫm mình, cứ ngỡ trẻ hàng xóm nghịch ngợm, quăng đá vào nhà, vừa đưa lại lọt ngay cả canh, văng lên phỏng cả đầu cổ mình, không khỏi nổi giận xung thiên định chạy thẳng ra ngoài chộp đầu đứa bé nghịch ngợm dần cho một trận.

Nào ngờ vừa chạy ra khỏi cửa nghe trong nhà bếp của mình có tiếng kêu trộm inh ỏi, hốt hoảng chẳng cùng, vội hấp tấp chạy bay trở về.

Ngờ đâu mới chạy về đến cửa đạp phải những tàn lửa của những khúc củi đang cháy đau quá nhảy lên choi chói, ôm lấy bàn chân xuýt xoa rên to:

- Ái cha! Ái cha!

Hồng Quang thừa lúc thiếu phụ ngồi xổm dưới rên rỉ như bọng, liền xách chiếc giỏ đựng cơm canh chạy dông một hơi mất.

Hồng Quang dùng kế đoạt được giỏ cơm canh của thiếu phụ, mừng rỡ chạy bay trở lại biển, thấy Hoàng Dược Sư đã đỡ thiếu nữ lúc nãy lên ghềnh đá, lại bảo nàng ngồi xếp bằng, dựa mình vào lòng mình.

Hoàng Dược Sư thấy Võ Hồng Quang xách giỏ đồ ăn chạy trở về, trên mặt không khỏi lộ vẻ tươi cười.

Hồng Quang chạy một hơi đến trước mặt sư phụ, mới đặt giỏ đồ ăn xuống và nói:

- Thưa sư phụ!

Hoàng Dược Sư khoát tay bảo:

- Khỏi thuật lại, thấy dạng của con, thầy đã dư biết giỏ cơm canh này nếu chẳng phải trộm thì cũng là giựt mà đem về đây. Nhưng không sao! Đệ tử Đào Hoa đảo của chúng ta, chỉ trọng thực danh mà không câu nệ tiểu tiết, trộm cũng được mà giựt cũng xong chỉ cần đừng sát nhân hại mạng là đủ rồi, mau đem đến đây.

Võ Hồng Quang đinh ninh là ít nhất sư phụ cũng quở trách vài lời, nào ngờ sự việc lại trái hẳn, sư phụ còn tỏ ý khen tặng khích lệ nữa là khác!

Hoàng Dược Sư nói xong liền mở nắp giỏ tre ra, thấy bên trong là một tô canh cải trắng nấu đậu hũ, cùng một thố cơm tấm trắng, hơi còn nóng nghi ngút.


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-86)


<