Vay nóng Homecredit

Truyện:Võ lâm ngũ bá - Hồi 23

Võ lâm ngũ bá
Trọn bộ 86 hồi
Hồi 23: Chôn Kinh Để Rõ Chí
5.00
(3 lượt)


Hồi (1-86)

Siêu sale Lazada

Nhưng sự thể đã đến nước này, thế như đã cưỡi lên lưng cọp muốn leo xuống song không được, chỉ còn cách hứng chịu những biến cố sắp đến mà thôi.

Chàng dắt tất cả đệ tử trở về Yên Hà động. Về đến nơi, Trùng Dương hỏi Châu Bá Thông:

- Sư đệ, em nghĩ sao mà bày ra trò chơi kỳ cục như thế? Đem hộp Chân kinh quý giá hơn ngàn vàng quăng đi ném lại giữa ban ngày ban mặt, nếu không có ngu huynh kịp thời trở về, thật Cửu Âm chân kinh có phải bị hai tên ma đầu kia đoạt mất rồi chăng?

Châu Bá Thông xấu hổ đến mặt mày đỏ lựng, sáu đệ tử đang ngồi sau lưng y đều bậm môi cố nín cười. Trùng Dương biết rõ sư đệ mình tánh quen khỉ khọt, nhưng trước mặt bọn sư điệt, cũng nên giữ gìn chút thể thống cho y. Chàng chỉ đành cố nén giận thở dài nói với chúng đệ tử:

- Lần này thầy đến Biện Kinh, không đến nỗi uổng công lắm. Nhân sự tình cờ thầy đã tìm được bí quyết mở chiếc hộp.

Chàng bèn đem việc sừng tê ngưu kỵ chất muối ra sao từ đoạn thuật lại cho các đệ tử nghe.

Châu Bá Thông liền nhảy tưng lên và nói:

- Muối ăn đấy phải không? Nếu thế dễ lắm, để em xuống núi mua ngay!

Trùng Dương vội ngăn lại bảo:

- Khoan đã! Chiếc hộp nhất định là mở ra được rồi. Nhưng chúng ta cũng nên tuân theo lời di ngôn của tiền nhân là phải tắm gội sạch sẽ, cung kính đốt nhang tụng đủ ngàn biên kinh Huỳnh đình, sau đấy mới được phép mở chiếc hộp ra được?

Châu Bá Thông trề môi đáp:

- Chỉ có mở chiếc hộp mà cũng phải nam mô, nam mô ta bà ba, ta bà ho, đủ chuyện. Thật là rắc rối gớm.

Trùng Dương bèn sai Đàm Xứ Đoan xuống núi mua muối đem về. Toàn Chân phái lớn nhỏ tám người đều y theo lời di chúc của Hải Vân Tử chân nhân, tắm gội tụng kinh, đốt hương, lễ bái, qua một ngày một đêm mới tụng hết được ngàn biên kinh.

Trùng Dương trịnh trọng đem muối bỏ vào chiếc thùng cây đổ nước trong vào chờ chất muối tan hết mới đem chiếc hộp đựng chân kinh bỏ vào thùng ngâm.

Kể ra cũng lạ thật, trăm phương ngàn kế cũng không làm sao mở chiếc hộp ra được. Thế mà chỉ cần ngâm trong nước muối trong thời gian không đầy một buổi cơm, chiếc hộp rắn như đá, cứng như sắt nguội ấy đã có thấy trạng thái mềm nhủn rồi.

Trùng Dương bèn thò tay vớt chiếc hộp ra, để ngay ngắn trên thạch bàn, lau sạch nước muối xung quanh hộp, rồi lấy một mũi dao găm thật bén, rọc mạnh theo đường kháp chiếc hộp vừa bị nước muối làm hiện ra, "Loong", "Coong" hai tiếng chiếc hộp đã rã thành hai mảnh.

Chiếc hộp vừa được mở ra mười sáu con mắt đều chăm chú đổ dồn về đáy hộp. Quả nhiên không ngoài ý liệu, trong hộp nằm ngay ngắn hai quyển vở chép tay bìa bọc bằng lụa đỏ, màu lụa đã ngả sang màu vàng tía, bìa quyển vở lồ lộ rõ ràng bốn chữ triện thật lớn: Cửu Âm chân kinh.

Châu Bá Thông mừng đến nhảy tưng tưng lên. Chàng định giơ tay bốc lấy.

Trùng Dường liền ngăn lại:

- Đừng lộn xộn, chờ ta xem lại đã!

Châu Bá Thông vội rút tay lại. Trùng Dương cẩn thận cầm lên xem, thấy có hai quyển, một thượng, một hạ. Trùng Dương lật quyển thượng nơi trang thứ nhất đọc thầm:

- Thiên chi đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc, thị cố hư thắng dật, bất túc thắng hữu dư, thiên hạ võ học vạn lưu đồng tông, định ư nhất, võ học tinh giả, khu khí thành vân, phách thạch sanh hỏa, đốc mạch nhị huyệt nhứt thông, tức năng đoạt thiên địa chi tạo hóa, thượng cách thương minh, thanh vấn ư thiên. Lão Tử sở dị tai tự trung nhân dã.

Tạm dịch:

- Đạo của Trời, lấy cái dư mà bù vào cái thiếu, đây là cái nguyên cớ lưng mà thắng đầy, cái thiếu thắng sự dư. Võ học trong thiên hạ tuy vạn nhánh nhưng cùng một nguồn, tóm lại chỉ là một. Người võ học tinh suốt, có thể thổi khí thành mây, chẻ đá ra lửa, nếu đốc mạch hai huyệt đều thông thì có thể đoạt quyền tạo hóa của trời đất, thượng cách sâu diệu minh mẫn, tiếng vọng tới Trời, cho nên Lão Tử mới nói do từ trong thân ra vậy...

Trùng Dương đọc đến đây, bất giác giật mình thầm nghĩ rằng:

- Cửu Âm chân kinh cao diệu lợi hại như vậy, nếu tập luyện xong, rất có thể thành kẻ trường sanh bất lão, mà trở nên một vị thần tiên trên mặt đất vậy!

Nhưng tại sao Hải Vân Tử đã giữ nó được trên mười năm, mà vẫn không thoát khỏi cái chết kìa?

Chàng lật xem sơ qua quyển thượng một hồi, thấy toàn là võ học bí quyết, lý giải những công phu hít thở. Chàng liền lật đến quyển hạ để xem, thì nội dung đã khác với quyển trước, toàn là phương pháp luyện công, nhưng công phu luyện công ấy đều ác độc dị thường.

Trang nhứt và trang hai là công phu Cửu Âm thần trảo, hoàn toàn dùng công lực của ngón tay, khác hẳn với phép luyện Nhất Dương chỉ, phải cần dùng một số lớn heo dê còn sống, rồi dùng chỉ lực thọc mạnh vào trong óc của chúng, luyện đến khi đầu năm ngón tay đã thành công, còn phải tẩm thêm chất độc lên ngón tay mới được. Trang ba và trang tư ghi chú bí pháp Tồi Tâm chưởng, hoàn toàn sử dụng bằng chưởng công khác hẳn với Phích Không chưởng của Toàn Chân phái, vì chưởng lực của Tồi Tâm chưởng sau khi thoát ra ngoài có thể làm nát bấy quả tim của địch, làm cho đối phương thổ huyết mà chết.

Trang thứ năm đến trang tám thì chép về Độc Hạp thần công, đấy là công phu luyện tập móng tay, luyện xong có thể vừa đụng vào thân người, kẻ địch sẽ chết không phương cứu chữa.

Trùng Dương xem đến trang thứ tám, sắc mặt liền đổi khác, Cửu Âm chân kinh hoàn toàn ghi chép những công phu ác độc như thế này, nếu muốn luyện tập nó thì phải tàn hại biết bao nhiêu là sinh vật tỉ như Cửu Âm thần trảo phải dùng trâu chó làm vật hy sinh cho mình luyện tập, còn Tồi Tâm chưởng vá Độc Hạp thần công cũng cần có mèo chó để cho người luyện tập thí nghiệm.

Chàng là một người đã xuất gia cầu đạo không được phép sát sinh, thì đâu có thể vì luyện võ công mà trái với lẽ đạo. Dạy cho đệ tử môn hạ của mình luyện tập ư? Không những chẳng nên dạy cho đám đệ tử luyện tập loại công phu ác độc ấy mà còn phải ra công đề phòng hai quyển chân kinh lọt vào tay người ngoài tổn cả ân đức của mình nữa là khác!

Rốt cuộc, sự hao tâm mất trí của chàng để lấy lại cho được Cửu Âm chân kinh đã không ích lợi gì mà còn chuốt lấy bao nhiêu sự rắc rối cho mình.

Châu Bá Thông và sáu đệ tử cung kính đứng im chờ đợi, thấy Trùng Dương đọc hơn mười trang kinh mà sắc mặt lúc thì trong lúc thì tái xanh, thần sắc càng lúc càng biến đổi thêm, cuối cùng ngừng tay không lật nữa, mà tỏ vẻ buồn rầu tư lự, cau mày nghĩ ngợi luôn nên ai nấy đều hồ nghi không hiểu trong kinh ghi chép những gì.

Châu Bá Thông không dằn được bèn cất tiếng hỏi:

- Sư huynh, chân kinh anh đã đọc sơ qua rồi? Sao làm thinh không nói gì hết, chẳng lẽ bị tráo thứ giả rồi hay sao?

Trùng Dương buồn bã lắc đầu không đáp, rồi bỗng nhiên đứng phắt dậy, đập mạnh tay lên mặt ghế đá đánh "Bộp!" một tiếng, đá vụn liền bay lên rào rào trên mặt bàn, chiếc bàn đá cứng lõm sâu xuống hình một bàn tay rỏ ràng cả những dấu chỉ tay, tựa như dùng dao chạm khắc lên vậy. Mọi người hoảng hồn ngạc nhiên hết sức. Trùng Dương bỗng kêu lên:

- Ta quấy mất! Đáng lẽ chân kinh này ta nên để nó chìm mãi dưới đáy suối Hoa Sơn mới phải. Võ học trên chân kinh tuyệt đối không nên luyện tập!

Những lời của chàng vừa thốt. Châu Bá Thông và sáu đệ tử ngạc nhiên đến cực độ, Châu Bá Thông là người rắn mắt nhứt trong bọn, liền tru tréo lên:

- Sư huynh, anh nói gì vậy? Đưa nguyên bản chân kinh cho tiểu đệ xem thử coi!

Miệng nói, tay đã thò ra bóc lấy quyển chân kinh. Trùng Dương bất thần lại vung tay áo một cái và kêu lên:

- Dang ra! Không được loạn động!

"Bùng" "Chát!" hai tiếng, thân hình Châu Bá Thông liền bị đẩy bật ra xa hai trượng. Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ và mọi người đều giựt mình sợ sệt. Vì tuy công phu của Châu Bá Thông chưa đến mức thượng đẳng siêu việt nhưng cũng đạt tới cảnh giới Thăng Đường Nhập Thất mà bị sư phụ rung khẽ tay áo một cái, thân hình của sư thúc văng bắn ra xa như mũi tên lìa ná! Đủ thấy võ công của sư phụ mình cao diệu đến mức không lường được!

Châu Bá Thông lăn tròn dưới đất một vòng rồi nhảy dựng dậy kêu lên:

- Sư huynh, sao anh lại dùng Thái Ất huyền công xô tiểu đệ? Nếu xương gân của tiểu đệ không cứng rắn, có phải bị sư huynh đánh cho dở chết dở sống chăng?

Trùng Dương vẻ mặt lạnh tựa như bị lớp sương che phủ, trầm giọng nói:

- Các người nên hiểu rõ: Cửu Âm chân kinh là quyển kinh thư độc đáo trong thiên hạ, nhưng tiếc thay công phu trong kinh lại tàn bạo quá mức, không đáng cho chúng ta là đệ tử của Huyền môn luyện tập nó! Vậy bắt đầu từ hôm nay, bổn Chân kinh này chúng ta không được phép luyện tập, cũng không được phép xem nó! Kẻ nào dám trái lịnh nghiêm cấm của ta lén đọc chân kinh này, sẽ lập tức bị đuổi ra khỏi cửa động, khai trừ khỏi môn phái Toàn Chân, bọn ngươi nghe rõ chưa?

Trùng Dương chân nhân tánh tình vốn ôn hòa khiêm cung, đối với đệ tử rất từ ái, không hề nói nặng mấy lời Nhưng lần này lại khác với thái độ hàng ngày, khiến Châu Bá Thông và sáu đệ tử đều ngẩn ngơ kinh ngạc, tựa như chú mán lạc thành đô, sững sờ cả buổi mà không thốt lời được.

Giây lát sau, Mã Ngọc mới rụt rè lên tiếng:

- Thưa sư phụ, đệ tử xin mạo muội hỏi rõ một điều, võ công ghi chép trên quyển kinh ấy, vì sao gọi là tàn bạo? Sư phụ có thể cắt nghĩa cho chúng con hiểu rõ. Để chúng con lấy đó mà sửa mình?

Trùng Dương gật đậu đáp:

- À! Công phu trên kinh tàn bạo như thế nào phải không? Chỉ với môn trảo công mà phải dùng nơi óc của trâu dê sống để luyện tập, với một đoạn cũng đủ hiểu rõ nội dung cả một quyển rồi! Thử hỏi các con, môn công phu như vậy có nên luyện hay không?

Chúng đệ tử đầu le lưỡi lắc đầu, đồng thanh đáp:

- Ái chà! Trong thiên hạ lại có môn võ công tàn nhẫn vậy sao? Tất nhiên là không nên luyện nó.

Châu Bá Thông mặt mày nhăn nhó như khỉ đáp:

- Chỉ xui xẻo cho mình, trăm đắng ngàn cay mới đem được chân kinh về, hộp kinh lại không thể mở ra được, phải phí bao nhiêu tâm cơ mưu kế mới mở nổi chiếc hộp, thì chân kinh lại không thể luyện, đến đỗi đọc sơ qua một chút cũng không có quyền đọc, như vậy còn để lại làm gì mệt trí hao hơi? Theo tôi thì đem nó bỏ vào lò lửa quách cho êm chuyện.

Trùng Dương ngẫm nghĩ một chút rồi gật đầu nói:

- Phải lắm! Xứ Cơ đốt lửa lên!

Khưu Xứ Cơ lập tức vào trong bưng ra một chiếc lò cùng chút ít rơm củi, đến trước hương án của Tam Thanh Đạo Tổ, rồi nổi lửa đốt lên. Trùng Dương vừa muốn ném hai quyển chân kinh vào ngọn lửa để đốt bỗng lúc ấy từ động ngoài có một luồng sơn phong thổi vào, lửa vừa mới nhúm lên, bị gió thổi tắt ngay.

Quả là một sự ngẫu nhiên không hiểu được, Trùng Dương ngẩn người suy nghĩ giây lát, nói:

- Khoan đã, đừng nhúm lửa nữa!

Chúng đệ tử đều ngạc nhiên không hiểu. Trùng Dương hai tay nâng lấy chân kinh xem sơ một lúc, rồi thở dài nói tiếp:

- Tâm huyết của tiền nhân, sao ta lại nỡ đem hủy diệt cho đành, ta hãy bắt chước theo ý chí của Hải Vân Tử, đem chôn nó phải hơn!

Châu Bá Thông lạ lùng hỏi:

- Sư huynh không đốt Chân. Kinh cho tốt. Anh không sợ sau này sanh ra lắm chuyện, gợi lòng tham bao nhiêu cường địch đến quấy nhiễu sơn môn hay sao?

Vương Trùng Dương cảm khái nói:

- Ma đưa lối quỷ dẫn đường! Tự ta tìm trăm phương ngàn kế lấy cho được chân kinh ngỡ rằng sẽ được học hỏi thêm không ngờ lại tạo thêm nhiều rắc rối.

Sau này, dẫu cho vì Chân kinh mà chúng ta bị nhiều quấy rối thì cũng cam chịu chớ biết làm sao.

Trùng Dương quyết làm chiếc hộp khác bằng đá để tàng trữ chân kinh một nơi hết sức bí mật và nguyện sẽ bảo vệ chân kinh trong suốt cuộc đời mình không cho lọt vào tay người khác. Trùng Dương định rằng bao giờ chàng sức tàn hơi tận mới chịu đem Chân kinh ra hủy diệt.

Thời gian thấm thoắt đã qua một năm, vào tiết tháng ba cuối xuân, Châu Bá Thông bỗng sực nhớ ngày ước hẹn với Song quái họ Âm nơi Lục Hoành đảo đã đến, nghĩ thầm:

- Mình đã nhận lời giao ước của đối phương. Không thể nào bội ước được.

Do đó Châu Bá Thông đem ý kiến nhắc lại với Trùng Dương. Vương Trùng Dương liền bảo:

- Sư đệ, sự này chính sư đệ chuốc lấy phiền não cho mình! Vậy một mình sư đệ đi phải hơn? Đừng trách ta sao không can dự!

Châu Bá Thông đáp:

- Dĩ nhiên là biết bản lĩnh của Song quái họ Âm cũng tầm thường sư huynh không cần đi cho mất công, để tiểu đệ và mấy sư diệt đi cũng đủ rồi.

Châu Bá Thông trong ý định nhờ Mã Ngọc và Khưu Xứ Cơ theo giúp tay mình, nào ngờ Trùng Dương lắc đầu nói:

- Không được, mấy đồ đệ của ta bản lãnh còn non kém lắm, chưa đủ sức hạ sơn làm rạng danh môn phái. Làm sao ta dám cho chúng xuống núi thi thố tài năng được? Sư đệ không dám đi một mình sao? Công phu của sư đệ cũng đủ sức khắc phục được hai anh em họ Âm. Hà tất kêu bọn chúng theo giúp đỡ làm gì.

Châu Bá Thông chẳng biết làm sao hơn liền đáp:

- Được rồi, đi một mình thì đi chớ ai sợ gì!

Quả nhiên hai ngày sau. Châu Bá Thông liền rời khỏi núi Tung Sơn, trực chỉ về hướng Đông nam.


Meow! Sen Ơi Đừng Sợ
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-86)


<